BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3816/QĐ-TCHQ |
Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2014 |
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 06 năm 2014 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 27/2011/NĐ-CP ngày 09/4/2011 của Chính phủ về cung cấp, khai thác, xử lý thông tin hành khách trước khi nhập cảnh qua đường hàng không;
Căn cứ Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg ngày 15/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy trình thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
Điều 3. Áp dụng tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài thay thế cho Quyết định số 1165/QĐ-TCHQ ngày 21/06/2011 của Tổng cục Hải quan
Điều 4. Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hà Nội, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG |
TẠM THỜI THỦ TỤC HẢI QUAN, GIÁM SÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNH LÝ CỦA NGƯỜI
XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH, QUÁ CẢNH TẠI CỬA KHẨU SÂN BAY QUỐC TẾ NỘI BÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3816/QĐ-TCHQ ngày 23 tháng 12 năm 2014 của
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
Quy trình này hướng dẫn thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài.
Cán bộ, công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài.
1. Hành lý mang theo người (gồm hành lý xách tay, hành lý ký gửi cùng chuyến đi) thực hiện thủ tục tại Đội thủ tục hành lý ngay tại cửa khẩu.
2. Hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi thực hiện thủ tục tại Đội thủ tục hàng hóa tại cửa khẩu hoặc thực hiện các thủ tục chuyển cửa khẩu về kho hàng không kéo dài hoặc cảng nội địa - ICD (cảng đích ghi trên vận đơn).
3. Người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan từ khi rời khỏi tàu bay nhập cảnh đến khi hoàn thành thủ tục hải quan; từ khi thực hiện thủ tục hàng không đến khi lên tàu bay xuất cảnh.
a) Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài có trách nhiệm bố trí công chức thực hiện phương thức giám sát hải quan và thực hiện thủ tục hải quan đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh trong địa bàn cảng hàng không, sân bay quốc tế Nội Bài.
b) Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài phối hợp với cơ quan quản lý Cảng hàng không xây dựng kho tạm gửi hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh trong khu vực cửa khẩu để thực hiện nội dung quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/06/2014 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. Nhằm tạo thuận lợi cho người nhập cảnh và việc thực hiện thủ tục hải quan, giám sát hải quan có trọng tâm, trọng điểm, Chi cục Hải quan cửa khẩu áp dụng biện pháp phân luồng Xanh, luồng Đỏ trong việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hành lý của khách nhập cảnh tại khu vực cửa khẩu, cụ thể như sau:
a) Luồng Đỏ: Áp dụng với người nhập cảnh có hành lý phải khai hải quan theo quy định của pháp luật, hành lý bị phát hiện có nghi vấn và hành lý do Hệ thống quản lý rủi ro của cơ quan Hải quan xác định là đối tượng kiểm tra.
b) Luồng Xanh: Áp dụng đối với người nhập cảnh có hành lý không phải khai hải quan theo quy định của pháp luật.
5. Người xuất cảnh, nhập cảnh được tạm gửi hành lý vào kho của Hải quan cửa khẩu và được nhận lại khi nhập cảnh, xuất cảnh. Thời gian tạm gửi hành lý không quá 180 (một trăm tám mươi) ngày, kể từ ngày hành lý được gửi vào kho của Hải quan.
6. Trong thời hạn tạm gửi hành lý quy định tại khoản 5 Điều này, nếu người xuất cảnh, nhập cảnh có văn bản từ bỏ hành lý tạm gửi hoặc quá thời hạn tạm gửi hành lý nhưng người xuất cảnh, nhập cảnh không nhận lại, thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu tổ chức thanh lý, hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Tiền thu được từ việc thanh lý hàng hóa được nộp vào ngân sách nhà nước sau khi trừ đi các chi phí phát sinh theo quy định của pháp luật.
7. Chi cục Hải quan có trách nhiệm phối hợp, tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin về người và hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh trước khi làm thủ tục để có biện pháp theo dõi, kiểm tra, giám sát hải quan phù hợp và hiệu quả.
1. Trách nhiệm của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài:
a) Trên cơ sở bộ máy tổ chức của đơn vị phân công cán bộ, công chức hải quan thực hiện thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với người xuất cảnh, nhập cảnh và hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh.
b) Căn cứ tình hình thực tế xây dựng các biện pháp, phương án theo dõi, giám sát phù hợp với thực tế địa bàn quản lý; từng thời điểm ra quyết định áp dụng các biện pháp, phương án kiểm tra, giám sát phù hợp (thủ công hoặc kỹ thuật), đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác quản lý quản lý rủi ro đối với các chuyến bay nhập cảnh, xuất cảnh và đặc biệt đối với các chuyến bay trọng điểm.
c) Tổ chức, phối hợp với các lực lượng kiểm soát, bố trí lực lượng quản lý chó nghiệp vụ, tuần tra giám sát khu vực gửi, nhận hành lý ký gửi trong thời gian có chuyến bay trọng điểm /hoặc đối tượng trọng điểm.
d) Điều phối hoạt động của các bộ phận trong đơn vị và phối hợp các lực lượng liên quan trong quá trình triển khai thực hiện thủ tục, giám sát đối với hành lý của người nhập cảnh, xuất cảnh.
2. Trách nhiệm của công chức:
a) Trường hợp có nghi vấn hoặc có căn cứ khẳng định người xuất cảnh, nhập cảnh có hành lý phải khai hải quan nhưng không khai hải quan hoặc có hành lý vi phạm pháp luật, công chức hải quan tiến hành kiểm tra thủ công hành lý và lập biên bản để xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có vi phạm).
b) Trường hợp có căn cứ xác định người xuất cảnh, nhập cảnh có hành vi cất giấu trong người để buôn lậu, vận chuyển trái phép ngoại tệ, tiền Việt Nam, vàng, kim loại quý, đá quý và hàng hóa qua biên giới thì thực hiện việc khám người theo quy định của pháp luật và xử lý vi phạm (nếu có).
c) Trường hợp phát hiện hành lý ký gửi của người xuất cảnh, nhập cảnh có dấu hiệu vi phạm hoặc có thông tin nghi vấn vi phạm hoặc khẳng định vi phạm, thông báo ngay cho hãng vận tải để yêu cầu người xuất cảnh, nhập cảnh tới khu vực kiểm tra hành lý hoặc thông báo trực tiếp cho người xuất cảnh, nhập cảnh và thực hiện công việc theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Quy trình này trừ trường hợp đang thực hiện chuyên án hoặc vì lý do bảo mật thông tin hoặc các quy định khác.
d) Trường hợp có căn cứ khẳng định trong hành lý hoặc trong người của người xuất cảnh, nhập cảnh thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi, miễn trừ ngoại giao cất giấu mặt hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, công chức hải quan báo cáo ngay cho lãnh đạo Đội để báo cáo Chi cục trưởng; Chi cục trưởng tiếp tục báo cáo ngay cho Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hà Nội và báo cáo bằng phương tiện nhanh nhất cho Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan để xin ý kiến chỉ đạo.
đ) Trường hợp hãng vận tải hoặc cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh tại cửa khẩu thông báo Chi cục Hải quan cửa khẩu phối hợp kiểm tra hành lý mang theo người của người xuất cảnh, nhập cảnh để phục vụ yêu cầu an ninh theo quy định thì công chức Hải quan thực hiện phối hợp giám sát quá trình kiểm tra của các đơn vị theo quy định.
GIÁM SÁT HẢI QUAN TẠI KHU VỰC XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH
Điều 5. Giám sát hải quan tại khu vực sân đỗ tàu bay.
Công chức hải quan thực hiện các công tác giám sát như sau:
1. Đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Tổ chức giám sát bằng phương tiện kỹ thuật đối với việc khai thác hành lý ký gửi từ tàu bay nhập cảnh xuống phương tiện đưa đến đảo trả hành lý của nhà ga nhập cảnh và từ đảo hành lý xuất đưa ra sân đỗ để bốc xếp lên tàu bay xuất cảnh.
2. Đối với người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh:
a) Trường hợp tàu cập ống lồng: Giám sát bằng phương tiện kỹ thuật từ khi khách nhập cảnh rời khỏi tàu bay đi vào khu vực làm thủ tục của cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an và từ cửa ra tàu bay trong khu vực cách ly đi qua ống lồng để vào tàu bay xuất cảnh.
b) Trường hợp tàu bay đỗ tại sân đỗ tàu bay: Giám sát bằng biện pháp kỹ thuật khi người xuất cảnh, nhập cảnh đi ô tô buýt từ nhà ga đến vị trí đỗ của tàu bay và ngược lại.
Mục II: KHU VỰC NHÀ GA XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH
Điều 6. Giám sát hải quan tại khu vực nhà ga xuất cảnh, nhập cảnh:
Bước 1: Thu thập thông tin trước chuyến bay.
- Tiếp nhận thông tin trước từ các cơ quan liên quan đối với từng chuyến bay xuất cảnh, nhập cảnh số hiệu chuyến bay, hành trình bay, thời gian thực hiện thủ tục hải quan đối với từng chuyến bay, danh sách người xuất cảnh, nhập cảnh danh sách của phi hành đoàn và các thông tin cần thiết khác cập nhật vào hệ thống quản lý rủi ro.
- Tiếp nhận các thông tin từ lãnh đạo đơn vị về biện pháp, phương án giám sát để tiến hành xác định, giám sát đối tượng.
Bước 2: Xử lý thông tin trước chuyến bay.
Trên cơ sở thông tin thu thập, phân tích, đánh giá nguồn thông tin thu thập được để sàng lọc, xác định chuyến bay trọng điểm, đối tượng trọng điểm, tham mưu đề xuất với lãnh đạo phương án xử lý, phối hợp với bộ phận thực hiện thủ tục khi làm thủ tục chuyến bay.
Bước 3: Thực hiện giám sát khi làm thủ tục chuyến bay.
a) Thực hiện công tác giám sát bằng phương tiện kỹ thuật (qua màn hình camera) tại trung tâm đối với hành lý ký gửi của khách. Trao đổi với công chức giám sát trực tiếp để kiểm tra khi phát hiện những hiện tượng bất thường, tại những khu vực cụ thể như sau:
a.1) Tại khu vực nhà ga xuất khi hành lý qua máy soi đi theo hệ thống băng truyền xuống tới đảo hành lý.
a.2) Tại khu vực nhà ga nhập cảnh khi hành lý ký gửi được bốc xếp từ phương tiện vận tải sang bằng tải trả hành lý trước khi đưa qua hệ thống soi chiếu của cơ quan Hải quan.
b) Thực hiện công tác giám sát bằng phương tiện kỹ thuật (camera) đối với các hoạt động tại khu vực làm thủ tục, hoạt động trong khu vực cách ly và đối tượng ra, vào để phục vụ trong khu vực cách ly. Tiến hành sàng lọc đối tượng trọng điểm qua hệ thống camera để tiến hành giám sát và thông báo với công chức giám sát trực tiếp để xử lý kịp thời.
c) Thực hiện giám sát bằng phương tiện kỹ thuật (qua máy soi chiếu, hệ thống camera) hoặc thủ công đối với hàng hóa tạm nhập-tái xuất, tạm xuất-tái nhập, hàng hóa hoàn thuế mang theo đường hành lý xách tay của người xuất cảnh khi đưa vào khu vực cách ly và vật phẩm, hàng hóa để bán miễn thuế hoặc kinh doanh, phục vụ khu vực cách ly.
d) Tại khu vực nhà ga nhập cảnh: Thực hiện giám sát, kiểm tra phát hiện phóng xạ theo quy định của Tổng cục Hải quan.
e) Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ giám sát khác theo yêu cầu nghiệp vụ.
Bước 4: Sau khi kết thúc chuyến bay tiến hành cập nhật và lưu hồ sơ.
Cuối mỗi chuyến bay cập nhật vào Hệ thống quản lý rủi ro họ và tên, ngày tháng năm sinh, số hộ chiếu, quốc tịch, giới tính, chuyến bay (từ nơi xuất phát).
QUY TRÌNH THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNH LÝ CỦA NGƯỜI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH
Mục I: THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNH LÝ CỦA NGƯỜI XUẤT CẢNH
Điều 7. Thủ tục hải quan đối với hành lý của người xuất cảnh:
Căn cứ thông tin trước về người xuất cảnh do bộ phận giám sát (hoặc thông tin do cơ quan liên quan phối hợp cung cấp) thông báo, công chức thực hiện thủ tục hải quan xác định đối tượng trọng điểm cần kiểm tra, giám sát.
1. Thủ tục hải quan đối với hành lý ký gửi cùng chuyến đi:
Công chức hải quan thực hiện các bước sau:
Bước 1: Kiểm tra qua máy soi toàn bộ hành lý ký gửi (sử dụng chung máy soi với cơ quan Hàng không):
a) Trường hợp không phát hiện nghi vấn thông quan hành lý.
b) Trường hợp phát hiện nghi vấn thực hiện thao tác trên máy đưa hành lý vào khu vực kiểm tra thủ công và thông báo công chức giám sát tại khu vực này thực hiện tiếp bước 2.
Bước 2: Tiếp nhận Tờ khai hải quan (đối với người nhập cảnh, xuất cảnh dưới đây gọi tắt là Tờ khai Hải quan):
a) Phối hợp với cơ quan hàng không để yêu cầu người xuất cảnh có mặt để xuất trình hành lý phải kiểm tra.
b) Yêu cầu người xuất cảnh xuất trình Tờ khai Hải quan (01 bản chính) đồng thời hỏi người xuất cảnh về thông tin hành lý để xác định rõ hành lý có thuộc đối tượng phải khai hải quan và làm rõ người xuất cảnh có khai trên Tờ khai Hải quan (đối với hành lý của khách xuất cảnh, nhập cảnh).
c) Tiếp nhận Tờ khai Hải quan của người xuất cảnh hoặc Hồ sơ Hải quan (đối với trường hợp người xuất cảnh mang theo hàng hóa) theo quy định.
Bước 3: Kiểm tra thực tế hành lý, xác nhận trên Tờ khai Hải quan:
a) Thực hiện theo hướng dẫn việc quản lý sử dụng Tờ khai Hải quan tại các cửa khẩu quốc tế Việt Nam của Tổng cục Hải quan.
b) Kiểm tra đối chiếu hàng hóa trong kiện hành lý với nội dung khai báo, xác nhận trên Tờ khai Hải quan, Tờ khai hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu (nếu có);
c) Đối chiếu chính sách mặt hàng với hàng hóa, hành lý thực tế.
c.1) Nếu hàng hóa, hành lý phù hợp với các quy định của pháp luật thì xác nhận trên tờ khai (nếu có) và thông quan.
c.2) Trường hợp kiểm tra, phát hiện hàng hóa vi phạm pháp luật quy định tiến hành lập Biên bản vi phạm như quy định tại Bước 4 Điều này.
d) Trường hợp người xuất cảnh có hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi công chức hải quan xác nhận số lượng kiện hành lý không cùng chuyến theo khai của khách trên Tờ khai Hải quan và trả cho khách phần Tờ khai Hải quan đã xác nhận.
đ) Trường hợp người xuất cảnh có mang theo ngoại tệ, tiền Việt Nam, vàng, đá quý ở mức phải khai theo quy định thì công chức làm thủ tục kiểm tra đối chiếu với giấy phép của Ngân hàng, xác nhận cụ thể nội dung khai và ký tên, đóng dấu công chức trên Tờ khai Hải quan.
e) Trường hợp người xuất cảnh có hàng hóa (bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp cá nhân) công chức hải quan hướng dẫn người xuất cảnh khai báo Tờ khai tạm xuất- tái nhập trong thời hạn xuất cảnh; kiểm tra, xác nhận trên Tờ khai Hải quan, Tờ khai hàng hóa xuất khẩu (bản Hải quan lưu).
g) Trường hợp người xuất cảnh có mang theo hàng hóa xuất khẩu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... bằng đường hành lý thì công chức hải quan tiếp nhận bộ hồ sơ Hải quan đối với hàng hóa đó, kiểm tra xác nhận nội dung khai báo, ký tên, đóng dấu công chức vào tờ khai hàng hóa xuất khẩu, Tờ khai Hải quan.
h) Trường hợp người xuất cảnh có mang theo hàng hóa xuất khẩu thương mại đã được đăng ký theo hình thức thủ tục hải quan điện tử tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bằng đường hành lý thì công chức hải quan thực hiện:
h.1) Tiếp nhận bộ hồ sơ Hải quan và hàng hóa;
h.2) Thông báo nội dung cơ bản trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu thương mại (Số tờ khai xuất khẩu thương mại, số lượng kiện hàng hóa, trọng lượng hàng hóa theo tiêu chí quy định tại Bước 1 Điều 4 Quy trình giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại đính kèm Quyết định số 2441/QĐ-TCHQ ngày 15/8/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan) với Đội giám sát để kiểm tra nội dung hồ sơ trên hệ thống e-Customs.
i) Sau khi nhận hồi báo từ Đội Giám sát:
i.1) Kiểm tra hàng hóa đối chiếu với nội dung khai báo trên Tờ khai xuất khẩu thương mại.
i.2) Trường hợp đúng khai báo xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát trên Tờ khai Hải quan.
i.3) Trường hợp không đúng khai báo tiến hành thông báo để Lãnh đạo Chi cục ra quyết định dừng vận chuyển lô hàng qua khu vực giám sát và thực hiện Bước 4 tại Điều này.
i.4) Thông báo lại nội dung kiểm tra hàng hóa cho Đội Giám sát để xác nhận nội dung “Hàng đã qua khu vực giám sát” trên Hệ thống e-Customs.
k) Trả khách nhập cảnh, xuất cảnh trang 1, trang 2 của Tờ khai Hải quan, Tờ khai hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu (bản Hải quan lưu-nếu có).
l) Trường hợp hành lý, hàng hóa tái xuất tại Chi cục Hải quan khác nơi tạm nhập, sau khi đã làm thủ tục tái xuất, Chi cục Hải quan CKSBQT Nội Bài có trách nhiệm gửi bản chính tờ khai hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu (bản Hải quan lưu) cho Chi cục Hải quan nơi tạm nhập để thanh khoản hồ sơ theo quy định và lưu bản sao tờ khai cùng hồ sơ hải quan.
m) Trả lại khách Tờ khai Hải quan để làm các thủ tục tiếp theo.
Bước 4: Xử lý vi phạm.
Lập Biên bản vi phạm (nếu có) và tiến hành các thủ tục tiếp theo quy định.
Bước 5: Lưu trữ hồ sơ.
- Nhập dữ liệu vào máy tính hoặc sổ quản lý theo dõi.
- Lưu trữ hồ sơ theo quy định.
2. Thủ tục hải quan đối với hành lý xách tay.
Bước 1: Kiểm tra qua máy soi toàn bộ hành lý xách tay (sử dụng chung máy soi với cơ quan Hàng không)
a) Trường hợp không nghi vấn, cho phép thông quan hành lý xách tay và thu lại Tờ khai Hải quan nếu có.
b) Trường hợp phát hiện nghi vấn, yêu cầu người xuất cảnh đưa hành lý xách tay vào phòng kiểm tra để thực hiện tiếp bước 2.
Bước 2: Tiếp nhận Tờ khai Hải quan đối với người nhập cảnh, xuất cảnh.
a) Yêu cầu người xuất cảnh xuất trình Tờ khai Hải quan (01 bản chính) đồng thời hỏi người xuất cảnh về thông tin hành lý để xác định rõ hành lý có thuộc đối tượng phải khai hải quan và làm rõ người xuất cảnh có khai trên Tờ khai Hải quan (đối với hành lý của khách xuất cảnh, nhập cảnh)
b) Tiếp nhận Tờ khai Hải quan (đối với hành lý của khách xuất cảnh, nhập cảnh) của người xuất cảnh hoặc Hồ sơ Hải quan (đối với trường hợp người xuất cảnh mang theo hàng hóa) theo quy định.
Bước 3: Kiểm tra thủ công hành lý xách tay.
Trường hợp người xuất cảnh có mang theo ngoại tệ, tiền Việt Nam, vàng, đá quý ở mức phải khai theo quy định thì công chức làm thủ tục kiểm tra, xác nhận cụ thể nội dung khai và ký tên, đóng dấu công chức trên Tờ khai Hải quan.
Bước 4: Xử lý vi phạm.
Lập Biên bản vi phạm (nếu có).
Bước 5: Lưu trữ hồ sơ
a) Nhập thông tin của người xuất cảnh vi phạm vào máy tính hoặc sổ quản lý theo dõi.
b) Lưu trữ hồ sơ theo quy định.
Mục II: THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNH LÝ CỦA NGƯỜI NHẬP CẢNH
Điều 8: Thủ tục hải quan đối với hành lý của người nhập cảnh.
1) Tại khu vực đặt máy soi trên đảo trả hành lý:
Công chức hải quan thực hiện các bước sau:
Bước 1: Kiểm tra qua máy soi toàn bộ hành lý ký gửi của người nhập cảnh.
a) Trường hợp không nghi vấn, chuyển hành lý lên đảo trả cho người nhập cảnh.
b) Trường hợp phát hiện nghi vấn hoặc hình ảnh kiện hành lý không rõ nét, công chức soi máy tại Trung tâm phân tích hình ảnh thực hiện thao tác đưa kiện hành lý nghi vấn sang máy soi mức hai để kiểm tra lại kiện hành lý.
Bước 2: Tại máy soi mức hai, công chức soi máy kiểm tra lại những kiện hành lý nghi vấn hoặc hình ảnh kiện hành lý không rõ nét:
a) Trường hợp khẳng định không có nghi vấn, chuyển hành lý lên đảo trả cho người nhập cảnh.
b) Trường hợp cần phải tiếp tục kiểm tra thực tế công chức soi máy tiến hành lưu hình ảnh kiểm tra trong máy, đánh dấu kiện hành lý, chuyển hành lý lên đảo trả cho người nhập cảnh và thông báo bằng phương tiện kỹ thuật (bộ đàm) cho công chức làm nhiệm vụ giám sát khu vực đảo trả hành lý ký gửi để giám sát kiện hàng để thực hiện tiếp bước 3.
c) Đối với hành lý quá khổ được đưa vào qua cửa kỹ thuật và được công chức giám sát áp tải và bàn giao cho công chức soi máy để thực hiện kiểm tra qua máy soi chiếu hoặc kiểm tra thủ công nếu phát hiện nghi vấn.
2) Tại khu vực sảnh đợi lấy hành lý của người nhập cảnh:
Bước 3: Kiểm tra hành lý:
a) Công chức hải quan tiến hành giám sát những người nhập cảnh có kiện hành lý bị đánh dấu và hướng dẫn khách đến bàn tiếp nhận khai báo hải quan (khu vực luồng đỏ);
b) Trên cơ sở phân tích thông tin và quá trình giám sát người nhập cảnh, công chức hải quan quyết định lựa chọn khách nhập cảnh có hành lý theo rủi ro kiểm tra thực tế;
c) Trường hợp có báo động phóng xạ, công chức Hải quan thực hiện các bước theo Quy trình kèm theo Quyết định số 2353/QĐ-TCHQ ngày 08/8/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về Quy trình hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra, phát hiện phóng xạ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển vận chuyển bằng Container tại các cửa khẩu cảng biển quốc tế, hành lý và người nhập cảnh, quá cảnh (bao gồm hành lý thất lạc, từ bỏ, bỏ quên) tại các cửa khẩu sân bay quốc tế;
3) Kiểm tra đối với hành lý ký gửi bị đánh dấu và hành lý xách tay:
Bước 4: Tiếp nhận khai hải quan.
a) Yêu cầu người xuất cảnh xuất trình Tờ khai Hải quan (01 bản chính) đồng thời hỏi người xuất cảnh về thông tin hành lý để xác định rõ hành lý có thuộc đối tượng phải khai hải quan và làm rõ người xuất cảnh có khai trên Tờ khai Hải quan (đối với hành lý của khách xuất cảnh, nhập cảnh)
b) Tiếp nhận Tờ khai Hải quan (đối với hành lý của khách xuất cảnh, nhập cảnh) của người xuất cảnh hoặc Hồ sơ Hải quan (đối với trường hợp người xuất cảnh mang theo hàng hóa) theo quy định.
Bước 5: Kiểm tra hành lý:
Công chức hải quan thực hiện kiểm tra hành lý (ký gửi và xách tay) qua máy soi:
a) Trường hợp phát hiện vi phạm (hoặc có thông tin do cơ quan liên quan phối hợp cung cấp) thì đưa khách nhập cảnh vào khu vực kiểm tra thủ công (trường hợp cần thiết đề xuất lãnh đạo Chi cục ra quyết định kiểm thể).
b) Trường hợp không phát hiện vi phạm thì công chức hải quan chuyển sang thực hiện các công việc quy định tại Bước 6.
Bước 6: Kiểm tra thủ công, xác nhận trên Tờ khai Hải quan theo hướng dẫn việc quản lý sử dụng Tờ khai Hải quan và tờ khai hải quan giấy (nếu có); thực hiện kiểm tra và thu thuế quy định (nếu có).
a) Trường hợp người nhập cảnh có hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi; có mang theo ngoại tệ, tiền Việt Nam, vàng, kim loại quý, đá quý ở mức phải khai theo quy định thì công chức làm thủ tục kiểm tra, xác nhận cụ thể nội dung khai và ký tên, đóng dấu công chức trên Tờ khai Hải quan.
b) Trường hợp người nhập cảnh có hàng hóa (bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp cá nhân) tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập trong thời hạn nhất định; khách nhập cảnh có hàng hóa, hành lý vượt định mức miễn thuế theo quy định phải nộp thuế thì công chức ký tên, đóng dấu công chức và đóng dấu “Đã làm thủ tục hải quan” trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu; xác nhận số, ngày tháng năm của tờ khai hàng hóa nhập khẩu và ký tên, đóng dấu công chức trên Tờ khai Hải quan.
c) Trường hợp người nhập cảnh có mang theo trong hành lý hàng hóa nhập khẩu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì công chức hải quan hướng dẫn khách nhập cảnh xuống Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu để làm thủ tục hải quan theo quy định.
d) Trường hợp người nhập cảnh có mang theo hàng hóa nhập khẩu thương mại đã được đăng ký theo hình thức hải quan điện tử tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bằng đường hành lý thì công chức hải quan thực hiện:
d.1) Tiếp nhận hồ sơ hải quan và hàng hóa;
d.2) Thông báo nội dung cơ bản trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu thương mại (số tờ khai nhập khẩu thương mại, số lượng kiện hàng hóa, trọng lượng hàng hóa theo tiêu chí quy định tại Bước 1 Điều 4 Quy trình giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại đính kèm Quyết định số 2441/QĐ-TCHQ ngày 15/08/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan) với Đội Giám sát để kiểm tra nội dung hồ sơ trên hệ thống e-Customs;
đ) Sau khi nhận được hồi báo từ Đội Giám sát:
đ.1) Kiểm tra hàng hóa đối chiếu với nội dung khai báo trên Tờ khai nhập khẩu thương mại.
đ.2) Trường hợp đúng khai báo, xác nhận hàng hóa thực nhập trên Tờ khai Hải quan.
đ.3) Trường hợp không đúng khai báo tiến hành thông báo để lãnh đạo Chi cục ra quyết định dừng vận chuyển lô hàng qua khu vực giám sát và thực hiện Bước 7 tại Điều này.
đ.4) Thông báo lại nội dung kiểm tra hàng hóa cho Đội Giám sát để xác nhận nội dung “Hàng đã qua khu vực giám sát” trên Hệ thống e-Customs.
Bước 7: Trả và lưu trữ Tờ khai Hải quan:
a) Công chức hải quan thực hiện trả tờ khai cho người nhập cảnh, bao gồm:
a.1) Tờ khai Hải quan (trang 1, trang 2);
a.2) Tờ khai Hải quan giấy (nếu có);
b) Thực hiện việc lưu trữ:
b.1) Tờ khai Hải quan (trang 3, trang 4, trang 5, trang 6);
b.2) Tờ khai Hải quan giấy (nếu có).
c) Trường hợp hành lý, hàng hóa tái nhập thì yêu cầu người nhập cảnh xuất trình bản chính tờ khai tạm xuất để thực hiện thủ tục hải quan theo quy định.
Bước 8: Xử lý vi phạm:
Trường hợp khách nhập cảnh không thực hiện khai báo hải quan hoặc vi phạm các quy định của pháp luật, thực hiện lập Biên bản vi phạm và tiến hành các thủ tục theo quy định.
Bước 9: Lưu trữ hồ sơ:
a) Nhập dữ liệu vào máy tính hoặc sổ theo dõi.
b) Lưu trữ hồ sơ theo quy định.
Mục III: THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNH LÝ CỦA NGƯỜI QUÁ CẢNH
Điều 9. Thủ tục hải quan đối với hành lý của người quá cảnh:
1. Trường hợp người quá cảnh của chuyến bay quốc tế nhập cảnh được Hãng hàng không đưa vào khu vực cách ly để chờ lên chuyến bay xuất cảnh: - Công chức hải quan Đội thủ tục hành lý Xuất phối hợp với lực lượng An ninh hàng không tiến hành soi chiếu hành lý xách tay của người quá cảnh (soi chung).
- Đối với trường hợp hành lý ký gửi của người quá cảnh cần phải soi chiếu trước khi đưa lên tàu bay xuất cảnh công chức hải quan thuộc Đội Giám sát sân đỗ phối hợp với lực lượng An ninh hàng không tiến hành kiểm tra qua máy soi chiếu (soi chung).
2. Trường hợp người quá cảnh của các chuyến bay nhập cảnh được Hãng hàng không đưa vào khu vực nhập cảnh để làm thủ tục nhập cảnh và thủ tục hải quan sau đó đưa lên các chuyến bay nội địa để đưa đến sân bay khác rồi mới xuất cảnh, hành lý của khách quá cảnh được thực hiện thủ tục kiểm tra, soi chiếu như đối với hành lý của khách nhập cảnh tại Điều 8 quy trình này.
Mục IV: THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNH LÝ GỬI TRƯỚC HOẶC SAU CHUYẾN ĐI CỦA NGƯỜI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH
1. Trường hợp hành lý gửi trước hoặc sau chuyến bay được người nhập cảnh, xuất cảnh hoặc người đại diện hợp pháp được ủy quyền làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài thủ tục hải quan và hồ sơ hải quan thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này, việc khai báo hải quan thực hiện trên Tờ khai giấy do Bộ Tài chính quy định.
2. Trường hợp hành lý gửi trước hoặc sau chuyến bay được người nhập cảnh, xuất cảnh hoặc người đại diện hợp pháp được ủy quyền làm thủ tục hải quan tại kho hàng không kéo dài hoặc cảng nội địa - ICD (cảng đích trên vận đơn) công chức Đội Giám sát hướng dẫn thực hiện thủ tục chuyển cửa khẩu theo quy định.
3. Thủ tục hải quan đối với hành lý của người nhập cảnh vượt quá định mức miễn thuế; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh gửi trước, gửi sau chuyến đi:
a) Hành lý của người nhập cảnh vượt quá định mức miễn thuế, hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh gửi trước, gửi sau chuyến đi phải làm thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 54 của Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/06/2014 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
b) Hồ sơ hải quan gồm:
b.1) Tờ khai hải quan theo mẫu do Bộ Tài chính quy định: 02 bản chính;
b.2) Hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu có dấu xác nhận của cơ quan xuất cảnh, nhập cảnh đối với người nhập cảnh: 01 bản chụp;
b.3) Tờ khai xuất nhập cảnh có xác nhận của Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập cảnh đối với người nhập cảnh có hành lý gửi sau chuyến đi: 01 bản chính là căn cứ đối chiếu định mức tiêu chuẩn đã được hưởng;
b.4) Chứng từ vận tải trong trường hợp hành lý của người nhập cảnh gửi trước, gửi sau chuyến đi: 01 bản chụp.
c) Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa để áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chính sách thuế theo quy định của pháp luật.
d) Người nhập cảnh thực hiện thủ tục hải quan đối với hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hành lý về đến cửa khẩu; quá 30 ngày sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Trường hợp quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu mà hành lý không có yêu cầu nhận thì sẽ xử lý theo quy định đối với hàng hóa tồn đọng tại khu vực cảng, kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động của Hải quan.
Điều 11. Cục Hải quan thành phố Hà Nội thực hiện.
1. Hướng dẫn, chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài tổ chức thực hiện đúng quy định tại Quy trình này;
2. Báo cáo Tổng cục Hải quan khi có vướng mắc phát sinh khi thực hiện Quyết định này.
Điều 12. Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài thực hiện.
1. Tổ chức thực hiện Quyết định này tại đơn vị; phân công, bố trí, hướng dẫn công chức hải quan thừa hành thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định này.
2. Phản ánh kịp thời và đề xuất xử lý nếu có các vướng mắc khi triển khai thực hiện Quyết định và Quy trình này tại đơn vị với Cục Hải quan thành phố Hà Nội.
Quyết định 3816/QĐ-TCHQ năm 2014 Quy trình tạm thời thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
Số hiệu: | 3816/QĐ-TCHQ |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tổng cục Hải quan |
Người ký: | Vũ Ngọc Anh |
Ngày ban hành: | 23/12/2014 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 3816/QĐ-TCHQ năm 2014 Quy trình tạm thời thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
Chưa có Video