Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2022/TT-BXD

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2022

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QCVN 06:2022/BXD

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN CHÁY CHO NHÀ VÀ CÔNG TRÌNH

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày 29/6/2006;

Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 52/2022/NĐ-CP ngày 08/8/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường;

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 16/01/2023 và thay thế Thông tư số 02/2021/TT-BXD ngày 19/05/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành QCVN 06:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình.

Điều 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ Khoa học và Công nghệ (để đăng ký);
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Các Sở: XD, GTVT, NN&PTNT các tỉnh, thành trực thuộc TW;
- Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng;
- Lưu: VT, Vụ KHCN&MT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quang Hùng

 

QCVN 06:2022/BXD

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

VỀ AN TOÀN CHÁY CHO NHÀ VÀ CÔNG TRÌNH

National Technical Regulation

on Fire safety of Buildings and Constructions

 

MỤC LỤC

1  QUY ĐỊNH CHUNG

2  PHÂN LOẠI KỸ THUẬT VỀ CHÁY

3  BẢO ĐẢM AN TOÀN CHO NGƯỜI

4  NGĂN CHẶN CHÁY LAN

5  CẤP NƯỚC CHỮA CHÁY

6  CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN

7  TỔ CHỨC THỰC HIỆN

PHỤ LỤC A (quy định) QUY ĐỊNH BỔ SUNG ĐỐI VỚI MỘT SỐ NHÓM NHÀ CỤ THỂ

PHỤ LỤC B (quy định) PHÂN LOẠI VẬT LIỆU XÂY DỰNG THEO ĐẶC TÍNH KỸ THUẬT VỀ CHÁY VÀ YÊU CẦU VỀ AN TOÀN CHÁY ĐỐI VỚI VẬT LIỆU

PHỤ LỤC C (quy định) HẠNG NGUY HIỂM CHÁY VÀ CHÁY NỔ CỦA NHÀ, CÔNG TRÌNH VÀ CÁC GIAN PHÒNG CÓ CÔNG NĂNG SẢN XUẤT VÀ KHO

PHỤ LỤC D (quy định) BẢO VỆ CHỐNG KHÓI

PHỤ LỤC E (quy định) KHOẢNG CÁCH PHÒNG CHÁY CHỐNG CHÁY

PHỤ LỤC F (quy định) GIỚI HẠN CHỊU LỬA DANH ĐỊNH CỦA MỘT SỐ CẤU KIỆN

PHỤ LỤC G (quy định) KHOẢNG CÁCH ĐẾN CÁC LỐI RA THOÁT NẠN VÀ CHIỀU RỘNG LỐI RA THOÁT NẠN

PHỤ LỤC H (quy định) BẬC CHỊU LỬA VÀ CÁC YÊU CẦU BẢO ĐẢM AN TOÀN CHÁY CHO NHÀ, CÔNG TRÌNH, KHOANG CHÁY

PHỤ LỤC I (tham khảo) CÁC HÌNH MINH HỌA

 

Lời nói đầu

QCVN 06:2022/BXD do Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) chủ trì, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) phối hợp biên soạn, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư số 06/2022/TT-BXD ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

QCVN 06:2022/BXD thay thế QCVN 06:2021/BXD ban hành kèm theo Thông tư số 02/2021/TT-BXD ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

VỀ AN TOÀN CHÁY CHO NHÀ VÀ CÔNG TRÌNH

National Technical Regulation

on Fire safety of Buildings and Constructions

1 QUY ĐỊNH CHUNG

1.1 Phạm vi điều chỉnh

1.1.1 Quy chuẩn này quy định:

a) Các yêu cầu chung về an toàn cháy cho gian phòng, khoang cháy, nhà và các công trình xây dựng (khoang cháy, nhà và các công trình xây dựng sau đây gọi chung là nhà);

b) Phân loại kỹ thuật về cháy cho vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng, các phần và bộ phận của nhà, và nhà.

1.1.2 Quy chuẩn này áp dụng đối với các nhà và công trình sau:

a) Nhà ở: chung cư và nhà ở tập thể có chiều cao PCCC đến 150 m và không quá 3 tầng hầm; nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 7 tầng trở lên hoặc có nhiều hơn 1 tầng hầm đến 3 tầng hầm; nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh với diện tích sàn dành cho mục đích sản xuất, kinh doanh chiếm trên 30% tổng diện tích sàn;

CHÚ THÍCH: Trường hợp chuyển đổi nhà ở riêng lẻ sang mục đích khác thì phải tuân thủ theo quy định của quy chuẩn này và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

b) Các nhà công cộng có chiều cao PCCC đến 150 m và không quá 3 tầng hầm (trừ các công trình trực tiếp sử dụng làm nơi thờ cúng, tín ngưỡng; các công trình di tích); các loại sân thể thao ngoài trời có khán đài (sân vận động, sân tập luyện, thi đấu thể thao và tương tự);
c) Các nhà sản xuất, nhà kho có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 1 tầng hầm;
d) Các nhà cung cấp cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 1 tầng hầm;
e) Các nhà phục vụ giao thông vận tải có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 3 tầng hầm;
f) Các nhà phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn (trừ nhà ươm, nhà kính trồng cây và tương tự).

CHÚ THÍCH: Phân loại công trình theo quy định pháp luật liên quan. Các công trình cụ thể nêu tại 1.1.2 xem Bảng 6.

1.1.3 Đối với các nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.2, F1.3, F4.2, F4.3 và nhà hỗn hợp có chiều cao PCCC lớn hơn 150 m hoặc có từ 4 tầng hầm trở lên, các nhà có các đặc điểm riêng về phòng chống cháy khác với các nhóm nhà trong Bảng 6, thì ngoài việc tuân thủ quy chuẩn này còn phải bổ sung các yêu cầu kỹ thuật và các giải pháp về tổ chức, về kỹ thuật công trình phù hợp với các đặc điểm riêng về phòng chống cháy của các nhà đó, trên cơ sở các tài liệu chuẩn được áp dụng.

CHÚ THÍCH: Đối với các nhà có tầng hầm 4, 5 bố trí để xe thì ngoài việc áp dụng quy chuẩn này phải áp dụng bổ sung quy chuẩn liên quan đến gara ngầm.

1.1.4 Quy chuẩn này áp dụng khi xây dựng mới các nhà và công trình nêu tại 1.1.2, hoặc trong phạm vi những thay đổi sau:

a) Cải tạo, sửa chữa làm thay đổi công năng của gian phòng, khoang cháy hoặc nhà;
b) Cải tạo, sửa chữa làm thay đổi các giải pháp thoát nạn của gian phòng, khoang cháy hoặc nhà;
c) Cải tạo, sửa chữa làm tăng tính nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng, hoặc làm giảm giới hạn chịu lửa của kết cấu, cấu kiện;
d) Cải tạo, sửa chữa làm thay đổi hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ của gian phòng, khoang cháy và nhà theo hướng tăng tính nguy hiểm cháy;
e) Cải tạo, sửa chữa làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với gian phòng, khoang cháy và nhà;
f) Cải tạo, sửa chữa hệ thống bảo vệ chống cháy của gian phòng, khoang cháy và nhà;
g) Các trường hợp cải tạo, sửa chữa khác theo hướng dẫn của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Cảnh sát PCCC và CNCH) có thẩm quyền.

1.1.5 Các phần 2, 3, 4, 5 và 6 không áp dụng cho các nhà có công năng đặc biệt (các nhà và công trình thuộc dây chuyền công nghệ của các cơ sở năng lượng: nhà máy thủy điện, nhiệt điện, điện nguyên tử; điện gió, điện mặt trời, điện địa nhiệt, điện thủy triều, điện rác, điện sinh khối; điện khí biogas; điện đồng phát; tháp kiểm soát không lưu; nhà sản xuất hoặc bảo quản các chất và vật liệu nổ; các kho chứa dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, các loại khí dễ cháy, cũng như các chất tự cháy; cửa hàng kinh doanh xăng dầu, chất lỏng dễ cháy, khí đốt; nhà sản xuất hoặc kho hóa chất độc hại; công trình quốc phòng, an ninh; phần ngầm của công trình tầu điện ngầm; công trình hầm mỏ; và các nhà có đặc điểm tương tự).

1.1.6 Phần 5 cũng không áp dụng cho các đối tượng sau:

a) Cơ sở, nhà và công trình bảo quản và chế biến các hạt lương thực;
b) Cơ sở lò hơi cung cấp nhiệt; cơ sở điện lưới;
c) Các hệ thống chữa cháy cho các đám cháy do kim loại, các chất và vật liệu hoạt động hóa học mạnh phản ứng với nước sẽ gây nổ, tạo ra khí cháy, gây tỏa nhiệt mạnh, ví dụ như: các hợp chất nhôm - chất hữu cơ, các kim loại kiềm, các hợp chất lithium - chất hữu cơ, chì azua, các hydride nhôm, kẽm, magiê, axít sunfuric, titan clorua, nhiệt nhôm.

1.1.7 Các yêu cầu về phòng cháy, chống cháy của các tài liệu chuẩn trong xây dựng phải dựa trên yêu cầu của quy chuẩn này.

Cùng với việc áp dụng quy chuẩn này, còn phải tuân theo các yêu cầu phòng cháy chữa cháy quy định cụ thể hơn trong các tài liệu chuẩn khác được quy định áp dụng cho từng đối tượng nhà và công trình. Khi chưa có các tài liệu chuẩn quy định cụ thể theo các yêu cầu của quy chuẩn này thì vẫn cho phép sử dụng các quy định cụ thể trong các tiêu chuẩn hiện hành cho đến khi các tiêu chuẩn đó được soát xét lại, cũng như cho phép sử dụng các tiêu chuẩn hiện hành của nước ngoài trên nguyên tắc bảo đảm yêu cầu của quy chuẩn này và các quy định pháp luật của Việt Nam về phòng cháy, chữa cháy cùng các quy định về áp dụng tiêu chuẩn của nước ngoài trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam.

Trong các tài liệu chuẩn hiện hành có liên quan về phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình mà có các quy định, yêu cầu kỹ thuật cụ thể kém an toàn hơn quy định của quy chuẩn này thì áp dụng quy chuẩn này.

1.1.8 Các tài liệu thiết kế về an toàn cháy và tài liệu kỹ thuật về an toàn cháy của nhà, kết cấu, cấu kiện và vật liệu xây dựng phải nêu rõ các đặc tính kỹ thuật về cháy của chúng theo quy định của quy chuẩn này.

1.1.9 Khi thiết kế và xây dựng nhà và công trình, ngoài việc tuân thủ quy chuẩn này, còn phải tuân thủ các quy chuẩn và bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc khác theo quy định của pháp luật hiện hành, như: quy hoạch, kiến trúc, kết cấu, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, thiết bị điện, chống sét, hệ thống cấp nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng, hệ thống thông gió, điều hòa không khí, cơ khí, an toàn sử dụng kính, tránh rơi ngã, va đập.

1.1.10 Trong một số trường hợp riêng biệt, có thể xem xét thay thế một số yêu cầu của quy chuẩn này đối với công trình cụ thể khi có luận chứng kỹ thuật gửi Bộ Xây dựng nêu rõ các giải pháp bổ sung, thay thế và cơ sở của những giải pháp này để bảo đảm an toàn cháy cho công trình. Luận chứng này phải được Bộ Xây dựng cho ý kiến thống nhất và hồ sơ thiết kế xây dựng phải được cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH có thẩm quyền thẩm duyệt theo quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy.

1.2 Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.

1.3 Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết cho việc áp dụng quy chuẩn này. Trường hợp các tài liệu viện dẫn được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng phiên bản mới nhất.

QCVN 17:2018/BXD, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời.

TCVN 3890, Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng.

TCVN 5738, Phòng cháy chữa cháy - Hệ thống báo cháy - Yêu cầu kỹ thuật.

TCVN 7336, Phòng cháy chữa cháy - Hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, bọt - Yêu cầu thiết kế và lắp đặt.

TCVN 9310-4, Phòng cháy chữa cháy - Từ vựng - Phần 4: Phương tiện chữa cháy.

TCVN 9310-8, Phòng cháy chữa cháy - Từ vựng - Phần 8: Thuật ngữ chuyên dùng cho chữa cháy, cứu nạn và xử lý vật liệu nguy hiểm.

TCVN 9311-1, Thử nghiệm chịu lửa - Các bộ phận kết cấu của tòa nhà - Phần 1: Yêu cầu chung.

TCVN 9311-3, Thử nghiệm chịu lửa các bộ phận kết cấu tòa nhà - Phần 3: Chỉ dẫn về phương pháp thử và áp dụng số liệu thử nghiệm.

TCVN 9311-4, Thử nghiệm chịu lửa các bộ phận kết cấu tòa nhà - Phần 4: Các yêu cầu riêng đối với bộ phận ngăn cách đứng chịu tải.

TCVN 9311-5, Thử nghiệm chịu lửa các bộ phận kết cấu tòa nhà - Phần 5: Các yêu cầu riêng đối với bộ phận ngăn cách nằm ngang chịu tải.

TCVN 9311-6, Thử nghiệm chịu lửa các bộ phận kết cấu tòa nhà - Phần 6: Các yêu cầu riêng đối với dầm.

TCVN 9311-7, Thử nghiệm chịu lửa các bộ phận kết cấu tòa nhà - Phần 7: Các yêu cầu riêng đối với cột.

TCVN 9311-8, Thử nghiệm chịu lửa các bộ phận kết cấu tòa nhà - Phần 8: Các yêu cầu riêng đối với bộ phận ngăn cách đứng không chịu tải.

TCVN 9383, Thử nghiệm khả năng chịu lửa - Cửa đi và cửa chắn ngăn cháy.

TCVN 12695, Thử nghiệm phản ứng với lửa cho các sản phẩm xây dựng - Phương pháp thử tính không cháy.

TCVN 13456, Phòng cháy chữa cháy - Phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn - Yêu cầu thiết kế, lắp đặt.

1.4 Giải thích từ ngữ

Trong quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.4.1 An toàn cháy cho nhà, công trình (hoặc các phần công trình)

Sự bảo đảm các yêu cầu về tính chất vật liệu và cấu tạo kết cấu xây dựng, về các giải pháp kiến trúc, quy hoạch, các giải pháp kỹ thuật và công nghệ phù hợp với đặc điểm sử dụng của công trình nhằm ngăn ngừa cháy (phòng cháy), hạn chế lan truyền, bảo đảm dập tắt đám cháy (chống cháy), ngăn chặn các yếu tố nguy hiểm có hại đối với con người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản khi có cháy xảy ra.

1.4.2 Bãi đỗ xe chữa cháy

Đoạn đường có mặt hoàn thiện chịu được tải trọng tính toán, được bố trí dọc theo chu vi hoặc một phần chu vi của nhà, cho phép phương tiện chữa cháy triển khai các hoạt động chữa cháy.

CHÚ THÍCH: So với đường cho xe chữa cháy thì bãi đỗ cho xe chữa cháy được thiết kế để chịu tải trọng lớn hơn và có chiều rộng lớn hơn để triển khai các phương tiện chữa cháy trong quá trình hoạt động.

1.4.3 Bảo vệ chống cháy

Tổng hợp các biện pháp tổ chức và các giải pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa tác động của các yếu tố nguy hiểm cháy lên con người và hạn chế thiệt hại vật chất do cháy gây ra.

1.4.4 Bậc chịu lửa của nhà, công trình, khoang cháy

Đặc trưng phân bậc của nhà, công trình và khoang cháy, được xác định bởi giới hạn chịu lửa của các kết cấu/cấu kiện sử dụng để xây dựng nhà, công trình và khoang cháy đó.

1.4.5 Bộ phận ngăn cháy

Được dùng để ngăn cản đám cháy và các sản phẩm cháy lan truyền từ một khoang cháy hoặc từ một gian phòng có đám cháy tới các gian phòng khác. Bao gồm tường ngăn cháy, vách ngăn cháy và sàn ngăn cháy.

1.4.6 Bộ phận ngăn khói

Bộ phận được dùng để định luồng, chứa và (hoặc) ngăn cản sự lan truyền của khói (sản phẩm khí của đám cháy).

1.4.7 Cấp nguy hiểm cháy của cấu kiện xây dựng

Đặc trưng phân nhóm của cấu kiện xây dựng, dựa trên các mức khác nhau của thông số kết quả thử nghiệm gây cháy cho vật liệu cấu thành của cấu kiện xây dựng theo các tiêu chuẩn quy định.

1.4.8 Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà

Đặc trưng phân cấp của nhà, công trình và khoang cháy, được xác định bởi mức độ tham gia của kết cấu xây dựng vào sự phát triển đám cháy và hình thành các yếu tố nguy hiểm của đám cháy.

1.4.9 Chiều cao phòng cháy chữa cháy (chiều cao PCCC)

Chiều cao PCCC của nhà (không tính tầng kỹ thuật trên cùng) được xác định như sau:

- Bằng khoảng cách lớn nhất tính từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mép dưới của lỗ cửa (cửa sổ) mở trên tường ngoài của tầng trên cùng;

- Bằng một nửa tổng khoảng cách tính từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mặt sàn và đến trần của tầng trên cùng - khi không có lỗ cửa (cửa sổ).

CHÚ THÍCH 1: Khi mái nhà được khai thác sử dụng thì chiều cao PCCC của nhà được xác định bằng khoảng cách lớn nhất từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mép trên tường bao của mái.

CHÚ THÍCH 2: Khi xác định chiều cao PCCC thì mái nhà không được tính là có khai thác sử dụng nếu con người không có mặt thường xuyên trên mái.

CHÚ THÍCH 3: Khi có ban công (lô gia) hoặc kết cấu bao che (lan can) cửa sổ thì chiều cao PCCC được tính bằng khoảng cách lớn nhất từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mép trên của kết cấu bao che (lan can).

1.4.10 Chiều cao tia nước đặc

Lấy bằng 0,8 lần chiều cao tia nước phun theo phương thẳng đứng.

1.4.11 Cửa nắp thu khói (cửa trời hoặc cửa chớp)

Phương tiện (thiết bị) được điều khiển tự động từ xa, đậy các lỗ mở trên tường ngoài nhà bao che gian phòng được bảo vệ bằng hệ thống hút xả khói theo cơ chế tự nhiên.

1.4.12 Cửa giếng thang máy

Cửa ra vào được thiết kế để lắp đặt trong giếng thang tại nơi đỗ để cho phép đi vào và ra khỏi cabin thang máy.

1.4.13 Cửa thu khói

Lỗ mở trong kênh (ống) của hệ thống hút xả khói, được đặt lưới, song chắn hoặc cửa nắp hút khói hoặc các van ngăn cháy thường đóng.

1.4.14 Diện tích sàn cho phép tiếp cận

Diện tích mặt sàn của tất cả các khu vực được bao che trong một nhà hoặc phần nhà, bao gồm cả diện tích các kênh dẫn, sàn giếng thang máy, nhà vệ sinh, buồng thang bộ, diện tích chiếm chỗ bởi đồ dùng, máy móc, thiết bị cố định hoặc di động và cả các diện tích sinh hoạt hở ngoài trời ở phía trên hoặc phía dưới tầng 1 của nhà.

1.4.15 Đường cho xe chữa cháy

Đường được thiết kế cho các phương tiện chữa cháy đi đến và di chuyển trong phạm vi của một cơ sở để thực hiện các hoạt động chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

1.4.16 Đường thoát nạn

Đường di chuyển của người, dẫn trực tiếp ra ngoài hoặc dẫn vào vùng an toàn, tầng lánh nạn, gian lánh nạn và đáp ứng các yêu cầu thoát nạn an toàn của người khi có cháy.

1.4.17 Đường thoát nạn độc lập

Đường thoát nạn được sử dụng riêng cho một phần nhà (các phần nhà khác không có lối ra thoát nạn dẫn vào đường thoát nạn này).

1.4.18 Giới hạn chịu lửa

Thời gian (tính bằng giờ hoặc bằng phút) từ khi bắt đầu thử chịu lửa theo chế độ nhiệt tiêu chuẩn các mẫu cho tới khi xuất hiện một trong các trạng thái giới hạn của kết cấu và cấu kiện.

1.4.19  Gian lánh nạn

Khu vực bố trí trong tầng lánh nạn dùng để sơ tán tạm thời khi xảy ra sự cố cháy.

1.4.20 Gian kỹ thuật

Gian phòng bố trí các thiết bị kỹ thuật của tòa nhà hoặc tầng nhà. Các gian kỹ thuật có thể bố trí trên toàn bộ hoặc một phần của tầng kỹ thuật.

1.4.21 Gian phòng

Không gian bên trong nhà có công năng nhất định và được giới hạn bởi các kết cấu xây dựng.

1.4.22 Gian phòng có người làm việc thường xuyên

Gian phòng mà con người có mặt ở đó không ít hơn 2 giờ liên tục hoặc có mặt tổng cộng 6 giờ trong một ngày đêm.

1.4.23 Hành lang bên

Hành lang mà ở một phía có thông gió với bên ngoài, không bị chắn, liên tục theo chiều dài, với chiều cao thông thủy tính từ đỉnh của tường chắn ở mép hành lang lên phía trên không nhỏ hơn 1,2 m.

1.4.24 Hệ thống bảo vệ chống cháy

Hệ thống bảo vệ chống cháy bao gồm: hệ thống bảo vệ chống nhiễm khói, hệ thống họng nước chữa cháy bên trong, hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà, các hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống báo cháy và âm thanh công cộng, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn, thang máy chữa cháy, phương tiện cứu nạn cứu hộ, giải pháp kết cấu, giải pháp thoát nạn, giải pháp ngăn khói, ngăn cháy lan.

1.4.25 Hệ thống cấp không khí chống khói

Hệ thống được điều khiển tự động từ xa, có tác dụng ngăn chặn nhiễm khói khi có cháy đối với các gian phòng thuộc vùng an toàn, các buồng thang bộ, các giếng thang máy, các khoang đệm ngăn cháy bằng cách cấp không khí từ ngoài vào và tạo ra áp suất dư trong các khu vực trên, cũng như có tác dụng ngăn chặn việc lan truyền các sản phẩm cháy và cấp không khí bù lại thể tích sản phẩm cháy đã bị đẩy ra ngoài.

1.4.26 Hệ thống hút xả khói

Hệ thống được điều khiển tự động từ xa, có tác dụng xả khói và các sản phẩm cháy qua cửa thu khói ra ngoài trời.

1.4.27 Họng nước chữa cháy

Tổng hợp các thiết bị chuyên dùng gồm van khóa, vòi, lăng phun được lắp đặt sẵn để triển khai đưa nước đến đám cháy.

1.4.28 Khoảng cách phòng cháy chống cháy

Khoảng cách quy định giữa các nhà và công trình với mục đích ngăn cản cháy lan.

1.4.29 Khoang cháy

Một phần của nhà, được ngăn cách bởi các tường ngăn cháy và (hoặc) sàn ngăn cháy hoặc mái ngăn cháy, với giới hạn chịu lửa của các kết cấu ngăn chia bảo đảm việc đám cháy không lan ra ngoài khoang cháy trong suốt thời gian đám cháy.

1.4.30 Khoang đệm

Không gian chuyển tiếp giữa hai cửa đi, dùng để bảo vệ tránh sự xâm nhập của khói và của các khí khác khi đi vào nhà, vào buồng thang bộ, hoặc vào các gian phòng khác của nhà.

1.4.31 Khoang đệm ngăn cháy

Khoang đệm bảo vệ lỗ mở trên bộ phận ngăn cháy, được bao che bằng các sàn ngăn cháy và vách ngăn cháy, có hai lỗ mở đặt kế tiếp nhau với bộ phận chèn bịt ngăn cháy hoặc nhiều hơn hai lỗ mở với bộ phận chèn bịt ngăn cháy khi được cung cấp cưỡng bức không khí bên ngoài vào khoang đệm sao cho đủ để khoang đệm không bị nhiễm khói khi có cháy.

1.4.32 Khói

Bụi khí hình thành bởi sản phẩm cháy không hoàn toàn của vật liệu dưới dạng lỏng và (hoặc) rắn.

1.4.33 Lối ra thoát nạn (lối thoát nạn, cửa thoát nạn)

Lối hoặc cửa dẫn vào đường thoát nạn, dẫn ra ngoài trực tiếp hoặc dẫn vào vùng an toàn, tầng lánh nạn, gian lánh nạn.

1.4.34 Lối ra thoát nạn độc lập

Lối ra thoát nạn dẫn vào đường thoát nạn và không qua các phần nhà (gian phòng) có công năng khác.

1.4.35 Lối ra thoát nạn riêng

Lối ra thoát nạn từ phần nhà (gian phòng) dẫn vào đường thoát nạn độc lập, hoặc dẫn ra ngoài trực tiếp, hoặc dẫn trực tiếp vào vùng an toàn, tầng lánh nạn, gian lánh nạn.

1.4.36 Lớp bê tông bảo v, chiều dày lớp bê tông bảo vệ

- Lớp bê tông tính từ biên (mép) cấu kiện đến bề mặt gần nhất của cốt thép.

- Chiều dày lớp bê tông bảo vệ là chiều dày tính từ biên (mép) cấu kiện đến bề mặt gần nhất của cốt thép.

1.4.37 Mái có khai thác sử dụng

Mái nhà có sự có mặt thường xuyên của con người (không ít hơn 2 giờ liên tục hoặc tổng thời gian không ít hơn 6 giờ trong vòng một ngày đêm).

1.4.38 Ngọn lửa

Vùng cháy ở pha khí với bức xạ nhìn thấy được.

1.4.39 Nhà

Công trình xây dựng có chức năng chính là bảo vệ, che chắn cho người hoặc vật chứa bên trong, thông thường được bao che một phần hoặc toàn bộ và được xây dựng ở một vị trí cố định.

1.4.40 Nhà chung cư

Nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh (còn gọi là nhà chung cư hỗn hợp).

1.4.41 Nhà hỗn hợp

Nhà có nhiều công năng sử dụng khác nhau (ví dụ: một nhà được thiết kế sử dụng làm văn phòng, dịch vụ thương mại, hoạt động công cộng và có thể có các phòng ở).

CHÚ THÍCH: Nhà hỗn hợp phải áp dụng các quy định về an toàn cháy đối với nhà hỗn hợp khi diện tích sàn xây dựng dùng cho mỗi công năng của nhà không vượt quá 70% tổng diện tích sàn xây dựng của nhà (không bao gồm các diện tích sàn dùng cho hệ thống kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, gian lánh nạn và đỗ xe).

1.4.42 Nhà sản xuất

Nhà mà bên trong có các hoạt động sản xuất công nghiệp và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho con người làm việc và vận hành các thiết bị công nghệ.

1.4.43 Nhóm nguy hiểm cháy theo công năng của nhà, công trình, khoang cháy và gian phòng

Đặc trưng phân nhóm của nhà, công trình, khoang cháy và gian phòng, được xác định bởi công năng và các đặc điểm sử dụng riêng của nhà, công trình, khoang cháy và gian phòng vừa nêu, kể cả các đặc điểm của các quá trình công nghệ của sản xuất trong nhà, công trình, khoang cháy và gian phòng đó.

1.4.44 Nhóm của vật liệu xây dựng theo tính nguy hiểm cháy

Đặc trưng phân nhóm của vật liệu xây dựng, dựa trên các mức khác nhau của thông số kết quả thử nghiệm gây cháy cho vật liệu theo các tiêu chuẩn quy định.

1.4.45 Phân khoang cháy

Một phần của khoang cháy được ngăn bởi các bộ phận ngăn cháy và (hoặc) khu vực không có tải trọng cháy.

1.4.46 Phòng cháy

Tổ hợp các giải pháp tổ chức và kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn cho con người, ngăn ngừa sự cố cháy, hạn chế lan truyền cháy cũng như tạo ra các điều kiện để dập cháy hiệu quả.

1.4.47 Quy mô khối tích

Khối tích của một không gian trong phạm vi một nhà hoặc khoang cháy. Khối tích này không bao gồm các tường của thang máy được bảo vệ, buồng thang bộ thoát nạn và các không gian khác (ví dụ: khu vệ sinh và các buồng để đồ) được bao che bằng các tường có giới hạn chịu lửa không thấp hơn 60 phút, đồng thời các lối đi qua tường được bảo vệ bằng cửa ngăn cháy loại 2 có lắp cơ cấu tự đóng. Quy mô khối tích được tính dựa vào các kích thước sau:

a) Kích thước mặt bằng lấy theo khoảng cách giữa các bề mặt hoàn thiện phía trong của tường bao, hoặc ở tất cả các mặt không có tường bao thì tính đến một mặt phẳng thẳng đứng kéo đến cạnh ngoài trên cùng của sàn;
b) Chiều cao lấy theo khoảng cách từ bề mặt trên của sàn phía dưới đến mặt bề mặt dưới của sàn phía trên của không gian;
c) Đối với một nhà hoặc khoang cháy kéo lên đến mái thì lấy theo khoảng cách đến bề mặt dưới của mái hoặc bề mặt dưới của trần của tầng cao nhất trong khoang cháy, bao gồm cả không gian bị chiếm chỗ bởi tất cả các tường, hoặc giếng đứng, kênh dẫn không được bảo vệ, hoặc kết cấu nằm trong không gian đang xét.

1.4.48 Sảnh ngăn khói

Sảnh được bố trí ở phía ngoài lối vào một buồng thang bộ thoát nạn. Thiết kế của sảnh này phải bảo đảm ngăn chặn hoặc giảm thiểu sự xâm nhập của khói vào các buồng thang bộ.

1.4.49 Sảnh thang máy

Không gian trống trước cửa ra vào của thang máy.

1.4.50 Số tầng nhà

Số tầng của tòa nhà bao gồm toàn bộ các tầng trên mặt đất (kể cả tầng kỹ thuật, tầng tum) và tầng bán/nửa hầm, không bao gồm tầng áp mái.

CHÚ THÍCH:   Tầng tum không tính vào số tầng nhà của công trình khi chỉ có chức năng sử dụng để bao che lồng cầu thang bộ/giếng thang máy và che chắn các thiết bị kỹ thuật của công trình (nếu có), có diện tích mái tum không vượt quá 30% diện tích sàn mái.

1.4.51 Đám cháy

Sự cháy không được kiểm soát dẫn đến các thiệt hại về người và (hoặc) tài sản.

1.4.52 Sự cháy

Phản ứng ôxy hóa tỏa nhiệt của một chất có kèm theo ít nhất một trong ba yếu tố: ngọn lửa, phát sáng, sinh khói.

1.4.53 Tài liệu chuẩn

Bao gồm các tài liệu như các tiêu chuẩn (standard), quy định kỹ thuật (technical specifications), quy phạm thực hành (code of practice) và quy chuẩn kỹ thuật (technical regulation) trong và ngoài nước được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành.

1.4.54 Tải trọng cháy

Tổng năng lượng nhiệt được giải phóng bởi sự cháy của tất cả các vật liệu có thể cháy trong một không gian công trình.

1.4.55 Tầng áp mái

Tầng nằm bên trong không gian của mái dốc mà toàn bộ hoặc một phần mặt đứng của nó được tạo bởi bề mặt mái nghiêng hoặc mái gấp, trong đó tường bao (nếu có) không cao quá mặt sàn 1,5 m.

1.4.56 Tầng dừng chính (của thang máy)

Tầng có cửa chính của nhà (thường là tầng 1).

1.4.57 Tầng hm

Tầng mà quá một nửa chiều cao của nó nằm dưới cao độ mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

CHÚ THÍCH: Khi xem xét các yêu cầu về an toàn cháy đối với nhà có cao độ mặt đất xung quanh khác nhau, không xác định tầng nằm dưới cao độ mặt đất theo quy hoạch được duyệt là tầng hầm nếu đường thoát nạn từ tầng đó không di chuyển theo hướng từ dưới lên trên.

1.4.58 Tầng lánh nạn

Tầng dùng để sơ tán tạm thời, được bố trí trong tòa nhà có chiều cao PCCC lớn hơn 100 m. Tầng lánh nạn có bố trí một hoặc nhiều gian lánh nạn.

1.4.59 Tầng nửa/bán hầm

Tầng mà một nửa chiều cao của nó nằm trên hoặc ngang cao độ mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

1.4.60 Tầng kỹ thuật

Tầng hoặc một phần tầng bố trí các gian kỹ thuật hoặc các thiết bị kỹ thuật của tòa nhà. Tầng kỹ thuật có thể là tầng hầm, tầng nửa hầm, tầng áp mái, tầng trên cùng hoặc tầng thuộc phần giữa của tòa nhà.

1.4.61 Tầng trên mặt đất

Tầng mà cao độ sàn của nó cao hơn hoặc bằng cao độ mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

1.4.62 Thang máy chữa cháy

Thang máy được lắp đặt chủ yếu để vận chuyển người nhưng được trang bị thêm các hệ thống điều khiển bảo vệ, thông tin liên lạc và các dấu hiệu để cho phép những thang máy đó được sử dụng dưới sự điều khiển trực tiếp của lực lượng chữa cháy đến được các tầng của nhà khi có cháy xảy ra.

1.4.63 Thông gió thoát khói

Quá trình trao đổi khí được điều khiển, diễn ra bên trong nhà khi có cháy ở một trong những gian phòng của nhà, có tác dụng ngăn chặn các tác động có hại của các sản phẩm cháy (gia tăng nồng độ các chất độc, gia tăng nhiệt độ và thay đổi mật độ quang học của không khí) đến con người và tài sản.

1.4.64 Tính nguy hiểm cháy của chất, vật liệu xây dựng

Trạng thái của chất và vật liệu và được đặc trưng bởi khả năng làm phát sinh sự cháy hoặc nổ của chất và vật liệu.

1.4.65 Tính nguy hiểm cháy của đối tượng bảo vệ

Trạng thái của đối tượng bảo vệ và được đặc trưng bởi khả năng làm phát sinh và phát triển đám cháy, cũng như sự tác động của các yếu tố nguy hiểm cháy đối với người và tài sản.

1.4.66 Tính chịu lửa

Tính chất chống lại các tác động của đám cháy và chống sự lan truyền các yếu tố nguy hiểm của đám cháy.

1.4.67 Van khói

Van ngăn cháy thường đóng, chỉ yêu cầu giới hạn chịu lửa E và được lắp đặt trực tiếp trên lỗ mở của các giếng hút khói trong các hành lang và sảnh được bảo vệ chống khói (tiếp theo gọi là hành lang).

1.4.68 Van ngăn cháy

Thiết bị được điều khiển tự động từ xa, dùng để che chắn các kênh thông gió hoặc các lỗ mở trên kết cấu bao che của nhà, có giới hạn chịu lửa đánh giá theo tiêu chí EI. Van ngăn cháy gồm các loại sau:

- Van ngăn cháy thường mở (đóng khi có cháy);

- Van ngăn cháy thường đóng (mở khi có cháy hoặc sau cháy);

- Van ngăn cháy kép (đóng khi có cháy và mở sau cháy).

1.4.69 Vùng an toàn

Vùng mà trong đó con người được bảo vệ khỏi tác động từ các yếu tố nguy hiểm của đám cháy, hoặc trong đó không có các yếu tố nguy hiểm của đám cháy, hoặc các yếu tố nguy hiểm của đám cháy không vượt quá các giá trị cho phép.

1.4.70 Vùng khói

Vùng bên trong một công trình được giới hạn hoặc bao xung quanh bằng các bộ phận ngăn khói hoặc cấu kiện kết cấu để ngăn cản sự lan truyền của lớp khói bốc lên do nhiệt trong các đám cháy.

1.4.71 Xử lý chống cháy cho kết cấu

Dùng biện pháp ngâm tẩm hoặc bọc, phủ các lớp bảo vệ lên kết cấu nhằm làm tăng khả năng chịu lửa và (hoặc) làm giảm tính nguy hiểm cháy của kết cấu đó.

1.4.72 Yếu tố nguy hiểm của đám cháy

Các yếu tố của đám cháy mà tác động của chúng có thể dẫn đến chấn thương, ngộ độc, hoặc nguy hiểm tính mạng và (hoặc) thiệt hại tài sản.

CHÚ THÍCH: Các yếu tố nguy hiểm cháy: 1) ngọn lửa và tia lửa; 2) luồng nhiệt; 3) nhiệt độ môi trường tăng cao; 4) nồng độ chất độc tăng cao của các sản phẩm cháy và phân rã nhiệt; 5) nồng độ ô xy thấp; 6) tầm nhìn giảm trong khói.

1.5 Quy định chung

1.5.1 Trong các nhà, khi thiết kế phải có các giải pháp kết cấu, bố trí mặt bằng - không gian và kỹ thuật công trình để bảo đảm khi xảy ra cháy thì:

- Nhà vẫn duy trì được tính ổn định tổng thể và tính bất biến hình trong một khoảng thời gian nhất định, được quy định bằng bậc chịu lửa của nhà;

- Mọi người trong nhà (không phụ thuộc vào tuổi tác và tình trạng sức khỏe) có thể sơ tán ra bên ngoài tới khu vực an toàn (sau đây gọi là bên ngoài) trước khi xuất hiện nguy cơ đe dọa tính mạng và sức khỏe do tác động của các yếu tố nguy hiểm của đám cháy;

- Có khả năng cứu người;

- Lực lượng và phương tiện chữa cháy có thể tiếp cận đám cháy và thực hiện các biện pháp chữa cháy, cứu người và tài sản;

- Không để cháy lan sang các nhà bên cạnh, kể cả trong trường hợp nhà đang cháy bị sập đổ;

- Hạn chế các thiệt hại trực tiếp và gián tiếp về vật chất, bao gồm bản thân nhà và các tài sản bên trong nhà, có xét tới tương quan kinh tế giữa giá trị thiệt hại và chi phí cho các giải pháp cùng trang thiết bị kỹ thuật phòng cháy chữa cháy.

1.5.2 Trong quá trình xây dựng phải bảo đảm:

- Thực hiện các giải pháp phòng chống cháy theo thiết kế phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và đã được thẩm duyệt theo quy định;

- Thực hiện các yêu cầu phòng cháy chữa cháy cho các công trình đang xây dựng, các công trình phụ trợ và các quy định phòng cháy chữa cháy trong thi công xây lắp theo pháp luật về phòng cháy chữa cháy hiện hành;

- Trang bị các phương tiện chữa cháy theo quy định và trong trạng thái sẵn sàng hoạt động;

- Khả năng thoát nạn an toàn và cứu người, cũng như bảo vệ tài sản khi xảy ra cháy trong công trình đang xây dựng và trên công trường.

1.5.3 Trong quá trình khai thác sử dụng phải:

- Bảo đảm các bộ phận của nhà và khả năng làm việc của các hệ thống bảo vệ chống cháy phù hợp với yêu cầu thiết kế và các tài liệu kỹ thuật của chúng;

- Thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy theo pháp luật hiện hành;

- Không được phép thay đổi kết cấu hay các giải pháp bố trí mặt bằng - không gian và kỹ thuật công trình mà không có thiết kế được phê duyệt theo quy định;

- Khi tiến hành sửa chữa, không cho phép sử dụng các cấu kiện và vật liệu không đáp ứng các yêu cầu của các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

Khi nhà được cấp phép ở điều kiện phải hạn chế về tải trọng cháy, về số người trong nhà hoặc trong bất kỳ phần nào của nhà, thì bên trong nhà phải đặt thông báo về những hạn chế này ở những nơi dễ thấy, còn bộ phận quản lý nhà phải thiết lập các biện pháp tổ chức riêng về phòng cháy chữa cháy và sơ tán người khi xảy ra cháy.

1.5.4 Khi phân tích tính nguy hiểm cháy của nhà, có thể sử dụng các tình huống tính toán dựa trên tương quan giữa các thông số: sự phát triển và lan truyền các yếu tố nguy hiểm của đám cháy, việc sơ tán người và tổ chức chữa cháy.

2 PHÂN LOẠI KỸ THUẬT VỀ CHÁY

2.1 Phân nhóm vật liệu xây dựng theo tính nguy hiểm cháy

2.1.1 Mục đích phân nhóm

2.1.1.1 Việc phân nhóm chất và vật liệu xây dựng theo tính nguy hiểm cháy được thực hiện nhằm mục đích thiết lập các yêu cầu về an toàn cháy khi có chất và vật liệu, sử dụng, bảo quản và vận chuyển, chế biến và tiêu hủy.

2.1.1.2 Để thiết lập các yêu cầu về an toàn cháy đối với kết cấu nhà, công trình và các hệ thống bảo vệ chống cháy vật liệu xây dựng được phân nhóm theo tính nguy hiểm cháy.

2.1.2 Tiêu chí phân nhóm

Tính nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng được xác định theo các đặc tính kỹ thuật về cháy:

- Tính cháy;

- Tính bắt cháy;

- Tính lan truyền lửa trên bề mặt;

- Khả năng sinh khói;

- Độc tính.

2.1.3 Phân nhóm theo tính cháy

2.1.3.1 Theo tính cháy, vật liệu xây dựng được phân thành vật liệu không cháy và vật liệu cháy.

2.1.3.2 Vật liệu xây dựng không cháy là vật liệu có các chỉ tiêu về tính cháy (mức gia tăng nhiệt độ, mất khối lượng mẫu thử, thời gian kéo dài của ngọn lửa ổn định) khi thử nghiệm như trong B.1.1, Phụ lục B.

Vật liệu xây dựng không cháy thì không quy định về tính nguy hiểm cháy và không xác định các chỉ tiêu khác (xem B.1.1, Phụ lục B).

2.1.3.3 Vật liệu xây dựng cháy được phân thành 4 nhóm:

- Ch1 (cháy yếu);

- Ch2 (cháy vừa phải);

- Ch3 (cháy mạnh vừa);

- Ch4 (cháy mạnh).

Tính cháy và các nhóm của vật liệu xây dựng theo tính cháy được xác định theo B.1.2, Phụ lục B.

2.1.4 Phân nhóm theo tính bắt cháy

Theo tính bắt cháy, vật liệu xây dựng cháy được phân thành 3 nhóm:

- BC1 (khó bắt cháy);

- BC2 (bắt cháy vừa phải);

- BC3 (dễ bắt cháy).

Nhóm vật liệu xây dựng theo tính bắt cháy được xác định theo B.1.3, Phụ lục B.

2.1.5 Phân nhóm theo tính lan truyền lửa

Theo tính lan truyền lửa trên bề mặt, vật liệu xây dựng cháy được phân thành 4 nhóm:

- LT1 (không lan truyền);

- LT2 (lan truyền yếu);

- LT3 (lan truyền vừa phải);

- LT4 (lan truyền mạnh).

Nhóm vật liệu xây dựng theo tính lan truyền lửa trên bề mặt được quy định cho lớp vật liệu bề mặt của mái và sàn, kể cả lớp thảm trải sàn, theo B.1.4, Phụ lục B.

Đối với các vật liệu xây dựng khác, không xác định và không quy định việc phân nhóm về lan truyền lửa trên bề mặt.

2.1.6 Phân nhóm theo khả năng sinh khói

Theo khả năng sinh khói, vật liệu xây dựng cháy được phân thành 3 nhóm:

- SK1 (khả năng sinh khói thấp);

- SK2 (khả năng sinh khói vừa phải);

- SK3 (khả năng sinh khói cao).

Nhóm vật liệu xây dựng theo khả năng sinh khói được xác định theo B.1.5, Phụ lục B.

2.1.7 Phân nhóm theo độc tính

Theo độc tính của các sản phẩm cháy, vật liệu xây dựng cháy được phân thành 4 nhóm:

- ĐT1 (độc tính thấp);

- ĐT2 (độc tính vừa phải);

- ĐT3 (độc tính cao);

- ĐT4 (độc tính đặc biệt cao).

Nhóm vật liệu xây dựng theo độc tính của các sản phẩm cháy được xác định theo B.1.6, Phụ lục B.

2.1.8 Phân cấp theo tính nguy hiểm cháy

2.1.8.1 Theo tính nguy hiểm cháy, vật liệu xây dựng được phân thành các cấp nguy hiểm cháy tăng dần từ CV0, CV1, CV2, CV3, CV4 đến CV5.

CHÚ THÍCH: Cấp nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng là chỉ tiêu tổng hợp của các nhóm nguy hiểm cháy của vật liệu nêu tại 2.1.2.

2.1.8.2 Cấp nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng được xác định theo B.1.7, Phụ lục B.

2.2 Cấu kiện xây dựng

2.2.1 Mục đích phân loại

2.2.1.1 Cấu kiện xây dựng được phân loại theo tính chịu lửa và tính nguy hiểm cháy.

2.2.1.2 Cấu kiện xây dựng được phân loại theo tính chịu lửa để xác định khả năng sử dụng chúng trong nhà, công trình và khoang cháy có bậc chịu lửa nhất định hoặc để xác định bậc chịu lửa của nhà, công trình và khoang cháy.

2.2.1.3 Cấu kiện xây dựng được phân loại theo tính nguy hiểm cháy để xác định mức độ tham gia của chúng vào sự phát triển đám cháy và khả năng hình thành các yếu tố nguy hiểm của đám cháy.

2.2.2 Phân loại cấu kiện xây dựng theo tính chịu lửa

2.2.2.1 Các cấu kiện xây dựng của nhà và công trình, phụ thuộc vào khả năng của chúng chống lại tác động của đám cháy và sự lan truyền các yếu tố nguy hiểm cháy của đám cháy trong điều kiện thử nghiệm tiêu chuẩn, được phân thành các cấu kiện xây dựng với các giới hạn chịu lửa như sau:

- Không quy định;

- Không nhỏ hơn 15 min;

- Không nhỏ hơn 30 min;

- Không nhỏ hơn 45 min;

- Không nhỏ hơn 60 min;

- Không nhỏ hơn 90 min;

- Không nhỏ hơn 120 min;

- Không nhỏ hơn 150 min;

- Không nhỏ hơn 180 min;

- Không nhỏ hơn 240 min.

2.2.2.2 Giới hạn chịu lửa của cấu kiện xây dựng được xác định trong điều kiện thử nghiệm tiêu chuẩn. Thời điểm đạt tới giới hạn chịu lửa của các cấu kiện chịu lực và bao che trong điều kiện thử nghiệm tiêu chuẩn hoặc theo kết quả tính toán được xác định theo thời gian đạt tới một hoặc một số dấu hiệu nối tiếp nhau của các trạng thái giới hạn:

- Mất khả năng chịu lực (ký hiệu bằng chữ R);

- Mất tính toàn vẹn (ký hiệu bằng chữ E);

- Mất khả năng cách nhiệt (ký hiệu bằng chữ I) do nhiệt độ ở bề mặt không đốt nóng tăng đến giá trị giới hạn;

- Mất khả năng hạn chế bức xạ nhiệt (ký hiệu bằng chữ W) do thông lượng nhiệt ở khoảng cách quy định từ bề mặt không bị đốt nóng của cấu kiện/kết cấu đạt tới giá trị giới hạn.

CHÚ THÍCH 1: Giới hạn chịu lửa của cấu kiện xây dựng được xác định bằng thử nghiệm chịu lửa theo TCVN 9311-1 đến TCVN 9311-8 hoặc các tiêu chuẩn tương đương hoặc bằng tính toán theo tiêu chuẩn thiết kế chịu lửa được áp dụng.

Giới hạn chịu lửa của các ống dẫn khói, không khí được xác định theo tiêu chuẩn ISO 6944 hoặc các tiêu chuẩn tương đương.

CHÚ THÍCH 2: Giới hạn chịu lửa yêu cầu của các cấu kiện xây dựng cụ thể được quy định trong quy chuẩn này và trong các quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại công trình. Giới hạn chịu lửa yêu cầu của cấu kiện xây dựng được ký hiệu bằng REI, REW, EI, EW, EIW, RE hoặc R kèm theo các ch số tương ứng về thời gian chịu tác động của lửa tính bằng phút. Ví dụ: cấu kiện có giới hạn chịu lửa yêu cầu là REI 120 nghĩa là cấu kiện phải duy trì được đồng thời cả ba khả năng: chịu lực, toàn vẹn và cách nhiệt trong khoảng thời gian chịu tác động của lửa là 120 phút; Cấu kiện có giới hạn chịu lửa yêu cầu là R 60, thì cấu kiện chỉ phải duy trì khả năng chịu lực trong thời gian 60 phút, không yêu cầu về khả năng cách nhiệt và tính toàn vẹn.

CHÚ THÍCH 3: Một cấu kiện xây dựng được cho là bảo đảm yêu cầu về giới hạn chịu lửa nếu thỏa mãn một trong các điều kiện sau:

a) Cấu kiện có cấu tạo với đặc điểm kỹ thuật giống như mẫu thử nghiệm chịu lửa và mẫu này khi thử nghiệm có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn giới hạn chịu lửa yêu cầu của cấu kiện đó.

b) Giới hạn chịu lửa của cấu kiện được xác định bằng tính toán theo tiêu chuẩn thiết kế chịu lửa áp dụng không nhỏ hơn giới hạn chịu lửa yêu cầu của cấu kiện đó.

c) Cấu kiện có cấu tạo với đặc điểm kỹ thuật phù hợp với cấu kiện nêu trong Phụ lục F mà giới hạn chịu lửa danh định tương ứng cho trong phụ lục này không nhỏ hơn giới hạn chịu lửa yêu cầu của cấu kiện đó.

2.2.3 Phân cấp cấu kiện xây dựng theo tính nguy hiểm cháy

2.2.3.1 Theo tính nguy hiểm cháy, cấu kiện xây dựng được phân thành 4 cấp:

- K0 (không nguy hiểm cháy);

- K1 (ít nguy hiểm cháy);

- K2 (nguy hiểm cháy vừa phải);

- K3 (nguy hiểm cháy).

2.2.3.2 Giá trị các tiêu chí để xếp cấu kiện xây dựng vào một cấp nguy hiểm cháy nhất định được xác định phù hợp với các phương pháp nêu trong các tiêu chuẩn quốc gia (hoặc tương đương) về thử nghiệm an toàn cháy.

CHÚ THÍCH 1: Cho phép xếp cấu kiện xây dựng vào cấp nguy hiểm cháy mà không cần thử nghiệm như sau:

a) Cấp K0 - nếu cấu kiện được chế tạo chỉ từ vật liệu không cháy;

b) Cấp K1 - nếu bề mặt ngoài của cấu kiện được cấu tạo từ vật liệu có đồng thời các chỉ tiêu kỹ thuật về cháy không nguy hiểm hơn Ch1, BC1, SK1;

c) Cấp K2 - nếu bề mặt ngoài của cấu kiện được cấu tạo từ vật liệu có đồng thời các chỉ tiêu kỹ thuật về cháy không nguy hiểm hơn Ch2, BC2, SK2;

d) Cấp K3 - nếu bề mặt ngoài của cấu kiện được cấu tạo chỉ từ các vật liệu có một trong các chỉ tiêu kỹ thuật về cháy là Ch3, BC3, SK3;

CHÚ THÍCH 2: Cấu kiện tường kính bao che (facad) được coi là cấu kiện có cấp nguy hiểm cháy K0, nếu các bộ phận của nó (bao gồm cả bộ phận liên kết với nhà) được làm từ vật liệu không cháy. Cho phép không xét đến các mạch chèn bịt và lớp phủ mặt ngoài có chiều dày nhỏ hơn 0,3 mm (nếu có).

2.3 Bộ phận ngăn cháy

2.3.1 Mục đích phân loại

Bộ phận ngăn cháy được phân loại theo biện pháp ngăn chặn lan truyền các yếu tố nguy hiểm cháy, cũng như theo tính chịu lửa để lựa chọn kết cấu xây dựng và bộ phận chèn bịt lỗ mở của bộ phận ngăn cháy với giới hạn chịu lửa cần thiết và cấp nguy hiểm cháy.

2.3.2 Phân loại bộ phận ngăn cháy

2.3.2.1 Các bộ phận ngăn cháy gồm tường ngăn cháy, vách ngăn cháy và sàn ngăn cháy, được phân thành các loại như Bảng 1.

CHÚ THÍCH: Ngoài các bộ phận ngăn cháy đó, để ngăn chặn sự lan truyền đám cháy còn có các biện pháp dùng: màn ngăn cháy; màn nước ngăn cháy; khoảng cách phòng cháy chống cháy; khoảng không gian không có tải trọng cháy.

2.3.2.2 Các bộ phận chèn bịt lỗ mở của bộ phận ngăn cháy (cửa đi ngăn cháy, cửa nắp, van ngăn cháy, cửa sổ, màn ngăn cháy) phụ thuộc vào giới hạn chịu lửa của phần ngăn cách của chúng được phân thành các loại như Bảng 2.

CHÚ THÍCH: Giới hạn chịu lửa của các van ngăn cháy của các hệ thống phân phối không khí xác định theo ISO 10294 hoặc các tiêu chuẩn tương đương. Giới hạn chịu lửa của cửa đi, cửa sổ và cửa chắn xác định theo TCVN 9383 hoặc các tiêu chuẩn tương đương.

2.3.2.3 Các khoang đệm ngăn cháy bố trí trong lỗ mở của bộ phận ngăn cháy phụ thuộc vào loại bộ phận cấu thành khoang đệm ngăn cháy được phân thành khoang đệm ngăn cháy loại 1 và loại 2.

2.3.3 Yêu cầu đối với bộ phận ngăn cháy

2.3.3.1 Bộ phận ngăn cháy được dùng để ngăn cản đám cháy và các sản phẩm cháy lan truyền từ một khoang cháy hoặc từ một gian phòng có đám cháy tới các gian phòng khác.

2.3.3.2 Bộ phận ngăn cháy được đặc trưng bằng tính chịu lửa và tính nguy hiểm cháy.

Tính chịu lửa của một bộ phận ngăn cháy được xác định bằng tính chịu lửa của các bộ phận cấu thành ra nó, bao gồm:

- Phần ngăn cách (tấm vách, tấm tường, tấm sàn và các bộ phận tương tự);

- Cấu kiện giữ ổn định cho phần ngăn cách (khung, giằng và các cấu kiện tương tự);

- Cấu kiện đỡ phần ngăn cách (dầm đỡ, sườn đỡ, tường đỡ và các bộ phận tương tự);

- Các nút liên kết giữa chúng.

Giới hạn chịu lửa theo trạng thái mất khả năng chịu lực (R) của cấu kiện giữ ổn định cho phần ngăn cách, của cấu kiện đỡ phần ngăn cách và của các nút liên kết giữa chúng không được thấp hơn giới hạn chịu lửa yêu cầu đối với phần ngăn cách.

Tính nguy hiểm cháy của bộ phận ngăn cháy được xác định bằng tính nguy hiểm cháy của phần ngăn cách cùng với các chi tiết liên kết và của các cấu kiện giữ ổn định cho phần ngăn cách.

2.3.3.3 Giới hạn chịu lửa và loại cấu kiện xây dựng thực hiện chức năng bộ phận ngăn cháy, các loại bộ phận chèn bịt tương ứng với chúng và các khoang đệm ngăn cháy được quy định tại Bảng 1.

2.3.3.4 Bộ phận ngăn cháy loại 1 phải có cấp nguy hiểm cháy K0. Trong các trường hợp riêng, cho phép sử dụng cấp nguy hiểm cháy K1 trong các bộ phận ngăn cháy loại 2 đến loại 4.

2.3.3.5 Giới hạn chịu lửa đối với các loại bộ phận chèn bịt lỗ mở tương ứng của bộ phận ngăn cháy được quy định tại Bảng 2.

Bảng 1 - Giới hạn chịu lửa và loại cấu kiện xây dựng thực hiện chức năng bộ phận ngăn cháy, các loại bộ phận chèn bịt tương ứng với chúng và các khoang đệm ngăn cháy

Bộ phận ngăn cháy

Loại bộ phận ngăn cháy

Giới hạn chịu lửa của bộ phận ngăn cháy

Loại bộ phận chèn bịt lỗ mở của bộ phận ngăn cháy

Loại khoang đệm ngăn cháy

1. Tường ngăn cháy

1

RЕI 150

1

1

2

RЕI 45

2

2

2. Vách ngăn cháy

1

ЕI 45

2

1

2

ЕI 15

3

2

3. Vách ngăn cháy có diện tích kính lớn hơn 25% diện tích vách

1

ЕIW 45 1)

2

1

2

ЕIW 15 1)

3

2

4. Sàn ngăn cháy

1

RЕI 150

1

1

2

RЕI 60

2

1

3

RЕI 45

2

1

4

RЕI 15

3

2

1) Đối với phần vật liệu khác kính áp dụng chỉ tiêu EI, đối với phần kính áp dụng chỉ tiêu EW. Các vách ngăn cháy đã thử nghiệm đạt chỉ tiêu EI đối với cả phần kính được xem là đạt chỉ tiêu EW.

 

Bảng 2 - Giới hạn chịu lửa của các bộ phận chèn bịt của bộ phận ngăn cháy

Các bộ phận chèn bịt lỗ mở của bộ phận ngăn cháy

Loại bộ phận chèn bịt của bộ phận ngăn cháy

Giới hạn chịu lửa

1. Cửa đi (trừ: cửa đi có tỷ lệ diện tích kính lớn hơn 25% diện tích cửa đi; cửa kín khói), cửa nắp, van ngăn cháy 1), màn ngăn cháy

1

ЕI 60

2

ЕI 30

3

ЕI 15

2. Cửa đi có tỷ lệ diện tích kính lớn hơn 25% diện tích cửa đi

1

ЕIW 60 2)

2

ЕIW 30 2)

3

ЕIW 15 2)

3. Cửa giếng thang máy (khi có yêu cầu về giới hạn chịu lửa)

2

E 30

4. Cửa sổ

1

Е 60

2

Е 30

3

Е 15

1) Giới hạn chịu lửa của van ngăn cháy được phép chỉ lấy theo tính toàn vẹn (E) nếu những van này lắp đặt bên trong các kênh, giếng và đường ống dẫn mà bảo đảm được khả năng chịu lửa yêu cầu đối với cả tính toàn vẹn (E) và tính cách nhiệt (I).

2) Đối với phần vật liệu khác kính áp dụng chỉ tiêu EI, đối với phần kính áp dụng chỉ tiêu EW. Các cửa đi đã thử nghiệm đạt chỉ tiêu EI đối với cả phần kính được xem là đạt chỉ tiêu EW.

2.3.3.6. Yêu cầu đối với các bộ phận của khoang đệm ngăn cháy các loại được quy định tại Bảng 3.

CHÚ THÍCH: Khi trong bộ phận ngăn cháy có các cửa đi, cửa nắp, van, cửa sổ, màn chắn, hay khi ở vị trí các cửa đó có bố trí khoang đệm ngăn cháy thì cửa, van ngăn cháy và khoang đệm ngăn cháy phải được chọn loại cũng có khả năng ngăn cháy phù hợp với loại của bộ phận ngăn cháy theo quy định tại Bảng 1.

Bảng 3 - Yêu cầu đối với các bộ phận của khoang đệm ngăn cháy

Loại khoang đệm ngăn cháy

Loại bộ phận của khoang đệm ngăn cháy

Vách ngăn

Sàn

Bộ phận chèn bịt lỗ mở

1

1

3

2

2

2

4

3

2.4 Cầu thang bộ và buồng thang bộ

2.4.1 Mục đích phân loại

Cầu thang bộ và buồng thang bộ được phân loại nhằm mục đích để xác định các yêu cầu đối với chúng về giải pháp mặt bằng - không gian và giải pháp kết cấu, cũng như để thiết lập các yêu cầu đối với việc sử dụng chúng trên đường thoát nạn cho người.

2.4.2 Phân loại cầu thang bộ

2.4.2.1 Cầu thang và buồng thang bộ dùng để thoát nạn cho người từ nhà và công trình khi có cháy được phân thành các loại sau:

- Loại 1 - cầu thang bên trong nhà, được đặt trong buồng thang;

- Loại 2 - cầu thang bên trong nhà, để hở;

- Loại 3 - cầu thang bên ngoài nhà, để hở.

CHÚ THÍCH 1: “Để hở” nghĩa là không được đặt trong buồng thang bộ.

CHÚ THÍCH 2: Một số hình minh họa về các loại cầu thang bộ được thể hiện tại Phụ lục I.

2.4.2.2 Thang chữa cháy để phục vụ cho việc chữa cháy và cứu nạn được phân thành 2 loại sau:

- P1 - thang đứng;

- P2 - thang bậc với độ nghiêng không quá 6:1 (không quá 80o).

2.4.3 Phân loại buồng thang bộ

2.4.3.1 Các buồng thang bộ thoát nạn được phân thành các loại sau phụ thuộc vào mức độ được bảo vệ chống nhiễm khói khi có cháy:

- Buồng thang bộ thông thường;

- Buồng thang bộ không nhiễm khói.

CHÚ THÍCH: Một số hình minh họa về các loại buồng thang bộ được thể hiện tại Phụ lục I.

2.4.3.2 Các loại buồng thang bộ thông thường được phân thành các loại:

- L1 - được chiếu sáng tự nhiên qua các lỗ cửa (để hở hoặc lắp kính) ở tường ngoài trên mỗi tầng hoặc không được chiếu sáng tự nhiên trong trường hợp nếu chúng được dành cho thoát nạn chỉ từ các gian phòng của tầng nửa hầm;

- L2 - được chiếu sáng tự nhiên qua các lỗ (để hở hoặc lắp kính) ở trên mái.

2.4.3.3 Các buồng thang bộ không nhiễm khói được phân thành các loại sau, phụ thuộc vào biện pháp bảo vệ chống nhiễm khói khi có cháy:

- N1 - buồng thang bộ có lối vào buồng thang từ mỗi tầng qua một vùng đệm không khí không nhiễm khói theo các đường đi chuyển tiếp hở (xem phần 3 về một số trường hợp buồng thang loại N1);

CHÚ THÍCH: Cho phép thay thế buồng thang bộ N1 bằng buồng thang b có lối vào buồng thang từ mỗi tầng đi qua khoang đệm. Cả khoang đm và buồng thang bộ phải có áp suất không khí dương khi có cháy. Việc cấp không khí vào khoang đệm và vào buồng thang bộ là độc lập với nhau.

- N2 - buồng thang bộ có áp suất không khí dương (áp suất không khí trong buồng thang cao hơn bên ngoài buồng thang) trong buồng thang bộ khi có cháy;

- N3 - buồng thang bộ có lối vào buồng thang bộ từ mỗi tầng qua khoang đệm ngăn cháy luôn có áp suất không khí dương (áp suất không khí dương trong khoang đệm ngăn cháy là thường xuyên hoặc khi có cháy).

2.5 Nhà, công trình, khoang cháy

2.5.1 Mục đích phân loại

Việc phân loại kỹ thuật về cháy cho nhà, công trình và khoang cháy nhằm thiết lập các yêu cầu an toàn cháy đối với các hệ thống phòng cháy chống cháy cho nhà, công trình phụ thuộc vào công năng (mục đích sử dụng) và tính nguy hiểm cháy của chúng.

2.5.2 Tiêu chí phân loại

Việc phân loại kỹ thuật về cháy cho nhà, công trình, khoang cháy được thực hiện có kể đến các tiêu chí sau:

- Bậc chịu lửa;

- Cấp nguy hiểm cháy kết cấu;

- Nhóm nguy hiểm cháy theo công năng.

2.5.3 Phân bậc chịu lửa của nhà, công trình, khoang cháy

2.5.3.1 Nhà, công trình, khoang cháy được phân thành 5 bậc chịu lửa I, II, III, IV, V.

2.5.3.2 Thiết lập bậc chịu lửa của nhà, công trình, khoang cháy

Bậc chịu lửa của nhà, công trình, khoang cháy được thiết lập phụ thuộc vào số tầng (hoặc chiều cao PCCC của nhà), nhóm nguy hiểm cháy theo công năng, diện tích khoang cháy (xem Phụ lục H) và tính nguy hiểm cháy của các quá trình công nghệ diễn ra trong nhà, công trình, khoang cháy.

2.5.3.3 Giới hạn chịu lửa cần thiết của kết cấu xây dựng phải được lựa chọn phù hợp với bậc chịu lửa đã chọn của nhà, công trình và khoang cháy. Trừ những trường hợp được quy định riêng trong quy chuẩn này, sự phù hợp giữa bậc chịu lửa của nhà, công trình và khoang cháy với giới hạn chịu lửa của kết cấu xây dựng của chúng được quy định tại Bảng 4.

Bảng 4 - Sự phù hợp giữa bậc chịu lửa của nhà, công trình và khoang cháy với giới hạn chịu lửa của cấu kiện xây dựng của nhà, công trình và khoang cháy

Bậc chịu lửa của nhà, công trình và khoang cháy

Giới hạn chịu lửa của cấu kiện, không nhỏ hơn

Tường chịu lực, cột chịu lực và các bộ phận chịu lực khác

Tường ngoài không chịu lực

Sàn tầng (bao gồm cả sàn tầng áp mái và sàn trên tầng hầm)

Kết cấu mái không có tầng áp mái

Các cấu kiện xây dựng của buồng thang bộ

Tấm lợp (kể cả tấm lợp có lớp cách nhiệt)

Giàn, dầm, xà gồ

Tường trong

Bản thang và chiếu thang

I

R 120

Е 30

RЕI 60

RЕ 30

R 30

RЕI 120

R 60

II

R 90

Е 15

RЕI 45

RЕ 15

R 15

RЕI 90

R 60

III

R 45

Е 15

RЕI 45

RЕ 15

R 15

RЕI 60

R 45

IV

R 15

E 15

RЕI 15

RЕ 15

R 15

RЕI 45

R 15

V

Không quy định

CHÚ THÍCH 1: Trong các nhà có bậc chịu lửa I, II, III thì sàn và trần của tầng hầm, tầng nửa hầm phải làm bằng vật liệu không cháy và có giới hạn chịu lửa ít nhất REI 90. Sàn tầng 1 và tầng trên cùng phải làm bằng vật liệu có tính cháy không thấp hơn Ch1. Trong các nhà có bậc chịu lửa IV, V thì sàn của tầng hầm hoặc tầng nửa hầm phải làm bằng vật liệu có tính cháy không thấp hơn Ch1 và có giới hạn chịu lửa không dưới REI 45.

CHÚ THÍCH 2: Không quy định giới hạn chịu lửa của các tấm lợp (kể cả tấm lợp có lớp cách nhiệt) và xà gồ đỡ tấm lợp (trừ các nhà, khoang cháy, gian phòng thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F3.1, F3.2, nhà sản xuất, nhà kho nhóm F5 và các nhà, gian phòng, khoang cháy khác thuộc hạng A, B, C) khi thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

- Mặt dưới xà gồ nằm cách sàn ngay dưới chúng một khoảng cách tối thiểu 6,1 m;

- Tấm lợp và xà gồ được làm từ các vật liệu không cháy hoặc cháy yếu (Ch1).

CHÚ THÍCH 3: Đối với nhà (nhà nhóm F1.3 và nhà hỗn hợp) có 2 hoặc 3 tầng hầm thì các cấu kiện, kết cấu chịu lực ở tầng hầm phải có giới hạn chịu lửa tối thiểu R 120.

CHÚ THÍCH 4: Trong các phòng có sản xuất hoặc bảo quản các chất lỏng cháy được thì sàn phải làm bằng vật liệu không cháy.

CHÚ THÍCH 5: Cho phép một phần tường ngoài không chịu lực không cần bảo vệ chống cháy với diện tích xác định theo E.3, Phụ lục E.

CHÚ THÍCH 6: Không quy định giới hạn chịu lửa của tường ngoài không chịu lực đối với các mặt nhà đồng thời thỏa mãn các điều kiện sau:

- Toàn nhà được trang bị chữa cháy tự động sprinkler theo TCVN 7336;

- Bảo đảm khoảng cách phòng cháy chống cháy tối thiểu tương ứng với 100% diện tích tường ngoài không cần bảo vệ chống cháy tại E.3, Phụ lục E;

- Tường ngoài không chịu lực của nhà có cấp nguy hiểm cháy K0. Vật liệu hoàn thiện tường ngoài (nếu có) là vật liệu không cháy hoặc có tính cháy không thấp hơn Ch1 và tính lan truyền cháy không thấp hơn LT1.

Tường chịu lực, cột chịu lực, hệ giằng, vách cứng, giàn, các bộ phận của sàn giữa các tầng và của mái không có tầng áp mái (dầm, vì kèo, xà, tấm sàn, tấm lợp) được coi là các bộ phận chịu lực của nhà nếu chúng bảo đảm độ bền tổng thể và sự ổn định không gian cho nhà khi có cháy.

Thông tin về các bộ phận chịu lực nêu trên của nhà phải được đơn vị thiết kế chỉ rõ trong tài liệu kỹ thuật của nhà.

Không quy định giới hạn chịu lửa và cấp nguy hiểm cháy của các cấu kiện kết cấu mái có tầng áp mái trong các nhà với mọi bậc chịu lửa. Không quy định giới hạn chịu lửa của kết cấu đầu hồi tầng áp mái, trong trường hợp này thì đầu hồi tầng áp mái phải có cấp nguy hiểm cháy tương đương với cấp nguy hiểm cháy của tường bao che nhà. Các cấu kiện, kết cấu thuộc các bộ phận của mái có tầng áp mái phải được đơn vị thiết kế chỉ dẫn trong tài liệu kỹ thuật của nhà.

Không quy định giới hạn chịu lửa đối với bộ phận chèn bịt lỗ mở (cửa, cửa sổ, cửa nắp), cửa trời trên mái, cửa lấy sáng trên mái, và các tấm lợp mái lấy sáng, ngoại trừ các bộ phận chèn bịt lỗ mở trên các bộ phận ngăn cháy và các trường hợp được nói riêng.

Khi giới hạn chịu lửa tối thiểu của các cấu kiện được yêu cầu là R 15 (RE 15, REI 15) thì cho phép sử dụng các kết cấu thép không bọc bảo vệ nếu giới hạn chịu lửa của chúng theo kết quả thử nghiệm hoặc theo tính toán từ R 8 trở lên, hoặc hệ số tiết diện Am/V nhỏ hơn hoặc bằng 250 m-1.

CHÚ THÍCH: Hệ số tiết diện Am/V xác định theo ISO 834-10 hoặc các tiêu chuẩn tương đương.

Trong các buồng thang bộ không nhiễm khói loại N1 được phép sử dụng các bản thang và các chiếu thang với giới hạn chịu lửa R 15 và có cấp nguy hiểm cháy K0.

Các khoang cháy được ngăn chia bởi các tường ngăn cháy loại 1 và (hoặc) sàn ngăn cháy loại 1. Cho phép ngăn chia khoang cháy theo phương đứng bằng tầng kỹ thuật được ngăn cách với các tầng liền kề bằng các sàn ngăn cháy loại 2, nếu các tường ngăn cháy loại 1 không lệch khỏi trục chính. Cho phép phân chia khoang cháy trong các nhà có bậc chịu lửa IV và V bằng các tường ngăn cháy loại 2.

2.5.4 Phân cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà, công trình và khoang cháy

2.5.4.1 Nhà, công trình và khoang cháy được phân thành 4 cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0, S1, S2 và S3 theo tính nguy hiểm cháy của cấu kiện xây dựng.

2.5.4.2 Thiết lập cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà, công trình và khoang cháy

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà, công trình và khoang cháy được thiết lập phụ thuộc vào số tầng, nhóm nguy hiểm cháy theo công năng, diện tích khoang cháy và tính nguy hiểm cháy của các quá trình công nghệ diễn ra trong nhà, công trình và khoang cháy đó.

2.5.4.3 Sự phù hợp giữa cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà và cấp nguy hiểm cháy của cấu kiện xây dựng

Cấp nguy hiểm cháy của cấu kiện xây dựng phải phù hợp với cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà, công trình và khoang cháy. Sự phù hợp giữa cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà, công trình và khoang cháy với cấp nguy hiểm cháy đã lựa chọn của kết cấu xây dựng của chúng được quy định tại Bảng 5.

2.5.4.4 Không quy định về cấp nguy hiểm cháy đối các với bộ phận chèn bịt lỗ thông trên kết cấu bao che của nhà (cửa, cửa sổ, cửa nắp), cửa trời trên mái, cửa lấy sáng trên mái, trừ các bộ phận chèn bịt lỗ mở trong bộ phận ngăn cháy.

CHÚ THÍCH: Khi áp dụng vào thực tế xây dựng các kết cấu hoặc hệ kết cấu mà không thể xác định được giới hạn chịu lửa hoặc cấp nguy hiểm cháy của chúng trên cơ sở các thử nghiệm chịu lửa tiêu chuẩn hoặc theo tính toán thì cần tiến hành thử nghiệm chịu lửa trên các bộ phận của kết cấu hoặc hệ kết cấu đó theo tài liệu chuẩn được lựa chọn áp dụng.

Bảng 5 - Sự phù hợp giữa cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà, công trình và khoang cháy với cấp nguy hiểm cháy của cấu kiện xây dựng

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà, công trình và khoang cháy

Cấp nguy hiểm cháy của cấu kiện xây dựng

Các bộ phận chịu lực dạng thanh (cột, xà, giàn và tương tự)

Tường ngoài từ phía ngoài

Tường, vách ngăn, sàn giữa các tầng, và mái không có tầng áp mái

Tường của buồng thang bộ; bộ phận ngăn cháy

Bản thang và chiếu thang trong buồng thang bộ

S0

K0

K0

K0

K0

K0

S1

K1

K2

K1

K0

K0

S2

K3

K3

K2

K1

K1

Không quy định

K1

K3

2.5.5 Phân nhóm nguy hiểm cháy theo công năng đối với nhà, công trình, khoang cháy và gian phòng

2.5.5.1 Nhà và các phần của nhà (khoang cháy, các gian phòng hoặc nhóm các gian phòng có công năng liên quan với nhau) được phân thành các nhóm nguy hiểm cháy theo công năng tùy thuộc vào đặc điểm sử dụng chúng, vào mức đe dọa tới sự an toàn của người trong trường hợp xảy ra đám cháy có tính đến: lứa tuổi, trạng thái thể chất, khả năng có người đang ngủ, nhóm người sử dụng theo công năng chính và số người của nhóm đó. Phân nhóm nguy hiểm cháy theo công năng được quy định tại Bảng 6.

2.5.5.2 Các gian phòng sản xuất và các gian phòng kho, kể cả các phòng thí nghiệm và nhà xưởng có diện tích trên 50 m2, các gian phòng chuẩn bị đồ ăn có thiết bị đun nấu có công suất trên 10 kW trong các nhà thuộc nhóm F1, F2, F3 và F4, được xếp vào nhóm F5.

2.5.5.3 Trong các nhà có nhóm nguy hiểm cháy theo công năng nhất định, mà trong trường hợp chung cho phép bố trí nhóm các gian phòng và các gian phòng có nhóm nguy hiểm cháy theo công năng khác, thì ngoài việc tuân theo các yêu cầu chung của quy chuẩn này, còn phải bảo đảm các điều kiện bổ sung theo các tiêu chuẩn thiết kế các dạng cụ thể của nhà và các thiết bị kỹ thuật tương ứng đó.

Bảng 6 - Phân nhóm nhà 1) dựa trên tính nguy hiểm cháy theo công năng

Nhóm

Mục đích sử dụng

Đặc điểm sử dụng

F1

Nhà để ở thường xuyên hoặc tạm thời (trong đó có cả để ở suốt ngày đêm)

Các gian phòng trong nhà này thường được sử dụng cả ngày và đêm. Nhóm người trong đó có thể gồm nhiều lứa tuổi và trạng thái thể chất khác nhau. Đặc trưng của các nhà này là có các phòng ngủ.

F1.1

Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non; bệnh viện (không bao gồm bệnh viện dã chiến), khối nhà điều trị nội trú của cơ sở phòng chống dịch bệnh, phòng khám đa khoa, chuyên khoa, nhà hộ sinh; nhà chuyên dùng cho người cao tuổi và người khuyết tật (không phải nhà căn hộ), nhà dưỡng lão; khối nhà ngủ của các trường nội trú và của các cơ sở cho trẻ em; và các nhà có đặc điểm sử dụng tương tự.

F1.2

Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ; ký túc xá, nhà ở tập thể; khối nhà ngủ của các cơ sở điều dưỡng, nghỉ dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình; và các cơ sở lưu trú khác có đặc điểm sử dụng tương tự.

 

F1.3

Nhà chung cư; và các nhà có đặc điểm sử dụng tương t.

 

F1.4

Nhà ở riêng lẻ; và các nhà có đặc điểm tương tự.

 

F2

Nhà của các cơ sở văn hóa, thể thao

Các gian phòng chính trong các nhà này được đặc trưng bởi số lượng lớn khách lưu lại trong một khoảng thời gian nhất định.

 

F2.1

 

Nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc, phòng hòa nhạc; câu lạc bộ, hộp đêm, vũ trường, quán bar, phòng hát, nhà kinh doanh karaoke và các cơ sở tương tự khác trong các gian phòng kín; các công trình thể thao có khán đài, nhà thi đấu, cung thể thao trong nhà; thư viện; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện không bao gồm dịch vụ ăn uống; và các nhà khác có đặc điểm sử dụng tương tự với số lượng chỗ ngồi tính toán cho người trong các gian phòng kín.

F2.2

 

Nhà bảo tàng, triển lãm; phòng nhảy; khối nhà của các công trình vui chơi giải trí, thủy cung; và các nhà có đặc điểm sử dụng tương t.

 

F2.3

 

Nhà của các cơ sở được đề cập ở F2.1 nhưng hở ra ngoài trời, công viên giải trí; và các nhà có đặc điểm sử dụng tương tự.

 

F2.4

Nhà của các cơ sở được đề cập ở F2.2 nhưng hở ra ngoài trời.

 

F3

Nhà của các cơ s thương mại, kinh doanh và dịch vụ dân cư

Các gian phòng của các nhà này được đặc trưng bởi số lượng khách lớn hơn so với nhân viên phục vụ.

F3.1

 

Nhà của cơ sở bán hàng, phòng trưng bày các sản phẩm hàng hóa, nhà hội chợ, trung tâm thương mại, điện máy, siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện ích; nhà sách; cửa hàng kinh doanh mô-tô, xe gắn máy; và các nhà có đặc điểm sử dụng tương tự.

F3.2

Nhà hàng, cửa hàng ăn uống, giải khát, trạm dừng nghỉ; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện có bao gồm dịch vụ ăn uống; và các nhà có đặc điểm sử dụng tương tự.

F3.3

Nhà ga đường sắt, nhà ga hàng không; nhà chờ cáp treo vận chuyển người, bến phà, bến xe khách; và các nhà có đặc điểm sử dụng tương tự.

 

F3.4

 

Phòng khám chữa bệnh (ngoại trú) đa khoa, chuyên khoa và cấp cứu; khối nhà điều trị ngoại trú của cơ sở y tế khác như trạm y tế, chỉnh hình, thẩm mỹ viện, phục hồi chức năng; nhà có kinh doanh dịch vụ xoa bóp; và các nhà có đặc điểm sử dụng tương tự.

F3.5

 

Các gian phòng cho khách của các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ đời sống và công cộng có số lượng chỗ ngồi cho khách không được tính toán (bưu điện, bưu cục, quỹ tiết kiệm, phòng vé, văn phòng tư vấn luật, văn phòng công chứng, cửa hàng giặt là, nhà may, sửa chữa giày và quần áo, cửa hàng cắt tóc); cơ sở phục vụ lễ tang; và các cơ sở tương tự.

 

F3.6

 

Các khu liên hợp thể dục thể thao và các khu tập luyện, thi đấu thể thao không có khán đài; các gian phòng dịch vụ; sân vận động, trường đua, trường bắn; và các nhà có đặc điểm sử dụng tương tự.

 

F4

 

Các công trình giáo dục, đào tạo, trụ sở làm việc, tổ chức khoa học, nghiên cứu và thiết kế, cơ quan quản lý

Các gian phòng trong các nhà này được sử dụng một số thời gian nhất định trong ngày, bên trong phòng thường có nhóm người cố định, quen với điều kiện tại chỗ, có độ tuổi và trạng thái thể chất xác định.

F4.1

 

Các trường tiểu học, trung học cơ sở, cơ sở đào tạo phổ thông có nhiều cấp học (không bao gồm mầm non, mẫu giáo), trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề; trường đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo ở lứa tuổi thiếu niên; và các nhà có đặc điểm sử dụng tương tự.

F4.2

 

Các trường đại học, cao đẳng, học viện, trung cấp chuyên nghiệp, trường bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, trường công nhân kỹ thuật; trường đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo không thuộc nhóm F4.1; và các nhà có đặc điểm sử dụng tương tự.

 

F4.3

 

 

Trụ sở của các cơ quan quản lý, cơ quan Nhà nước các cấp, nhà làm việc của nhân viên văn phòng trong các doanh nghiệp; trụ sở của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; văn phòng làm việc của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác; trụ sở của các tôn giáo; tổ chức thiết kế, tổ chức nghiên cứu khoa học, trạm nghiên cứu địa chấn, trạm khí tượng thủy văn, cơ sở nghiên cứu vũ trụ; tổ chức thông tin và nhà xuất bản; cơ sở truyền thanh, truyền hình, viễn thông, nhà lắp đặt thiết bị thông tin; ngân hàng, cơ quan, văn phòng; và các nhà có đặc điểm sử dụng tương tự.

 

F4.4

Các trạm (đội) chữa cháy và cứu nạn, cứu h.

F5

 

Các nhà, công trình, gian phòng có công năng sản xuất và kho

Các gian phòng trong các nhà này được đặc trưng bởi sự có mặt của nhóm người làm việc cố định, kể cả làm việc suốt ngày đêm.

F5.1

 

Các nhà sản xuất, các gian phòng sản xuất và thí nghiệm, nhà xưởng, cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng ô-tô, mô-tô, xe gắn máy; và các nhà có đặc điểm sử dụng tương tự.

F5.2

 

Các nhà và công trình kho; ga ra để xe không có dịch vụ kỹ thuật và sửa chữa; kho chứa sách, kho lưu trữ, trung tâm lưu trữ, trung tâm cơ sở dữ liệu

 

chuyên ngành, các gian phòng kho; khu vực lưu giữ hàng hóa của cảng cạn; kho hàng hóa, vật tư cháy được hoặc hàng hóa vật tư không cháy đựng trong các bao bì cháy được; và các nhà có đặc điểm sử dụng tương tự.

 

F5.3

Các nhà phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn.

 

1) Bảng này áp dụng cho nhà, công trình, khoang cháy, gian phòng hoặc nhóm các phòng có công năng liên quan với nhau.

2.5.6 Phân hạng nhà, công trình và gian phòng có công năng sản xuất và kho theo tính nguy hiểm cháy và cháy nổ

2.5.6.1 Mục đích phân hạng

Việc phân hạng nhà, công trình và gian phòng có công năng sản xuất và kho theo tính nguy hiểm cháy và cháy nổ được thực hiện nhằm mục đích thiết lập các yêu cầu về an toàn cháy hướng tới việc ngăn ngừa khả năng xuất hiện đám cháy và bảo đảm việc bảo vệ chống cháy cho người và tài sản trong trường hợp xảy ra đám cháy trong nhà, công trình và gian phòng.

2.5.6.2 Phân hạng gian phòng

2.5.6.2.1 Theo tính nguy hiểm cháy và cháy nổ, các gian phòng có công năng sản xuất và kho được phân thành các hạng:

- Nguy hiểm cháy nổ cao (A);

- Nguy hiểm cháy nổ (B);

- Nguy hiểm cháy (C1, C2, C3 và C4)

- Nguy hiểm cháy vừa phải (D);

- Nguy hiểm cháy thấp (E).

Các hạng gian phòng có công năng sản xuất và kho được quy định tại Phụ lục C.

2.5.6.2.2 Nhà, công trình và gian phòng có công năng khác không phân hạng theo tính nguy hiểm cháy và cháy nổ.
2.5.6.2.3 Hạng gian phòng theo tính nguy hiểm cháy và cháy nổ được xác định căn cứ trên loại chất và vật liệu cháy có trong gian phòng, số lượng và tính chất nguy hiểm cháy của chúng, cũng như căn cứ trên các giải pháp mặt bằng - không gian của gian phòng và đặc điểm của các quá trình công nghệ diễn ra trong gian phòng.
2.5.6.2.4 Việc xác định hạng gian phòng được thực hiện bằng cách lần lượt kiểm tra gian phòng thuộc hạng nguy hiểm hơn (А) đến ít nguy hiểm hơn (E) theo Bảng C.1, Phụ lục C.

2.5.6.3 Phân hạng nhà, công trình

2.5.6.3.1 Theo tính nguy hiểm cháy và cháy nổ, nhà, công trình được phân thành các hạng A, B, C, D và E.
2.5.6.3.2 Hạng của nhà và công trình theo tính nguy hiểm cháy và cháy nổ được xác định căn cứ trên tỷ lệ và tổng diện tích các gian phòng thuộc hạng này hay hạng khác trong nhà và công trình đó.
2.5.6.3.3 Việc xếp hạng nhà và công trình được quy định tại Phụ lục C.

3 BẢO ĐẢM AN TOÀN CHO NGƯỜI

3.1 Quy định chung

3.1.1 Các yêu cầu trong phần này nhằm bảo đảm:

- Thoát nạn cho người kịp thời và không bị cản trở;

- Cứu người bị tác động của các yếu tố nguy hiểm của đám cháy;

- Bảo vệ người trên đường thoát nạn tránh khỏi những tác động của các yếu tố nguy hiểm của đám cháy.

3.1.2 Thoát nạn là quá trình tự di chuyển có tổ chức của người ra bên ngoài từ các gian phòng, nơi các yếu tố nguy hiểm của đám cháy có thể tác động lên họ. Thoát nạn còn là sự di chuyển không tự chủ của nhóm người ít có khả năng vận động, do các nhân viên phục vụ thực hiện. Thoát nạn được thực hiện theo các đường thoát nạn qua các lối ra thoát nạn.

3.1.3 Cứu nạn là sự di chuyển cưỡng bức của người ra bên ngoài khi họ bị các yếu tố nguy hiểm của đám cháy tác động hoặc khi xuất hiện nguy cơ trực tiếp của các tác động đó. Cứu nạn được thực hiện một cách tự chủ với sự trợ giúp của lực lượng chữa cháy hoặc nhân viên được huấn luyện chuyên nghiệp, bao gồm cả việc sử dụng các phương tiện cứu hộ, qua các lối ra thoát nạn và lối ra khẩn cấp.

3.1.4 Việc bảo vệ người trên các đường thoát nạn phải được bảo đảm bằng tổ hợp các giải pháp bố trí mặt bằng - không gian, tiện nghi, kết cấu, kỹ thuật công trình và tổ chức.

Các đường thoát nạn trong phạm vi gian phòng phải bảo đảm sự thoát nạn an toàn qua các lối ra thoát nạn từ gian phòng đó mà không tính đến các phương tiện bảo vệ chống khói và chữa cháy có trong gian phòng này.

Việc bảo vệ đường thoát nạn ngoài phạm vi gian phòng phải được tính đến theo điều kiện bảo đảm thoát nạn an toàn cho người có kể đến tính nguy hiểm cháy theo công năng của các gian phòng trên đường thoát nạn, số người thoát nạn, bậc chịu lửa và cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà, số lối ra thoát nạn từ một tầng và từ toàn bộ nhà.

Trong các gian phòng và trên các đường thoát nạn ngoài phạm vi gian phòng phải hạn chế tính nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng thuộc các lớp bề mặt kết cấu (lớp hoàn thiện và ốp mặt) tùy thuộc vào tính nguy hiểm cháy theo công năng của gian phòng và nhà, có tính đến các giải pháp khác về bảo vệ đường thoát nạn.

3.1.5 Khi bố trí thoát nạn từ các gian phòng và nhà thì không được tính đến các biện pháp và phương tiện dùng để cứu nạn, cũng như các lối ra không đáp ứng yêu cầu về lối ra thoát nạn quy định tại 3.2.1.

3.1.6 Không cho phép bố trí các gian phòng nhóm F5 hạng A hoặc hạng B dưới các gian phòng dùng cho hơn 50 người có mặt đồng thời; không bố trí các gian phòng nhóm F5 này trong các tầng hầm và tầng nửa hầm.

Không cho phép bố trí các gian phòng nhóm F1.1, F1.2 và F1.3 trong các tầng hầm và tầng nửa hầm.

3.1.7 Trong các nhà có từ 2 đến 3 tầng hầm, chỉ được phép bố trí phòng hút thuốc, các siêu thị và trung tâm thương mại, quán ăn, quán giải khát và các gian phòng công cộng khác nằm sâu hơn tầng hầm 1 khi có các giải pháp bảo đảm an toàn cháy bổ sung theo tài liệu chuẩn được áp dụng và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận theo quy định tại 1.1.10.

Đối với bệnh viện và trường phổ thông, chỉ cho phép bố trí các công năng chính từ tầng bán hầm hoặc tầng hầm 1 (trong trường hợp không có tầng bán hầm) trở lên. Tầng hầm 1 là tầng hầm trên cùng hoặc ngay sát tầng bán hầm.

Tại tất cả các sàn tầng hầm, ít nhất phải có 1 lối vào buồng thang bộ thoát nạn đi qua sảnh ngăn khói được ngăn cách với các không gian xung quanh bằng tường ngăn cháy loại 2. Các cửa đi phải là loại có cơ cấu tự đóng.

3.1.8 Để bảo đảm thoát nạn an toàn, phải phát hiện cháy và báo cháy kịp thời.

3.1.9 Để bảo vệ người thoát nạn, phải bảo vệ chống khói xâm nhập các đường thoát nạn của nhà và các phần nhà.

Các yêu cầu cơ bản về bảo vệ chống khói cho nhà được quy định tại Phụ lục D.

3.1.10 Các thiết bị điện của hệ thống bảo vệ chống cháy của nhà phải được cấp điện ưu tiên từ hai nguồn độc lập (một nguồn điện lưới và một nguồn máy phát điện dự phòng).

CHÚ THÍCH: Đối với các thiết bị điện có nguồn dự phòng riêng (ví dụ bơm diezen, tủ chống cháy có ắc quy dự phòng) thì chỉ cần một nguồn điện lưới, nhưng nguồn dự phòng riêng này phải đảm bảo hoạt động bình thường khi có cháy.

3.1.11 Hiệu quả của các giải pháp bảo đảm an toàn cho người khi cháy có thể được đánh giá bằng tính toán.

3.2 Lối ra thoát nạn và lối ra khẩn cấp

3.2.1 Các lối ra được coi là lối ra thoát nạn nếu chúng:

a) Dẫn từ các gian phòng ở tầng 1 ra ngoài theo một trong những cách sau:

- Ra ngoài trực tiếp;

- Qua hành lang;

- Qua tiền sảnh (hay phòng chờ);

- Qua buồng thang bộ;

- Qua hành lang và tiền sảnh (hay phòng chờ);

- Qua hành lang và buồng thang bộ.

b) Dẫn từ các gian phòng của tầng bất kỳ, trừ tầng 1, vào một trong các nơi sau:

- Trực tiếp vào buồng thang bộ hay tới cầu thang bộ loại 3;

- Vào hành lang dẫn trực tiếp vào buồng thang bộ hay tới cầu thang bộ loại 3;

- Vào phòng sử dụng chung (hay phòng chờ) có lối ra trực tiếp dẫn vào buồng thang bộ hoặc tới cầu thang bộ loại 3;

- Vào hành lang bên của nhà có chiều cao PCCC dưới 28 m dẫn trực tiếp vào cầu thang bộ loại 2;

- Ra mái có khai thác sử dụng, hoặc ra một khu vực riêng của mái dẫn tới cầu thang bộ loại 3.

c) Dẫn vào gian phòng liền kề (trừ gian phòng nhóm F5 hạng A hoặc B) trên cùng tầng mà từ gian phòng này có các lối ra như được nêu tại 3.2.1 a, b). Lối ra dẫn vào gian phòng hạng A hoặc B được phép coi là lối ra thoát nạn nếu nó dẫn từ gian phòng kỹ thuật không có người làm việc thường xuyên mà chỉ dùng để phục vụ các gian phòng hạng A hoặc B nêu trên.
d) Các lối ra đáp ứng quy định tại 3.2.2 và các lối ra thoát nạn khác được quy định cụ thể trong quy chuẩn này.

CHÚ THÍCH: Trong trường hợp sử dụng cầu thang bộ loại 3 để thoát nạn cần có tính toán thoát nạn phù hợp với Phụ lục G.

3.2.2 Các lối ra từ các tầng hầm và tầng nửa hầm, về nguyên tắc, là lối ra thoát nạn khi chúng thoát trực tiếp ra ngoài và được ngăn cách với các buồng thang bộ chung của nhà (xem Hình I.1, Phụ lục I).

Các lối ra sau đây cũng được coi là lối ra thoát nạn:

a) Các lối ra từ các tầng hầm đi qua các buồng thang bộ chung có lối đi riêng ra bên ngoài được ngăn cách với phần còn lại của buồng thang bộ bằng vách đặc ngăn cháy loại 1 (xem Hình I.2, Phụ lục I);
b) Các lối ra từ các tầng hầm và tầng nửa hầm có bố trí các gian phòng hạng C1 đến C4, D, E, đi vào các gian phòng hạng C1 đến C4, D, E và vào tiền sảnh nằm trên tầng một của nhà nhóm F5;
c) Các lối ra từ phòng chờ, phòng gửi đồ, phòng hút thuốc và phòng vệ sinh ở các tầng hầm hoặc tầng nửa hầm của nhà nhóm F2, F3 và F4 đi vào tiền sảnh của tầng 1 theo các cầu thang bộ riêng loại 2. Trong trường hợp này thì phải bảo đảm các yêu cầu sau:

- Tiền sảnh phải được ngăn cách với các hành lang và gian phòng lân cận bằng các vách ngăn cháy không nhỏ hơn loại 1;

- Các gian phòng tầng 1 và các tầng trên phải có đường thoát nạn không đi qua tiền sảnh này (trừ các gian phòng nằm trong tiền sảnh);

- Vật liệu hoàn thiện các phòng chờ, phòng gửi đồ, phòng hút thuốc và phòng vệ sinh ở các tầng hầm hoặc tầng nửa hầm phải thỏa mãn yêu cầu đối với các gian phòng chung theo Phụ lục B;

- Phòng gửi đồ phải có số lối ra thoát nạn thỏa mãn yêu cầu của quy chuẩn này, không tính lối ra thoát nạn theo cầu thang bộ loại 2 nêu trên.

d) Các cửa mở quay có bản lề trên cửa ra vào dành cho phương tiện vận tải đường sắt hoặc đường bộ.

Cho phép bố trí khoang đệm tại lối ra ngoài trực tiếp từ nhà, từ tầng hầm và tầng nửa hầm.

3.2.3 Các lối ra không được coi là lối ra thoát nạn nếu trên lối ra này có đặt cửa có cánh mở kiểu trượt hoặc xếp, cửa cuốn, cửa quay.

Các cửa đi có cánh mở ra (cửa bản lề) nằm trong các cửa nói trên được coi là lối ra thoát nạn nếu được thiết kế theo đúng yêu cầu quy định.

3.2.4 Số lượng và chiều rộng của các lối ra thoát nạn từ các gian phòng, các tầng và các nhà được xác định theo số lượng người thoát nạn lớn nhất có thể đi qua chúng và khoảng cách giới hạn cho phép từ chỗ xa nhất có thể có người (sinh hoạt, làm việc) tới lối ra thoát nạn gần nhất.

CHÚ THÍCH 1: Số lượng người thoát nạn lớn nhất từ các không gian khác nhau của nhà hoặc phần nhà được xác định theo G.3, Phụ lục G.

CHÚ THÍCH 2: Ngoài các yêu cầu chung được nêu trong quy chuẩn này, yêu cầu cụ thể về số lượng và chiều rộng của các lối ra thoát nạn được nêu trong tài liệu chuẩn cho từng loại công trình. Phụ lục G nêu một số quy định cụ thể cho các nhóm nhà thường gặp.

Các phần nhà có công năng khác nhau và được ngăn chia bởi các bộ phận ngăn cháy thì phải có các lối ra thoát nạn độc lập, trừ các trường hợp được quy định cụ thể trong quy chuẩn này.

Các phần nhà có công năng khác nhau và được ngăn chia bởi các bộ phận ngăn cháy thành các khoang cháy trong nhà có nhiều công năng phải có các lối ra thoát nạn riêng từ mỗi tầng. Cho phép không quá 50% lối ra thoát nạn dẫn vào khoang cháy lân cận (trừ lối ra thoát nạn dẫn vào khoang cháy nhóm F5). Riêng phần nhà nhóm F5 phải có lối ra thoát nạn riêng.

3.2.5 Các gian phòng sau phải có không ít hơn hai lối ra thoát nạn:

a) Các gian phòng nhóm F1.1 có mặt đồng thời hơn 15 người;
b) Các gian phòng trong các tầng hầm và tầng nửa hầm có mặt đồng thời hơn 15 người; riêng các gian phòng trong tầng hầm và tầng nửa hầm có từ 6 đến 15 người có mặt đồng thời thì cho phép một trong hai lối ra là lối ra khẩn cấp theo các yêu cầu tại đoạn d) của 3.2.13;
c) Các gian phòng có mặt đồng thời từ 50 người trở lên;
d) Các gian phòng (trừ các gian phòng nhóm F5) có mặt đồng thời dưới 50 người (bao gồm cả tầng khán giả ở trên cao hoặc ban công khán phòng) với khoảng cách dọc theo lối đi từ chỗ xa nhất có người đến lối ra thoát nạn vượt quá 25 m. Khi có các lối thoát nạn thông vào gian phòng đang xét từ các gian phòng bên cạnh với số lượng trên 5 người có mặt ở mỗi phòng bên cạnh, thì khoảng cách trên phải bao gồm độ dài đường thoát nạn cho người từ các gian phòng bên cạnh đó;
e) Các gian phòng có tổng số người có mặt trong đó và trong các gian liền kề có lối thoát nạn chỉ đi vào gian phòng đang xét từ 50 người trở lên;
f) Các gian phòng nhóm F5 hạng A hoặc B có số người làm việc trong ca đông nhất lớn hơn 5 người, hạng C - khi số người làm việc trong ca đông nhất lớn hơn 25 người hoặc có diện tích lớn hơn 1 000 m2;
g) Các sàn công tác hở và các sàn dành cho người vận hành và bảo dưỡng thiết bị trong các gian phòng nhóm F5 có diện tích lớn hơn 100 m2 - đối với các gian phòng thuộc hạng A và B hoặc lớn hơn 400 m2 - đối với các gian phòng thuộc các hạng khác.

Nếu gian phòng phải có từ 2 lối ra thoát nạn trở lên thì cho phép bố trí không quá 50% số lượng lối ra thoát nạn của gian phòng đó đi qua một gian phòng liền kề, với điều kiện gian phòng liền kề đó cũng phải có lối ra thoát nạn tuân thủ quy định của quy chuẩn này và các tài liệu chuẩn tương ứng cho gian phòng đó.

3.2.6 Số lượng lối ra thoát nạn của tầng nhà

3.2.6.1 Các tầng nhà sau đây phải có không ít hơn hai lối ra thoát nạn:

a) Các tầng của nhà thuộc các nhóm F1.1; F1.2; F2.1; F2.2; F3; F4;
b) Các tầng nhà với số lượng người từ 50 trở lên;
c) Các tầng của nhà nhóm F1.3 khi tổng diện tích các căn hộ trên một tầng lớn hơn 500 m2 (đối với các nhà đơn nguyên thì tính diện tích trên một tầng của đơn nguyên). Trường hợp tổng diện tích các căn hộ trên một tầng nhỏ hơn hoặc bằng 500 m2 và khi chỉ có một lối ra thoát nạn từ một tầng, thì từ mỗi căn hộ ở độ cao lớn hơn 15 m, ngoài lối ra thoát nạn, phải có một lối ra khẩn cấp theo quy định tại 3.2.13;
d) Các tầng của nhà nhóm F5, hạng A hoặc B khi số người làm việc trong ca đông nhất lớn hơn 5 người, hạng C khi số người làm việc trong ca đông nhất lớn hơn 25 người;
e) Các tầng hầm và nửa hầm có diện tích lớn hơn 300 m2 hoặc dùng cho hơn 15 người có mặt đồng thời.

3.2.6.2 Cho phép bố trí một lối ra thoát nạn trong các trường hợp sau (trừ các nhà có bậc chịu lửa V):

a) Từ mỗi tầng (hoặc từ một phần của tầng được ngăn cách khỏi các phần khác của tầng bằng các bộ phận ngăn cháy) có nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.2, F1.4, F2 (trừ hộp đêm, vũ trường, quán bar, phòng hát, nhà kinh doanh karaoke; và các nhà kinh doanh dịch vụ tương tự), F3, F4.2, F4.3 và F4.4, khi thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:
- Đối với nhà có chiều cao PCCC không quá 15 m thì diện tích mỗi tầng đang xét không được lớn hơn 300 m2. Đối với nhà có chiều cao PCCC từ trên 15 m đến 21 m thì diện tích mỗi tầng đang xét không được lớn hơn 200 m2;
- Toàn bộ nhà được bảo vệ bằng hệ thống chữa cháy tự động sprinkler;
- Số người lớn nhất trên mỗi tầng không vượt quá 20 người;
- Đối với nhà trên 3 tầng hoặc có chiều cao PCCC lớn hơn 9 m: có trang bị cửa đi ngăn cháy loại 2 trên lối ra thoát nạn từ mỗi tầng đi vào buồng thang bộ thoát nạn.
- Đối với nhà từ 3 tầng trở xuống hoặc có chiều cao PCCC từ 9 m trở xuống: được sử dụng cầu thang bộ loại 2 thay thế cho buồng thang bộ nêu trên khi đảm bảo điều kiện người trong nhà có thể thoát ra ban công thoáng hoặc sân thượng thoáng khi có cháy (trừ các biệt thự, villa, cơ sở nghỉ dưỡng theo quy định riêng dưới đây).

CHÚ THÍCH: Ban công thoáng hoặc sân thượng thoáng nghĩa là hở ra ngoài trời và bộ phận bao che (nếu có) phải bảo đảm cho việc thoát nạn, cứu nạn dễ dàng khi lực lượng chữa cháy tiếp cận.

Đối với các biệt thự, villa, cơ sở nghỉ dưỡng không cao quá 3 tầng thuộc nhóm F1.2, cho phép thay thế các loại buồng thang bộ nêu trên bằng cầu thang bộ loại 2, khi bảo đảm được đồng thời các điều kiện sau:

- Diện tích mỗi tầng không quá 200 m2, chiều cao PCCC không quá 9 m và tổng số người sử dụng không quá 15 người;

- Nhà có tối thiểu một lối ra thoát nạn trực tiếp ra ngoài hoặc ra cầu thang bộ loại 3;

- Để thoát ra ngoài theo cầu thang bộ loại 2 chỉ cần lên hoặc xuống tối đa 1 tầng. Trường hợp phải xuống 2 tầng mới thoát được ra ngoài thì mỗi phòng có thể sử dụng để ngủ phải có không ít hơn một cửa sổ đặt ở cao độ không quá 1 m so với sàn và có lối thoát trực tiếp vào hành lang hoặc phòng chung có cửa ra ban công. Cao độ đặt các cửa sổ và ban công nêu trên không được quá 7 m so với mặt đất. Trường hợp các cửa sổ và ban công này đặt ở cao độ quá 7 m cho đến tối đa 9 m thì mỗi cửa sổ và ban công phải được trang bị thêm thiết bị thoát nạn khẩn cấp để bảo đảm việc thoát nạn cho người an toàn từ trên cao (ví dụ thang kim loại, thang dây);

b) Từ các tầng kỹ thuật hoặc khu vực để các thiết bị kỹ thuật có diện tích không quá 300 m2. Trường hợp tầng có khu vực kỹ thuật như trên, thì cứ mỗi 2 000 m2 diện tích còn lại phải bố trí thêm không ít hơn một lối ra thoát nạn (trường hợp diện tích còn lại nhỏ hơn 2 000 m2 cũng phải bố trí thêm không ít hơn một lối ra thoát nạn). Nếu tầng kỹ thuật hoặc khu vực kỹ thuật nằm dưới hầm thì lối ra thoát nạn phải riêng biệt với các lối ra khác của nhà và thoát thẳng ra ngoài. Nếu tầng kỹ thuật hoặc khu vực kỹ thuật nằm ở các tầng trên mặt đất thì cho phép bố trí các lối ra đi qua các buồng thang bộ chung, còn đối với nhà có các buồng thang bộ N1 - đi qua khoảng đệm của buồng thang bộ N1;
c) Từ các tầng của nhà nhóm F1.3 với tổng diện tích các căn hộ trên tầng đó (đối với nhà có các đơn nguyên thì tính diện tích tầng trong đơn nguyên) từ trên 500 m2 đến 550 m2 và:
- Khi cao độ của tầng trên cùng không quá 28 m - lối ra thoát nạn từ tầng đang xét vào buồng thang bộ thông thường, với điều kiện mỗi căn hộ được trang bị đầu báo cháy địa chỉ;
- Khi cao độ của tầng trên cùng lớn hơn 28 m - lối ra thoát nạn từ tầng đang xét vào một buồng thang bộ không nhiễm khói N1 với điều kiện tất cả các phòng trong căn hộ (trừ khu vệ sinh, phòng tắm và khu phụ) được trang bị đầu báo cháy địa chỉ hoặc thiết bị chữa cháy tự động.
Đối với nhà nhóm F1.3 có chiều cao PCCC từ trên 28 m đến 50 m và tổng diện tích các căn hộ trên mỗi tầng đến 500 m2, cho phép thay buồng thang bộ loại N1 bằng buồng thang bộ loại N2, khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: 1) Lối vào buồng thang bộ từ tất cả các tầng, bao gồm cả lối thông giữa buồng thang bộ và tiền sảnh, phải có khoang đệm ngăn cháy với áp suất dương khi có cháy; 2) Có một trong các thang máy của nhà được dành cho việc vận chuyển lực lượng chữa cháy; 3) Tất cả các phòng trong căn hộ (trừ khu vệ sinh, phòng tắm và khu phụ) được trang bị báo cháy địa chỉ hoặc hệ thống chữa cháy tự động; 4) Nhà được trang bị hệ thống âm thanh cảnh báo cháy (cho phép bố trí tại các hành lang chung giữa các căn hộ).

CHÚ THÍCH: Diện tích căn hộ bao gồm cả diện tích ban công và (hoặc) lô gia.

d) Từ các tầng (hoặc một phần của tầng được ngăn cách khỏi các phần khác của tầng bằng các bộ phận ngăn cháy) thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F4.1, khi thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:
- Nhà có chiều cao PCCC không quá 9 m, diện tích tầng đang xét không quá 300 m2;
- Tầng đang xét có hành lang bên dẫn vào cầu thang hở loại 2 hoặc buồng thang bộ, các gian phòng nhóm F4.1 có cửa ra hàng lang bên này.

3.2.7 Số lối ra thoát nạn từ một tầng không được ít hơn hai nếu tầng này có ít nhất một gian phòng có yêu cầu số lối ra thoát nạn không ít hơn hai.

Số lối ra thoát nạn từ một nhà không được ít hơn số lối ra thoát nạn từ bất kỳ tầng nào của nhà đó.

3.2.8 Khi có từ hai lối ra thoát nạn trở lên, chúng phải được bố trí phân tán và khi tính toán khả năng thoát nạn của các lối ra cần giả thiết là đám cháy đã ngăn cản không cho người sử dụng thoát nạn qua một trong những lối ra đó. Các lối ra còn lại phải bảo đảm khả năng thoát nạn an toàn cho tất cả số người có trong gian phòng, trên tầng hoặc trong nhà đó (xem Hình I.3).

Khi một gian phòng, một phần nhà hoặc một tầng của nhà yêu cầu phải có từ 2 lối ra thoát nạn trở lên thì ít nhất hai trong số những lối ra thoát nạn đó phải được bố trí phân tán, đặt cách nhau một khoảng bằng hoặc lớn hơn một nửa chiều dài của đường chéo lớn nhất của mặt bằng gian phòng, phần nhà hoặc tầng nhà đó. Khoảng cách giữa hai lối ra thoát nạn được đo theo đường thẳng nối giữa hai cạnh gần nhất của chúng (xem Hình I.4 a), b), c)).

Nếu nhà được bảo vệ toàn bộ bằng hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler, thì khoảng cách này có thể giảm xuống còn 1/3 chiều dài đường chéo lớn nhất của mặt bằng các gian phòng trên (xem Hình I.4 d)).

Khi có hai buồng thang thoát nạn nối với nhau bằng một hành lang trong thì khoảng cách giữa hai lối ra thoát nạn (cửa vào buồng thang thoát nạn) được đo dọc theo đường di chuyển theo hành lang đó (xem Hình I.5). Hành lang này phải được bảo vệ theo quy định tại 3.3.5.

3.2.9 Chiều cao thông thủy của lối ra thoát nạn phải không nhỏ hơn 1,9 m, chiều rộng thông thủy không nhỏ hơn:

- 1,2 m - từ các gian phòng nhóm F1.1 khi số người thoát nạn lớn hơn 15 người, từ các gian phòng và nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng khác có số người thoát nạn lớn hơn 50 người, ngoại trừ nhóm F1.3;

- 0,8 m - trong tất cả các trường hợp còn lại.

Chiều rộng của các cửa đi ra bên ngoài của buồng thang bộ cũng như của các cửa đi từ buồng thang bộ vào sảnh không được nhỏ hơn giá trị tính toán hoặc chiều rộng của bản thang được quy định tại 3.4.1.

Trong mọi trường hợp, khi xác định chiều rộng của một lối ra thoát nạn phải tính đến dạng hình học của đường thoát nạn qua lỗ cửa hoặc cửa để bảo đảm không cản trở việc vận chuyển các cáng tải thương có người nằm trên.

Nếu sử dụng cửa hai cánh trên lối ra thoát nạn thì chiều rộng của lối ra thoát nạn chỉ được lấy bằng chiều rộng lối đi qua bên cánh mở, không được phép tính bên cánh đóng hoặc cánh cố định. Cửa hai cánh phải được lắp cơ cấu tự đóng sao cho các cánh được đóng lần lượt.

Trong các nhà có chiều cao PCCC lớn hơn 28 m (trừ nhà nhóm F1.3 và F1.4), các cửa thoát nạn từ các hành lang chung mỗi tầng, từ sảnh chung, phòng chờ, tiền sảnh, buồng thang bộ (trừ cửa thoát nạn trực tiếp ra ngoài trời), phải là cửa chống cháy với giới hạn chịu lửa không thấp hơn EI 30.

3.2.10 Các cửa của lối ra thoát nạn và các cửa khác trên đường thoát nạn phải được mở theo chiều lối thoát từ trong nhà ra ngoài.

Không quy định chiều mở của các cửa đối với:

- Các gian phòng nhóm F1.3 và F1.4;

- Các gian phòng có mặt đồng thời không quá 15 người, ngoại trừ các gian phòng hạng A hoặc B;

- Các phòng kho có diện tích không lớn hơn 200 m2 và không có người làm việc thường xuyên;

- Các buồng vệ sinh;

- Các lối ra dẫn vào các chiếu thang của các cầu thang bộ loại 3.

3.2.11 Các cửa của các lối ra thoát nạn từ các hành lang tầng, không gian chung, phòng chờ, sảnh và buồng thang bộ phải mở được cửa tự do từ bên trong mà không cần chìa. Trong các nhà có chiều cao PCCC lớn hơn 15 m, các cánh cửa nói trên, ngoại trừ các cửa của căn hộ, phải là cửa đặc hoặc cửa với kính cường lực.

Các cửa của lối ra thoát nạn từ các khu vực (gian phòng hay các hành lang) được bảo vệ chống khói cưỡng bức phải là cửa đặc được trang bị cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Các cửa này nếu cần để mở khi sử dụng thì phải được trang bị cơ cấu tự động đóng khi có cháy.

Đối với các buồng thang bộ, các cửa ra vào phải có cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Các cửa trong buồng thang bộ mở trực tiếp ra ngoài cho phép không có cơ cấu tự đóng và không cần chèn kín khe cửa. Ngoại trừ những trường hợp được quy định riêng, cửa của buồng thang bộ phải bảo đảm là cửa ngăn cháy loại 1 đối với nhà có bậc chịu lửa I, II; loại 2 đối với nhà có bậc chịu lửa III, IV; và loại 3 đối với nhà có bậc chịu lửa V.

Ngoài những quy định được nói riêng, các cửa của lối ra thoát nạn từ các hành lang tầng đi vào buồng thang bộ phục vụ từ 4 tầng nhà trở lên (ngoại trừ trong các nhà phục vụ mục đích giam giữ, cải tạo) phải bảo đảm:

a) Tất cả các khóa điện lắp trên cửa phải tự động mở khi hệ thống báo cháy tự động của tòa nhà bị kích hoạt. Ngay khi mất điện thì các khóa điện đó cũng phải tự động mở;
b) Người sử dụng buồng thang luôn có thể quay trở lại phía trong nhà qua chính cửa vừa đi qua hoặc qua các điểm bố trí cửa quay trở lại phía trong nhà;
c) Bố trí trước các điểm quay trở lại phía trong nhà theo nguyên tắc các cánh cửa chỉ được phép ngăn cản việc quay trở lại phía trong nhà nếu đáp ứng tất cả các yêu cầu sau:

- Có không ít hơn hai tầng, nơi có thể đi ra khỏi buồng thang bộ để đến một lối ra thoát nạn khác;

- Có không quá 4 tầng nằm giữa các tầng nhà có thể đi ra khỏi buồng thang bộ để đến một lối ra thoát nạn khác;

- Việc quay trở lại phía trong nhà phải có thể thực hiện được tại tầng trên cùng hoặc tầng dưới liền kề với tầng trên cùng được phục vụ bởi buồng thang bộ thoát nạn nếu tầng này cho phép đi đến một lối ra thoát nạn khác;

- Các cửa cho phép quay trở lại phía trong nhà phải được đánh dấu trên mặt cửa phía trong buồng thang bằng dòng chữ “CỬA CÓ THỂ ĐI VÀO TRONG NHÀ” với chiều cao các chữ ít nhất là 50 mm, chiều cao bố trí không thấp hơn 1,2 m và không cao hơn 1,8 m;

- Các cửa không cho phép quay trở lại phía trong nhà phải có thông báo trên mặt cửa phía trong buồng thang để nhận biết được vị trí của cửa quay trở lại phía trong nhà hoặc lối ra thoát nạn gần nhất theo từng hướng di chuyển.

CHÚ THÍCH: Đối với các cửa không cho phép quay trở lại phía trong nhà, ở mặt cửa phía hành lang trong nhà (ngoài buồng thang) nên có biển cảnh báo người sử dụng không thể quay trở lại phía trong nhà được khi họ đi qua cửa đó.

3.2.12 Các lối ra không thỏa mãn các yêu cầu đối với lối ra thoát nạn có thể được xem là lối ra khẩn cấp để tăng thêm mức độ an toàn cho người khi có cháy. Mọi lối ra khẩn cấp, bao gồm cả các lối ra khẩn cấp tại 3.2.13, không được đưa vào tính toán thoát nạn khi cháy.

3.2.13 Ngoài trường hợp đã nêu tại 3.2.12, các lối ra khẩn cấp còn gồm có:

a) Lối ra ban công hoặc lôgia, mà ở đó có khoảng tường đặc với chiều rộng không nhỏ hơn 1,2 m tính từ mép ban công (lôgia) tới ô cửa sổ (hay cửa đi lắp kính) hoặc không nhỏ hơn 1,6 m giữa các ô cửa kính mở ra ban công (lôgia). Ban công hoặc lôgia phải có chiều rộng không nhỏ hơn 0,6 m, bảo đảm có thông gió tự nhiên và được ngăn cách với gian phòng bằng vách ngăn (có các lỗ cửa) từ sàn đến trần. Cho phép thay các khoảng tường đặc nói trên bằng tường kính với giới hạn chịu lửa không thấp hơn EI 30 hoặc EI 15 tùy thuộc vào giới hạn chịu lửa của tường ngoài nhà;
b) Lối ra dẫn vào một lối đi chuyển tiếp hở (cầu nối) bên ngoài, có chiều rộng không nhỏ hơn 0,6 m, dẫn đến phân khoang cháy liền kề hoặc đến một khoang cháy liền kề. Không cho phép bố trí các kết cấu/cấu kiện bao che cản trở di chuyển của người;
c) Lối ra ban công hoặc lôgia có chiều rộng không nhỏ hơn 0,6 m, mà ở đó có trang bị thang bên ngoài nối các ban công hoặc lôgia theo từng tầng, hoặc có cửa nắp trên sàn ban công hoặc lôgia, kích thước tối thiểu 0,6 x 0,8 m, có thể thông xuống ban công hoặc lôgia tầng dưới;
d) Lối ra bên ngoài trực tiếp từ các gian phòng có cao trình sàn hoàn thiện không thấp hơn âm 4,5 m và không cao hơn 5,0 m qua cửa sổ hoặc cửa đi có kích thước không nhỏ hơn 0,75 m × 1,5 m, cũng như qua cửa nắp có kích thước không nhỏ hơn 0,6 m × 0,8 m; khi đó tại các lối ra này phải được trang bị thang leo; độ dốc của các thang leo này không quy định;
e) Lối ra mái của nhà có bậc chịu lửa I, II và III thuộc cấp S0 và S1 qua cửa sổ, cửa đi hoặc cửa nắp với kích thước và thang leo được quy định như tại đoạn d) của điều này.

3.2.14 Trong các tầng kỹ thuật cho phép bố trí các lối ra thoát nạn với chiều cao không nhỏ hơn 1,8 m.

Từ các tầng kỹ thuật chỉ dùng để đặt các mạng kỹ thuật công trình (đường ống, đường dây và các đối tượng tương tự) cho phép bố trí lối ra khẩn cấp qua cửa đi với kích thước không nhỏ hơn 0,75 m × 1,5 m hoặc qua cửa nắp với kích thước không nhỏ hơn 0,6 m × 0,8 m mà không cần bố trí lối ra thoát nạn.

Trong các tầng kỹ thuật hầm các lối ra này phải được ngăn cách với các lối ra khác của nhà và dẫn trực tiếp ra bên ngoài.

3.3 Đường thoát nạn

3.3.1 Các đường thoát nạn phải được chiếu sáng và chỉ dẫn phù hợp với các yêu cầu tại TCVN 3890.

3.3.2 Khoảng cách giới hạn cho phép từ vị trí xa nhất của gian phòng, hoặc từ chỗ làm việc xa nhất tới lối ra thoát nạn gần nhất, được đo theo trục của đường thoát nạn, phải được hạn chế tùy thuộc vào:

- Nhóm nguy hiểm cháy theo công năng và hạng nguy hiểm cháy nổ (xem Phụ lục C) của gian phòng và nhà;

- Số lượng người thoát nạn;

- Các thông số hình học của gian phòng và đường thoát nạn;

- Cấp nguy hiểm cháy kết cấu và bậc chịu lửa của nhà.

Chiều dài của đường thoát nạn theo cầu thang bộ loại 2 lấy bằng ba lần chiều cao của thang đó.

CHÚ THÍCH: Các yêu cầu cụ thể về khoảng cách giới hạn cho phép từ vị trí xa nhất đến lối ra thoát nạn gần nhất được nêu trong các quy chuẩn cho từng loại công trình. Một số quy định cụ thể cho các nhóm nhà thường gặp nêu tại Phụ lục G.

3.3.3 Khi bố trí, thiết kế các đường thoát nạn phải căn cứ vào yêu cầu tại 3.2.1. Đường thoát nạn không bao gồm các thang máy, thang cuốn và các đoạn đường được nêu dưới đây:

- Đường đi qua các hành lang trong có lối ra từ giếng thang máy, qua các sảnh thang máy và các khoang đệm trước thang máy, nếu các kết cấu bao che giếng thang máy, bao gồm cả cửa giếng thang máy, không đáp ứng các yêu cầu như đối với bộ phận ngăn cháy;

- Đường đi qua các buồng thang bộ khi có lối đi xuyên chiếu tới của buồng thang là một phần của hành lang trong, cũng như đường đi qua gian phòng có đặt cầu thang bộ loại 2, mà cầu thang này không phải là cầu thang để thoát nạn;

- Đường đi theo mái nhà, ngoại trừ mái đang được khai thác sử dụng hoặc một phần mái được trang bị riêng cho mục đích thoát nạn;

- Đường đi theo các cầu thang bộ loại 2, nối thông từ 3 tầng (sàn) trở lên, cũng như dẫn từ tầng hầm và tầng nửa hầm, ngoại trừ các trường hợp cụ thể về thoát nạn theo cầu thang bộ loại 2 nêu tại 3.2.1, 3.2.2, 3.2.6.

3.3.4 Vật liệu hoàn thiện, trang trí tường và trần (bao gồm cả tấm trần treo nếu có), vật liệu ốp lát, vật liệu phủ sàn trên đường thoát nạn tuân thủ yêu cầu tại Bảng B.8, Phụ lục B.

3.3.5 Trong các hành lang trên lối ra thoát nạn nêu tại 3.2.1, ngoại trừ những trường hợp nói riêng trong quy chuẩn, không cho phép bố trí: thiết bị nhô ra khỏi mặt phẳng của tường trên độ cao nhỏ hơn 2 m; các ống dẫn khí cháy và ống dẫn các chất lỏng cháy được, cũng như các tủ tường, trừ các tủ thông tin liên lạc và tủ đặt họng nước chữa cháy.

Các hành lang, sảnh, phòng chung trên đường thoát nạn phải được bao che bằng các bộ phận ngăn cháy phù hợp quy định trong các quy chuẩn cho từng loại công trình. Bộ phận ngăn cháy bao che đường thoát nạn của nhà có bậc chịu lửa I phải làm bằng vật liệu không cháy với giới hạn chịu lửa ít nhất EI 30, và của nhà có bậc chịu lửa II, III, IV phải làm bằng vật liệu không cháy hoặc cháy yếu (Ch1) với giới hạn chịu lửa ít nhất EI 15. Riêng nhà có bậc chịu lửa II của hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ D, E (xem Phụ lục C) có thể bao che hành lang bằng tường kính. Các cửa mở vào hành lang phải là cửa ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không thấp hơn giới hạn chịu lửa của bộ phận ngăn cháy.

Các hành lang dài hơn 60 m phải được phân chia bằng các vách ngăn cháy loại 2 thành các đoạn có chiều dài được xác định theo yêu cầu bảo vệ chống khói nêu tại Phụ lục D, nhưng không được vượt quá 60 m. Các cửa đi trong các vách ngăn cháy này phải phù hợp với các yêu cầu tại 3.2.11.

Khi các cánh cửa đi của gian phòng mở nhô ra hành lang, thì chiều rộng của đường thoát nạn theo hành lang được lấy bằng chiều rộng thông thủy của hành lang trừ đi:

- Một nửa chiều rộng phần nhô ra của cánh cửa (tính cho cửa nhô ra nhiều nhất) - khi cửa được bố trí một bên hành lang;

- Cả chiều rộng phần nhô ra của cánh cửa (tính cho cửa nhô ra nhiều nhất) - khi các cửa được bố trí hai bên hành lang. Yêu cầu này không áp dụng cho hành lang tầng (sảnh chung) nằm giữa cửa ra từ căn hộ và cửa ra dẫn vào buồng thang bộ trong các đơn nguyên nhà nhóm F1.3.

3.3.6 Chiều cao thông thủy các đoạn nằm ngang của đường thoát nạn không được nhỏ hơn 2 m, chiều rộng thông thủy các đoạn nằm ngang của đường thoát nạn và các đoạn dốc không được nhỏ hơn:

- 1,2 m - đối với hành lang chung dùng để thoát nạn cho hơn 15 người từ các gian phòng nhóm F1, hơn 50 người - từ các gian phòng thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng khác.
- 0,7 m - đối với các lối đi đến các chỗ làm việc đơn lẻ.
- 1,0 m - trong tất cả các trường hợp còn lại.

Trong bất kỳ trường hợp nào, các đường thoát nạn phải đủ rộng, có tính đến dạng hình học của chúng, để không cản trở việc vận chuyển các cáng tải thương có người nằm trên.

3.3.7 Trên sàn của đường thoát nạn không được có các giật cấp với chiều cao chênh lệch nhỏ hơn 45 cm hoặc có gờ nhô lên, ngoại trừ các ngưỡng trong các ô cửa đi. Tại các chỗ có giật cấp phải bố trí bậc thang với số bậc không nhỏ hơn 3 hoặc làm đường dốc với độ dốc không được lớn hơn 1:6 (độ chênh cao không được quá 10 cm trên chiều dài 60 cm hoặc góc tạo bởi đường dốc với mặt bằng không lớn hơn 9,5°).

Khi làm bậc thang ở những nơi có chiều cao chênh lệch lớn hơn 45 cm phải bố trí lan can tay vịn.

Ngoại trừ những trường hợp được quy định riêng tại 3.4.4, trên đường thoát nạn không cho phép bố trí cầu thang xoắn ốc, cầu thang cong toàn phần hoặc từng phần theo mặt bằng và trong phạm vi một bản thang và một buồng thang bộ không cho phép bố trí các bậc có chiều cao khác nhau và chiều rộng mặt bậc khác nhau. Trên đường thoát nạn không được bố trí gương soi gây ra sự nhầm lẫn về đường thoát nạn.

3.4 Cầu thang bộ và buồng thang bộ trên đường thoát nạn

3.4.1 Chiều rộng của bản thang bộ dùng để thoát người, trong đó kể cả bản thang đặt trong buồng thang bộ, không được nhỏ hơn chiều rộng tính toán hoặc chiều rộng của bất kỳ lối ra thoát nạn (cửa đi) nào trên nó, đồng thời không được nhỏ hơn:

- 1,35 m - đối với nhà nhóm F1.1;
- 1,2 m - đối với nhà có số người trên tầng bất kỳ, trừ tầng một, lớn hơn 200 người;
- 0,7 m - đối với cầu thang bộ dẫn đến các chỗ làm việc đơn lẻ;
- 0,9 m - đối với tất cả các trường hợp còn lại.

3.4.2 Độ dốc (góc nghiêng) của các thang bộ trên các đường thoát nạn không được lớn hơn 1:1 (45°); chiều rộng mặt bậc không được nhỏ hơn 25 cm trừ các cầu thang ngoài nhà, còn chiều cao bậc không được lớn hơn 22 cm và không nhỏ hơn 5 cm.

Độ dốc (góc nghiêng) của các cầu thang bộ hở đi tới các chỗ làm việc đơn lẻ cho phép tăng đến 2:1 (63,5°).

Cho phép giảm chiều rộng mặt bậc của cầu thang cong đón tiếp (thường bố trí ở sảnh tầng 1) ở phần thu hẹp tới 22 cm; Cho phép giảm chiều rộng mặt bậc tới 12 cm đối với các cầu thang bộ dẫn tới các tầng kỹ thuật, tầng áp mái, mái nhà không khai thác sử dụng, cũng như chỉ dùng cho các gian phòng có tổng số chỗ làm việc không lớn hơn 5 người (trừ các gian phòng nhóm F5 hạng A hoặc B).

Các cầu thang bộ loại 3 phải được làm bằng vật liệu không cháy (trừ đối với nhà có bậc chịu lửa V) và được đặt ở sát các phần đặc (không có ô cửa sổ hay lỗ ánh sáng) của tường có cấp nguy hiểm cháy không thấp hơn K1 và có giới hạn chịu lửa không thấp hơn REI 30 hoặc EI 30 (không quy định giới hạn chịu lửa của phần đặc này của tường đối với nhà có bậc chịu lửa V). Các cầu thang bộ này phải có chiếu thang nằm cùng cao trình với lối ra thoát nạn, có lan can cao 1,2 m và bố trí cách lỗ cửa sổ không nhỏ hơn 1,0 m. Cho phép thay thế các phần đặc của tường bằng tường kính có giới hạn chịu lửa không thấp hơn EI 30. Không quy định giới hạn chịu lửa của các lỗ cửa dẫn từ hành lang ra chiếu tới của thang, cũng như dẫn từ các gian phòng mà cầu thang bộ loại 3 này chỉ sử dụng để thoát nạn cho các gian phòng đó.

Cầu thang bộ loại 2 phải thỏa mãn các yêu cầu quy định đối với bản thang và chiếu thang trong buồng thang bộ.

3.4.3 Chiều rộng của chiếu thang bộ phải không nhỏ hơn chiều rộng của bản thang. Còn chiều rộng của chiếu thang ở trước lối vào thang máy (chiếu thang đồng thời là sảnh của thang máy) đối với thang máy có cánh cửa bản lề mở ra, phải không nhỏ hơn tổng chiều rộng bản thang và một nửa chiều rộng cánh cửa của thang máy, nhưng không nhỏ hơn 1,6 m.

Các chiếu nghỉ trung gian trong bản thang bộ thẳng phải có chiều dài không nhỏ hơn 1,0 m.

Các cửa đi có cánh cửa mở vào buồng thang bộ thì khi mở, cánh cửa không được làm giảm chiều rộng tính toán của các chiếu thang và bản thang.

3.4.4 Trong các nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F4 cho phép bố trí cầu thang cong trên đường thoát nạn khi bảo đảm tất cả những điều kiện sau:

- Chiều cao của thang không quá 9,0 m;

- Chiều rộng của vế thang phù hợp với các quy định trong quy chuẩn này;

- Bán kính cong nhỏ nhất không nhỏ hơn 2 lần chiều rộng vế thang;

- Chiều cao cổ bậc nằm trong khoảng từ 150 mm đến 190 mm;

- Chiều rộng phía trong của mặt bậc (đo cách đầu nhỏ nhất của bậc 270 mm) không nhỏ hơn 220 mm;

- Chiều rộng đo tại giữa chiều dài của mặt bậc không nhỏ hơn 250 mm;

- Chiều rộng phía ngoài của mặt bậc (đo cách đầu to nhất của bậc 270 mm) không quá 450 mm;

- Tổng của 2 lần chiều cao cổ bậc với chiều rộng phía trong mặt bậc không nhỏ hơn 480 mm và với chiều rộng phía ngoài của mặt bậc không lớn hơn 800 mm.

3.4.5 Trong các buồng thang bộ và khoang đệm (nếu có) không cho phép bố trí:

- Các ống dẫn khí cháy và chất lỏng cháy được;

- Các tủ tường, trừ các tủ thông tin liên lạc và tủ chứa các họng nước chữa cháy;

- Các cáp và dây điện đi hở (trừ dây điện cho thiết bị điện dòng thấp và dây điện cho chiếu sáng hành lang và buồng thang bộ);

- Các lối ra từ thang tải và thiết bị nâng hàng;

- Các lối ra gian phòng kho hoặc phòng kỹ thuật;

- Các thiết bị nhô ra khỏi mặt tường ở độ cao dưới 2,2 m tính từ bề mặt của các bậc và chiếu thang.

Trong không gian của các buồng thang bộ thoát nạn và khoang đệm ngăn cháy có áp suất không khí dương khi có cháy, không cho phép bố trí bất kỳ phòng công năng nào.

3.4.6 Trong không gian của các buồng thang bộ, trừ các buồng thang không nhiễm khói, cho phép bố trí không quá hai thang máy chở người hạ xuống chỉ đến tầng 1 với các kết cấu bao che giếng thang làm từ các vật liệu không cháy.

Các giếng thang máy nằm ngoài nhà, nếu cần bao che thì phải sử dụng các kết cấu làm từ vật liệu không cháy.

3.4.7 Các buồng thang bộ, trừ các trường hợp được quy định riêng trong quy chuẩn này, phải có lối ra ngoài trực tiếp tới khu đất liền kề nhà hoặc qua tiền sảnh được ngăn cách với các hành lang và các gian phòng tiếp giáp bằng các vách ngăn cháy loại 1 có cửa đi với cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín.

Khi bố trí các lối ra thoát nạn từ hai buồng thang bộ trở lên qua tiền sảnh chung thì các buồng thang bộ (trừ một trong số đó) phải có cửa ra bên ngoài trực tiếp trừ lối ra dẫn vào sảnh. Trong trường hợp chỉ có một buồng thang bộ dẫn vào tiền sảnh thì buồng thang bộ này phải có lối ra ngoài trực tiếp.

Cho phép bố trí các lối ra thoát nạn từ hai buồng thang bộ qua tiền sảnh chung đối với các nhà có chiều cao PCCC dưới 28 m, diện tích mỗi tầng không quá 300 m2, có số người sử dụng ở mỗi tầng tính lớn nhất theo thiết kế được duyệt, khi thiết kế không chỉ rõ giá trị này, số lượng người lớn nhất được tính bằng tỷ số giữa diện tích sàn của phòng, của tầng hoặc của nhà chia cho hệ số không gian sàn (m2/người) quy định tại Bảng G.9 không vượt quá 50 người và toàn bộ nhà được bảo vệ hệ thống chữa cháy tự động phù hợp với quy định hiện hành.

Đối với các nhà ga hành khách và các sảnh rộng lớn có đặc điểm sử dụng tương tự, có thể coi là lối ra thoát nạn đối với các lối ra từ 50% số buồng thang bộ (hoặc từ các hành lang) vào sảnh hành khách chung có lối thoát nạn trực tiếp ra ngoài, ra cầu vượt hở bên ngoài, hoặc ra sân ga.

Các buồng thang bộ loại N1 phải có lối ra ngoài trực tiếp.

3.4.8 Các buồng thang bộ phải được bảo đảm chiếu sáng tự nhiên hoặc nhân tạo.

a) Trường hợp chiếu sáng tự nhiên:

Trừ buồng thang bộ loại L2, việc bảo đảm chiếu sáng có thể được thực hiện bằng các lỗ lấy ánh sáng với diện tích không nhỏ hơn 1,2 m2 trên các tường ngoài ở mỗi tầng.

Các buồng thang bộ loại L2 phải có lỗ lấy ánh sáng trên mái có diện tích không nhỏ hơn 4 m2 với khoảng hở giữa các vế thang có chiều rộng không nhỏ hơn 0,7 m hoặc giếng lấy sáng theo suốt chiều cao của buồng thang bộ với diện tích mặt cắt ngang không nhỏ hơn 2 m2.

Cho phép bố trí không quá 50% buồng thang bộ bên trong không có các lỗ lấy ánh sáng, dùng để thoát nạn, trong các trường hợp sau:

- Các nhà thuộc nhóm F2, F3 và F4: đối với buồng thang loại N2 hoặc N3 có áp suất không khí dương khi cháy;

- Các nhà thuộc nhóm F5 hạng C có chiều cao PCCC tới 28 m, còn hạng D và E không phụ thuộc chiều cao PCCC của nhà: đối với buồng thang loại N3 có áp suất không khí dương khi cháy.

b) Trường hợp chiếu sáng nhân tạo:

Trường hợp không bố trí được các lỗ cửa như quy định tại đoạn a) của 3.4.8 thì các buồng thang bộ thoát nạn phải là buồng thang bộ không nhiễm khói và được trang bị chiếu sáng nhân tạo, được cấp điện như chú thích tại 3.4.13 bảo đảm nguyên tắc duy trì liên tục nguồn điện cấp cho hệ thống chiếu sáng hoạt động ổn định khi có cháy xảy ra, và ánh sáng phải đủ để người thoát nạn theo các buồng thang này có thể nhìn rõ đường thoát nạn và không bị lóa mắt.

3.4.9 Việc bảo vệ chống khói các buồng thang bộ loại N2 và N3 phải tuân theo Phụ lục D. Khi cần thiết, các buồng thang bộ loại N2 phải được chia thành các khoang theo chiều cao bằng các vách ngăn cháy đặc loại 1 với lối đi lại giữa các khoang nằm ngoài không gian buồng thang bộ.

Các cửa sổ trong các buồng thang bộ loại N2 phải là cửa sổ không mở được.

Khoang đệm của các buồng thang bộ loại N3 phải có diện tích không nhỏ hơn 3,0 m2 và không nhỏ hơn 6,0 m2 nếu khoang đệm đó đồng thời là sảnh của thang máy chữa cháy.

3.4.10 Tính không nhiễm khói của khoảng đệm không nhiễm khói dẫn tới các buồng thang bộ không nhiễm khói loại N1 phải được bảo đảm bằng thông gió tự nhiên với các giải pháp kết cấu và bố trí mặt bằng - không gian phù hợp. Một số trường hợp được cho là phù hợp như sau:

CHÚ THÍCH: Một số phương án bố trí khoảng đệm không nhiễm khói dẫn vào buồng thang bộ loại N1 được minh họa tại I.3.2 (Phụ lục I).

a) Các khoảng đệm không nhiễm khói phải để hở, thông với bên ngoài, thường đặt tại các góc bên trong của nhà, đồng thời phải bảo đảm các yêu cầu sau (xem Hình I.7):
- Khi một phần của tường ngoài của nhà nối tiếp với phần tường khác dưới một góc nhỏ hơn 135o thì khoảng cách theo phương ngang từ lỗ cửa đi gần nhất ở khoảng đệm này tới đỉnh góc tiếp giáp phải không nhỏ hơn 4 m; khoảng cách này có thể giảm đến bằng giá trị phần nhô ra của tường ngoài. Yêu cầu này không áp dụng đối với lối đi, nằm ở các góc tiếp giáp lớn hơn hoặc bằng 135o, cũng như cho phần nhô ra của tường ngoài có giá trị không lớn hơn 1,2 m;
- Chiều rộng phần tường giữa các lỗ cửa đi của khoảng đệm không nhiễm khói và ô cửa sổ gần nhất của gian phòng không được nhỏ hơn 2 m;
- Các lối đi phải có chiều rộng không nhỏ hơn 1,2 m với chiều cao lan can 1,2 m, chiều rộng của phần tường giữa các lỗ cửa đi ở khoảng đệm không nhiễm khói phải không nhỏ hơn 1,2 m.

CHÚ THÍCH: Một số trường hợp tương tự dạng này được minh họa trong Phụ lục I, Hình I.8 a), b) và c).

b) Khoảng đệm không nhiễm khói đi theo hành lang bên (xem Hình I.8 h), i) và k)) được chiếu sáng và thông gió tự nhiên bằng các lỗ thông mở ra phía và tiếp xúc với một trong những không gian sau:
- Không gian bên ngoài;
- Một đường phố hoặc đường công cộng hoặc các không gian công cộng khác thông hoàn toàn ở phía trên;
- Một giếng thông gió thẳng đứng có chiều rộng không nhỏ hơn 6 m và diện tích mặt thoáng không nhỏ hơn 93 m2;
c) Khoảng đệm không nhiễm khói đi qua một sảnh ngăn khói có diện tích không nhỏ hơn 6 m2 với kích thước nhỏ nhất theo mỗi chiều không nhỏ hơn 2 m được ngăn cách với các khu vực liền kề của tòa nhà bằng tường ngăn cháy loại 2. Các cửa ra vào phải có cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Thiết kế của sảnh ngăn khói phải bảo đảm không cản trở sự di chuyển của người sử dụng trên đường thoát nạn. Tính không nhiễm khói của sảnh ngăn khói phải được bảo đảm bởi một trong những giải pháp sau:
- Có các lỗ thông gió với diện tích không nhỏ hơn 15% diện tích sàn của sảnh ngăn khói và đặt cách không quá 9 m tính từ bất kỳ bộ phận nào của sảnh. Các lỗ thông gió này phải thông với một giếng đứng hoặc khoang lõm thông khí trên suốt dọc chiều cao nhà. Kích thước của giếng đứng hoặc khoang lõm phải bảo đảm chiều rộng không nhỏ hơn 6 m và diện tích mặt thoáng không nhỏ hơn 93 m2. Tường bao giếng đứng phải có khả năng chịu lửa nhỏ nhất là 1 giờ và trong giếng không được có lỗ thông nào khác ngoài các lỗ thông gió của sảnh ngăn khói, buồng thang thoát nạn và các khu vệ sinh (xem Hình I.8 d), e), f));
- Là hành lang được thông gió ngang, có các lỗ thông gió cố định nằm ở hai tường bên ngoài. Các lỗ thông trên mỗi bức tường ngoài không được nhỏ hơn 50% diện tích mặt thoáng của tường ngoài đối diện. Khoảng cách từ mọi điểm của sàn hành lang đến một lỗ thông bất kỳ không được lớn hơn 13 m (xem Hình I.8 g)).

3.4.11 Các buồng thang bộ loại L1 và cầu thang bộ loại 3 được phép bố trí trong các nhà thuộc tất cả các nhóm nguy hiểm cháy theo công năng có chiều cao PCCC tới 28 m; khi đó, trong nhà nhóm F5 hạng A hoặc B, lối ra hành lang tầng từ các gian phòng hạng A hoặc B phải đi qua khoang đệm luôn luôn có áp suất không khí dương.

3.4.12 Các buồng thang bộ loại L2 được phép bố trí trong các nhà có bậc chịu lửa I, II, III thuộc cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0, S1 và nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1, F2, F3 và F4, với chiều cao PCCC không quá 9 m. Cho phép tăng chiều cao này đến 12 m (trừ các nhà cơ sở y tế nội trú) với điều kiện lỗ mở lấy sáng trên cao được mở tự động khi có cháy. Số lượng các buồng thang như vậy (trừ các nhà nhóm F1.3 và F1.4) cho phép tối đa 50%, các buồng thang bộ còn lại phải có lỗ lấy sáng trên tường ngoài tại mỗi tầng.

Khi bố trí các buồng thang bộ loại L2, còn phải bảo đảm yêu cầu sau: Đối với các nhà nhóm F1.3 dạng đơn nguyên, trong từng căn hộ có bố trí ở độ cao trên 4 m phải có một lối ra khẩn cấp theo quy định tại 3.2.13.

3.4.13 Trong các nhà có chiều cao PCCC lớn hơn 28 m (trừ các nhà nhóm F5 hạng C, E không có người làm việc thường xuyên), cũng như trong các nhà nhóm F5 hạng A hoặc B phải bố trí buồng thang bộ không nhiễm khói, trong đó phải bố trí buồng thang loại N1.

Trong các nhà có nhiều công năng, các buồng thang bộ nối giữa các phần nhà có nhóm nguy hiểm cháy theo công năng khác nhau phải là buồng thang bộ không nhiễm khói phù hợp với các yêu cầu của điều này, trừ các trường hợp được quy định riêng.

CHÚ THÍCH: Buồng thang bộ N1 có thể được thay thế như đã nêu tại 2.5.1c) của với điều kiện hệ thống cung cấp không khí bên ngoài vào khoang đệm và vào buồng thang phải được cấp điện ưu tiên từ hai nguồn độc lập (1 nguồn điện lưới và 1 nguồn máy phát điện dự phòng) bảo đảm nguyên tắc duy trì liên tục nguồn điện cấp cho hệ thống hoạt động ổn định khi có cháy xảy ra.

Cho phép:

a) Trong các nhà nhóm F1, F2, F3, F4 bố trí không quá 50% buồng thang bộ loại N3 hoặc loại N2 có lối vào buồng thang đi qua khoang đệm với giải pháp bao che giống như khoang đệm ngăn cháy loại 1 (nghĩa là không yêu cầu có áp suất không khí dương trong khoang đệm này, nhưng các bộ phận bao che phải có giới hạn chịu lửa tương tự như khoang đệm ngăn cháy loại 1);
b) Khi nhà có từ hai tầng hầm trở lên, việc thoát nạn từ các tầng hầm này có thể theo các buồng thang bộ loại N3, hoặc loại N2 có lối vào buồng thang đi qua khoang đệm với giải pháp bao che giống như khoang đệm ngăn cháy loại 1;
c) Trong các nhà nhóm F5 bố trí các buồng thang bộ không nhiễm khói thay cho loại N1 như sau:

- Trong các nhà hạng A hoặc B - các buồng thang bộ N2 hoặc N3 có áp suất không khí dương thường xuyên;

- Trong các nhà hạng C - các buồng thang bộ N2 hoặc N3 với áp suất không khí dương khi có cháy;

- Trong các nhà hạng D, E - các buồng thang bộ N2 hoặc N3 với áp suất không khí dương khi có cháy, hoặc các buồng thang bộ L1 với điều kiện buồng thang phải được phân khoang bằng vách ngăn cháy đặc qua mỗi 20 m chiều cao và lối đi từ khoang này sang khoang khác của buồng thang phải đặt ở ngoài không gian của buồng thang.

3.4.14 Trong các nhà có các buồng thang bộ không nhiễm khói phải bố trí bảo vệ chống khói cho các hành lang chung, các sảnh, các không gian chung và các phòng chờ.

3.4.15 Trong các nhà có bậc chịu lửa I và II; và cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0, cho phép bố trí các cầu thang bộ loại 2 đi từ tiền sảnh lên tầng hai có tính đến các yêu cầu tại 4.26.

Trong các nhà nhóm F3.1 và F3.2 cho phép sử dụng cầu thang nói trên kể cả khi không có tiền sảnh.

3.4.16 Trong các nhà có chiều cao PCCC không quá 28 m thuộc các nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.2, F2, F3, F4, với bậc chịu lửa I, II và cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0, thì cho phép sử dụng các cầu thang bộ loại 2 nối hai tầng trở lên, khi các buồng thang bộ thoát nạn đáp ứng yêu cầu của các tài liệu chuẩn và quy định tại 4.27. Các cầu thang bộ loại 2 nối thông từ 3 tầng (sàn) trở lên không được tính toán, sử dụng làm đường thoát nạn khi có cháy, trừ các trường hợp quy định tại 3.2.1, 3.2.2, 3.2.6.

3.4.17 Các thang cuốn phải được bố trí phù hợp các yêu cầu quy định cho cầu thang bộ loại 2.

3.5 Yêu cầu về an toàn cháy đối với các vật liệu xây dựng cho nhà

3.5.1 Vật liệu xây dựng được sử dụng cho nhà phụ thuộc vào công dụng và tính nguy hiểm cháy của vật liệu.

3.5.2 Các yêu cầu về an toàn cháy đối với việc áp dụng các vật liệu xây dựng trong nhà được quy định tương ứng với các chỉ tiêu về tính nguy hiểm cháy của vật liệu quy định tại Bảng B.7 (Phụ lục B).

3.5.3 Việc sử dụng các vật liệu hoàn thiện - trang trí, vật liệu ốp lát và vật liệu phủ sàn trên các đường thoát nạn phải tuân thủ yêu cầu tại 3.3.4, còn đối với các phòng sử dụng chung (trừ vật liệu phủ sàn của các sàn thi đấu thể thao và các sàn của phòng nhảy) - tuân thủ quy định tại Bảng B.9 (Phụ lục B).

3.5.4 Trong các gian phòng của nhà thuộc nhóm F5, hạng A, B và C1 có sử dụng hoặc bảo quản các chất lỏng dễ cháy, vật liệu phủ sàn phải có cấp nguy hiểm cháy vật liệu không nguy hiểm hơn CV1.

3.5.5 Trong các gian gửi đồ của nhà nhóm F2.1, không cho phép sử dụng: các loại vật liệu hoàn thiện tường, trần và trần treo, vật liệu ốp lát có cấp nguy hiểm cháy vật liệu nguy hiểm hơn CV1; vật liệu phủ sàn có cấp nguy hiểm cháy vật liệu nguy hiểm hơn CV2.

3.5.6 Trong các gian phòng lưu trữ sách, hồ sơ, tài liệu và các vật phẩm tương tự, chỉ được sử dụng vật liệu hoàn thiện, trang trí, vật liệu ốp lát và vật liệu phủ sàn có cấp nguy hiểm cháy CV0 hoặc CV1.

3.5.7 Trong các gian trưng bày của bảo tàng, triển lãm và các gian phòng có tính chất tương tự thuộc nhóm F2.2, không cho phép sử dụng các vật liệu hoàn thiện tường, trần và trần treo có cấp nguy hiểm cháy cao hơn CV2, vật liệu phủ sàn có cấp nguy hiểm cháy vật liệu nguy hiểm hơn CV3.

3.5.8 Trong các gian phòng thương mại của nhà nhóm F3.1, không cho phép sử dụng các vật liệu hoàn thiện tường, trần, trần treo có cấp nguy hiểm cháy vật liệu nguy hiểm hơn CV2, vật liệu phủ sàn có cấp nguy hiểm cháy vật liệu nguy hiểm hơn CV3.

3.5.9 Trong các gian phòng chờ của nhà nhóm F3.3, vật liệu hoàn thiện tường, trần, trần treo và vật liệu phủ sàn phải có cấp nguy hiểm cháy CV0.

3.5.10 Cho phép áp dụng các yêu cầu về an toàn cháy đối với vật liệu hoàn thiện - trang trí, vật liệu ốp lát, vật liệu phủ sàn và các tiêu chí thử nghiệm tương ứng theo các tài liệu chuẩn được phép áp dụng để thay thế cho các yêu cầu từ 3.5.1 đến 3.5.9 và Phụ lục B, trừ các yêu cầu quy định tại A.4.

4 NGĂN CHẶN CHÁY LAN

4.1 Việc ngăn chặn sự lan truyền của đám cháy được thực hiện bằng các biện pháp hạn chế diện tích cháy, cường độ cháy và thời gian cháy. Cụ thể là:

- Sử dụng giải pháp kết cấu và bố trí mặt bằng - không gian để ngăn cản sự lan truyền các yếu tố nguy hiểm của đám cháy trong một gian phòng, giữa các gian phòng với nhau, giữa các nhóm gian phòng có tính nguy hiểm cháy theo công năng khác nhau, giữa các tầng và các đơn nguyên, giữa các khoang cháy, cũng như giữa các tòa nhà.

- Hạn chế tính nguy hiểm cháy và nguy hiểm cháy nổ công nghệ trong các gian phòng và nhà;

- Hạn chế tính nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng được sử dụng ở các lớp bề mặt của kết cấu nhà, bao gồm: lớp lợp mái; các lớp hoàn thiện của tường ngoài, gian phòng và đường thoát nạn;

- Có các thiết bị chữa cháy ban đầu, trong đó bao gồm thiết bị tự động và cầm tay;

- Có thiết bị phát hiện cháy và báo cháy.

CHÚ THÍCH: Quy định về khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa các nhà ở, công trình công cộng và các nhà sản xuất được quy định tại Phụ lục E. Khoảng cách giữa các kho chất lỏng cháy, các kho hở trên mặt đất có chứa chất cháy, các bồn chứa LPG (LPG là từ viết tắt của Liquified Petrolium Gas - Khí dầu mỏ hóa lỏng) , khí cháy đến các công trình khác phải tuân theo những quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành.

4.2 Nhà chung cư, nhà ký túc xá, công trình công cộng, nhà sản xuất và nhà kho phải bảo đảm các yêu cầu về phòng chống cháy của quy chuẩn này và các quy định trong các tiêu chuẩn thiết kế cho các loại công trình đó. Riêng số tầng (chiều cao PCCC cho phép của nhà), diện tích khoang cháy và tầng giới hạn bố trí hội trường, gian giảng đường, hội nghị, hội thảo, phòng họp, gian tập thể thao và các gian phòng tương tự phải tuân thủ các quy định tại Phụ lục H.

4.3 Các bộ phận nhà (các gian phòng, gian lánh nạn, tầng kỹ thuật, tầng hầm, tầng nửa hầm và các phần khác của nhà) mà việc chữa cháy khó khăn cần được trang bị các phương tiện bổ sung nhằm hạn chế diện tích, cường độ và thời gian cháy.

4.4 Hiệu quả của các giải pháp nhằm ngăn chặn sự lan truyền của đám cháy được phép đánh giá bằng các tính toán kinh tế - kỹ thuật dựa trên các yêu cầu tại 1.5.1 về hạn chế thiệt hại trực tiếp và gián tiếp do cháy.

4.5 Các phần nhà và các gian phòng thuộc các nhóm nguy hiểm cháy theo công năng khác nhau phải được ngăn cách với nhau bằng các bộ phận ngăn chia với giới hạn chịu lửa và cấp nguy hiểm cháy kết cấu theo quy định hoặc ngăn cách nhau bằng vách ngăn cháy loại 1 và (hoặc) sàn ngăn cháy loại 3, trừ khi có quy định khác trong quy chuẩn này hoặc các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành. Khi đó, yêu cầu đối với các kết cấu ngăn cách và bộ phận ngăn cháy này được xem xét có kể đến tính nguy hiểm cháy theo công năng của các gian phòng, giá trị tải trọng cháy, bậc chịu lửa và cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà.

Đối với một tầng nhà có từ hai công năng khác nhau trở lên, trong đó có một công năng chính chiếm tối thiểu 90% diện tích sàn tầng và các công năng còn lại là phụ trợ cho công năng chính, cho phép không cần phân chia các khu vực thuộc các nhóm nguy hiểm cháy theo công năng khác nhau bằng bộ phận ngăn cháy, khi đó toàn bộ tầng nhà này phải tuân thủ các yêu cầu an toàn cháy tương ứng với nhóm nguy hiểm cháy theo công năng chính. Quy định này không áp dụng cho trường hợp các gian phòng với công năng phụ trợ có hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ cao hơn các gian phòng với công năng chính.

CHÚ THÍCH: Một số yêu cầu riêng đối với nhà nhóm F1.3 như sau:

a) Tường và vách ngăn giữa các đơn nguyên; tường và vách ngăn giữa hành lang chung (bên ngoài căn hộ) với các phòng khác, phải có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn EI 30;

b) Tường và vách ngăn không chịu lực giữa các căn hộ, phải có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn EI 30 và cấp nguy hiểm cháy K0;

c) Các phòng có công năng công cộng phải được ngăn cách với các phòng ở bằng các vách ngăn cháy loại 1, các sàn ngăn cháy loại 3, còn trong các nhà có bậc chịu lửa I thì phải ngăn cách bằng sàn ngăn cháy loại 2.

4.6 Trong một nhà khi các phần có tính nguy hiểm cháy theo công năng khác nhau đã được phân chia bằng các bộ phận ngăn cháy thì mỗi phần đó phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn cháy đặt ra như đối với nhà có nhóm nguy hiểm cháy theo công năng tương ứng.

Việc lựa chọn hệ thống bảo vệ chống cháy của nhà phải được dựa trên cơ sở: khi các phần của nhà có tính nguy hiểm cháy theo công năng khác nhau thì tính nguy hiểm cháy theo công năng của toàn nhà có thể lớn hơn tính nguy hiểm cháy theo công năng của bất cứ phần nào trong nhà đó.

4.7 Trong các nhà thuộc nhóm F5, nếu yêu cầu công nghệ cho phép, cần bố trí các gian phòng hạng A và B ở gần tường ngoài, còn trong các nhà nhiều tầng, cần bố trí các gian phòng này ở các tầng phía trên.

4.8 Trong các tầng hầm và tầng nửa hầm, không cho phép bố trí các gian phòng có hạng A và B, trừ các trường hợp được quy định riêng.

4.9 Các cấu kiện xây dựng không được tạo điều kiện cho việc lan truyền cháy ngầm.

CHÚ THÍCH: Đối với nhà hoặc phần nhà nhóm F1.3, lan can của các lôgia và ban công từ tầng 3 trở lên phải được làm từ vật liệu không cháy.

4.10 Tính chịu lửa của chi tiết liên kết các cấu kiện xây dựng không được thấp hơn tính chịu lửa yêu cầu của chính cấu kiện đó.

4.11 Kết cấu tạo dốc sàn trong các phòng khán giả phải đáp ứng các yêu cầu về giới hạn chịu lửa và cấp nguy hiểm cháy theo Bảng 4 và Bảng 5 như đối với các sàn giữa các tầng.

4.12 Khi bố trí các đường ống kỹ thuật, đường cáp đi xuyên qua các kết cấu tường, sàn, vách, thì chỗ tiếp giáp giữa các đường ống, đường cáp với các kết cấu này phải được chèn bịt hoặc xử lý thích hợp để không làm giảm các chỉ tiêu kỹ thuật về cháy theo yêu cầu của kết cấu.

4.13 Các lớp phủ và lớp ngâm tẩm chống cháy mà được xử lý trên bề mặt hở của các cấu kiện phải đáp ứng các yêu cầu đặt ra cho việc hoàn thiện các cấu kiện đó.

Trong các tài liệu kỹ thuật cho các lớp phủ hoặc lớp ngâm tẩm chống cháy phải chỉ rõ chu kỳ thay thế hoặc khôi phục chúng tùy thuộc vào điều kiện khai thác sử dụng.

Để tăng giới hạn chịu lửa hoặc làm giảm mức nguy hiểm cháy của cấu kiện, không cho phép sử dụng các lớp bảo vệ chống cháy tại các vị trí mà ở đó không thể khôi phục hoặc định kỳ thay thế các lớp bảo vệ đó.

4.14 Hiệu quả của các chất (vật liệu) xử lý chống cháy dùng để làm giảm tính nguy hiểm cháy của vật liệu phải được đánh giá bằng các thử nghiệm để xác định nhóm nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng nêu trong Phần 2.

Hiệu quả của các chất (vật liệu) xử lý chống cháy dùng để nâng cao tính chịu lửa của cấu kiện phải được đánh giá bằng thử nghiệm để xác định giới hạn chịu lửa của các cấu kiện xây dựng nêu trong Phần 2.

4.15 Các vách ngăn cháy trong các gian phòng có trần treo phải ngăn chia cả không gian phía trên trần treo, và trong không gian này không cho phép bố trí các kênh và đường ống dẫn để vận chuyển các chất cháy dạng khí, hỗn hợp bụi - khí, chất lỏng và vật liệu cháy.

Không được bố trí trần treo trong các gian phòng hạng A hoặc B.

Nếu sử dụng trần treo để tăng giới hạn chịu lửa của sàn giữa các tầng và sàn mái, thì các trần treo này phải phù hợp với các yêu cầu về tính nguy hiểm cháy đối với sàn giữa các tầng và sàn mái này.

4.16 Tại các vị trí giao nhau giữa các bộ phận ngăn cháy với các kết cấu bao che của nhà, kể cả tại các vị trí thay đổi hình dạng nhà, phải có các giải pháp bảo đảm không để cháy lan truyền qua các bộ phận ngăn cháy này.

4.17 Các tường ngăn cháy mà phân chia nhà thành các khoang cháy phải được xây dựng trên toàn bộ chiều cao nhà hoặc tới sàn ngăn cháy loại 1 và phải bảo đảm không để cháy lan truyền từ phía nguồn cháy vào khoang cháy liền kề khi các kết cấu nhà ở phía có cháy bị sụp đổ.

4.18 Các lỗ mở trong các bộ phận ngăn cháy phải được đóng kín khi có cháy.

Các cửa sổ trong các bộ phận ngăn cháy phải là các cửa sổ không mở được, còn các cửa đi, cửa nắp và van phải có cơ cấu tự đóng và các khe cửa phải được chèn kín. Các cửa đi, cửa nắp và van nếu cần mở để khai thác sử dụng thì phải được lắp các thiết bị tự động đóng kín khi có cháy.

4.19 Tổng diện tích các lỗ cửa trong các bộ phận ngăn cháy, trừ kết cấu bao che của các giếng thang máy, không được vượt quá 25% diện tích của bộ phận ngăn cháy đó. Không giới hạn diện tích lỗ mở trong các bộ phận ngăn cháy nếu giới hạn chịu lửa danh định của bộ phận chèn bịt lỗ mở không nhỏ hơn giới hạn chịu lửa tương ứng của bộ phận ngăn cháy (trừ tường ngăn cháy loại 1). Các bộ phận chèn bịt lỗ mở trong các bộ phận ngăn cháy phải đáp ứng các yêu cầu tại 2.3.3 và các yêu cầu của Phần 4.

Tại các cửa đi trong các bộ phận ngăn cháy dùng để ngăn các gian phòng hạng A hoặc B với các không gian khác như: phòng có hạng khác với hạng A hoặc B, hành lang, buồng thang bộ và sảnh thang máy, phải bố trí các khoang đệm luôn có áp suất không khí dương như yêu cầu nêu trong Phụ lục D. Không được phép bố trí các khoang đệm chung cho hai gian phòng trở lên cùng có hạng A hoặc B.

4.20 Khi không thể bố trí các khoang đệm ngăn cháy trong các bộ phận ngăn cháy dùng để ngăn các gian phòng hạng A hoặc B với các gian phòng khác hoặc khi không thể bố trí các cửa đi, cửa nắp và van trong các bộ phận ngăn cháy dùng để ngăn các gian phòng hạng C với các gian phòng khác, cần phải thiết lập tổ hợp các giải pháp nhằm ngăn ngừa sự lan truyền của đám cháy và sự xâm nhập vào các phòng và tầng liền kề của các khí, hơi dễ bắt cháy, hơi của các chất lỏng, bụi và xơ cháy mà các chất này có khả năng tạo thành các nồng độ nguy hiểm nổ. Hiệu quả của các giải pháp đó phải được chứng minh.

Trong các lỗ cửa của các bộ phận ngăn cháy giữa các gian phòng liền kề hạng C, D và E, khi không thể đóng được bằng cửa ngăn cháy, cho phép bố trí các khoang đệm hở được trang bị thiết bị chữa cháy tự động. Các kết cấu bao che của các khoang đệm này phải là kết cấu ngăn cháy phù hợp.

4.21 Cửa và van ngăn cháy trong các bộ phận ngăn cháy phải được làm từ các vật liệu không cháy.

Cho phép sử dụng các vật liệu thuộc nhóm có tính cháy không thấp hơn Ch3 được bảo vệ bằng vật liệu không cháy có độ dày không nhỏ hơn 4 mm để làm các cửa, cửa nắp và van ngăn cháy.

Cửa của các khoang đệm ngăn cháy, cửa đi, cửa nắp ngăn cháy trong các bộ phận ngăn cháy ở phía các gian phòng trong đó không bảo quản và không sử dụng các chất khí cháy, chất lỏng cháy và vật liệu cháy, cũng như không có các quá trình công nghệ liên quan tới việc hình thành các bụi cháy, được phép làm từ vật liệu thuộc nhóm có tính cháy Ch3 với chiều dày không nhỏ hơn 40 mm và không có hốc rỗng.

4.22 Không cho phép bố trí các kênh, giếng và đường ống vận chuyển khí cháy, hỗn hợp bụi - khí cháy, chất lỏng cháy, chất và vật liệu cháy xuyên qua các tường và sàn ngăn cháy loại 1.

Đối với các kênh, giếng và đường ống để vận chuyển các chất và vật liệu khác với các loại nói trên thì tại các vị trí giao cắt với các bộ phận ngăn cháy này phải có thiết bị tự động ngăn cản sự lan truyền của các sản phẩm cháy theo các kênh, giếng và ống dẫn.

CHÚ THÍCH 1: Cho phép đặt ống thông gió và ống khói trong tường ngăn cháy của nhà ở, công trình công cộng và nhà phụ trợ khi chiều dày tối thiểu của tường ngăn cháy (trừ tiết diện đường ống) ở chỗ đó không được dưới 25 cm, còn chiều dày của phần ngăn giữa ống khói và ống thông hơi tối thiểu là 12 cm.

CHÚ THÍCH 2: Những lỗ đặt ống dẫn nước ở bộ phận ngăn cháy phải được xử lý phù hợp với quy định tại 4.12.

4.23 Các kết cấu bao che của các giếng thang máy (trừ các giếng đã nêu tại 3.4.6) và các phòng máy của thang máy (trừ các phòng trên mái), cũng như của các kênh, giếng và hộp kỹ thuật phải đáp ứng các yêu cầu đặt ra như đối với các vách ngăn cháy loại 1 và các sàn ngăn cháy loại 3. Không quy định giới hạn chịu lửa của các kết cấu bao che giữa giếng thang máy và phòng máy của thang máy.

Khi không thể lắp các cửa ngăn cháy trong các kết cấu bao che các giếng thang máy nêu trên, phải bố trí các khoang đệm hoặc các sảnh với các vách ngăn cháy loại 1 và sàn ngăn cháy loại 3 hoặc các màn chắn tự động đóng các lỗ cửa đi của giếng thang khi cháy. Các màn chắn này phải được làm bằng vật liệu không cháy và giới hạn chịu lửa của chúng không nhỏ hơn E 30.

Trong các nhà có các buồng thang bộ không nhiễm khói phải bố trí bảo vệ chống khói tự động cho các giếng thang máy mà tại cửa ra của chúng không có các khoang đệm ngăn cháy với áp suất không khí dương khi cháy.

4.24 Buồng chứa rác, ống đổ rác và cửa thu rác phải được thiết kế, lắp đặt phù hợp với tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật quy định riêng cho bộ phận này và các yêu cầu cụ thể như sau:

- Các ống đổ rác và buồng chứa rác phải được cách ly với những phần khác của nhà bằng các bộ phận ngăn cháy; cửa thu rác ở các tầng phải có cửa ngăn cháy tự động đóng kín;

- Ống đổ rác phải được làm bằng vật liệu không cháy;

- Không được đặt các ống đổ rác và buồng chứa rác bên trong các buồng thang bộ, sảnh đợi hoặc khoang đệm được bao che ngăn cháy dùng cho thoát nạn;

- Các buồng có chứa ống đổ rác hoặc để chứa rác phải bảo đảm có lối vào trực tiếp qua một khoảng thông thoáng bên ngoài nhà hoặc qua một khoang đệm ngăn cháy được thông gió thường xuyên;

- Cửa vào buồng chứa rác không được đặt liền kề với các lối thoát nạn hoặc cửa ra bên ngoài của nhà hoặc đặt gần với cửa sổ của nhà ở.

4.25 Theo các điều kiện của công nghệ, cho phép bố trí các thang bộ riêng biệt để lưu thông giữa các tầng hầm hoặc tầng nửa hầm với tầng một.

Các thang bộ này phải được bao che bằng các vách ngăn cháy loại 1 với khoang đệm ngăn cháy có áp suất không khí dương khi cháy.

Cho phép không bố trí khoang đệm ngăn cháy như đã nêu cho các thang bộ này trong các nhà nhóm F5 với điều kiện chúng dẫn từ tầng hầm hoặc tầng nửa hầm có các gian phòng hạng C4, D, E vào các gian phòng cùng hạng ở tầng một.

Các thang bộ này không được kể đến khi tính toán thoát nạn, trừ các trường hợp quy định tại 3.2.1.

4.26 Khi bố trí các cầu thang bộ loại 2 đi từ sảnh tầng 1 lên tầng 2, thì sảnh này phải được ngăn cách khỏi các hành lang và các gian phòng liền kề bằng các vách ngăn cháy loại 1.

4.27 Gian phòng, trong đó có bố trí cầu thang bộ loại 2 theo quy định tại 3.4.16, phải được ngăn cách với các hành lang thông với nó và các gian phòng khác bằng các vách ngăn cháy loại 1. Cho phép không ngăn cách gian phòng có cầu thang bộ loại 2 bằng các vách ngăn cháy khi:

- Có trang bị chữa cháy tự động trong toàn bộ nhà;

- Trong các nhà có chiều cao PCCC không lớn hơn 9 m với diện tích một tầng không quá 300 m2.

4.28 Trong các tầng hầm hoặc tầng nửa hầm, trước lối vào các thang máy phải bố trí các khoang đệm ngăn cháy loại 1 có áp suất không khí dương khi cháy.

4.29 Việc lựa chọn kích thước của nhà và của các khoang cháy, cũng như khoảng cách giữa các nhà phải dựa vào bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu, nhóm nguy hiểm cháy theo công năng và giá trị tải trọng cháy, có tính đến hiệu quả của các phương tiện bảo vệ chống cháy được sử dụng, sự có mặt, vị trí và mức độ trang bị của các đơn vị chữa cháy, những hậu quả có thể về kinh tế và môi trường sinh thái do cháy.

4.30 Trong quá trình khai thác vận hành, tất cả các thiết bị kỹ thuật bảo vệ chống cháy phải bảo đảm khả năng làm việc theo đúng yêu cầu đã đặt ra.

4.31 Việc trang bị hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động phải tuân theo TCVN 3890.

4.32 Ngăn chặn cháy lan theo phương ngang của mặt ngoài nhà

4.32.1 Tường ngăn cháy loại 1 phải chia cắt các tường ngoài có cấp nguy hiểm cháy K1, K2, K3 và vươn ra khỏi mặt phẳng tường ngoài tối thiểu 30 cm.

Cho phép không chia cắt các tường ngoài nếu tường ngoài có cấp nguy hiểm cháy K0, hoặc tường ngăn cháy loại 1 tiếp giáp với dải tường ngoài theo phương đứng (dải ngăn cháy theo phương đứng) có chiều rộng tối thiểu 1,2 m, có giới hạn chịu lửa không thấp hơn E 60 và có cấp nguy hiểm cháy K0.

Tường ngăn cháy loại 2 và vách ngăn cháy loại 1, nếu có giao với tường ngoài thì phải tiếp giáp với dải ngăn cháy theo phương đứng, có bề rộng không nhỏ hơn 1 m, có giới hạn chịu lửa quy định cho tường ngoài theo Bảng 4 hoặc Bảng A.1 tùy chiều cao nhà. Vách ngăn cháy loại 2 phải tiếp xúc với dải tường ngoài đặc theo phương đứng, có bề rộng không nhỏ hơn 1 m, có giới hạn chịu lửa quy định cho tường ngoài theo Bảng 4 hoặc Bảng A.1 tùy chiều cao nhà.

4.3.2.2 Cho phép không áp dụng các quy định tại 4.32.1 nếu thỏa mãn các điều kiện nêu tại CHÚ THÍCH 6 (Bảng 4) hoặc CHÚ THÍCH 2 (Bảng A.1) tùy vào chiều cao nhà.

4.33 Ngăn chặn cháy lan theo phương đứng của mặt ngoài nhà

4.33.1 Các tường ngoài với các lỗ mở không có cửa ngăn cháy hoặc có các phần có giới hạn chịu lửa không đáp ứng quy định thì ở vị trí tường ngoài tiếp giáp với sàn giữa các tầng (đai ngăn cháy giữa các tầng) phải được cấu tạo phù hợp để ngăn chặn lan truyền đám cháy theo phương đứng. Cho phép đai ngăn cháy giữa các tầng có cấu tạo phù hợp với một trong các quy định sau:

a) Phần tường ngoài tiếp giáp với sàn giữa các tầng (phần tường giữa các ô cửa sổ tầng dưới và tầng trên hoặc giữa các phần tường không được bảo vệ chịu lửa của tầng dưới và tầng trên) phải là tường đặc, làm từ vật liệu không cháy và có chiều cao tối thiểu 1,0 m;
b) Ô văng cửa được làm bằng vật liệu không cháy, có chiều rộng (vươn ra từ mặt tường ngoài) không nhỏ hơn 0,6 m, giới hạn chịu lửa của ô văng không nhỏ hơn giới hạn chịu lửa quy định đối với tường ngoài;
c) Phần tường ngoài tiếp giáp với sàn giữa các tầng bằng kính cường lực, có chiều dày không nhỏ hơn 6 mm, được trang bị các đầu phun sprinkler của thiết bị chữa cháy tự động, bảo đảm các đầu phun được đặt cách nhau không quá 2 m từ phía các gian phòng (hành lang) liền kề tường ngoài và cách mặt trong của tường ngoài không quá 0,5 m.

CHÚ THÍCH 1: Yêu cầu về giới hạn chịu lửa (nếu có) của các thành phần hình thành nên đai ngăn cháy được lấy phù hợp với Bảng 4 hoặc Bảng A.1 tùy theo quy mô của nhà. Đối với thành phần ngăn cách theo phương đứng phải bảo đảm chỉ tiêu toàn vẹn (E), đối với chi tiết mối nối hoặc chèn bịt khe hở phải bảo đảm chỉ tiêu toàn vẹn (E) và cách nhiệt (I), đối với chi tiết liên kết cố định phải bảo đảm chỉ tiêu chịu lực (R).

CHÚ THÍCH 2: Các yêu cầu nêu trên không áp dụng đối với vị trí các cửa ra vào của lô gia và ban công, có phần bản sàn ban công đua ra lớn hơn 0,6 m cũng như đối với các lối ra thoát nạn.

4.33.2 Giới hạn chịu lửa của các cấu kiện của tường ngoài có lắp kính lấy sáng cũng phải bảo đảm yêu cầu như đối với các tường ngoài không chịu lực và quy định tại 4.32, 4.33.

4.33.3 Khi một phần tường ngoài của nhà nối tiếp với một phần khác của tường, tạo thành một góc nhỏ hơn 135° và khoảng cách theo phương nằm ngang giữa các mép gần nhất của các lỗ mở ở tường ngoài theo các hướng khác nhau của đỉnh góc, nhỏ hơn 4 m, thì trên phần tương ứng của tường, các lỗ mở phải có các cửa ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn E 30 hoặc có hệ thống phun nước.

4.33.4 Cho phép không áp dụng các quy định tại 4.33.1 đến 4.33.3 đối với nhà từ ba tầng trở xuống hoặc chiều cao PCCC dưới 15 m, ga ra để xe nổi dạng hở, hoặc nhà thỏa mãn đồng thời các điều kiện nêu tại CHÚ THÍCH 6 (Bảng 4) hoặc CHÚ THÍCH 2 (Bảng A.1) tùy chiều cao nhà.

4.34 Ngăn chặn cháy lan giữa các nhà

Phải bảo đảm khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa các nhà (quy định tại E.1 và E.2 trong Phụ lục E) khoảng cách phòng cháy chống cháy theo đường ranh giới (quy định tại E.3 trong Phụ lục E) tương ứng với diện tích lỗ mở không được bảo vệ chống cháy của tường ngoài nhà và giới hạn chịu lửa của phần tường phải bảo vệ chống cháy.

4.35 Ngăn chặn cháy lan đối với sảnh thông tầng

Việc thiết kế trong nhà, tổ hợp nhà, một hoặc một số sảnh thông tầng, kể cả trang bị trong khối tích của nó các cầu thang bộ hở, thang cuốn, thang cuốn ngang, thang máy toàn cảnh và tương tự, cũng như các gian phòng có các lỗ mở ở hành lang bên, cần bảo đảm thực hiện các yêu cầu sau:

a) Sảnh thông tầng phải được đặt trong khối tích của một khoang cháy, ở các lỗ mở của các sàn giữa các tầng của nó cho phép bố trí các thang máy cuốn, thang bộ hở và thang máy (kể cả thang máy toàn cảnh);
b) Các kết cấu bao quanh các gian phòng và hành lang ở các vị trí tiếp giáp với sảnh thông tầng, cần có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn EI (EIW) 60 hoặc làm bằng kính cường lực, có chiều dày không nhỏ hơn 6 mm, có giới hạn chịu lửa không quy định nhưng được trang bị các đầu phun (sprinkler) của thiết bị chữa cháy tự động, bảo đảm các đầu phun được đặt từ phía các gian phòng (hành lang) liền kề, cách nhau không quá 2 m và cách vách ngăn không quá 0,5 m;
c) Ở các lỗ mở, dẫn vào sảnh thông tầng, kể cả các lỗ mở của các thang cuốn và của các gian phòng ở hành lang bên có trang bị các rèm, màn ngăn khói, có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn E 45, được hạ xuống khi có cháy, chúng phải có các cơ cấu dẫn động điều khiển tự động và từ xa, hoặc trang bị các màn ngăn khói cố định. Chiều cao làm việc của các rèm, màn ngăn khói, khi hạ xuống không được nhỏ hơn chiều dày của lớp khói được tạo ra khi có cháy. Chiều dày lớp khói được xác định bằng tính toán khi thiết kế. Khi đó, biên dưới của lớp khói được xác định ở chiều cao không nhỏ hơn 2,5 m tính từ mặt sàn;
d) Diện tích tầng trong phạm vi khoang cháy có sảnh thông tầng được xác định bằng tổng diện tích tầng dưới cùng của sảnh thông tầng và diện tích của các hành lang bên, của các lối đi và của tất cả các gian phòng nằm phía trên, đặt trong phạm vi khối tích của sảnh thông tầng, giới hạn bằng các vách ngăn cháy loại 1. Khi không có các vách ngăn cháy loại 1, ngăn cách không gian của sảnh với các gian phòng tiếp giáp thì diện tích khoang cháy bằng tổng diện tích của các tầng tương ứng;
e) Cho phép sử dụng hệ thống hút xả khói theo cơ chế tự nhiên từ sảnh thông tầng nếu có luận cứ tính toán phù hợp;
f) Tấm chắn lấy sáng ở mái của sảnh thông tầng phải được làm từ vật liệu không cháy, khi đó, kết cấu của tấm mái này phải được làm từ kính có cốt gia cường và an toàn (không gây thương tích). Cho phép sử dụng các vật liệu tấm lấy sáng có nhóm nguy hiểm cháy không nguy hiểm hơn Ch1 và không tạo thành các giọt nóng chảy;
g) Để chữa cháy trong không gian sảnh thông tầng, cho phép lắp đặt các đầu phun sprinkler ở bên dưới kết cấu nhô ra của sàn giữa các tầng, của các ban công (kể cả dưới các thang cuốn...) mà không phải lắp đặt vào mái của sảnh thông tầng. Các đầu phun (sprinkler) đặt cách nhau từ 1,5 m đến 2,0 m và cách mép/cạnh của lỗ mở thông sàn không quá 0,5 m.

5 CẤP NƯỚC CHỮA CHÁY

5.1 Cấp nước chữa cháy ngoài nhà

5.1.1 Các yêu cầu an toàn cháy đối với cấp nước chữa cháy ngoài nhà

5.1.1.1 Việc trang bị cấp nước chữa cháy ngoài nhà phải được thực hiện theo quy định tại TCVN 3890 và tài liệu chuẩn thay thế khác.

5.1.1.2 Chất lượng nước của nguồn cấp nước chữa cháy phải phù hợp với điều kiện vận hành của các phương tiện chữa cháy và phương pháp chữa cháy.

5.1.1.3 Hệ thống đường ống nước chữa cháy thường có áp suất thấp, khi duy trì áp suất cao thì phải tính toán bảo đảm áp suất làm việc của hệ thống đường ống. Đối với đường ống áp suất cao, các máy bơm chữa cháy phải được trang bị phương tiện bảo đảm hoạt động không trễ hơn 5 phút sau khi có tín hiệu báo cháy.

5.1.1.4 Áp suất tự do tối thiểu trong đường ống nước chữa cháy áp suất thấp (nằm trên mặt đất) khi chữa cháy phải không nhỏ hơn 10 m. Áp suất tự do tối thiểu trong mạng đường ống chữa cháy áp suất cao phải bảo đảm độ cao tia nước đặc không nhỏ hơn 10 m khi lưu lượng yêu cầu chữa cháy tối đa và lăng chữa cháy ở điểm cao nhất của tòa nhà. Áp suất tự do trong mạng đường ống kết hợp sinh hoạt hoặc sản xuất không nhỏ hơn 10 m và không lớn hơn 60 m.

5.1.2 Các yêu cầu an toàn cháy đối với lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà

5.1.2.1 Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà (tính cho 1 đám cháy) và số đám cháy đồng thời trong một khu dân cư tính cho mạng đường ống chính nối vòng lấy theo Bảng 7.

5.1.2.2 Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà (cho 1 đám cháy) cho nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1, F2, F3, F4 tính toán cho đường ống kết hợp và đường ống phân phối của mạng đường ống, cũng như mạng đường ống trong 1 cụm nhỏ (1 xóm, 1 dãy nhà và tương tự) lấy theo giá trị lớn nhất của Bảng 8.

5.1.2.3 Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho nhà có nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F5, tính cho 1 đám cháy, lấy theo nhà có yêu cầu giá trị lớn nhất như Bảng 9 và Bảng 10.

CHÚ THÍCH 1: Khi tính toán lưu lượng nước chữa cháy cho 2 đám cháy thì lấy giá trị bằng cho 2 nhà có yêu cầu lưu lượng lớn nhất.

CHÚ THÍCH 2: Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho các nhà phụ trợ nằm độc lập lấy theo Bảng 8 giống như cho nhà có nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F2, F3, F4, còn nếu nằm trong các nhà sản xuất thì tính theo khối tích chung của nhà sản xuất và lấy theo Bảng 9.

CHÚ THÍCH 3: Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho nhà phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn có bậc chịu lửa I, II với khối tích không lớn hơn 5 000 m3 hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ D, E lấy bằng 5 L/s.

CHÚ THÍCH 4: Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho trạm truyền thanh, truyền hình không phụ thuộc khối tích của trạm và số lượng người sống trong khu vực đặt các trạm này, phải lấy không nhỏ hơn 15 L/s, ngay cả khi Bảng 9 và Bảng 10 quy định lưu lượng thấp hơn giá trị này.

CHÚ THÍCH 5: Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho nhà có khối tích lớn hơn trong Bảng 9 và Bảng 10 phải tuân theo các yêu cầu đặc biệt.

CHÚ THÍCH 6: Đối với nhà có bậc chịu lửa II làm bằng kết cấu gỗ thì lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà lấy lớn hơn 5 L/s so với Bảng 9 và Bảng 10.

CHÚ THÍCH 7: Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho nhà và khu vực kho lạnh bảo quản thực phẩm thì lấy giống nhà có hạng nguy hiểm cháy C.

CHÚ THÍCH 8: Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho cơ sở lưu trữ công-ten-nơ có hàng hóa phụ thuộc vào số lượng công-ten-nơ, được lấy như sau:

- Từ 30 đến 50 công-ten-nơ: lấy 15 L/s;

- Từ 51 đến 100 công-ten-nơ: lấy 20 L/s;

- Từ 101 đến 300 công-ten-nơ: lấy 25 L/s;

- Từ 301 đến 1 000 công-ten-nơ: lấy 40 L/s;

- Từ 1 001 đến 1 500 công-ten-nơ: lấy 60 L/s;

- Từ 1 501 đến 2 000 công-ten-nơ: lấy 80 L/s;

- Nhiều hơn 2 000 công-ten-nơ: lấy 100 L/s;

Bảng 7 - Lưu lượng nước từ mạng đường ống cho chữa cháy ngoài nhà trong các khu dân cư

Dân số,
x 1 000 người

Số đám cháy đồng thời

Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho 1 đám cháy, L/s

Xây dựng nhà không quá 2 tầng không phụ thuộc bậc chịu lửa

Xây dựng nhà từ 3 tầng trở lên không phụ thuộc bậc chịu lửa

≤ 1

1

5

10

> 1 và ≤ 5

1

10

10

> 5 và ≤ 10

1

10

15

> 10 và25

2

10

15

> 25 và ≤ 50

2

20

25

> 50 và ≤ 100

2

25

35

> 100 và ≤ 200

3

40

40

> 200 và ≤ 300

3

55

> 300 và ≤ 400

3

70

> 400 và ≤ 500

3

80

> 500 và ≤ 600

3

85

> 600 và ≤ 700

3

90

> 700 và ≤ 800

3

95

> 800 và ≤ 1 000

3

100

> 1 000

5

110

CHÚ THÍCH 1: Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà trong khu dân cư phải không nhỏ hơn lưu lượng nước chữa cháy cho nhà theo Bảng 8.

CHÚ THÍCH 2: Khi thực hiện cấp nước theo vùng, lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà và số đám cháy đồng thời theo từng vùng được lấy phụ thuộc vào số dân sống trong vùng.

CHÚ THÍCH 3: Số đám cháy đồng thời và lưu lượng nước cho 1 đám cháy cho một vùng có số dân trên 1 triệu người thì tuân theo luận chứng của các yêu cầu kỹ thuật đặc biệt.

CHÚ THÍCH 4: Đối với hệ thống các cụm đường ống nhóm (chung) số đám cháy đồng thời lấy phụ thuộc vào tổng số dân trong các cụm có kết nối với hệ thống đường ống. Lưu lượng nước để hồi phục lượng nước chữa cháy theo cụm đường ống nhóm được xác định bằng tổng lượng nước cho khu dân cư (tương ứng với số đám cháy đồng thời) tối đa để chữa cháy tuân theo quy định tại 5.1.3.3 và 5.1.3.4.

CHÚ THÍCH 5: Số đám cháy tính toán đồng thời trong khu dân cư phải bao gồm cả các đám cháy của nhà sản xuất và nhà kho trong khu dân cư đó. Khi đó lưu lượng nước tính toán bao gồm cả lưu lượng nước để chữa cháy tương ứng cho các nhà đó, nhưng không nhỏ hơn giá trị trong Bảng 7.

 

Bảng 8 - Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà của nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1, F2, F3, F4

Loại nhà

Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà không phụ thuộc bậc chịu lửa tính cho 1 đám cháy, L/s, theo khối tích nhà, 1 000 m3

≤ 1

> 1 và ≤ 5

> 5 và ≤ 25

> 25 và ≤ 50

> 50

1. Nhà nhóm F1.3, F1.4 một hoặc nhiều đơn nguyên với số tầng:

 

 

 

 

 

≤ 3

10 1)

10 1)

15

15

20

> 3 và ≤ 12

10

15

15

20

20

> 12 và ≤ 16

-

20

20

25

25

> 16

-

20

25

25

30

2. Nhà nhóm F1.1, F1.2, F2, F3 F4 với số tầng:

 

 

 

 

 

≤ 3

10 1)

10 1)

15

20

25

> 3 và ≤ 12

10

15

20

25

30

> 12 và ≤ 16

-

20

25

30

35

> 16

-

25

30

30

35

1) Đối với nhà thuộc khu vực làng, xã (nông thôn) lấy lưu lượng nước cho 1 đám cháy là 5 L/s.

CHÚ THÍCH 1: Nếu hiệu suất của mạng đường ống ngoài nhà không đủ để truyền lưu lượng nước tính toán cho chữa cháy hoặc khi liên kết ống vào với mạng đường ống cụt thì cần phải xem xét lắp đặt bồn, bể, với thể tích phải bảo đảm lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà trong 3 giờ.

CHÚ THÍCH 2: Trong khu dân cư không có đường ống nước chữa cháy thì phải có bồn, bể nước bảo đảm chữa cháy trong 3 giờ.

 

Bảng 9 - Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho nhà nhóm F5

Bậc chịu lửa của nhà

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà

Hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ của nhà

Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà đối với nhà có lỗ mở trên mái không phụ thuộc vào chiều rộng của nhà, cũng như nhà không có lỗ mở trên mái có chiều rộng không lớn hơn 60 m, tính cho 1 đám cháy, L/s, theo khối tích nhà, 1 000 m3

≤ 3

> 3 và ≤ 5

> 5 và ≤ 20

> 20 và
≤ 50

> 50 và ≤ 200

 

> 200 và ≤ 400

> 400 và
≤ 600

> 600

I và II

S0, S1

D, E

10

10

10

10

15

20

25

35

I và II

S0, S1

A, B, C

10

10

15

20

30

35

40

50

III

S0, S1

D, E

10

10

15

25

35

40

45

-

III

S0

A, B, C

10

15

20

30

45

60

75

-

IV

S0, S1

D, E

10

15

20

30

40

50

60

-

IV

S0, S1

A, B, C

15

20

25

40

60

80

100

-

IV

S2, S3

E

10

15

20

30

45

-

-

-

IV

S2, S3

A, B, C

15

20

25

40

65

-

-

-

V

-

E

10

15

20

30

55

-

-

-

V

-

C

15

20

25

40

70

-

-

-

 

Bảng 10 - Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho nhà nhóm F5 không có lỗ mở trên mái có chiều rộng trên 60 m

Bậc chịu lửa của nhà

 

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà

Hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ của nhà

Lưu lượng nước chữa cháy ngoài nhà đối với nhà không có lỗ mở trên mái có chiều rộng từ 60 m trở lên, tính cho 1 đám cháy, L/s, theo khối tích nhà, 1 000 m3

≤ 50

> 50 và ≤ 100

> 100 và ≤ 200

> 200 và ≤ 300

> 300 và ≤ 400

> 400 và ≤ 500

> 500 và ≤ 600

> 600 và ≤ 700

> 700

I và II

S0

A, B, C

20

30

40

50

60

70

80

90

100

I và II

S0

D, E

10

15

20

25

30

35

40

45

50

CHÚ THÍCH: Lỗ mở trên mái là các lỗ mở để thông gió đặt trên kết cấu mái của nhà (nóc gió) có diện tích không nhỏ hơn 2,5% diện tích xây dựng của nhà đó.

5.1.2.4 Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho nhà được ngăn chia bằng tường ngăn cháy thì lấy theo phần của nhà, nơi yêu cầu lưu lượng lớn nhất.

5.1.2.5 Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho nhà được ngăn cách bằng vách ngăn cháy được xác định theo khối tích chung của nhà và theo hạng cao nhất của hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ.

5.1.2.6 Lưu lượng nước chữa cháy phải được bảo đảm ngay cả khi lưu lượng cho các nhu cầu khác là lớn nhất, cụ thể phải tính đến:

- Nước sinh hoạt;

- Hộ kinh doanh cá thể;

- Cơ sở sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, nơi mà yêu cầu chất lượng nước uống hoặc mục đích kinh tế không phù hợp để làm đường ống riêng;

- Trạm xử lý nước, mạng đường ống và kênh dẫn và tương tự;

- Trong trường hợp điều kiện công nghệ cho phép, có thể sử dụng một phần nước sản xuất để chữa cháy, khi đó cần kết nối trụ nước trên mạng đường ống sản xuất với trụ nước trên mạng đường ống chữa cháy bảo đảm lưu lượng nước chữa cháy cần thiết.

5.1.2.7 Các hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà của cơ sở (đường ống dẫn nước, trạm bơm, bồn, bể dự trữ nước chữa cháy) phải bảo đảm độ tin cậy để không bị ngừng cấp nước quá 10 phút và không bị giảm lưu lượng nước quá 30% lưu lượng nước tính toán trong 3 ngày.

5.1.2.8 Trường hợp công trình nằm trong khu vực chưa có hạ tầng cấp nước chữa cháy ngoài nhà, hoặc đã có nhưng không bảo đảm theo quy định tại các bảng 8, 9 và 10 thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH có thẩm quyền.

5.1.3 Số đám cháy tính toán đồng thời

5.1.3.1 Số đám cháy tính toán đồng thời cho một cơ sở công nghiệp hoặc nông nghiệp phải được lấy theo diện tích của cơ sở đó, cụ thể như sau:

- Nếu diện tích đến 150 ha lấy là 1 đám cháy;

- Nếu diện tích trên 150 ha lấy là 2 đám cháy.

Số đám cháy tính toán đồng thời tại một khu vực kho dạng hở hoặc kín chứa vật liệu từ gỗ, lấy như sau: diện tích kho đến 50 ha lấy là 1 đám cháy; diện tích trên 50 ha lấy là 2 đám cháy.

CHÚ THÍCH: Diện tích của cơ sở để tính toán cho hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà là diện tích khu đất của cơ sở (không bao gồm khu đất rừng, khu đất công viên cây xanh, khu đất trồng cây nông nghiệp hay các khu đất tương tự mà trên đó không có công trình xây dựng).

5.1.3.2 Khi kết hợp đường ống chữa cháy của khu dân cư và cơ sở công nghiệp nằm ngoài khu dân cư thì số đám cháy tính toán đồng thời tính như sau:

- Khi diện tích của cơ sở công nghiệp đến 150 ha và dân số của khu dân cư đến 10 000 người, lấy là 1 đám cháy (lấy lưu lượng nước theo bên lớn hơn); tương tự với số dân từ 10 000 đến 25 000 người lấy là 2 đám cháy (1 đám cháy cho cơ sở công nghiệp và 1 đám cháy cho khu dân cư);

- Khi diện tích của cơ sở công nghiệp trên 150 ha và số dân đến 25 000 người, lấy là 2 đám cháy (2 đám cháy tính cho khu vực cơ sở công nghiệp hoặc 2 đám cháy tính cho khu dân cư, lấy theo lưu lượng nước yêu cầu của bên lớn hơn);

- Khi số dân trong khu dân cư lớn hơn 25 000 người, lấy là 2 đám cháy, trong đó lưu lượng nước của 1 đám cháy được xác định bằng tổng của lưu lượng yêu cầu lớn hơn (tính cho cơ sở công nghiệp hoặc khu dân cư) và 50% lưu lượng yêu cầu nhỏ hơn (tính cho cơ sở công nghiệp hoặc khu dân cư).

5.1.3.3 Thời gian chữa cháy phải lấy là 3 giờ, ngoại trừ những quy định riêng nêu dưới đây:

- Đối với nhà bậc chịu lửa I, II với kết cấu và lớp cách nhiệt làm từ vật liệu không cháy có các khu vực thuộc hạng nguy hiểm cháy nổ D và E lấy là 2 giờ;

- Đối với công trình nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non, nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F4.1, F4.3 ở khu vực nông thôn, có bậc chịu lửa I, II với kết cấu và lớp cách nhiệt làm từ vật liệu không cháy cao không quá 3 tầng, diện tích xây dựng đến 500 m2 lấy là 1 giờ;

- Đối với công trình nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non, nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F4.1, F4.3 ở khu vực nông thôn, có bậc chịu lửa I, II với kết cấu và lớp cách nhiệt làm từ vật liệu không cháy cao không quá 3 tầng, diện tích xây dựng đến 500 m2 thì cho phép sử dụng hệ thống họng nước chữa cháy bên trong để thay thế cho hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà;

- Đối với kho dạng hở chứa vật liệu từ gỗ - không nhỏ hơn 5 giờ.

5.1.3.4 Thời gian lớn nhất để phục hồi nước dự trữ chữa cháy không lớn hơn:

- Đối với khu dân cư và cơ sở công nghiệp có khu vực thuộc hạng nguy hiểm cháy nổ A, B, C lấy là 24 giờ;

- Đối với cơ sở công nghiệp có khu vực thuộc hạng nguy hiểm cháy nổ D và E lấy là 36 giờ;

- Đối với các khu dân cư và cơ sở nông nghiệp lấy là 72 giờ.

CHÚ THÍCH: Đối với cơ sở công nghiệp có yêu cầu về lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà đến 20 L/s thì cho phép tăng thời gian phục hồi nước chữa cháy như sau:

a) Đối với khu vực thuộc hạng nguy hiểm cháy D và E cho phép đến 48 giờ.

b) Đối với khu vực thuộc hạng nguy hiểm cháy C cho phép đến 36 giờ.

Khi không thể bảo đảm phục hồi lượng nước chữa cháy theo thời gian quy định thì cần cung cấp thêm n lần lượng nước dự trữ chữa cháy. Giá trị của n (n = 1,5; 2,0; 2,5; 3,0…) phụ thuộc vào thời gian phục hồi thực tế, ttt, và tính theo công thức sau:

n = ttt/t

trong đó: ttt là thời gian phục hồi nước dự trữ chữa cháy thực t྿;

 t là thời gian phục hồi nước dự trữ chữa cháy (theo 5.1.3.4).

5.1.4 Yêu cầu an toàn cháy đối với mạng đường ống và các công trình được xây dựng trên chúng

5.1.4.1 Khi lắp đặt từ 2 đường ống cấp trở lên phải lắp đặt van chuyển đổi giữa chúng khi đó trong trường hợp ngắt 1 đường cấp hoặc 1 phần của nó thì việc chữa cháy vẫn bảo đảm 100%.

5.1.42 Mạng đường ống dẫn nước chữa cháy phải là mạch vòng. Cho phép làm các đường ống cụt khi: cấp nước cho chữa cháy hoặc sinh hoạt - chữa cháy khi chiều dài đường ống không lớn hơn 200 m mà không phụ thuộc vào lưu lượng nước chữa cháy yêu cầu.

Không cho phép nối vòng mạng đường ống ngoài nhà bằng mạng đường ống bên trong nhà và công trình.

Ở các khu dân cư đến 5 000 người và yêu cầu về lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà đến 10 L/s hoặc số họng nước chữa cháy trong nhà đến 12 thì cho phép dùng mạng cụt chiều dài trên 200 m nếu có xây dựng bồn bể, tháp nước áp lực hoặc bể điều tiết dành cho mạng cụt, trong đó có chứa toàn bộ lượng nước cho chữa cháy.

5.1.4.3 Đường ống phải được phân chia thành các đoạn bằng các van khóa bảo đảm để khi sửa chữa sẽ không ngắt nhiều hơn 05 trụ cấp nước chữa cháy

5.1.4.4 Các van trên các đường ống với mọi đường kính khi điều khiển từ xa hoặc tự động phải là loại van điều khiển bằng điện.

Cho phép sử dụng van khí nén, thủy lực hoặc điện từ.

Khi không điều khiển từ xa hoặc tự động thì van khóa đường kính đến 400 mm có thể là loại khóa bằng tay, với đường kính lớn hơn 400 mm là khóa điện hoặc thủy lực; trong các trường hợp luận chứng riêng cho phép lắp van đường kính trên 400 mm khóa bằng tay.

Trong mọi trường hợp đều phải cho phép mở và đóng được bằng tay.

5.1.4.5 Đường kính của đường ống cấp và mạng sau đường ống cấp phải được tính toán trên cơ sở sau:

- Theo yếu tố kỹ thuật, kinh tế;

- Các điều kiện làm việc khi ngắt sự cố từng đoạn riêng.

Đường kính ống dẫn nước chữa cháy ngoài nhà cho khu dân cư và cơ sở sản xuất không được nhỏ hơn 100 mm, đối với khu vực nông thôn - không được nhỏ hơn 75 mm.

5.1.4.6 Các trụ cấp nước chữa cháy phải được bố trí ở khoảng cách không lớn hơn 2,5 m đến mép đường, nhưng không gần hơn 1 m đến tường ngôi nhà; cho phép bố trí trụ nước (trụ ngầm) nằm ở đường giao thông.

5.1.4.7 Các trụ cấp nước chữa cháy phải được bố trí trên mạng đường ống sao cho tối thiểu 02 trụ khi lưu lượng yêu cầu từ 15 L/s trở lên, tối thiểu 01 trụ khi lưu lượng yêu cầu thấp hơn 15 L/s phục vụ đến mọi điểm của nhà xét theo phương ngang và bán kính phục vụ của mỗi trụ nước không lớn 200 m tính theo đường di chuyển của vòi chữa cháy đi bên ngoài nhà.

CHÚ THÍCH: Trên mạng đường ống cho các điểm dân cư đến 500 người cho phép thay thế các trụ cấp nước chữa cháy loại 3 cửa bằng đoạn đường ống đứng DN 80 mm có lắp họng nước.

5.1.4.8 Các công trình thuộc diện trang bị hệ thống họng nước chữa cháy cũng như hệ thống chữa cháy sprinkler tự động phải có đường ống kết nối từ trạm bơm cấp nước chữa cháy của công trình đến tối thiểu 01 trụ cấp nước chữa cháy loại 03 cửa hoặc loại 02 cửa DN65 đặt ở vị trí mặt bên ngoài tường công trình về phía có đường giao thông.

5.1.5 Các yêu cầu đối với bồn, bể trữ nước cho chữa cháy ngoài nhà

5.1.5.1 Bồn, bể cấp nước theo công năng phải bao gồm cho điều tiết, chữa cháy, sự cố và nước mồi.

5.1.5.2 Nếu việc lấy nước chữa cháy trực tiếp từ các nguồn cấp nước không phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật thì trong mọi trường hợp, các bồn, bể trữ nước phải bảo đảm có đủ lượng nước chữa cháy theo tính toán.

5.1.5.3 Thể tích nước chữa cháy trong bồn, bể phải được tính toán để bảo đảm:

- Thực hiện việc cấp nước chữa cháy từ trụ nước ngoài nhà và các hệ thống chữa cháy khác;

- Cung cấp cho các thiết bị chữa cháy chuyên dụng (sprinkler, drencher và tương tự) không có bể riêng;

- Lượng nước tối đa cho sinh hoạt và sản xuất trong suốt quá trình chữa cháy.

5.1.5.4 Các hồ ao để cho xe chữa cháy hút nước phải có lối tiếp cận và có bãi đỗ xe kích thước không nhỏ hơn 12 m × 12 m với bề mặt bảo đảm tải trọng dành cho xe chữa cháy.

Khi xác định thể tích nước chữa cháy trong các bồn, bể thì cho phép tính cả việc nạp thêm vào bồn, bể trong thời gian chữa cháy nếu nó có hệ thống cấp nước bảo đảm quy định tại 5.1.2.7.

5.1.5.5 Khi cấp nước theo 1 đường ống cấp thì phải dự phòng thêm lượng nước bổ sung cho chữa cháy, quy định tại 5.1.5.3.

Cho phép không cần tính đến lượng nước bổ sung cho chữa cháy khi chiều dài của một đường ống cấp không lớn hơn 500 m đối với khu dân cư có số dân đến 5 000 người, cũng như cho các đối tượng với yêu cầu về lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà không lớn hơn 40 L/s.

5.1.5.6 Tổng số bồn, bể cho chữa cháy trong một mạng ống phải không nhỏ hơn 2 (không áp dụng đối với bồn, bể dành cho cấp nước ngoài nhà của công trình riêng lẻ).

Giữa các bồn, bể trong mạng ống, mực nước thấp nhất và cao nhất của nước chữa cháy phải tương ứng như nhau.

Khi ngắt một bồn, bể thì lượng nước trữ để chữa cháy trong các bồn, bể còn lại phải không nhỏ hơn 50% của lượng nước yêu cầu cho chữa cháy.

5.1.5.7 Việc trữ nước chữa cháy trong các bồn, bể chuyên dụng hoặc các hồ nước hở được cho phép đối với:

- Khu dân cư đến 5 000 người;

- Các tòa nhà, không phụ thuộc công năng, đứng riêng biệt ngoài khu dân cư không có hệ thống đường ống nước sinh hoạt hoặc sản xuất, để cung cấp lượng nước cần thiết cho hệ thống cấp nước ngoài nhà;

- Nhà công năng khác nhau có lưu lượng nước yêu cầu cho cấp nước chữa cháy ngoài nhà không quá 10 L/s;

- Nhà có từ 1 đến 2 tầng, không phụ thuộc vào công năng, có diện tích xây dựng không lớn hơn diện tích khoang cháy cho phép đối với loại nhà đó.

5.1.5.8 Lượng nước chữa cháy của bồn, bể và hồ nước nhân tạo xác định trên cơ sở tính toán lượng nước tiêu thụ và thời gian chữa cháy theo quy định tại 5.1.2.2, 5.1.2.3, 5.1.2.4, 5.1.2.5, 5.1.2.6 và 5.1.3.3.

CHÚ THÍCH 1: Tính toán thể tích nước chữa cháy của hồ nhân tạo hở phải tính đến khả năng bốc hơi và đóng băng của nước. Mực nước tối thiểu không được nhỏ hơn 0,5 m.

CHÚ THÍCH 2: Phải bảo đảm lối vào cho xe chữa cháy tiếp cận bể, hồ và những điểm lấy nước tương tự.

5.1.5.9 Bồn, bể, trụ nước chữa cháy ngoài nhà, hồ nước chữa cháy tự nhiên và nhân tạo phải đặt tại vị trí bảo đảm bán kính phục vụ:

- Khi có xe bơm là 200 m;

- Khi có máy bơm di động là 100 m đến 150 m trong phạm vi hoạt động kỹ thuật của máy bơm;

- Để tăng bán kính phục vụ, cho phép lắp đặt các đường ống cụt có chiều dài không quá 200 m từ bồn, bể và hồ nhân tạo bảo đảm theo quy định tại 5.1.5.8;

- Khoảng cách từ điểm lấy nước từ bồn, bể hoặc hồ nhân tạo đến nhà có bậc chịu lửa III, IV và V hoặc đến kho hở chứa vật liệu cháy được phải không nhỏ hơn 30 m, đến nhà bậc chịu lửa I và II phải không nhỏ hơn 10 m.

5.1.5.10 Khi không thể hút nước chữa cháy trực tiếp từ bồn, bể hoặc hồ bằng xe máy bơm hoặc máy bơm di động, thì phải cung cấp các hố thu với thể tích từ 3 m3 đến 5 m3. Đường kính ống kết nối bồn, bể hoặc hồ với các hố thu lấy theo các điều kiện tính toán lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà, nhưng không nhỏ hơn 200 mm. Trên đoạn ống kết nối phải có hộp van để khóa sự lưu thông nước, việc đóng mở van phải thực hiện được từ bên ngoài hộp. Đầu đoạn ống kết nối ở phía hồ nhân tạo phải có lưới chắn.

5.1.5.11 Bồn, bể áp lực để chữa cháy phải được trang bị thước đo mức nước, thiết bị báo tín hiệu mức nước cho trạm bơm hoặc trạm phân phối nước.

Bồn, bể áp lực của đường ống nước chữa cháy áp lực cao phải trang bị thiết bị bảo đảm tự động ngắt nước lên bồn bể, tháp khi máy bơm chữa cháy hoạt động.

5.1.5.12 Bồn, bể áp lực sử dụng khí ép áp lực, thì ngoài máy ép vận hành phải có máy ép dự bị.

5.2 Hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà

5.2.1 Nhà ở, nhà công cộng, nhà hành chính - phụ trợ của công trình công nghiệp phải lắp đặt hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà với lưu lượng nước tối thiểu để chữa cháy xác định theo Bảng 11, đối với nhà sản xuất và nhà kho thì xác định theo Bảng 12.

Khi xác định lưu lượng nước chữa cháy cần thiết, phải căn cứ vào chiều cao tia nước đặc và đường kính đầu lăng phun chữa cháy xác định theo Bảng 13. Khi đó tính toán hoạt động đồng thời của họng nước và các hệ thống chữa cháy khác.

Căn cứ vào lưu lượng cấp nước, các họng nước chữa cháy được phân loại thành:

- Lưu lượng thấp (từ 0,2 L/s đến 1,5 L/s). Thiết bị cho họng nước chữa cháy lưu lượng thấp có đường kính là DN 5, DN 10, DN 15, DN 20, DN 25, DN 40;

- Lưu lượng trung bình (lớn hơn 1,5 L/s).

Trường hợp sử dụng các họng nước lưu lượng thấp thì phải bảo đảm tổng lưu lượng cấp nước và chiều cao tia nước đặc xác định theo các bảng 11, 12 và 13.

Bảng 11 - Số tia phun chữa cháy và lưu lượng nước tối thiểu đối với hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà

Nhà ở và công trình công cộng

Số tia phun chữa cháy trên 1 tầng nhà

Lưu lượng tối thiểu cho chữa cháy trong nhà, L/s, đối với một tia phun

1. Nhà ở, nhà chung cư

 

 

≤ 16 tầng, khi hành lang chung dài ≤ 10 m

1

2,5

≤ 16 tầng, khi hành lang chung dài > 10 m

2

2,5

> 16 và ≤ 25 tầng, khi hành lang chung dài ≤ 10 m

2

2,5

> 16 và ≤ 25 tầng, khi hành lang chung dài > 10 m

3

2,5

2. Nhà hành chính 1)

≤ 10 tầng và khối tích ≤ 25 000 m3

1

2,5

≤ 10 tầng và khối tích > 25 000 m3

2

2,5

> 10 tầng và khối tích ≤ 25 000 m3

2

2,5

> 10 tầng và khối tích > 25 000 m3

3

2,5

3. Phòng câu lạc bộ có sân khấu, nhà hát, rạp chiếu phim, phòng có trang bị thiết bị nghe nhìn (sinh hoạt, hội thảo và tương tự)

300 chỗ

2

2,5

> 300 chỗ

2

5,0

4. Ký túc xá và nhà công cộng (ngoại trừ mục 2) 2)

≤ 10 tầng và khối tích ≤ 25 000 m3

1

2,5

10 tầng và khối tích > 25 000 m3

2

2,5

> 10 tầng và khối tích ≤ 25 000 m3

2

2,5

> 10 tầng và khối tích > 25 000 m3

3

2,5

5. Nhà hành chính - phụ trợ của công trình công nghiệp có khối tích

≤ 25 000 m3

1

2,5

> 25 000 m3

2

2,5

1) Trụ sở cơ quan nhà nước, nhà làm việc của các doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội, bưu điện, cơ sở truyền thanh, truyền hình, viễn thông, nhà lắp đặt thiết bị thông tin, trung tâm lưu trữ, quản lý dữ liệu… và các công trình có công năng tương tự.

2) Nhà công cộng và các công trình có công năng tương tự, như:

- Nhà ở ký túc xá, nhà hỗn hợp, khách sạn, nhà ở riêng lẻ kết hợp công năng khác, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch;

- Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, câu lạc bộ, thẩm mỹ viện, kinh doanh dịch vụ xoa bóp, công viên giải trí, vườn thú, thủy cung;

- Cửa hàng điện máy, siêu thị, cửa hàng bách hoá; cửa hàng tiện ích, nhà hàng, cửa hàng ăn uống;

- Phòng khám đa khoa, chuyên khoa; thẩm mỹ viện;

- Bảo tàng, thư viện, nhà triển lãm, nhà trưng bày, nhà lưu trữ, nhà sách, nhà hội chợ;

- Sân vận động, nhà thi đấu thể thao, cung thể thao trong nhà, trung tâm thể dục, thể thao, trường đua, trường bắn, cơ sở thể thao khác được thành lập theo Luật Thể dục, thể thao;

- Cảng hàng không, đài kiểm soát không lưu, bến cảng biển, cảng cạn, cảng thủy nội địa, bến xe khách, trạm dừng nghỉ, nhà ga đường sắt, nhà chờ cáp treo vận chuyển người, công trình tàu điện ngầm, cơ sở đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới, cửa hàng kinh doanh, sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, mô tô, xe gắn máy;

- Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường cao đẳng, đại học, học viện, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề; cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục;

- Nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng.

 

Bảng 12 - Số tia phun chữa cháy và lưu lượng nước tối thiểu cho chữa cháy trong nhà đối với nhà sản xuất và nhà kho

Bậc chịu lửa của nhà

Hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ của nhà

Cấp nguy hiểm cháy của kết cấu

Số tia phun chữa cháy và lưu lượng nước tối thiểu, L/s, đối với 1 tia phun, cho chữa cháy trong nhà đối với nhà sản xuất và nhà kho có chiều cao PCCC đến 50 m và theo khối tích, 1 000 m3

≤ 150

> 150

I, II

A, B, C

S0, S1

2 × 2,5

3 × 2,5

D, E

Không quy định

1 × 2,5

1 × 2,5

III

A, B, C

S0

2 × 2,5

3 × 2,5

D, E

S0, S1

1 × 2,5

2 × 2,5

IV

A, B

S0

2 × 2,5

3 × 2,5

C

S0, S1

2 × 2,5

2 × 5

C

S2, S3

3 × 2,5

4 × 2,5

D, E

S0, S1, S2, S3

1 × 2,5

2 × 2,5

V

C

Không quy định

2 × 2,5

2 × 5

D, E

Không quy định

1 × 2,5

2 × 2,5

 

Bảng 13 - Lưu lượng nước chữa cháy phụ thuộc theo chiều cao tia nước đặc và đường kính đầu lăng phun chữa cháy

Chiều cao tia nước đặc, m

Lưu lượng của lăng phun, L/s

Áp suất, MPa, của họng nước chữa cháy với chiều dài cuộn vòi, m

Lưu lượng của lăng phun, L/s

Áp suất, MPa, của họng nước chữa cháy với chiều dài cuộn vòi, m

Lưu lượng của lăng phun, L/s

Áp suất, MPa, của họng nước chữa cháy với chiều dài cuộn vòi, m

10

15

20

10

15

20

10

15

20

 

Đường kính đầu lăng phun chữa cháy, mm

 

13

16

19

 

Họng nước chữa cháy DN 50 1)

6

-

-

-

-

2,6

0,092

0,096

0,100

3,4

0,088

0,096

0,104

8

-

-

-

-

2,9

0,120

0,125

0,130

4,1

0,129

0,138

0,148

10

-

-

-

-

3,3

0,151

0,157

0,164

4,6

0,160

0,173

0,185

12

2,6

0,202

0,206

0,210

3,7

0,192

0,196

0,210

5,2

0,206

0,223

0,240

14

2,8

0,236

0,241

0,245

4,2

0,248

0,255

0,263

-

-

-

-

16

3,2

0,316

0,322

0,328

4,6

0,293

0,300

0,318

-

-

-

-

18

3,6

0,390

0,398

0,406

5,1

0,360

0,380

0,400

-

-

-

-

 

Họng nước chữa cháy DN 65 1)

6

-

-

-

-

2,6

0,088

0,089

0,090

3,4

0,078

0,080

0,083

8

-

-

-

-

2,9

0,110

0,112

0,114

4,1

0,114

0,117

0,121

10

-

-

-

-

3,3

0,140

0,143

0,146

4,6

0,143

0,147

0,151

12

2,6

0,198

0,199

0,201

3,7

0,180

0,183

0,186

5,2

0,182

0,190

0,199

14

2,8

0,23

0,231

0,233

4,2

0,230

0,233

0,235

5,7

0,218

0,224

0,230

16

3,2

0,31

0,313

0,315

4,6

0,276

0,280

0,284

6,3

0,266

0,273

0,280

18

3,6

0,38

0,383

0,385

5,1

0,338

0,342

0,346

7,0

0,329

0,338

0,348

20

4,0

0,464

0,467

0,470

5,6

0,412

0,424

0,418

7,5

0,372

0,385

0,397

1) DN - Viết tắt của Diameter Nominal - Đường kính trong danh nghĩa, đơn vị tính bằng milimét (mm).

5.2.2 Để tính toán công suất máy bơm và lượng nước dự trữ cho chữa cháy, số tia phun nước và lưu lượng nước cho chữa cháy trong nhà công cộng đối với phần nhà nằm ở chiều cao PCCC trên 50 m phải lấy tương ứng là 4 tia, mỗi tia 2,5 L/s, đối với nhà nhóm F5 hạng nguy hiểm cháy nổ A, B, C có chiều cao PCCC trên 50 m lấy tương ứng là 4 tia, mỗi tia 5 L/s.

5.2.3 Đối với nhà sản xuất và nhà kho sử dụng dạng kết cấu dễ bị hư hỏng khi chịu tác động của lửa, theo tương ứng với Bảng 12, lưu lượng nước tối thiểu để tính toán công suất máy bơm và lượng nước dự trữ cho chữa cháy xác định theo Bảng 12 phải được tăng thêm tùy từng trường hợp như sau:

- Khi sử dụng kết cấu thép không được bảo vệ chống cháy trong các nhà bậc chịu lửa III, IV (nhóm S2, S3), cũng như kết cấu gỗ tự nhiên hoặc gỗ ép (trong trường hợp này là gỗ đã qua xử lý bảo vệ chống cháy), phải tăng thêm 5 L/s;

- Khi sử dụng vật liệu là chất cháy bao quanh cấu trúc nhà bậc chịu lửa IV (nhóm S2, S3), phải tăng thêm 5 L/s với nhà có khối tích đến 10 000 m3. Khi nhà có khối tích lớn hơn 10 000 m3 thì phải tăng thêm 5 L/s cho mỗi 100 000 m3 tăng thêm hoặc phần lẻ của 100 000 m3 tăng thêm.

5.2.4 Số tia phun chữa cháy cho mỗi điểm cháy lấy là 2 tia đối với các công trình có yêu cầu số tia phun bằng hoặc lớn hơn 2.

5.2.5 Đối với các phần nhà có khu vực công năng khác nhau thì lưu lượng nước cho chữa cháy phải tính toán riêng đối với từng phần theo quy định tại 5.2.1 và 5.2.2. Khi đó lưu lượng nước chữa cháy trong nhà tính toán theo quy định sau:

- Đối với nhà không được ngăn chia bằng các tường ngăn cháy phải tính theo khối tích chung;

- Đối với nhà được ngăn chia bằng các tường ngăn cháy loại 1 hoặc 2 phải tính theo khối tích của phần nhà có yêu cầu lưu lượng nước cao hơn.

Khi liên kết các nhà có bậc chịu lửa I và II bằng các lối đi làm bằng vật liệu không cháy và được lắp đặt cửa ngăn cháy thì khối tích của nhà phục vụ việc xác định lưu lượng nước chữa cháy được tính là khối tích riêng của từng nhà; khi không có cửa ngăn cháy thì tính theo khối tích tổng và theo hạng nguy hiểm cháy cao hơn.

5.2.6 Áp suất thủy tĩnh trong hệ thống nước sinh hoạt - chữa cháy đo tại các thiết bị vệ sinh - kỹ thuật đặt ở mức nước thấp nhất không được vượt quá 0,45 MPa.

Áp suất thủy tĩnh của hệ thống chữa cháy riêng biệt đo tại họng nước chữa cháy đặt ở mức nước thấp nhất không được vượt quá 0,90 MPa.

Khi tính toán, nếu áp suất trong hệ thống chữa cháy vượt quá 0,45 MPa thì phải lắp đặt mạng hệ thống chữa cháy riêng.

Khi áp suất giữa van và đầu nối của họng nước chữa cháy lớn hơn 0,4 MPa thì phải lắp đặt màng ngăn và thiết bị điều chỉnh áp lực để giảm áp lực dư.

5.2.7 Áp suất tự do của họng nước chữa cháy phải bảo đảm cho chiều cao của tia nước đặc cần thiết để chữa cháy vào mọi thời điểm trong ngày đối với khu vực cao nhất và xa nhất. Chiều cao tối thiểu và bán kính hoạt động của tia nước đặc chữa cháy phải bằng chiều cao của khu vực, tính từ sàn đến điểm cao nhất của xà (trần), nhưng không nhỏ hơn các giá trị sau:

- Đối với nhà ở, nhà công cộng, nhà sản xuất và nhà phụ trợ của công trình công nghiệp có chiều cao PCCC đến 50 m không nhỏ hơn 6 m;

- Đối với nhà ở có chiều cao PCCC trên 50 m không nhỏ hơn 8 m;

- Đối với nhà công cộng, nhà sản xuất và nhà phụ trợ của công trình công nghiệp có chiều cao PCCC trên 50 m không nhỏ hơn 16 m.

CHÚ THÍCH 1: Áp suất của họng nước chữa cháy phải được tính toán tổn thất của cuộn vòi chữa cháy dài 10, 15 và 20 m.

CHÚ THÍCH 2: Để nhận tia nước đặc lưu lượng đến 4 L/s thì sử dụng họng nước chữa cháy DN 50, đối với lưu lượng lớn hơn phải sử dụng họng DN 65. Khi luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho phép thì được dùng họng nước chữa cháy DN 50 cho lưu lượng trên 4 L/s.

5.2.8 Thiết kế bể áp lực cho nhà phải bảo đảm mọi thời điểm đều cung cấp được tia nước đặc cao trên 4 m tại tầng cao nhất hoặc tầng ngay dưới nơi đặt bể, và không nhỏ hơn 6 m đối với các tầng còn lại; khi đó số tia nước bảo đảm: 2 tia mỗi tia 2,5 L/s trong 10 phút khi số tia tính toán là 2 hoặc nhiều hơn, 1 tia trong các trường hợp còn lại.

Khi lắp đặt họng nước chữa cháy dùng làm cảm biến điều khiển tự động máy bơm chữa cháy thì không cần xem xét đến bể nước áp lực.

5.2.9 Trong trường hợp lắp đặt hệ thống họng nước chữa cháy riêng biệt với các hệ thống chữa cháy tự động, thì thể tích của bể chứa nước dự trữ phải bảo đảm lượng nước dùng trong 1 giờ, cho một họng nước chữa cháy và các nhu cầu dùng nước khác.

Khi lắp đặt hệ thống họng nước chữa cháy trên các hệ thống chữa cháy tự động thì thời gian làm việc của họng nước lấy bằng thời gian làm việc của hệ thống chữa cháy tự động.

5.2.10 Các nhà từ 6 tầng trở lên khi liên kết hệ thống nước sinh hoạt và chữa cháy thì các ống đứng phải được nối vòng ở trên. Khi đó để bảo đảm việc thay nước trong nhà phải nối vòng ống đứng với một hoặc một vài ống xả đứng có van khóa.

Trong các hệ thống chữa cháy đường ống khô lắp đặt trong các nhà không được sưởi ấm thì van khóa phải được lắp đặt tại các khu vực không có khả năng bị đóng băng.

5.2.11 Việc xác định vị trí và số lượng đường ống đứng và họng nước chữa cháy trong nhà phải bảo đảm quy định sau:

- Cho phép lắp đặt họng kép trên các ống đứng trong nhà sản xuất và nhà công cộng khi số lượng tia nước tính toán không nhỏ hơn 3, còn trong nhà ở không nhỏ hơn 2;

- Trong nhà ở với chiều dài hành lang đến 10 m khi số tia nước bằng 2 cho mỗi điểm thì cho phép phun 2 tia từ một ống đứng;

- Trong nhà ở với chiều dài hành lang lớn hơn 10 m, cũng như nhà sản xuất và nhà công cộng có từ 2 tia nước tính toán trở lên cho mỗi điểm thì phải bố trí 2 tia phun từ 2 tủ chữa cháy cạnh nhau (2 họng nước khác nhau).

CHÚ THÍCH 1: Phải lắp đặt họng nước chữa cháy trong các tầng kỹ thuật, tầng áp mái và tầng hầm kỹ thuật nếu trong đó có vật liệu và kết cấu làm từ vật liệu cháy được.

CHÚ THÍCH 2: Số tia nước từ mỗi tủ không được lớn hơn 2.

5.2.12 Các họng nước chữa cháy được lắp đặt sao cho miệng họng nằm ở độ cao 1,20 m ± 0,15 m so với mặt sàn và đặt trong các tủ chữa cháy có lỗ thông gió, được dán niêm phong. Đối với họng nước chữa cháy kép, cho phép lắp đặt 1 họng nằm trên 1 họng nằm dưới, khi đó họng nằm dưới phải lắp có chiều cao không nhỏ hơn 1,0 m tính từ mặt sàn.

5.2.13 Hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà và công trình phải có họng chờ lắp đặt ở ngoài nhà, có đầu nối với kích cỡ phù hợp để kết nối với phương tiện chữa cháy di động. Đối với nhà cao từ 17 tầng trở lên, họng chờ cấp nước cho hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà phải chia thành các vùng theo chiều cao mỗi vùng không quá 50 m. Các họng này phải được lắp đặt van một chiều và niêm phong mở.

5.2.14 Họng nước chữa cháy bên trong nhà phải được lắp đặt tại các lối vào phía trong hành lang (ở nơi không có nguy cơ nước bị đóng băng) của các buồng thang (trừ các buồng thang không nhiễm khói), tại các sảnh, hành lang, lối đi và những chỗ dễ tiếp cận khác, khi đó việc bố trí phải bảo đảm không gây cản trở các hoạt động thoát nạn.

5.2.15 Tại các khu vực được bảo vệ bằng hệ thống chữa cháy tự động, cho phép lắp đặt họng nước chữa cháy trong nhà trên các đường ống DN 65 hoặc lớn hơn, sau cụm van điều khiển của hệ thống sprinkler bằng nước.

5.2.16 Tại các khu vực kín có khả năng bị đóng băng, các đường ống của hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà ở sau trạm bơm cho phép là đường ống khô.

5.2.17 Những van để khóa nước từ các đường ống nhánh cụt cũng như những van khóa lớn từ đường ống thép khép kín phải được bố trí để bảo đảm mỗi đoạn ống chỉ khóa nhiều nhất là 5 họng nước chữa cháy trên cùng một tầng.

5.2.18 Căn cứ vào công năng của đối tượng bảo vệ có thể lựa chọn các phương án trang bị hệ thống họng nước chữa cháy sau:

- Phương án 1: sử dụng các họng nước chữa cháy lưu lượng trung bình. Phương án này được phép áp dụng với mọi loại hình công trình;

- Phương án 2: sử dụng các họng nước chữa cháy lưu lượng nhỏ kết hợp với trang bị đường ống họng khô. Phương án này được phép áp dụng với nhà ở, công trình công cộng;

- Phương án 3: sử dụng các họng nước chữa cháy lưu lượng nhỏ. Phương án này được phép áp dụng với các công trình được trang bị hệ thống chữa cháy tự động cho toàn bộ công trình;

- Phương án 4: sử dụng các họng nước chữa cháy lưu lượng nhỏ kết hợp với các họng nước chữa cháy lưu lượng trung bình. Phương án này được phép áp dụng với nhà ở, công trình công cộng.

CHÚ THÍCH: Trong một công trình cho phép kết hợp nhiều phương án trang bị họng nước chữa cháy khác nhau.

5.3 Trạm bơm cấp nước chữa cháy

5.3.1 Máy bơm cấp nước chữa cháy dù thiết kế riêng biệt hay kết hợp với hệ thống nước sinh hoạt, sản xuất đều phải có máy bơm dự phòng, có công suất tương đương với máy bơm chính. Số lượng máy bơm dự phòng được quy định như sau:

- Khi tính toán cần từ một đến ba máy bơm chữa cháy chính thì phải có ít nhất một máy bơm dự phòng;

- Khi tính toán cần bốn máy bơm chữa cháy chính trở lên thì phải có ít nhất hai máy bơm dự phòng;

Các máy bơm chữa cháy phải được kết nối với hai nguồn điện riêng biệt từ nguồn điện lưới, nguồn điện từ máy phát điện hoặc sử dụng máy bơm động cơ đốt trong. Cho phép không trang bị máy bơm dự phòng hoặc nguồn điện dự phòng khi cấp nước cho nhà sản xuất, nhà kho có bậc chịu lửa I, II với hạng nguy hiểm cháy, nổ hạng D, E và lưu lượng cấp nước chữa cháy ngoài nhà yêu cầu nhỏ hơn 20 L/s.

5.3.2 Máy bơm cấp nước chữa cháy có thể điều khiển tại chỗ bằng tay hoặc điều khiển tự động từ xa và phải bảo đảm cho máy bơm được kích hoạt vận hành trong thời gian không chậm quá 3 phút kể từ khi có tín hiệu báo cháy. Khi lưu lượng cấp nước cho chữa cháy ngoài nhà yêu cầu từ 25 L/s trở lên thì phải có cơ cấu điều khiển máy bơm chữa cháy tự động từ xa.

5.3.3 Khi các nhà thiết kế hệ thống họng nước chữa cháy bên trong mà áp lực nước thường xuyên không đủ cung cấp cho các họng nước chữa cháy thì phải có bộ phận điều khiển máy bơm từ xa bố trí ngay ở họng nước chữa cháy.

6 CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN

6.1 Nhà và công trình phải bảo đảm việc chữa cháy và cứu nạn bằng các giải pháp: kết cấu, bố trí mặt bằng - không gian, kỹ thuật - công trình và giải pháp tổ chức.

Các giải pháp này bao gồm:

- Bố trí các đường cho xe chữa cháy, bãi đỗ xe chữa cháy và lối tiếp cận cho lực lượng và phương tiện chữa cháy, kết hợp chung với các đường và lối đi theo công năng của nhà hoặc bố trí riêng;

- Bố trí các thang chữa cháy ngoài nhà và bảo đảm các phương tiện cần thiết khác để đưa lực lượng chữa cháy cùng các trang thiết bị kỹ thuật chữa cháy đến các tầng và mái của các nhà, trong đó gồm cả việc bố trí các thang máy có chế độ “chuyên chở lực lượng chữa cháy” (dưới đây gọi chung là thang máy chữa cháy);

- Bố trí đường ống cấp nước chữa cháy, kết hợp với các đường ống cấp nước sinh hoạt hoặc bố trí riêng, và khi cần thiết, bố trí các họng tiếp nước, đường ống tiếp nước vào trong nhà cho lực lượng chữa cháy, các trụ nước, bể chứa nước chữa cháy hoặc các nguồn cấp nước chữa cháy khác;

- Bảo vệ chống khói cho các lối đi của lực lượng chữa cháy bên trong nhà;

- Trang bị cho nhà các phương tiện cứu người cho cá nhân và tập thể trong trường hợp cần thiết;

- Bố trí, xây dựng các công trình, các trạm (đội) phòng cháy và chữa cháy phù hợp với số lượng nhân viên và các thiết bị kỹ thuật chữa cháy cần thiết, đáp ứng các điều kiện chữa cháy trên các công trình hoặc khu vực trong phạm vi hoạt động của các trạm (đội) này theo đúng các quy định hiện hành.

Việc lựa chọn các giải pháp nêu trên phụ thuộc vào bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu và nhóm nguy hiểm cháy theo công năng của nhà, công trình.

Tại những địa phương chưa có đủ điều kiện hạ tầng giao thông công cộng và cấp nước chung theo quy định của quy chuẩn này thì các giải pháp chữa cháy và cứu nạn được thực hiện theo các hướng dẫn riêng của cơ quan quản lý nhà nước về PCCC ở những địa phương đó.

6.2 Đường cho xe chữa cháy và bãi đỗ xe chữa cháy

6.2.1 Yêu cầu chung

6.2.1.1 Chiều rộng thông thủy của mặt đường cho xe chữa cháy không được nhỏ hơn 3,5 m.

6.2.1.2 Bãi đỗ xe chữa cháy phải có chiều rộng thông thủy bảo đảm khả năng đi vào để triển khai các phương tiện chữa cháy phù hợp với chiều cao PCCC và nhóm nguy hiểm cháy theo công năng của nhà như quy định tại Bảng 14.

Bảng 14 - Kích thước bãi đỗ xe chữa cháy

Nhóm nguy hiểm cháy theo công năng của nhà/Chỉ tiêu kích thước bãi đỗ

Kích thước bãi đỗ xe chữa cháy, m, tương ứng theo chiều cao PCCC của nhà, m

≤ 15

> 15 và ≤ 28 1)

> 28

1. Nhà nhóm F1.3

 

 

 

a) Chiều rộng của bãi đỗ xe chữa cháy

Không yêu cầu

≥ 6

≥ 6

b) Chiều dài của bãi đỗ xe chữa cháy

Không yêu cầu

≥ 15

≥ 15

2. Các nhóm nhà còn lại

 

 

 

a) Chiều rộng của bãi đỗ xe chữa cháy

Không yêu cầu

≥ 6

≥ 6

b) Chiều dài của bãi đỗ xe chữa cháy

Theo Bảng 15 và Bảng 16

Theo Bảng 15 và Bảng 16

Theo Bảng 15 và Bảng 16

1) Không yêu cầu có bãi đỗ xe chữa cháy đối với nhà có số người sử dụng trên mỗi tầng, tính theo Bảng G.9 (Phụ lục G), không vượt quá 50 người và khoảng cách từ đường cho xe chữa cháy đến họng tiếp nước vào nhà không được lớn hơn 18 m.

6.2.1.3 Chỉ cho phép có các kết cấu chặn phía trên đường cho xe chữa cháy và bãi đỗ xe chữa cháy nếu bảo đảm tất cả những yêu cầu sau:

- Chiều cao thông thủy để các phương tiện chữa cháy đi qua không được nhỏ hơn 4,5 m;

- Kích thước của kết cấu chặn phía trên (đo dọc theo chiều dài của đường cho xe chữa cháy và bãi đỗ xe chữa cháy) không được lớn hơn 10 m;

- Nếu có từ hai kết cấu chặn phía trên bắc ngang qua đường cho xe chữa cháy hoặc bãi đỗ xe chữa cháy thì khoảng thông giữa những kết cấu này không được nhỏ hơn 20 m;

- Chiều dài của đoạn cuối của đường cho xe chữa cháy hoặc bãi đỗ xe chữa cháy không bị chặn bởi các kết cấu chặn phía trên không được nhỏ hơn 20 m;

- Chiều dài của bãi đỗ xe chữa cháy không được tính đến những đoạn có kết cấu chặn phía trên.

6.2.1.4 Dọc theo tường ngoài của nhà, tại các vị trí đối diện với bãi đỗ xe chữa cháy phải bố trí các lối xuyên qua tường ngoài vào bên trong nhà từ trên cao (lối vào từ trên cao) phù hợp với quy định tại 6.3 để triển khai các hoạt động chữa cháy và cứu nạn.

6.2.2 Việc bố trí đường cho xe chữa cháy và bãi đỗ xe chữa cháy phải bảo đảm các yêu cầu sau:

6.2.2.1 Nhà nhóm F1, F2, F3 và F4 có chiều cao PCCC không quá 15 m không yêu cầu có bãi đỗ xe chữa cháy, tuy nhiên phải có đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến điểm bất kỳ trên hình chiếu bằng của nhà không lớn hơn 60 m.

6.2.2.2 Nhà nhóm F1.3 có chiều cao PCCC lớn hơn 15 m phải bảo đảm tất cả những yêu cầu sau:

- Phải có đường cho xe chữa cháy trong phạm vi di chuyển không quá 18 m tính từ điểm cuối của đường đến lối vào tất cả các khoang đệm của thang máy chữa cháy hoặc của buồng thang bộ thoát nạn có bố trí họng chờ cấp nước DN 65 dành cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp (của hệ thống ống khô);

- Phải có bãi đỗ xe chữa cháy để tiếp cận đến ít nhất toàn bộ một mặt ngoài của mỗi khối nhà. Bãi đỗ xe chữa cháy phải được bố trí ở khoảng không gần hơn 2 m và không xa quá 10 m tính từ tường mặt ngoài của nhà;

- Thiết kế của bãi đỗ xe chữa cháy và đường cho xe chữa cháy phải đáp ứng những quy định nêu trong Bảng 14.

6.2.2.3 Nhà hoặc phần nhà nhóm F1.1, F1.2, F2, F3 và F4 có chiều cao PCCC lớn hơn 15 m thì tại mỗi vị trí có lối vào từ trên cao phải bố trí một bãi đỗ xe chữa cháy để tiếp cận trực tiếp đến các tấm cửa của lối vào từ trên cao. Chiều dài của bãi đỗ xe chữa cháy phải được lấy theo Bảng 15 căn cứ vào diện tích sàn cho phép tiếp cận của tầng có giá trị diện tích sàn cho phép tiếp cận lớn nhất. Đối với trường hợp nhà có sàn thông tầng, giá trị đó được tính như sau:

a) Đối với nhà có các sàn thông tầng, bao gồm cả các tầng hầm thông với các tầng trên mặt đất thì diện tích sàn cho phép tiếp cận lấy bằng diện tích cộng dồn các giá trị diện tích sàn cho phép tiếp cận của tất cả các sàn thông tầng;
b) Đối với các nhà có từ hai nhóm sàn thông tầng trở lên thì diện tích sàn cho phép tiếp cận phải lấy bằng giá trị cộng dồn của nhóm sàn thông tầng có diện tích lớn nhất;
c) Đối với nhà nhóm F5, phải có một bãi đỗ xe chữa cháy cho các phương tiện chữa cháy. Chiều dài của bãi đỗ xe chữa cháy phải được lấy theo Bảng 16, dựa vào tổng quy mô khối tích của nhà (không bao gồm tầng hầm).

Khi điều kiện sản xuất không yêu cầu có đường vào thì đường cho xe chữa cháy được phép bố trí phần đường rộng 3,5 m cho xe chạy, nền đường được gia cố bằng các vật liệu bảo đảm chịu được tải trọng của xe chữa cháy và bảo đảm thoát nước mặt.

Khoảng cách từ mép đường cho xe chữa cháy đến tường của nhà phải không lớn hơn 5 m đối với các nhà có chiều cao PCCC nhỏ hơn 12 m, không lớn hơn 8 m đối với các nhà có chiều cao PCCC từ 12 m đến 28 m và không lớn hơn 10 m đối với các nhà có chiều cao PCCC trên 28 m.

Trong những trường hợp cần thiết, khoảng cách từ mép gần nhà của đường xe chạy đến tường ngoài của nhà và công trình được tăng đến 60 m với điều kiện nhà và công trình này có các đường cụt đi vào, kèm theo bãi quay xe chữa cháy và bố trí các trụ nước chữa cháy. Trong trường hợp đó, khoảng cách từ nhà và công trình đến bãi quay xe chữa cháy phải không nhỏ hơn 5 m và không lớn hơn 15 m và khoảng cách giữa các đường cụt không được vượt quá 100 m.

CHÚ THÍCH 1: Chiều rộng của nhà và công trình lấy theo khoảng cách giữa các trục định vị.

CHÚ THÍCH 2: Đối với các hồ nước được sử dụng để chữa cháy, cần bố trí lối vào với khoảng sân có kích thước mỗi cạnh không nhỏ hơn 12 m.

Bảng 15 - Chiều dài của bãi đỗ xe chữa cháy đối với nhà hoặc phần nhà nhóm F1.1, F1.2, F2, F3, F4

Diện tích sàn cho phép tiếp cận, m2

Chiều dài yêu cầu của bãi đỗ xe chữa cháy, tính theo chu vi nhà, m

Nhà không được bảo vệ bằng hệ thống sprinkler

Nhà được bảo vbằng hệ thống sprinkler

≤ 2 000

1/6 chu vi và không nhỏ hơn 15 m

1/6 chu vi và không nhỏ hơn 15 m

> 2 000 và ≤ 4 000

1/4 chu vi

1/6 và không nhỏ hơn 15 m

> 4 000 và ≤ 8 000

1/2 chu vi

1/4 chu vi

> 8 000 và ≤ 16 000

3/4 chu vi

1/2 chu vi

> 16 000 và ≤ 32 000

Bao quanh mặt bằng nhà 1)

3/4 chu vi

> 32 000

Bao quanh mặt bằng nhà 1)

Bao quanh mặt bằng nhà 1)

1) Cho phép không đi theo biên của mặt bằng nhưng phải bảo đảm quy định tại 6.2.3.

 

Bảng 16 - Chiều dài của bãi đỗ xe chữa cháy đối với nhà nhóm F5

Quy mô khối tích, m3

Chiều dài yêu cầu của bãi đỗ xe chữa cháy, tính theo chu vi nhà, m

Nhà không được bảo vệ bằng hệ thống sprinkler

Nhà được bảo vbằng hệ thống sprinkler

≤ 28 400

1/6 chu vi và không nhỏ hơn 15 m

1/6 chu vi và không nhỏ hơn 15 m

> 28 400 và ≤ 56 800

1/4 chu vi

1/6 chu vi và không nhỏ hơn 15 m

> 56 800 và ≤ 85 200

1/2 chu vi

1/4 chu vi

> 85 200 và ≤ 113 600

3/4 chu vi

1/4 chu vi

> 113 600 và ≤ 170 400

Bao quanh mặt bằng nhà 1)

1/2 chu vi

> 170 400 và ≤ 227 200

Bao quanh mặt bằng nhà 1)

3/4 chu vi

> 227 200

Bao quanh mặt bằng nhà 1)

Bao quanh mặt bằng nhà 1)

1) Cho phép không đi theo biên của mặt bằng nhưng phải bảo đảm quy định tại 6.2.3.

6.2.2.4 Bố trí đường cho xe chữa cháy hoặc bãi đỗ xe chữa cháy cho nhà hỗn hợp phải bảo đảm những yêu cầu sau:

a) Khi phần nhà không để ở (không thuộc nhóm F1.3) chỉ nằm ở phần dưới của nhà thì chiều cao PCCC của nhà để xác định các yêu cầu về đường cho xe chữa cháy hoặc bãi đỗ xe chữa cháy phải căn cứ vào phần nhà không để ở của nhà;
b) Đối với nhà hỗn hợp không có phần nhà thuộc nhóm F1.3 thì chiều dài yêu cầu của đường cho xe chữa cháy hoặc bãi đỗ xe chữa cháy phải được lấy bằng giá trị lớn hơn trong hai giá trị xác định căn cứ vào:
- Tổng quy mô khối tích của các phần nhà thuộc nhóm F5; hoặc
- Xác định được theo Bảng 15;
c) Đối với nhà hỗn hợp có phần nhà thuộc nhóm F1.3, chiều dài của bãi đỗ xe chữa cháy phải được tính theo 6.2.2.3 đồng thời phải đáp ứng được quy định tại 6.2.2.

Đối với các tầng hầm phải có đường cho xe chữa cháy nằm trong phạm vi 18 m tính từ lối vào trên mặt đất của tất cả các khoang đệm của thang máy chữa cháy hoặc của buồng thang bộ thoát nạn có bố trí họng chờ cấp nước DN 65 dành cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp (của hệ thống ống khô).

6.2.3 Bãi đỗ xe chữa cháy phải được bố trí bảo đảm để khoảng cách đo theo phương nằm ngang từ mép gần nhà hơn của bãi đỗ đến điểm giữa của lối vào từ trên cao không gần hơn 2 m và không xa quá 10 m.

6.2.4 Bề mặt của bãi đỗ xe chữa cháy phải ngang bằng. Nếu nằm trên một mặt nghiêng thì độ dốc không được quá 1:15. Độ dốc của đường cho xe chữa cháy không được quá 1:8,3.

6.2.5 Nếu chiều dài của đường cho xe chữa cháy hoặc bãi đỗ xe chữa cháy dạng cụt lớn hơn 46 m thì ở cuối đoạn cụt phải có bãi quay xe được thiết kế theo quy định tại 6.4.

6.2.6 Đường giao thông công cộng có thể được sử dụng làm bãi đỗ xe chữa cháy, nếu vị trí của đường đó phù hợp với các quy định về khoảng cách đến lối vào từ trên cao tại 6.2.3.

6.2.7 Đường cho xe chữa cháy và bãi đỗ xe chữa cháy phải được bảo đảm thông thoáng tại mọi thời điểm. Khoảng không giữa bãi đỗ xe chữa cháy và lối vào từ trên cao phải bảo đảm không bị cản trở bởi cây xanh hoặc các vật thể cố định khác.

6.2.8 Phải đánh dấu tất cả các góc của bãi đỗ xe chữa cháy và đường cho xe chữa cháy ngoại trừ những đường giao thông công cộng được sử dụng làm bãi đỗ xe chữa cháy hoặc đường cho xe chữa cháy. Việc đánh dấu phải được thực hiện bằng các dải sơn phản quang, bảo đảm có thể nhìn thấy được vào buổi tối và phải bố trí ở cả hai phía của đường cho xe chữa cháy hoặc bãi đỗ xe chữa cháy với khoảng cách không quá 5 m.

Tại các điểm đầu và điểm cuối của đường cho xe chữa cháy hoặc bãi đỗ xe chữa cháy phải có biển báo nền trắng, chữ đỏ với chiều cao chữ không nhỏ hơn 50 mm. Chiều cao từ mặt đất đến điểm thấp nhất của biển báo phải nằm trong khoảng 1,0 m đến 1,5 m. Biển báo phải bảo đảm nhìn thấy được vào buổi tối và không được bố trí cách đường cho xe chữa cháy hoặc bãi đỗ xe chữa cháy quá 3 m. Tất cả các phần của đường cho xe chữa cháy hoặc bãi đỗ xe chữa cháy không được cách biển báo gần nhất quá 15 m.

6.2.9 Mặt đường cho xe chữa cháy và bãi đỗ xe chữa cháy phải bảo đảm chịu được tải trọng của xe chữa cháy theo yêu cầu thiết kế và phù hợp với chủng loại phương tiện của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH nơi xây dựng công trình.

6.3 Lối vào từ trên cao để phục vụ chữa cháy và cứu nạn

6.3.1 Lối vào từ trên cao phải bảo đảm thông thoáng, không bị cản trở ở mọi thời điểm trong thời gian nhà được sử dụng. Lối vào từ trên cao có thể là các lỗ thông trên tường ngoài, cửa sổ, cửa ban công, các tấm tường lắp kính và các tấm cửa có thể mở được từ bên trong và bên ngoài. Không được bố trí đồ đạc hoặc bất kỳ vật nào có thể gây cản trở trong phạm vi 1 m của phần sàn bên trong nhà tính từ các lối vào từ trên cao.

6.3.2 Lối vào từ trên cao phải được bố trí đối diện với một không gian sử dụng. Không được bố trí ở các phòng kho hoặc phòng máy, buồng thang bộ thoát nạn, sảnh không nhiễm khói, sảnh thang máy chữa cháy hoặc không gian chỉ dẫn đến một điểm cụt.

6.3.3 Mặt ngoài của các tấm cửa của lối vào từ trên cao phải được đánh dấu bằng dấu tam giác đều mầu đỏ hoặc mầu vàng có cạnh không nhỏ hơn 150 mm, đỉnh tam giác có thể hướng lên hoặc hướng xuống. Ở mặt trong phải có dòng chữ “LỐI VÀO TỪ TRÊN CAO - KHÔNG ĐƯỢC GÂY CẢN TRỞ” với chiều cao chữ không nhỏ hơn 25 mm.

6.3.4 Các lối vào từ trên cao phải có chiều rộng không nhỏ hơn 850 mm, chiều cao không nhỏ hơn 1 000 mm, mép dưới của lối vào cách mặt sàn phía trong không lớn hơn 1 100 mm và mép trên cách mặt sàn phía trong không nhỏ hơn 1 800 mm.

6.3.5 Số lượng, vị trí của lối vào từ trên cao đối với mỗi khoang cháy của nhà hoặc phần nhà không thuộc nhóm F1.3 phải bảo đảm những quy định sau:

- Đối với nhà nhóm F1.1, F1.2, F2, F3, F4 và F5 số lượng lối vào từ trên cao phải tính toán dựa vào chiều dài của bãi đỗ xe chữa cháy. Cứ mỗi đoạn đủ hoặc không đủ 20 m chiều dài bãi đỗ xe chữa cháy phải có một vị trí lối vào từ trên cao;

- Lối vào từ trên cao phải được bố trí cách xa nhau, dọc trên cạnh của nhà. Khoảng cách xa nhất đo dọc theo tường ngoài giữa tâm của hai lối vào từ trên cao liên tiếp nhau được phục vụ bởi một bãi đỗ xe chữa cháy không được quá 20 m. Lối vào từ trên cao phải được phân bố bảo đảm để ít nhất phải có 1 lối vào từ trên cao trên mỗi đoạn 20 m chiều dài của bãi đỗ xe chữa cháy, ngoại trừ những phần nhà 1 tầng không thuộc nhóm F5;

- Đối với nhà thuộc nhóm F1.1, F1.2, F2, F3 và F4 có chiều cao PCCC từ trên 15 m đến 50 m, phải có lối vào từ trên cao ở tất cả các tầng trừ tầng 1 và phải nằm đối diện với bãi đỗ xe chữa cháy;

- Đối với nhà nhóm F5, phải bố trí các lối vào từ trên cao ở phía trên một bãi đỗ xe chữa cháy, lên đến chiều cao PCCC 50 m.

Yêu cầu về lối vào từ trên cao không áp dụng đối với các nhà nhóm F1.3, bao gồm cả những khu vực phụ trợ (ví dụ: phòng tập gym, các phòng câu lạc bộ, và các gian phòng có công năng tương tự phục vụ riêng cho cư dân của nhà) trong nhà nhóm F1.3.

6.4 Thiết kế bãi quay xe phải tuân theo một trong các quy định sau:

- Hình tam giác đều có cạnh không nhỏ hơn 7 m, một đỉnh nằm ở đường cụt, hai đỉnh nằm cân đối ở hai bên đường;

- Hình vuông có cạnh không nhỏ hơn 12 m;

- Hình tròn, đường kính không nhỏ hơn 10 m;

- Hình chữ nhật vuông góc với đường cụt, cân đối về hai phía của đường, có kích thước không nhỏ hơn 5 m × 20 m.

CHÚ THÍCH: Những quy định trên là ngưỡng tối thiểu, cơ quan quản lý về PCCC và CNCH có thể đưa ra các quy định cụ thể căn cứ vào yêu cầu kỹ thuật của phương tiện chữa cháy ở mỗi địa phương.

6.5 Đối với đường giao thông nhỏ hẹp chỉ đủ cho 1 làn xe chạy thì cứ ít nhất 100 m phải thiết kế một đoạn đường mở rộng có chiều dài tối thiểu 8 m và chiều rộng tối thiểu 7 m để xe chữa cháy và các loại xe khác có thể tránh nhau dễ dàng.

6.6 Đối với các nhà từ 2 tầng trở lên có mái bằng hoặc mái có độ dốc nhỏ hơn 25% với chiều cao lớn hơn hoặc bằng 10 m tính đến diềm mái hoặc mép trên của tường ngoài (tường chắn mái) phải có các lối ra mái trực tiếp từ các buồng thang bộ hoặc đi qua tầng áp mái, hoặc đi theo cầu thang bộ loại 3, hoặc đi theo thang chữa cháy ngoài nhà.

Số lượng lối ra mái và việc bố trí chúng phải dựa trên tính nguy hiểm cháy theo công năng và các kích thước của nhà. Nhà nhóm F1, F2, F3 và F4 phải có ít nhất 1 lối tiếp cận lên mái cho mỗi diện tích đủ hoặc không đủ 9 300 m2 mái. Đối với nhà nhóm F5 thực hiện theo quy định tại A.1.3.1.

Cho phép không bố trí các thang chữa cháy tại mặt chính của nhà nếu chiều rộng nhà không quá 150 m và ở phía trước nhà có tuyến đường ống cấp nước chữa cháy.

6.7 Trong các tầng áp mái của nhà, trừ các nhà nhóm F1.4, phải có các lối ra mái qua các thang cố định và các cửa đi, cửa nắp hoặc cửa sổ có kích thước không nhỏ hơn 0,6 m × 0,8 m.

Các lối ra mái hoặc ra tầng áp mái từ các buồng thang bộ phải được bố trí theo các bản thang có các chiếu thang ở trước lối ra, qua các cửa ngăn cháy loại 2 kích thước không nhỏ hơn 0,75 m × 1,5 m. Các bản thang và chiếu thang nói trên có thể được làm bằng thép nhưng phải có độ dốc (góc nghiêng) không lớn hơn 2:1 (63,5o) và chiều rộng không nhỏ hơn 0,7 m.

Trong các nhà nhóm F1, F2, F3 và F4 có chiều cao PCCC đến 15 m cho phép bố trí các lối ra tầng áp mái hoặc ra mái từ các buồng thang bộ qua các cửa nắp ngăn cháy loại 2 với kích thước 0,6 m × 0,8 m theo các thang leo bằng thép gắn cố định.

6.8 Trong các tầng kỹ thuật, bao gồm cả các tầng hầm kỹ thuật và các tầng áp mái kỹ thuật, chiều cao thông thuỷ của lối đi phải không nhỏ hơn 1,8 m; trong các tầng áp mái dọc theo toàn bộ nhà - không nhỏ hơn 1,6 m. Chiều rộng của các lối đi này phải không nhỏ hơn 1,2 m. Trong các đoạn riêng biệt có chiều dài không lớn hơn 2 m cho phép giảm chiều cao của lối đi xuống 1,2 m, còn chiều rộng tối thiểu là 0,9 m.

6.9 Trong các nhà có tầng gác áp mái phải có các cửa nắp trong các kết cấu bao che các hốc của tầng áp mái.

6.10 Tại các điểm chênh lệch độ cao của mái lớn hơn 1,0 m (trong đó có cả điểm chênh cao để nâng các cửa lấy sáng - thông gió) phải có thang chữa cháy.

Tại khu vực chênh lệch độ cao của mái hơn 10 m, nếu mỗi một phần mái diện tích lớn hơn 100 m2 có cửa ra mái riêng thỏa mãn các yêu cầu tại 6.6, hoặc độ cao phần thấp hơn của mái, xác định theo 6.6 không vượt quá 10 m thì cho phép không bố trí thang chữa cháy.

6.11 Khi bố trí lối tiếp cận lên mái bằng các thang chữa cháy ngoài nhà theo yêu cầu tại 6.6, phải sử dụng các thang chữa cháy loại P1 để lên độ cao đến 20 m và tại các chỗ chênh lệch độ cao của mái từ 1,0 m đến 20 m. Phải sử dụng các thang chữa cháy loại P2 để lên độ cao lớn hơn 20 m và tại các chỗ chênh lệch độ cao trên 20 m.

Các thang chữa cháy phải được làm bằng vật liệu không cháy, đặt ở nơi dễ thấy và cách xa cửa sổ không dưới 1,0 m. Chiều rộng thang 0,7 m. Đối với thang loại P1, từ độ cao 10 m trở lên phải có cung tròn bảo hiểm bán kính 0,35 m, tâm của cung tròn cách thang 0,45 m. Các cung tròn phải được đặt cách nhau 0,7 m, ở nơi ra mái phải đặt chiếu tới có lan can cao ít nhất 0,6 m. Đối với thang P2 phải có tay vịn và có chiếu nghỉ đặt cách nhau không quá 8 m.

6.12 Giữa các bản thang và giữa các lan can tay vịn của bản thang phải có khe hở với chiều rộng thông thủy chiếu trên mặt bằng không nhỏ hơn 100 mm.

6.13 Mỗi khoang cháy của các nhà có chiều cao PCCC lớn hơn 28 m (lớn hơn 50 m đối với nhà nhóm F1.3), hoặc nhà có chiều sâu của sàn tầng hầm dưới cùng (tính đến cao độ của lối ra thoát nạn ra ngoài) lớn hơn 9 m phải có tối thiểu một thang máy chữa cháy.

CHÚ THÍCH: Yêu cầu kỹ thuật khác như cấp điện, hệ thống điều khiển, truyền tín hiệu, liên lạc, thiết bị phục vụ bảo vệ chống cháy và những hệ thống tương tự phải bảo đảm theo các tiêu chuẩn kỹ thuật riêng được chọn lựa cho thang máy chữa cháy.

Việc bố trí và lắp đặt các thang máy chữa cháy phải bảo đảm những quy định cơ bản sau:

- Không được sử dụng các thang máy chủ yếu để vận chuyển hàng hóa để làm thang máy chữa cháy;

- Ở điều kiện bình thường, thang máy chữa cháy vẫn được sử dụng để chở người. Thang máy chữa cháy có thể được bố trí với một sảnh thang máy riêng hoặc trong một sảnh chung với các thang máy chở người và hợp lại với nhau bằng một hệ thống điều khiển tự động theo nhóm;

- Có số lượng được tính toán đủ để khoảng cách từ vị trí các thang máy đó đến một điểm bất kỳ trên mặt bằng tầng mà nó phục vụ không vượt quá 60 m;

- Nếu chỉ có một thang máy chữa cháy thì thang máy đó ít nhất phải đến được tất cả các tầng kế cận với tầng đang cháy của nhà;

- Nếu có nhiều thang máy chữa cháy được bố trí chung trong một giếng thang thì các thang máy có thể phục vụ cho các khu vực khác nhau của nhà với điều kiện phải thể hiện rõ vùng được phục vụ trên mỗi thang máy đó;

- Trong mọi trường hợp, hình thức phục vụ của các thang máy chữa cháy phải giống nhau và thông dụng, ví dụ thang máy chỉ phục vụ các tầng lẻ hoặc các tầng chẵn hoặc tất cả các tầng;

- Nếu có các tầng lánh nạn thì mỗi tầng đó phải được phục vụ bởi ít nhất một thang máy chữa cháy;

- Ở chế độ hoạt động bình thường, cửa các thang máy chữa cháy không được mở vào những tầng lánh nạn đó còn cửa giếng thang máy tại những tầng lánh nạn đó phải thường xuyên được khóa và chỉ được tự động mở khóa khi chuyển sang chế độ phục vụ lực lượng chữa cháy.

Trong trường hợp có cháy, các thang máy chữa cháy phải bảo đảm để người lính chữa cháy:

- Là người duy nhất được quyền kiểm soát và vận hành để cùng với trang thiết bị của mình tiếp cận đến đám cháy một cách dễ dàng, quen thuộc, an toàn và nhanh chóng;

- Được bảo vệ an toàn khi sử dụng trước tác động của lửa và khói bằng các giải pháp thích hợp, đặc biệt là khi ra khỏi các thang máy đó;

- Có lối đi thông thoáng và an toàn để tiếp cận đến các thang máy đó cũng như đến các sàn được những thang máy đó phục vụ;

- Không phải di chuyển quá hai tầng để tiếp cận đến tầng có thể bị cháy bất kỳ của nhà khi có từ 2 thang máy chữa cháy trở lên;

- Được bảo vệ trong các giếng thang máy riêng (không chung với các loại thang máy khác) và trong mỗi giếng thang máy như vậy chỉ được bố trí không quá 3 thang máy chữa cháy. Kết cấu bao che giếng thang máy phải có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 120.

Sảnh thang máy chữa cháy là một khoang đệm bảo đảm tất cả các quy định sau:

- Có diện tích không nhỏ hơn 4 m2;

- Khi kết hợp với các sảnh của buồng thang bộ không nhiễm khói thì diện tích không nhỏ hơn 6 m2;

- Được bao che bằng các vách ngăn cháy loại 1;

- Có lắp đặt họng chờ cấp nước DN 65 dành cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp;

- Việc bố trí thang máy chữa cháy phải dự tính được đường di chuyển của đội chữa cháy chuyên nghiệp và bảo đảm đội chữa cháy tiếp cận được tất cả các gian phòng trên tất cả các tầng của nhà;

- Sức chở của thang máy chữa cháy không được nhỏ hơn 630 kg đối với nhà chung cư nhóm F1.3 và không nhỏ hơn 1 000 kg đối với nhà sản xuất và nhà công cộng khác;

- Tốc độ di chuyển của thang máy chữa cháy không được nhỏ hơn H/60 (m/s), trong đó H là chiều cao nâng (m);

- Kết cấu bao che của cabin thang máy chữa cháy phải được làm từ vật liệu không cháy hoặc cháy yếu.

6.14 Trong các nhà có độ dốc mái đến 12%, chiều cao đến diềm mái hoặc mép trên của tường ngoài (tường chắn) lớn hơn 10 m, cũng như trong các nhà có độ dốc mái lớn hơn 12% và chiều cao đến diềm mái lớn hơn 7 m phải có lan can, tay vịn trên mái phù hợp tiêu chuẩn hiện hành. Các lan can, tay vịn loại này cũng phải được bố trí cho các mái phẳng, ban công, lôgia, hành lang bên ngoài, cầu thang bên ngoài loại hở, bản thang bộ và chiếu thang bộ mà không phụ thuộc vào chiều cao PCCC của nhà.

6.15 Các hệ thống cấp nước chữa cháy cho nhà phải bảo đảm để lực lượng và phương tiện chữa cháy có thể tiếp cận và sử dụng ở mọi thời điểm.

6.16 Việc cấp nước chữa cháy cũng như trang bị và bố trí các phương tiện, dụng cụ chữa cháy chuyên dụng khác cho nhà và công trình phải tuân theo những quy định cơ bản trong Phần 5 của quy chuẩn này và của các tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan.

6.17 Phòng trực điều khiển chống cháy

6.17.1 Nhà ở và công trình công cộng cao trên 10 tầng; nhà có từ 2 đến 3 tầng hầm; công trình công cộng tập trung đông người (nhà hát, rạp chiếu phim, vũ trường, các quán karaoke mà phải bố trí từ 2 lối ra thoát nạn trở lên theo A.4, và các nhà có mục đích sử dụng tương tự, với số người trên mỗi tầng, tính theo Bảng G.9 (Phụ lục G), vượt quá 50 người); gara (chỗ để ô-tô, xe máy, xe đạp), nhà sản xuất, kho có tổng diện tích sàn trên 18 000 m2 phải có phòng trực điều khiển chống cháy và có nhân viên có chuyên môn thường xuyên trực tại phòng điều khiển.

6.17.2 Phòng trực điều khiển chống cháy phải:

- Có diện tích đủ để bố trí các thiết bị theo yêu cầu phòng chống cháy của nhà nhưng không nhỏ hơn 6 m2;

- Có hai lối ra vào: một lối thông với không gian trống ngoài nhà và một lối thông với hành lang chính để thoát nạn;

- Được ngăn cách với các phần khác của nhà bằng các bộ phận ngăn cháy loại 1;

- Có lắp đặt các thiết bị thông tin và đầu mối của hệ thống báo cháy liên hệ với tất cả các khu vực của nhà;

- Có bảng theo dõi, điều khiển các thiết bị chữa cháy, thiết bị khống chế khói và có sơ đồ mặt bằng bố trí các thiết bị phòng cháy chữa cháy của nhà.

6.18 Tất cả các tầng hầm trong nhà có từ 2 đến 3 tầng hầm, phải được trang bị hệ thống liên lạc khẩn cấp hai chiều giữa phòng trực điều khiển chống cháy tới những khu vực sau:

- Các phòng thiết bị liên quan đến hệ thống chữa cháy, đặc biệt là các phòng máy bơm của hệ thống sprinkler, phòng máy bơm cấp nước vào hệ thống ống đứng, phòng chuyển mạch, phòng máy phát điện và phòng máy thang máy;

- Tất cả các phòng lắp đặt thiết bị điều khiển hệ thống kiểm soát chống khói;

- Các thang máy chữa cháy;

- Tất cả các gian lánh nạn;

- Các phòng điều khiển hệ thống thông gió.

7 Tổ chức thực hiện

7.1 Quy định chuyển tiếp

7.1.1 Hồ sơ thiết kế xây dựng đã được góp ý hoặc thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước khi quy chuẩn này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo hồ sơ thiết kế đã được góp ý hoặc thẩm duyệt.

7.1.2 Hồ sơ thiết kế xây dựng được góp ý hoặc thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kể từ thời điểm quy chuẩn này có hiệu lực thì phải tuân thủ các quy định của quy chuẩn này.

7.2 Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm tổ chức phổ biến, hướng dẫn áp dụng quy chuẩn này cho các đối tượng có liên quan.

7.3 Các cơ quan quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy và về xây dựng ở Trung ương và địa phương có trách nhiệm tổ chức kiểm tra sự tuân thủ quy chuẩn này trong lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý xây dựng nhà và công trình trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

7.4 Các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về phòng cháy chữa cháy và về xây dựng tại các địa phương có trách nhiệm phối hợp ban hành quy định liên quan đến các thông số kỹ thuật để thiết kế, cấu tạo đường cho xe chữa cháy và bãi đỗ xe chữa cháy phù hợp với các đặc điểm của phương tiện chữa cháy tại địa phương.

7.5 Trong quá trình triển khai thực hiện quy chuẩn này, nếu có vướng mắc, mọi ý kiến gửi về Vụ Khoa học công nghệ và môi trường - Bộ Xây dựng để được hướng dẫn, xử lý.

 

PHỤ LỤC A

(quy định)

QUY ĐỊNH BỔ SUNG ĐỐI VỚI MỘT SỐ NHÓM NHÀ CỤ THỂ

A.1 Nhà sản xuất và nhà kho

A.1.1 Phạm vi áp dụng

A.1.1.1 Nhà sản xuất dùng cho việc sản xuất sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm F5.1 và F5.2, có không quá 1 tầng hầm.

A.1.1.2 Không áp dụng đối với các nhà có công năng đặc biệt (nhà sản xuất hay bảo quản các chất và vật liệu nổ; các kho chứa dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, các loại khí dễ cháy, cũng như các chất tự cháy; nhà sản xuất hoặc kho hóa chất độc hại; công trình hầm mỏ; và các công trình có đặc điểm sử dụng tương tự).

A.1.1.3 Không áp dụng đối với các nhà và gian phòng sau:

a) Nhà kho và gian phòng kho dùng để chứa (lưu giữ) phân khoáng khô và hóa chất bảo vệ thực vật, chất phóng xạ, các chất khí không dễ cháy được chứa trong chai dưới áp suất lớn hơn 70 kPa, xi măng, bông, bột mì, thức ăn gia súc, lông thú và sản phẩm từ lông thú cũng như các sản phẩm nông nghiệp;

b) Các nhà hoặc gian phòng làm kho lạnh và kho ngũ cốc;

c) Các nhà sản xuất có từ 2 tầng hầm trở lên.

A.1.1.4 Cho phép không áp dụng đối với nhà sản xuất có sử dụng tiêu chuẩn nước ngoài về phòng cháy chữa cháy trong thiết kế theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhưng phải được cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH có thẩm quyền chấp thuận.

A.1.2 Quy định chung

A.1.2.1 Tổng diện tích nhà lấy bằng tổng diện tích của tất cả các tầng (tầng trên mặt đất, kể cả tầng kỹ thuật, tầng nửa hầm và tầng hầm), với kích thước mặt bằng được đo trong phạm vi giới hạn bởi bề mặt bên trong của các tường bao (hoặc bởi trục các cột biên ở khu vực không có tường bao); đường hầm; sàn giá đỡ trong nhà; sàn lửng; tất cả các sàn của giá đỡ nhiều tầng trong nhà; thềm (cầu) xếp dỡ; hành lang (trong mặt bằng) và hành lang liên thông sang các nhà khác. Tổng diện tích của nhà không bao gồm: diện tích các tầng hầm kỹ thuật có chiều cao, tính từ sàn đến mặt dưới của kết cấu nhô ra ở phía trên, nhỏ hơn 1,8 m (ở đó không yêu cầu có lối đi để bảo dưỡng các đường ống kỹ thuật); diện tích phía trên trần treo; cũng như diện tích sàn của giá đỡ nhiều tầng dùng để bảo dưỡng đường ray phía dưới cầu trục, bảo dưỡng cần trục, băng tải, đường ray đơn và thiết bị chiếu sáng.

Diện tích các gian phòng có chiều cao thông từ 2 tầng trở lên, trong phạm vi một nhà nhiều tầng (gian phòng thông 2 tầng hoặc nhiều tầng), được tính vào diện tích tổng cộng của nhà trong phạm vi một tầng.

Khi xác định số lượng tầng của nhà thì mỗi sàn giá đỡ và sàn lửng nằm ở cao độ bất k có diện tích lớn hơn 40% diện tích 1 tầng của nhà đó, phải được tính như một tầng.

Diện tích 1 tầng của nhà trong phạm vi một khoang cháy được xác định theo chu vi bên trong của tường bao của tầng, không tính diện tích buồng thang bộ. Nếu trong diện tích đó có sàn giá đỡ, sàn của giá đỡ nhiều tầng và sàn lửng thì đối với nhà 1 tầng phải tính diện tích của tất cả các sàn giá đỡ, sàn của giá đỡ nhiều tầng và sàn lửng; còn đối với nhà nhiều tầng chỉ tính diện tích các sàn giá đỡ, sàn của giá đỡ nhiều tầng và sàn lửng nằm trong phạm vi khoảng cách theo chiều cao giữa các cốt của sàn giá đỡ, sàn của giá đỡ nhiều tầng và sàn lửng có diện tích ở mỗi cao độ không hơn 40% diện tích sàn của tầng. Diện tích của thềm (cầu) xếp dỡ phía ngoài dùng cho phương tiện vận tải đường bộ và đường sắt không được tính vào diện tích của tầng nhà trong phạm vi khoang cháy.

Diện tích xây dựng được xác định theo chu vi ngoài của nhà ở cao độ chân tường, bao gồm cả các phần nhô ra, đường đi qua dưới nhà, các phần nhà không có kết cấu ngăn che bên ngoài.

A.1.2.2 Khối tích xây dựng của nhà được xác định là tổng khối tích các phần nhà trên mặt đất tính từ cốt ± 0,00 trở lên và phần ngầm từ cốt hoàn thiện nền sàn tầng hầm dưới cùng lên đến cốt ± 0,00.

Khối tích các phần trên mặt đất và phần ngầm của nhà được tính theo kích thước từ mặt ngoài kết cấu bao che, kể cả ô lấy sáng và thông gió của mỗi phần của nhà.

A.1.2.3 Chiều cao các gian phòng tính từ mặt sàn đến mặt dưới của các bộ phận nhô ra phía dưới trần hoặc mái không được nhỏ hơn 2,2 m. Các lối đi có người qua lại thường xuyên và đường thoát nạn phải có chiều cao tính từ mặt sàn đến mặt dưới của các bộ phận nhô ra của các đường ống kỹ thuật và thiết bị không nhỏ hơn 2,0 m, còn đối với các lối đi không có người qua lại thường xuyên thì chiều cao đó phải không nhỏ hơn 1,8 m. Chiều cao thông thủy của lối vào nhà dành cho xe chữa cháy chạy qua không được nhỏ hơn 4,5 m.

A.1.2.4 Đối với tầng kỹ thuật, nếu yêu cầu công nghệ đòi hỏi phải có lối đi lại để bảo dưỡng thiết bị kỹ thuật, đường ống kỹ thuật và các thiết bị công nghệ hỗ trợ bố trí trong đó, thì chiều cao các lối đi này phải lựa chọn phù hợp với quy định tại A.1.2.3.

A.1.2.5 Lối ra từ tầng hầm phải được bố trí ngoài khu vực hoạt động của các thiết bị nâng chuyển.

A.1.2.6 Chiều rộng của khoang đệm và khoang đệm ngăn cháy phía ngoài cửa thang máy phải rộng hơn chiều rộng cửa ít nhất là 0,5 m (0,25 m về mỗi bên của cửa), và chiều sâu của các khoang đệm đó không được nhỏ hơn 1,2 m đồng thời phải lớn hơn chiều rộng của cánh cửa ít nhất là 0,2 m.

Khi có người khuyết tật đi lại bằng xe lăn sử dụng thì chiều sâu của khoang đệm và khoang đệm ngăn cháy ít nhất phải là 1,8 m, còn chiều rộng ít nhất phải là 1,4 m.

A.1.2.7 Trong các gian phòng có hạng nguy hiểm cháy nổ A và B phải lắp đặt các tấm che ngoài dễ bung.

Trong trường hợp không đủ diện tích để làm các tấm che ngoài dễ bung bằng kính thì cho phép sử dụng những dạng vật liệu sau (nhưng phải là vật liệu không cháy):

- Thép, nhôm;

- Ngói mềm, ngói kim loại;

- Đá và vật liệu giữ nhiệt hiệu quả.

Diện tích tấm che ngoài dễ bung phải được xác định bằng tính toán. Trong trường hợp không có số liệu tính toán thì diện tích tấm che ngoài dễ bung phải lấy không nhỏ hơn 0,05 m2 trên 1 m3 thể tích gian phòng hạng A và không ít hơn 0,03 m2 trên 1 m3 thể tích gian phòng hạng B.

CHÚ THÍCH 1: Nếu dùng kính có chiều dày 3, 4 hoặc 5 mm cho các tấm che ngoài dễ bung thì diện tích tương ứng không nhỏ hơn 0,8; 1,0 và 1,5 m2. Không được dùng kính có gia cường, kính 2 lớp, 3 lớp, stalinite và polycarbonate trong tấm che ngoài dễ bung.

CHÚ THÍCH 2: Tấm phủ dạng cuộn trên khu vực tấm che ngoài dễ bung của mái phải được bố trí thành các mảnh có diện tích không lớn hơn 180 m2.

CHÚ THÍCH 3: Tải trọng tính toán của khối lượng tấm che ngoài dễ bung trên mái không được vượt quá 0,7 kPa.

A.1.3 Bố trí mặt bằng - không gian

A.1.3.1 Đối với các nhà có chiều cao từ cốt mặt đất thiết kế đến thành gờ hoặc mặt trên của tường chắn mái lớn hơn hoặc bằng 10 m thì cứ 40 000 m2 diện tích mặt bằng mái phải có 1 lối lên mái, nếu diện tích mặt bằng mái chưa đủ 40 000 m2 thì vẫn phải bố trí ít nhất 1 lối lên mái. Đối với nhà 1 tầng thì bố trí lối lên mái theo thang thép hở bên ngoài, còn đối với nhà nhiều tầng thì bố trí từ buồng thang bộ.

Đối với các nhà có chiều cao từ cốt mặt đất thiết kế đến mặt sàn trên cùng không quá 30 m và chiều cao của tầng trên cùng không đủ để bố trí buồng thang bộ thoát ra mái, thì cho phép bố trí một thang leo hở bằng thép để thoát nạn từ buồng thang bộ qua mái bằng thang này.

A.1.3.2 Việc bố trí các gian phòng có hạng nguy hiểm cháy khác nhau trong cùng một nhà và ngăn chia giữa chúng phải tuân thủ các yêu cầu về giới hạn chịu lửa của bộ phận bao che các gian phòng đó, đường thoát nạn và lối ra thoát nạn, thiết bị thoát khói, khoang đệm và khoang đệm ngăn cháy, buồng thang bộ và thang leo cũng như lối ra mái được quy định trong những phần liên quan của quy chuẩn này và các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành.

Cho phép bố trí tầng có công năng làm kho hoặc phòng điều hành bên trong nhà sản xuất, cũng như tầng có công năng sản xuất và điều hành bên trong nhà kho nếu bảo đảm được các yêu cầu về khoảng cách phòng cháy chống cháy quy định tại Phụ lục E và các quy định liên quan của quy chuẩn này.

Trong các kho trung chuyển (kho ngoại quan) một tầng có bậc chịu lửa I hoặc II và cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0, nếu có các hành lang để thoát nạn được bao bởi các vách ngăn cháy loại 1 và có áp suất không khí dương khi xảy ra cháy thì chiều dài đoạn hành lang đó không phải tính vào độ dài của đường thoát nạn.

A.1.3.3 Khi bố trí kho trong nhà sản xuất thì diện tích lớn nhất cho phép của kho trong phạm vi một khoang cháy và chiều cao của chúng (số tầng) không được vượt quá các giá trị quy định tại Phụ lục H.

Khi có các sàn giá đỡ, sàn của giá đỡ nhiều tầng và sàn lửng có diện tích trên mỗi cao độ vượt quá 40% diện tích sàn thì diện tích sàn được xác định như đối với nhà nhiều tầng.

A.1.3.4 Khi bố trí chung trong một nhà hoặc một gian phòng các dây chuyền công nghệ có hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ khác nhau thì phải có các giải pháp ngăn chặn sự lan truyền của sự cháy và nổ giữa các dây chuyền đó. Hiệu quả ngăn chặn của các giải pháp đó phải được xem xét đánh giá trong phần công nghệ của dự án. Nếu các giải pháp được lựa chọn không bảo đảm hiệu quả ngăn chặn thì các dây chuyền công nghệ với hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ khác nhau phải được bố trí trong các gian phòng riêng và được ngăn cách phù hợp với các yêu cầu trong Phụ lục E.

A.1.3.5 Các tầng hầm có các gian phòng hạng C1, C2, C3 phải được ngăn chia thành các phân khoang cháy có diện tích không quá 3 000 m2 mỗi phân khoang, bằng các vách ngăn cháy loại 1. Các phân khoang này phải được bảo vệ chống khói theo yêu cầu tại phụ lục D. Sàn tầng phía trên của các tầng hầm này tối thiểu là sàn ngăn cháy loại 3. Các gian phòng nêu trên phải được ngăn cách với hành lang bằng các vách ngăn cháy loại 1.

Các hành lang phải có chiều rộng không nhỏ hơn 2 m dẫn trực tiếp ra ngoài hoặc qua một buồng thang bộ không nhiễm khói.

A.1.3.6 Các bộ phận công trình của thềm (cầu) xếp dỡ và bộ phận bao che thềm (cầu) xếp dỡ liền kề với các nhà có bậc chịu lửa I, II, III và IV, hạng nguy hiểm cháy là S0 và S1 phải được làm bằng vật liệu không cháy.

A.1.3.7 Thềm (cầu) xếp dỡ hàng hóa và sân ga xếp dỡ phải có ít nhất là 2 thang leo hoặc đường dốc được bố trí cách xa nhau (phân tán).

A.1.3.8 Lựa chọn kết cấu và vật liệu cho nền và lớp phủ sàn nhà kho và gian phòng kho phải tính đến các yếu tố liên quan để bảo đảm ngăn ngừa việc phát sinh ra bụi.

Bề mặt sàn ở những khu vực có nguy cơ hình thành hỗn hợp nổ khí gas, bụi, chất lỏng và các chất khác với nồng độ có thể gây ra nổ hoặc cháy khi gặp tia lửa do va đập của một vật lên sàn hoặc hiện tượng nhiễm tĩnh điện, phải có biện pháp thích hợp để chống nhiễm tĩnh điện và không làm phát sinh tia lửa khi bị va đập.

Những nhà kho cất chứa hàng hóa có nhiệt độ vượt 60 °С thì phải sử dụng sàn chịu nhiệt.

A.1.3.9 Phòng kho trong nhà sản xuất phải được cách ly với các loại gian phòng khác theo quy định cụ thể như dưới đây.

Các gian sản xuất, gian kỹ thuật và gian kho (nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F5) có hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ C1 đến C3 được đặt trong nhà ở và nhà công cộng, nếu không có quy định gì khác thì ít nhất phải được ngăn cách với các gian phòng và hành lang khác như sau:

- Với nhà có bậc chịu lửa I ngăn cách bằng vách ngăn cháy loại 1 và sàn ngăn cháy không kém hơn loại 2;

- Với nhà có bậc chịu lửa II, III, IV ngăn cách bằng vách ngăn cháy loại 1 và sàn ngăn cháy không kém hơn loại 3.

Không cho phép đặt gian phòng kho, gian sản xuất, phòng thí nghiệm và tương tự có hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ C1, C2 và C3 hoặc cao hơn trong nhà khác dự kiến có từ 50 người sử dụng đồng thời trở lên.

Các gian phòng sản xuất, phòng kỹ thuật và phòng kho có hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ C4, đặt trong nhà ở hoặc nhà công cộng thì phải được ngăn cách với các phòng khác và hành lang bằng các vách ngăn cháy không kém hơn loại 2.

Các gian phòng kho có hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ C1, C2 và C3 trong nhà sản xuất phải được ngăn cách với các khu vực khác bằng vách ngăn cháy loại 1 và sàn ngăn cháy không kém hơn loại 3. Đối với các kho cất trữ hàng bằng giá đỡ cao tầng phải ngăn cách bằng tường ngăn cháy loại 1 và sàn ngăn cháy loại 1. Đối với những gian phòng kho này, nếu cất giữ thành phẩm có hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ C1, C2 và C3 đặt trong nhà sản xuất thì phải có tường bao ngoài.

CHÚ THÍCH: Giá đỡ cao tầng là giá đỡ có chiều cao để hàng trên 5,5 m.

A.1.3.10 Kho cất giữ hàng có hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ C trên giá đỡ cao tầng phải được bố trí trong nhà 1 tầng có bậc chịu lửa I đến IV và cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà S0.

Các giá đỡ hàng phải có sàn đỡ nằm ngang, đặc và làm từ vật liệu không cháy đặt cách nhau không quá 4 m theo chiều cao.

A.1.3.11 Khi chia một gian kho chứa hàng hóa có cùng mức độ nguy hiểm cháy như nhau bằng các vách ngăn theo điều kiện công nghệ hoặc vệ sinh, thì phải nêu rõ các yêu cầu đối với những vách ngăn đó trong phần thuyết minh công nghệ của dự án.

A.1.3.12 Các lỗ cửa sổ của nhà kho phải được đặt thêm tấm cửa mở lật lên trên với tổng diện tích xác định theo tính toán bảo đảm thoát khói khi có cháy.

Trong gian phòng lưu trữ cho phép không cần lắp đặt ô cửa sổ nếu đã có hệ thống thoát khói được tính toán phù hợp với yêu cầu tại Phụ lục D.

A.2 Nhà (có chiều cao PCCC từ trên 50 m đến 150 m) thuộc nhóm F1.2, F4.2, F4.3 và nhà hỗn hợp

A.2.1 Các nhà thuộc các nhóm này có bậc chịu lửa tối thiểu là bậc I.

A.2.2 Nhà phải được phân chia thành các khoang cháy theo chiều cao, với chiều cao mỗi khoang cháy không lớn hơn 50 m. Các khoang cháy được ngăn cách với nhau bằng các tường ngăn cháy và sàn ngăn cháy hoặc bằng các tầng kỹ thuật. Tầng kỹ thuật được ngăn cách bằng các sàn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 90. Giới hạn chịu lửa của các tường ngăn cháy và sàn ngăn cháy này lấy theo quy định tại A.2.24.

Mỗi đơn nguyên hoặc một khoang cháy (khi không phân thành đơn nguyên) phải có hệ thống bảo vệ chống cháy hoạt động độc lập (bảo đảm hoạt động như dự kiến khi cần thiết, không phụ thuộc vào việc hệ thống bảo vệ chống cháy ở khoang cháy khác có hoạt động hay không) và có phòng phương tiện chữa cháy ban đầu.

A.2.3 Diện tích lớn nhất cho phép của một tầng nhà trên mặt đất trong phạm vi một khoang cháy:

- Không lớn hơn 3 000 m2 - đối với khối đế;

- Không lớn hơn 1 500 m2 - đối với nhóm F1.2 (khách sạn, ký túc xá);

- Không lớn hơn 2 000 m2 - đối với nhóm F1.3;

- Không lớn hơn 2 500 m2 - trong các trường hợp còn lại.

Tường và vách ngăn giữa các đơn nguyên phải có giới hạn chịu lửa tương ứng không thấp hơn quy định tại A.2.24.

A.2.4 Các gian phòng tập trung đông người có số chỗ ngồi cố định từ trên 300 đến 600 - không được đặt ở chiều cao PCCC trên 15 m; số chỗ ngồi cố định từ trên 150 đến 300 - không được đặt ở chiều cao PCCC trên 40 m, và với số chỗ ngồi cố định từ 100 đến 150 - không được đặt ở chiều cao PCCC trên 50 m. Các gian phòng công cộng đặt ở chiều cao PCCC trên 50 m thì số chỗ ngồi cố định không được vượt quá 100.

A.2.5 Nhà có bố trí các quán ăn, quán giải khát và các gian phòng công cộng nhóm F3.2 và F3.6, nằm ở chiều cao PCCC trên 50 m mà số người có mặt cùng một lúc trong mỗi gian phòng đó, tính theo Bảng G.9 (Phụ lục G), vượt quá 50 người thì khoảng cách từ lối ra thoát nạn của các gian phòng đến buồng thang bộ không nhiễm khói gần nhất không được vượt quá 20 m.

CHÚ THÍCH: Đối với các tầng nhà nằm ở chiều cao PCCC trên 50 m không có hành lang được bao che bằng các bộ phận ngăn cháy theo quy định trong A.2.24 thì khoảng cách di chuyển đến cửa của buồng thang bộ không nhiễm khói phải được tính từ điểm xa nhất của gian phòng.

Mái nhà được sử dụng để bố trí các quán ăn, quán giải khát, hoặc các diện tích dùng cho ngắm cảnh, dạo chơi, trong đó có số người cùng một lúc, tính theo Bảng G.9 (Phụ lục G), vượt quá 50 người thì khu vực đó phải có không ít hơn 2 lối ra thoát nạn.

A.2.6 Các gian phòng tập trung đông người, với số lượng người có mặt đồng thời có thể lớn hơn 500 người, thì gian phòng đó phải được ngăn cách với các gian phòng khác bằng các tường và sàn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa theo quy định tại A.2.24. Khoảng cách từ lối ra thoát nạn của các phòng này đến buồng thang bộ không nhiễm khói gần nhất không được vượt quá 20 m.

A.2.7 Các gian phòng có người khuyết tật sinh hoạt thường xuyên không được đặt cao hơn tầng 2, nếu có người khuyết tật dùng xe lăn thì không được đặt cao hơn tầng 1.

Trường hợp người khuyết tật sinh hoạt ở các tầng cao hơn phải có các giải pháp bổ sung, bảo đảm khả năng cho người khuyết tật di chuyển an toàn tới lối ra thoát nạn hoặc tới được gian lánh nạn khi có cháy xảy ra. Giải pháp bổ sung phải được lý giải bằng tính toán trên cơ sở các tài liệu chuẩn hiện hành được áp dụng.

A.2.8 Không cho phép bố trí các gian phòng kho, lưu trữ sách báo và các vật dụng dễ cháy và có diện tích lớn hơn 50 m2 ở chiều cao PCCC trên 50 m, cũng như đặt dưới hoặc liền kề các gian phòng, ở đó có số người tính theo Bảng G.9 (Phụ lục G) nhiều hơn 50 người.

A.2.9 Không cho phép bố trí các gian phòng có nguy hiểm cháy nổ (hạng A hoặc B) trong phạm vi của nhà.

A.2.10 Máy biến áp của các phân trạm đặt trong nhà hoặc sát cạnh nhà phải bảo đảm là loại khô hoặc chứa đầy dầu không cháy (dầu cách điện), và được đặt ở tầng 1, tầng nửa hầm, tầng hầm đầu tiên hoặc ở tầng kỹ thuật bất kỳ. Các phân trạm biến áp phải được ngăn cách bằng các bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa theo quy định tại A.2.24.

Cho phép sử dụng các máy phát điện diezen làm nguồn cấp điện độc lập và nguồn dự phòng tại chỗ. Khi đó cho phép bố trí các gian phòng đặt máy phát điện diezen không sâu hơn tầng hầm 1 hoặc ở các tầng trên mặt đất, trong phạm vi kích thước của nhà hoặc trong một nhà đứng riêng biệt khi thực hiện các yêu cầu sau:

- Giới hạn chịu lửa của các kết cấu tường và sàn chịu lực của gian phòng phải lấy không nhỏ hơn REI 180;

- Giao thông giữa gian phòng đặt máy phát điện diezen với các gian phòng khác phải đi qua khoang đệm ngăn cháy loại 1, có áp suất không khí dương khi có cháy;

- Để ngăn ngừa sự chảy loang của nhiên liệu, trong trường hợp có sự tràn nhiên liệu ra ngoài các gờ chặn, cần bố trí ở dưới các máy phát điện các khay đựng để chứa tất cả số nhiên liệu tràn ra;

- Bố trí các thiết bị phân tích khí để phát hiện sự rò rỉ nhiên liệu và phát ra các tín hiệu tới gian phòng của trạm chữa cháy, cũng như bố trí thông gió sự cố bằng thông gió có khí;

- Bố trí trong các gian phòng đặt máy phát điện diezen, thiết bị dập cháy tự động;

- Thể tích của thùng chứa dầu nằm trong kết cấu khung của mỗi máy phát điện diezen không được vượt quá 1 m3;

- Công suất của máy phát điện diezen và việc cung cấp, dự trữ nhiên liệu, phải bảo đảm sự làm việc của các hệ thống bảo vệ chống cháy, được xác định từ thời gian quy định cần thiết cho sự làm việc của chúng khi có cháy.

Cho phép sử dụng máy phát điện chạy bằng nhiên liệu khí, khi đặt những máy này trong một nhà đứng riêng biệt, với các yêu cầu an toàn cháy đã được quy định trong các tài liệu chuẩn liên quan.

A.2.11 Các sảnh thang máy phải được ngăn cách với các hành lang và các phòng bên cạnh bằng các vách ngăn cháy có giới hạn chịu lửa theo quy định tại A.2.24.

Vật liệu của các bộ phận cabin thang máy phải được cấu tạo như thang máy chữa cháy.

A.2.12 Phải bố trí thang máy chữa cháy trong các giếng thang riêng biệt, có sảnh thang máy độc lập. Lối ra từ thang máy này đi ra ngoài nhà không được bố trí đi qua sảnh chung.

Số lượng thang máy chữa cháy cho mỗi khoang cháy phải được tính toán đủ để khoảng cách từ vị trí các thang máy đó đến một điểm bất kỳ trên mặt bằng tầng mà nó phục vụ không vượt quá 45 m.

Các cấu kiện bao che cabin thang máy chữa cháy (tường, sàn, trần, cửa) phải được làm từ vật liệu không cháy hoặc từ nhóm vật liệu Ch1.

Vật liệu ốp lát hoàn thiện bề mặt các cấu kiện bao che cabin áp dụng như cho các gian phòng theo quy định tại A.2.25.

A.2.13 Giới hạn chịu lửa của kết cấu giếng thang máy và buồng máy của thang máy lấy theo quy định tại A.2.24.

A.2.14 Các hành lang phải được phân chia thành các khoang ngăn cách nhau bằng vách ngăn cháy loại 1. Cửa ngăn cháy lắp đặt trên các vách ngăn cháy này phải có cơ cấu tự đóng và các khe cửa phải được che kín (trừ phần chân). Chiều dài mỗi khoang hành lang phải bảo đảm như sau:

- Đối với khối căn hộ: không quá 30 m.

- Đối với khối nhà không phải là căn hộ: không quá 60 m.

A.2.15 Tất cả các buồng thang bộ không nhiễm khói của nhà phải có lối ra bên ngoài trực tiếp tại tầng 1, đồng thời phải có lối ra lên mái nhà, qua cửa ngăn cháy loại 1.

A.2.16 Đường thoát nạn phải được tính toán với số lượng người trong nhà hoặc trong gian phòng tăng lên so với số lượng thiết kế là 1,25 lần (trừ các gian phòng trình diễn và các gian phòng khác đã có số lượng chỗ ngồi quy định).

A.2.17 Nếu trong cùng một thời điểm các khu vực của nhà hoặc của tầng được sử dụng bởi nhiều đối tượng người sử dụng khác nhau hoặc cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau thì các yêu cầu về thoát nạn cho toàn bộ nhà hoặc tầng nhà đó phải được tính toán trên cơ sở công năng hoặc mục đích sử dụng có yêu cầu về thoát nạn khắt khe nhất hoặc phải xác định riêng các yêu cầu về thoát nạn cho từng khu vực của nhà.

A.2.18 Nếu nhà, tầng nhà hoặc một phần của nhà được sử dụng cho nhiều mục đích với các hoạt động khác nhau tại nhiều thời điểm khác nhau thì phải áp dụng công năng hoặc mục đích sử dụng liên quan đến số lượng người lớn nhất để làm cơ sở xác định các yêu cầu về thoát nạn.

A.2.19 Khi cửa ra vào của các căn hộ hoặc gian phòng bố trí trên hành lang cụt thì khoảng cách từ cửa đó đến lối ra thoát nạn gần nhất không được vượt quá 15 m. Khi cửa được bố trí ở giữa các buồng thang bộ không nhiễm khói thì khoảng cách này không được vượt quá 20 m.

A.2.20 Nhà có chiều cao PCCC trên 100 m phải bố trí tầng lánh nạn, gian lánh nạn bảo đảm các yêu cầu theo A.3.2.

A.2.21 Bố trí đường cho xe chữa cháy và bãi đỗ xe chữa cháy theo quy định trong 6.2.

A.2.22 Nhà phải có các phòng bảo quản các phương tiện chữa cháy tại chỗ được trang bị theo quy định hiện hành, bố trí ở các tầng dưới của mỗi khoang cháy theo chiều cao. Tại tầng 1, phòng phương tiện chữa cháy ban đầu của nhà phải được bố trí liền kề với phòng lắp đặt trung tâm điều khiển hệ thống bảo vệ chống cháy. Tại các khoang cháy phía trên phải bố trí phòng phương tiện chữa cháy ban đầu cách buồng thang bộ không nhiễm khói hoặc thang máy chữa cháy không quá 30 m.

A.2.23 Việc ngăn chặn cháy lan theo mặt ngoài nhà phải tuân thủ các yêu cầu tại 4.32, 4.33.

A.2.24 Yêu cầu chịu lửa của kết cấu và bộ phận nhà

A.2.24.1 Giới hạn chịu lửa của các cấu kiện xây dựng phải không được thấp hơn các giá trị quy định tại Bảng A.1.

Bảng A.1 - Giới hạn chịu lửa tối thiểu của các cấu kiện xây dựng

Tên cấu kiện (bộ phận nhà)

Giới hạn chịu lửa tối thiểu cho nhà có chiều cao PCCC, m

> 50 và ≤ 100

> 100 và ≤ 150

(1)

(2)

(3)

1. Cột chịu lực, tường chịu lực, hệ giằng, vách cứng, giàn, các bộ phận của sàn giữa các tầng và sàn mái của nhà không có tầng áp mái (dầm, xà, bản sàn) 1)

R 150

R 180

2. Tường ngoài không chịu lực

E 60

E 60

3. Sàn giữa các tầng (bao gồm cả sàn tầng áp mái và sàn trên tầng hầm)

REI 120

REI 120

4. Các bộ phận của mái

 

 

4.1 Tấm lợp

RE 30

RE 30

4.2 Dầm, xà, xà gồ, khung, giàn

R 30

R 30

5. Các bộ phận của mái dành cho việc thoát nạn, cứu nạn

 

 

5.1 Tấm lợp

RE 120

RE 120

5.2 Dầm, xà, xà gồ, khung, giàn

R 150

R 180

6. Kết cấu buồng thang bộ

 

 

6.1 Tường trong

REI 150

REI 180

6.2 Bản thang và chiếu thang

R 60

R 60

7. Tường ngăn cháy và sàn ngăn cháy

REI 150

REI 180

8. Kết cấu giếng

 

 

8.1 Giếng thang máy và giếng đường ống kỹ thuật, kênh dẫn và hộp kỹ thuật không cắt qua biên của khoang cháy

REI 120

REI 120

8.2 Giếng thang máy và giếng đường ống kỹ thuật, kênh dẫn và hộp kỹ thuật cắt qua biên của khoang cháy; Giếng thang máy chữa cháy

REI 150 1)

REI 180 1)

9. Tường trong không chịu lực (vách ngăn)

 

 

9.1 Tường trong giữa các phòng ở của khách sạn, các phòng văn phòng và tương tự

EI 60

EI 60

9.2 Tường ngăn cách giữa các phòng với sảnh thông tầng; giữa hành lang với các phòng ở của khách sạn và với các phòng văn phòng

EI (EIW) 60

EI (EIW) 60

9.3 Tường ngăn cách các gian phòng cho máy phát điện sự cố và cho trạm điện Điêzen

REI 180

REI 180

9.4 Tường ngăn cách các gian bán hàng có diện tích lớn hơn 2 000 m2 và ngăn cách các gian phòng tập trung đông người có số ngưi đồng thời có mặt lớn hơn 500 người

EI 180

EI 180

9.5 Tường ngăn cách giữa các căn hộ với nhau

EI 90

EI 90

9.6 Tường ngăn cách giữa các căn hộ với hành lang và với các gian phòng khác

EI 30

EI 60

9.7 Tường ngăn cách sảnh thang máy

EI (EIW) 60

EI (EIW) 60

9.8 Tường ngăn cách sảnh thang máy với khoang đệm của thang máy chữa cháy

EI (EIW) 60

EI (EIW) 90

 

9.9 Tường ngăn cách giữa phòng xông khô trong nhà với các gian phòng khác

EI (EIW) 60

EI (EIW) 60

 

9.10 Tường ngăn cách các gian phòng của các cơ sở dịch vụ đời sống, có diện tích lớn hơn 300 m2

EI 60

EI 60

 

9.11 Tường ngăn cách các gian phòng lưu trữ, kho sách báo và tương tự

EI 90

EI 120

 

9.12 Tường vách ngăn cách gian phòng của trạm biến áp

EI 60

EI 60

 

1) Các bộ phận của nhà như các tường chịu lực, cột chịu lực, hệ giằng, vách cứng, các bộ phận của sàn (dầm, xà hoặc tấm sàn) được xếp vào loại các bộ phận chịu lực của nhà nếu chúng tham gia vào việc bảo đảm sự ổn định tổng thể và sự bất biến hình của nhà khi có cháy. Các bộ phận chịu lực mà không tham gia vào việc bảo đảm ổn định tổng thể của nhà phải được đơn vị thiết kế chỉ dẫn trong tài liệu kỹ thuật của nhà.

 

CHÚ THÍCH 1: Giới hạn chịu lửa R của kết cấu chịu lực mà là gối tựa cho sàn ngăn cháy phải không nhỏ hơn giới hạn chịu lửa R của chính sàn ngăn cháy đó.

CHÚ THÍCH 2: Cho phép áp dụng các quy định về giới hạn chịu lửa của tường ngoài không chịu lực theo chú thích 5, 6 của Bảng 4.

A.2.24.2 Giới hạn chịu lửa của các cửa đi, cửa nắp và các tấm chèn bịt lỗ mở trên các cấu kiện xây dựng có yêu cầu về khả năng chịu lửa theo quy định tại Bảng A.1 phải có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn EI 30 (EIW 30) trong trường hợp sử dụng trong các cấu kiện có giới hạn chịu lửa EI 60 (EIW 60), và không nhỏ hơn EI 60 (EIW 60) trong các trường hợp còn lại.

A.2.24.3 Các cửa đi của sảnh thang máy và cửa đi của gian máy của thang máy phải là các cửa không lọt khí, khói.

A.2.24.4 Ở các giếng kỹ thuật, chỉ dùng để đi các đường ống cấp và thoát nước với các ống được chế tạo từ vật liệu không cháy, thì cho phép dùng các cửa, van ngăn cháy loại 2 (EI 30).

A.2.25 Sử dụng vật liệu theo tính nguy hiểm cháy

A.2.25.1 Vật liệu lợp, phủ mái phải là vật liệu không cháy. Trường hợp mái có lớp phủ chống thấm là vật liệu cháy được thì phía trên lớp vật liệu đó phải được phủ bằng vật liệu không cháy có chiều dày không nhỏ hơn 50 mm.

A.2.25.2 Lớp hoàn thiện tường, trần và lớp phủ sàn trên đường thoát nạn (hành lang, tiền sảnh, phòng chờ), cũng như ở các tầng kỹ thuật phải được làm từ vật liệu không cháy.

A.2.25.3 Vật liệu hoàn thiện tường, trần, trang trí trần treo và phủ sàn trong các gian phòng phải phù hợp với quy định tại Bảng B.9 (Phụ lục B).

A.2.25.4 Trong các gian phòng lớn, có chỗ ngồi cho khán giả với số lượng lớn hơn 50 chỗ, các bộ phận của ghế tựa mềm, mành rèm, màn che không được làm từ các vật liệu dễ bắt cháy (nhóm BC3). Trong các gian phòng này, không phụ thuộc vào số chỗ ngồi, các ghế ngồi không được làm từ vật liệu có độc tính cao hơn ĐT2.

Các sản phẩm vải, sợi dùng cho trang trí nội thất không được làm từ vật liệu thuộc nhóm dễ bắt cháy (BC3).

A.2.26 Trang thiết bị báo cháy, chữa cháy, cứu nạn

A.2.26.1 Nhà phải được trang bị hệ thống báo cháy tự động theo địa chỉ; phải được bố trí các chuông báo cháy tự động ở tất cả các khu vực, bao gồm: các căn hộ, các phòng văn phòng, các hành lang, sảnh thang máy, phòng chờ sảnh chung, các phòng kỹ thuật thường xuyên có người làm việc và tương tự), trừ các gian phòng có điều kiện môi trường sử dụng bình thường luôn ẩm ướt.

A.2.26.2 Nhà phải được trang bị hệ thống loa truyền thanh và điều khiển thoát nạn.

A.2.27 Cấp nước chữa cháy

A.2.27.1 Hệ thống cấp nước chữa cháy trong nhà (mạng đường ống và hệ thiết bị) phải thiết kế riêng biệt, có trạm bơm được bố trí độc lập với các phòng có công năng khác.

A.2.27.2 Lưu lượng nước chữa cháy trong nhà cho từng khoang cháy phải đủ cho 4 tia phun chữa cháy, lưu lượng nước mỗi tia phun không nhỏ hơn 2,5 L/s.

A.2.27.3 Trong các khoang cháy có các gian phòng công cộng, cho phép bố trí các họng nước chữa cháy có lưu lượng không nhỏ hơn 2,5 L/s, với điều kiện phải có các ống đứng bảo đảm cung cấp cho các họng nước đạt lưu lượng 5 L/s.

A.2.27.4 Phải bố trí 2 ống nối có các đầu nối đường kính phù hợp để đấu nối hệ thống cấp nước chữa cháy trong nhà và các thiết bị chữa cháy tự động với các phương tiện chữa cháy di chuyển ở ngoài nhà.

Phải có các van chặn và van một chiều ở bên trong nhà để điều chỉnh lượng nước chữa cháy cấp vào hệ thống. Các đầu nối đưa ra phía ngoài nhà phải được đặt tại các vị trí thuận tiện cho xe chữa cháy tiếp cận và phải được ký hiệu bằng các chỉ dẫn rõ ràng dễ đọc.

A.2.27.5 Việc bố trí các đầu phun của hệ thống chữa cháy tự động bằng nước cho các gian phòng, sảnh, đường thoát nạn và các bộ phận khác phải bảo đảm, bảo vệ được các lỗ cửa sổ (từ phía ngoài hoặc từ phía trong của gian phòng) và các ô cửa đi của các căn hộ, các gian phòng văn phòng và các gian phòng khác, mà các cửa đó mở vào hành lang.

A.2.27.6 Cường độ phun đối với các hệ thống chữa cháy tự động không được thấp hơn 0,08 L/(s∙m2).

A.2.27.7 Đối với hệ thống chữa cháy sprinkler, lưu lượng nước phải bảo đảm không thấp hơn 10 L/s.

A.2.27.8 Trong các khoang đệm buồng của thang bộ không nhiễm khói phải bố trí các họng chờ cấp nước D 65 dành cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp (của hệ thống ống khô). Ở tầng 1 các đường ống này phải có các ống nối để đấu nối với các bơm áp lực cao của các xe chữa cháy.

A.2.28 Hệ thống điện

A.2.28.1 Điện cấp cho các hệ thống thiết bị kỹ thuật nêu dưới đây phải bảo đảm duy trì sự làm việc của các thiết bị đó trong thời gian không ít hơn 3 giờ kể từ khi có cháy và phải được lấy từ 2 nguồn cấp độc lập:

- Thang máy chữa cháy;

- Các thiết bị của hệ thống bảo vệ chống cháy;

- Hệ thống báo cháy tự động và hướng dẫn thoát nạn;

- Các thiết bị của hệ thống chữa cháy tự động và cấp nước chữa cháy;

- Các thiết bị bảo vệ chống cháy cho hệ thống thiết bị kỹ thuật;

- Các trang thiết bị phục vụ cứu hộ - cứu nạn.

A.2.28.2 Các cáp điện từ trạm biến áp và từ nguồn cấp độc lập đến các thiết bị phân phối đầu vào ở mỗi khoang cháy phải được đặt trong các kênh (hộp) riêng biệt với khả năng chịu lửa theo quy định tại A.2.24, hoặc phải là các cáp có khả năng chịu lửa.

A.2.28.3 Ở các thiết bị phân phối đầu vào của mỗi khoang cháy phải có thiết bị ngắt bảo vệ và được xử lý bảo vệ chống cháy.

A.2.28.4 Ở các tủ phân phối của tầng và ở các bảng điện của các căn hộ đều phải có thiết bị ngắt bảo vệ. Cấu tạo kết cấu của các tủ này phải bảo đảm loại trừ được khả năng lan cháy ra ngoài phạm vi tủ.

A.2.28.5 Ở các vị trí các cáp và dây dẫn xuyên qua các cấu kiện xây dựng có yêu cầu khả năng chịu lửa thì liên kết chèn khe hở của cáp phải có giới hạn chịu lửa không thấp hơn giới hạn chịu lửa của cấu kiện mà cáp và dây xuyên qua.

A.2.28.6 Các đèn chiếu sáng thoát nạn phải bảo đảm duy trì hoạt động trong điều kiện nhiệt độ cao.

A.2.28.7 Cáp (dây) dẫn điện từ tủ phân phối của tầng đến các gian phòng, phải được đi trong các kênh dẫn hoặc trong các cấu kiện xây dựng làm từ vật liệu không cháy.

A.2.28.8 Dây điện và cáp điện từ thiết bị phân phối đầu vào đến các hệ thống bảo vệ chống cháy (thiết bị điện của hệ thống chữa cháy, báo cháy, hút xả khói, chiếu sáng thoát nạn và tương tự) phải được thực hiện bằng các cáp có khả năng chịu lửa (dây điện và cáp điện có lớp khoáng hoặc dây điện và cáp điện khác có giới hạn chịu lửa không thấp hơn 120 phút).

A.2.29 Hệ thống thông gió và bảo vệ chống khói

A.2.29.1 Các nhóm gian phòng với công năng khác nhau đặt trong phạm vi của cùng một khoang cháy phải có hệ thống thông gió, điều hòa và sưởi ấm không khí hoạt động độc lập.

A.2.29.2 Gian phòng đặt thiết bị thông gió phải đặt trong phạm vi khoang cháy mà thiết bị đó phục vụ, cho phép đặt trong một gian phòng chung thiết bị thông gió của các hệ thống phục vụ cho các khoang cháy khác nhau, trừ các trường hợp sau đây:

- Thiết bị của các hệ thống cấp khí vào, từ sự tuần hoàn lại của không khí, phục vụ cho các gian phòng có hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ C1 đến C3, không được đặt cùng với thiết bị của các hệ thống dùng cho các gian phòng có hạng nguy hiểm cháy nổ khác;

- Thiết bị của các hệ thống cấp khí vào, phục vụ cho các phòng ở, không được đặt cùng với thiết bị của hệ thống cấp khí vào, phục vụ cho các gian phòng dùng trong dịch vụ đời sống, cũng như cùng với thiết bị của các hệ thống xả khí ra;

- Thiết bị của hệ thống xả khí ra (xả không khí có mùi khó chịu ra ngoài, từ các phòng hút thuốc, vệ sinh và tương tự), không đặt cùng với thiết bị của các hệ thống cấp khí vào;

- Thiết bị của các hệ thống hút xả cục bộ các hỗn hợp nguy hiểm nổ, không đặt cùng với thiết bị của các hệ thống khác.

A.2.29.3 Không cho phép các hệ thống thông gió phục vụ cho các khoang cháy khác nhau sử dụng chung thiết bị tiếp nhận không khí bên ngoài (các miệng hút). Khoảng cách theo phương ngang giữa các miệng hút không khí bố trí ở các khoang cháy liền kề nhau không được nhỏ hơn 3 m.

A.2.29.4 Khoảng cách theo phương ngang giữa các thiết bị tiếp nhận không khí bên ngoài (miệng hút) và miệng phun của cùng một hệ thống xả khí lắp trên một mặt đứng ngoài nhà phải bảo đảm không nhỏ hơn 10 m. Nếu không bảo đảm khoảng cách theo phương ngang thì phải bảo đảm khoảng cách theo phương đứng không nhỏ hơn 6 m.

A.2.29.5 Cho phép cấu tạo các ống dẫn không khí và đoạn ống góp của mọi hệ thống nằm trong phạm vi khoang cháy mà chúng phục vụ, theo những quy định sau:

- Làm từ vật liệu không cháy và có giới hạn chịu lửa không thấp hơn EI 15, với điều kiện đường ống dẫn không khí phải được đặt trong một giếng chung, với kết cấu bao quanh giếng có giới hạn chịu lửa không thấp hơn REI 120, và phải có các van ngăn cháy tại các vị trí đường ống xuyên qua các kết cấu bao quanh giếng đó;

- Làm từ vật liệu không cháy và có các van ngăn cháy ở tất cả các vị trí mà đường ống xuyên qua các tường, vách và sàn có yêu cầu về khả năng chịu lửa;

- Các đoạn ống dẫn không khí nằm bên ngoài khoang cháy mà chúng phục vụ, tính từ các bộ phận ngăn cháy trên biên của khoang cháy đó, phải có giới hạn lửa không nhỏ hơn EI 180.

A.2.29.6 Khi bố trí các ống dẫn không khí và đoạn ống góp của mọi hệ thống phục vụ cho nhiều khoang cháy khác nhau trong một kênh hoặc giếng chung thì kết cấu bao quanh của kênh hoặc giếng đó phải có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 180 và cấu tạo của các đường ống đó phải bảo đảm các quy định sau:

- Có giới hạn chịu lửa không thấp hơn EI 60 khi đường ống nằm trong khoang cháy mà nó phục vụ và có lắp đặt các van ngăn cháy tại các vị trí mà đường ống xuyên qua kết cấu bao quanh kênh và giếng;

- Có giới hạn chịu lửa không thấp hơn EI 60 khi đường ống nằm bên ngoài khoang cháy mà nó phục vụ, và có lắp đặt các van ngăn cháy tại các vị trí mà đường ống xuyên qua các sàn ngăn cháy nằm ở biên các khoang cháy, với giới hạn chịu lửa của sàn là REI 180.

A.2.29.7 Các ống dẫn khí có quy định yêu cầu về khả năng chịu lửa phải được làm từ vật liệu không cháy, có chiều dày không nhỏ hơn 0,8 mm và phải có bộ phận bù dãn nở nhiệt dọc trục. Việc chèn đệm các mối nối của các ống dẫn khí phải được thực hiện bằng các vật liệu không cháy.

A.2.29.8 Các van ngăn cháy phải có thiết bị dẫn động điều khiển từ xa và tự động. Không cho phép sử dụng các van ngăn cháy với bộ dẫn động bằng các phần tử nhiệt. Giới hạn chịu lửa của các van chặn lửa phải bảo đảm các quy định sau:

- Không thấp hơn EI 90 - khi bộ phận ngăn cháy tương ứng có giới hạn chịu lửa REI 120 hoặc cao hơn;

- Không thấp hơn EI 60 - khi bộ phận ngăn cháy tương ứng có giới hạn chịu lửa REI 60.

A.2.29.9 Hệ thống hút xả khói ra ngoài phải bảo đảm các quy định sau:

- Giới hạn chịu lửa của các quạt hút phải đáp ứng được yêu cầu làm việc theo nhiệt độ tính toán của dòng khí;

- Các ống dẫn khí và kênh dẫn làm từ vật liệu không cháy có giới hạn chịu lửa không thấp hơn:

EI 180 - đối với các ống dẫn khí và các kênh dẫn nằm bên ngoài khoang cháy mà chúng phục vụ;

EI 120 - Đối với các ống dẫn khí thẳng đứng và các kênh dẫn nằm trong phạm vi khoang cháy mà chúng phục vụ;

- Các van ngăn khói phải có thiết bị dẫn động điều khiển từ xa và tự động, có giới hạn chịu lửa không thấp hơn:

EI 60 - đối với các gian để xe ô tô và các hành lang cách ly của gara kín;

EI 45 - đối với các phòng có mặt đồng thời 50 người trở lên, tính theo Bảng G.9 (Phụ lục G), trong một khoảng thời gian nhất định và đối với các sảnh thông tầng;

EI 30 - đối với các hành lang, sảnh, hành lang bên.

A.2.29.10 Các quạt dùng để đẩy các sản phẩm cháy ra ngoài phải được đặt trong các gian phòng riêng biệt, được bao che bằng các vách ngăn cháy loại 1.

A.2.29.11 Các giếng bao che đường ống của hệ thống cấp không khí vào để bảo vệ chống khói phải có giới hạn chịu lửa không thấp hơn giới hạn chịu lửa của các sàn mà nó cắt qua. Giới hạn chịu lửa yêu cầu của các ống dẫn khí của hệ thống cấp khí vào này phải không được nhỏ hơn:

EI 60 - đối với các ống dẫn khí theo tầng của hệ thống cấp khí vào cho các khoang đệm ngăn cháy, các hành lang cách ly của gara kín;

EI 30 - đối với các ống dẫn khí của hệ thống cấp khí vào bảo vệ cho các buồng thang bộ và giếng thang máy, cũng như cho các khoang đệm ngăn cháy ở các cao trình trên mặt đất.

A.2.29.12 Các van ngăn cháy của hệ thống cấp khí vào cho bảo vệ chống khói phải có giới hạn chịu lửa không thấp hơn giới hạn chịu lửa yêu cầu đối với các ống dẫn khí của hệ thống này.

A.2.29.13 Việc điều khiển thiết bị và cơ cấu vận hành của hệ thống bảo vệ chống khói phải được thực hiện bằng cả chế độ tự động (từ hệ thống phát hiện cháy) và điều khiển từ xa (từ bàn điều khiển của kíp trực của nhân viên điều độ và từ các nút bấm bố trí ở các lối ra thoát nạn của các tầng hoặc ở các tủ chữa cháy). Trong tất cả các kịch bản về tình huống nguy hiểm cháy, phải ngắt các hệ thống thông gió và điều hòa không khí thông thường (không được sử dụng ở chế độ bảo vệ chống khói), và mở ngay hệ thống hút xả khói và cấp khí vào cho bảo vệ chống khói.

A.2.29.14 Các thông tin về vị trí và tình trạng thực tế của các thiết bị và cơ cấu vận hành của hệ thống bảo vệ chống khói phải được theo dõi và nhận biết tại trạm điều khiển.

A.2.29.15 Các cơ cấu và thiết bị vận hành của hệ thống bảo vệ chống khói phải bảo đảm có độ tin cậy hoạt động được xác định bằng xác suất an toàn không nhỏ hơn 0,999.

A.2.30 Hệ thống thu gom rác

A.2.30.1 Thân ống đổ rác phải được làm bằng vật liệu không cháy.

A.2.30.2 Cửa van nhận rác của ống đổ rác phải được bố trí trong một phòng riêng, ngăn cách với các không gian khác bằng vách ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không thấp hơn EI 120. Các cửa ngăn cháy lắp trên vách này phải có giới hạn chịu lửa không thấp hơn EI 60, được trang bị cơ cấu tự đóng và được chèn kín các khe cửa.

A.3 Nhà chung cư thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.3 có chiều cao PCCC từ trên 75 m đến 150 m

A.3.1 Nhà có chiều cao PCCC từ trên 75 m đến 100 m

A.3.1.1 Bậc chịu lửa của nhà tối thiểu là bậc I, yêu cầu chịu lửa của kết cấu và bộ phận nhà lấy theo A.2.24, ngoại trừ các trường hợp được quy định tại A.3.1.10 và A.3.1.14.

A.3.1.2 Nhà phải được phân chia thành các khoang cháy theo chiều cao, với chiều cao khoang cháy dưới cùng không lớn hơn 75 m, các khoang cháy tiếp theo mỗi khoang không lớn hơn 50 m. Các khoang cháy phải được ngăn cách với nhau bằng một sàn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa tối thiểu REI 150 hoặc bằng một tầng kỹ thuật với kết cấu chịu lực theo phương ngang (sàn và trần) có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 90.

A.3.1.3 Diện tích lớn nhất cho phép của một tầng nhà trong phạm vi một khoang cháy xác định theo A.2.3.

A.3.1.4 Tại các vị trí giao nhau giữa sàn ngăn cháy và các bộ phận ngăn cháy với kết cấu bao che của nhà phải có giải pháp bảo đảm không để cháy lan truyền qua các bộ phận ngăn cháy. Ngăn chặn cháy lan theo mặt ngoài nhà phải tuân thủ các yêu cầu tại 4.32, 4.33.

A.3.1.5 Mỗi khoang cháy theo chiều cao phải có hệ thống bảo vệ chống cháy (cấp nước chữa cháy, thoát khói, chiếu sáng thoát nạn, báo cháy, chữa cháy tự động) hoạt động độc lập. Cho phép các khoang cháy sử dụng chung trạm bơm cấp nước, trạm bơm chữa cháy, quạt hút khói, tủ trung tâm báo cháy.

A.3.1.6 Phía trên lối ra từ các gara ở tầng một phải bố trí các mái đua bằng vật liệu không cháy có chiều rộng không nhỏ hơn 1,0 m và bảo đảm khoảng cách từ mái đua này tới cạnh dưới của các lỗ cửa sổ bên trên không nhỏ hơn 4,0 m.

A.3.1.7 Việc ngăn chia và chiều dài cho phép của các đoạn được ngăn chia của hành lang trong nhà phải tuân thủ A.2.14. Khoảng cách giới hạn cho phép từ cửa ra vào của căn hộ đến lối ra thoát nạn gần nhất (buồng thang bộ hoặc lối ra bên ngoài) phải tuân thủ A.2.19.

A.3.1.8 Chiều rộng thông thủy bản thang và chiếu thang của các buồng thang bộ loại N1, N3 tại phần ở của nhà phải không nhỏ hơn 1,20 m; buồng thang bộ loại N2 không nhỏ hơn 1,05 m với khoảng cách hở thông thủy giữa các bản thang không nhỏ hơn 100 mm.

A.3.1.9 Từ tất cả các buồng thang bộ không nhiễm khói phải có các bản thang dẫn lên mái qua các cửa ngăn cháy loại 2.

A.3.1.10 Phần có công năng khác của nhà (kể cả các phòng kỹ thuật, phòng phụ trợ phục vụ cho phần căn hộ) phải được ngăn cách với phần căn hộ của nhà bằng tường ngăn cháy đặc có giới hạn chịu lửa REI 150 và sàn ngăn cháy loại 1 đồng thời có các lối ra thoát nạn riêng.

A.3.1.11 Lớp cách nhiệt (nếu có) của tường ngoài nhà phải được làm bằng vật liệu không cháy. Cho phép sử dụng lớp cách nhiệt từ vật liệu có nhóm cháy Ch1 và Ch2 nếu nó được bảo vệ từ tất cả các phía bằng bê tông hoặc vữa trát có chiều dày không nhỏ hơn 50 mm. Tại các vị trí lắp khuôn cửa sổ và cửa đi trên tường ngoài chiều dày của lớp bê tông (vữa trát) này phải không nhỏ hơn 30 mm.

A.3.1.12 Các cửa ngăn cháy phải được bố trí phù hợp cho từng trường hợp như sau:

a) Trừ đoạn b) và c) dưới đây, giới hạn chịu lửa của cửa phải lấy không nhỏ hơn EI 30 (EIW 30) trong trường hợp sử dụng trong các cấu kiện có giới hạn chịu lửa EI 60 (EIW 60) và không nhỏ hơn EI 60 (EIW 60) trong các trường hợp còn lại.

b) Cửa ngăn cháy là loại 2 trong trường hợp: cửa từ khoang đệm đi vào buồng thang bộ không nhiễm khói, vào sảnh thang máy và vào phòng có ống đổ rác.

c) Cửa giếng thang máy đi vào sảnh thang máy phải là các cửa kín khói.

A.3.1.13 Vật liệu hoàn thiện trần, tường, sàn trên các đường thoát nạn, trong sảnh thang máy, sảnh chung, tầng kỹ thuật phải là vật liệu không cháy.

A.3.1.14 Lớp cách âm của các phòng, cũng như cách nhiệt cho thiết bị và đường ống kỹ thuật phải làm từ vật liệu không cháy.

A.3.1.15 Các đường ống chính theo trục đứng của hệ thống kỹ thuật (thoát nước, dẫn nước mưa, cấp nước nóng và lạnh) được làm bằng vật liệu không cháy hoặc được đặt trong các kênh, hộp kỹ thuật làm bằng vật liệu không cháy. Yêu cầu đối với hệ thống thu gom rác thực hiện theo A.2.30.

A.3.1.16 Việc bảo vệ chống khói cho nhà, hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động thực hiện theo các quy định bổ sung sau đây:

a) Tất cả các phòng không phải căn hộ (gara, phòng phụ trợ, phòng kỹ thuật, không gian công cộng, khoang chứa rác và các phòng có công năng tương tự) và ống đổ rác phải có đầu phun sprinkler (trừ các gian phòng kỹ thuật điện, điện tử có yêu cầu bố trí hệ thống hoặc thiết bị dập lửa thể khí);

b) Bên trên các cửa vào căn hộ phải lắp các sprinkler nối với đường ống cấp nước chữa cháy thông qua rơ le dòng;

c) Hệ thống báo cháy tự động phải báo rõ địa chỉ của từng căn hộ. Trong các phòng của căn hộ và các hành lang tầng, kể cả sảnh thang máy phải lắp đặt đầu báo khói. Trong mỗi căn hộ phải trang bị hệ thống loa truyền thanh để hướng dẫn thoát nạn, bảo đảm mọi người trong căn hộ có thể nghe rõ thông báo, hướng dẫn khi có sự cố;

d) Cần trang bị hệ thống báo cháy, thiết bị, phương tiện chữa cháy tự động trong các kênh, giếng kỹ thuật điện, thông tin liên lạc và giếng kỹ thuật khác có nguy hiểm cháy;

e) Nguồn điện cấp cho hệ thống bảo vệ chống cháy gồm: thang máy phục vụ chuyên chở lực lượng, phương tiện chữa cháy; hệ thống bảo vệ chống khói; hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động; phải được lấy từ các tủ điện độc lập hoặc các bảng điện riêng với mầu sơn khác nhau đi theo hai tuyến riêng biệt tới thiết bị phân phối của từng khoang cháy.

A.3.1.17 Yêu cầu bảo vệ chịu lửa đối với các dây, cáp điện của nguồn điện cấp cho hệ thống phòng cháy chữa cháy thực hiện theo A.2.28.

A.3.2 Nhà có chiều cao PCCC từ trên 100 m đến 150 m

A.3.2.1 Đối với nhà có chiều cao PCCC từ trên 100 m đến 150 m, ngoài việc tuân thủ các quy định tại A.3.1, cần phải bố trí tầng lánh nạn, gian lánh nạn đáp ứng những yêu cầu sau đây:

a) Tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng, tầng lánh nạn đầu tiên được bố trí không cao quá tầng thứ 21. Khu vực bố trí gian lánh nạn, phải được ngăn cách với các khu vực khác bằng bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 150. Các khu vực khác ngoài khu vực bố trí gian lánh nạn có thể sử dụng cho các công năng công cộng. Không bố trí căn hộ hoặc một phần căn hộ trên tầng lánh nạn;

CHÚ THÍCH: Có thể sử dụng tầng kỹ thuật hoặc một phần tầng kỹ thuật làm khu vực lánh nạn khi đáp ứng các quy định tại các đoạn b), c), d), e), f).

b) Gian lánh nạn phải có diện tích với định mức 0,3 m2/người, bảo đảm đủ chứa tổng số người thoát nạn lớn nhất của tất cả các tầng phía trên tính từ tầng có gian lánh nạn đến hết tầng có gian lánh nạn tiếp theo, hoặc các tầng phía trên còn lại đối với tầng lánh nạn trên cùng. Không cho phép sử dụng diện tích gian lánh nạn vào các hoạt động thương mại, nhưng có thể sử dụng làm sân/khu vực chơi cho trẻ em hoặc tập thể dục;

CHÚ THÍCH: Số lượng người thoát nạn lớn nhất từ các không gian khác nhau của nhà hoặc phần nhà được xác định theo G.3, Phụ lục G. Riêng đối với nhà hoặc phần nhà có nhóm nguy hiểm cháy theo công năng khác F1.3 thì áp dụng thêm quy định tại A.2.16.

c) Gian lánh nạn phải được thông gió tự nhiên qua các ô thông tường cố định bố trí trên hai tường ngoài (ô thông gió) bảo đảm các yêu cầu:

- Tổng diện tích các ô thông gió ít nhất phải bằng 25% diện tích gian lánh nạn;

- Chiều cao nhỏ nhất của các ô thông gió (tính từ cạnh dưới đến cạnh trên) không được nhỏ hơn 1,2 m;

- Các ô thông gió cho gian lánh nạn phải được bố trí cách ít nhất 1,5 m theo phương ngang và 3,0 m theo phương đứng tính từ các ô thông tường không được bảo vệ khác nằm ngang bằng hoặc phía dưới nó. Nếu các ô thông gió cho gian lánh nạn có tổng diện tích không nhỏ hơn 50% diện tích gian lánh nạn thì khoảng cách theo phương đứng được phép giảm xuống đến 1,5 m;

d) Tất cả các trang bị, dụng cụ đặt trong gian lánh nạn phải được làm bằng vật liệu không cháy;

e) Gian lánh nạn phải có lối ra thoát nạn trực tiếp đi vào buồng thang bộ không nhiễm khói và lối ra thoát nạn đi vào khoang đệm của thang máy chữa cháy. Các đường thoát nạn dẫn vào gian lánh nạn phải đi qua một sảnh ngăn khói/sảnh thang máy chữa cháy hoặc một hành lang bên;

f) Gian lánh nạn phải có trang thiết bị chống cháy gồm: họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống chữa cháy tự động sprinkler, chiếu sáng sự cố, điện thoại liên lạc với bên ngoài, hệ thống truyền thanh chỉ dẫn thoát nạn và tương tự;

g) Phía trong buồng thang bộ thoát nạn và trên mặt ngoài của tường buồng thang bộ thoát nạn ở vị trí tầng lánh nạn phải có biển thông báo với nội dung “GIAN LÁNH NẠN/FIRE EMERGENCY HOLDING AREA” đặt ở chiều cao 1 500 mm tính từ mặt nền hoàn thiện của chiếu tới hoặc sàn tầng lánh nạn. Chiều cao chữ trên biển thông báo không được nhỏ hơn 50 mm;

CHÚ THÍCH: Bên cạnh việc trình bày bằng tiếng Việt và tiếng Anh, nội dung biển thông báo có thể được trình bày thêm bằng các ngôn ngữ khác tùy thuộc đặc điểm người sử dụng phổ biến trong nhà.

h) Cho phép phần diện tích gian lánh nạn không được tính vào chỉ tiêu hệ số sử dụng đất và diện tích sàn xây dựng của công trình.

A.4 Nhà kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường (thuộc nhóm F2.1)

A.4.1 Bậc chịu lửa của nhà kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường phải phù hợp với các quy định tại quy chuẩn này và tối thiểu là bậc IV.

A.4.2 Các tầng nhà của nhà kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường phải có không ít hơn hai lối ra thoát nạn.

Cho phép từ mỗi tầng có một lối ra thoát nạn, khi thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

- Đối với nhà có chiều cao PCCC không quá 15 m thì diện tích mỗi tầng đang xét không được lớn hơn 300 m2. Đối với nhà có chiều cao PCCC từ trên 15 m đến 21 m thì diện tích mỗi tầng đang xét không được lớn hơn 200 m2;

- Toàn bộ nhà được bảo vệ bằng hệ thống chữa cháy tự động;

- Số người lớn nhất trên mỗi tầng không vượt quá 20 người;

- Phải có thêm ít nhất một lối ra khẩn cấp từ các tầng nhà dẫn ra ban công thoáng, hoặc dẫn lên vùng an toàn trên sân thượng thoáng, hoặc dẫn ra cầu thang bộ loại 3.

CHÚ THÍCH: Ban công thoáng hoặc sân thượng thoáng nghĩa là hở ra ngoài trời và bộ phận bao che (nếu có) phải bảo đảm cho việc thoát nạn, cứu nạn dễ dàng khi lực lượng chữa cháy tiếp cận.

A.4.3  Lối ra thoát nạn từ mỗi tầng nhà kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường phải dẫn vào buồng thang bộ với cửa ngăn cháy loại 2. Đường thoát nạn trên mỗi tầng nhà phải được bảo vệ bởi bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa như sau:

a) Đối với nhà có bậc chịu lửa I - phải làm bằng vật liệu không cháy với giới hạn chịu lửa ít nhất EI 30;

b) Đối với nhà có bậc chịu lửa II, III, IV - phải làm bằng vật liệu không cháy hoặc cháy yếu (Ch1) với giới hạn chịu lửa ít nhất EI 15.

A.4.4  Trên đường thoát nạn phải bố trí bổ sung các biển báo chỉ dẫn thoát nạn tầm thấp theo TCVN 13456.

A.4.5  Vật liệu hoàn thiện, trang trí (bao gồm cả tấm trần treo nếu có), vật liệu ốp lát và vật liệu phủ sàn sử dụng trong nhà kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường phải có cấp nguy hiểm cháy không nguy hiểm hơn CV1.

A.4.6  Phòng trực điều khiển chống cháy (nếu có) phải tuân thủ 6.17.

A.4.7  Hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, phương tiện phòng cháy chữa cháy trong nhà kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường phải tuân thủ TCVN 3890, TCVN 5738, TCVN 7336.

A.4.8  Chuông, đèn báo cháy phải được bố trí trong các hành lang, sảnh chung và trong từng gian phòng của nhà kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Hệ thống điện của giàn âm thanh, hình ảnh phải được kết nối liên động, tự động ngắt khi có tín hiệu từ hệ thống báo cháy tự động và điều khiển ngắt bằng tay (nút điều khiển ngắt bằng tay được đặt tại phòng trực điều khiển chống cháy hoặc tại khu vực lễ tân, có biển chỉ dẫn) khi có cháy.

A.4.9 Nhà kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường phải có sân thượng thoáng và lối vào từ trên cao theo quy định tại 6.3.1 đến 6.3.4 để lực lượng chữa cháy tiếp cận được.

A.4.10  Biển quảng cáo của nhà kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường phải tuân thủ quy định của QCVN 17:2018/BXD.

CHÚ THÍCH: Việc rà soát, khắc phục, bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định của quy chuẩn này đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường được đưa vào sử dụng trước thời điểm quy chuẩn này có hiệu lực được thực hiện theo hướng dẫn riêng của cơ quan công an có thẩm quyền.

 

PHỤ LỤC B

(quy định)

PHÂN LOẠI VẬT LIỆU XÂY DỰNG THEO ĐẶC TÍNH KỸ THUẬT VỀ CHÁY VÀ YÊU CẦU VỀ AN TOÀN CHÁY ĐỐI VỚI VẬT LIỆU

B.1. Phân loại vật liệu xây dựng theo đặc tính kỹ thuật về cháy

B.1.1. Các loại vật liệu không cháy và vật liệu cháy

Vật liệu xây dựng được phân thành hai loại: vật liệu cháy và vật liệu không cháy theo các trị số của các thông số thử nghiệm cháy như sau:

Vật liệu không cháy là vật liệu bảo đảm trong suốt khoảng thời gian thử nghiệm:

- Mức gia tăng nhiệt độ của lò đốt không quá 50 oC;

- Khối lượng mẫu bị giảm không quá 50%;

- Thời gian kéo dài của ngọn lửa không quá 10 s.

Vật liệu cháy là vật liệu khi thử nghiệm không thỏa mãn một trong 3 yếu tố trên.

CHÚ THÍCH: Các thông số thử nghiệm được xác định theo tiêu chuẩn TCVN 12695 (ISO 1182) hoặc tiêu chuẩn tương đương.

VÍ DỤ: Một số vật liệu thực tế được xếp vào loại vật liệu không cháy như: các vật liệu vô cơ nói chung như bê tông, gạch đất sét nung, gốm, kim loại, khối xây và vữa trát và vật liệu tương tự.

B.1.2 Các nhóm vật liệu cháy theo tính cháy

Bảng B.1 - Nhóm vật liệu cháy theo tính cháy

Nhóm cháy của vật liệu

Các thông số cháy

Nhiệt độ khí trong ống thoát khói, T,  oC

Mức độ hư hỏng làm giảm chiều dài mẫu, L, %

Mức độ hư hỏng làm giảm khối lượng mẫu, m, %

Khoảng thời gian tự cháy, s

Ch1 - cháy yếu

£ 135

£ 65

£ 20

0

Ch2 - cháy vừa phải

£ 235

£ 85

£ 50

£ 30

Ch3 - cháy mạnh vừa

£ 450

> 85

£ 50

£ 300

Ch4 - cháy mạnh

> 450

> 85

> 50

> 300

CHÚ THÍCH 1: Các thông số thử nghiệm được xác định theo tiêu chuẩn quốc gia hiện hành hoặc tiêu chuẩn tương đương về phương pháp thử tính cháy của vật liệu xây dựng.

CHÚ THÍCH 2: Nếu thử nghiệm theo TCVN 12695 (ISO 1182), các vật liệu đáp ứng các yêu cầu sau cũng được xếp vào nhóm vật liệu cháy yếu Ch1:

- Mức gia tăng nhiệt độ của lò đốt không quá 50 oC;

- Khối lượng mẫu bị giảm không quá 50%;

- Thời gian kéo dài của ngọn lửa không quá 20 s.

B.1.3 Các nhóm vật liệu theo tính bắt cháy

Bảng B.2 - Nhóm vật liệu cháy theo tính bắt cháy

Nhóm bắt cháy của vật liệu

Cường độ thông lượng nhiệt bề mặt tới hạn, kW/m2

BC1 - khó bắt cháy

³ 35

BC2 - bắt cháy vừa phải

≥ 20 và < 35

BC3 - dễ bắt cháy

< 20

CHÚ THÍCH: Cường độ thông lượng nhiệt bề mặt tới hạn được xác định theo ISO 5657 hoặc tiêu chuẩn tương đương.

B.1.4. Các nhóm vật liệu theo tính lan truyền lửa trên bề mặt

Bảng B.3 - Nhóm vật liệu cháy theo tính lan truyền lửa trên bề mặt

Nhóm lan truyền lửa trên bề mặt của vật liệu

Cường độ thông lượng nhiệt bề mặt tới hạn, kW/m2

LT1 - không lan truyền

³ 11

LT2 - lan truyền yếu

≥ 8 và < 11

LT3 - lan truyền vừa phải

≥ 5 và < 8

LT4 - lan truyền mạnh

< 5

CHÚ THÍCH: Các thông số thử nghiệm được xác định theo ISO 5658-2, ISO 9239 hoặc tiêu chuẩn tương đương.

B.1.5 Các nhóm vật liệu cháy theo khả năng sinh khói

Bảng B.4 - Nhóm vật liệu cháy theo khả năng sinh khói

Nhóm sinh khói của vật liệu

Giá trị hệ số sinh khói của vật liệu, m2/kg

SK1 - khả năng sinh khói thấp

£ 50

SK2 - khả năng sinh khói vừa phải

> 50 và ≤ 500

SK3 - khả năng sinh khói cao

> 500

CHÚ THÍCH: Hệ số sinh khói của vật liệu được xác định theo ISO 5660-2 hoặc tiêu chuẩn tương đương.

B.1.6 Các nhóm vật liệu cháy theo độc tính

Bảng B.5 - Nhóm vật liệu cháy theo độc tính

Nhóm độc tính của vật liệu

Chỉ số HCL50, g/m3, tương ứng với thời gian, min, để lộ

5

15

30

60

ĐT1 - độc tính thấp

> 210

> 150

> 120

> 90

ĐT2 - độc tính vừa phải

> 70 và ≤ 210

> 50 và ≤ 150

> 40 và ≤ 120

> 30 và ≤ 90

ĐT3 - độc tính cao

> 25 và ≤ 70

> 17 và ≤ 50

> 13 và ≤ 40

> 10 và ≤ 30

ĐT4 - độc tính đặc biệt cao

£ 25

£ 17

£ 13

£ 10

CHÚ THÍCH: Các thông số thử nghiệm và tính toán chỉ số HCL50 theo ISO 13344 hoặc tiêu chuẩn tương đương.

B.1.7 Cấp nguy hiểm cháy của vật liệu

Bảng B.6 - Cấp nguy hiểm cháy của vật liệu

Đặc tính kỹ thuật về cháy của vật liệu

Cấp nguy hiểm cháy của vật liệu

CV0

CV1

CV2

CV3

CV4

CV5

1. Tính cháy

Không cháy

Ch1

Ch1

Ch2

Ch3

Ch4

2. Tính bắt cháy

-

BC1

BC2

BC2

BC2

BC3

3. Khả năng sinh khói

-

SK2

SK2

SK3

SK3

SK3

4. Độc tính của sản phẩm cháy

-

ĐT2

ĐT2

ĐT2

ĐT3

ĐT4

5. Tính lan truyền lửa trên bề mặt

-

LT1

LT1

LT2

LT2

LT4

CHÚ THÍCH: Danh mục các chỉ tiêu về tính nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng đủ để xác định cấp nguy hiểm cháy của vật liệu từ CV0 đến CV5 được xác định theo Bảng B.7.

Bảng B.7 - Danh mục các chỉ tiêu về tính nguy hiểm cháy cần thiết phụ thuộc vào công dụng của vật liệu xây dựng

Công dụng của vật liệu xây dựng

Danh mục các chỉ tiêu về tính nguy hiểm cháy cần thiết phụ thuộc vào công dụng của vật liệu xây dựng

Nhóm về tính cháy

Nhóm về tính lan truyền lửa trên bề mặt

Nhóm về tính bắt cháy

Nhóm về khả năng sinh khói

Nhóm về độc tính của sản phẩm cháy

1. Vật liệu hoàn thiện tường và trần, bao gồm cả các lớp phủ từ sơn, men, véc ni 1)

+

-

+

+

+

2. Vật liệu phủ sàn, bao gồm cả thảm

-

+

+

+

+

3. Vật liệu lợp mái

+

+

+

-

-

4. Vật liệu chống thấm và chống lọt hơi có chiều dày lớn hơn 0,2 mm

+

-

+

-

-

5. Vật liệu cách nhiệt

+

-

+

+

+

1) Không yêu cầu đánh giá đặc tính kỹ thuật về cháy đối với các lớp phủ có chiều dày đến 0,3 mm, phủ trên nền tường, trần hoặc sàn làm từ vật liệu không cháy.

CHÚ THÍCH 1: Ký hiệu "+" nghĩa là chỉ tiêu này cần được áp dụng.

CHÚ THÍCH 2: Ký hiệu "-" nghĩa là chỉ tiêu này không cần áp dụng.

CHÚ THÍCH 3: Khi áp dụng vật liệu chống thấm là lớp phủ bề mặt của mái thì các chỉ tiêu về tính nguy hiểm cháy cần được áp dụng theo mục 3.

B.2 Yêu cầu về an toàn cháy đối với vật liệu

Bảng B.8 - Phạm vi áp dụng của vật liệu hoàn thiện, trang trí, vật liệu ốp lát và vật liệu phủ sàn trên đường thoát nạn

Nhóm nguy hiểm cháy theo công năng của nhà, công trình, khoang cháy

Số tầng và chiều cao của nhà

Cấp nguy hiểm cháy của vật liệu

Sử dụng cho tường và trần (bao gồm cả tấm trần treo nếu có)

Phủ sàn

Tiền sảnh, buồng thang bộ, sảnh thang máy

Hành lang chung, sảnh chờ

Tiền sảnh, buồng thang bộ, sảnh thang máy

Hành lang chung, sảnh chờ

F1.2; F1.3;

F2.3; F2.4;

≤ 9 tầng hoặc ≤ 28 m

CV2

CV3

CV3

CV4

F3.1; F3.2; F3.6; F4.2; F4.3; F4.4; F5.1; F5.2; F5.3

> 9 tầng và ≤17 tầng; hoặc
> 28 m và ≤ 50 m

CV1

CV2

CV2

CV3

> 17 tầng hoặc > 50 m

CV0

CV1

CV1

CV2

F1.1; F2.1; F2.2; F3.3; F3.4; F3.5; F4.1

Không phụ thuộc vào số tầng hoặc chiều cao

CV0

CV1

CV1

CV2

 

Bảng B.9 - Phạm vi áp dụng của vật liệu hoàn thiện, trang trí, vật liệu ốp lát và vật liệu phủ sàn trong các gian phòng chung, trừ sân thi đấu thể thao và sàn của phòng nhảy

Nhóm nguy hiểm cháy theo công năng của nhà

Sức chứa của gian phòng, người

Cấp nguy hiểm cháy của vật liệu

sử dụng cho tường và trần (bao gồm cả tấm trần treo nếu có)

phủ sàn

F1.2;
F2.3; F2.4;
F3.1; F3.2; F3.6;
F4.2; F4.3; F4.4;
F5.1

> 800

CV0

CV2

> 300 và ≤ 800

CV1

CV2

> 50 và ≤ 300

CV2

CV3

≤ 50

CV3

CV4

F1.1;
F2.1; F2.2;
F3.3; F3.4; F3.5;
F4.1

> 300

CV0

CV2

> 15 và ≤ 300

CV1

CV2

≤ 15

CV3

CV4

 

PHỤ LỤC C

(quy định)

HẠNG NGUY HIỂM CHÁY VÀ CHÁY NỔ CỦA NHÀ, CÔNG TRÌNH VÀ CÁC GIAN PHÒNG CÓ CÔNG NĂNG SẢN XUẤT VÀ KHO

C.1 Hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ của gian phòng

Bảng C.1 - Hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ của gian phòng

Hạng nguy hiểm cháy của gian phòng

Đặc điểm của các chất và vật liệu có (hoặc hình thành) trong gian phòng

A

Nguy hiểm cháy nổ cao

- Các chất khí cháy, chất lỏng dễ bắt cháy có nhiệt độ bùng cháy không lớn hơn 28 oC, với khối lượng có thể tạo thành hỗn hợp khí - hơi nguy hiểm nổ, khi bốc cháy tạo ra áp suất nổ dư tính toán trong gian phòng vượt quá 5 kPa.

- Các chất và vật liệu có khả năng nổ và cháy khi tác dụng với nước, với ôxy trong không khí hoặc tác dụng với nhau, với khối lượng để áp suất nổ dư tính toán trong gian phòng vượt quá 5 kPa.

B

Nguy hiểm cháy nổ

Các chất bụi hoặc sợi cháy, chất lỏng dễ bắt cháy, có nhiệt độ bùng cháy lớn hơn 28 oC, các chất lỏng cháy, và khối lượng có thể tạo thành hỗn hợp khí - bụi hoặc khí - hơi nguy hiểm nổ, khi bốc cháy tạo ra áp suất nổ dư tính toán trong gian phòng vượt quá 5 kPa.

C1 đến C4

Nguy hiểm cháy

- Các chất lỏng cháy hoặc khó cháy, các chất và vật liệu cháy và khó cháy ở thể rắn (kể cả bụi và sợi), các chất và vật liệu khi tác dụng với nước, với ôxy trong không khí hoặc tác dụng với nhau có khả năng cháy, ở điều kiện gian phòng có các chất và vật liệu này không thuộc các hạng A hoặc B.

- Việc chia gian phòng thành các hạng C1 đến C4 theo trị số tải trọng cháy riêng của các chất chứa trong nó như sau:

C1 - Có tải trọng cháy riêng lớn hơn 2 200 MJ/m2;

C2 - Có tải trọng cháy riêng từ 1 401 MJ/m2 đến 2 200 MJ/m2;

C3 - Có tải trọng cháy riêng từ 181 MJ/m2 đến 1 400 MJ/m2;

C4 - Có tải trọng cháy riêng từ 1 MJ/m2 đến 180 MJ/m2.

D

Nguy hiểm cháy vừa phải

Các chất và vật liệu không cháy ở trạng thái nóng, nóng đỏ hoặc nóng chảy, mà quá trình gia công có kèm theo sự phát sinh bức xạ nhiệt, tia lửa và ngọn lửa; các chất rắn, lỏng, khí cháy được sử dụng để làm nhiên liệu.

E

Nguy hiểm cháy thấp

Các chất và vật liệu không cháy ở trạng thái nguội.

C.2  Hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ của nhà, công trình

C.2.1  Hạng A

C.2.1.1  Nhà, công trình được xếp vào hạng A nếu trong nhà, công trình đó có tổng diện tích của các gian phòng hạng A vượt quá 5% diện tích của tất cả các gian phòng của nhà, hoặc vượt quá 200 m2.

C.2.1.2  Nhà, công trình không được xếp vào hạng A nếu tổng diện tích của các gian phòng hạng A trong nhà, công trình đó không vượt quá 25% tổng diện tích của tất cả các gian phòng của nhà (nhưng không vượt quá 1 000 m2) và các gian phòng hạng A đó đều được trang bị các thiết bị chữa cháy tự động.

C.2.2  Hạng B

C.2.2.1  Nhà, công trình được xếp vào hạng B nếu đồng thời thỏa mãn 2 điều kiện sau:

- Nhà, công trình không thuộc hạng A;

- Tổng diện tích của các gian phòng hạng A và B vượt quá 5% tổng diện tích của tất cả các gian phòng của nhà, công trình đó hoặc vượt quá 200 m2.

C.2.2.2  Nhà, công trình không được xếp vào hạng B nếu tổng diện tích của các gian phòng hạng A và B trong nhà, công trình đó không vượt quá 25% tổng diện tích của tất cả các gian phòng của nhà, công trình (nhưng không vượt quá 1 000 m2) và các gian phòng đó đều được trang bị các thiết bị chữa cháy tự động.

C.2.3  Hạng C

C.2.3.1  Nhà, công trình được xếp vào hạng C nếu đồng thời thỏa mãn 2 điều kiện sau:

-  Nhà, công trình không thuộc hạng A hoặc B;

-  Tổng diện tích của các gian phòng hạng A, B và C1, C2 và C3 vượt quá 5% (10%, nếu trong nhà, công trình không có các gian phòng hạng A và B) tổng diện tích của tất cả các gian phòng của nhà, công trình.

C.2.3.2  Nhà, công trình không được xếp vào hạng C nếu tổng diện tích của các gian phòng hạng A, B và C1, C2 và C3 trong nhà, công trình đó không vượt quá 25% tổng diện tích của tất cả các gian phòng của nhà, công trình (nhưng không vượt quá 3 500 m2) và các gian phòng đó đều được trang bị các thiết bị chữa cháy tự động.

C.2.4  Hạng D

C.2.4.1  Nhà, công trình được xếp vào hạng D nếu đồng thời thỏa mãn 2 điều kiện sau:

-  Nhà, công trình không thuộc hạng A, B và C;

-  Tổng diện tích của các gian phòng hạng A, B, C1, C2, C3 và D vượt quá 5% tổng diện tích của tất cả các gian phòng của nhà, công trình.

C.2.4.2  Nhà, công trình không được xếp vào hạng D nếu tổng diện tích của các gian phòng hạng A, B, C1, C2, C3 và D trong nhà, công trình đó không vượt quá 25% tổng diện tích của tất cả các gian phòng của nhà, công trình (nhưng không vượt quá 5 000 m2) và các gian phòng hạng A, B, C1, C2 và C3 đều được trang bị các thiết bị chữa cháy tự động.

C.2.5  Hạng E

Nhà, công trình được xếp vào hạng E nếu nó không thuộc các hạng A, B, C hoặc D.

C.3  Phương pháp xác định các dấu hiệu để xếp hạng

C.3.1  Phương pháp xác định các dấu hiệu để xếp nhà, công trình và gian phòng có công năng sản xuất và kho vào các hạng theo tính nguy hiểm cháy và cháy nổ được quy định trong các tiêu chuẩn.

C.3.2  Một số nhà và gian phòng thuộc các phân xưởng, nhà kho, bộ phận sản xuất được phép phân hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ như sau:

C.3.2.1  Hạng A

-  Phân xưởng chế tạo và sử dụng Natri và Kali;

-  Phân xưởng nhà máy làm sợi nhân tạo, cao su nhân tạo;

-  Phân xưởng sản xuất xăng, dầu;

-  Phân xưởng Hydro hóa chưng cất và phân chia khí;

-  Phân xưởng sản xuất nhiên liệu lỏng nhân tạo, thu hồi và chưng cất các chất lỏng hòa tan hữu cơ với nhiệt độ bùng cháy ở thể hơi từ 28 oC trở xuống;

-  Kho chứa bình đựng hơi đốt, kho xăng;

-  Các căn phòng chứa ắc quy kiềm và axit của nhà máy điện;

-  Các trạm bơm chất lỏng có nhiệt độ bắt cháy ở thể hơi từ 28 oC trở xuống.

C.3.2.2  Hạng B

-  Phân xưởng sản xuất và vận chuyển than cám, mùn cưa, những trạm tẩy rửa các thùng dầu madút và các chất lỏng khác có nhiệt độ bùng cháy ở thể hơi từ 28 oC đến 61 oC;

-  Gian nghiền và xay cán chất rắn, phân xưởng chế biến cao su nhân tạo, phân xưởng sản xuất đường, những kho chứa dầu madút của nhà máy điện, những trạm bơm chất lỏng có nhiệt độ bùng cháy ở thể hơi từ 28oC đến 61oC.

C.3.2.3  Hạng C

-  Phân xưởng xẻ gỗ, phân xưởng làm đồ mỹ thuật bằng gỗ;

-  Phân xưởng dệt và may mặc;

-  Phân xưởng công nghiệp giấy với quá trình sản xuất khô;

-  Xí nghiệp chế biến sơ bộ sợi bông, gai đay và những chất sợi khác;

-  Những bộ phận sàng, sẩy hạt của các nhà máy xay và kho chứa hạt;

-  Phân xưởng tái sinh dầu mỡ, chưng cất nhựa đường, những kho chứa vật liệu cháy và dầu mỡ;

-  Những thiết bị phân phối điện có máy ngắt điện và thiết bị điện với lượng dầu mỡ lớn hơn 60 kg cho một đơn vị thiết bị;

-  Hành lang băng tải dùng để vận chuyển than đá, than bùn;

-  Kho kín chứa than, những kho hàng hỗn hợp, những trạm bơm chất lỏng có nhiệt độ bùng cháy của hơi trên 61oC.

C.3.2.4  Hạng D

-  Phân xưởng đúc và luyện kim, phân xưởng rèn, hàn;

-  Trạm sửa chữa đầu máy xe lửa;

-  Phân xưởng cán nóng kim loại, gia công kim loại bằng nhiệt;

-  Những gian nhà đặt động cơ đốt trong;

-  Phòng thí nghiệm điện cao thế;

-  Nhà chính của nhà máy điện (gian lò, gian tuốc bin, và các gian tương tự);

-  Trạm nồi hơi.

C.3.2.5  Hạng E

-  Phân xưởng cơ khí gia công nguội kim loại (trừ hợp kim Magiê);

-  Sân chứa liệu (quặng);

-  Xưởng sản xuất xút (trừ bộ phận lò);

-  Trạm quạt gió, trạm máy ép không khí và các chất khí không cháy;

-  Phân xưởng tái sinh axít;

-  Trạm sửa chữa xe điện và đầu máy xe điện;

-  Phân xưởng dập, khuôn và cán nguội các khoáng chất quặng Amiăng, muối và các nguyên liệu không cháy khác;

-  Phân xưởng thuộc công nghiệp dệt và giấy có quá trình sản xuất ướt;

-  Phân xưởng chế biến thực phẩm, cá, thịt, sữa;

-  Trạm điều khiển điện;

-  Công trình làm sạch nước (lắng, lọc, tẩy và các công trình có đặc điểm sử dụng tương tự);

-  Trạm bơm và hút nước của nhà máy điện;

-  Bộ phận chứa Axit Cacbonic và Clo, các tháp làm lạnh, những trạm bơm chất lỏng không cháy.

 

PHỤ LỤC D

(quy định)

BẢO VỆ CHỐNG KHÓI

D.1 Yêu cầu chung

D.1.1 Việc bảo vệ chống khói cho nhà và công trình nhằm ngăn chặn và (hoặc) hạn chế sự lan truyền khói và các sản phẩm cháy (sau đây gọi chung là khói) trong nhà, với mục đích:

-  Tạo điều kiện an toàn cho người thoát nạn và bảo vệ tài sản khi xảy ra cháy;

-  Tạo các điều kiện cần thiết cho lực lượng chữa cháy cứu người, phát hiện và khoanh vùng đám cháy trong nhà.

D.1.2  Các giải pháp bảo vệ chống khói cho nhà và công trình bao gồm:

-  Phân chia, cô lập khói thành các vùng khói (bể khói);

-  Thông gió tự nhiên khi có cháy;

-  Thông gió thoát khói: bao gồm hệ thống hút xả khói và cấp không khí chống khói theo cơ chế tự nhiên hoặc cơ chế cưỡng bức;

-  Tạo áp suất dương cho các khu vực cần chống nhiễm khói.

Có thể áp dụng một hoặc đồng thời nhiều giải pháp nêu trên, và phải bảo đảm điều kiện biên dưới của lớp khói không thấp hơn 2 m so với mặt sàn cao nhất có thể đi bộ trong gian phòng hoặc trong hành lang được bảo vệ chống khói.

D.1.3.  Các thiết bị của hệ thống hút xả khói và cấp không khí chống khói, không phụ thuộc vào cơ chế hoạt động (tự nhiên hoặc cưỡng bức), phải được dẫn động (kích hoạt) tự động (từ tín hiệu báo cháy tự động hoặc từ thiết bị chữa cháy tự động) và dẫn động (kích hoạt) từ xa (từ phòng trực điều độ của nhà, hoặc phòng trực chống cháy hoặc từ các nút bấm được đặt trên lối thoát nạn hoặc trong các tủ báo cháy. Các nút bấm này phải được bố trí sao cho con người có thể dễ dàng kích hoạt).

Các thiết bị của hệ thống bảo vệ chống khói (bao gồm cả các đường ống) phải được lắp đặt đúng quy định của nhà sản xuất, được kiểm tra định kỳ và bảo trì, bảo dưỡng thích hợp. Các trang bị phụ trợ để lắp đặt, treo các thiết bị phải bảo đảm duy trì khả năng hoạt động của thiết bị theo quy định của nhà sản xuất trong suốt thời gian khai thác sử dụng.

D.1.4. Khi bật hệ thống hút xả khói của nhà khi có cháy, phải tắt các hệ thống thông gió, điều hòa không khí chung và các hệ thống thông gió, điều hòa không khí phục vụ yêu cầu công nghệ (nếu có) của nhà (trừ các hệ thống phục vụ an toàn công nghệ), và đóng các van ngăn cháy thường mở. Việc tắt các hệ thống thông gió, điều hòa không khí có thể là toàn phần hoặc một phần, tùy thuộc vào thiết kế cụ thể, nhưng phải thỏa mãn điều kiện không để lan truyền khói và lửa qua hệ thống thông gió, điều hòa không khí chung.

D.1.5   Hệ thống thông gió thoát khói phải độc lập cho từng khoang cháy, ngoại trừ:

-  Các hệ thống cấp không khí tạo áp suất dương để bảo vệ các buồng thang bộ và giếng thang máy liên thông giữa các khoang cháy khác nhau;

-  Các hệ thống hút xả khói bảo vệ sảnh thông tầng và các hành lang thông tầng không được ngăn chia thành các khoang cháy.

D.1.6. Hệ thống cấp không khí bù (cấp không khí từ ngoài vào bù lại khối tích khói đã bị hút ra) chỉ được dùng phối hợp với hệ thống hút xả khói. Không được phép áp dụng riêng hệ thống cấp không khí bù mà không có hệ thống hút xả khói tương ứng. Trong mọi trường hợp, chênh lệch áp suất trên các cửa lối ra thoát nạn phải bảo đảm người bình thường có thể dễ dàng mở được cửa.

Không cho phép sử dụng chung hệ thống bảo vệ chống khói đối với các gian phòng có nhóm nguy hiểm cháy theo công năng khác nhau.

D.1.7  Cho phép thay đổi các yêu cầu trong Phụ lục D này trên cơ sở có luận chứng kỹ thuật về các giải pháp bảo vệ chống khói phù hợp với tiêu chuẩn được phép áp dụng.

D.1.8. Đối với một số gian phòng có công năng đặc biệt hoặc có yêu cầu công nghệ đặc biệt (như phòng sạch, kho lạnh), bảo vệ chống khói có thể thực hiện theo tài liệu chuẩn được phép áp dụng. Trong mọi trường hợp, phải đảm bảo an toàn cho người trong nhà thoát nạn và lực lượng cứu hộ tiếp cận.

CHÚ THÍCH:  Khái niệm và phân loại phòng sạch xác định theo ISO 14644 hoặc tiêu chuẩn tương đương.

D.2 Việc hút xả khói khi có cháy phải được thực hiện từ các khu vực sau:

a) Từ hành lang (trừ hành lang bên) và sảnh của nhà ở, nhà công cộng, nhà hành chính - phụ trợ (trong các cơ sở công nghiệp) và nhà hỗn hợp có chiều cao PCCC lớn hơn 28 m;

b) Từ các hành lang và đường hầm đi bộ của tầng hầm, tầng nửa hầm của các nhà ở, nhà công cộng, nhà hành chính - phụ trợ (trong các cơ sở công nghiệp), nhà sản xuất và nhà hỗn hợp, khi các hành lang và đường hầm đi bộ này liên thông với các phòng có người làm việc thường xuyên;

c) Từ các hành lang có chiều dài lớn hơn 15 m mà không có thông gió tự nhiên khi có cháy của các nhà từ 2 tầng trở lên sau:

-  Nhà sản xuất, nhà kho hạng A, B và C;

-  Nhà công cộng, bao gồm cả nhà hành chính - phụ trợ trong các cơ sở công nghiệp;

-  Nhà hỗn hợp;

d) Từ hành lang chung (trừ hành lang bên) và sảnh chung của các nhà có buồng thang bộ không nhiễm khói;

e) Từ các sảnh thông tầng và các hành lang thương mại bao quanh sảnh thông tầng (sau đây gọi chung là sảnh thông tầng);

f) Từ các gian phòng có người làm việc thường xuyên, phục vụ sản xuất hoặc kho, bao gồm cả nơi bảo quản lưu trữ sách, tài liệu, hiện vật, xưởng phục chế của bảo tàng (đối với gian phòng lưu trữ dạng kệ thì không phụ thuộc vào việc có người làm việc thường xuyên), nếu các gian phòng này thuộc hạng A, B, C1 đến C3 trong nhà bậc chịu lửa I đến IV, hoặc hạng C4, D, E trong nhà bậc chịu lửa IV;

g) Từ mỗi gian phòng liên thông với buồng thang bộ không nhiễm khói, hoặc từ mỗi gian phòng không có thông gió tự nhiên khi có cháy sau:

-  Diện tích từ 50 m2 trở lên, thường xuyên hoặc nhất thời tập trung đông người (số lượng hơn 1 người trên 1 m2 sàn, không tính diện tích chiếm chỗ của các thiết bị, vật dụng);

-  Các gian thương mại, trưng bày sản phẩm hàng hóa;

-  Các phòng đọc và lưu trữ sách của thư viện, các gian triển lãm, bảo tàng có diện tích từ 50 m2 trở lên, có người làm việc thường xuyên, dùng để lưu trữ hoặc sử dụng các chất và vật liệu cháy;

-  Phòng thay đồ, gửi đồ diện tích từ 200 m2 trở lên;

h) Các gara giữ xe kín, ngầm hoặc nổi, được xây dựng riêng hoặc là một phần của các nhà có công năng khác và cả các đường dốc được ngăn cách của các gara này.

Cho phép hút xả khói qua hành lang liền kề từ các gian phòng có diện tích đến 200 m2 và hạng nguy hiểm cháy C1, C2, C3, hoặc lưu trữ hoặc sử dụng chất và vật liệu cháy.

Đối với các gian phòng thương mại và văn phòng diện tích không lớn hơn 800 m2, khi khoảng cách từ điểm xa nhất của gian phòng đến lối ra thoát nạn gần nhất không lớn hơn 25 m thì cho phép hút xả khói qua các khu vực liền kề là hành lang, sảnh, sảnh và hành lang thông tầng.

Không cho phép ngăn chia phần hành lang cụt của nhà bằng các vách ngăn có cửa đi thành các đoạn có chiều dài nhỏ hơn 15 m.

CHÚ THÍCH 1:  Khu vực không có thông gió tự nhiên khi có cháy là khu vực không có ô cửa mở trên kết cấu xây dựng ngoài (tường ngoài) hoặc khu vực có ô cửa mở nhưng diện tích không đủ để thoát sản phẩm cháy.

CHÚ THÍCH 2:  Để thông gió tự nhiên khi có cháy cho các hành lang phải bố trí các ô cửa sổ mở hoặc lỗ cửa trên tường ngoài với các yêu cầu sau:

- Mép trên ô cửa không thấp hơn 2,5 m và mép dưới ô cửa không cao quá 1,5 m tính từ mặt sàn;

- Tổng chiều rộng phần mở được của các ô cửa không nhỏ hơn 1,6 m cho mỗi đoạn 30 m chiều dài hành lang;

- Ô cửa phải mở được bằng tay một cách dễ dàng khi người đứng trên sàn.

CHÚ THÍCH 3:  Để thông gió tự nhiên khi cháy cho gian phòng phải có các ô cửa sổ mở hoặc lỗ cửa trên tường ngoài tương tự như CHÚ THÍCH 2, với chiều rộng tối thiểu 0,24 m cho mỗi m chiều dài tường ngoài. Nếu tường ngoài chỉ nằm ở 1 phía của gian phòng thì khoảng cách từ tường ngoài này đến tường ngăn bên trong không được lớn hơn 20 m. Nếu các ô cửa mở nằm ở hai kết cấu xây dựng ngoài đối diện nhau thì khoảng cách giữa hai kết cấu đó không lớn hơn 40 m, trong trường hợp này thì chiều dài tường ngoài không được nhỏ hơn 1/3 tổng chiều dài của các tường ngăn phòng bên trong.

D.3  Các yêu cầu tại D.2 không cần áp dụng đối với:

a) Các gian phòng có diện tích đến 200 m2, được trang bị hệ thống chữa cháy tự động bằng bọt hoặc nước (trừ gian phòng hạng nguy hiểm cháy A, B, các gian phòng liên thông trực tiếp với các buồng thang bộ không nhiễm khói N2 và N3, và các gara ô tô kín với việc đỗ xe thủ công (lái xe phải tự đỗ xe));

b) Các gian phòng được trang bị chữa cháy tự động bằng khí, bột, aerosol (trừ các gara giữ xe kín với việc đỗ xe thủ công);

c) Các hành lang và sảnh mà tất cả các gian phòng có cửa đi vào hành lang hoặc sảnh này đã được thiết kế thoát khói trực tiếp;

d) Các gian phòng diện tích đến 50 m2 mỗi gian, nằm trong gian phòng chính đã được thiết kế thoát khói;

e) Các hành lang (trừ các hành lang đã được quy định trong a) và b) của D.2) không có thông gió tự nhiên khi có cháy, nếu không có người làm việc thường xuyên trong tất cả các gian phòng có cửa đi vào hành lang này, và các cửa đi này là cửa ngăn cháy kín khói;

f) Các gian phòng công năng công cộng xây dựng tại tầng 1 (tầng trệt) trong các nhóm F1.2 và F1.3, có kết cấu ngăn cách với khu vực ở và có lối ra thoát nạn trực tiếp ra bên ngoài khi khoảng cách từ điểm xa nhất của gian phòng đến lối ra này không lớn hơn 25 m và diện tích không lớn hơn 800 m2.

D.4  Lưu lượng hút khói phải được xác định bằng tính toán trong những trường hợp sau:

a) Từ các hành lang nêu tại các đoạn a), b), c) và d) của D.2 - cho mỗi đoạn chiều dài không lớn hơn 60 m;

b) Từ các gian phòng nêu tại các đoạn e), f), g) và h) của D.2 - cho mỗi vùng khói có diện tích không lớn hơn 3 000 m2.

D.5  Thiết kế hệ thống hút xả khói bảo vệ các hành lang phải riêng biệt với hệ thống hút xả khói để bảo vệ các phòng.

Cho phép sử dụng hệ thống hút xả khói chung cho việc bảo vệ các hành lang của các gian phòng tại đoạn f) của D.3 và các hành lang của các phòng ở thuộc các tầng trên, nếu toàn bộ các gian phòng này đều nằm trong một khoang cháy.

D.6  Cửa thu khói của các giếng hút khói để hút khói từ các hành lang phải đặt ở dưới trần của hành lang và không được thấp hơn dạ cửa (cạnh trên của lỗ cửa đi) của lối ra thoát nạn. Cho phép đặt các cửa thu khói trên các ống nhánh dẫn vào giếng hút khói. Chiều dài hành lang cần lắp một cửa thu khói như sau:

-  Không lớn hơn 45 m nếu là hành lang thẳng;

-  Không lớn hơn 30 m nếu là hành lang gấp khúc;

-  Không lớn hơn 20 m nếu là hành lang dạng vòng khép kín.

Chiều dài hành lang được tính bằng tổng chiều dài các đoạn hành lang nằm liên tiếp nhau, có hình chữ nhật hoặc gần chữ nhật.

D.7.  Khi hút khói trực tiếp từ các gian phòng có diện tích lớn hơn 3 000 m2 thì phải ngăn chia gian phòng (bằng giải pháp bao che (sử dụng các bộ phận ngăn khói) hoặc giải pháp giả định) thành các vùng khói (bể khói) có diện tích không lớn hơn 3 000 m2 và phải tính đến khả năng xảy ra cháy ở một trong các vùng đó. Mỗi cửa thu khói chỉ được tính phục vụ cho một diện tích không quá 1 000 m2.

Nếu sử dụng các bộ phận ngăn khói (màn ngăn khói) để phân chia gian phòng thành các vùng khói thì cho phép thiết kế chỉ bật một hệ thống hút xả khói tại vùng khói có cháy. Nếu sử dụng giải pháp giả định để phân chia gian phòng thành các vùng khói thì phải có cơ sở tính toán tương ứng và phải thiết kế bật tất cả các hệ thống hút xả khói đồng thời cho tất cả các vùng khói.

CHÚ THÍCH:  Màn ngăn khói là màn cuốn được điều khiển tự động từ xa, hoặc là bộ phận kết cấu cố định làm từ vật liệu không cho khói xuyên qua với tính cháy không nguy hiểm hơn Ch1 trên nền không cháy (dạng lưới, vải và các dạng khác), được gắn vào trần gian phòng được bảo vệ hoặc gắn vào lỗ mở trên tường và hạ xuống một đoạn không nhỏ hơn chiều dày lớp khói tạo thành, có tác dụng ngăn khói lan cũng như phân chia gian phòng thành các vùng khói.

D.8. Để thoát khói trực tiếp cho các gian phòng và hành lang của nhà một tầng có thể áp dụng hệ thống hút xả khói theo cơ chế cưỡng bức, hoặc theo cơ chế tự nhiên thông qua các giếng (ống) thu khói với van khói, thông qua các cửa nắp hút khói, hoặc thông qua các cửa trời mở và không đón gió vào.

CHÚ THÍCH 1: Hệ thống hút xả khói theo cơ chế cưỡng bức là hệ thống hút xả khói, trong đó lực hút khói ra ngoài được tạo ra và duy trì bởi quạt hút.

CHÚ THÍCH 2: Hệ thống hút xả khói theo cơ chế tự nhiên là hệ thống hút xả khói, trong đó khói tự thoát ra ngoài nhà qua các lỗ mở trên kết cấu bao che của nhà theo các định luật vật lý tự nhiên.

Trong các nhà nhiều tầng cần sử dụng hệ thống hút xả khói theo cơ chế cưỡng bức. Cho phép sử dụng hệ thống hút xả khói theo cơ chế tự nhiên đối với tầng trên cùng của nhà nhiều tầng, thông qua van khói, cửa nắp hút khói, hoặc các cửa trời mở, cửa chớp mở và không đón gió vào.

Đối với nhà một tầng và tầng trên cùng của nhà nhiều tầng, cho phép sử dụng thông gió tự nhiên khi có cháy thay cho hệ thống hút xả khói khi bảo đảm các điều kiện sau:

-  Có tính toán thoát khói phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng, với các điều kiện bất lợi nhất đối với thoát khói (về nhiệt độ không khí bên ngoài, vận tốc gió bên ngoài, vị trí đám cháy, vị trí và tình trạng mở của các ô cửa và các yếu tố khác). Trong tính toán, biên dưới của lớp khói phải không thấp hơn 2 m tính tới mặt sàn cao nhất có thể đi bộ được trong hành lang hay gian phòng đang xét.

-  Các ô cửa, cửa trời được kể đến trong tính toán thoát khói phải luôn mở, hoặc tự động mở khi có cháy và phải đảm bảo có thể điều khiển mở từ xa bởi con người. Diện tích mở của các ô cửa, cửa trời khi có cháy phải phù hợp với tính toán.

D.9  Hệ thống hút xả khói phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Việc bố trí các quạt hút (bao gồm cả các bộ phận phụ trợ của quạt để kết nối với ống) với giới hạn chịu lửa phù hợp (ví dụ: 0,5 giờ ở 200oC; 0,5 giờ ở 300oC; 1 giờ ở 300oC; 1 giờ ở 400oC; 1 giờ ở 600oC hoặc 1,5 giờ ở 600oC, v.v ...) phải được thực hiện căn cứ vào nhiệt độ tính toán của dòng khí chuyển dịch và hạng của gian phòng được bảo vệ;

b) Các đường ống và kênh dẫn nếu có yêu cầu về giới hạn chịu lửa thì phải được chế tạo từ vật liệu không cháy (bao gồm cả các lớp bọc phủ cách nhiệt và bảo vệ chịu lửa của ống) và có độ kín cấp B (phân cấp độ kín theo xác định theo EN 15727 hoặc tiêu chuẩn tương đương), với giới hạn chịu lửa không thấp hơn:

-  EI 120 - đối với các đường ống và kênh dẫn khói nằm bên ngoài phạm vi của khoang cháy mà hệ thống đó phục vụ; khi đó tại các vị trí đường ống và kênh khói đi xuyên qua tường, sàn ngăn cháy của khoang cháy không được lắp các van ngăn cháy loại thường mở;

-  EI 60 - đối với các đường ống và kênh dẫn khói nằm trong phạm vi của khoang cháy được phục vụ, khi sử dụng để thải khói từ các gara để xe dạng kín;

-  EI 45 - đối với đường ống và kênh dẫn khói theo phương đứng nằm trong phạm vi của khoang cháy được phục vụ, khi hút khói trực tiếp tại khu vực phục vụ đó;

-  EI 30 - đối với các trường hợp khác nằm trong phạm vi khoang cháy được phục vụ.

CHÚ THÍCH 1:  Không yêu cầu giới hạn chịu lửa đối với các đường ống nằm trong kênh hoặc giếng kỹ thuật được bao che bởi các bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa tương đương theo quy định.

CHÚ THÍCH 2:  Van ngăn cháy loại thường mở là loại van ngăn cháy sẽ bị đóng lại khi có cháy.

c) Van ngăn cháy loại thường đóng có giới hạn chịu lửa không thấp hơn:

-  EI 60 - đối với các gara để xe kín;

-  EI 45 - dùng cho việc xả khói trực tiếp từ các gian phòng được bảo vệ;

-  EI 30 - đối với các hành lang và sảnh khi lắp đặt van trên các ống nhánh từ giếng thu khói;

-  EI 30 - đối với các hành lang và sảnh khi lắp đặt van khói trực tiếp trên lỗ mở của giếng thu khói;

d) Khói và sản phẩm cháy phải được xả ra bên ngoài nhà và công trình theo các phương án sau:

-  Xả lên trên mái nhà: phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu 5 m từ vị trí xả khói đến cửa hút không khí của hệ thống cấp không khí chống khói. Chiều cao ống xả khói tối thiểu 2 m nếu mái làm từ vật liệu cháy, cho phép lấy chiều cao ống xả khói thấp hơn nếu mái được bảo vệ bằng vật liệu không cháy trong khoảng cách tối thiểu 2 m tính từ mép cửa xả khói, hoặc không cần bảo vệ nếu sử dụng quạt hút dạng mái xả khói theo phương đứng;

-  Xả qua các cửa nắp hút khói, có xét đến vận tốc gió bên ngoài nhà;

-  Qua các ô thoáng, giếng xả khói nằm trên tường ngoài không có ô cửa hoặc cách các ô cửa không nhỏ hơn 5 m theo cả phương ngang và phương đứng và cách mặt đất hơn 2 m. Khoảng cách đến ô cửa có thể giảm xuống nếu bảo đảm vận tốc xả khói không nhỏ hơn 20 m/s;

-  Qua các giếng xả khói tách biệt nằm trên mặt đất ở khoảng cách không nhỏ hơn 15 m tính đến tường ngoài có cửa sổ (trong trường hợp các cửa sổ tường ngoài là cửa kín khói, luôn đóng hoặc tự động đóng khi có cháy thì không quy định khoảng cách tối thiểu), hoặc tính từ các miệng hút của hệ thống cấp không khí thông gió của các nhà lân cận hoặc của hệ thống cấp không khí chống khói của nhà đang xét. Cho phép thay thế yêu cầu này bằng các giải pháp xả khói khác theo tài liệu chuẩn được phép áp dụng.

Cho phép xả khói từ các ống hút khói từ tầng hầm và tầng nửa hầm qua các khoang được thông gió. Trong trường hợp này, miệng xả khói phải được đặt cách nền của khoang thông gió ở tầng hầm thứ nhất ít nhất là 6 m (cách kết cấu của một nhà ít nhất là 3 m theo chiều đứng và 1 m theo chiều ngang) hoặc đối với thiết bị xả dạng ướt phải cách mặt sàn ít nhất là 3 m. Không lắp các van khói trên những ống này.

Các quạt hút khói phải được đặt trong các gian phòng riêng biệt với kết cấu bao che có giới hạn chịu lửa không thấp hơn giới hạn chịu lửa yêu cầu của các ống dẫn khói đi xuyên qua các kết cấu bao che này, hoặc đặt ngay trong các gian phòng mà chúng bảo vệ.

Các quạt hút khói có thể đặt trên mái hoặc bên ngoài nhà với kết cấu bao che bảo đảm không cho người lạ tiếp cận. Cho phép đặt quạt hút trên tường ngoài nhà khi đáp ứng các yêu cầu nêu tại đoạn d) của D.9.

D.10  Khi có cháy, hệ thống cấp không khí chống khói phải cấp không khí từ ngoài vào các khu vực sau:

a) Giếng thang máy (khi ở cửa ra giếng thang không có khoang đệm ngăn cháy được bảo vệ bởi hệ thống cấp không khí chống khói) ở những nhà có các buồng thang bộ không nhiễm khói;

b) Khoang đệm của các giếng thang máy chữa cháy;

c) Các buồng thang bộ không nhiễm khói loại N2;

d) Các khoang đệm ngăn cháy tại tầng có cháy của buồng thang bộ không nhiễm khói loại N3;

e) Các khoang đệm ngăn cháy từ cửa ra thang máy vào các gian để xe của ga ra ngầm;

f) Các khoang đệm ngăn cháy ở cầu thang bộ bên trong nhà, dẫn vào các gian phòng của tầng 1 từ các tầng hầm hoặc tầng nửa hầm có các phòng có sử dụng hoặc cất giữ các chất và vật liệu cháy hoặc có các hành lang không có thông gió tự nhiên. Trong các khoang đệm ở các gian xưởng luyện, đúc, cán và các gian gia công nhiệt khác cho phép cấp không khí vào từ các gian thông khí của nhà;

g) Khoang đệm ngăn cháy ở lối vào các sảnh thông tầng và khu bán hàng, từ cao trình của các tầng nửa hầm và tầng hầm;

h) Khoang đệm (nếu có yêu cầu trong quy chuẩn về việc phải bố trí khoang đệm ở buồng thang bộ loại N2) tại tầng có cháy của các buồng thang bộ loại N2 trong các nhà chung cư có chiều cao PCCC trên 75 m, nhà hỗn hợp chiều cao PCCC trên 28 m, và nhà công cộng có chiều cao PCCC trên 50 m;

i) Phần dưới của các gian phòng và hành lang được bảo vệ bằng hệ thống hút xả khói, nhằm bù lại khối tích khói đã bị hút xả ra ngoài;

CHÚ THÍCH:  Phần dưới của các gian phòng hoặc hành lang: là phần của gian phòng hoặc hành lang nằm dưới lớp khói khi có cháy, được bảo vệ bởi hệ thống hút xả khói và cấp không khí chống khói.

j) Khoang đệm ngăn cháy, ngăn cách gara ô-tô kín dạng ngầm hoặc nổi với các gian phòng có công năng khác;

k) Khoang đệm ngăn cháy, ngăn chia gian giữ ô-tô với đường dốc kín của các gara ngầm;

l) Khoang đệm ngăn cháy ở các lối vào tiền sảnh từ buồng thang bộ loại N2 có thông với các tầng trên của nhà;

m) Khoang đệm ngăn cháy (sảnh thang máy) ở lối ra từ thang máy vào tầng nửa hầm và các tầng hầm của nhà;

n) Các gian phòng thuộc vùng an toàn (nếu có) trên tầng có đám cháy.

Cho phép cấp không khí tạo áp suất dương vào các hành lang chung của các gian phòng được hút khói trực tiếp, cũng như vào các hành lang liên thông với khu giải trí, phòng chờ, các hành lang khác, các sảnh, sảnh thông tầng được bảo vệ bởi hệ thống hút xả khói.

Trong các khoang đệm ngăn cháy (sảnh thang máy) trên lối ra từ thang máy vào các tầng hầm của nhà, không cho phép cấp không khí từ giếng thang qua các van ngăn cháy thường đóng, nếu tầng dừng chính của các thang này nằm tại tầng 1 của nhà, và các giếng thang được bảo vệ bởi hệ thống cấp không khí chống khói với không khí cấp vào không xuống quá tầng dừng chính.

Khi bố trí vùng an toàn tại các sảnh thang máy, không cho phép cấp không khí vào các sảnh này qua các van ngăn cháy thường đóng từ các giếng thang bên cạnh.

D.11  Lưu lượng không khí cấp vào của hệ thống cấp không khí chống khói phải được tính toán bảo đảm áp suất dư từ 20 Pa đến 50 Pa trong các khu vực sau:

a) Trong các giếng thang máy - khi tất cả các cửa giếng thang máy đều đóng, trừ cửa tại tầng dừng chính của thang máy;

b) Trong các buồng thang bộ loại N2 - lấy giá trị lưu lượng lớn hơn trong các trường hợp sau:

-  Trên tầng có cháy: Khi các cửa từ hành lang và sảnh vào đường thoát nạn dẫn vào buồng thang bộ đều mở, hoặc các cửa từ các gian phòng trực tiếp vào buồng thang bộ đều mở;

-  Cửa từ trong nhà đi ra ngoài trời mở, còn tất cả các cửa khác dẫn từ hành lang và sảnh trên tất cả các tầng đều đóng;

c) Trong các khoang đệm ngăn cháy tại tầng có cháy (khi các cửa đều đóng).

Lưu lượng không khí cấp vào các khoang đệm ngăn cháy trên lối vào các buồng thang bộ N2 hoặc N3, vào các cầu thang bộ loại 2, trên các lối vào sảnh thông tầng từ các tầng hầm và nửa hầm, trước sảnh thang máy của các ga ra ngầm, cần được tính toán bảo đảm điều kiện vận tốc dòng khí qua lỗ cửa mở không nhỏ hơn 1,3 m/s, có xét đến hoạt động đồng thời của hệ thống hút xả khói.

Giá trị áp suất dương được xác định so với các gian phòng lân cận phòng được bảo vệ.

D.12 Khi tính toán các tham số của hệ thống cấp không khí chống khói cần tuân thủ những yêu cầu sau:

a) Áp suất dư không nhỏ hơn 20 Pa và không lớn hơn 50 Pa trong các khu vực sau:

-  Buồng thang bộ N2;

-  Các khoang đệm ngăn cháy trên cửa vào các buồng thang bộ N2 hoặc N3 từ các tầng;

-  Các khoang đệm ngăn cháy trên cửa vào sảnh thông tầng từ các tầng hầm và nửa hầm;

-  Các khoang đệm ngăn cháy ngăn cách gian để ô tô với đường dốc của gara ngầm;

-  Các sảnh thang máy của các tầng hầm và nửa hầm;

-  Các hành lang chung của các gian phòng được hút khói trực tiếp;

-  Các phòng của vùng an toàn (nếu có);

-  Trong các giếng thang máy.

b) Khi có cửa hai cánh thì lấy diện tích của cánh lớn hơn, khi đó diện tích này phải không nhỏ hơn diện tích cần thiết cho việc thoát nạn. Trong trường hợp ngược lại phải lấy diện tích toàn bộ cửa hai cánh;

c) Buồng thang máy dừng ở tầng dừng chính;

d) Áp suất dư trên các cửa đóng của lối ra thoát nạn không được vượt quá 50 Pa dưới tác dụng đồng thời của hệ thống hút xả khói và cấp không khí chống khói.

D.13  Hệ thống cấp không khí chống khói phải thỏa mãn các điều kiện sau:

a) Các quạt đẩy có thể được lắp đặt tại các vị trí sau:

-  Trong các gian phòng không có các loại quạt khác, với giới hạn chịu lửa của kết cấu bao che không thấp hơn giới hạn chịu lửa yêu cầu đối với các kết cấu giao cắt với đường ống;

-  Trong phạm vi một khoang cháy: trong các gian phòng chứa hệ thống cấp không khí vào của hệ thống thông gió chung nếu thỏa mãn yêu cầu của tiêu chuẩn thiết kế, hoặc lắp đặt trực tiếp trong các buồng thang bộ, hành lang và các khoang đệm ngăn cháy;

-  Trên mái và ngoài nhà, với kết cấu bao che tránh sự tiếp cận của người lạ.

b) Các đường ống và kênh dẫn phải được chế tạo từ vật liệu không cháy (bao gồm cả các lớp bọc phủ cách nhiệt và bảo vệ chịu lửa của ống), có độ kín cấp B và giới hạn chịu lửa không thấp hơn:

-  EI 120 - đối với các giếng gom không khí và kênh cấp không khí nằm ngoài phạm vi khoang cháy được phục vụ;

-  EI 120 - đối với các kênh của hệ thống cấp không khí bảo vệ các khoang đệm của giếng thang máy chữa cháy;

-  EI 60 - đối với các kênh cấp không khí vào khoang đệm ngăn cháy trên lối vào buồng thang bộ N2 hoặc N3 từ các tầng, cũng như cấp không khí cho các gian của ga ra để xe kín;

-  EI 30 - đối với các giếng gom không khí và kênh cấp không khí trong phạm vi khoang cháy được phục vụ.

CHÚ THÍCH:  Không yêu cầu giới hạn chịu lửa đối với các đường ống nằm trong kênh hoặc giếng kỹ thuật được bao che bởi các bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa tương đương theo quy định.

c) Các cửa lấy không khí bên ngoài phải bố trí cách cửa xả khói của hệ thống hút xả khói không nhỏ hơn 5 m;

d) Các van ngăn cháy thường đóng trong các kênh cấp không khí vào khoang đệm ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn:

-  EI 120 - đối với các hệ thống được quy định tại đoạn b) của D.10;

-  EI 60 - đối với các hệ thống được quy định tại các đoạn d), e), h), j), k), l) của D.10;

-  EI 30 - đối với các hệ thống trong các đoạn f), g), i) của D.10, cũng như đoạn m) của D.10 có kể đến đoạn b) của D.13.

CHÚ THÍCH:  Không yêu cầu giới hạn chịu lửa đối với van ngăn cháy thường đóng trong các đường ống cấp không khí vào nằm trong kênh hoặc giếng kỹ thuật được bao bởi các bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa tương đương theo quy định.

e) Van ngăn cháy không cần lắp đặt cho các hệ thống chỉ phục vụ một khoang đệm ngăn cháy. Không cho phép áp dụng cánh van không cách nhiệt trong các van ngăn cháy thường đóng trong các kênh dẫn không khí vào khoang đệm ngăn cháy;

f) Khoảng cách tối thiểu giữa cửa thu khói của hệ thống hút xả khói và cửa cấp không khí của hệ thống cấp không khí chống khói nêu trong đoạn i) của D.10 không nhỏ hơn 1,5 m theo phương đứng.

D.14  Một số yêu cầu đối với các giải pháp mặt bằng - không gian và các giải pháp cấu tạo

D.14.1 Các kết cấu bao che của các gian phòng để thiết bị thông gió chung nằm trong khoang cháy mà nó phục vụ phải có giới hạn chịu lửa không thấp hơn EI 45.

Các kết cấu bao che của các gian phòng để thiết bị thông gió thoát khói - theo các yêu cầu của D.9 và đoạn a) của D.13.

Cửa vào các gian phòng trên phải là cửa ngăn cháy loại 2 (trừ các gian phòng để thiết bị thông gió chung thuộc hạng E).

D.14.2 Các kết cấu bao che của các gian phòng để thiết bị thông gió chung và thông gió thoát khói nằm ngoài khoang cháy mà nó phục vụ phải có giới hạn chịu lửa không thấp hơn EI 150. Cửa vào các gian phòng trên phải là cửa ngăn cháy loại 1.

D.14.3 Trong các nhà không được bảo vệ bởi hệ thống hút xả khói, không cho phép cửa thang máy được mở sẵn ở một tầng bất kỳ.

D.14.4 Lối ra từ thang máy vào ga ra ngầm phải có khoang đệm ngăn cháy được bảo vệ bởi hệ thống cấp không khí chống khói.

D.14.5 Để bù lại khối tích khói đã bị hút ra khỏi gian phòng bởi hệ thống hút xả khói, phải thiết kế hệ thống cấp không khí vào theo cơ chế tự nhiên hoặc cưỡng bức:

a) Không khí theo cơ chế tự nhiên có thể cấp vào qua các lỗ mở trên tường bao che ngoài hoặc qua các giếng cấp không khí với van được dẫn động tự động và dẫn động từ xa. Các lỗ mở phải được bố trí ở phần dưới của gian phòng được bảo vệ. Để bù không khí cho các sảnh thông tầng và hành lang bao quanh sảnh thông tầng có thể sử dụng các lỗ cửa đi của lối thoát nạn trực tiếp ra ngoài trời, khi đó các cửa này phải được điều khiển tự động từ xa. Tổng diện tích thông khí của các lỗ cửa mở phải được xác định phù hợp với D.4 và đáp ứng yêu cầu vận tốc dòng khí đi qua các lỗ cửa không vượt quá 6 m/s;

b) Hệ thống cấp không khí chống khói theo cơ chế cưỡng bức có thể được thiết kế độc lập hoặc sử dụng chính các hệ thống cấp không khí vào khoang đệm ngăn cháy hoặc các giếng thang máy (trừ các giếng thang máy chữa cháy và buồng thang bộ N2).

 

PHỤ LỤC E

(quy định)

KHOẢNG CÁCH PHÒNG CHÁY CHỐNG CHÁY

E.1 Khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa các nhà ở, nhà và công trình công cộng, và từ các nhà ở, nhà và công trình công cộng đến nhà và công trình sản xuất, nhà kho

Khoảng cách phòng cháy chống cháy tối thiểu giữa các nhà ở, nhà và công trình công cộng (bao gồm cả nhà văn phòng, nhà dịch vụ) được quy định tại Bảng E.1.

Khoảng cách phòng cháy chống cháy tối thiểu từ các nhà ở, nhà và công trình công cộng nêu trên đến các nhà và công trình sản xuất, nhà kho được quy định tại Bảng E.1.

Trong trường hợp cần bảo đảm khoảng cách giữa các nhà, công trình phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thì khoảng cách giữa hai công trình phải bảo đảm các yêu cầu tương ứng, ngoài các quy định tại phụ lục này đối với khoảng cách phòng cháy chống cháy.

CHÚ THÍCH:  Xác định khoảng cách phòng cháy chống cháy đối với gara để xe tương tự như đối với nhà kho; đối với nhà hành chính - phụ trợ trong các cơ sở công nghiệp - tương tự như nhà công cộng.

Bảng E.1 - Khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa các nhà ở, nhà và công trình công cộng và khoảng cách từ các nhà ở, nhà và công trình công cộng đến nhà và công trình sản xuất, nhà kho

Bậc chịu lửa của nhà thứ nhất

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà thứ nhất

Khoảng cách phòng cháy chống cháy tối thiểu, m, đến nhà ở và nhà công cộng thứ hai với bậc chịu lửa và cấp nguy hiểm cháy kết cấu

I, II, III

S0

II, III

S1

IV

S0, S1

IV, V

S2, S3

1. Nhà ở và nhà công cộng

 I, II, III

S0

6

8

8

10

 II, III

S1

8

10

10

12

 IV

S0, S1

8

10

10

12

 IV, V

S2, S3

10

12

12

15

2. Nhà sản xuất và nhà kho

 I, II, III

S0

10

12

12

12

 II, III

S1

12

12

12

12

 IV

S0, S1

12

12

12

15

 IV, V

S2, S3

15

15

15

18

CHÚ THÍCH 1: Khoảng cách giữa các nhà và công trình là khoảng cách thông thủy giữa các bức tường ngoài hoặc các kết cấu bao che của chúng. Trong trường hợp các kết cấu, cấu kiện của nhà và công trình làm bằng những vật liệu cháy vươn ra hơn 1 m thì phải lấy khoảng cách giữa các kết cấu, cấu kiện này.

CHÚ THÍCH 2: Khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa các bức tường đặc (không có lỗ cửa sổ) của nhà ở và nhà, công trình công cộng (với bậc chịu lửa I đến IV; cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0, S1; lớp hoàn thiện tường ngoài có tính cháy tối thiểu Ch1; lớp mặt ngoài (chống thấm) của mái tối thiểu Ch1 và LT1) đến các nhà và công trình khác cho phép lấy nhỏ hơn 20% giá trị quy định trong bảng này.

CHÚ THÍCH 3: Đối với các nhà 2 tầng kết cấu lắp ghép dạng khung-tấm với bậc chịu lửa V, cũng như các nhà được lợp bằng vật liệu cháy, thì khoảng cách phòng cháy chống cháy cần phải tăng thêm 20% giá trị quy định trong bảng này.

CHÚ THÍCH 4: Không quy định khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa các nhà ở, nhà và công trình công cộng nếu bức tường cao và rộng hơn giữa hai nhà, hoặc cả hai bức tường liền kề của hai nhà là các tường ngăn cháy loại 1.

CHÚ THÍCH 5: Không quy định khoảng cách giữa các nhà ở, cũng như giữa các nhà ở và các công trình phục vụ sinh hoạt khác khi tổng diện tích đất xây dựng (gồm cả diện tích đất không xây dựng giữa chúng) không vượt quá diện tích tầng cho phép lớn nhất trong phạm vi của một khoang cháy xác định theo bậc chịu lửa và cấp nguy hiểm cháy kết cấu kém nhất (xem Phụ lục H).

CHÚ THÍCH 6: Không quy định khoảng cách giữa các nhà và công trình công cộng khi tổng diện tích đất xây dựng (gồm cả diện tích đất không xây dựng giữa chúng) không vượt quá diện tích tầng cho phép lớn nhất trong phạm vi của một khoang cháy (xem Phụ lục H).

Chú thích này không áp dụng cho các nhà và công trình thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.1 và F4.1, và các cơ sở kinh doanh khí cháy, chất lỏng cháy và chất lỏng dễ bắt cháy, cũng như các chất và vật liệu có khả năng nổ và cháy khi tác dụng với nước, ô xi trong không khí hoặc giữa chúng với nhau.

CHÚ THÍCH 7: Cho phép giảm 50% khoảng cách phòng cháy chống cháy quy định trong bảng này đối với các nhà, công trình có bậc chịu lửa I và II, cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0 và mỗi nhà đều được trang bị chữa cháy tự động toàn nhà.

E.2 Khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa các nhà sản xuất, nhà kho

Khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa các nhà trong một cơ sở công nghiệp, phụ thuộc vào bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu và hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ, phải không nhỏ hơn các giá trị quy định tại Bảng E.2.

Bảng E.2 - Khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa các nhà trong một cơ sở công nghiệp

Bậc chịu lửa và cấp nguy hiểm cháy kết cấu

Khoảng cách giữa các nhà, m

Bậc chịu lửa I và II.
Bậc chịu lửa III và IV
với cấp S0

Bậc chịu lửa III và cấp S1

Bậc chịu lửa III và cấp S2, S3. Bậc chịu lửa IV và cấp S1, S2, S3. Bậc chịu lửa V

1. Bậc chịu lửa I và II. Bậc chịu lửa III và IV với cấp S0

Nhà hạng D và E: không quy định

9

12

Nhà hạng A, B, C: 9 m (xem thêm chú thích 3)

 

 

2. Bậc chịu lửa III và cấp S1

9

12

15

3. Bậc chịu lửa III và cấp S2, S3. Bậc chịu lửa IV và cấp S1, S2, S3. Bậc chịu lửa V

12

15

18

CHÚ THÍCH 1: Khoảng cách nhỏ nhất giữa các nhà là khoảng cách thông thủy giữa các bức tường ngoài hoặc kết cấu bên ngoài của chúng. Trong trường hợp nhà hoặc công trình có phần kết cấu, cấu kiện làm bằng những vật liệu cháy vươn ra hơn 1 m thì khoảng cách nhỏ nhất phải lấy là khoảng cách giữa các kết cấu, cấu kiện này.

CHÚ THÍCH 2: Không quy định khoảng cách giữa các nhà nhóm F5 trong những trường hợp sau:

a) Nếu tổng diện tích mặt sàn của từ 2 nhà trở lên có bậc chịu lửa III, IV không vượt quá diện tích lớn nhất cho phép của một tầng trong phạm vi một khoang cháy (Phụ lục H) tính theo hạng nguy hiểm cháy cao nhất, bậc chịu lửa và cấp nguy hiểm cháy thấp nhất.

b) Nếu tường của nhà, công trình cao hơn hoặc rộng hơn quay về phía một công trình khác là tường ngăn cháy loại 1.

c) Nếu các nhà và công trình có bậc chịu lửa III, không phụ thuộc vào tính nguy hiểm cháy của các gian phòng trong chúng, có các bức tường đứng đối diện là tường ngăn cháy loại 2 với các lỗ mở được chèn bịt bằng cửa ngăn cháy hoặc van ngăn cháy loại 2.

Khoảng cách giữa các nhà phải bảo đảm các yêu cầu về khoảng cách phục vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

CHÚ THÍCH 3: Khoảng cách đã quy định trong bảng này đối với những nhà có bậc chịu lửa I, II, cũng như các nhà bậc III, IV với cấp S0 thuộc hạng A, B, C được giảm từ 9 m xuống còn 6 m khi các nhà đó được trang bị hệ thống chữa cháy tự động cho toàn nhà.

E.3 Xác định diện tích lỗ mở không được bảo vệ chống cháy của tường ngoài và giới hạn chịu lửa tương ứng của phần tường ngoài phải bảo vệ chống cháy

E.3.1 Khoảng cách phòng cháy chống cháy theo đường ranh giới được quy định trong phần này để xác định t lệ diện tích tường ngoài không được bảo vệ chống cháy và giới hạn chịu lửa của tường ngoài.

E.3.2 Khoảng cách phòng cháy chống cháy theo đường ranh giới là chiều rộng của khoảng không gian hở và không thay đổi, đo theo phương ngang vuông góc 90° từ tường ngoài nhà tới đường ranh giới của khu đất liền kề, hoặc tới đường trung tuyến của đường giao thông tiếp giáp, hoặc tới một đường quy ước giữa tường ngoài của các nhà liền kề trong cùng một khu đất.

Đường quy ước được xác định như sau:

-  Nếu một nhà đã có sẵn thì đường quy ước sẽ song song và cách mặt ngoài của nhà có sẵn một khoảng cách tương ứng với tổng diện tích mặt ngoài không được bảo vệ và giới hạn chịu lửa tường ngoài của nhà này (xem các bảng E.3, E.4a và E.4b);

-  Nếu cả hai nhà đều xây mới thì đường quy ước là đường phù hợp với diện tích mặt ngoài không được bảo vệ và giới hạn chịu lửa tường ngoài của cả hai nhà.

-  Nếu mặt ngoài nhà có hình dáng không đều thì đường phân định được xác định theo phương án an toàn nhất từ các mặt phẳng tường ngoài khác nhau.

CHÚ THÍCH:  Phần không được bảo vệ chống cháy của tường ngoài thường là các phần sau:

a) Các cửa (cửa đi, cửa sổ, và cửa tương tự) không đáp ứng yêu cầu là các cửa ngăn cháy trong tường ngăn cháy;

b) Các phần tường có giới hạn chịu lửa thấp hơn giới hạn chịu lửa của tường ngăn cháy tương ứng;

c) Các phần tường mà bề mặt ngoài có sử dụng các vật liệu có tính nguy hiểm cháy bằng và cao hơn các nhóm Ch1 và LT1.

E.3.3 Tỷ lệ tổng diện tích lớn nhất của các lỗ mở không được bảo vệ chống cháy so với tổng diện tích bề mặt tường đối diện với đường ranh giới được xác định theo các bảng E.4a và E.4b. Giới hạn chịu lửa của phần tường được bảo vệ chống cháy được quy định tại Bảng E.3.

CHÚ THÍCH: Trong mọi trường hợp, phải tuân thủ cả yêu cầu chống cháy lan theo mặt ngoài nhà tại 4.32, 4.33.

Bảng E.3 - Giới hạn chịu lửa của tường ngoài phụ thuộc vào khoảng cách phòng cháy chống cháy theo đường ranh giới

Nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng

Khoảng cách phòng cháy chống cháy theo đường ranh giới, m

Diện tích lỗ mở không được bảo vệ chống cháy

≥ 0 và ≤ 1,5

> 1,5 và ≤ 3

> 3 và ≤ 9

> 9

1. Các nhóm F3.1, F3.2; karaoke, vũ trường thuộc nhóm F2.1; nhóm F5 hạng C

E 120

E 60

0

0

Xem Bảng E4a

2. Nhóm F5 hạng A, B

E 180

E 120

E 60

0

Xem Bảng E.4a

3. Các nhóm còn lại

E 60

E 60

0

0

Xem Bảng E.4b

 

Bảng E.4a - Tỷ lệ tổng diện tích lớn nhất của các lỗ mở không được bảo vệ chống cháy so với tổng diện tích bề mặt tường đối diện với đường ranh giới, % (cho các nhà thuộc mục 1, 2 Bảng E.3)

Khoảng cách phòng cháy chống cháy theo đường ranh giới, m

Tổng diện tích tường ngoài, m2

9

14

19

23

28

37

47

56

65

74

84

93

140

186

233

326

465

930

≥ 1860

0,0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0,9

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

1,2

4

4

4

4

4

4

4

4

4

4

4

4

4

4

4

4

4

4

4

1,5

6

5

5

5

5

4

4

4

4

4

4

4

4

4

4

4

4

4

4

1,8

9

7

7

6

6

5

5

5

5

4

4

4

4

4

4

4

4

4

4

2,1

12

10

8

8

7

6

6

5

5

5

5

5

4

4

4

4

4

4

4

2,4

17

13

11

9

9

7

7

6

6

6

5

5

5

4

4

4

4

4

4

2,7

21

16

13

12

10

9

8

7

7

7

6

6

5

5

5

4

4

4

4

3,0

27

20

16

14

12

11

9

8

8

7

7

7

6

5

5

5

4

4

4

4,6

69

48

38

31

27

21

18

16

14

13

12

12

9

8

7

6

6

5

4

6,1

100

91

70

57

48

38

31

27

24

22

20

18

16

12

10

9

7

6

5

7,6

100

100

100

91

77

59

48

41

36

32

29

27

20

16

14

11

9

7

5

9,0

100

100

100

100

100

86

59

56

52

46

42

38

27

22

18

15

12

8

6

> 9,0

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

 

Bảng E.4b - Tỷ lệ tổng diện tích lớn nhất của các lỗ mở không được bảo vệ chống cháy so với tổng diện tích bề mặt tường đối diện với đường ranh giới, % (cho các nhà thuộc mục 3, Bảng E.3)

Khoảng cách phòng cháy chống cháy theo đường ranh giới, m

Tổng diện tích tường ngoài, m2

9

14

19

23

28

37

47

56

65

74

84

93

140

186

233

326

465

930

≥ 1860

0,0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0,9

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

1,2

9

8

8

8

8

7

7

7

7

7

7

7

7

7

7

7

7

7

7

1,5

12

11

10

9

9

9

8

8

8

8

8

8

7

7

7

7

7

7

7

1,8

18

15

13

12

11

10

10

9

9

9

9

8

8

8

8

7

7

7

7

2,1

25

20

17

15

14

12

11

11

10

10

10

9

9

8

8

8

8

7

7

2,4

33

2.5

21

19

17

15

14

13

12

11

11

11

10

9

9

8

8

7

7

2,7

43

32

27

23

21

18

16

15

14

13

12

12

11

10

9

9

8

8

7

3,0

55

40

33

28

25

21

19

17

16

15

14

13

12

11

10

9

9

8

7

> 3,0

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

CHÚ THÍCH: Các giá trị trung gian có thể xác định bằng cách nội suy tuyến tính theo các bảng E.4a và E.4b.

 

PHỤ LỤC F

(quy định)

GIỚI HẠN CHỊU LỬA DANH ĐỊNH CỦA MỘT SỐ CẤU KIỆN

F.1 Cấu kiện tường

Bảng F.1 - Tường xây hoặc tường bê tông

Kết cấu và vật liệu

Chiều dày nhỏ nhất không kể lớp trát, mm, để bảo đảm giới hạn chịu lửa

Cho cấu kiện chịu lực

Cho cấu kiện không chịu lực

REI

240

REI

180

REI

120

REI

90

REI

60

REI

30

EI

240

EI

180

EI

120

EI

90

EI

60

EI

30

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

(13)

1. Tường bê tông cốt thép, có chiều dày nhỏ nhất của lớp bê tông bảo vệ cốt thép chịu lực chính là 25 mm:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

a) Không trát (được thiết kế theo tiêu chuẩn lựa chọn áp dụng)

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

b) Trát xi măng cát dày 12,5 mm

180

-

100

100

75

75

-

-

-

-

-

-

2. Tường bê tông nhẹ cốt liệu Nhóm 2 3):

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trát xi măng cát dày 13 mm

-

-

-

-

-

-

150

150

150

150

150

150

3. Tường gạch đất sét nung, tường gạch bê tông:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

a) Không trát

200

200

100

100

100

100

170

170

100

100

75

75

b) Trát xi măng cát dày 13 mm

200

200

100

100

100

100

170

170

100

100

75

75

4. Tường block bê tông cốt liệu Nhóm 1 1):

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

a) Không trát

150

-

100

100

100

100

150

-

75

75

75

50

b) Trát xi măng cát dày 12,5 mm

150

-

100

100

100

100

100

-

75

75

75

50

5. Tường block bê tông cốt liệu Nhóm 2 2):

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

a) Không trát

-

-

100

100

100

100

150

-

100

100

75

50

b) Trát xi măng cát dày 12,5 mm

-

-

100

100

100

100

150

-

100

100

75

50

6. Tường block bê tông khí chưng áp có khối lượng thể tích từ 480 kg/m3 đến 1 200 kg/m3:

180

140

100

100

100

100

100

-

62

62

50

50

7. Tường block bê tông rỗng, 1 lỗ rỗng theo chiều dày tường, cốt liệu Nhóm 1 1):

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

a) Không trát

-

-

100

100

100

100

150

-

100

100

75

75

b) Trát xi măng cát dày 12,5 mm

-

-

100

100

100

100

150

-

100

75

75

75

8. Tường block bê tông rỗng, 1 lỗ rỗng theo chiều dày tường, cốt liệu Nhóm 2 2)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

a) Không trát

-

-

-

-

-

-

150

-

150

125

125

125

b) Trát xi măng cát dày 12,5 mm

-

-

-

-

-

-

150

-

150

125

125

100

9. Tường gạch tổ ong đất sét nung với tỷ lệ độ rỗng nhỏ hơn 50%:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trát xi măng cát dày 12,5 mm

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

100

75

10. Tường rỗng nhiều lớp, có lớp ngoài bằng gạch hoặc block nung làm từ đất sét, bê tông với chiều dày không nhỏ hơn 100 mm và:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

a) Lớp trong bằng gạch hoặc block làm từ đất sét hoặc bê tông

100

100

100

100

100

100

75

-

75

75

75

75

b) Lớp trong bằng gạch hoặc block bê tông cốt liệu Nhóm 1 1) đặc hoặc có lỗ

100

100

100

100

100

100

75

-

75

75

75

75

11. Tường rỗng nhiều lớp có lớp ngoài bằng gạch tổ ong đất sét nung với tỷ lệ độ rỗng nhỏ hơn 50% như mục 9 và lớp trong bằng block bê tông khí chưng áp có khối lượng thể tích từ 480 kg/m3 đến 1 200 kg/m3:

150

140

100

100

100

100

75

75

75

75

75

75

1) “Cốt liệu Nhóm 1” có nghĩa là: xỉ bọt, pumice, xỉ lò cao, tro bay vê viên, gạch và các sản phẩm đất sét nung nghiền nhỏ (bao gồm cả keramzit), clinker nung và đá vôi nghiền.

2) “Cốt liệu Nhóm 2” có nghĩa là: sỏi đá lửa, granite và tất cả các dạng đá tự nhiên nghiền ngoại trừ đá vôi.

CHÚ THÍCH 1: Nguyên tắc xác định giới hạn chịu lửa của các cấu kiện xem thêm phần 2.

CHÚ THÍCH 2: Giới hạn chịu lửa trong bảng chỉ dùng cho kết cấu tĩnh định. Các kết cấu siêu tĩnh được tính toán chịu lửa theo tiêu chuẩn lựa chọn áp dụng.

CHÚ THÍCH 3: Các thông số của tiết diện cấu kiện phải xét đồng thời.

 

Bảng F.2 - Tường ngoài không chịu lực

Kết cấu và vật liệu

Giới hạn chịu lửa

1. Tường bằng khung xương thép có lớp ngoài bằng tấm vật liệu không cháy và lớp trong là:

 

a) Lớp trát xi măng cát hoặc thạch cao dày 12,5 mm trên lưới thép

EI 240

b) Hai lớp tấm ốp dày 9,5 mm

EI 30

c) Tấm ốp dày 9,5 mm trát thạch cao dày 12,5 mm

EI 30

d) Tấm ốp dày 12,5 mm trát thạch cao dày 5 mm

EI 30

2. Tường bằng khung xương gỗ có lớp ngoài dày 10 mm xi măng cát hoặc xi măng - vôi 1)lớp trong là:

 

a) Lớp trát thạch cao dày 16 mm trên lưới thép

EI 60

b) Tấm ốp dày 9,5 mm trát thạch cao dày 12,5 mm

EI 60

c) Tấm ốp dày 12,5 mm trát thạch cao dày 5 mm

EI 60

d) Block bê tông khí chưng áp có chiều dày bằng:

 50 mm


EI 180

 62 mm

EI 240

 75 mm

EI 240

 100 mm

EI 240

3. Tường bằng khung xương gỗ có lớp ngoài dày 100 mm gạch hoặc block làm từ đất sét nung, bê tông, lớp trong trát thạch cao dày 16 mm trên lưới thép

EI 240

4. Tường bằng khung xương gỗ có lớp ngoài các tấm ốp chồng mép hoặc gỗ dán dày 9,5 mm 1)lớp trong là:

 

a) Lớp trát thạch cao dày 16 mm trên lưới thép

EI 30

b) Tấm ốp dày 9,5 mm trát thạch cao dày 12,5 mm

EI 30

c) Tấm ốp dày 12,5 mm trát bằng thạch cao dày 5 mm

EI 30

d) Block bê tông khí chưng áp có chiều dày:

 

 50 mm

EI 180

 62 mm

EI 240

 75 mm

EI 240

 100 mm

EI 240

1) Phải coi sự có mặt của màng ngăn các dạng hơi có thể cháy được trong phần chiều dày của những kết cấu này không có đóng góp gì cho khả năng chịu lửa của chúng.

CHÚ THÍCH: Nguyên tắc xác định giới hạn chịu lửa của các cấu kiện xem thêm phần 2.

F.2 Dầm bê tông cốt thép

Bảng F.3 - Dầm bê tông cốt thép

Đặc điểm

Giá trị nhỏ nhất của thông số, mm, để bảo đảm giới hạn chịu lửa

R 240

R 180

R 120

R 90

R 60

R 30

1. Bê tông dùng cốt liệu gốc silic:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép chịu lực

65 1)

55 1)

45 1)

35

25

15

b) Chiều rộng tiết diện dầm

280

240

180

140

110

80

2. Bê tông dùng cốt liệu gốc silic có trát xi măng hoặc thạch cao dày 15 mm trên lưới thép mảnh:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép chịu lực chính

50 1)

40

30

20

15

15

b) Chiều rộng tiết diện dầm

250

210

170

110

85

70

3. Bê tông dùng cốt liệu gốc silic có trát vermiculite/thạch cao 2) dày 15 mm:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép chịu lực chính

25

15

15

15

15

15

b) Chiều rộng tiết diện dầm

170

145

125

85

60

60

4. Bê tông dùng cốt liệu nhẹ:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép chịu lực chính

50

45

35

30

20

15

b) Chiều rộng tiết diện dầm

250

200

160

130

100

80

1) Có thể bổ sung cốt thép phụ để giữ lớp bê tông bảo vệ nếu cần.

2) Vermiculite/thạch cao phải có tỷ lệ phối trộn theo thể tích nằm trong khoảng 1,5:1 đến 2:1.

CHÚ THÍCH 1: Nguyên tắc xác định giới hạn chịu lửa của các cấu kiện xem thêm phần 2.

CHÚ THÍCH 2: Giới hạn chịu lửa trong bảng chỉ dùng cho kết cấu tĩnh định. Các kết cấu siêu tĩnh được tính toán chịu lửa theo tiêu chuẩn lựa chọn áp dụng.

CHÚ THÍCH 3: Các thông số của tiết diện cấu kiện phải xét đồng thời.

F.3  Dầm bê tông cốt thép ứng suất trước

Bảng F.4 - Dầm bê tông cốt thép ứng suất trước

Đặc điểm

Giá trị nhỏ nhất của thông số, mm,
để bảo đảm giới hạn chịu lửa

R 240

R 180

R 120

R 90

R 60

R   30

1. Bê tông dùng cốt liệu gốc silic:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép ứng suất trước (thanh, cáp)

100 1)

85 1)

65 1)

50 1)

40

25

b) Chiều rộng tiết diện dầm

280

240

180

140

110

80

2. Bê tông dùng cốt liệu gốc silic, có trát thạch cao dày 15 mm trên lưới thép mảnh:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép ứng suất trước (thanh, cáp)

90 1)

75

50

40

30

15

b) Chiều rộng tiết diện dầm

250

210

170

110

85

70

3. Bê tông dùng cốt liệu gốc silic có trát vermiculite/thạch cao 2) dày 15 mm:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép ứng suất trước (thanh, cáp)

75 1)

60

45

30

25

15

b) Chiều rộng tiết diện dầm

170

145

125

85

60

60

4. Bê tông dùng cốt liệu gốc silic có trát vermiculite/thạch cao 2) dày 25 mm:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép ứng suất trước (thanh, cáp)

50

45

30

25

15

15

b) Chiều rộng tiết diện dầm

140

125

85

70

60

60

5. Bê tông dùng cốt liệu nhẹ:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép ứng suất trước (thanh, cáp)

80

65

50

40

30

20

b) Chiều rộng tiết diện dầm

250

200

160

130

100

80

1) Có thể bổ sung cốt thép phụ để giữ lớp bê tông bảo vệ nếu cần.

2) Vermiculite/thạch cao phải có tỷ lệ phối trộn theo thể tích nằm trong khoảng 1,5:1 đến 2:1.

CHÚ THÍCH 1: Nguyên tắc xác định giới hạn chịu lửa của các cấu kiện xem thêm phần 2.

CHÚ THÍCH 2: Giới hạn chịu lửa trong bảng chỉ dùng cho kết cấu tĩnh định. Các kết cấu siêu tĩnh được tính toán chịu lửa theo tiêu chuẩn lựa chọn áp dụng.

CHÚ THÍCH 3: Các thông số của tiết diện cấu kiện phải xét đồng thời.

F.4  Cột bê tông cốt thép

Bảng F.5 - Cột bê tông cốt thép (có 4 mặt đều tiếp xúc với lửa)

Đặc điểm

Giá trị nhỏ nhất của thông số, mm,
để bảo đảm giới hạn chịu lửa

R 240

R 180

R 120

R 90

R 60

R 30

1. Bê tông dùng cốt liệu gốc silic:

 

 

 

 

 

 

a) Không có biện pháp bảo vệ bổ sung

450

400

300

250

200

150

b) Có trát xi măng hoặc thạch cao dày 15 mm trên lưới thép mảnh

300

275

225

150

150

150

c) Có trát vermiculite/thạch cao 1)

275

225

200

150

120

120

2. Bê tông dùng cốt liệu đá vôi hoặc gốc silic:

 

 

 

 

 

 

thể có cốt thép phụ trong lớp bê tông bảo vệ nếu cần

300

275

225

200

190

150

3. Bê tông cốt liệu nhẹ

300

275

225

200

190

150

1) Vermiculite/thạch cao phải có tỷ lệ phối trộn theo thể tích nằm trong khoảng 1,5:1 đến 2:1.

CHÚ THÍCH 1: Nguyên tắc xác định giới hạn chịu lửa của các cấu kiện xem thêm phần 2.

CHÚ THÍCH 2: Giới hạn chịu lửa trong bảng chỉ dùng cho kết cấu tĩnh định. Các kết cấu siêu tĩnh được tính toán chịu lửa theo tiêu chuẩn lựa chọn áp dụng.

CHÚ THÍCH 3: Các thông số của tiết diện cấu kiện phải xét đồng thời.

 

Bảng F.6 - Cột bê tông cốt thép (có 1 mặt tiếp xúc với lửa)

Đặc điểm

Giá trị nhỏ nhất của thông số, mm,
để bảo đảm giới hạn chịu lửa

R 240

R 180

R 120

R 90

R 60

R 30

Bê tông dùng cốt liệu gốc silic:

 

 

 

 

 

 

a) Không có biện pháp bảo vệ bổ sung

180

150

100

100

75

75

b) Có trát vermiculite/thạch cao 1) dày 15 mm trên bề mặt tiếp xúc với lửa

125

100

75

75

65

65

1) Vermiculite/thạch cao phải có tỷ lệ phối trộn theo thể tích nằm trong khoảng 1,5:1 đến 2:1.

CHÚ THÍCH 1: Nguyên tắc xác định giới hạn chịu lửa của các cấu kiện xem thêm phần 2.

CHÚ THÍCH 2: Giới hạn chịu lửa trong bảng chỉ dùng cho kết cấu tĩnh định. Các kết cấu siêu tĩnh được tính toán chịu lửa theo tiêu chuẩn lựa chọn áp dụng.

CHÚ THÍCH 3: Các thông số của tiết diện cấu kiện phải xét đồng thời.

F.5  Kết cấu thép

Bảng F.7 - Cột chống bằng thép được bọc bảo vệ
(khối lượng cột trên 1 m dài không nhỏ hơn 45 kg)

Kết cấu và vật liệu bọc bảo vệ

Chiều dày nhỏ nhất, mm, của lớp bảo vệ để bảo đảm giới hạn chịu lửa

R 240

R 180

R 120

R  90

R  60

R 30

A. Lớp bảo vệ dạng đặc 1) (không trát)

 

 

 

 

 

 

1. Bê tông dùng cốt liệu tự nhiên, không nghèo hơn so với cấp phối 1:2:4 2):

 

 

 

 

 

 

a) Bê tông không tham gia chịu lực, có cốt thép 3)

50

-

25

25

25

25

b) Bê tông có tham gia chịu lực, có cốt thép (được thiết kế theo tiêu chuẩn lựa chọn áp dụng)

75

-

50

50

50

50

2. Gạch đặc đất sét nung

100

75

50

50

50

50

3. Block đặc bằng bê tông xỉ bọt hoặc bê tông pumice, có cốt thép 3) tại tất cả các mạch ngang

75

60

50

50

50

50

B. Lớp bảo vệ dạng rỗng 4)

 

 

 

 

 

 

1. Gạch đặc đất sét nung có cốt thép tại tất cả các mạch ngang, không trát

115

-

50

50

50

50

2. Block đặc bằng bê tông xỉ bọt hoặc bê tông pumice có cốt thép 2) tại tất cả các mạch ngang, không trát

75

-

50

50

50

50

1) Lớp bảo vệ dạng đặc có nghĩa là một vỏ bên ngoài được gắn chặt vào cột thép, không tạo ra khe hở giữa bề mặt tiếp xúc và tất cả các mạch ghép nối trong phần vỏ đó đều kín và đặc.

2) Tỉ lệ 1:2:4 là tỉ lệ xi măng : cát : cốt liệu thô theo thể tích. Bê tông nặng có cấp cường độ tối thiểu B20 theo TCVN 5574:2018 được coi là đạt yêu cầu này.

3) Cốt thép phải là các sợi thép buộc có đường kính không nhỏ hơn 2,3 mm, hoặc là một lưới thép có khối lượng đơn vị không nhỏ hơn 0,48 kg/m2. Trong lớp bê tông bảo vệ, khoảng cách cốt thép, theo bất kỳ chiều nào không được lớn hơn 150 mm.

4) Lớp bảo vệ dạng rỗng có nghĩa là có một khoảng trống giữa vật liệu bảo vệ và thép. Tất cả các lớp bảo vệ dạng rỗng cho cột phải được chèn bịt một cách có hiệu quả tại mỗi cao trình sàn.  

 

Bảng F.8 - Dầm thép được bọc bảo vệ
(khối lượng dầm trên 1 m dài không nhỏ hơn 30 kg)

Kết cấu và vật liệu bảo vệ

Chiều dày nhỏ nhất, mm, của lớp bảo vệ để bảo đảm giới hạn chịu lửa

R 240

R 180

R 120

R 90

R 60

R 30

A. Lớp bảo vệ dạng đặc 1) (không trát)

 

 

 

 

 

 

1. Bê tông cốt liệu tự nhiên, không nghèo hơn so với cấp phối 1:2:4 2):

 

 

 

 

 

 

a) Bê tông không tham gia chịu lực, có cốt thép 3)

75

50

25

25

25

25

b) Bê tông có tham gia chịu lực, có cốt thép (được thiết kế theo tiêu chuẩn lựa chọn áp dụng)

75

75

50

50

50

50

B. Lớp bảo vệ dạng rỗng 4)

1. Lưới thép với:

 

 

 

 

 

 

a) Lớp trát xi măng - vôi với chiều dày

-

-

38

25

19

12,5

b) Lớp trát thạch cao với chiều dày

-

-

22

19

16

12,5

1) Lớp bảo vệ dạng đặc có nghĩa là một vỏ bên ngoài được gắn chặt vào thép, không tạo ra khe hở giữa bề mặt tiếp xúc và tất cả các mạch ghép nối trong phần vỏ đó đều kín và đặc.

2) Tỉ lệ 1:2:4 là tỉ lệ xi măng : cát : cốt liệu thô theo thể tích. Bê tông nặng có cấp cường độ tối thiểu B20 theo TCVN 5574:2018 được coi là đạt yêu cầu này.

3) Cốt thép phải là các sợi thép buộc có đường kính không nhỏ hơn 2,3 mm, hoặc là một lưới thép có khối lượng đơn vị không nhỏ hơn 0,48 kg/m2. Trong lớp bê tông bảo vệ, khoảng cách cốt thép, theo bất kỳ chiều nào không được lớn hơn 150 mm.

4) Lớp bảo vệ dạng rỗng có nghĩa là có một khoảng trống giữa vật liệu bảo vệ và thép. Tất cả các lớp bảo vệ dạng rỗng cho cột phải được chèn bịt một cách có hiệu quả tại mỗi cao trình sàn.

F.6  Kết cấu sàn

Bảng F.9 - Sàn bê tông cốt thép (cốt liệu gốc silic hoặc đá vôi)

Kết cấu sàn

Giá trị nhỏ nhất của thông số, mm,
để bảo đảm giới hạn chịu lửa

REI

240

REI

180

REI

120

REI

90

REI

60

REI

30

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

1. Sàn đặc:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép chịu lực

25

25

20

20

15

15

b) Chiều cao tổng thể 1) của tiết diện

150

150

125

125

100

100

2. Sàn có lỗ rỗng với lỗ rỗng tiết diện tròn hoặc hộp. Phần diện tích tiết diện đặc phải chiếm không ít hơn 50% tổng diện tích tiết diện ngang của sàn:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép chịu lực

25

25

20

20

15

15

b) Chiều dày của phần bê tông dưới lỗ rỗng

50

40

40

30

25

20

c) Chiều cao tổng thể 1) của tiết diện

190

175

160

140

110

100

3. Sàn tiết diện rỗng có một hoặc nhiều khoang rỗng hình hộp theo chiều dọc với chiều rộng lớn hơn chiều cao:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép chịu lực

25

25

20

20

15

15

b) Chiều dày của bản cánh phía dưới

50

40

40

30

25

20

c) Chiều cao tổng thể 1) của tiết diện

230

205

180

155

130

105

4. Sàn sườn có phần rỗng chèn bằng block đất sét nung, hoặc dầm chữ T ngược có phần rỗng được chèn bằng block bê tông hoặc block đất sét nung. Nếu sàn có phần diện tích tiết diện đặc nhỏ hơn 50% tổng diện tích tiết diện ngang thì phải được trát một lớp dày 15 mm ở bề mặt phía dưới:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép chịu lực

25

25

20

20

15

15

b) Chiều rộng tiết diện sườn hoặc dầm chữ T, đo ở mặt đáy

125

100

90

80

70

50

c) Chiều cao tổng thể 1) của tiết diện

190

175

160

140

110

100

5. Tiết diện chữ T:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép chịu lực, đo ở mặt đáy

65 2)

55 2)

45 2)

35

25

15

b) Chiều dày của lớp bê tông bảo vệ cốt thép chịu lực, đo ở mặt bên

65

55

45

35

25

15

c) Chiều rộng tiết diện sườn hoặc của bụng dầm

150

140

115

90

75

60

d) Chiều dày cánh

150

150

125

125

100

90

6. Tấm sàn tiết diện chữ U ngược có bán kính cong tại giao điểm giữa bản đáy với sườn của sàn không lớn hơn chiều cao tiết diện:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép chịu lực, đo ở mặt đáy

65 2)

55 2)

45 2)

35

25

15

b) Chiều dày của lớp bê tông bảo vệ cốt thép, đo ở mặt bên

40

30

25

20

15

10

c) Chiều rộng của sườn hoặc của chân chữ U

75

70

60

45

40

30

d) Chiều dày tại bản phía trên

150

150

125

125

100

90

7. Tấm sàn tiết diện chữ U ngược hoặc chữ U có bán kính cong tại giao điểm giữa bản đáy với sườn của sàn lớn hơn chiều cao tiết diện:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép chịu lực, đo ở mặt đáy

65 2)

55 2)

45 2)

35

25

15

b) Chiều dày của lớp bê tông bảo vệ cốt thép, đo ở mặt bên

40

30

25

20

15

10

c) Chiều rộng sườn hoặc của chân chữ U

70

60

50

40

35

25

d) Chiều dày tại bản phía trên

150

150

100

100

75

65

1) Có thể cộng thêm chiều dày của các lớp láng hoặc lớp hoàn thiện bằng vật liệu không cháy.

2) Có thể bổ sung cốt thép phụ để giữ lớp bê tông bảo vệ nếu cần.

CHÚ THÍCH 1: Nguyên tắc xác định giới hạn chịu lửa của các cấu kiện xem thêm phần 2.

CHÚ THÍCH 2: Giới hạn chịu lửa trong bảng chỉ dùng cho kết cấu tĩnh định. Các kết cấu siêu tĩnh tính toán chịu lửa theo tiêu chuẩn lựa chọn áp dụng.

CHÚ THÍCH 3: Các thông số của tiết diện cấu kiện phải xét đồng thời.

 

Bảng F.10 - Sàn bê tông cốt thép ứng suất trước
(cốt liệu gốc silic hoặc đá vôi)

Kết cấu sàn

Giá trị nhỏ nhất của thông số, mm,
để bảo đảm giới hạn chịu lửa

REI 240

REI 180

REI 120

REI 90

REI 60

REI 30

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

1. Sàn đặc:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép ứng suất trước (thanh, cáp)

65 1)

50 1)

40

30

25

15

b) Chiều cao tổng thể 2) của tiết diện

150

150

125

125

100

100

2. Sàn có lỗ rỗng với lỗ rỗng tiết diện tròn hoặc hộp. Phần diện tích tiết diện đặc phải chiếm không ít hơn 50% tổng diện tích tiết diện ngang của sàn:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép ứng suất trước (thanh, cáp)

65 1)

50 1)

40

30

25

15

b) Chiều dày của phần bê tông dưới lỗ rỗng

50

40

40

30

25

20

c) Chiều cao tổng thể 2) của tiết diện

190

175

160

140

110

100

3. Sàn tiết diện rỗng có một hoặc nhiều khoang rỗng hình hộp theo chiều dọc với chiều rộng lớn hơn chiều cao:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép ứng suất trước (thanh, cáp)

65 1)

50 1)

40

30

25

15

b) Chiều dày của bản cánh phía dưới

65

50

40

30

25

15

c) Chiều cao tổng thể 2) của tiết diện

230

205

180

155

130

105

4. Sàn sườn có phần rỗng chèn bằng block đất sét nung, hoặc dầm chữ T ngược có phần rỗng được chèn bằng block bê tông hoặc block đất sét nung.

Nếu sàn có phần diện tích tiết diện đặc nhỏ hơn 50% tổng diện tích tiết diện ngang thì phải được trát một lớp dày 15 mm ở bề mặt phía dưới:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép ứng suất trước (thanh, cáp)

65 1)

50 1)

40

30

25

15

b) Chiều rộng tiết diện sườn hoặc dầm chữ T, đo ở mặt đáy

125

100

90

80

70

50

c) Chiều cao tổng thể 2) của tiết diện

190

175

160

140

110

100

5. Tiết diện chữ T:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép ứng suất trước (thanh, cáp), đo ở mặt đáy

100 1)

85 1)

65 1)

50 1)

40

25

b) Chiều dày của lớp bê tông bảo vệ cốt thép ứng suất trước (thanh, cáp), đo ở mặt bên

100

85

65

50

40

25

c) Chiều rộng sườn hoặc hoặc của bụng dầm

250

200

150

110

90

60

d) Chiều dày của cánh 2)

150

150

125

125

100

90

6. Tấm sàn tiết diện chữ U ngược có bán kính cong tại giao điểm giữa bản đáy với sườn của sàn không lớn hơn chiều cao tiết diện:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép ứng suất trước (thanh, cáp), đo ở mặt đáy

100 1)

85 1)

65 1)

50 1)

40

25

b) Chiều dày của lớp bê tông bảo vệ cốt thép ứng suất trước (thanh, cáp), đo ở mặt bên

50

45

35

25

20

15

c) Chiều rộng của sườn hoặc của chân chữ U

125

100

75

55

45

30

d) Chiều dày tại bản phía trên 2)

150

150

125

125

100

90

7. Tấm sàn tiết diện chữ U ngược hoặc chữ U có bán kính cong tại giao điểm giữa bản đáy với sườn của sàn lớn hơn chiều cao tiết diện:

 

 

 

 

 

 

a) Chiều dày trung bình của lớp bê tông bảo vệ cốt thép ứng suất trước (thanh, cáp), đo ở mặt đáy

100 1)

85 1)

65 1)

50 1)

40

25

b) Chiều dày của lớp bê tông bảo vệ cốt thép ứng suất trước (thanh, cáp), đo ở mặt bên

50

45

35

25

20

15

c) Chiều rộng sườn hoặc của chân chữ U

110

90

70

50

40

30

d) Chiều dày tại bản phía trên 2)

150

150

125

125

100

90

1) Có thể bổ sung cốt thép phụ để giữ lớp bê tông bảo vệ nếu cần.

2) Có thể cộng thêm chiều dày của các lớp láng hoặc lớp hoàn thiện bằng vật liệu không cháy.

CHÚ THÍCH 1: Nguyên tắc xác định giới hạn chịu lửa của các cấu kiện xem thêm phần 2.

CHÚ THÍCH 2: Giới hạn chịu lửa trong bảng chỉ dùng cho kết cấu tĩnh định. Các kết cấu siêu tĩnh tính toán chịu lửa theo tiêu chuẩn lựa chọn áp dụng.

CHÚ THÍCH 3: Các thông số của tiết diện cấu kiện phải xét đồng thời.

 

PHỤ LỤC G

(quy định)

KHOẢNG CÁCH ĐẾN CÁC LỐI RA THOÁT NẠN VÀ CHIỀU RỘNG LỐI RA THOÁT NẠN

G.1 Khoảng cách giới hạn cho phép từ chỗ xa nhất (có người sinh hoạt, làm việc) đến lối ra thoát nạn gần nhất

G.1.1  Nhà ở

Khoảng cách giới hạn cho phép từ cửa ra vào của căn hộ (nhà nhóm F1.3) hoặc của phòng ở (nhà nhóm F1.2) đến lối ra thoát nạn gần nhất (buồng thang bộ hoặc lối ra bên ngoài) được quy định tại Bảng G.1.

Bảng G.1 - Khoảng cách giới hạn cho phép từ cửa ra vào của căn hộ hay của phòng ở đến lối ra thoát nạn gần nhất

Bậc chịu lửa của nhà

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà

Khoảng cách giới hạn cho phép từ cửa ra vào căn hộ hoặc phòng ở đến lối ra thoát nạn gần nhất, m

Khi cửa bố trí ở giữa các buồng thang bộ hoặc giữa các lối ra ngoài

Khi cửa bố trí ở hành lang cụt

I, II

S0

40

25

II

S1

30

20

III

S0

30

20

S1

25

15

IV

S0

25

15

S1, S2

20

10

V

Không quy định

20

10

G.1.2 ng trình công cộng

G.1.2.1 Khoảng cách giới hạn cho phép theo đường thoát nạn từ cửa ra vào của gian phòng xa nhất của nhà công cộng (trừ các gian phòng vệ sinh, phòng tắm giặt, phục vụ khác) đến lối ra thoát nạn gần nhất (lối ra bên ngoài hoặc vào buồng thang bộ, hoặc đến cầu thang bộ loại 2 mà quy chuẩn này cho phép thoát nạn) được quy định tại Bảng G.2a.

CHÚ THÍCH:  Đối với các tầng nhà có hành lang không được bao che bằng các bộ phận ngăn cháy theo quy định tại 3.3.5 hoặc không tuân thủ yêu cầu tại 3.3.4 thì khoảng cách giới hạn cho phép của đường thoát nạn phải tính từ điểm xa nhất của gian phòng trên tầng nhà đó. Chú thích này không áp dụng đối với các tầng nhà có gian phòng karaoke, vũ trường.

G.1.2.2 Khoảng cách giới hạn cho phép từ một điểm bất kỳ của các gian phòng có khối tích khác nhau không có ghế ngồi cho khán giả đến lối ra thoát nạn gần nhất được quy định tại Bảng G.2b. Khi có sự kết hợp các lối thoát nạn chính vào một lối chung thì chiều rộng của lối chung không được nhỏ hơn tổng chiều rộng của các lối thành phần.

Bảng G.2a - Khoảng cách giới hạn cho phép từ cửa ra vào của gian phòng đến lối ra thoát nạn gần nhất đối với nhà công cộng

Bậc chịu lửa của nhà

Khoảng cách, m, khi mật độ dòng người thoát nạn, người/m2

2

> 2 và ≤ 3

> 3 và ≤ 4

> 4 và ≤ 5

> 5

1. Từ gian phòng có cửa ra bố trí ở giữa các buồng thang bộ hoặc giữa các lối ra bên ngoài

I, II, III

60

50

40

35

20

IV

40

35

30

25

15

V

30

25

20

15

10

2. Từ gian phòng có cửa ra mở vào hành lang cụt hoặc mở vào sảnh chung

I, II, III

30

25

20

15

10

IV

20

15

15

10

7

V

15

10

10

5

5

CHÚ THÍCH 1: Mật độ dòng người thoát nạn được xác định bằng tỉ số giữa tổng số người phải thoát nạn theo đường thoát nạn và diện tích của đường thoát nạn đó.

CHÚ THÍCH 2: Phải áp dụng những giá trị khoảng cách quy định tại Bảng G.2a như sau: Đối với trường mầm non lấy theo cột (6); Đối với các trường phổ thông, trường kỹ thuật dạy nghề, các trường cao đẳng, chuyên nghiệp và đại học lấy theo cột (3); Đối với các cơ sở điều trị nội trú lấy theo cột (5); Đối với khách sạn lấy theo cột (4). Đối với các nhà công cộng khác, mật độ dòng người thoát nạn trong hành lang được lấy cụ thể cho từng dự án.

 

Bảng G.2b - Khoảng cách giới hạn cho phép từ một điểm bất kỳ của gian phòng công cộng không có ghế ngồi cho khán giả đến lối ra thoát nạn gần nhất

Gian phòng

Bậc chịu lửa của nhà

Khoảng cách giới hạn cho phép, m, từ 1 điểm bất kỳ của gian phòng tới lối ra thoát nạn gần nhất với khối tích gian phòng, 1 000 m3  

5

> 5 và ≤ 10

> 10

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

1. Các gian phòng chờ, bán vé, trưng bày triển lãm, khiêu vũ, nghỉ và tương tự.

I, II

30

45

55

III, IV

20

30

Xem chú thích

V

15

Xem chú thích

Xem chú thích

2. Các gian phòng ăn, phòng đọc khi diện tích của mỗi lối đi chính tính theo đầu người không nhỏ hơn 0,2 m2.

I, II

65

Xem chú thích

Xem chú thích

III, IV

45

Xem chú thích

Xem chú thích

V

30

Xem chú thích

Xem chú thích

3. Các gian phòng thương mại khi diện tích của các lối đi chính tính theo phần trăm diện tích của gian phòng không nhỏ hơn 25%.

I, II

50

65

80

III, IV

35

45

Xem chú thích

V

25

Xem chú thích

Xem chú thích

4. Các gian phòng thương mại khi diện tích của các lối đi chính tính theo phần trăm diện tích của gian phòng nhỏ hơn 25%.

I, II

25

30

35

III, IV

15

20

Xem chú thích

V

10

Xem chú thích

Xem chú thích

CHÚ THÍCH: Khoảng cách giới hạn này phải được xác định theo luận chứng kỹ thuật riêng.

G.1.3 Nhà sản xuất và nhà kho

G.1.3.1 Khoảng cách giới hạn cho phép từ chỗ làm việc xa nhất trong gian phòng đến lối ra thoát nạn gần nhất (lối ra trực tiếp bên ngoài hoặc buồng thang bộ) quy định tại Bảng G.3. Đối với các gian phòng có diện tích lớn hơn 1 000 m2 thì khoảng cách quy định tại Bảng G.3 bao gồm cả chiều dài của đường đi theo hành lang để đến lối ra.

G.1.3.2 Khoảng cách giới hạn cho phép quy định tại Bảng G.3 với các trị số trung gian của khối tích của gian phòng được xác định bằng nội suy tuyến tính.

G.1.3.3 Khoảng cách giới hạn cho phép trong Bảng G.3 được quy định cho các gian phòng có chiều cao đến 6 m. Khi chiều cao gian phòng lớn hơn 6 m, thì khoảng cách này được tăng lên như sau: khi chiều cao gian phòng đến 12 m thì tăng thêm 20%; đến 18 m thì tăng thêm 30%; đến 24 m thì tăng thêm 40%, nhưng không được lớn hơn 140 m đối với gian phòng có hạng A, B và không lớn hơn 240 m đối với gian phòng có hạng C.

G.1.3.4 Khoảng cách giới hạn cho phép từ cửa ra vào của gian phòng xa nhất có diện tích không lớn hơn 1 000 m2 của nhà sản xuất đến lối ra thoát nạn gần nhất (ra ngoài hoặc vào buồng thang bộ) quy định tại Bảng G.4.

Bảng G.3 - Khoảng cách giới hạn cho phép từ chỗ làm việc xa nhất đến lối ra thoát nạn gần nhất của nhà sản xuất

Khối tích của gian phòng,

1 000 m3

Hạng của gian phòng

Bậc chịu lửa của nhà

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà

Khoảng cách, m, khi mật độ dòng người thoát nạn trên lối đi chung, người/m2

1

> 1 và ≤ 3

> 3 và ≤ 5

≤ 15

A, B

I, II, III, IV

S0

40

25

15

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

100

60

40

III, IV

S1

70

40

30

V

S2, S3

50

30

20

30

A, B

I, II, III, IV

S0

60

35

25

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

145

85

60

III, IV

S1

100

60

40

40

A, B

I, II, III, IV

S0

80

50

35

40

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

160

95

65

III, IV

S1

110

65

45

50

A, B

I, II, III, IV

S0

120

70

50

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

180

105

75

III, IV

S1

160

95

65

≥ 60

A, B

I, II, III, IV

S0

140

85

60

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

200

110

85

III, IV

S1

180

105

75

≥ 80

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

240

140

100

III, IV

S1

200

110

85

Không phụ thuộc vào khối tích

C4, D

I, II, III, IV

S0

Không hạn chế

Không hạn chế

Không hạn chế

III, IV

S1

160

95

65

V

Không quy định

120

70

50

Không phụ thuộc vào khối tích

E

I, II, III, IV

S0, S1

Không hạn chế

Không hạn chế

Không hạn chế

 IV, V

S2, S3

160

95

65

CHÚ THÍCH: Mật độ dòng người thoát nạn được xác định bằng tỉ số giữa tổng số người phải thoát nạn theo đường thoát nạn và diện tích của đường thoát nạn đó.

 

Bảng G.4 - Khoảng cách giới hạn cho phép từ cửa ra vào của gian phòng   sản xuất có diện tích đến 1 000 m2 đến lối ra thoát nạn gần nhất

Vị trí cửa ra của gian phòng

Hạng của gian phòng

Bậc chịu lửa của nhà

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà

Khoảng cách đi theo hành lang, m, từ cửa gian phòng đến lối ra thoát nạn gần nhất, khi mật độ dòng người thoát nạn trên lối đi chung, người/m2

2

> 2 và ≤ 3

> 3 và ≤ 4

> 4 và ≤ 5

1. Ở giữa hai lối ra thoát nạn

A, B

I, II, III, IV

S0

60

50

40

35

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

120

95

80

65

III, IV

S1

85

65

55

45

Không quy định

S2, S3

60

50

40

35

C4, D, E

I, II, III, IV

S0

180

140

120

100

III, IV

S1

125

100

85

70

Không quy định

S2, S3

90

70

60

50

2. Đi vào hành lang cụt

Không phụ thuộc vào hạng

I, II, III, IV

S0

30

25

20

15

III, IV

S1

20

15

15

10

Không quy định

S2, S3

15

10

10

8

G.2 Chiều rộng của lối ra thoát nạn

G.2.1 Nhà công cộng

G.2.1.1 Chiều rộng của một lối ra thoát nạn từ hành lang vào buồng thang bộ cũng như chiều rộng bản thang phải được xác định theo số lượng người cần thoát nạn qua lối ra thoát nạn đó và định mức người thoát nạn tính cho 1 mét chiều rộng lối ra (cửa ra). Tùy theo bậc chịu lửa của nhà, được lấy không vượt quá các giá trị sau:

-  Nhà có bậc chịu lửa I, II: 165 người/m;

-  Nhà có bậc chịu lửa III, IV: 115 người/m;

-  Nhà có bậc chịu lửa V: 80 người/m.

G.2.1.2 Để tính toán chiều rộng lối thoát nạn của các nhà thuộc trường học phổ thông, trường học nội trú và các khu nội trú của trường, cần xác định số lượng người lớn nhất đồng thời có mặt trên một tầng từ số lượng người lớn nhất của các phòng học, của các phòng dạy nghề và của các phòng ngủ cũng như các gian thể thao, hội nghị, giảng đường nằm trên tầng đó (xem G.3, Bảng G.9).

G.2.1.3  Chiều rộng của các cửa ra từ các phòng học với số lượng học sinh lớn hơn 15 người, không được nhỏ hơn 0,9 m.

G.2.1.4 Chiều rộng của một lối ra thoát nạn từ các gian phòng không có ghế ngồi cho khán giả phải xác định theo số lượng người cần thoát nạn qua lối ra đó theo Bảng G.5, nhưng không được nhỏ hơn 1,2 m ở các gian phòng có sức chứa hơn 50 người.

Bảng G.5 - Số lượng người tối đa trên 1 m chiều rộng của lối ra thoát nạn của các gian phòng không có ghế ngồi cho khán giả của nhà công cộng

Gian phòng

Bậc chịu lửa của nhà

Số lượng người tối đa trên 1 m chiều rộng của lối ra thoát nạn trong các gian phòng có khối tích, 1 000 m3

5

> 5 và ≤ 10

> 10

1. Các gian phòng thương mại khi diện tích của các đường thoát nạn chính không nhỏ hơn 25% diện tích của gian phòng; Các phòng ăn và phòng đọc khi mật độ dòng người trên mỗi lối đi chính không lớn hơn 5 người/m2.

I, II

165

220

275

III, IV

115

155

Xem chú thích

V

80

Xem chú thích

Xem chú thích

2. Các gian phòng thương mại khi diện tích của các đường thoát nạn chính nhỏ hơn 25% diện tích của gian phòng; và các gian phòng khác.

I, II

75

100

125

III, IV

50

70

Xem chú thích

V

40

Xem chú thích

Xem chú thích

CHÚ THÍCH: Số lượng người tối đa trên 1 m chiều rộng của lối ra thoát nạn phải được xác định theo luận chứng kỹ thuật riêng.

G.2.1.5 Chiều rộng của các lối đi thoát nạn chính trong một gian phòng thương mại phải lấy không nhỏ hơn:

-  1,4 m - khi diện tích thương mại không lớn hơn 100 m2;

-  1,6 m - khi diện tích thương mại lớn hơn 100 m2 và không lớn hơn 150 m2;

-  2,0 m - khi diện tích thương mại lớn hơn 150 m2 và không lớn hơn 400 m2;

-  2,5 m - khi diện tích thương mại lớn hơn 400 m2.

G.2.1.6 Số lượng người trên 1 m chiều rộng đường thoát nạn từ các khán đài của các công trình thể thao và biểu diễn ngoài trời được quy định tại Bảng G.6.

Bảng G.6 - Số lượng người tối đa trên 1 m chiều rộng của đường thoát nạn  từ khán đài của các công trình thể thao, biểu diễn ngoài trời

Bậc chịu lửa của công trình

Số lượng người tối đa trên 1 m chiều rộng của đường thoát nạn

Theo các cầu thang bộ của các lối đi chính của khán đài

Đi qua cửa ra từ các lối đi chính của khán đài

Đi xuống

Đi lên

Đi xuống

Đi lên

I, II

600

825

620

1 230

III, IV

420

580

435

860

V

300

415

310

615

CHÚ THÍCH: Tổng số lượng người thoát nạn đi qua một lối ra thoát nạn không được vượt quá 1 500 người khi khán đài có bậc chịu lửa I, II. Khi khán đài có bậc chịu lửa là bậc III thì tổng số người đi qua phải giảm xuống 30% và khi bậc IV và bậc V thì phải giảm xuống 50%.

G.2.2  Nhà sản xuất và nhà kho

G.2.2.1 Chiều rộng của một lối ra thoát nạn từ một gian phòng phải xác định theo số lượng người cần thoát nạn qua lối ra đó và theo số lượng người trên 1 m chiều rộng của lối ra thoát nạn được quy định tại Bảng G.7, nhưng không nhỏ hơn 0,9 m.

Số lượng người trên 1 m chiều rộng của một lối ra thoát nạn đối với các trị số trung gian của khối tích của nhà được xác định bằng nội suy tuyến tính.

Số lượng người trên 1 m chiều rộng của một lối ra thoát nạn từ các gian phòng có chiều cao lớn hơn 6 m được tăng lên như sau:

-  Tăng lên 20% khi chiều cao PCCC của nhà là 12 m;

-  Tăng lên 30% khi chiều cao PCCC của nhà là 18 m và tăng lên 40% khi chiều cao PCCC của nhà là 24 m.

Khi chiều cao PCCC của nhà là các trị số trung gian thì số lượng người trên 1 m chiều rộng của một lối ra thoát nạn được xác định nội suy tuyến tính.

Bảng G.7 - Số lượng người tối đa trên 1 m chiều rộng của lối ra thoát nạn từ một gian phòng của nhà sản xuất

Khối tích của gian phòng,

1 000 m3

Hạng của gian phòng

Bậc chịu lửa của nhà

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà

Số lượng người tối đa trên 1 m chiều rộng của lối ra thoát nạn từ một gian phòng, người

≤ 15

A, B

I, II, III, IV

S0

45

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

110

III, IV

S1

75

Không quy định

S2, S3

55

30

A, B

I, II, III, IV

S0

65

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

155

III, IV

S1

110

40

A, B

I, II, III, IV

S0

85

C1 , C2, C3

I, II, III, IV

S0

175

III, IV

S1

120

50

A, B

I, II, III, IV

S0

130

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

195

III, IV

S1

135

≥ 60

A, B

I, II, III, IV

S0

150

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

220

III, IV

S1

155

≥ 80

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

260

III, IV

S1

220

Không phụ thuộc vào khối tích

C4, D

I, II, III, IV

S0

260

III, IV

S1

180

Không quy định

S2, S3

130

Không phụ thuộc vào khối tích

E

Không quy định

 G.2.2.2   Chiều rộng của một lối ra thoát nạn từ hành lang ra bên ngoài hoặc vào một buồng thang bộ, phải xác định theo tổng số người cần thoát nạn qua lối ra đó và theo định mức số người trên 1 m chiều rộng của lối ra thoát nạn được quy định tại Bảng G.8 nhưng không nhỏ hơn 0,9 m.

Bảng G.8 - Số lượng người tối đa trên 1 m chiều rộng của lối ra thoát nạn từ hành lang của nhà sản xuất

Hạng của gian phòng có nguy hiểm cháy cao nhất có lối ra thoát nạn đi vào hành lang

Bậc chịu lửa của nhà

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà

Số lượng người tối đa trên 1 m chiều rộng của lối ra thoát nạn từ hành lang, người

A, B

I, II, III, IV

S0

85

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

173

IV

S1

120

Không quy định

S2, S3

85

 

I, II, III, IV

S0

260

C4, D, E

IV

S1

180

 

Không quy định

S2, S3

130

G.3 Xác định số lượng người lớn nhất trong nhà hoặc trong một phần của nhà

Số lượng người lớn nhất trong một gian phòng, một tầng hoặc nhà là số lượng người lớn nhất theo thiết kế được duyệt. Khi thiết kế không chỉ rõ giá trị này, số lượng người lớn nhất được tính bằng tỉ số giữa diện tích sàn của phòng, của tầng hoặc của nhà chia cho hệ số không gian sàn (m2/người) quy định tại Bảng G.9.

CHÚ THÍCH: “Diện tích sàn" ở đây không kể diện tích của cầu thang bộ, thang máy, khu vệ sinh và các phần phụ trợ khác.

Bảng G.9 - Hệ số không gian sàn 1)

Không gian sử dụng 2), 3)

Hệ số không gian sàn, m2/người

1. Khu vực vui chơi có mái che, hội trường, nơi đông người, câu lạc bộ, sàn nhảy, quầy Bar, Karaoke và các khu tương tự

1,0

2. Sảnh lớn, sảnh thông tầng, khu tiếp đón, khu khách chờ, và tương tự

3,0

3. Phòng họp, phòng khách, phòng hội thảo, phòng ăn, phòng đọc, phòng học, căng-tin, và các gian phòng tương tự

1,5

4. Nhà chợ, trung tâm thương mại, siêu thị

3,0

5. Phòng triển lãm hoặc trường quay (phim, thu phát sóng, truyền hình, ghi âm)

1,5

6. Các cửa hàng mua bán, dịch vụ: bách hóa, dịch vụ cắt, uốn tốc, giặt là, sửa chữa hoặc tương tự

3,0

7. Phòng trưng bày nghệ thuật, khu trưng bày sản phẩm, bảo tàng hoặc các khu tương tự

5,0

8. Văn phòng

6,0

9. Các cửa hàng bán đồ nội thất lớn như bàn ghế, đồ trải sàn và tương tự

7,0

10. Nhà bếp hoặc thư viện

7,0

11. Phòng ngủ hoặc phòng ngủ kết hợp phòng học

8,0

12. Phòng khách, phòng giải trí

10,0

13. Kho hoặc nơi chứa đồ

30,0

14. Nhà để xe ôtô

2 người/ô để xe

1) Nếu không sử dụng các giá trị trong bảng này thì có thể xác định hệ số không gian sàn theo số liệu thực tế lấy từ công trình tương tự. Trong trường hợp này, các số liệu cần phải phản ánh được mật độ sinh hoạt trung bình tại thời điểm cao nhất trong năm.

2) Khi một đối tượng không thuộc không gian sử dụng được nêu ở trên thì có thể lựa chọn giá trị phù hợp từ một đối tượng tương tự.

3) Nếu một khu vực nhà được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau thì cần áp dụng hệ số không gian sàn tính ra số lượng người lớn nhất. Nếu nhà có nhiều khu vực sử dụng khác nhau thì mỗi khu vực cần được tính toán với hệ số không gian tương ứng cho khu vực đó.

 

PHỤ LỤC H

(quy định)

BẬC CHỊU LỬA VÀ CÁC YÊU CẦU BẢO ĐẢM AN TOÀN CHÁY CHO NHÀ, CÔNG TRÌNH, KHOANG CHÁY

H.1 Nhà ở và ký túc xá kiểu căn hộ

Bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu, chiều cao PCCC lớn nhất cho phép của nhà và diện tích một tầng trong phạm vi một khoang cháy đối với nhà ở và ký túc xá dạng căn hộ được quy định tại Bảng H.1.

Bảng H.1 - Nhà ở và ký túc xá kiểu căn hộ

Bậc chịu lửa của nhà

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà

Chiều cao PCCC lớn nhất cho phép của nhà, m

Diện tích lớn nhất cho phép của một tầng nhà trong phạm vi một khoang cháy, m2

I

S0

75

2 500

II

S0

50

2 500

S1

28

2 200

III

S0

28

1 800

S1

15

1 800

IV

S0

5

1 000

3

1 400

S1

5

800

3

1 200

S2

5

500

3

900

V

Không quy định

5

500

3

800

CHÚ THÍCH 1: Quy định về số tầng (chiều cao PCCC cho phép), diện tích khoang cháy của các nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.3 có chiều cao PCCC từ trên 75 m đến 150 m được quy định tại Phụ lục A.

CHÚ THÍCH 2: Các bộ phận chịu lực của nhà hai tầng có bậc chịu lửa IV phải có giới hạn chịu lửa không thấp hơn R 30.

H.2 Nhà công cộng

H.2.1 Quy định chung

Bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu, chiều cao PCCC lớn nhất cho phép của nhà và diện tích một tầng trong phạm vi một khoang cháy đối với nhà công cộng, bao gồm cả khách sạn và nhà căn hộ cho thuê (apartment) (trừ ký túc xá và khách sạn kiểu căn hộ như nhà ở) được quy định tại Bảng H.2.

Cần tuân thủ thêm các quy định bổ sung tại H.2.2 đến H.2.12 đối với các nhà công cộng theo nhóm nguy hiểm cháy theo công năng tương ứng.

Bảng H.2 - Nhà công cộng

Bậc chịu lửa của nhà

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà

Chiều cao PCCC lớn nhất cho phép của nhà, m

Diện tích lớn nhất cho phép của một tầng nhà trong phạm vi một khoang cháy, m2, với số tầng trên mặt đất (không tính tầng kỹ thuật trên cùng)

1

2

3

4, 5

6 đến 9

10 đến 16

I

S0

50

6 000

5 000

5 000

5 000

5 000

2 500

II

S0

50

6 000

4 000

4 000

4 000

4 000

2 200

II

S1

28

5 000

3 000

3 000

2 000

1 200

-

III

S0

15

3 000

2 000

2 000

1 200

-

-

III

S1

12

2 000

1 400

1 200

800

-

-

IV

S0

9

2 000

1 400

-

-

-

-

IV

S1

6

2 000

1 400

-

-

-

-

IV

S2, S3

6

1 200

800

-

-

-

-

V

S1, S2, S3

6

1 200

800

-

-

-

-

CHÚ THÍCH 1: Bảng này được áp dụng cho các loại nhà công cộng được đề cập trong H.2.1, trừ khi có quy định khác nêu tại H.2.2 đến H.2.12.

CHÚ THÍCH 2: Dấu “-” trong bảng có nghĩa là nhà có bậc chịu lửa theo hàng ngang tương ứng thì không thể có số tầng theo cột dọc tương ứng.

CHÚ THÍCH 3: Trong nhà có bậc chịu lửa IV với chiều cao 2 tầng thì kết cu chịu lực của nhà phải có giới hạn chịu lửa không thấp hơn R 45.

CHÚ THÍCH 4: Quy định về số tầng (chiều cao PCCC cho phép), diện tích khoang cháy của các nhà công cộng có chiều cao PCCC từ trên 50 m đến 150 m được quy định tại Phụ lục A.

H.2.2 Các cơ sở dịch vụ (nhóm F3.5)

Bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu, chiều cao PCCC lớn nhất cho phép của nhà và diện tích một tầng trong phạm vi một khoang cháy đối với các cơ sở dịch vụ (nhóm F3.5) được quy định tại Bảng H.3. Cần tuân thủ thêm các quy định bổ sung tại H.2.12.

Bảng H.3 - Nhà của các cơ sở dịch vụ (nhóm F3.5)

Bậc chịu lửa của nhà

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu

Chiều cao PCCC lớn nhất cho phép của nhà, m

Diện tích lớn nhất cho phép của một tầng nhà trong phạm vi một khoang cháy, m2

Nhà 1 tầng

Nhà nhiều tầng (tối đa 6 tầng không kể đến tầng kỹ thuật trên cùng)

I

S0

18

3 000

2 500

II

S0

18

3 000

2 500

II

S1

6

2 500

1 000

III

S0

6

2 500

1 000

III

S1

5

1 000

-

IV

S0, S1

5

1 000

-

IV

S2, S3

5

500

-

V

S1, S2, S3

5

500

-

CHÚ THÍCH: Dấu “-” nghĩa là nhà có bậc chịu lửa theo hàng ngang tương ứng thì không thể có số tầng theo cột dọc tương ứng.

H.2.3 Nhà của các cơ sở thương mại (nhóm F3.1)

Bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu, chiều cao PCCC lớn nhất cho phép của nhà và diện tích một tầng trong phạm vi một khoang cháy đối với nhà của các cơ sở thương mại (nhóm F3.1) được quy định tại Bảng H.4. Cần tuân thủ thêm các quy định bổ sung tại H.2.12.

Bảng H.4 - Nhà của các cơ sở thương mại (nhóm F3.1)

Bậc chịu lửa của nhà

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu

Chiều cao PCCC lớn nhất cho phép của nhà, m

Diện tích lớn nhất cho phép của một tầng nhà trong phạm vi một khoang cháy, m2

1 tầng

2 tầng

3 đến 5 tầng

I, II

S0

28

3 500

3 000

2 500

III

S0, S1

8

2 000

1 000

-

IV

S0

3

1 000

-

-

IV, V

S1, S2, S3

3

500

-

-

CHÚ THÍCH 1: Dấu “-” nghĩa là nhà có bậc chịu lửa theo hàng ngang tương ứng thì không thể có số tầng theo cột dọc tương ứng.

CHÚ THÍCH 2: Trong các nhà của các cơ sở thương mại 1 tầng có bậc chịu lửa III, trừ các cơ sở kinh doanh: sơn và véc ni, các vật liệu xây dựng hoàn thiện, phụ tùng, phụ kiện ô tô, thảm, đồ nội thất; cho phép tăng gấp đôi diện tích lớn nhất cho phép của một tầng nhà trong phạm vi một khoang cháy với điều kiện phải ngăn cách gian bán hàng với các phòng khác bằng tường ngăn cháy loại 2.

CHÚ THÍCH 3: Đối với nhà cửa hàng có bậc chịu lửa I và II, cho phép tăng chiều cao của nhà thêm 1 tầng nếu chỉ bố trí kho hàng, các gian phòng phục vụ, dịch vụ và phòng kỹ thuật ở tầng trên cùng.

CHÚ THÍCH 4: Số tầng được tính bằng số các tầng trên mặt đất không kể tầng kỹ thuật trên cùng.

H.2.4 Nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non

H.2.4.1  Bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu, chiều cao PCCC lớn nhất cho phép của nhà (khoang cháy) của nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non thông thường (nhóm F1.1) được quy định tại Bảng H.5 phụ thuộc vào số chỗ tối đa trong nhà. Cần tuân thủ các quy định bổ sung đối với các nhà nhóm này và các yêu cầu nêu tại H.2.12.

Bảng H.5 - Nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non

Số chỗ trong nhà

Bậc chịu lửa của nhà, không thấp hơn

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà

Chiều cao PCCC lớn nhất cho phép của nhà, m (số tầng trên mặt đất không kể tầng kỹ thuật trên cùng)

50

Không quy định

Không quy định

3 (1)

100

III

S0, S1

6 (2)

150

II

S0, S1

350

II

S0

9 (3)

I

S0

H.2.4.2  Các tường (mặt trong), vách ngăn và kết cấu sàn tầng của nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non (nhóm F1.1), cũng như câu lạc bộ (nhóm F2.1) trong các nhà có cấp nguy hiểm cháy kết cấu S1 đến S3, bao gồm cả việc sử dụng kết cấu/cấu kiện gỗ, phải có cấp nguy hiểm cháy K0.

H.2.4.3  Nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non, không phụ thuộc vào số chỗ, phải có chiều cao không được vượt quá:

- Hai tầng - đối với nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non dành cho trẻ khiếm khuyết về thể chất và (hoặc) trí tuệ;

- Một tầng - đối với nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non dành cho trẻ bị khiếm thị.

Trong các nhà trẻ 3 tầng thì các phòng cho lớp bé cần bố trí ở tầng 1.

H.2.4.4  Trên tầng 3 của nhà trẻ cho phép bố trí các phòng dành cho lớp lớn, phòng học nhạc và thể chất, phòng chơi, phòng phục vụ. Khi đó các phòng có diện tích lớn hơn 50 m2 thì phải có một trong các lối ra thoát nạn dẫn trực tiếp vào buồng thang bộ.

Trong nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non, các hành lang nối các buồng thang bộ cần được ngăn cách với các phòng bằng vách ngăn cháy không thấp hơn loại 2. Các cửa vào các phòng phải được chèn kín.

H.2.4.5  Phần phụ của nhà xây liền kề mà được sử dụng làm phòng chơi cho các cháu trong nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non cần được thiết kế có cùng bậc chịu lửa và cấp nguy hiểm cháy kết cấu như nhà chính.

H.2.5   Nhà của trường học phổ thông (nhóm F4.1) và nhà ngủ của các trường nội trú (nhóm F1.1)

H.2.5.1 Bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu và chiều cao PCCC lớn nhất cho phép của nhà các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, bổ túc, nhà khối học của trường nội trú (nhóm F4.1), nhà ngủ của trường nội trú (F1.1) được xác định theo Bảng H.6. Diện tích lớn nhất cho phép của một tầng trong phạm vi một khoang cháy của những nhà này được xác định theo Bảng H.2. Cần tuân thủ các quy định bổ sung đối với các nhà nhóm này và các yêu cầu nêu tại H.2.12.

Bảng H.6 - Nhà của trường học phổ thông (nhóm F4.1) và nhà ngủ của các trường nội trú (nhóm F1.1)

Số học sinh hoặc số chỗ trong nhà

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu

Bậc chịu lửa tối thiểu

Chiều cao PCCC lớn nhất cho phép của nhà, m (số tầng)

≤ 100

Không quy định

Không quy định

3 (1)

≤ 270

S1

III

3 (1)

≤ 350

S0

III

7 (2)

S1

II

7 (2)

≤ 600

S0

II

11 (3)

Không hạn chế

S0

I

19 (5)

Nhà ngủ

≤ 40

Không quy định

Không quy định

3 (1)

≤ 80

S1, S2, S3

IV

3 (1)

≤ 140

S0

IV

3 (1)

≤ 200

S1

III

3 (1)

≤ 280

S0

III

7 (2)

Không hạn chế

S0

I, II

15 (4)

CHÚ THÍCH: Số tầng nhà được xác định bằng số các tầng trên mặt đất, không tính tầng kỹ thuật trên cùng.

H.2.5.2 Chiều cao PCCC của các nhà khối học và nhà nội trú dành cho trẻ em khiếm khuyết về thể chất và (hoặc) trí tuệ không được cao quá 9 m.

H.2.6 Nhà của cơ sở văn hóa

H.2.6.1 Bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu và chiều cao PCCC lớn nhất cho phép đối với các nhà của các cơ sở văn hóa nhóm F2.1 và F2.2 (thư viện, bảo tàng, triển lãm, câu lạc bộ, nhà hát, phòng hòa nhạc, rạp chiếu phim, rạp xiếc và các nhà có đặc điểm sử dụng tương tự) xác định theo Bảng H.7 phụ thuộc vào sức chứa của nhà hoặc gian phòng.

H.2.6.2 Cần tuân thủ các quy định bổ sung đối với các nhà thuộc nhóm này và các quy định tại H.2.12.

H.2.6.3 Khi xác định sức chứa của gian phòng thì cần cộng tổng số chỗ cố định và tạm thời.

Khi rạp chiếu phim có một số phòng chiếu phim thì tổng sức chứa của các phòng này không được vượt quá giá trị quy định tại Bảng H.7.

H.2.6.4 Kết cấu chịu lực của mái (giàn, dầm và kết cấu đỡ mái tương tự khác) trên sân khấu và các gian phòng của nhà hát, câu lạc bộ và các công trình thể thao có bậc chịu lửa từ I đến III cần có giới hạn chịu lửa không thấp hơn R 45.

Bảng H.7 - Nhà của các cơ sở văn hóa (nhóm F2.1 và F2.2) (thư viện, bảo tàng, triển lãm, câu lạc bộ, nhà hát, phòng hòa nhạc, rạp chiếu phim, rạp xiếc và các nhà có đặc điểm sử dụng tương tự)

Nhóm nguy hiểm cháy theo công năng của nhà, công trình

Bậc chịu lửa

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu

Chiều cao PCCC lớn nhất cho phép của nhà, m (số tầng trên mặt đất không kể tầng kỹ thuật trên cùng)

Sức chứa của gian phòng hoặc công trình, chỗ

F2.1

I

S0

50

Không hạn chế

II

S0

9 (3)

≤ 800

II

S1

6 (2)

≤ 600

III

S0

3 (1)

≤ 400

IV, V

S0, S1, S2, S3

3 (1)

≤ 300

F2.2

I

S0

50

Không hạn chế

II

S0

50

≤ 800

II

S1

28

≤ 600

III

S0

9 (3)

≤ 400

III

S1

6 (2)

≤ 300

 

Nhóm nguy hiểm cháy theo công năng của nhà, công trình

Bậc chịu lửa

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu

Chiều cao PCCC lớn nhất cho phép của nhà, m (số tầng trên mặt đất không kể tầng kỹ thuật trên cùng)

Sức chứa của gian phòng hoặc công trình, chỗ

 

IV, V

S0, S1, S2, S3

3 (1)

≤ 300

CHÚ THÍCH 1: Trong các nhà nhóm F2.1 chiều cao lớn nhất được phép bố trí gian phòng, được xác định bởi cao độ của tầng tại vị trí hàng ghế đầu tiên, không được vượt quá 9 m đối với các gian có sức chứa trên 600 chỗ. Trong các nhà có bậc chịu lửa I và cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0 cho phép bố trí các gian có sức chứa đến 300 chỗ ở chiều cao lớn hơn 28 m.

CHÚ THÍCH 2: Trong các nhà nhóm F2.2, không được bố trí các sàn nhảy có sức chứa lớn hơn 400 người cũng như các gian phòng có công năng khác với sức chứa lớn hơn 600 người ở chiều cao PCCC của tầng tương ứng lớn hơn 9 m. Trong nhà có bậc chịu lửa I và cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0, cho phép bố trí các gian sức chứa đến 300 chỗ ở chiều cao lớn hơn 28 m, nhưng phải tuân thủ yêu cầu tại A.2.4.

CHÚ THÍCH 3: Khi kết hợp rạp chiếu phim hoạt động quanh năm với rạp chiếu phim hoạt động mùa vụ với bậc chịu lửa khác nhau thì các rạp này phải được ngăn cách với nhau bằng tường ngăn cháy loại 2.

H.2.7 Nhà và công trình thể thao

H.2.7.1  Trong các gian thi đấu thể thao, sân trượt băng trong nhà, bể bơi trong nhà (kể cả có ghế ngồi cho khán giả hoặc không có ghế ngồi) cũng như trong các gian phòng huấn luyện bơi lội, các khu vực huấn luyện bắn súng trong nhà (kể cả đặt ở dưới khán đài hoặc xây trong các nhà công cộng khác), nếu diện tích của gian lớn hơn giá trị quy định tại Bảng H.2 thì cần bố trí tường ngăn cháy giữa gian này và các phòng khác.

H.2.7.2  Các khán đài sức chứa bất kỳ của các công trình nhóm F2.3 phải có bậc chịu lửa I và cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0 nếu có sử dụng không gian bên dưới khán đài để bố trí các gian phòng phụ trợ từ hai tầng trở lên.

H.2.7.3  Sàn tầng dưới khán đài phải là sàn ngăn cháy loại 2.

H.2.7.4  Khi các gian phòng phụ trợ chỉ có một tầng dưới khán đài hoặc khi số lượng các hàng ghế khán giả trên khán đài lớn hơn 20 thì kết cấu chịu lực của khán đài phải có giới hạn chịu lửa không thấp hơn R 45, cấp nguy hiểm cháy K0, và sàn tầng dưới khán đài phải là sàn ngăn cháy loại 3.

H.2.7.5  Các kết cấu chịu lực của khán đài công trình thể thao (nhóm F2.3) không sử dụng không gian dưới khán đài và có số lượng hàng ghế lớn hơn 5 và không quá 20 thì phải được làm từ vật liệu không cháy với giới hạn chịu lửa không thấp hơn R 15, còn với số lượng hàng ghế trên 20 thì phải có giới hạn chịu lửa không thấp hơn R 45, cấp nguy hiểm cháy K0. Khi đó, không cho phép để các chất cháy và vật liệu cháy bên dưới khán đài. Trong các công trình thể thao trong nhà (kín), kết cấu chịu lực của các khán đài cố định với sức chứa hơn 600 người phải có giới hạn chịu lửa không thấp hơn R 60, cấp nguy hiểm cháy K0; từ 300 người đến 600 người - R 45 và K0; dưới 300 người - R 15 và K0 hoặc K1. Khi đó, các sàn dưới khán đài phải là sàn ngăn cháy loại 2 khi khán đài có sức chứa hơn 600 người, loại 3 với sức chứa từ 300 người đến 600 người và loại 4 với sức chứa dưới 300 người.

H.2.7.6  Giới hạn chịu lửa của các kết cấu khán đài tạm (di động) phải không thấp hơn R 15 không phụ thuộc sức chứa.

H.2.7.7  Các yêu cầu trên không áp dụng cho các chỗ ngồi khán giả tạm thời được bố trí trên sân thi đấu khi sân thi đấu biến hình.

H.2.8 Nhà ga hành khách

H.2.8.1 Trong các nhà ga hành khách có bậc chịu lửa I và II và cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0, thay cho việc phân chia nhà thành các khoang cháy bằng tường ngăn cháy loại 1, cho phép phân chia khoang cháy thành các phân khoang cháy với cùng diện tích như trong Bảng H.2 (với các nhóm gian phòng có cùng nhóm nguy hiểm cháy theo công năng) bằng các màn nước ngăn cháy (drencher), hoặc bằng các màn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn E 60. Khi đó, các màn ngăn cháy và màn nước ngăn cháy nêu trên phải được lắp đặt ở vùng không có tải trọng cháy trên một chiều rộng không nhỏ hơn 4 m về cả hai phía của màn ngăn cháy và màn nước ngăn cháy.

H.2.8.2 Trong các nhà ga sân bay có bậc chịu lửa I, diện tích sàn giữa các tường ngăn cháy (khoang cháy) có thể tăng lên đến 10 000 m2 khi không có tầng hầm hoặc nếu có tầng hầm thì trong tầng hầm (tầng nửa hầm) không có các kho và các dạng phòng khác có chứa các vật liệu cháy (ngoại trừ gian giữ đồ và mũ áo của nhân viên, các gian phòng có hạng nguy hiểm cháy  C4 và E). Khi đó, lối đi lại từ các phòng để dụng cụ vệ sinh đặt trong tầng hầm và tầng nửa hầm lên tầng 1 có thể đi theo các buồng thang bộ hở, nếu đi từ các gian giữ đồ phải đi theo các cầu thang bộ riêng nằm trong buồng thang kín. Các gian phòng giữ đồ (ngoại trừ những gian phòng có trang bị các hộc gửi tự động) và gian phòng giữ mũ áo phải được ngăn cách với những phần khác của tầng hầm bằng các vách ngăn cháy loại I và được trang bị hệ thống chữa cháy tự động, còn các trạm điều độ - chỉ huy phải được ngăn cách bằng các vách ngăn cháy loại I.

H.2.8.3 Trong các nhà ga sân bay và nhà ga hành khách có bậc chịu lửa I và cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0, không hạn chế diện tích sàn giữa các tường ngăn cháy nếu được trang bị các hệ thống chữa cháy tự động.

H.2.9 Bệnh viện

H.2.9.1 Nhà bệnh viện (nhóm F1.1) cần được bố trí trong các nhà đứng độc lập hoặc trong khoang cháy riêng với chiều cao PCCC không quá 28 m. Nhà bệnh viện cao từ 2 tầng trở lên phải có bậc chịu lửa I hoặc II và cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0.

H.2.9.2 Các nhà bệnh viện 1 tầng cho phép có bậc chịu lửa III và cấp nguy hiểm cháy kết cấu không thấp hơn S1, khi đó diện tích lớn nhất cho phép của một tầng trong phạm vi một khoang cháy không vượt quá 2 000 m2 đối với nhà có cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0 và không quá 1 200 m2 đối với nhà cấp S1. Khi đó các tường, vách ngăn và sàn, bao gồm cả có sử dụng kết cấu gỗ, phải có cấp nguy hiểm cháy K0.

H.2.9.3 Nhà nội trú của bệnh viện có chiều cao đến 3 tầng cần được chia thành các phân khoang cháy với diện tích không quá 1 000 m2 bằng các vách ngăn cháy loại 1. Nhà nội trú có chiều cao hơn 3 tầng và nhà nội trú có cấp nguy hiểm cháy kết cấu S1 cần được chia thành các phân khoang cháy với diện tích không quá 800 m2 bằng các vách ngăn cháy loại 1.

H.2.9.4 Các nhà chữa bệnh dành cho bệnh nhân tâm thần và các nhà chữa bệnh của trạm y tế có chiều cao PCCC không được quá 9 m, bậc chịu lửa không thấp hơn II và cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0.

H.2.9.5 Nhà dưỡng lão và chăm sóc người khuyết tật cần được thiết kế phù hợp với các yêu cầu an toàn cháy như bệnh viện.

H.2.10 Nhà khám chữa bệnh đa khoa (nhóm F3.4)

H.2.10.1 Chiều cao PCCC của nhà khám bệnh đa khoa ngoại trú (nhóm F3.4) tối đa 28 m. Bậc chịu lửa của nhà từ 2 tầng trở lên không được thấp hơn bậc II, cấp nguy hiểm cháy kết cấu không thấp hơn S0.

H.2.10.2 Các cơ sở y tế không có nội trú cho phép đặt trong các nhà một tầng có bậc chịu lửa III và cấp nguy hiểm cháy kết cấu không thấp hơn S1, khi đó diện tích lớn nhất cho phép của một tầng trong phạm vi một khoang cháy không lớn hơn 3 000 m2 đối với nhà có cấp S0 và không lớn hơn 2 000 m2 đối với nhà có cấp S1. Khi đó các tường và cách ngăn chia hành lang và tiền sảnh với các phòng lân cận, bao gồm cả việc sử dụng kết cấu gỗ, phải có cấp nguy hiểm cháy K0.

H.2.10.3 Các gian phòng khám đa khoa ngoại trú (nhóm F3.4) cho phép đặt trong các phần phụ của nhà có bậc chịu lửa II và cấp nguy hiểm cháy kết cấu không thấp hơn S0. Các phòng này không được đặt ở độ cao quá 28 m.

H.2.11  Nhà ngủ của cơ sở điều dưỡng

H.2.11.1  Các nhà ngủ của cơ sở điều dưỡng không được cao quá 28 m.

H.2.11.2  Đối với nhà ngủ của cơ sở điều dưỡng cao hơn 2 tầng, bậc chịu lửa phải không thấp hơn bậc II, cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0.

H.2.11.3  Các nhà ngủ hai tầng của cơ sở điều dưỡng cho phép có bậc chịu lửa III và cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0.

H.2.11.4   Số chỗ trong các nhà ngủ của cơ sở điều dưỡng với bậc chịu lửa I và II và cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0 không được vượt quá 1 000, bậc III và cấp S0 - không quá 150, các bậc chịu lửa còn lại - không quá 50.

H.2.11.5  Các gian phòng ngủ dành cho gia đình có trẻ em trong nhà ngủ của cơ sở điều dưỡng cần được bố trí trong các tòa nhà độc lập hoặc các phần nhà riêng được ngăn cách bởi vách ngăn cháy loại 1, chiều cao không quá 6 tầng và có lối ra thoát nạn riêng biệt với các phần nhà khác. Khi đó, các gian phòng ngủ phải có lối ra khẩn cấp phù hợp với một trong những yêu cầu sau:

- Lối ra phải dẫn ra ban công hoặc lô gia với vách tường đặc không nhỏ hơn 1,2 m từ mép ngoài ban công (lô gia) đến lỗ mở cửa sổ (cửa đi bằng kính) hoặc không nhỏ hơn 1,6 m giữa các cửa kính đi ra ban công (lô gia);

- Lối ra phải dẫn ra lối đi chuyển tiếp rộng tối thiểu 0,6 m dẫn sang phần nhà khác liền kề;

- Lối ra phải dẫn ra ban công hoặc lô gia có trang bị thang ngoài nối liền các ban công và lô gia từng tầng.

H.2.12 Các quy định bổ sung đối với các nhà công cộng thuộc H.2

H.2.12.1  Trong các nhà công cộng đề cập ở trên (H.2.1 đến H.2.11) có bậc chịu lửa I đến III, kết cấu chịu lực của mái các phần phụ xây liền kề nhà (có thể có một phần nằm trong nhà chính, một phần nằm ngoài nhà chính) phải có giới hạn chịu lửa không thấp hơn R 45 và cấp nguy hiểm cháy K0.

H.2.12.2  Trong các nhà có bậc chịu lửa I và II và cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0, khi toàn nhà có trang bị hệ thống chữa cháy tự động thì diện tích khoang cháy quy định tại các bảng từ H.2 đến H.4 được phép tăng lên không quá 2 lần.

H.2.12.3  Nếu trong phạm vi khoang cháy của nhà 1 tầng tại các bảng từ H.2 đến H.4 có một phần nhà 2 tầng với diện tích chiếm không quá 15% diện tích xây dựng của nhà thì khoang cháy đó vẫn được coi như nhà 1 tầng.

H.2.12.4  Những phần phụ của nhà chính như mái che gắn vào nhà chính (mái hiên, mái che phần diện tích sát chân nhà), sân trời, hành lang ngoài và tương tự được phép lấy bậc chịu lửa thấp hơn 1 bậc so với bậc chịu lửa của nhà chính. Khi đó, cấp nguy hiểm cháy kết cấu của các phần phụ này không được thấp hơn cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà chính. Trong trường hợp này, bậc chịu lửa của nhà có mái che gắn vào nhà chính, sân trời, hành lang ngoài lấy bằng bậc chịu lửa của nhà chính, và diện tích một tầng trong phạm vi một khoang cháy được tính toán bao gồm cả diện tích các phần phụ này.

H.2.12.5  Trong các gian tiền sảnh và phòng chờ có diện tích lớn hơn giá trị quy định tại Bảng H.2, cho phép thay thế tường ngăn cháy bằng vách ngăn cháy xuyên sáng loại 2.

H.2.12.6  Các tường (mặt tường), vách và trần bằng gỗ của nhà có bậc chịu lửa V sử dụng làm nhà trẻ, trường phổ thông, trường nội trú, cơ sở khám bệnh và điều trị ngoại trú, các trại chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và các câu lạc bộ (ngoại trừ các nhà câu lạc bộ 1 tầng có tường ốp đá) phải được bảo vệ chống cháy.

H.2.12.7  Trong các nhà ga hành khách và các nhà hay phòng có công năng tương tự với không gian rộng lớn (trung tâm thương mại, sảnh thông tầng), nếu không thể bố trí được các tường ngăn cháy thì cho phép thay thế tường ngăn cháy bằng thiết bị tạo màn nước drencher bố trí thành 2 dải cách nhau 0,5 m và với cường độ phun không nhỏ hơn 1 L/s cho mỗi mét chiều dài màn nước (tính chung cho cả 2 dải). Khoảng thời gian duy trì màn nước ít nhất là 1 giờ. Ngoài ra, phải có giải pháp ngăn chặn lan truyền khói giữa các khoang cháy.

H.2.12.8  Nhà thư viện không được cao quá 28 m.

H.2.12.9  Chiều cao PCCC lớn nhất cho phép bố trí các gian giảng đường, khán phòng, phòng hội nghị, hội thảo, gian tập thể thao không có khán giả và các gian phòng khác có công năng tương tự trong nhà có công năng bất kỳ được quy định tại Bảng H.8 có kể đến bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà và sức chứa của gian.

Bảng H.8 - Chiều cao PCCC lớn nhất cho phép bố trí một số gian phòng

Bậc chịu lửa của nhà

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà

Sức chứa của gian phòng, chỗ

Chiều cao PCCC lớn nhất cho phép bố trí gian phòng, m

I, II

S0

≤ 300

50

S0, S1

≤ 600

12

S0, S1

> 600

9

III

S0

≤ 300

9

S0, S1

≤ 600

3

IV

S0, S1, S2, S3

≤ 100

3

CHÚ THÍCH 1: Chiều cao lớn nhất cho phép bố trí gian phòng là cao độ của tầng tương ứng với hàng ghế đầu tiên.

CHÚ THÍCH 2: Trong các nhà trẻ, mầm non, mẫu giáo, các cơ sở dưỡng lão và chăm sóc người khuyết tật (không phải kiểu căn hộ), bệnh viện, các nhà ngủ của cơ sở giáo dục nội trú và các cơ sở trẻ em, cơ sở chăm sóc sức khỏe trẻ em (nhóm F1.1), không cho phép bố trí các gian phòng nói trên cao quá tầng 2, còn đối với các trường học (nhóm F4.1) - không cho phép cao quá tầng 3.

CHÚ THÍCH 3: Tổng sức chứa của các gian phòng đặt trên cùng một tầng không được vượt quá giá trị cho phép trong bảng này (trừ trường hợp các gian phòng đặt ở các khoang cháy khác nhau).

H.3 Nhà hành chính - phụ trợ của cơ sở sản xuất và kho

Bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu, chiều cao tối đa cho phép của nhà và diện tích một tầng trong phạm vi một khoang cháy đối với nhà hành chính - phụ trợ của cơ sở sản xuất và kho (nhà đứng độc lập, đứng liền kề hoặc nằm bên trong nhà sản xuất hoặc kho, thuộc nhóm F4.3) được quy định tại Bảng H.2. Khi xác định bậc chịu lửa của nhà thì cần xét đến chiều cao bố trí các khán phòng, hội trường và phòng hội thảo theo Bảng H.8.

H.4 Nhà sản xuất và nhà chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật

H.4.1 Nhà sản xuất

Bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu, chiều cao lớn nhất cho phép của nhà và diện tích một tầng trong phạm vi một khoang cháy đối với nhà sản xuất phụ thuộc vào hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ được quy định tại Bảng H.9.

Số tầng nhà, diện tích một tầng trong phạm vi một khoang cháy của nhà sản xuất xác định theo A.2.1, Phụ lục A và H.6, Phụ lục H. Khi có các lỗ mở công nghệ trên các sàn giữa các tầng thì tổng diện tích các tầng này không được vượt quá diện tích tầng quy định tại Bảng H.9.

Khi trang bị chữa cháy tự động toàn nhà cho nhà sản xuất, cho phép tăng gấp 2 lần các diện tích sàn trong phạm vi một khoang cháy quy định tại Bảng H.9, trừ nhà có bậc chịu lửa IV và V.

Đối với nhà thuộc hạng nguy hiểm cháy nổ C có các gian phòng hạng C1 với tổng diện tích lớn hơn 1/2 diện tích tầng tương ứng thì diện tích một tầng trong phạm vi một khoang cháy quy định tại Bảng H.9 phải giảm đi 25%.

Bảng H.9 - Nhà sản xuất

Hạng nguy hiểm cháy nổ của nhà hoặc khoang cháy

Chiều cao lớn nhất cho phép của nhà 1), m

Bậc chịu lửa của nhà

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà

Diện tích lớn nhất cho phép của một tầng nhà trong phạm vi một khoang cháy, m2

Nhà 1 tầng

Nhà 2 tầng

Nhà từ 3 tầng trở lên

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

А

36

I, II

S0

Không hạn chế

5 200

3 500

24

III

S0

7 800

3 500

2 600

Không quy định

IV

S0

3 500

-

-

B

36

I, II

S0

Không hạn chế

10 400

7800

24

III

S0

7 800

3 500

2 600

Không quy định

IV

S0

3 500

-

-

C

Xem 2)

48

I, II

S0

Không hạn chế

25 000

7 800 3)

10 400

5 200 3)

24

III

S0, S1

25 000

10 400

5 200 3)

5 200

3 600 3)

18

IV

S0, S1

25 000

10 400

-

18

IV

S2, S3

2 600

2 000

-

12

V

Không quy định

1 200

600 4)

-

D

54

I, II

S0

Không hạn chế

36

III

S0

Không hạn chế

25 000

10 400

30

III

S1

Không hạn chế

10 400

7 800

24

IV

S0

Không hạn chế

10 400

5200

18

IV

S1

6 500

5 200

-

E

54

I, II

S0

Không hạn chế

36

III

S0

Không hạn chế

50 000

15 000

30

III

S1

Không hạn chế

25 000

10 400

24

IV

S0, S1

Không hạn chế

25 000

7 800

18

IV

S2, S3

10 400

7 800

-

12

V

Không quy định

2 600

1 500

-

1) Chiều cao nhà trong bảng này được tính từ sàn tầng 1 đến trần tầng trên cùng, bao gồm cả tầng kỹ thuật; khi trần nhà có cao độ thay đổi thì lấy giá trị cao độ trung bình. Khi xác định số tầng nhà thì chỉ tính các tầng trên mặt đất. Không quy định chiều cao nhà một tầng có cấp nguy hiểm cháy S0 và S1.

2) Trong trường hợp nhà bậc chịu lửa I, cấp S0 vẫn không thể đáp ứng yêu cầu về chiều cao hoặc diện tích khoang cháy phù hợp với quy mô sản xuất, cho phép áp dụng đồng bộ tiêu chuẩn NFPA 5000 phiên bản mới nhất hoặc tiêu chuẩn tương đương để xác định chiều cao và diện tích lớn nhất cho phép của một tầng nhà trong phạm vi một khoang cháy tương ứng với giới hạn chịu lửa của các kết cấu, cấu kiện nhà và các điều kiện khác. Giới hạn chịu lửa của kết cấu, cấu kiện nhà trong trường hợp này không được thấp hơn quy định trong Bảng 4 đối với nhà có bậc chịu lửa I.

3) Dành cho nhà sản xuất chế biến gỗ.

4) Dành cho các xưởng cưa (xẻ) có tối đa 4 khung nhà, các xưởng sản xuất chế biến gỗ sơ bộ và các trạm nghiền (băm) gỗ.

CHÚ THÍCH: Dấu “-” nghĩa là nhà có bậc chịu lửa theo hàng ngang tương ứng thì không thể có số tầng theo cột dọc tương ứng.

H.4.2 Nhà chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật (nhóm F5.3)

Bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu, chiều cao nhà lớn nhất cho phép của nhà và diện tích một tầng trong phạm vi một khoang cháy đối với nhà chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật phụ thuộc vào hạng nguy hiểm cháy nổ được quy định tại Bảng H.10, còn đối với nhà hạng D - tại Bảng H.9.

Bảng H.10 - Nhà chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật

Hạng nguy hiểm cháy nổ của nhà hoặc khoang cháy

Chiều cao lớn nhất cho phép của nhà 1), m

Bậc chịu lửa của nhà

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà

Diện tích lớn nhất cho phép của một tầng nhà trong phạm vi một khoang cháy, m2

Nhà 1 tầng

Nhà 2 tầng

Nhà từ 3 tầng trở lên

C

36

I, II

S0

Không hạn chế

25 000

10 400

18

III

S0

25 000

10 400

5 200

12

IV

S0, S1

25 000

10 400

-

12

IV

S2, S3

2 600

2 000

-

8

V

Không quy định

1 200

-

-

E

36

I, II

S0

Không hạn chế

18

III

S0

Không hạn chế

50 000

15 000

18

III

S1

Không hạn chế

25 000

10 400

12

IV

S0, S1

Không hạn chế

25 000

7 800

12

IV

S2, S3

10 400

7 800

-

8

V

Không quy định

2 600

1 500

-

1) Chiều cao nhà trong bảng này được tính từ sàn tầng 1 đến trần tầng trên cùng, bao gồm cả tầng kỹ thuật; với trần nhà có cao độ thay đổi thì lấy giá trị cao độ trung bình. Khi xác định số tầng nhà thì chỉ tính các tầng trên mặt đất. Không quy định chiều cao nhà một tầng có cấp nguy hiểm cháy S0 và S1.

CHÚ THÍCH 1: Cho phép tăng lên đến 1 800 m2 đối với diện tích tầng chứa chim và cừu giữa các tường ngăn cháy của nhà một tầng có bậc chịu lửa V và hạng C.

CHÚ THÍCH 2: Dấu “-” nghĩa là nhà có bậc chịu lửa theo hàng ngang tương ứng thì không thể có số tầng theo cột dọc tương ứng.

H.5 Nhà kho

H.5.1 Bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu, chiều cao lớn nhất cho phép của nhà và diện tích một tầng trong phạm vi một khoang cháy đối với nhà kho (nhóm F5.2) phụ thuộc vào hạng nguy hiểm cháy nổ được quy định tại Bảng H.11.

Bảng H.11 - Nhà kho

Hạng nguy hiểm cháy nổ của nhà hoặc khoang cháy

Chiều cao lớn nhất cho phép của nhà 1), m

Bậc chịu lửa của nhà

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà

Diện tích lớn nhất cho phép của một tầng nhà trong phạm vi một khoang cháy, m2

Nhà 1 tầng

Nhà 2 tầng

Nhà từ 3 tầng trở lên

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

А

Không quy định

I, II

S0

5 200

-

-

Không quy định

III

S0

4 400

-

-

Không quy định

IV

S0

3 600

-

-

Không quy định

IV

S2, S3

75 2)

-

-

B

18

I, II

S0

7 800

5 200

3 500

Không quy định

III

S0

6 500

-

-

Không quy định

IV

S0

5 200

-

-

Không quy định

IV

S2, S3

75 2)

-

-

C

36

I, II

S0

10 400

7 800

5 200

24

III

S0

10 400

5 200

2 600

Không quy định

IV

S0, S1

7 800

-

-

Không quy định

IV

S2, S3

2 600

-

-

Không quy định

V

Không quy định

1 200

-

-

E

Không giới hạn

I, II

S0

Không giới hạn

10 400

7 800

36

III

S0, S1

Không giới hạn

7 800

5 200

12

IV

S0, S1

Không giới hạn

2 200

-

Không quy định

IV

S2, S3

5 200

-

-

9

V

Không quy định

2 200

1 200

-

1) Chiều cao nhà trong bảng này được tính từ sàn tầng 1 đến trần tầng trên cùng, bao gồm cả tầng kỹ thuật; với trần nhà có cao độ thay đổi thì lấy giá trị cao độ trung bình. Khi xác định số tầng nhà thì chỉ tính các tầng trên mặt đất. Không quy định chiều cao nhà một tầng có bậc chịu lửa I, II, III và cấp nguy hiểm cháy S0. Chiều cao nhà một tầng có bậc chịu lửa IV và cấp nguy hiểm cháy S0, S1 không được lớn hơn 25 m, đối với cấp S2, S3 - không lớn hơn 18 m (tính từ mặt sàn đến mép dưới của kết cấu chịu lực mái tại vị trí gối đỡ).

2) Nhà di động.

CHÚ THÍCH 1: Dấu “-” nghĩa là nhà có bậc chịu lửa theo hàng ngang tương ứng thì không thể có số tầng theo cột dọc tương ứng.

CHÚ THÍCH 2: Đối với các nhà kho hạng C, E, trong trường hợp nhà bậc chịu lửa I, cấp S0 vẫn không thể đáp ứng yêu cầu về chiều cao hoặc diện tích khoang cháy phù hợp với quy mô cần thiết, cho phép áp dụng đồng bộ tiêu chuẩn NFPA 5000 phiên bản mới nhất hoặc tiêu chuẩn tương đương để xác định chiều cao và diện tích lớn nhất cho phép của một tầng nhà trong phạm vi một khoang cháy tương ứng với giới hạn chịu lửa của các kết cấu, cấu kiện nhà và các điều kiện khác. Giới hạn chịu lửa của kết cấu, cấu kiện nhà trong trường hợp này không được thấp hơn quy định trong Bảng 4 đối với nhà có bậc chịu lửa I.

H.5.2 Đối với các nhà kho có sàn công tác, khung giá đỡ, tầng lửng thì số tầng và diện tích tầng trong phạm vi một khoang cháy xác định tương tự như nhà sản xuất đã được quy định tại H.4.1. Khi có các lỗ mở trên sàn giữa các tầng thì tổng diện tích các tầng này không được vượt quá giá trị quy định tại Bảng H.10.

H.5.3 Khi trang bị chữa cháy tự động toàn nhà cho các nhà kho, có thể tăng tối đa 2 lần diện tích sàn trong phạm vi một khoang cháy so với giá trị quy định tại Bảng H.11, trừ các nhà có bậc chịu lửa IV và V.

Khi bố trí các kho trong các nhà sản xuất thì diện tích sàn kho trong phạm vi một khoang cháy và chiều cao của chúng (số tầng) không được vượt quá các giá trị quy định tại Bảng H.11.

H.5.4 Diện tích lớn nhất cho phép trong phạm vi một khoang cháy đối với tầng 1 của nhà kho nhiều tầng cho phép xác định theo quy định của nhà một tầng, nếu sàn tầng 2 là sàn ngăn cháy loại 1.

H.5.5 Nhà lưu trữ không được cao quá 28 m.

H.5.6 Nhà kho chứa gỗ thành phẩm chỉ được 1 tầng, bậc chịu lửa tối thiểu bậc IV và cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0 và S1.

Bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu và diện tích một tầng trong phạm vi một khoang cháy cho nhà kho chứa gỗ thành phẩm quy định tại Bảng H.12.

Khi trang bị chữa cháy tự động cho nhà kho chứa gỗ thành phẩm thì cho phép tăng tối đa 2 lần giá trị diện tích một tầng trong phạm vi một khoang cháy quy định tại Bảng H.12, trừ nhà có bậc chịu lửa IV với cấp nguy hiểm cháy kết cấu bất kỳ và nhà có bậc chịu lửa V. Trong trường hợp này, cường độ và diện tích để tính toán lượng nước tiêu hao hoặc chất tạo bọt cần tăng thêm 10%.

Bảng H.12 - Nhà kho chứa gỗ thành phẩm

Hạng nhà

Bậc chịu lửa của nhà

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà

Diện tích lớn nhất cho phép của một tầng nhà trong phạm vi một khoang cháy, m2

C

I, II, III

S0

9 600

IV

S0, S1

4 800

IV

S2, S3

2 400

V

Không quy định

1 200

H.6 Tính diện tích khoang cháy

H.6.1 Việc lựa chọn kích thước nhà và khoang cháy cần phù hợp với bậc chịu lửa của chúng, cấp nguy hiểm cháy kết cấu và nhóm nguy hiểm cháy theo công năng, tính nguy hiểm cháy của các quá trình công nghệ trong nhà hoặc khoang cháy.

H.6.2 Diện tích khoang cháy là diện tích lớn nhất của một tầng trong phạm vi một khoang cháy.

Diện tích một tầng trong phạm vi một khoang cháy là diện tích tầng được giới hạn bởi các tường bao của nhà và (hoặc) các tường ngăn cháy loại 1. Diện tích này được xác định với các yêu cầu bổ sung sau:

- Diện tích một tầng nhà trong phạm vi một khoang cháy được xác định theo chu vi bên trong tường bao của tầng không tính diện tích các buồng thang bộ, trừ các trường hợp đặc biệt được yêu cầu riêng. Khi không có một phần hoặc toàn bộ tường bao thì diện tích trên bằng diện tích sàn;

- Diện tích một tầng trong phạm vi một khoang cháy của các nhà được nối với nhau bằng lối đi bộ kín, đường hầm hoặc hành lang kín cần tính bằng tổng các diện tích các tầng nhà được nối thông và diện tích của lối đi bộ kín, đường hầm hoặc hành lang kín;

- Trong các nhà sản xuất và nhà kho (nhóm F5.1, F5.2 và F5.3), khi có các lỗ mở trên các sàn tầng, diện tích một tầng trong phạm vi một khoang cháy là tổng các diện tích các tầng được thông với nhau qua lỗ mở;

- Trong các nhà ga ra ô tô kín với các ram dốc không được ngăn cách, diện tích một tầng trong phạm vi một khoang cháy là tổng diện tích các tầng được nối với nhau bằng ram dốc không được ngăn cách;

- Đối với nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.1, F1.2, F2 đến F4, khi xác định diện tích một tầng trong phạm vi một khoang cháy cần kể đến diện tích của các mái che, sân trời và hành lang gắn với nhà, nếu chúng không được ngăn cách với phần nhà chính bằng các tường ngăn cháy loại 1;

- Trong các nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.1, F1.2, F2 đến F4 với các gian thông tầng để bố trí cầu thang hở, thang cuốn, sảnh thông tầng và các công năng khác, diện tích một sàn trong phạm vi một khoang cháy là tổng diện tích của tầng dưới cùng của gian thông tầng và của các hành lang, lối đi bộ và các gian phòng của tất cả các tầng phía trên của gian thông tầng trong phạm vi không gian được ngăn cách bởi các vách ngăn cháy loại 1. Khi không có vách ngăn cháy loại 1 ngăn cách không gian thông tầng với các hành lang và các gian phòng tiếp giáp với không gian này (kể cả trong trường hợp có sử dụng các giải pháp thay thế như rèm ngăn cháy, màn drencher và trang bị ngăn cháy tương tự khác) thì diện tích một tầng trong phạm vi một khoang cháy là tổng diện tích của các tầng tương ứng.

Trong trường hợp kết hợp nhiều yêu cầu nêu trên, thì diện tích tầng và chiều cao nhà được lấy theo yêu cầu bất lợi nhất đối với nhà có cấp nguy hiểm cháy kết cấu tương ứng.

Trong trường hợp không xác định được bậc chịu lửa và cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà, cho phép lấy bậc chịu lửa V và cấp nguy hiểm cháy kết cấu S3 để xác định các yêu cầu an toàn cháy khác (xác định khoảng cách phòng cháy chống cháy và các yêu cầu khác).

 

PHỤ LỤC I

(tham khảo)

CÁC HÌNH MINH HỌA

I.1 Ngăn cách lối ra thoát nạn của tầng hầm với lối ra thoát nạn của các tầng xuống khi bố trí chung trong một buồng thang bộ (xem 3.2.2)

 

a) Hình ảnh tổng thể

 

 

b) Mặt bằng

Hình I.1 - Lối ra thoát nạn từ tầng hầm lên được bố trí thoát trực tiếp ra bên ngoài

 

 

a) Hình ảnh tổng thể

 

 

b) Mặt bằng

Hình I.2 - Lối ra thoát nạn từ tầng hầm lên được bố trí thoát vào sảnh tầng 1 sau đó có lối đi riêng để thoát ra bên ngoài

I.2.  Bố trí phân tán các lối ra thoát nạn (xem 3.2.8)

Hình I.3 - Bố trí phân tán các buồng thang bộ thoát nạn

 

 

Hình I.4 - Nguyên tắc nửa đường chéo mặt bằng khi bố trí phân tán các lối ra thoát nạn

 

Hình I.5 - Nguyên tắc bảo đảm khoảng phân tán giữa các lối ra thoát nạn đối với mặt bằng một tầng nhà

I.3 Cầu thang và buồng thang bộ trên đường thoát nạn

I.3.1 Các loại cầu thang và buồng thang bộ thông thường (xem 2.4.2)

CHÚ DẪN:

1 - Cầu thang bộ loại 1 (cầu thang kín, trong nhà): cầu thang bên trong nhà, được bao che kín bởi kết cấu buồng thang và cửa ra vào có khả năng chịu lửa (ngăn cháy). Tường phía ngoài có thể có lỗ mở.

2 - Cầu thang bộ loại 2 (cầu thang bộ hở, trong nhà): cầu thang bên trong nhà, không được bao kín bởi kết cấu buồng thang, không gian cầu thang thông với các không gian khác của nhà.

3 - Cầu thang bộ loại 3 (cầu thang bộ hở, ngoài nhà): cầu thang nằm phía ngoài nhà và không có buồng thang.

4 - Buồng thang bộ loại L1: kết cấu bao che cầu thang bộ trong nhà, có khả năng chịu lửa (ngăn cháy), có lỗ mở lấy ánh sáng ở tường ngoài trên mỗi tầng.

5 - Buồng thang bộ loại L2: kết cấu bao che cầu thang bộ trong nhà, có khả năng chịu lửa (ngăn cháy), có lỗ mở lấy ánh sáng từ trên mái của buồng thang.

Hình I.6 - Các dạng cầu thang bộ và buồng thang bộ thông thường

 

I.3.2 Một số buồng thang bộ không nhiễm khói loại N1

 

Hình I.7 - Bố trí buồng thang bộ loại N1 (xem 3.4.10 a))

 

a) Khoảng đệm không nhiễm khói là một ban công

 

b) Khoảng đệm không nhiễm khói là một lôgia

Hình I.8 - Khoảng đệm không nhiễm khói dẫn vào buồng thang bộ loại N1

 

c) Khoảng đệm không nhiễm khói là một sảnh chung nằm ở biên của nhà, bảo đảm yêu cầu về thông gió tự nhiên

 

d) Khoảng đệm không nhiễm khói qua một sảnh chung nằm sâu trong mặt bằng nhưng có không gian đủ rộng để bảo đảm yêu cầu về thông gió tự nhiên

Hình I.8 (tiếp theo)

 

e) Khoảng đệm không nhiễm khói là một sảnh có thông gió tự nhiên với khoang lõm

 

f) Khoảng đệm không nhiễm khói là một sảnh ngăn khói có thông gió tự nhiên qua giếng đứng

Hình I.8 (tiếp theo)

 

g) Khoảng đệm không nhiễm khói là một sảnh chung nằm giữa các khối nhà và bảo đảm điều kiện lưu thông của không khí qua sảnh nhờ những lỗ thông trên hai tường đối diện

 

h) Khoảng đệm không nhiễm khói đi theo hành lang bên

 

i) Khoảng đệm không nhiễm khói đi theo hành lang bên

Hình I.8 (tiếp theo)

k) Khoảng đệm không nhiễm khói đi theo hành lang bên

Hình I.8 (kết thúc)

 

I.3.3 Buồng thang bộ không nhiễm khói loại N2 và N3

 

Hình I.9 - Các buồng thang bộ không nhiễm khói loại N2 và N3

 

 

MINISTRY OF CONSTRUCTION OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
----------------

No. 06/2022/TT-BXD

Hanoi, November 30, 2022

 

CIRCULAR

ON THE QCVN 06:2022/BXD
NATIONAL TECHNICAL REGULATION ON FIRE SAFETY OF BUILDINGS AND CONSTRUCTIONS

Pursuant to the Law on Technical Regulations and Standards dated June 29, 2006;

Pursuant to No. 127/2007/ND-CP dated August 01, 2007 of the Government elaborating the implementation of the Law on Technical Regulations and Standards and Decree No. 78/2018/ND-CP dated May 16, 2018 of the Government on amendment to the Decree No. 127/2007/ND-CP;

Pursuant to Decree No. 52/2022/ND-CP dated August 8, 2022 of the Government on functions, tasks, powers, and organizational structures of Ministry of Construction;

At request of Director of the Science - Technology and Environment Department;

The Minister of Construction promulgates Circular on National technical regulation on Fire safety for Buildings and Constructions

Article 1. The QCVN 06:2022/BXD National technical regulation on Fire safety for Buildings and Constructions is attached hereto.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 3. Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies, People’s Committees of provinces and central-affiliated cities, and relevant organizations, individuals are responsible for the implementation of this Circular./.

 

 

PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Le Quang Hung

 

QCVN 06:2022/BXD

NATIONAL TECHNICAL REGULATION ON FIRE SAFETY OF BUILDINGS AND CONSTRUCTIONS

 

TABLE OF CONTENTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2 FIRE-RELATED TECHNICAL CLASSIFICATIONS

3 HUMAN SAFETY ASSURANCE

4 FLAME SPREAD PREVENTION

5 WATER SUPPLY FOR FIREFIGHTING

6 FIREFIGHTING AND RESCUE

7 ORGANIZING IMPLEMENTATION

APPENDIX A (regulations) ADDITIONAL REGULATIONS FOR SPECIFIC GROUPS OF BUILDINGS

APPENDIX B (regulations) CLASSIFICATION OF CONSTRUCTION MATERIALS BASED ON FIRE-RELATED TECHNICAL CLASSIFICATIONS AND FIRE SAFETY REQUIREMENTS OF MATERIALS

APPENDIX C (regulations) FIRE AND EXPLOSION RISK CLASSES OF BUILDINGS, CONSTRUCTIONS, ROOMS WITH MANUFACTURING AND STORAGE PURPOSES

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



APPENDIX E (regulations) FIRE SEPARATION DISTANCE

APPENDIX F (regulations) FIRE-RESISTANCE RATINGS OF SEVERAL MODULES

APPENDIX G (regulations) DISTANCE TO EXIT ACCESSES AND WIDTH OF EXIT ACCESSES

APPENDIX H (regulations) FIRE RESISTANCE CATEGORY AND FIRE SAFETY ASSURANCE REQUIREMENTS OF BUILDINGS, CONSTRUCTIONS, AND FIRE COMPARTMENTS

APPENDIX I (for reference) ILLUSTRATIONS

 

Preface

The QCVN 06:2022/BXD is developed by the Construction Science and Technology Institute (Ministry of Construction), jointly compiled by Vietnam Fire and Rescue Police Department (Ministry of Public Security), presented to the Ministry of Science and Technology for approval by the Science - Technology and Environment Department (Ministry of Construction), and issued under Circular No.06/2022/TT-BXD dated November 30, 2022 of the Minister of Construction.

The QCVN 06:2022/BXD replaces the QCVN 06:2021/BXD attached under Circular No. 02/2021/TT-BXD dated May 19, 2021 of the Minister of Construction.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NATIONAL TECHNICAL REGULATION ON FIRE SAFETY OF BUILDINGS AND CONSTRUCTIONS

1 GENERAL PROVISIONS

1.1 Scope

1.1.1 This Regulation prescribes

a) General fire safety requirements of rooms, fire compartments, buildings, and constructions (hereinafter referred to as “buildings”);

b) Fire-related technical classifications of construction materials, structural elements, parts and components of buildings, and buildings.

1.1.2 This Regulation applies to the following buildings and constructions:

a) Houses: apartment buildings and tenements with up to 150 m of fire height and no more than 3 basements; detached houses with at least 7 storeys or more than 1 basement and up to 3 basements, detached houses also serving production, business purposes where floor area for production, business purposes accounts for more than 30% of floor area;

NOTE: If detached houses are repurposed, this Regulation and relevant law provisions must be complied with

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Manufacturing facilities and warehouses with up to 50 m in fire height and no more than 1 basement;

d) Providers of technical infrastructure facilities and amenities with up to 50 m in fire height and no more than 1 basement;

e) Buildings serving transport purposes with up to 50 m in fire height and no more than 3 basements;

f) Buildings serving agriculture and rural development purposes (other than nurseries and greenhouses and the likes).

NOTE: Construction classification shall conform to relevant law provisions. See Schedule 6 for specific constructions under 1.1.2.

1.1.3 In regard to buildings classified under fire risk categories F1.2, F1.3, F4.2, F4.3 by functions and multipurpose buildings with more than 150 m in fire height or at least 4 basements and buildings with fire prevention and fire protection properties different from those named under Schedule 6, in addition to adhering to this Regulation, other technical requirements and solutions pertaining to organization and building engineering appropriate to specific fire prevention and fire protection properties of these buildings must also be complied with on the basis of applied standard documents.

NOTE: In regard to buildings using their 4th and 5th basements as parking spaces, regulations pertaining to underground parking garages must also be complied with in addition to this Regulation.

1.1.4 This Regulation applies to new construction of buildings and constructions named under 1.1.2 or:

a) Renovation and repair which alter occupancies of rooms, fire compartments, or buildings;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Renovation and repair which raise fire risk of construction materials or reduce fire-resistance rating of structures, structural elements;

d) Renovation and repair which alter fire risk class or fire and explosion class of rooms, fire compartments, and buildings in a way that fire risk of those locations is increased;

e) Renovation and repair which raise fire safety requirements of rooms, fire compartments, and buildings;

f) Renovation and repair of fire protection systems of fire compartments and buildings;

g) Other renovation and repair according to instructions of competent fire and rescue police department.

1.1.5 Section 2 through 6 do not apply to buildings with special occupancies (buildings and constructions associated with technology line of power generating facilities such as: hydroelectricity power plant, thermoelectricity power plant; wind power plant, solar power plant, geothermal power plant, tidal power plant, waste-to-energy plant, biomass power plant; biogas power plant; cogeneration power plant, air traffic control tower, manufacturing facilities or preservation facilities of explosive substances and materials; storage of petroleum, petroleum products, natural gas, flammable gas, and pyrophoric substances; filling stations of gas and oil, flammable liquid, flammable gas; manufacturing facilities or storage of toxic chemicals; national defense and security constructions; underground sections of subways; mines, and buildings with similar features).

1.1.6 Section 5 also does not apply to:

a) Facilities, buildings, and constructions for preservation and processing of cereal;

b) Boiler facilities generating heat; electrical grid facilities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1.1.7 Fire prevention and fire protection requirements of construction standards must be based on requirements of this Regulation.

In addition to this Regulation, other specific fire prevention and firefighting requirements under other standards applicable to specific buildings and constructions must also be adequately complied with. If no other specific standards that are based on this Regulation are issued, regulations under applicable standards still prevail until said standards are reviewed. Applicable standards of foreign countries are also allowed as long as this Regulation, other Vietnamese regulations and law on fire prevention and firefighting, and regulations on adoption of foreign standards in construction activities in Vietnam are adhered to.

If specific technical regulations and requirements under applicable standards pertaining to fire prevention and fire protection are less safe than those under this Regulation, those under this Regulation shall prevail.

1.1.8 Fire safety design documents and fire safety technical documents of buildings, structures, structural elements, and construction materials must specify fire-related technical characteristics of these structures in accordance with this Regulation.

1.1.9 When designing buildings and constructions, other mandatory regulations and technical requirements according to applicable laws must be complied with in addition to complying with this Regulation, such as: planning, architecture, structures, water supply and drainage system, electrical system, electrical appliances, lightning arrester, fuel supply system, energy efficiency, ventilating system, air conditioning system, mechanical system, safety use of glass, fall and collision prevention.

1.1.10 In some specific cases, several requirements under this Regulation can be replaced as long as technical evaluation is sent to the Ministry of Construction stating additional or replacement solutions and the basis thereof in order to maintain fire safety. This technical evaluation must be reviewed by the Ministry of Construction while construction design dossiers must be approved by competent fire and rescue police authority in accordance with fire prevention and firefighting laws.

1.2 Regulated entities

This Regulation applies to organizations and individuals related to construction investment activities in Vietnamese territory.

1.3 Reference documents

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



QCVN 17:2018/BXD, National technical regulations on the construction and installation of outdoor advertising facilities.

TCVN 3890, Fire protection - Fire protection equipment, firefighting systems for construction

TCVN 5738, Fire protection - Automatic fire alarm system - Technical requirements.

TCVN 7336, Fire protection - Water, foam automatic fire-extinguishing systems - Design and installation requirements.

TCVN 9310-4, Fire protection - Vocabulary - Part 4: Fire extinction equipment.

TCVN 9310-8, Fire protection - Vocabulary - Part 8: Terms specific to fire-fighting, rescue services and handling hazardous materials.

TCVN 9311-1, Fire - resistance test- Elements of building construction - Part 1: General requirements.

TCVN 9311-3, Fire - resistance test - Elements of building construction - Part 3: Commentary on test method and test data application.

TCVN 9311-4, Fire - resistance test - Elements of building construction - Part 4: Specific requirements for load bearing vertical separating elements.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



TCVN 9311-6, Fire - resistance tests - Elements of building construction- Part 6: Specific requirements for beams.

TCVN 9311-7, Fire – resistance test – Elements of building construction – Part 7: Specific requirements of columns.

TCVN 9311-8, Fire - resistance test- Elements of building construction - Part 8: Specific requirements for non - load bearing vertical separating elements.

TCVN 9383, Fire resistance test - Fire door and Shutter Assemblies.

TCVN 12695, Reaction to fire tests for construction products - Non-combustibility test.

TCVN 13456, Fire protection - Emergency lighting and Exit sign - Design, installation requirements

1.4 Definitions

In this Regulation, the terms below are construed as follows:

1.4.1

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Refers to fulfillment of requirements for construction material properties and structures, architectural solutions, planning, technical and technology solutions depending ton characteristics of constructions in order to prevent fire (fire protection), limit the spread, extinguish fire (fire prevention), prevent factors harmful for humans, and minimize property damage in case of fire.

1.4.2

fire engine parking space

Refers to a road segment whose finished surface can withstand the calculated load, which is located along the circumference or in a part of the circumference of the buildings, which allows firefighting equipment to deploy firefighting activities.

NOTE: In comparison with fire lane, fire engine parking space is design to withstand a greater load with a greater width for the deployment of firefighting equipment

1.4.3

fire protection

Refers to a combination of methods and technical solutions adopted to prevent impact of fire on human and limit physical damage caused by fire.

1.4.4

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Refers to a categorized characteristic of buildings, constructions, and fire compartments determined by fire-resistance rating of structures/structural elements employed to build said buildings, constructions, and fire compartments.

1.4.5

fire protection assembly

Refer to an apparatus employed to prevent fire and combustion products from spreading from a fire compartment or from a room with fire to other rooms. Includes fire-resistance-rated walls, fire-resistance-rated partitions, and fire-resistance-rated floors.

1.4.6

smoke barriers

Refer to structures employed to divert, contained, and/or reduce the spread of smoke (gaseous product for a fire).

1.4.7

fire risk level of structural elements

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1.4.8

fire risk level of structures

Refers to a characteristic of buildings, constructions, and fire compartments and is based on level of participation of their structures in development of the fire and formation of fire hazards.

1.4.9

building height for fire prevention and firefighting (fire height)

Fire height of a building (excluding the topmost mechanical floor) is determined as follows:

The maximum distance from fire lane to the lowest point of the opening (window) on the exterior wall of the highest storey;

Half of total distance from fire lane to the floor and to the ceiling of the topmost storey - if no openings (windows) are located on the exterior wall.

NOTE 1: If roof is utilized, fire height of the building shall equal the greatest distance from fire lane to the highest point of the wall surrounding the roof

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NOTE 3: If balcony (loggia) or enclosing structures (guardrail) are built, fire height shall equal the greatest distance from fire lane to the highest point of the guarding structures (guardrail) or balcony (loggia).

1.4.10

height of solid stream

Equals 0,8 times the height of a stream flowing vertically.

1.4.11

smoke outlet (flap, shutter)

Refer to remotely controlled equipment (devices) which seals openings located on the exterior wall surrounding rooms protected by natural smoke extraction system.

1.4.12

hoistway door

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1.4.13

smoke inlet

Refers to an opening in smoke extraction system to which mesh, bars, flaps, or normally closed fire dampers can be fitted.

1.4.14

accessible floor area

Refers to the total floor area of all covered spaces within a building, including service ducts, lift shafts, toilets, staircases, areas occupied by fixed, moveable furniture, equipment, facilities, and any open-to-sky habitable areas above or below the first storey of the building.

1.4.15

fire lane

Refers to a road designed to allow firefighting equipment to reach and move within a building’s vicinity to commerce firefighting and rescue activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



means of egress

Refers to a path of travel which allows humans to head outside or enter safe areas, refuge floors, fire emergency holding areas and guarantees safe evacuation of humans in case of fire.

1.4.17

independent means of egress

Refers to a means of egress that serves only one section of the building (exit accesses of other sections of the building will not lead to this means of egress).

1.4.18

fire-resistance rating

Refers to the period of time (in hours or minutes) from the moment in which structures and structural elements undergo fire resistance test in standard temperature to the moment in which they exhibit any of the limit states.

1.4.19

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Refers to an area which is located on the refuge floor and allows temporary evacuation in case of fire.

1.4.20

technical room

Refers to a room where all technical equipment of the building or storey is stored. Technical rooms can occupy a mechanical floor partially or entirely.

1.4.21

room

Refers to a space contained within a building that serves a definite purpose and is limited by structures.

1.4.22

regularly occupied room

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1.4.23

single-loaded corridor

Refers to a corridor whose one side receives natural ventilation, is not obstructed, runs continuously along its length and whose clear height from the highest point of the side wall to the ceiling is not smaller than 1,2 m.

1.4.24

fire protection system

A system that includes: smoke protection system, standpipe system, fire hydrant system, automatic fire suppression system, fire alarm, public address system, emergency lighting system, egress lighting system, fire service elevator, rescue equipment, structural solutions, evacuation solutions, smoke prevention solutions, flame spread prevention solutions.

1.4.25

air supply system for smoke control

Refers to a system that is remotely controlled and prevents smoke in case of fire for rooms in control areas, staircases, elevator shafts, fire protection vestibules by supplying fresh air from the outside to create positive pressure in the aforementioned areas, prevents the spread of combustion products and supplies fresh air to make up for the expelled combustion products.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



smoke extraction system

Refers to a system that is remotely controlled expels smoke and combustion products outside via smoke inlet.

1.4.27

standpipe system

Refers to a combination of specialized equipment including valves, hoses, and nozzles that have been pre-installed to deliver water to the fire.

1.4.28

fire separation distance

Refers to the minimum distance between buildings and constructions for the purpose of preventing flame spread.

1.4.29

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Refers to a section of a building which is separated by fire-resistance-rated walls and/or fire-resistance-rated floors or fire-resistance-rated roofs whose fire-resistance rating is sufficient to prevent the fire from spreading beyond the fire compartment throughout the fire duration.

1.4.30

vestibule

Refers to a space located between doors which prevents smoke and other gases from entering buildings, staircases, or other rooms.

1.4.31

fire protection vestibule

Refers to a vestibule that protects any opening on fire protection assembly, is enclosed by fire-resistance-rated floors and fire-resistance-rated partitions, contains 2 adjacent openings fitted with fire-resistance-rated protectives, or contains more than 2 openings fitted with fire-resistance-rated protectives only when mechanical ventilation is adopted for the vestibule in order to prevent smoke from entering the vestibule in case of fire.

1.4.32

smoke

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1.4.33

exit access (exit, exit access doorway)

Refers to a route or a door that leads into a means of egress, directly outside, or into control areas, refuge floors, and/or fire emergency holding areas.

1.4.34

exit passageway

Refers to an exit access that leads to a means of egress without crossing building sections (or rooms) of other occupancies.

1.4.35

separate exit access

Refers to an exit access that leads from a building section (or room or rooms) into an independent means of egress, or directly outside, or directly into control areas, refuge floors, fire emergency holding areas.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



protective concrete layer and concrete cover

Protective concrete layer starts from the edge of the structural elements to the nearest rebar surface.

Concrete cover refers to the thickness of the protective concrete layer (from the edge of the structural elements to the nearest rebar surface).

1.4.37

occupied roof

Refers to a roof which is regularly occupied by humans (at least 2 consecutive hours or at least 6 hours within a period of 24 hours).

1.4.38

flame

Refers to the visible, gaseous part of a fire.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



building

Refers to a structure whose primary function is to shelter, protect people or objects therein and which is partially or entirely covered and built on a fixed location.

1.4.40

apartment building

Refers to a building with at least 2 storeys, multiple flats, common staircases, private property and common property, common infrastructures and amenities for use by households, individuals, and organizations. Includes apartment buildings built for residential purposes and apartment buildings built for a mix of residential and business purposes (hereinafter referred to as “multipurpose apartment buildings”)

1.4.41

multipurpose building

Refers to a building that serves different purposes (for example: a building can be designed to facilitate office, commerce and services, public operations, and even accommodations)

NOTE: A multipurpose building must comply with regulations on fire safety applicable to multipurpose buildings if floor area dedicated to each occupancy of the building does not exceed 70% of the total floor area of said building (not including floor area used for technical system, fire prevention and firefighting, fire emergency holding areas, and parking).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



manufacturing facility

Refers to a building where industrial manufacturing activities are conducted and necessary conditions are guaranteed to allow humans to work and operate technology equipment.

1.4.43

fire risk category by function of buildings, constructions, fire compartments, and rooms

Refers to a characteristic of buildings, constructions, fire compartments, and rooms which is determined by functions and characteristics of said buildings, constructions, fire compartments, and rooms, including characteristics of production technology employed within said buildings, constructions, fire compartments, and rooms.

1.4.44

fire risk classification of construction materials

Refers to a property of construction material determined by combustibility test as per standards.

1.4.45

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Refers to a part within a fire compartment that is separated by fire protection assembly and/or areas sustaining no fire load

1.4.46

fire prevention

Refers to a combination of organization and technical solutions which aim to ensure safety for humans, prevent fire, restrict flame spread, and facilitate effective extinguishing of the flame

1.4.47

compartment volume

Refers to volume of space in a building or a fire compartment. This volume does not include walls of protected elevators, exit access stairwells and other spaces (e.g. lavatories and storage units) covered by walls with fire resistance ratings less than 60 minutes and walkways passing through walls protected by class 2 fire-resistance-rated doors installed with self-closing devices. Compartment volume shall be calculated based on:

a) Clearance area which equals the distance between inner finished surfaces of surrounding walls, or in case of areas without surrounding walls, from a vertical surface to the topmost outermost edge of the floor;

b) Height which equals the distance from the highest point of the lower floor to the lowest point of the upper floor;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1.4.48

smoke protected lobby

Refers to a lobby leading into an exit access stairwells. This lobby must be designed to as to prevent or minimize smoke infiltration into the staircase.

1.4.49

elevator lobby

Refers to an empty space leading to the elevator

1.4.50

number of storey

Refers to the number of above-ground storeys (including mechanical floor, roof access) and basements/semi-basements but not attics.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1.4.51

fire incident

Refers to an uncontrolled combustion that leads to human casualty and/or property damage.

1.4.52

combustion

Refers to an exothermic redox chemical reaction which is accompanied by a flame or incandescent light or smoke.

1.4.53

standard documents

Include documents such as standards, technical specifications, code of practice, and technical regulations in Vietnam and in other countries promulgated by competent agencies and authorities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



fire load

Refers to the total heat output produced by combustion of combustible materials within a construction

1.4.55

attic

Refers to a storey located in the space directly beneath the pitched roof where a part or the entire vertical surface of the storey is created by roof pitches or gables while surrounding walls (if any) are not taller than 1,5 m from the floor.

1.4.56

home landing (of an elevator)

Refers to a storey where the main entrance to the building is located (usually the first storey).

1.4.57

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Refers to a storey with more than half of its height located below ground level according to approved planning.

NOTE: When reviewing fire safety requirements of a building located on varying ground levels, a storey located below ground level according to approved planning shall not be considered a basement if means of egress from this storey does not travel in an upward direction.

1.4.58

refuge floor

Refers to a storey for temporary evacuation which is located in a building with fire height exceeding 100 m. Each refuge floor may house one or multiple fire emergency holding areas.

1.4.59

semi-basement

Refers to a storey with half of its height located above or at ground level according to approved planning

1.4.60

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Refers to a storey or a part thereof where technical rooms or technical equipment of the building is located. A mechanical floor can be a basement, a semi-basement, a attic, the topmost storey, or any storey in-between.

1.4.61

above-ground storey

Refers to a storey whose floor level is above or at ground level according to approved planning.

1.4.62

fire service elevator

Refers to an elevator which is installed primarily for passenger transport but is additionally equipped with protected control, communication systems and marked in order to allow the elevator to be manually controlled by fire brigade to reach various storeys of the building in case of fire.

1.4.63

smoke ventilation

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1.4.64

fire risk of substances and construction materials

Refers to a state of substances and materials which is characterized by the ability of the substances and materials to combust or explode.

1.4.65

fire risk of fire barriers

Refers to a state of fire barriers and is characterized by the ability to combust and contribute to the fire as well as impact of harmful combustion factors on humans and properties.

1.4.66

fire resistance

Refers to the ability to resist the fire and prevent the spread of fire hazards.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



smoke damper

Refers to a normally closed fire damper, which is rated for E and installed directly on openings of smoke inlets in corridors and smoke protected lobbies (subsequently referred to as “corridors”)

1.4.68

fire damper

Refers to an equipment which is remotely controlled, shields ventilation ducts or openings on enclosing structures of a building, and is rated for EI. There are 3 types of fire dampers:

Normally open fire dampers (which close in case of fire);

Normally closed fire dampers (which open in case of fire or after a fire);

Combined fire dampers (which close in case of a fire and open after a fire);

1.4.69

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Refers to an area in which humans are protected from fire hazards or an area in which fire hazards are either absent or not exceeding the permitted values.

1.4.70

smoke compartment

Refers to space within a structure which is limited or surrounded by smoke barriers or structural elements which help prevent the spread of smoke in case of fire.

1.4.71

passive fire protection for structures

Refers to the adoption of impregnation or coating, layering of protective layers on top of structures in order to raise fire resistance and/or reduce fire risk of the structures.

1.4.72

fire hazards

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NOTE: Fire hazards include 1) flame and flaming droplets; 2) heat wave; 3) rising ambient temperature; 4) rising toxic substance concentration of combustion products; 5) low oxygen concentration; 6) smoke obscuration.

1.5 General provisions

1.5.1 When designing buildings, structural and premise - spatial arrangement and construction engineering solutions must be implemented in order to ensure the followings in case of fire:

- The buildings are able to maintain overall stability and stiffness in a definite period of time as prescribed by fire resistance category of buildings;

- All building occupants (regardless of age and health conditions) can evacuate to safe areas outside (hereinafter referred to as “outside”) in a timely manner before the risks to human lives and health are present due to fire hazards;

- All rescue operations are feasible;

- Fire brigade and firefighting equipment are able to access the fire, implement firefighting activities, rescue humans and properties;

- The fire is prevented from spreading onto neighboring buildings, even when the burning buildings collapse;

- All direct and indirect physical damage is minimized, including damage to the buildings and properties therein, taking into account economic relationship between the damage and costs for fire prevention and firefighting solutions, equipment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- All fire prevention and protection solutions must be adopted according to the design in a manner conforming to applicable regulations and standards and approved by the competent authority;

- Fire prevention and firefighting requirements of construction in progress and auxiliary constructions, fire prevention and firefighting regulations in construction as per fire prevention and firefighting laws must be adequately implemented;

- All firefighting equipment must be equipped and ready for use;

- Safe evacuation, rescue operations, and property protection in case of fire during construction process and at construction sites must be guaranteed.

1.5.3 During use:

- All building sections and operation of fire protection system must conform to design requirements and technical documents thereof;

- Regulations on fire prevention and firefighting as per applicable laws must be implemented;

- Structural solutions, premise - spatial arrangement, and engineering solutions must not be altered without approved design as per the law;

- Structural elements and materials that do not meet requirements under applicable regulations and standards are not allowed for use in repair operations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1.5.4 When analyzing fire risk of buildings, calculated scenarios based on correlation between parameters such as contribution to the fire, the spread of fire hazards, human evacuation, and firefighting operations can be utilized.

2 FIRE-RELATED TECHNICAL CLASSIFICATIONS

2.1 Fire risk classification of construction materials

2.1.1 Purpose of classification

2.1.1.1 The classification of construction materials and substances based on fire risks shall be implemented in order to establish fire safety requirements for these materials and substances, and use, preservation, transport, processing, and disposal thereof.

2.1.1.2 In order to establish fire safety requirements for building structures, constructions, and fire protection systems, construction materials shall be classified by fire risks.

2.1.2 Classification criteria

Fire risks of construction materials are determined based on fire-related technical specifications:

- Combustibility;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Flame spread;

- Smoke production;

- Toxic potency.

2.1.3 Combustibility classification

2.1.3.1 By combustibility, construction materials are classified into non-combustible materials and combustible materials.

2.1.3.2 Non-combustible materials are those with combustibility criteria (temperature increase, loss of sample mass, duration of sustained flaming) under B.1.1, Appendix B.

Non-combustible materials are not subject to regulations on fire risks and not subject to determination of other criteria (see B.1.1, Appendix B)

2.1.3.3 Combustible materials shall be classified into 4 classes:

- Ch1 (mildly flammable);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Ch3 (flammable);

- Ch4 (highly flammable).

Combustibility and construction materials classified by combustibility are determined under B.1.2, Appendix B

2.1.4 Ignitability classification

By ignitability, combustible construction materials are classified into 3 classes:

- BC1 (barely ignitable);

- BC2 (moderately ignitable);

- BC3 (ignitable).

Classification of construction material based on ignitability shall be determined under B.1.3 of Appendix B

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



By flame spread, combustible construction materials are classified into 4 classes

LT1 (no spread);

LT2 (limited spread);

LT3 (moderate spread);

LT4 (rapid spread).

Classification of flame spread applies to flooring and roofing materials, including carpets, according to B.1.4 of Appendix B

Other construction materials are not required to be classified by flame spread.

2.1.6 Smoke production classification

By smoke production, combustible construction materials are classified into 3 classes:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- SK2 (moderate smoke production);

- SK3 (high smoke production).

Classification of construction materials by smoke production is determined under B.1.5 of Appendix B.

2.1.7 Toxic potency classification

By classification of combustion products, combustible construction materials are classified into 4 classes:

- DT1 (low toxic potency);

- DT2 (moderate toxic potency);

- DT3 (high toxic potency);

- DT4 (very high toxic potency).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2.1.8 Fire risk classification

2.1.8.1 By fire risks, construction materials are classified into CV0, CV1, CV2, CV3, CV4, and CV5 in ascending order fire risk level.

NOTE: Fire risk level of construction materials is determined by a combination of criteria under 2.1.2.

2.1.8.2 Fire risk levels of construction materials are specified under B.1.7, Appendix B.

2.2 Structural elements

2.2.1 Purpose of classification

2.2.1.1 Structural elements are classified by fire resistance and fire risks

2.2.1.2 Structural elements are classified by fire resistance in order to determine their use in buildings, constructions, and fire compartments with a definite fire-resistance rating or to determine fire-resistance rating of buildings, constructions, and fire compartments.

2.2.13 Structural elements are classified by fire risks in order to determine their contribution to the fire and formation of fire hazards.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2.2.2.1 Depending on the ability of structural elements of buildings and constructions to resist the fire and the spread of fire hazards in standard testing conditions, their fire resistance shall be classified as follows:

- Not required;

- No less than 15 minutes;

- No less than 30 minutes;

- No less than 45 minutes;

- No less than 60 minutes;

- No less than 90 minutes;

- No less than 120 minutes;

- No less than 150 minutes;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- No less than 240 minutes.

2.2.2.2 Fire-resistance rating of structural elements shall be determined under standard testing conditions. Fire-resistance rating of load bearing and sheltering structural elements under standard testing conditions or calculated results shall be expressed by the amount of time after which one or several limit states subsequently occur:

- Loss of stability (expressed by the letter R);

- Loss of integrity (expressed by the letter E);

- Loss of insulation (expressed by the letter I) as temperature of the non-burning surface reaches the limit value;

Loss of limitation of heat radiation (expressed by the letter W) as heat flux measured from a definite distance from the non-burning surface of the structural elements/structures reaches the limit value;

NOTE 1: Fire-resistance rating of structural elements is determined by using combustibility test under TCVN 9311-1 through TCVN 9311-8 or equivalent standards or by using calculations according to approved fire resistance design standards.

Fire-resistance ratings of smoke and air ducts shall be determined in accordance with ISO 6944 or equivalent standards.

NOTE 2: The required fire-resistance ratings of specific structural elements are specified under this Regulation and Technical regulations of each construction. The required fire-resistance rating of structural elements are expressed by REI, REW, EI, EW, EIW, RE, or R accompanied by the duration of sustaining fire in minutes. For example: If a structural element has required fire-resistance rating of REI 120, the structural element must be able to maintain its stability, integrity, and insulation for 120 minutes while being affected by the fire. If a structural element has required fire-resistance rating of R 60, the structural element must be able to maintain its stability for 60 minutes while being affected by the fire regardless of insulation and integrity.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The structural element shares similar design and technical characteristics with a combustibility test sample whose fire-resistance rating as determined by the test is not lower than the required fire-resistance rating of the structural element.

b) Fire-resistance rating of the structural element as determined by calculations according to applicable fire resistance standards is not lower than the required fire-resistance rating of structural element.

c) The structural element has design and technical characteristics matching those of structural elements which are listed under Appendix F together with respective nominal fire-resistance ratings not lower than the required fire-resistance rating of the structural element.

2.2.3 Classification of structural elements by fire risks

2.2.3.1 By fire risks, structural elements are classified into 4 levels:

K0 (no fire risks);

K1 (limited fire risks);

K2 (moderate fire risks),

K3 (fire risks).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NOTE 1: Without testing, structural elements are placed under fire risk levels as follows:

a) K0 - when the structural elements are made solely from non-combustible materials;

b) K1 - when outer surface of the structural elements are made from materials that are classified as Ch1, BC1, and SK1 or higher in terms of safety;

c) K2 - when outer surface of the structural elements are made from materials that are classified as Ch2, BC2, and SK2 or higher in terms of safety;

d) K3 - when outer surface of the structural elements are made from materials that are classified as either Ch3 or BC3 or SK3

NOTE 2: Glass façade of a building is considered a K0 structural element if all its parts (including those connected to the building) are made from non-combustible materials. Sealant network and outer coating that are up to 0,3 mm in thickness (if any) can be ignored for this purpose

2.3 Fire protection assembly

2.3.1 Purpose of classification

Fire protection assembly is classified based on methods for preventing the spread of fire hazards and fire resistance in order to select structures and opening protectives of fire protection assembly with appropriate fire-resistance rating and fire risk levels.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2.3.2.1 Fire protection assembly includes fire-resistance-rated walls, fire-resistance-rated partitions, and fire-resistance-rated floors and are classified in accordance with Schedule 1.

NOTE: In addition to the aforementioned fire protection assembly, other measures such as fire curtains, water curtains, fire separation distance, and areas without fire load are also employed to prevent flame spread.

2.3.2.2 Opening protectives of fire protection assembly (such as fire-resistance-rated doors, hatches, fire dampers, windows, fire curtains) that are dependent on fire-resistance rating of the separation are classified according to Schedule 2.

NOTE: Fire-resistance rating of fire dampers in air distribution systems shall be determined in accordance with ISO 10294 or equivalent standards. Fire-resistance rating of doors, windows, and shutters shall be determined in accordance with TCVN 9383 or equivalent standards.

2.3.2.3 Fire protection vestibules located in openings of fire protection assembly that are dependent on structures of fire protection vestibules shall be classified into type 1 and type 2 fire protection vestibules

2.3.3 Requirements for fire protection assembly

2.3.3.1 Fire protection assembly is employed to prevent fire and combustion products from spreading from a fire compartment or from a room on fire to other rooms.

2.3.3.2 Fire protection assembly is characterized by fire resistance and fire risks.

Fire resistance of a fire protection assembly shall be determined by fire resistance of all its constituents, including:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Structural elements that stabilize separating structures (frames, bracing, and similar);

- Structural elements that support separating structures (supporting beams, supporting walls, and similar);

- Joints thereof.

Fire-resistance ratings by loss of stability (R) of structural elements that stabilize separating structures, structural elements that support separating structures, and joints thereof must not be lower than the required fire-resistance ratings of the separating structures.

Fire risks of fire protection assembly shall be determined by fire risks of the separating structures together with those of connecting parts and structural elements that stabilize the separating structures.

2.3.3.3 Fire-resistance ratings and types of structural elements working as fire protection assembly, respective opening protectives, and fire protection vestibules are specified under Schedule 1.

2.3.3.4 Type 1 fire protection assembly must have K0 fire risk level. In specific cases, K1 fire risk level is allowed in type 2 through type 4 fire protection assembly.

2.3.3.5 Fire-resistance ratings of protectives of openings of fire protection assembly are specified under Schedule 2.

Schedule 1 - Fire-resistance ratings and types of structural elements working as fire protection assembly, respective opening protectives, and fire protection vestibules

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Types of fire protection assembly

Fire-resistance ratings of fire protection assembly

Types of protectives of openings of fire protection assembly

Types of fire protection vestibules

1. Fire-resistance-rated wall

1

REI 150

1

1

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



REI 45

2

2

2. Fire-resistance-rated partition

1

EI 45

2

1

2

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3

2

3. Fire-resistance-rated partitions with glass area exceeding 25% of partition area

1

EIW 45 1)

2

1

2

EIW 15 1)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2

4. Fire-resistance-rated floors

1

REI 150

1

1

2

REI 60

2

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3

REI 45

2

1

4

REl 15

3

2

In regard to materials other than glass, adopt EI parameters; in regard to glass sections, adopt EW parameters. Fire-resistance-rated partitions that have been tested and qualified for EI parameters, including the glass section, shall be considered to be qualified for EW parameters.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Types of opening protectives of fire protection assembly

Types of opening protectives of fire protection assembly

Fire-resistance rating

1. Doors (except for: doors with glass sections exceeding 25% of door area; smoke-proof doors), hatches, fire dampers 1), fire curtains

1

El 60

2

El 30

3

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Doors with glass sections exceeding 25% of door area

1

EIW 60 2)

2

EIW 30 2)

3

EIW 15 2)

3. Hoistway doors (if required for fire-resistance ratings)

2

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Windows

1

E 60

2

E 30

3

E 15

1) Fire-resistance ratings of fire dampers are allowed to be rated for integrity (E) if these dampers are fitted inside channels, ducts, and pipelines which are rated for both integrity and (E) and insulation (I).

2) In regard to materials other than glass, adopt EI parameters; in regard to glass sections, adopt EW parameters. Doors that have been tested and qualified for EI parameters, including the glass sections, shall be considered to be qualified for EW parameters

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NOTE: If the inside of fire protection assembly is fitted with doors, hatches, dampers, windows, blinds or fire protection vestibules where these protectives are located, the doors, fire dampers, and fire protection vestibules must also have fire prevention capacity appropriate to the type of fire protection assembly under Schedule 1.

Schedule 3 - Requirements for parts of fire protection vestibules

Types of fire protection vestibules

Types of parts of fire protection vestibules

Partitions

Floors

Opening protectives

1

1

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2

2

2

4

3

2.4 Staircase and stairwell

2.4.1 Purpose of classification

Staircases and stairwells are classified in order to determine their requirements pertaining to premise - spatial arrangement and structural solutions and to establish requirements for using them as means of egress for humans

2.4.2 Classification of staircase

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Type 1 - indoor staircase, positioned in a stairwell;

Type 2 - indoor staircase, open;

Type 3 - outdoor staircase, open.

NOTE 1: “Open” means the staircase is not enclosed in a stairwell.

NOTE 2: Illustrations pertaining to types of staircases are depicted under Appendix I.

2.4.2.2 Fire escape stairs serving firefighting and rescue purposes shall be classified into 2 types as follows:

- P1 - vertical ladder;

- P2 - stairs with rise to run ratio not exceeding 6:1 (not exceeding 80o)

2.4.3 Classification of stairwell

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Regular stairwell;

- Smokeproof stairwell

NOTE: Illustrations pertaining to types of stairwells are depicted under Appendix I.

2.4.3.2 Regular stairwells shall be further classified as follows:

- L1 - stairwell that receives natural lighting via openings (either blank or fitted with glass) on the exterior walls of each storey or does not receive natural lighting in case it is intended for exit from semi-basements;

- L2 - stairwell that receives natural lighting via openings (either blank or fitted with glass) on the roof.

2.4.3.3 Smokeproof stairwells shall be further classified depending on smoke protection measures as follows:

- N1 - stairwell whose entry on each storey travels through a buffer area along open passages (see part 3 for cases of N1 stairwells);

NOTE: N1 stairwell can be substituted by a stairwell whose entry on each storey travels through a vestibule. Both vestibules and stairwells must contain positive pressure in case of fire. The supply of air into vestibules and stairwells must be independent of each other.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- N3 - stairwell whose entry on each storey travels through a fire protection vestibule which always has positive pressure (pressure in the fire protection vestibule is greater than that outside of the fire protection vestibule).

2.5 Buildings, constructions, and fire compartments

2.5.1 Purpose of classification

The fire-related technical classification for buildings, constructions, and fire compartments serve to establish fire safety requirements for fire prevention and fire protection systems of buildings and constructions depending on their occupancies (purposes) and fire risks.

2.5.2 Classification criteria

The fire-related technical classification for buildings, constructions, and fire compartments shall take into account the following criteria:

- Fire resistance category;

- Fire risk level of structures;

- Fire risk categories by function.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2.5.3.1 Buildings, constructions, and fire compartments shall be classified into 5 fire resistance categories of I, II, III, IV, and V.

2.5.3.2 Establish fire resistance category of buildings, constructions, and fire compartments

Fire resistance category of buildings, constructions, and fire compartments is established on the basis of number of storey (or fire height), fire risk category by functions, area of fire compartment (see Appendix H) and fire risk of technology procedures that take place in the buildings, constructions, and fire compartments.

2.5.3.3 The required fire-resistance rating of structures must be selected to remain appropriate to fire resistance category of buildings, constructions, and fire compartments. Unless otherwise stated hereunder, the correspondence between fire resistance category of buildings, constructions, fire compartments and fire-resistance ratings of their structures shall conform to Schedule 4.

Schedule 4 - Correspondence between fire resistance category of buildings, constructions, fire compartments and fire-resistance ratings of their structural elements

Fire resistance category of buildings, constructions, fire compartments

Fire-resistance ratings of structural elements, no less than

Load bearing walls, load bearing pillars, and other load bearing components

Non-load bearing exterior walls

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Roof structures without attics

Structural elements of stairwell

Roof tiles (including tiles with insulation)

Truss, beams, purlins

Inner wall

Stringer and landings

I

R 120

E 30

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



RE 30

R 30

REI 120

R 60

II

R 90

E 15

REI 45

RE 15

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



REI 90

R 60

II

R 45

E 15

REI 45

RE 15

R 15

REI 60

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



IV

R 15

E 15

REI 15

RE 15

R 15

REI 45

R 15

V

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NOTE 1: In buildings with fire resistance categories I, II, and III, the floor and ceiling of basements, semi-basements must be made from non-combustible materials and be rated for REI 90 at the minimum. The floor of the first storey and the topmost storey must be made from materials not lower than Ch1 in terms of combustibility. In buildings with fire resistance categories of IV and V, the floor and ceiling of basements, semi-basements must be made from materials not lower than Ch1 in terms of combustibility and be rated for REI 45 at the minimum.

NOTE 2: Fire-resistance ratings of roof tiles (including thermal insulation tiles) and purlins thereof (other than buildings, fire compartments, and rooms placed under F3.1 or F3.2 fire risk categories by functions, F5 fire risk category warehouses, manufacturing facilities, and other buildings, rooms, fire compartments of class A, B, or C) are not required if all of the following conditions are met:

The underside of the purlins are at least 6,1 m away from the floor directly below them;

Roof tiles and purlins are made from either non-combustible materials or mildly flammable materials (Ch1).

NOTE 3: In regard to buildings (F1.3 buildings and multipurpose buildings) with 2 or 3 basements, load bearing structures and structural elements in the basements must be rated for at least R 120.

NOTE 4: Floor of rooms where combustible liquid is produced or preserved must be made from non-combustible materials.

NOTE 5: A part of the non-load bearing exterior wall is not required to be subject to fire protection measures. The area that is not required to be subject to fire protection measures shall be determined in accordance with E.3, Appendix E.

NOTE 6: Fire-resistance ratings of non-load bearing exterior wall are not required when all of the following conditions are met:

- The entire building is equipped with automatic sprinkler system in accordance with the TCVN 7336;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Non-load bearing exterior wall of the building has K0 fire risk level. Finishing materials of exterior wall (if any) are non-combustible materials or mildly flammable (Ch1) with no spread capacity (LT1) or higher.

Load bearing walls, load bearing pillars, frames, solid partitions, floor components between storeys and roof without attics (such as beams, rafters, purlins, floor tiles, roof tiles) shall be considered load bearing components of buildings if they can maintain general structure and spatial stability of buildings in case of fire.

Information on the aforementioned load bearing components of the buildings must be specified in the building’s technical dossiers by designing entities.

Fire-resistance ratings and fire risk levels are not required for roof structures and structural elements that contain attics in buildings with all fire resistance categories. Fire-resistance ratings of gable structures of attics are not required as long as fire risk level of the gables must be equivalent to that of surrounding walls. Structural elements and structures of roofs which contain attics must be instructed by the designing entities in the building’s technical dossiers.

Fire-resistance ratings are not required for opening protectives (doors, windows, hatches), skylights, light-transmitting windows on the roof, and translucent roofing sheets except for protectives of openings on fire protection assembly and otherwise mentioned cases.

If the minimum required fire-resistance ratings of structural elements are R 15 (RE 15, REI 15), unprotected steel structures are allowed for use if their fire-resistance rating is at least R 8 according to tests or calculations, or if section factor Am/V is less than or equal to 250 m-1.

NOTE: Section factor Am/V shall be determined in accordance with the ISO 834-10 or equivalent standards

In N1 smokeproof stairwells, stringers and landings rated for R 15 with fire risk level K0 are allowed for use.

Fire compartments shall be separated by type 1 fire-resistance-rated walls and/or type 1 fire-resistance-rated floors. A vertical fire compartment can be divided by a mechanical floor which is separated from adjacent storeys by type 2 fire-resistance-rated floors if vertical continuity of type 1 fire-resistance-rated walls is not disrupted. Fire compartments in buildings with fire resistance categories IV and V can be separated by type 2 fire-resistance-rated walls.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2.5.4.1 Buildings, constructions, and fire compartments shall be classified into 4 fire risk levels of structures of S0, S1, S2, and S3 depending on fire risks of structural elements.

2.5.4.2 Establish fire risk levels of structures of buildings, constructions, and fire compartments

Fire risk levels of structures of buildings, constructions, and fire compartments shall be determined by number of storeys, fire risk categories by functions, fire compartment, and fire risks of technology procedures that are adopted in the buildings, constructions, and fire compartments.

2.5.4.3 Correspondence between fire risks levels of structures of buildings and fire risk levels of structural elements

Fire risk levels of structural elements must correspond to fire risk levels of structures of buildings, constructions, and fire compartments. The correspondence between fire risk levels of structures of buildings, constructions, fire compartments and the chosen fire risk levels of their structural elements are specified under Schedule 5.

2.5.4.4 Fire risk levels are not required for opening protectives located on enclosing structures of buildings (doors, windows, hatches), skylights, and light-transmitting windows on the roof, except for opening protectives in fire protection assembly.

NOTE: If fire-resistance ratings or fire risk levels of structures cannot be determined via standard fire resistance test or calculations when building members or member structures, fire resistance tests must be carried out for parts of the structures in accordance with applied standard documents.

Schedule 5 - Correspondence between fire risk levels of structures of buildings, constructions, fire compartments and fire risk levels of structural elements

Fire risk levels of structures of buildings, constructions, and fire compartments

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Load bearing elements (pillars, columns, beams, and similar)

Exterior walls

Walls, partitions, floors separating storeys, and roofs without attics

Walls of stairwells; fire protection assembly

Stringers and landings in stairwells

S0

K0

K0

K0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



K0

S1

K1

K2

K1

K0

K0

S2

K3

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



K2

K1

K1

S3

No regulations

K1

K3

2.5.5 Fire risk categories by functions of buildings, constructions, fire compartments, and rooms

2.5.5.1 Buildings and parts thereof (fire compartments, rooms or series of rooms with related occupancies) shall be divided into fire risk categories by functions depending on their use, level of threat to occupant’s safety in case of fire while taking into account age, physical conditions, the possibility of sleeping occupants, people using the primary occupancies of the buildings and number thereof. Fire risk categories by functions are specified under Schedule 6.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2.5.5.3 If a building which is placed under a specific fire risk category by functions is allowed to contain rooms or series of rooms which are placed under other fire risk categories by functions, additional conditions according to design standards of specific building forms and technical equipment must be strictly complied with in addition to this Regulation.

Schedule 6 - Building classification1) based on fire risk category by functions

Category

Purpose

Use properties

F1

Buildings for permanent or temporary accommodation (including 24-hour stay)

Rooms in these buildings are used regardless of time of day. Occupants may vary in age and physical conditions. These buildings are characterized by the presence of sleeping units.

F1.1

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



F1.2

Hotels, hostels, models, rented houses; dorms, tenements, sleeping units of nursing, recovery, intensive care, orthopaedic facilities, and other accommodation facilities with similar occupancies.

F1.3

Apartment buildings and buildings with similar occupancies

F1.4

Detached houses, and buildings with similar occupancies.

F2

Buildings of sports and cultural establishments

Primary rooms of these buildings are characterized by the large number of occupants in a definite amount of time.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Theaters, cinemas, circuses, concert halls; clubs, nightclubs, discotheques, bars, singing rooms, karaoke venues, and other similar establishments in enclosed spaces, sports constructions with bleachers, stadiums, indoor stadiums; libraries; convention centers, event centers not including food and drink services, and other buildings with similar occupancies and calculated number of seats for occupants in enclosed spaces.

F2.2

Museums, exhibits; dance studios; building blocks of recreational structures, aquariums, and buildings with similar occupancies.

F2.3

Buildings of establishments mentioned under F2.1 but in the outdoors, recreational parks; and buildings with similar occupancies.

F2.4

Buildings of establishments mentioned under F2.2 but in the outdoors.

F3

Buildings of commercial, trade, and residential service establishments

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



F3.1

Buildings of good retailers, goods exhibits, fairs, shopping malls, electronic shopping malls, supermarkets, department stores, convenient stores; bookstores; motorcycle, motor vehicle retailers; and buildings with similar occupancies.

F3.2

Restaurants, food and drink establishments, rest stops; convention centers and event centers that include food and drink services; and buildings with similar occupancies.

F3.3

Railway stations, airports, cable car terminals, ferry terminals, coach stations; and buildings with similar occupancies.

F3.4

 (out-patient) medical examination and treatment establishments for general medicine, specialized medicine, and intensive care; out-patient wards of other medical establishments such as medical stations, orthopaedic establishments, beauty centers, intensive care centers; buildings of massage services; and buildings with similar occupancies

F3.5

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



F3.6

Sports compounds and training grounds, competition grounds without bleachers; service rooms; stadiums, race tracks, shooting ranges; and buildings with similar occupancies.

F4

Education and training establishments, head offices, science, research, and design organizations, presiding authorities

Rooms in these buildings are occupied in certain time of day by a definite group of people who are accustomed to the location and have determined age and physical conditions.

F4.1

Primary schools, lower secondary schools, multi-level schools (not including preschools and kindergartens), upper secondary schools, professional secondary schools, vocational education and training establishments, training schools for teenagers operating in religion sector, and buildings with similar occupancies.

F4.2

Universities, colleges, academies, intermediate professional education, professional training schools, engineering education establishments; training schools for people operating in religion sector other those under F4.1; and buildings with similar occupancies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Head offices of presiding authorities and state authorities of all levels, work places of office employees of enterprises; head offices of political organizations, socio-political organizations; head offices of socio-occupational organizations, public service providers, enterprises, and other organizations, individuals; head offices of religions; designing organizations, scientific research organizations, seismic research stations, meteorology and hydrology stations, space research facilities; communication organizations and publishing houses; radio broadcasting organizations, television broadcasting organizations, telecommunication organizations, communication device installation service providers, banks, agencies, offices; and buildings with similar occupancies.

F4.4

Fire and rescue stations.

F5

Buildings, constructions, and rooms for manufacturing, production, and storage

Rooms in these buildings are characterized by constant presence of employees, including those working regardless of time of day.

F5.1

Manufacturing facilities, manufacturing and experimenting rooms, factories, repair and maintenance shops for motor vehicles, motorcycles; and buildings with similar occupancies.

F5.2

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



F5.3

Buildings serving agriculture and rural development purposes.

 

1) This Schedule applies to buildings, constructions, fire compartments, rooms or series of rooms whose occupancies are related to one another.

2.5.6 Classification of buildings, constructions, and rooms with manufacturing and storage occupancies by fire and explosion risks

2.5.6.1 Purpose of classification

The classification of buildings, constructions, and rooms with manufacturing and storage occupancies is implemented in order to establish fire safety requirements, prevent the risk of fire, and ensure fire protection for humans and properties in case of fire in the buildings, constructions, and rooms.

2.5.6.2 Classification of rooms

2.5.6.2.1 By fire and explosion risks, rooms with manufacturing and storage occupancies shall be classified as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Fire and explosion risk (B);

- Fire risk (C1, C2, C3, and C4)

- Moderate fire risk (D);

- Low fire risk (E).

Rooms with manufacturing and storage occupancies shall be elaborated under Appendix C.

2.5.6.2.2 Buildings, constructions, and rooms with other occupancies shall not be classified by fire and explosion risks.

2.5.6.2.3 Fire and explosion risk classes of rooms shall be determined on the basis of combustible substances and materials present in the rooms, quantity and fire risk thereof, premise - spatial solutions of the rooms, and characteristics of technology procedures that take place in the rooms.

2.5.6.2.4 The classification of rooms by fire and explosion risks shall be carried out by inspecting rooms for indicators of the classes from (A) to (E) under Schedule C.1 of Appendix C.

2.5.6.3 Classification of buildings and constructions

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2.5.6.3.2 Fire and explosion risk classes of buildings and constructions shall be determined on the basis of percentage and total area of rooms of certain fire and explosion risk classes in the buildings and constructions.

2.5.6.3.3 The classification of buildings and constructions is specified under Appendix C.

3 HUMAN SAFETY ASSURANCE

3.1 General provisions

3.1.1 The requirements in this section aim to ensure:

- Timely and unobstructed evacuation of humans;

- Rescue of people affected by fire hazards;

- Protection for people escaping via means of egress from fire hazards.

3.1.2 Evacuation means the organized and voluntary movement of people from rooms and areas where they are vulnerable to fire hazards to the outside. Evacuation can also mean involuntary movement of people with mobility impairment and is usually done by their caregivers. Evacuation is done along means of egress via exit accesses.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3.1.4 Human protection along means of egress must be ensured by a combination of premise - spatial solutions, convenience, structural, and organization solutions.

All means of egress accessible from a room must ensure safe evacuation through exit accesses from that room without taking into account smoke protection and fire extinguishing equipment present in this room.

Protection for means of egress beyond the room must be calculated in order to ensure safety for humans and must take into account fire risk categories by functions of other rooms located on the exit accesses, number of evacuating people, fire resistance categories and fire risk levels of structures of buildings, number of exit accesses on a storey and in the entire building.

Fire risks of construction materials on the surface of the structures (finishing layers and tiles) in rooms and along means of egress must be limited depending on fire risk categories by functions of the buildings and rooms and other protective measures for exit accesses.

3.1.5 When designing exit accesses from rooms and buildings, all rescue measures and equipment and exits that are not qualified for exit access requirements under 3.2.1 must not be taken into account.

3.1.6 F5 rooms of class A or class B must not be positioned below rooms with occupant load of more than 50 people and must not be positioned in basements or semi-basements.

F1.1, F1.2, and F1.3 must not be positioned in basements or semi-basements.

3.1.7 In regard to buildings with 2 to 3 basements, smoking rooms, supermarkets, shopping malls, food and beverage vendors, and other public spaces can be positioned lower than the first basement only when additional fire safety measures according to applied standard documents are adopted and approved by competent authorities in accordance with 1.1.10.

In regard to hospitals and high schools, rooms serving primary occupancies must be positioned in the semi-basement or the first basement (if there is no semi-basement) or higher. The first basement means the highest basement or the basement that is adjacent to the semi-basement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3.1.8 In order to ensure safe evacuation, early fire detection and alarm are required.

3.1.9 In order to protect people evacuating, smoke protection must be implemented to prevent smoke from infiltrating means of egress of buildings and building sections.

Basic requirements for smoke protection systems of buildings are specified under Appendix D.

3.1.10 All equipment of fire protection system in buildings must be prioritized for electricity supply from 2 independent sources (a grid-connected source and a backup generator).

NOTE: Electrical appliances that have separate backup power sources (such as diesel backup pumps, safety cabinets with backup batteries) only requires the grid-connected source as long as the backup power source can function normally in case of fire.

3.1.11 The effectiveness of human safety assurance measures in case of fire can be evaluated via calculation.

3.2 Exit accesses and fire exits

3.2.1 Exits are considered exit accesses if:

a) They lead from rooms on the first storey to the outside:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Via corridors; or

- Via lobbies (or waiting areas); or

- Via staircases; or

- Via corridors and lobbies (or waiting areas); or

- Via corridors and staircases.

b) They lead from rooms on any storey other than the first storey to:

- Stairwell or type 3 staircases directly; or

- Corridors that lead directly to stairwells or type 3 staircases; or

- Common rooms (or waiting areas) with exits that lead directly to stairwells or type 3 staircases; or

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Occupied roof or separate section of the roof which leads to type 3 staircases.

c) They lead to adjacent rooms (other than F5 rooms of class A or class B) located on the same storey with exits as depicted under 3.2.1 a) and b). Exits leading to rooms of class A or class B can be considered exit accesses if they lead from mechanical rooms that are not regularly occupied but used solely to support the aforementioned rooms of class A and class B.

d) They lead to exits meeting requirements under 3.2.2 and other exit accesses mentioned in this document.

NOTE: If type 3 staircases are used for exit access, calculations pertaining to evacuation must be done accordance with Appendix G.

3.2.2 Exits from basements and semi-basements are considered exit accesses if they lead directly outside and are separated from common stairwells of the buildings (see Figure I.1 of Appendix I).

The following exits are also considered exit accesses:

a) Exits from basements that go outside through common stairwells via separate walkways and are separated from the remaining section of the stairwells by type 1 solid fire-resistance-rated partitions (see Figure I.2 of Appendix I);

b) Exits from basements and semi-basements where rooms of class C1 to class C4, class D, and class E are located which lead into rooms of class C1 to class C4, class D, and class E and into lobbies on the first storey of F5 buildings;

c) Exits from waiting areas, locker rooms, smoking rooms, and toilets in basements or semi-basements of F2, F3, and F4 buildings that lead into lobbies on the first storey via separate type 2 staircases. If this is the case, the following requirements must be met:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Rooms on the first storey and storeys above must have means of egress that do not travel through these lobbies (except for rooms in the lobbies);

- Finishing materials of waiting areas, locker rooms, smoking rooms, and toilets in basements or semi-basements must fulfill requirements applicable to common rooms according to Appendix B;

Locker rooms must have enough exit accesses according to this Regulation excluding the exit accesses along type 2 staircases mentioned above.

d) Hinged doors for railway and road transport vehicles.

Vestibules can be positioned on exit discharges from buildings, basements, and semi-basements.

3.2.3 Exits are not considered exit accesses if sliding doors, folding doors, roller shutters, or revolving doors are installed along the way.

Hinged outswinging leaves fitted in the aforementioned doors can be considered exit accesses if their design meets regulations.

3.2.4 Quantity and width of exit accesses from rooms, storeys, and buildings shall be determined by the largest number of people possibly evacuating through them and the maximum permissible distance from the furthest occupied areas (for domestic or work purposes) to the nearest exit accesses.

NOTE 1: The largest number of people evacuating from different spaces of buildings or building sections shall conform to G.3 of Appendix G

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Building sections with different occupancies and separated by fire protection assembly must have separate exit accesses, except specific cases specified in this document.

Building sections with different occupancies and separated into fire compartments by fire protection assembly must have separate exit accesses from each storey. Up to 50% of total number of exit accesses can lead to adjacent fire compartments (except for exit accesses that lead to F5 fire compartments). F5 building sections must have separate exit accesses.

3.2.5 The following rooms must have at least 2 exit accesses:

a) F1.1 rooms with occupant load of more than 15 people;

b) Rooms in basements and semi-basements with occupant load of more than 15 people; the case where rooms in basements and semi-basements have occupant load ranging from 6 to 15 people, one of the 2 exit accesses can be a fire exit according requirements of 3.2.13 d);

c) Rooms with occupant load of at least 50 people;

d) Rooms (other than F5 rooms) with occupant load of less than 50 people (including bleachers and opera boxes) where the maximum distance from occupied areas to exit accesses exceeds 25 m. If exit accesses leading to the rooms in question are connected from adjacent rooms with occupant load of more than 5 people, the maximum distance mentioned above must include the travel length for people from the adjacent rooms as well.

e) Rooms and adjacent spaces whose exits only lead to the rooms in question with occupant load of at least 50 people;

f) F5 rooms of class A or class B with more than 5 people working in a shift at its peak, or class C with more than 25 people working in a shift at its peak or when the rooms are larger than 1 000 m2;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If the rooms are required to have at least 2 exit accesses, 50% of the number of exit accesses can lead to an adjacent room as long as the adjacent room must also contain exit accesses compliant to this Regulation and standard documents applicable to that room.

3.2.6 Number of exit accesses of storeys

3.2.6.1 The following storeys must have at least 2 exit accesses:

a) Storeys of F1.1, F1.2, F2.1, F2.2, F3, and F4 buildings;

b) Storeys with occupant load of at least 50 people;

c) Storeys of F1.3 buildings when total flat area per storey exceeds 500 m2 (in case of single-stair buildings, calculate the area on a storey of the single-stair building). If total flat area on a storey does not exceed 500 m2 and there is only one exit access from that storey, each flat located at a height above 15 m must accommodate a fire exit in accordance with 3.2.13 in addition to the exit accesses;

d) Storeys of F5 buildings, either class A or class B when there are more than 5 people working in a shift or class C when there are more than 25 people working in a shift;

e) Basements and semi-basements larger than 300 m2 or with occupant load of more than 15 people.

3.2.6.2 A single exit access is allowed in the following cases (except for buildings with fire resistance category V):

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- In regard to buildings with fire height not exceeding 15 m, area of the storey in question must not exceed 300 m2. In regard to buildings with fire height from exceeding 15 m to 21 m, area of the storey in question must not exceed 200 m2.

- The entire buildings are protected by automatic sprinkler system;

- Each storey with occupant load not exceeding 20 people;

- In regard to buildings with more than 3 storey or with fire height exceeding 9 m: equipped with type 2 fire-resistance-rated doors on exit accesses of each storey that lead into exit access stairwells.

- In regard to buildings with 3 storeys or less or with fire height not exceeding 9 m: type 2 stairwells can substitute the aforementioned stairwells as long as building occupants can exit via open balconies or open rooftop in case of fire (except for mansions, villas, accommodations which are prescribed as below).

NOTE: Open balcony or open rooftop means the balcony or rooftop is not enclosed and sheltering apparatus (if any) must facilitate evacuation and rescue for the fire brigade.

In regard to mansions, villas, and accommodations not taller than 3 storeys and of category F1.2, stairwells mentioned above can be substituted by type 2 stairwells when all conditions below are met:

- Each storey must not be larger than 200 m2, fire height must not exceed 9 m, and total number of occupants must not exceed 15 people;

- Buildings have at least one exit access that leads directly outside or into type 3 staircases;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) From mechanical floors or storage of mechanical equipment which are not larger than 300 m2. If a storey contains a mechanical area as mentioned above, every 2 000 m2 remaining must have at least 1 more exit access (if the remaining area is less than 2 000 m2, at least 1 emergency area is required). If mechanical floor or mechanical areas are located in the basements, their exits must be separate from other exits and lead directly outside. If mechanical floors or mechanical areas are located on above-ground storeys, exits can go through common stairwells or N1 stairwells if the buildings contain N1 stairwells;

c) From storeys of F1.3 buildings where total flat area (or total floor area in single-stair buildings) ranges from exceeding 500 m2 to 550 m2 and:

- When elevation of the topmost storey does not exceed 28 m - exit accesses from that storey can lead into common stairwells as long as addressable fire alarm is equipped;

- When elevation of the topmost storey exceeds 28 m - exit accesses from that storey can lead to N1 smokeproof stairwells as long as all rooms in flats (other than lavatories, bathrooms, and auxiliary sections) must be equipped with addressable fire alarm or automatic fire extinguishing system.

In regard to F1.3 buildings with fire height ranging from exceed 28 m to 50 m and total flat area on each storey reaches 500 m2, N1 stairwells can be substituted with type 2 stairwells, when the conditions below are met: 1) Entrances from all storeys that lead into stairwells, including openings between stairwells and lobbies must be fitted with fire protection vestibules which is maintained at positive pressure in case of fire; 2) at least one elevator of the building is reserved for use by the fire brigade; 3) All rooms in the flats (other than lavatories, bathrooms, auxiliary sections) must be equipped with addressable fire alarm or automatic fire extinguishing system; 4)The buildings are equipped with fire siren (can be installed in common corridors).

NOTE: Flat area includes balcony and/or loggia area.

d) From storeys (or sections of storeys separated from other sections of the storeys by fire protection assembly) of category F4.1 when all conditions below are met:

- The buildings' fire height does not exceed 9 m and area of the storeys in question does not exceed 300 m2;

- The storeys in question have single-loaded corridors that lead into type 2 open staircases or stairwells and are led to from F4.1 rooms.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Number of exit accesses from a building must not be lower than the number of exit accesses of any storey in the same building.

3.2.8 If at least 2 exit accesses are required, they must be distributed away from one another and the calculation of evacuation potential of these exit accesses must assume that the fire has denied access to one of the other exit accesses. The remaining exit accesses must be able to ensure safe evacuation for all occupants in the rooms, on the storeys, or in the buildings (see Figure I.3).

When a room, a building section, or a storey requires at least 2 exit accesses, at least 2 of these exits must be distributed away from one another. The distance between any 2 exit accesses must be equal to or greater than half of the greatest diagonal of the room, building section, or storey. This distance shall be measured by a straight line connecting their closest sides (see Figures I.4 a), b), and c)).

If the entire building is protected by automatic sprinkler system, this distance can be reduced down to 1/3 of the greatest diagonal of the rooms above (see Figure I.4 d)).

If 2 exit stairwells are connected via a corridor, the distance between 2 exit accesses (doors leading to the exit stairwell) shall be measured along the corridor (see Figure I.5). This corridor must be protected in accordance with 3.3.5.

3.2.9 Clearance height of exit access must not be lower than 1,9 m while clear width must not be lower than:

- 1,2 m - from F1.1 rooms if the number of evacuation people exceeds 15, rooms and buildings of other fire risk categories by occupancies if the number of evacuating people exceeds 50, other than F1.3 category;

- 0,8 m - in all other cases.

Width of doors leading outside from stairwells and doors leading into lobbies from stairwells must not be lower than calculated value or stringer width specified under 3.4.1.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If double doors are used on exit accesses, width of exit accesses shall equal width of the open leaf and shall not include width of the closed leaf or fixed leaf. Double doors must be fitted with self-closing devices so that each leaf closes in sequence.

In buildings with fire height more than 28 m (other than F1.3 and F1.4 buildings), exit access doorways from common corridors of each storey, common lobbies, waiting areas, foyers, stairwells (other than exit access doorways leading directly outside) must be fire-resistance-rated doors with fire-resistance ratings of EI 30 or higher.

3.2.10 Doors of exit accesses and other doors on means of egress must be outswinging doors.

The direction in which the doors swing is not required in case of:

- F1.3 and F1.4 rooms;

- Rooms with occupant load not exceeding 15 people, other than rooms of class A or class B;

- Warehouse no larger than 200 m2 and not regularly occupied by employees;

- Restrooms;

- Entrances leading to landings of type 3 staircases.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Doors of exit accesses from areas (either rooms or corridors) that are protected by mechanical smoke protection system must be solid doors fitted with self-closing devices and their clearance must be tightly sealed. If these doors need to be left open during use, they must be fitted with self-closing devices that close the doors automatically in case of fire.

Doors on stairwells must be fitted with self-closing devices and have their clearance tightly sealed. Doors of stairwells that open directly outside are not required to be fitted with self-closing devices or have their clearance tightly sealed. Except for specific cases, doors of stairwells in buildings with fire resistance category I or II must be type 1 fire-resistance-rated doors; doors of stairwells in buildings with fire resistance category III or IV must be type 2 fire-resistance-rated doors; doors of stairwells in buildings with fire resistance category V must be type 3 fire-resistance-rated doors.

Other than specific regulations, doors of exit accesses leading from corridors to stairwells used by at least 4 storeys (except for buildings for incarceration or correctional purposes) must ensure the followings:

a) All electronic locks installed on doors must automatically open on activation of the building’s automatic fire alarm system. As soon as electricity is cut, these electronic locks must open;

b) Occupants using stairwells can always come back inside via the doors they just go through or where reentry to the buildings is permitted;

c) Reentry points must be designed following the principle where doors are only allowed to deny reentry if all conditions below are met:

- There are at least 2 storeys where occupants can exit the stairwells to reach other exit accesses (i.e. reentry must be allowed on at least 2 storeys);

- There are no more than 4 storeys between storeys where occupants can exit the stairwells to reach other exit accesses;

- Reentry must be allowed on the topmost storey or the storey immediately below the topmost storey which is served by exit access stairwells if this storey allows access to another exit access;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Doors that do not allow reentry must be marked on the stair side by signage which directs occupants to the nearest points of reentry or the nearest exit accesses in both directions.

NOTE: Doors that do not allow reentry must be marked on the corridor side (the other side of the stair side) by signage that warns occupants that they cannot return through those doors.

3.2.12 Exits that do not qualify as exit accesses can be considered fire exits in order to increase safety for humans in case of fire. All fire exits, including those under 3.2.13, must not be included when calculating fire evacuation.

3.2.13 In addition to cases mentioned under 3.2.12, fire exits also include:

a) Exit to balcony or loggia where a solid wall with minimum clear width of 1,2 m from the edge of the balcony (or loggia) to the window (or door fitted with glass) or 1,6 m between glass doors that open to the balcony (or loggia) is located. Balconies or loggias must have minimum width of 0,6 m, receive natural ventilation, and be separated from adjacent rooms by partitions which stretch from floor to ceiling and contain openings. The solid walls mentioned above can be replaced by glass walls with minimum fire-resistance rating of EI 30 or EI 15 depending on fire-resistance rating of exterior wall.

b) Exit to an open outside passage whose width is at least 0,6 m and which leads to an adjacent fire subcompartment or fire compartment. Sheltering structures/structural elements that obstruct human movement are not allowed;

c) Exit to balcony or loggia which has minimum width of 0,6 m and is equipped with external ladder which connects balcony and loggia of each storey or balcony, loggia hatch which has minimum dimension of 0,6 x 0,8 m and leads to lower balcony or loggia;

d) Outside exit from rooms which has finished floor elevation not lower than negative 4,5 m and not higher than 5,0 m via windows or doors which have minimum dimension of 0,75 m x 1,5 m or hatches, trapdoors which have minimum dimension of 0,6 m x 0,8 m; in this case, this exit must be equipped with ladder with any degree of slope;

e) Roof access of S0 and S1 buildings with fire resistance categories I, II, and III via windows, doors, or hatches with dimension and ladder as stated under d) of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



In regard to mechanical floors where technical networks are installed (ductworks, pipelines, and similar structures), fire exits can be facilitated via doors whose minimum dimension is 0,75 m x 1,5 m or via hatches whose minimum dimension is 0,6 m x 0,8 m and exit accesses are not required.

In regard to mechanical floors located in basements, these exits must be separate from other exits of the buildings and must lead outside.

3.3 Means of egress

3.3.1 All means of egress must receive illumination and direction in accordance with TCVN 3890.

3.3.2 Maximum permissible distance from the furthest point of the room or from the furthest work station to the nearest exit accesses which is measured along means of egress must be limited depending on:

- Fire risk categories by functions and fire and explosion risk classes (see Appendix C) of rooms and buildings;

- Number of people evacuating;

- Geometry parameters of rooms and means of egress;

- Fire risk levels of structures and fire resistance categories of buildings.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NOTE: Specific requirements pertaining to maximum permissible distance from the furthest point to the nearest exit accesses are prescribed under regulations applicable to each type of construction. Some specific regulations applicable to common building types are prescribed under Appendix G.

3.3.3 When designing and arranging means of egress, requirements under 3.2.1 must be taken into account. Exit accesses must not include elevators, escalators, and the followings:

- Passages that travel through inner corridors from elevator shafts, through elevator lobbies and elevator vestibules if enclosing structures of elevator shafts, including hoistway doors, fail to meet requirements of fire protection assembly;

- Passages that travel through landings of stairwells as well as passages that travel through rooms where type 2 stairwells are located and not used for evacuation purposes;

- Passages that travel along the roof, except for occupied roofs or roof sections designed specifically for evacuation purposes;

- Passages that travel along type 2 staircases which serve at least 3 storeys and lead from basements or semi-basements, except for specific cases pertaining to evacuation along type 2 staircases stated under 3.2.1, 3.2.2, and 3.2.6.

3.3.4 Finishing materials, decorations of floors and ceilings (including suspended ceilings if any), tiles and covering materials of floors on means of egress must comply with requirements under Schedule B.8 of Appendix B.

3.3.5 Corridors on exit accesses mentioned under 3.2.1, in addition to cases specifically mentioned in the Regulation, must not contain: equipment projecting from the wall at a height below 2 m; pipelines carrying combustible gas and combustible liquid and wall-mounted cabinets, except for communication cabinets and standpipe cabinets.

Corridors, lobbies, and common rooms along means of egress must be enclosed by appropriate fire protection assembly according to regulations applicable to each type of construction. Fire protection assembly enclosing means of egress of buildings with fire resistance category I must be made of non-combustible materials with minimum fire-resistance rating of EI 30 or in case of buildings with fire resistance categories II, III, and IV, non-combustible or mildly flammable (Ch1) materials with minimum fire-resistance rating of EI 15. In regard to buildings with fire resistance category II and fire and explosion risk levels of D and E (see Appendix C), corridors can be enclosed by glass walls. Doors that open into corridors must be fire-resistance-rated doors with fire-resistance rating not lower than fire-resistance rating of fire protection assembly.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



When door leaves open into corridors, width of means of egress shall equal clean width of the corridors minus:

- Half the width of the widest open door leaves - when the doors are situated on one side of the corridors;

The entire width of the widest open door leaves - when the doors are situated on both sides of the corridors. This requirement does not apply to corridors (common lobbies) between flat doors and doors leading to stairwells in F1.3 single-stair buildings.

3.3.6 Clearance height of horizontal segments of means of egress must not be less than 2 m, clear width of horizontal segments of means of egress and ramp segments must not be less than:

- 1,2 m - for common corridors for evacuation of more than 15 people from F1 rooms or more than 50 people from rooms of other fire risk categories by functions.

- 0,7 m - for passages to individual work station.

- 1,0 m - in all other cases.

In all circumstances, means of egress must be wide enough and designed appropriately so that it does not obstruct transport of occupied stretchers.

3.3.7 Changes of less than 45 cm in height or curbs are not allowed on means of egress, except for door thresholds. Sections with changes to height must be fitted with at least 3 steps of stair or made as slopes with maximum rise to run ratio of 1:6 (a maximum rise of 10 cm over a run of 60 cm or the degree created by the slope and the horizontal surface not greater than 9,5o).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Except for cases mentioned under 3.4.4, spiral staircases and curved staircases are not allowed on means of egress; steps with varying rise height and tread depth are not allowed in the same stringer and stairwell. Mirrors are not allowed on means of egress.

3.4 Staircases and stairways on means of egress

3.4.1 Width of stringers for human evacuation, including stringers in stairwells, must not be lower than calculated width or width of any exit access doorways in the stairwells and must not be lower than:

- 1,35 m - for F1.1 buildings;

- 1,2 m - for buildings with occupant load on any storey other than the first storey exceeding 200 people;

- 0,7 m - for staircases leading to individual work stations;

- 0,9 m - for other cases.

3.4.2 Pitch (slope angle) of staircases on means of egress must not be greater than 1:1 (45o); tread depth must not be less than 25 cm except for outdoor stairs, rise height must not be greater than 22 cm and lower than 5 cm.

Pitch (slope angle) of open staircases that lead to individual work stations can be increased to 2:1 (63,5°).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Type 3 staircases must be made from non-combustible materials (except for buildings with fire resistance category V) and must be positioned next to solid sections (without windows or light-transmitting openings) of walls with minimum fire risk level K1 and minimum fire-resistance rating of REI 30 or EI 30 (fire-resistance rating of these solid wall sections is not required in case of buildings with fire resistance category V). These staircases must have landings located on the same elevation as exit accesses, guardrails at a height of 1,2 m and no more than 1,0 m away from windows. Solid sections of the walls can be replaced by glass walls with minimum fire-resistance rating of EI 30. Fire-resistance rating is not required for doorways leading from corridors into landings of type 3 staircases and from rooms which these type 3 staircases serve exclusively.

Type 2 staircases must fulfill requirements applicable to stringers and landings of stairwells.

3.4.3 Width of landings must not be lower than width of stringers. Width of landings leading to elevators (the landings act as elevator lobbies) in regard to hinged outswinging elevator doors must not be less than the total width of stringers and half the width of elevator door leaves and not lower than 1,6 m.

Intermediate landings of a straight stringers must have minimum length of 1,0 m.

Calculated width of landings and stringers must not be reduced by door leaves that open into the staircases.

3.4.4 Buildings placed in F4 fire risk category by function are allowed to place curved staircases on means of egress when all conditions below are met:

- Vertical rise of stairs does not exceed 9,0 m;

- Flight width conforms to regulations in this document;

- The smallest radius is not less than twice the flight width;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- The smallest depth of winder treads (measured at 270 mm away from the smaller end of the winder treads) is not lower than 220 mm;

- Tread depth measured at the middle section is not lower than 250 mm;

- The greatest depth of winder treads (measured at 270 mm away from the larger end of the winder treads) is not greater than 250 mm;

- The sum of twice the riser height and the smallest depth of winder treads must not be lower than 480 mm; the sum of twice the riser height and the greatest depth of winder treads must not be greater than 800 mm.

3.4.5 Stairwells and vestibules (if any) must not contain:

- Pipes carrying combustible gas or combustible liquid;

- Wall-mounted cabinets, other than communication cabinets and standpipe cabinets;

- Exposed cables and wires (other than electrical wires for low voltage equipment and electrical wires for lighting of corridors and stairwells);

- Exits from freight lifts and lifting appliances;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Equipment protruding from wall surface below 2,2 m in height from the surface of the steps and landings.

Spaces of exit access stairwells and fire protection vestibules which receive positive pressure in case of fire must not contain any occupancy.

3.4.6 In stairwells other than smokeproof stairwells, no more than 2 passenger elevators are allowed if these elevators do not descend past the first storey and enclosing structures of elevator shafts are made from non-combustible materials.

If outdoor elevator shafts require enclosing structures, these enclosing structures must be made from non-combustible materials.

3.4.7 All stairwells, unless otherwise specified in this Regulation, must contain exit discharges that lead to adjacent plots or through entrance hall which is separated from adjoining corridors and rooms by type 1 fire-resistance-rated partitions with doors which are fitted with self-closing devices and tightly sealed clearance.

If exit accesses from at least 2 stairwells travel through a entrance hall, all stairwells other than one must contain exit discharges other than doors to entrance halls. If only one stairwell leads into a entrance hall, this stairwell must contain an exit discharge.

Exit accesses from 2 stairwells can travel through entrance halls in buildings that have less than 28 m of fire height, no more than 300 m2 of storey area, occupant load of each storey compliant with approved design, and automatic fire extinguishing system compliant with applicable regulations. The case where approved design does not specify the occupant load of each storey, the occupant load can be calculated by dividing floor area of a room, storey, or building by floor space factor (m2/person) under Schedule G.9 and must not exceed 50 people.

In regard to passenger terminals and large lobbies with similar occupancies, if exits from stairwells (or corridors) lead into common passenger lounges which contain exit discharges, exits to open overpass, or to terminal platforms, exits from 50% of those stairwells (or corridors) can be considered exit accesses.

N1 stairwells must contain exit discharges.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) In case of natural lighting:

Other than L2 stairwells, lighting can be provided via light-transmitting openings no smaller than 1,2 m2 on exterior wall of each storey.

L2 staircases must contain skylights no smaller than 4 m2 and clearance between 2 flights of stairs no smaller than 0,7 m or light-transmitting openings throughout the height of the stairwells with cross section no smaller than 2 m2.

Up to 50 % of stairwells without light-transmitting openings can be used for evacuation in the following cases:

- F2, F3, and F4 buildings: N2 or N3 stairwells which contain positive pressure in case of fire;

- F5 buildings of class C with up to 28 m in fire height, or class D and class E regardless of fire height: N3 stairwells which contain positive pressure in case of fire.

d) In case of artificial lighting:

If light-transmitting openings cannot be installed in accordance with section a) of 3.4.8, exit access stairwells must be smokeproof stairwells, fitted with artificial lighting equipment which is powered in accordance with note section of 3.4.13 following the principle where power source for lighting equipment must be maintained in case of fire and light provided must be sufficient to facilitate evacuation without impairing visibility.

3.4.9 Smoke protection for N2 and N3 stairwells must conform to Appendix D. If necessary, N2 stairwells must be divided into subcompartments longitudinally by type 1 fire-resistance-rated partitions and passages between subcompartments must be located outside of the stairwells.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Vestibules of N3 stairwells must not be smaller than 3,0 m2 or not be smaller than 6,0 m2 if the vestibules simultaneously act as fire service elevator lobbies.

3.4.10 Smokeproof capability of smokeproof vestibules which lead into N1 smokeproof vestibules must receive natural ventilation together with appropriate structural solutions and premise - spatial arrangement. Cases deemed appropriate are:

NOTE: Arrangements of smokeproof vestibules leading into N1 stairwells are depicted under I.3.2 (Appendix I).

a) Smokeproof vestibules must be open, connected to the exterior, usually positioned in corners of the buildings, and meet the following requirements (see Figure I.7):

- When a part of exterior walls adjoins another wall creating an angle lower than 135o, the horizontal clearance from the nearest doorways to the vertex of the angle must not be less than 4 m; this distance can be lowered to match the protrusion length of exterior wall. This requirement does not apply to walkways or where the created angle exceeds or equals 135o, or the protrusion of exterior wall that does not exceed 1,2 m;

Width of wall segment between doorways of smokeproof vestibules and the nearest windows must not be lower than 2 m;

Walkways must not be narrower than 1,2 m; guardrails must be located at a height of 1,2 m; width of wall segments between doorways in smokeproof vestibules must not be lower than 1,2 m.

NOTE: Similar cases are depicted under Appendix I, Figures I.8 a), b), and c)

b) Smokeproof vestibules that travel along single-loaded corridors (see Figures I.8 h), i), and k)) shall receive natural lighting and ventilation via openings that open to and adjoin any of the following spaces:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- A public way or street or other public space unobstructed to the sky;

- A vertical ventilation shafts whose width is not lower than 6 m and clearance area is not lower than 93 m2;

c) Smokeproof vestibules that travel through a smoke protected lobby which is not smaller than 6 m2 where each dimension is not less than 2 m and is separated from adjacent sections of the buildings by type 2 fire-resistance-rated walls. Doors must be fitted with self-closing devices and tightly sealed clearance. Smoke protected lobbies must not obstruct human evacuation. Smokeproof capability of smoke protected lobbies must be provided by any of the following measures:

- Air vents no smaller than 15% of floor area of smoke protected lobbies and no more than 9 m away from any section of the lobbies. These air vents must be connected to a vertical shaft or a vertical clearance along the building’s height. The vertical shaft or vertical clearance must have minimum width of 6 m and minimum clear area of 93 m2. Walls of the shaft must be able to resist fire for at least 1 hour; the shaft must contain no openings other than the air vents of smoke protected lobbies, exit stairwells, and lavatories (see Figures I.8 d), e), and f));

- Cross ventilation where fixed air vents are located on 2 exterior walls. Air vents on each exterior wall must not be smaller than 50% of clear area of the opposing exterior wall. Distance from any point of the corridor to an air vent must not be greater than 13 m (see Figure I.8 g)).

3.4.11 L1 stairwells and type 3 staircases are allowed in buildings with all fire risk categories by functions with up to 28 m in fire height. If this is the case in F5 buildings of class A or class B, exits to corridors from class A or class B rooms must travel through vestibules containing positive pressure at all time.

3.4.12 L2 stairwells are allowed in buildings with I, II, and III fire resistance category with S0 and S1 fire risk level of structures, F1, F2, F3, F4 fire risk category by functions, and up to 9 m in fire height. This fire height can be increased to 12 m (except for in-patient medical facilities) as long as light-transmitting openings open automatically in case of fire. The number of L2 stairwells must not exceed 50% of total number of stairwells (other than F1.3 and F1.4 buildings). The remaining stairwells must contain light-transmitting openings on exterior wall of each storey.

When building L2 stairwells, each flat of a F1.3 point access building located at a height above 4 m must be provided with a fire exit in accordance with 3.2.13.

3.4.13 In buildings with more than 28 m of fire height (other than F5 buildings of class C and class E that are not regularly occupied) and F5 buildings of class A or class B, N1 smokeproof stairwells are required.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NOTE: N1 stairwells can be substituted in accordance with 2.5.1c) as long as the system that supplies vestibules and stairwells with outside air must be powered by 2 independent sources (a grid-connected source and a backup generator) in order to maintain stable operation of the system in case of fire.

Allow:

a) Up to 50% of total number of stairwells in F1, F2, F3, or F4 buildings as N3 or N2 stairwells where entry to these stairwells travels through vestibules which have similar enclosing solutions as type 1 fire protection vestibules (meaning positive pressure is not required in these vestibules as long as enclosing structures must have similar fire-resistance ratings as type 1 fire protection vestibules);

b) Evacuation from basements of a building with at least 2 basements to be implemented along N3 or N2 stairwells whose entry travels through vestibules which have similar enclosing structures to type 1 fire protection vestibules;

c) The following smokeproof stairwells instead of N1 stairwells in F5 buildings:

- In regard to class A or class B buildings - N2 or N3 stairwells which are maintained at positive pressure at all time;

- In regard to class C buildings - N2 or N3 stairwells which are maintained at positive pressure in case of fire;

- In regard to class D or class E buildings - N2 or N3 stairwells which are maintained at positive pressure in case of fire or L1 stairwells if the stairwells are divided into subcompartments by solid fire-resistance-rated partitions every 20 m in height and passages from one subcompartment to another subcompartment must be located outside of the stairwells.

3.4.14 In buildings where smokeproof stairwells are located, smoke protection must be implemented for all common corridors, lobbies, common spaces, and waiting areas.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



In F3.1 and F3.2 buildings, the aforementioned stairs are also allowed in regardless of the existence of entrance halls.

3.4.16 In buildings with up to 28 m in fire height, F1.2, F2, F3, F4 fire risk categories by functions, I and II fire resistance categories and S0 fire risk level of structures, type 2 stairwells are allowed to connect at least 2 storeys if exit access stairwells meet requirements under standard documents and those under 4.27. Type 2 stairwells connecting at least 3 storeys are not allowed to be calculated, considered, or used as means of egress in case of fire, except for cases under 3.2.1, 3.2.2, and 3.2.6.

3.4.17 Escalators must be positioned in accordance with requirements applicable to type 2 staircases.

3.5 Fire safety requirements for construction materials

3.5.1 Construction materials shall be utilized depending on occupancies and fire risk levels thereof.

3.5.2 Fire safety requirements pertaining to the application of construction materials in buildings shall correspond to fire risk levels of construction materials under Schedule B.7 (Appendix B).

3.5.3 The use of finishes - decorations, tiles, and flooring materials on means of egress must conform to requirements under 3.3.4 whereas the use thereof in common rooms (other than flooring materials in sports competition surfaces and floors of dancing rooms) shall conform to Schedule B.9 (Appendix B).

3.5.4 Rooms of F5 buildings with class A or class B or class C1 where combustible liquid is used or preserved must have flooring materials with maximum fire risk level of CV1.

3.5.5 Locker rooms of F2.1 buildings are not allowed to use wall, ceiling, dropped ceiling finishes or tiles with fire risk levels lower than CV1, or flooring materials with fire risk levels lower than CV2.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3.5.7 In exhibition occupancies of museums, galleries, and F2.2 rooms with similar nature, wall, ceiling, and dropped ceiling finishes with fire risk level higher than CV2 are not allowed; flooring materials with fire risk level higher than CV3 are not allowed.

3.5.8 In mercantile occupancies of F3.1 buildings, wall, ceiling, and dropped ceiling finishes with fire risk level higher than CV2 are not allowed; flooring materials with fire risk level higher than CV3 are not allowed.

3.5.9 In waiting areas of F3.3 buildings, wall, ceiling, dropped ceiling finishes, and flooring materials are required to have fire risk level of CV0.

3.5.10 Fire safety requirements for finishes - decorations, tiles, flooring materials, and testing criteria corresponding to standard documents are allowed as substitution for requirements under 3.5.1 through 3.5.9 and Appendix B, other than requirements under A.4.

4 FLAME SPREAD PREVENTION

4.1 Flame spread prevention shall be implemented by limiting burning area, fire intensity, and fire duration. To be specific:

- Using structural solutions and premise - spatial arrangement to prevent the spread of fire hazards in a room, between rooms, between rooms with different fire risk categories by functions, between storeys, between single-stair buildings, and between buildings.

- Limiting fire and explosion risks related to technology in rooms and buildings;

- Limiting fire risk classes of construction materials used on exterior of building structures, including: roofs; finishes of exterior walls, rooms, and means of egress;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Installing fire detectors and fire alarms.

NOTE: Regulations on fire separation distance between houses, public buildings, and manufacturing facilities are specified under Appendix E. Separation distance between combustible liquid storage, open above-ground storage of combustible substances, LPG tanks (LPG stands for Liquefied Petroleum gas), and combustible gas tanks to other constructions must conform to field-specific regulations and standards.

4.2 Apartment buildings, dorms, public buildings, manufacturing facilities, and storage facilities must meet fire prevention and fire protection requirements of this Regulation and standards designed specifically for the apartment buildings, dorms, public buildings, manufacturing facilities, and storage facilities. However, the number of storeys (which translates to maximum permissible fire height of buildings), fire compartment, and the highest storey allowed for conference rooms, lecture halls, meeting rooms, sports quarters, and rooms with similar occupancies must conform to Appendix H.

4.3 Building sections (rooms, fire emergency holding areas, mechanical floors, basements, semi-basements, and other building sections) where firefighting operations are difficult, additional equipment is required to limit burning area, fire intensity, and fire duration.

4.4 The effectiveness of solutions for preventing flame spread can be evaluated by economic - technical calculations which are based on requirements under 1.5.1 for limiting direct and indirect fire damage.

4.5 Building sections and rooms with different fire risk categories by functions must be separated from one another by separating components with fire-resistance category and fire risk levels of structures or by type 1 fire-resistance-rated partitions and/or type 3 fire-resistance-rated floors, unless otherwise specified in this Regulation or field-specific regulations and standards. In this case, the requirements for separating components and fire protection assemblies shall include fire risk categories by functions of rooms, fire loads, fire resistance categories, and fire risk levels of structures.

In regard to a storey that serves at least 2 occupancies, if one of those occupancies is a primary occupancy and occupies at least 90% of the storey floor area and remaining occupancies supports the primary occupancy, areas with different fire risk categories by functions are not required to be separated by fire protection assemblies. In this case, the entire storey must comply with fire safety requirements corresponding to fire risk category of the primary occupancy. This regulation does not apply to cases where fire and explosion risk classes of rooms with supporting occupancies are higher than those of rooms with primary occupancies.

NOTE: Specific requirements for F1.3 buildings:

a) Walls and partitions between single-stair buildings; walls and partitions between common corridors (outside of flats) and other rooms must have minimum fire-resistance rating of EI 30;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Rooms with public occupancies must be separated from dwelling units by type 1 fire-resistance-rated partitions and type 3 fire-resistance-rated floors, or type 2 fire-resistance-rated floors in buildings with fire resistance category I.

4.6 When a building has multiple sections with different fire risk categories by functions which have been separated by fire protection assemblies, each section must meet fire safety requirements applicable to buildings with similar fire risk category by functions.

Fire prevention and fire protection system of the building must be selected as follows: when building sections have different fire risk categories by functions, fire resistance category of the building can exceed fire resistance category by function of any building section.

4.7 In regard to F5 buildings, if the technology permits, rooms of class A and class B must be positioned close to the exterior wall or on upper storeys in case of multistorey buildings.

4.8 In regard to basements and semi-basements, rooms of class A and class B are not allowed unless otherwise specified.

4.9 Structural elements must not facilitate the spread of deep-seated fire.

NOTE: In regard to F1.3 buildings or sections thereof, balconies of loggias and balconies of the third storey or higher must be made from non-combustible materials

4.10 Fire resistance capability of components connecting structural elements must not be lower than fire resistance capability of the structural elements.

4.11 Structures creating slope floors in auditorium must meet fire-resistance rating and fire risk level requirements in accordance with Schedule 4 and Schedule 5 applicable to floors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4.13 Fire-retardant coatings or impregnation layers applied to exposed surfaces of structures must meet requirements applicable to finishing of the structures.

Technical documents of coatings or impregnation layers must dictate the frequency in which they are reapplied or restored depending on conditions of use.

For the purpose of increasing fire-resistance rating or reducing fire risk level of structures, fire-retardant layers are not allowed in positions where they cannot be reapplied or restored on a periodic basis.

4.14 The effectiveness of fire-retardant substances (materials) in reducing fire risk levels of materials must be evaluated via tests in order to determine fire risk classes of construction materials as stated under Part 2.

The effectiveness of fire-retardant substances (materials) in increasing fire resistance capability of structures must be evaluated via tests in order to determine fire-resistance rating of structures as stated under Part 2.

4.15 Fire-resistance-rated partitions installed in rooms with dropped ceilings must also separate the plenum spaces. Channels and ducts carrying combustible substances in gas form, gas-vapour mix, liquid, and combustible materials are not allowed in the plenum spaces.

Dropped ceilings are not allowed in rooms of class A or class B.

If dropped ceilings are employed for the purpose of increasing fire-resistance ratings of floors of common storeys and floors of topmost storey, the dropped ceilings must fulfill fire risk-related requirements applicable to these floors of common storeys and floors of topmost storey.

4.16 In areas where fire protection assemblies meet enclosing structures of the buildings, including areas where the shape of the buildings changes, measures must be taken to prevent fire from spreading through these fire protection assemblies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4.18 Openings on fire protection assemblies must be sealed in case of fire.

Windows on fire protection assemblies must be fixed windows whereas doors, hatches, and dampers must be fitted with self-closing devices and have their clearance tightly sealed. If doors, hatches, and dampers are required to be left open when used, they must be fitted with devices that close the doors, hatches, or dampers in case of fire.

4.19 Total area of openings in fire protection assemblies, other than enclosing structures of elevator shafts, must not exceed 25% of area of the fire protection assemblies. Total area of openings is not limited if fire-resistance rating of opening protectives are not lower than fire-resistance rating of fire protection assemblies (other than type 1 fire-resistance-rated walls). Opening protectives in fire protection assemblies must meet requirements under 2.3.3 and requirements of Part 4.

Vestibules maintained at positive pressure must be fitted to doors of fire protection assemblies which separate rooms of class A or class B with rooms of classes other than A and B, corridors, stairwells, and elevator lobbies in accordance with Appendix D. 2 or more rooms of the same class A or class B are not allowed to use the same vestibule.

4.20 If fire protection vestibules cannot be fitted in fire protection assemblies which separate rooms of class A or class B from other rooms or when doors, hatches, and dampers cannot be fitted in fire protection assemblies which separate rooms of class C from other rooms, a combination of solutions is required to prevent flame spread and infiltration of ignitable gas, vapor, liquid vapor, combustion droplets which can present an explosion threat in the right concentration into adjacent rooms and storeys. The effectiveness of the solutions must be proven.

If openings of fire protection assemblies between rooms of class C, class D, and class E cannot be protected by fire-resistance-rated doors, open vestibules equipped with automatic extinguishing systems are allowed. Enclosing structures of these vestibules must be suitable fire-resistant enclosing structures.

4.21 Fire-resistance-rated doors and fire dampers in fire protection assemblies must be made from non-combustible materials.

Fire-resistance-rated doors, hatches, and fire dampers are allowed to be made from materials rated with combustibility not lower than Ch3 and protected by at least 4 mm of non-combustible materials.

If doors of fire protection vestibules, fire-resistance-rated doors, and hatches in fire protection assemblies face rooms that are not used for the purpose of preserving or using combustible gas, combustible liquid, or combustible materials or implementing technology procedures which contribute to the creation of combustible dust, these doors are allowed to be made from Ch3 materials with minimum thickness of 40 mm and with no voids.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



In regard to channels, ducts, and pipes carrying the substances and materials other than the aforementioned kinds, areas where the channels, ducts, and pipes penetrate the fire protection assemblies must be fitted with devices that automatically prevent the spread of combustion production along these channels, ducts, and pipes.

NOTE: Ventilation ducts and smoke ducts are allowed in fire-resistance-rated walls of houses, public buildings, and auxiliary buildings if the minimum thickness of fire-resistance-rated walls (excluding duct cross-sectional area) is not lower than 25 cm while the thickness of the segments separating smoke ducts and ventilation ducts is not lower than 12 cm.

NOTE: Openings of fire protection assemblies where water pipes penetrate must be treated in accordance with 4.12.

4.23 Enclosing structures of elevator shafts (other than shafts mentioned under 3.4.6), elevator machine rooms (other than those on the roof), technical channels, ducts, and cabinets must meet requirements applicable to type 1 fire-resistance-rated partitions and type 3 fire-resistance-rated floors. Fire-resistance ratings of enclosing structures between elevator shafts and elevator machine rooms are not prescribed.

If fire-resistance-rated doors cannot be fitted in the aforementioned enclosing structures of elevator shafts, vestibules or lobbies must be installed and fitted with type 1 fire-resistance-rated partitions and type 3 fire-resistance-rated floors or automatic shutters which activate in case of fire. These shutters must be made from non-combustible materials and rated for at least E 30.

In regard to buildings fitted with smokeproof stairwells, automatic smoke protection solutions must be implemented for elevator shafts whose exits are not protected by fire protection vestibules which are maintained at positive pressure in case of fire.

4.24 Rubbish terminal rooms, rubbish chutes, and rubbish intake doors must be designed and installed in accordance with standards and technical regulations applied specifically to these apparatus and the following requirements:

- Rubbish chutes and terminal rooms must be isolated from other sections of the buildings by fire protection assemblies; rubbish intake doors on each storey must be accompanied by fire-resistance-rated doors fitted with self-closing devices;

- Rubbish chutes must be made from non-combustible materials;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Rooms where rubbish chutes are located or rubbish terminal rooms must be entered from a clear exterior space or through a fire protection vestibule that is regularly ventilated;

- Entrances to rubbish terminal rooms must not be adjacent to exit accesses or exit access doorways of the buildings or fixed to windows of houses.

4.25 Depending on the technology involved, separate staircases are allowed for the purpose of travel between basements or semi-basements with the first storey.

These staircases must be enclosed by type 1 fire-resistance-rated partitions and fire protection vestibules which are maintained at positive pressure in case of fire.

The installation of fire protection vestibules as mentioned above is optional in regard to staircases of F5 buildings that lead from rooms of class C4, class D, or class E in the basements or semi-basements to rooms of the same class on the first storey.

These staircases shall not be included for the purpose of calculating evacuation, except for cases under 3.2.1.

4.26 When installing type 2 staircases from lobby of the first storey to the second storey, this lobby must be separated from adjacent corridors and rooms by type 1 fire-resistance-rated partitions.

4.27 Rooms where type 2 stairwells are located in accordance with 3.4.16 must be separated from connecting corridors and other rooms by type 1 fire-resistance-rated partitions. The rooms where type 2 stairwells are located are not required to be separated by fire-resistance-rated partitions when:

- The entire building is protected by automatic extinguishing system;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4.28 In regard to basements or semi-basements, entrances to elevators must be accompanied by type 1 fire protection vestibules which are maintained at positive pressure in case of fire.

4.29 The selection of building dimensions and fire compartment dimension and fire separation distance must rely on fire resistance categories, fire risk levels of structures, fire risk categories by functions, and fire loads and include effectiveness of fire prevention and fire protection equipment employed, presence, position, and level of equipment of fire brigade, possible economic and ecosystem consequences led to by the fire.

4.30 During operation, all fire prevention and protection equipment must be able to operate as intended.

4.31 The installation of automatic fire alarm and fire extinguishing system must conform to TCVN 3890.

4.32 Prevention of horizontal flame spread on the façade

4.32.1 Type 1 fire-resistance-rated walls must separate exterior walls with fire risk levels K1, K2, K3 and must protrude from the exterior wall surface by at least 30 cm.

Separation of the exterior walls is not required if the exterior walls have K0 fire risk level or type 1 fire-resistance-rated walls adjoin exterior wall vertically (creating vertical fire-resistant barrier) and have minimum width of 1,2 m, minimum fire-resistance rating of E 60, and fire risk level of K0.

If type 2 fire-resistance-rated walls and type 1 fire-resistance-rated partitions adjoin exterior walls, they must connect to vertical fire-resistant barriers, have minimum width of 1 m, and fire-resistance rating conforming to Schedule 4 or Schedule A.1 depending on the building’s height. Type 2 fire-resistance-rated partitions must connect to solid exterior walls vertically, have minimum width of 1 m and fire-resistance rating conforming to Schedule 4 or Schedule A.1 depending on the building’s height.

4.32.2 Requirements under 4.32.1 are not required if the requirements under NOTE 6 (Schedule 4) or NOTE 2 (Schedule A.1) depending on the building’s height.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4.33.1 If exterior walls have openings that are not fitted with fire-resistance-rated doors or contain sections with non-compliant fire-resistance ratings, areas where exterior walls connect to floors between storeys (fire-resistance barriers between storeys) must be designed appropriately in order to prevent vertical flame spread. Fire-resistance barriers between storeys must be designed to meet any of the following regulations:

a) Exterior wall segments that connect to floors between storeys (wall segments between windows of the lower storey and the windows of the upper storey or between wall segments that are protected via any fire protection measures of the lower and upper storeys) must be solid walls, made from non-combustible materials, and have minimum height of 1,0 m;

b) Door awning must be made from non-combustible materials, have minimum width (measured from the surface of exterior walls) of 0,6 m, and have minimum fire-resistance rating not lower than the required fire-resistance rating of exterior wall;

c) Exterior wall segments connect to floors between storeys by tempered glass, have minimum width of 6 mm, are equipped with sprinklers which are associated with automatic fire extinguishing equipment and positioned no more than 2 m away from any other sprinkler starting from rooms (corridors) adjoining exterior walls and no more than 0,5 m away from the inner surface of exterior walls.

NOTE 1: Fire-resistance rating requirements (if any) of components along fire-resistant barriers shall conform to Schedule 4 or Schedule A.1 depending on the building’s height. Vertical separating elements must be able to maintain integrity (E); joints or opening protectives must be able to maintain integrity (E) and insulation (I); fixed connecting elements must be able to maintain load bearing capacity (R).

NOTE 2: The requirements above do not apply to exit accesses and doors of loggias and balconies whose platform is more than 0,6 m in length.

4.33.2 Fire-resistance ratings of structures of exterior walls fitted with light-transmitting glass must meet requirements applicable to non-load bearing exterior walls and requirements mentioned under 4.32, 4.33.

4.33.3 When a part of exterior wall connects to another part of the wall to create an angle lower than 135o and the horizontal distance between the nearest edges of openings in all direction from the angle is less than 4m, openings on the wall part in question must be fitted with fire-resistance-rated doors with minimum fire-resistance rating of E 30 or equipped with sprinkler system.

4.33.4 Regulations under 4.33.1 through 4.33.3 are not required in regard to buildings with 3 storeys or less or fire height under 15 m and open above-ground garages or buildings that meet all requirements under NOTE 6 (Schedule 4) or NOTE 2 (Schedule A.1) depending on the building’s height.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Fire separation distance between buildings (E.1 and E.2 under Appendix E) and fire separation distance by boundaries (E.3 under Appendix E) must correspond to area of openings that are not protected by fire protection measures; fire-resistance rating of the wall segments must be able to maintain fire protection capacity.

4.35 Prevention of flame spread for atriums

The design and placement of open staircases, escalators, moving walkways, glass elevators, similar appliances, and rooms with openings leading to single-loaded corridors in buildings, building complexes, atrium and atriums must fulfill the following requirements:

a) Atriums must be positioned within a fire compartment, openings on storeys connecting to the atriums must allow the placement of escalators, open staircases, and elevators (including glass elevators);

b) Surrounding structures of rooms and corridors that adjoin atriums must have minimum fire-resistance rating of EI (EIW) 60 or be made of tempered glass with minimum thickness of 6 mm, be rated for fire-resistance rating of any types, and fitted with sprinklers which are associated with automatic extinguishing system, placed from adjacent rooms (corridors), no more than 2 m away from another sprinkler, and no more than 0,5 m away from partitions;

c) Openings leading to atriums, including openings of escalators and rooms on single-loaded corridors fitted with smoke partitions which have minimum fire-resistance rating of E 45, are dropped down in case of fire, and powered by automatic and remote control scheme, or fitted with fixed smoke partitions. Descending height of smoke partitions must not be lower than the thickness of the smoke in case of fire. Thickness of the smoke shall be determined via calculations during design. In this case, the base of the smoke layer must not be lower than 2,5 m above the floor surface;

d) Storey area within a fire compartment where an atrium is located shall be determined by the sum of area of the bottommost storey of the atrium and area of single-loaded corridors, walkways, and rooms on upper storeys, within the volume of the atrium, and confined by type 1 fire-resistance-rated partitions. If type 1 fire-resistance-rated partitions are not available and/or the atrium is not physically separated from adjoining rooms, fire compartment shall equal total area of relevant storeys;

e) Natural smoke extraction system is allowed in atriums if appropriate evaluation and calculation are present;

f) Light-transmitting panels of atriums must be made from non-combustible materials. In this case, these panel structures must be made from safety wired glass (to prevent injury). Materials which have combustibility not higher than Ch1 and do not create flaming droplets are allowed for the purpose of light-transmitting panels;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5 WATER SUPPLY FOR FIREFIGHTING

5.1 Water supply for outdoor firefighting

5.1.1 Fire safety requirements pertaining to water supply for outdoor firefighting

5.1.1.1 The installation of water supply for outdoor firefighting shall conform to TCVN 3890 and other superseding standard documents.

5.1.1.2 Water quality of sources of water supply for firefighting must fit operating conditions of firefighting equipment and fire control methods.

5.1.1.3 Water pipe network for firefighting is usually a low pressure network. If high pressure is sustained in the network, calculations must be made to ensure working pressure of the network. In case of high pressure pipe network, fire pumps must be equipped in order to operate within 5 minutes of fire alarm activation.

5.1.1.4 Minimum pressure in low-pressure water pipe network for firefighting (located above ground) must not be lower than 10 m. Minimum pressure in high-pressure water pipe network for firefighting must be sufficient to guarantee a minimum solid stream height of 10 m when fire flow is at maximum and nozzles are at the highest point of a building. Pressure in pipe network that additionally serves domestic or manufacturing purpose must not be lower than 10 m and not be greater than 60 m.

5.1.2 Fire safety requirements regarding fire flow for outdoor firefighting

5.1.2.1 Fire flow of loop pipe network for outdoor firefighting (for one fire incident) and number of simultaneous fire incidents in a residential area shall conform to Schedule 7.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5.1.2.3 Fire flow for outdoor firefighting of buildings with F5 fire risk category for one fire incident shall use flow rates of buildings that require the greatest values under Schedule 9 and Schedule 10.

NOTE 1: When calculating fire flow for 2 fire incidents, use values that equal twice the values of buildings that require the greatest flow rates.

NOTE 2: Fire flow for outdoor firefighting in detached auxiliary buildings shall use values under Schedule 8 applicable to buildings with F2, F3, F4 fire risk categories; if auxiliary buildings are located inside manufacturing facilities, calculate fire flow based on general volume of the manufacturing facilities and Schedule 9.

NOTE 3: Fire flow for outdoor firefighting of buildings serving agriculture and rural development with fire resistance category of I and II, maximum volume of 5 000 m3, D and E fire and explosion risk classes, shall equal 5 L/s.

NOTE 4: Fire flow for outdoor firefighting of radio stations and television stations regardless of volume of the stations and number of inhabitants in the stations’ vicinity must not be lower than 15 L/s, even when Schedule 9 and Schedule 10 prescribe a lower value.

NOTE 5: Fire flow for outdoor firefighting of buildings whose volume exceeds volume under Schedule 9 and Schedule 10 must conform to special regulations.

NOTE 6: In case of buildings with fire resistance category of II and wooden structures, fire flow for outdoor firefighting shall be greater than values under Schedule 9 and Schedule 10 by 5 L/s.

NOTE 7: Fire flow for outdoor firefighting of buildings and cold storage of food shall be similar to that of buildings with fire risk class C.

NOTE 8: Fire flow for outdoor firefighting of loaded container storage depends on the number of containers and is as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



From 51 to 100 containers, 20 L/s;

From 101 to 300 containers, 25 L/s;

From 301 to 1 000 containers, 40 L/s;

From 1 001 to 1 500 containers, 60 L/s;

From 1 501 to 2 000 containers, 80 L/s;

More than 2 000 containers, 100 L/s;

Schedule 7 - Fire flow for outdoor firefighting in residential areas

Population, x 1 000 people

Number of simultaneous fire incidents

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Buildings no taller than 2 storeys regardless of fire resistance category

Buildings from 3 storeys or higher regardless of fire resistance category

≤ 1

1

5

10

> 1 and ≤ 5

1

10

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



> 5 and ≤ 10

1

10

15

> 10 and ≤ 25

2

10

15

> 25 and ≤ 50

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



20

25

> 50 and ≤ 100

2

25

35

> 100 and ≤ 200

3

40

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



> 200 and ≤ 300

3

55

> 300 and ≤ 400

3

70

> 400 and ≤ 500

3

80

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3

85

> 600 and ≤ 700

3

90

> 700 and ≤ 800

3

95

> 800 and ≤ 1 000

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



100

> 1 000

5

110

NOTE 1: Fire flow for outdoor firefighting in residential areas must not be lower than fire flow under Schedule 8.

NOTE 2: When supplying water in regions, fire flow for outdoor firefighting and number of simultaneous fire incidents of each region shall depend on population of the region.

NOTE 3: Number of simultaneous fire incidents and fire flow for 1 fire incident in a region with more than 1 million people shall conform to evaluation of special technical requirements.

NOTE 4: In regard to network of group pipelines, number of simultaneous fire incidents depends on total population in a group of pipe network. The amount of water necessary to restore water in group pipelines shall be determined by maximum amount of water for firefighting in residential areas (corresponding to number of simultaneous fire incidents) in accordance with 5.1.3.3 and 5.1.3.4.

NOTE 5: Number of simultaneous fire incidents in a residential area must also include fire incidents in manufacturing facilities and storage facilities in the residential area. In this case, calculated fire flow must also include the flow rate necessary for extinguishing fire of those facilities and must not be lower than values under Schedule 7.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Building type

Fire flow for outdoor firefighting regardless of fire resistance category for 1 fire incident, L/s, by fire volume, 1000 m3

≤ 1

> 1 and ≤ 5

> 5 and ≤ 25

> 25 and ≤ 50

> 50

1. F1.3, F1.4 building with one or many single-stair blocks with the following number of storeys:

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

≤ 3

10 1)

10 1)

15

15

20

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10

15

15

20

20

> 12 and ≤ 16

-

20

20

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



25

> 16

-

20

25

25

30

2. F1.1, F1.2, F2, F3, and F4 buildings with the following number of storeys:

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

≤ 3

10 1)

10 1)

15

20

25

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10

15

20

25

30

> 12 and ≤ 16

-

20

25

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



35

> 16

-

25

30

30

35

1) For buildings in villages, communes (rural areas), fire flow for 1 fire incident is 5 L/s.

NOTE 1: If capacity of outdoor network is insufficient to achieve the necessary flow rate for firefighting or when pipes are connected to a tree network, tanks or reservoirs with sufficient volume must be taken into consideration in order to maintain fire flow for outdoor firefighting for 3 hours.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Schedule 9 - Fire flow for outdoor firefighting of F5 buildings

Fire resistance category of the building

Fire risk level of structures

Fire and explosion risk class of the building

Fire flow for outdoor firefighting of buildings with roof openings regardless of building’s width, buildings without roof openings no wider than 60 m, for 1 fire incident, L/s, depending on volume of the building, 1 000 m3

≤ 3

> 3 and ≤ 5

> 5 and ≤ 20

> 20 and ≤ 50

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



> 200 and ≤ 400

> 400 and ≤ 600

> 600

I and II

S0, S1

D, E

10

10

10

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



15

20

25

35

I and II

S0, S1

A, B, C

10

10

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



20

30

35

40

50

III

S0, S1

D, E

10

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



15

25

35

40

45

-

III

S0

A, B, C

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



15

20

30

45

60

75

-

IV

S0, S1

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10

15

20

30

40

50

60

-

IV

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A, B, C

15

20

25

40

60

80

100

-

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S2, S3

E

10

15

20

30

45

-

-

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



IV

S2, S3

A, B, C

15

20

25

40

65

-

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

V

-

E

10

15

20

30

55

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

-

V

-

C

15

20

25

40

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

-

-

Schedule 10 - Fire flow for outdoor firefighting of F5 buildings without roof openings and wider than 60 m

Fire resistance category of the building

Fire risk level of structures

Fire and explosion risk class of the building

Fire flow for outdoor firefighting of buildings without roof openings and 60 m wide or more, for 1 fire incident, L/s, depending on volume of the building, 1 000 m3

≤ 50

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



> 100 and ≤ 200

> 200 and ≤ 300

> 300 and ≤ 400

> 400 and ≤ 500

> 500 and ≤ 600

> 600 and ≤ 700

> 700

I and II

S0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



20

30

40

50

60

70

80

90

100

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S0

D, E

10

15

20

25

30

35

40

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



50

NOTE: Roof openings mean vents positioned on the roof (ridge vents) and not smaller than 2,5 % of the building’s total area.

5.1.2.4 If a building is separated by fire-resistance-rated walls, the highest fire flow for outdoor firefighting shall prevail.

5.1.2.5 If a building is separated by fire-resistance-rated partitions, fire flow for outdoor firefighting shall be determined by overall volume of the building and the highest fire and explosion risk class.

5.1.2.6 Fire flow must be maintained even when fire flow dedicated for other demands is at the highest, including:

- Tap water;

- Household businesses;

- Industrial and agricultural manufacturing facilities where separate pipelines are not feasible due to drinking water quality or economic purposes.

- Water treatment stations, pipe network, channels, and similar;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5.1.2.7 Water supply system for outdoor firefighting of facilities (water pipes, pump stations, tanks, and reservoirs) must be reliable, must not stop supplying water for more than 10 minutes, and must not reduce fire flow by more than 30% within 3 days.

5.1.2.8 If a construction is located in an area where outdoor water supply infrastructures have not been installed or do not conform to regulations under Schedule 8, Schedule 9, and Schedule 10, instructions of competent fire and rescue police department shall prevail.

5.1.3 Calculated number of simultaneous fire incidents

5.1.3.1 Calculated number of simultaneous fire incidents of an industrial or agricultural facility must depend on the area of the facility, to be specific:

- If a facility is as large as 150 ha, count as 1 fire incident;

- If a facility is larger than 150 ha, count as 2 fire incidents.

In regard to calculated number of simultaneous fire incidents of an open or enclosed storage facility for wooden materials: if the storage facility is as large as 50 a, count as 1 fire incident; if the storage facility is larger than 50 ha, count as 2 fire incidents.

NOTE: Area of the facility that serves calculation of water supply system for outdoor firefighting shall be area of the plot on which the facility is located (excluding forest land, park land, agricultural land, or similar land on which no construction is built).

5.1.3.2 When combining firefighting pipelines of a residential area and an industrial facility which is located outside of said residential area, calculated number of simultaneous fire shall be as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- If the industrial facility is larger than 150 ha and population of the residential area is up to 25 000 people, count as 2 fire incidents (2 fire incidents for the industrial facility or 2 fire incidents for the residential area depending on whichever location requires the greater fire flow);

- If population of the residential area exceeds 25 000 people, count as 2 fire incidents where fire flow for 1 fire incident equals the sum of the greater fire flow (either for the industrial facility or the residential area) and 50% of the lesser fire flow (either for the industrial facility or the residential area).

5.1.3.3 Firefighting duration must be 3 hours, except for the cases below:

- 2 hours for buildings with fire resistance categories I, II with insulating structures and layers made from non-combustible materials and areas of fire and explosion risk classes D and E;

- 1 hour for kindergartens, preschools, F4.1 and F4.3 buildings in rural areas with fire resistance categories I and II, insulating structures and layers made from non-combustible materials, no more than 3-storey high, and up to 500 m2 of construction area;

- In the case of kindergartens, preschools, F4.1 and F4.3 buildings in rural areas with fire resistance category I and II, insulating structures and layers made from non-combustible materials, no more than 3-storey high, and up to 500 m2 of building area, standpipe system is allowed as a substitution for water supply system for outdoor firefighting;

- At least 5 hours in case of open storage facilities for wood materials.

5.1.3.4 The maximum amount of time for restoring water reserve for firefighting must not be greater than:

- 24 hours in case of residential areas and industrial facilities of fire and explosion risk classes A, B, C;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- 72 hours in case of residential areas and agricultural facilities.

NOTE: If an industrial facility requires up to 20 L/s of fire flow for outdoor firefighting, the amount of time for restoring water for firefighting shall be:

a) Up to 48 hours for areas of fire risk classes D and E

b) Up to 36 hours for areas of fire risk class C.

If water for firefighting cannot be restored in a timely manner as stated above, water reserve for firefighting must be supplied by n times. The value of n (n = 1,5; 2,0; 2,5; 3,0, etc.) varies depending on actual restoration time, ttt, and is calculated using the formula below:

n = ttt / t

In which: ttt refers to the amount of time it takes in practice to restore water reserve for firefighting;

tqd refers to the amount of time it takes according to 5.1.3.4 to restore water reserve for firefighting.

5.1.4 Fire safety requirements for pipe network and constructions built upon them

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5.1.4.2 Water pipe network for firefighting must be a grid network. A branch network is allowed when: water is supplied for firefighting or a combination of domestic purposes - firefighting, the pipe is not longer than 200 m regardless of the required fire flow.

Outdoor pipe network is not allowed to connect to indoor pipe network via grid connection.

In case of residential areas that have population of 5 000 people or less and require fire flow for outdoor firefighting of 10 L/s or less or number of standpipe outlets of 12 or less, a branch network of 200 m or more in length is allowed if tanks, reservoirs, or water towers that contain water amount necessary for firefighting are built.

5.1.4.3 Pipelines must be divided into sections by shutoff valves so that during a repair, only a maximum of 5 fire hydrants will not receive any water.

5.1.4.4 Remotely-controlled and automatically-controlled valves on all pipelines, regardless of diameter, must be operated electrically.

Pneumatic, hydraulic, or electromagnetic valves are allowed.

If remote or automatic control is not feasible or available, manual control is allowed for shutoff valves of 400 mm or less in diameter, electric or hydraulic control is allowed for shutoff valves of exceeding 400 mm in diameter; if separate evaluation allows, manual operation is allowed for shutoff valves of exceeding 400 mm in diameter.

In all cases, manual opening and closing must be allowed.

5.1.4.5 Diameter of supply pipelines and pipe network after supply pipelines must be calculated on the following basis:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Operating conditions in case of disruption of individual segments.

Diameter of water pipelines for outdoor firefighting must not be less than 100 mm for residential areas and manufacturing facilities, and 75 mm for rural areas.

5.1.4.6 Fire hydrants must be at most 2,5 m away from the edge of the road and at least 1 m away from exterior wall of the buildings; underground hydrants are allowed on public roads.

5.1.4.7 Fire hydrants must be installed on pipeline network in a manner that at least 2 hydrants are installed when the required flow rate is 15 L/s or higher or at least 1 hydrant is installed when the required flow rate is less than 15 L/s, the installed hydrants can cover any point along the width of the building, and cover radius of each hydrant does not exceed 200 m along the movement of fire hoses outside the building.

NOTE: Pipe networks serving residential areas with population of up to 500 people can have 3-way hydrants replaced by DN 80 mm standpipe fitted with outlets.

5.1.4.8 Constructions required to be equipped with standpipe outlets and automatic sprinkler system must have pipelines connecting from fire pump stations of the constructions to at least a DN65 2-way or 3-way fire hydrant positioned outside of the exterior wall towards the public road.

5.1.5 Requirements for water reservoirs and tanks for outdoor firefighting.

5.1.5.1 Water reservoirs and tanks that serve specific occupancy must also serve regulation, firefighting, incident aversion, and priming.

5.1.5.2 If firefighting water is collected from water sources that do not meet economic and technical conditions, in all cases, these tanks and reservoirs must contain sufficient amount of water for firefighting according to calculations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Supply water for firefighting from outdoor hydrants and other fire extinguishing systems;

- Supply water for specific fire extinguishing equipment (sprinkler, drencher, and similar equipment) that lacks dedicated reservoirs;

- Supply the maximum amount of water for domestic and manufacturing purposes throughout firefighting process.

5.1.5.4 Bodies of water which fire engines draft from must be accessible and have parking lots no smaller than 12 m x 12 m with sufficient surface load for fire engines.

When calculating the volume of water in bodies of water, the supply of water into these bodies of water throughout firefighting process shall be added to the calculation if water supply system satisfactory to 5.1.2.7 is installed.

5.1.5.5 When supplying water through 1 supply pipeline, supply an additional amount of water to fulfill purposes under 5.1.5.3.

The additional amount of water can be disregarded if the length of a supply pipeline does not exceed 500 m and serves a residential area with population of 5 000 people or less or serves constructions that require fire flow of 40 L/s or less.

5.1.5.6 The total number of tanks and reservoirs for firefighting in a network must not be lower than 2 (not including tanks and reservoirs for outdoor firefighting of detached constructions).

Tanks and reservoirs in the same network must have the same highest and lowest water level for firefighting.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5.1.5.7 The storage of water for firefighting in specialized tanks or reservoirs or open lakes shall be permitted with respect to:

- Residential areas with population of up to 5 000 people;

- Buildings, regardless of occupancies, that are separate from residential areas and are not installed with pipeline systems for domestic or manufacturing purposes which provide water for outdoor water supply system;

- Buildings that have different occupancies and require fire flow of 10 L/s or less for outdoor firefighting;

- Buildings, regardless of occupancies, that have up to 2 storeys and are smaller than area of the fire compartment applicable to that type of buildings.

5.1.5.8 The amount of water for firefighting of reservoirs, tanks, and artificial lakes shall be determined by calculating amount of water consumed and firefighting duration in accordance with 5.1.2.2, 5.1.2.3, 5.1.2.4, 5.1.2.5, 5.1.2.6, and 5.1.3.3.

NOTE 1: When calculating volume of water for firefighting of open artificial lakes, evaporation and freezing of the water must be taken into account. Minimum water level shall be 0,5 m.

NOTE 2: Access to the reservoirs, tanks, and similar drafting sites must be guaranteed for fire engines.

5.1.5.9 Tanks, reservoirs, hydrants, natural and artificial lakes must be positioned in a way that guarantees service radius of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- 100 m to 150 m with the presence of portable pumps depending on technical specifications of the pumps;

- In order to increase service radius, branch pipes up to 200 m in length are allowed to connect from tanks, reservoirs, and artificial lakes while complying with 5.1.5.8;

- Distance from drafting sites of tanks, reservoirs, or artificial lakes to buildings with fire resistance categories III, IV, and V or to open storage of combustible materials must be 30 m or less; distance from drafting sites of tanks, reservoirs, or artificial lakes to buildings with fire resistance categories I and II must be 10 m or less.

5.1.5.10 If drafting directly from tanks or reservoirs by pumper trucks or portable pumps is not feasible, install water grates with volume ranging from 3 m3 to 5 m3. Diameter of pipes connecting to tanks, reservoirs, or grates must be calculated depending on fire flow for outdoor firefighting and must not be lower than 200 mm. The joints must be protected by shutoff valve boxes to block water. the opening and closing of the valves must be done outside of the boxes. The pipe end that connects to the artificial lakes must be fitted with mesh.

5.1.5.11 Pressure tanks and reservoirs for firefighting must also be fitted with water gauge and water level indicators which send signals to pump stations or distribution stations.

Pressure tanks and reservoirs of high-pressure firefighting pipes must be fitted with equipment that cuts off water supply to tanks, reservoirs, and towers when fire pumps are engaged.

5.1.5.12 If pressure tanks or reservoirs use compressed air, backup compressors are required in addition to the operating compressors.

5.2 Standpipe system

5.2.1 Houses, public buildings, administrative - auxiliary buildings of industrial constructions must be fitted with standpipe system with minimum flow rate for firefighting conforming to Schedule 11. Flow rate of standpipe system installed in manufacturing facilities and storage facilities shall conform to Schedule 12.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Based on fire flow, hydrants shall be classified into:

- Low fire flow (from 0,2 L/s to 1,5 L/s). Equipment for use with low fire flow outlets has diameter of DN 5, DN 10, DN 15, DN 20, DN 25, and DN 40;

- Moderate fire flow (greater than 1,5 L/s).

If low fire flow outlets are used, total fire flow and height of solid stream shall conform to Schedule 11, Schedule 12, and Schedule 13.

Schedule 11 - Minimum number of streams and minimum fire flow of standpipe system

Houses and public buildings

Number of streams per storey

Minimum fire flow, L/s, of a stream

1. Houses and apartment buildings

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1

2,5

≤ 16 storeys, when length of common corridors > 10 m

2

2,5

> 16 and ≤ 25 storeys, when length of common corridors ≤ 10 m

2

2,5

> 16 and ≤ 25 storeys, when length of common corridors > 10 m

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2,5

2. Administrative buildings 1)

≤ 10 storeys and volume ≤ 25 000 m3

1

2,5

≤ 10 storeys and volume > 25 000 m3

2

2,5

10 storeys and volume ≤ 25 000 m3

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2,5

10 storeys and volume > 25 000 m3

3

2,5

3. Clubs with stages, theaters, cinemas, rooms equipped with audiovisual equipment (for conferences, seminars, and similar purposes)

≤ 300 seats

2

2,5

> 300 seats

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5,0

4. Dorms and public houses (except section 2) 2)

≤ 10 storeys and volume ≤ 25 000 m3

1

2,5

≤ 10 storeys and volume > 25 000 m3

2

2,5

> 10 storeys and volume ≤ 25 000 m3

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2,5

> 10 storeys and volume > 25 000 m3

3

2,5

5. Administrative - auxiliary buildings of industrial facilities with volume

≤ 25 000 m3

1

2,5

> 25 000 m3

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2,5

1) Head offices of state authorities, work offices of enterprises, political organizations, social organizations, post offices, radio stations, television stations, telecommunication facilities, communication device installation service providers, data storage and management centers, etc. and constructions with similar occupancies.

2) Public buildings and constructions with similar occupancies, such as:

- Houses, dorms, multipurpose buildings, hotels, detached houses combining with other functions, motels, rooms for rent, other accommodations established under the Law on Tourism;

- Karaoke venues, discotheques, bars, clubs, beauty salons, massage service providers, recreational parks, zoos, aquariums;

- Electronic appliance stores, supermarkets, department stores; convenient stores, restaurants, diners;

- General clinics, specialized clinics; beauty salons;

- Museums, libraries, galleries, exhibits, storage facilities, bookstores, fairs;

- Stadiums, indoor sports stadiums, sports centers, race tracks, shooting ranges, other sports establishments established under the Law on Sports;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-Kindergartens, preschools, primary schools, lower secondary schools, upper secondary schools, multi-level schools, colleges, universities, institutes, intermediate professional education institutions, vocational education and training institutions, continuous education institutions, other education institutions established under the Law on Education;

- Sanitariums, intensive care wards, orthopaedic wards, nursing homes.

Schedule 12 - Minimum number of streams and minimum fire flow for indoor firefighting for manufacturing facilities and storage facilities

Fire resistance category

Fire and explosion risk class

Fire risk level of structure

Minimum number of streams and fire flow, L/s, of 1 stream, for indoor firefighting of manufacturing facilities and storage facilities with minimum fire height of 50 m and depending on volume, 1 000 m3

≤ 150

> 150

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A, B, C

S0, S1

2 x 2,5

3 x 2,5

D, E

No regulations

1 x 2,5

1 x 2,5

III

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S0

2 x 2,5

3 x 2,5

D, E

S0, S1

1 x 2,5

2 x 2,5

IV

A, B

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2 x 2,5

3 x 2,5

C

S0, S1

2 x 2,5

2 x 5

C

S2, S3

3 x 2,5

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



D, E

S0, S1, S2, S3

1 x 2,5

2 x 2,5

V

C

No regulations

2 x 2,5

2 x 5

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



No regulations

1 x 2,5

2 x 2,5

Schedule 13 - Fire flow depending on height of solid stream and diameter of nozzles

Height of solid stream, m

Fire flow, L/s

Pressure, MPa, of standpipe outlet with hose reel length, m

Fire flow, L/s

Pressure, MPa, of standpipe outlet with hose reel length, m

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Pressure, MPa, of standpipe outlet with hose reel length, m

10

15

20

10

15

20

10

15

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

Diameter of nozzle, mm

13

16

19

DN 50 standpipe outlet 1)

6

-

-

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

2,6

0,092

0,096

0,100

3,4

0,088

0,096

0,104

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

-

-

-

2,9

0,120

0,125

0,130

4,1

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0,138

0,148

10

-

-

-

-

3,3

0,151

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0,164

4.6

0,160

0,173

0,185

12

2,6

0,202

0,206

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3,7

0,192

0,196

0,210

5,2

0,206

0,223

0,240

14

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0,236

0,241

0,245

4,2

0,248

0,255

0,263

-

-

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

16

3,2

0,316

0,322

0,328

4,6

0,293

0,300

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

-

-

-

18

3,6

0,390

0,398

0,406

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0,360

0,380

0,400

-

-

-

-

 

DN 65 standpipe outlet 1)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

-

-

-

2,6

0,088

0,089

0,090

3,4

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0,080

0,083

8

-

-

-

-

2,9

0,110

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0,114

4,1

0,114

0,117

0,121

10

-

-

-

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3,3

0,140

0,143

0,146

4,6

0,143

0,147

0,151

12

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0,198

0,199

0,201

3,7

0,180

0,183

0,186

5,2

0,182

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0,199

14

2,8

0,23

0,231

0,233

4,2

0,230

0,233

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5,7

0,218

0,224

0,230

16

3,2

0,31

0,313

0,315

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0,276

0,280

0,284

6,3

0,266

0,273

0,280

18

3,6

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0,383

0,385

5,1

0,338

0,342

0,346

7,0

0,329

0,338

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



20

4,0

0,464

0,467

0,470

5,6

0,412

0,424

0,418

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0,372

0,385

0,397

1) DN - short for Diameter Nominal, in millimeter (mm).

5.2.2 In order to calculate pump capacity and water reserve for firefighting, number of streams and fire flow in public buildings in regard to sections located at a fire height above 50 m must be 4 streams and 2,5 L/s each stream respectively. Number of streams and fire flow of F5 buildings with fire and explosion risk classes A, B, C and fire height above 50 m shall be 4 streams and 5 L/s each stream respectively.

5.2.3 In case of manufacturing facilities and storage facilities that utilize structure types prone to fire damage, according to Schedule 12, the minimum fire flow for the purpose of calculating pump capacity and water reserve for firefighting determined in accordance with Schedule 12 must be increased on a case-by-case basis as follows:

- When employing steel structures that are not protected by fire protection measures in buildings with fire resistance categories III, IV (S2 or S3), as well as structures made from natural wood or MDF board (wood in this case has been protected by fire protection measures), increase by an additional 5 L/s;

- When employing combustible materials surrounding structures of buildings with fire resistance category IV (S2 or S3), increase by an additional 5 L/s for buildings with up to 10 000 m3 in volume. Or in case of buildings with more than 10 000 m3 in volume, increase by an additional 5 L/s for every extra 100 000 m3 and every extra amount that does not add up to 100 000 m3.

5.2.4 Number of streams serving each fire location shall be 2 in regard to constructions that require at least 2 streams.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- In regard to buildings that are not separated by fire-resistance-rated walls, calculated based on overall volume;

- In regard to buildings that are separated by type 1 or type 2 fire-resistance-rated walls, calculated based on volume of the building section that requires the highest fire flow.

When connecting buildings with fire resistance categories I and II by walkways built out of non-combustible materials and protected by fire-resistance-rated doors, the volume used for the purpose of calculating fire flow shall be volume of each building; if the connecting walkways are not protected by fire-resistance-rated doors, volume of both buildings shall be used for the purpose of calculating fire flow and the higher fire risk class shall prevail.

5.2.6 Hydrostatic pressure in domestic - firefighting water system when measured at sanitary - technical equipment which is located at the lowest water level must not exceed 0,45 MPa.

Hydrostatic of separate fire extinguishing system measured at standpipe outlets which are located at the lowest water level must not exceed 0,90 MPa.

During calculation, if pressure in a fire extinguishing system exceeds 0,45 MPa, a separate network of fire extinguishing system is required.

If pressure between valves and couplings of standpipe outlets exceeds 0,4 MPa, installation of membrane and equipment for adjusting pressure is required in order to reduce residual pressure.

5.2.7 Discharge pressure of standpipe outlets must be sufficient to maintain height of solid stream for firefighting at all time of day, even for the highest and furthest point. Minimum height and radius of solid stream must equal the height of the area, from the floor to the highest point of the girder (ceiling), but must not be lower than the following values:

- Not lower than 6 m in case of houses, public buildings, manufacturing facilities, and auxiliary constructions of industrial facilities with fire height of up to 50 m;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Not lower than 16 m in case of public buildings, manufacturing facilities and auxiliary constructions of industrial facilities with fire height above 50 m.

NOTE 1: Pressure of standpipe outlets must be calculated for hose reels of 10 m, 15 m, and 20 m in length.

NOTE 2: In order to facilitate solid stream with fire flow of up to 4 L/s, use DN 50 outlets; in case of greater fire flow, use DN 65 outlets. If economic - technical evaluation permits, DN 50 outlets are allowed for fire flow exceeding 4 L/s

5.2.8 Design of pressure tanks must be able to maintain height of solid stream above 4 m for the highest storey or the storey below the storey where the tanks are located, and not lower than 6 m for the other storeys; in this case, guarantee 2 streams of 2,5 L/s of fire flow each for 10 minutes if the calculated number of streams is at least 2 or guarantee 1 stream for all other cases.

When installing standpipe outlets which act as automatic activation sensors of fire pumps, pressure tanks are not required to be taken into consideration.

5.2.9 If standpipe outlets are installed separately from automatic fire extinguishing systems, volume of reserve tanks must contain sufficient water for use by 1 standpipe outlet and other demand for 1 hour.

If standpipe outlets are installed on automatic fire extinguishing system, working time of the outlets shall equal working time of the automatic fire extinguishing system.

5.2.10 In buildings of 6 storeys or higher, if domestic and firefighting water systems are connected, vertical pipes must be connected in grid on upper storeys. In this case, in order to change water in the buildings, vertical grid network must be connected to one or several vertical discharge pipes fitted with shutoff valves.

Dry pipes systems installed in buildings that are not heated, shutoff valves must be fitted in areas where they cannot be frozen.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Double outlets are allowed on standpipes in manufacturing facilities and public buildings if calculated number of streams is not lower than 3, and in houses if calculated number of streams is not lower than 2;

- In houses where corridor length is up to 10 m and number of streams is 2 for each area, 2 streams are allowed from the same standpipe;

- In houses where corridor length exceeds 10 m as well as manufacturing facilities and public buildings where at least 2 streams are required for each area, 2 streams from 2 adjacent fire hose cabinets (2 different outlets).

NOTE 1: Standpipe outlets are required in mechanical floors, attics, and mechanical basements if they contain materials and structures made from combustible materials.

NOTE 2: Number of streams per cabinets must not be greater than 2.

5.2.12 Standpipe outlets must be positioned at a height of 1,20 m ± 0,15 m above the floor and in ventilated, sealed fire hose cabinets. In case of double standpipe outlets, they can be positioned vertically and the lower outlet must be at least 1,0 m away from the floor.

5.2.13 Standpipe system in buildings and constructions must have outlets on the exterior of the buildings and constructions with proper coupling size to facilitate connection with portable firefighting equipment. In regard to buildings of 17 storeys or more, fire department connections (hereinafter referred to as “FDC”) for standpipe system must be separated into zones throughout the height of the buildings where each zone is not taller than 50 m. These connections must be fitted with check valves and openly sealed.

5.2.14 Standpipe outlets must be positioned at entrances to corridors (where water cannot be frozen) of stairwells (other than smokeproof stairwells), lobbies, corridors, walkways, and other accessible locations. In this case, the positioning of standpipe outlets must not obstruct evacuation.

5.2.15 In areas where automatic fire extinguishing system is installed, standpipe outlets are allowed on DN 65 pipes or larger after control valve clusters of water sprinkler system.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5.2.17 Shutoff valves fitted to branch network and larger valves fitted to grid network of steel pipes must be positioned in a way that each pipe segment only deactivates at most 5 standpipe outlets on a single storey.

5.2.18 Depending on occupancy of protected structures, the following protection measures for standpipe outlets are available:

- Measure 1: utilize standpipe outlets with moderate fire flow. This measure is allowed for all types of constructions;

- Measure 2: utilize standpipe outlets with low fire flow in combination with dry pipes. This measure is allowed for houses and public buildings;

- Measure 3: utilize standpipe outlets with low fire flow. This measure is allowed for constructions equipped with automatic extinguishing system throughout;

- Measure 4: utilize standpipe outlets with low fire flow in combination with those with moderate fire flow. This measure is allowed for houses and public buildings.

NOTE: In the same construction, multiple measures can be utilized simultaneously.

5.3 Fire pump station

5.3.1 Fire pumps, whether installed separately or in combination with domestic and/or production water system, require backup pumps with capacity similar to that of the main pumps. The quantity of backup pumps is regulated as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- If at least 4 fire pumps are required, at least 2 backup pumps are required;

Fire pumps must be connected to a grid power source and generator power source or must utilize internal combustion engine. Backup pumps or backup power source is not required when water is supplied for manufacturing facilities, storage facilities with fire resistance categories I or II, fire and explosion risk classes D or E and the required fire flow for outdoor firefighting is less than 20 L/s.

5.3.2 Fire pumps can be manually operated or remotely controlled and must be engaged within 3 minutes of fire alarm activation. If the required fire flow for outdoor firefighting is at least 25 L/s, a remote control mechanism is required for fire pumps.

5.3.3 If pressure of standpipe system is insufficient to supply the outlets, a remote control apparatus must be positioned in the same area as the standpipe outlets.

6 FIREFIGHTING AND RESCUE

6.1 Buildings and constructions must be able to facilitate firefighting and rescue via the following solutions: structural, premise - spatial arrangement, technical - construction, and organization.

These solutions include:

- Situate fire lanes, fire engine parking spaces, and other accesses for fire brigade and firefighting equipment in combination with roads and walkways depending on occupancies of the buildings or separately;

- Situate outdoor fire escape stairs and other necessary equipment in order to allow fire brigade and other firefighting equipment to reach all storeys and the roof of the buildings, including elevators equipped with “Fire service mode” (hereinafter referred to as “fire service elevators”);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Install smoke protection measures on passages of fire brigade;

- Equip life-saving equipment throughout the buildings;

- Situate and build fire prevention, firefighting constructions and fire stations based on the number of employees and firefighting equipment in order to meet firefighting conditions of constructions or areas within the service radius of these stations according to applicable laws.

The aforementioned solutions shall be selected based on fire resistance category, fire risk level of structures, and fire risk category by function of buildings and constructions.

With respect to areas with insufficient public traffic and water supply infrastructures according to this Regulation, firefighting and rescue solutions shall conform to specific guidelines of local fire prevention and firefighting authorities.

6.2 Fire lane and fire engine parking space

6.2.1 General requirements

6.2.1.1 Clear width of road surface for fire engines must not be lower than 3,5 m.

6.2.1.2 Fire engine parking lot must have sufficient clear width to allow fire engines to enter and deploy firefighting equipment depending on fire height and fire risk category by functions under Schedule 14.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Fire risk category by function / Parking space dimension

Fire engine parking space, m, corresponding to fire height of building, m

 

≤ 15

> 15 and ≤ 28 1)

> 28

1. F1.3 buildings

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Width of fire engine parking space

Not required

≥ 6

≥ 6

b) Length of fire engine parking space

Not required

≥ 15

≥ 15

2. Buildings of other fire risk categories

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

a) Width of fire engine parking space

Not required

≥ 6

≥ 6

b) Length of fire engine parking space

See Schedule 15 and Schedule 16

See Schedule 15 and Schedule 16

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1) Fire engine parking space is not required if occupant load of each storey, according to Schedule G.9 (Appendix G), does not exceed 50 people and the distance from fire lane to FDCs must not exceed 18 m.

6.2.1.3 Overhead structures on fire lane and fire engine parking space are allowed only when all of the following conditions are met:

- Clear height must not be lower than 4,5 m;

- Length of the overhead structures (measured along the length of fire lane and fire engine parking space) must not exceed 10 m;

- If at least 2 overhead structures are installed above fire lane or fire engine parking space, the clearance between these structures must not be lower than 20 m;

- Length of the last segments of fire lane or fire engine parking space which are not obstructed to the sky by overhead structures must not be less than 20 m;

- Length of fire engine parking space must not include segments covered by overhead structures.

6.2.1.4 Entry from an elevated position (hereinafter referred to as “elevated entry”) must be located along the exterior wall that faces fire engine parking space in a manner that conforms to 6.3 in order to facilitate firefighting and rescue operations.

6.2.2 Requirements for fire lane and fire engine parking space are as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6.2.2.2 F1.3 buildings with fire height exceeding 15 m must meet all of the requirements below:

- Build fire lane within 18 m of travel distance from the end point of entrances leading to all vestibules of fire service elevators or of exit access stairwells fitted with DN 65 FDCs intended for use by fire brigade (of dry pipe system);

- Build fire engine parking spaces which grant access to at least one exterior side of each block. Fire engine parking spaces must be within 2 m and 10 m from exterior wall of the building;

- Design of fire engine parking spaces and fire lane must satisfy requirements under Schedule 14.

6.2.2.3 Each area of F1.1, F1.2, F2, F3, and F4 buildings or building sections with fire height exceeding 15 m that is fitted with elevated entry must be accompanied by a fire engine parking space to facilitate access to doorways of elevated access. Length of fire engine parking space shall conform to Schedule 15 depending on accessible floor area of the storey that has the highest accessible floor area. In case of buildings with floor penetrations, the value shall be calculated as follows:

a) In case of buildings with floor penetrations, including floor penetrations between basements and above-ground storeys, accessible floor area shall equal the sum of accessible floor area of all penetrated floors;

b) In case of buildings with at least 2 groups of floor penetrations, accessible floor area must equal the sum of accessible floor area of the largest group;

c) In case of F5 buildings, a fire engine parking space is required for firefighting equipment. The length of the fire engine parking space shall comply with Schedule 16 depending on total compartment volume (excluding basements).

If manufacturing conditions do not require entrance, fire lane can be road segments that are 3,5 m wide and reinforced by materials that can support load of fire engines and discharge surface water.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



When necessary, the distance from the inner edge of the road to the exterior wall of the buildings and constructions can be increased to 60 m as long as these buildings and constructions are led to from dead-end streets, have turnarounds for fire engines, and have hydrants nearby. In this case, the distance from buildings and constructions to the turnarounds for fire engines must range from 5 m to 15 m and distance between dead-end streets must not exceed 100 m.

NOTE 1: Width of buildings and constructions shall be determined by dimension lines

NOTE 2: In regard to reservoirs employed for firefighting purposes, an entrance yard is required with each side not shorter than 12 m

Schedule 15 - Length of fire engine parking space for F1.1, F1.2, F2, F3, F4 buildings or building sections

Accessible floor area, m2

Required length of fire engine parking space, based on building circumference, m

Non sprinkler-protected building

Sprinkler-protected building

≤ 2 000

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1/6 of the circumference and not lower than 15 m

> 2 000 and ≤ 4 000

1/4 of the circumference

1/6 of the circumference and not lower than 15 m

> 4 000 and ≤ 8 000

1/2 of the circumference

1/4 of the circumference

> 8 000 and ≤ 16 000

3/4 of the circumference

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



> 16 000 and ≤ 32 000

Surrounding the building premise 1)

3/4 of the circumference

> 32 000

Surrounding the building premise 1)

Surrounding the building premise 1)

1) Fire engine parking space is not required to be parallel to the building premise as long as requirements under 6.2.3 are fulfilled

 

Schedule 16 - Length of fire engine parking space of F5 buildings

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Required length of fire engine parking space, based on building circumference, m

Non sprinkler-protected building

Sprinkler-protected building

≤ 28 400

1/6 of the circumference and not lower than 15 m

1/6 of the circumference and not lower than 15 m

> 28 400 and ≤ 56 800

1/4 of the circumference

1/6 of the circumference and not lower than 15 m

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1/2 of the circumference

1/4 of the circumference

> 85 200 and ≤ 113 600

3/4 of the circumference

1/4 of the circumference

> 113 600 and ≤ 170 400

Surrounding the building premise 1)

1/2 of the circumference

> 170 400 and ≤ 227 200

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3/4 of the circumference

> 227 200

Surrounding the building premise 1)

Surrounding the building premise 1)

1) Fire engine parking space is not required to be parallel to the building premise as long as requirements under 6.2.3 are fulfilled.

6.2.2.4 Fire lane or fire engine parking space of multipurpose building must meet the following requirements:

a) If non-residential building sections (of category other than F1.3) are located in the lower portion of the building, fire height that serves the calculation of fire lane or fire engine parking space requirements must be based on the non-residential sections of the building;

b) If multipurpose building does not contain F1.3 building section, the required length of fire lane or fire engine parking space must use the greater value which is determined by:

- Total compartment volume of F5 building sections; or

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) If multipurpose building contains F1.3 building sections, the required length of fire engine parking space must be calculated in accordance with 6.2.2.3 and must fulfill requirements under 6.2.2.

Basements are required to have fire lane within 18 m from above-ground entrances of vestibules of fire service elevators or exit access stairwells fitted with DN 65 FDCs intended for fire brigade (of dry pipe system).

6.2.3 Fire engine parking space must be positioned in a way that the horizontal distance from the inner edge of the parking space to the center point of the elevated entry is not closer than 2 m and not further than 10 m.

6.2.4 Fire engine parking space must have a level surface. If the parking space is located on a slope, the pitch must not exceed 1:15. The pitch of fire lane must not exceed 1:8,3.

6.2.5 If the length of fire lane or dead end fire engine parking space is greater than 46 m, a turnaround must be built at the end of the dead-end segment in accordance with 6.4.

6.2.6 Public roads can be used as fire engine parking space if they meet requirements pertaining to distance to elevated entry under 6.2.3

6.2.7 Fire lane and fire engine parking space must be clear of obstacles at all time. The void between fire engine parking space and elevated entry must not be obstructed by trees or other stationary objects.

6.2.8 All corners of fire engine parking space and fire lane must be marked on both sides which are no more than 5 m apart by reflective paint which must be visible at night, unless public roads are used as fire engine parking space or fire lane.

Signs must be erected at starting points and end points of fire lane or fire engine parking space and must contain white background, red letters, and minimum letter height of 50 mm. The height from ground level to the lowest point of the signs must vary between 1,0 m to 1,5 m. The signs must be visible at night and must be no more than 3 m away from fire lane or fire engine parking space. All parts of fire lane or fire engine parking space must not be more than 15 m away from the nearest signs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6.3 Elevated entry for firefighting and rescue

6.3.1 Elevated entry must be clear and unobstructed at all time while the building is occupied. Elevated entry can be openings of the exterior wall, windows, balconies, walls fitted with glass, and doors that can be opened from both sides. Items and objects of all kind that can obstruct travel must not be located within 1 m of floorspace of elevated entry on the building side.

6.3.2 Elevated entry must face an occupied space. Elevated entry must not be located in storage rooms, machine rooms, exit access stairwells, smoke protected lobbies, fire service elevator lobbies, or a space that lead to a dead end.

6.3.3 The outside of doors of elevated entry must be marked by a sign which is a red or yellow equilateral triangle, has minimum side length of 150 mm, has one of its vertices pointing up or down, contains the phrase “LỐI VÀO TỪ TRÊN CAO - KHÔNG DƯỢC GÂY CẢN TRỞ” (ELEVATED ENTRY - STAY CLEAR) with minimum letter height of 25 mm.

6.3.4 Elevated entry must have minimum width of 850 mm, minimum height of 1 000 mm, lower edge at least 1 100 mm away from the floor on the building side, and upper edge at most 1 800 mm away from the floor on the building side.

6.3.5 Quantity and position of elevated entry of each fire compartment of the building or building section of category other than F1.3 must meet the following requirements:

In case of F1.1, F1.2, F2, F3, F4, and F5 buildings, the required number of elevated entry must be calculated depending on the length of fire engine parking space. Every segment that is at most 20 m in length requires an elevated entry;

- Elevated entry must be physically distant from one another and positioned along the side of the building. The maximum distance between the center of any two elevated entries served by the same fire engine parking space measured on the exterior wall must not exceed 20 m. Elevated entry must be distributed in a way that at least 1 elevated entry is guaranteed for every 20 m in length of the fire engine parking space, except for sections of single-storey buildings of category other than F5;

- In case F1.1, F1.2, F2, F3, and F4 buildings with fire height ranging from exceeding 15 m to 50 m, elevated entry is required on every storey but the first storey and must face fire engine parking space;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Elevated entry requirements do not apply to F1.3 buildings, including auxiliary sections (for example: gym, club room, rooms with similar occupancies for the building inhabitants) thereof.

6.4 The turnaround must be:

- An equilateral triangle which has side length not less than 7 m, one vertex at the dead end, and 2 other vertices on both sides of the road;

- A square which has side length not less than 12 m;

- A circle which has diameter not less than 10 m;

- A square which is perpendicular to the dead end, distributed evenly to both sides of the road, not smaller than 5 m x 20 m.

NOTE: The dimensions mentioned above are the minimum dimensions, local fire and rescue departments can introduce specific regulations based on technical requirements of firefighting equipment of each area.

6.5 If the road only allows a single lane, every 100 m or less of road length must contain an extended segment which is at least 8 m long and 7 m wide to allow fire engines and other vehicles to avoid collision.

6.6 Two-storey buildings or higher that have flat roof or pitched roof whose slope is less than 25% and are 10 m or more in height which is calculated from ground level to the roof overhang or upper edge of exterior wall (wall surrounding the roof) must have roof access from stairwells or through attics or through type 3 stairwells or exterior fire escape stairs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Fire escape stairs are not required on the front side of the building if the building's width does not exceed 150 m and water pipes for firefighting are installed in front of the building.

6.7 Attics of the building, except F1.4 building, must have roof access via fixed staircases and doors, hatches, or windows no smaller than 0,6 m x 0,8 m.

Roof access or attic access from stairwells must be positioned along stringers, led from landings, through type 2 fire-resistance-rated doors which are not smaller than 0,75 m x 1,5 m. The aforementioned stringers and landings can be made of steel and must have minimum pitch (slope) of 2:1 (63,5o) and minimum width of 0,7 m.

Attic access or roof access in F1, F2, F3, and F4 buildings with up to 15 m of fire height can be led from stairwells to type 2 fire-resistance-rated hatches with dimensions of 0,6 m x 0,8 m and to fixed steel ladder.

6.8 Clear height of walkways must not be less than 1,8 m in mechanical floors, including mechanical floors in the basements and attics, or not be less than 1,6 m in attics throughout the building. The width of these walkways must not be less than 1,2 m. The clear height and width can be reduced to 1,2 m and 0,9 m respectively in separate segments of up to 2 m in length.

6.9 Buildings with attic mezzanines require hatches on enclosing structures of corners of the attics.

6.10 Areas where roof height changes by more than 1,0 (including those supporting light-transmitting openings - vents) must be accompanied by fire escape stairs.

Areas where roof height changes by more than 10 m are not required to be accompanied by fire escape stairs if a dedicated roof access satisfactory to 6.6 is built for every roof area larger than 100 m2 or if height of lower section of the roof according to 6.6 is not more than 10 m.

6.11 If roof access is provide by means of outside fire escape stairs according to requirements under 6.6, P1 fire escape stairs are required to reach a height up to 20 m and areas where roof height changes from 1,0 m to 20 m; P2 fire escape stairs are required to reach a height above 20 m and areas where roof height changes more than 20 m.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6.12 A minimum clearance of 100 mm must be provided between stringers and guardrails thereof.

6.13 Each fire compartment of building with fire height exceeding 28 m (or exceeding 50 m in case of F1.3 building) or building where distance from the floor of the lowest basement to the exit discharge is greater than 9 m requires at least one fire service elevator.

NOTE: Other technical requirements such as electric cables, control, signal transmission, communication systems, fire protection equipment, and similar systems must conform to specific national technical regulations applicable to fire service elevators

The positioning and installation of fire service elevators must meet the following basic requirements:

- Elevators primarily used for cargo transport must not be used as fire service elevators;

- In normal condition, fire service elevators can be used for human transportation. Fire service elevators can be built in a separate elevator lobby or in the same elevator lobby as other passenger elevators and controlled by an automatic group control system;

- Fire service elevator quantity must be calculated to ensure a maximum travel distance of 60 m from any point on a storey to the nearest fire service elevator;

- If only one fire service elevator is installed, that elevator must be able to reach all storeys adjacent to the burning storeys;

- If multiple fire service elevators are situated in the same shaft, these elevators can serve different sections of the building as long as area of service of each elevator must be depicted thereon;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Every refuge floor must be served by at least one fire service elevator;

- In normal mode, fire service elevator must not open at these refuge floors while hoistway doors on the refuge floors must remain locked at all time and shall only be unlocked automatically when fire service mode is engaged.

In case of fire, all fire service elevators must allow firemen to:

- Be the only person controlling and operating the fire service elevator to reach the fire while carrying their equipment in an easy, familiar, safe, and rapid manner;

- Be protected from fire and smoke hazards by appropriate solutions, especially when they exit the elevators;

- Have a clear and safe means to access the elevators and access storeys served by the elevators;

- Access potentially burning storeys of the building when at least 2 fire service elevators are installed without having to traverse more than 2 storeys;

- Be protected in separate elevator shafts (instead of sharing elevator shafts with other elevators), each of which shall only facilitate no more than 3 fire service elevators. Enclosing structures of elevator shafts must have minimum fire-resistance rating of REI 120.

Lobby of fire service elevator shall be a vestibule and:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Shall not be smaller than 6 m2 if it is combined with lobby of smokeproof stairwell;

- Shall be enclosed by type 1 fire-resistance-rated partitions;

- Shall be fitted with DN 65 FDCs for fire brigade;

- Shall allow fire brigade to access every room on every storey of the building;

- Shall have minimum load of 630 kg if the elevator is built in F1.3 apartment building or 1 000 kg if the elevator is built in manufacturing facility or other public structure;

- Shall have minimum speed of H/60 (m/s) where H refers to the lifting height (m);

- Have enclosing structures of elevator cabs made from non-combustible materials or mildly flammable materials.

6.14 Guardrails or handrails compliant with applicable standards are required on roof of buildings where roof pitch is 12 % or less and height from ground level to roof overhang or upper edge of the exterior wall exceeds 10 m and on roof of buildings where roof pitch exceeds 12 % and height from ground level to roof overhang exceeds 7 m. These guardrails and handrails are also required on flat roofs, balconies, loggias, open corridors, outdoor open staircases, stair stringers and landings regardless of fire height of the building.

6.15 Water supply system for firefighting of building must allow access and use by fire brigade and firefighting equipment at all time.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6.17 Fire command center

6.17.1 Houses and public structures with more than 10 storeys; buildings with 2 to 3 basements; public assembly structures (theaters, cinemas, discotheques, karaoke venues that require at least 2 exit accesses according to A.4, and buildings with similar occupancies where occupant load of each storey according to Schedule G.9 (Appendix G) exceeds 50 people); garages (parking spaces for motor vehicles, motorcycles, bicycles), manufacturing facilities, storage facilities with total floor area exceeding 18 000 m2 require fire command centers which must be stationed by standby trained employees on a regular basis.

6.17.2 Fire command center must:

- Be large enough to accommodate equipment required by the building’s fire protection requirements and not smaller than 6 m2;

- Have 2 entryways: one of which leads to an outdoor open space and the other leads to the main corridors for evacuation;

- Be physically separated from other sections of the building by type 1 fire-resistance-rated fire protection assemblies;

- Be fitted with communication devices and act as contact point of fire alarm system to keep contact with other sections of the building;

- Be fitted with panels to monitor and control fire extinguishing equipment, smoke control equipment, and contain layout of the building which specifies location of firefighting equipment.

6.18 All basements in a building with 2 to 3 basements must be equipped with two-way emergency communication system to facilitate communication between fire command centers and:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- All rooms equipped with control units of smoke control system;

- Fire service elevators;

- Emergency holding areas;

- Ventilation system control rooms.

7 ORGANIZING IMPLEMENTATION

7.1 Transition clauses

7.1.1 Construction design dossiers that have been revised or approved for fire prevention and firefighting by competent authorities before the effective date hereof shall remain effective and shall be complied with.

7.1.2 Construction design dossiers that have been revised or approved for fire prevention and firefighting by competent authorities from the effective date hereof must comply with this Regulation.

7.2 Ministry of Construction is responsible for popularizing and guiding the application of this Regulation to relevant entities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7.4 Local competent authorities in fire prevention and firefighting and construction are responsible for cooperating in promulgating regulations pertaining to technical specifications in order to design and build fire lane and fire engine parking space depending on characteristics of local firefighting equipment.

7.5 Difficulties that arise during the implementation of this Regulation should be reported to the Science - Technology and Environment Department - Ministry of Construction.

 

APPENDIX A

 (regulations)

ADDITIONAL REGULATIONS APPLICABLE TO SPECIFIC BUILDING TYPES

A.1 Manufacturing facility and storage facility

A.1.1 Scope

A.1.1.1 F5.1 and F5.2 manufacturing facilities for producing products and goods with up to 1 basement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A.1.1.3 Not applicable to the following buildings and rooms:

a) Storage facilities and storage rooms for storing (keeping) dried mineral fertilizer, plant protection chemicals, radioactive substances, non-flammable gases contained in bottles at pressure greater than 70 kPa, cement, cotton, wheat flour, cattle feed, fur, fur-based products, and agricultural products;

b) Buildings or rooms used as cold storage and cereal storage;

c) Manufacturing facilities with at least 2 basements.

A.1.1.4 Not applicable to manufacturing facilities that employ foreign standards pertaining to fire prevention and firefighting in design according to Vietnamese laws as long as competent fire and rescue police departments approve.

A.1.2 General provisions

A.1.2.1 Total building area shall equal the sum of area of all storeys (above-ground storeys, including mechanical floors, semi-basements, and basements) which is measured within the inside of surrounding walls (or the center of surrounding pillars in regard to areas that lack surrounding walls); tunnels; floors of supporting platforms, floors of mezzanines; floors of other supporting platforms in the buildings; loading platforms (docks); corridors in the buildings and corridors connecting other buildings. Total building area shall not include: area of mechanical floors whose height from the floor to the lowest point of upper protruding structure is less than 1,8 m (where walkways for maintaining service ducts are not required); area above the dropped ceiling; floor areas of multi-level supporting platforms used for maintaining rails below bridge crane, maintaining crane, conveyor belts, monorails, and lighting appliances.

A room whose clear height extends to 2 storeys in a multistorey building shall be included in total building area of a storey.

For the purpose of determining the total number of storeys of the building, the floor of each supporting platform and mezzanine that is located at any elevation and larger than 40% of a storey’s area shall count as one storey.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Building area shall be determined by outside circumference of buildings at height of the wall skirt, including any projection, underpass, and building section that lacks enclosing structures.

A.1.2.2 Building volume shall be the sum of volume of the above-ground sections calculated from the reference plane and the below-ground sections from the finish floor of the lowest basement to the reference plane.

Volume of above-ground sections and below-ground sections of the building shall be calculated by exterior dimensions of enclosing structures, including light-transmitting openings and vents of each section of the building.

A.1.2.3 Height of rooms calculated from the floor to the lowest point of ceiling or roof projection must not be lower than 2,2 m. Height of regularly attended walkways and means of egress calculated from the floor to the lowest point of service duct and equipment projection must not be lower than 2,0 m; such height of non-regularly attended walkways must not be lower than 1,8 m. Clear height of passages for fire engine entrance must not be lower than 4,5 m.

A.1.2.4 In regard to mechanical floors, if the involved technology requires walkways for maintenance of technical equipment, service ducts, and auxiliary technology equipment located therein, the height of these walkways must be selected in a manner that satisfies A.1.2.3.

A.1.2.5 Exits from basements must be located outside of operation range of lifting and carrying equipment.

A.1.2.6 Width of vestibules and fire protection vestibules outside of elevator doors must be at least 0,5 m wider than elevator door width (0,25 m to each door leaf), and depth of these vestibules must not be less than 1,2 and must be at least 0,2 m wider than elevator door width.

If these structures are used by wheelchair-bound persons, these vestibules must be at least 1,8 m deep and at least 1,4 m wide.

A.1.2.7 Rooms with fire and explosion risk classes A and B are required to be fitted with detachable exterior sheets.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Steel, aluminum;

- Soft roof tiles, metal roof tiles;

- Rock and materials that retain heat effectively.

Area of detachable exterior sheets must be determined via calculation. If figures for calculation are insufficient, area of detachable exterior sheets must not be less than 0,05 m2 per 1 m3 of volume of class A rooms and not be less than 0,03 m2 per 1 m3 of volume of class B rooms.

NOTE 1: If glass of 3 mm, 4 mm, or 5 mm thick is used as detachable exterior sheets, the minimum area must be 0,8 m2, 1,0 m2, and 1,5 m2 respectively. Tempered glass, double pane, triple pane, stalinite glass, and polycarbonate are not allowed for use as detachable exterior sheets.

NOTE 2: Roll-type coverings of detachable exterior sheets of the roof must be grouped into sections not larger than 180 m2.

NOTE 3: Calculated load of detachable exterior sheets on the roof must not exceed 0,7 kPa.

A.1.3 Premise - spatial arrangement

A.1.3.1 In regard to building where height from ground plane to upper edge or ledge of walls supporting the roof exceeds or equals 10 m, every 40 000 m2 of roof surface requires 1 roof access, roof surface that does not add up to 40 000 m2 also requires 1 roof access. Roof access shall be outdoor open steel stairs in case of single-storey building or stairwells in case of multistorey building.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A.1.3.2 The positioning of rooms with different fire and explosion risk classes in the same building and separation thereof must comply with fire-resistance rating requirements of enclosing structures of those rooms, means of egress, exit accesses, smoke ventilation equipment, vestibules, fire protection vestibules, stairwells, ladders, and roof accesses mentioned under relevant sections of this Regulation and specialized regulations and standards.

Rooms with storage and administrative occupancies are allowed in manufacturing facilities; storeys with manufacturing or administrative occupancies are allowed in storage facilities if fire separation distance under Appendix E and relevant regulations of this Regulation are fulfilled.

In regard to S0 single-storey transit storage (bonded warehouses) with fire resistance category I or II, if exit corridors are enclosed by type 1 fire-resistance-rated partitions and maintained at positive pressure in case of fire, the length of these corridors shall be excluded from the length of means of egress.

A.1.3.3 If storage is located in manufacturing facilities, the maximum area and height (number of storeys) of storage in a fire compartment must not exceed values under Appendix H.

If area of supporting platform floor, multilevel supporting platform floor, and mezzanine floor exceeds 40% of floor area, floor area shall be determined in the same manner as multistorey building.

A.1.3.4 If technology lines with different fire and explosion risk classes are located in the same room or building, measures must be taken to prevent the spread of fire and explosion between these technology lines. Effectiveness of these measures must be assessed in technology section of the project. If selected measures are ineffective, technology lines with different fire and explosion risk classes must be positioned in separate rooms and be physically separated in accordance with Appendix E.

A.1.3.5 Basements containing C1, C2, C3 rooms must be separated into fire subcompartments no larger than 3 000 m2 each by type 1 fire-resistance-rated partitions. These fire subcompartments must be fitted with smoke protection in accordance with Appendix D. The upper floor of these basements must be at least type 3 fire-resistance-rated floors. These storeys must be physically separated from corridors by type 1 fire-resistance-rated partitions.

Corridors must have minimum width of 2 m and lead directly outside or through a smokeproof stairwells.

A.1.3.6 All parts of loading platforms (docks) and enclosing structures thereof that are adjacent to S0, S1 buildings with fire resistance categories I, II, III, and IV must be made of non-combustible materials.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A.1.3.8 Selection of structures and materials of finish and coatings of storage facilities and storage rooms must take into account related factors in order to minimize dust.

Floor surface in areas where combustible gas, dust, liquid, and other substances at an appropriate concentration which combust or explode upon contact with sparks caused by collision with the floor or static charge can form must be protected from static build up and sparks caused by collision.

Storage of goods where temperature exceeds 60 oC must utilize heat-resistant floor.

A.1.3.9 Storage rooms in manufacturing facilities must be isolated from rooms of other occupancies according to below regulations.

Manufacturing rooms, mechanical rooms, and storage rooms (F5 fire risk category by function) with fire and explosion risk classes C1 to C3 which are positioned in houses and public buildings, unless otherwise specified, must be physically separated from other rooms and corridors by:

- Type 1 fire-resistance-rated partitions and at least type 2 fire-resistance-rated floors in case of buildings with fire resistance category I; or

- Type 1 fire-resistance-rated partitions and at least type 3 fire-resistance-rated floors in case of buildings with fire resistance categories I, II, III, IV.

Storage rooms, manufacturing rooms, laboratories, and rooms with similar occupancies with fire and explosion risk classes of C1, C2, and C3 or higher are not allowed in other buildings with expected occupant load of 50 people.

Manufacturing rooms, mechanical rooms, and storage rooms with fire and explosion risk class of C4 located in houses or public buildings must be physically separated from other rooms and corridors by at least type 2 fire-resistance-rated corridors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NOTE: High racks mean racks that are taller than 5,5 m

A.1.3.10 Storage of goods with fire and explosion risk class of C on high racks must be located in S0 single-storey buildings with fire resistance categories I through IV.

Racks must have horizontal platforms that are solid, made of non-combustible materials, and no more than 4 m away from one another vertically.

A.1.3.11 If a storage room with the same fire and explosion risk class is physically separated by partitions due to technology or hygiene requirements, requirements applicable to the partitions must be specified in the technology presentation of the project.

A.1.3.12 Window openings of storage facilities must be additionally fitted with awning windows whose area is determined in a manner that guarantees smoke ventilation in case of fire.

Windows are not required in storage rooms if smoke ventilation system compliant with Appendix D has been installed.

A.2 F1.2, F4.2, F4.3 buildings (with fire height from exceeding 50 m to 150 m) and multipurpose buildings

A.2.1 These buildings must have minimum fire resistance category of I.

A.2.2 These buildings must be physically separated into fire compartments longitudinally where height of each fire compartment must not exceed 50 m. Fire compartments must be physically separated by fire-resistance-rated walls and fire-resistance-rated floors or mechanical floors. Mechanical floors shall be physically separated by fire-resistance-rated floors with minimum fire-resistance rating of REI 90. Fire-resistance ratings of these fire-resistance-rated walls and fire-resistance-rated floors shall conform to A.2.24.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A.2.3 The maximum allowable area of an above-ground storey contained in a fire compartment is:

- Not larger than 3 000 m2 - for base blocks;

- Not larger than 1 500 m2 - for F1.2 buildings (hotels, dorms);

- Not larger than 2 000 m2 - for F1.3 buildings;

- Not larger than 2 500 m2 - for remaining cases.

Walls and partitions between blocks must have fire-resistance ratings not lower than values under A.2.24.

A.2.4 Rooms with assembly occupancy and number of fixed seats ranging from exceeding 300 to 600 must not be located at fire height above 15 m; number of fixed seats ranging from exceeding 150 - 300 must not be located at fire height above 40 m; number of fixed seats ranging from 100 to 150 must not be located at fire height above 50 m. Public rooms located at fire height above 50 m must have no more than 100 fixed seats.

A.2.5 If F3.2 and F3.6 food and drink vendors and public rooms are located at fire height above 50 m and have occupant load exceeding 50 people according to Schedule G.9 (Appendix G), travel distance from exit accesses of all rooms in the building to the nearest smokeproof stairwell must not exceed 20 m.

NOTE: In regard to storeys located at fire height above 50 m without corridors enclosed by fire protection assemblies according to A.2.24, travel distance to the entrance of smokeproof stairwells must be calculated from the furthest point of rooms.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A.2.6 Rooms with assembly occupancy where occupant load may exceed 500 people must be physically separated from other rooms by fire-resistance-rated walls and floors whose fire-resistance ratings comply with A.2.24. Travel distance from exit accesses of these rooms to the nearest smokeproof stairwells must not exceed 20 m.

A.2.7 Rooms regularly attended by persons with disabilities must not be located at any storey above the second storey. Rooms regularly attended by wheelchair-bound persons must not be located at any storey above the first storey.

If persons with disabilities attend upper storeys, additional measures must be taken to ensure that they can safely move towards exit accesses or emergency holding areas in case of fire. The additional measures must be explained via calculations on the basis of applicable standard documents.

A.2.8 Storage rooms of newspaper, written materials, and combustible materials that are larger than 50 m2 must not be located at fire height above 50 m or below or adjacent to rooms with occupant load exceeding 50 people according to Schedule G.9 (Appendix G).

A.2.9 Rooms with fire and explosion risk classes of A and B are not allowed in the building.

A.2.10 Transformers of substations positioned in or adjacent to the building must be dry-type transformer or oil-type transformers filled with insulating oil, located on the first storey, semi-basement, the first basement, or any mechanical floor. Electrical substations must be physically separated by fire protection assemblies with fire-resistance rating compliant with A.2.24.

Diesel generators are allowed as independent power source and backup power source. In this case, rooms that contain diesel generators can be located in the first basement or higher of building or detached building when the following requirements are met:

- Fire-resistance ratings of load bearing walls and floors of these rooms must not be lower than REI 180;

- Travel between rooms that contain diesel generators and other rooms must cross type 1 fire protection vestibules which are maintained at positive pressure in case of fire;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Analysis instruments must be installed in order to detect fuel leak and emit signals to rooms of fire stations; emergency venting must also be installed in form of mechanical ventilation;

- Automatic fire extinguishing equipment must be installed in rooms where diesel generators are located;

- Volume of oil containers in frame structures of each diesel generator must not exceed 1 m3;

- Capacity of diesel generator and the supply, storage of fuel must guarantee operation of fire protection systems and must be determined depending on necessary activation time of the generators in case of fire.

Generators running on gas are allowed in detached building as long as fire safety requirements under relevant standard documents are fulfilled.

A.2.11 Elevator lobbies must be physically separated from adjacent corridors and rooms by fire-resistance-rated partitions with fire-resistance rating compliant with A.2.24.

Materials of elevator cabs must be similar to those of fire service elevators.

A.2.12 Fire service elevators are required in separate elevator shafts with independent elevator lobbies. Exit discharges from these elevators must not go through common lobbies.

The number of fire service elevators in each fire compartment must be calculated to ensure that travel distance from these elevators to any point of storeys that they serve must not exceed 45 m.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Tile and finish materials of enclosing structural elements of cabs shall conform to A.2.25.

A.2.13 Fire-resistance rating of elevator shafts and elevator machine rooms shall conform to A.2.24.

A.2.14 Corridors must be separated into compartments by type 1 fire-resistance-rated partitions. Fire-resistance-rated doors installed on these fire-resistance-rated partitions must be fitted with door closers and have their clearance (other than bottom clearance) sealed. The length of each corridor compartment must:

- Not exceed 30 m in case of residential blocks.

- Not exceed 60 m in case of non-residential blocks.

A.2.15 All smokeproof stairwells of building must have discharges on the first storey and roof accesses through type 1 fire-resistance-rated doors.

A.2.16 Means of egress must be designed for 1,25 times the occupant load (other than rooms where performance shows take place and other rooms with regulated number of seats).

A.2.17 If sections of a building or storey are simultaneously occupied by different types of occupants or serve multiple occupancies at the same time, evacuation requirements of the entire building or storey must be calculated on the basis of whichever occupancy has the strictest evacuation requirements or evacuation requirements must be determined for each building section individually.

A.2.18 If a building, a storey, or a section thereof serves multiple occupancies at different time of day, the occupancy that involves the highest occupant load must serve as the basis for determining evacuation requirements.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A.2.20 Refuge floors and emergency holding areas compliant with A.3.2 are required in buildings with fire height above 100 m.

A.2.21 Fire lanes and fire engine parking spaces compliant with 6.2 are required.

A.2.22 Maintenance rooms for on-site firefighting equipment must be equipped in accordance with applicable laws and located on the storey below each fire compartment. Storage room of first-aid firefighting equipment on the first storey must be adjacent to room where fire protection system control center is located. Storage rooms of first-aid firefighting equipment in fire compartments on upper storeys must be at most 30 m away from smokeproof stairwells or fire service elevators.

A.2.23 Prevention of flame spread on the building exterior must conform to 4.32 and 4.33.

A.2.24 Fire resistance requirements of buildings structures and components

A.2.24.1 Fire-resistance rating of structural elements must not be lower than values under Schedule A.1.

Schedule A.1 - Minimum fire-resistance rating of structural elements

Name of structural elements (building components)

Minimum fire-resistance rating of building with fire height of, m

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



> 100 and ≤ 150

(1)

(2)

(3)

1. Load bearing pillars, load bearing walls, bracing structures, truss, parts of floor between storeys and roofs of buildings where attics are absent (girders, beams, floorboards) 1)

R 150

R 180

2. Non-load bearing exterior walls

E 60

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Floors between storeys (including attics and storeys above the basements)

REI 120

REI 120

4. Parts of the roof

 

 

4.1 Tiles

RE 30

RE 30

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



R 30

R 30

5. Parts of the roof serving evacuation and rescue

 

 

5.1 Tiles

RE 120

RE 120

5.2 Girders, beams, purlins, frames, bracing

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



R 180

6. Staircase structures

 

 

6.1 Inner walls

REI 150

REI 180

6.2 Stringers and landings

R 60

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. Fire-resistance-rated walls and fire-resistance-rated floors

REI 150

REI 180

8. Shaft structures

 

 

8.1 Elevator shafts, service duct shafts, technical ducts and trays that do not penetrate fire compartments

REI 120

REI 120

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



REI 150 1)

REI 180 1)

9. Non-load bearing inner walls (partitions)

 

 

9.1 Inner walls between dwelling units of hotels, offices, and similar rooms

El 60

El 60

9.2 Walls separating rooms from atriums; corridors from dwelling units of hotels and offices

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



El (EIW) 60

9.3 Separating walls for emergency generators and diesel power stations

REI 180

REI 180

9.4 Walls separating mercantile rooms larger than 2 000 m2 and separating assembly rooms with occupant load exceeding 500 people

El 180

El 180

9.5 Walls separating flats from one another

El 90

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9.6 Walls separating flats from corridors and from other rooms

El 30

El 60

9.7 Walls separating elevator lobbies

El (EIW) 60

El (EIW) 60

9.8 Walls separating elevator lobbies from vestibules of fire service elevators

El (EIW) 60

El (EIW) 90

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



El (EIW) 60

El (EIW) 60

9.10 Walls separating rooms of life service venues larger than 300 m2

El 60

El 60

9.11 Walls separating rooms storing newspaper, printed materials, and similar

El 90

El 120

9.12 Walls separating rooms of electrical substations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



El 60

1) Parts of the building such as load bearing walls, load bearing pillars, truss structures, solid partitions, parts of the floor (girders or floorboards) are classified as load bearing parts of the building if they contribute to general stability and integrity of the building in case of fire. Load bearing parts that do not contribute to general stability of the building must be specified in technical documents of the building by design departments.

NOTE 1: R rating of loading bearing structural elements that are cushion of fire-resistance-rated floors must not be lower than R rating of the fire-resistance-rated floors.

NOTE 2: Requirements pertaining to fire-resistance ratings of non-load bearing exterior walls are allowed in accordance with Note 5 and Note 6 under Schedule 4.

A.2.24.2 Doors, hatches, and protective openings on structural elements that are required to have some fire resistance capacity in accordance with Schedule A.1 must have minimum fire-resistance rating of EI 30 (EIW 30) if the structural elements have fire-resistance rating of EI 60 (EIW 60) and minimum fire-resistance of EI 60 (EIW 60) in all other cases.

A.2.24.3 Doors of elevator lobbies and doors of elevator machine rooms must be airtight doors.

A.2.24.4 Service ducts where water supply and drainage pipelines made from non-combustible materials are located can be fitted with type 2 fire-resistance-rated doors and dampers (EI 30).

A.2.25 Material use based on fire risk categories

A.2.25.1 Roof tiling and covering materials must be non-combustible materials. If waterproof coating of the roof is made from combustible materials, the waterproof coating must be covered by non-combustible materials with minimum thickness of 50 mm.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A.2.25.3 Wall, ceiling finishes, dropped ceiling decorations, and floor tiles in rooms must conform to Schedule B.9 (Appendix B).

A.2.25.4 In large rooms with more than 50 seats for the audience, parts of soft chairs, curtains and blinds must not be made from ignitable materials (BC3). Seats in these rooms must not be made from materials with toxic potency higher than DT2 regardless of the number of seats.

Fabric products for interior decorations must not be made from ignitable materials (BC3).

A.2.26 Installation of fire alarms, firefighting equipment, and rescue equipment.

A.2.26.1 Buildings must be equipped with automatic addressable fire alarm; automatic fire alarm in flats, offices, corridors, elevator lobbies, waiting lounges, common lobbies, regularly attended mechanical rooms, and similar rooms, except for rooms that are always wet in normal conditions.

A.2.26.2 Buildings must be equipped with loud speaker and evacuation guidance systems.

A.2.27 Water supply for firefighting

A.2.27.1 Water supply system for indoor firefighting (pipelines and equipment) must be designed separately with pump stations located separately from rooms with other occupancies.

A.2.27.2 Fire flow of each fire compartment must be sufficient for 4 streams where fire flow of each stream must not be lower than 2,5 L/s.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A.2.27.4 2 couplings with appropriate diameter are required to connect water supply system for indoor firefighting and automatic fire extinguishing system with portable outdoor firefighting equipment.

Shutoff valves and check valves are required on the building side to adjust amount of water supplied into the system. Outlets located outside of the building must be positioned in locations that are accessible for fire engines and must be marked by understandable and clear markings.

A.2.27.5 The positioning of sprinklers of automatic water fire extinguishing system in rooms, corridors, means of egress, and other parts must be able to protect windows (on the outside or inside of the room), doorways of flats, offices, and other rooms whose doors open into corridors.

A.2.27.6 Minimum flow intensity of automatic extinguishing systems shall be 0,08 L/(s∙m2).

A.2.27.7 In case of sprinkler extinguishing system, minimum fire flow must be 10 L/s.

A.2.27.8 Vestibules of smokeproof stairwells must be fitted with D 65 FDCs for use by fire brigade (of the dry pipe system). These pipelines must be fitted with inlets on the first storey in order to allow high-pressure pump of fire engines to connect.

A.2.28 Electrical system

A.2.28.1 Technical equipment below must remain powered for at least 3 hours after a fire breaks out and by 2 independent sources:

- Fire service elevators;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Automatic fire alarm and evacuation guidance systems;

- Equipment affiliated to automatic fire extinguishing and water supply systems;

- Fire protection equipment serving technical equipment system;

- Equipment serving rescue - evacuation.

A.2.28.2 Electric cables from electrical substation and independent power sources to input distribution device in each fire compartment must be placed in separate channels (trays) with fire resistance capacity complaint with A.2.24 or must be fire resistant cables.

A.2.28.3 Input distribution device of each fire compartment must be fitted with breakers and protected by fire protection measures.

A.2.28.4 Distribution cabinets of storeys and electrical panels of flats require breakers. These cabinets must be able to prevent fire from spreading beyond the cabinets.

A.2.28.5 The filling of annular spaces in areas where cables and wires penetrate structural elements which require fire resistance must have minimum fire-resistance rating equal to fire-resistance rating of the structural elements that are penetrated by cables and wires.

A.2.28.6

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A.2.28.8 Electric cables and wires from input cabinets to fire protection systems (electrical equipment of fire extinguishing system, fire alarms, smoke extraction, emergency lighting, and similar equipment) must be made from fire-resistant cables (mineral-insulated electrical wires and electrical cables or other electrical wires and cables with minimum fire-resistance rating of 120 minutes).

A.2.29 Ventilation and smoke protection system

A.2.29.1 Rooms with different occupancies in the same fire compartment must be served by separate heating, ventilation, air conditioning system.

A.2.29.2 Rooms where ventilation equipment is located must be placed in fire compartments that they serve. Ventilation equipment of systems that serve different rooms are allowed to be placed in the same room, except for the following cases:

- Equipment of air supply system that uses recirculated air and serves rooms with fire and explosion risk classes C1 through C3 must not be placed in the same space as equipment of system that serves rooms with other explosion risk classes;

- Equipment of air supply system that serves dwelling units must not be placed in the same space as equipment of air supply system that serves rooms dedicated to life services and equipment of air exhaust system;

- Equipment of air exhaust system (expels air with odors outside, from smoking rooms, bathrooms, and similar rooms) must not be placed in the same space as equipment of air supply system;

- Equipment of localized exhaust system for explosive compounds must not be placed in the same space as equipment of other systems.

A.2.29.3 Ventilation systems that serve different fire compartments must not use the same inlets. Horizontal distance between air inlets located on adjacent fire compartments must not be lower than 3 m.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A.2.29.5 Air pipes and collector pipes of every system in fire compartments that they serve shall comply with the following regulations:

- Be made from non-combustible materials and minimum fire-resistance rating of EI 15 as long as air pipes must be placed in a common shaft whose enclosing structures have minimum fire-resistance rating of REI 120 and fire dampers must be fitted in areas where the pipes penetrate the enclosing structure;

- Be made from non-combustible materials and fitted with fire dampers in all areas where the pipes penetrate walls, partitions, and floors which are required to be fire resistant;

- Air pipe segments situated outside of fire compartments that they serve, starting from fire protection assemblies on the exterior of the fire compartments, must have minimum fire-resistance rating of EI 180.

A.2.29.6 If air pipes and collector pipes of all systems serving different fire compartments are placed in the same channel or shaft, enclosing structures of the channel or shaft must have minimum fire-resistance rating of REI 180 while the pipes must:

- Have minimum fire-resistance rating of EI 60 if the pipes are located in fire compartments that they serve and be fitted with fire dampers where they penetrate enclosing structures of the channel and shaft;

- Have minimum fire-resistance rating of EI 60 if the pipes are located outside of fire compartments that they serve and be fitted with fire dampers where they penetrate fire-resistance-rated floors on the edge of fire compartments (the floor has fire-resistance rating of REI 180).

A.2.29.7 Air pipes required to be fire resistant must be made from non-combustible materials, have minimum thickness of 0,8 mm, and be fitted with apparatus for compensating for linear thermal expansion. The fitting of joints of air pipes must be done by non-combustible materials.

A.2.29.8 Fire dampers must be fitted with remote control and automatic control schemes. Intumescent fire dampers are not allowed. Fire-resistance rating of fire dampers must:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Not be lower than EI 60 - if respective fire protection assemblies have fire-resistance rating of REI 60.

A.2.29.9 Smoke extraction system must fulfill the following requirements:

- Fire-resistance rating of ventilation fans must allow the fans to operate under calculated temperature of the airflow;

- Air ducts and channels must be made from non-combustible materials with minimum fire-resistance rating of:

EI 180 - for air ducts and channels located outside of fire compartments that they serve;

EI 120 - for vertical air ducts and channels located in fire compartments that they serve;

- Smoke dampers must be fitted with remote and automatic control schemes and have minimum fire-resistance rating of:

EI 60 - for parking spaces of motor vehicles and isolated corridors of enclosed parking garages;

EI 45 - for rooms with minimum occupant load of 50 people, according to Schedule G.9 (Appendix G) and for atriums;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A.2.29.10 Exhaust fans for expelling combustion products must be positioned in separate rooms and enclosed by type 1 fire-resistance-rated partitions.

A.2.29.11 Shafts enclosing pipelines of air supply system for smoke control must have minimum fire-resistance rating equal to fire-resistance rating of floors that they penetrate. The required fire-resistance rating of air pipes of air supply system must not be lower than:

EI 60 - for storey-based air ducts of system that supplies air in fire protection vestibules and isolated corridors of enclosed parking garages;

EI 30 - for air ducts of system that supplies air in stairwells and elevator shafts, and fire protection vestibules above the ground.

A.2.29.12 Fire dampers of air supply system for smoke control must have minimum fire-resistance rating equal to the required fire-resistance rating of air ducts of this system.

A.2.29.13 The control of equipment and operation of smoke protection system must be done automatically (even fire detection system) and remotely (from control tables of standby employees and buttons located along means of egress of storeys or fire hose cabinets). In all fire drill scenarios, regular ventilating and air conditioning systems (that are not fitted with smoke control mode) must be shut down while smoke extraction and air supply for smoke control systems must be engaged.

A.2.29.14 Information pertaining to location and conditions of equipment and operation of smoke protection system must be monitored and distinguished at control stations.

A.2.29.15 Mechanisms and working equipment of smoke protection system must have operation reliability represented by minimum safety factor of 0,999.

A.2.30 Rubbish collection system

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A.2.30.2 Rubbish intake doors must be placed in separate rooms which are physically separated from other spaces by fire-resistance-rated partitions with minimum fire-resistance rating of EI 120. Fire-resistance-rated doors fitted on these partitions must have minimum fire-resistance rating of EI 60, be equipped with door closers, and have their clearance sealed.

A.3 F1.3 apartment buildings with fire height ranging from exceeding 75 m to 150 m

A.3.1 Buildings with fire height ranging from 75 m to 100 m

A.3.11. Minimum fire resistance category shall be I, fire resistance requirements of building structures and components shall conform to A.2.24, except for cases under A.3.1.10 and A.3.1.14.

A.3.1.2 Buildings must be divided into fire compartments longitudinally where height of the bottommost fire compartment must not exceed 75 m and height of subsequent fire compartments must not exceed 50 m. Fire compartments must be physically separated by fire-resistance-rated floors with minimum fire-resistance-rating of REI 150 or by mechanical floors whose horizontal load bearing structures (floors and ceilings) must have minimum fire-resistance rating of REI 90.

A.3.1.3 The maximum allowable area of a storey in a fire compartment shall be determined in accordance with A.2.3.

A.3.1.4 Joints between fire-resistance-rated floors, fire protection assemblies and enclosing structures of buildings must be protected in order to prevent fire from spreading through fire protection assemblies. Prevention of flame spread on building exterior must conform to 4.32 and 4.33.

A.3.1.5 Each fire compartment along the building height must be protected by independent fire protection systems (water supply for firefighting, smoke ventilation, emergency lighting, fire alarm, automatic fire extinguishing). Fire compartments can share fire pump stations, water supply pump stations, smoke exhaust fans, and fire alarm control units.

A.3.1.6 Awnings made from non-combustible materials with minimum width of 1,0 m must be fitted above entrances to garages on the first storey in a manner that the distance from these awnings to the lower edge of upper windows must not be lower than 4,0 m.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A.3.1.8 Clear width of stringers and landings of N1 and N3 stairwells in residential section of buildings must not be lower than 1,20 m; clear width of stringers and landings of N2 stairwells must not be lower than 1,05 m while clear width between stringers must not be lower than 100 mm.

A.3.1.9 All smokeproof stairwells must have stringers leading to the roof via type 2 fire-resistance-rated doors.

A.3.1.10 Sections serving other occupancies of the buildings (including mechanical rooms, auxiliary rooms serving residential sections) must be physically separated from residential section by solid fire-resistance-rated walls with fire-resistance rating REI 150 and type 1 fire-resistance-rated floors and fitted with separate exit accesses.

A.3.1.11 Thermal insulation layer (if any) of exterior wall must be made from non-combustible materials. Thermal insulation layer made from Ch1 or Ch2 materials is allowed if it is protected from all sides by concrete or plaster with minimum thickness of 50 mm. The thickness of this concrete (plaster) layer on exterior walls where windows and doors are located must not be lower than 30 mm.

A.3.1.12 Fire-resistance-rated doors must be fitted on a case-by-case basis as follows:

a) Other than cases under Points b) and c) below, minimum fire-resistance rating of doors must be EI 30 (EIW 30) if these doors are fitted in structural elements with fire-resistance rating of EI 60 (EIW 60); minimum fire-resistance rating of doors must be EI 60 (EIW 60) in remaining cases.

b) Type 2 fire-resistance rated doors are required when: the doors leading from vestibules to smokeproof stairwells, elevators, and rubbish intake rooms.

c) Hoistway doors leading into elevator lobbies must be smoketight doors.

A.3.1.13 Finishes of ceilings, walls, and floors on means of egress, elevator lobbies, common lobbies, and mechanical floors must be made from non-combustible materials.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A.3.1.15 Primary pipelines along vertical axis of technical ducts (water drainage, rainwater, hot and cold water supply) must be made of non-combustible materials or placed in technical channels or trays which are made of non-combustible materials. Requirements of rubbish collection system shall conform to A.2.30.

A.3.1.16 Smoke protection of buildings, fire alarms, and automatic fire extinguishing system shall conform to additional regulations below:

a) All non-residential rooms (garages, auxiliary rooms, mechanical rooms, public spaces, rubbish containers, and rooms with similar occupancies) and rubbish chutes must be equipped with sprinklers (other than electrical rooms, electronic rooms that require gaseous fire suppression system or equipment;

b) Sprinklers connected to water supply pipelines via flow switches must be fitted above doors to flats;

c) Automatic fire alarm system must indicate address of each flat. Flats, corridors, and elevator lobbies must be fitted with smoke detectors. Each flat must be fitted with public address system which notifies and provides evacuation guidance for all occupants in case of emergency;

d) Automatic fire alarm, firefighting equipment and apparatus must be fitted in electrical and communication channels, shafts, and other technical ducts prone to fire risks;

e) Electrical sources of fire protection systems such as: elevators carrying fire brigade and firefighting equipment; smoke protection system; automatic fire alarm, fire extinguishing system must be provided by separate electrical boxes or panels which are painted in different colors, travel in different paths towards distribution equipment of each fire compartment.

A.3.1.17 Fire protection requirements for electrical cables and wires of power sources which power fire prevention and firefighting system shall conform to A.2.28.

A.3.2 Buildings with fire height ranging from 100 m to 150 m

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Each refuge floor must not be more than 20 storeys away from one another. The first refuge floors must not be positioned higher than the 21st storey. Areas of a refuge floor where fire emergency holding areas are located must be physically separated from other areas by fire protection assemblies whose fire-resistance rating must not be lower than REI 150. Areas other than fire emergency holding areas can serve public occupancies. Flats must not be located on refuge floors in part or in whole;

NOTE: A part or the entire mechanical floor can serve as fire emergency holding areas if requirements under Points b), c), d), e), f).

b) Fire emergency holding areas must have the required space per person of 0,3 m2/person and must have sufficient space for the largest number of occupants evacuating from all storeys between the storey where fire emergency holding areas are located and storey where the next fire emergency holding areas are located and the remaining upper storeys in case of the topmost refuge floors. Fire emergency holding areas must not serve mercantile occupancy; fire emergency holding areas can serve as playgrounds for children or sports grounds;

NOTE: The largest number of occupants evacuating from difference spaces of the buildings or building sections shall be determined in accordance with G.3, Appendix G. With respect to buildings and buildings section other than F1.3 buildings or F1.3 building sections, A.2.16 shall additionally apply.

c) Fire emergency holding areas must receive natural ventilation via fixed wall openings located on 2 exterior walls (vent openings) which must meet the following requirements:

- Total area of vent openings must be equal to or greater than 25% of area of fire emergency holding areas;

- The minimum height of vent openings (from the bottom edge to the upper edge) must be 1,2 m;

- Vent openings of fire emergency holding areas must be at least 1,5 m horizontally and 3,0 m vertically away from other unprotected wall openings which are orthogonally adjacent to these vent openings. If vent openings serving fire emergency holding areas are not smaller than 50% of the area of fire emergency holding areas, the vertical distance can be lowered to 1,5 m;

d) All equipment and tools located in fire emergency holding areas must be made of non-combustible materials;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



f) Fire emergency holding areas must be equipped with fire protection equipment such as: standpipe outlets, automatic sprinkler extinguishing system, emergency lighting, phones for communicating with the outside, public address system that provides evacuation guidelines, and similar equipment;

g) Signs that read “GIAN LÁNH NẠN/FIRE EMERGENCY HOLDING AREA” must be positioned on stair side and building side of exit access stairwells at a height of 1 500 mm from finish surface of landings or floors. Letter height must not be lower than 50 mm;

NOTE: In additional to Vietnamese and English, additional languages are allowed depending on the types of occupants.

h) Area of fire emergency holding areas can be excluded from land use factor and total floor area.

A.4 Karaoke and discotheque service venues (F2.1)

A.4.1 Fire resistance category of karaoke and discotheque service venues must conform to this regulation and must not be lower than category IV.

A.4.2 Storeys of karaoke and discotheque service venues must have at least 2 exit accesses.

Each storey can have one exit access when all requirements below are met:

- In regard to buildings with fire height not exceeding 15 m, area of the storey in question must not exceed 300 m2. In regard to buildings with fire height from exceeding 15 m to 21 m, area of the storey in question must not exceed 200 m2.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Occupant load of each storey does not exceed 20 people;

- At least one additional fire exit from storeys to open balconies or to control areas on open roof or to type 3 staircases is required.

NOTE: Open balcony or open rooftop means the balcony or rooftop is not enclosed and enclosing structures (if any) must facilitate evacuation and rescue for the fire brigade.

A.4.3 Exit accesses from each storey of karaoke and discotheque service venues must lead into stairwells via type 2 fire-resistance-rated doors. Means of egress on each storey must be protected by fire protection assemblies with fire-resistance ratings as follows:

a) In case of buildings with fire resistance category I - non-combustible materials with minimum fire-resistance rating of EI 30;

b) In case of buildings with fire resistance category of II, III, or IV - non-combustible or mildly flammable (Ch1) materials with minimum fire-resistance rating of EI 15.

A.4.4 Additional eye-level exit signs are required along means of egress in accordance with TCVN 13456.

A.4.5 Floor finishes, decorations (including dropped ceiling tiles if any), tiles, and coverings in karaoke and discotheque service venues must have minimum fire risk level CV1.

A.4.6 Fire command centers (if any) must conform to 6.17.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A.4.8 Fire alarm sirens and lights must be positioned in corridors, common lobbies, and rooms of karaoke and discotheque service venues. Electrical system of audio and visual systems must have fail-safe connection and be automatically shut down in case of activation of automatic fire alarm system and in case of manual shut down (button for manual shut down is located in fire command centers or in receptionist and appropriate signs are erected) in case of fire.

A.4.9 Karaoke and discotheque service venues must have open rooftop and elevated entry in accordance with 6.3.1 through 6.3.4 to allow fire brigade to make entry.

A.4.10 Advertising panels of karaoke and discotheque service venues must conform to QCVN 17:2018/BXD.

NOTE: The inspection, rectification, and assurance of fire safety in accordance with this Regulation in karaoke and discotheque service venues which are operated before the effective date hereof shall be carried out in accordance with specific instructions of competent authority.

 

APPENDIX B

 (regulations)

CLASSIFICATION OF CONSTRUCTION MATERIALS BASED ON FIRE-RELATED TECHNICAL CLASSIFICATIONS AND FIRE SAFETY REQUIREMENTS OF MATERIALS

B.1 Classification of construction materials based on fire-related technical characteristics

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Construction materials shall be classified into: combustible materials and non-combustible materials according to combustibility test results below:

Non-combustible materials are those that are accompanied by the following elements throughout the test:

- Temperature increase of the oven does not exceed 50 oC;

- Mass of the sample does not reduce by more than 50 %;

- Duration of sustained flaming does not exceed 10 s.

Combustible materials are those that are not accompanied by any of the elements above.

NOTE: Test parameters shall be determined in accordance with TCVN 12695 (ISO 1182) or similar standards.

EXAMPLE: Materials classified as non-combustible materials are inorganic materials such as concrete, baked clays, ceramic, metal, masonry units, plaster, and similar materials.

B.1.2 Combustibility classes of materials

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Combustibility class

Parameters

Air temperature in exhaust pipe, T, oC

Reduction to sample length, L, %

Reduction to sample mass, m, %

Duration of sustained flaming, s

Ch1 - mildly flammable

≤ 135

≤ 65

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0

Ch2 - moderately flammable

≤ 235

≤ 85

≤ 50

≤ 30

Ch3 - flammable

≤ 450

> 85

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



≤ 300

Ch4 - highly flammable

> 450

> 85

> 50

> 300

NOTE 1: Test parameters shall be determined in accordance with applicable national standards or equivalent standards pertaining to combustibility test for construction materials.

NOTE 2: If tests are organized in accordance with TCVN 12695 (ISO 1182), materials that meet the following requirements are also classified as Ch1:

- Temperature increase of the oven does not exceed 50 oC;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Duration of sustained flaming does not exceed 20 s.

B.1.3 Ignitability classes of materials

Schedule B.2 - Ignitability classes of materials

Ignitability classes

Maximum surface heat flux, kW/m2

BC1 - barely ignitable

≥ 35

BC2 - moderately ignitable

≥ 20 and < 35

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



< 20

NOTE: Maximum surface heat flux shall be determined in accordance with ISO 5657 or equivalent standards.

B.1.4 Flame spread classes of materials

Schedule B.3 - Flame spread classes of materials

Flame spread classes

Maximum surface heat flux, kW/m2

LT1 - no spread

≥ 11

LT2 - limited spread

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



LT3 - moderate spread

≥ 5 and < 8

LT4 - rapid spread

< 5

NOTE: Test parameters shall be determined in accordance with ISO 5658-2, ISO 9239 or equivalent standards

B.1.5 Smoke production classes of materials

Schedule B.4 - Smoke production classes of materials

Smoke production classes

Smoke production rate, m2/kg

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



≤ 50

SK2 - moderate smoke production

> 50 and ≤ 500

SK3 - high smoke production

> 500

NOTE: Smoke production rate of materials shall be determined in accordance with ISO 5660-2 or equivalent standards.

B.1.6 Toxic potency classes of materials

Schedule B.5 - Toxic potency classes of materials

Toxic potency classes

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5

15

30

60

DT1 - low toxic potency

> 210

> 150

> 120

> 90

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



> 70 and ≤ 210

> 50 and ≤ 150

> 40 and ≤ 120

> 30 and ≤ 90

DT3 - high toxic potency

> 25 and ≤ 70

> 17 and ≤ 50

> 13 and ≤ 40

> 10 and ≤ 30

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



≤ 25

≤ 17

≤ 13

≤ 10

NOTE: Test parameters and calculation of HCL50 shall comply with ISO 13344 or equivalent standards.

B.1.7 Fire risk levels

Schedule B.6 - Fire risk levels of materials

Fire-related technical characteristics

Fire risk levels of materials

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



CV1

CV2

CV3

CV4

CV5

1. Combustibility

Non-combustible

Ch1

Ch1

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Ch3

Ch4

2. Ignitability

-

BC1

BC2

BC2

BC2

BC3

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

SK2

SK2

SK3

SK3

SK3

4. Toxic potency of combustion products

-

DT2

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



DT2

DT3

DT4

5. Flame spread

-

LT1

LT1

LT2

LT2

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NOTE: List of fire risk classification of construction materials for the purpose of determining fire risk classes from CV0 to CV5 of construction materials is specified under Schedule B.7.

Schedule B.7 - List of required fire risk classification depending on use of construction materials

Construction materials

Required fire risk classification depending on use of construction materials

Combustibility classification

Flame spread classification

Ignitability classification

Smoke production classification

Toxic potency classification

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



+

-

+

+

+

2. Floorings, including carpets

-

+

+

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



+

3. Roof tiles

+

+

+

-

-

4. Anti-absorbent and air sealing materials thicker than 0,2 mm

+

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



+

-

-

5. Thermal insulation materials

+

-

+

+

+

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NOTE 1: A “+” symbol means this classification is required

NOTE 2: A “-” symbol means this classification is not required

NOTE 3: If anti-absorbent materials are used as roof tiles, section 3 shall prevail.

B.2 Fire safety requirements for materials

Schedule B.8 - Range of application of finishes, decorations, tiles, and floorings on means of egress

Fire risk category by function of buildings, constructions, and fire compartments

Number of storeys and height of building

Fire risk levels of materials

used on walls and ceilings (including dropped ceilings if any)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Entrance halls, stairwells, elevator lobbies

Common corridors, waiting halls

Entrance halls, stairwells, elevator lobbies

Common corridors, waiting halls

F1.2; F1.3; F2.3; F2.4; F3.1; F3.2; F3.6; F4.2; F4.3; F4.4; F5.1; F5.2, F5.3

≤ 9 storeys or ≤ 28 m

CV2

CV3

CV3

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



> 9 storeys and ≤ 17 storeys; or > 28 m and ≤ 50 m

CV1

CV2

CV2

CV3

17 storeys or ≤ 50 m

CV0

CV1

CV1

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



F1.1; F2.1; F2.2; F3.3; F3.4; F3.5; F4.1

Regardless of number of storeys or height

CV0

CV1

CV1

CV2

Schedule B.9 - Range of application of finishes, decorations, tiles, and floorings in common rooms, other than sports grounds and floors of dancing rooms

Fire risk category by function of buildings

Room occupant load, people

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



used on walls and ceilings (including dropped ceilings if any)

used as floorings

F1.2;

F2.3; F2.4;

F31; F3.2; F3.6;

F4.2; F4.3; F4.4;

F5.1

> 800

CV0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



> 300 and ≤ 800

CV1

CV2

> 50 and ≤ 300

CV2

CV3

≤ 50

CV3

CV4

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



F2.1; F2.2;

F3.3; F3.4; F3.5;

F4.1

> 300

CV0

CV2

> 15 and ≤ 300

CV1

CV2

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



CV3

CV4

 

APPENDIX C

 (regulations)

FIRE AND EXPLOSION RISK CLASSES OF BUILDINGS, CONSTRUCTIONS, AND ROOMS WITH MANUFACTURING AND STORAGE OCCUPANCIES

C.1 Fire and explosion risk classes of rooms

Schedule C.1 - Fire and explosion risk classes of room

Fire and explosion risk class of room

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A

High fire and explosion risk

- Combustible gas, ignitable liquid whose flashpoint is 28 oC or lower, in sufficient amount to create explosive gas - vapour mixture, which upon combustion will create a gauge pressure of more than 5 kPa in the room.

- Substances and materials that explode or combust upon contact with water, oxygen or one another, in sufficient amount to create an explosion whose gauge pressure in the room exceeds 5 kPa.

B

Fire and explosion risk

Combustible dust or fabric materials, ignitable liquid, with flashpoint exceeding 28 oC, combustible liquid, in sufficient amount to create explosive gas - dust or gas - vapour, which when ignited will create a gauge pressure of exceeding 5 kPa in the room.

C1 through C4

Fire risk

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- These rooms are then further classified into classes C1 through C4 depending on fire loads of substances contained therein:

C1 - Fire load exceeds 2 200 MJ/m2;

C2 - Fire load ranges from 1 401 MJ/m2 to 2 200 MJ/m2;

C3 - Fire load ranges from 181 MJ/m2 to 1 400 MJ/m2;

C4 - Fire load ranges from 1 MJ/m2 to 180 MJ/m2.

D

Moderate fire risk

Non-combustible substances and materials in hot, incandescent, or molten state where work process is accompanied by heat radiation, sparks, and flame; combustible solid, liquid, and gases used as fuel.

E

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Non-combustible substances and materials in a cold state.

C.2 Fire and explosion risk classes of buildings and constructions

C.2.1 Class A

C.2.1.1 Buildings and constructions shall be placed in class A if area of all class A rooms in these buildings and constructions exceed 5% of total area of rooms in the buildings or constructions and exceed 200 m2.

C.2.1.2 Buildings and constructions shall not be placed in class A if area of all class A rooms in these buildings and constructions does not exceed 25% of total area of rooms of the buildings and constructions (without exceeding 1 000 m2) and all class A rooms are equipped with automatic extinguishing system.

C.2.2 Class B

C.2.2.1 Buildings and constructions shall be placed in class B if requirements below are simultaneously met:

- The buildings and constructions are not placed in class A;

- Area of all class A and B rooms exceeds 5% of total area of rooms in the buildings and constructions or exceed 200 m2.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



C.2.3 Class C

C.2.3.1 Buildings and constructions shall be placed in class C if requirements below are simultaneously met:

The buildings and constructions are not placed in class A or class B;

Area of all class A, class B, class C1, class C2, and class C3 rooms exceeds 5 % (or 10 % if there are no class A and class B rooms in these buildings and constructions) of total area of rooms of the buildings and constructions.

C.2.3.2 Buildings and constructions shall not be placed in class C if area of all class A, class B, class C1, class C2, and class C3 rooms in these buildings and constructions does not exceed 25% of total area of rooms of the buildings and constructions (without exceeding 3 500 m2) and all of these rooms are equipped with automatic extinguishing system.

C.2.4 Class D

C.2.4.1 Buildings and constructions shall be placed in class D if requirements below are simultaneously met:

- The buildings and constructions are not placed under class A, class B, or class C;

- Area of all class A, class B, class C1, class C2, class C3, and class D rooms does exceeds 5% total area of rooms in the buildings and constructions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



C.2.5 Class E

Buildings and constructions shall be placed in class E if they are not placed in class A, class B, class C, or class D.

C.3 Methods for identifying classification criteria

C.3.1 Methods for identifying classification criteria for fire and explosion risk classes of buildings, constructions, and rooms are prescribed in standards.

C.3.2 Several buildings and rooms associated to factories, warehouses, and production units are classified as follows:

C.3.2.1 Class A

- Factories where potassium and sodium are produced and/or used;

- Factories where synthetic fibers and synthetic rubber are made;

- Factories where gasoline and oil are produced;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Factories where synthetic liquid fuel is produced, organic water-soluble liquid whose flashpoint is 28 oC or lower is retrieved and distilled;

- Storage of flammable gas container and gasoline;

Storage rooms of alkaline and lead-acid batteries of power plants;

Pump stations of liquid with flashpoint of 28 oC or lower.

C.3.2.2 Class B

- Factories where coal dust and sawdust are produced and transported, washing stations of barrels of mazut oil and other liquid whose flashpoint ranges from 28 oC to 61 oC;

- Stations for milling and grinding solid matters, factories where synthetic rubber is produced, factories where sugar is produced, mazut oil storage of power plants, pump stations of liquid whose flashpoint ranges from 28 oC to 61 oC.

C.3.2.3 Class C

- Wood cutting stations, stations where wooden handicrafts are produced;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Paper mills with dry pulping process;

- Factories for preparing cotton, fute, and other fabrics.

- Filtering and drying stations in seed milling factories and storage;

- Factories where oil and grease regeneration, asphalt distillation take place, storage of combustible materials and oil and grease;

- Electrical distribution equipment with circuit breaker and electrical equipment with more than 60 kg of grease and oil per equipment unit;

- Conveyor belts for transporting fossil coal, peat;

- Enclosed storage of coal, assorted commodities, pump stations of liquid with flashpoint above 61 oC.

C.3.2.4 Class D

- Metal casting and metallurgy factories, forging and welding factories;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Metal hot-rolling, hot-working factories;

- Building sections where internal combustion engines are located;

- High-voltage laboratories;

- Main buildings of power plants (furnace rooms, turbine rooms, and similar);

- Boiler stations.

C.3.2.5 Class E

- Metal cold-working factories (except for magnesium alloys);

- Ore yard;

- Caustic soda manufacturing factories (except for furnace sections);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Acid regeneration factories;

- Electric vehicle and electric locomotive repair stations;

- Factories for crushing, shaping, and cold-rolling asbestos minerals, salt, and other non-combustible ingredients;

- Factories associated with textile and papermaking industry with wet pulping process;

- Factories where food, fish, meat, dairy processing takes place;

- Electrical control stations;

- Water purification plants (sedimentation, filtration, bleaching, and constructions with similar occupancies);

- Water pump and suction stations of power plants;

- Components containing carbonic acid and chloride, cooling towers, pump stations of non-combustible liquid.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



APPENDIX D

 (regulations)

SMOKE PROTECTION

D.1 General requirements

D.1.1 Smoke protection for buildings and constructions serve to prevent and/or minimize the passage of smoke and combustion products (hereinafter collectively referred to as “smoke”) in the building in order to:

- Ensure safety for people evacuating and protect property in case of fire;

- Create all necessary conditions to allow fire brigade to rescue people, discover and zone fire in the building.

D.1.2 Smoke protection solutions for buildings and construction include:

- Compartmentalization and isolation of smoke into smoke compartments;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Smoke ventilation: including natural or mechanical smoke extraction and air supply system for smoke control;

- Creation of positive pressure in areas where protection from smoke is required.

The aforementioned solutions can be adopted one at a time or multiple at the same time as long as the base of smoke layer must not be lower than 2 m above the highest floor surface on which people can walk on in rooms or corridors protected by smoke protection solutions.

D.1.3 Equipment associated to smoke extraction system and air supply system for smoke control, regardless of operating mechanism (either natural or mechanical), must be activated automatically (by activation of automatic fire alarm or automatic extinguishing equipment) and remotely (from guard stations of the building, or fire command centers or buttons located along means of egress or in fire alarm control panels. These buttons must be positioned in a way that allows easy activation by humans).

Equipment associated with smoke protection system (including pipelines) must be installed in accordance with manufacturers’ regulations, inspected and maintained appropriately on a regular basis. Auxiliary attachments serving installation or hanging of equipment must be able to maintain operation of the equipment in accordance with manufacturers’ regulations throughout operation.

D.1.4 When smoke extraction system is activated in case of fire, general ventilating, air conditioning systems and ventilating, air conditioning systems serving technology requirements (if any) of the building (except for systems that ensure safety of technology) must be shut down; all normally open fire dampers must also be closed. All ventilating, air conditioning systems can be shut down on a local or full scale depending on specific design as long as smoke and flame cannot spread via general ventilating, air conditioning systems.

D.1.5 Smoke ventilation system must be independent for each fire compartment, except:

- Air supply systems that create positive pressure to protect stairwells and elevator shafts connecting different fire compartments;

- Smoke extraction systems protecting atriums and atrium corridors that are not physically separated into fire compartments.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Smoke protection system cannot be shared between rooms with different fire risk categories by functions.

D.1.7 Requirements under Appendix D can be changed on the basis of technical evaluation pertaining to smoke protection systems appropriate to applied standards.

D.1.8 In regard to rooms with special occupancies or specific technology requirements (such as cleanrooms, cold storage), smoke protection can comply with applied standard documents. In all cases, safety for occupants’ evacuation and fire brigade’s access must be guaranteed.

NOTE: The definition and classification of cleanrooms shall conform to ISO 14644 or equivalent standards.

D.2 Smoke extraction must be done from the following areas:

a) From corridors (other than single-loaded corridors) and lobbies of houses, public structures, administrative - auxiliary buildings (in industrial facilities) and multipurpose buildings with a fire height exceeding 28 m;

b) From corridors and pedestrian tunnels of basements, semi-basements of houses, public buildings, administrative - auxiliary buildings (in industrial facilities), manufacturing facilities, and multipurpose buildings if these corridors and pedestrian tunnels connect to regularly attended rooms;

c) From corridors with a length exceeding 15 m and without natural ventilation in case of fire in the following two-storey buildings or higher:

- Class A, class B, class C manufacturing facilities and warehouses;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Multipurpose buildings;

d) From common corridors (other than single-loaded corridors) and common lobbies of buildings with smokeproof stairwells;

e) From atriums and mercantile corridors in atriums (hereinafter collectively referred to as “atriums”);

f) From regularly attended rooms, rooms for manufacturing or storage occupancy, including storage of books, documents, printed materials, exhibits, restoration room of museums (regardless of whether the rooms are regularly attended or not in case of storage units utilizing racks), if these rooms are placed under class A, class B, class C1 through C3 in buildings with fire resistance category I through IV, or class C4, class D, class E in buildings with fire resistance category IV;

g) From the following rooms that connect to smokeproof stairwells or rooms that lack natural ventilation in case of fire:

- Rooms that are 50 m2 in area or larger, regularly or irregularly used for assembly occupancy (more than 1 person per 1 m2 of floor area, not including space occupied by equipment and furniture);

- Mercantile and display sections;

- Reading and book storage rooms of libraries, exhibits, museums that are 50 m2 in area or larger, regularly attended, or where combustible substances and materials are stored or used;

- Changing rooms, locker rooms that are 200 m2 in area or larger;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Smoke can be extracted to adjacent corridors from rooms that are up to 200 m2 in area with fire risk class C1, C2, or C3 or where combustible substances and materials are stored or used.

In regard to mercantile rooms and offices that are not larger than 800 m2, if travel distance from the furthest point of the rooms to the nearest exit accesses does not exceed 25 m, smoke can be extracted to adjacent areas that are corridors, lobbies, atriums and atrium corridors.

Dead-end corridors must not be physically separated by partitions with doors into segments shorter than 15 m in length.

NOTE 1: Areas that lack natural ventilation in case of fire are those that lack openings on exterior structures (exterior walls) or have openings without sufficient area to extract combustion products.

NOTE 2: In order to facilitate natural ventilation in case of fire in corridors, open windows or openings must be located on exterior walls in a manner that meets the following requirements:

- The upper edge of the openings must not be lower than 2,5 m from floor surface; the lower edge of the openings must not be higher than 1,5 m from floor surface;

- Total clear width of openings must not be lower than 1,6 m for every 30 m in length of the corridors;

- Openings must be opened by one hand with ease when the person is standing on the floor.

NOTE 3: In order to facilitate natural ventilation in case of fire for rooms, 6 windows or openings compliant with NOTE 2 are required with a minimum width of 0,24 m for every 1 m of exterior wall length. If exterior wall only adjoins the room on one side, the distance from this exterior wall to the inner wall must not exceed 20 m. If openings are located on 2 opposing exterior structures, the distance between these structures must not be greater than 40 m and in this case, length of exterior wall must not be greater than 1/3 of total length of inner separating walls.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Rooms that are up to 200 m2 in area, equipped with automatic foam or water extinguishing system (other rooms with fire risk class A or class B, rooms that connect to N2 and N3 smokeproof stairwells, and enclosed parking garages with traditional parking (drivers must park their own vehicles));

b) Rooms must be equipped with automatic foam or water or aerosol extinguishing system (other than enclosed parking garages with traditional parking);

c) Corridors and lobbies where all rooms that lead into these corridors and lobbies have been designed to extract smoke directly;

d) Sub-sections of rooms that are up to 50 m2 in area and situated in the main rooms which have been designed to extract smoke;

e) Corridors (other than corridors mentioned under a) and b) of D.2) that lack natural ventilation in case of fire if rooms that lead to these corridors via fire-resistance-rated and smoke-protected doors are not regularly attended;

f) Rooms with public occupancies located on the first storey in categories F1.2 and F1.3, physically separated from dwelling units and fitted with exit discharges if the maximum travel distance from the furthest point in these rooms to the exit discharges does not exceed 25 m and these rooms are not larger than 800 m2.

D.4 Smoke extraction rate must be determined via calculation for:

a) Every 60 m in length or less - from corridors under a), b), c), and d) of D.2;

b) Every smoke compartment not larger than 3 000 m2 - from rooms under e), f), g), and h) of D.2.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Smoke extraction systems can be shared between corridors of rooms under f) of D.3 and corridors of rooms on upper storeys if all these rooms are contained within a fire compartment.

D.6 Smoke inlets of smoke ducts for the purpose of extracting smoke from corridors must be positioned below the ceiling of corridors and not lower than head jamb (upper edge of doorways) of exit accesses. Smoke inlets are allowed on branching pipes leading to smoke ducts. A smoke inlet is required for:

- Up to 45 m in length of straight corridor;

- Up to 30 m in length of turning corridors;

- Up to 20 m in length of loop corridors.

Corridor length shall equal total length of adjacent corridor segments that resemble a rectangular or are close to a rectangular.

D.7 When extracting smoke from rooms larger than 3 000 m2, the rooms must be separated (either by enclosure (using smoke barriers) or presumption) into smoke compartments no larger than 3 000 m2 and the possibility of fire in any of the compartments must be taken into account. Each smoke inlet only serves an area up to 1 000 m2.

If rooms are physically separated into smoke compartments by smoke barriers (smoke partitions), it is permissible to activate only the smoke extraction system where the fire is located. If the separation of rooms into smoke compartments relies on presumption, respective calculation basis is required and all smoke extraction systems in all smoke compartments must be designed to activate simultaneously.

NOTE: Smoke partitions are remotely and automatically operated rollers or a fixed structure made from smoke protected materials with minimum combustibility of Ch1 on top of non-combustible surface (mesh, fabric, and other forms) and fastened to the ceiling or openings on the wall. In their deployed state, the lower edge of the partitions must not be higher than the base of the smoke layer; the partitions must be able to stop the passage of smoke and separate the rooms into smoke compartments.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NOTE 1: Mechanical smoke extraction system means a smoke extraction system where extraction force is created and sustained by fans.

NOTE 2: Natural smoke ventilation system means a smoke extraction system where smoke extracts via openings on exterior structures of the building in accordance with scientific laws.

Mechanical smoke extraction systems are required in multistorey buildings. Natural smoke ventilation systems are allowed on the topmost storey of multistorey buildings where smoke is extracted via smoke dampers, smoke outlets, open skylights, and open hatches which do not allow air intake.

In regard to single-storey buildings and the topmost storey of multistorey buildings, natural ventilation is allowed in case of fire instead of smoke extraction system if requirements below are met:

- Smoke extraction is calculated in accordance with applied standards where the least favorable conditions pertaining to smoke extraction must be taken into account (outdoor temperature, outdoor wind speed, location of the fire, location, how open the openings are, and other factors). For the purpose of calculation, the base of the smoke layer must not be less than 2 m above the highest traversable floor surface in the corridor or room in question.

- Windows and skylights included in smoke extraction calculation must remain open at all time or be able to open automatically in case of fire and must allow remote control by humans. Clear dimension of these windows and skylights in open conditions must fit calculation.

D.9 Smoke extraction system must meet the following requirements:

a) The positioning of ventilation fans (including auxiliary equipment thereof to connect with pipes) with appropriate fire-resistance rating (for example: 0,5 hours at 200 oC; 0,5 hours at 300 oC; 1 hour at 300 oC; 1 hour at 400 oC; 1 hour at 600 oC; 1,5 hour at 600 oC, etc.) must rely on calculated temperature of the involved airflow and class of protected rooms;

b) If ducts and pipes are subject to fire-resistance rating requirements, they must be made from non-combustible materials (including thermal insulation and fire-resistant coatings of pipes) and have class B airtightness (airtightness shall conform to EN 15727 or equivalent standards) with minimum fire-resistance rating of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- EI 60 - for pipes and smoke ducts situated within fire compartment that they protect and extracting smoke from enclosed parking garages;

- EI 45 - for vertical pipes and smoke ducts within fire compartment that they protect and extracting smoke in the area;

- EI 30 - for other cases within fire compartment that they serve.

NOTE 1: Fire-resistance rating is not required for pipes contained in trays or mechanical shafts which are enclosed by fire protection assemblies with equal fire-resistance rating as per the law

NOTE 2: Normally open fire dampers are those that will close in case of fire

c) Normally closed fire dampers must have minimum fire-resistance rating of:

EI 60 - for enclosed parking garages;

EI 45 - for smoke extraction from protected rooms;

EI 30 - for corridors and lobbies when dampers are fitted on branching pipes of smoke inlet shafts;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Smoke and combustion products must be extracted in the following manners:

- Through the roof: maintain at least 5 m of clearance from discharge locations to inlets of air supply system for smoke control. Height of smoke discharge pipes must be at least 2 m if the roof is made from non-combustible materials. This height can be lowered if roof section within a 2 m radius of smoke discharge location is protected by non-combustible materials or if smoke exhaust fans are installed;

- Through smoke flaps, taking into account outdoor wind speed;

- Through clear opening and discharge shafts located on the exterior wall where no doorways are installed or at least 5 m away from any doorway vertically and horizontally and more than 2 m away from ground surface. Clear distance to doorways can be reduced if smoke exhaust velocity is not lower than 20 m/s;

- Through stand-alone smoke exhaust shafts located on ground level and at least 15 m away from an exterior wall with windows (this minimum clearance can be ignored if windows on exterior wall are smoke-proof windows, windows that are always closed or automatically closed in case of fire), or from inlets of ventilation system of adjacent buildings or air supply system for smoke control of the building in question. This requirement can be substituted by other smoke exhaust solutions as per permissible standard documents.

Smoke extraction via smoke inlet pipes from basements and semi-basements is allowed through ventilated compartments. In this case, smoke outlets must be at least 6 m above the floor of ventilated compartments in the first basement (at least 3 m vertically and 1 m horizontally away from structure of a building) or, for wet-type extractors, at least 3 m above the floor. Smoke dampers are not allowed on these pipes.

Smoke exhaust fans must be positioned in separate rooms whose enclosing structures have minimum fire-resistance rating equal to the required fire-resistance rating of smoke ducts penetrating these enclosing structures, or positioned in rooms which they protect.

Smoke exhaust fans can be placed on the roof or on the building exterior and protected by enclosing structures to prevent unauthorized access. Smoke exhaust fans are allowed on exterior walls if requirements under d) section of D.9 are met.

D.10 In case of fire, air supply system for smoke control must supply outside air to the following areas:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Vestibules of fire service elevator shafts;

c) N2 smokeproof stairwells;

d) Fire protection vestibules on the storey on fire of N3 smokeproof stairwells;

e) Fire protection vestibules from exits of elevators to parking spaces of underground parking garages;

f) Fire protection vestibules in indoor staircases, leading from basements or semi-basements where combustible materials and substances are used or stored to rooms on the first storey or corridors that do not receive natural ventilation. Air supply for vestibules of factories where metallurgy, casting, rolling, and other heat treatments take place can be provided by ventilated compartments of the building;

g) Fire protection vestibules on entrances to atriums and mercantile sections, from elevation of basements and semi-basements;

h) Vestibules (if the regulation requires vestibules in N2 stairwells) of the storey with fire of N2 stairwells in apartment buildings with a fire height above 75 m; multipurpose buildings with a fire height above 28 m, and public structures with a fire height above 50 m;

i) Lower sections of rooms and corridors protected by smoke extraction systems in order to make up for the extracted smoke volume;

NOTE: Lower sections of rooms or corridors are sections that are situated below the smoke layer in case of fire and protected by smoke extraction system and air supply system for smoke control.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



k) Fire protection vestibules, vestibules separating motor vehicle holding spaces from enclosed ramps of underground parking garages;

l) Fire protection vestibules of entrances to entrance halls from N2 stairwells which are connected to upper storeys of the building;

m) Fire protection vestibules (elevator lobbies) from elevator exits to semi-basements and basements of the building;

n) Rooms located in control areas (if any) above the storey with fire.

Air supply for the purpose of maintaining positive pressure is allowed in common corridors of rooms from which smoke is extracted and in corridors connected to recreational areas, waiting lounges, other corridors, corridors, and atriums protected by smoke extraction system.

In fire protection vestibules (elevator lobbies) on exits from elevators to basements of the building, air supply from elevator shafts via normally closed fire dampers is prohibited if home landings of these elevators are on the first storey of the building and elevator shafts are protected by air supply system for smoke control where provided air does not extend lower than the home landings.

When situating control areas in elevator lobbies, air supply into these lobbies is prohibited if air is provided through normally closed fire dampers from adjacent elevator shafts.

D.11 Supply rate of air supply system for smoke control must be calculated so as to maintain gauge pressure between 20 Pa to 50 Pa in the following areas:

a) In elevator shafts - when all doors along elevator shafts are closed, other than doors on the home landings;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- On the storey with fire: When doors leading from corridors and lobbies to means of egress lead to stairwells are all open, or when doors leading directly from rooms to stairwells are all open;

- Discharge doors are open while other doors leading from corridors and lobbies on all other storeys are closed;

c) In fire protection vestibules on the storey with fire (when all doors are closed).

Rate of air supplied into fire protection vestibules leading to N2 or N3 stairwells, type 2 stairwells, atriums from basements and semi-basements, and before elevator lobbies of underground parking garages must be calculated so as to maintain a minimum wind velocity of 1,3 m/s passing through open doorway taking into account simultaneous operation of smoke extraction system.

Value of positive pressure shall be determined by comparing with pressure of adjacent rooms.

D.12 When calculating parameters of air supply system for smoke control, the following requirements must be complied with:

a) Gauge pressure is not lower than 20 Pa and not greater than 50 Pa in:

- N2 stairwells;

- Fire protection vestibules leading into N2 or N3 stairwells from all storeys;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Fire protection vestibules separating motor vehicle parking spaces from ramps of underground parking garages;

- Elevator lobbies in basements and semi-basements;

- Common corridors of rooms from which smoke is extracted directly;

- Rooms in control areas (if any);

- Elevator shafts.

b) If double doors are installed, use area of the larger leaf. This area must not be lower than the clear area necessary for evacuation. In other cases, calculate using total clear area of both leaves;

c) Elevator cabins on the home landings;

d) Gauge pressure applied on closed doors of exit accesses must not exceed 50 Pa when under simultaneous effect of smoke extraction system and air supply system for smoke extraction.

D.13 Air supply system for smoke control must meet the requirements below:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Rooms where no other fans are installed, have fire-resistance rating of enclosing structures not lower than the required fire-resistance rating of structures intersecting the pipelines;

- Within a fire compartment: Rooms where air supply system of general ventilation system is installed if design standard requirements are met or directly in stairwells, corridors, and fire protection vestibules;

- On the roof and building exterior, accompanied by enclosing structures to prevent unauthorized access.

b) All ducts and pipelines must be made from non-combustible materials (including thermal insulation and fire resistant coatings), have class B airtightness, and minimum fire-resistance rating:

- EI 120 - for air collector wells and air supply ducts outside of protected fire compartment;

- EI 120 - for ducts of air supply system protecting vestibules of fire service elevator shafts;

- EI 60 - for ducts supplying air into fire protection vestibules leading into N2 or N3 stairwells from all storeys, and into spaces of enclosed parking garages;

- EI 30 - for air collector wells and air supply ducts outside of protected fire compartment.

NOTE 1: Fire-resistance rating is not required for pipes contained in trays or mechanical shafts which are enclosed by fire protection assemblies with equal fire-resistance rating as per the law

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Normally closed fire dampers in ducts supplying air into fire protection vestibules with minimum fire-resistance rating of:

- EI 120 - for systems mentioned under b) of D.10;

- EI 60 - for systems under d), e), h), j), k), and l) of D.10;

- EI 30 - for systems under f), g), and i) of D.10, as well as m) of D.10 taking into account b) of D.10.

NOTE: Fire-resistance rating is not required for normally closed fire dampers in air supply pipelines in technical ducts or shafts enclosed by fire protection assemblies with matching fire-resistance rating as per the law.

e) Fire dampers are not required for systems that only serve one fire protection vestibule. Non-insulating butterfly valves are not allowed in normally closed fire dampers in ducts supplying air into fire protection vestibules;

f) Minimum clearance between smoke inlets of smoke extraction system and air outlet of air supply system for smoke control mentioned under i) of D.10 must not be lower than 1,5 vertically.

D.14 Requirements for premise - spatial arrangement and structural solutions

D.14.1 Enclosing structures of rooms where general ventilation equipment is located which is contained in fire compartment protected by the ventilation equipment must not be lower than EI 45.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Doors leading to rooms above must be type 2 fire-resistance-rated doors (other rooms where class E general ventilation equipment is located).

D.14.2 Enclosing structures of rooms where general ventilation equipment and smoke ventilation equipment are located which are outside of fire compartment protected by these equipment must have minimum fire-resistance rating of EI 150. Doors leading to rooms above must be type 1 fire-resistance-rated doors.

D.14.3 Elevator doors in buildings that are not protected by smoke extraction system are not allowed to be opened in advance on any storey.

D.14.4 Exits from elevators to underground parking garages must be accompanied by fire protection vestibules protected by air supply system for smoke control.

D.14.5 In order to make up for the smoke volume extracted by smoke extraction system, a natural or mechanical air supply system is required.

a) In regard to natural air supply system, air can be supplied via openings on exterior wall or air supply shafts fitted with automatically controlled and remotely controlled valves. Openings must be positioned on the lower section of protected rooms. In order to make up for air in atriums and corridors thereof, doorways of exit discharges are allowed as long as these doors must be automatically and remotely controlled. Total clear area of open doorways must be determined in accordance with D.4 and ensure a maximum air velocity coursing through the doorways of 6 m/s;

b) In regard to mechanical air supply system for smoke control, the system can be designed as a stand-alone system or as air supply system that supplies air into fire protection vestibules or elevator shafts (other than fire service elevator shafts and N2 stairwells).

 

APPENDIX E

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



FIRE SEPARATION DISTANCE

E.1 Fire separation distance between houses, buildings, and public structures, and from houses, buildings, and public structures to buildings, manufacturing facilities, and storage facilities

Minimum fire separation distance between houses, buildings, and public structures (including office buildings and service buildings) shall conform to Schedule E.1.

Minimum fire separation distance from houses, buildings, and public structures mentioned above to buildings, manufacturing facilities, and storage facilities shall conform to Schedule E.1.

If separation distance between buildings and structures must be enforced for the purpose of firefighting and rescue, separation distance between 2 constructions must meet respective requirements in addition to those under this Appendix pertaining to fire separation distance.

NOTE: Fire separation distance applicable to parking garages shall be similar to that applicable to warehouses; fire separation distance applicable to administrative - auxiliary buildings in industrial facilities shall be similar to that applicable to public structures

Schedule E.1 - Fire separation distance between houses, buildings, and public structures, and from houses, buildings, and public structures to buildings, manufacturing facilities, and storage facilities

Fire resistance category of the first building

Fire risk level of structures of the first building

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



I, II, III

S0

II, III

S1

IV

S0, S1

IV, V

S2, S3

1. Houses and public structures

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S0

6

8

8

10

II, III

S1

8

10

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



12

IV

S0, S1

8

10

10

12

IV, V

S2, S3

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



12

12

15

2. Manufacturing facilities and storage facilities

I, II, III

S0

10

12

12

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



II, III

S1

12

12

12

12

IV

S0, S1

12

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



12

15

IV, V

S2, S3

15

15

15

18

NOTE 1: Distance between buildings and constructions shall be the clearance between exterior walls or enclosing structures thereof. In case structures and structural elements of buildings and constructions are made from combustible materials and protrude by more than 1 m, separation distance shall be the clearance between these protruding structures and structural elements.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NOTE 3: Fire separation distance under this schedule of two-storey buildings with prefabricated frame-sheet structures and fire resistance category V and buildings tiled with combustible materials must be increased by 20%.

NOTE 4: Fire separation distance between any 2 houses, buildings, and public structures is not required if the taller than larger wall between these 2 houses, buildings, and public structures or both opposing walls of these houses, buildings, and public structures are type 1 fire-resistance-rated walls.

NOTE 5: Fire separation distance between houses and from houses to other civil structures is not required if total construction area (including land area that is not built on between them) does not exceed the largest permissible floor area in a fire compartment with the lowest fire resistance category and fire risk level of structures (see Appendix H)

NOTE 6: Fire separation distance between houses and public structures is not required if total construction area (including land area that is not built on between them) does not exceed the largest permissible floor area in a fire compartment (see Appendix H).

This note does not apply to buildings and constructions placed under fire risk categories F.1 and F4.1, retailers of combustible gas, combustible liquid, ignitable liquid, materials and substances that explode or combust upon contact with water or oxygen or one another.

NOTE 7: Fire separation distance under this schedule can be reduced by 50% for buildings and constructions that have fire resistance categories of I and II, fire risk level of structure of S0, and are all equipped with automatic fire extinguishing system.

E.2 Fire separation distance between manufacturing facilities and storage facilities

Fire separation distance between buildings in an industrial facility, depending on fire resistance categories and fire risk levels of structures and fire and explosion risk classes, must not be lower than values under Schedule E.2.

Schedule E.2 - Fire separation distance between buildings in an industrial facility

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Distance between buildings, m

Fire resistance category of I and II.

Fire resistance category of III and IV and fire risk level of S0

Fire resistance category of III and fire risk level of S1

Fire resistance category of III and fire risk level of S2, S3. Fire resistance category of IV and fire risk level of S1, S2, and S3. Fire resistance category of V

1. Fire resistance category of I and II. Fire resistance category of III and IV and fire risk level of S0

Class D and Class E buildings: not required

9

12

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Fire resistance category of III and fire risk level of S1

9

12

15

3. Fire resistance category of III and fire risk level of S2, S3. Fire resistance category of IV and fire risk level of S1, S2, and S3. Fire resistance category of V

12

15

18

NOTE 1: Minimum distance between buildings shall be the clearance between exterior walls or exterior structures thereof. If structures or structural elements of buildings and constructions are made from combustible materials and protrude by more than 1 m, fire separation distance shall be the clearance between these protruding structures and structural elements.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Total floor area of 2 buildings or more with fire resistance category of III and IV does not exceed the maximum permissible area of a storey in a fire compartment (Appendix H) with the highest fire risk class and the lowest fire resistance category and fire risk level.

b) Taller or larger walls of buildings or constructions facing another construction are type 1 fire-resistance-rated walls.

c) Walls facing buildings and constructions with fire resistance category III, regardless of fire risk level therein, are type 2 fire-resistance-rated and have openings protected by type 2 fire-resistance-rated doors or fire dampers.

Separation distance between buildings must meet requirements for firefighting and rescue.

NOTE 3: Separation distance in this Schedule applicable to buildings with fire resistance category of I, II, III and IV with fire risk level of S0 and class A, class B, class C can be reduced to 6 m from 9 m if these buildings are equipped with automatic fire extinguishing system.

E.3 Area of openings not protected by fire protection measures on exterior wall and corresponding fire-resistance rating of exterior wall sections where fire protection measures are required

E.3.1 Fire separation distance by boundaries specified under this part serves to determine area of exterior wall that is not protected by fire protection measures and fire-resistance rating of exterior walls.

E.3.2 Fire separation distance by boundaries shall be the width of the open space which is measured diagonally from exterior wall of the building to boundary of adjacent plot, or to median of connecting roads, or to a reference line between exterior walls of adjacent buildings in the same plot.

The reference line shall be identified as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- If both buildings are newly built, the reference line depends on exterior area not protected by fire protection measures and fire-resistance rating of exterior walls of both buildings.

- If exterior of the building is uneven, the safest calculations shall prevail.

NOTE: Sections of exterior walls that are not protected by fire protection measures are usually:

a) Doorways (doors, windows, and similar) that are not qualified as fire-resistance-rated doors in fire-resistance-rated walls;

b) Wall sections whose fire-resistance rating is lower than fire-resistance rating of corresponding fire-resistance-rated walls;

c) Wall section whose exterior employs materials with fire risk equal or higher than Ch1 and LT1.

E.3.3 The ratio of the total largest area of openings not protected by fire protection measures to total area of wall surface facing the boundaries shall be determined in accordance with E.4a and E.4b. Fire-resistance rating of wall sections protected by fire protection measures is prescribed under Schedule E.3.

NOTE: In all cases, requirements for flame spread prevention must be met.

Schedule E.3 - Fire-resistance rating of exterior wall depending on fire separation distance by boundaries

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Fire separation distance by boundary, m

Area of openings not protected by fire protection measures

≥ 0 and ≤ 1,5

> 1,5 and ≤ 3

> 3 and ≤ 9

> 9

1. F3.1, F3.2; F2.1 karaoke venues, discotheques; F5 buildings of class C

E 120

E 60

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0

See Schedule E.4a

2. F5 buildings of class A, class B

E 180

E 120

E 60

0

See Schedule E.4a

3. Others

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



E 60

0

0

See Schedule E.4b

Schedule E.4a - Ratio of the total largest area of openings not protected by fire protection measures to total area of wall surface facing the boundaries, % (applicable to buildings of sections 1, 2 Schedule E.3)

Fire separation distance by boundary, m

Total area of exterior wall, m2

9

14

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



23

28

37

47

56

65

74

84

93

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



186

233

326

465

930

≥ 1860

0,0

0

0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0

0

0

0

0

0

0

0

0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0

0

0

0

0

0

0,9

0

0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0

0

0

0

0

0

0

0

0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0

0

0

0

0

0

1,2

4

4

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4

4

4

4

4

4

4

4

4

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4

4

4

4

4

4

1,5

6

5

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5

5

4

4

4

4

4

4

4

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4

4

4

4

4

4

1,8

9

7

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6

6

5

5

5

5

4

4

4

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4

4

4

4

4

4

2,1

12

10

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8

7

6

6

5

5

5

5

5

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4

4

4

4

4

4

2,4

17

13

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9

9

7

7

6

6

6

5

5

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4

4

4

4

4

4

2,7

21

16

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



12

10

9

8

7

7

7

6

6

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5

5

4

4

4

4

3,0

27

20

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



14

12

11

9

8

8

7

7

7

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5

5

5

4

4

4

4,6

69

48

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



31

27

21

18

16

14

13

12

12

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8

7

6

6

5

4

6,1

100

91

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



57

48

38

31

27

24

22

20

18

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



12

10

9

7

6

5

7,6

100

100

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



91

77

59

48

41

36

32

29

27

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



16

14

11

9

7

5

9,0

100

100

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



100

100

86

59

56

52

46

42

38

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



22

18

15

12

8

6

> 9,0

100

100

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



100

100

100

100

100

100

100

100

100

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



100

100

100

100

100

100

 

Schedule E.4b - Ratio of the total largest area of openings not protected by fire protection measures to total area of wall surface facing the boundaries, % (applicable to buildings of section 3 Schedule E.3)

Fire separation distance by boundary, m

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9

14

19

23

28

37

47

56

65

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



84

93

140

186

233

326

465

930

≥ 1860

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0

0

0

0

0

0

0

0

0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0

0

0

0

0

0

0

0

0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0

0

0

0

0

0

0

0

0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0

0

0

0

0

0

0

0

0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9

8

8

8

8

7

7

7

7

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7

7

7

7

7

7

7

7

7

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



12

11

10

9

9

9

8

8

8

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8

8

7

7

7

7

7

7

7

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



18

15

13

12

11

10

10

9

9

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9

8

8

8

8

7

7

7

7

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



25

20

17

15

14

12

11

11

10

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10

9

9

8

8

8

8

7

7

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



33

2.5

21

19

17

15

14

13

12

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



11

11

10

9

9

8

8

7

7

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



43

32

27

23

21

18

16

15

14

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



12

12

11

10

9

9

8

8

7

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



55

40

33

28

25

21

19

17

16

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



14

13

12

11

10

9

9

8

7

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



100

100

100

100

100

100

100

100

100

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



100

100

100

100

100

100

100

100

100

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

APPENDIX F

 (regulations)

NOMINAL FIRE-RESISTANCE RATINGS OF SOME STRUCTURAL ELEMENTS

F.1 Wall structural elements

Schedule F.1 - Masonry wall or concrete wall

Structures and materials

Minimum thickness excluding the plaster, mm, to maintain fire-resistance rating

For load bearing structural elements

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



REI

REI

REI

REI

REI

REI

El

El

El

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



El

El

240

180

120

90

60

30

240

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



120

90

60

30

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

(13)

1. Reinforced concrete wall with concrete cover protecting the primary load bearing reinforcement of 25 mm:

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Not plastered (designed in accordance with selected and applied standards)

-

-

-

-

-

-

-

-

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

-

-

b) Plastered with sand and cement mix to 12,5 mm of thickness

180

-

100

100

75

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

-

-

-

-

-

2. Lightweight concrete wall with Group 23) aggregate:

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

-

-

-

-

-

150

150

150

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



150

150

3. Terracotta walls, concrete masonry walls:

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

 

 

a) Not plastered

200

200

100

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



100

100

170

170

100

100

75

75

b) Plastered with sand and cement mix to 13 mm of thickness

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



200

100

100

100

100

170

170

100

100

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



75

4. Concrete masonry wall with Group 1 1) aggregate:

 

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

 

a) Not plastered

150

-

100

100

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



100

150

-

75

75

75

50

b) Plastered with sand and cement mix to 12,5 mm of thickness

150

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



100

100

100

100

100

-

75

75

75

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Concrete masonry wall with Group 2 2) aggregate:

 

 

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

a) Not plastered

-

-

100

100

100

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



150

-

100

100

75

50

b) Plastered with sand and cement mix to 12,5 mm of thickness

-

-

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



100

100

100

150

-

100

100

75

50

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



180

140

100

100

100

100

100

-

62

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



50

50

7. Hollow concrete masonry wall with the void running along the thickness of the wall and Group 1 1) aggregate:

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

 

 

a) Not plastered

-

-

100

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



100

100

150

-

100

100

75

75

b) Plastered with sand and cement mix to 12,5 mm of thickness

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

100

100

100

100

150

-

100

75

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



75

8. Hollow concrete masonry wall with the void running along the thickness of the wall and Group 2 2) aggregate

 

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

 

a) Not plastered

-

-

-

-

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

150

-

150

125

125

125

b) Plastered with sand and cement mix to 12,5 mm of thickness

-

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

-

-

-

150

-

150

125

125

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. Hollow clay brick with less than 50% of void areas:

 

 

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

Plastered with sand and cement mix to 12,5 mm of thickness

-

-

-

-

-

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

-

-

-

100

75

10. Cavity wall, outer wall made from terracotta bricks or blocks, concrete with at least 100 mm of thickness and:

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



100

100

100

100

100

100

75

-

75

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



75

75

b) Inner wall made from bricks or concrete masonry with Group 1 1) aggregate, solid or hollow

100

100

100

100

100

100

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

75

75

75

75

11. Cavity wall with outer wall made from hollow clay bricks with less than 50% of void areas as stated under section 9 and inner wall made from aerated concrete blocks with mass per unit volume ranging from 480 kg/m3 to 1 200 kg/m3:

150

140

100

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



100

100

75

75

75

75

75

75

1) “Group 1 aggregate” means: cenospheres, pumice, blast furnace slag, pelletized fly ash, bricks, other grounded baked clay products (including ceramsite sand), clinkers, and crushed limestone.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NOTE 1: Rules for determining fire-resistance ratings shall conform to part 2.

NOTE 2: Fire-resistance ratings in the schedule only apply to statically determinate structures. Fire-resistance ratings of statically indeterminate structures shall be calculated in accordance with selected and applied standards.

NOTE 3: Parameters of cross-section of components must be taken into account simultaneously.

 

Schedule F.2 - Non-load bearing exterior wall

Structures and materials

Fire-resistance rating

1. Framing steel walls whose outer layers are made of non-combustible sheets and inner layers are:

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



El 240

b) 2 boards of 9,5 mm of thickness

El 30

c) Boards of 9,5 mm of thickness and plastered with gypsum to 12,5 mm of thickness

El 30

d) Boards of 12,5 mm of thickness and plastered with gypsum to 5 mm of thickness

El 30

2. Wood stud wall framing whose outer layers are sand and cement mix or cement - lime 1) of 10 mm of thickness and inner layers are:

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



El 60

b) Boards of 9,5 mm of thickness and plastered with gypsum to 12,5 mm of thickness

El 60

c) Boards of 12,5 mm of thickness and plastered with gypsum to 5 mm of thickness

El 60

d) Aerated concrete blocks with thickness of:

 

50 mm

El 180

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



El 240

75 mm

El 240

100 mm

El 240

3. Wood stud wall framing whose outer layers are brick or clay block or concrete masonry block of 100 mm of thickness and inner layers are plastered with gypsum to 16 mm of thickness on top of steel mesh

El 240

4. Wood stud wall framing whose outer layers are clapboards or plywood boards of 9,5 mm of thickness 1) and inner layers are:

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



El 30

b) Boards of 9,5 mm of thickness and plastered with gypsum to 12,5 mm of thickness

El 30

c) Boards of 12,5 mm of thickness and plastered with gypsum to 5 mm of thickness

El 30

d) Aerated concrete blocks with thickness of:

 

50 mm

El 180

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



El 240

75 mm

El 240

100 mm

El 240

1) The presence of membrane preventing the diffusion of combustible gas throughout the thickness of these structures must be considered useless for the purpose of determining fire resistance of these structures.

NOTE: Rules for determining fire-resistance ratings shall conform to part 2.

 

F.2 Reinforced concrete girders

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Properties

Minimum value, mm, in order to maintain fire-resistance rating

R 240

R 180

R 120

R 90

R 60

R 30

1. Silica-based aggregate concrete:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

 

 

 

a) Average concrete cover protecting the main load bearing reinforcement

651)

551)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



35

25

15

b) Cross-sectional width of girders

280

240

180

140

110

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Silica-based aggregate concrete plastered with cement or gypsum to 15 mm of thickness on top of steel mesh:

 

 

 

 

 

 

a) Average concrete cover protecting the main load bearing reinforcement

501)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



30

20

15

15

b) Cross-sectional width of girders

250

210

170

110

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



70

3. Silica-based aggregate concrete plastered with vermiculite/gypsum 2) to 15 mm of thickness:

 

 

 

 

 

 

a) Average concrete cover protecting the main load bearing reinforcement

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



15

15

15

15

15

b) Cross-sectional width of girders

170

145

125

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



60

60

4. Lightweight aggregate concrete:

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



50

45

35

30

20

15

b) Cross-sectional width of girders

250

200

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



130

100

80

1) Additional reinforcement is allowed if necessary.

2) Vermiculite/gypsum must have mixing ratio based on volume ranging from 1,5:1 to 2:1.

NOTE 1: Rules for determining fire-resistance ratings shall conform to part 2.

NOTE 2: Fire-resistance ratings in the schedule only apply to statically determinate structures. Fire-resistance ratings of statically indeterminate structures shall be calculated in accordance with selected and applied standards.

NOTE 3: Parameters of cross-section of components must be taken into account simultaneously.

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Schedule F.4 - Prestressed reinforced concrete girders

Properties

Minimum value, mm, in order to maintain fire-resistance rating

R 240

R 180

R 120

R 90

R 60

R 30

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

 

 

 

 

a) Average prestressing concrete cover

1001)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



651)

501)

40

25

b) Cross-sectional width of girders

280

240

180

140

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



80

2. Silica-based aggregate concrete plastered with gypsum to 15 mm of thickness on top of steel mesh:

 

 

 

 

 

 

a) Average prestressing concrete cover

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



75

50

40

30

15

b) Cross-sectional width of girders

250

210

170

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



85

70

3. Silica-based aggregate concrete plastered with vermiculite/gypsum2) to 15 mm of thickness:

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



751)

60

45

30

25

15

b) Cross-sectional width of girders

170

145

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



85

60

60

4. Silica-based aggregate concrete plastered with vermiculite/gypsum 2) to 25 mm of thickness:

 

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Average prestressing concrete cover

50

45

30

25

15

15

b) Cross-sectional width of girders

140

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



85

70

60

60

5. Lightweight aggregate concrete:

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

a) Average prestressing concrete cover

80

65

50

40

30

20

b) Cross-sectional width of girders

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



200

160

130

100

80

1) Additional reinforcement is allowed if necessary

2) Vermiculite/gypsum must have mixing ratio based on volume ranging from 1,5:1 to 2:1.

NOTE 1: Rules for determining fire-resistance ratings shall conform to part 2.

Fire-resistance ratings in the schedule only apply to statically determinate structures. Fire-resistance ratings of statically indeterminate structures shall be calculated in accordance with selected and applied standards.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

F.4 Reinforced concrete columns

Schedule F.5 - Reinforced concrete columns (all 4 sides are exposed to fire)

Properties

Minimum value, mm, in order to maintain fire-resistance rating

R 240

R 180

R 120

R 90

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



R 30

1. Silica-based aggregate concrete:

 

 

 

 

 

 

a) Without additional protective measures

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



400

300

250

200

150

b) Plastered with cement or gypsum to 15 mm of thickness on top of steel mesh

300

275

225

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



150

150

c) Plastered with vermiculite/gypsum1)

275

225

200

150

120

120

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

 

 

 

Additional reinforcement is allowed within concrete cover if necessary

300

275

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



200

190

150

3. Lightweight aggregate concrete

300

275

225

200

190

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1) Vermiculite/gypsum must have mixing ratio based on volume ranging from 1,5:1 to 2:1

NOTE 1: Rules for determining fire-resistance ratings shall conform to part 2.

NOTE 2: Fire-resistance ratings in the schedule only apply to statically determinate structures. Fire-resistance ratings of statically indeterminate structures shall be calculated in accordance with selected and applied standards.

NOTE 3: Parameters of cross-section of components must be taken into account simultaneously.

 

Schedule F.6 - Reinforced concrete columns (1 side is exposed to fire)

Properties

Minimum value, mm, in order to maintain fire-resistance rating

R 240

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



R 120

R 90

R 60

R 30

Silica-based aggregate concrete:

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

a) Without additional protective measures

180

150

100

100

75

75

b) The side exposed to fire is plastered with vermiculite/gypsum1) to 15 mm of thickness

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



100

75

75

65

65

1) Vermiculite/gypsum must have mixing ratio based on volume ranging from 1,5:1 to 2:1.

NOTE 1: Rules for determining fire-resistance ratings shall conform to part 2.

NOTE 2: Fire-resistance ratings in the schedule only apply to statically determinate structures. Fire-resistance ratings of statically indeterminate structures shall be calculated in accordance with selected and applied standards.

NOTE 3: Parameters of cross-section of components must be taken into account simultaneously

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



F.5 Steel structures

Schedule F.7 - Encased supporting steel columns (column segment above 1 m in length does not weight less than 45 kg)

Structures and encasement materials

Minimum thickness, mm, of encasement to maintain fire-resistance rating

R 240

R 180

R 120

R 90

R 60

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A. Solid encasement 1) (not plastered)

1. Concrete with natural aggregate and minimum mix ratio of 1:2:4 2):

 

 

 

 

 

 

a) Non-load bearing concrete, fitted with reinforcement steel3)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

25

25

25

25

b) Load bearing concrete, fitted with reinforcement steel (designed in accordance with selected and applied standards)

75

-

50

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



50

50

2. Solid clay bricks

100

75

50

50

50

50

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



75

60

50

50

50

50

B. Hollow encasement 4)

1. Solid clay bricks fitted with reinforcement steel at every horizontal network, not plastered

115

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



50

50

50

50

2. Solid blocks made from cenosphere concrete or pumice concrete, fitted with reinforcement steel3) at every horizontal network, not plastered

75

 

50

50

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



50

1) Solid encasement means the outer cover is fixed onto the steel pillar, leaving no gap between surfaces, and all joints and networks contained therein are closed and solid.

2) The ratio of 1:2:4 means mixing ratio of cement : sand : aggregate by volume. Heavyweight concrete with minimum grade of B20 as per TCVN 5574:2018 is considered to have qualified this requirement.

3) Steel reinforcement must be steel wires with minimum diameter of 2,3 mm or steel mesh with minimum area density of 0,48 kg/m2. The spacing between reinforcement bars contained by concrete cover must not exceed 150 mm regardless of direction.

4) Hollow encasement means there is a void between the encasement and the steel. All hollow encasement of columns must be filled effectively at every floor elevation.

 

Schedule F.8 - Encased steel girders (a girder segment above 1 m in length does not weight less than 30 kg)

Structures and encasement materials

Minimum thickness, mm, of encasement to maintain fire-resistance rating

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



R 180

R 120

R 90

R 60

R 30

A. Solid encasement 1) (not plastered)

1. Concrete with natural aggregate and minimum mix ratio of 1:2:4 2):

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

a) Non-load bearing concrete, fitted with reinforcement steel3)

75

50

25

25

25

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Load bearing concrete, fitted with reinforcement steel (designed in accordance with selected and applied standards)

75

75

50

50

50

50

B. Hollow encasement 4)

1. Steel mesh:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

 

 

a) Plastered with cement - lime to a thickness of

-

-

38

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



19

12,5

b) Plastered with gypsum to a thickness of

-

-

22

19

16

12,5

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2) The ratio of 1:2:4 means mixing ratio of cement : sand : aggregate by volume. Heavyweight concrete with minimum grade of B20 as per TCVN 5574:2018 is considered to have qualified this requirement.

3) Steel reinforcement must be steel wires with minimum diameter of 2,3 mm or steel mesh with minimum area density of 0,48 kg/m2. The spacing between reinforcement bars contained by concrete cover must not exceed 150 mm regardless of direction.

4) Hollow encasement means there is a void between the encasement and the steel. All hollow encasement of columns must be filled effectively at every floor elevation.

F.6 Floor structures

Schedule F.9 - Reinforced concrete floors (of silica-based or limestone-based aggregate)

Floor structures

Minimum value, mm, in order to maintain fire-resistance rating

REI

REI

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



REI

REI

REI

240

180

120

90

60

30

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

1. Solid floor:

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

a) Average concrete cover protecting the main load bearing reinforcement

25

25

20

20

15

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Overall depth 1) of the cross-section

150

150

125

125

100

100

2. Floor with void areas whose cross section is circular or cubic. Solid area must account for at least 50% of total cross-section area of the floor:

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

 

a) Average concrete cover protecting the main load bearing reinforcement

25

25

20

20

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



15

b) Thickness of concrete underneath the void

50

40

40

30

25

20

c) Overall depth 1) of the cross-section

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



175

160

140

110

100

3. Hollow floor with one or multiple cubic void areas whose width exceeds height along the length of the floor

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

a) Average concrete cover protecting the main load bearing reinforcement

25

25

20

20

15

15

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



50

40

40

30

25

20

c) Overall depth 1) of the cross-section

230

205

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



155

130

105

4. Ribbed floor whose void areas are filled with clay blocks or inverted T beams whose void areas are filled with concrete blocks or clay blocks. If solid section of the floor is less than 50% of total cross section area, the underside must be plastered to 15 mm of thickness:

 

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Average concrete cover protecting the main load bearing reinforcement

25

25

20

20

15

15

b) Width of cross section of rib or T beam, measured on the underside

125

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



90

80

70

50

c) Overall depth 1) of the cross-section

190

175

160

140

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



100

5. T section:

 

 

 

 

 

 

a) Average concrete cover measured on the underside

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



55 2)

45 2)

35

25

15

b) Concrete cover measured on the side

65

55

45

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



25

15

c) Width of cross-section of rib

150

140

115

90

75

60

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



150

150

125

125

100

90

6. Inverted U-channel flooring section whose radius of curvature at the junction with the floor rib is not greater than the height of the cross section:

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

a) Average concrete cover measured on the underside

65 2)

55 2)

45 2)

35

25

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Concrete cover measured on the side

40

30

25

20

15

10

c) Width of U rib

75

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



60

45

40

30

d) Thickness of the upper side

150

150

125

125

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



90

7. Inverted U-channel flooring section whose radius of curvature at the junction with the floor rib is greater than the height of the cross section:

 

 

 

 

 

 

a) Average concrete cover measured on the underside

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



55 2)

45 2)

35

25

15

b) Concrete cover measured on the side

40

30

25

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



15

10

c) Width of U rib

70

60

50

40

35

25

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



150

150

100

100

75

65

1) May include thickness of coating or finish layers which use non-combustible materials.

2) Additional reinforcement is allowed if necessary.

NOTE 1: Rules for determining fire-resistance ratings shall conform to part 2.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NOTE 3: Parameters of cross-section of components must be taken into account simultaneously.

 

Schedule F.10 - Prestressed reinforced concrete floor (of silica-based or limestone-based aggregate)

Floor structures

Minimum value, mm, in order to maintain fire-resistance rating

REI

240

REI

180

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



120

REI

90

REI

60

REI

30

(1)

(2)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(4)

(5)

(6)

(7)

1. Solid floor:

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

a) Average prestressing concrete cover

65 1)

50 1)

40

30

25

15

b) Overall depth 2) of the cross-section

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



150

125

125

100

100

2. Floor with void areas whose cross section is circular or cubic. Solid area must account for at least 50% of total cross-section area of the floor:

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

a) Average prestressing concrete cover

65 1)

50 1)

40

30

25

15

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



50

40

40

30

25

20

c) Overall depth 2) of the cross-section

190

175

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



140

110

100

3. Hollow floor with one or multiple cubic void areas whose width exceeds height along the length of the floor:

 

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Average prestressing concrete cover

65 1)

50 1)

40

30

25

15

b) Thickness of lower flange

65

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



40

30

25

15

c) Overall depth 2) of the cross-section

230

205

180

155

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



105

4. Ribbed floor whose void areas are filled with clay blocks or inverted T beams whose void areas are filled with concrete blocks or clay blocks. If solid section of the floor is less than 50% of total cross section area, the underside must be plastered to 15 mm of thickness:

 

 

 

 

 

 

a) Average prestressing concrete cover

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



50 1)

40

30

25

15

b) Width of cross section of rib or T beam, measured on the underside

125

100

90

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



70

50

c) Overall depth 2) of the cross-section

190

175

160

140

110

100

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

 

 

 

a) Average prestressing concrete cover measured on the underside

100 1)

85 1)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



50 1)

40

25

b) Thickness of prestressing concrete cover measured on the side

100

85

65

50

40

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Width of rib

250

200

150

110

90

60

d) Thickness of flange 2)

150

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



125

125

100

90

6. Inverted U-channel flooring section whose radius of curvature at the junction with the floor rib is not greater than the height of the cross section:

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

a) Average prestressed concrete cover measured on the underside

100 1)

85 1)

65 1)

50 1)

40

25

b) Thickness of prestressing concrete cover measured on the side

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



45

35

25

20

15

c) Width of U sides

125

100

75

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



45

30

d) Thickness of the upper side 2)

150

150

125

125

100

90

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

 

 

 

a) Average prestressed concrete cover measured on the underside

100 1)

85 1)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



50 1)

40

25

b) Thickness of prestressing concrete cover measured on the side

50

45

35

25

20

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Width of U rib

110

90

70

50

40

30

d) Thickness of the upper side 2)

150

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



125

125

100

90

1) Additional reinforcement is allowed if necessary.

2) May include thickness of coating or finish layers which use non-combustible materials.

NOTE 1: Rules for determining fire-resistance ratings shall conform to part 2.

NOTE 2: Fire-resistance ratings in the schedule only apply to statically determinate structures. Fire-resistance ratings of statically indeterminate structures shall be calculated in accordance with selected and applied standards.

NOTE 3: Parameters of cross-section of components must be taken into account simultaneously.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



APPENDIX G

 (regulations)

DISTANCE TO EXIT ACCESSES AND WIDTH OF EXIT ACCESSES

G.1 Maximum travel distance from the furthest (attended, occupied) point to the nearest exit access

G.1.1 Houses

The maximum travel distance from entry doors of flats (F1.3 buildings) or dwelling units (F1.2 buildings) to the nearest exit access (stairwells or exit discharges) is prescribed under Schedule G.1.

Schedule G.1 - Maximum travel distance from entry doors of flats or dwelling units to the nearest exit access

Fire resistance category

Fire risk level of structures

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If doors are located between stairwells or between exit discharges

If doors are located on dead-end corridors

I, II

S0

40

25

II

S1

30

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



III

S0

30

20

S1

25

15

IV

S0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



15

S1, S2

20

10

V

No regulations

20

10

G.1.2 Public structures

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NOTE: In regard to storeys whose corridors are not enclosed by fire protection assemblies in accordance with 3.3.5 or do not comply with 3.3.4, the maximum travel distance of means of egress must be calculated from the furthest point of rooms on those storeys. This note section does not apply to storeys where karaoke rooms or discotheques are located.

G.1.2.2 The maximum travel distance from any point of rooms with varying volume without audience seating to the nearest exit access is prescribed under Schedule G.2b. If multiple primary exit accesses are grouped into one exit access, the width of the exit access must not be lower than the total width of all grouped exit accesses.

Schedule G.2a - Maximum travel distance from entry doors of rooms to the nearest exit access in public structures

Fire resistance category

Travel distance, m, based on density of evacuating occupants, people/m2

≤ 2

> 2 and ≤ 3

> 3 and ≤ 4

> 4 and ≤ 5

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. From rooms whose entry doors are located between stairwells or exit discharges

I, II, III

60

50

40

35

20

IV

40

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



30

25

15

V

30

25

20

15

10

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



I, II, III

30

25

20

15

10

IV

20

15

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10

7

V

15

10

10

5

5

NOTE 1: Density of evacuating occupants shall be determined by dividing the total number of occupants evacuating by means of egress by area of such means of egress.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Schedule G.2b - Maximum travel distance from any point of public rooms without audience seating to the nearest exit access

Room

Fire resistance category

Maximum travel distance, m, from any point of the room to the nearest exit access based on room volume, 1 000 m3

≤ 5

> 5 and ≤ 10

> 10

(1)

(2)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(4)

(5)

1. Waiting rooms, ticket sale rooms, exhibits, galleries, ballrooms, resting rooms, and similar.

I, II

30

45

55

III, IV

20

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



See note

V

15

See note

See note

2. Dining rooms, reading rooms when clear area of each main passage per occupant is not lower than 0,2 m2.

I, II

65

See note

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



III, IV

45

See note

See note

V

30

See note

See note

3. Mercantile rooms when clear area of main passages accounts for at least 25% of room area.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



50

65

80

III, IV

35

45

See note

V

25

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



See note

4. Mercantile rooms when clear area of main passages accounts for less than 25% of room area.

I, II

25

30

35

III, IV

15

20

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



V

10

See note

See note

NOTE: These distances must be determined by separate technical evaluation.

G.1.3 Manufacturing facility and storage facility

G.1.3.1 Maximum travel distance from the furthest attended location in the room the nearest exit access (either an exit discharge or a stairwell) is prescribed under Schedule G.3. In regard to rooms larger than 1 000 m2, distances under Schedule G.3 shall include the length of corridors that lead to the exit accesses.

G.1.3.2 Travel distances under Schedule G.3 that correspond to room volumes which fall in between the specified volumes shall be determined by interpolation.

G.1.3.3 Travel distances under Schedule G.3 shall apply to rooms up to 6 m in height. If rooms are taller than 6 m, these distances shall be increased as follows: by 20% if rooms are up to 12 m in height; by 30% if rooms are up to 18 m in height; by 40% if rooms are up to 24 m in height without exceeding 140 m in case of class A, class B rooms and 240 m in case of class C rooms.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Schedule G.3 - Maximum travel distance from the furthest attended location to the nearest exit access in manufacturing facility

Room volume, 1000 m3

Class of room

Fire resistance category

Fire risk level of structures

Travel distance, m, when density of occupant evacuating on common passage, people/m2

≤ 1

> 1 and ≤ 3

> 3 and ≤ 5

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A, B

I, II, III, IV

S0

40

25

15

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



60

40

III, IV

S1

70

40

30

V

S2, S3

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



30

20

30

A, B

I, II, III, IV

S0

60

35

25

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



I, II, III, IV

S0

145

85

60

III, IV

S1

100

60

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



40

A, B

I, II, III, IV

S0

80

50

35

40

C1, C2, C3

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S0

160

95

65

III, IV

S1

110

65

45

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A, B

I, II, III, IV

S0

120

70

50

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



105

75

III, IV

S1

160

95

65

≥ 60

A, B

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S0

140

85

60

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

200

110

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



III, IV

S1

180

105

75

≥ 80

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



140

100

III, IV

S1

200

110

85

Regardless of volume

C4, D

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S0

Any

Any

Any

III, IV

S1

160

95

65

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



No regulations

120

70

50

Regardless of volume

E

I, II, III, IV

S0, S1

Any

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Any

IV, V

S2, S3

160

95

65

NOTE 1: Density of evacuating occupants shall be determined by dividing the total number of occupants evacuating by means of egress by area of such means of egress

 

Schedule G.4 - Travel distance from entry doors to manufacturing rooms up to 1 000 m2 in area to the nearest exit access

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Class of room

Fire resistance category

Fire risk level of structures

Travel distance along corridor, m, from doors of rooms to the nearest exit access, when density of people evacuating through common passages, people/m2

≤ 2

> 2 and ≤ 3

> 3 and ≤ 4

> 4 and ≤ 5

1. Between 2 exit accesses

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



I, II, III, IV

S0

60

50

40

35

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



95

80

65

III, IV

S1

85

65

55

45

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S2, S3

60

50

40

35

C4, D, E

I, II, III, IV

S0

180

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



120

100

III, IV

S1

125

100

85

70

No regulations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



90

70

60

50

2. Into dead-end corridors

Regardless of class

I, II, III, IV

S0

30

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



20

15

III, IV

S1

20

15

15

10

No regulations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



15

10

10

8

G.2 Clear width of exit access

G.2.1 Public structures

G.2.1.1 Width of an exit access from a corridor into a stairwell and width of stringers must be determined on the basis of number of occupants evacuating through the exit access number of evacuating occupants per 1 m of width of exit access (exit access door). Number of evacuating occupants per 1 m of width of exit access varies depending on fire resistance category of the building without exceeding:

- 165 people/m in a building with fire resistance category of I or II;

- 115 people/m in a building with fire resistance category of III or IV;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



G.2.1.2 For the purpose of calculating width of exit accesses of buildings affiliated with primary schools, secondary schools, boarding schools, and boarding sections thereof, occupant load of each storey must be determined on the basis of occupant load of classrooms, rooms dedicated for vocational education and training, dwelling units, sports, conference spaces, and lecture halls on that storey (see G.3, Schedule G.9).

G.2.1.3 Width of doors of classrooms occupied by more than 15 students must not be lower than 0,9 m.

G.2.1.4 Width of an exit access from rooms without audience seating must be determined based on the number of occupants evacuating through the exit access according to Schedule G.5 without being lower than 1,2 m in rooms with occupant load exceeding 50 people.

Schedule G.5 - Maximum number of occupants per 1 m of width of exit access of rooms without audience seating in public structures

Room

Fire resistance category

Maximum number of occupants per 1 m of width of exit access in rooms with volume of, 1 000 m3

≤ 5

> 5 and ≤ 10

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Mercantile rooms when clear area of primary means of egress is not lower than 25% of clear area of the rooms; Dining and reading rooms when density of occupants on each primary passage does not exceed 5 people/m2.

I, II

165

220

275

III, IV

115

155

See note

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



80

See note

See note

2. Mercantile rooms when clear area of primary means of egress is lower than 25% of clear area of the rooms; and other rooms

I, II

75

100

125

III, IV

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



70

See note

V

40

See note

See note

NOTE: The maximum number of occupants per 1 m of width of exit access must be determined in accordance with separate technical evaluation.

G.2.1.5 Width of primary exit accesses in a mercantile room must not be lower than:

- 1,4 m - if area for mercantile occupancy is not larger than 100 m2;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- 2,0 m - if area for mercantile occupancy is larger than 150 m2 and not larger than 400 m2;

- 2,5 m - if area for mercantile occupancy is larger than 400 m2.

G.2.1.6 Number of occupants per 1 m of width of means of egress from bleachers of sports and outdoor performance structures is prescribed under Schedule G.6.

Schedule G.6 - Maximum number of occupants per 1 m of width of means of egress from bleachers of sports and outdoor performance structures

Fire resistance category of structures

Maximum number of occupants per 1 m of width of means of egress

Along staircases of main passages of bleachers

Through doors from main passages of bleachers

Descending

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Descending

Ascending

I, II

600

825

620

1 230

III, IV

420

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



435

860

V

300

415

310

615

NOTE: Total number of occupant evacuating through an exit access must not exceed 1 500 people if bleachers have fire resistance category of I or II. Total number of occupants evacuating through means of egress must be reduced by 30% in bleachers with fire resistance category of III and by 50% in bleachers with fire resistance category of IV or V.

G.2.2 Manufacturing facility and storage facility

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Number of occupants per 1 m of width of an exit access that corresponds to building volumes that fall in between specified volumes shall be determined by interpolation.

In regard to rooms taller than 6 m, number of occupants per 1 m of width of each exit access in these rooms shall be increased:

- By 20 % if fire height of the building is 12 m;

- By 30 % if fire height of the building is 18 m; by 40 % if fire height of the building is 24 m.

If fire height of buildings falls in between the specified values, the number of occupants per 1 m of width of each exit access shall be determined by interpolation.

Schedule G.7 - Maximum number of occupants per 1 m of width of exit access from any room of manufacturing facility

Room volume, 1 000 m3

Class of room

Fire resistance category

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Maximum number of occupants per 1 m of width of exit access from any room, people

≤ 15

A, B

I, II, III, IV

S0

45

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



III, IV

S1

75

No regulations

S2, S3

55

30

A, B

I, II, III, IV

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



65

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

155

III, IV

S1

110

40

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



I, II, III, IV

S0

85

C1 , C2, C3

I, II, III, IV

S0

175

III, IV

S1

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



50

A, B

I, II, III, IV

S0

130

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

195

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S1

135

≥ 60

A, B

I, II, III, IV

S0

150

C1, C2, C3

I, II, III, IV

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



220

III, IV

S1

155

≥ 80

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

260

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S1

220

Regardless of volume

C4, D

I, II, III, IV

S0

260

III, IV

S1

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



No regulations

S2, S3

130

Regardless of volume

E

No regulations

G.2.2.2 Width of an exit access from a corridor to exit discharge or a stairwell must be determined based on total number of occupants evacuating through such exit access and number of people per 1 m of width of exit access under Schedule G.8 and must not be lower than 0,9 m.

Schedule G.8 - Maximum number of occupants per 1 m of width of exit access from corridors of manufacturing facility

Class of room with the highest fire risk level with exit access leading into corridor

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Fire risk level of structures

Maximum number of people per 1 m of width of exit access from corridor, people

A, B

I, II, III, IV

S0

85

C1, C2, C3

I, II, III, IV

S0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



IV

S1

120

No regulations

S2, S3

85

C4, D, E

I, II, III, IV

S0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



IV

S1

180

No regulations

S2, S3

130

G.3 Maximum number of occupants in buildings or building sections

The maximum number of occupants of a room, a storey, or a building shall be the occupant load of that room, storey, or building according to approved design. If occupant load is not specified by the design, the maximum number of occupants shall equal floor area of the room, storey, or building divided by floor space factor (m2/person) under Schedule G.9.

NOTE: The “floor area” mentioned above does not include area of staircases, elevators, lavatories, and other auxiliary sections.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Occupying space 2), 3)

Floor space factor, m2/person

1. Roofed playgrounds, halls, assembly spaces, clubs, discotheques, bars, karaoke venues, and similar sections

1,0

2. Major lobbies, atriums, reception areas, waiting lounges, and similar sections

3,0

3. Meeting rooms, guest rooms, conference rooms, dining rooms, reading rooms, studying rooms, canteens, and similar rooms

1,5

4. Markets, shopping malls, supermarkets

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Galleries or (filming, radio, television, audio recording) studios

1,5

6. General department stores, barber shops, hairdresser shops, laundry shops, repair shops, or similar locations

3,0

7. Art galleries, product exhibits, museums, or similar spaces

5,0

8. Offices

6,0

9. Large furniture retailers such as chairs, tables, floor coverings, and similar

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10. Kitchens or libraries

7,0

11. Bedrooms or bedrooms integrated with studying rooms

8,0

12. Living rooms, leisure rooms

10,0

13. Storage or storage units

30,0

14. Motor vehicle parking garages

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1) If values under this Schedule are not used, floor space factor can be determined based on similar existing buildings. In this case, parameters must be able to reflect average occupant density in the peak time of the year.

2) If an occupying space is not mentioned above, value corresponding to a similar occupying space is allowed.

3) If a building section serves different purposes, the highest applicable floor space factor shall prevail. If a building contains different occupying spaces, each occupying space must be calculated using floor space factor corresponding to that occupying space.

 

APPENDIX H

 (regulations)

FIRE RESISTANCE CATEGORY AND FIRE SAFETY ASSURANCE REQUIREMENTS OF BUILDINGS, CONSTRUCTIONS, AND FIRE COMPARTMENTS

H.1 Houses and suite-type dorms

Fire resistance categories, fire risk levels of structures, maximum permissible fire heights of buildings, and area of a storey in each fire compartment of houses and suite-type dorms are prescribed under Schedule H.1.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Fire resistance category

Fire risk level of structures

Maximum fire height of building, m

Maximum area of a storey within a fire compartment, m2

I

S0

75

2 500

II

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



50

2 500

S1

28

2 200

III

S0

28

1 800

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



15

1 800

IV

S0

5

1 000

3

1 400

S1

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



800

3

1 200

S2

5

500

3

900

V

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5

500

3

800

NOTE 1: Regulations of number of storeys (permissible fire height), area of fire compartments of F1.3 buildings with fire height ranging from exceeding 75 m to 150 m are prescribed under Appendix A.

NOTE 2: Load bearing components of two-storey buildings with fire resistance category of IV must have a minimum fire-resistance rating of R 30.

H.2 Public structures

H.2.1 General provisions

Fire resistance category, fire risk level of structures, maximum fire height, and area of a storey within a fire compartment of public structures, including hotels and apartments (other than suite-type dorms and hotels that resemble houses) are prescribed under Schedule H.2.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Schedule H.2 - Public structures

Fire resistance category

Fire risk level of structures

Maximum fire height of building, m

Maximum permissible area of a storey within a fire compartment, m2, with the number of above-ground storeys (excluding the topmost mechanical floor)

1

2

3

4,5

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10 through 16

I

S0

50

6 000

5 000

5 000

5 000

5 000

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



II

S0

50

6 000

4 000

4 000

4 000

4 000

2 200

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S1

28

5 000

3 000

3 000

2 000

1 200

-

III

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



15

3 000

2 000

2 000

1 200

-

-

III

S1

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2 000

1 400

1 200

800

-

-

IV

S0

9

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1 400

-

-

-

-

IV

S1

6

2 000

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

-

-

-

IV

S2, S3

6

1 200

800

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

-

-

V

S1, S2, S3

6

1 200

800

-

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

-

NOTE 1: This Schedule applies to public structures mentioned under H.2.1, unless otherwise specified under H.2.2 through H.2.12.

NOTE 2: The “-“ symbol in the schedule indicates that a building with fire resistance category matching that on the same row is not allowed to have the same number of storey matching that on the same column.

NOTE 3: Load bearing structures of two-storey buildings with fire resistance category of IV must have minimum fire-resistance rating of R 45.

NOTE 4: Number of storeys (permissible fire height), area of fire compartments of public structures with fire height ranging from exceeding 50 m to 150 m are prescribed under Appendix A.

H.2.2 Service establishments (F3.5)

Fire resistance category, fire risk level of structures, maximum fire height of buildings, and area of a storey within a fire compartment of service establishments (F3.5) are prescribed under Schedule H.3. Additional regulations under H.2.12 are required.

Schedule H.3 - Service establishments (F3.5)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Fire risk level of structure

Maximum fire height of building, m

Maximum area of a storey within a fire compartment, m2

Single-storey building

Multistorey building (up to 6 storeys excluding the topmost mechanical floor)

I

S0

18

3 000

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



II

S0

18

3 000

2 500

II

S1

6

2 500

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



III

S0

6

2 500

1 000

III

S1

5

1 000

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



IV

S0, S1

5

1 000

-

IV

S2, S3

5

500

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



V

S1, S2, S3

5

500

-

NOTE: The “-“ symbol in the schedule indicates that a building with fire resistance category matching that on the same row is not allowed to have the same number of storey matching that on the same column.

H.2.3 Commercial establishments (F3.1)

Fire resistance category, fire risk level of structure, maximum fire height, and area of a storey within a fire compartment of commercial establishments (F3.1) are prescribed under Schedule H.4. Additional regulations under H.2.12 are required.

Schedule H.4 - Commercial establishments (F3.1)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Fire risk level of structure

Maximum fire height, m

Maximum area of a storey within a fire compartment, m2

One storey

Two storeys

3 through 5 storeys

I, II

S0

28

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3 000

2 500

III

S0, S1

8

2 000

1 000

-

IV

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3

1 000

-

-

IV, V

S1, S2, S3

3

500

-

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NOTE 1: The “-“ symbol in the schedule indicates that a building with fire resistance category matching that on the same row is not allowed to have the same number of storey matching that on the same column.

NOTE 2: The maximum area of a storey within a fire compartment of a single-storey commercial establishment (that is not a retailer of paint, varnish, finish materials, motor vehicle parts, components, carpets, or furniture) with fire resistance category of III as long as retail sections physically separated from other rooms by type 2 fire-resistance-rated walls.

NOTE 3: In regard to retailers with fire resistance category of I or II, building height can be increased by 1 storey if the topmost storey only contains storage, service rooms, and mechanical rooms.

NOTE 4: The number of storey shall equal the number of above-ground storey and exclude the topmost storey.

H.2.4 Kindergartens, preschools

H.2.4.1 Fire resistance category, fire risk level of structures, maximum fire height of buildings (fire compartments) of regular kindergartens and preschools (F1.1) are prescribed under Schedule H.5 depending on the maximum number of seats in the buildings. Additional regulations applicable to these buildings and regulations under H.2.12 are required.

Schedule H.5 - Kindergartens and preschools

Number of seats

Fire resistance category, not lower

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Maximum fire height, m, (number of above-ground storeys excluding the topmost mechanical floor)

≤ 50

No regulations

No regulations

3 (1)

≤ 100

III

S0, S1

6 (2)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



II

S0, S1

≤ 350

II

S0

9 (3)

I

S0

H.2.4.2 Inner walls, partitions, and floor structures of kindergartens and preschools (F1.1) and clubs (F2.1) in building with fire risk level of structure of S1 through S3, including wood structures/structural elements must have fire risk level of K0.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Two storeys - for kindergartens and preschools dedicated for children with physical and/or mental disability;

- One storey - for kindergartens and preschools dedicated for children with visual impairment.

In regard to three-storey kindergartens, rooms for younger students must be positioned on the first storey.

H.2.4.4 Rooms for older students, music rooms, physical education rooms, leisure rooms, and service rooms are allowed on the third storey. In this case, rooms larger than 50 m2 require at least one exit access leading directly into stairwells.

Corridors connecting stairwells in kindergartens and preschools must be physically separated from rooms by at least type 2 fire-resistance-rated partitions. Doors of rooms must be tightly sealed.

H.2.4.5 Auxiliary sections of adjacent buildings used as leisure rooms for children in kindergartens and preschools must have similar fire resistance category and fire risk level of structures as the main buildings.

H.2.5 Primary schools and secondary schools (F4.1) and sleeping accommodations of boarding schools (F1.1)

H.2.5.1 Fire resistance category, fire risk level of structure, and maximum fire height of primary schools, secondary schools, academic blocks of boarding schools (F4.1), sleeping accommodations of boarding schools (F1.1) shall conform to Schedule H.6. Maximum area of a storey within a fire compartment of these buildings shall conform to Schedule H.2. Additional regulations applicable to these buildings and regulations under H.2.12 are required.

Schedule H.6 - Primary schools and secondary schools (F4.1) and sleeping accommodations of boarding schools (F1.1)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Fire risk level of structure

Minimum fire resistance category

Maximum fire height of the building, m (number of storey)

≤ 100

No regulations

No regulations

3 (1)

≤ 270

S1

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3 (1)

≤ 350

S0

III

7 (2)

S1

II

7 (2)

≤ 600

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



II

11 (3)

Any

S0

I

19 (5)

Sleeping accommodations

≤ 40

No regulations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3 (1)

≤ 80

S1, S2, S3

IV

3 (1)

≤ 140

S0

IV

3 (1)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S1

III

3 (1)

≤ 280

S0

III

7 (2)

Any

S0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



15 (4)

NOTE: The number of storey shall equal the number of above-ground storey and exclude the topmost storey.

H.2.5.2 Fire height of academic blocks and boarding blocks for children with mental and/or physical disability must not exceed 9 m.

H.2.6 Cultural establishments

H.2.6.1 Fire resistance category, fire risk level of structures, and maximum fire height of F2.1 and F2.2 cultural establishments (libraries, museums, galleries, clubs, theaters, auditoriums, cinemas, circuses, and buildings with similar occupancies) shall conform to Schedule H.7 depending on occupant load of the buildings or rooms.

H.2.6.2 Additional regulations applicable to these buildings and regulations under H.2.212 are required.

H.2.6.3 Occupant load of rooms equals the sum of fixed seats and temporary seats.

If cinemas contain several screening rooms, total occupant load of these screening rooms must not exceed values under Schedule H.7.

H.2.6.5 Load bearing structures of roof (truss, girders, and similar) of stage and rooms of theaters, clubs, and sports structures with fire resistance category ranging from I through III must have a minimum fire-resistance rating of R 45.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Fire risk category by function

Fire resistance category

Fire risk level of structure

Maximum fire height, m, (number of above-ground storeys excluding the topmost mechanical floor)

Occupant load, seats

F2.1

I

S0

50

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



II

S0

9 (3)

≤ 800

II

S1

6 (2)

≤ 600

III

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3 (1)

≤ 400

IV, V

S0, S1, S2, S3

3 (1)

≤ 300

F2.2

I

S0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Any

II

S0

50

≤ 800

II

S1

28

≤ 600

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S0

9 (3)

≤ 400

III

S1

6 (2)

≤ 300

IV, V

S0, S1, S2, S3

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



≤ 300

NOTE 1: The maximum height at which rooms are allowed in F2.1 buildings which is determined by elevation of the first row of seats shall not exceed 9 m in regard to spaces with occupant load exceeding 600 seats. Spaces with occupant load of up to 300 seats are allowed at a height above 28 m are allowed in buildings with fire resistance category of I and fire risk level of structures of S0.

NOTE 2: Discotheques with occupant load exceeding 400 people and rooms serving other occupancies with occupant load exceeding 600 people are not allowed on a storey whose fire height exceeds 9 m in an F2.2 building. Spaces with occupant load of up to 300 seats are allowed at a height above 28 m in buildings with fire resistance category I and fire risk level of structure of S0 as long as requirements under A.2.4.

NOTE 3: If full-time cinemas and seasonal cinemas with different fire resistance categories are combined, they must be physically separated by type 2 fire-resistance-rated walls.

H.2.7 Sports buildings and structures

H.2.7.1 If indoor sports competition, indoor skating rinks, indoor pools (with or without bleachers), swimming training rooms, and indoor shooting ranges (below bleachers or in other public structures) are larger than values under Schedule H.2, fire-resistance-rated walls are required to separate these spaces from other rooms.

H.2.7.2 Bleachers of any capacity in F2.3 buildings must have fire resistance category of I and fire risk level of structure of S0 if spaces below bleachers accommodate auxiliary rooms of at least 2 storeys.

H.2.7.3 Floors below bleachers must be type 2 fire-resistance-rated floors.

H.2.7.4 If auxiliary rooms only take up one storey below bleachers or when there are more than 20 rows of benches on the bleachers, load bearing structures of bleachers must have a minimum fire-resistance rating of R 45, fire risk level of K0 and floors below the bleachers must be type 3 fire-resistance-rated floors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



H.2.7.6 Minimum fire-resistance rating of temporary (mobile) bleachers shall be R 15 regardless of occupant load.

H.2.7.7 The aforementioned requirements do not apply to temporary audience seats positioned on sports courts when the sports courts change shapes.

H.2.8 Passenger terminals

H.2.8.1 Instead of separating passenger terminals with fire resistance category of I or II and fire risk level of structure of S0 into fire compartments using type 1 fire-resistance-rated walls, fire compartments can be separated into fire subcompartments with area compliant with Schedule H.2 (for rooms with similar fire risk categories by function) by drenchers or fire curtains with minimum fire-resistance rating of E 60. In this case, the aforementioned fire curtains and drenchers must be installed in areas so that there is no fire load within a 4 m radius in both sides of the fire curtains and drenchers.

H.2.8.2 Floor area contained within fire-resistance-rated walls (fire compartments) in airport terminals with fire resistance category of I can be increased to 10 000 m2 if there are no basements or existing basements (semi-basements) do not contain storage units or other rooms where combustible materials are located (other than storage spaces for belongings and clothing of staff, and rooms with fire and explosion risk classes of C4 and E). In this case, walkways from storage rooms of cleaning equipment in basements and semi-basements to the first storey can be positioned along open staircases. If such walkways lead from storage spaces, they must be positioned along separate staircases contained in enclosed stairwells. Storage rooms (other rooms where automated storage system is located) and clothing storage rooms must be physically separated from other sections of basements by type 1 fire-resistance-rated partitions and equipped with automatic fire extinguishing system while dispatch - command stations must be physically separated by type 1 fire-resistance-rated partitions.

H.2.8.3 Floor area contained by fire-resistance-rated walls in airport terminals and passenger terminals with fire resistance category of I and fire risk level of structure of S0 shall not be limited if automatic extinguishing system is installed.

H.2.9 Hospitals

H.2.9.1 Hospitals (F1.1) must be positioned in detached buildings or contained in separate fire compartments with maximum fire height of 28 m. Hospitals with 2 storeys or higher must have fire resistance category of I or II and fire risk level of structure of S0.

H.2.9.2 Single-storey hospitals may have fire resistance category of III and minimum fire risk level of structure of S1, in this case, the maximum area of a storey within a fire compartment must not exceed 2 000 m2 for buildings with fire risk level of structure of S0 and not exceed 200 m2 for buildings with fire risk level of structure of S1. Then, walls, partitions, and floors, including wood structures must have fire risk level of K0.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



H.2.9.4 Treatment wards for patients with mental illnesses and treatment wards of medical stations must have maximum fire height of 9 m, minimum fire resistance category of II, and fire risk level of structure of S0.

H.2.9.5 Nursing homes and care centers for persons with disabilities must be designed to meet fire safety requirements applied to hospitals.

H.2.10 General medicine examination and treatment establishments (F3.4)

H.2.10.1 Maximum fire height of out-patient general medicine examination establishments (F3.4) is 28 m. Fire resistance category and fire risk level of structure of establishments that are two-storey high or more must not be lower than II and S0 respectively.

H.2.10.2 Medical establishments that do not accommodate in-patient treatment can be located in single-storey buildings with fire resistance category of III and minimum fire risk level of structure of S1 as long as the maximum area of a storey within a fire compartment does not exceed 3 000 m2 for buildings with fire risk level of structure of S0 or not exceed 2 000 m2 for buildings with fire risk level of structure of S1. In this case, walls and partitions separating corridors and entrance halls from adjacent rooms, including wood structures, must have fire risk level of K0.

H.2.10.3 Out-patient general medicine examination rooms (F3.4) can be located in auxiliary sections of buildings with fire resistance category of II and minimum fire risk level of structure of S0. These rooms must not be located at a height above 28 m.

H.2.11 Sleeping accommodations of nursing facilities

H.2.11.1 Sleeping accommodations of nursing facilities must not be taller than 28 m.

H.2.11.2 Minimum fire resistance category and fire risk level of structure of sleeping accommodations of nursing facilities taller than 2 storeys must be II and S0 respectively.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



H.2.11.4 The number of sleeping units in sleeping accommodations of nursing facilities with fire risk category of I and II and fire risk level of structure of S0 must not exceed 1 000, with fire risk category of III and fire risk level of structure of S0 must not exceed 150, and with other fire risk categories must not exceed 50.

H.2.11.5 Sleeping units for families with children in sleeping accommodations of nursing facilities must be positioned in detached buildings or separate building sections separated by type 1 fire-resistance-rated partitions, not taller than 6 storeys, and have exit access that are separate from other building sections. In this case, sleeping accommodations must have fire exits that meet any of the following requirements:

- The fire exits must lead to balconies or loggias where the clear width of solid wall from the outer edge of the balconies (or loggias) to windows (or glass doorways) must not be lower than 1,2 m or from one glass door that opens to the balconies (or loggias) to another must not be lower than 1,6 m; or

- The fire exits must lead to transition walkways with minimum width of 0,6 m and leading to adjacent building sections; or

- The fire exits must lead to balconies or loggias where external ladders connecting balconies and loggias of other storeys are installed.

H.2.12 Additional regulations applied to public structures under H.2

H.2.12.1 Load bearing structures of roofs of auxiliary sections adjacent to public structures mentioned under H.2.1 through H.2.11 (where a part can be located in the main buildings and a part is located outside of the main buildings) must have minimum fire-resistance rating of R 45 and fire risk level of K0.

H.2.12.2 If the entire buildings with fire resistance category of I and II and fire risk level of structure of S0 are equipped with automatic extinguishing system, area of fire compartment mentioned under Schedules H.2 through H.4 can be increased up to two times the specified values.

H.2.12.3 If a two-storey building section is contained within a fire compartment of a single-storey building under Schedules H.2 through H.4 and does not take more than 15% of building area, the fire compartment is considered a single-storey building.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



H.2.12.5 Fire-resistance-rated walls in entrance halls and waiting lounges larger than area specified under Schedule H.2 can be replaced by light-transmitting type 2 fire-resistance-rated partitions.

H.2.12.6 Wooden walls (wall surfaces), partitions, and ceilings of buildings with fire resistance category of V that are kindergartens, primary schools, secondary schools, boarding schools, out-patient medical examination and treatment establishments, healthcare centers for children, and clubs (other than single-storey clubs with stone wall cladding) must be protected by fire protection measures.

H.2.12.7 If fire-resistance-rated walls cannot be installed in passenger terminals and buildings or rooms with similar occupancies and large spaces (shopping malls, atriums), fire-resistance-rated walls cane be replaced by drenchers which must be positioned into 2 lines that are 0,5 m away from the other with minimum intensity of 1 L/s for every meter in length of the drenchers (for both lines). Drenchers must be sustained for at least 1 hour. In addition, smoke spread between fire compartments must be prevented.

H.2.12.8 Libraries must not be taller than 28 m.

H.2.12.9 Maximum fire height at which lectures, auditoriums, conference rooms, meeting rooms, sports training grounds without audience, and other rooms with similar occupancies are allowed in buildings with any occupancy is specified under Schedule H.8 and based on fire resistance category, fire risk level of structure, and occupant load.

Schedule H.8 - Maximum fire height at which certain rooms are allowed

Fire resistance category

Fire risk level of structures

Occupant load

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



I, II

S0

≤ 300

50

S0, S1

≤ 600

12

S0, S1

> 600

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



III

S0

≤ 300

9

S0, S1

≤ 600

3

IV

S0, S1, S2, S3

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3

NOTE 1: Maximum height at which a room is allowed means the elevation of the first row of seat.

NOTE 2: The aforementioned rooms cannot be positioned higher than the second storey in kindergartens, preschools, retirement homes, care centers for persons with disabilities (other than suite-type), hospitals, sleeping accommodations of boarding education institutions, children facilities, children healthcare facilities (F1.1) or the third storey in schools (F4.1).

NOTE 3: Total occupant load of rooms on the same storey must not exceed the value specified under this schedule (unless the rooms are contained in different fire compartments).

H.3 Administrative - auxiliary buildings of manufacturing and storage facilities

Fire resistance category, fire risk level of structures, maximum height of buildings, and area of a storey within a fire compartment of administrative - auxiliary buildings of manufacturing and storage facilities (buildings that are detached, adjacent, or contained in manufacturing or storage facilities, F4.3) are prescribed under Schedule H.2. Elevation of auditoriums, conference rooms, and meeting rooms under Schedule H.8 must be taken into account when determining fire resistance category of the buildings.

H.4 Manufacturing facilities and livestock, poultry, and animal husbandry facilities

H.4.1 Manufacturing facilities

Fire resistance category, fire risk level of structures, maximum height of buildings, and area of a storey within a fire compartment of manufacturing facilities depend on fire and explosion risk classes under Schedule H.9.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If automatic extinguishing measure is equipped for the entire manufacturing facilities, floor area within a fire compartment under Schedule H.9 can be increased up to two times the original values, except for buildings with fire resistance category of IV and V.

In regard to buildings with fire and explosion risk class of C in which class C1 rooms are located and occupy more than 1/2 the area of corresponding storey area, area of a storey within a fire compartment under Schedule H.9 must be reduced by 25 %.

Schedule H.9 - Manufacturing facilities

Fire and explosion risk class of building of fire compartment

Maximum height of building 1), m

Fire resistance category

Fire risk level of structures

Maximum area of a storey within a fire compartment, m2

Single-storey building

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Three-storey building or more

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

A

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



I, II

S0

Any

5 200

3 500

24

III

S0

7 800

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2 600

No regulations

IV

S0

3 500

-

-

B

36

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S0

Any

10 400

7800

24

III

S0

7 800

3 500

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



No regulations

IV

S0

3 500

-

-

C

See 2)

48

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S0

Any

25 000

7 800 3)

10 400

5 200 3)

24

III

S0, S1

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10 400

5 200 3)

5 200

3 600 3)

18

IV

S0, S1

25 000

10 400

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



18

IV

S2, S3

2 600

2 000

-

12

V

No regulations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



600 4)

-

D

54

I, II

S0

Any

36

III

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Any

25 000

10 400

30

III

S1

Any

10 400

7 800

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



IV

S0

Any

10 400

5 200

18

IV

S1

6 500

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

E

54

I, II

S0

Any

36

III

S0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



50 000

15 000

30

III

S1

Any

25 000

10 400

24

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S0, S1

Any

25 000

7 800

18

IV

S2, S3

10 400

7 800

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



12

V

No regulations

2 600

1 500

-

1) Building height under this Schedule is calculated from floor of the first storey to ceiling of the topmost storey, including mechanical floor; if elevation of the ceilings vary, average values shall be used. Only above-ground storeys are included for the purpose of determining number of storeys. Single-storey buildings with fire risk level of S0 and S1 shall not be limited in terms of height.

2) If an S0 building with fire resistance category of I does not satisfy height or fire compartment area requirements corresponding to the scale of manufacture, the latest edition of NFPA 5000 or equivalent standards are allowed for the purpose of determining height and maximum storey area within a fire compartment corresponding to fire-resistance rating of structures, structural elements, and other conditions. Fire-resistance rating of structures and structural elements in this case must not be lower than values specified under Schedule 4 in regard to buildings with fire resistance category of I.

3) Intended for wood processing and manufacturing facilities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NOTE: The “-“ symbol in the schedule indicates that a building with fire resistance category matching that on the same row is not allowed to have the same number of storey matching that on the same column.

H.4.2 Livestock, poultry, and animal husbandry facilities (F5.3)

Fire resistance category, fire risk level of structure, maximum height of building, and area of a storey within a fire compartment of livestock, poultry, and animal husbandry facilities depend on fire and explosion risk classes and are prescribed under Schedule H.10 whereas those of class D buildings are specified under Schedule H.9.

Schedule H.10 - Livestock, poultry, and animal husbandry facilities

Fire and explosion risk class of building of fire compartment

Maximum height of building 1), m

Fire resistance category

Fire risk level of structures

Maximum area of a storey within a fire compartment, m2

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Two-storey building

Three-storey building or more

C

36

I, II

S0

Any

25 000

10 400

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



III

S0

25 000

10 400

5 200

12

IV

S0, S1

25 000

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

12

IV

S2, S3

2 600

2 000

-

8

V

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1 200

-

-

E

36

I, II

S0

Any

18

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S0

Any

50 000

15 000

18

III

S1

Any

25 000

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



12

IV

S0, S1

Any

25 000

7 800

12

IV

S2, S3

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7 800

-

8

V

No regulations

2 600

1 500

-

1) Building height under this Schedule is calculated from floor of the first storey to ceiling of the topmost storey, including mechanical floor; if elevation of the ceilings vary, average values shall be used. Only above-ground storeys are included for the purpose of determining number of storeys. Single-storey buildings with fire risk level of S0 and S1 shall not be limited in terms of height.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NOTE 2: The “-“ symbol in the schedule indicates that a building with fire resistance category matching that on the same row is not allowed to have the same number of storey matching that on the same column.

H.5 Warehouses

H.5.1 Fire resistance category, fire risk level of structures, maximum height of building, and storey area within a fire compartment of warehouses (F5.2) depend on fire and explosion risk classes and are specified under Schedule H.11.

Schedule H.11 - Warehouses

Fire and explosion risk class of building of fire compartment

Maximum height of building 1), m

Fire resistance category

Fire risk level of structures

Maximum area of a storey within a fire compartment, m2

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Two-storey building

Three-storey building or more

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



No regulations

I, II

S0

5 200

-

-

No regulations

III

S0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

-

No regulations

IV

S0

3 600

-

-

No regulations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S2, S3

75 2)

-

-

B

18

I, II

S0

7 800

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3 500

No regulations

III

S0

6 500

-

-

No regulations

IV

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5 200

-

-

No regulations

IV

S2, S3

75 2)

-

-

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



36

I, II

S0

10 400

7 800

5 200

24

III

S0

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5 200

2 600

No regulations

IV

S0, S1

7 800

-

-

No regulations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S2, S3

2 600

-

-

No regulations

V

No regulations

1 200

-

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



E

Any

I, II

S0

Any

10 400

7 800

36

III

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Any

7 800

5 200

12

IV

S0, S1

Any

2 200

-

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



IV

S2, S3

5 200

-

-

9

V

No regulations

2 200

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



-

1) Building height under this Schedule is calculated from floor of the first storey to ceiling of the topmost storey, including mechanical floor; if elevation of the ceilings vary, average values shall be used. Only above-ground storeys are included for the purpose of determining number of storeys. S0 single-storey buildings with fire resistance category of I, II, and III are not limited in terms of height. Single-storey buildings with fire resistance category of IV with fire risk level of S0, S1 must not be taller than 25 m, fire risk level of S2, S3 must not be taller than 18 m (where height is determined from floor surface to the lower edge of load bearing structures of the roof)

2) Mobile buildings

NOTE 1: The “-“ symbol in the schedule indicates that a building with fire resistance category matching that on the same row is not allowed to have the same number of storey matching that on the same column.

NOTE 2: If a class C or class E warehouse with fire resistance category of I and fire risk level of S0 does not satisfy height or fire compartment area requirements corresponding to their scale, the latest edition of NFPA 5000 or equivalent standards are allowed for the purpose of determining height and maximum storey area within a fire compartment corresponding to fire-resistance rating of structures, structural elements, and other conditions. Fire-resistance rating of structures and structural elements in this cast must not be lower than the values under Schedule 4 in regard to buildings with fire resistance category of I.

H.5.2 In regard to warehouses where work platforms, supporting frames, and mezzanines are located, the number of storeys and storey area within a fire compartment shall be determined in the same manner as manufacturing facilities as stated under H.4.1. If openings are located on floors between storeys, total area of these storeys must not exceed values under Schedule H.10.

H.5.3 If the entire building is equipped with automatic extinguishing measure, floor area within a fire compartment can be increased up to two times the original values specified under Schedule H.11, except for buildings with fire resistance category of IV and V.

If warehouses are located in manufacturing facilities, warehouse floor area within a fire compartment and their height (number of storeys) must not exceed values under Schedule H.11.

H.5.4 Maximum area within a fire compartment of the first storey of multistorey warehouses can be determined in accordance with regulations applicable to singe-storey buildings if floor of the second storey is type 1 fire-resistance-rated floor.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



H.5.6 Warehouses of finished wood products are limited to only one storey with minimum fire resistance category of IV and fire risk level of structure of S0 and S1.

Fire resistance category, fire risk level of structure, and storey area within a fire compartment of warehouses of finished word products are prescribed under Schedule H.12.

If warehouses of finished wood products are equipped with automatic extinguishing measures, storey area within a fire compartment can be increased up to two times the values under Schedule H.12 except for buildings with fire resistance category of IV and any fire risk level and buildings with fire resistance category V. In this case, intensity and area serving calculation of amount of water or foaming agents must be increased by 10 %.

Schedule H.12 - Warehouses of finished wood products

Class of building

Fire resistance category

Fire risk level of structures

Maximum area of a storey contained in a fire compartment, m2

C

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S0

9 600

IV

S0, S1

4 800

IV

S2, S3

2 400

V

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1 200

H.6 Calculation of fire compartment area

H.6.1 Buildings and fire compartments must have dimensions that fit their fire resistance category, fire risk level of structures, fire risk category by function, fire risk classes of technology lines in the buildings or fire compartments.

H.6.2 Fire compartment area shall be the largest area of a storey within a fire compartment.

Area of a storey within a fire compartment shall be area of floorspace limited by surrounding walls and/or type 1 fire-resistance-rated walls. This area shall be determined in a manner that complies with the following requirements:

- Area of a storey within a fire compartment shall be determined by inner circumference of surrounding walls of the storey and not include area of stairwells, unless otherwise specified. If surrounding walls are partially or entirely missing, the area above shall equal floor area;

- Area of a storey within a fire compartment of buildings connected via enclosed walkways, tunnels, or enclosed corridors must be determined by the sum of area of connected storeys and area of enclosed walkways, tunnels, or enclosed corridors;

- If openings are located on the floor of manufacturing and storage facilities (F5.1, F5.2, and F5.3), area of a storey within a fire compartment shall equal the sum of area of storeys connected by the openings.

- If ramps of enclosed parking garages are not physically separated, area of a storey within a fire compartment shall equal the sum of area of storeys connected by non-separated ramps;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If open staircases, escalators, atriums, and other occupancies are located in multi-storey spaces of F1.1, F1.2, F2 through F4 buildings, area of a storey within a fire compartment shall equal the sum of area of the bottommost storey of the multi-storey spaces and area of corridors, walkways, rooms of storeys above the multi-storey spaces within the space separated by type 1 fire-resistance-rated partitions. If multi-storey spaces are not physically separated from adjacent corridors and rooms by type 1 fire-resistance-rated partitions (even when substitutes such as fire curtains, drenchers, and similar devices are installed), area of a storey within a fire compartment shall equal the sum of area of corresponding storeys.

If multiple requirements above are combined, the least favorable storey area and building height shall prevail for buildings with corresponding fire risk level of structures.

If fire resistance category and fire risk level of structure cannot be determined, fire resistance category of V and fire risk level of structure of S3 shall serve as the basis for determining other fire safety requirements (fire separation distances and so on).

 

 

ATTACHED FILE

 

 

;

Thông tư 06/2022/TT-BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu: 06/2022/TT-BXD
Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
Người ký: Lê Quang Hùng
Ngày ban hành: 30/11/2022
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [1]
Văn bản được dẫn chiếu - [3]
Văn bản được căn cứ - [4]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [1]

Văn bản đang xem

Thông tư 06/2022/TT-BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [7]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [1]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…