VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 139/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2021 |
Sáng ngày 18 tháng 5 năm 2021, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc về tình hình, kết quả công việc của Bộ Xây dựng, những nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Xây dựng và đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo, ý kiến thảo luận của các đồng chí dự họp và phát biểu của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:
Biểu dương Bộ Xây dựng đã có báo cáo đầy đủ, khá toàn diện về các kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
- Bộ Xây dựng đã kế thừa những thành quả và phát huy truyền thống của ngành Xây dựng trong nhiều thập kỷ qua, là ngành có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, các thành tích của Bộ Xây dựng đã được Đảng, Nhà nước đánh giá, ghi nhận. Bộ Xây dựng đã coi trọng và tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, tích cực góp phần hoàn thiện xây dựng nhà nước pháp quyền, phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển đất nước. Trong các năm qua, ngành Xây dựng đã thể hiện được tầm vóc lớn mạnh, các cán bộ, kỹ sư và công nhân Việt Nam đã khẳng định sự thành công đối với các công trình lớn tầm quốc tế từ khâu thiết kế đến tổ chức thi công, sản xuất vật liệu xây dựng đa dạng, cao cấp cung ứng trong nước và xuất khẩu.
- Về quản lý quy hoạch kiến trúc có nhiều cố gắng, đã làm tốt thời gian vừa qua, cần tiếp tục phát huy hơn nữa.
- Về quản lý phát triển đô thị đã tập trung thực hiện theo quy hoạch và kế hoạch đạt kết quả tích cực; chất lượng đô thị được nâng cao, hệ thống đô thị phát triển, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội đã được quan tâm, coi trọng, đầu tư phát triển. Đô thị đã trở thành động lực và góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội;
- Quản lý hoạt động xây dựng được quan tâm, nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
- Về phát triển nhà ở, trong nhiều năm qua đạt được kết quả tương đối khả quan, nhất là trong thời gian gần đây.
Các nguyên nhân cơ bản để có thành tích nêu trên, đó là:
- Ngành Xây dựng đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực trong toàn ngành của cán bộ, công chức, viên chức người lao động; nhất là sự tâm huyết, trách nhiệm, đoàn kết của các thế hệ, thế hệ sau kế thừa các thế hệ trước để phát huy có hiệu quả.
- Bộ Xây dựng đã chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn hiệu quả.
- Bộ Xây dựng là Bộ quản lý đa ngành đa lĩnh vực, đã thực hiện phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành các địa phương để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Về phân cấp quản lý nhà nước và cải cách thủ tục hành chính là một điểm mạnh của Bộ Xây dựng trong thời gian qua, thời gian tới cần làm mạnh hơn, tiếp tục phân cấp nhiều hơn cho địa phương.
Thống nhất với Báo cáo của Bộ Xây dựng về hạn chế, tồn tại. Trong đó, lưu ý thể chế và cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, cần có đổi mới hơn nữa để hoàn thiện công cụ quản lý hiệu quả hơn. Cần đổi mới tư duy phân cấp trong xây dựng thể chế và cơ chế chính sách, cụ thể:
- Công tác quy hoạch cũng đạt được một số kết quả, nhưng để thành một chủ trương lớn về đổi mới tư tưởng quy hoạch, xây dựng theo quy hoạch hiệu quả, cần nâng cao nhận thức, tập trung xây dựng thể chế cho quy hoạch, cụ thể hóa và phải có quy hoạch xứng tầm với phát triển của nền kinh tế, văn hóa và trình độ năng lực của đất nước, phù hợp với xu thế và tư tưởng quy hoạch của thời đại. Tư tưởng quy hoạch phải là tư tưởng lớn và có tầm nhìn dài hạn, phải khắc phục được những nhược điểm trước mắt, trong đó có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở,…tại đô thị và nông thôn.
- Về phát triển đô thị và quản lý phát triển đô thị đã có nhiều đổi mới tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, cần thực hiện bài bản và đúng tầm hơn. Phát triển đô thị phải dựa trên nền tảng của xã hội và tự nhiên, đáp ứng nhu cầu xã hội và xu thế phát triển của thế giới. Phát triển đô thị phải hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, xanh, sinh thái, văn minh, an toàn, hướng đến đô thị thông minh, thích ứng và chống chịu biến đổi khí hậu.
- Công tác thanh tra kiểm tra giám sát trong quản lý xây dựng cần thực hiện bài bản hơn, tập trung những việc lớn, còn lại phân cấp cho thanh tra chuyên ngành cấp tỉnh để thực hiện và phân cấp tiếp cho thanh tra chuyên ngành cấp huyện. Bộ Xây dựng tập trung xây dựng thể chế, chính sách cụ thể về phân cấp thanh tra nêu trên.
- Thị trường bất động sản chưa thật sự được kiểm soát, chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở một cách hài hòa, hợp lý; chưa quan tâm đúng mức phân khúc nhà ở của người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế. Phải có chuyển động mới, tư duy mới để phát triển nhà ở, đẩy mạnh quan tâm nhà ở của người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế. Phải có chính sách, thể chế để giải phóng nguồn lực rất lớn từ các khu chung cư cũ,…đồng thời với nâng cao nhận thức và hành động của các cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
- Quản lý đô thị ở các địa phương còn bất cập, trình tự thủ tục hành chính còn nhiều, cản trở phát triển, vừa qua đã có nhiều thay đổi nhưng còn lúng túng, khó khăn; cần phải tăng cường, nâng cao năng lực quản lý, trước hết là phải chuyển đổi tư duy, nhận thức để chuyển đổi hành động và thực hiện.
- Hệ thống hạ tầng đã được quan tâm tập trung đầu tư; tuy nhiên, còn nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị hiện đại như: hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, rác thải đô thị, khu công nghiệp.
3. Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
a) Cơ bản thống nhất với Bộ Xây dựng về 10 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung chỉ đạo 3 nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong thời gian tới là:
- Tiếp tục rà soát việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật để tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương.
- Tập trung cho công tác quản lý phát triển đô thị.
- Đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản; nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.
b) Bộ Xây dựng cần bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng của các địa phương, Chương trình hành động của Chính phủ đã ban hành, đồng thời bám sát vào xu thế phát triển của thời đại để đổi mới tư duy, cụ thể hóa trong việc xây dựng Chương trình hành động của Bộ Xây dựng, trên cơ sở dự báo những xu hướng phát triển chung của đất nước, huy động được nguồn lực, phát huy thế mạnh của ngành để phát triển nhanh, bền vững. Nhanh chóng chuyển đổi trạng thái khi có tình hình biến động, kể cả trong tư duy phát triển và hành động. Phải quyết tâm thay đổi tư duy, phương pháp làm việc, quán triệt nguyên tắc, phương châm chỉ đạo và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rà soát lại chức năng nhiệm vụ trong tổ chức, bộ máy để một việc do một người thực hiện và chịu trách nhiệm và một người thì có thể làm nhiều việc. Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai:
- Phải có tư duy phương pháp luận và cách tiếp cận vấn đề theo tình hình thực tiễn mới, trước hết phải thay đổi nhận thức để nâng tầm tư duy và có phương pháp luận có cách tiếp cận mới, phù hợp với điều kiện mới trong việc rà soát vướng mắc đối với những vấn đề tồn đọng nhiều năm chưa được giải quyết.
- Hoàn thiện thể chế toàn diện đối với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành Xây dựng theo hướng tăng cường quản lý nhà nước thống nhất bảo đảm hiệu lực, hiệu quả đúng chức năng, vị trí, quyền hạn. Khắc phục những yếu kém, ưu tiên chính sách cho những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần phát triển; Tập trung xây dựng chính sách ưu tiên: sửa đổi Luật Quy hoạch đô thị phải gắn với quy hoạch nông thôn; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Cấp thoát nước; Luật Quản lý không gian ngầm; quy định chặt chẽ hơn nhưng theo hướng phân cấp về điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị; các văn bản quy phạm pháp luật khác còn vướng mắc, chồng chéo…
- Coi trọng và ưu tiên công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc, phải thay đổi tư duy, nhận thức đối với cả hệ thống quản lý hành chính Nhà nước các cấp. Công tác chỉ đạo quy hoạch xây dựng phải là chủ động của Nhà nước, quy hoạch xây dựng cần có tầm nhìn dài hạn, bài bản; khắc phục bằng được chất lượng và tiến độ lập quy hoạch xây dựng; chồng chéo, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện. Các bộ, ngành, người đứng đầu ở các địa phương phải ưu tiên, tăng cường về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quy hoạch xây dựng, ưu tiên bố trí, huy động đủ kinh phí để thực hiện hiệu quả quy hoạch.
- Ưu tiên, tập trung công tác quản lý phát triển đô thị để trở thành động lực và là một ngành kinh tế quan trọng. Phải ưu tiên xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển đô thị, tạo nguồn lực từ đô thị để tái đầu tư phát triển đô thị, xây dựng và quản lý phát triển đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh, có chiến lược lâu dài, bao gồm cả gắn kết đồng bộ hạ tầng đô thị và nông thôn.
- Bộ Xây dựng tập trung xây dựng và thực hiện Chiến lược Nhà ở quốc gia trong giai đoạn mới dựa trên quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của vùng, của khu vực, gắn với thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội. Chiến lược nhà ở quốc gia phải gắn với phát triển nhà ở xã hội hài hòa, hợp lý; tập trung nghiên cứu và đề xuất cơ chế mua và thuê mua nhà ở; ai làm tốt nhất thì phân cấp giao quyền; coi trọng hơn nữa đối với người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình và nhất là người yếu thế trong xã hội. Tập trung phát triển nhà ở và điều tiết bằng quản lý nhà nước thông qua cơ chế, chính sách, trong đó phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế thuế đối với việc đầu cơ bất động sản.
- Xây dựng Chiến lược phát triển sử dụng vật liệu xây dựng mới, gắn với nguồn tài nguyên của đất nước; ưu tiên phát triển lĩnh vực vật liệu xây dựng tiên tiến, thân thiện với môi trường.
- Thực hiện hiệu quả huy động nguồn lực xây dựng theo phương thức hợp tác công tư, bảo đảm được nguồn lực và công bằng xã hội; cần khẩn trương rà soát và hoàn thiện chính sách hợp tác công tư theo 3 hình thức: Đầu tư tư, sử dụng công; đầu tư công, quản trị tư; đầu tư công và quản lý tư. Hợp tác công tư phải gắn với thực tiễn, linh hoạt, bảo đảm hiệu quả.
- Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, tiếp tục phân cấp nhiều hơn cho địa phương theo nguyên tắc: Việc gì biết thì mới quản lý; đồng thời với tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra; nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu quản lý.
- Chú trọng công tác xây dựng Đảng; tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; nắm vững 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; 5 phương thức lãnh đạo của Đảng; tập trung thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW Đại hội XII; xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính nhất là thủ tục hành chính, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là hai trong ba đột phá chiến lược thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. Xây dựng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có trách nhiệm cao, đủ bản lĩnh, đảm bảo năng lực thực thi và hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
- Coi trọng công tác truyền thông, tuyên truyền chính sách và tuyên truyền xây dựng ngành, đây là việc rất quan trọng. Không để xảy ra khủng hoảng truyền thông ảnh hưởng đến hoạt động của ngành.
4. Về các kiến nghị cụ thể của Bộ Xây dựng:
Cơ bản đồng ý các kiến nghị, đề xuất của Bộ Xây dựng tại Báo cáo số 47/BC-BXD ngày 11 tháng 5 năm 2021. Giao Bộ Xây dựng chủ trì, chủ động phối hợp với các các Bộ, ngành liên quan và Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách ngành:
- Về đề nghị chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo giữa Bộ Xây dựng và các bộ, ngành khác: Bộ Xây dựng rà soát kỹ chức năng, nhiệm vụ, đề xuất điều chỉnh để khắc phục tình trạng chồng chéo về quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng thay thế Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17/7/20217 của Chính phủ, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và thống nhất trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, trình thẩm định phê duyệt theo quy định. Trong quá trình thực hiện, Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ và các Bộ liên quan rà soát cụ thể việc xử lý các vấn đề vướng mắc, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng với các Bộ liên quan, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Về đề nghị Chính phủ xem xét, sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 để kịp thời khắc phục những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong quá trình sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ (Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 11 tháng 5 năm 2021), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 5 năm 2021.
- Về đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo bố trí đủ biên chế cho Bộ Xây dựng theo quy định: Đồng ý bổ sung đủ biên chế cho Bộ Xây dựng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ để xây dựng vị trí việc làm, miêu tả khung năng lực và xác định biên chế của Bộ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Xây dựng và các Bộ biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Thông báo 139/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc về tình hình, kết quả công việc của Bộ Xây dựng, những nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 139/TB-VPCP |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Người ký: | Nguyễn Cao Lục |
Ngày ban hành: | 31/05/2021 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 139/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc về tình hình, kết quả công việc của Bộ Xây dựng, những nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chưa có Video