Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 830/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG NAM HÀ TĨNH - BẮC QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm:2001;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Xét đề nghị của Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi, ranh giới quy hoạch:

a) Phạm vi nghiên cứu:

Tổng diện tích tự nhiên quy hoạch toàn vùng là: 611.939 ha. Trong đó diện tích tự nhiên vùng Nam Hà Tĩnh 294.180 ha, diện tích tự nhiên vùng Bắc Quảng Bình là 317.759 ha.

b) Ranh giới lập quy hoạch:

Ranh giới lập quy hoạch vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình gồm 03 huyện của tỉnh Hà Tĩnh (huyện Kỳ Anh, huyện Hương Khê, huyện Cẩm Xuyên) và 03 huyện và 01 thị xã của tỉnh Quảng Bình (huyện Quảng Trạch, huyện Tuyên Hóa, huyện Minh Hóa và thị xã Ba Đồn).

- Phía Bắc giáp các huyện Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh - tỉnh Hà Tĩnh.

- Phía Nam giáp huyện Bố Trạch - tỉnh Quảng Bình.

- Phía Tây giáp biên giới Việt - Lào.

- Phía Đông giáp Biển Đông.

2. Thời hạn lập quy hoạch: Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2020, giai đoạn dài hạn đến năm 2030.

3. Mục tiêu quy hoạch:

- Cụ thể hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung Bộ, các chiến lược phát triển ngành và quốc gia, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình.

- Tạo ra một không gian liên kết kinh tế tại khu vực Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình. Đáp ứng các yêu cầu về an ninh, quốc phòng của quốc gia và khu vực.

- Định hướng tổ chức không gian đô thị cùng hệ thống cơ sở hạ tầng liên vùng gắn liền với các giải pháp bảo vệ môi trường phát triển bền vững.

4. Tính chất:

- Là vùng kinh tế tổng hợp, động lực phát triển của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, của vùng Bắc Trung Bộ, có tiềm năng lớn về phát triển cảng nước sâu và công nghiệp nặng; là đầu mối và cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy, trao đổi thương mại với nước bạn Lào thông qua cửa khẩu quốc gia Cha Lo.

- Là vùng giàu tiềm năng phát triển du lịch với các giá trị đặc biệt về cảnh quan thiên nhiên và nền văn hóa đa dạng giàu bản sắc của nhiều dân tộc anh em.

- Là vùng có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng của quốc gia.

5. Dự báo quy mô phát triển:

a) Dân số:

- Dự báo dân số toàn vùng đến năm 2020 khoảng 900.000 người, trong đó dân số đô thị là 325.000 người.

- Dự báo dân số toàn vùng đến năm 2030 khoảng 1.200.000 người, trong đó dân số đô thị là 550.000 người.

b) Đất đai:

- Dự báo quy mô đất xây dựng đô thị và các khu động lực phát triển kinh tế đến năm 2020 khoảng 13.043 ha (trong đó đất xây dựng đô thị là 5.319 ha), đến năm 2030 khoảng 26.283 ha (trong đó đất xây dựng đô thị là 9.255 ha).

- Dự báo quy mô đất xây dựng các khu dân cư nông thôn đến năm 2020 khoảng 8.625 ha, đến năm 2030 khoảng 7.150 ha.

6. Định hướng phát triển không gian vùng:

- Vùng đồng bằng ven biển bao gồm các huyện: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh; huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn thuộc tỉnh Quảng Bình, Khu vực này tập trung phát triển các ngành phục vụ phát triển kinh tế biển như: Công nghiệp nặng, sản xuất thép, nhiệt điện, hóa dầu, đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến hải sản, công nghiệp đa ngành... Xây dựng cụm cảng nước sâu; đầu tư phát triển du lịch biển và du lịch văn hóa; đồng thời hình thành các vùng ngư nghiệp, khai thác và chế biến thủy hải sản.

- Vùng trung du miền núi bao gồm: Các huyện Hương Khê thuộc tỉnh Hà Tĩnh, huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa thuộc tỉnh Quảng Bình. Trọng tâm của vùng là Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo và các đô thị Hương Khê, Hóa Tiến, Đồng Lê, Quy Đạt, Cha Lo - Bái Dinh.... Khu vực tập trung công nghiệp khai khoáng, công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng, dịch vụ thương mại, du lịch làm động lực phát triển. Đồng thời chú trọng phát triển kinh tế nông lâm theo hướng hiệu quả bền vững gắn liền với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nông thôn.

- Các trục phát triển kinh tế theo hướng Bắc Nam: Quốc lộ 1A gắn kết các đô thị động lực bao gồm: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hoành Sơn, Quảng Phương, Ba Đồn; đường ven biển gắn kết các đô thị động lực bao gồm Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Hòn La; đường Hồ Chí Minh gắn kết các đô thị động lực gồm Hương Khê, La Khê, Hóa Tiến.

- Các trục phát triển kinh tế theo hướng Đông Tây: Quốc lộ 12A, 12C, nối Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo với Khu kinh tế cảng biển Vũng Áng và Hòn La, quốc lộ 12C gắn kết các đô thị động lực Cha Lo - Bái Dinh, Hóa Tiến, Đồng Lê, Kỳ Lâm, Hoành Sơn; quốc lộ 12A, nối kết các đô thị động lực Cha Lo - Bái Dinh, Hóa Tiến, Đồng Lê, Tiến Hóa, Hòn La, Ba Đồn.

7. Định hướng phát triển hệ thống đô thị và dân cư nông thôn:

a) Định hướng phát triển hệ thống đô thị:

Định hướng đến năm 2030, hệ thống đô thị vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình sẽ có khoảng 18 đô thị được phân bổ tại 02 vùng như sau:

- Vùng Nam Hà Tĩnh dự kiến có khoảng 10 đô thị gồm:

+ Phát triển 04 đô thị hiện có: Đô thị Cẩm Xuyên và đô thị Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên; đô thị Hương Khê, huyện Hương Khê; đô thị Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh.

+ Hình thành mới 06 đô thị: Các đô thị Voi, Kỳ Đồng, Kỳ Lâm, Kỳ Ninh, Hoành Sơn thuộc huyện Kỳ Anh; đô thị La Khê, huyện Hương Khê.

- Vùng Bắc Quảng Bình dự kiến có 08 đô thị bao gồm:

+ Phát triển 03 đô thị hiện có: Đô thị Ba Đồn; đô thị Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa; đô thị Quy Đạt, huyện Minh Hóa.

+ Hình thành mới 05 đô thị: Đô thị Quảng Phương và Hòn La, huyện Quảng Trạch; đô thị Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa; đô thị Cha Lo - Bãi Dinh và Hóa Tiến, huyện Minh Hóa.

b) Định hướng phát triển hệ thống điểm dân cư nông thôn:

Định hướng tổ chức hệ thống dân cư nông thôn được bố trí trên cơ sở các định hướng về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế toàn vùng cũng như hiện trạng phân bố dân cư. Các điểm dân cư nông thôn được kết nối giao thông với các tuyến đường liên xã, liên vùng đáp ứng yêu cầu sinh sống và sản xuất của người dân theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

8. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội:

a) Định hướng hệ thống dịch vụ thương mại vùng:

- Trung tâm thương mại cấp Vùng: Phân bổ vào 03 vị trí; cửa khẩu Cha Lo; đô thị Hoành Sơn thuộc khu kinh tế Vũng Áng; đô thị Hòn La thuộc khu kinh tế Hòn La.

- Trung tâm thương mại cấp khu vực: Tại đô thị Kỳ Anh (Nam Hà Tĩnh) và đô thị Ba Đồn (Bắc Quảng Bình).

- Trung tâm thương mại cấp huyện: Xây dựng và hoàn chỉnh mạng lưới chợ huyện, và xã.

b) Định hướng hệ thống du lịch vùng:

Tổng quỹ đất dành cho phát triển du lịch vùng dự kiến đến năm 2030 khoảng 5340 ha với các không gian du lịch chủ yếu như sau:

- Vùng du lịch biển đảo gắn với các khu vực ven biển Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Đèo Con (vùng Nam Hà Tĩnh), Hòn La, Ba Đồn (vùng Bắc Quảng Bình) với các loại hình du lịch biển, du lịch mạo hiểm.

- Vùng du lịch sinh thái gắn với các vùng bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang, Kẻ Gỗ (vùng Nam Hà Tĩnh), Phong Nha Kẻ Bàng (Bắc Quảng Bình) và hệ thống các sông và hồ lớn như các sông Rào Cái, Ngàn Sâu, Rào Trổ... các hồ như Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên, Rào Trổ, Sông Rác... suối nước khoáng tại Sơn Kim (vùng Nam Hà Tĩnh), các sông Gianh, sông Roòn... và các hồ Vực Tròn, Tiên Lãng, Sông Thai (vùng Bắc Quảng Bình).

- Các khu vực phát triển du lịch văn hóa tâm linh gắn với các di tích và các địa danh lịch sử gắn với các danh nhân văn hóa tại các địa phương trong vùng.

c) Định hướng hệ thống công nghiệp vùng:

Tổng quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp toàn vùng dự kiến đến năm 2030 khoảng 7.670 ha. Tập trung chủ yếu ở các trung tâm phát triển công nghiệp sau:

- Trung tâm công nghiệp Vũng Áng: Công nghiệp đa ngành, công nghiệp nặng, nhiệt điện, sản xuất thép, lọc hóa dầu, cảng và dịch vụ hậu cảng.

- Trung tâm công nghiệp Hòn La: Nhiệt điện, đóng tàu, cơ khí sửa chữa, chế biến hải sản, cảng biển.

- Trung tâm công nghiệp xi măng: Tập trung các nhà máy xi măng tại Văn Hóa, Phong Hóa, Tiến Hóa.

- Ngoài ra còn có các cụm công nghiệp: Bắc Cẩm Xuyên, Hương Khê và Cha Lo.

d) Định hướng hệ thống hạ tầng xã hội vùng:

- Các trung tâm giáo dục và đào tạo:

+ Trung tâm đào tạo cấp Vùng: Thực hiện theo Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020. Xây dựng Trường Đại học Hà Tĩnh tại khu vực phía Bắc huyện Cẩm Xuyên. Xây dựng các trường dạy nghề, cao đẳng và trung tâm nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ tại đô thị Hoành Sơn thuộc Khu kinh tế Vũng Áng.

+ Trung tâm đào tạo cấp khu vực: Xây dựng các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp dạy nghề tại đô thị Ba Đồn và Hòn La.

+ Trung tâm đào tạo cấp huyện: Tại trung tâm huyện lỵ các huyện trong vùng phấn đấu ít nhất có 1 cơ sở đào tạo nghề, kết hợp phát triển mạnh hệ thống giáo dục phổ thông.

- Các trung tâm y tế:

+ Trung tâm y tế cấp Vùng: Xây dựng trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa cấp Vùng tại đô thị Hoành Sơn thuộc Khu kinh tế Vũng Áng,

+ Trung tâm y tế cấp khu vực: Xây dựng trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa cấp khu vực tại đô thị Kỳ Anh (vùng Nam Hà Tĩnh) và đô thị Ba Đồn (vùng Bắc Quảng Bình).

+ Trung tâm y tế cấp huyện: Xây dựng và hoàn chỉnh mạng lưới bệnh viện đa khoa huyện, trạm y tế, xã, cụm xã theo quy định.

- Các trung tâm văn hóa:

+ Tài khu vực Hồng Hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo có thể xây dựng làng văn hóa, bảo tàng các dân tộc ít người trong vùng bao gồm các dân tộc Bru, Chứt, Mã Liềng, Thổ, Tày, Mường, Arem, Thái, Nùng, M’Nông, Tà Ôi, Ê Đê, Khơ Me, Xơ Đăng, Sách, Vân Kiều.

+ Tại đô thị Hoành Sơn trong Khu kinh tế Vũng Áng và đô thị Ba Đồn sẽ xây dựng trung tâm văn hóa cấp Vùng với quy mô đất đai theo quy hoạch được duyệt.

+ Tại các huyện lỵ các huyện trong Vùng xây dựng và hoàn chỉnh các thiết chế văn hóa cấp huyện, xã, thôn. Đặc biệt quan tâm đến nhà văn hóa, hội quán của thôn với quy mô tối thiểu > 500 m2/nhà văn hóa thôn.

- Các trung tâm thể dục thể thao:

+ Tại đô thị Hoành Sơn xây dựng trung tâm khu liên hợp thể dục thể thao theo tiêu chuẩn cấp Vùng với quy mô tương đương với trung tâm thể thao cấp tỉnh.

+ Xây dựng các trung tâm thể thao tại các đô thị lớn trong vùng như đô thị Ba Đồn, Kỳ Anh nhằm đáp ứng nhu cầu thể thao trong vùng. Xây dựng các trung tâm thể thao gắn kết với các khu vực có tiềm năng về du lịch, dịch vụ nhằm khai thác và quảng bá tiềm năng du lịch của vùng.

+ Xây dựng mạng lưới công trình sân bãi thể dục thể thao kết hợp với các trung tâm văn hóa cấp huyện. Các sân tập thể thao cấp xã quy mô từ 5.000 - 10.000 m2.

9. Định hướng phát triển các vùng nông nghiệp, lâm nghiệp:

Tổng quỹ đất phát triển các vùng nông nghiệp khoảng 68.000 - 70.000 ha và vùng lâm nghiệp khoảng 430.000 - 440.000 ha.

- Phát triển lâm nghiệp theo hướng bảo vệ, gìn giữ và phát triển tài nguyên rừng, đẩy mạnh trồng rừng kinh tế đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, chú trọng trồng rừng phòng hộ, rừng sinh thái, cảnh quan.

- Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị từ tiềm năng thế mạnh hiện đại về nền nông nghiệp và các ngành phụ trợ. Tạo mô hình mới về phát triển tổng hợp nông nghiệp và nông thôn; tăng khả năng chống chịu với thiên tai và biến đổi khí hậu; đảm bảo phù hợp với các quy hoạch và chiến lược phát triển nông, lâm nghiệp đã được phê duyệt.

10. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng:

a) Định hướng phát triển giao thông:

* Đường bộ:

- Trục dọc Bắc - Nam:

+ Đường Hồ Chí Minh: Đoạn đi qua khu vực lập quy hoạch có chiều dài khoảng 118 km, hướng tuyến và quy mô mặt cắt ngang thực hiện theo Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh.

+ Tuyến đường bộ ven biển: Đoạn đi qua khu vực lập quy hoạch có chiều dài khoảng 106 km (qua huyện Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn) tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng 2 làn xe, sau năm 2020 sẽ trở thành quốc lộ ven biển quy mô 4-6 làn xe.

+ Đường quốc lộ 1A: Đoạn đi qua khu vực lập quy hoạch có chiều dài khoảng 105 km, hoàn thành nâng cấp mở rộng tuyến hiện có, đạt quy mô 4 làn xe cơ giới, các tuyến tránh qua các đô thị và khu kinh tế xây dựng theo quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu kinh tế được phê duyệt.

+ Đường bộ cao tốc Bắc Nam: Đoạn đi qua khu vực lập quy hoạch có chiều dài khoảng 93 km, hướng tuyến, quy mô mặt cắt ngang thực hiện theo Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 21 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

+ Tuyến Tùng Ảnh - Khe Gạo: Tuyến dựa trên tỉnh lộ 17, tỉnh lộ 22 và tuyến nối mới từ tỉnh lộ 17 với tỉnh lộ 22. Quy mô toàn tuyến dự kiến đường cấp III miền núi. Giai đoạn sau năm 2020 dự kiến thành một phần tuyến đường cao tốc Bắc - Nam.

+ Tuyến quốc lộ 15, 15B: Hướng tuyến, quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật tuân thủ theo Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030.

+ Tuyến tuần tra biên giới: Đoạn tuyến tuần tra biên giới Việt - Lào với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 95 km, tuyến cách biên giới từ 1 km - 10 km.

- Trục ngang Đông - Tây:

+ Tuyến quốc lộ 12A, 12C: Hướng tuyến, quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật tuân thủ theo Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030.

+ Hệ thống đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh: Danh mục, hướng tuyến, quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh trong vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình tuân thủ theo Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh.

+ Tuyến Cửa Nhượng - Mốc N9: Tổng chiều dài toàn tuyến là 92,6 km, đoạn từ Thiên Cầm - Cẩm Xuyên đạt tiêu chuẩn đường cấp II, 4 làn xe; đoạn từ thị trấn Cẩm Xuyên đến Ngã ba Thành Thình đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe; đoạn từ Thành Thình đến mốc N9 đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, quy mô 2 làn xe.

+ Tuyến đường liên tỉnh: Đây là tuyến được quy hoạch mới nhằm nâng cao khả năng kết nối giữa 2 tỉnh theo trục ngang, điểm đầu của tuyến tại Tân Ấp, tuyến đi theo hướng tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ, nối với quốc lộ ven biển tại xã Kỳ Bắc. Toàn tuyến dài 53,69 km, quy mô tuyến cấp IV miền núi.

- Hệ thống giao thông nội vùng:

+ Các tuyến đường nội tỉnh: Nâng cấp các tuyến đường tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp III, IV, đường huyện đạt tiêu chuẩn cấp IV, V.

+ Giao thông đô thị: Nâng cấp chất lượng hệ thống đường hiện có, xây dựng mới các tuyến đường đảm bảo về tỷ lệ và mật độ theo quy định. Các bến xe đối ngoại này bố trí tại các đô thị lớn, đầu mối giao thông quan trọng của trong vùng. Hệ thống bến xe liên, nội tỉnh bố trí tại các đô thị huyện lỵ, các đầu mối giao thông lớn của các huyện.

+ Đường giao thông nông thôn: Đến năm 2020: 100% các xã có đường giao thông đến trung tâm, tỷ lệ rải mặt đạt 50 - 60%, đến năm 2030 hầu hết các tuyến đạt tiêu chuẩn đường nông thôn mới, tỷ lệ rải mặt đạt >80%, các huyện vùng núi cao đến năm 2020 đạt 25%, đến năm 2030 đạt 40%.

* Đường sắt:

- Cải tạo nâng cấp: Tuyến đường sắt Bắc Nam qua địa bàn dài 124 km, khổ 1000 mm sẽ nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường sắt quốc gia cấp I. Nâng cấp ga Lạc Sơn và ga Lệ Sơn thành ga lập tàu cho 2 khu kinh tế Vũng Áng và Hòn La. Nâng cấp ga Gia Phố và ga Đồng Lê thành ga hỗn hợp. Nâng cấp các ga địa phương trong vùng như: Thanh Luyện, Chu Lễ, Gia Phố, Tân ấp, Đồng Chuối, Kim Lư, Ngọc Lâm, Lạc Sơn, Lê Sơn, Minh Lệ.

- Nghiên cứu lập quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua vùng.

- Xây dựng mới tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ: Toàn tuyến dài 119 km trong đó: Vũng Áng - Tân Ấp dài 62,8 km. Tân Ắp - Mụ Giạ dài 56,2 km.

* Đường thủy:

- Đường biển:

+ Hoàn thiện mở rộng các tuyến đường biển, nâng cấp theo quy hoạch được duyệt. Nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác an toàn, an ninh, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ trên biển.

+ Hệ thống cảng bao gồm: Cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương công suất, quy mô tuân thủ Quy hoạch chi tiết Khu bến cảng biển Sơn Dương - Vũng Áng giai đoạn đến năm 2020, định hướng 2030. Cụm cảng Hòn La - Quảng Trạch công suất, quy mô tuân thủ Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ.

- Đường sông:

+ Sông Gianh là đường vận tải thủy chính của vùng, tuyến có chiều dài 63,5 km từ cửa Gianh đến Đồng Lào, cấp I - III. Sông Rào Cái dài 37 km, duy tu bảo đảm cho tàu có mớn nước < 1m đi lại quanh năm. Sông Quyền dài 11 km: Duy tu và đặt báo hiệu cho tàu có mớn £ 1m đi lại quanh năm.

+ Hệ thống cảng bao gồm: Cảng nhà máy xi măng sông Gianh; cảng nhà máy xi măng Quảng Phúc; cảng Gianh; cảng xăng dầu sông Gianh.

b) Định hướng chuẩn bị kỹ thuật:

- Xây dựng cải tạo hệ thống hồ đầu nguồn (hồ Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên, sông Rác, Rào Trổ, Vực Tròn...) để từng bước kiểm soát lũ, cung cấp nước cho đời sống và các hoạt động canh tác, sản xuất cho vùng hạ lưu. Những khu vực xây dựng gần hồ chứa, đê đập phải tuân thủ quy định của Luật Đê điều.

- Xác định và cảnh báo các vùng có nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, ảnh hưởng của triều cường, bão biển, chấn động địa chất để có giải pháp di dân và kiểm soát các tai biến thiên nhiên. Khơi thông dòng chảy hệ thống sông suối và kênh mương thoát nước đáp ứng yêu cầu thoát lũ.

- Chọn cao độ xây dựng khống chế cho các đô thị tại những khu vực dự kiến phát triển phải tuân thủ theo quy định hiện hành. Tại các khu dân cư nông thôn: Cao độ xây dựng khống chế đối với công trình dân dụng > Hmax hàng năm; đối với công trình công cộng > Hmax hàng năm + 0,3 m.

- Những khu vực dự kiến xây mới có độ dốc địa hình > 10% cần chọn giải pháp thích hợp: San giật cấp, chỉ tạo mặt bằng lớn khi thật cần thiết.

- Việc thoát nước của toàn vùng quy hoạch chủ yếu dựa vào hệ thống sông Gianh, sông Ngàn Sâu, sông Rào Cái, sông Rào Trổ, sông Tiêm... và các sông nhánh, kênh đào khác. Đối với đô thị tiến tới sử dụng hệ thống thoát nước nửa riêng.

c) Định hướng cấp nước:

- Tổng nhu cầu sử dụng nước lớn nhất toàn vùng đến năm 2030 khoảng 700 triệu m3/năm (58,30 triệu m3/tháng).

- Nguồn cấp nước: Sử dụng nguồn nước mặt là chủ yếu, trong đó có hệ thống cấp nước hồ Rào Trổ là công trình cấp nước đảm bảo chia sẻ nguồn nước chung từ sông Rào Trổ. Có thể sử dụng nước mạch nông cho các nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

- Giải pháp cấp nước vùng: Tùy theo điều kiện cụ thể tại từng khu vực để có các giải pháp thiết kế hệ thống cấp nước phù hợp. Kết hợp việc xây dựng và khai thác các công trình hồ chứa thủy lợi với việc cấp nước sinh hoạt và sản xuất. Khuyến khích sử dụng giải pháp cấp nước liên vùng đối với những chùm đô thị có vị trí phù hợp và chia sẻ nguồn tài nguyên nước cho sự phát triển của vùng. Khu vực nông thôn chủ yếu áp dụng hình thức cấp nước quy mô vừa và nhỏ.

d) Định hướng cấp điện:

- Tổng nhu cầu dùng điện của vùng đến năm 2030 là 1235 MW.

- Nguồn điện và trạm phân phối: Tại khu vực Nam Hà Tĩnh sẽ xây dựng 05 nhà máy nhiệt điện tại Vũng Áng với tổng công suất 6300 MW, 01 trạm biến áp 500 kV, 01 trạm biến áp 220 kV, 03 trạm biến áp 110 kV và cải tạo nâng cấp 03 trạm 110 kV hiện có. Tại khu vực Bắc Quảng Bình xây dựng 02 nhà máy nhiệt điện tại Quảng Trạch với tổng công suất 2400 MW, 03 nhà máy thủy điện tại Minh Hóa với tổng công suất 43 MW, 02 trạm biến áp 220 kV, 06 trạm biến áp 110 kV và cải tạo nâng cấp 02 trạm 110 kV hiện có.

- Lưới điện: Dùng các lưới điện cao áp 500 kV, 220 kV, 110 kV. Giữ nguyên các tuyến đường dây cao thế 500 kV, 220 kV, 110 kV; trong đó xây dựng mới 03 tuyến đường dây 500 kV từ nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng, nhiệt điện Quỳnh Lập - nhiệt điện Vũng Áng 3, Vũng Áng 2 - Vũng Áng 3 - Quảng Trạch. Xây dựng 03 tuyến đường dây 220 kV từ Hà Tĩnh - Vũng Áng, Vũng Áng - Đồng Hới, Rẽ - Hòn La. Xây dựng mới và cải tạo các tuyến đường dây 110 kV với tổng chiều dài trong vùng là 473 km. Lưới được thiết kế đảm bảo có độ dự phòng cho phát triển ở giai đoạn quy hoạch kế tiếp, đảm bảo tiêu chuẩn N-1. Tất cả lưới điện truyền tải sử dụng dây nhôm lõi thép tiết diện đảm bảo ở các cấp điện áp 500 kV: ³ 4x330 mm2 (Dây dẫn phân pha x 4); 220 kV: ³ 400 mm2 (2x330 mm2 với dây dẫn phân pha); 110 kV: ³ 185 mm2. Lưới điện trung thế của vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình về lâu dài sử dụng cấp điện áp 22 KV. Tận dụng triệt để lưới điện hiện hữu còn khả năng cung cấp, cho duy trì lưới 35 KV, 10 KV và các trạm trung gian 35/10 KV.

đ) Định hướng thoát nước thải, thu gom xử lý chất thải rắn và nghĩa trang:

- Thoát nước thải:

+ Tổng lượng nước thải cần thu gom xử lý trong vùng quy hoạch đến năm 2030 là 1.169.300 m3/ngày đêm.

+ Giải pháp thoát nước vùng: Nước thải công nghiệp trước khi xả vào hệ thống đường ống nước thải phải được xử lý cục bộ đạt theo tiêu chuẩn quy định hiện hành. Nước thải bệnh viện phải xử lý, đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi xả ra môi trường bên ngoài. Đối với các khu vực mới phát triển thuộc đô thị loại III sử dụng hệ thống thoát nước thải riêng hoàn toàn. Với các đô thị loại III, IV, V, các thị trấn, trung tâm cụm xã, sử dụng hệ thống thoát nước nửa riêng. Sử dụng các đầm, hồ trong đô thị làm hồ sinh học để xử lý nước thải sau khi đó làm sạch trong điều kiện tự nhiên.

+ Các điểm dân cư nông thôn được xây dựng hệ thống thoát nước chung. Nước thải được xử lý qua bể tự hoại, sau đó xả vào hệ thống cống chung dẫn đến trạm xử lý tập trung hoặc ra hồ theo các tiêu chuẩn quy định.

- Thu gom xử chất thải rắn:

+ Tổng khối lượng chất thải rắn toàn vùng đến năm 2030 khoảng 3.880 tấn/ngày đêm.

+ Phân loại chất thải rắn tại nguồn sau đó chuyển đến các trạm trung chuyển, xử lý phân loại sơ bộ sau đó vận chuyển về khu xử lý chất thải rắn tập trung của từng khu vực. Công nghệ áp dụng được chọn lựa tùy theo loại hình chất thải rắn, môi trường nơi đặt khu vực xử và điều kiện đầu tư áp dụng công nghệ mới.

- Nghĩa trang:

Xây dựng, nâng cấp các nghĩa trang phục vụ các đô thị trong vùng với quy mô từ 0,5 - 10 ha, tùy thuộc quy mô dân số từng khu vực. Tại các khu vực dân cư nông thôn: Mỗi xã xây dựng 1 - 2 nghĩa trang tập trung quy mô khoảng 0,5 - 2 ha/nghĩa trang phục vụ địa bàn xã và vùng phụ cận.

e) Định hướng về bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường nguyên sinh tại các khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia như khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang, hồ Kẻ Gỗ (vùng Nam Hà Tĩnh), khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng (vùng Bắc Quảng Bình). Tăng cường quản lý và trồng rừng để chống xói lở và lũ quét, cải tạo đất trống đồi núi trọc phấn đấu độ che phủ của rừng đến năm 2030 đạt >75%. Bảo vệ và tăng cường độ che phủ rừng phòng hộ đầu nguồn trên các lưu vực sông và hồ chính như: Các sông Rào Cái, Rào Trổ, Ngàn Sâu... các hồ Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên, Sông Rác, Rào Trổ, Thượng Sông Trí, Kim Sơn... (vùng Nam Hà Tĩnh), các sông Gianh, Roòn... các hồ Vực Tròn, Tiên Lãng, Sông Thai... (vùng Bắc Quảng Bình) để đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trong vùng. Bảo vệ đa dạng sinh học hệ sinh thái biển, các khu rừng ngập mặn ở cửa sông ven biển và sinh thái vùng đồng bằng tại các huyện ven biển như: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (vùng Nam Hà Tĩnh), thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch (vùng Bắc Quảng Bình). Có kế hoạch và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tai biến, thảm họa và rủi ro về môi trường.

11. Các chương trình dự án ưu tiên và nguồn lực thực hiện:

a) Các chương trình:

- Phát triển ngành công nghiệp gắn với cảng biển.

- Phát triển hạ tầng kỹ thuật tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế xã hội vùng.

- Phát triển nâng cấp các đô thị là động lực cho phát triển vùng.

- Phát triển dịch vụ du lịch và đào tạo nhằm khai thác và phát huy hiệu quả các thế mạnh của vùng.

- Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

b) Các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2020:

- Xây dựng nhà máy thép Formusa. Xây dựng các nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất xi măng, các công trình đầu mối cấp nước theo quy hoạch.

- Hoàn thành xây dựng cảng Vũng Áng, Sơn Dương, Hòn La.

- Xây dựng các tuyến đường kết nối giữa các trung tâm đô thị của vùng với các khu vực động lực sản xuất như các khu công nghiệp, cảng biển, khu kinh tế...

- Ưu tiên hoàn thành các tuyến đường vào các vùng nguyên liệu tập trung để hỗ trợ phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp.

c) Nguồn lực thực hiện:

- Các dự án do trung ương đầu tư: Đầu tư xây dựng những dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như: Nâng cấp các quốc lộ 1a, 12, 15a. Hệ thống thủy lợi, đê kè sung yếu...

- Các dự án do địa phương quản lý: Xây dựng các tuyến đường nội vùng, các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu kinh tế.

- Các dự án sản xuất kinh doanh kêu gọi đầu tư: Các dự án xây dựng nhà máy thép, nhà máy nhiệt điện, nhà máy xi măng,...; dự án phát triển công nghiệp; dự án sản xuất chế biến nông, lâm, thủy sản; dự án xây dựng cảng.

- Mở rộng các hình thức đầu tư BT, BOT, BTO, PPP và hình thức đầu tư khác để thu hút vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng; thu hút đầu tư nước ngoài, các nguồn vốn đầu tư ODA, FDI để đầu tư phát triển.

Điều 2. Giao Bộ Xây dựng tổ chức công bố Quy hoạch xây dựng vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình đến năm 2030; tổ chức việc thực hiện quy hoạch theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng tiến hành rà soát điều chỉnh hoặc triển khai lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và các quy hoạch khác theo các nội dung của Quy hoạch xây dựng vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình đến năm 2030 được phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký,

Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KGVX, KTTH, NC, V.III;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).KN 45

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 830/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 830/QĐ-TTg
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Người ký: Hoàng Trung Hải
Ngày ban hành: 02/06/2014
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [6]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 830/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [7]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…