Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 822/QĐ-TTg

Hà Nội ngày 11 tháng 7 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DANH LAM THẮNG CẢNH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT NGŨ HÀNH SƠN, QUẬN NGŨ HÀNH SƠN, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Căn cứ Nghị định số 67/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Căn cứ Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn;

Theo đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 112/TTr-BVHTTDL ngày 29 tháng 5 năm 2023,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (danh thắng Ngũ Hành Sơn), quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng với những nội dung sau đây:

I. PHẠM VI, QUY MÔ VÀ MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch

a) Phạm vi lập quy hoạch, có diện tích 1.049.701 m2, được xác định theo bản đồ khoanh vùng Khu vực bảo vệ I và Khu vực bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, thuộc địa bàn phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

b) Ranh giới lập quy hoạch: Phía Đông giáp đường Trường Sa và các khu nghỉ dưỡng (resort) ven biển; phía Tây giáp sông Cổ Cò; phía Nam giáp sông Cổ Cò và khu dân cư hiện trạng; phía Bắc giáp đường Phạm Hữu Nhật và khu tái định cư Hòa Hải 2.

2. Mục tiêu quy hoạch

a) Quản lý và bảo vệ danh thắng Ngũ Hành Sơn hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch; là cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị cảnh quan đặc trưng, hệ sinh thái của khu vực danh lam thắng cảnh.

b) Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành không gian văn hóa, không gian tổ chức lễ hội kết hợp điểm vui chơi giải trí đặc sắc của thành phố Đà Nẵng; kết nối với các điểm di tích, danh thắng nổi tiếng khác của thành phố Đà Nẵng và các địa phương lân cận để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, là điểm đến quan trọng trên hành trình du lịch “Con đường Di sản miền Trung”.

c) Xác định ranh giới và các khu vực bảo vệ, phát huy giá trị của danh thắng Ngũ Hành Sơn; tạo cơ sở để quản lý và cắm mốc giới, phân khu chức năng và xác định chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực bảo vệ của danh thắng, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái và các phân khu chức năng khác.

d) Định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nâng cấp và xây mới) phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị; bảo đảm kết nối hài hòa, đồng bộ với cảnh quan, môi trường xung quanh, với quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng và các quy hoạch khác có liên quan.

đ) Định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị danh thắng Ngũ Hành Sơn và khu vực vùng đệm gắn với phát triển du lịch bền vững.

e) Làm căn cứ pháp lý để xây dựng quy định quản lý, bảo vệ, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực danh thắng và các khu vực liền kề; lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh theo quy hoạch được duyệt. Tạo điều kiện, cơ chế, nguồn lực thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển bền vững tại khu vực.

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Quy hoạch phân khu chức năng

a) Khu chức năng liên quan đến bảo tồn cấu trúc danh thắng

- Điều chỉnh mở rộng phạm vi Khu vực bảo vệ I của danh thắng Ngũ Hành Sơn thành 189.821 m2, bao gồm: diện tích khu vực cảnh quan của 06 ngọn núi (Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn, Âm Hỏa Sơn) và phần diện tích bổ sung của khu vực núi Ghềnh (8.373 m2) và phần núi đá phía Đông Nam Âm Hỏa Sơn (328 m2)

- Các công trình di tích, tôn giáo và các công trình kiến trúc có giá trị; khu vực nhà ở kết hợp kinh doanh đá mỹ nghệ; khu vực bảo tồn hình thái vùng dân cư sản xuất nông nghiệp bao gồm không gian làng xóm và khu vực sản xuất nông nghiệp.

b) Khu chức năng liên quan đến tôn tạo, phát huy giá trị danh thắng

- Các khu vực công cộng: Là các khu chức năng bố trí các công trình quản lý, quảng bá, giới thiệu danh thắng Ngũ Hành Sơn; dự kiến gồm: Nhà làm việc của Ban quản lý di tích, nhà trưng bày, sân khấu biểu diễn có mái che, công viên thiếu nhi, khu sinh hoạt cộng đồng...;

- Các khu vực du lịch - dịch vụ: Là các khu chức năng tổ chức các điểm kinh doanh dịch vụ, du lịch; dự kiến bao gồm: Khu vực đón tiếp, không gian quảng trường, khu dịch vụ ẩm thực, trưng bày và bán các sản phẩm nghề thủ công truyền thống, khu vực lưu trú (làng hành hương)...;

- Không gian cây xanh chuyên đề, mặt nước: Là các không gian bao bọc quanh các ngọn núi và nằm xen kẽ giữa các khu chức năng; có tác dụng tạo vùng đệm cảnh quan giữa khu vực di tích gốc và các công trình xây dựng mới;

- Các không gian bổ trợ, gồm: Các khu vườn tượng phía Nam và công viên chuyên đề phía Bắc (ngọn Thủy Sơn); Trung tâm giao lưu hữu nghị Việt - Nhật; không gian ngoài trời tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội của dân cư địa phương, đền thờ tưởng niệm các liệt sĩ và mẹ Việt Nam anh hùng (gần ngọn Mộc Sơn)...;

- Hệ thống giao thông: bao gồm các trục giao thông đô thị, các tuyến giao thông nội bộ và bãi đỗ xe cho du khách.

2. Quy hoạch không gian, kiến trúc cảnh quan

a) Định hướng quy hoạch

- Quy hoạch không gian bảo tồn, tôn tạo kiến trúc cảnh quan, hệ sinh thái của danh thắng Ngũ Hành Sơn trên cơ sở: Bảo tồn tối đa các yếu tố gốc và bổ sung các yếu tố nhận diện mới phù hợp; khớp nối đồng bộ với các quy hoạch liên quan, bảo đảm đồng bộ về quy hoạch kiến trúc và thiết kế hạ tầng kỹ thuật; xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đô thị đối với hệ thống công trình dân sự trong khu vực bảo vệ; đề xuất phương án phát huy giá trị trên cơ sở bảo đảm hạn chế tác động tiêu cực đến không gian cảnh quan, môi trường sinh thái của khu vực danh thắng, tạo động lực kết nối giữa đời sống sinh hoạt của cư dân địa phương với các hoạt động văn hóa, du lịch, văn hóa, cư dân địa phương nhằm mục tiêu phát triển bền vững; đề xuất giải pháp, cơ chế quản lý quy hoạch nhằm tạo thuận lợi cho người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, du lịch.

- Quy hoạch hình thành Trục cảnh quan, văn hóa lễ hội Đông - Tây kết nối không gian biển, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn và sông Cổ Cò và Trục cảnh quan xanh kết nối Thủy Sơn và Mộc Sơn.

b) Phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi của khu vực quy hoạch

Bảo tồn toàn bộ các giá trị nổi bật của danh thắng Ngũ Hành Sơn, các di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực, gồm các nhóm sau:

- Hệ thống núi đá vôi và các hang động: Hạn chế tối đa các hoạt động xây dựng; lắp đặt hệ thống camera giám sát, biển báo, hệ thống thu gom rác và khu vệ sinh công cộng; chỉnh trang cảnh quan, xây bậc cấp, lan can bảo vệ ở một số vị trí cần thiết; khảo sát, nghiên cứu, lắp đặt hệ thống chiếu sáng nghệ thuật các ngọn núi phù hợp với cảnh quan tự nhiên.

Chỉnh trang hệ thống chiếu sáng trong các hang động; lập phương án tiêu, thoát nước, chống trơn trượt trong hang; định kỳ điều tra, nghiên cứu chuyên ngành từng vị trí, hang động để kịp thời có phương án bảo đảm an toàn cho khách tham quan.

- Các công trình di tích, điểm danh thắng: Thực hiện phục hồi, tu bổ, tôn tạo, chỉnh trang căn cứ vào tình trạng kỹ thuật. Với những ngôi chùa đang có kế hoạch tu bổ, tôn tạo cần chú trọng khai thác yếu tố kiến trúc và vật liệu bản địa; lựa chọn phục hồi một số công trình khi có đủ cơ sở khoa học. Có kế hoạch giải tỏa các công trình xây dựng lấn chiếm đất danh thắng và cải tạo, chỉnh trang kiến trúc phù hợp.

- Hệ thống bia Ma Nhai: Có biện pháp bảo quản đúng với phương pháp chuyên ngành, đồng thời đầu tư hệ thống chiếu sáng. Lập bản sao lưu trữ di sản tư liệu bia Ma Nhai và có giải pháp trưng bày, giới thiệu tới công chúng bằng các hình thức phù hợp. Xây dựng bài thuyết minh điện tử, xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản tư liệu này.

- Các vị trí, khu vực thám sát, khảo cổ: Khoanh vùng bảo vệ các hố khảo cổ đã khai quật và thực hiện việc trưng bày, giới thiệu các kết quả khảo cổ. Lập kế hoạch khảo cổ bổ sung, mở rộng (nếu cần thiết) để củng cố các cơ sở luận cứ khoa học, bổ sung hồ sơ di tích.

- Hệ sinh thái: Bảo tồn nguyên trạng hệ sinh thái của khu vực; định kỳ thực hiện phát quang, vệ sinh môi trường tại chân các ngọn núi; kiểm soát côn trùng gây hại. Tiến hành khảo sát, đánh giá, nghiên cứu chuyên ngành đối với hệ sinh thái trong khu vực để đề xuất phương án bảo tồn phù hợp.

Đối với các diện tích cây xanh chuyên đề ngoài khu vực bảo vệ I: thực hiện bổ sung các loại cây bản địa đặc trưng, có tính nhận diện cao, góp phần tạo thêm tính nổi bật cho khu danh thắng.

- Các di sản văn hóa phi vật thể: Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, lễ kỵ Thạch nghệ Tổ sư nghề đá Non Nước, lễ hội đình Khuê Bắc. Có giải pháp phục hồi một số lễ hội truyền thống có giá trị khác của cư dân địa phương và có biện pháp quản lý phù hợp đối với các hoạt động tín ngưỡng dân gian trong khu vực.

c) Quy hoạch không gian các khu vực phát huy giá trị danh thắng

- Bảo vệ nguyên trạng toàn bộ không gian cảnh quan Khu vực bảo vệ I của danh thắng Ngũ Hành Sơn; cắm mốc giới, thiết lập vùng đệm cây xanh chuyên đề rộng 20m xung quanh khu vực này.

- Quy hoạch, xác định các khu vực dân cư cần giữ lại, chỉnh trang:

+ Khu vực nhà ở kết hợp kinh doanh đá mỹ nghệ trên tuyến đường Huyền Trân Công Chúa và đường Non Nước: Giữ lại kết hợp chỉnh trang một phần và giải tỏa một phần để tạo lập trục cảnh quan kết nối ngọn Thủy Sơn và Mộc Sơn. Thiết lập các quy chế quản lý phù hợp để duy trì và phát triển hình thức kinh doanh kết hợp các hoạt động dịch vụ du lịch.

+ Khu vực dân cư sản xuất nông nghiệp: Bảo tồn yếu tố đặc trưng về hình thái không gian làng quê nông nghiệp. Bảo tồn, chỉnh trang các nhà cổ hiện trạng gắn với duy trì sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân bản địa (đối với các hộ dân có nguyện vọng ở lại). Thực hiện di dời để tạo quỹ đất sạch tại các thửa đất còn lại để quy hoạch đầu tư hình thành không gian làng quê kết hợp du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Trong quá trình thực hiện cần đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện cho người dân trọng khu vực bị di dời quay trở lại tham gia vào các hoạt động dịch vụ tại đây.

- Tổ chức tuyến không gian văn hóa, lễ hội Đông - Tây kết nối không gian biển - Danh thắng Ngũ Hành Sơn - sông Cổ Cò với điểm khởi đầu tuyến là khu vực công viên danh nhân và điểm kết thúc là cồn đất giữa sông Cổ Cò: Lấy cồn đất tự nhiên làm yếu tố bình phong, sông Cổ Cò làm minh đường; hình thành không gian kiến trúc cảnh quan với các đường dạo, cây xanh, vườn tượng, điểm nghỉ chân (phía Đông) và không gian lễ hội (phía Tây).

Đối với các khu vực nằm ngoài ranh giới quy hoạch, đề xuất chỉnh trang không gian cảnh quan ở Cồn đất trên sông Cổ Cò cũng như khu đất trống phía Đông đường Trường Sa phù hợp với tổng thể kiến trúc cảnh quan khu danh thắng.

- Xây dựng các công trình, hạ tầng kỹ thuật tại ngọn Thủy Sơn:

+ Phía Bắc ngọn Thủy Sơn: Tiến hành nạo vét, tôn tạo, bảo tồn thảm thực bì và bổ sung cây xanh cảnh quan tại khu vực hồ nước phía Bắc ngọn Thủy Sơn. Tổ chức hướng tiếp cận chính bằng đường bộ cho khách du lịch tại khu vực nằm trên trục đường Phạm Hữu Nhật gần đường Trường Sa;

Trung tâm đón tiếp khách du lịch, trung tâm lữ hành và thông tin hướng dẫn, nhà làm việc của Ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng như các khu dịch vụ phục vụ du khách được tổ chức xung quanh hướng tiếp cận chính. Tại đây, bố trí bãi đỗ xe du lịch và khu vực nhà để xe điện phục vụ đưa, đón khách tham quan;

+ Phía Nam ngọn Thủy Sơn: Chỉnh trang, mở rộng vỉa hè đường Huyền Trân Công Chúa (phía ngọn Thủy Sơn); tổ chức dải cây xanh, công viên vườn tượng, đường dạo bộ kết hợp quầy lưu niệm; bố trí các điểm nghỉ chân với điểm nhấn là “Điểm dừng chân của vua Minh Mạng” trước đây. Tại khu vực lối lên số 2 (gần thang máy), tổ chức thành không gian đón tiếp du khách tham quan ngọn Thủy Sơn đồng thời là sân tổ chức lễ hội Vu Lan báo hiếu hàng năm. Nghiên cứu, bổ sung giải pháp tiếp cận lên đỉnh ngọn Thủy Sơn tại khu vực lối lên chùa Tam Thai, bảo đảm an toàn, thuận tiện và phù hợp;

+ Phía Đông ngọn Thủy Sơn và dọc đường Trường Sa tổ chức các khu vực dịch vụ, kết nối với các công viên công cộng, công viên danh nhân (góc đường Trường Sa và đường Huyền Trân Công Chúa);

+ Nghiên cứu, đề xuất vị trí gắn biển “Danh thắng Ngũ Hành Sơn” ở vị trí phù hợp trên ngọn Thủy Sơn.

- Xây dựng các công trình, hạ tầng kỹ thuật tại ngọn Mộc Sơn: Tạo lập không gian cây xanh chuyên đề xung quanh ngọn Mộc Sơn; hình thành không gian trình diễn hoạt động điêu khắc đá, tham quan và trải nghiệm hoàn thiện sản phẩm lưu niệm của làng nghề đá truyền thống. Bố trí sân lễ hội phục vụ lễ kỵ hàng năm ở phía Nam ngọn Mộc Sơn gần nhà thờ Thạch nghệ Tổ sư.

- Xây dựng các công trình, hạ tầng kỹ thuật xung quanh trục Lễ hội:

+ Khu vực tiếp giáp mặt tiền phía Tây đường Lê Văn Hiến (đoạn từ đường Phạm Hữu Nhật đến Cầu Biện): Bổ sung hệ thống cây xanh cảnh quan; hình thành khu thương mại, kinh doanh hàng mỹ nghệ, ẩm thực (đất hỗn hợp);

+ Khoảng không gian trống phía Tây đường Lê Văn Hiến (giữa ngọn Thổ Sơn và Kim Sơn): Hình thành không gian lễ hội kết hợp với khu chức năng dịch vụ công cộng (công viên truyền thuyết Ngũ Hành Sơn, nhà biểu diễn có mái che, khu vui chơi thiếu nhi...). Phía tiếp giáp với sông Cổ Cò, tổ chức bến thuyền du lịch, khu đón tiếp, bãi đỗ xe phục vụ khách tham quan bằng đường thủy nội địa.

- Xây dựng các công trình, hạ tầng kỹ thuật tại ngọn Thổ Sơn: Phía Tây ngọn Thổ Sơn bố trí công viên tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ quận Ngũ Hành Sơn. Phía Bắc bố trí Vườn thiền, bãi đỗ xe. Hình thành Công viên văn hóa với vườn tượng danh nhân hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.

- Xây dựng các công trình, hạ tầng kỹ thuật tại ngọn Kim Sơn:

+ Tổ chức không gian cây xanh chuyên đề xung quanh ngọn Kim Sơn; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm giao lưu văn hóa Việt - Nhật;

+ Nghiên cứu, xác định vị trí phù hợp với cảnh quan, môi trường sinh thái trên ngọn Kim Sơn để đặt “Tháp Kim Chung Ngũ Phúc”.

- Xây dựng các công trình, hạ tầng kỹ thuật tại ngọn Hỏa Sơn: Tổ chức các không gian cây xanh chuyên đề xung quanh ngọn Hỏa Sơn. Phía Đông Bắc ngọn Dương Hỏa Sơn, Âm Hỏa Sơn hình thành “làng Hành hương” phục vụ nhu cầu lưu trú và trải nghiệm cho khách tham quan, du lịch vào các mùa lễ hội, nhất là lễ hội Quán Thế Âm. Phía Tây dọc đường Lê Văn Hiến tổ chức không gian giao thông tĩnh (lối vào đặt trên đường Sư Vạn Hạnh).

- Kết nối giao thông các không gian chức năng trong khu vực quy hoạch: Tiến hành chỉnh trang, cải tạo các tuyến giao thông hiện hữu và hình thành một số tuyến giao thông nội bộ. Nghiên cứu, đầu tư xây dựng 02 hầm chui qua đường Lê Văn Hiến kết nối trục lễ hội Đông - Tây và 01 hầm chui qua đường Trường Sa phục vụ người đi bộ, kết nối với không gian phía biển Đông. Bố trí phân tán các không gian giao thông tĩnh phù hợp với quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị toàn khu vực.

- Đối với khu vực lân cận xung quanh khu danh thắng Ngũ hành Sơn: Có giải pháp quản lý quy hoạch, kiến trúc các công trình công cộng, khu dân cư, tạo thành các dãy phố có kiến trúc phù hợp với thiên nhiên, cảnh quan chung. Đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp để các hộ dân sinh sống trong khu vực cải tạo mặt đứng kiến trúc phù hợp với yêu cầu phục vụ du lịch.

d) Quy hoạch cơ cấu sử dụng đất toàn khu vực quy hoạch

- Bảo vệ nguyên trạng toàn bộ Khu vực bảo vệ I của Danh thắng Ngũ Hành Sơn (diện tích 189.821m2), thiết lập vùng đệm cây xanh rộng 20m xung quanh khu vực này.

- Đất các công trình di tích, cơ sở tôn giáo: Diện tích 90.104 m2.

- Khu vực dân cư kinh doanh đá mỹ nghệ trên tuyến đường Huyền Trân Công Chúa và đường Non Nước: Chỉnh trang một phần; có kế hoạch giải tỏa một phần để tạo lập trục cảnh quan kết nối ngọn Thủy Sơn và Mộc Sơn;

- Khu vực bảo tồn hình thái vùng dân cư sản xuất nông nghiệp: Thực hiện chỉnh, bảo tồn 05 nhà cổ hiện trạng và giữ lại tối đa 25 thửa đất; di dời để tạo quỹ đất sạch. Quy hoạch toàn bộ khu vực này thành đất hỗn hợp kết hợp giữa chức năng đất ở đô thị với đất du lịch dịch vụ, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật khác...;

- Các khu đất và dự án đã được cấp đất: Quản lý và xây dựng theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Giải tỏa các khu vực dân cư còn lại: Thiết lập các khu chức năng dịch vụ du lịch gắn với phát huy giá trị di tích, phù hợp với phân kỳ thực hiện theo quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất của Thành phố.

3. Định hướng phát triển du lịch

a) Xây dựng các tuyến, điểm du lịch trên cơ sở lấy các yếu tố gốc tạo nên giá trị của danh lam thắng cảnh là hạt nhân trong phát triển du lịch. Tổ chức các tour du lịch theo chuyên đề để gia tăng trải nghiệm cho du khách.

b) Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

- Tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, văn hóa sẵn có của khu vực như: Hệ thống núi đá, hang động, công trình di tích... để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tín ngưỡng, trải nghiệm, tham quan làng nghề đá mỹ nghệ...

- Tạo lập các sản phẩm dịch vụ, du lịch mới phù hợp như du lịch thiền, ẩm thực chay, các khóa tu tập..., đồng thời khai thác lợi thế của làng quê nông nghiệp, mặt nước sông Cổ Cò kết nối với giao thông thủy nội địa để đa dạng thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng như trồng trọt, chăn nuôi, câu cá trên sông, chèo, đua ghe, thuyền truyền thống...

- Tổ chức các hoạt động khai thác dịch vụ du lịch ban đêm trong khu vực danh thắng theo định hướng chung của ngành du lịch thành phố.

- Cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch phục vụ du khách, đồng thời có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng các sản phẩm du lịch mới phát triển. Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp khi tham gia hoạt động du lịch.

- Nâng cao chất lượng hoạt động du lịch tại làng nghề đá truyền thống Non Nước. Tổ chức lại và hình thành không gian kinh doanh thương mại các sản phẩm đá mỹ nghệ phù hợp cảnh quan chung, bảo đảm mỹ quan đô thị; có lộ trình di chuyển các cơ sở sản xuất đá gây ô nhiễm ra ngoài khu vực.

c) Xây dựng cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực du lịch

- Xây dựng, phát triển đồng bộ các khu chức năng, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch bảo đảm chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất tại các điểm tham quan, khu vực lưu trú.

- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, nhân lực ngành du lịch của địa phương; thu hút sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững.

- Có kế hoạch hỗ trợ, hướng dẫn người dân nhằm nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng trong quá trình khai thác các hình thức du lịch phù hợp.

4. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật

a) Quy hoạch hệ thống giao thông

- Giữ nguyên và tận dụng tối đa mạng lưới giao thông đô thị hiện có, hạn chế phá dỡ công trình và đào đắp lớn. Khớp nối, cải tạo mở rộng, bố trí mới một số tuyến giao thông nội bộ đáp ứng nhu cầu theo từng khu vực chức năng của khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.

- Chỉnh trang các đường giao thông trong khu vực dân cư cũ, xác định lộ giới mở rộng phù hợp, bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy; cập nhật quy hoạch các vị trí giao thông công cộng thành phố trong khu vực (bãi đỗ xe, nhà chờ xe buýt...).

- Bổ sung biển báo giao thông, chỉ dẫn hạn chế tốc độ... trên các trục giao thông chính (đoạn đi qua khu danh thắng). Nghiên cứu thay đổi vật liệu hoàn thiện lòng đường, lề đường phù hợp đối với hệ thống giao thông nội bộ của khu vực, khớp nối đồng bộ với hệ thống giao thông mới.

b) Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật

- Tận dụng tối đa lợi thế điều kiện địa hình tự nhiên, không san nền đồng loạt nhằm giữ gìn bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên. Giữ nguyên cao độ tự nhiên trong khu vực bảo vệ I; thực hiện san nền cục bộ tại từng phân khu chức năng theo độ dốc địa hình hiện có, bảo đảm thoát nước mặt thuận lợi.

- Đối với đường giao thông: Các tuyến đường thiết kế bám theo các đường đồng mức và san gạt trong phạm vi lòng đường.

- Lấy cao độ tại các tuyến đường hiện trạng làm cơ sở san nền cục bộ (độ dốc i=0,1- 0,75%); tọa độ thiết kế được xác định tại các điểm giao, điểm chuyển hướng trên cơ sở hệ tọa độ quốc gia của các tuyến đường chính.

- Xác định tuyến, cao độ thiết kế tiến hành san nền trục cảnh quan theo độ dốc i=1% tính từ tim đường Lê Văn Hiến ra sông Cổ Cò đồng thời nâng cao độ đường Bùi Thế Mỹ, đường bê tông dọc sông Cổ Cò theo địa hình hiện trạng.

c) Quy hoạch cấp nước:

Nguồn nước sạch cấp cho khu vực lấy từ hệ thống cấp nước thành phố, bảo đảm đấu nối đồng bộ theo quy hoạch chung và tích hợp trong quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ Đông. Cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước lên ngọn Thủy Sơn, cấp cho các cơ sở tôn giáo và các khu vực dân cư. Bố trí mới hệ thống cấp nước trực tiếp cho các điểm sử dụng nước; tuyến ống cấp nước đặt bám theo các trục giao thông nội bộ khu vực quy hoạch.

d) Quy hoạch hệ thống cấp điện, chiếu sáng

- Sử dụng hệ thống lưới điện hạ áp hiện có phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Cải tạo, bổ sung mạng lưới cấp điện và chiếu sáng phù hợp với cảnh quan khu vực di tích, tính chất của các khu chức năng.

- Bố trí mới hệ thống tuyến cấp điện (ưu tiên hệ thống cáp ngầm), trạm biến áp, phụ tải... tại các khu vực chức năng mới bảo đảm công suất phục vụ và hài hòa cảnh quan khu vực.

đ) Quy hoạch hệ thống thông tin liên lạc

- Hệ thống thông tin liên lạc: Bảo đảm đấu nối hệ thống cáp thông tin liên lạc trong khu vực (bố trí đi ngầm) với tuyến cáp quốc gia hiện có.

- Quy hoạch lắp đặt hệ thống thông tin di động, hệ thống wifi miễn phí trong khu vực bảo đảm phục vụ người dân và du khách. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn, xây dựng bản đồ số Khu quy hoạch, thống nhất dùng hệ tọa độ VN 2000 để tích hợp vào kho dữ liệu chung của thành phố, phục vụ công tác quản lý nhà nước và công bố thông tin quy hoạch cho người dân.

e) Quy hoạch hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường

- Thoát nước thải vệ sinh môi trường: Nâng cấp, xây mới hệ thống thoát nước trong khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn, đấu nối đồng bộ với hệ thống thoát nước thải chung của khu vực. Bố trí các điểm tập kết rác thải phù hợp với cảnh quan tại khu vực quy hoạch và theo quy định của thành phố.

- Thoát nước mặt chủ yếu dựa vào địa hình tự nhiên: Phía Đông đường Lê Văn Hiến thoát về phía đường Trường Sa hướng ra biển Đông; phía Tây đường Lê Văn Hiến thoát về phía sông Cổ Cò.

g) Định hướng khớp nối kè sông Cổ Cò:

Khớp nối tuyến kè sông qua địa phận danh thắng Ngũ Hành Sơn phù hợp với Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng). Cao trình đỉnh kè thiết kế phù hợp với cao độ địa hình hiện trạng khu vực và cao độ địa hình thiết kế của quy hoạch. Phương án thiết kế hài hòa, bảo đảm giữ gìn giá trị cảnh quan của danh thắng. Có kế hoạch, chương trình tập huấn về phòng chống bão lụt hàng năm cho người dân nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của thiên nhiên (nếu có).

5. Nhóm dự án thành phần và phân kỳ đầu tư

a) Nhóm dự án thành phần

- Nhóm dự án số 1: Đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và cắm mốc giới khoanh vùng bảo vệ khu danh thắng.

- Nhóm dự án số 2: Bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích, cảnh quan môi trường thiên nhiên gắn với danh thắng Ngũ Hành Sơn.

- Nhóm dự án số 3: Tôn tạo hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực bảo vệ I.

- Nhóm dự án số 4: Sưu tầm bổ sung tài liệu, hiện vật; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

- Nhóm dự án số 5: Khảo sát, nghiên cứu và bảo tồn hệ sinh thái.

- Nhóm dự án số 6: Xây dựng các khu chức năng, công trình hỗ trợ phát huy giá trị di tích và hạ tầng kỹ thuật.

- Nhóm dự án số 7: Các dự án nghiên cứu nhằm phát triển, bổ sung các sản phẩm dịch vụ du lịch.

b) Phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2023 đến năm 2030; tầm nhìn đến năm 2050:

+ Giai đoạn 2023-2026: Triển khai các nhóm dự án số 1, số 2, số 3 và một số dự án thành phần trong nhóm dự án số 6 và số 7.

+ Giai đoạn 2026-2030: Triển khai các nhóm dự án số 4, số 5 và một số dự án thành phần trong nhóm dự án số 6 và số 7.

+ Giai đoạn 2030-2050: Triển khai hoàn thành các dự án còn lại.

- Thứ tự, mức độ ưu tiên đầu tư hằng năm có thể được điều chỉnh, bổ sung căn cứ yêu cầu thực tế, khả năng huy động vốn, khả năng cân đối vốn và nguồn vốn cấp theo kế hoạch của Trung ương, địa phương.

c) Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch: Vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước, trong đó:

- Vốn từ ngân sách Trung ương được bố trí căn cứ vào nội dung dự án đầu tư và khả năng cân đối của ngân sách Trung ương hằng năm, bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành.

- Vốn ngân sách địa phương (ngân sách thành phố, quận, phường có liên quan trong phạm vi quy hoạch này).

- Vốn sự nghiệp dành cho công tác nghiệp vụ như tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy hoạch; sưu tầm, bổ sung tài liệu, hiện vật; bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, không gian sinh sống của cộng đồng...

- Các nguồn vốn hợp pháp khác: Thu từ hoạt động du lịch; huy động từ sự đóng góp các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước, của nhân dân và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

6. Giải pháp, cơ chế thực hiện quy hoạch

a) Giải pháp quản lý quy hoạch

- Thực hiện quản lý theo phân vùng quy hoạch và theo Quy hoạch được phê duyệt. Các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành khác có liên quan trong phạm vi quy hoạch cần thực hiện theo Quy hoạch này. Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch và nâng cao công tác giám sát triển khai quy hoạch sử dụng đất.

- Sau khi quy hoạch được phê duyệt, thực hiện việc lập Quy chế quản lý xây dựng, kiến trúc, đánh giá, phân loại, lập danh mục để quản lý công trình kiến trúc, khu vực cảnh quan có giá trị.

- Lập, thẩm định, phê duyệt và ban hành Quy định quản lý xây dựng, kiến trúc các khu vực dân cư và đất tiếp giáp dự án nhằm đảm bảo thống nhất các chỉ tiêu quy hoạch trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng.

- Có chính sách đầu tư hỗ trợ các công trình tôn giáo trong khu vực danh lam thắng cảnh. Tăng cường giám sát, quản lý, bảo vệ ngăn chặn các hành vi xâm hại đối với khu vực danh lam thắng cảnh.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách khi tham gia các chương trình tham quan du lịch.

- Bổ sung, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung và tích hợp trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ Đông.

b) Giải pháp về bộ máy quản lý, cơ chế, chính sách

- Ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn thực hiện nhiệm vụ quản lý Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn dưới sự chỉ đạo, giám sát của Ủy ban nhân dân quận Ngũ Hành Sơn, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng.

- Việc xây dựng các công trình bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh bảo đảm tuân thủ theo quy hoạch được duyệt, quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật liên quan khác. Rà soát, nghiên cứu lập và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Quy chế phối hợp trong điều hành, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị danh thắng Ngũ Hành Sơn và các điểm di tích trên địa bàn.

c) Giải pháp đầu tư, huy động vốn

- Lập danh mục các dự án đầu tư thành phần, phân loại và xác định giai đoạn thực hiện, nguồn vốn đầu tư, làm cơ sở để huy động vốn từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa, vốn vay...; trong đó:

+ Các dự án liên quan đến các hạng mục gốc cấu thành danh lam thắng cảnh, hệ thống công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, các hạng mục, công trình phục vụ quảng bá phát huy giá trị di tích sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

+ Các dự án thương mại, du lịch, dịch vụ, điểm khai thác dịch vụ do các chủ đầu tư thứ cấp đầu tư dưới sự quản lý theo phân cấp của địa phương.

- Xem xét, ưu tiên hỗ trợ và bố trí vốn hàng năm từ ngân sách trung ương cho thành phố Đà Nẵng để thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích gốc và các hạng mục công trình có ý nghĩa quan trọng khác. Xây dựng phương án huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện.

- Đề xuất các chương trình đầu tư các hạng mục công trình theo tiến độ thực hiện để từng bước kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia theo hình thức xã hội hóa.

d) Giải pháp huy động sự tham gia của cộng đồng

- Kết nối cộng đồng dân cư trong khu vực danh thắng và vùng lân cận với các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích và trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch tại danh lam thắng cảnh. Tạo điều kiện và khuyến khích người dân trong khu vực tham gia vào công tác lập kế hoạch quản lý và bảo tồn di tích.

- Xây dựng quy định, định hướng về quy mô, mẫu kiến trúc cho các công trình nhà ở của người dân trong phạm vi bảo vệ của danh thắng Ngũ Hành Sơn và khu vực lân cận để vừa tạo nên tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan phù hợp vừa tôn vinh giá trị danh lam thắng cảnh.

- Tăng cường nâng cao nhận thức, vận động nhân dân địa phương tham gia thông tin tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.

đ) Giải pháp huy động nguồn lực bảo vệ di tích

- Hợp tác với cơ quan giáo dục về bảo tồn di sản văn hóa. Hướng dẫn cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Xây dựng chương trình về bảo tồn, quảng bá giá trị danh lam thắng cảnh cho các doanh nghiệp du lịch địa phương.

- Tăng cường, bổ sung nguồn lực cho Ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong công tác bảo tồn, tôn tạo (đầu tư các trang thiết bị chuyên ngành hiện đại, thiết bị đảm bảo an toàn, an ninh, đào tạo cán bộ…), áp dụng kiến thức vào hoạt động du lịch.

e) Giải pháp tuyên truyền

- Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng dân cư, qua đó tạo sự đồng thuận giữa các bên liên quan trong việc bảo tồn, phát huy giá trị danh thắng gắn với phát triển du lịch của địa phương.

- Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá giá trị danh thắng, văn hóa địa phương nhằm xây dựng hình ảnh du lịch với những yếu tố đổi mới về sản phẩm du lịch, kích cầu du lịch.

g) Cơ chế thực hiện

- Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng quản lý, điều hành chung; chỉ đạo và tổ chức thực hiện bảo tồn, tôn tạo, tu bổ, phục hồi các hạng mục cấu thành, cơ chế phối kết hợp giữa các lực lượng tham gia công tác bảo vệ di tích.

- Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, Ủy ban nhân dân quận Ngũ Hành Sơn và các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích và môi trường cảnh quan, trong đó có việc quản lý theo đúng quy hoạch được phê duyệt, chống lấn chiếm khu vực quy hoạch, nghiên cứu thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và xử phạt các hành vi vi phạm để bảo đảm an ninh trật tự, cảnh quan, môi trường trong khu vực.

- Tổ chức các hoạt động bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái của danh thắng và các khu vực phụ cận. Giáo dục tinh thần tự giác chấp hành các quy định về quy hoạch và quản lý quy hoạch, về quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, về đầu tư, xây dựng và bảo vệ môi trường cảnh quan.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng

a) Công bố quy hoạch, tiến hành cắm mốc giới, di dời các hộ dân trong khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn theo hồ sơ quy hoạch được duyệt.

b) Cập nhật ranh giới, diện tích Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn vào hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và Quy hoạch thành phố Đà Nẵng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố Đà Nẵng phù hợp với từng thời kỳ.

c) Xây dựng lộ trình thu hồi đất, để bàn giao triển khai kế hoạch bảo vệ và thực hiện các dự án thành phần bảo tồn, tu bổ, tôn tạo hoặc xây dựng mới theo kế hoạch, phù hợp với điều kiện thực tế về kinh tế - xã hội của địa phương.

d) Phê duyệt các nhóm dự án thành phần, trên cơ sở quy hoạch được duyệt. Quản lý hoạt động bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và xây dựng mới theo Điều lệ quản lý quy hoạch được duyệt.

đ) Chỉ đạo các đơn vị chức năng và chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, khai quật khảo cổ học nhằm bổ sung tài liệu, cứ liệu khoa học về Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, làm căn cứ để thẩm định và quyết định đầu tư các nhóm dự án thành phần, theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư, trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt.

e) Chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để triển khai thực hiện quy hoạch theo đúng kế hoạch.

g) Sau khi các quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm rà soát nội dung Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, nếu nội dung mâu thuẫn so với quy hoạch cấp cao hơn thì thực hiện theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội.

2. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Tổ chức thẩm định nội dung chuyên môn các dự án thành phần thuộc quy hoạch đã được phê duyệt.

b) Giám sát, kiểm tra tiến độ việc triển khai quy hoạch, dự án đảm bảo thực hiện đúng các mục tiêu đề ra và những nội dung được duyệt, tuân thủ theo trình tự, quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

c) Phối hợp, hướng dẫn địa phương kết nối các tuyến du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với các địa phương trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ, các địa phương trên hành trình du lịch “Con đường Di sản miền Trung” nhằm góp phần phát huy hiệu quả giá trị Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn.

3. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính: Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước xem xét, bố trí nguồn vốn thực hiện các nhóm dự án thành phần liên quan đến Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn thuộc nội dung quy hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm tiến độ cấp vốn phù hợp với kế hoạch thực hiện, quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước

4. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Kiểm tra việc thực hiện quản lý và sử dụng đất theo quy hoạch, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đất đai; hướng dẫn Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cập nhật ranh giới diện tích quy hoạch vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố.

5. Các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: VHTTDL, KHĐT, TC, XD, TNMT, NNPTNT;
- Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng;
- Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL);
- Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, Trợ lý PTTg Trần Hồng Hà, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, CN, NN, QHĐP, PL;
- Lưu: VT, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 822/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 822/QĐ-TTg
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Người ký: Trần Hồng Hà
Ngày ban hành: 11/07/2023
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [11]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 822/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [7]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…