ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 728/2013/QĐ-UBND |
Thanh Hóa, ngày 01 tháng 03 năm 2013 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2015.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 43/2012/NQ-HĐND ngày 05/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, khóa XVI, kỳ họp thứ 5 về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 11/TTr-SNN&PTNT ngày 22/01/2013 về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015; ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số 146/STP-XDVB ngày 06/02/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015, với những nội dung sau:
1. Hỗ trợ đầu tư các công trình: Trụ sở, Trạm y tế, Trung tâm văn hóa - thể thao xã.
a) Đối tượng hỗ trợ:
Hỗ trợ cho các xã đã đăng ký hoàn thành 19 tiêu chí NTM từ năm 2013 đến năm 2015 được cấp có thẩm quyền phê duyệt để xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo các công trình: Trụ sở, Trạm y tế, Trung tâm văn hóa - thể thao xã.
b) Điều kiện hỗ trợ:
- Các công trình: Trụ sở, Trạm y tế, Trung tâm văn hóa - thể thao xã phải phù hợp với điều kiện về xây mới và nâng cấp, cải tạo như sau:
+ Đối với công trình Trụ sở xã:
Xây dựng mới: Đối với các xã chưa có trụ sở xã hoặc đã có nhưng đang là nhà cấp IV, đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn hoặc đã đầu tư xây dựng kiên cố nhưng diện tích sàn xây dựng dưới 300m2.
Nâng cấp, cải tạo: Đối với các xã đã có trụ sở làm việc kiên cố với diện tích sàn xây dựng từ 300 - 600m2, nay cần xây dựng bổ sung một số hạng mục để đạt chuẩn.
+ Đối với công trình Trạm y tế xã:
Xây dựng mới: Đối với các xã chưa có trạm y tế xã, hoặc đã có nhưng đang là nhà cấp IV, đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn hoặc đã đầu tư xây dựng kiên cố nhưng diện tích sàn xây dựng dưới 150m2, chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Nâng cấp, cải tạo: Đối với các xã đã đầu tư xây dựng kiên cố với diện tích sàn xây dựng từ 150 - 300m2, cần đầu tư thêm một số hạng mục để đạt chuẩn.
+ Đối với Trung tâm văn hóa - thể thao xã: Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới đối với các xã chưa có, hoặc đã có trung tâm văn hóa - thể thao xã nhưng đã hư hỏng, xuống cấp không thể sử dụng được cần phải xây dựng mới đồng bộ cả nhà văn hóa đa năng và sân thể thao phổ thông.
- Các công trình xây mới, nâng cấp nêu trên sau khi được hỗ trợ đầu tư phải đạt chuẩn theo tiêu chí NTM.
- Có cam kết vốn đối ứng của UBND xã, được UBND huyện thẩm định và đồng ý đưa vào danh sách đề nghị tỉnh hỗ trợ.
- Có quyết định chủ trương đầu tư từ 01/01/2013 trở đi.
- Trong một năm mỗi xã chỉ được hỗ trợ 01 công trình và theo nguyên tắc: Trên địa bàn mỗi xã, ưu tiên bố trí nhu cầu cho các công trình trụ sở xã trước, sau đó đến trạm y tế xã, còn lại mới bố trí cho các trung tâm văn hóa - thể thao xã và ưu tiên cho các xã có khả năng sớm đạt chuẩn NTM.
c) Mức hỗ trợ:
- Công trình trụ sở xã:
+ Đối với các xã thuộc huyện 30a, xã 135, xã bãi ngang ven biển: Hỗ trợ 4,5 tỷ đồng/công trình xây dựng mới; 1,3 tỷ đồng/công trình nâng cấp, cải tạo.
+ Đối với các xã miền núi ngoài các xã thuộc huyện 30a, xã 135: Hỗ trợ 4 tỷ đồng/công trình xây mới; 1,2 tỷ đồng/công trình nâng cấp, cải tạo.
+ Đối với các xã còn lại: Hỗ trợ 3,5 tỷ đồng/công trình xây mới; 1 tỷ đồng/công trình nâng cấp, cải tạo.
- Trạm y tế xã:
+ Đối với các xã thuộc huyện 30a, xã 135, xã bãi ngang ven biển: Hỗ trợ 2,2 tỷ đồng/công trình xây dựng mới; 650 triệu đồng/công trình nâng cấp, cải tạo.
+ Đối với các xã miền núi ngoài các xã thuộc huyện 30a, xã 135: Hỗ trợ 2 tỷ đồng/công trình xây dựng mới; 600 triệu đồng/công trình nâng cấp, cải tạo.
+ Đối với các xã còn lại: Hỗ trợ 1,8 tỷ đồng/công trình xây mới; 550 triệu đồng/công trình nâng cấp, cải tạo.
- Trung tâm văn hóa - thể thao xã:
+ Đối với các xã thuộc huyện 30a, xã 135, xã bãi ngang ven biển: Hỗ trợ 4,5 tỷ đồng/công trình xây mới.
+ Đối với các xã miền núi ngoài các xã thuộc huyện 30a, xã 135: Hỗ trợ 4 tỷ đồng/công trình xây mới.
+ Đối với các xã còn lại: Hỗ trợ 3,5 tỷ đồng/công trình xây mới.
d) Trình tự, thủ tục hỗ trợ:
- Hàng năm, căn cứ khả năng huy động và tự cân đối nguồn vốn của xã; căn cứ Đề án, Kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng của xã đã được UBND huyện phê duyệt, các xã lập tờ trình đề nghị hạng mục công trình được hưởng chính sách trong năm và cam kết vốn đối ứng gửi UBND huyện.
- UBND huyện trên cơ sở tờ trình và danh mục công trình, dự án đề nghị đầu tư trong năm tới của các xã trên địa bàn, tiến hành thẩm định nguồn vốn đối ứng của từng xã đối với từng công trình, lập danh sách các công trình đề nghị hỗ trợ của huyện theo thứ tự ưu tiên (kèm theo báo cáo kết quả thẩm định vốn đối ứng của từng công trình); danh sách công trình đề nghị hỗ trợ của huyện gồm các nội dung: sự cần thiết phải đầu tư, tên chủ đầu tư, dự kiến quy mô đầu tư (theo thiết kế mẫu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nếu có), dự kiến địa điểm xây dựng (đánh giá sơ bộ về hiện trạng và xác định nhu cầu sử dụng đất), dự kiến tổng mức đầu tư và xác định nguồn vốn đầu tư, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Văn Phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh trước ngày 25/6 hàng năm để tổng hợp.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, trên cơ sở danh mục công trình do các huyện đề nghị và khả năng bố trí vốn của Trung ương, của tỉnh cho Chương trình MTQG về xây dựng NTM, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục, chủ trương đầu tư các công trình cho năm sau trước ngày 10/7 hàng năm. Riêng năm 2013, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý I/2013.
- Trên cơ sở danh mục, chủ trương đầu tư đã được phê duyệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư.
- Căn cứ Quyết định giao kế hoạch vốn đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo mức vốn và mục tiêu đầu tư cho chủ đầu tư.
2. Hỗ trợ xã đạt chuẩn nông thôn mới
a) Đối tượng và điều kiện hỗ trợ:
Các xã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
b) Mức hỗ trợ:
Các xã đạt chuẩn NTM: Hỗ trợ 1 tỷ đồng/xã; riêng các xã đạt chuẩn NTM được công nhận trong năm 2012: Hỗ trợ 1,5 tỷ đồng/xã (hỗ trợ trong Quý I năm 2013).
c) Quản lý, sử dụng kinh phí được hỗ trợ:
Kinh phí hỗ trợ để thanh toán các hạng mục đã đầu tư thuộc đối tượng đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt của xã.
d) Trình tự, thủ tục hỗ trợ:
- Hàng năm, các xã đạt 19 tiêu chí NTM và các cơ quan, tổ chức liên quan tiến hành các thủ tục công nhận xã đạt chuẩn NTM. Trình tự, thủ tục xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM thực hiện theo Quyết định số 145/2013/QĐ-UBND ngày 10/01/2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quy định về trình tự, thủ tục xét công nhận và tổ chức công bố xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
- Căn cứ Quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM của UBND tỉnh, Sở Tài chính thực hiện cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện (chi tiết đến xã), chậm nhất 30 ngày sau khi Quyết định công nhận có hiệu lực.
- Căn cứ nguồn kinh phí được ngân sách bổ sung, UBND cấp huyện ra quyết định bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp xã.
3. Nguồn kinh phí thực hiện Chính sách
- Kinh phí hỗ trợ đầu tư các công trình Trụ sở xã, Trạm y tế và Trung tâm văn hóa - thể thao xã: từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh hỗ trợ cho Chương trình xây dựng NTM.
- Kinh phí hỗ trợ các xã đạt chuẩn NTM: từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho Chương trình xây dựng NTM.
Điều 2. Quy định về Cơ chế quản lý đầu tư
Cơ chế quản lý đầu tư đối với các công trình được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này thực hiện theo Điều 10, Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011 của liên Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Kế hoạch và Đầu tư - Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020.
Điều 3. Trách nhiệm của các sở, ngành liên quan và UBND các cấp
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các công trình hằng năm và bố trí kinh phí có mục tiêu (từ nguồn vốn đầu tư phát triển xây dựng NTM) cho các huyện để triển khai thực hiện.
2. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh xây dựng dự toán kinh phí thực hiện chính sách (phần ngân sách tỉnh hỗ trợ) báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt; tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí có mục tiêu (từ nguồn vốn sự nghiệp của Trung ương) cho các địa phương để triển khai thực hiện.
- Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các huyện, các xã và các chủ đầu tư thực hiện việc quản lý, sử dụng, thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định hiện hành.
3. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách, định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện.
4. UBND các huyện, xã, các chủ đầu tư công trình
- Thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục hỗ trợ, quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, tổ chức thực hiện các dự án, công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả và thực hiện thanh, quyết toán theo đúng quy định hiện hành.
- Huy động có hiệu quả các nguồn vốn hợp pháp khác để đối ứng, đảm bảo thực hiện hoàn thành các công trình được hỗ trợ đúng tiến độ, đúng yêu cầu về chất lượng.
- Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng, năm, UBND các huyện báo cáo tiến độ thực hiện dự án gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Văn Phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Quyết định 728/2013/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015
Số hiệu: | 728/2013/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thanh Hóa |
Người ký: | Trịnh Văn Chiến |
Ngày ban hành: | 01/03/2013 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 728/2013/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015
Chưa có Video