THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2631/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2013 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10 tháng 08 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; Nghị quyết số 15-NQ/TW về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đông Nam bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; bảo đảm thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực của Trung ương và thành phố; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) cấp quốc gia; Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định 1659/QĐ-TTg ngày 7 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020; Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020; các điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải cấp quốc gia và thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng và phát triển thành phố Hồ Chí Minh thành hạt nhân của vùng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước; cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển thành phố nhanh và bền vững với chất lượng và tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
2. Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Phát triển đồng bộ các loại hình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng của đô thị đặc biệt; phát triển đồng bộ giữa xây dựng mới với cải tạo và chỉnh trang đô thị; xây dựng thành phố hiện đại, giàu bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc; phát huy tối đa thế mạnh đặc thù sông nước của thành phố.
3. Phát triển sản xuất gắn với nâng cao trình độ khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực; tạo mọi điều kiện để phát huy các nguồn lực - nhất là nội lực vào phát triển kinh tế - xã hội.
4. Tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực thành phố có lợi thế, hướng đến nâng cao chất lượng tăng trưởng và kinh tế tri thức, trong đó phát triển công nghệ thông tin là ưu tiên hàng đầu; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh sang khu vực dịch vụ; tiếp tục đầu tư phát triển khu đô thị công nghiệp cảng Hiệp Phước; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu.
5. Thực hiện phát triển bền vững, gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với thích ứng biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội thành phố với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng đồng bằng sông Cửu Long, cả nước và quốc tế. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế, tăng trưởng xanh, bền vững.
Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Phát triển thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm văn hóa, thể thao, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Vùng và cả nước; đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
a) Về kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt từ 10% - 10,5%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 9,5% - 10%/năm và giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 8,5% - 9%/năm.
- GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đến năm 2015 đạt từ 4.856 - 4.967 USD, đến năm 2020 đạt từ 8.430 - 8.822 USD, đến năm 2025 đạt từ 13.340 - 14.285 USD. GDP bình quân thời kỳ 2011 - 2020 cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế đến năm 2015: khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 56,41% - 57,41%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng từ 41,65 - 42,63%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng từ 0,94% - 0,96%. Đến năm 2020: khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 58,16% - 60,07%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng từ 39,19 - 41,07% và nông nghiệp chiếm tỷ trọng từ 0,74% - 0,78%. Đến năm 2025: khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 58,29% - 61,10%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng từ 38,29% - 41,05% và khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng từ 0,61% - 0,66%.
b) Về xã hội
- Quy mô dân số thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2015 đạt 8,2 triệu người, đến năm 2020 đạt 9,2 triệu người và đến năm 2025 đạt 10 triệu người (không kể khách vãng lai và người tạm trú dưới 06 tháng).
- Giải quyết việc làm: đến năm 2015, hàng năm sẽ tạo ra 120.000 chỗ làm việc mới; đến năm 2020, hàng năm sẽ tạo ra 125.000 chỗ làm việc mới và năm 2025, hàng năm tạo ra 130.000 chỗ làm việc mới. Cuối năm 2015, tỉ lệ thất nghiệp kéo giảm còn 4,5%, đến năm 2020 và sau đó còn dưới 4%.
- Giảm hộ nghèo, tăng hộ khá: Đến năm 2016 nâng mức chuẩn nghèo của thành phố lên trên 16 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo tương đương 7 - 8% tổng hộ dân thành phố. Năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh không còn hộ nghèo theo chuẩn trên và cơ bản không, còn hộ cận nghèo theo chuẩn có thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/năm.
- Đảm bảo chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội, mức sống tiệm cận với mức lương tối thiểu; phấn đấu đến năm 2020 cơ bản bảo đảm an sinh xã hội bao phủ toàn dân, đảm bảo mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin.
- Phát triển thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo và y tế chất lượng cao, ngang tầm với các nước phát triển khu vực Đông Nam Á.
- Đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo cơ sở vật chất cho giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao để có khả năng đáp ứng nhu cầu chuyên môn cao cho cả khu vực phía Nam.
- Nâng cao mặt bằng học vấn đến năm 2015 bình quân đạt lớp 10, năm 2020 bình quân đạt lớp 11 và năm 2025 bình quân đạt lớp 11-12.
- Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế: số bác sĩ trên 10.000 dân đến năm 2015 đạt 15 bác sĩ, đến năm 2020 đạt 20 bác sĩ và đến năm 2025 đạt 20 - 25 bác sĩ.
- Phấn đấu đến cuối năm 2015, 100% xã có trạm y tế, 100% trạm y tế có bác sĩ; tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đạt dưới 8%; tỉ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi đạt từ 10‰ trở xuống.
- Nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp chỉ số giá tiêu dùng và khả năng đáp ứng của ngân sách thành phố.
c) Hạ tầng kỹ thuật
- Giao thông
+ Xây dựng và từng bước hoàn chỉnh, hiện đại hóa mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, đảm bảo cho thành phố phát triển ổn định, cân bằng, bền vững, góp phần đưa thành phố Hồ Chí Minh trở thành đầu mối giao thông quan trọng của vùng, cả nước và khu vực Đông Nam Á.
+ Xây dựng hoàn thiện Trung tâm điều khiển giao thông hiện đại trên cơ sở ứng dụng tối đa công nghệ tiên tiến nhất hiện nay về hệ thống giao thông thông minh, hệ thống thông tin địa lý GIS để tích hợp quản lý, điều khiển giao thông từng bước lên mức tương đương các đô thị hiện đại của các nước tiên tiến, góp phần cải thiện tình hình ùn tắc giao thông, làm cho giao thông thành phố trở nên thông suốt, kéo giảm tai nạn giao thông dựa trên việc ứng dụng các công nghệ hiện đại về kỹ thuật điện tử và công nghệ thông tin trong công tác điều hành và quản lý giao thông đô thị.
+ Triển khai thực hiện và hoàn thành các quy hoạch chi tiết chuyên ngành cơ sở hạ tầng giao thông vận tải (cầu đường, bãi đỗ, bến xe, trạm trung chuyển, trạm dừng, giao thông thủy...), quy hoạch tổ chức giao thông đô thị và triển khai thực hiện sau khi các quy hoạch được phê duyệt.
+ Tỷ lệ đất giao thông trên đất đô thị đến năm 2015 đạt khoảng 8,2%, đến năm 2020 đạt khoảng 12,2% và đến năm 2025 đạt khoảng 16 - 20%. Để đảm bảo duy trì tỷ lệ này ở mức độ tương đối giữa các khu vực khác nhau, kể cả khu đô thị mới và khu vực lõi của thành phố; quan điểm phát triển tại khu vực lõi trung tâm sẽ được ưu tiên xây dựng các cầu vượt, đường trên cao, đường hầm; qua đó góp phần nâng tổng diện tích giao thông tại khu vực này.
+ Mật độ đường bình quân trên diện tích tự nhiên năm 2015 đạt 1,9 km/km2, năm 2020 đạt 2,2 km/km2 và năm 2025 đạt khoảng 4,5 - 5 km/km2.
+ Giảm trên 10% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông hàng năm so với năm liền kề trước đó.
+ Phát triển vận tải hành khách và hàng hóa theo mô hình đa phương thức. Đến năm 2015 khối lượng vận tải hành khách công cộng đáp ứng 15% nhu cầu đi lại (trong đó xe buýt đáp ứng khoảng 11%); đến năm 2020, khối lượng vận tải hành khách công cộng đáp ứng 20 - 25% nhu cầu đi lại (trong đó xe buýt đáp ứng khoảng 16%) và đến năm 2025 khối lượng vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30% nhu cầu đi lại (trong đó, xe buýt đáp ứng khoảng 21%). Chú trọng phát triển hệ thống đường sắt đô thị bên cạnh hệ thống xe buýt và các phương tiện vận tải hành khách công cộng khác.
- Cấp điện
+ Đảm bảo phát triển cân đối, đồng bộ giữa nguồn, lưới điện và nhu cầu phụ tải, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cho từng giai đoạn.
+ Từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng điện, đảm bảo duy trì hệ số đàn hồi (tỷ lệ giữa tốc độ tăng điện thương phẩm và tăng GDP) ở mức dưới 1 và phấn đấu giảm xuống dưới 0,8. Tỉ lệ công suất điện từ năng lượng mới, năng lượng tái tạo khoảng 2-3%.
+ Điện thương phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 2.600 - 2.800 kwh/người/năm vào năm 2015; khoảng 3.600-3.850 kwh/người/năm vào năm 2020 và 4.800 - 5000 kwh/người/năm vào năm 2025.
+ Tỉ lệ tổn thất điện năng đến năm 2015 giảm còn 5,2%, đến năm 2020 còn khoảng 5% và đến năm 2025 còn 4,8%.
+ Đến năm 2015 đạt tỷ lệ ngầm hóa trên 30% lưới điện trung thế và 20% lưới điện hạ thế, trong đó khu vực trung tâm thành phố đạt ngầm hóa 90% lưới điện trung thế và 50% lưới điện hạ thế. Đến năm 2020 cơ bản ngầm hóa lưới điện nội thành hiện hữu và đến năm 2025 cơ bản hoàn thành ngầm hóa ở các trung tâm hành chính huyện, khu đô thị mới, khu công nghiệp.
- Công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông
+ Đến năm 2015 công nghệ thông tin và truyền thông sẽ trở thành cơ sở hạ tầng cho các ngành kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước.
+ Đến năm 2020, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành phố Hồ Chí Minh thành một ngành kinh tế chủ lực, tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm, làm nền tảng cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.
+ Đến năm 2025, phấn đấu phát triển hạ tầng công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin thành phố ngang bằng khu vực.
- Cấp nước
+ Đến năm 2015, tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch đạt 100% đối với khu vực nội thành cũ và 98% đối với khu vực nội thành mới, khu vực ngoại thành và đến năm 2025 đạt 100%.
+ Chỉ tiêu nước sinh hoạt bình quân đầu người đạt 152 lít/người/ngày vào năm 2015, đạt 170 lít/người/ngày vào năm 2020 và đạt 180 lít/người/ngày vào năm 2025.
+ Tỷ lệ thất thoát nước giảm còn 32% vào năm 2015, 28% vào năm 2020 và 25% vào năm 2025.
+ Mở rộng phạm vi bao phủ dịch vụ cấp nước ra ngoại thành; cải thiện và nâng cao điều kiện vệ sinh, sức khỏe nhân dân vùng nông thôn.
+ Đảm bảo tiêu chuẩn cấp nước của thành phố cho các giai đoạn phù hợp với định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006 đối với đô thị đặc biệt.
- Thoát nước
Hệ thống thoát nước đảm bảo tiêu thoát tốt. Từng bước giảm tình trạng ngập nước.
+ Giai đoạn 2011 - 2015: Giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa và triều tại lưu vực trung tâm (diện tích 100 km2, dân số khoảng 3,3 triệu người); phấn đấu xóa các điểm ngập do mưa hiện hữu, kéo giảm tình trạng ngập nước lưu vực bắc Tàu Hủ, Tân Hóa - Lò Gốm (các quận 6, 11, Tân Phú, Bình Tân và một phần các quận 6, 8, Bình Thạnh), khắc phục tình trạng ngập do thi công, hạn chế phát sinh các điểm ngập mới. Đối với 5 vùng thoát nước còn lại (580 km2, dân số khoảng 3,4 triệu người), phấn đấu giảm 70% các điểm ngập nước do mưa, 50% các điểm ngập do triều; kiểm soát, ngăn chặn không cho phát sinh các điểm ngập mới. Phấn đấu đến cuối năm 2015, cơ bản hoàn thành chương trình giải tỏa nhà lụp xụp trên và ven kênh, rạch để tiến hành nạo vét, thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, Xây dựng mới 1.100 km đường cống thoát nước. 80% nước thải bệnh viện và nước thải các cơ sở công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi xả vào cống chung. 80% hộ dân đô thị được kết nối hệ thống thoát nước và 60% nước thải sinh hoạt được xử lý.
+ Giai đoạn 2016 - 2020: Giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa tại 5 vùng thoát nước và phần diện tích còn lại của thành phố vào năm 2020. Mở rộng khu vực bảo vệ chống ngập ngoài phạm vi nghiên cứu quy hoạch tiêu thoát nước (khu vực quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh). Đến năm 2020, hoàn thành cơ bản chương trình chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch, tăng diện tích vùng đệm điều tiết nước, tạo cảnh quan đô thị. Xây dựng bổ sung 1.900 km đường cống thoát nước. Tổng chiều dài cống và mương thoát nước mưa đến năm 2020 là 6.000 km (trong đó mương hở là 3.770km). 100% nước thải bệnh viện và nước thải các cơ sở công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi xả vào cống chung. 90% hộ dân đô thị được kết nối hệ thống thoát nước và 80% nước thải sinh hoạt được xử lý.
+ Giai đoạn 2021 - 2025: Giải quyết triệt để tình trạng ngập nước do mưa; giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do lũ và triều, có xét đến hiện tượng mực nước biển dâng cao trong tương lai trên toàn địa bàn thành phố. 100% hộ dân đô thị được kết nối hệ thống thoát nước và 100% nước thải sinh hoạt được xử lý.
d) Thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường
- Xây dựng các kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các loại tài nguyên, bảo vệ nghiêm ngặt môi trường, nâng cao chất lượng sống, đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố.
- Từng bước cải thiện môi trường nhằm giảm mức độ ô nhiễm môi trường đến mức đảm bảo các yêu cầu về môi trường trong sạch theo tiêu chuẩn môi trường Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững của thành phố và các tỉnh lân cận.
- Đến năm 2015 có 100% cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường; 100% tổng lượng chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại được lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó có phân loại, tái chế và tái sử dụng; 100% kênh rạch không có rác, được nạo vét cải tạo môi trường và khơi thông dòng chảy; 90% khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 50% khu đô thị hiện hữu có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Giảm thiểu 80% mức độ ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nội thành, 60% mức độ ô nhiễm khu vực ngoại thành. Giảm thiểu 70% mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn do sản xuất, 50% ô nhiễm không khí và tiếng ồn do hoạt động giao thông vận tải. 100% người dân thành phố được phổ biến, tuyên truyền về bảo vệ môi trường.
- Đến năm 2020, phấn đấu 100% khu đô thị mới và 70% khu đô thị hiện hữu có hệ thống nước thải tập trung.
- Đến năm 2025, phấn đấu 100% khu đô thị hiện hữu có hệ thống nước thải tập trung.
đ) Quốc phòng, an ninh
Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động 16-CTr/TU của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX về chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới và Chương trình hành động số 49-CTr/TU ngày 20 tháng 2 năm 2009 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; thực hiện tốt chính sách tôn giáo, dân tộc, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên cơ sở phát triển tiềm lực chính trị, tinh thần ngày càng vững mạnh, ngang tầm với yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Tạo chuyển biến rõ nét về trật tự, an toàn xã hội, nếp sống đô thị, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc.
III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Định hướng phát triển các ngành dịch vụ
- Phát triển dịch vụ mang tính đột phá trên cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả các ngành dịch vụ và đầu tư phát triển mới các sản phẩm dịch vụ; phát triển thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Nam Á.
- Tập trung phát triển 09 nhóm ngành dịch vụ tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông; kinh doanh tài sản - bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục - đào tạo; phát triển trung tâm tài chính mang tầm khu vực Đông Nam Á.
- Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ hiện đại, bao gồm hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối hàng hóa, cao ốc văn phòng, nhà hàng khách sạn cao cấp, thương mại điện tử, trung tâm y tế kỹ thuật cao, các trường đại học đạt chuẩn quốc tế; phát triển đồng bộ giữa hạ tầng dịch vụ hiện đại và hạ tầng dịch vụ truyền thống.
- Phát triển du lịch thành phố ngang tầm với các nước trong khu vực; phát triển thành phố thành trung tâm du lịch và trung chuyển khách du lịch, phát triển các loại hình du lịch mua sắm, du lịch hội nghị, du lịch khám chữa bệnh, du lịch ẩm thực; đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa.
- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khu vực dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015 đạt từ 11,17% - 12,07%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 10,17% - 11%/năm, giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 8,55% - 9,37%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 10,5%/năm; giai đoạn 2016 - 2020, đạt bình quân 10%/năm; giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 12%/năm. Đến năm 2015 giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt từ 36 - 37 tỷ USD, năm 2020 đạt từ 57 - 59 tỷ USD và năm 2025 đạt từ 100 - 105 tỷ USD. Khách du lịch quốc tế đến năm 2015 đạt khoảng 5 triệu lượt người, đến năm 2020 đạt khoảng 8 triệu lượt người và đến năm 2025 đạt khoảng 13,5 triệu lượt người.
2. Định hướng phát triển công nghiệp - xây dựng
- Phát triển công nghiệp - xây dựng thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng cao; phát triển 04 nhóm ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su; chế biến tinh lương thực thực phẩm) và các ngành công nghệ sinh học, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng; phát triển công nghiệp thời trang ngành dệt may - da giày, công nghiệp thiết kế; chuyển dần từ hoạt động gia công lắp ráp sang hoạt động sản xuất.
- Tiếp tục phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao; bố trí sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch; phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp cơ khí, điện tử - tin học; hạn chế thu hút các dự án đầu tư mới thâm dụng lao động phổ thông.
- Tốc độ tăng trưởng GDP khu vực công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2011 - 2015 đạt bình quân 8,7%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt bình quân 8,7%/năm và giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 8,5%/năm.
3. Định hướng phát triển nông nghiệp - nông thôn
Phát triển nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao gắn với đặc thù nông nghiệp của một đô thị đặc biệt và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 bình quân đạt 5%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5%/năm và giai đoạn 2021 - 2025 đạt 5%/năm.
Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại có kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh theo tiêu chí nông thôn mới; gắn kết hài hòa giữa phát triển nông thôn và phát triển đô thị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn. Phấn đấu đến năm 2015 đạt 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (56/56 xã, không tính 2 xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh và xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn đã có tốc độ đô thị hóa rất cao).
4. Định hướng phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội
a) Lao động, việc làm
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố, đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế - xã hội, phát triển đội ngũ lao động trình độ cao đạt tiêu chuẩn quốc tế; cân đối cung - cầu về lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người lao động; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường lao động.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 70%, năm 2020 đạt 85% và năm 2025 đạt 90%.
b) Giáo dục - đào tạo
- Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; hoàn thiện cơ sở vật chất, mạng lưới trường, lớp, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, nội dung và phương thức giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa và liên kết quốc tế, huy động mọi nguồn lực vào việc đầu tư cho ngành giáo dục và đào tạo; đảm bảo các chuẩn về giáo viên, trường lớp và cơ sở vật chất các ngành học, bậc học, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng thành phố thành một trung tâm lớn về giáo dục - đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
- Giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông: duy trì phổ cập học sinh các bậc học theo đúng độ tuổi.
- Giáo dục mầm non: Nhà trẻ: Huy động cháu ra lớp năm 2020 đạt tỷ lệ 30% và đạt 32% năm 2025. Mẫu giáo: Huy động cháu ra lớp đạt tỷ lệ 80% năm 2020 và năm 2025 là 85%.
- Giáo dục tiểu học: Đến năm 2015, huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đạt 100%; học sinh được học hai buổi/ngày đạt 100%. Sĩ số học sinh không quá 35 học sinh/lớp năm 2015; 30 học sinh/lớp năm 2020; 30 học sinh/lớp năm 2025. Giáo dục trung học cơ sở (THCS): Phấn đấu đến năm 2015, đạt tỷ lệ 100% học sinh được học hai buổi/ngày; 100% các trường THCS đảm bảo đủ các phòng học bộ môn và các phòng phục vụ học tập. Phấn đấu một lớp học ở bậc THCS khoảng 38 học sinh/lớp vào năm 2015; 35 học sinh/lớp năm 2020 và đạt 30 học sinh/lớp năm 2025.
- Giáo dục trung học phổ thông (THPT): Phấn đấu một lớp học ở bậc THPT đạt khoảng 40 học sinh/lớp vào năm 2015; 35 học sinh/lớp đến năm 2020 và 30 học sinh/lớp đến năm 2025.
- Giáo dục nghề nghiệp: đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo chung làm việc trong các thành phần kinh tế đạt 80%, đến năm 2020 đạt 90% năm 2025, đạt 100%. Đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội.
- Giáo dục đại học: Phát triển giáo dục đại học phù hợp với Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020. Phấn đấu đến 2020 thành phố có ít nhất 1 trường đạt tiêu chuẩn đào tạo ngang tầm với các trường tiên tiến trong khu vực.
c) Y tế
- Đẩy mạnh phát triển ngành y tế, từng bước hiện đại, hoàn chỉnh hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển: thực hiện tốt các chương trình quốc gia về sức khỏe, tiếp tục đầu tư y tế dự phòng, tăng cường các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế từ cơ sở đến thành phố; phát triển hệ thống y tế chuyên sâu kỹ thuật cao; đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư phát triển cơ sở vật chất ngành y tế, xây dựng các cụm bệnh viện tại các cửa ngõ thành phố, giảm áp lực các bệnh viện tuyến trên; đảm bảo số giường bệnh đạt 42 trên 10.000 dân đến năm 2015 và duy trì 42 giường bệnh trên 10.000 dân cho cả 2 giai đoạn: 2016 - 2020 và 2021 - 2025.
- Phát triển ngành Dược và Y học Cổ truyền thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn.
- Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.
- Phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng tăng nhanh tỷ lệ nguồn nhân lực chuyên khoa sâu, tăng cường năng lực khám chữa bệnh, kiện toàn hệ thống tổ chức cán bộ.
- Mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ kinh phí, chuyển giao khoa học - công nghệ và kinh nghiệm quản lý của các nước, các tổ chức quốc tế để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
d) Văn hóa, thể thao
- Phát triển văn hóa theo hướng văn minh, hiện đại phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của Việt Nam và của nhân dân thành phố, đảm bảo tính đa dạng về văn hóa. Phát triển văn hóa đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân thành phố, tạo điều kiện giao lưu văn hóa giữa thành phố Hồ Chí Minh với cả nước và thế giới. Tiếp thu có chọn lọc văn hóa của thời đại, để nâng cao mức độ hưởng thụ của nhân dân. Thông qua việc tổ chức các loại hình văn hóa, mở rộng việc tham gia của nhân dân vào các tổ chức hiệp hội chuyên môn, đào tạo kỹ năng hưởng thụ văn hóa và tổ chức các hội thi quần chúng, sáng tạo nghệ thuật.
- Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa. Phát triển hệ thống cơ sở vật chất ngành văn hóa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân thành phố, phục vụ du lịch trong nước và quốc tế. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Xây dựng các tượng đài chiến thắng, tượng đài lịch sử đúng tầm cỡ quy mô thành phố. Phát triển các khu vui chơi giải trí, ngành công nghiệp giải trí ngang tầm các nước trong khu vực; bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật. Chú trọng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đến năm 2015 số khu phố đạt chuẩn là 70%, năm 2020 là 75% và năm 2025 là 85%. Đảm bảo, 100% người dân thường xuyên tiếp cận với dịch vụ văn hóa. Đầu tư một số công trình văn hóa cho tương xứng với tầm vóc của một trung tâm văn hóa lớn phía Nam.
- Phát triển thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm thể dục thể thao của cả nước. Đối với thể thao quần chúng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia luyện tập thể dục thể thao, trang bị phương tiện luyện tập thể dục thể thao ở các khu vực công cộng. Tỷ lệ dân số luyện tập thể dục thể thao thường xuyên là 28% năm 2015, 33% năm 2020 và từ 40% trở lên vào năm 2025. Đối với thể thao học đường, đảm bảo cơ sở vật chất cho học sinh tham gia luyện tập thể dục thể thao. Đối với thể thao thành tích cao, đầu tư phát triển các môn thể thao thành phố có thế mạnh, những môn thể thao trọng điểm, hiện đại hóa cơ sở luyện tập thể thao đạt tiêu chuẩn quốc tế.
5. Định hướng phát triển khoa học và công nghệ
- Với vị trí là trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước và khu vực, hoạt động khoa học và công nghệ thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 phải thực sự trở thành động lực trực tiếp, đóng góp quan trọng vào chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững, đạt trình độ trung bình tiên tiến, rút ngắn khoảng cách với các thành phố lớn trong khu vực.
- Đầu tư thỏa đáng, đáp ứng nhu cầu cho phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trên cơ sở tăng cường đầu tư từ ngân sách thành phố kết hợp với huy động các nguồn lực đầu tư từ xã hội, nhất là các doanh nghiệp. Chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất và phát triển nguồn nhân lực trình độ cao nhằm tạo bước đột phá về năng lực nội sinh; tiếp thu, sáng tạo và từng bước làm chủ công nghệ mới trên một số lĩnh vực.
- Củng cố và hoàn thiện cơ chế liên kết hợp tác giữa nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho hoạt động khoa học và công nghệ, lấy đổi mới công nghệ, ứng dụng và phát triển công nghệ mới làm đòn bẩy cho sự tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
- Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý khoa học và công nghệ; chính sách đối với đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước nhằm khai thác hiệu quả nhất mọi tiềm năng trí tuệ phục sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và từng bước phát triển nền kinh tế trí thức.
6. Định hướng phát triển quốc phòng, an ninh
- Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình”; nắm chắc dự báo tình hình, luôn giành thế chủ động trong mọi tình huống; tăng cường phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, duy trì môi trường hòa bình, ổn định. Huy động sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, gắn phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định 2412/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ gắn với xây dựng cơ bản, xây dựng thế trận và cơ cấu đầu tư; phát huy tiềm lực kinh tế, sẵn sàng chuyển tiềm lực kinh tế sang tiềm lực quốc phòng khi có chiến tranh. Tăng cường quản lý an ninh mạng, phòng chống khủng bố, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch.
- Xây dựng lực lượng vũ trang thành phố vững mạnh, toàn diện, đủ sức ngăn chặn và đối phó thành công với mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc và phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh (trang bị phương tiện, khí tài hiện đại). Mở rộng quan hệ hợp tác với các nước để trao đổi, cập nhật thông tin về an ninh chính trị, phòng chống hiệu quả tội phạm khủng bố, giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
7. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật
a) Giao thông
Mạng lưới giao thông được tập trung phát triển nối liền các khu đô thị mới, các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, các công trình đầu mối giao thông liên vùng, gắn kết chặt chẽ với các tỉnh trong Vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ nhau phát triển đồng bộ, khai thác tốt nhất thế mạnh kinh tế - xã hội tổng hợp của toàn vùng.
- Đường bộ
Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống đường hướng tâm đối ngoại và hệ thống đường vành đai. Tập trung nâng cấp, mở rộng các tuyến cửa ngõ ra vào thành phố (Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 13, Quốc lộ 50). Nâng cấp, mở rộng và kết nối Quốc lộ 1 trên địa bàn thành phố; xây dựng hệ thống cầu và các nút giao thông trọng yếu, giải quyết các điểm nghẽn kết nối với các cửa ngõ và các đầu mối giao thông quan trọng. Xây dựng 4 tuyến đường trên cao liên thông với nhau với 4 làn xe ở các trục có lưu lượng giao thông lớn. Xây dựng các bãi trung chuyển hàng hóa tại các cửa ngõ ra vào nội đô và dọc vành đai 2. Ưu tiên phát triển bãi đỗ xe ngầm và trên cao tại khu đô thị đã ổn định. Hoàn thiện Trung tâm điều khiển giao thông thành phố hiện đại trên cơ sở ứng dụng tối đa công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.
- Đường sắt
Từng bước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị và liên đô thị kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia, đảm nhận chức năng vận tải hành khách công cộng, gồm 7 tuyến metro xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố và 3 tuyến xe điện mặt đất. Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt thống nhất khu vực thành phố Hồ Chí Minh, trong đó ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc đưa đoạn tuyến đường sắt Bình Triệu - Hòa Hưng lên cao.
- Đường thủy
Tiếp tục duy trì và cải tạo các luồng tuyến giao thông thủy hiện có, khẩn trương triển khai quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng bến đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 66/2009/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2009, nâng cấp các cầu trên tuyến đường thủy nội địa đảm bảo tĩnh không, khẩu độ thông thuyền theo quy định. Kết hợp các tuyến đường thủy nội địa địa phương với các tuyến đường sông chuyên dùng, các tuyến đường thủy nội địa quốc gia, các tuyến hàng hải trên địa bàn thành phố, hình thành mạng lưới vận tải thủy liên kết giữa các khu vực của thành phố và giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận và quốc tế.
Tập trung các nguồn lực để phát triển khu đô thị công nghiệp cảng Hiệp Phước; triển khai nạo vét luồng Soài Rạp đến cao độ -9,5m (Hệ Hải đồ) đảm bảo cho tàu 30.000DWT đầy tải, tàu 50.000DWT đầy tải, hoàn thành vào năm 2014. Đồng thời, có kế hoạch Nạo vét luồng Soài Rạp đạt cao độ -12m (Hệ Hải đồ) đảm bảo cho tàu 50.000DWT đầy tải, tàu 70.000DWT đầy tải, giảm tải lưu thông để đảm bảo tiếp nhận lượng hàng hóa qua cảng biển khu vực Hiệp Phước đảm bảo lượng hàng hóa qua cảng Hiệp Phước đạt 130-150 triệu tấn vào năm 2020, nâng tổng sản lượng hàng hóa qua cảng biển toàn thành phố đạt 200 triệu tấn vào năm 2020 (như định hướng tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025).
Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội đô vành đai trong (sông Sài gòn - sông Trường Đai - rạch Bến Cát - rạch Nước lên - sông Bến Lức - kênh Đôi - kênh Tẻ - sông Sài Gòn) đạt chuẩn kênh cấp 4.
Cải tạo, nâng cấp vành đai ngoài (sông Sài gòn - kênh Xáng - rạch Tra - kênh An Hạ - Chợ Đệm - kênh Đôi - kênh Tẻ - sông Sài Gòn) đạt chuẩn kênh cấp 4.
Xây mới bến tàu khách quốc tế 50.000 DWT tại khu vực Mũi Đèn Đỏ (phường Phú Thuận, quận 7) và bến thủy nội địa tại khu vực cảng Sài Gòn - Khánh Hội hiện hữu.
Đầu tư xây dựng các cảng hàng hóa đường sông kết nối với hệ thống cảng biển thành phố Hồ Chí Minh, đối lưu hàng hóa giữa thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh phụ cận, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; kết nối và hỗ trợ hữu hiệu cho vận tải đường bộ và vận tải đường biển. Đồng thời phát triển cảng hành khách, du lịch đường sông. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng trên địa bàn thành phố, các cảng có khả năng tiếp nhận các tàu container thế hệ mới. Hoàn thành cơ bản chương trình di dời hệ thống cảng biển từ nội thành ra ngoại vi.
- Hàng không
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ được cải tạo nâng công suất khoảng 20 triệu hành khách/năm vào năm 2020 và những năm tiếp theo.
- Vận tải hành khách công cộng và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân
Phát triển vận tải hành khách công cộng theo hướng hiện đại, liên thông giữa các phương thức vận tải hành khách đô thị. Giai đoạn 2015 - 2020, xe buýt vẫn đóng vai trò chủ đạo trong vận tải công cộng và vận tải đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh sẽ từng bước được hình thành vào giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung nghiên cứu, triển khai sớm các biện pháp kinh tế, hành chính với lộ trình phù hợp nhằm hạn chế sự phát triển phương tiện giao thông cá nhân phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng của thành phố.
b) Cấp điện
- Tốc độ tăng điện thương phẩm giai đoạn 2011 - 2015 khoảng từ 7 - 8,5 %/năm, giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 9 %/năm và giai đoạn 2021 - 2025 khoảng từ 7 - 8 %/năm. Điện thương phẩm năm 2015 khoảng 21,5 - 23 tỷ Kwh, năm 2020 khoảng 33 - 35,4 tỷ Kwh, năm 2025 khoảng 48,5 - 50 tỷ Kwh.
- Công suất cực đại đạt khoảng 3.800 - 4.000 MW vào năm 2015; khoảng 6.100 - 6.500 MW vào năm 2020 và khoảng 9.000 MW vào năm 2025.
- Về lưới điện, giai đoạn 2011 - 2015 xây dựng mới và cải tạo 8 trạm 220 KV với tổng công suất 3.750 MVA, giai đoạn 2016 - 2020 xây dựng mới 8 trạm 220 KV với tổng công suất 3.500 MVA, giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng mới 13 trạm 220 KV với tổng công suất 4.000 MVA.
c) Công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông
- Từng bước hoàn thiện mạng băng thông rộng đến toàn bộ thành phố, phủ sóng thông tin di động băng thông rộng đến 100% địa bàn dân cư. Phát triển hệ thống các điểm truy cập thông tin công cộng cùng với lắp đặt thiết bị hiện đại nhằm thu hút và tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân, doanh nghiệp có thể khai thác, sử dụng có hiệu quả các dịch vụ điện thoại cố định và truy cập internet.
- Phát triển hạ tầng viễn thông hiện đại kết nối với siêu xa lộ thông tin trong nước và quốc tế. Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý theo mô hình quản lý tập trung từ các cơ sở dữ liệu theo yêu cầu quản lý của từng chuyên ngành thành hệ thống cơ sở dữ liệu chung phục vụ phát triển Chính phủ điện tử.
- Phát triển an toàn thông tin và an ninh mạng. Xây dựng các khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm trọng điểm Quốc gia...
d) Cấp nước
- Đảm bảo tổng công suất cấp nước từ hệ thống cấp nước chính vào năm 2015 đạt 2.510.000 m3/ngày đêm, đến năm 2020 đạt 3.100.000 m3/ngày đêm và năm 2025 đạt 3.700.000 m3/ngày đêm.
- Có các biện pháp kiểm soát và hạn chế dần việc khai thác nước ngầm để đến năm 2015 chỉ còn khai thác từ các giếng công nghiệp đã được cấp phép và giếng khoan hộ gia đình khoảng 330.000m3/ngày đêm, đến năm 2020 khoảng 200.000 m3/ngày đêm. Đến năm 2025 chỉ còn khai thác quy mô công nghiệp với lưu lượng khoảng 100.000m3/ngày đêm và ngưng hoàn toàn việc khai thác giếng khoan công nghiệp quy mô nhỏ và giếng khoan hộ gia đình.
- Thực hiện chương trình nghiên cứu khả năng cấp nước của hồ Trị An và Dầu Tiếng, đảm bảo nguồn cấp nước cho thành phố trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
- Phát triển mạng lưới truyền dẫn và phân phối nước đồng bộ với công suất các Nhà máy nước cho từng giai đoạn.
- Phát triển mạng lưới cấp nước đảm bảo áp lực nước hợp lý trên toàn địa bàn. Đảm bảo cấp nước cho các hộ dân theo mục tiêu đã đề ra cho các giai đoạn.
- Xây dựng lộ trình hạn chế và các chính sách, giải pháp quản lý việc sử dụng nước ngầm.
- Ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật ngành nước, tiến dần tới trình độ quản lý và vận hành của các nước tiên tiến trên thế giới.
đ) Thoát nước
- Xây dựng hệ thống thoát nước dựa trên quan điểm hòa hợp với thiên nhiên. Kiểm soát triều và lũ, tăng diện tích cây xanh, thảm cỏ, bảo vệ và mở rộng các hồ điều tiết, giữ tối đa các khu vực trũng chứa nước để giảm sự gia tăng dòng chảy, bảo vệ sông rạch để hỗ trợ tiêu thoát nước và tạo cảnh quan đô thị.
- Phát triển hệ thống thoát nước phù hợp với sự phát triển của thành phố, đảm bảo phát triển đồng bộ giữa các khu vực và các ngành cơ sở hạ tầng khác trên cơ sở định hướng phát triển thoát nước đô thị Việt Nam đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong nước, quốc tế cho đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống thoát nước.
Định hướng phát triển 5 chương trình nhà ở, bao gồm:
- Chương trình thay thế chung cư hư hỏng, xuống cấp: dự kiến sẽ tiến hành di dời, xây mới, để đến năm 2015 không còn tình trạng chung cư cũ hết hạn sử dụng trên địa bàn thành phố.
- Chương trình nhà ở xã hội: bao gồm 6 chương trình nhánh như (1) Nhà ở cho cán bộ công chức thành phố (2) Chương trình nhà ở cho người có công cách mạng (3) Chương trình nhà lưu trú công nhân (4) Chương trình ký túc xá sinh viên (5) Chương trình nhà ở thu nhập thấp và (6) Chương trình nhà ở cho người nghèo.
- Chương trình xây dựng căn hộ tái định cư: tiếp tục thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai đầu tư xây dựng và các dự án mới, đáp ứng nhu cầu tái định cư đến năm 2025.
- Chương trình di dời các hộ dân sống trên và ven kênh rạch: phấn đấu cơ bản hoàn thành di dời cơ bản các hộ trên và ven kênh rạch trong giai đoạn 2011 - 2015. Ngoài ra, còn chương trình nhà cho người già, trẻ em lang thang cơ nhỡ là chương trình mới, nhằm mục đích chăm sóc người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa.
- Chương trình nhà ở công vụ: nghiên cứu xây dựng nhà ở công vụ đáp ứng yêu cầu ở, sinh hoạt cho cán bộ các cấp khi thực hiện nhiệm vụ nhà nước từ nay đến 2025.
Kiểm soát, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước mặt, nước ngầm, chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại, đồng thời khắc phục những nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; xây dựng thành phố xanh, sạch, có môi trường sống tốt, phục hồi các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, bảo vệ, phát triển Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Tăng cường tuyên truyền trong nhân dân để bảo vệ nguồn nước; tiếp tục phối hợp các tỉnh, thành, quận - huyện có nguồn nước sông Đồng Nai chảy qua để di dời các khu công nghiệp nhằm hạn chế nguồn nước thải từ các nhà máy; xây dựng trạm quan trắc; tăng cường xử lý chất thải, quy hoạch hệ sinh thái; định hướng đầu tư phát triển công nghệ xử lý môi trường.
IV. PHƯƠNG HƯỚNG TỔ CHỨC KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN
a) Mô hình phát triển thành phố: theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển:
- Phát triển thành phố theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực trung tâm hiện hữu gồm Quận 1, Quận 3, một phần Quận 4, quận Bình Thạnh (930 ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm (737 ha); bốn trung tâm cấp thành phố tại bốn hướng phát triển.
- Phát triển thành phố với hai hướng chính là: hướng Đông và hướng Nam ra biển và hai hướng phụ là: hướng Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam.
- Không phát triển đô thị tại vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ trong khu dự trữ sinh quyển ở Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi.
- Phát triển đô thị gắn với mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh.
b) Tổ chức lãnh thổ hệ thống đô thị
Khu đô thị trung tâm của thành phố là khu vực trung tâm hiện hữu bao gồm Quận 1, Quận 3, một phần quận 4, quận Bình Thạnh (930 ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm (737 ha); Thành phố sẽ mở rộng và phát triển theo các hướng như sau:
- Hướng chính phía Đông: hành lang phát triển là tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và dọc tuyến xa lộ Hà Nội phát triển các khu đô thị mới.
- Hướng chính phía Nam: hành lang phát triển là tuyến Nguyễn Hữu Thọ, phát huy thế mạnh đặc thù sông nước với mật độ xây dựng thấp, không làm giảm diện tích mặt nước phục vụ cho tiêu thoát nước của thành phố.
- Hướng phụ phía Tây - Bắc: hành lang phát triển là tuyến Quốc lộ 22 (xa lộ Xuyên Á).
- Hướng phụ phía Tây, Tây - Nam: hành lang phát triển là tuyến Nguyễn Văn Linh.
c) Phân vùng phát triển
- Vùng phát triển đô thị gồm 13 quận nội thành hiện hữu và 6 quận mới, thị trấn thuộc huyện, các khu đô thị mới phát triển.
- Vùng phát triển công nghiệp được phát triển tại các quận mới và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.
- Vùng sinh thái, du lịch được phát triển dọc theo sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, sông Đồng Nai, khu sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ.
- Vùng nông nghiệp kết hợp vành đai sinh thái được phát triển tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ.
- Các khu dân cư nông thôn được phát triển tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.
- Vùng bảo tồn thiên nhiên: rừng ngập mặn Cần Giờ thuộc khu dự trữ sinh quyển ở huyện Cần Giờ, rừng đặc dụng phòng hộ tại huyện Củ Chi, Bình Chánh.
d) Phân khu chức năng
- Khu nội thành hiện hữu: gồm 13 quận nội thành hiện hữu, với tổng diện tích khoảng 14.200 ha, quy mô dân số dự kiến đến năm 2025 khoảng 4,5 triệu người;
- Khu nội thành phát triển: gồm 6 quận mới, với tổng diện tích khoảng 35.200 ha, quy mô dân số dự kiến đến năm 2025 khoảng 2,9 triệu người;
- Các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu đô thị mới tại địa bàn ngoại thành: gồm 5 huyện ngoại thành, với tổng diện tích khoảng 160.200 ha, quy mô dân số dự kiến đến năm 2025 khoảng 2,6 triệu người, trong đó dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người.
- Các khu - cụm công nghiệp tập trung: 01 khu công nghệ cao, 20 khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất và các cụm công nghiệp địa phương với tổng diện tích là 8.792 ha.
- Hệ thống các trung tâm:
+ Trung tâm tổng hợp chính của thành phố tại khu nội thành hiện hữu trên địa bàn Quận 1, Quận 3 và một phần Quận 4, Bình Thạnh có quy mô 930 ha, mở rộng Trung tâm tổng hợp chính mới sang khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2 có diện tích 737 ha.
+ Các trung tâm cấp thành phố tại bốn hướng như: phía Đông vị trí tại phường Long Trường, Quận 9; phía Nam thuộc khu A của đô thị mới Nam Thành phố; phía Bắc thuộc khu đô thị mới Tây - Bắc; phía Tây khu vực giáp Quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh.
- Hệ thống các trung tâm chuyên ngành:
+ Trung tâm đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học: ngoài khu Đại học Quốc gia thành phố, bố trí thêm ở các khu vực thuộc hướng Đông, Nam và Tây - Bắc thành phố.
+ Hệ thống bệnh viện và trung tâm y tế: phát triển xây dựng các bệnh viện, xây dựng mô hình viện - trường và các trung tâm nghiên cứu kết hợp thực nghiệm y - dược tại các cửa ngõ ra vào trung tâm thành phố.
+ Trung tâm văn hóa, thể thao: Khu Lịch sử - Văn hóa - Dân tộc tại Quận 9; Thảo cầm viên, vườn thú tại huyện Củ Chi; Trung tâm thể dục thể thao Rạch Chiếc, Quận 2; Trung tâm sinh hoạt, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao bố trí gắn với sông rạch hồ nước, không gian xanh ở các quận mới và huyện ngoại thành.
- Hệ thống các khu công viên, cây xanh, không gian mở, mặt nước:
+ Giữ gìn, cải tạo các khu công viên, cây xanh hiện hữu, tận dụng quỹ đất của các cơ sở công nghiệp di dời để phát triển thêm công viên, cây xanh.
+ Bảo vệ và quản lý tốt khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn ở Cần Giờ; rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc địa bàn huyện Bình Chánh, Củ Chi.
+ Bố trí trục cây xanh cảnh quan, mặt nước kết hợp du lịch, giải trí dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Nhà Bè. Hình thành tuyến vành đai sinh thái, không gian xanh kết hợp với đất nông nghiệp.
- Các khu vực bảo tồn và cấm xây dựng:
+ Cấm xây dựng trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc địa bàn huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh.
+ Cấm và hạn chế xây dựng trong các khu vực vành đai bảo vệ an toàn cảng hàng không Tân Sơn Nhất; các khu quốc phòng, an ninh và khu vực hành lang bảo vệ dọc sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Nhà Bè.
+ Hạn chế phát triển đô thị trong các khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp có chức năng kết hợp làm vành đai sinh thái của thành phố.
2. Tổ chức không gian lãnh thổ khu vực nông thôn
- Tập trung đầu tư xây dựng các điểm dân cư nông thôn theo mô hình nông thôn mới; xây dựng một số khu đô thị tạo động lực phát triển các huyện ngoại thành. Mô hình ở phù hợp với đặc thù nhiều sông nước, điều kiện địa hình, địa chất thủy văn, đảm bảo phát triển bền vững. Xác định quy mô diện tích và bảo vệ các khu vực đất nông nghiệp không được chuyển đổi chức năng và quỹ đất dành cho hệ thống cây xanh, công viên của thành phố phục vụ du lịch sinh thái, vui chơi, giải trí. Quản lý chặt chẽ quỹ đất dành cho đầu tư xây dựng các khu và cụm công nghiệp tập trung để bảo vệ môi trường.
- Phát triển hai khu đô thị mới quy mô lớn là khu đô thị Tây - Bắc tại huyện Củ Chi, Hóc Môn có quy mô khoảng 6.000 ha và khu đô thị - cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè có quy mô khoảng 3.900 ha (trong đó sông rạch 1.000 ha).
- Hướng Bắc thuộc huyện Hóc Môn và Củ Chi phát triển các khu dân cư mới gắn với thị trấn, điểm dân cư nông thôn và các khu công nghiệp tập trung. Hướng Tây thuộc huyện Bình Chánh và hướng Nam thuộc huyện Nhà Bè phát triển một số khu dân cư mới theo dạng cụm để phù hợp điều kiện địa chất thủy văn không thuận lợi, bảo vệ hệ thống sông rạch.
- Bảo vệ quỹ đất của vùng nông nghiệp quy mô 86.322 ha, tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ. Hình thành 3 tuyến vành đai sinh thái với không gian xanh kết hợp đất nông nghiệp.
V. DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ; DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Đính kèm phụ lục)
VI. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư
a) Nhu cầu vốn đầu tư
- Giai đoạn 2011 - 2015: tổng vốn đầu tư xã hội của 5 năm thuộc giai đoạn này đạt từ 1,3 - 1,4 triệu tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 12%.
- Giai đoạn 2016 - 2020: tổng vốn đầu tư xã hội của 5 năm thuộc giai đoạn này ước đạt từ 2,7 - 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 10%.
- Giai đoạn 2021 - 2025: Tổng vốn đầu tư xã hội của 5 năm ước đạt từ 5 - 5,6 triệu tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 8%.
b) Nguồn vốn đầu tư
- Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hàng năm, thành phố cần chủ động xây dựng kế hoạch, phân kỳ đầu tư phù hợp, bảo đảm vốn cho công trình, dự án trọng điểm của địa phương.
- Huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, trong đó: vốn từ thành phần kinh tế nhà nước chiếm từ 25% - 30% tổng vốn đầu tư; vốn từ thành phần kinh tế ngoài nhà nước chiếm từ 50% - 55% tổng vốn đầu tư; vốn khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 15% - 25% tổng vốn đầu tư.
- Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại; chú trọng khai thác nguồn vốn ODA, thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, giá thuê đất,...
- Cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục đầu tư theo hướng gọn, minh bạch, công khai; phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thu hút nguồn vốn trong dân, vốn từ kiều hối.
- Đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các hình thức đầu tư BOT, BT, PPP... tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hiệu quả kết cấu hạ tầng. Nâng cao hiệu quả đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, khai thác nguồn vốn từ quỹ đất, phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình...
- Chủ động phối hợp với các bộ - ngành Trung ương và các địa phương liên quan có giải pháp hiệu quả để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng của vùng, trong đó tập trung đầu tư hệ thống giao thông công cộng sức chở lớn, đường sắt đô thị, đồng thời phát triển đường vành đai, đường trên cao, đường cao tốc, luồng tàu đường biển, đường sông.
2. Giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
- Thực hiện tái cấu trúc cơ cấu lao động và nguồn nhân lực thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở tái cấu trúc các ngành kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các trường đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng dạy.
- Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục - đào tạo, chú trọng định hướng các trường dạy nghề xây dựng và tổ chức thực hiện chuẩn đầu ra chung cho từng ngành đáp ứng yêu cầu xã hội. Tăng cường sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa công tác hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực tập gắn với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và xã hội. Tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục - đào tạo.
- Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực trên địa bàn thành phố.
- Thực hiện xã hội hóa công tác giáo dục và đào tạo, khuyến khích các hoạt động xã hội về khuyến học, khuyến tài; xây dựng xã hội học tập.
3. Giải pháp về khoa học công nghệ
- Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ ở cấp thành phố, các sở - ngành và quận - huyện. Đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ quan nghiên cứu khoa học theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ làm nhân tố cho sự phát triển khoa học và công nghệ trong tương lai.
- Đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý và chính sách phát triển khoa học và công nghệ. Đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho khoa học và công nghệ, trong đó nâng cao tỷ lệ đóng góp của các doanh nghiệp và xã hội hóa thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho khoa học và công nghệ. Hình thành hệ thống các quỹ phát triển khoa học và công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đổi mới công nghệ thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ cao.
- Xây dựng chương trình đào tạo bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả, trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là trí thức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước có trình độ chuyên môn cao. Phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật trình độ cao trong các doanh nghiệp.
- Xây dựng chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ cao, tăng tỷ trọng đóng góp của công nghiệp công nghệ cao trong GDP của thành phố. Tiếp tục hoàn thành các công trình khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm công nghệ sinh học nhằm thu hút các dự án đầu tư của nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước.
- Phát triển thị trường khoa học công nghệ, sớm xây dựng và đưa vào hoạt động Sàn giao dịch công nghệ. Mở rộng quy mô hoạt động và nâng cao hiệu quả các chương trình đổi mới công nghệ công nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.
- Chủ động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, chú trọng khai thác tài sản trí tuệ của các nước phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao.
4. Giải pháp về bảo vệ tài nguyên và môi trường
- Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết Vùng trong công tác bảo vệ môi trường sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư đổi mới công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư ít gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn các hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường.
- Ngăn chặn về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm, phục hồi suy thoái và nâng cao chất lượng môi trường; đảm bảo cho mọi người được sống trong môi trường có chất lượng tốt về không khí, đất, nước, cảnh quan và các nhân tố môi trường tự nhiên khác đạt chuẩn quốc gia.
- Từng bước sử dụng công nghệ sạch trong các ngành kinh tế - xã hội; khai thác hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản, đất và nước; phục hồi các khu khai thác khoáng sản và các hệ sinh thái đã bị phá hủy, đảm bảo cân bằng sinh thái ở mức cơ bản; tăng cường sử dụng năng lượng sạch và công tác quản lý phát triển sạch; tăng diện tích cây xanh ở các khu đô thị; nâng cấp, phát triển hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải các đô thị, khu công nghiệp, các làng nghề.
- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường.
5. Giải pháp về tăng cường hợp tác với các địa phương trong nước
- Tăng cường hợp tác với các địa phương trong nước, nhất là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam/Vùng Đông Nam bộ trong việc triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng gắn với quy hoạch Vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh, quy hoạch hạ tầng đô thị, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường.
- Đổi mới cơ chế thu hút vốn đầu tư tập trung vào chiều sâu và chất lượng, tạo ra cơ chế, chính sách chung, đồng bộ về thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đúng trọng điểm và thế mạnh của thành phố.
- Phát triển các khu công nghiệp của thành phố phù hợp chiến lược phát triển và phân bố lực lượng sản xuất của toàn vùng, có mối quan hệ hợp tác và phân công hài hòa với các khu công nghiệp của các địa phương trong vùng trong một thể thống nhất. Xây dựng cơ chế chung xử lý các vấn đề về lao động, hạ tầng và môi trường.
6. Giải pháp về mở rộng hợp tác quốc tế
- Tăng cường hơn nữa các hoạt động đối ngoại, quảng bá hình ảnh của thành phố; mở rộng hoạt động giao lưu học hỏi kinh nghiệm quốc tế, khu vực nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác; kết hợp các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, thâm nhập thị trường; huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài.
- Tiếp tục hỗ trợ các hoạt động hợp tác quốc tế trong khu vực công và khu vực doanh nghiệp.
- Tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học - công nghệ. Hoàn thiện hệ thống thông tin phân tích, nghiên cứu về kinh tế - xã hội, kinh nghiệm phát triển của các thành phố trên thế giới.
7. Giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
- Đẩy mạnh cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật, cải cách thủ tục hành chính nhằm đổi mới toàn diện và tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng bộ máy hành chính trên cả bốn phương diện: cán bộ - công chức - viên chức, tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính và tài chính công. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.
- Mở rộng thực hiện cơ chế “một cửa” ở các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện đại hóa cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử nhằm cung cấp cho nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp các dịch vụ trực tuyến “một cửa” tiện ích, dễ dàng truy cập mọi lúc mọi nơi qua mạng; từng bước công khai, minh bạch các hoạt động của chính quyền thành phố thông qua Internet.
- Tiếp tục nghiên cứu thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn thành phố đặt ra trong quá trình phát triển nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không phù hợp với điều kiện phát triển của thành phố theo đúng tinh thần Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị; nghiên cứu cải cách cơ bản chính sách tiền lương để cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo cuộc sống.
- Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về phân cấp quản lý mạnh hơn cho thành phố, tăng hơn tính tự chủ về tài chính, quản lý và sử dụng đất đai, nguồn nhân lực, xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực,... và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội dung đã phân cấp của Trung ương đối với chính quyền địa phương; nghiên cứu đổi mới tổ chức các cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố theo hướng: các Sở chuyên ngành được giao trách nhiệm toàn diện và xuyên suốt về lĩnh vực thuộc thẩm quyền trên địa bàn thành phố, góp phần cải cách hành chính trong hoạt động của Ủy ban nhân dân thành phố gắn liền với xây dựng chính quyền đô thị. Nội dung và mức độ phân cấp cụ thể do Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương có liên quan sẽ cùng với thành phố thảo luận, xác định.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ GIÁM SÁT QUY HOẠCH.
- Sau khi Dự án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức công bố quy hoạch theo quy định, đồng thời đưa lên Website của Ủy ban nhân dân thành phố để các tổ chức và nhân dân biết, tham gia giám sát và thực hiện theo quy hoạch.
- Rà soát, lập mới quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện, các quy hoạch chi tiết; phối hợp các ngành trong quá trình thực hiện quy hoạch; đảm bảo tính thống nhất giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch phát triển ngành.
- Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 tiến hành lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Giám sát, kiểm tra việc thực hiện đầu tư phát triển theo quy hoạch; tăng cường trách nhiệm các cấp, các ngành và địa phương trong thực hiện quy hoạch. Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch từng thời kỳ vào cuối mỗi kỳ quy hoạch, bổ sung và điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp tình hình thực tế.
Điều 2. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 là cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành (quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan), các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh căn cứ nội dung Quy hoạch được phê duyệt chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện theo quy định các nội dung sau:
1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp quận, huyện; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn Thành phố để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.
2. Lập các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn gắn với các dự án cụ thể để có kế hoạch bố trí vốn đầu tư phù hợp.
3. Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của Thành phố trong từng giai đoạn nhằm thu hút đầu tư, huy động tốt các nguồn lực thực hiện Quy hoạch.
4. Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và của cả nước trong từng giai đoạn để thực hiện Quy hoạch.
Điều 4. Các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh lập các quy hoạch cụ thể, nghiên cứu xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khuyến khích thu hút đầu tư theo mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
2. Trong quá trình rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực cần phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Quy hoạch; xem xét, hỗ trợ thành phố trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện Quy hoạch. Chú trọng đầu tư cho các công trình do các Bộ, ngành quản lý trên địa bàn thành phố như: các tuyến đường cao tốc, vành đai; các công trình quy mô lớn thuộc hệ thống cấp điện, thủy lợi, thoát nước và xử lý ô nhiễm các sông; các cơ sở đào tạo, y tế...
3. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho thành phố Hồ Chí Minh thu hút đầu tư phát triển các khu công nghệ cao, các dịch vụ cao cấp...
Điều 5. Quyết định này thay thế Quyết định số 532/TTg ngày 12 tháng 7 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 1996 - 2010. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |
DANH
MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của
Thủ tướng Chính phủ)
STT |
Tên chương trình, dự án |
2011 - 2015 |
2016- 2020 |
2021 - 2025 |
I |
CÁC CHƯƠNG TRÌNH |
|
|
|
1 |
Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xây dựng nhanh nguồn nhân lực |
X |
X |
|
2 |
Chương trình cải cách hành chính gắn với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị |
X |
X |
|
3 |
Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố |
X |
X |
|
4 |
Chương trình giảm ùn tắc giao thông |
X |
X |
|
5 |
Chương trình giảm ngập nước |
|
|
|
6 |
Chương trình giảm ô nhiễm môi trường |
|
|
|
7 |
Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số |
X |
X |
|
8 |
Chương trình xây dựng thôn mới |
X |
|
|
9 |
Chương trình phát triển cây giống, con giống chất lượng cao |
X |
|
|
10 |
Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể thao năm 2012 và giai đoạn 2011 - 2015 |
X |
|
|
11 |
Chương trình biến đổi khí hậu |
X |
|
|
II |
CÁC ĐỀ ÁN |
|
|
|
1 |
Đề án tái cấu trúc kinh tế thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2020 |
X |
|
|
2 |
Đề án phát triển ngành luật sư đến năm 2020 thành phố Hồ Chí Minh |
X |
|
|
3 |
Đề án xây dựng kiến trúc tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin |
X |
|
|
4 |
Đề án triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 |
X |
|
|
5 |
Đề án phát triển bến bãi vận tải đường bộ trên địa bàn thành phố (theo QĐ số 101/QĐ-TTg ngày 22/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020). |
X |
|
|
6 |
Đề án lộ trình xã hội hóa giáo dục thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2030 |
X |
|
|
III |
DỰ ÁN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ |
|
|
|
1 |
Dự án Quy hoạch phát triển ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 |
X |
|
|
2 |
Dự án Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ |
X |
|
|
3 |
Dự án Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp |
X |
|
|
4 |
Dự án xây dựng công viên khoa học thành phố Hồ Chí Minh |
X |
|
|
5 |
Dự án Quy hoạch ngành phòng cháy chữa cháy đến năm 2025 |
X |
|
|
6 |
Dự án quy hoạch sử dụng đất vào mục đích an ninh đến năm 2025 |
X |
|
|
7 |
Dự án nâng cao trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại cho lực lượng cảnh sát giao thông thành phố phù hợp với quy mô định hướng phát triển của thành phố |
X |
|
|
8 |
Dự án lập bản đồ phân vùng cấm và hạn chế khai thác nước dưới đất |
X |
|
|
9 |
Dự án nghiên cứu tái cấu trúc mạng lưới cấp nước thành phố theo các vùng phục vụ của cụm nhà máy nhằm cải thiện chất lượng nước |
X |
|
|
10 |
Dự án giảm thất thoát nước của thành phố cho 4 vùng còn lại |
X |
|
|
11 |
Dự án nghiên cứu, đánh giá khả năng khai thác nước thô từ hồ Trị An và Dầu Tiếng thay thế cho nguồn nước sông Đồng Nai và sông Sài Gòn để cung cấp cho thành phố Hồ Chí Minh |
X |
|
|
12 |
Dự án lập quy hoạch chi tiết hệ thống thoát nước |
X |
|
|
13 |
Dự án Quy hoạch phát triển ngành giáo dục - đào tạo thành phố HCM giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 |
X |
|
|
14 |
Dự án Quy hoạch phát triển hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2030 |
X |
|
|
DANH
MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của
Thủ tướng Chính phủ)
STT |
Tên chương trình, dự án |
2011 - 2015 |
2016 - 2020 |
2021 - 2025 |
Nguồn vốn đầu tư của Trung ương |
Nguồn vốn đầu tư của thành phố |
Nguồn vốn ODA |
|
I |
NGÀNH KINH TẾ |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm |
X |
X |
X |
|
X |
|
|
2 |
Dự án xây dựng Khu đô thị Tây - Bắc thành phố |
X |
X |
X |
|
X |
|
|
3 |
Xây dựng hoàn chỉnh Khu đô thị Nam Sài Gòn. |
X |
X |
X |
|
X |
|
|
4 |
Xây dựng hoàn chỉnh Khu đô thị công nghiệp Cảng Hiệp Phước |
X |
X |
X |
|
X |
|
|
5 |
Dự án chỉnh trang khu vực trung tâm thành phố |
X |
X |
X |
|
X |
|
|
6 |
Xây dựng khu công nghiệp Bàu Đưng |
|
X |
|
|
X |
|
|
7 |
Xây dựng khu công nghiệp Hòa Phú |
|
X |
|
|
X |
|
|
8 |
Xây dựng khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 |
|
X |
|
|
X |
|
|
9 |
Xây dựng khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 |
|
X |
|
|
X |
|
|
10 |
Xây dựng khu công nghiệp Phú Hữu |
|
X |
|
|
X |
|
|
11 |
Xây dựng khu công nghiệp Vĩnh Lộc 3 |
|
X |
|
|
X |
|
|
12 |
Xây dựng khu công nghiệp Xuân Thới Thượng |
|
X |
|
|
X |
|
|
13 |
Mở rộng khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 3 |
|
X |
|
|
X |
|
|
14 |
Mở rộng khu công nghiệp Lê Minh Xuân |
|
X |
|
|
X |
|
|
II |
GIAO THÔNG VẬN TẢI |
|
|
|
|
|
|
|
A |
Trục hướng tâm |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Mở rộng xa lộ Hà Nội |
X |
|
|
X |
X |
|
|
2 |
Xây dựng cầu đường Bình Triệu II - giai đoạn 2 |
X |
X |
|
|
X |
|
|
3 |
Nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 15 |
X |
X |
|
|
X |
|
|
4 |
Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 50 (đoạn qua thành phố Hồ Chí Minh) |
|
X |
|
X |
X |
|
|
B |
Đường vành đai |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Xây dựng đường nối vành đai phía Đông - Xa lộ Hà Nội (đường Bình Thái - Vành đai phía Đông) |
X |
X |
|
X |
X |
|
|
2 |
Xây dựng đường nối từ cầu vượt nút giao thông Gò Dưa đến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài |
X |
X |
|
|
X |
|
|
3 |
Xây dựng đường nối Bình Thái - Gò Dưa |
X |
X |
|
|
X |
|
|
C |
Trục xuyên tâm |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ ngã ba Trường Chinh - Âu Cơ đến ngã ba Trường Chinh - Cộng Hòa) |
X |
|
|
|
X |
|
|
2 |
Xây dựng đường trục Bắc Nam thành phố (đoạn từ nút giao với đường Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh) |
X |
X |
|
|
X |
|
|
3 |
Đường nối Đại lộ Đông - Tây, thành phố Hồ Chí Minh với đường ô tô cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương |
X |
X |
|
|
X |
|
|
D |
Đường nội đô |
|
|
|
‘ |
|
|
|
1 |
Mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý (từ Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa) |
X |
X |
|
|
X |
|
|
2 |
Nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của |
X |
X |
|
|
X |
|
|
3 |
Xây dựng đường song hành Hà Huy Giáp |
X |
|
|
|
X |
|
|
4 |
Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ nút giao Tân kiên đến giáp ranh tỉnh Long An |
X |
|
|
|
X |
|
|
E |
Cầu đường bộ vượt sông |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Xây dựng cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai 2 phía Đông |
X |
|
|
|
X |
|
|
2 |
Xây dựng cầu Sài Gòn 2 |
X |
|
|
|
X |
|
|
3 |
Xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 |
|
X |
|
|
X |
X |
|
4 |
Xây dựng cầu Thủ Thiêm 3 |
|
X |
|
|
X |
X |
|
5 |
Xây dựng cầu Vàm Thuật và đường Vườn Lài |
X |
X |
|
|
X |
|
|
F |
Bến bãi |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Xây dựng, khai thác tầng ngầm làm bãi đậu xe và dịch vụ công cộng tại công viên Lê Văn Tám |
X |
X |
|
|
X |
|
|
2 |
Xây dựng bãi đậu xe ngầm công cộng kết hợp thương mại dịch vụ và sân khấu Trống Đồng |
X |
X |
|
|
X |
|
|
3 |
Xây dựng hầm đậu xe và dịch vụ công cộng tại khu vực sân vận động Hoa Lư |
X |
X |
|
|
X |
|
|
4 |
Xây dựng bãi đậu xe ngầm tại khu vực sân bóng đá thuộc công viên văn hóa Tao Đàn, quận 1 |
X |
X |
|
|
X |
|
|
G |
Đường sắt đô thị |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 |
X |
X |
|
|
|
X |
|
2 |
Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 |
X |
X |
|
|
|
X |
|
3 |
Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3a |
|
|
X |
|
|
X |
|
4 |
Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3b |
|
|
X |
|
|
X |
|
5 |
Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 4 |
|
|
X |
|
|
X |
|
6 |
Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5 |
|
X |
X |
|
|
X |
|
7 |
Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 6 |
|
X |
X |
|
|
X |
|
8 |
Nhà ga trung tâm Bến Thành |
X |
X |
|
|
|
X |
|
H |
Đường thủy |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Cảng Hiệp Phước (đang đầu tư) |
X |
X |
X |
|
X |
|
|
2 |
Nạo vét lòng Soài Rạp (giai đoạn 2) |
X |
X |
|
|
X |
X |
|
I |
Vận tải đường bộ |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Đầu tư mới phương tiện xe buýt giai đoạn năm 2012-2015 |
X |
|
|
|
X |
|
|
2 |
Đầu tư hệ thống vé thông minh (smart card) thay thế vé xe buýt giấy |
X |
|
|
|
X |
|
|
3 |
Đầu tư xây dựng, thiết lập hệ thống giám sát (BMS) và thông tin xe buýt (BIS) |
X |
|
|
|
X |
|
|
4 |
Đầu tư phát triển mạng lưới BRT theo quy hoạch |
X |
|
|
|
X |
X |
|
5 |
Xây dựng trung tâm điều khiển giao thông thành phố |
X |
|
|
|
X |
X |
|
K |
Hệ thống giao thông tĩnh |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Xây dựng Nhà ga hành khách xe buýt Công viên 23/9 |
X |
|
|
|
X |
|
|
2 |
Xây dựng nhà ga hành khách xe buýt Chợ Lớn |
X |
|
|
|
X |
|
|
3 |
Xây dựng nhà ga hành khách xe Buýt Đầm Sen |
X |
|
|
|
X |
|
|
4 |
Xây dựng Bến xe Văn Thánh (bãi trung chuyển xe buýt 152 Điện Biên Phủ) |
X |
|
|
|
X |
|
|
5 |
Xây dựng Bến xe Củ Chi |
X |
|
|
|
X |
|
|
6 |
Mở rộng Bến xe An Sương |
X |
|
|
|
X |
|
|
7 |
Bãi hậu cần tại phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) |
X |
|
|
|
X |
|
|
8 |
Mở rộng Bến xe Quận 8 |
X |
|
|
|
X |
|
|
9 |
Một số nhà ga hành khách xe buýt (theo QĐ số 101/QĐ-TTg ngày 22/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ) |
X |
|
|
|
X |
|
|
10 |
Xây dựng bến xe Suối Tiên (Miền Đông mới) |
X |
X |
|
|
X |
|
|
11 |
Xây dựng bến xe Miền Tây mới |
X |
X |
|
|
X |
|
|
12 |
Xây dựng bến xe sông Tắc |
X |
X |
|
|
X |
|
|
13 |
Xây dựng bến xe Xuyên Á |
X |
X |
|
|
X |
|
|
14 |
Đầu tư phát triển bến bãi vận tải hàng hóa theo quy hoạch |
X |
X |
|
|
X |
|
|
L |
Đường cao tốc |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Xây dựng đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây |
X |
X |
|
X |
|
|
|
2 |
Cao tốc liên vùng phía nam (Bến Lức - Long Thành) |
|
X |
|
X |
|
|
|
3 |
Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Củ Chi - Mộc Bài |
|
|
X |
X |
|
|
|
4 |
Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Lộc Ninh |
|
|
X |
X |
|
|
|
M |
Đường sắt khu đầu mối thành phố Hồ Chí Minh |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng |
|
|
X |
X |
|
|
|
2 |
Đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho |
|
|
X |
X |
|
|
|
3 |
Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Sân bay Quốc tế Long Thành |
|
|
X |
X |
|
|
|
4 |
Đường sắt nhẹ Tân Thới Hiệp - Trảng Bàng |
|
|
X |
X |
|
|
|
5 |
Đường sắt chuyên dụng ra cảng Hiệp Phước |
|
|
X |
X |
|
|
|
N |
Hàng không |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất |
|
|
X |
X |
|
|
|
III |
CẤP NƯỚC |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Dự án ADB (đang thực hiện) |
X |
|
|
|
X |
X |
|
2 |
Dự án xây dựng nhà máy nước Thủ Đức III |
X |
|
|
|
X |
|
|
3 |
Dự án xây dựng nhà máy nước Tân Hiệp giai đoạn II |
|
X |
|
|
X |
|
|
4 |
Dự án xây dựng các trạm bơm tăng áp |
X |
|
|
|
X |
|
|
5 |
Dự án nhà máy nước Kênh Đông II |
X |
X |
X |
|
X |
|
|
6 |
Dự án xây dựng nhà máy nước Thủ Đức IV |
|
X |
|
|
X |
|
|
7 |
Dự án xây dựng nhà máy nước Thủ Đức V |
|
|
X |
|
X |
|
|
8 |
Dự án XD nhà máy nước Tân Hiệp giai đoạn III |
|
|
X |
|
X |
|
|
9 |
Dự án phát triển mạng lưới ống nước cấp 1 |
|
X |
X |
|
X |
|
|
10 |
Dự án phát triển mạng lưới ống nước cấp 2 |
|
X |
|
|
X |
|
|
11 |
Dự án phát triển mạng lưới ống nước cấp 3 |
|
X |
|
|
X |
|
|
IV |
THOÁT NƯỚC VÀ MÔI TRƯỜNG |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Nhóm dự án cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước |
X |
|
|
|
X |
|
|
2 |
Nhóm dự án đầu tư hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải |
X |
|
|
|
X |
|
|
3 |
Nhóm dự án kiểm soát triều |
X |
|
|
X |
X |
|
|
4 |
Đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc tự động CLMT nước mặt hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh |
X |
|
|
|
X |
|
|
5 |
Nhà máy xử lý rác thành phân của TASCO (công suất 500 tấn/ngày) |
X |
|
|
|
X |
|
|
6 |
Dự án nhà máy đốt rác thành điện, công suất 1500 - 2000 tấn/ngày |
X |
|
|
|
X |
|
|
7 |
Khu xử lý chất thải rắn Tây - Bắc |
X |
X |
|
|
X |
|
|
8 |
Xây dựng nghĩa trang Đa Phước |
X |
|
|
|
X |
|
|
9 |
Di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa |
X |
|
|
|
X |
|
|
V |
ĐIỆN |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Dự án xây mới, cải tạo lưới 110KV và bù cao áp |
X |
|
|
X |
|
|
|
2 |
Dự án xây mới và cải tạo lưới 220KV |
X |
X |
X |
X |
|
|
|
3 |
Dự án xây mới và cải tạo lưới trung áp |
X |
X |
X |
X |
|
|
|
4 |
Dự án xây mới và cải tạo lưới hạ áp |
X |
X |
X |
X |
|
|
|
5 |
Dự án đầu tư năng lượng mới và tái tạo |
X |
X |
X |
X |
|
|
|
VI |
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Đầu tư nâng cấp công trình trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong đạt tiêu chuẩn tiên tiến khu vực Đông Nam Á |
X |
|
|
|
X |
|
|
2 |
Xây mới trường THPT Chất lượng cao Cát Lái tại khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm Quận 2 |
X |
|
|
|
X |
|
|
3 |
Đầu tư nâng cấp công trình trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa đạt tiêu chuẩn tiên tiến khu vực Đông Nam Á |
X |
|
|
|
X |
|
|
4 |
Đầu tư nâng cấp công trình Trung tâm GDTX Chu Văn An đạt tiêu chuẩn tiên tiến khu vực Đông Nam Á |
X |
|
|
|
X |
|
|
5 |
Đầu tư nâng cấp công trình Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật; Phú Lâm đạt tiêu chuẩn tiên tiến khu vực Đông Nam Á |
X |
|
|
|
X |
|
|
6 |
Đầu tư nâng cấp công trình Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức đạt tiêu chuẩn tiên tiến khu vực Đông Nam Á |
X |
|
|
|
X |
|
|
VII |
Y TẾ |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Xây dựng mới bệnh viện Nhi đồng thành phố 1.000 giường, cửa ngõ phía Tây |
X |
|
|
X |
|
|
|
2 |
Xây dựng mới Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tại Quận 9, quy mô 1.000 giường |
X |
|
|
X |
|
|
|
3 |
Xây dựng mới BV Chấn thương Chỉnh hình 500 giường (cơ sở 2 tại khu Nam) |
X |
|
|
|
X |
|
|
4 |
Xây dựng mới bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức 1.000 giường cửa ngõ phía Đông, giai đoạn 1 xây dựng 500 giường |
X |
|
|
|
X |
|
|
5 |
Xây dựng Viện Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - Cơ sở 2 |
X |
|
|
|
X |
|
|
6 |
Xây dựng mới bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi 1.000 giường cửa ngõ phía Bắc, giai đoạn 1 xây dựng 500 giường |
X |
|
|
|
X |
|
|
7 |
Xây dựng mới bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn 1.000 giường cửa ngõ phía Bắc, giai đoạn 1 xây dựng 500 giường |
X |
|
|
|
X |
|
|
8 |
Xây dựng mới Trung tâm Xét nghiệm Y khoa thành phố |
X |
|
|
|
X |
|
|
VIII |
NGÀNH VĂN HÓA |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Dự án Bảo tàng Tổng hợp thành phố |
X |
|
|
|
X |
|
|
2 |
Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch |
X |
|
|
|
X |
|
|
3 |
Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ |
X |
|
|
|
X |
|
|
4 |
Tượng đài Nam Bộ kháng chiến và tượng đài Thống Nhất |
X |
|
|
|
X |
|
|
5 |
Trung tâm cải lương Hưng Đạo |
X |
|
|
|
X |
|
|
6 |
Nâng cấp chùa Giác Viên |
X |
|
|
|
X |
|
|
7 |
Xây dựng khu tưởng niệm Tết Mậu Thân 1968 |
X |
|
|
|
X |
|
|
IX |
NGÀNH THỂ THAO |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Dự án Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc |
X |
|
|
|
X |
|
|
2 |
Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng |
X |
|
|
|
X |
|
|
3 |
Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh |
X |
|
|
|
X |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
THE PRIME MINSITER |
THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 2631/QD-TTg |
Hanoi, December 31, 2013 |
THE PRIME MINISTER
Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the Government’s Decree No. 92/ 2006/ND-CP of September 7, 2006, on the elaboration, approval and management of socio-economic development master plans; and Decree No. 04/2008/ND-CP of January 11, 2008, amending and supplementing a number of articles of Decree No. 92/2006/ND-CP;
At the proposal of the Ho Chi Minh City People’s Committee,
DECIDES:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1. The master plan on socio-economic development of Ho Chi Minh City through 2020, with a vision toward 2025 thoroughly grasps the spirit of the Resolution of the XIth Party National Congress, the Political Bureau’s Resolution 16-NQ/TW of August 10, 2012, on orientations and tasks for development of Ho Chi Minh City up to 2020; Resolution No. 13-NQ/TW of January 16, 2012, on building of a synchronous infrastructure system so as to make ours a basically modern industrialized country by 2020; Resolution No. 15-NQ/TW on a number of issues related to social policies for the 2012-2020 period; the country’s socio-economic development strategy; the master plans on socio-economic development of the Southeastern region and the southern key economic region; ensures the consistency with the central and city sectoral plans; the national-level land use master plan through 2020 and five-year (2011-2015) land use plan; Vietnam’s human resource development master plan for the 2011-2020 period; the national climate change strategy;
Prime Minister’s Decision No. 1659/QD-TTg of November 7, 2012, approving the national urban development program for the 2012-2020 period;
Prime Minister’s Decision No. 37/2013/QD-TTg of June 26, 2013, on the adjustment of the master plan on the university and college network in the 2006-2020 period; adjustments for the national and Ho Chi Minh City transport development master plan; builds and develops Ho Chi Minh City into a regional hub and a driving force for the national and regional socio-economic development; and restructures the economy, renews models and improves growth quality, builds a synchronous infrastructure, develops the city in a fast and sustainable manner with quality and speed higher than the country’s average.
2. To focus on building and creating a breakthrough in urban infrastructure system. To synchronously develop various forms of socio-economic infrastructure in which the development of infrastructure of special urban centers is prioritized; to synchronously develop new construction and urban upgrade and embellishment; to build a modern city imbued with cultural and traditional identities; to bring into the fullest use of the particular strengths of the city along Saigon river.
3. To combine development of production with raising of scientific and technological level and development of human resources; to create all favorable conditions for bringing into play resources, especially internal resources, for socio-economic development.
4. To focus on developing the city’s advantageous sectors and fields toward higher growth quality and knowledge-based economy in which information technology development is a top priority; to strongly shift the economic structure to service sector; to continue investing in developing Hiep Phuoc port’s industrial urban area; to shift the growth model from extensive to intensive development.
5. To sustainably develop and combine socio-economic development with adaptation with climate change, economical use of natural resources and eco-environmental protection; to combine socio-economic development with defense and security consolidation, preserve political stability and social safety and order; to closely combine the socio-economic development of the City with that of the southern key economic region, the Mekong River delta, the country and foreign countries. To build a healthy cultural environment, constantly raise people’s material and spiritual lives during the process of development, international integration, and green and sustainable growth.
1. Overall objectives
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2. Specific targets:
a/ Economically:
- To attain an average annual economic growth rate of 10-10.5% in the 2011-2015 period, 9.5-10% in the 2016-2020 period and 8.5-9% in the 2021-2025 period.
- The average per-capita GDP at actual prices will reach USD 4,856-4,967 by 2015, USD 8,430-8,822 by 2020, and USD 13,340-14,285 by 2025.
The per-capita GDP for the 2011-2020 period will be 1.5 times of the national average.
- Economic structure will shift toward service-industry-agriculture. By 2015, the service sector will make up 56.41-57.41% of the economic structure, that of industry-construction, 41.65-42.63%, that of agriculture, 0.94-0.96%. By 2020, the service sector will make up 58.16-60.07% of the economic structure, that of industry-construction, 39.19-41.07%, that of agriculture, 0.74-0.78%. By 2025, the service sector will make up 58.29-61.10% of the economic structure, that of industry-construction, 38.29-41.05%, that of agriculture, 0.61-0.66%.
b/ Socially:
- Ho Chi Minh City’s population will reach 8.2 million by 2015, 9.2 million by 2020, and 10 million by 2025 (excluding non-residents and temporary residents staying for under six months).
- Job generation: To generate jobs for 120,000 people per year by 2015, 125,000 people per year by 2020 and 130,000 people per year by 2025. The unemployment rate will be 4.5% by the end of 2015 and under 4% by 2020.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To realize policies for social beneficiaries and people with their living standards almost satisfied with the minimum wage level; by 2020 all people will basically have access to social welfare and the minimum standard of income, education, health care, accommodations, clean water and information will be ensured.
- To develop Ho Chi Minh City into a cultural, education-training and high-quality health care center up to the level of other Southeast Asian developed countries.
- To speed up socialization to ensure physical facilities for education-training, health care, culture, sports-training to satisfy high professional requirements of the whole southern region.
- To raise the average education level to grade 10 by 2015, grade 11 by 2020, and grade 11-12 by 2025.
- To improve healthcare service quality: the number of doctors for every 10,000 people will reach 15 by 2015, 20 by 2020 and 20-25 by 2025.
- By the end of 2015, all communes will have medical clinics, all medical clinics will have doctors, the rate of under-five malnourished children will be below 8% and the under-five mortality rate will be below 10‰.
- To gradually raise the regular social relief level to be suitable to the consumer price index and the funding capacity of the city budget.
c/ Technical infrastructure
- Transport
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ To build a complete modern traffic control center based on the application of the state-of-the-art technology for an intelligent traffic system, the geographic information system (GIS) for integrated management and traffic control to attain the same level of modern urban centers of the developed countries, contributing to easing the traffic congestion, improving the traffic flow and reducing traffic accidents with the application of modern technologies in electronic engineering and information technology in urban traffic control and management.
- To implement and complete detailed specialized master plans on transport infrastructure (bridges and roads, parking lots, terminals, stoppages, and waterway navigation, etc.), master plan on the organization of urban transport and the implementation of these master plans after they are approved.
- The ratio of traffic land to urban land area will be around 8.2% by 2015, around 12.2 % by 2020 and around 16-20% by 2025. To maintain a fair ratio among different areas, including new urban areas and the downtown, the development viewpoint in the downtown will prioritize the building of flyovers, elevated roads and tunnels so as to raise the total area for transport in the region.
+ The density of roads will reach 1.9 km/square kilometer by 2015, 2.2 km/square kilometer by 2020 and around 4.5-5 km/square kilometer by 2025.
+ To reduce the number of traffic accidents, deaths and injuries by more than 10% year on year.
+ To develop passenger and cargo transportation into multi-modal one.
The mass transit capacity will meet 15% of the travel demand (of which buses will make up around 11%) by 2015; 20-25% travel demand (of which buses will make up around 16%) by 2020; 30% travel demand (of which buses will make up around 21%) by 2025. To attach importance to the development of the urban railway system in addition to the bus system and other public transport vehicles.
- Power supply
+ To ensure a balanced and synchronous development among power sources, power grid and load demand, meeting the city’s socio-economic development requirements for each period.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ The average per-capita commercial power output will be around 2,600-2,800 kwh/person/year by 2015; around 3,600-3,850 kwh/person/year by 2020 and 4,800-5000 kwh/person/year by 2025.
+ To reduce the power wastage rate to 5.2% by 2015, around 5% by 2020 and 4.8% by 2025.
+ By 2015, more than 30% of the medium voltage network and 20% of the low voltage network will be laid underground. These rates will be 90% and 50%, respectively, in the downtown. By 2020, the existing inner city power network will be basically laid underground. By 2025, the underground power lines will be basically laid underground in district administrative centers, new urban areas and industrial parks.
- Information technology and post and telecommunications
+ By 2015, information and communications technology will become infrastructure facilities for the socio-economic sectors, contributing to promoting and raising the efficiency of production and business activities and state management effectiveness and capacity.
+ By 2020, to develop Ho Chi Minh City’s information technology industry into a key economic sector with an annual growth rate of 20%, laying a foundation for the overall development and accelerating the city’s industrialization and modernization process.
+ By 2025, to strive to develop the city’s software industry infrastructure and information technology services to be up to the regional level.
- Water supply
+ By 2015, 100% of the population in the old downtown and 98% of the population in the new inner city areas and suburban areas will have access to clean water. These rates will all be 100% by 2025.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ To reduce the water wastage rate to 32% by 2015, 28% by 2020 and 25% by 2025.
+ To expand the coverage of water supply services to the suburbs; to improve the hygienic conditions and people’s health in rural areas.
+ To ensure the city’s water supply standard for the planned periods suitable to orientations for the development of water supply in Vietnam’s urban centers and industrial parks up to 2025 and standard TCXDVN 33:2006 for special urban centers.
- Water drainage
The sewage system ensures good drainage, gradually reducing water inundation.
+ The 2011-2015 period: To basically get rid of inundation caused by rainwater and sea tide in the central basin (covering 100 square kilometers with around 3.3 million people); to strive to eliminate existing flood spots caused by rain water, and reduce flooding in northern Tau Hu and Tan Hoa-Lo Gom areas (districts 6, 11, Tan Phu, Binh Tan and parts of districts 6, 8 and Binh Thanh), remedy inundation caused by construction and limit new flood spots. For five remaining areas for drainage (covering 580 square kilometers with around 3.4 million people), to strive to reduce by 70% of flood spots caused by rain water and 50% of flood spots caused by sea tide; to control and prevent new flood spots. By the end of 2015, to basically complete a program to clear slums on and along the river and canals for dredging, drainage and reducing water environment pollution. To build 1,100 km of new sewer pipes. To treat 80% of wastewater from hospitals and industrial establishments to satisfy the prescribed standards before being discharged into the public sewers. Eighty percent of urban households will be connected with the sewer system and 60% of daily wastewater will be treated.
+ The 2016-2020 period: To basically get rid of inundation caused by rain water in five areas for drainage and the remaining areas of the city by 2020. To expand the area under anti-flood protection outside the scope of drainage master plan study (areas in District 12 and Hoc Mon, Cu Chi and Binh Chanh districts). By 2020, to basically complete a program on urban embellishment along the canals, increase the buffer zone area for water management and create an urban landscape. To additionally build 1,900km of sewer pipes. The total length of sewers and ditches will be 6,000 km by 2020 (including 3,770 km of open ditches). All wastewater from hospitals and industrial establishments will be treated up to the prescribed standards before being discharged into public sewers. Ninety percent of urban households will be connected to the sewer system and 80% of daily wastewater will be treated.
+ The 2021-2025 period: To thoroughly get rid of inundation caused by rain water; to basically get rid inundation caused by floods and tides with high sea level rise being taken into consideration in the future throughout the city. All urban households will be connected to the sewer system and all daily wastewater will be treated.
d/ Adaption to climate change, economical use of natural resources and environmental protection
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To step by step improve the environment so as to reduce environmental pollution to the level satisfying clean environment requirements of Vietnam’s environmental standards and improve the quality of life and sustainable development of the city and neighboring provinces.
- By 2015, all industrial parks and clusters and export processing zones will have centralized wastewater treatment systems meeting Vietnam’s environment standards; all normal and hazardous solid waste will be stored, collected, transported and treated, including classification, recycling and re-use; all canals will be free from rubbish and dredged to improve the environment and ensure smooth flow; 90% of new urban areas will have centralized wastewater treatment systems; and 50% of existing urban areas will have centralized daily wastewater treatment systems. To reduce by 80% the level of pollution of water sources by 80 % in inner city and 60% in the outskirts. To reduce by 70% of the level of air and noise pollution caused by production activities and by 50% of the pollution caused by transportation.
Environmental protection will be disseminated among the entire population of the city.
- By 2020, all new urban areas and 70% of existing urban areas will have centralized wastewater treatment systems.
- By 2025, all existing urban areas will have centralized wastewater treatment systems.
dd/ Defense and security
To continue implementing the Ho Chi Minh City Party Committee’s Action Program No. 16-CTr/TU on the implementation of the Resolution on the Strategy for National Defense in the new context adopted at the 8 th plenum of the IXth Party Central Committee, and the Ho Chi Minh City Party Committee’s Action Program No. 49-CTr/TU of February 20, 2009, on the implementation of the Political Bureau’s Resolution No. 28 of the 10 th tenure Party Congress on building Ho Chi Minh City into a solid defensive zone in the new situation; to well implement ethnic and religious policies and ensure social welfare; to firmly maintain political stability and social safety and order in any circumstances, combat “peaceful evolution” plots based on the development of political potential and stronger spirit satisfying the development requirements in the new situation. To make remarkable changes in social order and safety, urban lifestyle, prevent and combat crimes and social evils. To build all-people defense and people’s security posture, to build Ho Chi Minh City into a solid defensive zone.
III. ORIENTATIONS FOR SECTORAL DEVELOPMENT
1. Orientations for development of services
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To focus on developing 9 service sectors: finance-credit-banking-insurance; trade; transport, warehouses, port services; post-telecommunications and information-communications technology; property-realty business; consultancy, science-technology information service; tourism; healthcare; and education-training; to develop a financial center of Southeast Asian level.
- To speed up the development of a modern service infrastructure, including supermarket systems, trade centers, goods distribution centers, office buildings, deluxe hotels and restaurants, e-commerce, hi-tech medical centers, international standard universities, to synchronously develop modern and traditional service infrastructure.
- To develop the city’s tourism to be equal to the level of the regional countries; to develop the city into tourism center and develop types of shopping, convention, medical and culinary tourism; to promote domestic tourism.
- The annual average GDP growth rate of the service sector will be 11.17-12.07% in the 2011-2015 period, 10.17-11% in the 2016-2020 period, 8.55-9.37% in the 2021-2025 period; the annual export revenues will grow at an average rate of 10.5% in the 2011-2015 period, 10% in the 2016-2020 period and 12% in the 2021-2025 period. Export revenues will reach USD 36-37 billion by 2015, USD 57-59 billion by 2020 and USD 100-105 billion by 2025. The number of foreign tourists will be around 5 million by 2015, around 8 million by 2020 and around 13.5 million by 2025.
2. Orientations for industry-construction development
- To focus the development of Ho Chi Minh City’s industry-construction on sectors and processes generating high-added value; to develop four groups of industries with scientific and technological and high-added value (engineering; electronic-information technology; pharmaceutical chemistry-rubber; food processing) and bio-technologies, clean industry, energy saving; to develop the fashion industry of textile and apparel-footwear sector, design industry; to gradually shift from assembly to production activities.
- To continue developing hi-tech industrial parks; to arrange production in planned industrial parks and clusters; to develop supporting industries serving the development of mechanical engineering, electronic-information technology; to limit new investment projects employing unskilled workers.
- The annual average GDP growth rate of the industry-construction sector will be 8.7% in the 2011-2015 period, 8.7% in the 2016-2020 period, and 8.5% in the 2021-2025 period.
3. Orientations for rural-agricultural development
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
To develop modern and civilized rural areas of Ho Chi Minh City with a complete infrastructure meeting criteria for new rural areas; to harmoniously combine rural and urban development, raise rural people’s material and spiritual lives and bridge the gap in people’s living standards between urban and rural areas. The rate of communes meeting new-countryside criteria will be 100% by 2015 (56/56 communes, excluding Binh Hung commune, Binh Chanh district and Trung Chanh commune, Hoc Mon district which are already highly urbanized).
4. Orientations for socio-cultural development
a/ Labor and employment
- To improve the quality of the city’s human resources, meeting the socio-economic sectors’ requirements of human resources quantity and quality, develop a pool of highly skilled workers meeting international standards; to balance labor supply and demand, raise workers’ material and spiritual lives, develop and raise the efficiency of labor market activities.
- The rate of trained laborers will be 70% by 2015, 85% by 2020 and 90% by 2025.
b/ Education and training
- To continue improving education and training quality; to complete physical facilities, the school and class network, management and teaching staff and education curricula and methodologies; to accelerate socialization and international cooperation, mobilize all resources to invest in education and training sector; to ensure criteria for teachers, schools and classes, physical facilities of disciplines and education grades, build the city into a large high-quality education-training center of the country and Southeast Asia by 2020.
- Pre-school, primary, lower and upper secondary education: to maintain the universalization for pupils at various education grades.
- Pre-school education: the rate of children going to nursery schools will be 30% by 2020 and 32% by 2025. The rate of children going to kindergartens will be 80% by 2020 and 85% by 2025.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Upper secondary education: to strive to reduce the number of pupils in each upper secondary education class to around 40 by 2015, 35 by 2020, and 30 by 2025.
- Vocational education: the rate of workers receiving general training working in economic sectors will be 80% by 2015, 90% by 2020, and 100% by 2025. To match vocational training with social requirements.
- Tertiary education: To develop tertiary education in conformity with Prime Minister’s Decision No. 37/2013/QD-TTg of June 26, 2013, on the adjustment of the master plan on the university and college network in the 2006-2020 period. By 2020, the city will have at least one institution meeting training standards of regional advanced institutions.
c/ Healthcare
- To speed up the development of a modern and complete healthcare sector toward equality, efficiency and development: to well implement national healthcare programs, continue investing in preventive medicine, apply more sanitation measures in disease prevention, control food safety and hygiene; to consolidate and complete the healthcare network from grassroots to municipal level; to develop the hi-tech specialized health system; to step up the socialization and investment in developing physical facilities of the medical sector, build hospital clusters in the city gate to reduce pressure on central hospitals; to ensure the number of patient beds at the ratio of 42/10,000 people by 2015 and maintain the ratio of 42/10,000 people for the 2016-2020 and 2021-2025 period.
- To develop pharmaceutical and traditional medicine sector into a spearhead economic-technical sector.
- To implement all-people health insurance.
- To develop medical human resources toward rapidly increasing specialized staff, strengthening the medical examination and treatment capacity and consolidating the organization and personnel system.
- To promote international cooperation, take advantage of investment, financial support, science-technology transfer and management experience of foreign countries and international organizations to improve the effectiveness of people’s healthcare and protection.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To develop culture toward civilization and modernity to promote the national cultural identity and spiritual values imbued with Vietnam’s characteristics and the metropolitan people, while ensuring the cultural diversity. To develop culture satisfying the requirements of the city people’s spiritual life, facilitating cultural exchange between Ho Chi Minh City and the whole country and the world. To selectively absorb the culture of the time, raise people’s cultural enjoyment level. Through the organization of cultural types, to expand people’s participation in professional associations and organizations, train skill of cultural enjoyment and organize mass and art creativity contests.
- To harmoniously combine economic development with cultural development. To develop the cultural sector’s system of physical facilities to meet the city people’s cultural enjoyment requirements and serve domestic and international tourism. To raise the effectiveness of the cultural institutions’ activities. To construct the city-level victory monuments and historical monuments. To develop entertainment centers and entertainment industry up to the level of the regional countries; to preserve and upgrade cultural historical relics and art architecture. To attach importance to the movement “all people unite to build a cultured life”, the number of quarters meeting the standards will be 70% by 2015, 75% by 2020 and 85% by 2025.
To ensure that all households will have regular access to cultural services. To invest in a number of cultural works to match with the stature of the southern cultural center.
- To develop Ho Chi Minh City into the country’s sports and physical training center. For mass sports, to create favorable conditions for people to do exercises and install sport equipment and fitness facilities at public places.
The rate of people doing regular exercise will be 28% by 2015, 33% by 2020 and more than 40% by 2025. For school sports, to ensure physical facilities for students to involve in sport and physical training activities. For high-achievement sports, to invest in developing the city’s sports with advantages and major sports, modernizing international-standard sports training establishments.
5. Orientations for science-technology development
- As a science and technology center of the country and region, Ho Chi Minh City’s science and technology activities through 2020 with a vision toward 2025 must be a direct driving force, making important contributions to growth quality and sustainable development, up to the average advanced level, narrowing the gap with other cities in the region.
- To make adequate investment, meeting requirements of scientific and technological potential development based on the increase of investment from the city’s budget together with mobilizing social investment sources, especially enterprises. To attach importance to investing in physical facilities and developing highly skilled human resources to create breakthroughs in the internal capacity; to absorb, innovate and gradually master new technologies in a number of fields.
- To strengthen and complete the mechanism of cooperation among the State, scientists and businesses in which businesses constitute the center of scientific and technological activities, technological renovation and the application and development of new technologies are driving forces for fast and sustainable growth and higher competitiveness of the economy.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
6. Orientations for defense and security development
- To well perform the defense and security tasks in the new situation, combat “peaceful evolution” plots; to thoroughly grasp the situation forecast, always gain the active posture in any circumstances; to intensify the prevention and control of crimes and law-breaking activities in order to firmly maintain political stability and social safety and order and maintain a peaceful and stable environment. To mobilize a combined strength for performing the defense and security tasks, combine the socio-economic development with defense and security maintenance, build a solid defensive zone, build potential and all-people defense posture, people’s war posture associated with people’s solid security posture in performing the national construction and defense tasks.
- To combine master plans on defense arrangement and socio-economic development in the 2011-2020 period under the Prime Minister’s Decision No. 2412/QD-TTg of December 19, 2011, with basic construction, posture construction and investment restructure; to bring into play economic potential, be ready to shift economic potential to defense potential at wartime.
To intensify the cyber security management, prevent and control terrorism, riots and subversive activities by hostile forces.
- To build the city’s strong and comprehensive armed forces which are capable of successfully preventing and thwarting all sabotage plans by hostile forces, and stay ready to fight in any circumstances; maintain political security and social order and safety; to step up the movement “all people defend national security” and the movement “all people participate in fire prevention and fighting”; to develop defense and security industry (equipped with modern vehicles and equipment). To expand cooperative relations with countries in exchanging and updating information on political security, effectively preventing and controlling terrorism-related crimes, firmly maintain political security, social order and safety in the city.
7. Orientations for technical infrastructure development
a/ Transport
To develop a transport network linking new urban centers, satellite urban centers, major inter-regional transport works, and closely connect the city with provinces in Ho Chi Minh City’s urban region for mutual assistance for synchronous development, making the best use of the whole region’s combined socio-economic strengths.
- Roads:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Railways
To step by step complete the urban and inter-urban railway system connected to the national railway system and assuming the function of public transportation with 7 radial and peripheral metro routes linking the city’s major centers and 3 ground tram routes. To renovate and upgrade the “Thong Nhat” railway route in Ho Chi Minh City with priority given to speeding up the building of the overhead section of the Binh Trieu - Hoa Hung railway route.
- Waterways
To continue maintaining and improving the existing waterway routes, promptly implementing a master plan on waterway route and port network approved by the municipal People’s Committee in Decision No. 66/2009/QD-UBND of September 14, 2009, upgrading bridges on the inland waterway routes to ensure prescribed clearance for ship navigation. To combine local inland waterway routes with special-use river routes, national inland waterway routes and maritime routes in the city to set up the waterway transport network linking areas of the city and between Ho Chi Minh City and neighboring provinces and foreign countries.
To concentrate all resources for development of Hiep Phuoc port industrial urban area; to dredge the Soai Rap river passage to a depth of -9.5 meters (national nautical charts) by 2014 for fully loaded 30,000 - 50,000 DWT vessels. In the meantime, to adopt a plan to deepen the Soai Rap river passage to a depth of -12 meters (the national nautical charts) for fully loaded 50,000 - 70,000 DWT vessels, reduce traffic load to handle 130-150 million tons of cargoes through Hiep Phuoc port by 2020, bringing the total volume of cargoes via the city’s sea ports to 200 million tons by 2020 (according to the orientations set in the Prime Minister’s Decision No. 24/QD-TTg of January 6, 2010, approving adjustments of the master plan on construction of Ho Chi Minh City through 2025).
To renovate and upgrade inland waterway routes of the inner belt (Sai Gon river - Truong Dai river - Ben Cat canal - Nuoc Len canal - Ben Luc river - Doi canal - Te canal - Sai Gon river) up to the grade-4 canal standards.
To renovate and upgrade the outer belt (Sai Gon river - Xang canal – Tra canal - An Ha canal - Dem market - Doi canal - Te canal - Sai Gon river) up to the grade-4 canal standards.
To build a new 50,000 DWT international wharf in Mui Den Do area (Phu Thuan ward, District 7) and an inland landing in the existing Sai Gon - Khanh Hoi port area.
To build freight river ports linked with Ho Chi Minh City’s seaport system, exchange goods between Ho Chi Minh City and neighboring provinces and the Mekong River delta provinces; to connect and effectively support road and sea transport. At the same time, to develop passenger ports and river tourism. To review and adjust master plans, continue investing in the development of port system in the city and ports capable of accommodating next-generation container ships. To basically complete a program on relocation of sea ports from the inner city to the outskirts.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
The Tan Son Nhat international airport will be upgraded to receive around 20 million passengers per year by 2020 and the subsequent years.
- Mass transit and restriction of personal vehicles
To develop mass transit toward modernity and transferability among the urban passenger transportation modes. Bus will continue to be the most effective mass transit mode in the 2015-2020 period and Ho Chi Minh City’s urban railway transportation will be gradually developed in the 2021-2025 period. To study and soon apply economic and administrative measures according to an appropriate roadmap to restrict the development of personal vehicles to suit the city’s infrastructure conditions.
b/ Power supply
Commercial power will grow at an annual rate of between 7-8.5% in the 2011-2015 period, around 9% in the 2016-2020 period and around 7-8% in the 2021-2025 period. Total commercial power output will reach around 21.5-23 billion Kwh by 2015, around 33-35.4 billion Kwh by 2020 and around 48.5-50 billion Kwh by 2025.
The maximum capacity will be about 3,800-4,000 MW by 2015, around 6,100-6,500 MW by 2020 and around 9,000 MW by 2025.
Regarding the power grid, to build and upgrade eight 220 KV stations with a total capacity of 3,750 MVA in the 2011-2015 period, build eight 220 KV stations with a total capacity of 3,500 MVA in the 2016-2020 period and build 13 220 KV stations with a total capacity of 4,000 MVA in the 2021-2025 period.
c/ Information technology, post and telecommunications
- To gradually complete the broadband network in the whole city, with the mobile broadband signals covering all residential areas. To develop public Internet access points with modern equipment to attract and create the best conditions for people and businesses to effectively tap fixed telephone services and Internet access.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To develop information security and internet security. To build hi-tech parks, national key software parks, etc.
d/ Water supply
- To ensure water supply capacity of the major water supply system at 2,510,000 m3/day by 2015, 3,100,000 m3/day by 2020, and 3,700,000 m3/day by 2025.
- To adopt measures to control and gradually limit the groundwater exploitation to only licensed industrial wells and household wells with a total volume of around 330,000 m3/day by 2015, and around 200,000 m3/day by 2020. By 2025, to exploit water only on the industrial scale around 100,000 m3 per day and stop the small-scale exploitation of industrial wells and household wells.
- To implement a study program on water supply capacity of Tri An and Dau Tieng reservoirs, ensuring water supply for the city in coping with climate change and environmental protection.
- To develop a network of water distribution suitable to water plants’ capacity in each period.
- To develop a water supply network ensuring a rational water pressure throughout the city. To ensure water supply for households according to targets set for periods.
- To formulate roadmaps to limit and policies and solutions to manage ground water use.
- To apply scientific and technological advances, gradually modernize the water sector’s technical facilities to advance to the management and operational level of the advanced countries.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
To build a sewer system toward harmony with nature. To control tides and floods, increase the area of greenery and grass cover, protect and expand reservoirs, keep most water conservation places to reduce the flow speed, protect rivers and canals for water drainage and create urban landscapes.
To develop a sewer system suitable to the city’s development, ensure the synchronous development among regions and other infrastructure sectors based on orientations for Vietnam’s urban water drainage development through 2020 approved by the Prime Minister.
To socialize and mobilize domestic and international resources for construction investment and management of the operation of the water drainage system.
8. Housing development
Orientations for the development of 5 housing programs, including:
A program on replacement of old condominiums: To relocate existing and build new apartment buildings so that no out-of-date ones will exist in the city by 2015.
A social housing program, which comprises 6 sub-programs, namely (1) a housing program for the city’s officials and civil servants, (2) a housing program for people who have rendered great services to the revolution, (3) a worker housing program, (4) a dormitory program, (5) a housing program for low-income earners, and (6) a housing program for the poor.
A program to build apartment buildings for resettlement, which will continue accelerating the pace of ongoing and new projects, satisfying the resettlement requirements by 2025.
A program to relocate households living on rivers and along canals: To basically complete the resettlement of households on rivers and canal banks in the 2011-2015 period. In addition, a housing program for the elderly and street children is a new one which is designed to take care of helpless old people and children in plight.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
9. Environmental protection
To control, prevent and minimize air, noise, surface water and ground water pollution, ordinary solid waste and hazardous waste, and at the same time remedy seriously polluted places up to national technical standards and regulations on environment; to build a green and clean city with a good living environment, restore ecosystems and biodiversity, protect and develop the Can Gio Biosphere Reserve; to improve the public awareness about environmental protection and adaptation to climate change. To intensify the public communication about water source protection, to continue coordinating with provinces and districts with access to Dong Nai river water in relocating industrial parks so as to limit wastewater discharge from factories; to build observatories; to enhance waste treatment and zone off ecosystems; to set orientations for investment in developing environmental treatment technologies.
IV. ORIENTATIONS FOR ORGANIZATION OF DEVELOPMENT SPACES
1. Territorial organization of the system of urban centers and industrial parks, development of the system of industrial park and clusters, economic-trade zones and other specific economic zones
a/ The city development model is the multipolar centralized one with the central area being the inner city area with a radius of 15 km and 4 development poles:
- To develop the city in the polycentric direction with a complex center located in the existing central area consisting of Districts 1 and 3, part of District 4 and Binh Thanh district (covering 930 hectares) and the Thu Thiem new urban center (737 hectares); four city-level centers with four development directions.
- To develop the city in two cardinal directions: South and East toward the sea and two ordinal directions being Northwest and West-southwest.
- To develop no urban centers in strict conservation zones and ecological restoration zones under Can Gio mangrove forest nature reserve in Can Gio biosphere reserve, special-use and protective forests in Binh Chanh and Cu Chi districts.
- To develop urban centers associated with the target of maintaining defense and security.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
The city’s central urban area will be the existing central area covering Districts 1 and 3, part of District 4 and Binh Thanh district (covering 930 hectares) and the Thu Thiem new urban area (737 hectares); the city will be expanded and developed in the following directions:
To the east: the development corridor will be the Ho Chi Minh City - Long Thanh - Dau Giay expressway and new urban centers will be developed along the Hanoi expressway.
To the south: the development corridor will be Nguyen Huu Tho road, to bring into play the advantages of river banks with low construction density, without reducing the surface water area to serve the city’s water drainage.
To the northwest: the development corridor will be National Highway 22 (Trans-Asia Highway).
To the west and southwest: the development corridor will be Nguyen Van Linh road.
c/ Development zones:
- The urban development zone covers 13 existing districts in the inner city and six new districts and townships and newly-developed urban centers.
- Industrial development zones will be developed in new districts and Cu Chi, Hoc Mon, Binh Chanh and Nha Be districts.
- Ecological and tourist zones will be developed along the Sai Gon, Nha Be and Dong Nai rivers, the ecological zone in the Can Gio mangrove forest.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Rural residential zones will be developed in Cu Chi, Hoc Mon, Binh Chanh, Nha Be and Can Gio districts.
- Nature reserves will be located in the Can Gio Mangrove Forest within the Can Gio biosphere reserve in Can Gio district, special-use and protective forests in Cu Chi and Binh Chanh districts.
d/ Functional zones
- The existing inner city zone consists of 13 existing districts in the inner city covering a total area of around 14,200 hectares with an estimated population of around 4.5 million people by 2025.
- The extended inner city zone consists of six new districts covering a total area of around 35,200 hectares with an estimated population of around 2.9 million people by 2025.
- Townships, rural residential zones and new urban centers in the outskirts include five suburban districts covering a total area of around 160,200 hectares with an estimated population of around 2.6 million people by 2025, including around 0.5 million rural people.
- Industrial parks and clusters include one hi-tech park, 20 industrial parks, export processing zones and local industrial clusters on a total area of 8,792 hectares.
- The system of centers:
+ The city’s major complex center in the existing inner city area on a total area of 930 hectares in Districts 1 and 3, and part of District 4 and Binh Thanh district and will be expanded in the Thu Thiem new urban area and District 2 on a total area of 737 hectares.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- The system of specialized centers:
+ University training and scientific research centers will be located outside the city’s National University campus and other centers additionally located in the eastern, southern and northwestern areas of the city.
+ The system of hospitals and medical centers: to construct hospitals, build the hospital - institute model and research and medical-pharmaceutical experiment centers at the gateways to the city’s center.
+ Cultural and sports centers will be the history-culture-nationality zone in District 9; the zoo and botanical gardens in Cu Chi district; the Rach Chiec sports and physical training center in District 2; the entertainment, recreation, sports and physical center associated with rivers, canals and lakes, and green spaces in new and suburban districts.
- The system of parks, greeneries, open spaces and water surface areas:
+ To preserve and renovate existing parks and greeneries, and take advantage of the land areas of relocated industrial establishments to develop more parks and greeneries.
+ To protect and manage the Can Gio mangrove forest biosphere reserve, and protective and special-use forests in Binh Chanh and Cu Chi districts.
+ To arrange lines of landscape trees and water surface for tourism and entertainment purposes along the banks of Sai Gon, Dong Nai and Nha Be rivers. To form ecological belts and green spaces associated with agricultural land areas.
- Conservation and no-construction zones:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ To ban or limit construction in the Tan Son Nhat airport’s safety protection belts; defense and security zones and protection corridors along the Dong Nai, Sai Gon and Nha Be rivers.
+ To limit the urban development in the agricultural and forestry zones, which may also function as the city’s ecological belts.
2. Territorial space organization of rural areas
To concentrate investment on building rural residential areas after the new countryside model; to build a number of urban centers to create momentum for development of suburban districts. The living model will be suitable to river and canal areas, terrain, geological and hydrological conditions and ensure sustainable development. To determine the size and protect agricultural lands not subject to function change and the land areas for the city’s greenery and park system serving ecotourism and entertainment.
To strictly manage the land fund for building industrial parks and clusters for the environmental protection purpose.
To develop two large-sized new urban centers, namely the northwestern urban center on an area of around 6,000 hectares in Cu Chi and Hoc Mon districts and the Hiep Phuoc port-urban center on an area of around 3,900 hectares in Nha Be district (including 1,000 hectares of river and canals).
In the north, to develop new residential areas together with townships, rural residential spots and industrial parks in Hoc Mon and Cu Chi districts.
In the west and south, to develop a number of new residential clusters to be suitable to unfavorable geological and hydrological conditions and protect the system of rivers and canals in Binh Chanh and Nha Be districts.
To protect the agricultural land fund of 86,322 hectares in Cu Chi, Hoc Mon, Binh Chanh, Nha Be and Can Gio districts. To form three ecological belts with green spaces and agricultural land areas.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
(see enclosed Appendix, not translated)
VI. MAJOR SOLUTIONS TO IMPLEMENT THE MASTER PLAN
1. Mobilizing investment sources:
a/ Investment capital demand
- In the 2011-2015 period: Total social investment capital demand for the five-year period will be VND 1.3-1.4 million billion, of which the state budget capital will make up around 12%.
- In the 2016-2020 period: Total social investment capital demand for the five-year period will be VND 2.7-3 million billion, of which the state budget capital will make up around 10%.
- In the 2021-2025 period: Total social investment capital demand for the five-year period will be VND 5-5.6 million billion, of which the state budget capital will make up around 8%.
b/ Capital sources
- Based on the capability to balance the annual state budget, the city shall take the initiative in working out plans and appropriately phasing investment with a view to ensuring capital for the local key works and projects.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To step up trade promotion work; to attach importance to tap ODA capital, and implement tax and land rent incentive policies, etc.
- To improve the investment, production and business environments; to further reform investment procedures in a streamline, transparent and public manner; to synchronously develop infrastructure and human resources, and attract capital from the people and overseas remittance.
- To promote socialization, extend BOT, BT, PPP and other investment forms to facilitate the efficient development of infrastructure. To raise investment efficiency, effectively use capital sources, tap capital sources from land, issue municipal bonds and project bonds, etc.
- To take the initiative in coordinating with ministries and central sectors and related localities in adopting effective solutions to mobilize domestic and foreign resources to invest in building the regional infrastructure system with focus on the high-performance mass transit system and urban railways, and concurrently develop ring roads, overhead roads, expressways, sea and river routes.
2. Training and developing human resources to serve industrialization and modernization
- To restructure the labor force and Ho Chi Minh City’s human resources based on restructuring the economic sectors. To raise the quality of human resources, training schools and teaching staff.
- To promote the socialization of education and training, attach importance to orientations for vocational training schools offering construction training and set general graduation standards for each discipline meeting social requirements. To promote close cooperation in career guidance, enrollment, training and practice associated with recruitment needs of enterprises and the society. To intensify international cooperation in education and training.
- To promote the development of the labor market in order to improve the efficient use of human resources in the city.
- To socialize education and training, encourage social activities in study promotion and talent promotion; to build a learning society.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To improve capacity and effectiveness of the state management of science and technology at the city, department and district level. To renew the operation mechanism of scientific research institutions toward self-reliance and accountability. To promote the formation of science and technology businesses to serve as a driving force for the future development of science and technology
- To renew and complete the science and technology management mechanisms and development polices. To renew the financial mechanism and investment in science and technology, increasing the proportion of contributions by businesses and socializing the attraction of resources outside the state budget for investment in science and technology. To form a system of science and technology development funds, venture funds and technological renewal funds for promote the development of hi-tech sectors.
- To formulate programs on training, retraining, effective employment of scientific and technological personnel, especially highly qualified domestic and overseas intellectuals, with high incentives. To develop a pool of highly-skilled technicians in enterprises.
- To formulate a hi-tech application and development program and increase the proportion of contributions by hi-tech industries to the city’s GDP. To continue building hi-tech zones, hi-tech agricultural zones and biotechnology centers in order to attract foreign investment projects as well as investment projects of domestic enterprises.
- To develop the science and technology market, soon build and put into operation a technology exchange. To expand the operation and improve the efficiency of industrial technology renewal programs, raise productivity and product quality, and develop enterprises’ intellectual assets.
- To take the initiative in international integration in science and technology, attach importance to the exploitation of the developed countries’ intellectual assets, especially in new technology and hi-tech fields.
4. Protecting natural resources and the environment
- To formulate inter-regional cooperation mechanisms and policies for protecting the environment of Dong Nai and Sai Gon rivers. To encourage production and business establishments to invest in technological renewal to reduce environmental pollution. To prioritize the attraction of investment projects with little environmental impacts. To intensify the inspection and supervision and promptly prevent environmental pollution activities. To promote the dissemination and education about environmental protection.
- To basically prevent the pollution level rise and environmental degradation and raise environmental quality; to guarantee that all people will live in an environment with good air, soil, water and landscape quality and other natural environmental elements up to national standards.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To promote the socialization of environmental protection, mobilize the participation of the entire political system and the community in environmental protection.
5. Intensifying cooperation with other localities in the country
- To intensify cooperation with other localities in the country, especially the southern and southeastern key economic regions in implementing socio-economic development master plans, construction master plan together with the master plan on the Ho Chi Minh City urban region, the urban infrastructure master plan, master plans on development of economic sectors, human resource training and environmental protection.
- To renew mechanisms to attract intensive and quality investment capital, create common and synchronous mechanisms and policies to attract foreign and domestic investment capital in line with the city’s focuses and strengths.
- To develop the city’s industrial parks in line with the entire region’s development strategy and distribution of productive forces with cooperative relations and harmonious assignment with local industrial parks in the region in a consistent manner. To formulate common mechanisms for settling labor, infrastructure and environmental issues.
6. Expanding international cooperation
- To further promote external activities and promote the city’s image; to increase exchange activities to explore international and regional experiences to seek cooperation opportunities; to combine trade and investment promotion activities and market penetration; to mobilize resources from overseas Vietnamese.
- To continue supporting international cooperation in public and business sectors.
- To enhance cooperation in science and technology research. To complete the system of information analysis, socio-economic research and development experiences of other cities in the world.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To step up administrative reforms in the spirit of the Government’s Resolution No. 30c/NQ-CP of November 8, 2011, on the master program on state administration reform in the 2011-2020 period, raise the effectiveness of the state management and law enforcement, reform administrative procedures in order to comprehensively renew and create basic changes in administrative apparatus quality in four fields: cadres, civil servants and public employees, apparatus organization, administrative procedures and public finance. To complete mechanisms and policies in all socio-economic fields in order to improve production, business and investment environments and raise the competition index. To build a legal framework favorable for investment and production-business activities in the locality.
- To widely implement the “single-window” mechanism in the areas under the competence of the state management agencies. To modernize physical facilities and apply information technology in building e-government so as to provide people, organizations and businesses with useful “single-window” online services with anytime anywhere access; to step by step make public and transparent activities of the city authorities through the Internet.
- To continue studying and experimentally implementing newly emerging issues that will be put forth by the city in the reality of the development process but there are no regulations or the State’s current regulations are no longer suitable to the city’s development conditions under the spirit of the Political Bureau’s Resolution 16; to study basic reforms of wage policy to ensure life for cadres, civil servants and public employees.
- To continue study and complete mechanisms and policies on the decentralization of stronger management for the city and further raising its self-control of finance, land management and use, human resources and handling of administrative violations in all fields, etc and enhance inspection, examination and supervision of the central government’s decentralized contents for local authorities; to study, renew the organization of bodies under the municipal People’s Committee in the direction of specialized departments shall be assigned comprehensive and thorough responsibilities in areas under their competence in the locality, contributing to administrative reform in the activities of the municipal People’s Committee and building urban administration. Specific contents and decentralization levels will be discussed and determined by the government and related ministries and central sectors.
VII. ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION AND SUPERVISION OF THE MASTER PLAN
- After the master plan on socio-economic development of Ho Chi Minh City is approved by the Prime Minister, the municipal People’s Committee will disseminate it under regulations, concurrently post it on its website for organizations and people to know, supervise and implement the master plan.
- To review and formulate sectoral development master plans, districts’ socio-economic development master plans, detailed master plans; to coordinate with sectors in implementing the master plan; to ensure the consistency between the socio-economic development master plan, construction master plan, land use master plan and sectoral development master plans.
- Based on the master plan on socio-economic development of Ho Chi Minh City through 2020 with a vision toward 2025, to formulate the five-year and annual socio-economic development plans. To supervise and examine the implementation of development investment according to the master plan; to enhance responsibilities of levels, sectors and the locality in implementing the master plan. To assess the implementation of the master plan for each period at the end of each planning stage, supplement and adjust targets to suit the reality.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1. Socio-economic development master plans of districts; construction master plan; land use master plan and plans; the master plan on development of sectors in the city to ensure the combination of socio-economic development targets and strengthening defense and security.
2. Long-, medium- and short-term plans, and specific projects for rational investment.
3. Studying, formulating and promulgating or submitting to competent authorities for promulgation mechanisms and policies suitable to the city’s development requirements in each period in order to attract and mobilize resources to implement the master plan.
4. Submitting to the Prime Minister for consideration and decision timely adjustments and supplements to the master plan suitable to the socio-economic development situation of the city and the country in each period.
Article 4. Related ministries and sectors within their functions, tasks and powers shall:
1. Guide the Ho Chi Minh City People’s Committee in formulating specific plans; study, formulate and submit competent authorities for promulgation mechanisms and policies meeting the city’s socio-economic development requirements in each period in order to effectively tap resources and encourage and attract investment according to the socio-economic development targets and tasks.
2. In the course of reviewing, adjusting and supplementing sectoral development master plans and fields that need Ho Chi Minh City’s coordination to ensure synchronicity and consistency of the master plan, consider and assist the city in mobilizing domestic and foreign investment capital sources to implement the master plan. To focus investment on projects under the management of ministries and sectors in the city such as expressways, belts; large scale power supply system, irrigation, drainage, river pollution treatment projects; training and medical establishment, etc.
3. Assist and create conditions for Ho Chi Minh City to attract investment in the development of hi-tech zones, deluxe services, etc.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
PRIME MINISTER
Nguyen Tan Dung
APPENDIX I
LIST
OF PROGRAMS, SCHEMES FOR AND PROJECTS ON INVESTMENT RESEARCH
(issued together with the Prime Minister’s Decision No. 2631/QD-TTg
dated December 31, 2013)
No.
Names of programs and projects
2011 - 2015
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2021 - 2025
I
PROGRAMS
1
Program for improvement of quality of human resources and quick establishment thereof
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2
Program for administrative reform associated with development of the urban government model
X
X
3
Program for providing assistance in economic restructuring and transformation of the economic growth model of the city
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
4
Program for reducing traffic jam
X
X
5
Program for reducing flood
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
6
Program for reducing environmental pollution
7
Program for developing software industry and digital contents
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
8
Program for developing new countryside
X
9
Program for developing high-quality seedlings and breeding animals
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
10
Program for improving quality of human resources, developing sports and artistic talents in 2012 and from 2011 to 2015
X
11
Program for climate change
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
II.
SCHEMES
1
Scheme for restructuring the economy of Ho Chi Minh City (HCMC) from 2011 to 2020
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2
Scheme for developing the practice of law by 2020 in HCMC
X
3
Scheme for overall application of information and technology
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
4
Scheme for application of information and technology in regulatory authorities from 2011 to 2020
X
5
Scheme for developing parking lots for road transportation which is planned according to the Prime Minister's Decision No. 101/QD-TTg dated January 22, 2007 on approving the master plan for developing transportation in HCMC by 2020 and the orientation towards 2020 onwards
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
6
Scheme for private sector involvement in education in HCMC from 2011 to 2015 and the orientation towards 2030
X
III
PROJECTS ON INVESTMENT RESEARCH
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1
The master plan for developing tourism industry in HCMC by 2020 and the orientation towards 2030
X
2
The master plan for developing supporting industries
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3
The master plan for developing industrial clusters
X
4
Project on building scene park(s) in HCMC
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
5
The master plan for fire safety by 2025
X
6
The master plan for using land for security purpose by 2025
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
7
Project on enhancing provision of modern vehicles and equipment for traffic police in conformity with the development orientation of the city.
X
8
Project on drawing maps of areas where extraction of underground water is prohibited or restricted
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
9
Research project on restructuring the water supply system according to serving areas of factory clusters to improve the water quality
X
10
Project on reducing water loss of the city for 4 remaining regions
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
11
Project on researching into and assessing capacity to extract cruel water from Tri An lake and Dau Tieng lake instead of from Dong Nai river and Sai Gon river to supply water to HCMC
X
12
Project on the detailed planning for drainage system
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
13
The master plan for developing education and training in HCMC from 2011 to 2020 and the orientation towards 2030
X
14
The master plan for developing the system of professional secondary schools in HCMC from 2011 to 2015 and the orientation towards 2030
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
APPENDIX II
LIST
OF PRIOR PROJECTS
(issued together with the Prime Minister’s Decision No. 2631/QD-TTg dated
December 31, 2013)
No.
Names of programs and projects
2011 - 2015
2016 - 2020
2021 - 2025
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Local investments
ODA
I
ECONOMY
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1
Project on construction of Thu Thiem new urban area
X
X
X
X
2
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
X
X
3
Project on completing Nam Sai Gon urban area
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
4
Project on completing Hiep Phuoc port industrial urban area
X
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
5
Project on rearrangement of the central area
X
X
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
6
Project on construction of Bau Dung industrial zone
X
X
7
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
8
Project on construction of Le Minh Xuan 2 industrial zone
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
9
Project on construction of Le Minh Xuan 3 industrial zone
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
10
Project on construction of Phu Huu industrial zone
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
11
Project on construction of Vinh Loc 3 industrial zone
X
X
12
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
13
Project on widening Hiep Phuoc industrial zone in the third period
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
14
Project on widening Le Minh Xuan industrial zone
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
II.
TRANSPORTATION
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
A
Radial roads
1
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
X
2
Project on construction of Binh Trieu II bridge in the 2nd period
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
3
Project on upgrading and widening provincial route 15
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
4
Project on upgrading national route 50 which goes through HCMC
X
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
B
Ring roads
1
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
X
X
2
Project on connecting Go Dua overpass to Tan Son Nhat street-Binh Loi street- the outer ring road
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
3
Project on connecting Binh Thai street and Go Dua street
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
C
Cross-city roads
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1
Project on upgrading and widening Truong Chinh street (from three-way junction of Truong Chinh street and Au Co street to three-way junction of Truong Trinh street and Cong Hoa street
X
X
2
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
X
3
Project on construction of a road between Dong-Tay boulevard and Ho Chi Minh City – Trung Luong expressway
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
D
Urban roads
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1
Project on widening Tan Ky- Tan Quy street (from Le Trong Tan street to Cong Hoa street)
X
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2
Project on upgrading and widening Luong Dinh Cua street
X
X
X
3
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
4
Project on widening national route 1(from Tan Kien junction to the contiguous area of Long An province)
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
E
Bridges
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1
Project on construct ion of Rach Chiec bridge on ring road 2 in the east of the city
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2
Project on construction of Sai Gon 2 bridge
X
X
3
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
X
4
Project on construction of Thu Thiem 3 bridge
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
5
Project on construction of Vam Thuat bridge and Vuong Lai street
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
F
Parking lots
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1
Projects on construction of underground parking lots and public service center at Le Van Tam park
X
X
X
2
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
X
3
Project on construction of a basement for parking and public service center in Hoa Lu stadium
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
4
Project on construction of underground parking lot in football pitch in Tao Dan Cultural Park, District 1
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
G
Urban railway lines
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1
Project on construction of urban railway line No. 1
X
X
X
2
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
X
3
Project on construction of urban railway line No. 3a
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
4
Project on construction of urban railway line No. 3b
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
5
Project on construction of urban railway line No. 4
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
6
Project on construction of urban railway line No. 5
X
X
X
7
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
X
8
Project on construction of Ben Thanh center station
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
H
Waterways
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1
Project on construction Hiep Phuoc port which is being invested
X
X
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2
Project on dredging bottom of Soai Rap river in the 2nd period
X
X
X
X
I
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1
New investment project on buses from 2012 to 2015
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
2
Investment project on smart card system which replaces bus tickets
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
3
Investment project on setting up bus management system (BMS) and bus information system (IMS)
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
4
Investment project on developing bus rapid transit (BRT) according to the planning
X
X
X
5
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
X
K
Static traffic system
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1
Project on construction of bus station in 23/9 park
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
2
Project on construction of Cho Lon bus station
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3
Project on construction of Dam Sen bus station
X
X
4
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
5
Project on construction of Cu Chi bus station
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
6
Project on widening An Suong bus station
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
7
Project on construction of a logistics depot in Hiep Binh phuoc ward, Thu Duc district
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
8
Project on widening District 8 bus station
X
X
9
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
10
Project on construction of Suoi Tien bus station (a.k.a new Mien Dong bus station)
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
11
Project on construction of new Mien Tay bus station)
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
12
Project on construction of Tac river bus station
X
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
13
Project on construction of Xuyen A bus station
X
X
X
14
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
X
L
Expressways
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1
Project on construction of HCMC-Long Thanh-Dau Giay expressway
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2
Project on construction of southern interregional expressway (Ben Luc-Long Thanh)
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3
Project on construction of HCMC-Cu Chi-Moc Bai expressway
X
X
4
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
M
Main railway lines in HCMC
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1
Project on construction of Trang Bom-Hoa Hung railway line
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2
Project on construction of Sai Gon-My Tho railway line
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3
Project on construction of light railway line from Thu Thiem to Long Thanh international airport
X
X
4
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
5
Project on construction of a dedicated railway line to Hiep Phuoc port
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
N
Aviation
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1
Project on widening Tan Son Nhat international airport
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
III.
WATER SUPPLY
1
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
X
2
Project on construction of Thu Duc III water supply plant
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
3
Project on construction of Tan Hiep water supply plant in the 2nd period
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
4
Project on construction of booster pumping stations
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
5
Project on construction of Kenh Dong II water supply plant
X
X
X
X
6
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
7
Project on construction of Thu Duc V water supply plant
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
8
Project on construction of Tan Hiep water supply plant in the 3rd period
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
9
Project on developing the grade 1 plumbing system
X
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
10
Project on developing the grade 2 plumbing system
X
X
11
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
IV.
DRAINAGE AND ENVIRONMENT
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1
Projects on improving and upgrading the drainage system
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
2
Investment projects on wastewater collection systems and wastewater treatment plants
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3
Projects on controlling flood-tides
X
X
X
4
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
5
Project on construction of a plant by TASCO which converts wastes into fertilizers with a capacity of 500 metric tons per day
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
6
Project on construction of a plant which converts wastes into electricity with the capacity from 1500 to 2000 metric tons per day
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
7
Project on Tay Bac solid waste treatment complex
X
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
8
Project on construction of Da Phuoc cemetery
X
X
9
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
V
ELECTRICITY
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1
Project on construction and renovation of 110KV electrical grid and high-voltage compensators
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2
Project on construction and renovation of 220KV electrical grid
X
X
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3
Project on construction and renovation of medium-voltage electrical grid
X
X
X
X
4
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
X
X
5
Investment project on new and renewable energy
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
VI
EDUCATION AND TRAINING
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1
Project on upgrading Le Hong Phong High school for the Gifted to make it satisfy ASEAN standards
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2
Project on construction of Cat Lai high-quality high school in center of Thu Thien new urban area, District 2
X
X
3
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
4
Project on upgrading Chu Van An continuing education centre to make it satisfy ASEAN standards
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
5
Project on upgrading Phu Lam technical and economic college to make it satisfy ASEAN standards
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
6
Project on upgrading Thu Duc College of Technology to make it satisfy ASEAN standards
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
VII
HEALTH
1
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
2
Project on construction of Oncology Hospital 2 in District 9 with 1,000 beds
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
3
Project on construction of Ho Chi Minh City Trauma and Orthopedic Hospital 2 in District 9 with 1,000 beds in the south area of the city
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
4
Project on construction of Thu Duc General Hospital with 1,000 beds in the eastern gateway (in the first period, the hospital capacity is 500 beds)
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
5
Project on construction of the 2nd hospital of Pham Ngoc Thach University of Medicine
X
X
6
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
7
Project on construction of Hoc Mon General Hospital with 1,000 beds in the northern gateway (in the first period, the hospital capacity is 500 beds)
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
8
Project on construction of HCMC Medical Diag Center
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
VIII
CULTURE
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1
Project on construction of HCMC General Museum
X
X
2
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
3
Project on construction of Phu Tho circus
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
4
Project on building monument of Vietnam’s southern revolution and Thong Nhat monument
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
5
Project on construction of Hung Dao reformed theater
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
6
Project on upgrading Giac Vien pagoda
X
X
7
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
X
IX
SPORTS
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1
Project on construction of Rach Chiec national sports complex
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
X
2
Project on construction of Phan Dinh Phung sports center
X
X
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3
Project on HCMC sports training and competition center
X
X
...
...
...
;Quyết định 2631/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 2631/QĐ-TTg |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 31/12/2013 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 2631/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chưa có Video