Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 254-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 1981

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA  HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 254-CP NGÀY 16-6-1981 BỔ SUNG CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH KHAI HOANG, PHỤC HOÁ

Để phát huy tiềm lực về đất đai, lao động, thực hiện phân bố lại sức lao động trong cả nước và ở từng vùng, góp phần phát triển kinh tế, tăng cường củng cố quốc phòng, cải thiện đời sống nhân dân;

Để xúc tiến việc xây dựng các vùng kinh tế mới theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm;

Cùng với việc đẩy mạnh khai khẩn các vùng đất hoang hoá lớn để xây dựng các vùng kinh tế mới theo quyết định số 95-CP ngày 27-3-1980 của Hội đồng Chính phủ;

Hội đồng Chính phủ ban hành chính sách này nhằm khuyến khích mạnh mẽ các địa phương và các cơ sở sản xuất còn đất bỏ hoang, bỏ hóa, nhận thêm lao động và dân cư đến khai khẩn, đồng thời khuyến khích mạnh mẽ các tổ chức tập thể hoặc cá nhân người lao động ở những nơi thiếu đất canh tác và số nhân khẩu phi nông nghiệp thiếu việc làm tự bỏ vốn đầu tư và công sức của mình là chính để chuyển gia đình đến các vùng có đất hoang hoá sinh cơ lập nghiệp.

I. QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐI KHAI HOANG

1. Quyền lợi:

Người đi khai hoang bằng vốn của mình là chính, có thể đi dưới danh nghĩa tập thể (hợp tác xã, tập đoàn sản xuất) hoặc dưới danh nghĩa hộ riêng lẻ, đều được hưởng các quyền lợi sau đây:

a) Diện tích đất giao cho tập thể hoặc cá nhân đến khai hoang sản xuất, được miễn nộp thuế nông nghiệp và nghĩa vụ bán nông sản theo thời hạn như sau:


Khu vực

Thời hạn miễn thuế nông nghiệp và miễn nghĩa vụ bán nông sản

 

Đất mới khai hoang

Đất mới phục hoá

1. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng

5 năm

3 năm

2. Các tỉnh đông Nam bộ, Tây Nguyên và trung du, miền núi ở Trung bộ, Bắc bộ

7 năm

5 năm

3. Các huyện thuộc tuyến I của các tỉnh miền núi phía bắc, đông bắc, tây bắc, các hải đảo và các vùng núi cao

15 năm

10 năm

b) Sản phẩm sản xuất ra trên các loại đất nói trên, nếu không thuộc loại nông sản Nhà nước độc quyền kinh doanh, được phép tiêu thụ tại thị trường địa phương.

Các gia đình đi khai hoang sản xuất theo chính sách này không phải làm nghĩa vụ bán lợn thịt như quy định trong quyết định số 311-CP ngày 1-10-1980.

Nếu có nông sản bán cho Nhà nước được trả theo giá thoả thuận.

c) Những đối tượng sau đây được Nhà nước bán lương thực theo giá cung cấp (kể từ ngày tới nơi ở mới):

- Công nhân, viên chức Nhà nước được thôi việc đi khai hoang sản xuất, bản thân và những người ăn theo thuộc đối tượng được cung cấp lương thực thì được mua lương thực trong 36 tháng kể từ khi thôi việc theo tiêu chuẩn: lao động chính 18 kg/tháng, lao động phụ 16 kg/tháng, người ăn theo khác theo tiêu chuẩn quy định đối với trẻ em và người già trong khu vực phi nông nghiệp.

- Nhân dân thành phố, thị xã đi khai hoang được mua lương thực trong 12 tháng theo tiêu chuẩn: lao động chính 18 kg/tháng, lao động phụ 16 kg/tháng; người ăn theo khác được mua theo tiêu chuẩn quy định đối với trẻ em và người già trong khu vực phí nông nghiệp.

- Nhân khẩu nông nghiệp đi khai hoang được mua lương thực trong thời gian 6 tháng theo tiêu chuẩn: lao động chính 18 kg/tháng, lao động phụ 16 kg/tháng; người ăn theo khác được mua theo tiêu chuẩn quy định đối với trẻ em và người già trong khu vực phi nông nghiệp.

- Người đi khai hoang nếu trồng cây công nghiệp, chăn nuôi hay làm nghề rừng là chính và nếu ký hợp đồng bán sản phẩm cho Nhà nước sẽ được Nhà nước bán lương thực theo quyết định số 95-CP ngày 27-3-1980 đối với hợp tác xã, tập đoàn sản xuất trồng cây công nghiệp.

d) Người đi khai hoang ngoài tỉnh và sang huyện khác trong tỉnh có giấy giới thiệu của Uỷ ban nhân dân huyện được ưu tiên mua vé tàu xe và ký hợp đồng với các xí nghiệp vận tải để chuyên chở tư liệu sản xuất và sinh hoạt đến nơi ở mới; được Nhà nứơc cấp phí vận chuyển người và hành lý từ nơi đang cư trú đến nơi mới bằng phương tiện vận chuyển thông thường.

đ) Tuỳ theo tình hình đất đai ở mỗi địa phương, người khai hoang được giao đất nông nghiệp tính theo nhân khẩu, bình quân mỗi nhân khẩu từ 2.000 đến 3.000 m2 để trồng cây lương thực, các loại cây ngắn ngày và làm đất thổ cư. Nếu trồng cây lâu năm, cây lấy gỗ có thể được giao thêm đất tuỳ theo khả năng lao động thực tế của mỗi tập thể hoặc mỗi hộ.

e) Được hưởng các quyền lợi về học tập, chữa bệnh như nhân dân địa phương nơi đến. Nếu phải nằm bệnh viện thì được miễn viện phí (kể cả tiền thuốc và tiền ăn) trong 3 năm đầu kể từ ngày đến nơi ở mới.

g) Được vay vốn tín dụng ngân hàng theo chính sách tín dụng hiện hành đối với sản xuất nông nghiệp như cho vay để mua trâu, bò, nông cụ, giống cây, con, phương tiện chế biến sản phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng... và được hưởng mức lãi suất nhẹ nhất.

h) Được mua vật liệu hoặc khai thác vật liệu địa phương để làm nhà ở, chuồng trại... theo mức địa phương quy định.

i) Nhân dân ở thành phố, thị xã đi khai hoang nếu chưa muốn chuyển ngay hộ tịch đến nơi ở mới thì vẫn được đăng ký thường trú tại nơi ở cũ cho đến khi ổn định sản xuất và đời sống ở nơi mới; thời gian được hoãn chuyển đăng ký hộ tịch không quá 3 năm; sau thời gian nói trên, phải chuyển hẳn hộ tịch đến nơi ở mới. Việc chuyển hộ tịch và đăng ký hộ tịch đối với người đi khai hoang, thực hiện theo quy chế do Bộ Nội vụ quy định nhằm vừa bảo đảm trật tự an ninh, vừa tạo những điều kiện thuận lợi cho người đi khai hoang sản xuất.

k) Trong 3 năm đầu kể từ khi tới nơi khai hoang, được sử dụng số ngày công lao động nghĩa vụ vào việc xây dựng công trinh lợi ích công cộng của xóm, ấp, nếu không có lệnh tổng động viên thì những người trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự được tạm hoãn tuyển quân.

l) Tài sản riêng của người đi khai hoang tại nơi ở cũ do người đi khai hoang tự giải quyết hoặc nhờ hợp tác xã, tập đoàn sản xuất giúp đỡ giải quyết.

2. Trách nhiệm:

Người đi khai hoang có trách nhiệm:

a) Chấp hành đúng các quy định về thủ tục xin cấp đất và thủ tục di chuyển;

b) Chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ về ruộng đất, luật lệ bảo vệ rừng, thực hiện các biện pháp bảo vệ, cải tạo đất, rừng theo hướng dẫn của các ngành nông, lâm nghiệp;

c) Đất đã xin khai khẩn sản xuất lương thực phải đưa vào sản xuất trong vòng không quá 12 tháng. Sau 3 năm kể từ ngày được giao đất, phải căn bản hoàn thành việc cải tạo đất hoang, hoá thành ruộng vườn, rừng cây;

d) Làm trong nghĩa vụ nộp thuế, nghĩa vụ bán nông sản và các nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ quân sự ... sau thời hạn được miễn hoãn.

II. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN LỢI CỦA HỢP TÁC XÃ, TẬP ĐOÀN SẢN XUẤT CÓ NGƯỜI ĐI KHAI HOANG VÀ CÓ NGƯỜI ĐẾN KHAI HOANG

1. Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất có nhiều lao động và thiếu đất canh tác có trách nhiệm:

a) Liên hệ với địa phương có đất hoang hoá, tìm địa bàn đưa dân đi khai hoang sản xuất; hướng dẫn cho nhân dân tự chọn và đăng ký địa bàn đến khai hoang sản xuất; tổ chức cho nhân dân di chuyển đến nơi ở mới.

Tổ chức thực hiện tốt các chính sách đã được Nhà nước quy định đối với người đi khai hoang, đồng thời tổ chức việc giúp đỡ thiết thực cho bà con đi khai hoang.

b) Trong trường hợp hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất chưa tổ chức được việc đưa lao động đi khai hoang, nếu có lao động nào tự mình tìm chọn được nơi có đất và xin đi khai hoang thì phải tích cực giúp đỡ. Nếu có người muốn đến nơi quen thuộc hoặc nơi có bà con họ hàng để khai hoang thì không gò ép đến vùng khác do hợp tác xã, tập đoàn sản xuất bố trí.

c) Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất có người đi khai hoang sản xuất không phải điều chỉnh lại mức ổn định nghĩa vụ bán lương thực và nông sản đã được xác định trước đó. Hợp tác xã, tập đoàn sản xuất được dùng trong thời hạn 3 năm số lương thực và nông sản dôi ra (do không phải bán thêm theo nghĩa vụ cho Nhà nước) để giúp đỡ cho người đi khai hoang sản xuất hoặc bán cho Nhà nước theo giá thoả thuận để trả nợ tiền vay ngân hàng để đầu tư khai hoang.

2. Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất tiếp nhận lao động và dân gia nhập tổ chức của mình để khai hoang, phục hoá có các quyền lợi sau đâu:

a) Số diện tích do lao động mới đến khai hoang, phục hoá thêm được miễn thuế và miễn nghĩa vụ bán nông sản như điểm a, mục 1, phần I nói trên.

b) Nếu trồng cây công nghiệp, chăn nuôi hay làm nghề rừng là chính thì trong thời gian cây con chưa vào thời kỳ kinh doanh, chưa có sản phẩm thu hoạch, số lao động và nhân khẩu mới đến được tính thêm để Nhà nước bán lương thực theo chính sách đối với vùng trồng cây công nghiệp.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN Ở TRUNG ƯƠNG

1. Bộ Nông nghiệp và Tổng cục Quản lý ruộng đất có trách nhiệm cùng các ngành, các địa phương có liên quan nắm lại và xác định rõ diện tích đất còn bỏ hoang, hoá để có cơ sở hướng dẫn việc lập kế hoạch đưa lao động đến khai khẩn.

2. Bộ Lương thực có trách nhiệm bảo đảm cung cấp lương thực cho các địa phương tiếp nhận lao động và dân cư theo đúng tiêu chuẩn quy định trong quyết định này và theo đúng số người tiếp nhận, kiểm soát chặt chẽ việc phân phối, sử dụng nguồn lương thực dùng cho khai hoang, theo đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, không để dùng vào việc khác.

3. Bộ Lao động có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương tổ chức chuyển lao động và dân cư và lập dự trù hàng năm và 5 năm về các khoản chi phí chuyển lao động đi các vùng kinh tế mới.

4. Bộ Tài chính hướng dẫn việc giải quyết nguồn vốn cho các địa phương để chi vào việc khuyến khích khai hoang theo chính sách đã quy định.

Ngoài các khoản trợ cấp cho ngân sách các tỉnh và thành phố có dân đi khai hoang để chi về cước phí vận chuyển người và hành lý của người đi (như mục 1, phần I đã quy định), Chính phủ còn trợ cấp cho ngân sách các tỉnh tiếp nhận dân đến một khoản kinh phí để tăng cường thêm các công trình phúc lợi công cộng cho nơi tiếp nhận nhiều dân đến khai hoang. Khoản trợ cấp này cấp cho ngân sách địa phương tỉnh theo số dân cư đến hàng năm, bình quân 200 đồng cho một nhân khẩu.

5. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm xem xét việc bổ sung vốn đầu tư và cấp vật tư kỹ thuật cần thiết cho các tỉnh nhận lao động đến khai hoang để xây dựng các công trình phục vụ sản xuất chung cho các vùng có nhiều dân đến; chú trọng các tỉnh biên giới phía Bắc đang có nhiệm vụ kết hợp tiếp nhận lao động đến khai hoang sản xuất với xây dựng vùng biên giới, củng cố quốc phòng.

6. Ban chỉ đạo phân bố lao động và dân cư có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, điều hoà phối hợp các ngành giải quyết các vấn đề nhằm xúc tiến thực hiện các kế hoạch chuyển lao động và dân cư đi khai hoang theo quyết định số 226-CP ngày 1-6-1981 của Hội đồng Chính phủ.

7. Các cơ quan quản lý các ngành khác ở trung ương, trong phạm vi chức năng, trách nhiệm và quyền hạn của ngành mình phải hướng dẫn ngành mình ở địa phương giải quyết kịp thời các yêu cầu của các nơi có lao động đi và các nơi có lao động đến để khai hoang theo các chính sách đã quy định.

IV. QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP

Nơi có lao động và dân cư đi và nơi có lao động và dân cư đến cần tổ chức hình thức kết nghĩa giữa tỉnh với tỉnh, huyện với huyện, xã với xã để giúp đỡ, thúc đẩy việc thực hiện phân bố lại sức lao động, chủ động giải quyết các vấn đề đặt ra.

1. Địa phương tiếp nhận dân đến khai hoang sản xuất có nhiệm vụ:

a) Theo sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện căn cứ vào tình hình đất đai, lao động... tính toán xác định diện tích đất còn bỏ hoang, hoá hoặc đất canh tác còn nhiều khả năng thâm canh tăng vụ..., xác định số lao động và nhân khẩu cần đưa đến để khai hoang, sản xuất, phát triển ngành nghề, lập kế hoạch tiếp nhận lao động và dân cư đến từng xã, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất trong huyện. Chú ý phân biệt rõ nơi sẽ xây dựng nông trường quốc doanh và nơi đưa dân đến theo chính sách này.

b) Căn cứ vào sự chỉ đạo và quy hoạch, kế hoạch được Uỷ ban nhân dân tỉnh duyệt, Uỷ ban nhân dân huyện được quyền quan hệ với địa phương đưa dân đi để bàn kế hoạch thống nhất đưa và đón dân đến khai hoang trong huyện, giải quyết nhanh chóng các thủ tục để người lao động đến khai hoang.

c) Tổ chức vận động nhân dân địa phương sẵn sàng đón nhận và giúp đỡ thiết thực bà con tới cùng làm ăn sinh sống lâu dài. Không để xảy ra tình hình nhân dân đến không có nơi ăn, chốn ở hoặc xảy ra tranh chấp đất đai do không có quy hoạch và kế hoạch.

d) Thi hành đúng đắn các chính sách đối với nhân dân đến khai hoang, chủ động chuẩn bị các điều kiện vật chất (lương thực, hàng hoá thiết yếu, vật liệu xây dựng...) phục vụ cho nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân đến khai hoang sản xuất.

đ) Có kế hoạch kết hợp vốn đầu tư được cấp với vận động quần chúng đầu tư lao động để phát triển đường sá, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng: y tế, giáo dục, cửa hàng... phù hợp với kế hoạch khai hoang và số lao động và dân cư tăng thêm, bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của nhân dân trong vùng.

Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ này, Uỷ ban nhân dân tỉnh có người đến được lập kế hoạch cân đối hàng hoá, lương thực phù hợp với kế hoạch nhân dân đến khai hoang; số lương thực cung cấp cho người đến khai hoang được tính trừ vào nghĩa vụ lương thực giao nộp cho trung ương, nơi thiếu lương thực thì được tính vào số lương thực điều đến.

2. Địa phương đưa dân đi khai hoang sản xuất có nhiệm vụ:

a) Chủ động liên hệ với địa phương tiếp nhận dân để xác định địa bàn đưa dân đến; diện tích đất dành cho nhân dân đến; số hộ và lao động có thể tiếp nhận và các điều kiện cần thiết khác; bảo đảm khi di chuyển dân đến được chu đáo, xây dựng được mối quan hệ tốt giữa cán bộ và nhân dân mới đến với cán bộ và nhân dân địa phương.

b) Căn cứ vào sự chỉ đạo và quy hoạch, kế hoạch phân bố lao động được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố duyệt, Uỷ ban nhân dân quận, huyện được quyền quyết định việc tổ chức nhân dân trong quận, huyện đi khai hoang theo kế hoạch đã thống nhất với nơi đón dân, giải quyết thủ tục cho các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất hoặc cá nhân người lao động muốn đi xin đất khai hoang.

c) Tổ chức chu đáo cho lao động và gia đình đi đến nơi khai hoang theo kế hoạch đã thống nhất với nơi nhận dân.

d) Thi hành đúng đắn các chính sách đối với nhân dân đi khai hoang sản xuất quy định trong quyết định này.

Thực hiện phân bố lại sức lao động trong cả nước là một nhiệm vụ chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta và là một cuộc vận động quần chúng rất sâu sắc và toàn diện. Các ngành, các cấp chính quyền trong khi thực hiện nhiệm vụ đó và các chính sách trên đây cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể quần chúng công đoàn, đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân tập thể... để thực sự phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, động viên cán bộ và nhân dân thực sự tự giác, tự nguyện tham gia tích cực, đóng góp thiết thực công sức, khả năng vật chất của mình vào cuộc vận động này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Đối với nhân dân từ sau năm 1975 đến nay đã đi khai hoang xây dựng cơ sở sản xuất với nguồn công sức và vốn của mình là chính, hiện đang tiếp tục làm ăn ở đó nhưng sản xuất và đời sống còn khó khăn, Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ xét từng hoàn cảnh cụ thể mà giúp đỡ theo tinh thần chính sách này.

Ngoài ra đối với số lao động và nhân khẩu di chuyển hoặc được phân bố lại theo kế hoạch từ những vùng thiếu ruộng đất hoặc từ các thành phố, thị xã về tham gia thâm canh, tăng vụ, phát triển ngành nghề ở các vùng nông thôn có nhiều diện tích canh tác, Uỷ ban nhân dân tỉnh có thể cho vận dụng các chính sách khuyến khích trong quyết định này một cách thích hợp.

Cán bộ và nhân dân được tổ chức đi xây dựng nông trường và được hợp tác xã trong vùng kinh tế mới theo quyết định số 95-CP ngày 27-3-1980 không thuộc đối tượng áp dụng thực hiện quyết định này. Nguồn vốn, vật tư đầu tư đã bố trí để xây dựng vùng kinh tế mới theo quyết định số 95-CP không được dùng cho kế hoạch đưa đón lao động theo quyết định này.

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 254-CP năm 1981 bổ sung chính sách khuyến khích khai hoang phục hoá do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 254-CP
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Chính phủ
Người ký: Tố Hữu
Ngày ban hành: 16/06/1981
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [3]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 254-CP năm 1981 bổ sung chính sách khuyến khích khai hoang phục hoá do Hội đồng Chính phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [2]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…