Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 19/2010/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HỆ THỐNG CÂY XANH ĐÔ THỊ, CÔNG VIÊN, VƯỜN HOA, VƯỜN THÚ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác và kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà và công sở;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26/3/2009 của Bộ Xây dựng về quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ.
Căn cứ Thông tư 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị; Thông tư số 20/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 của Bộ Xây dựng về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2005/TT-BXD;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 2543/TTr-SXD ngày 19/4/2010,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này thay thế cho Quyết định số 6032/QĐ-UBND ngày 11/11/1993 của Ủy ban nhân dân Thành phố quy định về quản lý cây xanh, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Công thương, Quy hoạch kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công an Thành phố, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và môi trường, Văn hóa thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Thủ tướng Chính phủ (báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (báo cáo);
- Các Bộ: XD, GTVT, TNMT, VH-TT-DL, Thông tin – Truyền thông, Công an, Tư pháp (báo cáo);
- Đ/c Bí thư thành ủy (báo cáo);
- Thường trực Thành ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND thành phố (báo cáo);
- Các đ/c PCT UBND TP;
- Cục quản lý văn bản Bộ Tư pháp;
- Đoàn đại biểu Quốc hội HN;
- VPUB: Chánh, Phó VP, XD, VHXH, TNMT, HTMT, Công báo, TH, Đài PTTH, cổng giao tiếp điện tử HN;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khôi

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ HỆ THỐNG CÂY XANH ĐÔ THỊ, CÔNG VIÊN, VƯỜN HOA, VƯỜN THÚ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND ngày 14/5/2010 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định về việc quản lý, quy hoạch, xây dựng, trồng mới hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú (bao gồm cả các hồ nước bên trong) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân) có các hoạt động liên quan đến việc quản lý, bảo vệ hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này một số từ ngữ được hiểu như sau:

1. Cây xanh đô thị bao gồm:

a. Cây xanh sử dụng công cộng là cây trong công viên, vườn hoa, vườn dạo, cây xanh đường phố, cây xanh trồng trên các dải phân cách, đảo giao thông, quảng trường, đài tưởng niệm, khu công cộng khác trong đô thị.

b. Cây xanh sử dụng hạn chế là cây xanh trồng trong khu ở, nhà biệt thự, nhà vườn, trong khuôn viên các cơ quan, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, cụm công nghiệp, công trình dịch vụ do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng.

c. Cây xanh chuyên dụng là cây xanh cách ly đường giao thông, cách ly hành lang lưới điện, cách ly khu công nghiệp, khu chế xuất, khu bệnh viện, dọc bờ mương, sông tiêu thoát nước, vườn nghiên cứu thực vật, vườn ươm, cây phục vụ nghiên cứu khoa học.

2. Cây cổ thụ là cây thân gỗ có độ tuổi trên 50 năm.

3. Cây bảo tồn là cây cổ thụ, cây thuộc danh mục loài cây quý hiếm, cây được kê trong sách đỏ thực vật Việt Nam cần bảo tồn để duy trì tính đa dạng sinh học của chúng (nguồn gien), cây có giá trị về lịch sử, văn hóa.

4. Cây nguy hiểm là cây hoặc một phần của cây có khả năng gãy đỗ gây tai nạn cho người, làm hư hỏng các phương tiện, tài sản, công trình, cây bị sâu bệnh có khả năng gây bệnh trên diện rộng.

5. Cây thuộc danh mục cây cấm trồng là cây có độc tố gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người hoặc có các tác hại đến môi trường.

6. Đơn vị quản lý trực tiếp hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú là đơn vị có đủ điều kiện và năng lực được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (sau đây gọi tắt là Thành phố) đặt hàng, giao thầu, trúng thầu.

7. Công ước quốc tế “CITES” (The Convertion on International Trade in Endengered Specie of Wild Faura and Flora) là tên viết tắt của Công ước Quốc tế ngày 30/4/1973 về buôn bán Quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã và Việt Nam tham gia công ước này ngày 20/4/1994 nhằm mục đích bảo vệ, bảo tồn các loại động vật hoang dã, thực vật quý hiếm.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú

1. Toàn bộ hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn Thành phố được xác định là một bộ phận của hạ tầng đô thị do Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý.

2. Khi lập quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch chi tiết các khu đô thị, khu dân cư, dự án xây dựng phát triển hạ tầng đô thị trên địa bàn Thành phố phải xác định tỷ lệ, diện tích đất cây xanh và quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa theo Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam và tiêu chuẩn quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng và các văn bản quy định hiện hành khác.

3. Việc xây dựng mới, cải tạo nâng cấp công viên, vườn hoa, vườn thú và hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố phải phù hợp với quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và những quy định hiện hành khác.

4. Việc lựa chọn chủng loại và trồng cây xanh phải phù hợp điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, cảnh quan không gian kiến trúc đô thị, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường đô thị, không làm hư hỏng hoặc ảnh hưởng các công trình hạ tầng kỹ thuật và dưới mặt đất, trên không và theo danh mục cây xanh được trồng trong đô thị.

5. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây xanh trước mặt nhà, trong khuôn viên, phát hiện và thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý xử lý cây nguy hiểm và ngăn chặn các hành vi gây ảnh hưởng tới sự phát triển của cây xanh đô thị.

6. Khi cấp phép mở đường, vỉa hè, hạ hè, cắt xén dải phân cách để đấu nối giao thông tại dải phân cách có bồn hoa, thảm cỏ, cây xanh và công viên, vườn hoa cần lựa chọn phương án tối ưu hạn chế việc chặt hạ, di chuyển cây, phải có ý kiến thỏa thuận của Sở Xây dựng.

7. Khi cấp phép đặt biển quảng cáo trên dải phân cách có bồn hoa, thảm cỏ, cây xanh, công viên, vườn hoa phải có văn bản thỏa thuận của Sở Xây dựng.

8. Thực hiện công việc trồng, chăm sóc cây xanh theo đúng quy trình và các quy định quản lý.

Điều 4. Phân cấp quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú

1. Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về công viên, vườn hoa, vườn thú, cây xanh chung trên địa bàn Thành phố, tổ chức quản lý vườn hoa, cây xanh chung trên các trục đường chính đô thị có mặt cắt ngang đường phần xe chạy từ 7,5m trở lên đối với đường trong các quận nội thành, đường đã đặt tên, các tuyến đường quốc lộ, các dải phân cách có cây xanh, thảm cỏ và các công viên lớn theo quyết định riêng của Ủy ban nhân dân Thành phố.

2. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã trực thuộc (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân quận, huyện) tổ chức quản lý hệ thống xây xanh dọc theo các tuyến đường, trong các khu đô thị, công viên, vườn hoa và nơi công cộng khác còn lại theo địa giới quản lý hành chính.

3. Các đơn vị được giao trực tiếp quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú được cấp có thẩm quyền giao thầu, đặt hàng theo địa bàn.

Chương 2.

QUẢN LÝ CÔNG VIÊN, VƯỜN HOA, VƯỜN THÚ

Điều 5. Quản lý công viên, vườn hoa, dải phân cách

1. Đảm bảo khối lượng, chất lượng được giao quản lý. Cây cảnh, bồn hoa, thảm cỏ, cây trồng thảm, cây lá mầu phải được chăm sóc, cắt tỉa và xử lý sâu bệnh thường xuyên theo đúng quy trình kỹ thuật. Cây cảnh được cắt tỉa theo hình khối phù hợp cảnh quan. Các bồn hoa, thảm lá màu, màu sắc phong phú tươi sáng, phối kết màu đẹp, bồn hoa đảm bảo 100% hoa và nụ. Thảm cỏ bằng phẳng, xanh tốt quanh năm.

2. Duy trì vật kiến trúc, tượng đài, các công trình hạ tầng kỹ thuật phải đảm bảo chất lượng. Bảo trì, sửa chữa thường xuyên và kịp thời các công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật hư hỏng xuống cấp.

3. Duy trì tốt hệ thống đèn chiếu sáng đảm bảo bóng sáng 95%. Nạo vét hệ thống thoát nước, thu dọn rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường.

4. Cải tạo nâng cấp công viên, vườn hoa, vườn thú phải được phê duyệt và thực hiện theo quy định quản lý và đầu tư xây dựng.

Điều 6. Quản lý chăn nuôi chim, thú

1. Đàn chim, thú phải được chăm sóc theo đúng quy trình, định mức đã được ban hành. Chuồng nuôi phải thiết kế phù hợp với đặc tính sinh học của từng loài, đủ để động vật có thể vận động được bình thường, sạch sẽ để đảm bảo đàn chim, thú sống khỏe và phát triển.

2. Từng con thú nuôi phải có lý lịch cụ thể, được đánh số, tính tuổi, giới tính, nguồn gốc xuất xứ. Nếu động vật nhập khẩu phải có hồ sơ kèm theo.

3. Theo định kỳ chim, thú phải được kiểm tra sức khỏe, tiêm phòng dịch. Có bảng tên tại các chuồng trú, trên bảng ghi các thông tin như tên khoa học, tập tính sinh học của loài động vật trưng bày.

4. Chuồng nuôi phải đảm bảo phù hợp và an toàn cho động vật nuôi, người chăm sóc, có ngăn cách an toàn cho người tham quan.

5. Chim, thú nuôi phục vụ trưng bày nhằm mục đích giáo dục, bảo tồn và các lợi ích công cộng khác, mọi người đến tham quan có trách nhiệm bảo vệ chung.

6. Động vật trưng bày và sinh ra tại vườn thú là tài sản của Thành phố, được bổ sung hàng năm tạo sự phong phú, đa dạng về chủng loại và được phép trao đổi với các vườn thú trong nước theo Công ước quốc tế CITES về quản lý động vật hoang dã phục vụ mục đích công cộng để tạo sự phù hợp giúp thú phát triển đặc biệt là phối giống sinh sản.

Điều 7. Quản lý các hoạt động khác trong công viên, vườn hoa, vườn thú

1. Mọi tổ chức, cá nhân khi đến tham quan, vui chơi trong công viên, vườn thú có trách nhiệm mua vé vào cửa theo quy định của Thành phố.

2. Mọi tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, kinh doanh dịch vụ thương mại, vui chơi, tổ chức các hoạt động tập thể trong khu vực công viên, vườn hoa, vườn thú phải đúng chức năng nhiệm vụ của công viên và được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp tại điều 4 cụ thể như sau:

a. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phải phù hợp với chức năng của công viên, vườn hoa, vườn thú và đúng với các quy định của Nhà nước về nghiên cứu khoa học.

b. Các hoạt động kinh doanh thương mại khác phải đúng chức năng hoạt động của công viên, vườn hoa, vườn thú và thực hiện đúng quy định hiện hành của Nhà nước đối với từng loại hình hoạt động.

Điều 8. Quản lý hồ nước trong công viên, vườn hoa, vườn thú

1. Mọi tổ chức cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh, dịch vụ văn hóa thể thao du lịch và vui chơi giải trí trên hồ phải có giấy phép hoạt động và tuân thủ theo quy định về an toàn và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc nuôi trồng, khai thác thủy sản trong hồ để đảm bảo cân bằng môi trường hệ sinh thái hồ, phục vụ mục đích văn hóa thể thao, giải trí, không gây ô nhiễm môi trường nước hồ, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Các hoạt động kinh doanh trên mặt hồ phải thu gom rác, xử lý và xả nước thải đúng nơi quy định. Không xả nước thải chưa xử lý và rác trực tiếp xuống hồ.

4. Quản lý mức nước hồ và vệ sinh mặt hồ, tổ chức cứu hộ trên hồ.

Điều 9. Khuyến khích xã hội hóa công tác quản lý công viên, vườn hoa, vườn thú

1. Từng bước đấu thầu rộng rãi để các thành phần kinh tế cung cấp dịch vụ cho công tác quản lý, duy trì công viên, vườn hoa, vườn thú, cây xanh đô thị.

2. Thành phố khuyến khích các thành phần trong và ngoài nước đầu tư, cải tạo nâng cấp, xây dựng mới công viên, vườn hoa, vườn thú.

3. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp và duy trì hoa, cây cảnh để làm đẹp cảnh quan đô thị, trao đổi thú theo quy định để làm phong phú đàn thú trưng bày và tăng khả năng sinh sản thú.

Chương 3.

QUẢN LÝ HỆ THỐNG CÂY XANH ĐÔ THỊ

Điều 10. Quản lý cây xanh bóng mát

1. Duy trì cây bóng mát phải thực hiện công tác cắt sửa cây phòng bão, chặt hạ cây chết, cây sâu mục, thay cây không đúng chủng loại cây đô thị, cây nhỏ cong xấu làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị, trồng cây đông xuân.

2. Công tác duy trì cây bóng mát thực hiện đối với cây mới trồng trong 5 năm, duy trì đảm bảo theo đúng quy trình, kỹ thuật. Cây được chăm bón, quét vôi gốc cây, dựng thẳng cây, cây được cắt tỉa tạo tán cân đối hằng năm. Cây bóng mát đã duy trì được 5 năm phải được cắt tỉa theo đúng yêu cầu kỹ thuật nhằm tạo tán đẹp và đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

3. Kiểm tra, khảo sát xây dựng kế hoạch cắt sửa đối với cây lệch tán, nặng tán, cây có cành khô, cành xòa, cành cây sâu mục, nguy hiểm, cây sống ký sinh, cây vướng đèn tín hiệu giao thông, cây ảnh hưởng đến đèn đường, dây điện v.v…

4. Kiểm tra phát hiện cây chết, cây sâu mục, cây nguy hiểm để đề nghị cấp phép chặt hạ và trồng cây thay thế, trường hợp khẩn cấp thì đơn vị trực tiếp quản lý phải xử lý ngay để đảm bảo an toàn đồng thời phải báo cáo với Sở Xây dựng.

5. Quản lý cây trên cơ sở hồ sơ từng cây ở các tuyến phố, cây trong công viên, vườn hoa, cây trồng mới, cây chặt hạ thay thế, theo dõi chặt chẽ sự phát triển của cây. Cây cần bảo tồn, cây quý hiếm, cây cổ thụ phải được xây dựng lý lịch và có chế độ chăm sóc và bảo vệ đặc biệt.

6. Chuẩn bị cây trồng thay thế cây chặt hạ, cây thay thế đảm bảo chất lượng, chủng loại, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Điều 11. Quy định chung về trồng cây xanh đô thị

1. Việc trồng cây xanh đô thị phải tuân thủ quy hoạch xây dựng đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Việc trồng cây phải đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và đảm bảo an toàn, cây mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân chắc chắn, ngay thẳng đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt.

3. Cây trồng phải được chăm sóc, kiểm tra xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi bảo vệ, xử lý kịp thời các tác động tới sự phát triển của cây.

4. Đối với các tuyến phố khi đầu tư, cải tạo, nâng cấp hè, đường phải xem xét đến hệ thống cây xanh, có biện pháp bảo vệ cây, tránh không chặt rễ cây làm chết cây hoặc ảnh hưởng đến phát triển của cây.

5. Yêu cầu đối với cây trồng:

a. Cây trồng phải nằm trong danh mục cây được trồng (tại phụ lục kèm theo)

b. Cây thẳng, phân cành cao, dáng cân đối, không sâu bệnh, có hoa đẹp, chịu được thời tiết khắc nghiệt, cây ít rụng lá trơ cành, xanh tốt quanh năm.

c. Cây bóng mát có chiều cao phát triển từ 6-8m, đường kính thân cây (tại vị trí 1,3m tính từ mặt đất) tối thiểu 10cm.

6. Hình thức trồng cây:

a. Trồng cây trên dải phân cách, hè phố, ven đường quốc lộ

a.1. Cây trồng phải phù hợp loại đường phố, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện giao thông, tại các đảo giao thông chỉ trồng cây cảnh, cỏ, hoa tạo thành mảng màu.

a.2. Trồng một loại cây trên tuyến phố có chiều dài dưới 2km. Đoạn đường dài trên 2km có thể trồng hai loại cây tùy theo từng loại cung đường.

a.3. Trồng trên hè: Trồng thành hàng theo khoảng cách 5m – 10m (trừ những tuyến đã có cây), hè có bề rộng nhỏ hơn 3m trồng cây đô thị có chiều cao trưởng thành nhỏ, không vướng đường dây trên không và không gây hư hại công trình hiện có.

a.4. Đối với dải phân cách dưới 3m không trồng cây bóng mát (trừ những tuyến đã có từ trước), nếu ảnh hưởng đến an toàn giao thông thì phải có kế hoạch đánh chuyển cây. Dải phân cách trên 3m có thể trồng 1 hàng cây thân thẳng có chiều cao, phân cành cao, tán lá gọn không gây ảnh hưởng đến tầm nhìn, an toàn giao thông, trồng cách điểm đầu dải phân cách 10m.

b. Trồng cây trong công viên, vườn hoa:

b.1. Trồng cây theo thiết kế được phê duyệt.

b.2. Trồng lại cây sau khi đánh chuyển cây, chặt hạ cây chết, cây sâu mục, cây đổ.

b.3. Trồng cây thay thế cây không phải cây đô thị, cây cong, nghiêng, xấu ảnh hưởng cảnh quan và an toàn đô thị.

c. Quy định về ô đất trồng cây:

Kích thước và loại hình ô đất được sử dụng thống nhất đối với cùng một loại cây trên cùng tuyến phố, cung đường. Ô đất trồng phải có kích thước phù hợp với độ rộng, bằng phẳng của hè phố, đảm bảo an toàn cho người đi bộ, đặc biệt đối với người tàn tật, thuận tiện cho việc chăm sóc cây.

d. Khoảng cách cây trồng đến công trình:

d.1. Khoảng cách từ gốc cây ra mép bó vỉa đường, tuynel kỹ thuật, đường dây, đường cấp thoát nước, đường cáp ngầm từ 1-1,5m.

d.2. Cây xanh trồng ở hè cách góc phố 10m tính từ điểm đường giao nhau gần nhất, không ảnh hưởng đến tầm nhìn giao thông.

d.3. Cây xanh trồng cách họng nước cứu hỏa trên đường 2m-3m, cách cột đèn chiếu sáng và miệng hố ga 1m-2m.

d.4. Cây xanh được trồng dọc mạng lưới đường dây dẫn điện phải đảm bảo quy định về hành lang an toàn lưới điện và bảo vệ an toàn các công trình thuộc lưới điện cao áp.

d.5. Cây trồng cách nhà ở hoặc công trình xây dựng từ 2-3m

d.6. Chú ý trồng cây ở khoảng cách giữa hai nhà dân, không trồng trước cổng hoặc trước chính diện nhà dân. Khoảng cách từ 5-10m (trừ những tuyến đã có cây từ trước).

Điều 12. Đối với vườn ươm cây xanh đô thị

1. Trong quy hoạch cây xanh đô thị cần dành quỹ đất hợp lý để phát triển vườn ươm.

2. Tổ chức hoặc các cá nhân sử dụng đất phát triển vườn ươm phải đúng mục đích và đảm bảo hiệu quả sử dụng đất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào việc nghiên cứu giống cây, thuần hóa cây, công tác sản xuất, ươm giống cây trồng đáp ứng cung cấp cây xanh cho đô thị.

Điều 13. Bảo vệ cây xanh đô thị

1. Cây xanh đô thị phải được thường xuyên được kiểm tra và bảo vệ. Mọi tổ chức cá nhân có trách nhiệm bảo vệ cây xanh đô thị, phát hiện tình trạng nguy hiểm của cây, các hành vi vi phạm về cây xanh đồng thời thông báo cho các đơn vị chức năng theo phân cấp quản lý để ngăn chặn hoặc có biện pháp xử lý kịp thời.

2. Các cơ quan quản lý theo phân cấp có trách nhiệm bảo vệ, kiểm tra, xử lý, các hành vi vi phạm về cây xanh, tổ chức cá nhân vi phạm các quy định về bảo vệ cây xanh có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

3. Đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý có trách nhiệm bảo vệ cây xanh đô thị trên địa bàn được giao theo hợp đồng với cơ quan quản lý cây xanh đô thị theo phân cấp không để xâm hại cây xanh, chủ động phòng chống cây gãy, đổ và khắc phục kịp thời.

Điều 14. Cắt tỉa, chặt hạ, dịch chuyển cây xanh

1. Các đối tượng cây sau khi chặt hạ dịch chuyển phải có giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh:

a. Cây xanh thuộc danh mục cây cổ thụ, cây quý hiếm cần bảo tồn.

b. Cây xanh trên hè phố, trong công viên, vườn hoa, vườn thú, nơi công cộng, dải phân cách và ven đường quốc lộ.

c. Cây xanh có đường kính thân từ 20cm trở lên (≥20cm) trồng trong khuôn viên các tổ chức, cá nhân.

2. Các đối tượng cây sau khi chặt hạ dịch chuyển được miễn giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây:

a. Cây xanh cần chặt hạ ngay do đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm cho người và tài sản. Trước khi tiến hành chặt hạ, dịch chuyển phải có biên bản giữa đơn vị được giao quản lý trực tiếp cây xanh và đại diện UBND phường, xã. Sau đó, đơn vị quản lý trực tiếp cây xanh gửi biên bản và ảnh chụp hiện trạng cây về Sở Xây dựng.

b. Cắt tỉa cây xanh từng tuyến phố theo tiêu chí, cắt sửa cây phòng chống bão theo kế hoạch được giao và có hồ sơ thiết kế dự toán được Sở Xây dựng phê duyệt.

3. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép chặt hạ, cắt tỉa, dịch chuyển cây xanh:

a. Sở Xây dựng là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, cấp giấy phép và theo dõi chặt chẽ việc chặt hạ, cắt tỉa, dịch chuyển cây xanh trên địa bàn Thành phố.

b. Sở Xây dựng chỉ cấp phép cho các đơn vị có đăng ký kinh doanh và đủ năng lực thực hiện.

c. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chặt cây, tỉa cành, dịch chuyển cây xanh phục vụ cho thi công dự án, giải phóng mặt bằng, xây dựng:

c.1. Đơn đề nghị chặt cây, tỉa cành, dịch chuyển cây xanh của tổ chức, cá nhân (mẫu quy định tại phụ lục 4).

c.2. Quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền.

c.3. Bản vẽ mặt bằng thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong đó thể hiện vị trí cây xanh nằm trong công trình xây dựng.

c.4. Giấy phép xây dựng công trình.

c.5. Ảnh màu chụp hiện trạng cây (cỡ 10cmx15cm).

d. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chặt cây, cắt tỉa, dịch chuyển cây đối với các tổ chức, cá nhân:

d.1. Đơn đề nghị chặt cây, tỉa cành, dịch chuyển cây xanh của tổ chức, cá nhân (mẫu quy định tại phụ lục 4).

d.2. Ảnh màu chụp hiện trạng cây (cỡ 10cmx15cm) ở các góc độ thể hiện rõ vị trí, tình trạng, hiển thị sự nguy hiểm (vết sâu mục, độ nghiêng, rễ nổi …).

e. Thời hạn cấp giấy phép chặt hạ, cắt tỉa, dịch chuyển cây xanh:

e.1. Giấy phép được cấp trong thời hạn 8 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với trường hợp đề nghị chặt hạ cây thông thường (số lượng nhỏ dưới 10 cây, không phải là cây quý hiếm, cổ thụ, không có biểu hiện phá hoại làm cây chết).

e.2. Giấy phép được cấp trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với các trường hợp đặc biệt sau:

e.2.1. Cây có biểu hiện bị phá hoại cần phải điều tra, xác minh.

e.2.2. Số lượng cây đề nghị chặt hạ trên 10 cây (không bao gồm cây chết, cây sâu mục, nguy hiểm, cây không thuộc chủng loại cây đô thị), cây quý hiếm, cây cổ thụ cần xem ý kiến chỉ đạo của Thành phố.

g. Trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng công trình, đơn vị chặt hạ, dịch chuyển cây xanh:

g.1. Thực hiện đúng nội dung được quy định trong giấy phép. Khi thực hiện chặt hạ cây phải phối hợp với đơn vị quản lý trực tiếp cây xanh và thông báo với Ủy ban nhân dân Phường (Xã) để cùng giám sát chặt chẽ.

g.2. Trong quá trình thực hiện không để ảnh hưởng đến các công trình, cây xanh trong khu vực xây dựng và lân cận.

Điều 15. Các nguồn lợi thu được từ cây xanh

1. Các nguồn lợi thu được từ cây trồng trên đường phố, công viên, vườn hoa, vườn thú (hoa quả, củi, gỗ) thuộc sở hữu nhà nước. Nguồn thu được phải thực hiện đúng và nộp vào Ngân sách Thành phố theo quy định.

2. Trường hợp cây xanh thuộc sở hữu nhà nước nhưng nằm trong khuôn viên của cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện … do cơ quan đơn vị đó quản lý thì các cơ quan đơn vị này được hưởng các nguồn lợi từ hoa quả, củi cành theo quy định. Riêng gỗ của cây xanh thì đơn vị quản lý cây xanh thu để thực hiện đúng và nộp vào ngân sách Thành phố theo quy định.

3. Cây xanh trong khuôn viên đất tư nhân khi cắt tỉa hoặc chặt hạ thì tư nhân được hưởng toàn bộ hoa quả, củi, gỗ, trường hợp cây cổ thụ, cây quý hiếm thì theo quy định.

Điều 16. Khuyến khích xã hội hóa công tác quản lý cây xanh đô thị

1. Thành phố khuyến khích trồng cây xanh trên đất trống, hành lang an toàn giao thông, các vùng cách ly công trình xử lý rác, mương sông thoát nước theo hồ sơ thiết kế được Sở Xây dựng phê duyệt.

2. Thành phố hỗ trợ giống cây bóng mát trồng trong các trường học, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội khác, khu dân cư, các tổ chức đó tự trồng, quản lý, chăm sóc và bảo vệ cây theo quy định chung.

3. Các cơ quan chuyên ngành hướng dẫn về chủng loại cây, quy cách cây, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây.

Chương 4.

VI PHẠM, XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 17. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Phá hoại cây xanh, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển của cây dưới bất kỳ hình thức nào (đóng đinh, mọi hình thức quảng cáo và treo các vật dụng vào cây, chặt rễ cây, đổ rác, đổ chất độc hại, đốt gốc, đốt lửa đặt bếp quanh gốc cây, xây bục bệ bao quanh gốc cây, bóc vỏ cây, chặt cành, ngắt hoa, giăng dây, giăng đèn).

2. Cắt tỉa, chặt hạ, dịch chuyển cây xanh không đúng quy định, không có giấy phép.

3. Hoạt động không đúng mục đích, lấn chiếm, xây dựng, kinh doanh trái phép trong công viên, vườn hoa, vườn thú, trên dải phân cách, chăn thả gia súc trong công viên, vườn thú, vườn hoa, dải phân cách. Các hành vi làm mất mỹ quan, trật tự, vệ sinh môi trường và các hành vi liên quan đến tệ nạn xã hội.

4. Các hành vi làm hư hỏng bồn hoa thảm cỏ, hạ tầng kỹ thuật trong công viên, vườn hoa, vườn thú, dải phân cách, khu đường quốc lộ và làm ảnh hưởng đến sinh tồn, phát triển của chim, thú.

5. Các hành vi trang trí, tuyên truyền, quảng cáo không phép làm ảnh hưởng mỹ quan, các công trình kiến trúc, hoạt động của công viên, vườn hoa, vườn thú, dải phân cách.

6. Săn bắn các loại động vật sống không đúng quy định.

7. Sử dụng hồ nước, sử dụng đất trong công viên, vườn hoa, vườn thú, dải phân cách không theo quy định, không đúng mục đích.

8. Trồng cây xanh không theo quy hoạch, không đúng chủng loại quy định.

9. Các hành vi bị cấm khác làm hư hại đến hệ thống cây xanh, vi phạm pháp luật và nội quy bảo vệ công viên, vườn hoa, vườn thú.

10. Các tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý không thực hiện đúng các quy định về trồng cây, duy trì, chăm sóc cây xanh, công viên, vườn hoa, vườn thú, dải phân cách.

Điều 18. Mức xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm Quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa theo Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng kinh doanh bất động sản; khai thác sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và các công sở và các nghị định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Cụ thể một số nội dung như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

1.1. Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh; tự ý ngắt hoa, cắt cành cây; vứt rác không đúng nơi quy định hoặc có hành vi làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ;

1.2. Xây bục bệ bao quanh gốc cây đường phố và những nơi công cộng khác không đúng quy định;

1.3. Giăng dây, giăng đèn trang trí, treo biển quảng cáo và các vật dụng khác vào cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định;

1.4. Chăn, thả gia súc trong công viên, vườn hoa.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

2.1. Tự ý chặt hạ, di dời cây xanh;

2.2. Đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh trong khu vực đô thị;

2.3. Trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, đường phố, nút giao thông không đúng quy định;

2.4. Trồng các loại cây trong danh mục cấm trồng và trồng các loại cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép;

2.5. Sử dụng các công trình trong công viên không đúng mục đích;

2.6. Làm hư hỏng các công trình văn hóa, dịch vụ, công trình công cộng trong công viên, vườn hoa.

3. Ngoài hình thức xử phạt trên, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị phạt bổ sung và bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp sau:

3.1. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi;

3.2. Buộc thực hiện đúng các quy định về bảo vệ, sử dụng công trình trong công viên và quản lý cây xanh đô thị.

4. Thẩm quyền của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính: Thực hiện theo Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng kinh doanh bất động sản; khai thác sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở và các Nghị định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

5. Những hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú hoặc cố ý làm trái với Quy định này, tùy theo mức độ, tính chất vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 19. Khen thưởng

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có thành tích chăm sóc, bảo vệ, phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, vườn thú thì tùy mức độ sẽ được khen thưởng theo quy định của Nhà nước và Thành phố.

Điều 20. Kỷ luật

1. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có hành vi xâm phạm đến hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao quản lý trực tiếp hệ thống cây xanh đô thị, vườn hoa, vườn thú hoặc cán bộ công nhân viên trong ngành lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy định này gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước và nhân dân thì phải bồi thường thiệt hại hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương 5.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Các Sở, Ngành thuộc UBND Thành phố

1. Sở Xây dựng

a. Là cơ quan giúp Thành phố thống nhất quản lý nhà nước về cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn Thành phố. Tổ chức triển khai thực hiện việc phân cấp quản lý trên địa bàn theo quy định. Tổ chức thực hiện công tác đặt hàng (hoặc đấu thầu), cung ứng các sản phẩm dịch vụ duy trì cây xanh, công viên, vườn hoa, vườn thú theo phân cấp tại điều 4, đảm bảo an toàn, chất lượng, độ chính xác về khối lượng và hiệu quả.

b. Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc quản lý, tham mưu giúp Thành phố thực hiện công tác quản lý Nhà nước, ban hành các quy trình kỹ thuật chuyên ngành và các văn bản cụ thể về quản lý cây xanh đô thị.

c. Chủ trì cùng các sở, ngành liên quan lập quy hoạch tổng thể về hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú, vườn ươm trên địa bàn Thành phố.

d. Chủ trì soạn thảo các văn bản hướng dẫn công tác quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trình UBND Thành phố ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.

đ. Tham gia ý kiến đối với các dự án xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang nâng cấp công viên, vườn hoa, vườn thú.

e. Chịu trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm về công tác quản lý các công viên, vườn hoa, vườn thú và hệ thống cây xanh theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện công tác duy trì của các đơn vị quản lý. Chỉ đạo lực lượng thanh tra xây dựng xử lý vi phạm quy định về cây xanh, công viên, vườn hoa, vườn thú, ở dải phân cách.

f. Lập danh mục cây trồng, cây cấm trồng, cây trồng hạn chế, cây quý hiếm, cây cần bảo tồn trình UBND Thành phố ban hành.

g. Hàng năm tổng hợp báo cáo UBND Thành phố tình hình quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú, vườn ươm trên địa bàn Thành phố.

h. Chủ trì cùng các sở ngành liên quan nghiên cứu và đề xuất chính sách khen thưởng và chế độ ưu đãi đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh đô thị.

i. Cấp giấy phép cắt tỉa, chặt hạ, dịch chuyển cây theo quy định tại điều 14 quy định này. Khi cấp giấy phép cắt tỉa, chặt hạ, dịch chuyển cây, đơn vị thi công phải thông báo chủ đầu tư, UBND phường sở tại, Thanh tra xây dựng để phối hợp kiểm tra trong quá trình thực hiện chặt hạ, cắt sửa, dịch chuyển cây.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a. Chủ trì phối hợp Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện cân đối, bố trí kế hoạch trung và dài hạn xây dựng vốn hàng năm trong ngân sách Thành phố để phục vụ đầu tư xây dựng mới hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, vườn thú.

b. Khi thẩm định (hoặc phê duyệt) các dự án đầu tư theo phân cấp phải tính đến hệ thống cây xanh, xem xét việc áp dụng các tiêu chuẩn về diện tích cây xanh và hạn chế đến mức thấp nhất diện tích trong đó phải di chuyển, chặt hạ cây xanh trên mặt bằng chiếm đất dự án.

c. Nghiên cứu trình UBND Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Hỗ trợ, phát triển nguồn giống, chủng loại cây xanh trồng nhằm tạo sự đa dạng, phong phú cây xanh đô thị, phát triển cơ sở hậu cần vườn ươm phục vụ nhu cầu trồng cây xanh của Thành phố.

6. Sở Công thương:

Phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị quản lý cây xanh xây dựng kế hoạch kiểm tra, cắt tỉa hệ thống cây xanh đảm bảo an toàn mạng lưới điện cao áp Thành phố theo quy định tại Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ.

7. Sở Giao thông vận tải

Khi cải tạo hoặc cấp phép cho các chủ đầu tư cải tạo hè đường, dải phân cách có cây xanh, thảm cỏ, hoa, cây cảnh thì phải có ý kiến thỏa thuận của Sở Xây dựng.

8. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch:

Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở ngành liên quan xem xét, thẩm định hồ sơ, lấy ý kiến thỏa thuận của Sở Xây dựng để cấp giấy phép lắp đặt biển quảng cáo trên hệ thống công viên, vườn hoa, vườn thú, dải phân cách.

9. Sở Thông tin – truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung quyết định này trên hệ thống thông tin đại chúng.

10. Sở Tài chính:

a. Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng bố trí nguồn vốn cho duy trì hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, vườn thú, thẩm định hồ sơ đặt hàng của các đơn vị chuyên ngành, thẩm định dự toán để hình thành gói thầu trong kế hoạch đấu thầu trình Thành phố phê duyệt.

b. Thẩm tra xác nhận số liệu quyết toán theo hợp đồng đấu thầu, đặt hàng thuộc các lĩnh vực dịch vụ đô thị giữa cơ quan đặt hàng với doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

c. Phối hợp với Kho bạc nhà nước hướng dẫn về thủ tục hành chính, trình tự tạm cấp, thanh toán, quyết toán sản phẩm dịch vụ đô thị đã được đấu thầu, đặt hàng.

d. Chủ trì cùng các sở liên quan xây dựng đơn giá đền bù giá trị của cây bị vi phạm, tỷ lệ trích để lại khi chặt hạ cây.

e. Phối hợp với Sở Xây dựng cùng các sở ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách khen thưởng và chế độ ưu đãi đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ, phát triển hệ thống cây xanh.

11. Công an Thành phố:

Chỉ đạo lực lượng công an Thành phố phối hợp các lực lượng thanh tra chuyên ngành kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm hệ thống cây xanh, vườn hoa, vườn thú, dải phân cách trên địa bàn Thành phố.

Điều 22. Ủy ban nhân dân Quận, Huyện

1. Thực hiện quản lý đối với hệ thống cây xanh, vườn hoa, công viên trên địa bàn theo phân cấp quản lý tại điều 4 đảm bảo an toàn, chất lượng, độ chính xác về khối lượng và hiệu quả. Ký hợp đồng với đơn vị chuyên ngành và đủ năng lực để thực hiện công tác duy trì công viên, vườn hoa, chặt hạ và cắt tỉa, di chuyển cây xanh theo quy định.

2. Chỉ đạo UBND phường, xã, Thanh tra xây dựng phối hợp các lực lượng chuyên ngành của các Sở để kiểm tra trong quá trình thực hiện chặt hạ, cắt sửa, dịch chuyển cây.

3. Thực hiện công tác thống kê phân loại cây, đánh số cây, lập hồ sơ quản lý đối với cây cổ thụ, cây quý hiếm, cây cần bảo tồn trên địa bàn.

4. Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống cây xanh chuyên ngành, vườn hoa, công viên trong phạm vi thẩm quyền.

5. Kiểm tra, giám sát định kỳ đánh giá chất lượng quản lý, khai thác, bảo vệ hệ thống cây xanh, vườn hoa, công viên trên địa bàn. Hàng năm tổng hợp báo cáo tình hình quản lý hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa trên địa bàn quản lý về Sở Xây dựng.

6. Quản lý địa bàn không để tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép đất công viên, vườn hoa và các vị trí đã được duyệt quy hoạch bố trí cây xanh và xây dựng công viên, vườn hoa.

7. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước các dự án đầu tư trên địa bàn, trong đó đảm bảo tỉ lệ cây xanh trong dự án theo đúng hồ sơ được duyệt.

8. Chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn các tổ chức và nhân dân hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ cây xanh. Tổ chức công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến các tổ chức, cá nhân nghiêm túc thực hiện quy định, đồng thời áp dụng các biện pháp khuyến khích để động viên và phát triển hệ thống cây xanh trên địa bàn.

9. Đối với quận, huyện chưa có đơn vị trực tiếp thực hiện việc quản lý, duy trì thì tiến hành lựa chọn, ký hợp đồng với đơn vị chuyên ngành thực hiện.

10. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc: Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn và thanh tra xây dựng quận, huyện thường xuyên kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn hoặc lập hồ sơ vi phạm chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý.

11. Xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm tại quy định này trong phạm vi thẩm quyền và địa bàn quản lý theo Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009. Khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh, vườn hoa, công viên.

Điều 23. Đơn vị được giao quản lý trực tiếp

1. Thực hiện việc quản lý, bảo vệ, khai thác hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú và chăm sóc đàn chim, thú, duy trì vật kiến trúc, cắt sửa, chặt hạ cây phòng bão theo đúng nội dung hợp đồng cung ứng sản phẩm dịch vụ đô thị đã ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tuân thủ quy trình kỹ thuật đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn, chất lượng, hiệu quả, độ chính xác về khối lượng, có giải pháp xử lý kịp thời cây nguy hiểm và các quy định khác của Sở Xây dựng.

2. Lập hồ sơ quản lý hệ thống cây xanh trong công viên, vườn hoa, dải phân cách. Lập hồ sơ lý lịch quản lý và kế hoạch chăm sóc đặc biệt đối với cây quý hiếm, cây cổ thụ, cây bảo tồn.

3. Lập hồ sơ, lý lịch quản lý theo dõi đàn chim, thú nuôi trưng bày.

4. Có trách nhiệm quản lý toàn bộ công trình, tài sản, chim thú trong phạm vi địa bàn được giao, đảm bảo an toàn, chất lượng và hiệu quả. Không được phép tổ chức các hoạt động không thuộc chức năng của công viên, vườn hoa, vườn thú.

5. Xây dựng kế hoạch, phương án thiết kế, trang trí trong các dịp lễ, tết hoặc đột xuất theo yêu cầu của UBND Thành phố để Sở Xây dựng hoặc UBND quận phê duyệt theo phân cấp và thi công theo đúng thiết kế được duyệt.

6. Ban hành, thực hiện, kiểm tra nội quy bảo vệ công viên, vườn hoa, vườn thú.

7. Tổ chức lực lượng tuần tra bảo vệ thường xuyên đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trong phạm vi quản lý, không để xâm hại, hư hỏng.

8. Tham gia kiểm tra, nghiệm thu khi tiếp nhận, bàn giao các công trình cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú, báo cáo cơ quan có thẩm quyền đưa vào quản lý duy trì theo quy định.

9. Bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công dựng quảng cáo, cắt xén hè, đường tại công viên, vườn hoa, dải phân cách, tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi nơi công cộng khi có giấy phép và văn bản duyệt của các cấp có thẩm quyền.

10. Trồng cây xanh phải tuân thủ theo quy hoạch xây dựng đô thị đã được duyệt hoặc quy hoạch chuyên ngành cây xanh được Sở Xây dựng phê duyệt.

11. Thường xuyên kiểm tra cây, đặc biệt là cây quý hiếm, chịu trách nhiệm bảo vệ không để chặt hạ trái phép cây quý hiếm trong địa bàn quản lý.

12. Hàng năm kiểm kê, lập báo cáo tổng hợp về khối lượng, chất lượng sản phẩm được giao quản lý trước ngày 15 tháng 12 hàng năm về Sở Xây dựng.

Điều 24. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình

1. Tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có trách nhiệm tham gia quản lý, bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường công viên, vườn hoa, hồ nước, cây xanh công cộng, cây trong khuôn viên các tổ chức, cá nhân và khu vực trụ sở, gia đình.

2. Có quyền quyết định trong việc lựa chọn giống cây trồng theo danh mục được trồng không khuôn viên do mình quản lý. Những cây trồng phải phù hợp không gian của khuôn viên và chọn cây thích hợp, cây cao không quá 15m và theo điều 11 của bản quy định này, không làm hư hại đến công trình lân cận thuộc tổ chức, cá nhân khác quản lý.

3. Trồng cây theo dự án đầu tư phải thực hiện theo đúng hồ sơ kỹ thuật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

4. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện cây nguy hiểm, cây sâu mục, cây chết và các hành vi phá hoại hoặc gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh cần thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng hoặc đơn vị quản lý trực tiếp để kịp thời giải quyết.

5. Việc chặt hạ, cắt sửa, dịch chuyển cây phải thực hiện theo điều 14 của bản quy định này.

6. Tự giác chấp hành các nội dung của quy định này và vận động mọi người cùng tham gia quản lý chăm sóc, bảo vệ cây xanh.

Điều 25. Tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Thông tin -Truyền thông có trách nhiệm hướng dẫn và tuyên truyền nội dung của Quy định này trong tháng 5 năm 2010.

2. Thời gian triển khai thực hiện:

2.1. Các cấp, các ngành lập kế hoạch hành động, tổ chức quán triệt, tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nội dung Quy định này trong tháng 5, 6 năm 2010.

2.2. Các cấp, các ngành tổ chức thực hiện, xử lý vi phạm quy định từ ngày 1 tháng 7 năm 2010.

2.3. Sở Xây dựng tổng hợp, sơ kết thực hiện trong tháng 12 năm 2010, rút kinh nghiệm, tiếp tục thực hiện với các giải pháp hiệu quả hơn cho giai đoạn sau.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có những nội dung cần phải điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, các sở, ngành, đơn vị, phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định.

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 19/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu: 19/2010/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
Người ký: Nguyễn Văn Khôi
Ngày ban hành: 14/05/2010
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [6]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 19/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [9]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [3]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…