THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 179/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 2024 |
PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH XÂY DỰNG ĐẾN NĂM 2030, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2045
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;
Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;
Căn cứ Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
QUYẾT ĐỊNH:
1. Bám sát, cụ thể hóa các quan điểm phát triển, chủ trương, đường lối, chính sách liên quan đến nhiệm vụ của ngành Xây dựng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
2. Phát triển ngành Xây dựng theo hướng hiện đại, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, tạo đột phá có tính liên kết, bổ sung và tạo động lực phát triển giữa các vùng. Chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng tốt nhất các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Gắn kết phát triển bền vững ngành Xây dựng với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
3. Nhà nước giữ vai trò định hướng và giữ nhịp cho thị trường bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng phát triển. Tăng cường vai trò của nhà nước trong công tác quy hoạch xây dựng, làm cơ sở cho việc hoạch định, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển đã được xác lập, định hướng theo quy hoạch được phê duyệt.
4. Lấy việc đổi mới tư duy, lý luận, cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở và thị trường bất động sản phải tuân thủ theo quy hoạch và kế hoạch, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tự phát, phong trào. Ưu tiên các lĩnh vực, sản phẩm ngành Xây dựng có sức tăng trưởng, lợi thế và sức cạnh tranh cao, từng bước chiếm lĩnh, chi phối thị trường trong nước, có khả năng cạnh tranh tại thị trường nước ngoài.
5. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân công, phân cấp một cách hợp lý, bảo đảm sự quản lý thống nhất, chỉ đạo thông suốt từ trung ương đến địa phương. Đặt việc phục vụ nhân dân làm trung tâm. Phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong toàn ngành Xây dựng.
a) Đến năm 2030:
- Đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống thể chế, công cụ quản lý, đảm bảo tính đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiện đại, hội nhập, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho các chủ thể tham gia các hoạt động đầu tư xây dựng; thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng.
- Nâng cao năng lực ngành Xây dựng để đảm nhận được toàn bộ các khâu quản lý, thiết kế, mua sắm, thi công các công trình xây dựng hiện đại, phức tạp, quy mô lớn và từng bước cạnh tranh, mở rộng thị trường hoạt động ra nước ngoài. Phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng theo hướng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên khoáng sản, thân thiện với môi trường, có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu trong nước, tăng cường xuất khẩu vật liệu xây dựng cao cấp, phát triển các vật liệu xây dựng mới. Ứng dụng công nghệ trong quản lý đầu tư xây dựng, thiết kế, thi công, quản lý chất lượng công trình.
- Đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá và kinh tế đô thị. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hoà, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát triển mạnh các đô thị vệ tinh của một số đô thị lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ bản hoàn thành hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, công cụ quản lý; xây dựng mô hình chính quyền đô thị gắn với quản trị đô thị hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh; từng bước nâng cao chất lượng phát triển đô thị cả về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân.
- Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng; xây dựng nền kiến trúc hiện đại, bền vững, giàu bản sắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển văn hóa. Phát triển đô thị có tầm nhìn dài hạn; hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; xây dựng các đô thị carbon thấp giảm phát thải khí nhà kính, đô thị theo hướng đô thị xanh, có bản sắc, có tính tiên phong và dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực của phát triển.
- Góp phần hoàn thành cơ bản xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung của các đô thị trung tâm cả nước và các vùng đồng bộ, hiện đại, đủ năng lực phục vụ. Tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Từng bước phát triển không gian ngầm tại các đô thị lớn. Tăng tính kết nối giữa các đô thị trong nước và khu vực; gắn kết phát triển đô thị và nông thôn.
- Xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị bất động sản theo cơ chế thị trường. Giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở cho cư dân đô thị, mở rộng các loại hình nhà ở; có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
b) Định hướng đến năm 2045:
Ngành Xây dựng bảo đảm đủ sức thiết kế, thi công các công trình xây dựng hiện đại, phức tạp trong các lĩnh vực với mọi quy mô và có khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường hoạt động ra nước ngoài. Phát triển ngành vật liệu xây dựng đạt trình độ là ngành công nghiệp hiện đại. Tỷ lệ đô thị hoá thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị phát triển đồng bộ, đáp ứng nhu cầu và tốc độ phát triển đô thị. Phát triển nhà ở đáp ứng đủ theo nhu cầu về xây mới và cải tạo nhà ở của người dân; thị trường bất động sản phát triển bền vững, lành mạnh, minh bạch.
a) Lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc:
- Đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch theo hướng quy hoạch xây dựng phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch nông thôn; phân định rõ các vùng trong nội dung quy hoạch đô thị và áp dụng các công cụ kiểm soát phát triển theo quy hoạch và kế hoạch; gắn quy hoạch đô thị với nguồn lực thực hiện.
- Tổ chức quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị, vùng đô thị, nhất là quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu công cộng, quy hoạch quản lý sử dụng không gian nối, không gian ngầm và hệ thống công trình ngầm đô thị phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Khuyến khích các công trình kiến trúc đảm bảo các tiêu chí hiện đại, bền vững, giàu bản sắc, bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tạo lập môi trường sống bền vững, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Một số chỉ tiêu cụ thể:
+ Hoàn thành rà soát, cơ bản phủ kín quy hoạch phân khu các khu vực trung tâm, khu vực dự kiến phát triển và khu vực dự kiến thành lập mới đơn vị hành chính đô thị (quận, phường).
+ Quy hoạch xây dựng nông thôn: rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã để thực hiện mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 là ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.
+ Đến năm 2025, các đô thị hoàn thành xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc; phấn đấu đến năm 2030, 80% các đô thị và điểm dân cư nông thôn có Quy chế quản lý kiến trúc được phê duyệt, ban hành.
b) Lĩnh vực phát triển đô thị:
- Thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn, đưa người dân ra các đô thị xung quanh đã hình thành đầy đủ các thiết chế văn hóa, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tập trung thúc đẩy hệ thống hạ tầng cơ sở, dịch vụ tại các đô thị vệ tinh, mô hình thành phố trực thuộc thành phố, đảm bảo các đô thị giữ vai trò trung tâm phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của địa phương, từng vùng và cả nước. Ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ (loại V) và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Kiểm soát phát triển đô thị mật độ thấp tại các đô thị loại II trở lên; tập trung phát triển đô thị theo chiều sâu và nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân.
- Triển khai hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và nâng cấp đô thị; phát triển các mô hình đô thị mới phù hợp với thực tiễn, chú trọng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông. Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xác định và phát triển các khu đô thị có vị trí, chức năng đặc thù, nổi trội như phát triển đại học, trung tâm sáng tạo, kinh tế cửa khẩu, công nghiệp, đảo, cảng, sân bay; đô thị gắn với phát triển TOD, đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu và đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển riêng phù hợp.
- Một số chỉ tiêu cụ thể:
+ Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5 -1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 - 2,3%.
+ Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị. Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.
c) Lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị
- Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, liên vùng; hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị. Thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm tại các đô thị lớn, tập trung cho các lĩnh vực giao thông đô thị, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đô thị. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt đối với các tuyến đường sắt đô thị.
- Tăng cường công tác kiểm soát, quản lý xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch. Khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, xây dựng và phát triển hạ tầng xanh, công trình xanh, tiêu thụ năng lượng xanh tại đô thị. Tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long. Đẩy mạnh quản lý phát triển không gian ngầm đô thị, nhất là công tác quy hoạch không gian ngầm ở các thành phố trực thuộc trung ương.
- Thực hiện lồng ghép các mục tiêu và định hướng phát triển hệ thống công trình dịch vụ hạ tầng xã hội và nguồn lực thực hiện vào quá trình lập và phê duyệt chương trình phát triển đô thị. Tiếp tục có chính sách khuyến khích, ưu đãi đặc biệt về thuế đối với các dự án cung cấp dịch vụ xã hội đô thị ở các khu kinh tế, các vùng công nghiệp lớn. Đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp dịch vụ đô thị. Đa dạng hoá các mô hình cung cấp dịch vụ hạ tầng xã hội.
- Một số chỉ tiêu về hạ tầng:
+ Về hạ tầng giao thông đô thị: Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đến năm 2030 đạt bình quân 16 - 26%, trong đó tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đạt 13 - 15%; tỷ lệ đất dành cho bến bãi đỗ xe đến năm 2030 đạt 1 - 3 m2/người; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 đạt 20 - 25%.
+ Về cấp nước: Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đến năm 2030 đạt 95 - 100%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2030 dưới 15%; tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực đô thị được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đến năm 2030 đạt 90%.
+ Về thoát nước và xử lý nước thải: Tỷ lệ thu gom nước thải đô thị đến năm 2025 đạt khoảng 70%, đến năm 2030 đạt khoảng 80%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn đến năm 2025 tại các đô thị loại II trở lên đạt khoảng 30
- 35% và tại các đô thị loại III, IV, V đạt khoảng 15 - 20%, đến năm 2030 tại các đô thị loại II trở lên đạt 40 - 45% và tại các đô thị loại III, IV, V đạt 25 - 30%; phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước mưa tại đô thị đến năm 2025 đạt 70%, đến năm 2030 đạt 80%.
+ Chỉ tiêu khác: Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 - 8 m2 vào năm 2025, khoảng 8 -10 m2 vào năm 2030; tỷ lệ chiếu sáng sử dụng nguồn sáng tiết kiệm năng lượng tại các đô thị lớn đạt 50%; tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng tại các đô thị đặc biệt đạt 90%, các đô thị loại I trung bình khoảng 50%, các đô thị còn lại trung bình đạt 25%.
d) Lĩnh vực nhà ở:
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng, cải tạo nhà ở phù hợp với quy hoạch đô thị và quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Quản lý, giám sát chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại trung tâm các đô thị lớn. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo hướng ưu tiên bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân và các thiết chế khác trong khu công nghiệp.
- Tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo, cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở. Bố trí hợp lý khu dân cư và hỗ trợ phát triển nhà ở cho người dân tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.
- Một số chỉ tiêu cụ thể:
+ Đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người, trong đó diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26 m2 sàn/người.
+ Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 30 m2 sàn/người, trong đó diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 32 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 28 m2 sàn/người.
+ Đến năm 2030, phấn đấu tăng tỷ lệ nhà ở kiên cố trên toàn quốc đạt 85%
- 90%, trong đó tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 75% - 80%, không để phát sinh nhà ở đơn sơ trên toàn quốc, đặc biệt là khu vực đô thị; 90% nhà ở trên toàn quốc có hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước thải đồng bộ và được đấu nối vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.
+ Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành đầu tư, xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
+ Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho khoảng 350.000 hộ nghèo (tại khu vực nông thôn khó khăn về nhà ở; hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; hộ nghèo dân tộc miền núi) và khoảng 162.000 hộ người có công cần hỗ trợ nhà ở.
đ) Lĩnh vực quản lý thị trường bất động sản:
- Khai thác, sử dụng bất động sản hiệu quả, đặc biệt là bất động sản đất đai, khai thác tối đa nguồn lực từ đất đai, nhà và công trình trên đất phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển đa dạng các loại bất động sản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cân đối cung - cầu của từng phân khúc, từng địa phương và trong từng giai đoạn.
- Thu hút các nguồn lực xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hàng hóa bất động sản, đặc biệt là đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, các công trình sản xuất, kinh doanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các đô thị.
e) Lĩnh vực quản lý hoạt động xây dựng:
- Nâng cao năng lực xây dựng, làm chủ việc thiết kế, thi công các công trình có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp (không gian ngầm, công trình ngầm, dạng điểm, dạng tuyến có chiều sâu dưới 30 m, chiều cao trên 150 m…). Chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả tăng trưởng của ngành Xây dựng. Thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, khoa học quản lý, quản trị doanh nghiệp; cải thiện tích cực tỷ lệ đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp trong tăng trưởng ngành.
- Huy động tối đa các nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi cho các chủ thể tham gia các hoạt động đầu tư xây dựng, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, chất lượng công trình xây dựng; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.
- Phấn đấu tốc độ tăng bình quân về giá trị sản xuất xây dựng: 8 - 10%/năm.
- Phấn đấu mức độ tăng năng suất lao động ngành xây dựng giai đoạn 2021 - 2025 đạt mức bình quân 8%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt mức bình quân là 10%/năm.
g) Lĩnh vực vật liệu xây dựng:
- Phát triển ngành vật liệu xây dựng thành một ngành kinh tế mạnh, trên cơ sở khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng đảm bảo phát triển hài hoà, bền vững giữa kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường, sinh thái. Phấn đấu đến năm 2030 ngành vật liệu xây dựng đạt mức độ cao về công nghiệp hoá; hướng đến năm 2050 đạt trình độ là ngành công nghiệp hiện đại, công nghiệp xanh gắn với sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sử dụng tối đa công nghệ số, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới.
- Năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cả về khối lượng, chất lượng lẫn chủng loại cho tiêu dùng trong nước và tham gia một phần xuất khẩu. Chú trọng đầu tư cải tạo, hiện đại hoá các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện có, từng bước loại bỏ công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên nhiên liệu, không đáp ứng được các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường. Tăng cường kiểm kê, thực hiện các giải pháp cắt giảm khí nhà kính đối với các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng tiêu thụ nhiều năng lượng.
- Một số chỉ tiêu về sản phẩm vật liệu xây dựng:
+ Xi măng: Đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm xi măng chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xây dựng. Đến năm 2030 tổng sản lượng xi măng không vượt quá 145 - 150 triệu tấn/năm.
+ Gạch gốm ốp lát: Sản xuất các loại sản phẩm mỏng, kích thước lớn, chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, mẫu mã; phát triển sản xuất vật liệu ốp lát có tính năng đặc biệt, khả năng chịu mài mòn cao, bền màu, chống bám bẩn, ngăn ngừa sự phát triển của rêu mốc. Đến năm 2030, tổng sản lượng đạt khoảng 950 triệu m2/năm.
+ Đá ốp lát: Đa dạng các chủng loại, mẫu mã sản phẩm; tận dụng tối đa tài nguyên khoáng sản. Đến năm 2030, tổng sản lượng đạt khoảng 35 - 40 triệu m2, xuất khẩu khoảng 20%.
+ Sứ vệ sinh: Phát triển những sản phẩm có kiểu dáng hiện đại và đi theo xu hướng chung, sản xuất đồng bộ các sản phẩm, phụ kiện đi kèm. Đến năm 2030, tổng sản lượng đạt 40 triệu sản phẩm/năm.
+ Kính xây dựng: Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản các sản phẩm kính gia công sau kính đảm bảo đủ nhu cầu của thị trường trong nước; đến năm 2030 phát triển đa dạng các loại sản phẩm kính chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao theo nhu cầu của thị trường. Tổng sản lượng đạt 400 triệu m2 QTC/năm.
+ Vôi công nghiệp: Đến năm 2030, công nghiệp vôi Việt Nam đạt trình độ ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới.
+ Gạch đất sét nung: Tăng cường sản xuất các sản phẩm gạch đất sét nung rỗng, mỏng, nhẹ, gạch trang trí, gạch kích thước lớn, gạch không trát… Đến năm 2030, tổng sản lượng không vượt quá 30 tỷ viên/năm.
+ Vật liệu xây không nung: Chiếm tỷ trọng so với tổng lượng gạch xây khoảng 35 - 40% vào năm 2025; 40 - 45% vào năm 2030; đảm bảo tỷ lệ sử dụng trong các công trình xây dựng theo quy định. Đa dạng hóa các sản phẩm gạch không nung kích thước lớn, cấu kiện, tấm tường, vật liệu nhẹ.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ
a) Đổi mới tư duy trong công tác tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, công cụ quản lý bảo đảm đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, ổn định, cụ thể, minh bạch trong các hoạt động xây dựng, phát triển đô thị và nhà ở, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Thường xuyên rà soát, kiểm tra để phát hiện các mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, thiếu đồng bộ, thiếu khả thi trong hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách ngành Xây dựng để kiến nghị hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế theo thẩm quyền.
b) Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng, khuyến khích áp dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng và góp phần chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đầu tư xây dựng.
c) Đổi mới mạnh mẽ, phân công, phân cấp và nâng cao hiệu quả phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ngành Xây dựng; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước ngành Xây dựng từ trung ương đến địa phương.
d) Nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách của đội ngũ công chức; hoàn thiện chuyển đổi số hệ thống cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật ngành; ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, nghiên cứu xây dựng các công cụ hỗ trợ công tác xây dựng, theo dõi, đánh giá hiệu quả việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật trong thực tiễn.
a) Nâng cao chất lượng quy hoạch thông qua việc tích hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và tài nguyên, phát triển nhà ở, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan môi trường; gắn kết chặt chẽ giữa các cấp độ quy hoạch và các loại quy hoạch (quy hoạch đô thị với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh); kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch bảo đảm công khai, minh bạch, đồng bộ. Điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch. Nâng cao vai trò của cộng đồng trong công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng đô thị.
b) Nâng cao chất lượng nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trong các đồ án quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và tăng cường công tác kiểm soát, quản lý xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch. Hoàn thiện các quy định, chế tài để xử lý nghiêm các vi phạm trong quy hoạch và các dự án đô thị chậm triển khai.
c) Tăng cường xây dựng các quy định quản lý theo quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc. Tăng tỷ lệ diện tích được lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng tại các đô thị, khu chức năng. Nghiên cứu ban hành khung tiêu chí liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, thông minh để làm cơ sở lồng ghép vào đồ án quy hoạch; bộ tiêu chí công trình kiến trúc xanh, chính sách khuyến khích, ưu đãi khi được chứng nhận và hướng dẫn triển khai thực hiện.
d) Huy động mọi nguồn lực, chú trọng xã hội hóa và xây dựng cơ chế, hướng dẫn thực hiện cụ thể, phù hợp để triển khai thực hiện đồng bộ quy hoạch đô thị. Hoàn thiện hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị, gắn xây dựng quy hoạch, kế hoạch và thực hiện quy hoạch, kế hoạch với phát triển thị trường nhà ở, thị trường bất động sản.
đ) Chú trọng quy hoạch xây dựng phát triển nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, các làng cổ, làng nghề có giá trị, đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các tiêu chí nông thôn mới, gắn với vùng hành lang xanh, bảo vệ đê điều, hài hòa các cảnh quan tự nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
e) Tổng kết, đánh giá mô hình Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy chế quản lý kiến trúc, quy hoạch không gian ngầm và quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Hoàn thiện, khai thác hiệu quả hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị; phổ biến, ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.
g) Tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Kiến trúc và các văn bản hướng dẫn. Nâng cao chất lượng thiết kế kiến trúc, phát triển nền kiến trúc hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phù hợp với từng vùng, miền. Nghiên cứu, xây dựng Danh mục công trình kiến trúc có giá trị tại các đô thị lớn Việt Nam. Ban hành quy định, hướng dẫn về giải pháp duy trì, khai thác hiệu quả giá trị công trình, nhằm khuyến khích chủ sở hữu công trình bảo tồn và phát huy giá trị sẵn có của công trình kiến trúc cũ.
h) Nghiên cứu, bổ sung thiết kế mẫu các công trình dịch vụ tiện ích cộng đồng, đặc biệt với các vùng miền đặc trưng; các mô hình nhà ở kết hợp với sản xuất, các yếu tố đặc thù riêng về sản xuất nông nghiệp; các mẫu kiến trúc nhà ở vùng nông thôn phù hợp với khả năng kinh tế của đại bộ phận người dân nông thôn. Hướng tới các mẫu nhà hiện đại, tiệm cận với các tiêu chuẩn sống của đô thị, kế thừa các nét kiến trúc truyền thống tiêu biểu và bền vững, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.
a) Triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/BCT ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
b) Thực hiện nghiêm việc quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng đô thị sau khi đã được công nhận loại đô thị hoặc hình thành đơn vị hành chính mới, mở rộng. Tăng cường rà soát, đề xuất thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị. Nghiên cứu xây dựng Chương trình quốc gia về cải tạo chỉnh trang, nâng cấp, phát triển đô thị, tái phát triển đô thị.
c) Tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, thông minh. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp đồng bộ hóa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới.
d) Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện theo đúng lộ trình và có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị quốc gia, nâng cấp đô thị quốc gia, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh.
đ) Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển, xây dựng các không gian công cộng vui chơi, không gian giải trí cho nhân dân. Thí điểm tổ chức thực hiện tái phát triển đô thị để bổ sung các thiết chế công, các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và tạo quỹ đất phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị, tạo đà quy hoạch và đầu tư xây dựng phát triển đô thị bền vững.
e) Nghiên cứu khoa học về quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập; ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải, ứng dụng thông minh và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Đẩy mạnh xây dựng các quy chuẩn, các tiêu chí đánh giá cho các loại hình đô thị.
a) Xây dựng chương trình, định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật và các cơ chế chính sách về đầu tư, quản lý, khai thác và cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với thông lệ quốc tế (nhất là đầu tư theo hình thức PPP), bảo đảm đầu tư đồng bộ, hiệu quả và cân bằng lợi ích của các chủ thể.
b) Nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật theo Luật Quy hoạch đô thị và nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trong các đồ án quy hoạch; tăng cường công tác kiểm soát, quản lý xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch. Nghiên cứu xây dựng, phê duyệt Định hướng phát triển không gian xây dựng ngầm đô thị và triển khai thực hiện hiệu quả.
c) Tiếp tục triển khai thực hiện theo đúng lộ trình và có hiệu quả chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch giai đoạn 2016 - 2025; định hướng phát triển cấp, thoát nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Nghiên cứu đề xuất Chương trình thoát nước, xử lý nước thải và chống ngập giai đoạn 2025 - 2030 cho các đô thị lớn, các thành phố duyên hải, đặc biệt các khu vực thường xuyên ảnh hưởng nước biển dâng và biến đổi khí hậu.
d) Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khắc phục các vấn đề tồn tại, bất cập áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong quá trình phát triển đô thị, ùn tắc giao thông, ngập úng đô thị, xử lý nước thải...; các đô thị phấn đấu hoàn thiện các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật theo quy định, các khu đô thị phải đảm bảo đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trước khi bàn giao đưa vào sử dụng.
đ) Đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng các công viên, vườn hoa, cây xanh công cộng nhằm tăng tỷ lệ diện tích cây xanh đô thị đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định. Rà soát, xây dựng chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ số và mô hình quản lý thông minh trong quản lý, vận hành, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Nghiên cứu giải pháp để nâng cao tỷ lệ sử dụng hỏa táng tại các địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý và sử dụng đất nghĩa trang.
a) Hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung một số chính sách phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở theo chương trình mục tiêu, nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình và cá nhân. Tập trung tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, tăng cường phân cấp cho các địa phương để đẩy nhanh cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ, công trình hết niên hạn sử dụng, nhà ở ven kênh rạch, các khu dân cư nghèo trong đô thị. Nghiên cứu cơ chế khuyến khích hình thành, phát triển các quỹ nhà ở và bất động sản.
b) Tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" và các Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.
Tăng cường chức năng quản lý nhà nước trong quản lý phát triển nhà ở, điều tiết đảm bảo cân đối cung - cầu nhà ở.
c) Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhà ở thương mại theo dự án có diện tích trung bình với giá cả phù hợp khả năng chi trả của các đối tượng theo cơ chế thị trường. Nghiên cứu, đề xuất chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn nghèo giai đoạn mới; chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt và các chương trình hỗ trợ nhà ở khác. Bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xanh, tiết kiệm năng lượng và nhà ở phát thải khí nhà kính thấp, ứng dụng công nghệ số.
d) Đa dạng hóa các loại hình nhà ở; tăng tỷ trọng phát triển nhà ở theo dự án và nhà ở chung cư; có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ. Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp theo hướng giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước; tạo nguồn vốn cho các đối tượng thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở được vay ưu đãi, dài hạn để có chỗ ở ổn định. Đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.
đ) Nghiên cứu các mô hình, nhà kiểu mẫu mới, hiện đại phù hợp với sự phát triển của công nghệ, yêu cầu đối với môi trường xanh, sạch, đẹp. Hoàn thiện chính sách, tăng cường thực hiện quản lý sau đầu tư xây dựng nhà ở, ban hành các quy chế để quản lý về việc bàn giao, tiếp nhận, bảo trì các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong dự án phát triển nhà ở.
e) Đôn đốc các địa phương đẩy nhanh việc rà soát, đánh giá nhà chung cư cũ và thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung; quản lý hiệu quả quỹ nhà ở công vụ.
a) Phát triển đa dạng các loại bất động sản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cân đối cung - cầu của từng phân khúc, từng địa phương và trong từng giai đoạn. Hoàn thiện hành lang pháp lý, mô hình tổ chức phù hợp để quản lý, kiểm soát thị trường bất động sản và sử dụng hiệu quả giá trị gia tăng từ đất khi hạ tầng đô thị được mở rộng.
b) Thu hút các nguồn lực xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hàng hóa bất động sản, đặc biệt là đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, các công trình sản xuất, kinh doanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các đô thị.
c) Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, đến năm 2025 hoàn thành Hệ thống thông tin quản lý nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo kết nối và liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị bất động sản; nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế, phí về bất động sản để khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả.
d) Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia thị trường bất động sản theo cơ chế thị trường. Thường xuyên bám sát tình hình thị trường bất động sản, chủ động kiểm soát, điều tiết để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật, thiên tai, dịch bệnh... để thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, từng bước khắc phục lệch pha cung - cầu, đảm bảo sự công khai, minh bạch.
đ) Thực hiện tốt các giải pháp của Quốc hội, Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nghiên cứu quy định hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị.
a) Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng. Tăng cường kiểm soát chất lượng công trình xây dựng; thanh tra, kiểm tra sự tuân thủ, chấp hành quy định pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng nhằm nâng cao chất lượng, giảm thiểu sự cố công trình xây dựng, chống thất thoát, lãng phí.
b) Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách để thúc đẩy hợp tác đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ khu vực tư nhân tham gia các hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Hoàn thiện cơ chế và công cụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng gắn liền với phương thức đầu tư, hình thức thực hiện dự án, bao quát toàn bộ chi phí vòng đời sản phẩm xây dựng. Ứng dụng mạnh mẽ mô hình thông tin xây dựng (B.I.M) trong quản lý, thiết kế và thi công xây dựng công trình theo lộ trình đã được phê duyệt.
c) Tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng; thường xuyên rà soát, bổ sung hệ thống định mức, giá xây dựng trong đó tập trung vào các định mức xây dựng chủ yếu có ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư xây dựng, suất vốn đầu tư, giá xây dựng tổng hợp; hoàn thiện, đổi mới, số hóa, mã hóa thống nhất hệ thống định mức, giá xây dựng.
d) Hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về định mức, giá xây dựng và dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm thống nhất quản lý, đảm bảo khả năng kết nối, truy cập thông tin của các chủ thể có liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng; khuyến khích áp dụng mô hình thiết kế xây dựng ảo trong đầu tư xây dựng trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo xuyên suốt giữa các giai đoạn từ thiết kế, lập dự toán, thi công xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng và bảo trì, bảo dưỡng.
đ) Tiếp tục tổ chức rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia theo định hướng mới đã được phê duyệt theo kế hoạch, công bố và áp dụng đồng bộ đến năm 2030. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sự tuân thủ quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nâng cao hiệu quả áp dụng các tiêu chuẩn trong hoạt động đầu tư xây dựng.
e) Thường xuyên hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng. Tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh phân cấp trong quản lý và đầu tư xây dựng công trình. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao chất lượng tổ chức thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề liên quan đến lĩnh vực xây dựng.
a) Tổ chức triển khai có hiệu quả Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 và các đề án phát triển vật liệu xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đáp ứng yêu cầu về vật liệu xây dựng trong nước và gia tăng xuất khẩu các sản phẩm giá trị cao.
b) Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá liên quan đến lĩnh vực vật liệu xây dựng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng gắn với giải pháp phát triển ổn định bền vững, sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; vật liệu xây dựng phục vụ công trình biển đảo. Tăng cường công tác đánh giá hợp chuẩn, hợp quy kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng để đảm bảo phát triển bền vững sản xuất trong nước, đồng thời quản lý hiệu quả hơn về các sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng nhập khẩu.
c) Ưu tiên phát triển những công nghệ tiên tiến, hiện đại, mức độ tự động hóa cao sử dụng tối đa công nghệ số, công nghệ nano. Phát triển các loại vật liệu xây dựng mới, thông minh, tiết kiệm năng lượng, cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường, vật liệu không nung. Tăng cường sử dụng nhiên liệu tái chế, các loại chất thải công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, sinh hoạt để sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng. Chú trọng đầu tư cải tạo, hiện đại hoá các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện có, loại bỏ công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên nhiên liệu.
a) Tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngành Xây dựng đến năm 2030 và Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.
b) Tiếp cận thị trường quốc tế, ứng dụng phát triển khoa học công nghệ trong thiết kế và thi công công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, dân dụng, công nghiệp; làm chủ công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng chủ yếu, từng bước nội địa hóa các thiết bị có giá trị và có hàm lượng khoa học cao. Tăng cường nghiên cứu, cung cấp các giải pháp xử lý phế thải, phụ phẩm từ quá trình sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, rác thải sinh hoạt để thay thế khoáng sản tự nhiên làm vật liệu xây dựng; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy công trình xanh, tiết kiệm năng lượng.
c) Áp dụng các thành quả của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước của ngành; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng; quản lý phát triển đô thị thông minh. Tăng cường kiểm tra, quản lý hiệu quả công tác đo lường và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành Xây dựng.
d) Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ, trong đó tập trung ưu tiên phát triển công nghệ có khả năng ứng dụng cao phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đổi mới cơ chế, phương thức thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học theo hướng cụ thể, thiết thực, lượng hóa được kết quả, đẩy mạnh tuyển chọn, đặt hàng nghiên cứu khoa học.
đ) Nâng cao tính tự chủ của các viện nghiên cứu theo lộ trình, thí điểm chuyển đổi một số viện sang mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đẩy mạnh bồi dưỡng, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao kiến thức khoa học và công nghệ cho các cán bộ chuyên môn, cán bộ nghiên cứu trong ngành.
Phấn đấu đến năm 2025, 90% cán bộ, viên chức có trình độ từ đại học trở lên, trong đó, 35% có trình độ trên đại học; mỗi đơn vị nghiên cứu có ít nhất 01 giáo sư/phó giáo sư nghiên cứu tương ứng với các lĩnh vực mà đơn vị thực hiện nội dung nghiên cứu. Đến năm 2030, 95% cán bộ, viên chức có trình độ từ đại học trở lên, trong đó, 40% có trình độ trên đại học; mỗi đơn vị nghiên cứu có ít nhất 02 giáo sư/phó giáo sư nghiên cứu tương ứng với các lĩnh vực mà đơn vị thực hiện nội dung nghiên cứu.
a) Tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2022 - 2030. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, nhất là cấp chiến lược có phẩm chất tốt, có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, có năng lực, ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp gắn với công tác cải cách tiền lương; đào tạo, bồi dưỡng gắn với nhu cầu và quy hoạch sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp lâu dài.
Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ công chức có trình độ sau đại học ở cấp tỉnh là 40%, cấp huyện là 20% và cấp xã là 10%; đến năm 2030, tiếp tục nâng tỷ lệ công chức có trình độ sau đại học với cấp tỉnh là 50%, cấp huyện là 30% và cấp xã là 12%. Tỷ lệ công chức được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn hàng năm về chuyên môn xây dựng và các lĩnh vực liên quan đến xây dựng đạt trên 90%. Tỷ lệ cán bộ, công chức được bồi dưỡng về quản lý xây dựng và phát triển đô thị đạt 90% ở cấp tỉnh, 100% ở cấp huyện và 75% ở cấp xã.
b) Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn và công nhân kỹ thuật; phấn đấu đến năm 2025 có 35% và đến năm 2030 có ít nhất 50% công nhân đã được đào tạo sơ cấp nghề từ 3 tháng trở lên, tăng tỷ lệ công nhân được bồi dưỡng theo đúng chuyên ngành xây dựng hoặc có liên quan đến xây dựng. Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, chuyên gia kỹ thuật, công nhân lành nghề, đáp ứng yêu cầu thi công các công trình hiện đại, quy mô lớn, phức tạp cao, đảm bảo tỷ lệ cán bộ kỹ thuật đã qua đào tạo từ trung cấp trở lên đến năm 2025 đạt 70% và phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ trên 90%.
c) Xây dựng đội ngũ viên chức các cấp cần có phẩm chất tốt, có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, có năng lực chuyên môn cao, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp; gắn đào tạo, bồi dưỡng với nhu cầu và quy hoạch sử dụng đội ngũ cán bộ, viên chức lâu dài.
d) Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp tại các cơ sở đào tạo; củng cố và phát triển đội ngũ các nhà khoa học chuyên ngành Xây dựng có uy tín trong nước và quốc tế; xây dựng các chương trình đào tạo bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Gắn công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học cơ bản. Phấn đấu hình thành các trung tâm đào tạo có uy tín thế giới về các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh riêng như phát triển đô thị ứng phó thiên tai; thiết kế thân thiện tiết kiệm năng lượng.
Phấn đấu đến năm 2025, 80% viên chức có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó 95% giảng viên có trình độ từ sau đại học; 100% giảng viên được đào tạo chuyên môn sư phạm hoặc các lĩnh vực có liên quan đến xây dựng; 100% giảng viên được bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên; trên 40% đạt giảng viên chính. Đến năm 2030, 95% cán bộ, viên chức có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó 100% giảng viên có trình độ sau đại học; 100% giảng viên được đào tạo chuyên môn sư phạm hoặc các lĩnh vực có liên quan đến xây dựng; 100% giảng viên được bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên; trên 60% đạt giảng viên chính, phấn đấu có 5% giảng viên cao cấp hoặc tương đương.
a) Thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong các kế hoạch, chương trình, cam kết quốc tế của Chính phủ, Bộ Xây dựng về tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; trong đó chú trọng đến các đô thị, vùng chịu tác động lớn của thiên tai. Chủ động xây dựng kịch bản và đề xuất phương án ứng phó với các tình huống bất ngờ như thảm họa thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên diện rộng, yếu tố cực đoan do biến đổi khí hậu, môi trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.
b) Rà soát, nghiên cứu, bổ sung, lồng ghép các nội dung về ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh... vào các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, quy hoạch xây dựng, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật.
c) Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
d) Nghiên cứu cơ chế, chính sách huy động nhiều nguồn lực triển khai thực hiện các giải pháp công trình, phi công trình bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Nam Trung Bộ trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng tác động sâu rộng. Thúc đẩy nghiên cứu, áp dụng các công nghệ xử lý nước thải thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
đ) Nghiên cứu, thực hiện thí điểm một số dự án quy hoạch, chương trình ưu tiên trọng điểm phát triển đô thị xanh, sinh thái, đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải; kiến trúc xanh, mô hình kiến trúc, nhà ở thích ứng biến đổi khí hậu.
e) Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030. Xây dựng chính sách ưu tiên phát triển những công nghệ tiên tiến, hiện đại, mức độ tự động hóa cao sử dụng tối đa công nghệ số, công nghệ nano, sử dụng nhiên liệu tái chế, các loại chất thải công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, sinh hoạt để sản xuất vật liệu xây dựng; các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường, vật liệu xây không nung, vật liệu xây dựng có thể tái chế. Tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các công trình xây dựng và các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng.
g) Công nghiệp hoá, hiện đại hoá khâu khai thác, chế biến nguyên liệu, khoáng sản làm vật liệu xây dựng; loại bỏ các phương pháp khai thác thủ công, manh mún, lãng phí khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên, mất an toàn lao động, chất lượng kém, không đồng nhất.
a) Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, khuyến khích hình thành và phát triển các doanh nghiệp ngoài nhà nước có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài. Hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, đa ngành, với sức mạnh tổng hợp, có đủ khả năng tổng thầu các dự án nhà ở, thương mại, công nghiệp, giao thông, thủy lợi quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp.
b) Sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hướng chuyên môn hóa cao để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh; phát triển mạng lưới các doanh nghiệp chuyên cung cấp các yếu tố cấu thành sản phẩm xây dựng (chuyên cung cấp nhân lực, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, giải pháp công nghệ, mô hình quản lý…) để nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả quản lý.
c) Nghiên cứu, lựa chọn áp dụng mô hình doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công ích như cấp nước, thoát nước, dịch vụ nghĩa trang phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
d) Tổ chức thực hiện Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 của Bộ Xây dựng đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, tuân thủ theo các nguyên tắc của thị trường, công khai, minh bạch, đúng pháp luật và đạt lợi ích cao nhất của nhà nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
đ) Tổ chức thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ. Đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
13. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử. a) Kiểm soát việc xây dựng, thực hiện các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chữ ký số điện tử, hoàn thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Thường xuyên rà soát, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ và cập nhật đầy đủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tích cực triển khai thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; quán triệt thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính qua các hình thức trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích.
Phấn đấu đến năm 2025, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Bộ Xây dựng được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đến Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Xây dựng, 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần, 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.
b) Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp theo hướng phù hợp năng lực quản lý của địa phương; cải cách thủ tục hành chính, rà soát hệ thống văn bản, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh để cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh trong các lĩnh vực của ngành. 100% các thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp Dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Xây dựng được tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Phấn đấu đến năm 2025, 20% thủ tục hành chính của Bộ Xây dựng được cắt giảm so với năm 2021, có 30% thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công và 70% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hoàn thiện bộ phận một cửa, Trung tâm dịch vụ hành chính công đáp ứng yêu cầu “4 tại chỗ”.
c) Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành kịp thời, hiệu quả hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn trong các lĩnh vực của ngành, nhất là về quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở và thị trường bất động sản.
Phấn đấu đến năm 2025, có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, 100% văn bản trao đổi giữa Bộ Xây dựng với các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định, 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản, 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.
d) Bổ sung các quy định, nâng cao năng lực quản lý, quản trị và mở rộng, nâng cấp hệ thống Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý phát triển đô thị. Tiếp tục số hóa và chuyển đổi dữ liệu quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị toàn quốc về định dạng phù hợp để đăng tải công khai lên mạng điện tử.
a) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành xây dựng và tăng cường thanh tra, kiểm tra hành chính. Đề xuất điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, pháp luật về xử lý các vi phạm trong hoạt động xây dựng toàn diện, phủ kín các hành vi, phù hợp thực tiễn và pháp luật có liên quan. Tiếp tục phát huy vai trò đầu mối trong hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng toàn quốc trên cơ sở định hướng chung của ngành, hướng dẫn công tác chuyên môn đối với Thanh tra Sở Xây dựng các địa phương.
b) Thường xuyên, theo dõi, đánh giá việc thực hiện pháp luật, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
c) Tăng cường công tác tuyên truyền, điều chỉnh, bổ sung nội dung, giải pháp, xây dựng các chương trình, kế hoạch, quy định, hướng dẫn thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thực chất, phù hợp với đặc điểm của ngành và các đơn vị trực thuộc. Thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
d) Tiếp tục kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra ngành trong sạch, vững mạnh, thống nhất từ trung ương tới địa phương; tăng cường cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
15. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế
a) Tiếp tục rà soát các cam kết của ngành, các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa tương thích với thông lệ quốc tế để điều chỉnh trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đảm bảo thực hiện tốt công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết mở cửa thị trường ngành Xây dựng. Tích cực tham gia đàm phán xây dựng các cam kết mới trong các hiệp định song phương và đa phương.
b) Tăng cường hợp tác song phương và đa phương nhằm huy động các nguồn lực quốc tế cho phát triển ngành xây dựng. Chủ động xây dựng kế hoạch, tiếp cận các nhà tài trợ, đàm phán vận động các chương trình, dự án ODA theo lĩnh vực ưu tiên của ngành. Chủ trì, tổ chức tốt các Kỳ họp của các Ủy ban liên Chính phủ mà Bộ Xây dựng làm đồng Chủ tịch; theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các bộ, ngành và doanh nghiệp tham gia thực hiện tốt các nội dung cam kết tại các Biên bản Kỳ họp. Tổng kết, xây dựng kế hoạch hợp tác mới trên cơ sở quan tâm và lĩnh vực ưu tiên của các bên.
c) Tham gia tốt công tác hội nhập kinh tế quốc tế, công tác đàm phán các hiệp định song phương, đa phương nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho ngành. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, tổ chức tham vấn và đối thoại chuyên đề với doanh nghiệp, địa phương, mở các lớp tập huấn pháp luật về các cam kết và thách thức của ngành Xây dựng trong thời kỳ hội nhập. Thực hiện các cam kết hội nhập của ngành trong WTO, APEC, ASEAN, ASEAN+ và kế hoạch triển khai các FTA thế hệ mới, quan trọng như CPTPP, EVFTA. Thực hiện chương trình thông tin đối ngoại hàng năm và nâng cao vai trò Đại diện quốc gia trong Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN và Diễn đàn đô thị Việt Nam.
16. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông.
a) Coi trọng công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền chính sách và pháp luật ngành. Nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch sử dụng các phương tiện, nền tảng công nghệ số để tạo thuận lợi cho các cấp chính quyền, người dân tiếp cận dễ dàng các thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, ngành Xây dựng và các quy định của địa phương, các thông tin về quy hoạch, bất động sản, nhà ở, hoạt động xây dựng...
b) Thực hiện nghiêm quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về các hoạt động của ngành và những vấn đề dư luận quan tâm; không để xảy ra khủng hoảng truyền thông ảnh hưởng đến hoạt động của ngành Xây dựng.
IV. DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN
(Chi tiết tại Phụ lục kèm theo)
Thực hiện đa dạng nguồn vốn huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện Chiến lược.
1. Nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên) theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
2. Kinh phí lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2030.
3. Kinh phí vận động, huy động từ các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong, ngoài nước và kinh phí hợp pháp khác.
4. Nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.
1. Bộ Xây dựng
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai Chiến lược; xây dựng Kế hoạch thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và hướng dẫn các địa phương triển khai; thường xuyên đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện hàng năm và theo yêu cầu; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định điều chỉnh nội dung Chiến lược trong trường hợp cần thiết; tổ chức sơ kết thực hiện Chiến lược vào năm 2025 và tổng kết tình hình thực hiện Chiến lược vào năm 2030.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, báo cáo, đề xuất xem xét hỗ trợ giải quyết các sản phẩm phát sinh từ quá trình sản xuất công nghiệp và công nghiệp hóa chất thành các sản phẩm vật liệu xây dựng, phụ gia xi măng, san lấp phục vụ ngành xây dựng và giao thông.
c) Thường xuyên chủ động nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung đối với tất cả các lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu liên quan đến ngành xây dựng trong quá trình triển khai thực hiện.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan bố trí vốn đáp ứng nhu cầu phát triển các lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của ngành Xây dựng. Phối hợp với Bộ Xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách có liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, tránh chồng chéo.
b) Chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư, đầu tư theo hình thức đối tác công tư vào lĩnh vực xây dựng; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác cho đầu tư phát triển đô thị, cấp nước, thoát nước, vật liệu xây dựng, nhà ở và thị trường bất động sản.
3. Bộ Tài chính
Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách trung ương, trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan, ưu tiên tổng hợp bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của ngân sách trung ương, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cân đối, bố trí kinh phí trong dự toán chi của các cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn để thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược.
4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho các dự án nhà ở xã hội hiệu quả, khả thi, các chương trình tín dụng nhà ở theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan theo hướng phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Phối hợp với Bộ Xây dựng hình thành kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với hệ thống thông tin quản lý về nhà ở và thị trường bất động sản.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất cho phát triển đô thị, nông thôn theo quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị được duyệt. Phối hợp với Bộ Xây dựng trong quá trình xây dựng các quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn, quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
6. Bộ Khoa học và Công nghệ
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cấp quốc gia.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia ngành xây dựng; hướng dẫn xây dựng và thẩm định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành xây dựng.
7. Bộ Công Thương
Phối hợp, hỗ trợ Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển ngành vật liệu xây dựng, sản phẩm xây dựng, cơ khí xây dựng; các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, quản lý nhập khẩu đối với hàng hóa là vật liệu xây dựng, sản phẩm xây dựng
8. Các bộ, ngành khác có các hoạt động liên quan đến các lĩnh vực, sản phẩm ngành xây dựng
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc triển khai thực hiện Chiến lược.
9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Căn cứ các mục tiêu, định hướng và giải pháp của Chiến lược, chủ động lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và dài hạn của địa phương.
b) Tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách trung ương đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương để đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhà ở và thị trường bất động sản.
c) Xây dựng các chương trình, đề án, dự án trọng điểm phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của địa phương; ưu tiên hỗ trợ phát triển đô thị, hạ tầng đô thị, nhà ở xã hội. Quản lý, giám sát chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
KT. THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN CẦN TRIỂN KHAI ĐỂ THỰC HIỆN
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH XÂY DỰNG ĐẾN NĂM 2030, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2045
(Kèm theo Quyết định số 179/QĐ-TTg ngày 16 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng
Chính phủ)
TT |
Tên nhiệm vụ |
Cơ quan chủ trì |
Cơ quan phối hợp |
Thời gian trình |
Cấp trình |
Hình thức văn bản |
1 |
Xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn |
Bộ Xây dựng |
Các cơ quan liên quan |
2024 |
Quốc hội Chính phủ |
Luật |
2 |
Xây dựng Luật điều chỉnh về Quản lý và phát triển đô thị |
Bộ Xây dựng |
Các cơ quan liên quan |
2024 - 2025 |
Quốc hội Chính phủ |
Luật |
3 |
Xây dựng Luật điều chỉnh về cấp, thoát nước |
Bộ Xây dựng |
Các cơ quan liên quan |
2024 - 2025 |
Quốc hội Chính phủ |
Luật |
4 |
Nghiên cứu, đề xuất Luật sửa đổi, bổ sung (thay thế) Luật Xây dựng |
Bộ Xây dựng |
Các cơ quan liên quan |
2025 - 2030 |
Quốc hội Chính phủ |
Luật |
5 |
Nghiên cứu, đề xuất Luật điều chỉnh về Quản lý chung cư (Luật Chung cư) |
Bộ Xây dựng |
Các cơ quan liên quan |
Sau năm 2030 trở đi |
Quốc hội Chính phủ |
Luật |
6 |
Nghiên cứu, đề xuất Luật sửa đổi, bổ sung/thay thế Luật Kiến trúc |
Bộ Xây dựng |
Các cơ quan liên quan |
Sau năm 2030 trở đi |
Quốc hội Chính phủ |
Luật |
7 |
Nghiên cứu, đề xuất Luật điều chỉnh về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang |
Bộ Xây dựng |
Các cơ quan liên quan |
2025 - 2030 |
Quốc hội Chính phủ |
Luật |
8 |
Nghiên cứu, đề xuất Luật điều chỉnh về Quản lý, phát triển vật liệu xây dựng |
Bộ Xây dựng |
Các cơ quan liên quan |
2025 - 2030 |
Quốc hội Chính phủ |
Luật |
9 |
Các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành |
Bộ Xây dựng |
Các cơ quan liên quan |
Theo thời gian soạn thảo, ban hành Luật |
Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Xây dựng |
Nghị định hoặc Thông tư |
10 |
Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2026 - 2030 |
Bộ Xây dựng |
Các bộ, ngành, địa phương |
2025 - 2026 |
Thủ tướng Chính phủ |
Quyết định |
11 |
Chương trình thoát nước, chống ngập và xử lý nước thải đô thị giai đoạn 2025 - 2030 |
Bộ Xây dựng |
Các bộ, ngành, địa phương |
2025 - 2026 |
Thủ tướng Chính phủ |
Quyết định |
12 |
Đề án xây dựng các nhà máy nước quy mô vùng |
Bộ Xây dựng |
Các bộ, ngành, địa phương |
2025 - 2026 |
Thủ tướng Chính phủ |
Quyết định |
13 |
Chương trình quốc gia về cải tạo chỉnh trang, nâng cấp, phát triển đô thị, tái phát triển đô thị |
Bộ Xây dựng |
Các bộ, ngành, địa phương |
2024 - 2025 |
Thủ tướng Chính phủ |
Quyết định |
14 |
Điều chỉnh Định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2035 |
Bộ Xây dựng |
Các bộ, ngành, địa phương |
2024 - 2025 |
Thủ tướng Chính phủ |
Quyết định |
15 |
Đề án nâng cao năng lực cán bộ quản lý xây dựng và đô thị các cấp |
Bộ Xây dựng |
Các bộ, ngành, địa phương |
2024 - 2025 |
Thủ tướng Chính phủ |
Quyết định |
16 |
Đề án bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực kiến trúc |
Bộ Xây dựng |
Các bộ, ngành, địa phương |
2024 - 2025 |
Thủ tướng Chính phủ |
Quyết định |
17 |
Đề án phát triển kiến trúc bền vững, đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh và thiên tai |
Bộ Xây dựng |
Các bộ, ngành, địa phương |
2024 - 2030 |
Thủ tướng Chính phủ |
Quyết định |
18 |
Đề án thúc đẩy xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển kiến trúc Việt Nam, nâng cao chất lượng thiết kế, đảm bảo phát triển bền vững |
Bộ Xây dựng |
Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan |
2024 - 2025 |
Thủ tướng Chính phủ |
Quyết định |
THE
PRIME MINISTER |
THE
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 179/QD-TTg |
Hanoi, February 16, 2024 |
DECISION
ON APPROVAL FOR THE CONSTRUCTION INDUSTRY DEVELOPMENT STRATEGY TO 2030, ORIENTATION TO 2045
PRIME MINISTER
Pursuant to the Law on Government Organization of June 19, 2015; Law on amendments to the Law on Government Organization and the Law on Organization of Local Governments dated November 22, 2019;
Pursuant to the Resolution of the 13th National Congress of the Communist Party;
Pursuant to Resolution No. 06-NQ/TW dated January 24, 2022 of the Politburo on planning, construction, management, and sustainable development of Vietnamese urban areas to 2030, vision to 2045;
Pursuant to Resolution No. 50/NQ-CP dated May 20, 2021 of the Government on the Action Program to implement the Resolution of the 13th National Congress of the Communist Party;
Pursuant to Resolution No. 99/NQ-CP dated August 30, 2021 of the Government on the Government's Action Program for the 2021 - 2026 period to implement the National Assembly's Resolution on Socio-Economic Development Plan 2021 - 2025;
...
...
...
Pursuant to Decision No. 1266/QD-TTg dated August 18, 2020 of the Prime Minister on approval for the Vietnam Construction Materials Development Strategy for the period 2021 - 2030, vision to 2050;
Pursuant to Decision No. 1246/QD-TTg dated July 19, 2021 of the Prime Minister on approval for Vietnam's architectural development orientation to 2030, vision to 2050;
Pursuant to Decision No. 2161/QD-TTg dated December 31, 2021 of the Prime Minister on approval for the National Housing Development Strategy for the period 2021 - 2030, vision to 2045;
At the request of the Minister of Construction.
HEREBY DECIDES:
Article 1. Approval for the Construction Industry Development Strategy to 2030, with a vision to 2045 (hereinafter abbreviated as the Strategy) with the following contents:
I. VIEWPOINTS
1. Actively follow and elaborate evolving development perspectives, guidelines, directives, and regulations pertaining to the Construction industry's tasks in the Resolution of the 13th National Congress of the Communist Party, specialized Resolutions of the Central Committee of Communist Party, and Resolutions of the National Assembly, the Government, and directions of the Prime Minister.
2. Foster the modernization of the construction industry by harnessing technological advancements, generating breakthroughs, fostering interregional collaboration that bridge regional disparities and catalyze balanced development across all regions. Proactively seize and capitalize on the timely opportunities presented by the Fourth Industrial Revolution and international integration. Integrate the sustainable development of the Construction industry with the strengthening of national defense, security, environmental protection, climate change adaptation, and the implementation of social welfare policies.
...
...
...
4. Prioritize the innovation in thinking, theory, reform, and improvement of institutional quality as the key and continuous task. The management of construction investment activities, urban development, housing and real estate markets must comply with planning and plans to overcome the current situation of scattered, spontaneous, and campaign-style investments. Prioritize construction fields and products with high growth potential, advantages, and competitiveness, gradually dominating and controlling the domestic market and having the potential to compete in the international market.
5. Promote administrative reform, assign and decentralize tasks in a reasonable manner, ensuring unified management and smooth guidance from the central to local levels. Put serving the people at the center. Strongly promote the proactive and positive role of organizations, businesses and individuals in the entire Construction industry.
II. OBJECTIVES
1. General objectives:
a) By 2030:
- Accelerate the development of a comprehensive, coherent, unified, modern, and integrated institutional framework and management toolkit. Cultivate a conducive, level playing field, and transparent environment for all stakeholders involved in construction investment activities. Cultivate a conducive, level playing field, and transparent environment for all stakeholders involved in construction investment activities. Promote robust and efficient law enforcement across all construction industry domains.
- Bolster the Construction industry's capabilities to undertake the entire spectrum of management, design, procurement, and construction of modern, complex, and large-scale projects. Gradually foster competition and expand the market for overseas operations. Vigorously develop the construction materials industry towards energy and mineral resource conservation, environmental friendliness, meeting domestic demand, promoting the export of high-grade construction materials, and developing new construction materials. Apply technology in management of construction investment, design, construction, and quality management of construction works.
- Accelerate the pace of urbanization and improve the quality of urban development and economy. Develop mechanisms and policies to promote the development of a harmonious urban system, suitable to the potential and advantages of each region and locality. Vigorously develop satellite cities, especially Hanoi and Ho Chi Minh City. Basically complete the institutional system, mechanisms, policies, and management tools. Establish a model of urban government linked to effective urban governance. Enhance competitive capacity. Gradually improve the quality of urban development in terms of economy, society, infrastructure, architecture, housing, and quality of life for residents.
- Innovate and improve the quality of construction planning; foster a modern, sustainable, and distinctive architectural style that promptly meets the demands of cultural development. Develop cities with a long-term vision; establish a number of smart city chains in the key economic regions of the North, South, and Central regions; gradually connect to the smart city network in the region and the world; build low-carbon cities to reduce greenhouse gas emissions, and develop green, distinctive, pioneering cities that lead innovation and become the driving force of development.
...
...
...
- Establish a transparent mechanism for evaluating real estate value based on market mechanisms. Fundamentally address the housing needs of urban residents, expand housing types; and have policies to support the development of social housing.
b) Orientation to 2045:
The Construction industry ensures sufficient capacity to design and construct modern and complex construction works in various fields of all sizes and has the ability to compete and expand its market overseas. Develop the construction materials industry to the level of a modern industry. The urbanization rate is in the upper middle group of ASEAN and Asia. The urban system is connected into a synchronous, unified and balanced network between regions and areas, with the ability to withstand and adapt to climate change, prevent and control natural disasters, epidemics, protect the environment, and have typical architecture that is rich in identity, green, modern and smart. The urban technical infrastructure system develops synchronously to meet the needs and development speed of urban areas. Housing development meets people's needs for new construction and renovation; the real estate market develops sustainably, healthily and transparently.
2. Specific objectives
a) Construction planning and architecture:
- The comprehensive renovation of planning methods, processes, contents, and products in construction necessitates a multi-disciplinary approach that encompasses a long-term, comprehensive, and strategic vision. This approach must adhere to market rules and principles of sustainable development. It should also ensure the hierarchical, continuous, unified, comprehensive, and integrated nature of the planning system, while establishing strong linkages with rural planning. Additionally, clear zoning and development control tools should be implemented based on planning and regulations. Finally, urban planning must be integrated with available resources for effective implementation.
- Organize planning, construction and development of cities and urban areas, especially planning for construction of technical infrastructure, social infrastructure, public areas, planning for management and use of connecting spaces, underground spaces. This planning and development must be aligned with national defense and security strategies, plans, and policies.
- Encourage architectural works that ensure the criteria of modernity, sustainability, rich identity, conservation, inheritance, and promotion of traditional architectural values. It also create a sustainable living environment, optimize natural resources, conserve energy, prevent and control natural disasters, and adapt to climate change.
- Some specific objectives:
...
...
...
+ Rural construction planning: review and adjust the general commune construction planning to achieve the goal of the National Target Program on new rural construction which is at least 10% of communes meeting model new rural standards, no more communes meet less than 15 criteria.
+ By 2025, urban areas will complete the formulation of architectural management regulations; by 2030, 80% of urban areas and rural residential areas will have architectural management regulations approved and promulgated.
b) Urban development:
- Synchronously implement policies to decompress and reduce load for large urban areas, bringing people to surrounding urban areas that have fully formed cultural institutions, technical infrastructure, and social infrastructure; prioritize promoting infrastructure and service systems in satellite urban areas and city models, ensuring that urban areas play a central role in socio-economic development, science and technology, education and training, innovation and startups in local areas, regions and the whole country. Prioritize the development of small urban areas (class V) and peri-urban areas to support rural development through urban-rural linkages. Control low-density urban development in urban areas of class II and above; prioritize in-depth urban development and improve the quality of people's living environment.
- Effectively initiate national projects and programs on urban development to respond to climate change, prevent and control natural disasters and epidemics; renovate, embellish, reconstruct, and upgrade urban areas; develop new urban models consistent with reality, focus on traffic-oriented urban development models. Research and develop criteria to identify and develop urban areas with specific and outstanding locations and functions such as development of universities, creative hubs, border gate economies, industries, islands, ports, airports; urban areas associated with transit oriented development (TOD), smart urban areas, sustainable urban areas to respond to climate change and propose appropriate development mechanisms and policies.
- Some specific objectives:
+ The urbanization rate will reach at least 45% by 2025, and reach over 50% by 2030. The ratio of urban construction land to total natural land area will reach about 1.5 - 1.9% by 2025, and reach about 1.9 – 2.3% by 2030.
+ The number of urban areas nationwide will be about 950 - 1,000 urban areas by 2025, and will be about 1,000 - 1,200 urban areas by 2030. By 2025, 100% of existing and new urban areas will have general planning, zoning planning, renovation, embellishment, reconstruction and urban development programs; at least 100% of class III urban areas or higher meet urban classification criteria for urban infrastructure, especially infrastructure for health, education, training and urban-level cultural works. By 2030, form a number of national and regional urban centers that meet urban-level objectives pertaining to health, education and training and culture equivalent to the average level of urban areas in the group of 4 leading countries of ASEAN.
c) Urban technical infrastructure
...
...
...
- Strengthen the inspection and management of technical infrastructure construction works in accordance with the planning. Encourage the use of green materials, construction and development of green infrastructure, green buildings, and green energy consumption in urban areas. Enhance the capacity of the infrastructure system to cope with climate change, especially in the Mekong Delta. Promote the management and development of urban underground space, especially the planning of underground space in centrally-affiliated cities.
- Integrate the objectives and orientations for the development of social infrastructure service works and resources into the process of formulating and approving urban development programs. Continue to have incentive policies and special tax incentives for projects providing urban social services in economic zones and large industrial zones. Innovate organizational models, improve the efficiency of urban service enterprises. Diversify models of providing social infrastructure services.
- Some infrastructure indicators:
+ Urban transport infrastructure: The ratio of land for transportation to land for urban construction by 2030 will reach an average of 16 - 26%, of which it will reach 13 - 15% in Hanoi and Ho Chi Minh City; the ratio of land for parking lots by 2030 will reach 1 - 3 m2/person; the proportion of public passenger transport by 2030 will reach 20 - 25%.
+ Water supply: By 2030, 95-100% of the urban population will have access to clean water through the centralized water supply system; the water loss and revenue loss rate will be below 15% by 2030; 90% of water supply systems in urban areas are established and safe water supply plans are implemented by 2030.
+ Drainage and wastewater treatment: The collection rate of urban wastewater will reach about 70% by 2025 and about 80% by 2030; by 2025, the rate of urban wastewater treated to meet standards in urban areas of class II and above will reach about 30 - 35% and about 15 - 20% in urban areas of class III, IV, and V; by 2030, the rate will reach 40 - 45% in class II and above urban areas and 25 - 30% in class III, IV, V urban areas; the coverage of the urban rainwater drainage system will reach 70% by 2025 and 80% by 2030.
+ Other indicators: The average green area per urban resident will reach about 6 - 8 m2 by 2025, about 8 -10 m2 by 2030; the proportion of lighting using energy-saving light sources in large urban areas will reach 50%; the rate of cremation in special urban areas will reach 90%, in class I urban areas will reach about 50%, and in the remaining urban areas will reach about 25%.
d) Housing:
- Effectively implement the National Housing Development Strategy to 2030, with a vision to 2045. Innovate management and development methods and models for social housing, especially housing for workers in industrial zones. Reform administrative procedures to enable households and individuals to build and renovate their own houses in accordance with urban planning and urban architectural management regulations. Strictly manage and supervise the development of high-rise housing in the center of large urban areas. Research and promulgate a separate mechanism and policy on investment in housing construction for workers in industrial zones with an orientation to prioritize the allocation of sufficient land for development housing for workers and other facilities in industrial zones.
...
...
...
- Some specific objectives:
+ By 2025, the average living area per capita nationwide is expected to reach about 27 m2/person, of which the average living area per capita in urban areas will reach 28 m2/person and in rural areas will reach 26 m2/person.
+ By 2030, the average living area per capita nationwide is expected to reach about 30 m2/person, of which the average living area per capita in urban areas will reach 32 m2/person and in rural areas will reach 28 m2/person.
+ By 2030, the objective is to increase the proportion of solid houses nationwide to 85 -.
- 90%, of which 100% in urban areas, 75% - 80% in rural areas. There will be no new rudimentary houses built nationwide, especially in urban areas. 90% of houses nationwide will have synchronized electricity, water supply and wastewater drainage systems and will be connected to the common technical infrastructure system of the area.
+ By 2030, strive to complete the investment and construction of at least 1 million social housing apartments for low-income people and workers in industrial zones.
+ Implement the housing support policy for about 350,000 poor households (in rural areas with difficult housing conditions; poor and near-poor households in poor districts; poor ethnic minority households) and about 162,000 households with meritorious people who need housing support.
dd) Real estate market management:
- Efficiently utilize and use real estate, especially land real estate, maximize the resources from land, houses and constructions on land to serve the socio-economic development goals and the industrialization and modernization of the country. Develop a variety of real estate types to meet the needs of socio-economic development, ensuring supply-demand balance for each segment, each locality and in each stage.
...
...
...
e) Construction management:
- Improve construction capacity, master the design and construction of large-scale projects with complex technical requirements, point-based structures, linear structures depth below 30 m, height above 150 m...). Focus on synchronously implementing solutions to improve quality and growth efficiency of the Construction industry. Promote labor productivity, accelerate the application of science and technology, management science, corporate governance; actively improve the contribution rate of total factor productivity to industry growth.
- Mobilize all possible resources, create a favorable environment for entities to participate in investment and construction activities, improve the efficiency of investment and construction, and the quality of construction works; continue to innovate investment and construction management mechanisms in line with market mechanisms and international practices.
- Strive for an average growth rate of construction production value: 8 - 10%/year.
- Strive for the labor productivity growth rate of the construction industry to reach an average of 8%/year in the period of 2021-2025 and an average of 10%/year in the period of 2026-2030.
g) Construction materials:
- Develop the construction materials industry into a strong economic sector, based on the rational and effective utilization of mineral resources for construction materials to ensure harmonious and sustainable development between economy, society, national security and defense, and environmental protection, ecology. Strive for the construction materials industry to reach a high level of industrialization by 2030; towards 2050, it will become a modern, green industry associated with the development of the fourth industrial revolution, making maximum use of digital technology, Internet of Things, big data, artificial intelligence, on par with countries in the region and the world.
- Production capacity meets the demand for construction materials in terms of quantity, quality and variety for domestic consumption and partly for export. Focus on investing in renovation and modernization of existing construction material production facilities, gradually eliminating outdated technologies that consume a lot of energy and do not meet environmental regulations, standards and criteria. Strengthen the inventory and implementation of solutions to reduce greenhouse gas emissions for energy-intensive construction material production facilities.
- Some indicators on construction materials products:
...
...
...
+ Ceramic tiles: Produce thin, large-sized, high-quality, and diverse products in terms of types and designs. Develop the production of special-function tiles with high abrasion resistance, colorfastness, dirt resistance, and mold prevention. By 2030, the total production will reach about 950 million m2/year.
+ Stone tiles: Diversify product types and designs; maximize the use of mineral resources. By 2030, the total production will reach about 35-40 million m2, of which about 20% will be exported.
+ Sanitary ceramics: Develop products with modern designs and follow the general trend, synchronously produce products and accessories. By 2030, the total production will reach about 40 million products/year.
+ Construction glass: Strive to meet the domestic market demand for processed glass products by 2025. By 2030, develop diverse types of high-quality, high-value glass products according to market demand. The total production will reach 400 million QTC m2/year.
+ Industrial lime: By 2030, the Vietnamese lime industry will reach a level on par with developed countries in the world.
+ Fired clay bricks: Increase the production of hollow, thin, lightweight, decorative, large-sized, and unplastered clay brick products,…By 2030, the total production will not exceed 30 billion bricks/year.
+ Non-fired construction materials: Account for 35-40% of the total brick production in 2025; 40-45% in 2030; ensure the usage ratio in construction works according to regulations. Diversify large-sized non-fired brick products, components, wall panels, and lightweight materials.
III. SPECIFIC TASKS AND SOLUTIONS
1. Focus on improving and enhancing the quality of the institutional system and management tools in the fields of the Construction industry, in line with the market mechanism, the reality of Vietnam and international integration.
...
...
...
b) Improve the system of regulations, standards, construction norms and unit prices, encourage the application of new technologies to improve the efficiency of construction investment contribute to the fight against corruption, waste, and misconduct in construction investment.
c) Strongly innovate, assign, decentralize and enhance the effectiveness of coordination in leadership and direction. Consolidate and improve the organizational system of the state management apparatus of the Construction industry; clearly define the responsibilities and authorities of the regulatory agencies of the Construction industry from the central to the local level.
d) Improve the capacity of officials to research, build, draft legal documents and mechanisms, and policies; complete the digital transformation of the legal document database system of the industry; apply information technology, research and build tools to support construction, monitor, and evaluate the effectiveness of the implementation of legal documents in practice.
2. Innovate the methods of construction planning, urban-rural planning, and technical infrastructure planning for urban areas to ensure scientific rigor, integration, and meet socio-economic development requirements. Preserve and promote the value of national architectural heritage.
a) Improve the quality of planning through the integration of socio-economic development plans, land and resource use planning, housing development, social infrastructure, technical infrastructure, and environmental landscape; closely link different planning levels and types (urban planning with national, regional and provincial planning); strictly control the preparation, appraisal, and approval of planning and amendments to planning to ensure publicity, transparency and synchronization. Amend and supplement planning regulations and standards. Enhance the role of the community in urban planning and management.
b) Improve the quality of technical infrastructure planning content in regional planning projects, provincial planning projects, construction planning projects, urban planning projects and strengthen the control and management of technical infrastructure construction works according to planning. Complete regulations and sanctions to take strict actions against violations in planning and slow-moving urban projects.
c) Strengthen the formulation of management regulations according to planning and architectural management regulations. Increase the proportion of area for urban planning and construction planning in cities and functional areas. Research and promulgate a framework of criteria related to climate change response, green and smart growth to serve as a basis for integration into planning projects; a set of criteria for green architecture, incentive policies and preferential treatment when certified and implementation guidelines.
d) Mobilize all resources, focus on private sector involvement, and build specific and appropriate mechanisms and implementation guidelines for synchronous implementation of urban planning. Complete the national data system on urban development planning, link planning and plan development and implementation thereof with the development of the housing market and the real estate market.
dd) Prioritize rural development planning and construction in conjunction with the preservation and promotion of traditional cultural values, historical sites, valuable ancient villages and craft villages, synchronize social infrastructure and technical infrastructure, meet criteria for new rural areas, link with green belt areas, protect dykes, harmonize natural landscapes and respond to climate change.
...
...
...
g) Effectively implement the Law on Architecture and its guiding documents. Improve the quality of architectural design, develop a modern architecture that is rich in national identity and suitable for each region. Research and build a List of valuable architectural works in major cities of Vietnam. Promulgate regulations and guidelines on solutions to maintain and optimize the value of works, in order to encourage owners of works to conserve and promote the existing value of old architectural works.
h) Research and supplement sample designs of public service facilities, especially for typical regions; models of live-work dwellings, specific factors related to agricultural production; architectural models of houses in rural areas that are suitable for the financial capabilities of the majority of rural people. Aim for modern models, close to urban living standards, inheriting typical and sustainable traditional architectural features, energy efficient, and environmentally friendly.
3. Improve legal regulations and management tools to strictly control the effective urban development process, closely linked with the industrialization, modernization and rural development process.
a) Effectively implement the Action Program of the Government to implement Resolution No. 06-NQ/BCT dated January 24, 2022 of the Politburo on planning, construction, management, and sustainable development of Vietnamese urban areas by 2030, with a vision to 2045.
b) Strictly implement the management and control of urban development in accordance with planning and plans. Strengthen the inspection, review, and evaluation of urban quality after being recognized as a given urban class or forming a new administrative division. Strengthen the review and propose the implementation of urban renovation, upgrading, and reconstruction. Research and develop a National Program on urban renovation, upgrading, development, and redevelopment.
c) Effectively implement the Master Plan for the Urban and Rural System for the period 2021 - 2030, with a vision to 2050. Strengthen the implementation of urban development to effectively respond to climate change, aiming for green and smart growth. Research and propose solutions to synchronize urban development with new rural construction.
d) Effectively implement the following programs and plans: national urban development, national urban area upgrade, development of urban areas to respond to climate change, development of green and smart urban areas. It is necessary to ensure that the implementation is on schedule.
dd) Research and develop mechanisms and policies to develop and build public recreational and entertainment spaces for the people. Pilot the implementation of urban redevelopment to supplement public institutions, social infrastructure and technical infrastructure works, and create a land fund for urban development; to improve the quality of life for urban residents; and to create a momentum for planning and investing in sustainable urban development.
e) Conduct scientific research on sustainable urban management and development in Vietnam in the context of globalization and international integration, response to climate change and emission reduction requirements, smart application, green transformation, and digital transformation. Promote the formulation of standards and evaluation criteria for all classes of urban areas.
...
...
...
a) Develop a program and orientation for technical infrastructure development and policies and mechanisms for investment, management, utilization, and provision of technical infrastructure services; enable economic sectors to participate in investment with diverse forms in accordance with international practices (especially PPP investment); ensure synchronous and effective investment and balance the benefits of stakeholders.
b) Improve the quality of technical infrastructure planning projects in accordance with the Urban Planning Law and the content of technical infrastructure planning in planning projects; strengthen the control and management of construction of technical infrastructure works according to the planning. Study, develop, and approve the Orientation for Development of Underground Construction Space in Urban Areas and effectively implement it.
c) Continue to effectively implement on schedule the following program and orientation: the national program to ensure safe water supply and prevent water loss and leakage for the period 2016 – 2025, the orientation for water supply and drainage development in urban areas and industrial zones by 2025, with a vision to 2050. Study and propose a program for drainage, wastewater treatment, and flood prevention for the period 2025 - 2030 for large cities, coastal cities, especially areas regularly affected by sea level rise and climate change.
d) Study and propose solutions to address existing problems and pressures on the technical infrastructure system during urban development, such as: traffic congestion, urban flooding, wastewater treatment, etc.; ensure that cities strive to achieve the technical infrastructure indicators according to regulations; and require urban areas to ensure synchronous investment in technical infrastructure before handover and commissioning.
dd) Promote investment and construction of parks, flower gardens, and public green trees to increase the proportion of urban green areas that meet prescribed criteria. Review and develop policies to encourage the application of digital technology and smart management models in management, operation, and utilization of technical infrastructure systems. Research solutions to increase the rate of cremation use in localities; strengthen inspection and supervision of the management and use of cemetery land.
5. Fundamentally address the housing needs of the population, expand housing types; and have policies to support the development of social housing.
a) Improve and amend a number of policies to develop commercial housing, social housing, and official housing; resettlement housing, housing for target programs, and individual households' housing. Focus on removing legal obstacles, strengthening decentralization to localities to accelerate renovation and reconstruction of old apartment buildings, expired works, houses along canals, and poor residential areas in urban areas. Study the mechanism to encourage the formation and development of housing and real estate funds.
b) Focus on effectively implementing the National Housing Development Strategy to 2030, with a vision to 2045, the Project "Construction of at least 1 million social housing apartments for low-income people and industrial workers in the 2021-2030 period" and local housing development programs and plans.
Strengthen state management functions in housing development management, regulate to ensure the balance of housing supply and demand.
...
...
...
d) Diversify housing types; increase the development ratio of project-based housing and apartment buildings; have policies to support the development of rental housing and low-cost housing. Promote the development of social housing and low-cost housing towards reducing dependence on the state budget; create a source of capital for low-income people and people with housing difficulties to access preferential and long-term loans for stable housing. Innovate methods and models of management and development of social housing, especially housing for workers in industrial parks; research and promulgate separate mechanisms and policies on investment in and construction of housing for industrial park workers; consider housing for workers as an essential infrastructure of the industrial park.
dd) Research new, modern models and prototypes that are in line with technological advancements and meet the requirements for a green, clean, and beautiful environment. Complete policies, strengthen post-investment management in housing construction, promulgate regulations to manage the handover, reception, and maintenance of technical and social infrastructure projects in housing development projects.
e) Urge localities to speed up the review and assessment of old apartment buildings and carry out renovation and reconstruction of old apartment buildings. Strengthen inspection and supervision of construction of centralized administrative areas; effective manage official housing funds.
6. Strengthen management so that the real estate market develops stably, with information transparency and in accordance with the laws of supply and demand
a) Develop a variety of real estate types to meet the needs of socio-economic development, ensuring supply-demand balance for each segment, each locality and in each stage. Complete the legal framework and appropriate organizational models for managing and controlling the real estate market and effectively using the increased land value when urban infrastructure is expanded.
b) Attract social resources, encourage economic sectors to participate in investing in real estate development, especially investing in the construction of social housing, low-cost commercial housing, production and business facilities, technical infrastructure and social infrastructure in urban areas.
c) Prioritize the development of a database, aiming to complete the housing and real estate market management information system by 2025, ensuring connection and interoperability with the national land database. Establish a transparent mechanism for real estate valuation; research and improve policies on real estate taxes and fees to encourage effective use of land and houses.
d) Facilitate the participation of economic sectors in the real estate market based on market mechanisms. Regularly monitor the real estate market situation, proactively control and regulate to promptly adjust and address difficulties, limitations, and inadequacies in mechanisms, policies, laws, natural disasters, pandemics, etc., to ensure stable and sustainable development of the real estate market, gradually overcome supply-demand imbalances, and ensure transparency and clarity.
dd) Effectively implement the solutions of the National Assembly and the Government to address difficulties and obstacles in the implementation of real estate projects for localities, businesses in Hanoi, Ho Chi Minh City, and some central provinces and cities. Study guiding regulations on the procedures and steps for implementing investment projects in the construction of commercial housing, social housing, and urban areas.
...
...
...
a) Improve the quality of appraisal of investment feasibility study reports, construction design reports that are implemented following the fundamental design, and construction cost estimates. Strengthen quality control in construction works; inspect and verify compliance with legal regulations by entities participating in construction activities to improve quality, minimize construction incidents, and address the issue of losses and waste.
b) Research and propose policies and mechanisms to foster investment cooperation in construction according to the public-private partnership method; mobilize and effectively use private capital to invest in technical infrastructure. Improve construction cost management mechanisms and tools associated with investment methods and project implementation methods, covering the entire life cycle costs of construction products. Strongly apply Building Information Modeling (B.I.M) in management, design, and construction of works according to the approved roadmap.
c) Drive a significant transformation in construction practices, improve the construction cost management toolkit; regularly review and supplement the system of construction norms and prices, which focuses on key construction norms that have a major impact on construction investment costs, investment unit costs, gross construction cost; complete, innovate, digitize, and unify the system of construction norms and prices.
d) Complete and effectively operate the national database system on construction norms and prices and urban technical infrastructure services to unify management, ensure connectivity and information access for stakeholders involved in construction cost management; promote the application of virtual design and construction models in construction investment nationwide, ensure consistency between all stages from design, cost estimation, construction, operation, utilization, and maintenance.
dd) Continuously review and refine the national standards system in line with the newly approved orientations, aiming for synchronous promulgation and application by 2030. Strengthen inspection and supervision of compliance with national technical regulations, enhance the effectiveness of standards application in investment and construction activities
e) Provide regular guidance to localities on strict compliance with legal regulations on investment and construction. Continue researching and promoting decentralization in the management and investment of construction works. Complete the legal framework, improve the quality of examination and certification of construction-related professions.
8. Gradually develop the construction materials industry into a strong economic sector, on the basis of rational utilization of mineral resources, environmental and ecological protection
a) Effectively implement the Planning for exploration, utilization, processing, and use of minerals for construction materials for the period 2021 - 2030, vision to 2050, Vietnam Construction Materials Development Strategy for the period 2021 - 2030, orientation to 2050 and construction materials development projects that have been approved by the Prime Minister. Meet domestic construction material requirements and increase exports of high-value products.
b) Complete mechanisms, policies, standards, regulations, norms, unit prices related to construction materials and minerals used for construction materials, in line with solutions for stable and sustainable development, using recycled materials, resource-efficient construction materials, energy-efficient construction materials, eco-friendly construction materials, responding to climate change; construction materials for sea and island works. Strengthen the assessment of conformity to standards and regulations to control the quality of construction materials and products to ensure sustainable development of domestic production, and achieve more effective management of imported construction materials and products.
...
...
...
9. Vigorously develop science, technology, and innovation to create a breakthrough in improving productivity, quality, efficiency and competitiveness of the Construction industry.
a) Effectively implement the Strategy for Science, Technology and Innovation Development of the Construction Industry by 2030 and the Digital Transformation Plan of the Construction Industry for the period 2020-2025, with a vision to 2030.
b) Access international markets, apply scientific and technological advancements in the design and construction of underground infrastructure, civil and industrial works; master the construction of major construction materials, gradually localize high-value and high-tech equipment. Promote research and provide solutions for treating waste and by-products from industrial and agricultural production, and household waste to replace natural minerals as construction materials; gradually complete mechanisms and policies to promote green and energy-efficient buildings.
c) Apply the achievements of the scientific and technological revolution and digital transformation in the state management of the industry; improve the productivity and quality of construction materials and goods; manage the development of smart cities. Strengthen the inspection and effective management of the measurement and quality management of construction products and goods.
d) Promote scientific research and technology development activities, prioritizing the development of high-potential technologies suitable for Vietnamese conditions. Innovate the mechanisms and methods of scientific research and application in a way that is specific, practical, and measurable in terms of results, and promote the selection and commissioning of scientific research.
dd) Enhance the autonomy of research institutes following a given roadmap, pilot the conversion of some institutes to science and technology enterprises Provide training and refresher courses in scientific and technological knowledge for professionals and research staff in the industry.
Strive to achieve the following targets by 2025: 90% of officials and public employees to have a bachelor’s degree or higher, of which 35% to have a postgraduate degree; each research unit shall have at least one professor or associate professor with expertise in the field(s) relevant to the unit's research content. Strive to achieve the following targets by 2030: 95% of officials and public employees to have a bachelor’s degree or higher, of which 40% to have a postgraduate degree; each research unit shall have at least two professors or associate professors with expertise in the fields relevant to the unit's research content.
10. Develop human resources, education and training to meet the high-quality human resources requirements of the Fourth Industrial Revolution and international integration.
a) Effectively implement the Strategy for human resource development in the Construction industry for the period 2022-2030. Build a workforce of officials and public employees at all levels, especially at the strategic level, with good qualities, political steadfastness, professionalism, competence, a sense of responsibility, public service ethics and professional ethics, in line with salary reform. Training and development of officials and public employees must be closely aligned with practical needs and the long-term planning of building the workforce.
...
...
...
b) Improve the capacity of administrative officers, professional workers and technical workers. Strive to achieve the following targets: By 2025, 35% of construction workers and by 2030 at least 50% of construction workers will have received basic vocational training for at least 3 months, increase the proportion of construction workers who have been trained in construction or construction-related fields. Develop a team of excellent administrative officers, technical experts and skilled workers to meet the requirements of construction of modern, large-scale and highly complex projects. Ensure the rate of qualified technical staff from intermediate level and above will reach 70% by 2025 and reach over 90% by 2030.
c) Develop a team of officials with good qualities, political steadfastness, professionalism, high professional competence, a sense of responsibility and professional ethics. Training and development of officials and public employees must be closely aligned with practical needs and the long-term planning of building the workforce.
d) Continue to improve the quality of higher education and vocational training at training institutions. Consolidate and develop a team of construction scientists that have domestic and international reputation. Build training and refresher programs in line with the needs of social development, globalization, and international integration. Link training with basic scientific research. Strive to form world-class training centers in areas where Vietnam has its own strengths, such as urban development for disaster response and energy-efficient design.
Strive to achieve the following targets by 2025: 80% of officials will have professional qualifications at the higher education level or above, including 95% of lecturers with postgraduate qualifications; 100% of lecturers will be trained in pedagogy or construction-related fields; 100% of lecturers will be regularly trained; over 40% will achieve the title of "main lecturer". Strive to achieve the following targets by 2030: 95% of officials will have professional qualifications at the higher education level or above, including 100% of lecturers with postgraduate qualifications; 100% of lecturers will be trained in pedagogy or construction-related fields; 100% of lecturers will be regularly trained; over 60% will achieve the title of "main lecturer", 5% will achieve the title of “senior lecturer” or equivalent.
11. Efficiently manage and use resources; strengthen environmental protection and climate change response; prevent, control, and mitigate natural disasters and epidemic impacts.
a) Effectively implement the assigned tasks in the plans, programs, and international commitments of the Government and the Ministry of Construction on green growth, climate change response, and sustainable development, which focuses on urban areas and areas heavily impacted by natural disasters. Proactively build scenarios and propose response plans for unexpected situations such as natural disasters, dangerous widespread diseases, and extreme factors caused by climate change and the environment. Strengthen inspection and supervision to ensure water security and safety of dams and reservoirs.
b) Review, research, supplement, and integrate contents on climate change response, sea level rise, natural disasters, epidemics, etc. into legal documents, regulations, policies, construction planning, systems of regulations, standards, and economic-technical norms.
c) Continue to implement the Government's Action Program on Resolution No. 120/NQ-CP dated November 17, 2017 on sustainable development of the Mekong Delta in response to climate change in a drastic, synchronous, and effective manner.
d) Research mechanisms and policies to mobilize multiple resources for the implementation of engineering and non-engineering solutions to ensure adequate domestic water supply for people in the Mekong Delta and the South Central Coast region in the context of increasingly severe drought and saltwater intrusion. Promote research and application of eco-friendly wastewater treatment technologies suitable for Vietnam's conditions.
...
...
...
e) Effectively implement the Program on developing non-fired construction materials in Vietnam by 2030. Formulate policies to prioritize the development of advanced, modern technologies with high automation levels, maximizing the use of digital technology, nanotechnology, recycled fuels, industrial, agricultural, construction and domestic waste for construction material production; energy-efficient, soundproofing, heat-insulating, eco-friendly products, non-fired construction materials and recyclable construction materials. Promote the efficient use of energy in construction works and construction material production facilities.
g) Industrialize and modernize the utilization and processing of raw materials and minerals for construction materials; eliminate manual, fragmented mining methods that waste minerals, natural resources, cause unsafe labor conditions, poor quality, and inconsistency.
12. Strongly develop enterprises in the Construction industry; complete the restructuring of state-owned enterprises; make fundamental changes to affiliated public sector entities.
a) Continue to vigorously restructure non-state economic enterprises, encourage the formation and development of non-state enterprises with strong potential and competitive ability in both domestic and foreign markets. Form large-scale, multi-industry enterprises, with combined strength, capable of undertaking large-scale, complex technical housing, commercial, industrial, and transportation projects as a main contractor.
b) Restructure small and medium-sized enterprises towards high specialization to improve their capacity and competitiveness; develop a network of specialized enterprises providing construction product components (specializing in providing human resources, machinery, equipment, materials, technological solutions, management models...) to improve professionalism and management efficiency.
c) Research and select appropriate models of public service enterprises for water supply, drainage, and cemetery services suitable for the actual conditions of Vietnam.
d) Effectively implement the Plan for restructuring of state-owned enterprises and state-capitalized enterprises for the period of 2022-2025 of the Ministry of Construction, ensuring on-schedule progress, compliance with market principles, transparency, legality, and achieving the highest benefits for the State. Enhance the operational efficiency of enterprises after equitization.
dd) Effectively implement the decision of the Prime Minister on the list of public sector entities affiliated to the Ministry. Fundamentally, comprehensively and synchronously innovate public sector entities to ensure compactness, rational structure, autonomous capacity, advanced governance, effective and efficient operation.
13. Accelerate administrative reform and build e-Government.
...
...
...
Strive to achieve the following targets by 2025: 100% of individuals and businesses using online public services at the Ministry of Construction will be seamlessly and uniformly identified and authenticated on the national public service portal and the Ministry of Construction's administrative procedure settlement information system.
b) Continue to strongly decentralize in line with the local management capacity; reform administrative procedures, review the document system, abolish barriers that restrict business freedom to improve and enhance the business environment quality in the sectors of the industry. 100% of administrative procedures are eligible for providing online full-process public services on the Ministry of Construction's administrative procedure system that is integrated with the national public service portal.
Strive to achieve the following targets by 2025: reduce 20% of administrative procedures of the Ministry of Construction compared to 2021; achieve 30% online payments on the national public service portal out of the total payment transactions of public services; enable 70% of administrative procedures with financial obligations to be paid online on the national public service portal. Improve the single-window system and online public administration center to meet the “four-steps at one single-down” requirements.
c) Accelerate the development of e-Government; synchronously design, build, and put into operation an integrated system that connects and interoperates large databases in the sectors of the industry in a timely and effective manner, especially in terms of planning, urban development, housing and real estate market.
Strive to achieve the following targets by 2025: have a centralized data analytics and processing platform; 100% of documents exchanged between the Ministry of Construction and regulatory agencies will be in electronic form, signed with specialized digital signatures, except for confidential documents as prescribed; 100% of officials and public employees will be trained and equipped with basic digital skills; 50% of officials and public employees will be trained and equipped with data analysis, mining and digital technology skills.
d) Supplement regulations, improve management and governance capacity, upgrade the national construction planning and urban planning information portal to meet the requirements of planning management, construction investment and urban development management. Continue to digitize and convert national construction planning and urban planning data into a suitable format for public posting on the Internet.
14. Strengthen inspection and examination in all areas of the industry; focus on preventing and controlling corruption.
a) Enhance the quality and effectiveness of construction specialized inspection and strengthen administrative inspection and examination. Propose amendments and improvements to the legal system on planning, architecture, construction, and the legal system on penalties for violations in construction activities in a comprehensive manner, covering all acts, in line with practice and related laws. Continue to promote the leading role in the specialized inspection activities of the Construction industry nationwide based on the general orientation of the industry, offer professional guidance to the Construction Inspection Departments of provinces/cities.
b) Regularly monitor and evaluate the implementation of laws and regulations, promptly propose amendments and improvements to policies to enhance the effectiveness of state management, the efficiency of citizen reception, settlement of petitions, complaints and whistleblowing reports.
...
...
...
d) Continue to improve the organization, make fundamental changes to the working methods, build a clean, strong, unified inspection team from the central to the local level; strengthen the facilities and training, fostering and improving professional qualifications and civil service ethics to meet the requirements of tasks in the new situation.
15. Enhance international cooperation and international integration
a) Continue reviewing the industry’s commitments and legal documents that are not yet compatible with international practices for adjustment within the legal document system; ensure good implementation of foreign affairs and international economic integration, and market opening commitments of the Construction industry. Actively participate in negotiating new commitments in bilateral and multilateral agreements.
b) Enhance bilateral and multilateral cooperation to mobilize international resources for the development of the Construction industry. Proactively develop plans, approach donors, negotiate, and advocate for ODA programs and projects in the industry’s priority areas. Effectively chair and manage the meetings of the Intergovernmental Commissions of which the Ministry of Construction is a co-chair; monitor, urge and support ministries, agencies, and enterprises to effectively implement the commitments in the minutes of the meetings. Summarize and develop new cooperation plans based on the interests and priority areas of the parties.
c) Actively participate in international economic integration and negotiation of bilateral and multilateral agreements to bring practical benefits to the industry. Effectively organize propagation, consultation, and specialized dialogue with businesses and localities, open training courses on laws related to commitments and challenges of the Construction industry in the integration period. Implement the integration commitments of the sector in WTO, APEC, ASEAN, ASEAN+ and the plan to implement new generation FTAs, such as CPTPP and EVFTA. Implement the annual foreign affairs program and enhance the role of the national representative in the ASEAN Smart Cities Network and the Vietnam Urban Forum.
16. Strengthen information and communications
a) Prioritize information and communications, propagation of policies and laws of the industry. Research and develop plans to use digital technology platforms and tools to facilitate access to information on policies, guidelines, laws and regulations of the Party, the State, the Construction industry and local regulations, information on planning, real estate, housing, construction activities...
b) Strictly implement the regulations on spokesperson and information provision to the press; b) Strictly implement the regulations on spokesperson and information provision to the press; proactively provide complete, timely and accurate information on the industry’s activities and issues of public concern; prevent communication crises from affecting the Construction industry's operations.
IV. LIST OF PROGRAMS AND PROJECTS
...
...
...
V. FUNDING RESOURCES
Diversify funding sources and effectively utilize resources to implement the Strategy.
1. Annual state budget allocation (capital expenditures, current expenditures) following the current state budget decentralization.
2. Integrated funding in national target programs and public investment programs and projects for the period 2021 - 2030.
3. Mobilized funds from foreign donors, international organizations, domestic and foreign enterprises and individuals, and other legal sources.
4. Other financial sources as prescribed by law.
Article 2. Implementation
1. Ministry of Construction
a) Take charge and cooperate with ministries, agencies and localities to implement the Strategy; develop an implementation plan, assign specific tasks to agencies and units under the Ministry and guide localities in the implementation; regularly monitor and evaluate the progress of the Strategy; synthesize and report to the Prime Minister the performance results on annual basis and as required; propose the Prime Minister to consider amending the Strategy if necessary; organize a midterm review of the performance of the Strategy in 2025 and a final review of the performance of the Strategy in 2030.
...
...
...
c) Proactively research and propose amendments to mechanisms and policies for all sectors and major products related to the Construction industry during the implementation process.
2. Ministry of Planning and Investment
a) Take charge and cooperate with Ministry of Construction and relevant agencies to allocate capital to meet the development needs of the main sectors and products of the Construction industry. Coordinate with the Ministry of Construction to complete the policies related to construction investment management, ensuring consistency, transparency, and avoiding overlaps.
b) Proactively review and propose amendments to policies to attract investment resources and public-private partnership (PPP) investment in the Construction industry; policies to support the development of cooperative economies for investment in urban development, water supply, drainage, construction materials, housing and the real estate market.
3. Ministry of Finance
Based on the balancing capacity of the central budget, prioritize funding allocation for activities proposed by the Ministry of Construction and relevant ministries within the annual current expenditure budget of the central government; propose competent authorities for consideration and decision on balancing and allocating funds in the budget estimates of agencies and units in accordance with the Law on State Budget and guiding documents to implement the tasks of the Strategy.
4. State Bank of Vietnam
Continue directing credit institutions to focus capital on effective and feasible social housing projects, housing credit programs according to the policies of the Government and the Prime Minister in each period.
5. Ministry of Natural Resources and Environment
...
...
...
b) Take charge and cooperate with Ministry of Construction and localities to closely review and control the use of land for urban and rural development in accordance with approved construction and urban planning. Coordinate with the Ministry of Construction in the process of formulating urban and rural development plans, and planning for mineral for construction materials.
6. Ministry of Science and Technology
a) Take charge and cooperate with Ministry of Construction in developing, guiding, and performing national scientific, technological and innovation tasks.
b) Take charge and cooperate with Ministry of Construction in appraising and promulgating national construction standards; guiding the formulation and appraisal of national technical regulations for the Construction industry.
7. Ministry of Industry and Trade
Coordinate and support the Ministry of Construction in researching and formulating policies for the development of the construction materials, construction products, and construction machinery industries; solutions to promote exports and manage imports of goods that are construction materials and construction products.
8. Other ministries and agencies have activities related to construction industry fields and products
Closely coordinate with the Ministry of Construction in the implementation of the Strategy based on their functions, tasks and powers.
9. People's Committees of provinces and central-affiliated cities
...
...
...
b) Effectively implement the issued central policies, and also research and promulgate specific local policies to promote the implementation and improve the efficiency of planning, construction, urban development, urban technical infrastructure, housing and real estate market management.
c) Formulate key programs and projects suitable for the characteristics and strengths of the provinces/cities; prioritize supporting the development of urban areas, urban infrastructure, and social housing. Manage and supervise the quality and effectiveness of construction investment projects in the area.
Article 3. This Decision comes into force from the date of signing.
Ministers, Heads of ministerial-level agencies, Heads of Governmental agencies, Presidents of People’s Committees of provinces and central-affiliated cities shall implement this Decision./.
PP.
PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER
Tran Hong Ha
...
...
...
;
Quyết định 179/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 179/QĐ-TTg |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký: | Trần Hồng Hà |
Ngày ban hành: | 16/02/2024 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 179/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chưa có Video