THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1734/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2023 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Căn cứ Nghị định số 67/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tây Thiên - Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, với những nội dung sau:
1. Phạm vi, quy mô và ranh giới lập quy hoạch
a) Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch: Trên địa giới hành chính thị trấn Đại Đình và một phần của xã Tam Quan (khu vực Đền Trình), huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
b) Quy mô lập quy hoạch có diện tích khoảng 473,01 ha, bao gồm:
- Diện tích Khu vực bảo vệ Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tây Thiên - Tam Đảo (theo Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt), trong đó: Diện tích Khu vực bảo vệ I là 35,5 ha và diện tích Khu vực bảo vệ II là 358,32 ha.
- Diện tích của một số di tích có liên quan trực tiếp đến quần thể Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tây Thiên - Tam Đảo (khoảng 8,91 ha); gồm: Đền Trình (đình Cả), đền Mẫu sinh, đền Mẫu hóa.
- Khu vực đồi Ba Gò (diện tích khoảng 70,28 ha), là khu vực cảnh quan đẹp, vị trí thuận lợi trong kết nối với Di tích quốc gia đặc biệt Tây Thiên - Tam Đảo để nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào Khu vực bảo vệ II nhằm khai thác các giá trị và đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di tích (nếu cần thiết).
c) Ranh giới lập quy hoạch: Phía Bắc và phía Đông giáp đất rừng thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo; phía Nam giáp đất nông nghiệp xã Tam Quan; phía Tây giáp khu dân cư thị trấn Đại Đình và đất rừng thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo.
Quy mô và ranh giới được thể hiện tại Bản đồ Phạm vi lập quy hoạch và xác định cụ thể tại bước tổ chức khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch.
2. Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch
a) Hệ thống các di tích, công trình tôn giáo và các yếu tố thiên nhiên thuộc Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tây Thiên - Tam Đảo, gồm: Di tích thờ Phật, di tích thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, các di tích liên quan; hệ thống động vật, thực vật, cảnh quan môi trường khu vực di tích.
b) Các di tích khác có liên quan tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên và công trình phục vụ phát huy giá trị Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tây Thiên - Tam Đảo, gồm: Đền Trình (đình Cả); đền Mẫu hóa; đền Mẫu sinh; Trung tâm lễ hội Tây Thiên.
c) Các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nhất là Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, sinh hoạt tôn giáo và lễ hội truyền thống; tài liệu, di vật, hiện vật gắn với di tích; giá trị về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học; công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
d) Các yếu tố kinh tế - xã hội, dân cư trong khu vực; các chương trình, đề án, quy hoạch, dự án có liên quan tới việc lập quy hoạch di tích; các thể chế chính sách liên quan; hiện trạng hạ tầng - kỹ thuật, tình hình sử dụng đất di tích và các khu vực xung quanh di tích.
đ) Mối liên hệ với các di tích, công trình, địa điểm du lịch và di sản văn hóa trong và ngoài khu vực để hình thành kết nối, phát triển du lịch.
a) Nhận diện đầy đủ giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, khảo cổ, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học; bảo tồn, phát huy giá trị Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tây Thiên - Tam Đảo; đưa khu di tích thành một trung tâm tín ngưỡng, du lịch văn hóa, lịch sử của quốc gia.
b) Cụ thể hóa chiến lược, định hướng phát triển của quốc gia, của vùng, của tỉnh Vĩnh Phúc nhằm phát huy vai trò Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tây Thiên - Tam Đảo, góp phần xây dựng Tam Đảo trở thành thị xã đặc sắc về văn hóa, du lịch vào năm 2030.
c) Tu bổ, tôn tạo di tích, công trình tôn giáo tín ngưỡng; bảo vệ, gìn giữ, phát hiện, làm sáng tỏ, phong phú các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Di tích quốc gia đặc biệt Tây Thiên - Tam Đảo; tôn vinh giá trị bản sắc của Phật giáo Việt Nam và tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên.
d) Làm căn cứ pháp lý cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý các dự án thành phần về bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; làm cơ sở quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.
đ) Tổ chức không gian và bố trí, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Định hướng kế hoạch, lộ trình và nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
e) Tạo lập cơ sở pháp lý để triển khai đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, môi trường cảnh quan khu di tích, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống cho Nhân dân.
4. Tính chất khu vực lập quy hoạch
Là Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt; trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng, du lịch văn hóa; hạt nhân của Khu du lịch quốc gia Tam Đảo; điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Vĩnh Phúc và vùng đồng bằng sông Hồng.
5. Các yêu cầu nội dung Nhiệm vụ lập quy hoạch
a) Yêu cầu về phân tích đánh giá hiện trạng
- Nghiên cứu, khảo sát di tích:
+ Khảo sát, điều tra, sưu tầm tài liệu, tổng hợp các dữ liệu, số liệu về lịch sử, văn hóa của di tích; bảo đảm tính khoa học, chất lượng, độ tin cậy, có nguồn rõ ràng, đủ số lượng, đủ độ dài chuỗi dữ liệu theo thời gian để phục vụ công tác phân tích, đánh giá, dự báo trong quá trình lập quy hoạch.
+ Khảo sát, nghiên cứu chi tiết về đặc điểm của di tích; giá trị về cảnh quan thiên nhiên, rừng và hệ sinh thái động vật, thực vật, đa dạng sinh học; các giá trị di sản văn hóa phi vật thể và tín ngưỡng, tôn giáo gắn với di tích, đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư tại địa phương;
+ Khảo sát, nghiên cứu các giá trị của hệ thống các công trình di tích, công trình tín ngưỡng tôn giáo thuộc phạm vi lập quy hoạch, địa hình, địa chất, các giá trị cảnh quan thẩm mỹ của khu vực;
+ Khảo sát, đánh giá tình trạng kỹ thuật, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Đánh giá hiện trạng phát triển du lịch; hiện trạng phát huy giá trị di tích; phân tích, đánh giá sức chứa của khu di tích.
- Nghiên cứu, khảo sát khu vực lập quy hoạch:
+ Phân tích, đánh giá các yếu tố của môi trường tự nhiên - xã hội tác động tới di tích, làm rõ tác động ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, khu vực dân cư, kiến trúc, cảnh quan môi trường gắn với di tích;
+ Đánh giá tình hình thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích gắn với việc phân bổ các nguồn vốn trong từng giai đoạn; thuận lợi, khó khăn, vướng mắc khi thực hiện và quản lý ở giai đoạn trước.
- Đánh giá hiện trạng về sử dụng đất; hiện trạng dân cư, công trình kiến trúc trong phạm vi khu di tích; hiện trạng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối khu vực nghiên cứu quy hoạch.
- Rà soát, đánh giá ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích, tình hình vi phạm, lấn chiếm trong ranh giới bảo vệ di tích làm cơ sở đề xuất phương án quản lý và cắm mốc giới di tích và xử lý vi phạm.
- Đánh giá mối quan hệ của quy hoạch di tích với các quy hoạch có liên quan bên trong và ngoài phạm vi nghiên cứu. Xác định các nội dung kế thừa các quy hoạch đã và đang thực hiện trong phạm vi quy hoạch.
- Phân tích mối liên hệ của di tích được quy hoạch với các di tích khác trong khu vực; các khu, điểm du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc và phụ cận. Đánh giá, làm rõ sức ép từ việc phát triển đô thị và du lịch tại khu di tích.
- Xác định những hạn chế, khó khăn trong quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.
b) Nghiên cứu chi tiết, xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích làm căn cứ bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
c) Xác định quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn quy hoạch.
d) Xác định dự báo và các chỉ tiêu phát triển về dân số, lao động, nhu cầu sử dụng đất, định hướng phát triển đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực lập quy hoạch; dự báo tác động môi trường và biến đổi khí hậu; dự báo chỉ tiêu về phát triển du lịch.
đ) Nội dung định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Đánh giá tính khả thi của ranh giới bảo vệ di tích hiện nay để kiến nghị điều chỉnh mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi khu vực bảo vệ di tích (nếu cần thiết) bảo đảm yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
- Xác định khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu vực hạn chế xây dựng, khu vực xây dựng mới; Xác định các khu vực cần tiến hành giải phóng mặt bằng, giải tỏa lấn chiếm, xâm phạm các khu vực bảo vệ di tích.
- Xây dựng phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; danh mục các đối tượng di tích cần bảo quản, tu bổ, phục hồi. Xác định mức độ, nguyên tắc và giải pháp cơ bản về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
- Đề xuất các dự án hoặc hoạt động điều tra, nghiên cứu và khai quật khảo cổ học (bổ sung) để làm rõ hơn giá trị của di tích và phục vụ công tác bảo tồn; biện pháp bảo quản các di vật, di chỉ khảo cổ trong khu vực di tích.
- Giải pháp bảo vệ cảnh quan văn hóa, môi trường sinh thái di tích gắn với hệ thống rừng đặc dụng; giải pháp giảm thiểu tác động đến cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học tại khu vực di tích.
- Giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, chú trọng giá trị của lễ hội Tây Thiên, các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa bản địa và bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc Sán Dìu.
- Giải pháp về mô hình quản lý và phối hợp trong việc bảo tồn toàn khu vực di tích và từng điểm di tích; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và quyền lợi của các bên có liên quan.
e) Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững
- Xác định điểm mạnh - điểm yếu; cơ hội - thách thức, các vấn đề cần giải quyết, làm cơ sở cho việc tạo lập ý tưởng về bảo tồn, định hướng phát triển và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.
- Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với đặc trưng của di tích, chú trọng loại hình du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, tín ngưỡng và du lịch cộng đồng có sự tham gia của cư dân địa phương.
- Đề xuất định hướng tổ chức sự kiện, các loại hình dịch vụ và dịch vụ bổ trợ, hoạt động trải nghiệm phù hợp với đặc điểm khu di tích.
- Đề xuất tuyến tham quan trong quần thể di tích; các tuyến du lịch văn hóa kết nối di tích với các trọng điểm du lịch của khu vực phía Bắc.
- Nghiên cứu giải pháp xây dựng bộ dữ liệu số về hệ thống di tích làm cơ sở cho việc nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch.
g) Định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng công trình mới
- Đề xuất phương án tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tây Thiên - Tam Đảo bảo đảm các yêu cầu, tiêu chí về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
- Phân vùng không gian về bảo vệ di tích, bảo vệ cảnh quan, phát triển dịch vụ du lịch...; bố cục các phân khu chức năng và cấu trúc không gian của khu di tích.
- Định hướng tổ chức không gian, công trình kiến trúc xây dựng mới; độ cao, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc, vật liệu xây dựng đối với các công trình trong khu vực quy hoạch và khu vực phụ cận, bảo đảm hài hòa với cảnh quan chung, giảm thiểu tác động đến môi trường, đa dạng sinh học.
- Rà soát các quy hoạch không phù hợp và định hướng quy hoạch sử dụng đất trong phạm vi lập quy hoạch.
h) Định hướng xây dựng hạ tầng kỹ thuật: Định hướng tổ chức giao thông tiếp cận, giao thông nội bộ khu di tích; giải pháp nâng cấp hạ tầng cơ sở tại khu di tích gồm: chuẩn bị kỹ thuật, cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc, phòng cháy chữa cháy, thoát nước thải, thu gom xử lý chất thải rắn.
i) Bảo vệ môi trường: Phân tích, dự báo những tác động ảnh hưởng đến môi trường (tác động đến hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên, đa dạng sinh học); đề xuất các tiêu chí bảo vệ môi trường để đưa ra các giải pháp quy hoạch không gian, kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật tối ưu cho khu vực quy hoạch; các giải pháp giảm thiểu, khắc phục tác động đến môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu khi triển khai thực hiện quy hoạch; giải pháp di dời, cứu hộ các loài động vật, thực vật nằm trong danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (nếu có); lập kế hoạch giám sát về môi trường, về kỹ thuật, về quản lý và quan trắc môi trường.
k) Kế hoạch thực hiện quy hoạch di tích, bao gồm:
- Thời kỳ và tầm nhìn của quy hoạch: Thời kỳ quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Xác định yêu cầu, tiêu chí lựa chọn các dự án đầu tư và danh mục các nhóm dự án thành phần, gồm các nhóm dự án: Giải phóng mặt bằng và cắm mốc giới bảo vệ di tích; bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích và nghiên cứu khảo cổ học; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích; phát triển sản phẩm và xây dựng công trình dịch vụ du lịch; xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
- Phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên và nguồn vốn đầu tư phù hợp với từng thời kỳ quy hoạch. Lập danh mục dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước bảo đảm phù hợp khả năng cân đối; dự án sử dụng các nguồn huy động hợp pháp khác cho từng giai đoạn quy hoạch. Xác định cơ sở đề xuất vốn ngân sách trung ương thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch.
- Đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch, bao gồm: Giải pháp về quản lý; giải pháp về huy động nguồn lực bảo vệ di tích; giải pháp tuyên truyền giáo dục về bảo vệ di sản văn hóa và môi trường, huy động sự tham gia của cộng đồng; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực quản lý và bảo vệ di tích và các giải pháp khác.
- Lập quy định quản lý: Đề xuất quy chế quản lý xây dựng các công trình trong khu vực quy hoạch, bảo đảm phù hợp với quy hoạch được duyệt và các quy định pháp luật liên quan.
6. Thành phần Hồ sơ sản phẩm quy hoạch
Thành phần hồ sơ sản phẩm quy hoạch, hình thức, nội dung, quy cách thể hiện bản đồ, bản vẽ bảo đảm tuân thủ theo quy định tại Luật Di sản văn hóa; Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan, Cụ thể:
a) Thuyết minh tổng hợp quy hoạch; Tờ trình phê duyệt quy hoạch và các dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch.
b) Hệ thống bản đồ, bản vẽ
- Bản đồ vị trí di tích và mối liên hệ với di tích khác trong khu vực nghiên cứu quy hoạch tỷ lệ 1:5.000 - 1:15.000;
- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất, kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật và bản đồ quy hoạch xây dựng khu vực đã được phê duyệt, tỷ lệ 1:2.000; đối với khu vực bảo vệ I, khu vực đền Mẫu sinh, khu vực đền Mẫu hóa, tỷ lệ 1:500;
- Bản đồ xác định các khu vực bảo vệ và cắm mốc giới di tích; khu vực cần giải tỏa vi phạm di tích, tỷ lệ 1:2.000;
- Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng; phương án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích, tỷ lệ 1:2.000;
- Bản đồ định hướng tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan, xây dựng công trình mới, tỷ lệ 1:2.000; đối với khu vực bảo vệ I, khu vực đền Mẫu sinh, khu vực đền Mẫu hóa, tỷ lệ 1:500;
- Các bản đồ quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ 1:2.000; đối với khu vực bảo vệ I, khu vực đền Mẫu sinh, khu vực đền Mẫu hóa, tỷ lệ 1:500;
- Các bản vẽ mặt cắt, mặt đứng, phối cảnh các khu vực trọng tâm, trọng điểm (tỷ lệ thích hợp) và các bản vẽ minh họa liên quan khác (nếu có);
c) Bản chụp các văn bản liên quan kèm theo, gồm: Ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan; ý kiến của tổ chức, cá nhân có liên quan và cộng đồng tại khu vực lập quy hoạch; Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch và các văn bản khác có liên quan;
d) Hồ sơ lưu trữ quy hoạch theo quy định của pháp luật về lưu trữ (bao gồm cả định dạng tài liệu điện tử đối với các thành phần hồ sơ nêu trên).
a) Thời gian thực hiện: Thực hiện theo quy định pháp luật.
b) Trách nhiệm:
- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.
- Cơ quan chủ trì thẩm định và trình duyệt: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.
- Cơ quan chủ đầu tư: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.
- Tổ chức tư vấn: Được lựa chọn theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc
1. Bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí khác có liên quan đến công tác lập quy hoạch.
2. Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng có liên quan đối với phạm vi, ranh giới quy hoạch đề xuất; về trình tự, thủ tục, tính chính xác, hợp pháp của nội dung, tài liệu, số liệu, thông tin báo cáo, bản đồ tại hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch và trong quá trình tổ chức lập quy hoạch; bảo đảm nội dung các định hướng, đề xuất trong quy hoạch tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật liên quan, không hợp pháp hóa các sai phạm (nếu có).
3. Chịu trách nhiệm và bảo đảm về việc tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tại địa phương trong quá trình tổ chức lập quy hoạch theo đúng quy định pháp luật.
4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan tổ chức lập, trình phê duyệt hồ sơ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tây Thiên - Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |
Quyết định 1734/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tây Thiên - Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 1734/QĐ-TTg |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký: | Trần Hồng Hà |
Ngày ban hành: | 29/12/2023 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 1734/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tây Thiên - Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chưa có Video