ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1594/QĐ-UBND |
Yên Bái, ngày 29 tháng 7 năm 2021 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX;
Căn cứ Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 20 tháng 01 năm 2021 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIX về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 của Tỉnh ủy Yên Bái;
Căn cứ Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 56/2020/NQ-HĐND ngày 16 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái 5 năm 2021 - 2025;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1068/SNN-KHTC ngày 23 tháng 6 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.
Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 đúng quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH YÊN
BÁI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 1594/QĐ-UBND
ngày 29/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái)
SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Giai đoạn 2016 - 2020, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, giảm nghèo bền vững ở vùng cao và nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực gần với xây dựng nông thôn mới ở vùng thấp. Tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân tăng 4,7%/năm, (cao hơn so với mức tăng bình quân 3%/năm của cả nước). Cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành lâm nghiệp và thủy sản1; giá trị và hiệu quả sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản bình quân tăng khá, nhiều diện tích canh tác cho thu nhập khá cao2, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Sản phẩm hàng hóa từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh; hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực3. Bước đầu xây dựng và phát triển 30 dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; xây dựng, phát triển được 83 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, hằng năm trồng trên 15.000 ha rừng các loại, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 62% năm 2015 lên 63% năm 2020, xếp thứ tư cả nước... Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được quan tâm đầu tư. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, toàn diện, trở thành diêm sáng trong các tỉnh vùng Tây Bắc; với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, đã tạo thành phong trào thi đua sâu rộng, phát huy trách nhiệm cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực xã hội và vai trò chủ thể, trực tiếp của nhân dân; thay đổi nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới là của dân, do dân, vì dân và dân hưởng thụ; đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ; từ đó, diện mạo nông thôn đã thực sự khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50% số xã của tỉnh; thành phố Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Trấn Yên trở thành huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2020 đạt 32 triệu đồng/người, gấp 2 lần so với năm 2015.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều mặt hạn chế: Tổ chức sản xuất thiếu bền vững, dễ bị tác động của thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường; năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông sản còn thấp; công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn kém phát triển; tổn thất sau thu hoạch còn cao; một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản xuất hàng hóa chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ; kết quả thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế, giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp còn thấp; xây dựng nông thôn mới tuy vượt mục tiêu nhưng một số chỉ tiêu chưa bền vững, nhất là tiêu chí môi trường. Vì vậy, việc xây dựng Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025” là hết sức cần thiết. Đề án sẽ là cơ sở để thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; phát triển nông nghiệp đa chức năng gắn với công nghiệp chế biến thương mại và du lịch, dựa trên những lĩnh vực có lợi thế, thế mạnh của từng vùng, cơ cấu lại nông nghiệp hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;
Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ;
Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030;
Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025;
Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”;
Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Quyết định số 357/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030;
Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025;
Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 04/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp;
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX;
Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 20/01/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái (Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIX) về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025;
Chương trình Hành động số 10-CTr/TU ngày 30/10/2020 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025;
Nghị quyết số 56/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh Yên Bái về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái 5 năm 2021 - 2025;
KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
I. NHỮNG THÀNH TỰU ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC
Thực hiện Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 về một số nội dung chủ yếu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái đến năm 2020. Trên cơ sở đó, tỉnh đã tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất để bảo đảm an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, giảm nghèo bền vững ở cùng cao; nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng nông thôn mới ở vùng thấp. Tập trung mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả các vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh có quy mô lớn gắn với hình thành thị trường tiêu thụ ổn định, tỉnh đã xác định được 10 sản phẩm chủ lực4 và 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ5. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu cụ thể như sau:
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 đạt 4,7%/năm; năm 2020 đạt 4,62%. Tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2020 (theo giá so sánh 2010) đạt 4.384 tỷ đồng. Cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 đạt 24,43% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
2. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 (theo giá so sánh 2010) đạt 7.525,6 tỷ đồng, đạt mục tiêu đề ra6; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,64%. Tỷ trọng ngành nông nghiệp năm 2020 đạt 69,57% trong cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản (kế hoạch 67%).
3. Diện tích, năng suất, sản lượng một số sản phẩm chủ yếu:
- Năm 2020, sản lượng lương thực có hạt đạt 319.780 tấn, đạt mục tiêu đề ra. Sản lượng chè búp tươi đạt 74.010 tấn (kế hoạch 85.000 tấn), đạt 87% so với mục tiêu. Diện tích trồng dâu nuôi tằm đạt 827,2 ha (kế hoạch 1.000 ha), đạt 82,72% so với mục tiêu, sản lượng kén tằm đạt 1.200 tấn/kế hoạch 2.000 tấn, đạt 60% so với mục tiêu. Sản lượng cây ăn quả các loại đạt 46.686 tấn (kế hoạch 53.000 tấn), trong đó sản lượng cây ăn quả có múi đạt 24.463 tấn, đạt 54,36% so với mục tiêu. Diện tích rau đậu các loại 10.756 ha, sản lượng đạt 127.000 tấn. Diện tích cây sắn đạt 8.710 ha, sản lượng đạt 171.582 tấn. Diện tích cây cao su có trên 2.270 ha, thực hiện khai thác vườn cây cao su với diện tích 135 ha, sản lượng cao su khô đạt 125,68 tấn (bình quân đạt 0,93 tấn/ha).
- Năm 2020 tổng đàn gia súc chính (trâu, bò, lợn) đạt 589.780 con (kế hoạch 765.000 con), đạt 77% so với mục tiêu; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 54.434 tấn (kế hoạch 55.000 tấn), đạt mục tiêu đề ra.
- Năm 2020 diện tích quế đạt 78.000 ha (kế hoạch 78.000 ha), sản lượng vỏ quế khô đạt 20.000 tấn/năm, sản lượng tinh dầu quế đạt 600 tấn/năm, hoàn thành mục tiêu đề ra; diện tích sơn tra đạt 9.213 ha (kế hoạch 10.000 ha), đạt 92,13% so với mục tiêu, sản lượng quả sơn tra đạt 5.000 tấn (kế hoạch 7.500 tấn), đạt 66,7% so với mục tiêu; diện tích tre măng Bát độ đạt 4.940 ha (kế hoạch 6.600 ha), đạt 74,9% so với mục tiêu, sản lượng măng đạt 60.000 tấn, đạt mục tiêu đề ra.
- Sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản năm 2020 đạt 11.641 tấn (kế hoạch 12.300 tấn), đạt 95% so với mục tiêu.
4. Trồng rừng bình quân hàng năm đạt trên 15.000 ha, vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 63%, đạt mục tiêu đề ra.
5. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh năm 2020 đạt 91% (kế hoạch 90%), vượt 1,0% so với mục tiêu đề ra.
6. Xây dựng nông thôn mới
- Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50% tổng số xã toàn tỉnh (vượt 200% so với mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đặt ra và vượt 22% so với bình quân chung của vừng miền núi phía Bắc). Trong đó có 9 xã và 150 thôn, bản đặc biệt khó khăn đã thực hiện hoàn thành nông thôn mới và huyện Trấn Yên trở thành huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đối với thành phố Yên Bái.
- Xác định mục tiêu chính của cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân. Thu nhập của người dân nông thôn năm 2020 đạt 32 triệu đồng/người, tăng 2 lần so với năm 2015, đạt mục tiêu đề ra; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,2% (kế hoạch 43%), trong đó lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ là 31,5%, vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020) năm 2020 giảm còn 7,04%.
7. Kết quả thực hiện cơ cấu lại theo lĩnh vực
a) Trồng trọt: Giá trị sản xuất trồng trọt năm 2015 (theo giá so sánh 2010) đạt 3.153 tỷ đồng; năm 2020 đạt 3.356 tỷ đồng, tăng 203 tỷ đồng, tăng 6,44% so với năm 2015; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt năm 2020 đạt 65 triệu đồng/ha, tăng 10,76 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ trọng trồng trọt trong cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 52,06% năm 2015 xuống còn 44,57% năm 2020; tỷ trọng dịch vụ nông nghiệp bình quân đạt 0,80%/năm.
b) Chăn nuôi: Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2015 (theo giá so sánh 2010) đạt 1.406 tỷ đồng; năm 2020 đạt 1.930 tỷ đồng, tăng 524 tỷ đồng, tăng 37,3% so với năm 2015. Tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng từ 21,64% năm 2015 lên 24,20% năm 2020.
c) Lâm nghiệp: Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2015 (theo giá so sánh 2010) đạt 1.223 tỷ đồng; năm 2020 đạt 1.863,8 tỷ đồng, tăng 641 tỷ đồng, tăng 52,4% so với năm 2015. Tỷ trọng lâm nghiệp trong cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng từ 20,73% năm 2015 lên 26,20% năm 2020.
d) Thủy sản: Giá trị sản xuất thủy sản năm 2015 (theo giá so sánh 2010) đạt 208 tỷ đồng; năm 2020 đạt 306,6 tỷ đồng, tăng 98,5 tỷ đồng, tăng 47,3% so với năm 2015. Tỷ trọng thủy sản trong cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng từ 3,71% năm 2015 lên 4,23% năm 2020. Sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 11.641 tấn, tăng 5.212 tấn so với năm 2015; số lồng nuôi cá hiện có 2.280 lồng, vượt mục tiêu đề ra. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2020 đạt 200 triệu đồng/ha, tăng 93,2 triệu đồng so với năm 2015.
8. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn
a) Phát triển hình thức liên kết sản xuất theo Hợp tác xã, tổ hợp tác
- Thực hiện luật Hợp tác xã năm 2012, lĩnh vực hoạt động của các Hợp tác xã đã có nhiều đổi mới và ngày càng có hiệu quả, nội dung hoạt động đã mở rộng từ đơn ngành sang đa ngành; các hợp tác xã hoạt động trong khu vực nông nghiệp đã thể hiện vai trò quan trọng trong ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, khẳng định vai trò quan trọng trong nông nghiệp, nông thôn.
- Đến hết năm 2020, số hợp tác xã nông nghiệp là 303 hợp tác xã, trong đó số hợp tác xã đã đăng ký, tổ chức lại và thành lập mới hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 là 276 hợp tác xã; số hợp tác xã chưa đăng ký lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 là 27 hợp tác xã. Số hợp tác xã hoạt động hiệu quả là 121 hợp tác xã (chiếm gần 40% tổng số hợp tác xã); số thành viên tham gia hợp tác xã là 7.894 người, số tổ hợp tác nông nghiệp là 1.460 tổ hợp tác; số thành viên tham gia tổ hợp tác là 43.800 người.
b) Phát triển hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị: Toàn tỉnh triển khai thực hiện 30 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tổng kinh phí hỗ trợ là 76.588 triệu đồng từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
c) Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Năm 2020 có 75 sản phẩm được đánh giá, phân hạng cấp tỉnh đạt từ 3 - 4 sao, lũy kể từ năm 2019 đến năm 2020 có 83 sản phẩm (trong đó: 8 sản phẩm đạt 4 sao và 75 sản phẩm đạt 3 sao).
d) Phát triển làng nghề có thể mạnh và có tiềm năng phát triển của địa phương đã được tỉnh và ngành nông nghiệp chú trọng quan tâm, tăng cường công tác tuyên truyền tại các địa phương7.
9. Công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm
- Những năm qua hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm đã được quan tâm thực hiện. Năm 2019, tỉnh đã ban hành và thực hiện Đề án nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản nhằm hỗ trợ người sản xuất áp dụng các quy trình sản xuất an toàn và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh. Kết quả thực hiện đến hết năm 2020, cụ thể:
+ Chứng nhận chất lượng sản phẩm: Thực hiện các dự án chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Chè, rau, cây ăn quả có múi, sản xuất lúa gạo, gia cầm...
+ Xây dựng thương hiệu: Đã xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho 8 sản phẩm; xác lập quyền nhãn hiệu chứng nhận cho 13 sản phẩm; xây dựng mới nhãn hiệu tập thể cho 4 sản phẩm.
- Hoạt động xúc tiến thương mại: Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã từng bước được quảng bá, giới thiệu đến các thị trường tiềm năng, tạo tiền đề xây dựng liên kết, tiêu thụ các mặt hàng nông sản có thể mạnh của tỉnh.
10. Nguồn lực thực hiện các chương trình, chính sách giai đoạn 2016 - 2020 là 21.650.051 triệu đồng. Trong đó:
- Nguồn ngân sách Trung ương: 2.890.385 triệu đồng;
- Nguồn ngân sách địa phương: 1.283.563 triệu đồng;
- Nguồn vốn khác: 17.476.103 triệu đồng.
* Chi tiết nguồn lực thực hiện
- Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: 17.855.500 triệu đồng, (Ngân sách trung ương: 1.255.600 triệu đồng; ngân sách tỉnh: 834.958 triệu đồng; nguồn vốn khác: 15.764.942 triệu đồng).
- Các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất: 405.320 triệu đồng (Kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 15/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết số 40/2018/NQ-HĐND là 281.797 triệu đồng; kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND 24.715 triệu đồng; kinh phí thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm là 8.859 triệu đồng; kinh phí hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm là 76.588 triệu đồng; kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra là 13.361 triệu đồng).
- Các chính sách khác: 3.389.231 triệu đồng.
II. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường; năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông sản chưa cao; công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa phát triển, tổn thất sau thu hoạch còn cao; chưa có nhiều sản phẩm nông sản có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản xuất hàng hóa chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ; hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh, nhất là hệ thống giao thông vùng nguyên liệu, giao thông nội đồng, công trình thủy lợi; kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại phát triển chậm, chưa thực hiện được vai trò đầu mối liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông hộ, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Tình trạng sử dụng quá liều lượng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất vẫn diễn ra; tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng ở một số nơi có cơ sở chăn nuôi, chế biến nông sản tập trung gây ảnh hưởng xấu đến môi trường; một số chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới chưa bền vững, nhất là tiêu chí môi trường.
Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm. Năm 2020, tỷ trọng nông nghiệp đạt 69,57% trong cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản (trong đó: Tỷ trọng trồng trọt 44,57%, tỷ trọng chăn nuôi 24,20%, tỷ trọng dịch vụ nông nghiệp 0,80%), tỷ trọng lâm nghiệp đạt 26,20% và tỷ trọng thủy sản đạt 4,23% trong cơ cấu nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Trong đó, ngoài các nguyên nhân khách quan về tác động tiêu cực của thời tiết, khí hậu; biến động của thị trường; địa hình chia cắt, diện tích đất sản xuất manh mún, dân cư phân tán thì những nguyên nhân chủ quan gây ra các tồn tại, hạn chế gồm có: Nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn hạn chế; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; chính sách chủ yếu tập trung hỗ trợ cho hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất, các khâu liên kết giữa sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm nhiều. Trình độ nhân lực và sản xuất còn yếu kém. Mạng lưới, hệ thống phân phối sản phẩm chưa được quan tâm hình thành; hình thức tổ chức sản xuất chưa thực sự đổi mới, sản xuất với quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp, không có thị trường tiêu thụ ổn định. Sản phẩm có chất lượng, chứng nhận an toàn của tỉnh chưa nhiều; một số ít người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào việc hỗ trợ của Nhà nước.
Do vậy, trong thời gian tới việc cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững là nội dung rất cần thiết.
1. Mục tiêu chung
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, bền vững. Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Phát triển nhanh về quy mô sản lượng, chất lượng các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, hữu cơ, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo an ninh lương thực. Phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu; bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng trồng theo hướng gỗ lớn gắn với du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng hiệu quả tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo lập sinh kế bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế, điều kiện tự nhiên, thế mạnh của các vùng trong tỉnh.
Đổi mới và phát triển quan hệ sản xuất, tổ chức lại sản xuất ở nông thôn theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, đẩy mạnh hỗ trợ nâng cao năng lực và phát triển hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác để phối hợp và phân công sản xuất hợp lý, hiệu quả; bảo đảm tối đa hoá và hài hoà lợi ích giữa người dân trực tiếp sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, đơn vị phân phối sản phẩm và người tiêu dùng.
Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn ở những nơi có điều kiện. Phát huy vai trò chủ thể, tự nguyện, trực tiếp của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, kết nối nông thôn với đô thị; giữ gìn môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa địa phương. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản. Lấy cư dân nông thôn là chủ thể, đem lại sự chuyến biến tích cực rõ nét hơn về nếp sống tới thôn, bản, từng hộ gia đình và cuộc sống trực tiếp của mỗi người dân sinh sống ở nông thôn.
2. Mục tiêu cụ thể
(1) Tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010) giai đoạn 2021 - 2025 bình quân đạt trên 4,5%/năm. Đến năm 2025, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010) đạt 9.685 tỷ đồng.
(2) Cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GRDP của tỉnh đạt 19,5%. Tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm khoảng 30%, ngành lâm nghiệp chiếm khoảng 37% trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
(3) Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 321.000 tấn.
(4) Tổng đàn gia súc chính đạt trên 950.000 con.
(5) Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt trên 61.000 tấn, trong đó sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính 50.000 tấn.
(6) Sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản đạt trên 15.000 tấn.
(7) Có thêm 51 xã đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế đạt 126 xã, bằng 84% tổng số xã toàn tỉnh; có thêm 2 huyện Yên Bình, Văn Yên đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới). Đến năm 2025 có trên 30% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, trên 10% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
(8) Trồng rừng hàng năm đạt trên 15.000 ha; đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 40.0 ha rừng cây gỗ lớn; khoảng 100.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC hoặc chứng nhận hữu cơ (đối với cây quế).
(9) Tỷ lệ che phủ rừng đạt 65%.
(10) Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt họp vệ sinh đạt 98%.
1. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2025
1.1. Nhiệm vụ cơ cấu lại nông nghiệp theo lĩnh vực và sản phẩm
a) Trồng trọt:
- Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân từ 1-2%/năm; giá trị sản xuất trồng trọt (theo giá so sánh 2010) đạt trên 3.530 tỷ đồng (tăng 174 tỷ đồng so với năm 2020); tỷ trọng trồng trọt và dịch vụ đến năm 2025 chiếm từ 29 - 30% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (năm 2020 chiếm trên 45%). Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 85 triệu đồng/ha (tăng 20 triệu đồng so với năm 2020).
- Chuyển đổi dần diện tích trồng lúa, ngô hiệu quả thấp sang trồng các loại cây trồng chủ lực, đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái để đáp ứng nhu cầu của thị trường và phục vụ du lịch. Ưu tiên hỗ trợ xây dựng dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tăng cường khâu chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
* Định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản, hữu cơ của tỉnh:
- Cây lúa: Rà soát diện tích lúa năng suất thấp, kém hiệu quả, chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả hơn (cây ăn quả, rau màu, ngô) và nuôi trồng thủy sản. Nâng cao hiệu quả và sử dụng linh hoạt đất trồng lúa, với diện tích khoảng 19.000 - 21.000 ha, diện tích gieo trồng khoảng 40.000 - 42.200 ha, sản lượng đạt trên 220.000 tấn thóc/năm. Trong đó sản lượng thóc hàng hóa chất lượng cao trên 50.000 tấn. Nâng cao hiệu quả sản xuất tại các vùng chuyên canh lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô trên 5.000 ha tập trung tại các cánh đồng lớn8 bằng việc sử dụng các giống lúa lai, lúa thuần chọn lọc có chất lượng cao như Chiêm hương, Séng cù, J02, ĐS1 và một số giống Japonica trong sản xuất, hàng năm khảo nghiệm một số giống lúa chất lượng cao bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh. Đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch đạt trên 80%, cải tiến công nghệ chế biến và bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm ở những nơi có điều kiện.
Phát triển vùng lúa nếp Tú Lệ (giống Nếp tan đặc sản) tại xã Tú Lệ, Cao Phạ, Nậm Có với diện tích khoảng 300 ha, sản lượng 1.200 tấn. Sử dụng giống nguyên chủng, giống xác nhận để nâng cao chất lượng, độ đồng đều và năng suất lúa. Xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm lúa gạo hàng hóa của tỉnh như gạo Mường Lò, Bạch Hà, Chiêm hương Đại Phác... Diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...) hoặc được cấp mã số vùng trồng khoảng 1.000 ha.
- Cây ngô: Diện tích gieo trồng khoảng 26.000 ha. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống và đầu tư thâm canh để tăng năng suất ngô bình quân đạt khoảng 40 tạ/ha, sản lượng đạt trên 101.000 tân/năm. Sử dụng các giống ngô lai năng suất cao và áp dụng kỹ thuật canh tác ngô bền vững trên đất dốc đê hạn chế xói mòn. Phát triển ngô sinh khối, nhất là trong vụ 3 và áp dụng công nghệ ủ chua để làm thức ăn cho đàn gia súc, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tăng thu nhập cho người dân và giải quyết vấn đề thiếu hụt thức ăn cho gia súc trong mùa Đông.
- Rau, đậu các loại: Tăng diện tích gieo trồng lên khoảng 12.000 ha, sản lượng trên 130.000 tấn/năm. Đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất rau tập trung, áp dụng công nghệ cao (sử dụng nhà lưới, nhà màng, công nghệ tưới tiết kiệm), quy trình sản xuất an toàn sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Cây sắn: Diện tích khoảng 8.000 ha, sản lượng củ tươi đạt trên 160.000 tấn/năm, sản lượng tinh bột sắn xuất khấu đạt 20.000 tấn/năm. Xây dựng vùng chuyên canh sắn huyện Văn Yên với quy mô diện tích 3.500 - 4.000 ha. Đối với vùng chuyên canh sử dụng các giống có năng suất cao như KM94, KM9-3, SM937-26... Áp dụng quy trình thâm canh sắn bền vững trên đất dốc. Chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu sau tinh bột, giảm xuất khẩu sắn thô ra thị trường. Đưa sắn trở thành một trong nhũng sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh.
- Trồng dâu, nuôi tằm: Tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu lên 2.000 ha và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Vùng trồng dâu nuôi tằm tập trung tại các huyện Trấn Yên (1.500 ha), huyện Văn Yên (250 ha), huyện Văn Chấn (250 ha). Sản lượng kén tằm đạt trên 5.000 tấn. Chuyển đổi một phần đất ruộng kém hiệu quả, đất soi bãi, đất đồi thấp sang trồng dâu. Sử dụng các giống dâu lai có năng suất, chất lượng cao, đầu tư sửa chữa xây dựng các nhà nuôi tằm theo hướng chuyên nghiệp hóa. Xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị dâu tằm, thúc đẩy chuỗi liên kết trong chế biến và tiêu thụ tơ tằm, lụa.
- Cây chè: Cơ cấu lại diện tích khoảng 7.000 ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 65.000 tấn/năm, sản lượng chè khô đạt trên 13.000 tấn/năm. Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng giảm tỷ trọng chè đen (giảm từ 85% xuống còn 65%), tăng tỷ trọng sản phẩm chè xanh (tăng từ 15% lên 35%). Sản lượng chè khô xuất khẩu đạt trên 10.000 tấn, sản lượng chè hữu cơ đạt trên 500 tấn/năm.
- Cơ cấu lại các vùng sản xuất chè gắn với công nghiệp chế biến và lợi thế địa phương cụ thể như sau:
+ Xây dựng vùng chè thâm canh cao cung cấp nguyên liệu chế biến chè đen xuất khẩu với quy mô diện tích 2.500 - 3.000 ha, năng suất bình quân đạt trên 15 tấn/ha/năm, sản lượng chè búp tươi 38.000 - 45.000 tấn/năm. Vùng nguyên liệu sản xuất chè đen được quy hoạch gắn với các cơ sở chế biến tại các vùng trồng chè truyền thống tại thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết đầu tư thâm canh cao, sử dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch. Hàng năm trồng mới và trồng lại 100 - 200 ha bằng giống chè lai LDP2 có năng suất cao có khả năng chịu hạn tốt.
+ Phát triển mở rộng diện tích chè Shan đặc sản, hữu cơ với diện tích 2.000 - 2.200 ha, sản lượng chè búp tươi 5.000 - 7.000 tấn/năm. Áp dụng quy trình trồng chè Shan cải tiến theo hướng hữu cơ với mật độ 6.000 - 6.500 cây/ha. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng mới các cơ sở chế biến chè Shan chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Cải tạo và phát triển diện tích vùng chè Shan trồng mật độ cao tại huyện Văn Chấn với quy mô diện tích 800 - 1.000 ha. Giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ trồng mới chè, trồng cải tạo bằng các giống chè Shan giâm cành mật độ 16.000 -17.000 cây/ha. Áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để ổn định năng suất 7-8 tấn/ha/năm, sản lượng 4.000 tấn/năm sản phẩm chè đen chất lượng cao, chè xanh xuất khẩu.
+ Cơ cấu lại các vùng chè xanh chất lượng cao tại các huyện vùng thấp bằng các giống chè nhập nội như Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên... với diện tích 1.500 - 2.000 ha, sản lượng trên 15.000 tấn/năm tại huyện Trấn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái và một số xã vùng ngoài huyện Văn Chấn.
- Cây ăn quả: Diện tích sản xuất 10.000 ha, sản lượng trên 65.000 tấn; diện tích tập trung, chuyên canh khoảng 7.850 ha, trong đó diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,...) hoặc được cấp mã số vùng trồng khoảng 1.500 ha. Chú trọng khâu chế biến sau thu hoạch để nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng của các loại hoa quả như: chế biến đóng hộp, làm mứt, hoa quả sấy...
- Cơ cấu lại các vùng trồng cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả. Áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết hình thành hợp tác xã, nhóm hộ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Định hướng phát triển các nhóm sản phẩm theo vùng sản xuất như sau:
+ Đối với cây ăn quả có múi: Mục tiêu đến năm 2025, ổn định về quy mô sản xuất với diện tích 5.500 ha, sản lượng đạt trên 30.000 tấn/năm, giá trị sản phẩm đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm. Phát triển cây ăn quả có múi tại các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn và một số xã của huyện Trấn Yên, Văn Yên quy mô diện tích 3.000 - 3.500 ha. Duy trì diện tích Cam sành Lục Yên khoảng 200 ha; sản lượng 2.000 tấn; diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận khoảng 100 ha.
+ Quản lý và duy trì chất lượng đối với vùng bưởi đặc sản Yên Bình, quy mô diện tích 1.200 - 1.300 ha bằng giống bưởi Đại Minh; sản lượng 15.000 tấn; diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận khoảng 500 ha; tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất bằng việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về sản xuất hữu cơ, sinh học.
+ Khôi phục một số sản phẩm cây ăn quả truyền thống và phát triển mới một số sản phẩm cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với các tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng địa phương bao gồm: Vùng trồng nhãn truyền thống huyện Văn Chấn, Văn Yên và thị xã Nghĩa Lộ bằng phương pháp ghép cải tạo; hồng không hạt Lục Yên.
+ Nghiên cứu và xây dựng mới vùng trồng Na bằng các giống Na có năng suất, chất lượng và giá trị cao (giống Na Đài Loan, Thái Lan và giống Na dai) trên diện tích đất núi đá vôi tại huyện Lục Yên, Văn Chấn với diện tích 300 ha. Trồng mới giống hồng Fuji tại huyện Mù Cang Chải với diện tích 100 ha. Phát triển trồng chuối mô tại các địa bàn huyện Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái với diện tích khoảng 1.000 ha.
+ Phát triển một số diện tích cây ăn quả có nguồn gốc ôn đới tại các huyện vùng cao như Mận (350 ha), Lê (150 ha), Đào (150 ha) tạo nguồn thu nhập cho người dân vùng cao gắn với chương trình phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
b) Chăn nuôi:
- Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7-8,3%/năm; giá trị sản xuất chăn nuôi (theo giá so sánh 2010) đạt trên 2.740 tỷ đồng (tăng 810 tỷ đồng so với năm 2020), tăng tỷ trọng chăn nuôi từ 24,2% năm 2020 lên 30% vào năm 2025 trong cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tổng đàn gia súc chính năm 2025 đạt trên 950.000 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt trên 61.000 tấn (thịt gia súc chính 50.000 tấn, gia cầm 11.000 tấn) và trên 65 triệu quả trứng gia cầm.
- Xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng 2 cơ sở giết mổ tập trung loại II (dưới 200 con/ngày) tại thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ. Tại các thị trấn trung tâm huyện xây dựng các cơ sở giết mổ loại III (từ 50 - 100 con/ngày). Đối với cơ sở giết mổ tại các xã, giao cho Ủy ban nhân dân xã thống kê, xem xét bố trí địa điểm hợp lý và thực hiện cải tạo nâng cấp nhưng phải đảm bảo về vệ sinh thú y và môi trường.
* Định hướng phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực, đặc sản, hữu cơ:
- Chăn nuôi trâu, bò: Khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô vừa và lớn theo quy trình an toàn sinh học, khép kín; phát triển trồng các loại cỏ chất lượng cao, ngô sinh khối để đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu, bò. Tiếp tục phát triển đàn gia súc đạt 160 nghìn con (đàn trâu 118 nghìn con, đàn bò 42 nghìn con), sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 4.000 tấn/năm. Áp dụng phương pháp truyền tinh nhân tạo trâu, bò, mỗi năm phấn đấu tăng đàn đạt trên 3.000 con.
- Chăn nuôi lợn: Tổ chức lại phương thức chăn nuôi theo hai hình thức chính, Doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín. Chăn nuôi nông hộ với quy mô vừa và nhỏ theo hình thức khép kín, tuần hoàn được kiểm soát an toàn dịch bệnh. Phát triển chăn nuôi lợn bản địa, đặc sản, hữu cơ. Tổ chức liên kết các hộ chăn nuôi để hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, chuỗi liên kết trong chăn nuôi.
- Chăn nuôi gia cầm: Phát triển chăn nuôi gia cầm theo hình thức trang trại tập trung, mục tiêu đến năm 2025 tổng đàn gia cầm ở mức 8 triệu con, sản lượng thịt trên 18.000 tấn. Phát triển gia cầm đặc sản, hữu cơ của địa phương đáp ứng yêu cầu của thị trường.
c) Thủy sản:
- Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân từ 7 - 9%/năm; giá trị sản xuất thủy sản (theo giá so sánh 2010) đạt trên 485 tỷ đồng (tăng trên 178 tỷ đồng so với năm 2020); tỷ trọng thủy sản đến năm 2025 chiếm khoảng 4,5 - 5,0% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, thâm canh, bán thâm canh các loại thủy sản đặc sản có giá trị cao; phấn đấu giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đến năm 2025 đạt khoảng 300 triệu đồng/ha, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020. Quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà và các hồ chứa lớn, mỗi năm thả khoảng 15-20 tấn cá giống để bổ sung nguồn lợi thủy sản.
- Định hướng phát triển các nhóm sản phẩm thủy sản, phát triển nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản: Diện tích nuôi trồng, khai thác khoảng 22.500 ha; số lượng lồng nuôi từ 2.500 - 3.500 lồng; sản lượng nuôi trồng, khai thác trên 15.000 tấn. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng mới cơ sở chế biến thủy sản tại huyện Yên Bình để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu gắn với du lịch sinh thái trên hồ Thác Bà.
- Khuyến khích nuôi một số sản phẩm đặc thù, đặc sản có lợi thế của địa phương như: Phát triển các trang trại nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) tại các xã vùng cao huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn; nuôi Baba gai tại các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn; phát triển và bảo tồn các loài cá đặc sản địa phương như: cá dầm xanh, cá anh vũ, chiến, lăng, ngạnh, chép, trắm đen... tại các ao, hồ lớn trên địa bàn tỉnh; nuôi cá Bỗng tại huyện Lục Yên; ốc nhồi tại huyện Trấn Yên, thành phố Yên Bái và Yên Bình.
d) Lâm nghiệp:
- Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đạt 8-11,3%/năm; giá trị sản xuất lâm nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 2.856 tỷ đồng (tăng khoảng 1.000 tỷ đồng so với năm 2020). Phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu: Kinh tế - xã hội - môi trường; tăng nhanh tỷ trọng kinh tế lâm nghiệp trong toàn ngành lên 37% vào năm 2025. Nghiên cứu, thí điểm phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; thí điểm và tiến tới nhân rộng mô hình trồng rừng phòng hộ bán tín chỉ carbon theo cơ chế phát triển sạch.
- Xác định lâm nghiệp là thế mạnh, là khâu đột phá trong cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn; phấn đấu đưa tỉnh Yên Bái trở thành Trung tâm sản xuất, chế biến và xuất khấu gỗ lớn của vùng. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 65%. Trồng 30,51 triệu cây xanh (trong đó trồng 25,00 triệu cây xanh phân tán, 5,51 triệu cây trồng tập trung, tương ứng 1.000 ha rừng sản xuất và 1.700 ha rừng phòng hộ, đặc dụng) trong đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của quốc gia. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh khoảng 5.000 ha rừng.
- Mỗi năm khai khác trên 10.000 ha để có sản lượng gỗ rừng trồng trên 950.000 m3; quế vỏ khô 20.000 tấn; măng tươi 85.000 tấn; tre, vầu, nứa trên 90.000 tấn và trên 5.000 tấn quả sơn tra.
- Đầu tư thâm canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; trồng mới, chuyển hoá một phần diện tích rừng trồng sản xuất theo hướng trồng rừng gỗ lớn.
- Đầu tư phát triển mạnh năng lực chế biến bằng cách mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất, tăng cường chế biến sâu để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đổi mới dây chuyền công nghệ hiện đại như ván sợi MDF, ván ghép thanh, viên nén năng lượng, các sản phẩm nội thất, đũa gỗ, vàng mã xuất khẩu...từ nguyên liệu gỗ, tre và rừng trồng. Phát triển nông, lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ; lâm nghiệp đô thị, cảnh quan và các loại hình du lịch bền vững gắn với rừng. Triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đưa cây Mắc ca vào cơ cấu cây trồng của tỉnh Yên Bái.
* Định hướng phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực, đặc sản, hữu cơ:
- Quế và các sản phẩm từ quế: Diện tích sản xuất khoảng 80.000 ha; diện tích tập trung, chuyên canh khoảng 35.000 ha, trong đó diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...) khoảng 20.000 ha.
- Tre măng Bát độ: Diện tích sản xuất khoảng 5.000 ha, trong đó diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...) khoảng 1.000 ha.
- Sơn tra: Diện tích sản xuất khoảng 10.000 ha; diện tích tập trung, chuyên canh khoảng 2.000 ha, trong đó diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...) khoảng 1.000 ha.
- Gỗ rừng trồng: Diện tích rừng trồng nguyên liệu bằng các giống keo lai, mỡ, bạch đàn mô khoảng 100.000 ha; diện tích rừng trồng hằng năm khoảng 15.000 ha; diện tích rừng trồng gỗ lớn khoảng 40.000 ha; diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC, PEFC/VFCS) hoặc chứng nhận hữu cơ (đối với cây quế) khoảng 90.000 - 100.000 ha.
đ) Phát triển dược liệu
- Hỗ trợ phát triển mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn tỉnh, diện tích khoảng 5.000 ha; quản lý, kiểm soát nguồn giống đầu vào; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống, chăm sóc, thu hái và bảo quản theo nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành của tổ chức Y tế Thế giới (GACP- WHO). Tăng cường các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các loại cây dược liệu, các sản phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu là các loại cây dược liệu của tỉnh. Bảo tồn và phát triển các loài cây dược liệu bản địa, đặc thù có giá trị kinh tế cao của tỉnh Yên Bái.
- Phát triển dược liệu dưới tán rừng, xây dựng đề án thí điểm trồng dược liệu dưới tán rừng tại một số diện tích rừng tự nhiên ở các địa phương có tiềm năng, thế mạnh. Xây dựng một số vùng trồng cây dược liệu tập trung như: Quế, Sơn tra, Thảo quả, Khôi nhung, Giảo cổ lam, Đinh lăng, Ba kích, Hà thủ ô đỏ, Địa liền, Sa nhân tím, Cà gai leo...
- Nghiên cứu trồng thử nghiệm một số cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như: Sâm (Ngọc linh, Đương Quy, Bố đá), Tam thất, Lan kim tuyến...
1.2. Nhiệm vụ cơ cấu lại sản xuất theo vùng
a) Vùng cao:
- Tận dụng lợi thế về điều kiện địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa dân tộc để xây dựng chuỗi cung ứng kép đặc trung, có chất lượng: Phát triển nông nghiệp, nông thôn - du lịch; nông nghiệp, nông thôn - dịch vụ, thương mại, thiết thực nâng cao thu nhập cho người dân vùng cao, kết hợp với bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, môi trường sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.
- Phát triển đại gia súc tại các huyện vùng cao, vùng có điều kiện chăn thả. Chuyến mạnh từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa đối với những sản phẩm đặc sản, hữu cơ gắn với phát triển nhanh các sản phẩm OCOP, bảo đảm vững chắc sinh kế cho người dân.
b) Vùng thấp:
- Chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng lâm nghiệp và chăn nuôi; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn.
- Hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh nông sản theo chuỗi giá trị với một số sản phẩm chủ lực.
- Chăn nuôi đại gia súc, lợn, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại tại các huyện, thị xã, thành phố, bảo đảm an toàn sinh học, đi vào chuỗi cung ứng có giá trị và thương hiệu.
- Mở rộng nuôi trồng tập trung, thâm canh, bán thâm canh các loại thủy sản giá trị cao tại các huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên, thành phố Yên Bái... phát triển sản phẩm cá sạch, cá đặc sản Hồ Thác Bà.
2. Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới bền vững
- Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới toàn diện, đi vào chiều sâu, đồng bộ, vững chắc; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò chủ thể của người nông dân trong việc đóng góp trí tuệ, công sức, vật lực xây dựng nông thôn mới theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Xây dựng nông thôn mới phải tiến hành đồng bộ ở tất cả các xã trong tỉnh; có kế thừa, lồng ghép với các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội và các cuộc vận động, các phong trào đang được triển khai ở nông thôn.
- Hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Từng bước phát triển hạ tầng và dịch vụ, du lịch nông thôn theo hướng văn minh, môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào khu vực nông thôn để xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh thực hiện Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Tập trung xử lý môi trường, nhất là rác thải, nước thải ở nông thôn; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
* Định hướng một số nội dung xây dựng nông thôn mới:
- Duy trì và gia tăng số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Chú trọng phát triển nông thôn mới ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số (Với phương châm xây dựng nông thôn mới phải từ thôn, bản; lựa chọn các thôn, bản có điều kiện thuận lợi để làm trước, khó làm sau).
- Phấn đấu đến năm 2025, có thêm 51 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế toàn tỉnh có 126 xã và 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (huyện Yên Bình, huyện Văn Yên, huyện Trấn Yên; thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ). Phấn đấu có trên 30% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao; trên 10% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu trong tổng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên.
- Chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp, giảm khu vực nông nghiệp, nhằm tạo ra nhiều việc làm mới, tăng thu nhập của người dân, từ đó góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.
- Xây dựng nông mới cần tập trung vào các nhóm tiêu chí: Phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân (tiêu chí về lao động có việc làm; tiêu chí về tổ chức sản xuất...); phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường (tiêu chí về giáo dục, tiêu chí về văn hóa, tiêu chí về môi trường...); xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và gìn giữ an ninh, trật tự xã hội (tiêu chí về quốc phòng và an ninh...).
- Đối với cấp huyện, cần tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể:
+ Đối với đơn vị cấp huyện đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: Tập trung chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, để từng bước xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn tiếp theo gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn.
+ Đối với các huyện, thị xã còn lại: Tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới, chú trọng rà soát, hoàn thiện quy hoạch vùng huyện theo quy định đảm bảo đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và yêu cầu xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn ở những nơi có điều kiện kinh tế; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo các chuỗi liên kết, hệ thống bệnh viện, hệ thống thu gom xử lý rác thải, chất thải, các công trình cung cấp nước sạch tập trung,., để phấn đấu mỗi năm hoàn thành được từ 1 - 2 tiêu chí huyện nông thôn mới.
+ Riêng đối với các huyện Văn Yên, Yên Bình: Tập trung chỉ đạo xây dựng, để công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với 100% số xã trên địa bàn; khẩn trương xây dựng quy hoạch vùng huyện; rà soát, đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối trong huyện; ưu tiên kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống các công trình văn hóa, xã hội, các trường trung học phổ thông đạt chuẩn đảm bảo theo quy định; các công trình thu gom, xử lý chất thải, rác thải, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn để công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025 đối với các huyện Văn Yên, Yên Bình.
- Đối với cấp xã, cần tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể:
+ Các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới: Tập trung chỉ đạo duy trì, nâng cao các tiêu chí về xã nông thôn mới, trong đó chú trọng nâng cao các tiêu chí về giao thông nông thôn, thủy lợi, các cơ sở vật chất văn hóa, vệ sinh môi trường, đẩy mạnh phát triển sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo; phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thực hiện cơ giới hóa đối với sản phẩm chủ lực của địa phương; đầu tư các công trình cấp nước sạch tập trung; xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh.
+ Đối với xã còn lại: Duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt, rà soát thực trạng, xây dựng lộ trình để từng bước đầu tư hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu còn thiếu, các chỉ tiêu đã đạt được nhưng có sự thay đổi theo quy định của bộ tiêu chí mới, trong đó cần chú trọng công tác xây dựng quy hoạch nông thôn mới, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, nhất là ở các xã vùng khó khăn, miền núi, các xã đạt dưới 10 tiêu chí; đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, công tác vệ sinh môi trường nông thôn,...
3. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn
3.1. Phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp để đổi mới phương thức sản xuất
- Tiếp tục duy trì số lượng và chất lượng các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp đã được hình thành từ giai đoạn trước, khuyến khích các hợp tác xã xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển sản xuất chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực, đặc sản, hỗ trợ kinh tế hộ phát triển.
- Mỗi năm phát triển 15-20 hợp tác xã nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 350 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 230 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả.
- Gắn mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Xây dựng, phát triển các dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông sản phù hợp với điều kiện của địa phương và nhu cầu của thị trường.
3.2. Phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, đào tạo lao động nông thôn
- Duy trì và phát triển 13 làng nghề và 2 nghề truyền thống đã được công nhận trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử, hỗ trợ các cơ sở sản xuất ngành nghề, làng nghề xây dựng website giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm; tăng cường công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Tổ chức thực hiện việc cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, những quy định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng để cơ sở sản xuất ngành nghề, làng nghề có định hướng sản xuất, xuất khẩu phù hợp. Khuyến kích phát triển các nghề sinh vật cảnh, nghề làm vườn, hoa, cây cảnh, nghề nuôi ong... để hình thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo môi trường sống trong lành, duy trì sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái.
- Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo nguồn nhân lực phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, theo hướng: Đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp về ứng dụng khoa học công nghệ, kiến thức quản lý, khởi sự, quản trị doanh nghiệp, cập nhật chế độ chính sách, pháp luật. Đồng thời, đào tạo nghề mới để chuyển đổi nghề ngay trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động sang công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn.
- Tập trung đào tạo lao động nông thôn phục vụ sản xuất đối với các nhóm ngành nghề gồm: chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt may, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
3.3. Phát triển dịch vụ ở nông thôn
- Đổi mới cơ chế hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và thúc đẩy xã hội hóa các dịch vụ công. Xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào dịch vụ và hạ tầng nông nghiệp nông thôn. Phát huy vai trò của Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp cấp huyện, Công ty TNHH MTV Thủy lợi, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân, quỹ hỗ trợ nông dân, các hiệp hội ngành hàng trong việc thực hiện một số dịch vụ như: cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào sản xuất, dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật, tư vấn khuyến nông, dịch vụ tài chính, dịch vụ thủy lợi, dịch vụ vận tải... góp phần thúc đẩy nhanh sản xuất nông nghiệp bền vững.
- Đẩy mạnh, đa dạng hóa các loại ngành nghề dịch vụ thương mại thông qua việc động viên, khuyến khích các hộ chuyển đổi ngành nghề, đầu tư phát triển các dịch vụ thương mại. Chú trọng kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ, thương mại trên địa bàn. Khuyến khích các hộ có điều kiện kinh tế phát triển dịch vụ nông nghiệp, vận tải và du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn. Tạo điều kiện cho các hộ dân chuyển đổi ngành nghề sang dịch vụ, thương mại và được vay vốn ưu đãi để mở rộng, phát triển kinh doanh.
- Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn, tạo môi trường thuận lợi để phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế trong tình hình mới. Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi về mặt cơ chế, chính sách cho các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp đăng ký sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ các hộ chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân hoặc tham gia các hợp tác xã. Tạo môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất kinh doanh, chính sách vay vốn tín dụng, ưu đãi và bảo lãnh tín dụng. Khuyến khích phát triển và tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội làng nghề, ngân hàng trong sản xuất, tiêu thụ nông sản ở địa phương.
4. Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm
- Mở rộng và phát huy hiệu quả các dự án liên kết theo chuỗi giá trị đã có, đồng thời xây dựng các dự án liên kết theo chuỗi giá trị mới. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị chế biến, quy trình quản lý để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các cơ sở chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn sinh học và trồng lại rừng nguyên liệu theo hướng bền vững.
- Đẩy mạnh liên kết ngang giữa nông dân trong hợp tác xã, doanh nghiệp; lấy doanh nghiệp và hợp tác xã dẫn dắt, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các hộ dân, tổ hợp tác trong chuỗi giá trị. Đẩy mạnh liên kết vùng trong tỉnh, các tỉnh trong vùng và cả nước.
- Trong giai đoạn 2021 - 2025 ưu tiên và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến trong các lĩnh vực sau:
+ Đầu tư xây dựng mới: Cơ sở chế biến sản phẩm thủy sản nuôi trồng trên hồ Thác Bà; chế biến sản phẩm Sơn tra tại các huyện vùng cao; chế biến tơ, lụa từ kén tằm tại huyện Trấn Yên; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và các huyện.
+ Xây dựng mới hoặc sửa chữa nâng cấp công nghệ, thiết bị: các cơ sở chế biến chè Shan tại các huyện vùng cao và các vùng sản xuất chè xanh chất lượng cao tại các huyện vùng thấp; chế biến gỗ rừng trồng theo công nghệ hiện đại; chưng cất tinh dầu quế.
5. Xây dựng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)
- Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP hướng đến xuất khẩu; mỗi năm phát triển mới từ 20 - 30 sản phẩm/năm; nâng cấp từ 3 - 5 sản phẩm/năm, đến năm 2025 có 2 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt 5 sao. Phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất một điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
- Thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm; hỗ trợ củng cố, duy trì hoạt động hiệu quả của các làng nghề hiện có, nhất là các làng nghề truyền thống theo lợi thế của từng địa phương; gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống.
- Tập trung triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, từng bước tiếp cận thị trường bền vững theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm; ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân, thúc đẩy tổ chức và đảm bảo giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn.
- Hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu OCOP trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.
1. Đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, huy động nguồn lực
- Khuyến khích sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp theo hướng bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo điều kiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp nhằm tổ chức sản xuất theo nhu cầu của thị trường và đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ tiếp cận thông tin khoa học, kỹ thuật, thị trường; hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.
- Rà soát, bổ sung các chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện thực tiễn; nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn; xây dựng cơ chế lồng ghép và huy động các nguồn lực đầu tư từ nguồn vốn ODA, FDI và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phát triển hệ thống bảo hiểm nông nghiệp để hạn chế rủi ro trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
2. Cải cách hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp
- Đẩy mạnh cải cách hành chính với nội dung trọng tâm là sắp xếp, tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước thuộc ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực nông nghiệp, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
- Từng bước xã hội hóa các dịch vụ công trong ngành nông nghiệp. Tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp của tỉnh.
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, người lao động tham gia công tác trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới phong cách, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; đổi mới chế độ hội họp, thông tin báo cáo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.
3. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp
- Lựa chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết để đưa vào cơ cấu giống cây trồng; khuyến khích nông dân dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất; phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền. Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại, giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
- Ứng dụng kỹ thuật trong lai tạo, du nhập giống trâu, bò thịt, lợn chất lượng cao; ứng dụng, cải tiến công nghệ sinh sản trong công tác chọn giống. Tạo cơ chế thúc đẩy nhanh chăn nuôi hàng hóa, tập trung ở vùng thấp; phát triển chăn nuôi đặc sản theo hình thức trang trại ở vùng cao. Khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất chăn nuôi khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến. Giảm sát và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, an toàn thực phẩm, quản lý và sử dụng thuốc thú y; áp dụng tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ chăn nuôi.
Áp dụng hệ thống quản lý kiểm soát nguy cơ ô nhiễm đất và nước từ chất thải chăn nuôi và quản lý vùng nuôi an toàn sinh học và môi trường.
- Tập trung xây dựng Yên Bái trở thành Trung tâm sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ lớn của vùng. Phát triển rừng trồng nguyên liệu theo định hướng rừng trồng gỗ lớn. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng mới rừng sản xuất bằng các loài cây cho năng suất, chất lượng cao; đẩy mạnh thâm canh, đầu tư khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sử dụng các giống có khả năng cho năng suất sinh khối cao, tăng năng suất rừng trồng bình quân hàng năm đạt trên 20% so với giống đại trà. Điều chỉnh cơ cấu giống cây lâm nghiệp trồng trong rừng phòng hộ theo hướng tăng loài cây trồng đa tác dụng, đa mục tiêu, các loài cây bản địa gỗ lớn, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đảm bảo tính bền vững của rừng. Quản lý, sử dụng bền vững diện tích rừng tự nhiên, tập trung khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên để nâng cao độ che phủ; trồng bổ sung làm giàu rừng, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên. Phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu gắn với du lịch, dịch vụ. Phát triển và tăng cường quản lý hệ sinh thái đặc dụng; phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo phương án quản lý rừng bền vững và Đề án du lịch sinh thái được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bảo vệ quỹ gen; bảo đảm đa dạng sinh học và cung cấp các dịch vụ môi trường. Khuyến khích phát triển mô hình kết hợp trồng dược liệu và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng và khai thác rừng bền vững để tăng thu nhập cho người làm nghề rừng.
- Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thủy sản theo hướng du nhập những công nghệ mới về sản xuất giống, kỹ thuật nuôi nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đầu tư nâng cấp các cơ sở sản xuất giống thủy sản đảm bảo chất lượng và đủ giống đáp ứng nhu cầu sản xuất. Phát triển, đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi cá và các loài thủy sản khác theo nhu cầu của thị trường. Phát triển nuôi cá lồng bền vững trên các hồ chứa thủy điện gắn với phát triển du lịch. Mở rộng, khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt theo tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn kiểm soát môi trường về nuôi trồng và chế biến thủy sản. Tăng cường các biện pháp quản lý hành chính đối với các hoạt động khai thác và nuôi trồng gây tác động xấu đến môi trường.
4. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất
- Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp, hợp tác xã giữ vai trò là “trụ cột”, nòng cốt, dẫn dắt; đưa khoa học công nghệ, trình độ quản trị vào chuỗi giá trị. Hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - tổ hợp tác, hợp tác xã - nông dân với quy mô liên thôn, liên xã, liên huyện (đặc biệt chú trọng đổi mới quan hệ sản xuất ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn); đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững gắn với phân phối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân.
- Nâng cao năng lực và vai trò của các tổ chức hợp tác của nông dân trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi từ cung cấp dịch vụ đầu vào, bảo quản, chế biến nông sản và tiếp cận thị trường. Tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường; đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
- Củng cố kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội nghề nghiệp như: Hiệp hội chè, Hội làm vườn, Hội sinh vật cảnh... đê tạo điều kiện và môi trường cho các hội viên, nông dân phát triển các ngành nghề trong nông nghiệp, nông thôn.
5. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn
- Tập trung xây dựng mới, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn như: Phát triển hệ thống thủy lợi đảm bảo chủ động cấp nước cho diện tích trồng lúa 2 vụ, diện tích các cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình thủy lợi lớn, đa mục tiêu; tăng cường đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ vùng khó khăn về nguồn nước, các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
- Củng cố hệ thống quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng đối với công trình nước sinh hoạt nông thôn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân dân tham gia bảo vệ công trình cấp nước, sử dụng nước tiết kiệm và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về cấp nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giảm sát việc thực hiện cấp nước an toàn và chất lượng nước nhằm phát hiện, cải thiện kịp thời các nguy cơ, rủi ro đến chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt cho người dân. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng công trình hiện có; tiếp tục huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt đảm bảo chất lượng cho người dân nông thôn.
- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai đồng bộ, đảm bảo đủ khả năng chống chịu trước thiên tai và giảm thiểu thiệt hại về người và sản xuất do thiên tai gây ra. Xây dựng và triển khai chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển hạ tầng bảo quản, chế biến sau thu hoạch và thương mại ở khu vực nông thôn.
6. Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, dịch vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản
- Thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với các vùng sản xuất hàng hóa, chuyên canh của tỉnh. Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, phù hợp với điều kiện từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi. Phát triển các tổ chức kinh doanh dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa tập trung trong nông nghiệp.
- Phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ, theo nhu cầu và khả năng tiêu thụ của thị trường. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao thân thiện với môi trường và hệ thống quản lý chất lượng hiện đại trong bảo quản, chế biến nông sản. Đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao; tăng chế biến từ các phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng; đảm bảo kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường.
7. Tăng cường năng lực hội nhập và phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững
- Thực hiện các biện pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến xây dựng thương hiệu lớn gắn với chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm; chú trọng phát triển thị trường nông sản, các kênh phân phối, đa dạng hóa thị trường đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất. Đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh và đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.
- Tăng cường công tác thông tin, dự báo và phân tích thị trường nông sản trong nước và quốc tế; phát triển mạnh thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Kết nối thị trường nông sản của tỉnh với chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh sang các thị trường: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và các nước ASEAN...
- Tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
8. Nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường nông thôn
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng cháy chữa cháy rừng; tăng cường đổi mới, sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên, chi phí đầu vào sản xuất và phòng chống rác thải nhựa để bảo vệ môi trường. Chủ động xây dựng phương án phòng chống thiên tai, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp sử dụng tiết kiệm nước và vật tư nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính; phối hợp quản lý tốt nguồn nước và hệ thống thủy lợi bảo đảm quá trình khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phục vụ có hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài.
- Tăng cường thông tin, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai và các điều kiện khí hậu, thời tiết cực đoan ở các vùng có nguy cơ cao nhằm chủ động phòng chống, ứng phó trước các tình huống thiên tai và giảm nhẹ thiệt hại và công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở các cấp và chống biến đổi khí hậu; lồng ghép, tích hợp nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu vào hệ thống chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Tổ chức thường xuyên công tác tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường nông thôn, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, nhất là ở các làng nghề; đầu tư các khu xử lý rác thải tập trung quy mô liên xã, liên huyện đảm bảo thu gom, vận chuyển và xử lý nước thải, chất thải rắn đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
1. Tổng nguồn lực thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2025: Dự kiến kinh phí 8.418.455 triệu đồng. Trong đó:
- Nguồn ngân sách Trung ương: 2.607.499 triệu đồng;
- Nguồn ngân sách địa phương: 3.325.302 triệu đồng;
- Nguồn vốn khác: 2.485.704 triệu đồng.
2. Chi tiết sử dụng nguồn lực thực hiện Đề án
- Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: 8.033.455 triệu đồng
(Ngân sách trung ương: 2.607.449 triệu đồng; ngân sách tỉnh: 2.940.302 triệu đồng; nguồn vốn khác: 2.485.704 triệu đồng).
- Các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất 385.000 triệu đồng (Kinh phí thực hiện chính sách được quy định tại Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh; thực hiện quan trắc môi trường và bổ sung nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại lĩnh vực nông nghiệp; các chương trình, đề án, dự án mới giai đoạn 2021 - 2025).
3. Huy động, sử dụng nguồn lực
- Kinh phí thực hiện các nội dung cơ cấu lại nông nghiệp được thực hiện lồng ghép với xây dựng nông thôn mới và khai thác các nguồn vốn, gồm: Ngân sách nhà nước, vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, từ các tổ chức và cá nhân, các nguồn vốn hợp pháp khác...
- Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định phê duyệt chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, nguồn kinh phí địa phương và các nguồn vốn huy động khác.
- Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021 - 2025: Bố trí từ ngân sách địa phương theo điều kiện cụ thể hàng năm.
(Có các phụ lục chi tiết kèm theo Đề án)
Trên cơ sở các nội dung của Đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh giao các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện nội dung, cụ thể như sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện Đề án này; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại theo chuyên ngành, lĩnh vực, những cây trồng, vật nuôi, thủy sản, ngành nghề truyền thống có lợi thế, giá trị kinh tế, có sức cạnh tranh cao và đáp ứng yêu cầu thị trường.
- Tổ chức triển khai thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 theo nội dung nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái.
- Nghiên cứu xây dựng và đề xuất một số chính sách mới theo định hướng của Trung ương và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, nguồn lực của tỉnh. Triển khai các giải pháp tăng cường liên kết vùng, hướng tới phát triển các cụm liên kết sản xuất - bảo quản, chế biến - tiêu thụ nông sản gắn với các vùng nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ, kết nối với cơ sở chế biến nông sản và hệ thống kênh phân phối, tiêu thụ nông sản.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giảm sát việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Tổng hợp, tham mưu sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện hằng năm, báo cáo các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các huyện, thị xã, thành phố tham mưu bố trí nguồn ngân sách thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành, các địa phương nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương chủ động mời gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, sản phẩm có lợi thế của tỉnh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
- Tổng hợp, cân đối, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 cho ngành nông nghiệp thực hiện đề án.
3. Sở Tài chính
- Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, hằng năm căn cứ vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ các nguồn kinh phí để triển khai Đề án.
- Tham mưu đảm bảo các chính sách tài chính cho việc thực hiện Đề án này.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
- Đề xuất các dự án tham gia chương trình: Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn.
- Ưu tiên bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ thực hiện các Đề án ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông, lâm, thủy sản và phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
5. Sở Công thương
Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh có lợi thế và sức cạnh tranh trên thị trường. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông thôn.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai, nhất là quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang mục đích khác, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định. Rà soát, kiểm soát chặt chẽ và quản lý, thực hiện kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp (đặc biệt là đất lúa) và đề xuất các chính sách liên quan đến đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học theo hướng tạo thuận lợi cho nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
7. Các Sở, ban, ngành có liên quan
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành mình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham mưu thực hiện các nội dung đề án.
8. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Yên Bái
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên tập trung vốn tín dụng cho các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Triển khai xây dựng các đề án, dự án, kế hoạch hành động thực hiện đề án cơ cấu lại nông nghiệp phù hợp hơn với điều kiện thực tế của từng địa phương.
- Tổ chức thực hiện tốt các chính sách Trung ương của tỉnh đã ban hành để nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Bố trí ngân sách địa phương và huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của địa phương để thu hút vốn đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
- Xây dựng các chương trình, đề án, dự án trọng điểm phát triển nông nghiệp phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của từng địa phương; ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm đặc sản của địa phương gắn với công nghiệp chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
10. Các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
- Thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách của Nhà nước và nội dung cơ cấu lại của Đề án. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất từ cung ứng các dịch vụ đầu vào đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên.
- Mở rộng quy mô, hoạt động của Hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012 và các quy định hiện hành.
- Thực hiện có hiệu quả phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và vai trò tổ chức đại diện cho nông dân theo quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị, địa phương báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét, giải quyết./.
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị tính |
Năm 2015 |
Năm 2016 |
Năm 2017 |
Năm 2018 |
Năm 2019 |
Năm 2020 |
Giai đoạn 2016-2020 |
||
Mục tiêu Nghị quyết 11 |
Thực hiện |
Thực hiện/mục tiêu (%) |
|||||||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
I |
Các chỉ tiêu tăng trưởng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá so sánh 2010) |
Tỷ đồng |
3.485 |
3.637 |
3.796 |
3.990 |
4.191 |
4.384,4 |
|
|
|
2 |
Tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản |
% |
105,94 |
104,36 |
104,37 |
105,11 |
105,03 |
104,62 |
105,00 |
104,70 |
99,71 |
3 |
Tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá hiện hành) |
Tỷ đồng |
5.264 |
5.712 |
5.914 |
6.474 |
6.982 |
8.095 |
|
|
|
4 |
Cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn |
% |
25,61 |
25,35 |
23,73 |
23,46 |
23,05 |
24,43 |
21,30 |
24,43 |
114,69 |
5 |
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010) |
Tỷ đồng |
6.051 |
6.328 |
6.599 |
6.867 |
7.191,8 |
7.525,6 |
|
|
|
a |
Nông nghiệp |
Tỷ đồng |
4.620 |
4.795 |
4.920 |
5.004 |
5.117,9 |
5.355,2 |
|
|
|
- |
Trồng trọt |
Tỷ đồng |
3.153 |
3.187 |
3.232 |
3.215 |
3.243,0 |
3.356,0 |
|
|
|
- |
Chăn nuôi |
Tỷ đồng |
1.406 |
1.547 |
1.623 |
1.723 |
1.806,7 |
1.930,0 |
|
|
|
- |
Dịch vụ |
Tỷ đồng |
61 |
61 |
64 |
66 |
68,2 |
69,2 |
|
|
|
b |
Lâm nghiệp |
Tỷ đồng |
1.223 |
1.313 |
1.443 |
1.605 |
1.789,7 |
1.863,8 |
|
|
|
c |
Thủy sản |
Tỷ đồng |
208 |
220 |
237 |
259 |
284,1 |
306,6 |
|
|
|
6 |
Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản |
% |
1,81 |
104,59 |
104,29 |
104,06 |
104,72 |
104,64 |
|
|
|
a |
Nông nghiệp |
% |
7,67 |
103,80 |
102,59 |
101,72 |
102,27 |
104,64 |
|
|
|
- |
Trồng trọt |
% |
2,17 |
101,07 |
101,43 |
99,47 |
100,88 |
103,48 |
|
|
|
- |
Chăn nuôi |
% |
22,76 |
110,06 |
104,91 |
106,16 |
104,83 |
106,82 |
|
|
|
- |
Dịch vụ |
% |
2,86 |
100,49 |
104,74 |
102,86 |
103,17 |
101,40 |
|
|
|
b |
Lâm nghiệp |
% |
(15,94) |
107,40 |
109,85 |
111,23 |
111,54 |
104,14 |
|
|
|
c |
Thủy sản |
% |
5,15 |
105,57 |
107,97 |
109,00 |
109,89 |
107,91 |
|
|
|
7 |
Cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản |
% |
100,00 |
100,00 |
100,00 |
100,00 |
100,00 |
100,00 |
|
|
|
a |
Nông nghiệp |
% |
74,57 |
74,21 |
72,97 |
71,64 |
70,01 |
69,57 |
|
|
|
- |
Trồng trọt |
% |
52,06 |
50,69 |
49,23 |
47,05 |
44,29 |
44,57 |
|
|
|
- |
Chăn nuôi |
% |
21,64 |
22,69 |
22,89 |
23,77 |
24,94 |
24,20 |
|
|
|
- |
Dịch vụ nông nghiệp |
% |
0,86 |
0,83 |
0,84 |
0,81 |
0,79 |
0,80 |
|
|
|
b |
Lâm nghiệp |
% |
21,71 |
22,07 |
23,15 |
24,54 |
26,07 |
26,20 |
|
|
|
c |
Thủy sản |
% |
3,72 |
3,72 |
3,88 |
3,82 |
3,92 |
4,23 |
|
|
|
II |
Các chỉ tiêu chủ yếu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Tổng sản lượng lương thực có hạt |
Tấn |
300.721 |
309.600 |
306.087 |
307.492 |
314.162 |
319.780 |
295.000 |
319.780 |
108,40 |
2 |
Sản lượng chè búp tươi |
Tấn |
85.447 |
80.639 |
70.006 |
65.753 |
70.042 |
74.010 |
100.000 |
74.010 |
74,00 |
|
Trong đó: Chè búp tươi chất lượng cao |
Tấn |
14.000 |
15.000 |
16.000 |
17.000 |
18.874 |
20.000 |
|
|
|
3 |
Tổng đàn gia súc chính |
Con |
643.519 |
679.131 |
637.142 |
651.109 |
502.184 |
589.781 |
746.000 |
589.781 |
79,06 |
4 |
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại |
Tấn |
39.504 |
42.932 |
47.769 |
49.749 |
50.684 |
54.434 |
43.500 |
54.434 |
125,14 |
|
Trong đó: Sản lượng thịt hơi xuất chuồng gia súc chính |
Tấn |
35.293 |
38.487 |
42.522 |
42.815 |
40.874 |
41.830 |
|
41.830 |
|
5 |
Trồng rừng |
Ha |
15.497 |
15.177 |
15.121 |
15.443 |
16.345 |
16.731 |
15.000 |
16.731 |
105,09 |
6 |
Sản lượng thủy sản |
Tấn |
6.429 |
6.694 |
7.467 |
9.016 |
10.492 |
11.641 |
|
|
|
7 |
Số xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới |
Xã |
5 |
12 |
15 |
13 |
23 |
11 |
|
11 |
|
|
Lũy kế số xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới |
Xã |
6 |
18 |
33 |
46 |
64 |
75 |
64 |
75 |
117,19 |
|
Số huyện đạt nông thôn mới |
Huyện |
|
|
|
|
|
1 |
|
1 |
|
8 |
Tỷ lệ che phủ rừng |
% |
62,2 |
62,5 |
62,8 |
63,0 |
63,0 |
63,0 |
63,0 |
63,0 |
100,00 |
9 |
Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh |
% |
85,0 |
86,0 |
87,0 |
88,0 |
90,0 |
91,0 |
90,0 |
91,0 |
101,11 |
KẾT QUẢ HUY ĐỘNG, SỬ DỤNG NGUỒN LỰC THỰC HIỆN CÁC ĐỀ ÁN, CHÍNH SÁCH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
ĐVT: Triệu đồng
TT |
Dự án thành phần/nội dung hoạt động |
Tổng số |
Ngân sách Trung ương |
Ngân sách địa phương |
Trái phiếu chính phủ |
Vốn huy động |
Vốn lồng ghép |
Vốn vay |
||||
Tổng cộng |
Đầu tư phát triển |
Sự nghiệp |
Tổng cộng |
Đầu tư phát triển |
Sự nghiệp |
|||||||
|
TỔNG SỐ |
21.650.051 |
2.890.385 |
1.850.307 |
1.040.078 |
1.283.563 |
241.346 |
1.042.217 |
100.000 |
1.774.780 |
4.368.022 |
11.233.300 |
I |
Thực hiện các đề án, chính sách của HĐND và UBND tỉnh Yên Bái |
2.239.725 |
113.863 |
|
113.863 |
432.006 |
|
432.006 |
|
1.693.856 |
|
|
1 |
Nghị quyết của HĐND tỉnh |
306.512 |
16.707 |
|
16.707 |
275.023 |
|
275.023 |
|
14.782 |
|
|
- |
Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sàn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020 |
281.797 |
16.707 |
|
16.707 |
250.308 |
|
250.308 |
|
14.782 |
|
|
- |
Chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp năm 2020 để ứng phó với dịch bệnh Covid-19 |
24.715 |
|
|
|
24.715 |
|
24.715 |
|
|
|
|
2 |
Quyết định của UBND tỉnh |
1.933.213 |
97.156 |
|
97.156 |
156.983 |
|
156.983 |
|
1.679.074 |
|
|
- |
Đề án phát triển chè vùng cao tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 |
4.192 |
|
|
|
4.192 |
|
4.191,6 |
|
|
|
|
- |
Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020 |
18.346 |
|
|
|
18.346 |
|
18.346,4 |
|
|
|
|
- |
Đề án Phát triển chăn nuôi tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 |
28.875 |
|
|
|
28.875 |
|
28.875,0 |
|
|
|
|
- |
Đề án Hỗ trợ sản xuất ngô Đông trên đất hai vụ lúa tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020 |
771 |
|
|
|
771 |
|
770,6 |
|
|
|
|
- |
Đề án Phát triển cây ăn quả tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 |
42.318 |
|
|
|
42.318 |
|
42.318,0 |
|
|
|
|
- |
Đề án Phát triển măng tre Bát độ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 |
91.634 |
|
|
|
3.334 |
|
3.334 |
|
88.300 |
|
|
- |
Đề án Phát triển cây Quế tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 |
204.906 |
16.707 |
|
16.707 |
13.200 |
|
13.200 |
|
174.999 |
|
|
- |
Đề án phát triển cây Sơn tra tại hai huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2016 - 2020 |
1.435.249 |
1.861 |
|
1.861 |
17.613 |
|
17.613 |
|
1.415.775 |
|
|
- |
Đề án phát triển trồng dâu, nuôi tằm tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019-2025 |
9.950 |
|
|
|
9.950 |
|
9.950,0 |
|
|
|
|
- |
Đề án nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông, lâm và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2019-2021 |
11.525 |
|
|
|
11.525 |
|
11.525,0 |
|
|
|
|
- |
Đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019- 2020 |
8.859 |
2.000 |
|
2.000,0 |
6.859 |
|
6.858,9 |
|
|
|
|
- |
Danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái |
76.588 |
76.588 |
|
76.588,0 |
|
|
|
|
|
|
|
II |
Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới |
17.855.500 |
1.255.600 |
947.100 |
308.500 |
834.958 |
238.108 |
596.850 |
100.000 |
63.619 |
4.368.022 |
11.233.300 |
1 |
Quy hoạch xây dựng nông thôn mới |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội |
4.887.857 |
985.157 |
947.100 |
38.057 |
486.358 |
238.108 |
248.250 |
100.000 |
63.619 |
3.252.722 |
|
3 |
Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân |
11.938.602 |
159.843 |
|
159.843 |
196.959 |
|
196.959 |
|
|
348.500 |
11.233.300 |
4 |
Giảm nghèo và an sinh xã hội |
444.295 |
12.020 |
|
12.020 |
52.300 |
|
52.300 |
|
|
379.975 |
|
5 |
Phát triển giáo dục nông thôn |
277.928 |
11.500 |
|
11.500 |
42.160 |
|
42.160 |
|
|
224.268 |
|
6 |
Phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn |
155.482 |
4.750 |
|
4.750 |
35.255 |
|
35.255 |
|
|
115.477 |
|
7 |
Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn |
10.370 |
3.810 |
|
3.810 |
|
|
|
|
|
6.560 |
|
8 |
Vệ sinh môi trường nông thôn, khắc phục xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường tại làng nghề |
52.980 |
32.160 |
|
32.160 |
12.600 |
|
12.600 |
|
|
8.220 |
|
9 |
Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; cải thiện nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân |
13.226 |
3.160 |
|
3.160 |
5.266 |
|
5.266 |
|
|
4.800 |
|
10 |
Giữ vững quốc phòng an ninh và trật tự xã hội nông thôn |
8.960 |
1.200 |
|
1.200 |
2.560 |
|
2.560 |
|
|
5.200 |
|
11 |
Nâng cao năng lực xây dựng nông thôn mới và công tác giám sát đánh giá thực hiện Chương trình; truyền thông về xây dựng nông thôn mới |
65.800 |
42.000 |
|
42.000 |
1.500 |
|
1.500 |
|
|
22.300 |
|
III |
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững |
1.281.811 |
1.261.268 |
903.207 |
358.061 |
3.238 |
3.238 |
|
|
17.305 |
|
|
1 |
Chương trình 30a |
470.334 |
470.334 |
339.127 |
131.207 |
|
|
|
|
|
|
|
- |
Hỗ trợ đầu tư CSHT huyện nghèo |
359.971 |
359.971 |
339.127 |
20.844 |
|
|
|
|
|
|
|
- |
Hỗ trợ PTSX, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo |
106.778 |
106.778 |
|
106.778 |
|
|
|
|
|
|
|
- |
Hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài |
3.585 |
3.585 |
|
3.585 |
|
|
|
|
|
|
|
2 |
Chương trình 135 |
786.886 |
767.937 |
564.080 |
203.857 |
3.238 |
3.238 |
|
|
15.711 |
|
|
- |
Hỗ trợ đầu tư CSHT các xã, thôn, bản ĐBKK |
605.157 |
599.492 |
564.080 |
35.412 |
3.238 |
3.238 |
|
|
2.427 |
|
|
- |
Hỗ trợ PTSX, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng MHGN trên địa bàn các xã, thôn, bản ĐBKK |
160.816 |
147.532 |
|
147.532 |
|
|
|
|
13.284 |
|
|
- |
Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn |
20.913 |
20.913 |
|
20.913 |
|
|
|
|
|
|
|
3 |
Hỗ trợ phát triển sản xuất, ĐDH sinh kế và nhân rộng MHGN trên địa các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 |
10.368 |
8.774 |
|
8.774 |
|
|
|
|
1.594 |
|
|
4 |
Truyền thông và giảm nghèo về TT |
8.276 |
8.276 |
|
8.276 |
|
|
|
|
|
|
|
5 |
Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình |
5.947 |
5.947 |
|
5.947 |
|
|
|
|
|
|
|
IV |
Một số chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 |
13.361 |
|
|
|
13.361 |
|
13.361,0 |
|
|
|
|
V |
Kinh phí cấp bù thủy lợi phí |
259.654 |
259.654 |
|
259.654,0 |
|
|
|
|
|
|
|
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị tính |
Thực hiện năm 2020 |
Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 |
Ghi chú |
||||
Năm 2021 |
Năm 2022 |
Năm 2023 |
Năm 2024 |
Năm 2025 |
|||||
I |
Các chỉ tiêu tăng trưởng |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) |
Tỷ đồng |
4.384,4 |
4.583 |
4.791 |
5.010 |
5.244 |
5.490 |
|
2 |
Tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010) |
% |
104,62 |
104,53 |
104,54 |
104,57 |
104,67 |
104,69 |
|
3 |
Tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá hiện hành) |
Tỷ đồng |
8.095 |
8.824 |
9.635 |
10.531 |
11.374 |
12.307 |
|
4 |
Cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản |
% |
24,43 |
22,00 |
21,00 |
20,50 |
20,00 |
19,50 |
|
5 |
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010) |
Tỷ đồng |
7.525,6 |
7.869 |
8.276 |
8.697 |
9.162 |
9.685 |
|
a |
Nông nghiệp |
Tỷ đồng |
5.355,2 |
5.535 |
5.736 |
5.927 |
6.128 |
6.344 |
|
- |
Trồng trọt |
Tỷ đồng |
3.356,0 |
3.390 |
3.425 |
3.460 |
3.495 |
3.530 |
|
- |
Chăn nuôi |
Tỷ đồng |
1.930,0 |
2.075 |
2.240 |
2.395 |
2.560 |
2.740 |
|
- |
Dịch vụ |
Tỷ đồng |
69,2 |
70 |
71 |
72 |
73 |
74 |
|
b |
Lâm nghiệp |
Tỷ đồng |
1.863,8 |
2.000 |
2.175 |
2.370 |
2.595 |
2.856 |
|
c |
Thủy sản |
Tỷ đồng |
306,6 |
334 |
365 |
400 |
439 |
485 |
|
6 |
Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản |
% |
104,64 |
104,56 |
105,17 |
105,09 |
105,35 |
105,71 |
|
a |
Nông nghiệp |
% |
104,64 |
103,36 |
103,63 |
103,33 |
103,39 |
103,52 |
|
- |
Trồng trọt |
% |
103,48 |
101,01 |
101,03 |
101,02 |
101,01 |
101,00 |
|
- |
Chăn nuôi |
% |
106,82 |
107,51 |
107,95 |
106,92 |
106,89 |
107,03 |
|
- |
Dịch vụ |
% |
101,40 |
101,16 |
101,43 |
101,41 |
101,39 |
101,37 |
|
b |
Lâm nghiệp |
% |
104,14 |
107,31 |
108,75 |
108,97 |
109,49 |
110,06 |
|
c |
Thủy sản |
% |
107,91 |
108,94 |
109,28 |
109,59 |
109,75 |
110,48 |
|
7 |
Cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản |
% |
100,00 |
100,00 |
100,00 |
100,00 |
100,00 |
100,00 |
|
a |
Nông nghiệp |
% |
69,57 |
66,99 |
66,05 |
64,87 |
63,58 |
61,00 |
|
- |
Trồng trọt |
% |
44,57 |
38,47 |
36,62 |
34,83 |
33,19 |
30,30 |
|
- |
Chăn nuôi |
% |
24,20 |
27,80 |
28,74 |
29,39 |
29,77 |
30,00 |
|
- |
Dịch vụ nông nghiệp |
% |
0,80 |
0,72 |
0,69 |
0,66 |
0,63 |
0,70 |
|
b |
Lâm nghiệp |
% |
26,20 |
28,85 |
29,67 |
30,72 |
31,85 |
34,00 |
|
c |
Thủy sản |
% |
4,23 |
4,16 |
4,28 |
4,41 |
4,57 |
5,00 |
|
II |
Các chỉ tiêu chủ yếu |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Tổng sản lượng lương thực có hạt |
Tấn |
319.780 |
313.000 |
315.000 |
317.000 |
319.000 |
321.000 |
|
2 |
Sản lượng chè búp tươi |
Tấn |
74.010 |
65.000 |
65.000 |
65.000 |
65.000 |
65.000 |
|
- |
Trong đó: Chè búp tươi chất lượng cao |
Tấn |
20.000 |
21.000 |
22.000 |
23.000 |
24.000 |
25.000 |
|
3 |
Tổng đàn gia súc chính |
Con |
589.781 |
752.500 |
796.000 |
842.000 |
885.000 |
950.000 |
|
4 |
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại |
Tấn |
54.434 |
58.000 |
58.500 |
59.000 |
60.000 |
61.000 |
|
|
Trong đó: Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính |
Tấn |
41.830 |
47.600 |
48.000 |
48.500 |
49.500 |
50.000 |
|
5 |
Trồng rừng |
Ha |
16.731 |
15.500 |
15.500 |
15.000 |
15.000 |
15.000 |
|
6 |
Sản lượng thủy sản |
Tấn |
11.641 |
13.500 |
13.850 |
14.220 |
14.600 |
15.000 |
|
7 |
Số xã đạt tiêu chí nông thôn mới |
Xã |
11 |
13 |
11 |
11 |
9 |
7 |
|
- |
Lũy kế số xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới |
Xã |
75 |
88 |
99 |
110 |
119 |
126 |
|
- |
Số huyện đạt nông thôn mới |
Huyện |
1 |
|
|
|
|
2 |
|
|
Lũy kế số huyện công nhận đạt nông thôn mới |
Huyện |
1 |
|
|
|
|
3 |
|
8 |
Tỷ lệ che phủ rừng |
% |
63,0 |
63,1 |
63,5 |
64,0 |
64,5 |
65,0 |
|
9 |
Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh |
% |
91,0 |
92,0 |
93,0 |
94,0 |
96,0 |
98,0 |
|
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị tính |
Cả tỉnh |
Các huyện, thị xã, thành phố |
|||||||||
Đến năm 2025 |
Giai đoạn 2021- 2025 |
Thành phố Yên Bái |
Thị xã Nghĩa Lộ |
Văn Chấn |
Trấn Yên |
Văn Yên |
Yên Bình |
Lục Yên |
Trạm Tấu |
Mù Cang Chải |
|||
1 |
Tổng sản lượng lương thực có hạt |
Tấn |
321.000 |
|
3.800 |
27.000 |
46.500 |
26.700 |
57.500 |
28.000 |
60.000 |
26.000 |
45.500 |
2 |
Sản lượng chè búp tươi |
Tấn |
65.000 |
|
250 |
7.500 |
45.000 |
3.700 |
700 |
5.500 |
1.500 |
700 |
150 |
- |
Sản lượng chè búp tươi chất lượng cao |
|
25.000 |
|
100 |
2.000 |
15.650 |
1.800 |
600 |
3.200 |
1.000 |
600 |
50 |
3 |
Tổng đàn gia súc chính |
Con |
950.000 |
|
40.000 |
73.000 |
150.000 |
105.000 |
170.000 |
150.000 |
110.000 |
62.000 |
90.000 |
4 |
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại |
Tấn |
61.000 |
|
8.500 |
5.000 |
7.500 |
9.240 |
9.800 |
8.500 |
8.000 |
760 |
3.700 |
- |
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính |
Tấn |
50.000 |
|
7.200 |
4.200 |
6.350 |
6.500 |
7.900 |
7.200 |
6.700 |
620 |
3.330 |
5 |
Trồng rừng |
Ha |
15.000 |
|
250 |
300 |
3.000 |
2.700 |
2.800 |
2.950 |
2.500 |
250 |
250 |
- |
Giai đoạn 2021 - 2025 |
Ha |
|
76.000 |
1.300 |
1.600 |
15.100 |
13.700 |
14.200 |
15.100 |
12.500 |
1.250 |
1.250 |
6 |
Sản lượng thủy sản |
Ha |
15.000 |
|
407 |
491 |
730 |
2.177 |
947 |
8.130 |
1.950 |
68 |
100 |
7 |
Số xã đạt chuẩn nông thôn mới |
Xã |
|
51 |
|
|
11 |
|
12 |
9 |
15 |
1 |
3 |
- |
Lũy kế số xã đạt chuẩn nông thôn mới |
Xã |
126 |
|
6 |
10 |
17 |
20 |
24 |
22 |
22 |
2 |
3 |
- |
Số huyện đạt chuẩn nông thôn mới |
Huyện |
|
02 huyện |
|
|
|
|
1 |
1 |
|
|
|
|
Lũy kế số huyện công nhận đạt nông thôn mới |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
8 |
Tỷ lệ che phủ rừng |
% |
65,0 |
|
37,6 |
25,8 |
58,2 |
71,1 |
69,1 |
55,9 |
68,6 |
65,5 |
70,4 |
9 |
Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh |
% |
98,0 |
|
100,0 |
97,0 |
97,0 |
99,0 |
98,5 |
98,0 |
98,0 |
100,0 |
98,0 |
KẾ HOẠCH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
TT |
Tên địa phương |
Số tiêu chí đã đạt |
Tổng cộng |
Thời gian dự kiến hoàn thành tiêu chí |
Ghi chú |
||||
Năm 2021 |
Năm 2022 |
Năm 2023 |
Năm 2024 |
Năm 2025 |
|||||
I |
XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI |
2 |
|
|
|
|
2 |
|
|
1 |
Huyện Văn Yên |
6/9 |
|
|
|
|
|
X |
|
2 |
Huyện Yên Bình |
6/9 |
|
|
|
|
|
X |
|
3 |
Thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới |
|
|
X |
|
|
|
|
|
II |
XÂY DỰNG XÃ NÔNG THÔN MỚI |
51 |
13 |
11 |
11 |
9 |
7 |
|
|
|
Huyện Yên Bình |
|
9 |
3 |
4 |
2 |
|
|
|
1 |
Xã Cảm Nhân |
13/19 |
|
|
X |
|
|
|
|
2 |
Xã Mỹ Gia |
14/19 |
|
X |
|
|
|
|
|
3 |
Xã Phúc An |
11/19 |
|
|
X |
|
|
|
|
4 |
Xã Xuân Lai |
14/19 |
|
X |
|
|
|
|
|
5 |
Xã Yên Thành |
11/19 |
|
|
|
X |
|
|
|
6 |
Xã Bảo Ái |
14/19 |
|
|
X |
|
|
|
|
7 |
Xã Tân Nguyên |
11/19 |
|
|
|
X |
|
|
|
8 |
Xã Phúc Ninh |
14/19 |
|
X |
|
|
|
|
|
9 |
Xã Ngọc Chấn |
11/19 |
|
|
X |
|
|
|
|
|
Huyện Văn Yên |
|
12 |
4 |
3 |
3 |
2 |
|
|
10 |
Xã Ngòi A |
14/19 |
|
X |
|
|
|
|
|
11 |
Xã Tân Hợp |
14/19 |
|
X |
|
|
|
|
|
12 |
Xã Phong Dụ Hạ |
13/19 |
|
|
X |
|
|
|
|
13 |
Xã Châu Quế Hạ |
11/19 |
|
|
|
X |
|
|
|
14 |
Xã Viễn Sơn |
14/19 |
|
X |
|
|
|
|
|
15 |
Xã Xuân Tầm |
9/19 |
|
|
X |
|
|
|
|
16 |
Xã Đại Sơn |
13/19 |
|
|
X |
|
|
|
|
17 |
Xã Lang Thíp |
8/19 |
|
|
|
|
X |
|
|
18 |
Xã Phong Dụ Thượng |
8/19 |
|
|
|
|
X |
|
|
19 |
Xã Châu Quế Thượng |
12/19 |
|
X |
|
|
|
|
|
20 |
Xã Mỏ Vàng |
8/19 |
|
|
|
X |
|
|
|
21 |
Xã Nà Hẩu |
6/19 |
|
|
|
X |
|
|
|
|
Huyện Lục Yên |
|
15 |
2 |
1 |
4 |
3 |
5 |
|
22 |
Xã Khánh Thiện |
14/19 |
|
X |
|
|
|
|
|
23 |
Xã Tân Lĩnh |
14/19 |
|
X |
|
|
|
|
|
24 |
Xã Minh Chuẩn |
14/19 |
|
|
X |
|
|
|
|
25 |
Xã Tô Mậu |
12/19 |
|
|
|
X |
|
|
|
26 |
Xã An Lạc |
13/19 |
|
|
|
X |
|
|
|
27 |
Xã Mường Lai |
13/19 |
|
|
|
X |
|
|
|
28 |
Xã Phúc Lợi |
9/19 |
|
|
|
|
X |
|
|
29 |
Xã Lâm Thượng |
13/19 |
|
|
|
X |
|
|
|
30 |
Xã Động Quan |
10/19 |
|
|
|
|
X |
|
|
31 |
Xã Khánh Hòa |
10/19 |
|
|
|
|
|
X |
|
32 |
Xã Minh Tiến |
14/19 |
|
|
|
|
X |
|
|
33 |
Xã An Phú |
12/19 |
|
|
|
|
|
X |
|
34 |
Xã Phan Thanh |
12/19 |
|
|
|
|
|
X |
|
35 |
Xã Trung Tâm |
10/19 |
|
|
|
|
|
X |
|
36 |
Xã Tân Phượng |
9/19 |
|
|
|
|
|
X |
|
|
Huyện Văn Chấn |
|
11 |
3 |
2 |
2 |
3 |
1 |
|
37 |
Xã Tú Lệ |
14/19 |
|
X |
|
|
|
|
|
38 |
Xã Minh An |
14/19 |
|
X |
|
|
|
|
|
39 |
Xã Sơn Lương |
16/19 |
|
X |
|
|
|
|
|
40 |
Xã Nậm Búng |
13/19 |
|
|
X |
|
|
|
|
41 |
Xã Gia Hội |
9/19 |
|
|
X |
|
|
|
|
42 |
Xã Bình Thuận |
9/19 |
|
|
|
X |
|
|
|
43 |
Xã Suối Giàng |
9/19 |
|
|
|
X |
|
|
|
44 |
Xã Nậm Lành |
7/19 |
|
|
|
|
X |
|
|
45 |
Xã Suối Bu |
8/19 |
|
|
|
|
X |
|
|
46 |
Xã An Lương |
6/19 |
|
|
|
|
|
X |
|
47 |
Xã Cát Thịnh |
10/19 |
|
|
|
|
X |
|
|
|
Huyện Trạm Tấu |
|
1 |
|
|
|
|
1 |
|
48 |
Xã Trạm Tấu |
9/19 |
|
|
|
|
|
X |
|
|
Huyện Mù Cang Chải |
|
3 |
1 |
1 |
|
1 |
|
|
49 |
Xã Nậm Khắt |
18/19 |
|
X |
|
|
|
|
|
50 |
Xã Dế Xu Phình |
10/19 |
|
|
|
|
X |
|
|
51 |
Xã Púng Luông |
12/19 |
|
|
X |
|
|
|
|
ĐỊNH HƯỚNG CƠ CẤU LẠI LĨNH VỰC TRỒNG TRỌT TỈNH YÊN BÁI ĐẾN NĂM 2025
Tên chỉ tiêu |
Đơn vị tính |
Tổng số |
Thành phố Yên Bái |
Thị xã Nghĩa Lộ |
Lục Yên |
Văn Yên |
Mù Cang Chải |
Trấn Yên |
Trạm Tấu |
Văn Chấn |
Yên Bình |
||
A. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm |
Ha |
99.900 |
1.400 |
6.400 |
18.150 |
20.100 |
13.200 |
8.200 |
8.200 |
13.900 |
10.350 |
||
I. Cây lương thực |
Diện tích |
Ha |
68.200 |
800 |
5.200 |
12.250 |
12.100 |
11.400 |
5.000 |
6.800 |
9.400 |
5.250 |
|
Sản lượng |
Tấn |
321.000 |
3.800 |
27.000 |
60.000 |
57.500 |
45.500 |
26.700 |
26.000 |
46.500 |
28.000 |
||
1. Lúa |
Diện tích |
Ha |
42.200 |
600 |
4.200 |
7 250 |
6.100 |
6.400 |
4.500 |
3.500 |
5.400 |
4.250 |
|
Năng suất |
Tạ/ha |
52,1 |
50,0 |
56,0 |
55,2 |
55,0 |
45,0 |
55,0 |
42,0 |
55,0 |
55,3 |
||
Sản lượng |
Tấn |
220.000 |
3.000 |
23.000 |
40.000 |
33.500 |
28.000 |
24.500 |
14.500 |
30.000 |
23.500 |
||
2. Ngô |
Diện tích |
Ha |
26.000 |
200 |
1.000 |
5.000 |
6.000 |
5.000 |
500 |
3.300 |
4.000 |
1.000 |
|
Năng suất |
Tạ/ha |
39 |
40 |
40 |
40 |
40 |
35 |
45 |
35 |
42 |
42 |
||
Sản lượng |
Tấn |
101.000 |
800 |
4.000 |
20.000 |
24.000 |
17.500 |
2.200 |
11.500 |
16.500 |
4.500 |
||
II. Cây lấy củ có chất bột |
Ha |
12.000 |
|
|
2.000 |
5.000 |
500 |
1.000 |
500 |
1.500 |
1.500 |
||
1. Sắn |
Diện tích |
Ha |
8.000 |
|
|
1.000 |
4.500 |
300 |
500 |
200 |
1.000 |
500 |
|
Năng suất |
Tạ/ha |
200 |
|
|
150 |
234 |
117 |
156 |
125 |
150 |
220 |
||
Sản lượng |
Tấn |
160.000 |
|
|
15.000 |
105.200 |
3.500 |
7.800 |
2.500 |
15.000 |
11.000 |
||
2. Cây lấy củ khác |
Diện tích |
Ha |
4.000 |
|
|
1.000 |
500 |
200 |
500 |
300 |
500 |
1.000 |
|
III. Cây có hạt chứa dầu |
Ha |
4.000 |
|
|
1.200 |
500 |
300 |
200 |
100 |
500 |
1.200 |
||
1. Lạc |
Diện tích |
Ha |
2.500 |
|
|
1.000 |
200 |
200 |
|
|
100 |
1.000 |
|
Năng suất |
Tạ/ha |
38 |
|
|
40 |
30 |
30 |
|
|
30 |
40 |
||
Sản lượng |
Tấn |
9.500 |
|
|
4.000 |
600 |
600 |
|
|
300 |
4.000 |
||
2. Cây có hạt lấy dầu khác |
Diện tích |
Ha |
1.500 |
|
|
200 |
300 |
100 |
200 |
100 |
400 |
200 |
|
IV. Cây rau, đậu các loại và hoa |
Ha |
12.500 |
500 |
1.000 |
2.500 |
2.000 |
500 |
1.500 |
500 |
2.000 |
2.000 |
||
V. Cây hằng năm khác |
Ha |
3.200 |
100 |
200 |
200 |
500 |
500 |
500 |
300 |
500 |
400 |
||
B. Tổng diện tích gieo trồng |
Ha |
22.281 |
270 |
1.299 |
1.705 |
2.323 |
700 |
3.120 |
920 |
9.464 |
2.480 |
||
I. Cây ăn quả |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
||
Tổng diện tích sản xuất |
Ha |
10.000 |
200 |
300 |
1.300 |
1.300 |
500 |
1.100 |
300 |
3.100 |
1.900 |
||
Tổng sản lượng |
Tấn |
65.000 |
2.000 |
2.500 |
7.200 |
11.000 |
1.200 |
8.300 |
800 |
20.000 |
12.000 |
||
Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Diện tích sản xuất hàng hóa tập trung |
Ha |
7.850 |
|
100 |
1.000 |
1.000 |
400 |
800 |
200 |
3.050 |
1.300 |
||
Sản lượng sản phẩm |
Tấn |
51.810 |
|
300 |
4.660 |
9.500 |
1.000 |
7.200 |
650 |
18.500 |
10.000 |
||
1. Các loại quả nhiệt đới và cận nhiệt đới |
Ha |
1.000 |
|
|
400 |
300 |
100 |
200 |
|
|
|
||
Tấn |
7.750 |
|
|
1.000 |
4.000 |
250 |
2.500 |
|
|
|
|||
Chuối |
Diện tích |
Ha |
1.000 |
200 |
|
|
400 |
|
200 |
|
|
200 |
|
Sản lượng |
Tấn |
1.500 |
300 |
|
|
600 |
|
300 |
|
|
300 |
||
Na |
Diện tích |
Ha |
300 |
|
|
200 |
|
|
|
|
100 |
|
|
Sản lượng |
Tấn |
750 |
|
|
500 |
|
|
|
|
250 |
|
||
Hồng |
Diện tích |
Ha |
300 |
|
|
200 |
|
100 |
|
|
|
|
|
Sản lượng |
Tấn |
750 |
|
|
500 |
|
250 |
|
|
|
|
||
Xoài |
Diện tích |
Ha |
383 |
15 |
39 |
136 |
37 |
|
29 |
0,4 |
42 |
81 |
|
Sản lượng |
Tấn |
1.541 |
44 |
118 |
686 |
143 |
|
185 |
|
100 |
257 |
||
Thanh long |
Diện tích |
Ha |
91 |
3 |
13 |
19 |
11 |
|
|
|
19 |
28 |
|
Sản lượng |
Tấn |
512 |
19 |
111 |
50 |
20 |
|
|
|
103 |
210 |
||
Đu đủ |
Diện tích |
Ha |
77 |
|
10 |
|
10 |
|
8 |
0,1 |
21 |
29 |
|
Sản lượng |
Tấn |
338 |
|
31 |
|
88 |
|
66 |
1 |
68 |
85 |
||
Dứa |
Diện tích |
Ha |
45 |
3 |
3 |
10 |
3 |
|
9 |
|
4 |
13 |
|
Sản lượng |
Tấn |
188 |
8 |
18 |
26 |
6 |
|
66 |
|
19 |
45 |
||
Mít |
Diện tích |
Ha |
96 |
9 |
8 |
8 |
15 |
|
6 |
|
20 |
31 |
|
Sản lượng |
Tấn |
570 |
45 |
46 |
14 |
115 |
|
85 |
|
67 |
198 |
||
Ổi |
Diện tích |
Ha |
86 |
5 |
9 |
21 |
7 |
|
|
|
22 |
22 |
|
Sản lượng |
Tấn |
298 |
20 |
41 |
50 |
12 |
|
|
|
99 |
77 |
||
Chanh leo |
Diện tích |
Ha |
29 |
|
11 |
|
|
|
|
|
18 |
|
|
Sản lượng |
Tấn |
24 |
|
8 |
|
|
|
|
|
16 |
|
||
2. Các loại quả có múi |
Ha |
5.500 |
|
|
600 |
500 |
|
600 |
|
2.500 |
1.300 |
||
Tấn |
40.760 |
|
|
3.660 |
5.000 |
|
4.700 |
|
17.400 |
10.000 |
|||
Cam |
Diện tích |
Ha |
2.600 |
|
|
300 |
|
|
300 |
|
2.000 |
|
|
Sản lượng |
Tấn |
20.000 |
|
|
2.500 |
|
|
2.500 |
|
15.000 |
|
||
Quýt |
Diện tích |
Ha |
400 |
|
|
200 |
|
|
|
|
200 |
|
|
Sản lượng |
Tấn |
360 |
|
|
160 |
|
|
|
|
200 |
|
||
Bưởi |
Diện tích |
Ha |
2.300 |
|
|
100 |
500 |
|
200 |
|
200 |
1.300 |
|
Sản lượng |
Tấn |
20.000 |
|
|
1.000 |
5.000 |
|
2.000 |
|
2.000 |
10.000 |
||
Chanh |
Diện tích |
Ha |
200 |
|
|
|
|
|
100 |
|
100 |
|
|
Sản lượng |
Tấn |
400 |
|
|
|
|
|
200 |
|
200 |
|
||
3. Táo, mận và các loại quả có hạt |
Ha |
650 |
|
|
|
|
300 |
|
200 |
150 |
|
||
Tấn |
2.000 |
|
|
|
|
750 |
|
650 |
600 |
|
|||
Mận |
Diện tích |
Ha |
350 |
|
|
|
|
200 |
|
100 |
50 |
|
|
Sản lượng |
Tấn |
350 |
|
|
|
|
200 |
|
100 |
50 |
|
||
Lê |
Diện tích |
Ha |
150 |
|
|
|
|
50 |
|
50 |
50 |
|
|
Sản lượng |
Tấn |
1.200 |
|
|
|
|
400 |
|
400 |
400 |
|
||
Đào |
Diện tích |
Ha |
150 |
|
|
|
|
50 |
|
50 |
50 |
|
|
Sản lượng |
Tấn |
450 |
|
|
|
|
150 |
|
150 |
150 |
|
||
4. Nhãn, vải |
|
700 |
|
100 |
|
200 |
|
|
|
400 |
|
||
Nhãn |
Diện tích |
Ha |
700 |
|
100 |
|
200 |
|
|
|
400 |
|
|
Sản lượng |
Tấn |
1.300 |
|
300 |
|
500 |
|
|
|
500 |
|
||
II. Cao su |
|
2.281 |
|
549 |
|
448 |
|
|
20 |
1.264 |
|
||
|
Diện tích |
Ha |
2.281 |
|
549 |
|
448 |
|
|
20 |
1.264 |
|
|
Sản lượng |
Tấn |
126 |
|
|
|
|
|
|
|
126 |
|
||
III. Chè |
|
7.000 |
70 |
450 |
205 |
125 |
200 |
420 |
600 |
4.450 |
480 |
||
1. Chè búp tươi |
Diện tích |
Ha |
7.000 |
70 |
450 |
205 |
125 |
200 |
420 |
600 |
4.450 |
480 |
|
Sản lượng |
Tấn |
65.000 |
350 |
7.500 |
1.000 |
750 |
200 |
4.500 |
800 |
44.900 |
5.000 |
||
IV. Cây lâu năm khác |
|
2.000 |
|
|
|
250 |
|
1.500 |
|
250 |
|
||
1. Dâu tằm |
Diện tích |
Ha |
2.000 |
|
|
|
250 |
|
1.500 |
|
250 |
|
|
Sản lượng kén tằm |
Tấn |
5.000 |
|
|
|
500 |
|
4.000 |
|
500 |
|
||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
ĐỊNH HƯỚNG CƠ CẤU LẠI LĨNH VỰC CHĂN NUÔI TỈNH YÊN BÁI ĐẾN NĂM 2025
TT |
Tên chỉ tiêu |
Đơn vị tính |
Tổng |
TP Yên Bái |
Nghĩa Lộ |
Lục Yên |
Văn Yên |
Mù Cang Chải |
Trấn Yên |
Trạm Tấu |
Văn Chấn |
Yên Bình |
1 |
Tổng đàn gia súc chính (trâu, bò, lợn) |
Con |
950.000 |
40.000 |
73.000 |
110.000 |
170.000 |
90.000 |
105.000 |
62.000 |
150.000 |
150.000 |
- |
Trâu |
Con |
118.000 |
750 |
11.100 |
19.300 |
16.760 |
17.050 |
7.000 |
11.250 |
18.440 |
16.350 |
- |
Bò |
Con |
42.000 |
600 |
2.330 |
2.250 |
3.200 |
8.900 |
1.770 |
7.000 |
8.000 |
7.950 |
- |
Lợn |
Con |
790.000 |
38.650 |
59.570 |
88.450 |
150.040 |
64.050 |
96.230 |
43.750 |
123.560 |
125.700 |
- |
Ngựa |
Con |
965 |
2 |
15 |
20 |
200 |
25 |
20 |
230 |
480 |
5 |
- |
Dê |
Con |
34.573 |
120 |
750 |
8.500 |
3.250 |
6.100 |
530 |
6.200 |
2.500 |
7.700 |
2 |
Tổng đàn gia cầm |
Con |
8.000.000 |
600.000 |
590.000 |
1.200.000 |
1.200.000 |
250.000 |
1.900.000 |
160.000 |
1.100.000 |
1.000.000 |
- |
Gà |
Con |
7.430.000 |
570.000 |
520.000 |
1.050.000 |
1.110.000 |
210.000 |
1.800.000 |
150.000 |
1.080.000 |
940.000 |
- |
Vịt |
Con |
570.000 |
30.000 |
70.000 |
150.000 |
90.000 |
40.000 |
100.000 |
10.000 |
20.000 |
60.000 |
3 |
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại |
Tấn |
61.000 |
9.680 |
4.560 |
7.340 |
9.490 |
3.500 |
10.490 |
700 |
6.700 |
8.540 |
3.1 |
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính |
|
50.000 |
7.200 |
4.200 |
6.700 |
7.900 |
3.330 |
6.500 |
620 |
6.350 |
7.200 |
- |
Trâu |
Tấn |
3.230 |
180 |
280 |
590 |
450 |
210 |
310 |
70 |
610 |
530 |
- |
Bò |
Tấn |
1.060 |
100 |
65 |
30 |
50 |
190 |
135 |
40 |
240 |
210 |
- |
Lợn |
Tấn |
45.710 |
6.920 |
3.855 |
6.080 |
7.400 |
2.930 |
6.055 |
510 |
5.500 |
6.460 |
3.2 |
Sản lượng thịt gia cầm |
Tấn |
18.000 |
3.880 |
600 |
1.500 |
2.990 |
200 |
5.390 |
100 |
700 |
2.640 |
4 |
Sản lượng trứng gia cầm |
1.000 quả |
65.948 |
2.430 |
6.480 |
5.160 |
10.150 |
1.725 |
9.475 |
792 |
14.098 |
15.638 |
5 |
Số lượng cơ sở chăn nuôi lợn |
Cơ sở |
25 |
4 |
2 |
2 |
6 |
|
7 |
|
4 |
|
- |
Có số lượng lợn trên 5.000 con/lứa |
Cơ sở |
2 |
|
1 |
|
|
|
1 |
|
|
|
- |
Có số lượng lợn từ 1000-5.000 con/lứa |
Cơ sở |
11 |
3 |
|
|
4 |
|
2 |
|
2 |
|
- |
Có số lượng lợn từ 500-1.000 con/lứa |
Cơ sở |
8 |
1 |
|
1 |
2 |
|
3 |
|
1 |
|
- |
Có số lượng từ 100-500 con/lứa |
Cơ sở |
4 |
|
1 |
1 |
|
|
1 |
|
1 |
|
6 |
Cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung |
Cơ sở |
471 |
21 |
14 |
13 |
20 |
2 |
357 |
5 |
28 |
11 |
- |
Có số lượng trên 10.000 con/lứa |
Cơ sở |
8 |
|
|
|
1 |
|
7 |
|
|
|
- |
Có số lượng từ 5.000-10.000 con/lứa |
Cơ sở |
36 |
1 |
|
1 |
2 |
|
30 |
|
1 |
1 |
- |
Có số lượng từ 1.000-5.000 con/lứa |
Cơ sở |
427 |
20 |
14 |
12 |
17 |
2 |
320 |
5 |
27 |
10 |
- |
Có số lượng dưới 1.000 con/lứa |
Cơ sở |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
7 |
Số cơ sở đã được cấp chứng nhận ATDB, VSTY, GAHP |
Cơ sở |
91 |
7 |
8 |
8 |
15 |
3 |
20 |
2 |
15 |
13 |
- |
Cơ sở chăn nuôi lợn |
Cơ sở |
60 |
5 |
6 |
5 |
10 |
2 |
10 |
2 |
10 |
10 |
- |
Cơ sở chăn nuôi gia cầm |
Cơ sở |
31 |
2 |
2 |
3 |
5 |
1 |
10 |
|
5 |
3 |
ĐỊNH HƯỚNG CƠ CẤU LẠI LĨNH VỰC LÂM NGHIỆP TỈNH YÊN BÁI ĐẾN NĂM 2025
TT |
Tên chỉ tiêu |
Đơn vị tính |
Tổng |
TP Yên Bái |
TX. Nghĩa Lộ |
Lục Yên |
Văn Yên |
Mù Cang Chải |
Trấn Yên |
Trạm Tấu |
Văn Chấn |
Yên Bình |
1 |
Diện tích đất lâm nghiệp |
Ha |
496.000 |
4.430 |
3.190 |
59.700 |
101.710 |
95.870 |
49.400 |
60.230 |
75.050 |
46.420 |
- |
Rừng sản xuất |
Ha |
310.000 |
4.430 |
3.190 |
47.150 |
70.080 |
26.050 |
40.970 |
17.130 |
57.820 |
43.180 |
- |
Rừng phòng hộ |
Ha |
150.000 |
|
|
12.550 |
15.730 |
49.720 |
8.430 |
43.100 |
17.230 |
3.240 |
- |
Rừng đặc dụng |
Ha |
36.000 |
|
|
|
15.900 |
20.100 |
|
|
|
|
2 |
Rừng sản xuất phân theo cơ cấu cây trồng |
Ha |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- |
Rừng gỗ nguyên liệu |
Ha |
100.000 |
4.400 |
1.000 |
22.600 |
5.100 |
|
20.700 |
|
13.200 |
33.000 |
- |
Diện tích quế |
Ha |
80.000 |
|
|
4.690 |
47.000 |
|
15.930 |
|
11.060 |
1.320 |
- |
Diện tích tre măng Bát độ |
Ha |
5.740 |
|
|
650 |
983 |
|
3.876 |
|
55 |
176 |
- |
Diện tích Sơn Tra |
Ha |
10.000 |
|
|
|
|
4.700 |
|
5.300 |
|
|
3 |
Diện tích khai thác hàng năm |
Ha |
10.000 |
250 |
300 |
2.150 |
1.850 |
|
1.800 |
|
700 |
2.950 |
- |
Rừng gỗ nguyên liệu |
Ha |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- |
Diện tích quế |
Ha |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4 |
Diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC |
Ha |
100.000 |
3.000 |
|
19.000 |
13.500 |
|
21.500 |
|
14.500 |
28.500 |
5 |
Diện tích quế được cấp chứng nhận hữu cơ |
Ha |
20.000 |
|
|
|
13.000 |
|
5.000 |
|
2.000 |
|
6 |
Kế hoạch trồng mới hàng năm |
|
15.000 |
250 |
300 |
2.500 |
2.800 |
250 |
2.700 |
250 |
3.000 |
2.950 |
- |
Trồng cây xanh (Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của quốc gia) Trong đó: |
1.000 cây |
30.510 |
25 |
25 |
2.100 |
5.625 |
2.025 |
5.500 |
1.425 |
13.760 |
25 |
+ |
Tập trung |
Nghìn cây |
5.510 |
|
|
100 |
1.500 |
2.000 |
|
1.400 |
510 |
|
+ |
Phân tán |
Nghìn cây |
25.000 |
25 |
25 |
2.000 |
4.125 |
25 |
5.500 |
25 |
13.250 |
25 |
7 |
Sản lượng khai thác |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- |
Gỗ rừng trồng |
M3 |
950.000 |
23.000 |
7.000 |
185.000 |
185.000 |
|
190.000 |
|
60.000 |
300.000 |
- |
Gỗ nguyên liệu giấy |
M3 |
275.000 |
7.000 |
3.000 |
60.000 |
40.000 |
|
60.000 |
|
15.000 |
90.000 |
- |
Quế vỏ |
Tấn |
18.000 |
|
|
620 |
7.000 |
|
3.500 |
|
6.880 |
|
- |
Măng tươi |
Tấn |
85.000 |
50 |
|
11.800 |
250 |
200 |
71.400 |
100 |
500 |
700 |
- |
Sơn Tra |
Tấn |
5.500 |
|
|
|
|
4.500 |
|
1.000 |
|
|
- |
Luồng vầu, tre trúc giang |
Tấn |
90.000 |
|
820 |
37.000 |
26.500 |
150 |
4.000 |
|
15.530 |
6.000 |
ĐỊNH HƯỚNG CƠ CẤU LẠI LĨNH VỰC THỦY SẢN TỈNH YÊN BÁI ĐẾN NĂM 2025
TT |
Các chỉ tiêu |
Đơn vị tính |
Tổng cộng |
TP. Yên Bái |
Thị xã Nghĩa Lộ |
Lục Yen |
Văn Yên |
Mù Cang Chải |
Trấn Yên |
Trạm Tấu |
Văn Chấn |
Yên Bình |
1 |
Diện tích nuôi trồng, khai thác thủy sản |
Ha |
22.500 |
336 |
133 |
5.032 |
355 |
118 |
732 |
31 |
267 |
15.496 |
2 |
Số lượng lồng cá trên hồ Thác Bà và các hồ lớn |
Lồng |
2.500 |
15 |
|
85 |
28 |
22 |
100 |
|
|
2.250 |
3 |
Sản lượng thủy sản |
Tấn |
15.000 |
407 |
491 |
1.950 |
947 |
100 |
2.177 |
68 |
730 |
8.130 |
|
Sản lượng nuôi trồng |
Tấn |
13.467 |
399 |
486 |
1.515 |
942 |
98 |
2.162 |
67 |
722 |
7.076 |
|
Sản lượng khai thác tự nhiên |
Tấn |
1.533 |
8 |
5 |
435 |
5 |
2 |
15 |
1 |
8 |
1.054 |
4 |
Số lượng cơ sở nuôi thủy sản tập trung |
Cơ sở |
31 |
|
|
|
|
5 |
1 |
|
5 |
20 |
5 |
Số cơ sở được cấp các chứng nhận về chất lượng (GAP…. ) |
Cơ sở |
5 |
|
|
|
1 |
|
1 |
|
|
3 |
TT |
Sản phẩm/Nội dung đầu tư |
ĐVT |
Thực hiện năm 2020 |
Tiến độ triển khai lũy kế đến năm 2025 |
||||
Năm 2021 |
Năm 2022 |
Năm 2023 |
Năm 2024 |
Năm 2025 |
||||
I |
NHÓM SẢN PHẨM CHỦ LỰC CỦA TỈNH |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Cây lương thực (lúa/gạo) |
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích sản xuất |
Ha |
42.862 |
42.200 |
42.200 |
42.200 |
42.200 |
42.200 |
b |
Diện tích tập trung, chuyên canh |
Ha |
5.000 |
5.000 |
5.000 |
5.000 |
5.000 |
5.000 |
|
Trong đó: |
Ha |
|
|
|
|
|
|
- |
Diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, hữu cơ...) |
Ha |
|
500 |
800 |
1.000 |
1.000 |
1.000 |
2 |
Cây sắn |
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích sản xuất |
Ha |
8.710 |
8.000 |
8.000 |
8.000 |
8.000 |
8.000 |
b |
Sản lượng |
Tấn |
171.561 |
160.000 |
160.000 |
160.000 |
160.000 |
160.000 |
3 |
Chè |
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích sản xuất |
Ha |
7.619 |
7.300 |
7.100 |
7.000 |
7.000 |
7.000 |
b |
Diện tích tập trung, chuyên canh |
Ha |
5.000 |
5.000 |
5.000 |
5.000 |
5.000 |
5.000 |
|
Trong đó: |
Ha |
|
|
|
|
|
|
- |
Diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, hữu cơ, R.A...) |
Ha |
300 |
500 |
1.000 |
1.500 |
1.500 |
1.500 |
4 |
Cây ăn quả |
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích sản xuất |
Ha |
9.754 |
10.000 |
10.000 |
10.000 |
10.000 |
10.000 |
b |
Diện tích tập trung, chuyên canh |
Ha |
4.000 |
5.000 |
5.000 |
5.000 |
5.000 |
5.000 |
|
Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
- |
Diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, hữu cơ) hoặc được cấp mã số vùng trồng |
Ha |
120 |
500 |
800 |
1.000 |
1.200 |
1.500 |
5 |
Quế và các sản phẩm từ quế |
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích sản xuất |
Ha |
78.000 |
79.000 |
80.000 |
80.000 |
80.000 |
80.000 |
b |
Diện tích tập trung, chuyên canh |
Ha |
|
35.000 |
35.000 |
35.000 |
35.000 |
35.000 |
|
Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
- |
Diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (GlobalGAP, hữu cơ...) |
Ha |
4.518 |
5.000 |
10.000 |
20.000 |
20.000 |
20.000 |
6 |
Gỗ rừng trồng |
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích rừng trồng nguyên liệu |
Ha |
90.000 |
100.000 |
100.000 |
100.000 |
100.000 |
100.000 |
b |
Diện tích rừng trồng hằng năm |
Ha |
16.000 |
15.500 |
15.500 |
15.000 |
15.000 |
15.000 |
c |
Diện tích rừng trồng gỗ lớn |
Ha |
|
22.951 |
33.271 |
39.841 |
43.401 |
44.651 |
d |
Diện tích được cấp chứng chỉ FSC |
Ha |
12.037 |
20.000 |
35.000 |
50.000 |
70.000 |
90.000 |
7 |
Sơn Tra |
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích sản xuất |
Ha |
9.213 |
10.000 |
10.000 |
10.000 |
10.000 |
10.000 |
b |
Diện tích tập trung, chuyên canh |
Ha |
|
2.000 |
2.000 |
2.000 |
2.000 |
2.000 |
|
Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
- |
Diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ... |
Ha |
|
200 |
500 |
1.000 |
1.000 |
1.000 |
8 |
Tre măng Bát độ |
|
|
|
|
|
|
|
|
Diện tích sản xuất |
Ha |
4.940 |
4.940 |
5.000 |
5.000 |
5.000 |
5.000 |
|
Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
- |
Diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, hữu cơ...) |
Ha |
|
|
1.000 |
1.000 |
1.000 |
1.000 |
9 |
Dâu tằm |
|
|
|
|
|
|
|
|
Diện tích sản xuất |
Ha |
827 |
1.350 |
1.550 |
1.750 |
2.000 |
2.000 |
10 |
Nuôi trồng khai thác, chế biến thủy sản |
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích nuôi trồng, khai thác |
Ha |
22.268 |
22.500 |
22.500 |
22.500 |
22.500 |
22.500 |
b |
Số lượng lồng nuôi |
Lồng |
2.280 |
2.500 |
2.500 |
2.500 |
2.500 |
2.500 |
c |
Sản lượng nuôi trồng, khai thác |
Tấn |
11.640 |
13.500 |
13.850 |
14.220 |
14.600 |
15.000 |
|
Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
- |
Số cơ sở nuôi trồng thủy sản được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP) |
Cơ sở |
|
5 |
8 |
8 |
8 |
8 |
11 |
Chăn nuôi, chế biến gia súc, gia cầm |
|
|
|
|
|
|
|
a |
Tổng đàn gia súc chính |
Con |
589.781 |
752.500 |
796.000 |
842.000 |
885.000 |
950.000 |
b |
Tổng đàn gia cầm |
1.000 con |
6.297 |
6.400 |
6.800 |
7.200 |
7.600 |
8.000 |
c |
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng (tấn/năm) |
Tấn |
54.434 |
58.000 |
58.500 |
59.000 |
60.000 |
61.000 |
d |
Số cơ sở được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (ATTP, VietGAP, hữu cơ...) |
Cơ sở |
|
10 |
20 |
30 |
40 |
50 |
đ |
Số lượng sản phẩm hoặc số cơ sở sơ chế, chế biến được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm (mã vạch hoặc mã QR) |
SP/CS |
|
10 |
20 |
25 |
30 |
35 |
II |
NHÓM SẢN PHẨM ĐẶC SẢN ĐỊA PHƯƠNG |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Gạo nếp Tú Lệ |
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích gieo trồng |
Ha |
100 |
100 |
200 |
300 |
300 |
300 |
b |
Sản lượng (thóc) |
Tấn |
400 |
400 |
800 |
1.200 |
1.200 |
1.200 |
- |
Diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận |
Ha |
|
50 |
100 |
100 |
100 |
100 |
- |
Sản phẩm hoặc cơ sở chế biến đóng gói được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm |
SP/CS |
|
2 |
2 |
2 |
2 |
2 |
2 |
Bưởi Đại Minh |
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích trồng |
Ha |
720 |
800 |
1.000 |
1.000 |
1.000 |
1.000 |
b |
Sản lượng (tấn/năm) |
Tấn |
15.000 |
15.000 |
15.000 |
15.000 |
15.000 |
15.000 |
- |
Diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận |
Ha |
50 |
100 |
250 |
500 |
500 |
500 |
- |
Sản phẩm hoặc cơ sở sơ chế, phân phối được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm |
SP/CS |
2 |
3 |
3 |
3 |
3 |
3 |
3 |
Cam sành Lục Yên |
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích (ha) |
Ha |
405 |
400 |
300 |
200 |
200 |
200 |
b |
Sản lượng (tấn/năm) |
Tấn |
1.800 |
1.500 |
1.800 |
2.000 |
2.000 |
2.000 |
- |
Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận |
Ha |
20 |
50 |
100 |
100 |
100 |
100 |
- |
Sản phẩm hoặc cơ sở sơ chế, phân phối được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm |
SP/CS |
1 |
2 |
2 |
2 |
2 |
2 |
4 |
Chè Shan hữu cơ |
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích |
Ha |
1.200 |
1.200 |
1.200 |
1.200 |
1.200 |
1.200 |
b |
Sản lượng |
Tấn |
1.800 |
2.000 |
2.000 |
2.000 |
2.000 |
2.000 |
- |
Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận |
Ha |
300 |
350 |
400 |
400 |
400 |
400 |
- |
Sản phẩm hoặc cơ sở sơ chế, phân phối được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm |
SP/CS |
3 |
5 |
5 |
5 |
5 |
5 |
5 |
Cây dược liệu |
|
|
|
|
|
|
|
- |
Diện tích |
Ha |
3.480 |
4.000 |
5.000 |
5.000 |
5.000 |
5.000 |
- |
Sản phẩm hoặc cơ sở sơ chế, phân phối được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm |
SP/CS |
2 |
5 |
5 |
5 |
5 |
5 |
6 |
Gà đen đặc sản vùng cao |
|
|
|
|
|
|
|
- |
Số lượng (con) |
Con |
127.840 |
150.000 |
150.000 |
150.000 |
150.000 |
150.000 |
- |
Số cơ sở chăn nuôi, trang trại sản xuất theo tiêu chuẩn ATTP, chứng nhận |
Cơ sở |
|
2 |
3 |
5 |
7 |
10 |
7 |
Lợn bản địa Yên Bái |
|
|
|
|
|
|
|
- |
Số lượng (con) |
Con |
84.000 |
85.000 |
86.000 |
87.000 |
88.000 |
89.000 |
- |
Số cơ sở chăn nuôi, trang trại sản xuất theo tiêu chuẩn ATTP, chứng nhận |
Cơ sở |
|
2 |
4 |
6 |
8 |
10 |
8 |
Vịt bầu lâm thượng |
|
|
|
|
|
|
|
- |
Số lượng (con) |
Con |
67.500 |
100.000 |
120.000 |
130.000 |
140.000 |
150.000 |
- |
Số cơ sở chăn nuôi, trang trại sản xuất theo tiêu chuẩn ATTP, chứng nhận |
Cơ sở |
|
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
9 |
Quế hữu cơ |
|
|
|
|
|
|
|
- |
Diện tích sản xuất |
Ha |
34.357 |
40.000 |
40.000 |
40.000 |
40.000 |
40.000 |
- |
Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận |
Ha |
4.518 |
5.000 |
10.000 |
20.000 |
20.000 |
20.000 |
- |
Sản phẩm hoặc cơ sở sơ chế, phân phối được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm |
SP/CS |
|
10 |
25 |
30 |
40 |
40 |
10 |
Sơn tra |
|
|
|
|
|
|
|
- |
Diện tích sản xuất |
Ha |
9.213 |
10.000 |
10.000 |
10.000 |
10.000 |
10.000 |
- |
Diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ |
Ha |
|
200 |
500 |
1.000 |
1.000 |
1.000 |
- |
Số lượng sản phẩm hoặc số cơ sở sơ chế, chế biến được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm (mã vạch hoặc mã QR) |
SP/CS |
2 |
5 |
7 |
7 |
7 |
7 |
TT |
Sản phẩm/Nội dung đầu tư |
ĐVT |
Kết quả năm 2020 |
Tổng đến năm 2025 |
Tiến độ triển khai chia ra các huyện, thị xã, thành phố lũy kế đến năm 2025 |
||||||||
Thành phố Yên Bái |
Thị xã Nghĩa Lộ |
Văn Chấn |
Trấn Yên |
Văn Yên |
Yên Bình |
Lục Yên |
Trạm Tấu |
Mù Cang Chải |
|||||
I |
NHÓM SẢN PHẨM CHỦ LỰC CỦA TỈNH |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Cây lương thực (lúa/gạo) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích sản xuất |
Ha |
42.862 |
42.200 |
600 |
4.200 |
5.400 |
4.500 |
6.100 |
4.250 |
7.250 |
3.500 |
6.400 |
b |
Diện tích tập trung, chuyên canh |
Ha |
5.000 |
5.000 |
|
1.000 |
1.200 |
|
1.200 |
600 |
1.000 |
|
|
|
Trong đó: |
Ha |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- |
Diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, hữu cơ...) |
Ha |
|
1.000 |
|
400 |
200 |
|
200 |
100 |
100 |
|
|
- |
Số lượng sản phẩm hoặc số cơ sở chế biến được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm (mã vạch hoặc mã QR) |
SP/CS |
|
20 |
|
8 |
4 |
|
4 |
2 |
2 |
|
|
2 |
Cây sắn |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích sản xuất |
Ha |
8.710 |
8.000 |
|
|
1.000 |
500 |
4.500 |
500 |
1.000 |
200 |
300 |
b |
Sản lượng |
Tấn |
171.561 |
160.000 |
|
|
15.000 |
7.800 |
105.200 |
11.000 |
15.000 |
2.500 |
3.500 |
3 |
Chè |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích sản xuất |
Ha |
7.619 |
7.000 |
70 |
450 |
4.450 |
420 |
125 |
480 |
205 |
600 |
200 |
b |
Diện tích tập trung, chuyên canh |
Ha |
5.000 |
5.000 |
|
450 |
3.750 |
200 |
100 |
300 |
100 |
100 |
|
|
Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- |
Diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, hữu cơ, R.A...) |
Ha |
300 |
1.500 |
|
|
1.100 |
200 |
|
|
|
200 |
|
- |
Số lượng sản phẩm được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm (mã vạch hoặc mã QR) |
SP/CS |
5 |
20 |
|
|
14 |
4 |
|
|
|
2 |
|
4 |
Cây ăn quả |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích sản xuất |
Ha |
9.754 |
10.000 |
200 |
300 |
3.100 |
1.100 |
1.300 |
1.900 |
1.300 |
300 |
500 |
b |
Diện tích tập trung, chuyên canh |
Ha |
4.000 |
5.000 |
|
|
2.400 |
500 |
300 |
1.200 |
600 |
|
|
|
Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- |
Diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, hữu cơ) hoặc được cấp mã số vùng trồng |
Ha |
120 |
1.500 |
|
|
500 |
200 |
|
500 |
300 |
|
|
- |
Số lượng sản phẩm được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm (mã vạch hoặc mã QR) |
SP/CS |
5 |
20 |
|
|
7 |
5 |
|
4 |
4 |
|
|
5 |
Quế và các sản phẩm từ quế |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích sản xuất |
Ha |
78.000 |
80.000 |
|
|
11.060 |
15.930 |
47.000 |
1.320 |
4.690 |
|
|
b |
Diện tích tập trung, chuyên canh |
Ha |
|
35.000 |
|
|
3.000 |
5.500 |
25.000 |
500 |
1.000 |
|
|
|
Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- |
Diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (GlobalGAP, hữu cơ...) |
Ha |
4.518 |
20.000 |
|
|
2.000 |
5.000 |
13.000 |
|
|
|
|
- |
Số lượng sản phẩm hoặc số cơ sở sơ chế, chế biến được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm (mã vạch hoặc mã QR) |
SP/CS |
|
25 |
|
|
4 |
8 |
13 |
|
|
|
|
6 |
Gỗ rừng trồng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích rừng trồng nguyên liệu |
Ha |
90.000 |
100.000 |
4.400 |
1.000 |
13.200 |
20.700 |
5.100 |
33.000 |
22.600 |
|
|
b |
Diện tích rừng trồng hằng năm |
Ha |
16.000 |
15.000 |
250 |
300 |
3.000 |
2.700 |
2.800 |
2.950 |
2.500 |
250 |
250 |
c |
Diện tích rừng trồng gỗ lớn |
Ha |
|
44.651 |
300 |
|
3.200 |
8.455 |
9.320 |
12.796 |
8.880 |
700 |
1.000 |
d |
Diện tích được cấp chứng chỉ FSC |
Ha |
12.037 |
100.000 |
3.000 |
|
14.500 |
21.500 |
13.500 |
28.500 |
19.000 |
|
|
đ |
Số lượng sản phẩm hoặc số cơ sở sơ chế, chế biến được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm (mã vạch hoặc mã QR) |
SP/CS |
|
20 |
3 |
|
3 |
4 |
3 |
5 |
2 |
|
|
7 |
Sơn Tra |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích sản xuất |
Ha |
9.213 |
10.000 |
|
|
|
|
|
|
|
4.700 |
5.300 |
b |
Diện tích tập trung, chuyên canh |
Ha |
|
2.000 |
|
|
|
|
|
|
|
1.000 |
1.000 |
|
Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- |
Diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ... |
Ha |
|
1.000 |
|
|
|
|
|
|
|
200 |
800 |
- |
Số lượng sản phẩm hoặc số cơ sở chế biến được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm (mã vạch hoặc mã QR) |
SP/CS |
2 |
4 |
|
|
|
|
|
|
|
1 |
3 |
8 |
Tre măng Bát độ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Diện tích sản xuất |
Ha |
4.940 |
5.740 |
|
|
55 |
3.876 |
983 |
176 |
650 |
|
|
|
Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- |
Diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, hữu cơ...) |
Ha |
|
1.000 |
|
|
|
900 |
100 |
|
|
|
|
- |
Số lượng sản phẩm hoặc số cơ sở chế biến được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm (mã vạch hoặc mã QR) |
SP/CS |
2 |
4 |
|
|
|
3 |
|
1 |
|
|
|
9 |
Dâu tằm |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Diện tích sản xuất |
Ha |
827 |
2.000 |
|
|
250 |
1.500 |
250 |
|
|
|
|
10 |
Nuôi trồng khai thác, chế biến thủy sản |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích nuôi trồng, khai thác |
Ha |
22.268 |
22.500 |
336 |
133 |
267 |
732 |
355 |
15.496 |
5.032 |
31 |
118 |
b |
Số lượng lồng nuôi |
Lồng |
2.280 |
2.500 |
15 |
|
|
100 |
28 |
2.250 |
85 |
|
22 |
c |
Sản lượng nuôi trồng, khai thác |
Tấn |
11.640 |
15.000 |
407 |
491 |
730 |
2.177 |
947 |
8.130 |
1.950 |
68 |
100 |
|
Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- |
Số cơ sở nuôi trồng thủy sản được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP) |
Cơ sở |
|
8 |
|
|
|
1 |
|
6 |
1 |
|
|
- |
Số lượng sản phẩm hoặc số cơ sở chế biến được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm (mã vạch hoặc mã QR) |
SP/CS |
|
5 |
|
|
|
1 |
|
3 |
1 |
|
|
11 |
Chăn nuôi, chế biến gia súc, gia cầm |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
a |
Tổng đàn gia súc chính |
Con |
589.781 |
950.000 |
40.000 |
73.000 |
150.000 |
105.000 |
170.000 |
150.000 |
110.000 |
62.000 |
90.000 |
b |
Tổng đàn gia cầm |
1.000 con |
6.297 |
8.000 |
600 |
590 |
1.100 |
1.900 |
1.200 |
1.000 |
1.200 |
160 |
250 |
c |
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng (tấn/năm) |
Tấn |
54.434 |
61.000 |
9.680 |
4.560 |
6.700 |
10.490 |
9.490 |
8.540 |
7.340 |
700 |
3.500 |
d |
Số cơ sở được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (ATTP, VietGAP, hữu cơ..) |
Cơ sở |
|
50 |
3 |
6 |
7 |
10 |
5 |
5 |
6 |
4 |
4 |
đ |
Số lượng sản phẩm hoặc số cơ sở chế biến được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm (mã vạch hoặc mã QR) |
SP/CS |
|
35 |
5 |
5 |
5 |
5 |
5 |
5 |
5 |
|
|
II |
NHÓM SẢN PHẨM ĐẶC SẢN ĐỊA PHƯƠNG |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Gạo nếp Tú Lệ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích gieo trồng |
Ha |
100 |
100 |
|
|
100 |
|
|
|
|
|
|
b |
Sản lượng (thóc) |
Tấn |
400 |
400 |
|
|
400 |
|
|
|
|
|
|
- |
Diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận |
Ha |
|
80 |
|
|
80 |
|
|
|
|
|
|
- |
Sản phẩm hoặc cơ sở chế biến đống gói được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm |
SP/CS |
|
2 |
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
2 |
Bưởi Đại Minh |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích trồng |
Ha |
720 |
1.000 |
|
|
|
|
|
1.000 |
|
|
|
b |
Sản lượng (tấn/năm) |
Tấn |
15.000 |
15.000 |
|
|
|
|
|
15.000 |
|
|
|
- |
Diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận |
Ha |
50 |
500 |
|
|
|
|
|
500 |
|
|
|
- |
Sản phẩm hoặc cơ sở sơ chế, phân phối được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm |
SP/CS |
2 |
3 |
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
3 |
Cam sành Lục Yên |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích (ha) |
Ha |
405 |
200 |
|
|
|
|
|
|
200 |
|
|
b |
Sản lượng (tấn/năm) |
Tấn |
1.800 |
1.000 |
|
|
|
|
|
|
1.000 |
|
|
- |
Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận |
Ha |
20 |
100 |
|
|
|
|
|
|
100 |
|
|
- |
Sản phẩm hoặc cơ sở sơ chế, phân phối được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm |
SP/CS |
1 |
2 |
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
4 |
Chè Shan hữu cơ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
a |
Diện tích |
Ha |
1.200 |
1.200 |
|
|
1.000 |
|
|
|
|
200 |
|
b |
Sản lượng |
Tấn |
1.800 |
2.000 |
|
|
1.800 |
|
|
|
|
200 |
|
- |
Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận |
Ha |
300 |
400 |
|
|
300 |
50 |
|
|
|
50 |
|
- |
Sản phẩm hoặc cơ sở phân phối được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm |
SP/CS |
3 |
5 |
|
|
5 |
|
|
|
|
|
|
5 |
Cây dược liệu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- |
Diện tích |
Ha |
3.480 |
5.000 |
50 |
50 |
800 |
150 |
300 |
150 |
200 |
350 |
2.950 |
- |
Sản phẩm hoặc cơ sở phân phối được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm |
SP/CS |
2 |
5 |
|
|
|
4 |
|
1 |
|
|
|
6 |
Gà đen đặc sản vùng cao |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- |
Số lượng (con) |
Con |
127.840 |
150.000 |
|
|
|
|
54.320 |
|
2.350 |
40.180 |
53.150 |
- |
Số cơ sở chăn nuôi, trang trại sản xuất theo tiêu chuẩn ATTP, chứng nhận |
Cơ sở |
|
10 |
|
|
|
|
3 |
|
3 |
2 |
2 |
7 |
Lợn bản địa Yên Bái |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- |
Số lượng (con) |
Con |
84.000 |
89.000 |
|
|
14.250 |
|
7.240 |
|
3.160 |
16.300 |
48.050 |
- |
Số cơ sở chăn nuôi, trang trại sản xuất theo tiêu chuẩn ATTP, chứng nhận |
Cơ sở |
|
10 |
|
|
3 |
|
2 |
|
1 |
2 |
2 |
8 |
Vịt bầu lâm thượng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- |
Số lượng (con) |
Con |
67.500 |
150.000 |
|
|
|
|
4.000 |
|
146.000 |
|
|
- |
Số cơ sở chăn nuôi, trang trại sản xuất theo tiêu chuẩn ATTP, chứng nhận |
Cơ sở |
|
5 |
|
|
|
|
1 |
|
4 |
|
|
9 |
Quế hữu cơ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- |
Diện tích sản xuất |
Ha |
34.357 |
40.000 |
|
|
4.000 |
6.500 |
28.000 |
500 |
1.000 |
|
|
- |
Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận |
Ha |
4.518 |
20.000 |
|
|
2.000 |
5.000 |
13.000 |
|
|
|
|
- |
Sản phẩm hoặc cơ sở được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm |
SP/CS |
|
40 |
|
|
|
15 |
25 |
|
|
|
|
10 |
Sơn tra |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- |
Diện tích sản xuất |
Ha |
9.213 |
10.000 |
|
|
|
|
|
|
|
4.700 |
5.300 |
- |
Diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ |
Ha |
|
1.000 |
|
|
|
|
|
|
|
200 |
800 |
- |
Số lượng sản phẩm hoặc số cơ sở chế biến được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm (mã vạch hoặc mã QR) |
SP/CS |
2 |
7 |
|
|
|
|
|
|
|
|
7 |
TT |
Nội dung/chính sách đầu tư |
ĐVT |
Tổng số |
Ngân sách Trung ương |
Ngân sách địa phương |
Các nguồn vốn khác |
Ghi chú |
|
TỔNG CỘNG |
Triệu đồng |
8.418.455 |
2.607.449 |
3.325.302 |
2.485.704 |
|
I |
Chương trình MTQG xây dựng NTM |
Triệu đồng |
8.033.455 |
2.607.449 |
2.940.302 |
2.485.704 |
|
1 |
Huyện Lục Yên |
Triệu đồng |
1.183.500 |
528.700 |
485.000 |
169.800 |
|
2 |
TP Yên Bái |
Triệu đồng |
572.300 |
48.000 |
376.000 |
148.300 |
|
3 |
Huyện Trạm Tấu |
Triệu đồng |
1.315.800 |
438.000 |
410.500 |
467.300 |
|
4 |
Huyện Trấn Yên |
Triệu đồng |
1.048.250 |
150.000 |
510.000 |
388.250 |
|
5 |
Huyện Văn Yên |
Triệu đồng |
920.000 |
455.000 |
202.000 |
263.000 |
|
6 |
Thị xã Nghĩa Lộ |
Triệu đồng |
690.000 |
200.000 |
200.000 |
290.000 |
|
7 |
Huyện Yên Bình |
Triệu đồng |
533.000 |
82.000 |
260.000 |
191.000 |
|
8 |
Huyện Văn Chấn |
Triệu đồng |
1.103.000 |
369.000 |
327.100 |
406.900 |
|
9 |
Huyện Mù Cang Chải |
Triệu đồng |
667.605 |
336.749 |
169.702 |
161.154 |
|
II |
Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản |
Triệu đồng |
385.000 |
|
385.000 |
|
|
1 |
Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã được quy định tại Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 |
Triệu đồng |
300.000 |
|
300.000 |
|
|
2 |
Quan trắc môi trường và thả bổ sung nguồn lợi thủy sản hồ Thác bà |
Triệu đồng |
10.000 |
|
10.000 |
|
|
3 |
Kinh phí hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại lĩnh vực nông nghiệp |
Triệu đồng |
25.000 |
|
25.000 |
|
|
4 |
Các chương trình, đề án, dự án mới giai đoạn 2021-2025 |
Triệu đồng |
50.000 |
|
50.000 |
|
|
TT |
Dự án/nội dung hỗ trợ |
Số dự án đăng ký |
Nhu cầu kinh phí hỗ trợ |
|||||
Tổng số |
Năm 2021 |
Năm 2022 |
Năm 2023 |
Năm 2024 |
Năm 2025 |
|||
|
TỔNG CỘNG |
|
300.000 |
64.099 |
64.981 |
64.561 |
58.267 |
48.093 |
1 |
Phát triển chè vùng cao |
3 |
10.000 |
1.700 |
2.200 |
4.000 |
2.100 |
|
2 |
Phát triển chè vùng thấp |
7 |
13.100 |
2.240 |
4.360 |
3.800 |
2.000 |
700 |
3 |
Phát triển cây ăn quả |
19 |
25.320 |
4.360 |
6.720 |
5.960 |
4.820 |
3.460 |
4 |
Phát triển trồng dâu nuôi tằm |
23 |
21.300 |
3.340 |
5.210 |
4.450 |
4.350 |
3.950 |
5 |
Phát triển cây dược liệu (24 dự án - Diện tích trồng mới, ha) |
975 |
48.750 |
9.250 |
11.000 |
10.500 |
9.750 |
8.250 |
6 |
Phát triển quế hữu cơ (18 dự án - Diện tích chứng nhận ha) |
48.000 |
24.750 |
7.100 |
7.900 |
5.550 |
1.850 |
2.350 |
7 |
Phát triển, chế biến sơn Tra |
1 |
2.300 |
2.300 |
|
|
|
|
8 |
Phát triển rừng nguyên liệu theo hướng bền vững (ha) |
30.500 |
61.000 |
12.200 |
12.200 |
12.200 |
12.200 |
12.200 |
9 |
Hỗ trợ phát triển sản phẩm măng tre Bát độ |
3 |
3.260 |
1.380 |
350 |
350 |
930 |
250 |
10 |
Phát triển thủy sản |
1 |
3.500 |
3.500 |
|
|
|
|
11 |
Phát triển chăn nuôi hàng hóa theo chuỗi liên kết |
35 |
9.280 |
3.520 |
1.280 |
1.600 |
1.600 |
1.280 |
12 |
Phát triển chăn nuôi đặc sản, hữu cơ (cơ sở) |
1.557 |
35.601 |
7.209 |
7.761 |
7.151 |
6.827 |
6.653 |
13 |
Hỗ trợ cơ sở giết mổ gia súc gia cầm |
4 |
11.840 |
|
|
3.000 |
5.840 |
3.000 |
14 |
Chính sách hỗ trợ lãi xuất vốn vay phát triển chăn nuôi lợn |
|
|
|
|
|
|
|
15 |
Chính sách hỗ trợ cải tạo đàn trâu bò |
|
10.000 |
2.000 |
2.000 |
2.000 |
2.000 |
2.000 |
16 |
Chính sách khác |
|
20.000 |
4.000 |
4.000 |
4.000 |
4.000 |
4.000 |
BỘ TIÊU CHÍ GIÁM SÁT ĐÁNH GIÁ VỀ CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
TT |
Tên và nội dung tiêu chí |
Đơn vị tính |
Toàn quốc |
Tỉnh Yên Bái |
Ghi chú |
1 |
Tốc độ tăng giá trị gia tăng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản |
%/năm |
≥ 2,5 |
4,5 |
|
2 |
Tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực trồng trọt |
%/năm |
≥ 1,8 |
1,8 |
|
3 |
Tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực chăn nuôi |
%/năm |
≥ 3,5 |
>6 |
|
4 |
Tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực thủy sản |
%/năm |
≥ 3,3 |
>6 |
|
5 |
Tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp |
%/năm |
≥ 4,5 |
>7 |
|
6 |
Tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản |
%/năm |
≥ 8 |
8 |
|
7 |
Tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản |
%/năm |
≥ 7 |
7 |
|
8 |
Tỷ lệ giá trị sản phẩm NLTS được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 07/5/2018 của Chính phủ |
% (Đến năm 2025) |
≥ 30 |
30 |
|
9 |
Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương |
% (Đến năm 2025) |
≥ 25 |
25 |
|
10 |
Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao |
% (Đến năm 2025) |
≥ 20 |
20 |
|
11 |
Tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả |
% (Đến năm 2025) |
≥ 80 |
80 |
|
12 |
Tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước |
% (Đến năm 2025) |
≥ 35 |
35 |
|
13 |
Tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được quản lý bền vững có xác nhận |
% (Đến năm 2025) |
≥ 30 |
30 |
|
14 |
Tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo |
% (Đến năm 2025) |
≥ 55 |
55 |
|
15 |
Tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi lợn trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch |
% (Đến năm 2025) |
≥ 70 |
70 |
|
1 Trồng trọt 44,57%, chăn nuôi 24,20%, dịch vụ 0,80%; lâm nghiệp 26,20%; thuỷ sản 4,23%.
2 Giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng trọt bình quân đạt 65 triệu đồng/01 ha/năm, tăng gần 11 triệu đồng/ha so với năm 2015, trong đó, trên 20.000 ha sản phẩm chủ lực đạt từ 250 - 300 triệu đồng/năm; giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 200 triệu đồng, gấp gần 2 lần năm 2015; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại năm 2020 đạt 54.434 tấn, tăng 37,8% so với năm 2015 (năm 2015 đạt 39.504 tấn).
3 Gồm: Vùng quế gần 78.000 ha; măng tre Bát Độ trên 6.600 ha; Sơn tra gần 10.000 ha; lúa đặc sản chất lượng cao 3.000 ha, ngô 15.000 ha; cây ăn quả 9.754 ha; chè 7.619 ha (chè Shan trên 1.700 ha, chè giống tiến bộ kỹ thuật trên 3.500 ha); dâu tằm trên 827 ha; đàn trâu, bò gần 130.000 con; nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất khoảng 100.000 ha; vùng nuôi thủy sản gần 2.600 ha và 2.280 lồng cá.
4 Lương thực có hạt; chè; dâu tằm; cây ăn quả; sản phẩm chăn nuôi; quế; sơn tra; tre măng Bát độ; gỗ nguyên liệu; sản phẩm nuôi trồng và khai thác thủy sản.
5 Lúa nếp đặc sản xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn; chè Shan hữu cơ của Văn Chấn và Trạm Tấu; bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình; cam Sành Lục Yên; vịt bầu Lâm Thượng, Lục Yên; gà đen đặc sản vùng cao; lợn bản địa Yên Bái; Sơn tra Mù Cang Chải và Trạm Tấu; quế sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ và các chủng loại cây dược liệu.
6 Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 5.355,2 tỷ đồng; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 1.863,8 tỷ đồng; giá trị sản xuất thủy sản đạt 306,6 tỷ đồng.
7 Các làng nghề hiện có: Miến đao Giới Phiên tại thành phố Yên Bái; tranh đá quý huyện Lục Yên; trồng, chế biến và bảo quản chè đặc sản Suối Giàng huyện Văn Chấn; dệt thổ cẩm xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ; dâu tằm và miến dong huyện Trấn Yên, đan rọ tôm huyện Yên Bình, sản xuất mỹ nghệ thủ công từ cây quế huyện Văn Yên...
8 Bao gồm: cánh đồng Mường Lò (2.500 ha), cánh đồng Đại Phú An (600 ha), cánh đồng Mường Lai Vĩnh Lạc (500 ha), các xã vùng thâm canh lúa huyện Trấn Yên (500 ha), các xã vùng đông hồ huyện Yên Bình (500 ha).
Quyết định 1594/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025
Số hiệu: | 1594/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Yên Bái |
Người ký: | Nguyễn Thế Phước |
Ngày ban hành: | 29/07/2021 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 1594/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025
Chưa có Video