THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1579/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2023 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỈNH PHÚ THỌ THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 06 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 06 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 06 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021- 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 05 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 08 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 05 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch; Nghị quyết 119/NQ-CP ngày 27 tháng 09 năm 2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030;
Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 09 tháng 04 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Báo cáo thẩm định số 1561/BC-HĐTĐ ngày 07 tháng 3 năm 2023 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh về Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tỉnh; ý kiến của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh về việc rà soát hồ sơ, tài liệu Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại văn bản số 5856/CV-HĐTĐ ngày 25 tháng 07 năm 2023;
Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tại Tờ trình số 3889/TTr-UBND ngày 05 tháng 10 năm 2023 và Tờ trình số 4407/TTr-UBND ngày 07 tháng 11 năm 2023 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 9110/BKHĐT-QLQH ngày 01 tháng 11 năm 2023 về hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) với những nội dung chủ yếu sau:
I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH
Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch: Tỉnh Phú Thọ với tổng diện tích tự nhiên 3.534,6 km2 gồm 13 đơn vị hành chính gồm thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và 11 huyện (Lâm Thao, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Ba, Đoan Hùng, Phù Ninh, Thanh Thủy, Tam Nông). Ranh giới tọa độ địa lý từ 20°55’ đến 21°43’ vĩ độ Bắc và 104°48′ đến 105°27′ kinh độ Đông, thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc. Phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình, phía Đông giáp tỉnh Vĩnh Phúc, phía Đông Nam giáp thành phố Hà Nội, phía Tây giáp tỉnh Sơn La và tỉnh Yên Bái.
II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ CÁC ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN
a) Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng Đất Tổ, cội nguồn dân tộc phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành, lĩnh vực của cả nước, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội; đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện mọi mặt của đời sống Nhân dân.
b) Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng gắn với tăng trưởng xanh; lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn làm yếu tố then chốt để đảm bảo phát triển bền vững; trong đó chú trọng phát huy có hiệu quả các nguồn lực về con người, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; hội nhập quốc tế và tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
c) Thực hiện cơ cấu lại các ngành sản xuất, chuyển đổi mô hình phát triển theo chiều sâu; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ, du lịch trọng điểm. Tổ chức, sắp xếp không gian phát triển khu vực đô thị và nông thôn, trong đó chú trọng vùng động lực. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hệ thống giao thông, hạ tầng khu công nghiệp và hạ tầng du lịch.
d) Phát huy tối đa nhân tố con người, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Đất Tổ, sự năng động và khát vọng đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vượt lên mạnh mẽ và bền vững của Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ. Lấy đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục và đào tạo; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số để tăng năng suất lao động.
đ) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
2. Mục tiêu phát triển đến năm 2030
a) Mục tiêu tổng quát
Khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phát huy bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng; phấn đấu đến năm 2030 Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ và từng bước hình thành các trung tâm phát triển về du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại và logistics của tiểu vùng Tây Bắc. Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với sử dụng bền vững tài nguyên, hệ sinh thái. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng Đất Tổ với hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
b) Mục tiêu cụ thể
- Về kinh tế
+ Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt từ 10,5%/năm trở lên.
+ GRDP bình quân theo đầu người năm 2030 đạt 6.000 - 6.200 USD.
+ Cơ cấu GRDP đến năm 2030: Công nghiệp - xây dựng, chiếm 48 - 50%; dịch vụ chiếm 33 - 35%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 12 - 14%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3 - 5%.
+ Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021-2030 đạt từ 800 nghìn tỷ đồng trở lên, trong đó tỷ trọng vốn FDI chiếm 19 - 20%.
+ Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 8%/năm trong thời kỳ 2021-2030.
+ Tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 15% GRDP vào năm 2025 và bằng mức bình quân của cả nước từ năm 2030 trở đi; mức đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 45% vào năm 2030.
+ Thuộc nhóm dẫn đầu của vùng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).
- Về xã hội
+ Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trong thời kỳ 2021-2030 bình quân đạt 1,08%/năm.
+ Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 100%.
+ Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 17 bác sĩ; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 57 giường bệnh (không bao gồm giường bệnh trạm y tế).
+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%.
+ Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 85% và nông thôn mới nâng cao đạt 40%.
+ Diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 39,95 m2 sàn/người; Tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố toàn tỉnh phấn đấu đạt khoảng 99%.
- Về đô thị và kết cấu hạ tầng
+ Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt 30 - 32%.
+ Tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt tối thiểu trên 90% và phổ cập Internet băng rộng như một tiện ích thiết yếu đến 80% người dân.
+ Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đối với thành thị đạt 100%, nông thôn đạt 50%.
+ Hạ tầng giao thông vận tải thông suốt, an toàn; hạ tầng thủy lợi, đê điều, hồ đập bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, chủ động tiêu, thoát nước; đảm bảo nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt.
- Về môi trường
+ Đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt thu gom được xử lý khu vực đô thị đạt khoảng 90% - 100%, khu vực nông thôn khoảng 80% - 95%; 100% chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường.
+ 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường.
+ Duy trì ổn định diện tích rừng và cơ cấu 03 loại rừng với tỷ lệ độ che phủ rừng đạt khoảng 38 - 39%.
- Về quốc phòng, an ninh: Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, môi trường, củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
3. Tầm nhìn phát triển đến năm 2050
Phú Thọ là tỉnh phát triển ở khu vực phía Bắc, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của cả nước. Là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ và du lịch hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc; là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.
4. Các nhiệm vụ và đột phá chiến lược
Thực hiện các nhiệm vụ và đột phá chiến lược, bao gồm: Một trung tâm - Hai hành lang kinh tế - Ba đột phá phát triển - Bốn nhiệm vụ trọng tâm.
a) Một trung tâm: Xây dựng và phát triển đô thị Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, là đô thị trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I.
b) Hai hành lang kinh tế: (i) Hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai; (ii) Hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây; trọng tâm là hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng, khu du lịch, dịch vụ có quy mô lớn, tạo đột phá đối với sự phát triển của tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
c) Ba đột phá phát triển: (i) Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, trọng tâm là đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng then chốt: Giao thông liên vùng, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị và du lịch; (ii) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật; (iii) Cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị địa phương; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
d) Bốn nhiệm vụ trọng tâm: (i) Phát huy lợi thế so sánh để phát triển nhanh công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch; đổi mới mô hình, tổ chức sản xuất trong nông, lâm nghiệp theo hướng hiện đại; (ii) Thu hút có hiệu quả nguồn vốn ngoài tỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, thu hút và quản lý đầu tư; (iii) Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ; (iv) Xây dựng Phú Thọ trở thành Trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc ở các lĩnh vực: Du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại, logistics.
III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH, LĨNH VỰC QUAN TRỌNG
- Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển và giữ vững vai trò là trung tâm công nghiệp của vùng trung du và miền núi phía Bắc; hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ.
- Ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao (chế biến, chế tạo, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí lắp ráp hiện đại, máy nông nghiệp, thiết bị, dụng cụ y tế,...); phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; cơ cấu lại và nâng cao giá trị các sản phẩm công nghiệp truyền thống (hóa chất, giấy, phân bón, vật liệu xây dựng) theo hướng có chọn lọc để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm dịch vụ chất lượng và giá trị gia tăng cao như bán buôn và bán lẻ phân khúc trung, cao cấp; du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi, giải trí chất lượng cao, giáo dục và đào tạo, y tế chất lượng cao,... Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ: Dịch vụ logistics, vận tải đường thuỷ nội địa và đường sắt, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, dịch vụ kinh doanh bất động sản, dịch vụ hành chính công,...
- Hình thành chuỗi cung ứng, phân phối hiện đại cho tiểu vùng Tây Bắc với định hướng lâu dài phát triển Phú Thọ trở thành một trong những trung tâm thương mại, logistics của vùng. Xây dựng thị trường thương mại có tính cạnh tranh, đưa thương mại điện tử dần trở thành một trong những kênh phân phối quan trọng.
- Tập trung phát triển du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước; hình thành một số khu du lịch trọng điểm kết nối với các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội; chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch: Du lịch văn hóa, lịch sử gắn với thành phố lễ hội Việt Trì và hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; du lịch nghỉ dưỡng, sân gôn và vui chơi giải trí. Phát triển thành phố Việt Trì trở thành trung tâm du lịch, là cửa ngõ đón du khách của toàn vùng.
3. Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản
- Phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung gắn với chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp thông minh gắn kết chặt chẽ với sử dụng công nghệ sau thu hoạch, chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Hình thành một số vùng sản xuất cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp tập trung, quy mô lớn, có lợi thế; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ phát triển kinh tế hộ sản xuất hàng hóa; phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản địa phương có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao.
4. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực khác
a) Giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp: Duy trì chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn thuộc tốp đầu cả nước. Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông được phát triển hợp lý, nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu xã hội về tiếp cận dịch vụ giáo dục. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đón đầu hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp lý, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội. Tập trung đầu tư, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Hùng Vương, Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ và Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh và các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.
b) Y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân: Phát triển hệ thống y tế theo hướng hiện đại, đồng bộ, toàn diện; nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tăng cường đầu tư các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; chú trọng phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu trên địa bàn; kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền. Tạo điều kiện thu hút xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, phát triển hệ thống khám chữa bệnh ngoài công lập. Phấn đấu đưa Phú Thọ thành trung tâm y tế kỹ thuật chuyên sâu của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
c) Văn hóa và thể dục, thể thao: Xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc vùng Đất Tổ, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa của các dân tộc. Xây dựng và phát triển tỉnh Phú Thọ thành trung tâm văn hóa về cội nguồn của cả nước. Bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại gắn với phát triển du lịch. Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Phát triển thể dục, thể thao toàn diện, liên tục, bền vững, lành mạnh hóa môi trường sống. Từng bước xây dựng lực lượng thể thao chuyên nghiệp, xây dựng Phú Thọ trở thành một trong những trung tâm thể dục, thể thao của vùng và cả nước. Khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao trong tổ chức sự kiện lớn của quốc gia và quốc tế.
d) Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển đồng bộ, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm các ngành khoa học, kỹ thuật. Lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng. Phát huy các cơ sở, viện nghiên cứu và đội ngũ cán bộ khoa học hiện có để tiếp thu, làm chủ các công nghệ tiên tiến.
đ) Thông tin truyền thông: Chuyển đổi số căn bản, toàn diện trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường. Phát triển mạnh mẽ các loại hình thông tin báo chí, đặc biệt chú trọng phát triển các loại hình thông tin điện tử, tăng cường quản lý truyền thông trên nền tảng số.
e) An sinh xã hội: Thực hiện tốt chính sách xã hội, chăm sóc người có công; hỗ trợ những người yếu thế vươn lên hòa nhập cộng đồng. Tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp xã hội.
g) Quốc phòng, an ninh: Xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, củng cố khu vực phòng thủ vững chắc; chủ động phòng ngừa và đấu tranh với các thế lực thù địch và các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện kết hợp giữa đảm bảo quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và hoạt động đối ngoại.
IV. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG ĐÔ THỊ, NÔNG THÔN VÀ CÁC KHU CHỨC NĂNG
1. Phương án quy hoạch hệ thống đô thị
- Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa đến năm 2030 đạt tỷ lệ khoảng 30 - 32%; mở rộng địa giới hành chính, nâng cấp một số đơn vị hành chính cấp huyện. Phát triển hệ thống đô thị gắn với phát triển các khu chức năng (khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch, khu thể dục thể thao). Nâng cao chất lượng đô thị hóa gắn với hiệu quả kinh tế đô thị, đồng bộ về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, đảm bảo chất lượng sống của người dân.
- Đến năm 2030, toàn tỉnh có 22 đô thị gồm:
+ 01 đô thị loại I: Thành phố Việt Trì;
+ 01 đô thị loại II: Nâng cấp từ thị xã Phú Thọ lên thành phố trực thuộc tỉnh;
+ 09 đô thị loại IV: Hùng Sơn, Lâm Thao, Thanh Thủy, Hưng Hóa, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Yên Lập, Tân Phú, Hạ Hòa; 03 đô thị loại IV mở rộng: Phong Châu, Thanh Ba, Thanh Sơn;
+ 08 đô thị loại V thành lập mới (Vạn Xuân, Phú Lộc, Tây Cốc, Hiền Lương, Minh Tân, Thu Cúc, Hương Cần, Hoàng Xá).
(Chi tiết tại Phụ lục I kèm theo)
2. Phương án phát triển khu vực nông thôn
- Tổ chức không gian khu vực nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa và đặc thù của từng khu vực; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và cơ sở sản xuất theo mô hình nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
- Phát triển các loại hình, kiến trúc nhà ở nông thôn gắn với sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, du lịch sinh thái gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp,... Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của làng, xã gắn với đặc trưng văn hoá Đất Tổ.
3. Phương án phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp
a) Khu công nghiệp: Đến năm 2030, tỉnh Phú Thọ phát triển 12 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 5.095 ha, bao gồm:
- Tập trung đầu tư 07 khu công nghiệp: Thụy Vân, Trung Hà, Phú Hà, Cẩm Khê, Tam Nông, Hạ Hòa, Phù Ninh.
- Hình thành 05 khu công nghiệp mới: Thanh Ba, Bắc Sơn, Đồng Lương, Đoan Hùng, Võ Miếu.
(Chi tiết tại Phụ lục II kèm theo)
b) Cụm công nghiệp: Đến năm 2030, tỉnh Phú Thọ phát triển 40 - 45 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng trên 2.500 ha.
(Chi tiết tại Phụ lục III kèm theo)
4. Phương án phát triển khu du lịch
- Đến năm 2030 có 02 khu du lịch quốc gia gồm: Khu du lịch quốc gia Đền Hùng và khu du lịch quốc gia Xuân Sơn (gắn với Vườn quốc gia Xuân Sơn).
- Đến năm 2030 có từ 03 đến 05 khu du lịch cấp tỉnh tại thành phố Việt Trì, các huyện: Thanh Thủy, Hạ Hòa, Tam Nông, Tân Sơn,…
5. Phương án phát triển các khu vực có vai trò động lực, khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn
a) Các khu vực có vai trò động lực
Khu vực có vai trò động lực phát triển kinh tế về công nghiệp, xây dựng, trung tâm văn hóa lễ hội, dịch vụ, hành chính của tỉnh gồm thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, các huyện Lâm Thao, Tam Nông, Cẩm Khê, Thanh Ba, Phù Ninh. Khu vực này tiếp tục thu hút đầu tư phát triển, trong đó tập trung vào 02 tuyến hành lang kinh tế dọc 02 tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và cao tốc Bắc - Nam phía Tây, các trung tâm đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng.
b) Các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn
- Ưu tiên đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu (giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, chợ, viễn thông). Kết nối mạng lưới giao thông nông thôn với các trục đường tỉnh, quốc lộ. Đầu tư, hỗ trợ các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư đối với các hộ cư trú phân tán trong các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai cao.
- Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách cho đối tượng thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng dân tộc thiểu số. Phát triển đa dạng các hình thức dạy nghề và giải quyết việc làm phù hợp với điều kiện và tập quán dân cư vùng dân tộc, miền núi. Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân.
- Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, sinh thái ở một số địa bàn có điều kiện, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong đó chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản dựa trên các sản phẩm có lợi thế như chè, các sản phẩm gỗ, dược liệu. Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Đến năm 2030, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 1 - 2%; cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
V. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG KỸ THUẬT
1. Phương án phát triển mạng lưới giao thông
Bám sát định hướng của quy hoạch cấp quốc gia để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh đảm bảo đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy liên kết vùng. Tăng cường ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong phát triển hệ thống giao thông thông minh; điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông, giảm thời gian, chi phí đi lại, thuận tiện và thân thiện với môi trường, nhất là hệ thống giao thông kết nối phục vụ phát triển kinh tế - xã hội về lâu dài.
a) Đường bộ quốc gia
Thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ- TTg ngày 01 tháng 9 năm 2021, trong đó:
- Đường cao tốc: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (CT.05) đoạn qua tỉnh Phú Thọ quy mô 6 làn xe; Đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây (CT.02) đoạn Tuyên Quang - Phú Thọ quy mô 4 làn xe, đoạn Phú Thọ - Ba Vì (Hà Nội) quy mô 6 làn xe.
- Đường quốc lộ:
+ Tập trung nâng cấp, cải tạo hệ thống quốc lộ chính yếu, đặc biệt ưu tiên đầu tư nâng cấp quốc lộ 2, quốc lộ 32, quốc lộ 70; quy mô theo quy hoạch (cấp/làn xe IV-III, 2 - 6 làn xe); duy trì khai thác ổn định và từng bước đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ thứ yếu (quốc lộ 32B, quốc lộ 32C, quốc lộ 70B, quốc lộ 2D). Xây dựng một số tuyến tránh khu đô thị, khu đông dân cư trên các tuyến quốc lộ (thị trấn Phong Châu, thị trấn Đoan Hùng, thị trấn Thanh Sơn, thị trấn Yên Lập,…).
+ Nghiên cứu nâng lên quốc lộ đối với tuyến đường kết nối các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, thành phố Hà Nội, Tuyên Quang sau khi được đầu tư bảo đảm quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy hoạch.
b) Đường tỉnh:
- Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh hiện có đạt quy mô tối thiểu cấp IV, nơi địa hình khó khăn đạt cấp V. Đối với các đoạn tuyến đi qua khu dân cư tập trung, nghiên cứu quy mô, hướng tuyến theo điều kiện đặc thù của khu vực. Đầu tư sửa chữa kịp thời các tuyến đường hiện hữu; xây dựng cầu kiên cố thay thế dần các cầu cũ, tải trọng thấp; thay thế đường tràn trên các tuyến đường tỉnh và xây dựng mới một số cầu lớn qua sông Lô, sông Hồng, sông Đà, sông Chảy.
- Đầu tư xây dựng mới 22 tuyến đường tỉnh quy mô tối thiểu đạt cấp III, IV, nơi địa hình khó khăn đạt cấp V. Đối với các đoạn qua đô thị đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch đô thị. Đối với các đoạn tuyến đi qua khu dân cư tập trung, nghiên cứu quy mô, hướng tuyến theo điều kiện đặc thù của khu vực.
- Phát triển một số tuyến mới nhằm tăng cường kết nối các khu vực trong tỉnh với quy mô tối thiểu đạt chuẩn đường cấp III, 2 - 4 làn xe; đường đô thị, 2 - 4 làn xe.
(Chi tiết tại Phụ lục IV kèm theo).
c) Đường giao thông đô thị: Phát triển hệ giao thông đô thị hiện đại, đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật khác theo quy hoạch đô thị; tiếp tục đầu tư xây dựng các trục đường giao thông đối ngoại kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Bắc - Nam phía Tây, quốc lộ và kết nối các đô thị lớn: Thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ,…
d) Đường giao thông nông thôn: Tiếp tục huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển hạ tầng giao thông gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2030 tỷ lệ đường giao thông nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh được kiên cố hóa tối thiểu đạt 90%.
đ) Đường thủy nội địa
- Thực hiện theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đã được phê duyệt tại Quyết định số 1829/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31 tháng 10 năm 2021; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải ưu tiên cải tạo, nạo vét luồng, thanh thải đá ngầm trên các tuyến đường thủy nội địa sông Lô, sông Hồng, sông Đà.
- Nâng cấp hệ thống cảng thủy nội địa hiện có và đầu tư xây dựng mới một số cảng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó quy hoạch cụm cảng hàng hóa Phú Thọ quy mô khoảng 10,3 triệu tấn/năm, cụm cảng hành khách Phú Thọ quy mô khoảng 100 nghìn lượt hành khách/năm; quy hoạch một số đoạn, vị trí xây dựng bến, cụm bến hàng hóa, bến hành khách, bến khách ngang sông, bến phao.
(Chi tiết phụ lục V kèm theo).
e) Đường sắt: Thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19 tháng 10 năm 2021; tiếp tục thực hiện quản lý, khai thác và đầu tư nâng cấp đồng bộ hệ thống đường sắt qua địa bàn tỉnh Phú Thọ. Duy trì hoạt động các nhánh đường sắt và ưu tiên đầu tư xây dựng ga Việt Trì, ga Tiên Kiên; xóa bỏ lối đi dân sinh tự mở trên tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - Lào Cai.
(Chi tiết phụ lục VI kèm theo).
g) Trung tâm logistics và cảng cạn (ICD): Phát triển 01 cụm cảng cạn quy mô khoảng 5 ha và 01 cảng cạn quy mô khoảng 10 ha tại thành phố Việt Trì; quy hoạch trung tâm logistics cấp vùng tại khu vực thị xã Phú Thọ và vùng lân cận với quy mô khoảng 30 - 50 ha và 02 trung tâm logistics cấp tỉnh quy mô khoảng 15 - 30 ha.
h) Hạ tầng vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải: Quy hoạch mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất một bến xe tối thiểu đạt loại 4 tại vị trí trung tâm thuận lợi; những nơi có quỹ đất xây dựng bến xe loại 3 có phân kỳ đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội hóa. Hình thành các bãi đỗ xe thông minh ở các khu đô thị trọng điểm; mỗi xã, phường, thị trấn phấn đấu có từ 01 bãi đỗ xe công cộng trở lên; trong các khu đô thị, khu nhà ở dân cư nông thôn, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, dịch vụ, thể thao, vui chơi giải trí,… ưu tiên bố trí bãi đỗ xe, điểm đỗ xe công cộng; các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường bộ được bố trí tại những vị trí phù hợp với quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(Chi tiết phụ lục VII kèm theo).
i) Tập trung đầu tư các tuyến đường kết nối liên vùng: Phối hợp với các tỉnh lân cận và thành phố Hà Nội để triển khai đầu tư đường nối đường Láng - Hòa Lạc kết nối cầu Văn Lang, đường nối từ cầu Hạc Trì đến quốc lộ 2 tránh thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).
2. Phương án phát triển mạng lưới cấp điện
Duy trì, phát triển các nguồn, lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Nguồn điện:
+ Thực hiện các dự án trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về điện lực và đầu tư.
Đối với dự án thủy điện cột nước thấp Phú Thọ công suất 105 MW: Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ rà soát, đánh giá toàn diện về hiệu quả kinh tế, xã hội, tác động của dự án đến hệ thống giao thông, thủy lợi, đê điều,…, ảnh hưởng của dự án đến môi trường, khảo sát ý kiến của cộng đồng dân cư; trên cơ sở đó, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thực hiện hoặc không thực hiện dự án.
+ Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo (thuỷ điện, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác, điện nhà máy xi măng, điện tự sản, tự tiêu), năng lượng mới, năng lượng sạch phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý.
- Lưới điện: Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới trạm biến áp, đường dây 500kV, 220kV, 110kV và lưới điện trung áp đáp ứng nhu cầu phát triển.
(Chi tiết tại Phụ lục VIII kèm theo)
3. Phương án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông
- Đẩy nhanh việc chuyển đổi số theo phương châm chính quyền đi đầu dẫn dắt, kiến tạo thị trường chuyển đổi số tại địa phương. Phấn đấu hoàn thành triển khai chính quyền điện tử và đáp ứng chính quyền số vào năm 2025. Xây dựng đô thị thông minh, trước hết là tại thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ.
- Phát triển hạ tầng viễn thông là hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Thực hiện chuyển dịch hạ tầng viễn thông thành hạ tầng phục vụ cho chuyển đổi số toàn diện của tỉnh; thúc đẩy triển khai mạng thông tin di động thế hệ mới. Phấn đấu đạt tỷ lệ dùng chung ở mức cao của vùng; việc ngầm hóa, treo lại cáp để đảm bảo mỹ quan, an toàn đô thị thuộc nhóm tỉnh đạt tỷ lệ cao của cả nước.
- Khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thực hiện tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, áp dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, đột phá trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin vừa và nhỏ phục vụ cho chuyển đổi số.
- Ưu tiên đầu tư nâng cấp Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) của tỉnh, hệ thống phòng chống mã độc tập trung và thực hiện kết nối với trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thành một mạng lưới để chia sẻ, phối hợp, hỗ trợ giám sát, bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia. Củng cố các cơ sở viễn thông công ích đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ các nhiệm vụ chính trị và những tình huống khẩn cấp trên địa bàn; thông tin liên lạc cho các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thông tin liên lạc trong phòng, chống giảm nhẹ thiên tai.
- Phát triển lĩnh vực bưu chính theo hướng là hạ tầng chuyển phát và hạ tầng logistics để phục vụ cho phát triển thương mại điện tử và kinh tế số của tỉnh cũng như phát triển mô hình bán lẻ nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng; sớm hoàn thành xây dựng mã địa chỉ bưu chính đến 100% hộ gia đình.
4. Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước, thoát nước
a) Phát triển mạng lưới thủy lợi
- Phát triển mạng lưới thủy lợi đảm bảo quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông kết hợp đơn vị hành chính. Cân đối điều hòa nước trong hệ thống công trình thủy lợi, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, phục vụ đa mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
- Bảo đảm cấp nước tưới, tiêu cho nông nghiệp, dân sinh, các ngành kinh tế; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội; từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, giảm tổn thất về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
(Chi tiết tại Phụ lục IX kèm theo)
b) Phương án cấp nước
- Tiếp tục duy trì, đầu tư, cải tạo, nâng công suất hệ thống các công trình cấp nước sạch tập trung hiện có trên địa bàn tỉnh nhất là các công trình cấp nước sạch nông thôn, đảm bảo cung cấp đủ nước cho Nhân dân trên địa bàn các xã đã có công trình cấp nước.
- Tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư nâng cấp, mở rộng phạm vi cấp nước đối với các công trình hoạt động tốt, công suất lớn, có chất lượng nguồn nước đảm bảo, đủ điều kiện mở rộng phạm vi cấp nước và đối tượng thụ hưởng.
- Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị: Cấp nước chủ yếu từ các nhà máy nước liên vùng hoặc nhà máy nước đô thị (ngoại trừ một số khu công nghiệp xây dựng nhà máy nước riêng).
(Chi tiết tại Phụ lục X kèm theo)
c) Phương án tiêu, thoát nước
Nâng cấp, mở rộng và nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý của các hệ thống xử lý nước thải tập trung quy mô lớn tại các đô thị và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đạt tiêu chuẩn môi trường; tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước thải đô thị, nông thôn.
5. Phương án phát triển các khu xử lý chất thải
Quy hoạch phát triển khu xử lý chất thải rắn theo hướng tập trung tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh, bao gồm các khu xử lý, nhà máy xử lý chất thải rắn (chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường, chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế nguy hại,…). Áp dụng, lựa chọn các công nghệ xử lý tiên tiến, đảm bảo các yêu cầu về an toàn môi trường.
Đối với rác thải sinh hoạt, triển khai xây dựng và thực hiện Đề án phân loại chất thải rắn tại nguồn và thực hiện Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ để vận chuyển và cung cấp rác thải sinh hoạt cho Nhà máy xử lý rác thải phát điện tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh. Hướng tới đóng cửa, cải tạo môi trường các bãi chôn lấp quá tải, không hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh. Huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
(Chi tiết tại Phụ lục XI kèm theo).
6. Phương án phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy
Quy hoạch các công trình hạ tầng phòng cháy và chữa cháy tại trung tâm các huyện, thành phố, thị xã, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các điểm dừng nghỉ trên đường cao tốc và địa bàn trọng điểm nguy hiểm về cháy nổ đảm bảo thuận tiện về giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc phù hợp với nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
VI. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG XÃ HỘI
1. Phương án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo
Phát huy vai trò của tỉnh Phú Thọ là trung tâm giáo dục và đào tạo của tiểu vùng Tây Bắc.
- Xây dựng và mở rộng các cơ sở giáo dục các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông. Duy trì số lượng các trường công lập và mở rộng quy mô lớp học, tăng cường xã hội hóa các trường mầm non tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Thu hút đầu tư các trường ngoài công lập.
- Tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng trường Đại học Hùng Vương và trường Cao đẳng nghề Phú Thọ với cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng mô hình trường đa ngành, đa lĩnh vực. Nghiên cứu thành lập trường Đại học Y Phú Thọ trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ.
- Phát triển quy mô, mạng lưới giáo dục thường xuyên: Giữ ổn định mạng lưới, loại hình các trung tâm. Khuyến khích phát triển hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ngoài công lập trên địa bàn.
(Chi tiết tại Phụ lục XII kèm theo)
2. Phương án phát triển hạ tầng y tế
- Mạng lưới cơ sở y tế công lập: Phát triển 11 bệnh viện công lập tuyến tỉnh (02 bệnh viện đa khoa và 09 bệnh viện chuyên khoa); mở rộng quy mô các trung tâm y tế đa chức năng tại các huyện để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, y tế dự phòng, dân số và các dịch vụ y tế khác; duy trì và phát triển các trạm y tế cấp xã, các đơn vị y tế có chức năng dự phòng. Phấn đấu đưa Phú Thọ thành trung tâm y tế kỹ thuật chuyên sâu của vùng trung du và miền núi phía Bắc, trong đó trọng tâm là phát triển Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ, Bệnh viện Ung bướu Phú Thọ (dự kiến tách ra từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ).
- Mạng lưới cơ sở y tế ngoài công lập: Mở rộng quy mô Bệnh viện đa khoa Hùng Vương và Bệnh viện đa khoa Việt Đức; phát triển ít nhất 01 trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo mô hình chăm sóc sức khỏe kết hợp nghỉ dưỡng; xây dựng ít nhất 01 bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; thành lập thêm ít nhất 02 trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các huyện; khuyến khích thành lập ít nhất 01 bệnh viện tư nhân đạt tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia và thành lập thêm 1-2 bệnh viện đa khoa tư nhân ở thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, mỗi huyện có ít nhất 01 phòng khám đa khoa tư nhân.
(Chi tiết tại Phụ lục XIII kèm theo)
- Phát triển 02 trung tâm phân phối thuốc của vùng với hệ thống bảo quản thuốc đạt tiêu chuẩn, đóng vai trò phân phối thuốc của tiểu vùng Tây Bắc. Đầu tư mới 01 cơ sở sản xuất thuốc tân dược đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương, 02 cơ sở sản xuất thuốc đông dược đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận đạt GMP - WHO của cơ quan quản lý dược Việt Nam.
3. Phương án phát triển hạ tầng văn hóa, thể thao
- Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa, thể thao của các tầng lớp Nhân dân. Đến năm 2030, 100% huyện, thành phố, thị xã có thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị.
- Bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong đó ưu tiên đầu tư trọng điểm, tập trung cho Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, các di tích lịch sử, văn hóa quốc gia; hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và các di sản văn hóa khác.
(Chi tiết tại Phụ lục XIV kèm theo)
- Phát triển hệ thống các khu chức năng, tổng hợp, sân gôn và nghỉ dưỡng tại một số địa bàn phù hợp đáp ứng yêu cầu.
(Chi tiết tại Phụ lục XV kèm theo)
4. Phương án phát triển hạ tầng an sinh xã hội
- Các cơ sở công lập: Đầu tư xây dựng, mở rộng diện tích bảo đảm quy mô ở những nơi có điều kiện; cải tạo cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị để đảm bảo công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng theo quy định. Phát triển dịch vụ chăm sóc đối tượng tự nguyện đóng góp kinh phí để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Duy trì, nâng cấp Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật thành phố Việt Trì, Trung tâm bảo trợ giáo dục trẻ mồ côi khuyết tật huyện Thanh Ba, Trung tâm trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Phú Thọ tại huyện Đoan Hùng, Trung tâm điều dưỡng người có công tại thị xã Phú Thọ, Trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng tâm thần tại thành phố Việt Trì theo quy hoạch ngành; duy trì và nâng cấp Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ.
- Các cơ sở ngoài công lập: Thành lập mới một số cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Sửa chữa, nâng cấp Làng trẻ em SOS tại thành phố Việt Trì. Thành lập mới Trung tâm Lão khoa, chăm sóc người cao tuổi và phục hồi chức năng Phú Thọ tại thành phố Việt Trì.
- Mở rộng số lượng và đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở dịch vụ việc làm theo hướng tăng cường tính tự chủ, gắn với sự phát triển của thị trường lao động bảo đảm hỗ trợ tốt nhất cho người lao động và đáp ứng nhu cầu xã hội.
5. Phương án phát triển hạ tầng thương mại
- Thu hút đầu tư các siêu thị, trung tâm thương mại phức hợp đáp ứng nhu cầu mua sắm kết hợp với vui chơi giải trí của người dân trong và ngoài tỉnh, trong đó ưu tiên phát triển các tổ hợp hiện đại phục vụ phát triển dịch vụ du lịch.
- Phát triển hệ thống hạ tầng cung ứng, dự trữ xăng dầu, khí đốt, trạm chiết nạp, hạ tầng trung tâm logistics cấp vùng, cấp tỉnh,… đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng vận tải, kho bãi tạo lợi thế cạnh tranh, giảm chi phí logistics.
(Chi tiết tại Phụ lục XVI kèm theo)
6. Phương án phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ
Phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phù hợp với cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư. Nâng cao năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhất là nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao; đầu tư, nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất cho các đơn vị quản lý và tổ chức khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2030, Phú Thọ trở thành một trong những trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh của tiểu vùng Tây Bắc.
1. Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện
- Vùng 1 gồm: Thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các huyện: Lâm Thao, Phù Ninh và Tam Nông nằm ở phía Đông của tỉnh Phú Thọ. Đây là vùng động lực phát triển công nghiệp, dịch vụ nhất là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, dịch vụ, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, các lĩnh vực về giáo dục, y tế và logistics của tỉnh.
- Vùng 2 gồm các huyện: Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Thủy. Đây là vùng ưu tiên phát triển nông, lâm nghiệp, chế biến nông - lâm sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển mạnh về dịch vụ du lịch và phát triển công nghiệp tại các địa bàn đủ điều kiện.
2. Phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện
Quy hoạch 13 vùng huyện đảm bảo phù hợp với mục tiêu định hướng phát triển tổng thể của tỉnh gồm: (1) Vùng thành phố Việt Trì; (2) Vùng thị xã Phú Thọ; (3) Vùng huyện Phù Ninh; (4) Vùng huyện Lâm Thao; (5) Vùng huyện Thanh Ba; (6) Vùng huyện Đoan Hùng; (7) Vùng huyện Hạ Hòa; (8) Vùng huyện Cẩm Khê; (9) Vùng huyện Yên Lập; (10) Vùng huyện Thanh Thủy; (11) Vùng huyện Tam Nông; (12) Vùng huyện Thanh Sơn; (13) Vùng huyện Tân Sơn.
3. Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
- Giai đoạn 2023-2025: Thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
- Giai đoạn 2026-2030: Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
- Tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Việc lập và thực hiện quy hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 ngoài tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số cần phải tính đến kết quả sắp xếp giai đoạn trước, đơn vị hành chính ổn định từ lâu, có vị trí biệt lập, có các yếu tố đặc thù và các đơn vị hành chính nông thôn đã được quy hoạch thành đơn vị hành chính đô thị.
VIII. PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ, KHOANH VÙNG ĐẤT ĐAI
1. Triển khai phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai theo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, đảm bảo duy trì ổn định tỷ lệ che phủ và khoanh nuôi tái sinh rừng; khai thác có hiệu quả và bền vững, biến đất đai trở thành nguồn lực và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Quản lý thống nhất, chặt chẽ nguồn tài nguyên đất đai theo quy định của pháp luật. Đảm bảo việc bố trí sử dụng đất hợp lý trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực phù hợp với chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đến năm 2030, tổng diện tích tự nhiên là 353.456 ha, bao gồm 281.784 ha đất nông nghiệp, chiếm 79,72%; 70.734 ha đất phi nông nghiệp, chiếm 20,01%; 938 ha đất chưa sử dụng, chiếm 0,27% diện tích tự nhiên. Thực hiện thu hồi khoảng 12.200 ha đất, trong đó có khoảng 11.965 ha đất nông nghiệp để thực hiện các công trình dự án.
3. Tiếp tục nghiên cứu, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực phù hợp với chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh, bổ sung (nếu có).
(Chi tiết tại Phụ lục XVII kèm theo)
1. Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
a) Phân vùng bảo vệ môi trường
- Vùng bảo vệ nghiêm ngặt bao gồm: (1) Nội thị đô thị loại I, II, III (thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ); (2) Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; (3) Các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia (Vườn quốc gia Xuân Sơn, Rừng quốc gia Đền Hùng) và các khu bảo tồn, rừng đặc dụng; (4) Khu vực bảo vệ 1 của các di tích lịch sử, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
- Vùng hạn chế phát thải, bao gồm: (1) Vùng đệm các khu bảo tồn thiên nhiên; (2) Vùng đất ngập nước quan trọng; (3) Hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; (4) Nội thị đô thị loại IV, V; (5) Khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường khác cần được bảo vệ.
- Vùng khác: Các vùng còn lại trên địa bàn tỉnh.
(Chi tiết tại Phụ lục XVIII kèm theo)
b) Quan trắc môi trường đất, nước, không khí
Duy trì, nâng cấp hệ thống quan trắc hiện có; xây dựng mới và bố trí mạng lưới quan trắc môi trường bao gồm các điểm quan trắc, trạm quan trắc tự động các thành phần môi trường đất, nước, không khí; đầu tư nâng cao năng lực phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu quan trắc môi trường đồng thời có tính chất liên thông, liên kết với mạng lưới cơ sở dữ liệu, số liệu quan trắc môi trường quốc gia, cấp vùng và các tỉnh lân cận.
(Chi tiết tại Phụ lục XIX kèm theo)
c) Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
- Tập trung bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp với sử dụng bền vững, phát huy giá trị các khu bảo tồn hiện có, gồm: Vườn quốc gia Xuân Sơn và Rừng quốc gia Đền Hùng, Khu bảo vệ cảnh quan Núi Nả, Khu bảo vệ cảnh quan Yên Lập. Thành lập mới khu bảo vệ cảnh quan Đầm Ao Châu là khu vực bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước rộng lớn và đặc trưng và là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
- Mở rộng diện tích 01 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và xây dựng thêm 04 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học gồm hệ thống các vườn thực vật, vườn ươm, trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật.
d) Bảo vệ và phát triển rừng
- Duy trì độ che phủ rừng toàn tỉnh 38 - 39%. Tổng diện tích đất quy hoạch 03 loại rừng đến năm 2030 là 154 - 155 nghìn ha, bao gồm: 13,8 - 14,0 nghìn ha rừng đặc dụng, 27 - 28 nghìn ha rừng phòng hộ và 113 - 114 nghìn ha rừng sản xuất.
- Chú trọng bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có; khoanh nuôi nâng cao chất lượng rừng, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên, rừng đặc dụng; phát triển các loài dược liệu đặc hữu. Phát triển rừng trồng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (FSC) gắn với chế biến sâu. Phát triển, nâng cao chất lượng rừng trồng, nhất là trồng rừng gỗ lớn. Bảo tồn và sử dụng có hiệu quả các khu rừng đặc dụng văn hóa, di tích lịch sử.
- Thực thi hiệu quả và đầy đủ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và tín chỉ các-bon.
đ) Các khu nghĩa trang, cơ sở hỏa táng và nhà tang lễ
Quy hoạch xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng tập trung theo quy hoạch đô thị và nông thôn ở các cấp; bố trí nhà tang lễ tại các đô thị đảm bảo tiêu chuẩn về phân loại đô thị; di dời đối với các nghĩa trang trong khu vực phát triển đô thị hoặc không đảm bảo yêu cầu môi trường. Mở rộng công viên nghĩa trang Vĩnh hằng Phú Thọ tại huyện Phù Ninh giai đoạn 2 đạt quy mô khoảng 107 ha và giai đoạn 3 đạt quy mô khoảng 203 ha.
2. Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên
a) Xác định các mỏ, khu vực địa điểm có khoáng sản chưa khai thác, cấm khai thác cần bảo vệ với từng loại khoáng sản
- Đối với các mỏ đã được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản thì tiếp tục quy hoạch theo trữ lượng của mỏ, xem xét gia hạn giấy phép khi mỏ vẫn còn trữ lượng, đóng cửa mỏ khi hết trữ lượng và hết hạn giấy phép. Đối với các mỏ khai thác không hiệu quả, thực hiện rà soát theo quy định, tiến hành thu hồi và đóng cửa mỏ bảo vệ khoáng sản. Đối với các mỏ khi có nguy cơ xảy ra sự cố mất an toàn trong khai thác, gây ô nhiễm môi trường, sự cố về môi trường thì đình chỉ hoạt động khai thác, quyết định thu hồi giấy phép và đóng cửa mỏ để bảo vệ môi trường.
- Đưa vào khai thác đối với các mỏ khoáng sản đã có trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho cả nước.
- Công bố đưa vào quy hoạch đối với khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định để đáp ứng yêu cầu sản xuất tại chỗ.
- Đối với khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường sẽ khai thác, chế biến ở các khu vực có tiềm năng về tài nguyên, trữ lượng khoáng sản theo nhu cầu của thị trường.
b) Khoanh định chi tiết khu vực mỏ, loại tài nguyên khoáng sản
Tiếp tục thăm dò và cấp phép khai thác đối với các mỏ nước khoáng nóng, cao lanh-fenspat, thăm dò cát sông và các loại khoáng sản khác theo quy định. Quản lý chặt chẽ việc khai thác, gắn với chế biến sâu và bảo vệ môi trường.
(Chi tiết tại Phụ lục XX kèm theo)
a) Phân vùng chức năng nguồn nước
Thứ tự ưu tiên phân bổ nguồn nước: (i) Nước cho sinh hoạt; (ii) Nước cho du lịch - dịch vụ; (iii) Nước cho công nghiệp; (iv) Nước cho nông, lâm nghiệp, thủy sản; (v) Nước cho các lĩnh vực khác.
b) Giải pháp bảo vệ tài nguyên nước
- Thu gom xử lý đạt chuẩn 90% tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên toàn tỉnh; 100% nước thải bệnh viện tuyến huyện trở lên được thu gom xử lý đạt tiêu chuẩn thải ra môi trường theo mục đích sử dụng nước; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng mới và 90% cơ sở sản xuất cũ xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã và đang hoạt động xử lý đạt chuẩn thải ra môi trường theo mục đích sử dụng nước của mỗi đoạn sông.
- Tổ chức cắm mốc hành lang các nguồn nước cần lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh; cải thiện chất lượng nước, giảm thiểu mức độ ô nhiễm, bảo đảm các đoạn sông đều đạt mục tiêu chất lượng nước theo quy hoạch.
- Giảm thiểu tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn tài nguyên nước dưới đất khu vực khai thác nước lớn, khu vực được xác định là nguồn nước dự phòng, cấp nước tập trung cho sinh hoạt.
c) Giải pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra
- Giải pháp công trình:
+ Đối với chống lũ lụt: Nâng cấp, củng cố đê điều với các đoạn chưa đảm bảo cao trình chống lũ thiết kế theo hướng đắp tôn cao, mở rộng, cứng hóa mặt kết hợp giao thông (chiều dài trên 60 km); xây dựng, tu sửa hệ thống kè bảo vệ bờ; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm tiêu, các công trình hồ đập.
+ Đối với chống hạn hán: Theo dõi chặt chẽ các nguồn nước và điều hành nước trong các hồ chứa để giảm thiểu các tác động của việc giảm thấp của nguồn nước trong thời gian hạn hán, đặc biệt là các hồ chứa lớn trong vùng như hồ Ngòi Vần, hồ Phượng Mao, hồ Hàm Kỳ,...
- Giải pháp phi công trình:
+ Điều tiết lũ tại các hồ chứa thượng lưu, trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn; nâng cao năng lực phòng, chống lũ cho cộng đồng dân cư. Thực hiện phương án ứng phó khẩn cấp trong trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế, xảy ra sự cố vỡ đập hoặc sự cố khác đối với các hồ chứa nước lớn ở thượng nguồn.
+ Rà soát những diện tích có khả năng thiếu nước để lên kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng; sử dụng nước một cách tiết kiệm, tăng cường các biện pháp trữ nước vào các mặt ruộng, các hệ thống sông, kênh trục nội đồng để cung cấp nước tạo nguồn cho các trạm bơm trong hệ thống.
4. Phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu
- Phân vùng rủi ro đối với từng loại thiên tai và xác định các khu vực ưu tiên phòng, chống đối với từng loại thiên tai.
- Phương án quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu gồm:
+ Huy động nguồn lực từ ngân sách và ngoài ngân sách cho phòng, chống thiên tai; khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đầu tư cho phòng, chống thiên tai; vận hành, quản lý, sử dụng có hiệu quả Quỹ phòng, chống thiên tai, đảm bảo đúng quy định.
+ Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất đối với các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai; nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn; xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội.
+ Đầu tư, cải tạo, nâng cấp đê; phòng chống sạt lở; duy tu, sửa chữa, xử lý khẩn cấp các công trình đê điều; đầu tư nâng cấp các công trình di dân tái định cư vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai; đầu tư nâng cấp công trình đo đạc, quan trắc, giám sát cảnh báo sớm thiên tai.
- Phương án phòng chống lũ của các tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều và kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai:
+ Cơ bản giữ nguyên các tuyến đê theo hiện trạng; cải tạo, nâng cấp các tuyến đê sông còn thiếu cao trình chống lũ thiết kế; nâng cấp các tuyến đê ngòi đảm bảo quy mô, tần suất chống lũ tương ứng tuyến đê sông chính; nắn chỉnh cục bộ tuyến đê hữu sông Lô, đê tả Thao, hữu sông Bứa đảm bảo không gian thoát lũ.
+ Củng cố hệ thống đê sông, hồ chứa nước, các công trình phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu của hệ thống cơ sở hạ tầng.
+ Không gian thoát lũ được xác định bao gồm khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa hai đê. Khu vực hạ du sông Đà và sông Hồng đoạn từ ngã 3 sông Hồng - sông Đà đến ngã 3 sông Lô - sông Hồng và thành phố Việt Trì phải đảm bảo không gian thoát lũ tương ứng với tần suất chống lũ là 0,33% (đến năm 2030), tần suất chống lũ là 0,2% (đến năm 2050); khu vực sông Thao tần suất chống lũ là 2% (đến năm 2030); khu vực sông Lô, sông Chảy tần suất chống lũ là 1% (đến năm 2030); các khu vực sông Thao, sông Lô, sông Chảy sẽ xác định tiêu chuẩn phòng, chống lũ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và tầm quan trọng từng khu vực bảo vệ; mức đảm bảo phòng chống lũ đối với các sông, ngòi có đê còn lại trên địa bàn tỉnh là 5% (đến năm 2050).
Quy hoạch xác định 80 khu dân cư tập trung hiện có nằm ngoài bãi sông được tồn tại, bảo vệ; 15 khu dân cư tập trung hiện có nằm ngoài bãi sông xem xét phải di dời; 14 khu vực bãi sông được nghiên cứu xây dựng.
(Chi tiết tại Phụ lục XXI kèm theo)
X. DANH MỤC DỰ ÁN DỰ KIẾN ƯU TIÊN THỰC HIỆN
Trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, xác định các dự án lớn, có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư và thu hút đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.
(Chi tiết tại Phụ lục XXII kèm theo)
XI. GIẢI PHÁP, NGUỒN LỰC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Giải pháp về huy động vốn đầu tư
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10,5%/năm thời kỳ 2021 - 2030, dự kiến huy động vốn đầu tư phát triển khoảng 800 nghìn tỷ đồng, trong đó: (i) Vốn đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước khoảng 140 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 17,5%; (ii) Vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần huy động ở mức cao, dự kiến khoảng 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 62,5%; (iii) Thu hút vốn FDI khoảng 160 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,5 tỷ USD, chiếm khoảng 20%.
Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước: Huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, nguồn vốn hỗ trợ ODA và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội; tập trung ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho các dự án hạ tầng trọng điểm, liên vùng.
Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, thực hiện đồng bộ các giải pháp: (i) Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tăng cường thu hút đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh thu hút vốn FDI (trọng tâm là phát triển công nghiệp) và thu hút các tập đoàn kinh tế trong nước (tập trung vào lĩnh vực phát triển du lịch, đô thị, dịch vụ thương mại, nông nghiệp công nghệ cao); (ii) Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp (y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ,…); (iii) Huy động nguồn vốn đầu tư các dự án PPP, các dự án hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng logistics và khu du lịch, dịch vụ trọng điểm.
2. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
- Phát triển nguồn nhân lực theo hướng phục vụ phát triển các ngành lợi thế của tỉnh và vùng trung du và miền núi phía Bắc.
- Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa về trình độ, kỹ năng, thái độ phục vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức; đội ngũ công nhân lành nghề có tác phong công nghiệp phục vụ cho các doanh nghiệp đầu tư tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp dịch vụ, khu du lịch nghỉ dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.
- Tăng cường thu hút số lao động trẻ có trình độ chuyên môn, tay nghề, trên cơ sở gắn kết hoạt động, liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp của tỉnh với các trường đại học, cao đẳng trọng điểm ở trong và ngoài nước; liên kết đào tạo với doanh nghiệp hoặc ký hợp đồng đào tạo với các doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.
- Ban hành tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí cho các ngành nghề đào tạo, thực hiện lộ trình cơ cấu đủ chi phí trong giá dịch vụ đào tạo làm căn cứ giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu dịch vụ đào tạo, từng bước thực hiện lộ trình tự chủ đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo quy định.
3. Giải pháp về bảo vệ môi trường
- Tập trung phát triển công nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, từng bước loại bỏ, thay thế các công nghệ cũ, gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường hợp tác với các địa phương lân cận trong sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
- Xem xét việc quản lý tập trung đối với chất thải y tế và chất thải nguy hại với công nghệ xử lý tốt nhất, khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng và xử lý chất thải hữu cơ tại nguồn với quy mô nhỏ ở những khu vực nông thôn chưa có hệ thống quản lý chất thải tập trung.
- Nâng cao năng lực công nghệ trong dự báo, quan trắc, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai, bão lũ.
4. Giải pháp về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp hệ thống giống chất lượng cao, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực của vùng.
- Chú trọng nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và cải tiến kỹ thuật canh tác hữu cơ, bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung đầu tư phát triển các công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng vào thực tiễn để phát triển các sản phẩm cụ thể, phù hợp với lợi thế của tỉnh, trọng tâm là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử, y sinh.
- Khuyến khích, hỗ trợ đổi mới công nghệ trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sản xuất và marketing sản phẩm mới.
- Hỗ trợ các dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, kết nối và sử dụng dịch vụ ở các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; thu hút chuyên gia, nhà đầu tư khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo làm công tác tư vấn, truyền đạt kinh nghiệm, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
5. Giải pháp về cơ chế, chính sách, liên kết phát triển
- Xây dựng cơ chế, chính sách cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng liên kết vùng, trong đó chú trọng thu hút đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước; thiết lập hệ thống theo dõi, đánh giá thực hiện quy hoạch. Thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp trong thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị và các quy hoạch, chiến lược cấp quốc gia có liên quan.
- Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ mang tính đặc thù của tỉnh đối với các lĩnh vực khuyến khích phát triển như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng rừng gỗ lớn, công nghiệp chế biến, chế tạo, chuyển đổi số, kinh tế số; chính sách tập trung, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh và hiệu quả cao.
- Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài, quảng bá, giới thiệu tiềm năng của tỉnh đến bạn bè quốc tế; tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài đến làm việc, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
6. Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn
- Quản lý quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch, phát triển và phân bố hợp lý trên địa bàn, tạo ra sự phát triển cân đối giữa các vùng. Coi trọng mối liên kết đô thị - nông thôn, nâng cao chất lượng đô thị, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
- Xây dựng lộ trình thích hợp để mở rộng không gian các đô thị, nâng hạng đô thị, nâng cấp chất lượng hạ tầng đô thị tại các khu nhà ở ven đô. Xây dựng đô thị văn minh, phát huy các thế mạnh của Việt Trì là thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, là trung tâm đô thị động lực của tỉnh và vùng.
- Phát triển nông thôn trên cơ sở bảo toàn các khu vực nông nghiệp và lâm nghiệp, các vùng cảnh quan có giá trị; phát triển theo mô hình nông thôn mới gắn với các đặc thù của từng khu vực, duy trì các đặc tính phân bố vốn có của các khu dân cư truyền thống của đồng bào dân tộc trên cơ sở bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và cơ sở sản xuất theo mô hình nông thôn mới.
7. Giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý hành chính nhà nước
- Đẩy mạnh cải cách, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
- Nâng cấp hoàn thiện hạ tầng số đảm bảo tốt cho hoạt động của chính quyền số của tỉnh, đồng thời hỗ trợ phát triển và khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu lớn của tỉnh về kinh tế, y tế, giáo dục, môi trường, đất đai,…
- Chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” tại Trung tâm phục vụ hành chính công. Đánh giá các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS gắn với cải cách hành chính theo hướng minh bạch, phấn đấu nằm trong nhóm dẫn đầu của vùng, trong đó có một số chỉ tiêu nằm trong nhóm đầu của cả nước.
- Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức hành chính nhà nước, bảo đảm tính chuyên nghiệp cao. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát đối với việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức.
- Nghiên cứu, xây dựng quy định về phân cấp, ủy quyền gắn với trách nhiệm giữa các cấp chính quyền trong thực hiện quy hoạch trên địa bàn tỉnh, nâng cao tính chủ động cho các cấp, các ngành.
8. Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch
- Quy hoạch được thực hiện trên cơ sở các quy định pháp luật có liên quan với các cơ chế, chính sách đã được thống nhất cho vùng trung du và miền núi phía Bắc, phối hợp giữa các bộ, ngành và tỉnh, có sự tham gia của khu vực tư nhân và người dân.
- Công bố, phổ biến và triển khai, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản lý thực hiện quy hoạch.
Chi tiết danh mục bản đồ Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Phụ lục XXIII.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch
1. Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định này là căn cứ để triển khai lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Phú Thọ theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ:
a) Hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để thống nhất với Quyết định phê duyệt quy hoạch; cập nhật cơ sở dữ liệu hồ sơ quy hoạch vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ.
b) Tổ chức công bố, công khai Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
c) Xây dựng, trình ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức thực hiện quy hoạch gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; định kỳ tổ chức đánh giá thực hiện quy hoạch, rà soát điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý quy hoạch.
d) Nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với yêu cầu phát triển và quy định của pháp luật để huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch.
đ) Thực hiện các yêu cầu, nội dung bảo vệ môi trường khi triển khai các dự án thực hiện Quy hoạch, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững; tổ chức quan trắc, giám sát, quản lý môi trường; lưu giữ cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường phục vụ quá trình chuyển đổi số trong quá trình thực hiện Quy hoạch.
e) Thực hiện rà soát nội dung Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng được quyết định hoặc phê duyệt và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh trong trường hợp có nội dung mâu thuẫn so với quy hoạch cấp cao hơn theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội.
3. Việc chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, bao gồm cả các dự án chưa được xác định trong các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội và danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện ban hành kèm theo Quyết định này phải phù hợp với định hướng phát triển quy định tại Điều 1 Quyết định này và phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch khác có liên quan; đồng thời, người chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về quyết định của mình.
Trong quá trình nghiên cứu, triển khai các dự án cụ thể, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc xác định vị trí, diện tích, quy mô, công suất, phân kỳ đầu tư phù hợp với tiến độ, tình hình thực tế và phải bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và các quy định pháp luật có liên quan.
Việc triển khai các dự án sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt phải bảo đảm phù hợp với các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất theo Quyết định số 326/QĐ- TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền.
Đối với các dự án được phân kỳ đầu tư sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực thì báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ chịu trách nhiệm trước pháp luật về: (i) tính chính xác của các nội dung, thông tin, dữ liệu, số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ quy hoạch; bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về bí mật nhà nước và pháp luật có liên quan khác; (ii) phụ lục các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội và danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện trong thời kỳ quy hoạch được ban hành kèm theo Quyết định này; bảo đảm tính đồng bộ, không chồng lấn, xung đột giữa các nội dung của các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, bảo đảm phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định pháp luật có liên quan; (iii) nội dung tiếp thu, giải trình, bảo lưu ý kiến của các bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình tham gia ý kiến, thẩm định và rà soát hồ sơ quy hoạch; (iv) thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết nêu tại Tờ trình số 4407/TTr-UBND ngày 07 tháng 11 năm 2023; (v) đối với các dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư và các dự án đang xử lý theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, thi hành bản án (nếu có) thuộc danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện: cam kết không hợp thức hóa các sai phạm và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư dự án; đối với các dự án đang xử lý theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, thi hành bản án: chỉ được triển khai sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, bản án và được cấp có thẩm quyền chấp thuận, bảo đảm phù hợp các quy định hiện hành.
5. Các bộ, cơ quan liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ trong quá trình thực hiện Quy hoạch; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ trong việc nghiên cứu, xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. THỦ TƯỚNG |
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÔ THỊ TỈNH PHÚ THỌ THỜI KỲ
2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Đô thị |
Loại đô thị |
Ghi chú |
||
Năm 2021 |
Năm 2025 |
Năm 2030 |
|||
I |
Hệ thống đô thị |
14 |
14 |
22 |
|
1 |
Thành phố Việt Trì |
I |
I |
I |
Thành phố trực thuộc tỉnh, đô thị loại I, Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam |
2 |
Thị xã Phú Thọ |
III |
III |
II |
Thành phố trực thuộc tỉnh, đô thị loại II |
3 |
Thị trấn Lâm Thao (Huyện Lâm Thao) |
V |
V |
IV |
Thị trấn trực thuộc huyện; đô thị loại IV |
4 |
Thị trấn Hùng Sơn (Huyện Lâm Thao) |
V |
V |
IV |
Thị trấn trực thuộc huyện; đô thị loại IV |
5 |
Thị trấn Thanh Thủy (Huyện Thanh Thủy) |
V |
V |
IV |
Thị trấn trực thuộc huyện; đô thị loại IV |
6 |
Đô thị Hoàng Xá (Huyện Thanh Thủy) |
Xã Hoàng Xá |
Xã Hoàng Xá |
V |
Thị trấn trực thuộc huyện; đô thị loại V |
7 |
Thị trấn Hưng Hóa (Huyện Tam Nông) |
V |
V |
IV |
Thị trấn trực thuộc huyện; đô thị loại IV |
8 |
Đô thị Vạn Xuân (Huyện Tam Nông) |
Xã Vạn Xuân |
Xã Vạn Xuân |
V |
Thị trấn trực thuộc huyện; đô thị loại V |
9 |
Thị trấn Phong Châu mở rộng (Huyện Phù Ninh) |
V |
V |
IV |
Thị trấn trực thuộc huyện; đô thị loại IV |
10 |
Đô thị Phú Lộc (Huyện Phù Ninh) |
Xã Phú Lộc |
Xã Phú Lộc |
V |
Thị trấn trực thuộc huyện; đô thị loại V (Thị trấn Phú Lộc) |
11 |
Thị trấn Đoan Hùng (Huyện Đoan Hùng) |
V |
V |
IV |
Thị trấn trực thuộc huyện; đô thị loại IV |
12 |
Đô thị Tây Cốc (Huyện Đoan Hùng) |
Xã Tây Cốc |
Xã Tây Cốc |
V |
Thị trấn trực thuộc huyện; đô thị loại V |
13 |
Thị trấn Thanh Ba mở rộng (Huyện Thanh Ba) |
V |
V |
IV |
Thị trấn trực thuộc huyện; đô thị loại IV |
14 |
Thị trấn Hạ Hòa (Huyện Hạ Hòa) |
V |
V |
IV |
Thị trấn trực thuộc huyện; đô thị loại IV |
15 |
Đô thị Hiền Lương (Huyện Hạ Hòa) |
Xã Hiền Lương |
Xã Hiền Lương |
V |
Thị trấn trực thuộc huyện; đô thị loại V |
16 |
Thị trấn Cẩm Khê (Huyện Cẩm Khê) |
V |
V |
IV |
Thị trấn trực thuộc huyện; đô thị loại IV |
17 |
Đô thị Minh Tân (Huyện Cẩm Khê) |
Xã Minh Tân |
Xã Minh Tân |
V |
Thị trấn trực thuộc huyện; đô thị loại V |
18 |
Thị trấn Yên Lập (Huyện Yên Lập) |
V |
V |
IV |
Thị trấn trực thuộc huyện; đô thị loại IV |
19 |
Thị trấn Tân Phú (Huyện Tân Sơn) |
V |
V |
IV |
Thị trấn trực thuộc huyện; đô thị loại IV |
20 |
Đô thị Thu Cúc (Huyện Tân Sơn) |
Xã Thu Cúc |
Xã Thu Cúc |
V |
Thị trấn trực thuộc huyện; đô thị loại V |
21 |
Thị trấn Thanh Sơn mở rộng (Huyện Thanh Sơn) |
V |
V |
IV |
Thị trấn trực thuộc huyện; đô thị loại IV |
22 |
Đô thị Hương Cần (Huyện Thanh Sơn) |
Xã Hương Cần |
Xã Hương Cần |
V |
Thị trấn trực thuộc huyện; đô thị loại V |
II |
Tỷ lệ đô thị hóa (%) |
19,1 |
25 |
30-32 |
|
Ghi chú:
- Phạm vi, ranh giới dự kiến của các đô thị được xác định cụ thể trong nhiệm vụ lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện theo quy định của pháp luật;
- Việc phân loại đô thị phải đảm bảo phù hợp với Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia./.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH PHÚ THỌ
THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên khu công nghiệp (KCN) |
Địa điểm dự kiến |
Diện tích (ha) |
Ghi chú |
|
Dự kiến đến năm 2030 |
Phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất theo QĐ số 326/QĐ- TTg |
|
|||
I |
Các KCN đã thành lập |
|
|
|
|
1 |
KCN Thụy Vân |
Thành phố Việt Trì |
335 |
335 |
|
2 |
KCN Trung Hà |
Huyện Tam Nông, Huyện Thanh Thủy |
300 |
200 |
|
- |
Trung Hà I* |
|
136 |
136 |
Đã đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng (Đầu tư công) |
- |
Trung Hà II** |
|
164 |
64 |
Đầu tư ngoài ngân sách |
3 |
KCN Phú Hà |
Thị xã Phú Thọ |
450 |
450 |
|
4 |
KCN Cẩm Khê |
Huyện Cẩm Khê |
450 |
450 |
|
II |
Các khu công nghiệp quy hoạch đến năm 2030 |
||||
1 |
KCN Tam Nông |
Huyện Tam Nông |
350 |
350 |
|
2 |
KCN Hạ Hòa |
Huyện Hạ Hòa |
400 |
400 |
|
3 |
KCN Phù Ninh |
Huyện Phù Ninh |
400 |
150 |
|
4 |
KCN Thanh Ba |
Huyện Thanh Ba |
360 |
150 |
|
5 |
KCN Bắc Sơn |
Huyện Tam Nông |
200 |
0 |
|
6 |
KCN Đồng Lương |
Huyện Cẩm Khê |
500 |
0 |
|
7 |
KCN Đoan Hùng |
Huyện Đoan Hùng |
1.000 |
0 |
|
8 |
KCN Võ Miếu |
Huyện Thanh Sơn |
350 |
0 |
|
Tổng cộng |
5.095 |
2.485 |
|
Ghi chú:
- Tên, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới các khu công nghiệp sẽ được xác định chính xác trong quá trình quy hoạch xây dựng, lập, phê duyệt dự án đầu tư;
- Đối với phần diện tích quy hoạch nằm ngoài chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp được phân bổ theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022, chỉ triển khai thực hiện sau khi cấp có thẩm quyền phân bổ thêm chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp.
(*): Khu công nghiệp Trung Hà I đã triển khai đầu tư xây dựng (136 ha).
(**): Khu công nghiệp Trung Hà II hình thành dự án mới (164 ha - đầu tư ngoài ngân sách).
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP TỈNH PHÚ THỌ
THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên CCN |
Diện tích phân bổ đất (ha) |
Diện tích quy hoạch dự kiến (ha) |
Địa điểm dự kiến |
1 |
CCN Bạch Hạc |
75 |
79 |
Thành phố Việt Trì |
2 |
CCN Thanh Minh |
24 |
25 |
Thị xã Phú Thọ |
3 |
CCN Sóc Đăng |
72 |
74 |
Huyện Đoan Hùng |
4 |
CCN Nam Thanh Ba |
36 |
37 |
Huyện Thanh Ba |
5 |
CCN Bãi Ba - Đông Thành |
75 |
75 |
Huyện Thanh Ba |
6 |
CCN Bãi Ba 2 |
75 |
75 |
Huyện Thanh Ba |
7 |
CCN Tử Đà - An Đạo |
63 |
63 |
Huyện Phù Ninh |
8 |
CCN Đồng Lạng |
24 |
36 |
Huyện Phù Ninh |
9 |
CCN Hợp Hải - Kinh Kệ |
39 |
40 |
Huyện Lâm Thao |
10 |
CCN Cổ Tiết |
72 |
73 |
Huyện Tam Nông |
11 |
CCN Vạn Xuân |
64 |
64 |
Huyện Tam Nông |
12 |
CCN Thị trấn Sông Thao |
45 |
45 |
Huyện Cẩm Khê |
13 |
CCN Thị trấn Yên Lập |
40 |
40 |
Huyện Yên Lập |
14 |
CCN Hoàng Xá |
37 |
37 |
Huyện Thanh Thủy |
15 |
CCN Thắng Sơn |
20 |
20 |
Huyện Thanh Sơn |
16 |
CCN Bắc Lâm Thao |
43 |
43 |
Huyện Lâm Thao |
17 |
CCN Phú Gia |
40 |
40 |
Huyện Phù Ninh |
18 |
CCN Ngọc Quan |
46 |
75 |
Huyện Đoan Hùng |
19 |
CCN Lương Sơn |
40 |
75 |
Huyện Yên Lập |
20 |
CCN Thục Luyện |
46 |
75 |
Huyện Thanh Sơn |
21 |
CCN Tân Phú |
45 |
75 |
Huyện Tân Sơn |
22 |
CCN Yến Mao |
30 |
60 |
Huyện Thanh Thủy |
23 |
CCN Đồng Lạc |
50 |
75 |
Huyện Yên Lập |
24 |
CCN Quảng Yên |
75 |
75 |
Huyện Thanh Ba |
25 |
CCN Phú Hộ |
75 |
75 |
Thị xã Phú Thọ |
26 |
CCN Nam Đoan Hùng |
65 |
69 |
Huyện Đoan Hùng |
27 |
CCN Tam Nông |
72 |
75 |
Huyện Tam Nông |
28 |
CCN Tiên Lương |
60 |
60 |
Huyện Cẩm Khê |
29 |
CCN Quảng Yên 2 |
75 |
75 |
Huyện Thanh Ba |
30 |
CCN Đồng Phì |
75 |
75 |
Huyện Hạ Hòa |
31 |
CCN Ấm Hạ |
60 |
60 |
Huyện Hạ Hòa |
32 |
CCN Hạ Hòa |
75 |
75 |
Huyện Hạ Hòa |
33 |
CCN Minh Phú |
65 |
65 |
Huyện Đoan Hùng |
34 |
CCN Sóc Đăng 2 |
75 |
75 |
Huyện Đoan Hùng |
35 |
CCN Mỹ Lung |
70 |
70 |
Huyện Yên Lập |
36 |
CCN Lâm Thao |
30 |
30 |
Huyện Lâm Thao |
37 |
CCN Mỹ Lương |
75 |
75 |
Huyện Yên Lập |
38 |
CCN Ngọc Đồng |
75 |
75 |
Huyện Yên Lập |
39 |
CCN Lương Sơn 2 |
70 |
70 |
Huyện Yên Lập |
40 |
CCN Thục Luyện 2 |
75 |
75 |
Huyện Thanh Sơn |
41 |
CCN Mỹ Thuận |
75 |
75 |
Huyện Tân Sơn |
42 |
Dự kiến phát triển một số CCN khác |
|
- |
Trên địa bàn tỉnh |
|
Tổng diện tích |
2.344 |
2.550 |
|
Ghi chú:
- Tên dự án, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới các cụm công nghiệp sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư.
- CCN Bạch Hạc được phê duyệt chuyển tiếp trước thời điểm Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ có hiệu lực./.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TỈNH
PHÚ THỌ THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên đường/dự án |
Điểm đầu (trên địa phận tỉnh Phú Thọ) |
Điểm cuối (trên địa phận tỉnh Phú Thọ) |
Quy mô tối thiểu dự kiến (cấp đường/số làn xe) |
A |
CAO TỐC, QUỐC LỘ |
|
||
I |
CAO TỐC |
|
||
1 |
Cao tốc Hà Nội - Lào Cai (CT.05) |
Xã Hùng Lô - Thành phố Việt Trì |
Xã Hiền Lương - Huyện Hạ Hòa |
6 |
2 |
Cao tốc Bắc - Nam phía Tây (CT.02) |
Xã Vân Du - Huyện Đoan Hùng |
Xã Thạch Đồng - Huyện Thanh Thủy |
4-6 |
3 |
Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ |
Xã Vân Du - Huyện Đoan Hùng |
Xã Hà Lộc - Thị xã Phú Thọ |
4 |
4 |
Cao tốc Phú Thọ - Ba Vì |
Xã Hà Lộc - Thị xã Phú Thọ |
Xã Thạch Đồng - Huyện Thanh Thủy |
6 |
II |
QUỐC LỘ |
|
||
|
Đường Hồ Chí Minh |
Xã Hà Lộc - Thị xã Phú Thọ |
Xã Thạch Đồng - Huyện Thanh Thuỷ |
Đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Thọ thuộc quy hoạch cao tốc Bắc Nam phía Tây |
II.1 |
Quốc lộ chính yếu khu vực phía Bắc |
|
||
1 |
QL.2 |
Xã Sông Lô - Thành phố Việt Trì |
Xã Chí Đám - Huyện Đoan Hùng |
Cấp III, 2-6 làn xe |
2 |
QL.70 |
Thị trấn Đoan Hùng- Huyện Đoan Hùng |
Xã Đại Phạm - Huyện Hạ Hòa |
Cấp III-IV, 2- 4 làn xe |
3 |
QL.32 |
Xã Dân Quyền - Huyện Tam Nông |
Xã Thu Cúc - Huyện Tân Sơn |
Cấp III-IV, 2- 4 làn xe |
II.2 |
Quốc lộ thứ yếu khu vực phía Bắc |
|
||
1 |
QL.32B |
QL.70B - Huyện Yên Lập |
Xã Thu Cúc - Huyện Tân Sơn |
Cấp IV, 2-4 làn xe |
2 |
QL.32C |
Phường Vân Phú - Thành phố Việt Trì |
Xã Hiền Lương - Huyện Hạ Hòa |
Cấp III, 2-4 làn xe |
3 |
QL.32C tránh TP. Việt Trì |
Xã Sông Lô - Thành phố Việt Trì |
Xã Phùng Nguyên - Huyện Lâm Thao |
Cấp II, 4 làn xe |
4 |
QL.70B |
Xã Tây Cốc - Huyện Đoan Hùng |
Xã Tinh Nhuệ - Huyện Thanh Sơn |
Cấp III-IV, 2- 4 làn xe |
5 |
QL.2D |
Xã Sông Lô - Thành phố Việt Trì |
Xã Đan Thượng - Huyện Hạ Hòa |
Cấp IV, 2 làn xe |
II.3 |
Tuyến đường nghiên cứu nâng lên quốc lộ sau khi được đầu tư bảo đảm quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy hoạch |
|||
|
Tuyến đường kết nối các tỉnh Hòa Bình - Phú Thọ - Thành phố Hà Nội - Tuyên Quang theo hướng các tuyến đường tỉnh ĐT.316, ĐT.317, ĐT.323 và một số tuyến đường khác |
Xã Tinh Nhuệ - Huyện Thanh Sơn |
Xã Vụ Quang - Huyện Đoan Hùng |
Cấp III - IV |
III |
ĐƯỜNG TỈNH |
|
||
III.1 |
Đường tỉnh hiện có (cải tạo, nâng cấp) |
|
||
1 |
ĐT.313 |
Xã Yên Tập - Huyện Cẩm Khê |
Thị trấn Yên Lập - Huyện Yên Lập |
Cấp III |
2 |
ĐT.313B |
Xã Đồng Lạc - Huyện Yên Lập |
Xã Phú Lạc - Huyện Cẩm Khê |
Cấp IV |
3 |
ĐT.313C |
Xã Hương Lung - Huyện Cẩm Khê |
Xã Đồng Lương - Huyện Cẩm Khê |
Cấp III-IV |
4 |
ĐT.313D |
Thị trấn Yên Lập - Huyện Yên Lập |
Xã Thục Luyện - Huyện Thanh Sơn |
Cấp IV |
5 |
ĐT.313E |
Xã Phú Lạc - Huyện Cẩm Khê |
Xã Đồng Lạc - Huyện Yên Lập |
Cấp IV |
6 |
ĐT.313G |
Xã Ngọc Lập - Huyện Yên Lập |
Xã Mỹ Thuận - Huyện Tân Sơn Thục Luyện - Huyện Thanh Sơn |
Cấp III-IV |
7 |
ĐT.314 |
Xã Hà Lộc - Thị xã Phú Thọ |
Xã Đại Phạm - Huyện Hạ Hòa |
Cấp III-IV |
8 |
ĐT.314B |
Thị trấn Thanh Ba - Huyện Thanh Ba |
Xã Chân Mộng - Huyện Đoan Hùng |
Cấp III |
9 |
ĐT.314C |
Xã Đồng Xuân - Huyện Thanh Ba |
Xã Mạn Lạn - Huyện Thanh Ba |
Cấp III |
10 |
ĐT.315 |
Xã Vạn Xuân - Huyện Tam Nông |
Xã Vạn Xuân - Huyện Tam Nông |
Cấp III-IV |
11 |
ĐT.315B |
Phường Hùng Vương - Thị xã Phú Thọ |
Xã Phú Hộ - Thị xã Phú Thọ |
Cấp III-IV |
12 |
ĐT.315C |
Xã Lam Sơn - Huyện Tam Nông |
Xã Tề Lễ - Huyện Tam Nông |
Cấp IV |
13 |
ĐT.316 |
Xã Dân Quyền - Huyện Tam Nông |
Thị trấn Thanh Sơn - Huyện Thanh Sơn |
Cấp III |
14 |
ĐT.316B |
Xã Tân Phương - Huyện Thanh Thủy |
Thị trấn Hưng Hóa - Huyện Tam Nông |
Cấp III-IV |
15 |
ĐT.316C |
Xã Thục Luyện - Huyện Thanh Sơn |
Xã Mỹ Thuận - Huyện Thanh Sơn |
Cấp III-IV |
16 |
ĐT.316D |
Xã Văn Miếu - Huyện Tân Sơn |
Xã Vinh Tiền - Huyện Tân Sơn |
Cấp IV |
17 |
ĐT.316E |
Xã Minh Đài - Huyện Tân Sơn |
Xã Kim Thượng - Huyện Tân Sơn |
Cấp IV |
18 |
ĐT.316G |
Xã Giáp Lai - Huyện Thanh Sơn |
Xã Dân Quyền - Huyện Tam Nông |
Cấp IV |
19 |
ĐT.316H |
Xã Kiệt Sơn - Huyện Tân Sơn |
Xã Xuân Sơn - Huyện Tân Sơn |
Cấp IV |
20 |
ĐT.316I |
Xã Kiệt Sơn - Huyện Tân Sơn |
Xã Đồng Sơn - Huyện Tân Sơn |
Cấp IV |
21 |
ĐT.316K |
Xã Thu Cúc - Huyện Tân Sơn |
Xã Thu Cúc - Huyện Tân Sơn |
Cấp IV |
22 |
ĐT.316L |
Xã Văn Miếu - Huyện Thanh Sơn |
Xã Hương Cần - Huyện Thanh Sơn |
Cấp IV-V |
23 |
ĐT.316M |
Xã Đào Xá - Huyện Thanh Thủy |
Xã Hương Nộn - Huyện Tam Nông |
Cấp IV |
24 |
ĐT.317 |
Thị trấn Thanh Thủy - Huyện Thanh Thủy |
Xã Tinh Nhuệ - Huyện Thanh Sơn |
Cấp III |
25 |
ĐT.317B |
Xã Tu Vũ - Huyện Thanh Thủy |
Xã Hương Cần - Huyện Thanh Sơn |
Cấp IV |
26 |
ĐT.317C |
Xã Đoan Hạ - Huyện Thanh Thủy |
Xã Thắng Sơn - Huyện Thanh Sơn |
Cấp III-IV |
27 |
ĐT.317D |
Xã Bảo Yên - Huyện Thanh Thủy |
Xã Tất Thắng - Huyện Thanh Sơn |
Cấp IV |
28 |
ĐT.317E |
Xã Đồng Trung - Huyện Thanh Thủy |
Xã Hoàng Xá - Huyện Thanh Thủy |
Cấp III |
29 |
ĐT.317G |
Xã Dân Quyền - Huyện Tam Nông |
Xã Tu Vũ - Huyện Thanh Thủy |
Cấp III |
30 |
ĐT.318 |
Xã Yên Kiện - Huyện Đoan Hùng |
Xã Vụ Quang - Huyện Đoan Hùng |
Cấp IV |
31 |
ĐT.318B |
Xã Minh Phú - Huyện Đoan Hùng |
Xã Chân Mộng - Huyện Đoan Hùng |
Cấp IV |
32 |
ĐT.319 |
Xã Tây Cốc - Huyện Đoan Hùng |
Xã Minh Lương - Huyện Đoan Hùng |
Cấp IV |
33 |
ĐT.319B |
Xã Bằng Doãn - Huyện Đoan Hùng |
Xã Bằng Luân - Huyện Đoan Hùng |
Cấp IV |
34 |
ĐT.319C |
Xã Bằng Doãn - Huyện Đoan Hùng |
Xã Minh Lương - Huyện Đoan Hùng |
Cấp IV |
35 |
ĐT.320B |
Xã Hà Thạch - Thị xã Phú Thọ |
Xã Phú Hộ - Thị xã Phú Thọ |
Cấp IV |
36 |
ĐT.320C |
Xã Thanh Vinh - Thị xã Phú Thọ |
Xã Ninh Dân - Huyện Thanh Ba |
Cấp III |
37 |
ĐT.320D |
Xã Vĩnh Chân - Huyện Hạ Hòa |
Xã Phương Viên - Huyện Hạ Hòa |
Cấp IV |
38 |
ĐT.321 |
Xã Xuân An - Huyện Yên Lập |
Xã Trung Sơn - Huyện Yên Lập |
Cấp V |
39 |
ĐT.321B |
Xã Bằng Giã - Huyện Hạ Hòa |
Xã Mỹ Lương - Huyện Yên Lập |
Cấp IV |
40 |
ĐT.321C |
Xã Lương Sơn - Huyện Yên Lập |
Xã Minh Tân - Huyện Cẩm Khê |
Cấp IV |
41 |
ĐT.322 |
Xã Vân Du - Huyện Đoan Hùng |
Xã Hùng Xuyên - Huyện Đoan Hùng |
Cấp IV |
42 |
ĐT.323 |
Phường Dữu Lâu - TP. Việt Trì |
Xã Phú Lâm - Huyện Đoan Hùng |
Cấp IV |
43 |
ĐT.323B |
Xã Hùng Lô - Thành phố Việt Trì |
Xã Kim Đức - Thành phố Việt Trì |
Cấp IV |
44 |
ĐT.323C |
Xã Bình Phú - Huyện Phù Ninh |
Xã Phù Ninh - Huyện Phù Ninh |
Cấp III-IV |
45 |
ĐT.323D |
Xã Lệ Mỹ - Huyện Phù Ninh |
Xã Phú Lộc - Huyện Phù Ninh |
Cấp III-IV |
46 |
ĐT.323E |
Xã Lệ Mỹ - Huyện Phù Ninh |
Xã Trạm Thản - Huyện Phù Ninh |
Cấp III |
47 |
ĐT.323G |
Xã Tiên Du- Huyện Phù Ninh |
Xã Minh Phú - Huyện Đoan Hùng |
Cấp III-IV |
48 |
ĐT.323H |
Xã Tiên Du - Huyện Phù Ninh |
Xã Phú Lộc - Huyện Phù Ninh |
Cấp IV |
49 |
ĐT.323I |
Xã Hợp Nhất - Huyện Đoan Hùng |
Xã Hợp Nhất - Huyện Đoan Hùng |
Cấp IV |
50 |
ĐT.324 |
Xã Cao Xá - Huyện Lâm Thao |
Thị trấn Lâm Thao - Huyện Lâm Thao |
Cấp III |
51 |
ĐT.324B |
Xã Cao Xá - Huyện Lâm Thao |
Xã Phùng Nguyên - Huyện Lâm Thao |
Cấp III |
52 |
ĐT.325 |
Xã Tiên Kiên - Huyện Lâm Thao |
Thị trấn Phong Châu - Huyện Phù Ninh |
Cấp III |
53 |
ĐT.325B |
Xã Tiên Kiên - Huyện Lâm Thao |
Xã Hà Thạch - Thị xã Phú Thọ |
Cấp III |
54 |
ĐT.325C |
Xã Phù Ninh - Huyện Phù Ninh |
Xã Tiên Kiên - Huyện Lâm Thao |
Cấp IV |
III.2 |
Đường tỉnh mới |
|
||
1 |
ĐT.315D (kết nối đường Hồ Chí Minh với QL.70B, QL.32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái) |
Xã Lam Sơn - Huyện Tam Nông |
Xã Hiền Lương - Huyện Hạ Hòa |
Cấp III |
2 |
ĐT. 320E (nối thành phố Việt Trì - huyện Lâm Thao - thị xã Phú Thọ - huyện Thanh Ba) |
Thành phố Việt Trì |
Huyện Thanh Ba |
Cấp III và đường chính đô thị |
3 |
ĐT.323K (nối từ ĐT.323 đến quốc lộ 2, huyện Phù Ninh) |
Xã Tiên Du - Huyện Phù Ninh |
Xã Phú Lộc - Huyện Phù Ninh |
Cấp III |
4 |
ĐT.314D (nối từ nút giao Km30 cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đến trung tâm huyện Thanh Ba) |
Thị trấn Thanh Ba - Huyện Thanh Ba |
Xã Đại An - Huyện Thanh Ba |
Cấp III |
5 |
ĐT.318C (nối từ ĐT.323 xã Hùng Lô, TP. Việt Trì đến QL.2 Xã Sóc Đăng, huyện Đoan Hùng- đường Âu Cơ) |
Xã Hùng Lô - Thành phố Việt Trì |
Xã Sóc Đăng - Huyện Đoan Hùng |
Cấp III |
6 |
ĐT.325D (nối từ ĐT325B, cụm công nghiệp Bắc Lâm Thao đến cụm Công nghiệp Phú Gia, huyện Phù Ninh) |
Xã Xuân Lũng - Huyện Lâm Thao |
Xã Phú Nham - Huyện Phù Ninh |
Cấp III |
7 |
ĐT.315E (Đường nối từ QL.32, KCN Tam Nông đến ĐT.317G, KCN Trung Hà, huyện Tam Nông) |
Tại km79 +175, QL.32 thuộc địa bàn xã Vạn Xuân - Huyện Tam Nông |
Tại Km0+600, ĐT.317G thuộc địa bàn xã Dân Quyền - Huyện Tam Nông |
Đường chính khu vực |
8 |
ĐT.316Q (Đường nối từ ĐT.316C xã Văn Miếu, Thanh Sơn qua xã Long Cốc đến ĐT.316E, xã Minh Đài, huyện Tân Sơn) |
Xã Văn Miếu - Huyện Thanh Sơn |
Xã Xuân Đài - Huyện Tân Sơn |
Cấp V |
9 |
ĐT.321D (Đường nối từ QL.70B, xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập đến QL.32C, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa) |
Xã Mỹ Lung - Huyện Yên Lập |
Xã Hiền Lương - Huyện Hạ Hòa |
Cấp IV |
10 |
ĐT.313H (Tuyến đường tránh thị trấn Cẩm Khê) |
Thị trấn Cẩm Khê - Huyện Cẩm Khê |
Xã Xương Thịnh - Huyện Cẩm Khê |
Cấp III |
11 |
ĐT.313I (Đường nối từ QL.70B, xã Phúc Khánh qua xã Minh Hòa, huyện Yên Lập đến xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê) |
Xã Phúc Khánh - Huyện Yên Lập |
Xã Đồng Lương - Huyện Cẩm Khê |
Cấp V |
12 |
ĐT.320 (Đường nối từ QL.2D, thị xã Phú Thọ đến QL.32C, Xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê) |
Phường Phong Châu - Thị xã Phú Thọ |
Xã Đồng Lương - Huyện Cẩm Khê |
Cấp III |
13 |
ĐT.325E (Đường nối Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng với Khu du lịch Xuân Sơn) |
Xã Hy Cương - Thành phố Việt Trì |
Xã Xuân Đài - Huyện Tân Sơn |
Cấp III |
14 |
ĐT.317I (Đường nối từ cầu Đồng Quang đến QL.32 tại ngã ba Việt Tiến, Xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn) |
Xã Đồng Trung - Huyện Thanh Thủy |
Xã Địch Quả - Huyện Thanh Sơn |
Cấp III |
15 |
ĐT.313K (Đường nối từ QL.2D, thị xã Phú Thọ với ĐT.313 Xã Sơn Tình, huyện Cẩm Khê) |
Xã Thanh Minh- thị xã Phú Thọ |
Xã Sơn Tình - Huyện Cẩm Khê |
Cấp III |
16 |
ĐT.313L (Đường nối từ QL.32C đi qua Khu công nghiệp Cẩm Khê đến ĐT.315D) |
Thị trấn Cẩm Khê - Huyện Cẩm |
Xã Xương Thịnh - Huyện Cẩm Khê |
Cấp III |
17 |
ĐT.322B (Đường nối từ ĐT.322 tại Xã Hùng Xuyên, huyện Đoan Hùng đến ĐT.314D tại Xã Đông Lĩnh, huyện Thanh Ba) |
Xã Hùng Xuyên - Huyện Đoan Hùng |
Xã Đông Lĩnh - Huyện Thanh Ba |
Cấp III |
18 |
ĐT.325H (Đường nối nút giao lên xuống IC8 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng) |
Xã Phù Ninh - Huyện Phù Ninh |
Xã Hy Cương - Thành phố Việt Trì |
Đường chính khu vực |
19 |
ĐT.316P (Đường nối từ xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn đến Vườn quốc gia Xuân Sơn) |
Xã Võ Miếu - Huyện Thanh Sơn |
Xã Xuân Sơn - Huyện Tân Sơn |
Cấp III |
20 |
ĐT.314E (Đường nối từ cầu Kim Xuyên, xã Vụ Quang, huyện Đoan Hùng đến QL.70B, xã Lương Sơn, huyện Yên Lập) |
Xã Kim Xuyên - Huyện Đoan Hùng |
Xã Lương Sơn - Huyện Yên Lập |
Cấp III |
21 |
ĐT.317H (Đường nối từ xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn đến xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) |
Xã Hương Cần - Huyện Thanh Sơn |
Xã Kim Thượng - Huyện Tân Sơn |
Cấp IV-V |
22 |
ĐT.315G (Đường vành đai phía Bắc thị xã Phú Thọ (kết nối QL2- đường Hồ Chí Minh, ĐT320C- QL2D- CCN Nam Thanh Ba- cầu Tình Cương) |
Xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ |
Xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba |
Cấp III |
IV |
Quy hoạch cầu vĩnh cửu |
|
||
|
Xây dựng mới khoảng 16 cầu lớn qua sông Lô, sông Hồng, sông Đà và sông Chảy |
|
|
Quy mô cầu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và Bê tông cốt thép dự ứng lực |
Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, chiều dài, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án./.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
TỈNH PHÚ THỌ THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 1579 /QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
Bảng V.1: Quy hoạch cảng thủy nội địa hàng hóa
STT |
Tên cảng |
Địa điểm dự kiến |
Sông |
Cỡ tàu tối đa (Tấn) |
A |
Khu cảng trên địa phận thành phố Việt Trì |
|
|
|
|
Cảng đã có trong quy hoạch |
|
|
|
1 |
Cảng thủy nội địa Khánh Dư |
Thành phố Việt Trì |
Sông Hồng |
1.000 - 3.000 tấn |
2 |
Cảng thủy nội địa Việt Trì |
Thành phố Việt Trì |
Sông Lô |
1.000 - 3.000 tấn |
3 |
Cảng thủy nội địa Hải Linh |
Thành phố Việt Trì |
Sông Lô |
1.000 - 3.000 tấn |
4 |
Cảng thủy nội địa Dữu Lâu |
Thành phố Việt Trì |
Sông Lô |
1.000 - 3.000 tấn |
5 |
Cảng thủy nội địa Kim Đức |
Thành phố Việt Trì |
Sông Lô |
1.000 - 3.000 tấn |
6 |
Cảng thủy nội địa Trường Phát |
Thành phố Việt Trì |
Sông Lô |
1.000 - 3.000 tấn |
7 |
Cảng thủy nội địa Lâu Thượng |
Thành phố Việt Trì |
Sông Lô |
1.000 - 3.000 tấn |
8 |
Các cảng thủy nội địa khác trên địa bàn thành phố Việt Trì |
|
|
1.000 - 3.000 tấn |
B |
Khu cảng trên sông Đà, sông Lô, sông Hồng |
|
|
|
1 |
Cảng thủy nội địa Vụ Quang |
Huyện Đoan Hùng |
Sông Lô |
1.000 tấn |
2 |
Cảng thủy nội địa Đoan Hùng |
Huyện Đoan Hùng |
Sông Lô |
1.000 tấn |
3 |
Cảng thủy nội địa Ngọc Tháp |
Thị xã Phú Thọ |
Sông Hồng |
1.000 tấn |
4 |
Cảng thủy nội địa Trung Hà |
Huyện Tam Nông |
Sông Hồng - Sông Đà |
1.000 tấn |
5 |
Cảng thủy nội địa Hoàng Phương |
Huyện Phù Ninh |
Sông Lô |
1.000 tấn |
6 |
Cảng thủy nội địa Tiên Du |
Huyện Phù Ninh |
Sông Lô |
1.000 tấn |
7 |
Cảng thủy nội địa Yến Mao |
Huyện Thanh Thủy |
Sông Đà |
1.000 tấn |
8 |
Các cảng thủy nội địa khác trên địa bàn thị xã Phú Thọ và các huyện |
|
|
1.000 tấn |
Bảng V.2: Quy hoạch cảng thủy nội địa chuyên dùng
STT |
Tên cảng |
Địa điểm dự kiến |
Sông |
Cỡ tàu tối đa (Tấn) |
1 |
Cảng thủy nội địa xăng dầu Hải Linh |
Thành phố Việt Trì |
Sông Lô |
1.000 - 3.000 tấn |
2 |
Cảng thủy nội địa xăng dầu Phú Thọ |
Thành phố Việt Trì |
Sông Lô |
1.000 - 3.000 tấn |
3 |
Cảng thủy nội địa An Đạo |
Huyện Phù Ninh |
Sông Lô |
1.000 - 3.000 tấn |
4 |
Các cảng thủy nội địa khác trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã |
|
|
1.000 - 3.000 tấn |
Ghi chú:
- Danh mục tuyến đường thủy nội bộ trên địa bàn tỉnh bao gồm các tuyến đường tại Phụ lục này và một số tuyến đường khác nghiên cứu đầu tư, thực hiện theo nhu cầu phát triển của tỉnh;
- Quy mô thực tế sẽ được tính toán trong quá trình đầu tư; tên, diện tích và phạm vi ranh giới các tuyến sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư./.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI ĐƯỜNG SẮT PHÚ THỌ THỜI KỲ
2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 1579 /QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
Bảng VI.1: Quy hoạch mạng lưới giao thông đường sắt
STT |
Tên đường |
Điểm đầu (trên địa phận tỉnh Phú Thọ) |
Điểm cuối (trên địa phận tỉnh Phú Thọ) |
A |
Đường sắt quốc gia |
|
|
1 |
Đường sắt hiện có |
|
|
|
Hà Nội - Lào Cai |
Thành phố Việt Trì |
Huyện Hạ Hòa |
2 |
Đường sắt xây dựng mới |
|
|
|
Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng |
Theo quy hoạch quốc gia |
|
B |
Đường sắt nội tỉnh |
|
|
1 |
Tuyến nhánh vào nhà máy Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao |
Ga Tiên Kiên |
Nhà máy Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao |
2 |
Nhánh vào cảng Việt Trì |
Ga Việt Trì |
Cảng Việt Trì |
3 |
Tuyến nhánh vào Cụm công nghiệp Bắc Lâm Thao, huyện Lâm Thao |
Ga Tiên Kiên |
Cụm công nghiệp Bắc Lâm Thao, huyện Lâm Thao |
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG HỖ TRỢ VẬN TẢI PHÚ
THỌ THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
Bảng VII.1: Quy hoạch cảng cạn, trung tâm logistics
STT |
Tên cảng/ trung tâm logistics |
Diện tích dự kiến (ha) |
I |
Cụm cảng cạn Việt Trì |
|
1 |
Cảng cạn Hải Linh - Thành phố Việt Trì |
5 |
2 |
Cảng cạn Thụy Vân tại KCN Thụy Vân |
10 |
II |
Trung tâm logistics |
|
1 |
Trung tâm Logistics cấp vùng |
30 - 50 |
2 |
Trung tâm Logistics cấp tỉnh (02 Trung tâm) |
15-30 |
Bảng VII.2: Quy hoạch mạng lưới bến xe
STT |
Bến xe |
Vị trí |
Quy mô tối thiểu (m2) |
Cấp hạng |
|
13-15 bến xe |
13 huyện, thành, thị |
5.000 |
I-IV |
Ghi chú: Quy hoạch mỗi huyện, thị, thành quy hoạch ít nhất một bến xe tối thiểu đạt loại 4 tại vị trí trung tâm thuận lợi, những nơi có quỹ đất cần xây dựng luôn bến xe loại 3 có phân kỳ đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội hóa. Trong đó tiếp tục quan tâm huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thành 03 bến xe trên địa bàn các huyện Đoan Hùng, Phù Ninh, Tam Nông, ở thành phố Việt Trì (02 bến) và thị xã Phú Thọ đạt loại 1, 2 (diện tích mặt bằng tối thiểu 10.000 m2)./.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN ĐIỆN, LƯỚI ĐIỆN TỈNH PHÚ THỌ
THỜI KỲ 2021-2030
(Kèm theo Quyết định số 1579 /QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
A. PHÁT TRIỂN NGUỒN ĐIỆN
I. DỰ ÁN ĐƯỢC XÁC ĐỊNH TRONG QUY HOẠCH ĐIỆN VIII
STT |
Hạng mục |
Đơn vị tính |
Công suất dự kiến |
Địa điểm dự kiến |
Ghi chú |
|
Nhà máy thuỷ điện cột nước thấp Phú Thọ* |
MW |
105 |
Tỉnh Phú Thọ |
|
II. CÁC NGUỒN ĐIỆN TIỀM NĂNG
STT |
Hạng mục |
Đơn vị tính |
Công suất dự kiến |
Địa điểm dự kiến |
Ghi chú |
I |
Thủy điện |
|
|
|
|
1 |
Nhà máy thủy điện Lai Đồng |
MW |
3-4 |
Huyện Tân Sơn |
|
2 |
Nhà máy thủy điện Thu Cúc |
MW |
12 |
Huyện Tân Sơn |
|
3 |
Nhà máy thủy điện kết hợp thủy lợi Ngòi Giành |
MW |
15 |
Huyện Yên Lập |
|
II |
Điện sinh khối và nguồn khác |
|
|
|
|
|
Nhà máy điện sinh khối Phú Thọ |
MW |
50 |
Huyện Thanh Sơn |
|
III |
Điện rác |
|
|
|
|
|
Nhà máy xử lý đốt rác thải phát điện 110kV |
MW |
18 |
Huyện Phù Ninh |
|
IV |
Điện mặt trời, điện gió, điện tự dùng,… |
MW |
361 |
|
Nghiên cứu tiềm năng |
V |
Điện nhà máy xi măng |
MW |
4 |
|
Tự sản tự tiêu |
Ghi chú:
(*) Đối với dự án thủy điện cột nước thấp Phú Thọ công suất 105 MW: Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ rà soát, đánh giá toàn diện về hiệu quả kinh tế, xã hội, tác động của dự án đến hệ thống giao thông, thủy lợi, đê điều,…, ảnh hưởng của dự án đến môi trường, khảo sát ý kiến của cộng đồng dân cư; trên cơ sở đó, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thực hiện hoặc không thực hiện dự án.
- Việc đầu tư các dự án nguồn điện tiềm năng chỉ được thực hiện khi bảo đảm phù hợp với Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với các điều kiện, tiêu chí, luận chứng theo Quy hoạch điện VIII và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật có liên quan.
Việc đầu tư các dự án thủy điện nhỏ phải được xem xét đánh giá kỹ lưỡng về tác động môi trường, đời sống dân sinh, diện tích chiếm đất,…; phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước,… và các quy định khác có liên quan.
C. DỰ KIẾN DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN LƯỚI ĐIỆN
Bảng VIII.1: Danh mục xây mới và cải tạo các trạm biến áp 500kV, 220 kV và 110kV thời kỳ 2021-2030
STT |
Hạng mục |
Công suất hiện tại (MVA) |
Quy hoạch thời kỳ 2021-2030 |
|
Xây dựng mới dự kiến (MVA) |
Nâng công suất dự kiến (MVA) |
|||
I |
Trạm biến áp 500kV |
|
|
|
|
500kV Việt Trì |
2x450 |
|
2x900 |
II |
Trạm biến áp 220kV |
|
|
|
1 |
220 kV Việt Trì |
2x250 |
|
|
2 |
Phú Thọ |
2x250 |
|
|
3 |
Phú Thọ 2 |
|
1x250 |
2x250 |
4 |
Việt Trì 500kV nối cấp |
|
1x250 |
2x250 |
5 |
Phú Thọ 3 |
|
1x250 |
|
III |
Trạm biến áp 110kV |
|
|
|
III.1 |
Vùng I |
|
|
|
1 |
Việt Trì (E4.1) |
63+2x40 |
|
|
2 |
Lâm Thao (E4.2) |
2x16 |
|
|
3 |
Bắc Việt Trì (E4.6) |
2x63 |
|
|
4 |
Phù Ninh (E4.10 ) |
40+63 |
|
|
5 |
Thụy Vân (E4.17) |
1x63 |
|
2x63 |
6 |
Việt Trì 2 (E4.18 ) |
1x63 |
|
2x63 |
7 |
Bãi Bằng (A4.2 ) |
2x25 |
|
|
8 |
Bạch Hạc |
|
1x40 |
|
9 |
Phù Ninh 2 |
|
1x40 |
2x40 |
10 |
Việt Trì 3 |
|
1x40 |
|
11 |
Lâm Thao 2 |
|
1x63 |
2x63 |
12 |
Hợp Hải |
|
1x40 |
40+63 |
13 |
Phù Ninh 3 |
|
1x63 |
|
14 |
Phù Ninh 4 |
|
1x40 |
|
III.2 |
Vùng II |
|
|
|
1 |
Đồng Xuân (E4.5) |
2x25 |
|
2x40 |
2 |
Phú Thọ (E4.7) |
2x40 |
|
2x63 |
3 |
Ninh Dân (E4.9) |
2x25 |
|
|
4 |
Cẩm Khê (E4.13 ) |
25+40 |
|
2x40 |
5 |
Đoan Hùng (E4.14 ) |
2x40 |
|
2x63 |
6 |
Cẩm Khê 2 |
1x40 |
|
2x63 |
7 |
Phú Hà1 |
1x40 |
|
2x63 |
8 |
Hạ Hòa |
|
1x40 |
2x40 |
9 |
Bãi Ba |
|
1x63 |
2x63 |
10 |
Hạ Hòa 2 |
|
1x63 |
2x63 |
11 |
Đoan Hùng 2 |
|
1x63 |
2x63 |
12 |
Cẩm Khê 3 |
|
1x63 |
3x63 |
13 |
Cẩm Khê 4 |
|
1x40 |
2x40 |
14 |
Đoan Hùng 3 |
|
1x40 |
|
15 |
Hạ Hòa 3 |
|
1x63 |
|
16 |
Thanh Ba |
|
1x63 |
|
17 |
Thanh Ba 2 |
|
1x63 |
|
18 |
Phú Hà 2 |
|
1x63 |
2x63 |
19 |
Cẩm Khê 5 |
|
1x63 |
2x63 |
III.3 |
Vùng III |
|
|
|
1 |
Phố Vàng (E4.8) |
2x40 |
|
|
2 |
Trung Hà (E4.11 )2 |
25+40 |
|
2x63 |
3 |
Tam Nông (E4.16 ) |
1x40 |
|
2x63 |
4 |
Yên Lập |
|
1x40 |
|
5 |
Tân Sơn |
|
1x25 |
2x40 |
6 |
Thanh Thủy |
1x40 |
|
2x63 |
7 |
Thanh Sơn |
|
1x40 |
2x40 |
8 |
Tam Nông 2 |
|
1x63 |
2x63 |
9 |
Thanh Sơn 2 |
|
1x63 |
2x63 |
10 |
Thanh Sơn 3 |
|
1x63 |
|
11 |
Thanh Thủy 2 |
|
1x63 |
|
12 |
Yên Lập 2 |
|
1x63 |
2x63 |
13 |
Tam Nông 3 |
|
1x63 |
|
14 |
Trung Hà 2 |
|
1x63 |
2x63 |
III.4 |
Các TBA 110kV dự phòng phát triển các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh |
|
|
|
Bảng VIII.2: Danh mục xây mới và cải tạo các đường dây 110kV
STT |
Hạng mục |
Tiết diện |
Quy mô |
|
Số mạch |
Tổng chiều dài (km) |
|||
A |
Giai đoạn 2021-2025 |
|
|
|
I |
Xây dựng mới |
|
|
|
1 |
Đấu nối trạm 220kV Phú Thọ |
400 |
4 |
0,7 |
2 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Cẩm Khê 2 |
240 |
2 |
1 |
3 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Hạ Hòa 2 |
300 |
2 |
9 |
4 |
220kV Phú Thọ - 110kV Cẩm Khê |
400 |
2 |
8 |
5 |
220kV Phú Thọ - 110kV Bãi Ba |
300 |
2 |
12 |
6 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Phù Ninh 2 |
400 |
2 |
3 |
7 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Phú Hà |
400 |
2 |
5 |
8 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Lâm Thao 2 |
400 |
2 |
3 |
9 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Bạch Hạc |
400 |
2 |
1 |
10 |
Đấu nối trạm 220kV Phú Thọ 2 |
400 |
4 |
2 |
11 |
220kV Phú Thọ 2 - Tân Sơn |
300 |
2 |
4 |
12 |
Tân Sơn - Cẩm Khê |
300 |
2 |
32 |
13 |
220kV Phú Thọ 2 - 110kV Phú Hà 2 |
400 |
2 |
21 |
14 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Yên Lập |
300 |
2 |
1 |
15 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Tân Sơn |
300 |
2 |
24 |
16 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Thanh Sơn |
300 |
4 |
3 |
17 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Thanh Thủy |
240 |
2 |
5 |
18 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Hợp Hải |
300 |
2 |
1 |
19 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Tam Nông 2 |
400 |
2 |
1 |
20 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Hạ Hòa |
240 |
2 |
16 |
21 |
Lâm Thao 2- Bãi Bằng + Lâm Thao |
240 |
2 |
2 |
22 |
Đấu nối 110kV sau trạm 220kV nối cấp T500 Việt Trì |
400 |
6 |
4 |
23 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Việt Trì 3 |
400 |
2 |
1 |
24 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Đoan Hùng 2 |
300 |
2 |
1 |
25 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Cẩm Khê 3 |
400 |
4 |
1 |
26 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Thanh Sơn 2 |
300 |
2 |
3 |
27 |
Nhánh rẽ Nhà máy xử lý đốt rác thải phát điện 110kV |
400 |
2 |
3 |
28 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Phú Hà 2 |
400 |
2 |
4 |
29 |
Hạ Hòa - Hạ Hòa 2 |
400 |
2 |
9 |
II |
Cải tạo nâng tiết diện |
|
|
|
1 |
220kV Phú Thọ - 220kV Việt Trì |
400 |
2 |
26 |
2 |
110kV Cẩm Khê - 110kV Đồng Xuân |
400 |
2 |
15 |
3 |
220kV Việt Trì - 110kV Việt Trì |
400 |
1 |
12 |
4 |
110kV Việt Trì - Vĩnh Tường |
400 |
1 |
2,2 |
5 |
220kV Việt Trì - 110kV Phố Vàng |
300 |
2 |
36 |
6 |
110kV Phố Vàng - Sơn Tây |
300 |
2 |
50 |
7 |
Thác Bà - 220kV Phú Thọ |
300 |
1 |
40 |
8 |
Nhánh rẽ 110kV Hạ Hòa |
400 |
2 |
16 |
9 |
220kV Việt Trì - Việt Trì 2 - Việt Trì |
400 |
1 |
25 |
10 |
220kV Phú Thọ - Ninh Dân - Đồng Xuân |
400 |
1 |
26 |
B |
Giai đoạn 2026-2030 |
|
|
|
I |
Xây dựng mới |
|
|
|
1 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Phù Ninh 3 |
400 |
2 |
3 |
2 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Phù Ninh 4 |
400 |
2 |
6 |
3 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Đoan Hùng 3 |
300 |
2 |
1 |
4 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Thanh Ba |
400 |
2 |
2 |
5 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Thanh Ba 2 |
300 |
2 |
3 |
6 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Hạ Hòa 3 |
300 |
2 |
1 |
7 |
Đấu nối 110kV sau trạm 220kV Phú Thọ 3 (mạch 1) |
300 |
4 |
5 |
8 |
Đấu nối 110kV sau trạm 220kV Phú Thọ 3 (mạch 2) |
400 |
2 |
11 |
9 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Cẩm khê 4 |
400 |
2 |
4 |
10 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Thanh Sơn 3 |
300 |
2 |
5 |
11 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Thanh Thủy 2 |
300 |
2 |
5 |
12 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Tam Nông 3 |
400 |
2 |
5 |
13 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Trung Hà 2 |
300 |
2 |
1 |
14 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Cẩm Khê 5 |
400 |
2 |
5 |
15 |
Thanh Thủy 2 - Thanh Thủy |
300 |
2 |
6 |
16 |
Nhánh rẽ trạm 110kV Yên Lập 2 |
300 |
2 |
5 |
17 |
Nhánh rẽ Nhà máy điện sinh khối Phú Thọ |
300 |
2 |
5 |
VIII.3 Khối lượng xuất tuyến trung áp xây dựng mới
Số xuất tuyến trung áp xây dựng mới: khoảng 597 lộ.
Khối lượng xây dựng mới và cải tạo đường dây trung áp: khoảng 2.150km.
Số TBA phân phối dự kiến xây dựng mới và cải tạo: khoảng 2.809 trạm phù hợp với phát triển TBA 110kV
Ghi chú:
- Việc đầu tư các trạm biến áp và tuyến đường dây 500kV và 220kV phải căn cứ vào Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đối với lưới điện phân phối (cấp điện áp 110kV và trung hạ áp)
- Đối với trạm biến áp:
+ Trong quá trình thực hiện của mỗi giai đoạn, quy mô của trạm biến áp sẽ được lựa chọn phù hợp với nhu cầu phụ tải và giải tỏa công suất nguồn điện.
+ Tiến độ, quy mô và vị trí của các trạm biến áp sẽ được chuẩn xác trong quá trình xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch, phụ thuộc vào nhu cầu phát triển của phụ tải và cấu hình lưới điện trong thực tế.
+ Cấp điện áp phía thứ cấp máy biến áp 110kV và số lượng xuất tuyến trung áp sẽ được chuẩn xác trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
- Đối với đường dây:
+ Phương án đấu nối các đường dây 110kV được thể hiện chi tiết trong sơ đồ nguyên lý lưới điện trong Báo cáo Tổng hợp gửi kèm hồ sơ và có thể điều chỉnh theo thực tế vận hành lưới điện.
+ Trong trường hợp có sự tăng trưởng phụ tải ở một số khu vực một cách đột biến dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung quy mô, thay đổi phương án đấu nối đường dây thực hiện theo quy định.
+ Sử dụng dây dẫn hoặc cáp ngầm có thông số kỹ thuật tương đương với chủng loại dây dẫn theo quy hoạch theo điều kiện thực tế. Chiều dài đường dây sẽ được chuẩn xác trong giai đoạn thực hiện đầu tư.
- Các dự án đang thực hiện sẽ được chuyển tiếp (tiếp tục thực hiện) theo quy mô, phương án đã được phê duyệt.
- Lưới điện trung/hạ thế: Để đảm bảo quy hoạch mạng lưới điện đồng bộ và sát với thực tế tại địa phương, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức lập và phê duyệt phương án chi tiết phương án phát triển hệ thống trạm biến áp và đường dây sau các trạm biến áp 110kV thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm cơ sở thực hiện.
- Cấp điện cho KCN, CCN: Đối với các TBA 110kV cấp điện cho Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, căn cứ theo tình hình phát triển phụ tải thực tế và khả năng cấp nguồn cũng như phương án đấu nối phù hợp có thể điều chỉnh tăng quy mô công suất TBA hoặc bổ sung thêm TBA 110kV xây dựng mới.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TỈNH PHÚ
THỌ THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên công trình |
Địa điểm dự kiến |
A |
Công trình cải tạo, nâng cấp |
|
I |
Công trình tưới |
|
1 |
Hồ Phượng Mao, hồ Suối Rồng và 10-15 trạm bơm tưới, hồ, đập khác trên địa bàn huyện |
Huyện Thanh Thủy |
2 |
Hồ Suối Cái, hồ Mắt Ngựa, hồ Đồng Quán, đập Phai Lang và 11-20 trạm bơm tưới, hồ, đập khác trên địa bàn huyện |
Huyện Thanh Sơn |
3 |
Trạm bơm Sơn Cương (Chí Tiên), hồ Trầm Sắt + Trạm bơm, hồ Dộc Đồi + Trạm bơm và 30-40 trạm bơm tưới, hồ, đập khác trên địa bàn huyện |
Huyện Thanh Ba |
4 |
Hồ Nhà Giặc, hồ Đá Đen và 20-30 trạm bơm tưới, hồ, đập khác trên địa bàn huyện |
Huyện Đoan Hùng |
5 |
Hồ Đát Dội, hồ Dộc Gạo, đập Thâm Dâu và 20-30 trạm bơm tưới, hồ, đập khác trên địa bàn huyện |
Huyện Cẩm Khê |
6 |
Hồ Dộc Giang, hồ Suối Dân, hồ Mu Niên và 20-25 trạm bơm tưới, hồ, đập khác trên địa bàn huyện |
Huyện Yên Lập |
7 |
Trạm bơm An Đạo, hồ Lăng Khung, hồ Khuân Đắc và 25- 35 trạm bơm tưới, hồ, đập khác trên địa bàn huyện |
Huyện Phù Ninh |
8 |
Hồ Ngòi Vần, hồ Lửa Việt, hồ Hàm Kỳ và 25-35 trạm bơm tưới, hồ, đập khác trên địa bàn huyện |
Huyện Hạ Hòa |
9 |
Trạm bơm Bản Nguyên; Trạm bơm Vĩnh Mộ; Trạm bơm Văn Điểm; Trạm bơm Gốc Gạo, hồ Hóc Ngánh, hồ Song Diện và 10-20 trạm bơm tới, hồ, đập khác trên địa bàn huyện |
Huyện Lâm Thao |
10 |
Hồ Phương Thịnh, hồ Trổ Lội và 09-15 trạm bơm tưới, hồ, đập khác trên địa bàn huyện |
Huyện Tam Nông |
11 |
Trạm bơm tưới Dữu Lâu, đập Hóc Trai, đập Hóc Mồng và 11-15 trạm bơm tưới, hồ, đập khác trên địa bàn thành phố Việt Trì |
Thành phố Việt Trì |
12 |
Hồ Sận Hòa, hồ Nhá và 13-20 trạm bơm tưới, hồ, đập khác trên địa bàn huyện Tân Sơn |
Huyện Tân Sơn |
13 |
Trạm bơm Diên Hồng, 06-15 trạm bơm tưới, hồ, đập trên địa bàn thị xã Phú Thọ |
Thị xã Phú Thọ |
14 |
Kiên cố hóa 1.000 km kênh mương trên địa bàn các huyện |
Các huyện trên địa bàn tỉnh |
II |
Công trình tiêu |
|
1 |
Trạm bơm tưới, tiêu Tình Cương; Trạm bơm tưới, tiêu Hiền Đa; Hệ thống tiêu Ngòi Cỏ |
Huyện Cẩm Khê |
2 |
Trạm bơm tưới, tiêu Minh Nông và Tuyến kênh tiêu Cầu Gần, thành phố Việt Trì |
Thành phố Việt Trì |
3 |
Trạm bơm tiêu Lò Lợn |
Thị xã Phú Thọ |
4 |
Hệ thống tiêu Dậu Dương - Hương Nộn; Hệ thống tiêu Hiền Quan - Vực Trường; Hệ thống tiêu Tam Cường; Hệ thống tiêu Cầu Trắng trạm bơm tiêu Hiền Quan |
Huyện Tam Nông |
5 |
Hệ thống tiêu Hoàng Hanh, Hệ thống Ngòi Trang; Hệ thống Ngòi Hiêng; Hệ thống tiêu Ngòi Mỹ - Ngòi Kẹn, trạm bơm tiêu Ngòi Mỹ |
Huyện Hạ Hòa |
6 |
Trạm bơm tưới, tiêu Hoàng Hanh; Trạm bơm tưới, tiêu Lận Dương (Yên Khê) |
Huyện Thanh Ba |
7 |
Ngòi tiêu Vĩnh Mộ và Hệ thống tiêu Lò Lợn |
Huyện Lâm Thao; Thị xã Phú Thọ |
8 |
Ngòi tiêu Đoan Hạ; Ngòi tiêu Bảo Yên |
Huyện Thanh Thủy |
B |
Công trình xây dựng mới |
|
I |
Công trình tưới |
|
1 |
Hồ Thục Luyện, Hồ Dớn, Cụm công trình thủy lợi cho các xã Yên Lương, Yên Sơn, Hương Cần, Yên Lãng |
Các huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Tam Nông |
2 |
Hệ thống kênh mương hồ Ngòi Giành |
Các huyện: Yên Lập, Cẩm Khê, Tam Nông |
3 |
Mở rộng hệ thống đường ống đập Ngòi Lao để cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp |
Các huyện: Yên Lập, Hạ Hòa, Cẩm Khê |
4 |
Xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước từ các hồ chứa (Phượng Mao, Suối Rồng - huyện Thanh Thủy; Khoang Tải, Tải Giang, Đá Mài, Suối Đúng, hồ Củ - huyện Thanh Sơn; hồ Xuân Sơn - huyện Tân Sơn) |
Các huyện: Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn |
5 |
Hồ Đát, Hồ Sống Châu và Dự án xây dựng mô hình mẫu tưới tiêu hiện đại và tiết kiệm nước huyện Yên Lập (gồm đập Lóng, Đập Đảng, Đập Làng, Đập Lóng, Cả và Đồng Trũng, Vông 2) |
Huyện Yên Lập |
6 |
Đập Thu Cúc, Hồ Cọ Sơn, Đập Lai Đồng, Đập Đồng Trên và trạm bơm Đồng Cả (Đập chuối), trạm bơm Xóm Dụ (Đập chuối), trạm bơm Lai Đồng, trạm bơm xóm Mu, trạm bơm khu Ú |
Huyện Tân Sơn |
7 |
Đập Bóng Ngâm, Đập Gò Môm |
Huyện Hạ Hòa |
8 |
Đập Đầu Cầu, Đập Nhà A |
Huyện Tam Nông |
9 |
Trạm bơm Hùng Xuyên |
Huyện Đoan Hùng |
10 |
Trạm bơm Đồng Phiến + Đồng Thần, trạm bơm Đồng Lác- Xi Chòm |
Huyện Cẩm Khê |
11 |
Hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho một số khu vực canh tác cây trồng chủ lực, thế mạnh, tập trung |
Các huyện |
II |
Công trình tiêu |
|
1 |
Trạm bơm tiêu Cầu Gần, công suất 5.000 m3/h |
Huyện Phù Ninh, Thành phố Việt Trì |
2 |
10-20 công trình tiêu trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã |
Các huyện, thành phố, thị xã |
III |
Công trình nuôi trồng thủy sản tập trung |
|
1 |
Xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản Thanh Xá; Yên Nội; Đồng Trắng |
Huyện Thanh Ba |
2 |
Xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản Đồng Dùng - Văn Lung |
Thị xã Phú Thọ |
Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn, xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư./.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH TỈNH PHÚ
THỌ THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Các nhà máy nước |
Số lượng công trình dự kiến |
I |
CẢI TẠO, NÂNG CẤP |
|
1 |
Mở rộng công trình thuộc địa bàn các huyện: Thanh Ba, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Yên Lập, Lâm Thao, Đoan Hùng, Thanh Sơn, Tân Sơn; |
11 |
2 |
Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước |
25 |
3 |
Kết nối khách hàng đối với các công trình sẵn có |
06 |
II |
XÂY DỰNG MỚI |
|
|
Xây dựng mới các công trình thuộc địa bàn các huyện: Hạ Hòa, Cẩm Khê, Đoan Hùng, Phù Ninh; |
05-10 |
Ghi chú: Vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng của các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ./.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI TỈNH PHÚ THỌ
THỜI KỲ 2021-2030
(Kèm theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Các khu xử lý |
Địa điểm dự kiến |
Diện tích dự kiến (ha) |
Công suất dự kiến |
Công nghệ xử lý (dự kiến) |
A |
Khu xử lý rác thải |
||||
1 |
Khu xử lý CTR sinh hoạt Trạm Thản |
Xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh |
37,38 |
1.220 tấn/ngày |
Đốt, sản xuất phân hữu cơ Tái chế vật liệu Đốt rác phát điện Chôn lấp hợp vệ sinh |
2 |
Khu xử lý CTR công nghiệp thông thường |
Xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh |
23,8 |
1.000 tấn/ngày |
Công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh và đốt |
3 |
Khu xử lý CTR y tế nguy hại |
Xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh |
1,0 |
10 tấn/ngày |
Đốt áp suất âm không khói |
4 |
Khu xử lý CTR công nghiệp nguy hại |
|
5 |
40.000 tấn/năm |
Đốt |
5 |
Điểm tập trung CTR tại các huyện, thị xã, thành phố |
Các huyện, thị xã, thành phố |
70-150 |
|
Tập trung CTR |
B |
Khu xử lý nước thải sinh hoạt |
||||
1 |
Trạm xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Việt Trì -TP1 |
Thành phố Việt Trì |
|
|
Xử lý nước sinh hoạt |
2 |
Trạm xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Việt Trì - TP2 |
Thành phố Việt Trì |
|
|
Xử lý nước sinh hoạt |
3 |
Trạm xử lý nước thải sinh hoạt thị xã Phú Thọ |
Thị xã Phú Thọ |
|
|
Xử lý nước sinh hoạt |
Ghi chú:
- Hằng năm, căn cứ tình hình phát triển công nghiệp, đô thị, tình hình thực tế cơ quan chuyên môn nghiên cứu đề xuất bổ sung số điểm quan trắc, tần suất, thông số quan trắc tại các khu vực chịu tác động bởi công nghiệp, thương mại, dịch vụ, làng nghề, quan trắc môi trường nền theo quy định pháp luật. Công nghệ xử lý rác thải có thể bằng hoặc cao hơn công nghệ xử lý dự kiến.
- Tên, quy mô, địa điểm, diện tích đất sử dụng của các dự án sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ./.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO TỈNH PHÚ THỌ
THỜI KỲ 2021-2030
(Kèm theo Quyết định số 1579 /QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
Bảng XII.1: Số lượng các trường phổ thông và Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên
STT |
Chỉ tiêu |
Số cơ sở dự kiến |
I |
Tổng số |
313 |
- |
Công lập |
294 |
- |
Ngoài công lập |
19 |
1 |
Trung học cơ sở |
246 |
- |
Công lập |
244 |
- |
Ngoài công lập |
2 |
2 |
Trung học phổ thông |
53 |
- |
Công lập |
36 |
- |
Ngoài công lập |
17 |
3 |
Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên |
13 |
Bảng XII.2: Khối các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp
STT |
Danh mục |
Số cơ sở/loại hình dự kiến |
I |
Số cơ sở duy trì hoạt động |
|
1 |
Cơ sở giáo dục đại học |
2 |
2 |
Cao đẳng |
7 |
- |
Trường công lập |
6 |
- |
Trường tư thục |
1 |
3 |
Trung cấp |
3 |
- |
Trường công lập |
2 |
- |
Trường đầu tư nước ngoài |
1 |
4 |
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp |
18 |
- |
Trường công lập |
15 |
- |
Trường tư thục |
3 |
5 |
Các cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp |
11 |
- |
Trường công lập |
8 |
- |
Trường tư thục |
3 |
II |
Số cơ sở nâng cấp, sáp nhập |
2 |
1 |
Cao đẳng |
1 |
- |
Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ* |
Công lập |
2 |
Trung cấp |
1 |
- |
Trường Trung cấp Kỹ Thuật và Nghiệp vụ Sông Hồng ** |
Công lập |
III |
Số cơ sở dừng hoạt động, giải thể |
3 |
1 |
Trường Trung cấp nghề Bách khoa Phú Thọ *** |
Tư thục |
2 |
Trường Trung cấp nghề Công nghệ du lịch và dịch vụ Phú Nam*** |
Tư thục |
Ghi chú:
(*) Đến năm 2025: Chuyển thành Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược
Đến năm 2030: Chuyển thành Trường Đại học Y Phú Thọ
(**) Đến năm 2025: UBND tỉnh quản lý và sáp nhập với Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ
(***) Đến năm 2025: Dừng hoạt động
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN Y TẾ TỈNH PHÚ THỌ THỜI KỲ
2021-2030
(Kèm theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
Bảng XIII.1: Phương án phát triển bệnh viện và giường bệnh
STT |
Bệnh viện |
Dự kiến quy hoạch đến năm 2030 |
|
Giường bệnh |
Hạng Bệnh viện |
||
I |
Giường bệnh công lập |
10.360 |
|
1 |
Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
2.00``0 |
Đặc biệt |
2 |
Bệnh viện Sản - Nhi |
560 |
Đặc biệt |
3 |
Bệnh viện Mắt |
150 |
II |
4 |
Bệnh viện Y học dân tộc (Bệnh viện Y học cổ truyền và phục hồi chức năng) |
500 |
II |
5 |
Bệnh viện Phổi |
170 |
II |
6 |
Bệnh viện Tâm thần |
170 |
II |
7 |
Bệnh viện Tim mạch |
300 |
II |
8 |
Bệnh viện Ung bướu |
500 |
II |
9 |
Bệnh viện Lão Khoa |
300 |
II |
10 |
Bệnh viện Đa khoa Thị xã Phú Thọ |
600 |
I |
11 |
Trung tâm y tế các huyện, thành, thị |
5.110 |
I-II |
II |
Giường trong các bệnh viện tư nhân |
900 |
|
III |
Tổng giường bệnh toàn tỉnh (I+ II) |
11.210 |
|
IV |
Số giường bệnh/10.000 dân |
57 |
|
Bảng XIII.2: Phương án mở rộng, quy hoạch mới các cơ sở y tế công lập đến năm 2030
STT |
Tên đơn vị |
Quy mô giường bệnh dự kiến |
Địa điểm dự kiến |
I |
Mở rộng quy mô tại vị trí hiện có |
|
|
1 |
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ (Trong đó sáp nhập Bệnh viện Xây dựng Việt Trì thành cơ sở 2)3 |
2.000 |
Thành phố Việt Trì |
2 |
Bệnh viện Mắt |
150 |
|
3 |
Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng |
500 |
|
4 |
Bệnh viện Tâm thần |
200 |
Thị xã Phú Thọ |
5 |
Bệnh viện Phổi |
200 |
|
6 |
Bệnh viện đa khoa thị xã |
600 |
|
7 |
Trung tâm y tế các huyện, thành, thị |
300-600 |
Các huyện, thành, thị |
II |
Thành lập mới |
|
|
1 |
Bệnh viện Lão khoa |
300 |
Các huyện, thành, thị |
2 |
Bệnh viện Tim mạch |
500 |
|
3 |
Bệnh viện Ung Bướu |
1.000 |
|
4 |
Bệnh viện chấn thương chỉnh hình |
200 |
Bảng XIII.3: Phương án mở rộng, quy hoạch mới cơ sở y tế ngoài công lập đến năm 2030
STT |
Tên đơn vị |
Địa điểm dự kiến |
|
Tổng số |
|
I |
Quy hoạch mở rộng |
|
|
Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương |
Huyện Đoan Hùng |
II |
Quy hoạch mới |
|
1 |
Bệnh viện Đa khoa Việt Đức |
Thành phố Việt Trì |
2 |
Bệnh viện phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi |
Thành phố Việt Trì |
3 |
Trung tâm chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi |
Huyện Thanh Thuỷ |
4 |
Trung tâm điều dưỡng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi |
Huyện Phù Ninh |
5 |
Trung tâm chăm sóc sức khoẻ phục hồi chức năng |
Huyện Đoan Hùng |
6 |
Bệnh viện đa khoa tư nhân |
Huyện Thanh Thủy |
7 |
Bệnh viện đa khoa tư nhân |
Thị xã Phú Thọ |
8 |
Bệnh viện đa khoa tư nhân |
Thành phố Việt Trì |
9 |
Cơ sở sản xuất thuốc tân dược |
01 cơ sở/ Thị xã Phú Thọ |
10 |
Cơ sở sản xuất thuốc đông dược |
02 cơ sở/ huyện Tam Nông, huyện Thanh Sơn |
11 |
Nhà máy sản xuất vật tư y tế |
01 cơ sở/ thị xã Phú Thọ |
12 |
Nhà máy sản xuất chế biến Dược liệu |
02 cơ sở/ huyện Yên Lập, huyện Tam Nông |
Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích của các công trình sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập quy hoạch, kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án./.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, THỂ THAO TỈNH PHÚ THỌ THỜI
KỲ 2021-2030
(Kèm theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Danh mục |
Số lượng dự kiến |
Địa điểm dự kiến |
I |
DI TÍCH |
|
|
1 |
Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh |
4 |
|
1.1 |
Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh |
4 |
|
- |
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ |
1 |
Thành phố Việt Trì và các huyện thành phố, thị xã |
- |
Hát Xoan Phú Thọ |
1 |
Thành phố Việt Trì |
1.2 |
Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại quy hoạch mới |
|
|
- |
Ca trù |
1 |
Thành phố Việt Trì |
- |
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt |
1 |
Thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao |
1.3 |
Lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường trình tổ chức UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (phối hợp với tỉnh Hòa Bình) |
1 |
Huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập |
1.4 |
Lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Hát Chèo trình tổ chức UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (phối hợp với tỉnh Thái Bình) |
1 |
Huyện Tam Nông |
2 |
Di tích quốc gia đặc biệt |
|
|
2.1 |
Di tích quốc gia đặc biệt đã được công nhận |
1 |
|
|
Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng |
1 |
Thành phố Việt Trì |
2.2 |
Di tích quốc gia đặc biệt quy hoạch mới |
5 |
Các huyện, thành phố, thị xã |
3 |
Di tích cấp quốc gia |
|
|
3.1 |
Di tích cấp quốc gia đã được công nhận |
73 |
|
3.2 |
Di tích cấp quốc gia quy hoạch mới |
5 |
|
4 |
Di tích cấp tỉnh |
|
|
4.1 |
Di tích cấp tỉnh đã được công nhận |
249 |
|
4.2 |
Di tích cấp tỉnh quy hoạch mới |
10 |
|
5 |
Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia |
|
|
5.1 |
Di sản văn hoá phi vật thể đã được công nhận |
14 |
|
5.2 |
Di sản văn hoá phi vật thể quy hoạch mới |
7-10 |
|
II |
THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO CẤP TỈNH |
|
|
1 |
Thiết chế văn hóa, thể thao đề nghị điều chỉnh, mở rộng |
16 |
|
2 |
Thiết chế văn hóa, thể thao quy hoạch mới |
|
|
2.1 |
Trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh Phú Thọ |
1 |
Thành phố Việt Trì |
2.2 |
Trung tâm triển lãm nghệ thuật cấp tỉnh |
1 |
Thành phố Việt Trì |
2.3 |
Trung tâm thể thao văn hoá cộng đồng |
|
Các huyện, thành phố, thị xã |
Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn, xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư./.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN SÂN GÔN TỈNH PHÚ THỌ THỜI KỲ
2021-2030
(Kèm theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên dự án |
Địa điểm dự kiến |
1 |
Khu đô thị sinh thái, thể thao Việt Trì |
Thành phố Việt Trì |
2 |
Khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và Sân gôn Tam Nông (Phân khu Sân gôn Tam Nông 1, Phân khu Sân gôn Tam Nông 2) |
Huyện Tam Nông |
3 |
Khu dịch vụ đô thị, văn hóa - thể thao và sân gôn Ao Châu |
Huyện Hạ Hòa |
4 |
Khu dân cư nông thôn mới, biệt thự nghỉ dưỡng, nông nghiệp kết hợp giáo dục trải nghiệm và sân gôn Thanh Sơn |
Huyện Thanh Sơn |
5 |
Khu dân cư nông thôn mới kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng và sân gôn Vô Tranh |
Huyện Hạ Hòa |
6 |
Khu dân cư nông thôn mới kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng và sân gôn Hàm Kỳ |
Huyện Hạ Hòa |
7 |
Khu du lịch, dịch vụ thể thao và nhà ở sinh thái Ao Giời - Suối Tiên |
Huyện Hạ Hoà |
8 |
Khu dân cư nông thôn mới kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng và sân gôn tại xã Vạn Xuân, xã Thọ Văn và xã Hương Nộn |
Huyện Tam Nông |
9 |
Khu dân cư nông thôn mới kết hợp dịch vụ nghỉ dưỡng và sân gôn Tinh Nhuệ |
Huyện Thanh Sơn |
10 |
Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và sân gôn Sơn Hùng |
Huyện Thanh Sơn và huyện Tam Nông |
11 |
Khu dân cư nông thôn mới, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và dịch vụ thể thao |
Huyện Thanh Thủy và huyện Thanh Sơn |
12 |
Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng và sân gôn Phượng Mao |
Huyện Thanh Sơn |
13 |
Sân gôn 18 hố kết hợp biệt thự sinh thái, nghỉ dưỡng Vườn Vua |
Huyện Thanh Thủy và huyện Thanh Sơn |
14 |
Khu dân cư nông thôn mới kết hợp du lịch sinh thái và thể thao Cẩm Khê |
Huyện Cẩm Khê |
15 |
Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng sinh thái và sân gôn huyện Cẩm Khê |
Huyện Cẩm Khê |
16 |
Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng sinh thái và sân gôn Phù Ninh |
Huyện Phù Ninh và Thành phố Việt Trì |
17 |
Khu du lịch lễ hội, văn hóa, thể thao và đô thị sinh thái tại khu vực Đền Hùng |
Thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao, huyện Phù Ninh |
Ghi chú:
- Tên công trình, dự án được tạm thời xác định tại thời điểm lập quy hoạch; tên cụ thể, chính xác sẽ được xác định trong quá trình lập, phê duyệt chủ trương đầu tư;
- Các sân gôn thứ tự từ 5-17 trong danh sách được thực hiện khi được bố trí đất và điều chỉnh Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 về chỉ tiêu đất thể dục thể thao cho tỉnh Phú Thọ;
- Các dự án sân gôn bao gồm các dự án hỗn hợp về du lịch, dịch vụ, đô thị, văn hóa, thể thao;
- Quy mô, diện tích sử dụng đất và điều kiện thành lập trong danh mục nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư;
- Khu đô thị nghỉ dưỡng sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng giao đất 50 năm (không phải là khu đô thị, không giao đất ở cho nhà đầu tư và người mua biệt thự nghỉ dưỡng);
- Các dự án sân gôn phải phù hợp với nguyên tắc quy định tại Điều 3 và đáp ứng điều kiện về sử dụng đất theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 52/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ./.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CHỢ, SIÊU THỊ, TRUNG TÂM
THƯƠNG MẠI VÀ KHO XĂNG DẦU, TRẠM CHIẾT NẠP KHÍ TỈNH PHÚ THỌ THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
Bảng XVI.1: Mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại
STT |
Huyện, thị xã, thành phố |
Quy hoạch đến năm 2030 (dự kiến) |
|||||||||||
Mạng lưới chợ |
Mạng lưới siêu thị |
Mạng lưới trung tâm thương mại |
|||||||||||
Tổng |
Hạng 1 |
Hạng 2 |
Hạng 3 |
Tổng |
Hạng 1 |
Hạng 2 |
Hạng 3 |
Tổng |
Hạng 1 |
Hạng 2 |
Hạng 3 |
||
1 |
Đoan Hùng |
22 |
0 |
1 |
21 |
3 |
0 |
1 |
2 |
1 |
0 |
0 |
1 |
2 |
Hạ Hòa |
20 |
0 |
1 |
19 |
5 |
0 |
2 |
3 |
2 |
0 |
1 |
1 |
3 |
Phù Ninh |
17 |
0 |
1 |
16 |
3 |
0 |
1 |
2 |
1 |
0 |
0 |
1 |
4 |
Tam Nông |
12 |
0 |
1 |
11 |
5 |
0 |
2 |
3 |
2 |
0 |
0 |
2 |
5 |
Tân Sơn |
17 |
0 |
1 |
16 |
2 |
0 |
1 |
1 |
1 |
0 |
0 |
1 |
6 |
Thanh Ba |
19 |
0 |
1 |
18 |
5 |
0 |
2 |
3 |
2 |
0 |
1 |
1 |
7 |
Thanh Sơn |
23 |
0 |
1 |
22 |
3 |
0 |
1 |
2 |
1 |
0 |
0 |
1 |
8 |
Thanh Thủy |
11 |
0 |
2 |
9 |
3 |
0 |
1 |
2 |
1 |
0 |
0 |
1 |
9 |
Việt Trì |
22 |
2 |
3 |
17 |
10 |
3 |
4 |
3 |
5 |
1 |
2 |
2 |
10 |
Phú Thọ |
9 |
1 |
1 |
7 |
6 |
1 |
2 |
3 |
3 |
1 |
1 |
1 |
11 |
Yên Lập |
17 |
0 |
1 |
16 |
2 |
0 |
1 |
1 |
1 |
0 |
0 |
1 |
12 |
Cẩm Khê |
24 |
0 |
1 |
23 |
5 |
0 |
2 |
3 |
2 |
0 |
1 |
1 |
13 |
Lâm Thao |
12 |
0 |
1 |
11 |
4 |
0 |
2 |
2 |
1 |
0 |
0 |
1 |
|
Tổng |
225 |
3 |
16 |
206 |
56 |
4 |
22 |
30 |
23 |
2 |
6 |
15 |
Bảng XVI.2: Kho xăng dầu, trạm chiết nạp khí
STT |
Tên kho, trạm nạp |
Địa điểm dự kiến |
Sức chứa dự kiến (m3) |
Hiện trạng (m3) |
A |
Giữ và phát triển các kho xăng dầu hiện có |
|
|
|
1 |
Kho xăng dầu Phủ Đức |
TP. Việt Trì |
6.800 |
Đang hoạt động |
2 |
Kho xăng dầu Bến Gót |
TP. Việt Trì |
20.000 |
8.000 |
3 |
Kho xăng dầu Phú Thọ (CCN Bạch Hạc) |
TP. Việt Trì |
4.950 |
1.950 |
4 |
Kho xăng dầu Hải Linh |
TP. Việt Trì |
14.000 |
Đang hoạt động |
B |
Giữ và phát triển các Trạm chiết nạp khí hiện có |
|
|
|
1 |
Trạm nạp khí LPG - Lâm Thao |
CCN Hợp Hải, Huyện Lâm Thao |
90 |
Đang hoạt động |
2 |
Trạm nạp LPG - Hải Linh |
TP Việt Trì |
644 |
Đang hoạt động |
3 |
Trạm nạp LPG Việt Trì |
CCN Thụy Vân, TP Việt Trì |
160 |
Đang hoạt động |
4 |
Trạm nạp LPG Thanh Ba |
Huyện Thanh Ba |
190 |
Đang đầu tư xây dựng |
Ghi chú:
- Về kho xăng dầu: Cải tạo, nâng cấp các kho xăng dầu hiện có với dung tích phù hợp với tình hình phát triển kinh tế (nâng tổng sức chứa các kho xăng dầu trên địa bàn tỉnh khoảng 55.000m3);
- Về trạm nạp khí: Cải tạo, nâng cấp các Trạm nạp hiện có và đang đầu tư, phát triển thêm 2-4 trạm nạp khí trên địa bàn tỉnh tại các địa phương phù hợp cho phát triển kinh tế và nhu cầu thị trường. Đến năm 2030 tổng sức chứa các trạm nạp khí trên địa bàn tỉnh khoảng 2.742 m3.
- Tên, vị trí, quy mô, diện tích các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn, xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư./.
CHỈ TIÊU SỬ DỤNG ĐẤT TỈNH PHÚ THỌ THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
TT |
Chỉ tiêu sử dụng đất |
Mã |
Chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030 được phân bổ theo Quyết định số 326/QĐ-TTg (ha) |
Dự kiến quy hoạch đến năm 2030 |
|
Diện tích (ha) |
Cơ cấu (%) |
||||
I |
Loại đất |
|
|
|
|
1 |
Đất nông nghiệp |
NNP |
281.784 |
279.034 |
78,94 |
|
Trong đó: |
|
|
|
|
1.1 |
Đất trồng lúa |
LUA |
40.035 |
39.595 |
11,20 |
|
Trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước |
LUC |
28.730 |
28.730 |
8,13 |
1.2 |
Đất trồng cây lâu năm |
CLN |
|
57.072 |
16,15 |
1.3 |
Đất rừng phòng hộ |
RPH |
27.351 |
27.351 |
7,74 |
1.4 |
Đất rừng đặc dụng |
RDD |
13.861 |
13.861 |
3,92 |
1.5 |
Đất rừng sản xuất |
RSX |
113.088 |
111.888 |
31,66 |
|
Trong đó: đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên |
RSN |
35.120 |
11.166 |
3,16 |
2 |
Đất phi nông nghiệp |
PNN |
70.734 |
73.484 |
20,79 |
|
Trong đó: |
|
|
|
|
2.1 |
Đất quốc phòng |
CQP |
3.504 |
3.504 |
0,99 |
2.2 |
Đất an ninh |
CAN |
1.199 |
1.199 |
0,34 |
2.3 |
Đất khu công nghiệp |
SKK |
2.485 |
5.095 |
1,44 |
2.4 |
Đất cụm công nghiệp |
SKN |
|
2.344 |
0,66 |
2.5 |
Đất thương mại, dịch vụ |
TMD |
|
1.278 |
0,36 |
2.6 |
Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp |
SKC |
|
1.628 |
0,46 |
2.7 |
Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản |
SKS |
|
1.206 |
0,34 |
2.8 |
Đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia |
DHT |
24.021 |
24.021 |
6,80 |
|
Trong đó: |
|
|
|
|
- |
Đất giao thông |
DGT |
17.083 |
17.083 |
4,83 |
- |
Đất thủy lợi |
DTL |
|
4.163 |
1,18 |
- |
Đất xây dựng cơ sở văn hóa |
DVH |
222 |
222 |
0,06 |
- |
Đất xây dựng cơ sở y tế |
DYT |
179 |
179 |
0,05 |
- |
Đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo |
DGD |
1.092 |
1.092 |
0,31 |
- |
Đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao |
DTT |
505 |
1.200 |
0,34 |
- |
Đất công trình năng lượng |
DNL |
556 |
556 |
0,16 |
- |
Đất công trình bưu chính, viễn thông |
DBV |
53 |
53 |
0,01 |
2.9 |
Đất cơ sở tôn giáo |
TON |
|
218 |
0,06 |
2.10 |
Đất làm nghĩa trang, nhà tang lễ, nhà hỏa táng |
NTD |
|
1.696 |
0,48 |
2.11 |
Đất xây dựng kho dự trữ quốc gia |
DKG |
9 |
9 |
|
2.12 |
Đất có di tích lịch sử - văn hóa |
DDT |
342 |
342 |
0,10 |
2.13 |
Đất bãi thải, xử lý chất thải |
DRA |
242 |
242 |
0,07 |
2.14 |
Đất danh lam thắng cảnh |
DDL |
|
|
|
2.15 |
Đất ở tại nông thôn |
ONT |
|
11.291 |
3,19 |
2.16 |
Đất ở tại đô thị |
ODT |
|
2.374 |
0,67 |
2.17 |
Đất xây dựng trụ sở cơ quan |
TSC |
|
299 |
0,08 |
2.18 |
Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp |
DTS |
|
86 |
0,02 |
3 |
Đất chưa sử dụng |
CSD |
938 |
938 |
0,27 |
II |
Khu chức năng |
|
|
|
|
1 |
Đất khu kinh tế |
|
|
0 |
0 |
2 |
Đất khu công nghệ cao |
|
|
0 |
0 |
3 |
Đất đô thị |
|
30.857 |
53.536 |
15,15 |
Ghi chú: Việc triển khai các dự án sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt phải bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 đã phân bổ cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền./.
PHƯƠNG ÁN PHÂN VÙNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH PHÚ THỌ THỜI
KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên vùng / tiểu vùng |
Ký hiệu |
I |
Vùng bảo vệ nghiêm ngặt |
C |
1 |
Khu dân cư tập trung của đô thị cấp I, II, III |
C1 |
2 |
Nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt |
C2 |
3 |
Khu bảo tồn thiên nhiên và di sản thiên nhiên |
C3 |
4 |
Khu vực bảo vệ 1 của di tích lịch sử - văn hóa |
C4 |
II |
Vùng hạn chế phát thải |
R |
1 |
Vùng đệm của các vùng bảo vệ nghiêm ngặt |
R1 |
2 |
Vùng đất ngập nước quan trọng |
R2 |
3 |
Hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt |
R3 |
4 |
Khu dân cư tập trung của đô thị cấp IV, V |
R4 |
5 |
Khu vui chơi giải trí dưới nước |
R5 |
III |
Vùng khác |
D |
|
Các khu vực khác |
D |
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG TỈNH
PHÚ THỌ THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
Huyện/thị |
Môi trường nước nội đồng |
Môi trường nước sông |
Môi trường nước dưới đất |
Môi trường đất |
Môi trường không khí xung quanh và tiếng ồn |
Thành phố Việt Trì |
10 |
11 |
9 |
7 |
27 |
Huyện Phù Ninh |
8 |
6 |
9 |
6 |
20 |
Huyện Đoan Hùng |
4 |
6 |
2 |
3 |
6 |
Huyện Lâm Thao |
8 |
4 |
6 |
5 |
17 |
Thị xã Phú Thọ |
4 |
4 |
6 |
4 |
11 |
Huyện Hạ Hoà |
6 |
4 |
5 |
3 |
7 |
Huyện Thanh Ba |
5 |
3 |
4 |
2 |
9 |
Huyện Cẩm Khê |
4 |
4 |
2 |
4 |
8 |
Huyện Yên Lập |
4 |
0 |
3 |
2 |
9 |
Huyện Tam Nông |
5 |
7 |
2 |
3 |
9 |
Huyện Thanh Thuỷ |
3 |
2 |
3 |
2 |
6 |
Huyện Thanh Sơn |
5 |
3 |
4 |
4 |
6 |
Huyện Tân Sơn |
2 |
1 |
1 |
3 |
6 |
Tổng |
68 |
55 |
56 |
48 |
141 |
PHƯƠNG ÁN THĂM DÒ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TỈNH
PHÚ THỌ THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Quy hoạch |
Số điểm mỏ dự kiến (tối thiểu*) |
1 |
Quặng sắt |
10 |
2 |
Cao lanh - Felspat |
16 |
3 |
Talc-dolomit |
9 |
4 |
Serpentin |
1 |
5 |
Barit |
1 |
6 |
Nước khoáng - nóng |
2 |
7 |
Đá xây dựng |
32 |
8 |
Sét gạch ngói |
36 |
9 |
Cát sỏi |
84 |
10 |
Than bùn |
4 |
11 |
Đất san lấp, đắp nền |
149 |
* Ghi chú:
- Trong quá trình thực hiện quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ rà soát, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy hoạch, quy định khác có liên quan; bảo đảm không chồng lấn với khu vực khoáng sản đã được cấp có thẩm quyền cấp phép; thực hiện điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung số lượng, ranh giới, quy mô, công suất, lộ trình khai thác, mục tiêu sử dụng các điểm mỏ (nếu cần) cho phù hợp với thực tiễn và các quy định có liên quan.
- Trong quá trình thực hiện quy hoạch, đối với các điểm mỏ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh sẽ do UBND tỉnh căn cứ phương án quy hoạch này và các phương án quy hoạch khác có liên quan, rà soát và tự điều chỉnh số lượng, ranh giới, công suất, lộ trình khai thác, mục tiêu sử dụng (nếu cần) để đảm bảo phù hợp với thực tiễn của địa phương và các quy định hiện hành. Số lượng các điểm mỏ tiếp tục được cập nhật, bổ sung trong Kế hoạch thực hiện quy hoạch. Đối với các điểm mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền của các Bộ, sẽ căn cứ các Quy hoạch do Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập và được cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai, thực hiện. Đối với các mỏ đã được cấp phép thì tiếp tục thực hiện theo giấy phép, khi hết hạn giấy phép thì xem xét cấp lại hoặc đóng cửa mỏ theo luật khoáng sản hiện hành./.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH ĐÊ ĐIỀU, PHÒNG CHỐNG
THIÊN TAI TỈNH PHÚ THỌ THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên công trình |
Địa điểm dự kiến |
A |
Các công trình đê |
|
I |
Các công trình cải tạo, nâng cấp |
|
1 |
Cải tạo, nâng cấp Tuyến đê tả Thao, tả ngòi Vần, cứng hóa đê bối Liên Phương, Đan Thượng thuộc địa bàn huyện Hạ Hòa |
Huyện Hạ Hòa |
2 |
Cải tạo, gia cố và nâng cấp tuyến đê tả sông Thao thuộc địa bàn huyện Lâm Thao, thị xã Phú Thọ |
Huyện Lâm Thao, Thị xã Phú Thọ |
3 |
Tuyến đê Đông Nam Việt Trì, thuộc địa bàn thành phố Việt Trì* |
Thành phố Việt Trì |
4 |
Tuyến đê tả, hữu ngòi Vĩnh Mộ, thuộc địa bàn huyện Lâm Thao và thành Phố Việt Trì |
Huyện Lâm Thao và Thành phố Việt Trì |
5 |
Nâng cấp, mở rộng mặt đê tả, hữu Thao |
Huyện Tam Nông, Thanh Ba, Thị xã Phú Thọ |
6 |
Tuyến đê tả, hữu ngòi Me, ngòi Cỏ thuộc địa bàn huyện Cẩm Khê |
Huyện Cẩm Khê |
7 |
Tuyến đê tả, hữu ngòi Giành thuộc địa bàn huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa |
Huyện cẩm Khê, Hạ Hòa |
8 |
Cải tạo, nâng cấp tuyến đê bối Hồng Đà, xã Dân Quyền; đê hữu sông Bứa. |
Huyện Tam Nông |
9 |
Nâng cấp, mở rộng 02 bên bờ tả, hữu tuyến đê bao Hoàng Hanh và Đầm Chính Công |
Huyện Thanh Ba, Hạ Hòa |
10 |
Cải tạo nâng cấp đê Tả, hữu Ngòi Lạt kết hợp đường tránh lũ và sơ tán dân, huyện Thanh Thủy và Thanh Sơn |
Huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy |
11 |
Cải tạo, nâng cấp đê hữu sông Chảy, huyện Đoan Hùng |
Huyện Đoan Hùng |
12 |
Các công trình đê khác trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố (theo yêu cầu thực tế) |
Các huyện, thị xã, thành phố |
II |
Các công trình mới |
|
1 |
Tuyến đê từ K59,8-K64 đê tả Thao |
Thị xã Phú Thọ |
2 |
Các công trình đê khác trên địa bàn các huyện, thành, thị (theo yêu cầu thực tế) |
Các huyện, thành, thị |
3 |
Xử lý sạt lở bờ, vở sông đê tả, hữu các sông Thao, sông Lô, sông Đà, sông Chảy, sông Bứa |
Thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê, Thanh Ba, Tam Nông, Phù Ninh, Lâm Thao, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Đoan Hùng |
4 |
Xử lý sạt lở bờ các ngòi: ngòi Vần, ngòi Lao, ngòi Giành, ngòi Me, ngòi Lạt, ngòi Cái, ngòi Vĩnh Mộ và một số ngòi khác |
Các huyện, thành, thị |
5 |
Duy tu, sửa chữa thường xuyên các công trình đê, kè, cống các tuyến đê cấp I-V |
Trên địa bàn tỉnh |
6 |
Xử lý khẩn cấp các sự cố công trình đê điều |
Trên địa bàn tỉnh |
B |
Các công trình đầu tư, nâng cấp nhằm di dân, tái định cư vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai (xây mới, cải tạo, nâng cấp) |
|
1 |
Xây dựng khu tái định cư để di dời các hộ dân nằm trong vùng thiên tai Liên An, xã Mỹ Lương và các vùng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất huyện Yên Lập |
Huyện Yên Lập |
2 |
Xây dựng khu tái định cư để di dời các hộ dân nằm trong vùng thiên tai điểm Suối Nhạ, khu Hòa (xã Tân Sơn), khu Dù (xã Xuân Sơn), xóm Nhàng (xã Kim Thượng) và các vùng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất huyện Tân Sơn |
Huyện Tân Sơn |
3 |
Khu tái định cư xóm Xẻ 1 - Tam Văn, xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn và các vùng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất huyện Thanh Sơn |
Huyện Thanh Sơn |
4 |
Xây dựng khu tái định cư để di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất huyện các huyện còn lại |
Huyện Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Ba, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thủy,… |
C |
Phương án sử dụng bãi sông |
|
1 |
80 khu dân cư tập trung hiện có nằm ngoài bãi sông được tồn tại, bảo vệ |
Trên địa bàn tỉnh |
2 |
15 khu dân cư tập trung hiện có nằm ngoài bãi sông xem xét phải di dời |
Trên địa bàn tỉnh |
3 |
14 khu vực bãi sông nghiên cứu xây dựng |
Trên địa bàn tỉnh |
Ghi chú:
- Trong quá trình thực hiện quy hoạch tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ rà soát, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Vị trí, quy mô, diện tích sử dụng đất của các công trình, dự án được tính toán, lựa chọn căn cứ vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động nguồn vốn đầu tư từng giai đoạn và xác định cụ thể trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư.
(*) Thực hiện theo nội dung phụ lục VI, Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình./.
DANH MỤC DỰ ÁN DỰ KIẾN ƯU TIÊN THỰC HIỆN TỈNH PHÚ THỌ
THỜI KỲ 2021-2030
(Kèm theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên dự án, công trình |
Ghi chú |
I |
Dự án của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương |
|
1 |
Giao thông |
|
1.1 |
Các dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Nam phía Tây: Đoạn Tuyên Quang - Phú Thọ quy mô 4 làn xe; đoạn Phú Thọ - Ba Vì quy mô 4-6 làn xe |
X |
1.2 |
Cải tạo, nâng cấp các tuyến Quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
1.3 |
Đầu tư, cải tạo, nâng cấp và xây dựng một số đoạn tránh qua các đô thị, khu đông dân cư các tuyến Quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
1.4 |
Nạo vét, khơi thông luồng lạch và thanh thải đá ngầm trên các tuyến sông Đà, sông Lô, sông Hồng… |
|
1.5 |
Nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Hồng, sông Lô, sông Đà,… |
|
1.6 |
Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng vận tải tuyến đường sắt tuyến Hà Nội - Lào Cai |
X |
1.7 |
Xây dựng một số cầu lớn qua sông Lô, sông Hồng, sông Đà, sông Chảy nhằm kết nối các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh: cầu Đoan Hùng qua sông Chảy, cầu Phong Châu mới trên QL.32C qua sông Hồng… |
X |
1.8 |
Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường kết nối giữa cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC9 |
X |
1.9 |
Các dự án khác của Bộ, ngành, cơ quan trung ương |
X |
2 |
Thủy lợi |
|
2.1 |
Hệ thống kênh mương hồ ngòi Giành |
X |
2.2 |
Duy tu, bảo dưỡng các tuyến đê Trung ương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
2.3 |
Dự án Hồ chứa nước Thục Luyện, huyện Thanh Sơn |
X |
2.4 |
Dự án Kè bảo vệ bờ tả sông Thao đoạn từ thị trấn Hạ Hòa đến xã Lang Sơn, huyện Hạ Hòa |
X |
2.5 |
Các dự án khác của Bộ, ngành, cơ quan trung ương |
X |
3 |
An ninh - Quốc phòng |
|
3.1 |
Đầu tư phát triển mạng lưới doanh trại, trụ sở cảnh sát PCCC và CNCH giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
3.2 |
Đầu tư xây dựng các kho dự trữ Quốc gia trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
3.3 |
Đầu tư xây dựng mới trụ sở; cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc cũ; đầu tư trang thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ cho công an xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
3.4 |
Đầu tư xây dựng các công trình quân sự phục vụ diễn tập khu vực phòng thủ, công trình quân sự lưỡng dụng, công trình quân sự đa mục tiêu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
3.5 |
Các dự án khác của Bộ, ngành, cơ quan trung ương |
X |
4 |
Năng lượng- Điện |
|
4.1 |
Xây dựng các trạm 220 KV, 110 KV và các trạm biến áp phân phối trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
4.2 |
Xây dựng các đường dây hạ áp, trung áp tại các điểm đấu nối, nhánh rẽ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
4.3 |
Các dự án khác của Bộ, ngành, cơ quan trung ương |
X |
5 |
Giáo dục và Đào tạo |
|
5.1 |
Đầu tư cơ sở vật chất Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì |
X |
5.2 |
Các dự án khác của Bộ, ngành, cơ quan trung ương |
X |
6. |
Các dự án của Bộ, ngành, cơ quan trung ương trong các ngành, lĩnh vực khác |
|
II |
Dự án địa phương quản lý |
|
1 |
Lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2030 |
|
1.1 |
Khu công nghiệp Tam Nông |
X |
1.2 |
Khu công nghiệp Hạ Hòa |
X |
1.3 |
Khu công nghiệp Đoan Hùng |
X |
1.4 |
Khu công nghiệp Phù Ninh |
X |
1.5 |
Khu công nghiệp Thanh Ba |
X |
1.6 |
Khu công nghiệp Trung Hà II |
X |
1.7 |
Khu công nghiệp Bắc Sơn |
X |
1.8 |
Khu công nghiệp Đồng Lương |
X |
1.9 |
Khu công nghiệp Võ Miếu |
X |
1.10 |
Các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp khác |
|
2 |
Lĩnh vực công nghiệp |
|
2.1 |
Dự án sản xuất thiết bị điện công nghiệp |
X |
2.2 |
Dự án nhà máy sản xuất phụ tùng, linh kiện, lắp ráp ô tô, xe máy |
X |
2.3 |
Dự án nhà máy sản xuất máy công cụ, xe cơ giới nhỏ phục vụ nông nghiệp |
X |
2.4 |
Dự án sản xuất nhựa và cơ khí xe máy, cơ khí dệt may |
X |
2.5 |
Dự án sản xuất phần mềm chất lượng cao |
X |
2.6 |
Dự án sản xuất linh kiện điện, điện tử và lắp ráp điện dân dụng |
X |
2.7 |
Dự án sản xuất thiết bị điện lạnh |
X |
2.8 |
Dự án sản xuất chế biến gỗ MDF, HDF sản xuất đồ gỗ nội thất |
X |
2.9 |
Dự án sản xuất thuốc tân dược |
X |
2.10 |
Dự án sản xuất nhựa trang trí nội thất và ống nước |
X |
2.11 |
Dự án sản xuất hàng tiêu dùng chất lượng cao |
X |
2.12 |
Các dự án sản xuất công nghiệp khác |
X |
3 |
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị, sinh thái, sân gôn |
|
3.1 |
Khu đô thị sinh thái và thể thao Việt Trì |
X |
3.2 |
Khu đô thị mới hai bên đường Quốc lộ 32C |
X |
3.3 |
Khu nhà ở đô thị tại phường Vân Phú và xã Phượng Lâu |
X |
3.4 |
Khu đô thị mới Minh Phương tại phường Minh Phương và xã Thụy Vân |
X |
3.5 |
Khu đô thị mới Sông Lô tại xã Trưng Vương và xã Sông Lô |
X |
3.6 |
Khu đô thị hai bên đường Nguyễn Tất Thành |
X |
3.7 |
Khu đô thị mới phía Tây Nam đường Phù Đổng |
X |
3.8 |
Khu đô thị mới hai bên đường Phù Đổng |
X |
3.9 |
Khu Công viên giải trí và Dịch vụ đô thị tổng hợp tại xã Sông Lô |
X |
3.10 |
Khu đô thị Lâm Thao - Việt Trì |
X |
3.11 |
Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng sinh thái và sân gôn Phù Ninh |
X |
3.12 |
Khu du lịch lễ hội, văn hóa, thể thao và đô thị sinh thái tại khu vực Đền Hùng |
X |
3.13 |
Khu đô thị sinh thái trung tâm huyện Phù Ninh |
X |
3.14 |
Khu dân cư nông thôn mới tại xã Sơn Vi |
X |
3.15 |
Khu nhà ở dân cư nông thôn mới xã Phùng Nguyên |
X |
3.16 |
Khu dân cư nông thôn mới tại xã Cao Xá, xã Tứ Xã và xã Sơn Vi |
X |
3.17 |
Khu nhà ở đô thị ven hồ Đồng Nhà Dòng |
X |
3.18 |
Khu đô thị Phú Hộ |
X |
3.19 |
Khu đô thị mới tại xã Văn Lung và xã Hà Lộc |
X |
3.20 |
Khu đô thị Sông Hồng - Thanh Minh |
X |
3.21 |
Khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và sân gôn Tam Nông (các phân khu còn lại) |
X |
3.22 |
Khu dân cư nông thôn mới kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng và sân gôn tại xã Vạn Xuân, xã Thọ Văn và xã Hương Nộn |
X |
3.23 |
Khu dịch vụ đô thị, văn hóa - thể thao và sân gôn Ao Châu |
X |
3.24 |
Khu đô thị nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa, sinh thái tại xã Hiền Lương |
X |
3.25 |
Khu dân cư nông thôn mới kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng và sân gôn Vô Tranh |
X |
3.26 |
Khu dân cư nông thôn mới kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng và sân gôn Hàm Kỳ |
X |
3.27 |
Khu du lịch, dịch vụ thể thao và nhà ở sinh thái Ao Giời - Suối Tiên |
X |
3.28 |
Khu nhà ở đô thị Thanh Ba tại thị trấn Thanh Ba và xã Đồng Xuân |
X |
3.29 |
Khu dân cư nông thôn mới tại xã Sơn Thủy và xã Bảo Yên |
X |
3.30 |
Khu đô thị mới Thanh Thủy |
X |
3.31 |
Khu nhà ở kết hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại thị trấn Thanh Thuỷ và xã Bảo Yên |
X |
3.32 |
Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy |
X |
3.33 |
Khu nhà ở sinh thái Tu Vũ |
X |
3.34 |
Khu dân cư nông thôn mới, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và dịch vụ thể thao |
X |
3.35 |
Khu nhà ở kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái Hồ Phượng Mao và du lịch trải nghiệm Thác Đá Mài |
X |
3.36 |
Sân gôn 18 hố kết hợp biệt thự sinh thái, nghỉ dưỡng Vườn Vua |
X |
3.37 |
Khu dân cư nông thôn mới, biệt thự nghỉ dưỡng, nông nghiệp kết hợp giáo dục trải nghiệm và sân gôn Thanh Sơn |
X |
3.38 |
Khu dân cư nông thôn mới kết hợp dịch vụ nghỉ dưỡng và sân gôn Tinh Nhuệ |
X |
3.39 |
Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và sân gôn Sơn Hùng |
X |
3.40 |
Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng và sân gôn Phượng Mao |
X |
3.41 |
Khu nhà ở đô thị dọc theo tuyến đường trung tâm thị trấn Thanh Sơn |
X |
3.42 |
Khu nhà ở đô thị phía Tây Bắc thị trấn Thanh Sơn |
X |
3.43 |
Khu nhà ở đô thị Đầm Sen |
X |
3.44 |
Khu nhà ở sinh thái kết hợp du lịch nghỉ dưỡng Đồi Bông, xã Long Cốc |
X |
3.45 |
Khu nhà ở sinh thái kết hợp du lịch nghỉ dưỡng Móng Ngựa, xã Long Cốc |
X |
3.46 |
Khu sinh thái hồ Ngòi Giành |
X |
3.47 |
Khu dân cư nông thôn mới kết hợp du lịch sinh thái và thể thao Cẩm Khê |
X |
3.48 |
Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng sinh thái và sân gôn huyện Cẩm Khê |
X |
3.49 |
Khu dân cư nông thôn mới kết hợp sinh thái hồ Đầm Đung |
X |
3.50 |
Khu sản xuất nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng công nghệ cao |
X |
3.51 |
Xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng nước khoáng nóng (huyện Thanh Thủy) |
X |
3.52 |
Đầu tư xây dựng khu đô thị, khu vui chơi giải trí, dịch vụ chất lượng cao |
X |
3.53 |
Xây dựng khu du lịch dịch vụ kết hợp trải nghiệm trên địa bàn tỉnh |
X |
3.54 |
Xây dựng khu du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch thương mại dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, lão khoa, hỗn hợp… |
X |
3.55 |
Xây dựng bến tàu thủy nội địa (phục vụ khách du lịch) và xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh |
X |
3.56 |
Xây dựng mới các chợ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
3.57 |
Xây dựng mới các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
3.58 |
Nâng cấp, cải tạo các chợ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
3.59 |
Di dời, xây mới một số chợ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
3.60 |
Xây dựng một số trung tâm thương mại, dịch vụ hỗn hợp, siêu thị, trung tâm văn hóa- hội chợ- triển lãm |
X |
3.61 |
Xây dựng mới các siêu thị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
3.62 |
Xây dựng kho xăng dầu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
3.63 |
Các dự án thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị, sinh thái, sân gôn khác |
|
4 |
Nông, lâm nghiệp, thủy sản - hạ tầng nông nghiệp - thủy lợi |
|
4.1 |
Ứng dụng công nghệ số vào quản lý chăn nuôi và dịch bệnh trên địa bàn tỉnh |
|
4.2 |
Xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm, thủy sản |
|
4.3 |
Dự án tái cấu trúc cảnh quan vùng bưởi trọng điểm tại Đoan Hùng; vùng chè trọng điểm tại Tân Sơn, Thanh Sơn |
X |
4.4 |
Xây dựng hạ tầng khu nuôi trồng thủy sản tập trung thuộc huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê |
X |
4.5 |
Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nuôi trồng một số loài thủy sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao theo liên kết chuỗi. |
X |
4.6 |
Cải tạo, nâng cấp các hệ thống trạm bơm tưới, tiêu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
|
4.7 |
Nạo vét, nắn chỉnh hệ thống ngòi tiêu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
|
4.8 |
Bổ sung đường ống chính và các tuyến đường ống nhánh đập Ngòi Lao |
X |
4.9 |
Cải tạo, nâng cấp các hồ, đập chứa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
|
4.10 |
Lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước từ hồ chứa nước Phượng Mao cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp |
X |
4.11 |
Cải tạo, nâng cấp, xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước từ các công trình tưới, các hồ, đập lớn để phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
4.12 |
Cải tạo, nâng cấp, xây mới, kiên cố hóa 1000 km hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
4.13 |
Đập Thu Cúc |
X |
4.14 |
Tu bổ, cải tạo, sửa chữa, gia cố và nâng cấp tuyến đê, kè trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
4.15 |
Tu bổ, xử lý sạt lở bờ, vở tại các đoạn đê xung yếu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
x |
4.16 |
Đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng Vườn quốc gia Xuân Sơn |
X |
4.17 |
Bảo vệ và phát triển rừng sản xuất, phòng hộ, đặc dụng và nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
4.18 |
Dự án trồng thâm canh và chế biến sản phẩm chè xanh chất lượng cao |
X |
4.19 |
Dự án Trồng cây và chế biến dược liệu |
X |
4.20 |
Dự án trồng và chế biến rau củ quả xuất khẩu |
X |
4.21 |
Dự án xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm |
X |
4.22 |
Dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao phát triển, chế biến hoa quả |
X |
4.23 |
Dự án chế biến sản phẩm rau, củ, quả, chè chất lượng cao |
X |
4.24 |
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh |
X |
4.25 |
Dự án sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm trên cơ sở tận thu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. |
X |
4.26 |
Các dự án nông, lâm nghiệp, thủy sản - hạ tầng nông nghiệp - thủy lợi khác |
X |
5 |
Giao thông |
|
5.1 |
Xây mới các cầu: Vĩnh Chân qua sông Hồng kết nối QL.2D với QL.32C; cầu Vĩnh Lại qua sông Hồng kết nối QL.2D, QL.32C huyện Lâm Thao với cao tốc Bắc Nam phía Tây tại huyện Thanh Thủy, Tam Nông; cầu Cao Phong qua sông Lô kết nối đường Hai Bà Trưng, thành phố Việt Trì với cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC-6, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc… |
X |
5.2 |
Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường tỉnh hiện trạng (54 tuyến/794km); Xây dựng cầu cứng, kiên cố thay thế 20 cầu cũ tải trọng thấp và 69 đường tràn. |
X |
5.3 |
Tuyến đường nối từ quốc lộ 70B đến Vườn Quốc gia Xuân Sơn |
X |
5.4 |
Đường nối thị xã Phú Thọ qua Cẩm Khê đến huyện Yên Lập (kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 32C đi Yên Bái, Quốc lộ 70B đi Hòa Bình) - Cầu Tình Cương. Dự kiến ĐT 313K |
X |
5.5 |
Tuyến đường từ nút giao IC11 đến Khu du lịch đô thị, văn hóa- thể thao và học viện Gôn Ao Châu |
X |
5.6 |
Đường nối Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng với Khu du lịch Xuân Sơn. Dự kiến là đường tỉnh ĐT.325E |
X |
5.7 |
Đường giao thông kết nối từ cầu Đồng Quang đến QL.32 tại ngã ba Việt Tiến, xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn. Dự kiến là đường tỉnh ĐT.317I |
X |
5.8 |
Đường tránh thị trấn Cẩm Khê, đoạn từ QL.32C đi ĐT.313 - dự kiến ĐT.313H |
X |
5.9 |
Đường kết nối từ thành phố Việt Trì - huyện Lâm Thao - Thị xã Phú Thọ - huyện Thanh Ba - dự kiến ĐT.320E |
X |
5.10 |
Đường giao thông kết nối từ QL.70B, xã Phúc Khánh qua xã Minh Hòa, huyện Yên Lập đến xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê. Dự kiến là đường tỉnh ĐT.313I. |
X |
5.11 |
Đường giao thông kết nối từ ĐT.322 tại xã Phú Lâm, huyện Đoan Hùng đến ĐT.314D tại xã Đông Lĩnh, huyện Thanh Ba. Dự kiến là đường tỉnh ĐT.322B |
X |
5.12 |
Đường giao thông kết nối từ QL.2D, thị xã Phú Thọ đến QL.32C, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê - dự kiến ĐT.320 |
|
5.13 |
Đường nối nút giao lên xuống IC8 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng - Dự kiến là đường tỉnh ĐT.325H |
X |
5.14 |
Đường giao thông kết nối QL.70B, xã Yên Sơn huyện Thanh Sơn với cao tốc Hòa Bình -Sơn La tại nút giao IC.02, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. |
X |
5.15 |
Tuyến đường từ khu công nghiệp Thụy Vân đến thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao |
X |
5.16 |
Tuyến đường nối từ đường Trường Chinh qua xã Kim Đức đến đường Âu Cơ |
X |
5.17 |
Tuyến đường vành đai phía Tây Nam thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập |
X |
5.19 |
Đường Vành đai phía Bắc thị xã Phú Thọ (kết nối QL.2 - đường Hồ Chí Minh - ĐT.320C - QL.2D - CCN Nam Thanh Ba - cầu Tình Cương) - Dự kiến là đường tỉnh ĐT.315G. |
X |
5.20 |
Nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang một số tuyến đường nội thị thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng |
X |
5.21 |
Cải tạo, sửa chữa đường giao thông liên xã Văn Miếu - Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn |
X |
5.22 |
Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 317D, đoạn từ Quốc lộ 70B, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn đi xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy |
X |
5.23 |
Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường tỉnh trên địa bàn tỉnh |
X |
5.24 |
Đầu tư xây dựng cảng cạn kết hợp với trung tâm logistics |
X |
5.25 |
Xây dựng các bến xe mới trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
5.26 |
Xây dựng Trung tâm đăng kiểm một số huyện, thành phố, thị xã |
X |
5.27 |
Xây dựng cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe một số huyện, thành phố, thị xã |
X |
5.28 |
Đầu tư xây dựng, nâng cấp cụm bến, cảng thủy nội địa hàng hóa, cảng thủy nội địa chuyên dùng, cảng cạn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
5.29 |
Đầu tư xây dựng Trung tâm Logistics cấp vùng; Trung tâm logistics cấp tỉnh |
X |
5.30 |
Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm và thanh thải chướng ngại vật, đá ngầm trên các tuyến đường thủy nội địa |
|
5.31 |
Các dự án, công trình giao thông khác… |
X |
6 |
Môi trường - ứng phó biến đổi khí hậu - phòng chống thiên tai |
|
6.1 |
Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư |
X |
6.2 |
Xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh phục vụ nuôi trồng thủy sản. |
X |
6.3 |
Bố trí ổn định dân cư tại chỗ vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
6.4 |
Khu tái định cư tập trung vùng thiên tai có nguy sạt lở đất và lũ quét trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
6.5 |
Phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc các huyện miền núi |
X |
6.6 |
Đầu tư, nâng cấp các công trình đo đạc, quan trắc, giám sát tự động và cảnh báo sớm thiên tai trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
6.7 |
Tuyến đường tránh lũ và sơ tán dân nối từ tỉnh lộ 316 đến xóm Dù xã Xuân Sơn huyện Tân Sơn. |
X |
6.8 |
Xây dựng cầu thay thế các đường tràn trên hệ thống đường tỉnh |
|
6.9 |
Đường tránh lũ và sơ tán dân nối từ Thị trấn Yên Lập đến đường vào khu công nghiệp Cẩm Khê kết nối với nút giao IC10 cao tốc Nội Bài - Lào Cai |
X |
6.10 |
Đường tránh lũ và sơ tán dân Văn Miếu - Hương Cần, huyện Thanh Sơn |
X |
6.11 |
Đường tránh lũ và sơ tán dân từ xã Xuân An qua hồ Ngòi Giành đến trung tâm xã Trung Sơn, huyện Yên Lập |
X |
6.12 |
Đường tránh lũ và sơ tán dân từ QL70B xã Phúc Khánh qua hồ Ly, xã Thượng Long đến hồ Ngòi Giành, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập |
X |
6.13 |
Đường tránh lũ và sơ tán dân Bảo Yên - Sơn Thủy - Tất Thắng, huyện Thanh Thủy và Thanh Sơn |
X |
6.14 |
Đường tránh lũ và sơ tán dân từ cầu Bến Sơn thị trấn Yên Lập đến thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn |
X |
6.15 |
Các công trình khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
6.16 |
Sửa chữa, cải tạo, mở rộng, nâng cấp Hệ thống các công trình cấp nước sạch, cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
|
6.17 |
Xây dựng các khu xử lý nước thải tập trung trên địa bàn thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ. |
X |
6.18 |
Xây dựng, cải tạo, nâng cấp các nhà máy, khu xử lý, lò đốt, bãi chôn lấp chất thải rắn trên địa bàn các huyện, thành, thị … |
X |
6.19 |
Dự án cải tạo các bãi rác thải sinh hoạt tập trung xuống cấp và ô nhiễm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
|
6.20 |
Xây dựng các điểm tập trung chất thải rắn trên địa bàn các huyện, thành, thị |
X |
6.21 |
Các dự án môi trường - ứng phó biến đổi khí hậu - phòng chống thiên tai khác |
X |
7 |
Thông tin và truyền thông |
|
7.1 |
Nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu và triển khai điện toán đám mây riêng của tỉnh Phú Thọ |
|
7.2 |
Nâng cấp và mở rộng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu và xây dựng kho lưu trữ dữ liệu gốc trung tâm (Data lake) |
|
7.3 |
Triển khai cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
|
7.4 |
Nâng cấp công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và Mở rộng năng lực mạng truyền dẫn dùng riêng của tỉnh Phú Thọ |
|
7.5 |
Phát triển trạm thu phát sóng (BTS) và cải tạo cột ăng ten trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
|
7.6 |
Triển khai hoàn thiện Chính quyền điện tử/Chính quyền số tỉnh Phú Thọ |
|
7.7 |
Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện |
|
7.8 |
Nâng cấp Trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) |
|
7.9 |
Số hóa phát thanh và hệ thống truyền thanh cơ sở. |
|
7.10 |
Mở rộng mạng lưới và nâng cấp các điểm Bưu điện văn hóa xã đa chức năng |
X |
7.11 |
Các dự án thông tin, truyền thông khác |
|
8 |
Y tế |
|
8.1 |
Tăng cường năng lực hệ thống y tế tỉnh Phú Thọ |
|
8.2 |
Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn tỉnh Phú Thọ |
|
8.3 |
Đầu tư xây dựng các cơ sở y tế tuyến huyện |
X |
8.4 |
Đầu tư trang thiết bị y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập tỉnh Phú Thọ |
|
8.5 |
Cải tạo, nâng cấp 17 bệnh viện /Trung tâm y tế hai chức năng tuyến tỉnh, huyện |
|
8.6 |
Nâng cấp cơ sở vật chất cho các chuyên ngành: Ung bướu, đột quỵ, tim mạch, chấn thương chỉnh hình (thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh) và Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh |
|
8.7 |
Mở rộng, nâng cấp bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ |
|
8.8 |
Xây dựng Bệnh viện Lão khoa |
X |
8.9 |
Xây dựng Bệnh viện Ung bướu |
X |
8.10 |
Xây dựng Bệnh viện Tim mạch |
X |
8.11 |
Xây dựng các bệnh viện đa khoa, bệnh viện phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
8.12 |
Xây dựng các trung tâm điều dưỡng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phục hồi chức năng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
8.13 |
Xây dựng các nhà máy/cơ sở sản xuất thuốc tân dược, đông dược, dược liệu |
X |
8.14 |
Xây dựng các nhà máy/cơ sở sản xuất vật tư, thiết bị y tế |
X |
8.15 |
Các dự án y tế khác |
X |
9 |
Giáo dục và đào tạo |
|
9.1 |
Đầu tư cơ sở vật chất Trường Đại học Hùng Vương |
X |
9.2 |
Đầu tư cơ sở vật chất Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ |
X |
9.3 |
Đầu tư cơ sở vật chất Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ. |
X |
9.4 |
Đầu tư cơ sở vật chất Trường Cao đẳng công nghiệp Thực phẩm |
X |
9.5 |
Dự án xây dựng Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ, giai đoạn 2 |
X |
9.6 |
Nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo Trường Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Sông Hồng |
X |
9.7 |
Nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo trạm Y tế và thực hành điều dưỡng, Trường Đại học Hùng Vương |
X |
9.8 |
Các dự án giáo dục - đào tạo khác |
X |
10 |
Giáo dục nghề nghiệp |
|
10.1 |
Xây dựng trường đào tạo nghề chất lượng cao |
X |
10.2 |
Đầu tư xây dựng Trường liên cấp chất lượng cao |
X |
10.3 |
Đầu tư trường đào tạo nghề đa ngành (mô hình liên doanh, liên kết) |
X |
10.4 |
Các dự án giáo dục nghề nghiệp khác |
|
11 |
Văn hóa - thể thao |
|
11.1 |
Dự án Tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng |
X |
11.2 |
Nhà làm việc khu liên hợp Thể dục, Thể thao tỉnh Phú Thọ |
X |
11.3 |
Nhà ở vận động viên kết hợp dịch vụ tại khu liên hợp Thể dục, Thể thao tỉnh Phú Thọ |
X |
11.4 |
Xây dựng trung tâm triển lãm nghệ thuật cấp tỉnh |
X |
11.5 |
Xây dựng trung tâm văn hóa thể thao trên địa bàn các huyện, thành, thị |
X |
11.6 |
Tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh |
X |
11.7 |
Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng các sân vận động, các quần thể văn hóa, thể thao, Trung tâm thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh |
X |
11.8 |
Xây dựng công viên trung tâm các huyện, thành, thị |
X |
11.9 |
Các dự án văn hoá - thể thao khác |
X |
12 |
Trụ sở làm việc cơ quan nhà nước |
|
12.1 |
Đầu tư phát triển mạng lưới doanh trại, trụ sở cảnh sát PCCC và CNCH giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
12.2 |
Đầu tư xây dựng các kho dự trữ Quốc gia trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
12.3 |
Các dự án xây mới, sửa chữa nâng cấp trụ sở các cơ quan, đơn vị |
X |
12.4. |
Các dự án trụ sở làm việc cơ quan nhà nước khác |
|
13 |
Nghĩa trang, dịch vụ công cộng |
|
13.1 |
Nghĩa trang tập trung thành phố Việt Trì (Khu vực núi Sông Lớn, xã Kim Đức) |
X |
13.2 |
Cải tạo, mở rộng nghĩa trang tập trung các đô thị (13 đô thị) |
X |
13.3 |
Đầu tư xây dựng lò hỏa táng gắn với nhà tang lễ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ |
X |
13.4 |
Nhà tang lễ thành phố Việt Trì |
X |
13.5 |
Các nhà tang lễ trên địa bàn các huyện, thị |
X |
14 |
Năng lượng - Điện |
|
14.1 |
Xây dựng nhà máy thủy điện Lai Đồng |
X |
14.2 |
Xây dựng nhà máy thủy điện Thu Cúc |
X |
14.3 |
Xây dựng nhà máy điện sinh khối tại huyện Thanh Sơn |
X |
14.4 |
Các dự án điện mặt trời, điện gió, điện tự dùng (Điện tận dụng nhiệt thải trong các KCN) trên các hồ chứa nước lớn; đồi lớn, trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp |
X |
14.5 |
Các dự án năng lượng - điện khác |
X |
15 |
Hạ tầng cấp, thoát nước |
|
15.1 |
Dự án hạ tầng cấp nước các đô thị hiện hữu |
X |
15.2 |
Dự án hạ tầng cấp nước các đô thị mới |
X |
15.3 |
Dự án nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn |
X |
15.4 |
Hệ thống thoát nước các đô thị hiện hữu |
X |
15.5 |
Hệ thống thoát nước các đô thị mới |
X |
15.6 |
Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Việt Trì (cải tạo, nâng cấp) |
X |
15.7 |
Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thị xã Phú Thọ |
X |
15.8 |
Các dự án hạ tầng cấp, thoát nước khác |
X |
Ghi chú:
1. Đối với các dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư và các dự án đang xử lý theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, thi hành bản án (nếu có): Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ rà soát, cam kết không hợp thức hóa các sai phạm và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư dự án; đối với các dự án đang xử lý theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, thi hành bản án: chỉ được triển khai sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, bản án và được cấp có thẩm quyền chấp thuận, bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành.
2. Tên, quy mô và phạm vi ranh giới các dự án sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và lập dự án đầu tư.
3. Các công trình, dự án đã được xác định ở quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng đầu tư trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Quy hoạch cấp quốc gia và Quy hoạch vùng được phê duyệt./.
DANH MỤC BẢN ĐỒ QUY HOẠCH TỈNH PHÚ THỌ THỜI KỲ
2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên bản đồ |
TỈ LỆ |
1 |
Sơ đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
1:100.000 |
2 |
Sơ đồ phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
1:100.000 |
3 |
Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
1:100.000 |
4 |
Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
1:100.000 |
5 |
Sơ đồ phương án phân bổ và khoanh vùng các chỉ tiêu sử dụng đất tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
1:100.000 |
6 |
Sơ đồ phương án thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
1:100.000 |
7 |
Sơ đồ phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
1:100.000 |
8 |
Sơ đồ phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
1:100.000 |
1 Đối với TBA 110kV Phú Hà: Giai đoạn 2021-2024: lắp đặt MBA T2-40MVA. Giai đoạn 2025-2030: Nâng công suất lên 2x63MVA.
2 Đối với TBA 110kV Trung Hà: Giai đoạn 2021-2024: Nâng công suất MBA T1 từ 25MVA lên 40MVA. Giai đoạn 2025-2030: Nâng công suất từ 2x40MVA lên 2x63MVA.
3 Bệnh viện Xây dựng Việt Trì chuyển về Uỷ ban nhân tỉnh Phú Thọ quản lý theo Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, theo hướng sáp nhập vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Quyết định 1579/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 1579/QĐ-TTg |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký: | Trần Hồng Hà |
Ngày ban hành: | 05/12/2023 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 1579/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chưa có Video