ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1519/QĐ-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 25 tháng 7 năm 2011 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Kết luận số 48KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2009 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về phân loại đô thị;
Căn cứ Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 758/QĐ-TTg ngày 8 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia từ năm 2009 đến năm 2020; Căn cứ Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30 tháng 9 năm 2009 của Bộ Xây dựng về qui định chi tiết một số nội dung của Nghị định 42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế;
Căn cứ Quyết định số 2237/QĐ-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2010 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Quyết định số 1320/QĐ-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2011 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề cương Đề án phát triển hạ tầng đô thị Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 968/TTr-SKHĐT ngày 01 tháng 7 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển hạ tầng đô thị Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án:
a) Mục tiêu chung:
- Lập kế hoạch phát triển hạ tầng đô thị Thừa Thiên Huế theo hướng Thành phố phát triển bền vững, là “đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường”, phấn đấu đưa toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước 2014 và đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục đào tạo lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế.
Đề án là cơ sở triển khai kế hoạch đầu tư các công trình hạ tầng đô thị đáp ứng cơ bản các tiêu chí về chuẩn đô thị trong thời kỳ trước 2015, làm tiền đề tiếp tục xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế trong những năm tiếp theo.
b) Mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể giai đoạn 2011 - 2015: xây dựng kế hoạch chi tiết đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, chú trọng các tiêu chuẩn Hệ thống công trình hạ tầng đô thị và tiêu chuẩn Kiến trúc cảnh quan đô thị, phấn đấu đạt tiêu chuẩn của đô thị loại I - thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2014. Tập trung vào khu vực đô thị trung tâm, đặc biệt là khu vực thành phố Huế hiện nay và vùng phụ cận (Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Bình Điền) và đô thị vệ tinh độc lập Chân Mây - Lăng Cô.
2. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật: tập trung phần hạ tầng giao thông đối ngoại; phần hạ tầng kỹ thuật và chỉnh trang đô thị chủ yếu đầu tư cho khu vực đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh Chân Mây - Lăng Cô; ưu tiên đầu tư đồng bộ về hạ tầng đô thị mới. Cụ thể như sau:
a) Giao thông đối ngoại:
- Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ nguồn lực của Trung ương để đẩy mạnh tiến độ đầu tư hệ thống giao thông đối ngoại do Trung ương quản lý trên địa bàn, làm động lực thúc đẩy phát triển nhanh mọi mặt kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế (Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, đường cao tốc đoạn La Sơn - Túy Loan; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A các đoạn: Huế - Phong Điền, La Sơn - Lăng Cô; QL 49A, QL 49B, ...)
- Đầu tư hệ thống giao thông đối ngoại do địa phương quản lý, tập trung các tuyến giao thông quan trọng trong khu vực đô thị trung tâm, giữa khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh độc lập, phụ thuộc và vùng kinh tế động lực.
b) Hệ thống hạ tầng kỹ thuật nội thị:
- Khu vực đô thị trung tâm:
+ Tập trung đầu tư, nâng cấp cho khu vực thành phố Huế hiện nay, đặc biệt ở giai đoạn 2011-2013, nhằm tạo chuyển biến đáng kể các chỉ tiêu về hạ tầng đô thị. Tập trung hệ thống cầu và đường nội thị; chỉnh trang nâng cấp các tuyến phố chính; chỉnh trang nạo vét các sông, hói, hồ, ...; cải tạo, nâng cấp các điểm xanh công viên; chỉnh trang một số nút giao thông; xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng một số khu tái định cư phục vụ giải tỏa phát triển kinh tế xã hội; xây dựng hoàn chỉnh các tuyến giao thông trong khu đô thị mới An Vân Dương kết nối với trung tâm thành phố Huế.
+ Các đô thị Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Bình Điền: tiếp tục triển khai các công trình đã và đang được đầu tư; chuẩn bị đầu tư một số tuyến giao thông và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (đường nội thị trục chính; các khu tái định cư; ưu tiên vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ, ...).
- Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: hoàn thành các dự án đầu tư hạ tầng đang thực hiện, nhất là đường nối QL1A - cảng Chân Mây. Thúc đẩy tiến độ của các dự án đầu tư hạ tầng khu trung tâm điều hành, khu đô thị Chân Mây; vỉa hè và điện chiếu sáng QL1A đoạn qua Lăng Cô, qua khu trung tâm điều hành tại Chân Mây; xây dựng Trụ sở Ban Quản lý Khu Kinh tế; kêu gọi nhà đầu tư xây dựng bến xe Chân Mây, trạm dừng chân Lăng Cô; khuyến khích xây dựng văn phòng làm việc của các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp dọc trục QL1A (đoạn qua Chân Mây) theo quy hoạch được duyệt.
Chuẩn bị đầu tư một số dự án trục giao thông chính trong khu đô thị Chân Mây, khu cảng Chân Mây cho giai đoạn 2011-2013.
- Các đô thị vệ tinh phụ thuộc khác: hoàn thành sớm các dự án chỉnh trang hai bên tuyến quốc lộ 1A, các trục đường chính về điện chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh, thu gom rác thải tạo sự thay đổi rõ nét về cảnh quan, môi trường ở thị trấn Phong Điền, Phú Lộc, An Lỗ, …
c) Cấp, thoát nước:
- Tiếp tục triển khai Dự án cấp nước tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2015 nguồn vốn ODA (ADB), có tính đến giai đoạn 2020; hoàn thành nhà máy nước Phú Lộc, hệ thống cấp nước các xã Đông phá Tam Giang - Cầu Hai, ...
- Triển khai dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản; tiếp tục thực hiện các dự án xử lý nước thải ở các làng nghề, khu công nghiệp.
d) Cấp điện: Đầu tư hệ thống chiếu sáng công cộng trong các khu đô thị, khu dân cư, trên các tuyến phố chính (theo hướng ngầm hóa hệ thống cung cấp điện, viễn thông...); ưu tiên đầu tư hệ thống điện chiếu sáng trên các trục giao thông chính kết nối khu vực nội đô thị (quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Phong Điền, An Lỗ, ...; điện chiếu sáng trên quốc lộ 49A đoạn Huế - Thuận An, điện chiếu sáng trên đường tránh thành phố Huế, ...).
đ) Hạ tầng công cộng khác: xây dựng mới các bãi chôn lấp rác thải (đặc biệt là thành phố Huế); lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hệ thống thu gom chất thải rắn ở các huyện, xã, ...
3. Phát triển hệ thống hạ tầng xã hội:
a) Y tế: tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh các thiết chế của Trung tâm y tế chuyên sâu miền Trung. Hoàn thành các bệnh viện tuyến tỉnh đang xây dựng. Tiếp tục triển khai
các dự án bệnh viện: Sản Nhi, Y học cổ truyền, … Hoàn thành các bệnh viện tuyến huyện. Hoàn thành xây dựng hệ thống y tế xã đạt chuẩn Quốc gia.
b) Giáo dục:
- Đại học Huế: Chuẩn bị điều kiện để trở thành Đại học Quốc gia vào năm 2015. Tiếp tục đầu tư Dự án xây dựng Đại học bước 2 giai đoạn 1.
- Chương trình nhà ở sinh viên: tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh dự án Khu ký túc xá sinh viên Đại học Huế (giai đoạn 2); các dự án Khu nhà ở tập trung cho sinh viên của tỉnh, ...
- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn cho các trường Trung học phổ thông (ưu tiên trường chuyên Quốc Học, các trường trên địa bàn thành phố Huế và các vùng đô thị khác); tập trung đầu tư hoàn chỉnh trường THCS chất lượng cao Nguyễn Tri Phương.
c) Văn hóa - Thể dục thể thao: tiếp tục đầu tư các thiết chế văn hóa, công trình công cộng quan trọng: Quảng trường - Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh; Công viên Văn hóa Ngự Bình; Công viên khu đô thị mới An Vân Dương; Bảo tàng lịch sử Cách mạng, ...; các Trung tâm văn hóa thể thao khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, ...
d) Bảo tồn, trùng tu quần thể di tích Cố đô Huế: triển khai Kế hoạch số
35/KH-UBND ngày 13/5/2011 của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 818/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010-2020; trong đó, huy động nguồn vốn ưu tiên tập trung cho dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế.
4. Danh mục dự án và nhu cầu vốn đầu tư:
a) Các dự án do Trung ương quản lý:
Tổng nhu cầu đầu tư toàn giai đoạn 2011- 2015 dự kiến khoảng 8.462 tỷ đồng;
trong đó vốn đã bố trí (năm 2011) khoảng 280 tỷ đồng, số vốn cần cho giai đoạn 2011-2013 khoảng 3.640 tỷ đồng, giai đoạn 2014-2015 khoảng 4.542 tỷ đồng (trong đó chưa bao gồm các dự án lớn do Chính phủ quyết định hoặc sử dụng vốn ODA như đường cao tốc đoạn La Sơn - Túy Loan; cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, …).
(Chi tiết nhu cầu đầu tư và phân kỳ theo Phụ lục 1 đính kèm).
b) Các dự án do địa phương quản lý:
Tổng nhu cầu đầu tư toàn giai đoạn 2011- 2015 dự kiến khoảng 7.327 tỷ đồng, vốn đã bố trí khoảng 191 tỷ đồng (trong đó chưa bao gồm dự án lớn như cảng Chân Mây, phần tài trợ ODA Nhật Bản thuộc dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế, dự án cung cấp nước sạnh cho toàn tỉnh đến 2020 vốn ADB, …). Nhu cầu đầu tư theo từng giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 2011-2013: dự kiến 4.235 tỷ đồng, trong đó:
+ Hạ tầng kỹ thuật: 3.543 tỷ đồng.
+ Hạ tầng xã hội: 692 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2014-2015: dự kiến 2.901 tỷ đồng, trong đó:
+ Hạ tầng kỹ thuật: 1.268 tỷ đồng.
+ Hạ tầng xã hội: khoảng 1.633 tỷ đồng.
(Chi tiết nhu cầu đầu tư và phân kỳ theo Phụ lục 2 đính kèm).
5. Hệ thống giải pháp thực hiện:
a) Nguồn vốn đầu tư và giải pháp huy động vốn:
- Nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước:
+ Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho Thừa
Thiên Huế đầu tư phát triển hạ tầng theo Quyết định số 758/QĐ-TTg ngày 08/6/2009 về phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia từ năm 2009 đến năm 2020.
+ Xin vay vốn ưu đãi của Chính phủ cho các dự án hạ tầng thiết yếu.
+ Tăng cường tạo nguồn thu từ quỹ đất: rà soát đất công để tạo quỹ đất kinh doanh; huy động tối đa nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất cho Quỹ phát triển đất để đẩy mạnh việc tái đầu tư, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, … tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư các khu đô thị mới để khai thác nhanh quỹ đất do các nhà đầu tư giao lại.
- Nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước: tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, tập trung các dự án lớn về du lịch, dịch vụ, các khu đô thị mới, xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng, ... tranh thủ tối đa các nguồn viện trợ phi Chính phủ (NGO) và các nguồn hợp pháp khác.
b) Công tác giải phóng mặt bằng:
- Thực hiện công tác quy hoạch đi trước một bước, tập trung giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để phát triển kinh tế xã hội theo quy hoạch; rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư.
- Rà soát, nâng cao năng lực Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các địa phương.
- Kiện toàn, nâng cao năng lực, tập trung nguồn lực cho Trung tâm Phát triển quỹ đất của tỉnh và các địa phương.
- Tiếp tục thực hiện chương trình phát triển nhà ở theo hướng xây dựng chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố Huế và các khu vực lân cận.
c) Công tác quy hoạch, quản lý đô thị và hỗ trợ phát triển đô thị:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tạo nếp sống văn minh đô thị.
- Tăng cường công tác quản lý đô thị, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, hoàn thành xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị ở thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, các khu đô thị mới.
- Chỉnh trang, sắp xếp một số nút giao thông, các tuyến phố trọng yếu; tạo một số điểm nhấn cảnh quan đô thị.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch đô thị, các đề án nâng cấp đô thị quan trọng phục vụ trực tiếp cho mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
1. Sở Xây dựng: chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan theo dõi việc triển khai thực hiện Đề án, định kỳ hàng Quý tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh; đảm bảo việc thực hiện Đề án theo đúng lộ trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: trên cơ sở danh mục dự án của Đề án, chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu kế hoạch đầu tư theo đúng lộ trình; nghiên cứu lồng ghép các nguồn vốn, đảm bảo bố trí đủ nguồn lực, đúng mục tiêu. Tham mưu UBND tỉnh các giải pháp cụ thể huy động nguồn lực.
3. UBND các huyện, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế; Ban Quản lý khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có kế hoạch lập quy hoạch, tập trung đầu tư, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư theo danh mục dự án của Đề án; tăng cường kêu gọi và huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác; triển khai thực hiện các giải pháp về giải phóng mặt bằng và quản lý đô thị.
4. Văn phòng UBND tỉnh chủ trì theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát, giải quyết các vướng mắc phát sinh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế; Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Quyết định 1519/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đề án phát triển hạ tầng đô thị Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Số hiệu: | 1519/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Người ký: | Nguyễn Văn Cao |
Ngày ban hành: | 25/07/2011 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 1519/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đề án phát triển hạ tầng đô thị Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Chưa có Video