THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1519/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2023 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THÀNH PHỐ CẦN THƠ THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long;
Căn cứ Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 1056/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tại Tờ trình số 241/TTr-UBND ngày 13 tháng 11 năm 2023, Công văn số 4870/UBND-TH ngày 25 tháng 11 năm 2023 về việc phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm định số 1645/BC- HĐTĐ ngày 09 tháng 03 năm 2023 và kết quả rà soát hồ sơ Quy hoạch thành phố Cần Thơ tại Văn bản số 5188/CV-HĐTĐ ngày 04 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau:
I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH
Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch thành phố Cần Thơ bao gồm toàn bộ thành phố Cần Thơ với tổng diện tích tự nhiên là 1.440,40 km2, gồm 09 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó, có 05 quận (Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt) và 04 huyện (Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh):
- Phía Bắc: Giáp với tỉnh An Giang;
- Phía Nam: Giáp với tỉnh Hậu Giang;
- Phía Đông: Giáp với tỉnh Đồng Tháp;
- Phía Tây: Giáp với tỉnh Kiên Giang.
Thành phố Cần Thơ có tọa độ địa lý khoảng 9°55’08’’ đến 10°19’38’’ vĩ độ Bắc và 105°13’38’’ đến 105°50’35’’ kinh độ Đông.
II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN VÀ CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN
a) Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch, kế hoạch ngành quốc gia, quy hoạch, kế hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.
b) Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ quy hoạch; tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án có tác dụng lan tỏa lớn tạo động lực phát triển cho thành phố. Phát huy tối đa nội lực và ngoại lực, đặc biệt là các liên kết vùng và kết nối hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long; chú trọng yếu tố thị trường và hợp tác giữa các thành phần kinh tế; lấy công nghệ hiện đại làm trọng tâm; thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và thương mại dịch vụ.
c) Phát triển nhanh, bền vững bao trùm, cân bằng, tổng thể, toàn diện cả ba lĩnh vực: kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường. Lấy con người làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới, sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan tự nhiên đặc trưng.
d) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; chú trọng mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đảm bảo an sinh xã hội của người dân; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, di sản văn hóa; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh.
2. Mục tiêu phát triển đến năm 2030
a) Mục tiêu tổng quát
Thành phố Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.
b) Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể
- Về kinh tế:
+ Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân từ 7,5% đến 8%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 220 triệu đồng.
+ Tỷ trọng trong GRDP của khu vực: nông, lâm, thủy sản khoảng 5,9%, công nghiệp - xây dựng khoảng 35,9%, dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 58,2%.
+ Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 11 - 15%/năm.
+ Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP.
- Về xã hội:
+ Dân số tăng bình quân khoảng 0,67%/năm.
+ Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%.
+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 85%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 40%.
+ Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở cấp học mầm non đạt trên 90%, cấp tiểu học đạt trên 95%, cấp trung học cơ sở đạt trên 95%, cấp trung học phổ thông đạt trên 85%.
+ Số giường bệnh/vạn dân tối thiểu 55 giường; số bác sĩ/vạn dân tối thiểu 20 bác sỹ; tỷ lệ giường bệnh tư nhân tối thiểu 15%.
+ Phấn đấu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trên 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
+ Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở mức dưới 0,32% vào năm 2025; và phấn đấu đến năm 2030 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn chung của quốc gia.
- Về tài nguyên và môi trường:
+ Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt 100%, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý đạt 80%, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại, chất thải nguy hại lây nhiễm được thu gom và xử lý 100%.
+ Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đủ tiêu chuẩn xả thải ra môi trường đạt 100%; có 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; bảo đảm 100% nước thải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn tương đương với chất lượng nước thải thải ra nguồn tiếp nhận dùng cho mục đích sinh hoạt.
- Về phát triển kết cấu hạ tầng: Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80%; bảo đảm 100% đô thị loại IV trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và các công trình văn hóa cấp đô thị.
- Về quốc phòng, an ninh: Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam.
4. Các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển
a) Đổi mới mạnh mẽ tư duy lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và tư duy kinh tế của doanh nghiệp, người dân gắn với thực hiện chuyển đổi số dựa trên 03 trụ cột chính (kinh tế số, xã hội số, chính quyền số).
b) Nghiên cứu, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm có tính chiến lược và lan tỏa.
c) Thu hút và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực trong các lĩnh vực mũi nhọn; tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên sâu trong và ngoài nước để thực hiện mục tiêu phát triển.
d) Tái cấu trúc không gian đô thị, đặc biệt trong các quận trung tâm, nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất; tạo quỹ đất phát triển những khu vực trọng điểm cấp vùng về y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại, dịch vụ.
III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH QUAN TRỌNG; PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Phương hướng phát triển các ngành quan trọng
a) Công nghiệp
- Phát triển ngành công nghiệp hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng, dược phẩm, điện tử, chế biến nông thủy sản, thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ có tính nền tảng, hiện đại, bền vững, phù hợp với điều kiện, tự nhiên, lợi thế của địa phương.
- Đẩy nhanh hoàn thành các khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, Thới Lai - Cờ Đỏ; đô thị - công nghiệp - cảng - logistics Thốt Nốt; Trung tâm năng lượng, công nghiệp - công nghệ cao Ô Môn; thúc đẩy liên kết và hội nhập hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An. Định hướng phát triển mới hệ thống đường ống dẫn khí phục vụ cho các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
- Từng bước di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ven sông Hậu tạo quỹ đất để phát triển đô thị và các dịch vụ chất lượng cao; di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm vào các khu, cụm công nghiệp.
b) Thương mại - dịch vụ
- Phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; phấn đấu trở thành trung tâm phân phối của vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu; đẩy mạnh thương mại điện tử, hình thành các trung tâm thương mại cấp vùng.
- Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, sản phẩm dịch vụ đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Các dịch vụ được ưu tiên phát triển như logistics, du lịch, y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, vui chơi giải trí, mua sắm, văn hóa - thể thao.
- Liên kết với các cơ sở quốc tế, các doanh nghiệp đào tạo nguồn lực chuyên sâu đáp ứng mục tiêu thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
c) Nông nghiệp và thủy sản
- Phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng trên cơ sở tích hợp đa ngành, có điều phối liên kết vùng, liên kết ngành.
- Phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên, tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông - thủy sản chuyên canh đạt tiêu chuẩn, đáp ứng theo từng nhóm thị trường. Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp gắn với các loại hình du lịch nông nghiệp. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Hình thành các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai. Triển khai có hiệu quả và thu hút các doanh nghiệp chiến lược đầu tư kinh doanh vào Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Phát triển nông nghiệp đô thị góp phần xây dựng môi trường sinh thái, cảnh quan, cung cấp thực phẩm xanh, đô thị bền vững. Phát huy tối đa lợi thế chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới để phối hợp nguồn lực, phát triển toàn diện mọi mặt của sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn.
d) Quốc phòng, an ninh
Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Xây dựng lực lượng vũ trang Thành phố có sức mạnh tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống. Tiếp tục xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.
2. Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội và phương án sắp xếp đơn vị hành chính
a) Năm trục động lực kinh tế
- Hai trục ngang bao gồm: (1) tuyến phát triển dọc theo cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, trong đó phía Đông chủ yếu phát triển thêm về công nghiệp, phía Tây phát triển thêm du lịch sinh thái, đô thị; (2) tuyến hành lang kinh tế hiện hữu Tây sông Hậu, bao gồm các trục quốc lộ 91, đường Vành đai phía Tây, đường tỉnh 920D, với các loại hình phát triển tập trung vào thương mại dịch vụ, đô thị sinh thái và đô thị công nghiệp.
- Ba trục dọc bao gồm: (1) dọc theo các tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; (2) đường liên vùng Ô Môn - Giồng Riềng; (3) quốc lộ 1A và tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong đó, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và Ô Môn - Giồng Riềng định hướng phát triển công nghiệp, tạo kết nối vùng về hành lang công nghiệp; tuyến dọc quốc lộ 1A chủ yếu phát triển theo hướng kết nối hành lang đô thị chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
b) Ba vùng phát triển
- Vùng thứ nhất, gồm: quận Cái Răng, quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy, huyện Phong Điền (định hướng phát triển thành thị xã) và một phần diện tích quận Ô Môn, huyện Thới Lai là vùng đô thị phát triển mật độ cao. Phát huy kết nối sân bay, đường sắt, đường thủy, đường bộ để thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Vùng thứ hai, gồm: phần còn lại của quận Ô Môn, quận Thốt Nốt và một phần các huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh là vùng động lực phát triển kinh tế mới phía Bắc với công năng đô thị, đô thị sinh thái cao cấp, đô thị công nghiệp, cảng, thương mại, dịch vụ, logistics.
- Vùng thứ ba, gồm: một phần các huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, là vùng phía Tây cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với những hình thức sinh kế mới như: chuyển đổi từ lúa sang cây trồng vật nuôi, kết hợp năng lượng mặt trời, công nghệ môi trường, du lịch sinh thái sông nước, trang trại.
c) Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
Rà soát, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018, Kết luận số 48-KL/TW ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2021 - 2030.
Tên, địa lý và phương án sắp xếp cụ thể các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
IV. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG ĐÔ THỊ VÀ TỔ CHỨC LÃNH THỔ KHU VỰC NÔNG THÔN
1. Phương án phát triển hệ thống đô thị
a) Tổ chức triển khai quy hoạch xây dựng và đầu tư phát triển đô thị theo kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(Chi tiết tại Phụ lục XVIII kèm theo)
b) Về quy mô, cấu trúc hệ thống đô thị
- Thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc trung ương có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí của đô thị theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
- Mô hình phát triển đô thị định hướng như sau:
+ Các đơn vị hành chính thuộc 05 quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt là vùng tập trung các chức năng đô thị, dân cư mật độ cao. Định hướng phát triển huyện Phong Điền thành thị xã Phong Điền, là đô thị sinh thái đặc thù. Ưu tiên nguồn lực thực hiện quy hoạch phân khu và phát triển các khu đô thị mới dọc theo các trục đường chính của thành phố; phát triển đô thị mới, dịch vụ chất lượng cao dọc sông Hậu sau khi di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, công nghệ cũ.
+ Các đơn vị hành chính đô thị cấp huyện được thành lập theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính và hệ thống các đơn vị hành chính đô thị cấp phường, thị trấn thuộc cấp huyện (tại Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh); chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tăng cường các loại sinh kế phi nông nghiệp cho người dân cũng như phát triển các cấu trúc đô thị sinh thái đặc thù. Trong đó:
. Đến năm 2030, khu vực thị trấn thuộc huyện phấn đấu đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.
. Khu vực nông thôn (xã) đạt tiêu chuẩn loại đô thị sẽ được phân loại thành đơn vị hành chính đô thị theo quy định pháp luật hiện hành. Trước mắt, ưu tiên đầu tư phát triển xã Trung An đạt tiêu chuẩn đô thị loại V khi đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định.
c) Về tính chất đô thị
- Thành phố Cần Thơ là đô thị trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, tập trung vào 03 chiến lược chính: (1) các kết nối và nút hạ tầng liên vùng về đường sắt, hàng không, đường thủy và đường bộ cao tốc; (2) bố cục các vùng chức năng tập trung, cung cấp các dịch vụ cho toàn vùng; (3) phát triển đô thị theo hướng tiên phong cho những mô hình phát triển đô thị đặc thù của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Đô thị sinh thái sông nước cao cấp nhất dọc sông Hậu, lấy sông Hậu là mặt tiền chính cho toàn thành phố, phát triển bản sắc của từng quận, huyện thành đô thị bên các sông nhánh.
- Đô thị hiện đại: Xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường. Phát triển trục hạ tầng đa phương thức dọc theo trục hành lang kinh tế Đông - Tây, đường sắt trên cao phục vụ cảnh quan, du lịch dọc sông Hậu; phát triển đô thị gắn với nhà ga đường sắt, sân bay.
- Đô thị thông minh: Đô thị số gắn với phát triển kinh tế số, tích hợp kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả của hệ thống hạ tầng cứng, nhất là hạ tầng giao thông.
2. Phương án phát triển khu vực nông thôn
a) Tổ chức triển khai cụ thể việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính huyện, xã theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
b) Các điểm dân cư nông thôn được phát triển theo định hướng hiện đại hóa nông thôn gắn với việc tổ chức lại mô hình kinh tế và cơ cấu ngành nghề. Phát triển mô hình nông thôn mới theo các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu.
c) Các khu định cư nông thôn được tổ chức không gian phát triển theo 04 mô hình chính: (1) định cư vùng lúa; (2) định cư vùng miệt vườn sông nước; (3) nông trại hiện đại; (4) nông trường và không gian miệt vườn trung tâm.
3. Phương án phát triển vùng huyện
a) Tổ chức triển khai việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
b) Khai thác hiệu quả các chức năng chính với các vùng huyện phát triển dựa trên thế mạnh và điều kiện thực tế gồm: Huyện Vĩnh Thạnh, huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ (các chức năng còn lại sẽ được cụ thể hóa ở các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị,… phù hợp với tình hình thực tế và quỹ đất của từng quận, huyện).
V. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU CHỨC NĂNG
1. Khu công nghiệp
Đến năm 2030, có 14 khu công nghiệp thuộc địa bàn các quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh với diện tích khoảng 7.473 ha.
(Chi tiết tại Phụ lục XV kèm theo)
2. Cụm công nghiệp hỗ trợ
Tiếp tục nghiên cứu, mời gọi đầu tư các cụm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn quận Bình Thủy, huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, huyện Vĩnh Thạnh, khoảng 300 ha.
(Chi tiết tại Phụ lục XVI kèm theo)
3. Khu du lịch
Mở rộng và phát triển mới các khu du lịch, dự kiến tại các quận, huyện của thành phố, chú trọng đầu tư khai thác hiệu quả dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí để tạo các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế, với tổng diện tích khoảng 720 ha.
(Chi tiết tại Phụ lục XI kèm theo)
4. Khu di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh
- Tập trung nguồn lực để triển khai đầu tư “Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh” trên địa bàn gắn với phát triển du lịch thành phố. Phát huy và khai thác hiệu quả các công trình, di tích lịch sử văn hóa đã được đầu tư gắn với giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa và phát triển du lịch.
- Định hướng đến 2030, đất di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh có diện tích khoảng 210 ha.
5. Các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung
- Bố trí không gian phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp gắn với hạ tầng giao thông, thủy lợi để nâng cao hiệu quả phát triển tổng hợp, tăng cường liên kết giữa sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm.
- Thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long với diện tích khoảng 250 ha tại quận Bình Thủy và huyện Cờ Đỏ.
(Chi tiết tại Phụ lục XVII kèm theo)
6. Khu thể dục thể thao
Nâng cấp, phát triển hạ tầng mạng lưới các khu thể dục thể thao thành phố Cần Thơ, dự kiến tại các quận, huyện của thành phố, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, với tổng diện tích khoảng 300 ha.
(Chi tiết tại Phụ lục XI kèm theo)
VI. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG KỸ THUẬT
1. Phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải
Phát triển mạng lưới giao thông phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành giao thông vận tải quốc gia, đồng bộ, hiện đại, liên thông và kết nối thúc đẩy liên kết vùng, bảo đảm an toàn giao thông, thuận tiện và thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
a) Kết cấu hạ tầng giao thông cấp quốc gia
Các tuyến đường bộ cao tốc và quốc lộ, đường thủy nội địa, cảng hàng không, cảng biển, đường sắt: thực hiện theo các quy hoạch chuyên ngành quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Kết cấu hạ tầng giao thông cấp tỉnh
- Về đường bộ:
+ Xây dựng hệ thống đường gom dọc trên các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ; xây dựng các nút giao lớn, trọng điểm kết nối liên thông các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ với các tuyến đường tỉnh, đường vành đai, đường trục chính đô thị để tăng cường tính kết nối giao thông liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
+ Xây dựng mới tuyến đường liên tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp) - Ô Môn (Cần Thơ) - Giồng Riềng (Kiên Giang) và cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu; nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 91 đoạn Km0 - Km7 trên địa bàn quận Ninh Kiều và Bình Thủy; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 61C (đoạn trên địa bàn thành phố Cần Thơ).
+ Nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các tuyến đường tỉnh; một số tuyến đường huyện quan trọng lên thành đường tỉnh; các đường vành đai, đường đô thị, hình thành kết cấu hạ tầng giao thông đô thị hợp lý hoàn chỉnh. Quỹ đất xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đô thị tính đến trục khu vực đạt khoảng 18% - 25% so với quỹ đất xây dựng tại các đô thị. Xây dựng hệ thống giao thông thông minh phục vụ tổ chức, quản lý, điều hành giao thông đô thị.
+ Xây dựng các bến xe khách phục vụ vận tải hành khách liên tỉnh; các bến, bãi đỗ xe kết hợp với các chức năng sử dụng đất khác tại các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp,… trên địa bàn thành phố.
+ Ưu tiên xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng và phương tiện cho hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng khoảng 30% - 35%.
- Về đường thủy:
+ Nâng cấp, cải tạo các tuyến đường thủy nội địa lớn quan trọng của thành phố và nạo vét, duy tu, mở rộng các tuyến đường thủy nội địa còn lại để tăng cường vai trò vận tải thủy trên địa bàn các quận, huyện.
+ Xây dựng các cảng thủy nội địa hàng hóa lớn, trọng điểm trên sông Hậu, kênh Xà No, kênh Cái Sắn, sông Ô Môn, kênh Thị Đội - Ô Môn; các cảng thủy nội địa hành khách lớn, trọng điểm trên sông Hậu, sông Cần Thơ và một số tuyến khác. Hình thành các tuyến buýt đường thủy gắn với các cảng, bến trên sông Hậu, sông Cần Thơ và một số tuyến khác.
- Về đường sắt:
+ Định hướng xây dựng các tuyến đường sắt đô thị và hệ thống nhà ga có hướng tuyến cơ bản bám theo các trục đường Vành đai phía Tây thành phố, quốc lộ 91, quốc lộ 91B, quốc lộ Nam Sông Hậu,…; phát triển các tuyến xe điện mặt đất trên các tuyến đường đô thị khi đủ điều kiện cho phép.
+ Xây dựng nút giao thông công cộng (TOD) và logistics đường sắt gắn với nhà ga Cần Thơ của tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - thành phố Cần Thơ.
- Về cảng hàng không:
+ Xây dựng trung tâm logistics chuyên dụng hàng không gắn với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay.
+ Phát triển các sân bay và vùng nước dành cho thủy phi cơ trên sông Hậu tại các khu vực có tiềm năng về du lịch trên địa bàn các quận: Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt.
- Về cảng biển: Xây dựng các trung tâm logistics gắn với cảng biển Cần Thơ; xây dựng các cảng cạn tại các khu công nghiệp Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh, khu công nghiệp Cờ Đỏ - Thới Lai và các khu công nghiệp khác trên địa bàn thành phố, kết nối với các tuyến cao tốc, quốc lộ và cảng biển Cần Thơ.
(Chi tiết tại Phụ I, II, III, IV, V và XXIV kèm theo)
2. Phương án phát triển mạng lưới cấp điện
Phát triển mạng lưới cấp điện phù hợp với quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển nguồn điện, lưới điện, tiêu chí, luận chứng theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quyết định, quy định có liên quan của cấp có thẩm quyền.
(Chi tiết tại Phụ lục VI kèm theo)
3. Phương án phát triển mạng lưới thông tin và truyền thông
Phát triển hạ tầng, dịch vụ bưu chính theo hướng chuyển dịch từ bưu chính truyền thống sang bưu chính số; phát triển hạ tầng viễn thông theo hướng trở thành hạ tầng số, phục vụ phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số thương mại điện tử. Từng bước ngầm hóa hạ tầng viễn thông, tăng cường sử dụng hạ tầng dùng chung, đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị; đầu tư mạng truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình có khả năng cung cấp chương trình chất lượng và dịch vụ giá trị gia tăng cao.
Thực hiện lộ trình số hóa hạ tầng thiết yếu khác phục vụ đô thị thông minh, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; phát triển các cơ quan báo chí, truyền thông chủ lực theo hướng hội tụ, đa phương tiện, đa nền tảng phù hợp với sự phát triển.
(Chi tiết tại Phụ lục VII kèm theo)
4. Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước, thoát nước
a) Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi
Xây dựng hệ thống thủy lợi đa mục tiêu phù hợp với phương án phân vùng, quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch vùng, quy hoạch thủy lợi có liên quan. Củng cố hệ thống thủy lợi bảo đảm kiểm soát lũ, phòng chống hạn mặn và vận hành linh hoạt để ổn định sản xuất và phòng, chống thiên tai. Phân vùng thủy lợi được phân thành 07 vùng như sau: vùng I (vùng Bắc Cái Sắn), vùng II (vùng Cái Sắn - Thốt Nốt), vùng III (vùng Thốt Nốt - Ô Môn), vùng IV (vùng Ô Môn - Xà No), vùng V (vùng Bình Thủy - Ninh Kiều), vùng VI (vùng Nam Cái Răng), vùng VII - khu vực các cù lao (Tân Lộc, Cồn Sơn).
(Chi tiết tại Phụ lục VIII kèm theo)
b) Phương án phát triển mạng lưới cấp nước
Xây dựng phát triển mạng lưới cấp nước của thành phố bảo đảm đáp ứng các nhu cầu cấp nước sinh hoạt, dịch vụ, sản xuất công nghiệp và các dịch vụ khác theo tiêu chuẩn. Định hướng xây dựng các hồ trữ nước tại các quận, huyện bảo đảm trữ nước, phân bổ và tiêu thoát nước.
(Chi tiết tại Phụ lục IX kèm theo)
c) Phương án phát triển hệ thống thoát nước
- Xây dựng các hố tách nước thải và các tuyến cống bao thu gom nước thải tại các cửa xả ra sông Hậu, sông Cần Thơ, các kênh rạch trong lưu vực; cải tạo, bổ sung các tuyến cống nước thải; xây dựng các tuyến cống bao và các trạm bơm tăng áp để đưa nước thải sinh hoạt về các nhà máy xử lý nước thải. Nước thải sản xuất khu công nghiệp được thu gom theo hệ thống riêng hoàn toàn và xử lý tập trung tại khu công nghiệp trước khi xả thải đạt chuẩn ra môi trường.
- Xây dựng hệ thống chống ngập, thoát nước đồng bộ, phù hợp với điều kiện tự nhiên và từng lưu vực thoát nước. Tận dụng tối đa hệ thống sông, kênh, rạch để thoát nước mưa, áp dụng mô hình thoát nước bền vững, tăng cường thấm tự nhiên, tận dụng các công trình công cộng để chứa nước tạm thời.
5. Phương án phát triển các khu xử lý chất thải, nghĩa trang
a) Khu xử lý chất thải
Theo Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Cần Thơ không có quy hoạch khu xử lý chất thải nguy hại.
a) Chất thải rắn sinh hoạt
- Đầu tư thêm nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới tại huyện Thới Lai với công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường.
- Đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển, điểm tập kết rác thải sinh hoạt theo quy định và phù hợp với điều kiện trên địa bàn quận, huyện, thị xã.
- Xử lý triệt để các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không còn hoạt động đảm bảo hợp vệ sinh và thực hiện lộ trình đóng cửa theo quy định.
b) Chất thải rắn công nghiệp: Đầu tư mới nhà máy xử lý chất thải công nghiệp tại huyện Thới Lai.
(Chi tiết tại Phụ lục X kèm theo)
6. Phương án phát triển phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn cứu hộ
a) Quy hoạch, bố trí vị trí đất, xây dựng trụ sở đảm bảo đủ diện tích làm việc, sinh hoạt, huấn luyện. Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy chữa cháy, ưu tiên các lực lượng phòng cháy chữa cháy ở cơ sở của 09 quận, huyện, thị xã, 04 đội phòng cháy chữa cháy khu vực và 01 Trung tâm huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
b) Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật (Hệ thống đường giao thông, bến lấy nước, hệ thống cấp nước chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc và các hệ thống khác có liên quan) phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức đáp ứng cho lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ triển khai phương án.
VII. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG XÃ HỘI
1. Phương án phát triển mạng lưới cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe
a) Đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực cho các cơ sở y tế trong thành phố theo hướng nâng cao năng lực của hệ thống, chất lượng dịch vụ và phát triển chuyên sâu các chuyên ngành. Phát triển cụm ngành y tế theo định hướng trở thành trung tâm y tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thành lập Trung tâm điều hành cấp cứu 115 và mạng lưới cấp cứu vệ tinh, Trung tâm điều trị Bệnh nhiệt đới, Trung tâm ghép tủy, nâng cấp sân vận động Cần Thơ thành khu liên hợp dịch vụ, y tế - thể thao cấp thành phố; nâng cấp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ (CDC).
Đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư, hình thành hệ thống y tế tư nhân chất lượng cao, phục vụ nhu cầu khám, điều trị bệnh của người dân thành phố, vùng và quốc tế.
b) Phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ y tế gắn liền với các cụm dân cư tạo cơ hội cho mọi người dân được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe với chất lượng ngày càng cao.
(Chi tiết tại Phụ lục XII kèm theo)
2. Phương án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo
a) Kêu gọi đầu tư xã hội hóa giáo dục các trường có nhiều cấp học, chú trọng phát triển, mở rộng trường quốc tế đạt chất lượng cao đáp ứng nhu cầu học tập của mọi đối tượng, kể cả người nước ngoài đang sinh sống tại Cần Thơ.
b) Phát triển quy mô, mạng lưới các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đáp ứng chỉ tiêu phát triển giáo dục của từng cấp học và nhu cầu đến trường của học sinh địa bàn các quận, huyện.
c) Khối giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên: mở rộng và nâng cao chất lượng các trường cao đẳng, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề. Phát triển các trung tâm giáo dục thường xuyên theo hướng hợp nhất với trung tâm dạy nghề của các quận, huyện trở thành Trung tâm giáo dục thường xuyên - dạy nghề và giới thiệu việc làm, củng cố và hoàn thiện các trung tâm văn hóa học tập cộng đồng.
d) Đại học và sau đại học: mở rộng quy mô đào tạo và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và chất lượng các trường đại học trên địa bàn đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với các viện, trường trong nước và quốc tế.
(Chi tiết tại Phụ lục XIII kèm theo)
3. Phương án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trợ giúp xã hội
a) Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp thành phố. Xã hội hóa thành lập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập tại những quận, huyện có nhu cầu. Hình thành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường lao động trong và ngoài địa bàn thành phố.
b) Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực để chăm lo cho người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội; bảo đảm các quyền trẻ em và tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện; quan tâm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và người già neo đơn. Nâng cao mức sống người dân, bảo đảm giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ở tất cả các cấp, các lĩnh vực
Nâng cấp và di dời các cơ sở bảo trợ xã hội phù hợp với tình hình thực tế. Xây dựng cơ sở cai nghiện ma túy tại huyện Cờ Đỏ và Trung tâm Điều dưỡng Người có công thành phố Cần Thơ tại huyện Phong Điền. Đẩy mạnh phòng, chống các tệ nạn xã hội.
4. Phương án phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao
a) Văn hóa
- Xây dựng Cần Thơ thành đô thị văn hóa, nghệ thuật, thành phố sáng tạo, với những không gian công cộng, hoạt động văn hóa, nghệ thuật cộng đồng, làm tăng giá trị môi trường đô thị, chất lượng sống.
- Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của Cần Thơ theo từng giai đoạn phân kỳ, đồng bộ với chiến lược phát triển hạ tầng du lịch.
- Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, các làng nghề, danh lam thắng cảnh, lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch và mục tiêu gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của “cốt cách con người xứ Tây Đô”.
- Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa các cấp, bảo đảm về quy mô, chất lượng đáp ứng hiệu quả các hoạt động theo chức năng; nâng cấp, hoàn thiện một số thiết chế văn hóa của thành phố.
(Chi tiết tại Phụ lục XI kèm theo)
b) Thể thao
- Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tập luyện thi đấu và tổ chức các phong trào thể dục thể thao. Đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực thể thao; đa dạng hóa các công trình thể thao đáp ứng nhu cầu tập luyện của nhân dân phù hợp với từng phân kỳ đầu tư phát triển.
- Hình thành các tổ hợp (thương mại, thể thao - vui chơi giải trí) phục vụ thể thao, dịch vụ và du lịch trên địa bàn thành phố, định hướng phục vụ nhu cầu cấp vùng và quốc tế.
(Chi tiết tại Phụ lục XI kèm theo)
5. Phương án phát triển mạng lưới cơ sở dịch vụ, thương mại, triển lãm, hội chợ
a) Tập trung thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, xây dựng hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, các cửa hàng tiện lợi; xây dựng chợ đầu mối nông, thủy sản đồng bằng sông Cửu Long, các trung tâm logistics và trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế cấp vùng.
b) Phát triển các tuyến du lịch liên tỉnh, gắn với hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hình thành các khu vui chơi, giải trí, thu hút đầu tư hệ thống cơ sở dịch vụ chất lượng cao, an toàn, văn minh, hiện đại.
6. Phương án phát triển mạng lưới tổ chức khoa học, công nghệ
a) Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị song song với việc phát triển các đơn vị, tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ trên địa bàn thành phố bảo đảm đồng bộ, hiện đại để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, tận dụng hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
b) Phát triển nguồn nhân lực có trình độ và năng lực sáng tạo, đổi mới cao; xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo tại thành phố Cần Thơ kết nối Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; định hướng hình thành Trung tâm kiểm định đo lường chất lượng cấp vùng tại thành phố Cần Thơ.
(Chi tiết tại Phụ lục XIV kèm theo)
VIII. PHÂN BỔ VÀ KHOANH VÙNG ĐẤT ĐAI
1. Nguồn lực đất đai được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế, được quy hoạch sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm, bền vững với tầm nhìn dài hạn; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo đảm việc bố trí sử dụng đất hợp lý trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực phù hợp với chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ.
2. Các chỉ tiêu, diện tích chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đất ở, đất phát triển hạ tầng được tính toán, xác định trên cơ sở tuân thủ chỉ tiêu sử dụng đất Quốc gia, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và nhu cầu phát triển của địa phương để triển khai các phương án phát triển theo không gian, lãnh thổ và các công trình, dự án hạ tầng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. Việc triển khai các dự án sau khi Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt phải bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 phân bổ cho thành phố Cần Thơ theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 03 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền.
4. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phù hợp với phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất trong Quy hoạch thành phố Cần Thơ để làm căn cứ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật.
(Chi tiết tại Phụ lục XIX kèm theo)
1. Phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học
a) Phân vùng bảo vệ môi trường
Phân vùng bảo vệ của thành phố Cần Thơ theo 03 vùng để làm cơ sở triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, bao gồm:
- Vùng bảo vệ nghiêm ngặt: toàn quận Ninh Kiều và các khu dân cư tập trung ở đô thị của các quận: Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt; nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; khu vực bảo vệ của di tích lịch sử văn hóa.
- Vùng hạn chế phát thải: khu dân cư tập trung ở đô thị các trung tâm huyện, xã; hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
- Các vùng bảo vệ khác: các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện hữu, cụm cảng; các vùng còn lại trên địa bàn thành phố quản lý.
(Chi tiết tại Phụ lục XX kèm theo)
b) Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
- Bảo tồn và phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, đa dạng sinh học về các nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trên địa bàn thành phố nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường và giá trị đa dạng sinh học.
- Ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; phát triển nghiên cứu khoa học phục vụ bảo tồn, gìn giữ, đa dạng sinh học, phục hồi cảnh quan bị suy thoái. Khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, khoáng sản và nguồn lợi thủy sản.
- Duy trì và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen được bảo tồn. Phát triển hoạt động du lịch sinh thái và giáo dục môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
(Chi tiết tại Phụ lục XXI kèm theo)
c) Bảo vệ môi trường tại các khu xử lý chất thải, nghĩa trang
- Tại các khu xử lý chất thải được bố trí bảo đảm khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường theo các quy chuẩn hiện hành; có hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, sử dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại.
- Tại các nghĩa trang: phù hợp với quy hoạch, có vị trí, khoảng cách đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư, không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh.
d) Phát triển mạng lưới quan trắc
Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về môi trường, đầu tư hạ tầng trang thiết bị về quan trắc môi trường tự động và liên tục; phát triển cơ sở hạ tầng, thiết bị, mạng lưới quan trắc cho từng loại môi trường; xây dựng trạm quan trắc môi trường tự động.
2. Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên
a) Thành phố Cần Thơ không có các loại khoáng sản thuộc đối tượng thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản cấp quốc gia.
b) Đối với loại khoáng sản thuộc phạm vi quản lý của thành phố:
- Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản dựa trên quan điểm phát triển bền vững, thực hiện theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở dự báo nhu cầu, tiếp tục khai thác hai mỏ cát hiện hữu tại khu vực Trường Thọ và khu vực Thới An đến khi hết thời hạn cấp phép sẽ thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định. Thực hiện thủ tục cấp phép đối với hai mỏ cát Tân Lộc và Phước Lộc thuộc quận Thốt Nốt (đúng theo quy định của pháp luật) và triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản các khu vực mỏ: Phước Lộc 2 thuộc phường Tân Lộc quận Thốt Nốt; Trà Nóc thuộc phường Trà Nóc quận Bình Thủy và phường Phước Thới quận Ô Môn; Phú Thứ - Tân Phú thuộc phường Phú Thứ và phường Tân Phú quận Cái Răng; Tân Phú thuộc phường Tân Phú quận Cái Răng.
- Thành phố Cần Thơ đã khoanh định các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, không tập trung tại các quận, huyện. Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo yêu cầu thực tiễn, các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản có thể được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và quy định của pháp luật.
(Chi tiết tại Phụ lục XXIII kèm theo)
a) Phân vùng tài nguyên nước gồm 7 vùng:
- Vùng I (vùng Bắc Cái Sắn) là khu vực kiểm soát lũ để sản xuất lúa.
- Vùng II (vùng Cái Sắn - Thốt Nốt) là khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung.
- Vùng III (vùng Thốt Nốt - Ô Môn) là khu vực cây ăn trái chuyên canh.
- Vùng IV (vùng Ô Môn - Xà No) là khu vực lấy nước lũ và phù sa vào đồng ruộng, giải quyết vấn đề thoái hóa đất và ô nhiễm môi trường.
- Vùng V (vùng Bình Thủy - Ninh Kiều) và Vùng VI (vùng Nam Cái Răng) là khu vực các đô thị, cụm dân cư được kiểm soát ngập (do triều cường và mưa) bằng hệ thống vận hành ô bao (polder system) và san nền.
- Vùng VII là vùng Cù Lao.
b) Bảo vệ tài nguyên nước, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm hoặc bị suy thoái, cạn kiệt
- Chủ động xây dựng phương án khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước; vận hành các hệ thống công trình thủy lợi hợp lý, tăng khả năng trữ nước trên hệ thống kênh nội đồng bảo đảm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, bảo vệ nguồn nước trong mùa lũ, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, thiên tai liên quan đến nước.
- Nâng cao năng lực điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất, hạn chế mở rộng khai thác nước dưới đất, ưu tiên khai thác nước dưới đất cho mục đích sinh hoạt và trong tình trạng tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Khoanh định, thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khoan, thăm dò, khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố.
- Tăng cường xây dựng mạng lưới quan trắc, giám sát khai thác và sử dụng tài nguyên nước; kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hạn chế khai thác nước dưới đất.
c) Phân bổ tài nguyên nước
Thứ tự ưu tiên phân bổ nguồn nước cho các đối tượng sử dụng nước trong kỳ quy hoạch, được sắp xếp từ cao đến thấp.
- Trong điều kiện bình thường, nguồn nước đủ đáp ứng phân bổ bảo đảm 100% nhu cầu sử dụng nước; ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, các ngành sản xuất có hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
- Trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, nguồn nước được phân bổ đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt, lượng nước còn lại sẽ được phân bổ cho các mục đích sử dụng còn lại theo tỷ lệ phù hợp và phụ thuộc vào phân vùng cấp nước.
d) Phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra
Xây dựng kế hoạch quan trắc, dự báo, cảnh báo kịp thời triều cường, nước biển dâng trong phạm vi của thành phố; bảo đảm an toàn công trình, phòng, chống sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn; củng cố hệ thống đê sông, cống ngăn, giữ ngọt, bảo vệ; rà soát những diện tích có khả năng thiếu nước để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.
4. Phương án phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu
a) Phân vùng rủi ro đối với từng loại thiên tai trên địa bàn
- Phân vùng rủi ro thiên tai với ngập lụt: các khu vực có nguy cơ rủi ro thiên tai chiếm diện tích lớn và trải dài trên các quận, huyện. Những khu vực có nguy cơ ngập lụt phần lớn nằm phía Nam bao gồm các quận trung tâm của thành phố (Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy).
- Phân vùng rủi ro thiên tai với xâm nhập mặn: khu vực các quận, huyện ven sông Hậu có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn như: Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt và Phong Điền.
- Phân vùng rủi ro thiên tai với mức độ sạt lở: chủ yếu dọc theo hệ thống sông, rạch trên địa bàn thành phố.
b) Phương án phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu
- Đầu tư xây dựng mới, duy tu, sửa chữa các công trình phòng, chống thiên tai; ưu tiên hệ thống đê, kè, cống đầu mối; bố trí dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở; tăng cường năng lực quan trắc khí tượng thủy văn, thiết lập các trạm đo tự động trên các lưu vực sông.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và kịp thời cho công tác dự báo, cảnh báo; tổ chức thường xuyên diễn tập phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
X. DANH MỤC DỰ ÁN DỰ KIẾN ƯU TIÊN THỰC HIỆN
Các chương trình, dự án và thứ tự ưu tiên trong từng ngành, lĩnh vực đảm bảo phù hợp với quan điểm, các đột phá phát triển và định hướng phát triển của các ngành quan trọng, tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng cân đối và huy động vốn đầu tư theo từng thời kỳ; ưu tiên các dự án liên vùng, liên quận huyện, dự án then chốt, đột phá, lan tỏa; phát triển kinh tế xã hội để đầu tư và thu hút đầu tư từ bên ngoài các nguồn lực trong và ngoài nước.
(Chi tiết tại Phụ lục XXIV kèm theo)
XI. GIẢI PHÁP, NGUỒN LỰC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Giải pháp về huy động, sử dụng vốn đầu tư
a) Huy động đủ nguồn vốn đáp ứng yêu cầu thực hiện quy hoạch thông qua nghiên cứu và triển khai giải pháp cụ thể đối với từng nguồn vốn, định hướng sử dụng nguồn vốn, nâng cao hiệu quả đầu tư.
b) Nguồn vốn ngân sách nhà nước: Cải thiện hiệu quả quản lý và điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, tập trung vào những dự án trọng tâm, trọng điểm, nâng cao tỷ lệ giải ngân, đồng thời đáp ứng tiến độ và chất lượng công trình; ưu tiên tối ưu về bố trí các nguồn lực từ ngân sách nhà nước để dẫn dắt và thúc đẩy thu hút các nguồn vốn ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của thành phố theo phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
c) Nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước: Tăng cường tận dụng, huy động nguồn vốn từ nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thông qua xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để thu hút các nhà đầu tư chiến lược có khả năng dẫn dắt, tạo ra môi trường thích hợp để hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khác; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố, đẩy mạnh cải cách hành chính, giải phóng mặt bằng và xúc tiến đầu tư.
d) Tăng cường vận động tài trợ của các tổ chức phi chính phủ thông qua tích cực kết nối, liên hệ với các tổ chức phi chính phủ; xây dựng danh mục chương trình, dự án kêu gọi viện trợ phi chính phủ nước ngoài; đảm bảo tiến độ, hiệu quả của các chương trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn của các tổ chức phi chính phủ; thực hiện công tác giám sát và triển khai hoạt động của các dự án và khoản viện trợ phi dự án trên địa bàn thành phố theo đúng quy định.
đ) Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn. Khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; huy động nguồn lực thực hiện xã hội hóa đầu tư các ngành, lĩnh vực theo quy định; tăng cường huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
2. Giải pháp về phát triển và cung ứng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động
Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các cấp học, bậc học, đặc biệt là bậc đại học, cao đẳng và đào tạo nghề. Có cơ chế, chính sách hợp lý, đồng bộ để thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường hợp tác với các tổ chức đào tạo quốc tế. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa môi trường làm việc với thực tiễn nền kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ. Các điểm trường thuộc các bậc học trên địa bàn thành phố đáp ứng nhu cầu đào tạo theo chỉ tiêu phát triển giáo dục các cấp của ngành.
3. Giải pháp về bảo vệ môi trường
Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền và bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, coi bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về quản lý môi trường; phát triển, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch, sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên đối với tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn. Tích cực hợp tác với các địa phương trong nước và quốc tế về bảo vệ môi trường. Chú trọng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về môi trường. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan bảo vệ môi trường.
4. Giải pháp về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Hỗ trợ cho việc phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và công nghệ cao, gắn kết giữa sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, đào tạo. Tạo các điều kiện thuận lợi cho phát triển khoa học, công nghệ dựa trên đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển vốn, nhân lực trình độ cao và cơ chế khuyến khích hoạt động nghiên cứu. Mở rộng hoạt động hợp tác, liên kết giữa Cần Thơ với các địa phương khác.
5. Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển
a) Liên kết, hợp tác quốc tế: Cần Thơ có vai trò quan trọng trong việc là cầu nối của toàn khu vực với quốc tế.
b) Liên kết vùng: Với vị thế là trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với các địa phương khác trong khu vực, đổi mới mô hình phát triển thành sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, tạo liên kết để tạo sức mạnh, động lực phát triển bền vững và thịnh vượng.
c) Liên kết trên phạm vi cả nước: Thúc đẩy hợp tác với các thành phố trực thuộc trung ương khác. Với các địa phương vùng Bắc Trung Bộ, tăng cường liên kết trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, chủ động xúc tiến thương mại đầu tư, tiến hành xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh, phát triển y tế, khoa học liên kết với các bệnh viện hàng đầu.
6. Giải pháp về quản lý đầu tư, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn
Nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch xây dựng và trật tự xây dựng; sử dụng hiệu quả nguồn lực quỹ đất. Lập kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư, khai thác đồng bộ.
7. Giải pháp về nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý hành chính nhà nước
a) Nhóm giải pháp về lập quy hoạch
- Tổ chức công bố, công khai quy hoạch theo quy định. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tổ chức giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của địa phương với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; tập trung kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm.
- Tiếp tục thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác theo quy định của pháp luật.
- Triển khai xây dựng kế hoạch hành động, thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, bổ sung để cụ thể hóa các nội dung trong quy hoạch thành phố thành kế hoạch 05 năm và hàng năm nhằm đảm bảo thống nhất giữa các cấp chính quyền; định kỳ đánh giá, giám sát việc thực hiện quy hoạch theo quy định.
b) Nhóm giải pháp về tuyên truyền: Nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền về kế hoạch tổng thể, cho phép người dân tham gia góp ý để tìm ra cách thức đưa ra giải pháp cho phù hợp.
c) Nhóm giải pháp về thực hiện quy hoạch: Huy động sự tham gia từ nhiều đối tượng khác nhau. Chuẩn bị và đào tạo nguồn lực, đặc biệt huy động nguồn lực ngoài công lập để đảm bảo các chương trình an sinh xã hội được thực hiện theo kế hoạch.
8. Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch
a) Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch có tính chất chuyên ngành khác, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy hoạch thành phố Cần Thơ.
b) Triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện, thường xuyên cập nhật, cụ thể hoá các nội dung quy hoạch thành các kế hoạch 5 năm, hằng năm. Các cấp, các ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển bảo đảm phù hợp với quy hoạch được duyệt. Trong quá trình triển khai thực hiện, thường xuyên giám sát, định kỳ đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch theo quy định.
c) Công tác tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch cần được đổi mới phù hợp đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và thông lệ quốc tế. Bố trí bộ máy lãnh đạo tâm huyết, cán bộ đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu với cơ chế quản lý hiệu lực, hiệu quả để triển khai thực hiện thành công Quy hoạch.
Chi tiết Danh mục sơ đồ, bản đồ Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Phụ lục XXV (kèm theo).
1. Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định này là căn cứ lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn thành phố Cần Thơ theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ:
a) Tổ chức công bố, công khai Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
b) Chịu trách nhiệm toàn diện quản lý Quy hoạch thành phố Cần Thơ; hướng dẫn, phân công, phân cấp, điều phối, kiểm soát và bảo đảm thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, quy trình, thủ tục, quy định trong quá trình thực hiện quy hoạch; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý và thực hiện Quy hoạch.
c) Xây dựng, trình ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thành phố Cần Thơ; tổ chức thực hiện quy hoạch gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; định kỳ tổ chức đánh giá thực hiện Quy hoạch và rà soát điều chỉnh Quy hoạch theo quy định của pháp luật.
d) Nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật để huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch.
đ) Tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
e) Tổ chức rà soát Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện điều chỉnh Quy hoạch trong trường hợp có nội dung mâu thuẫn theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
g) Đối với các dự án dự kiến đầu tư sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực thực hiện thì tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.
3. Việc chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các chương trình, dự án, đề án, bao gồm cả các dự án chưa được xác định trong các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và danh mục dự án ưu tiên đầu tư ban hành kèm theo Quyết định này phải phù hợp với các nội dung quy định tại Điều 1 Quyết định này, bảo đảm đúng các quy định pháp luật hiện hành có liên quan; đồng thời người quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về quyết định của mình.
Trong quá trình nghiên cứu, triển khai các dự án cụ thể, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc xác định vị trí, diện tích, quy mô, công suất, phân kỳ đầu tư các công trình, dự án phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, yêu cầu thực tiễn phát triển của thành phố và theo đúng các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.
Đối với các dự án, công trình đang được rà soát, xử lý theo kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán và thi hành các bản án (nếu có) chỉ được triển khai thực hiện sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, bản án (nếu có) và được cấp có thẩm quyền chấp thuận, bảo đảm đúng các quy định hiện hành.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các ý kiến tiếp thu, giải trình, bảo lưu đối với ý kiến thẩm định, rà soát, tham gia góp ý của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan; các phụ lục được ban hành kèm theo Quyết định này bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết tại công văn số 4870/UBND-TH ngày 25 tháng 11 năm 2023 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.
5. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ trong quá trình thực hiện Quy hoạch; phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ trong việc đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp, huy động và bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng của Quy hoạch bảo đảm thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
CẦN THƠ THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên công trình |
Điểm đầu |
Điểm cuối |
Quy mô dự kiến (cấp quy hoạch, số làn, lộ giới) |
I |
Đường liên tỉnh |
|
|
|
1 |
Cầu Ô Môn |
Tỉnh Đồng Tháp |
Quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ |
4 - 6 làn xe |
2 |
Tuyến Sa Đéc (Đồng Tháp) - Ô Môn (Cần Thơ) - Giồng Riềng (Kiên Giang) |
Kết nối đường dẫn Cầu Ô Môn (quận Ô Môn) |
Ranh giới tỉnh Kiên Giang - thành phố Cần Thơ (huyện Thới Lai) |
III - II, 4 - 6 làn xe và xây dựng đường gom 2 bên, lộ giới 80 m |
II |
Đường tỉnh |
|
|
|
1 |
Đường tỉnh 917 |
Giao với quốc lộ 91 (quận Bình Thủy) |
Giao với quốc lộ 91B (quận Bình Thủy) |
Đường trục chính đô thị, lộ giới 34 m |
2 |
Đường tỉnh 917B |
Giao với đường tỉnh 917C (quận Ô Môn) |
Nút giao kết nối liên thông với đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (huyện Thới Lai) |
Đường trục chính đô thị, lộ giới 50 m |
3 |
Đường tỉnh 917C |
Giao với đường tỉnh 920 (quận Ô Môn) |
Giao với đường tỉnh 923 (huyện Phong Điền) |
Đường trục chính đô thị, lộ giới 80 m |
4 |
Đường tỉnh 918 |
Giao với quốc lộ 91 (quận Bình Thủy) |
Giao với đường tỉnh 918B (huyện Phong Điền) |
Đường trục chính đô thị, lộ giới 42 m |
5 |
Đường tỉnh 918B |
Giao với đường Võ Văn Kiệt (quận Bình Thủy) |
Ranh giới thành phố Cần Thơ (huyện Phong Điền) và tỉnh Hậu Giang |
Đường trục chính đô thị, lộ giới 50 m |
6 |
Đường tỉnh 919 |
Giao quốc lộ 80 (huyện Vĩnh Thạnh) |
Ranh giới tỉnh Hậu Giang - thành phố Cần Thơ (huyện Thới Lai) |
III - II, 4 - 6 làn xe; các đoạn qua đô thị lộ giới 42 m |
7 |
Đường tỉnh 920 |
Cầu Rạch Chôm (quận Ô Môn) |
Giao với quốc lộ 91 (quận Thốt Nốt) |
Đường trục chính đô thị, lộ giới 42 m |
8 |
Đường tỉnh 920 |
Giao với quốc lộ 91 (quận Bình Thủy) trên tuyến có đoạn đi trong khu công nghiệp Trà Nóc |
Giao với quốc lộ 91 (quận Thốt Nốt) |
Đường trục chính đô thị, lộ giới 42 m, riêng đoạn đi trong khu công nghiệp lộ giới lấy theo mặt cắt ngang theo quy hoạch của khu công nghiệp |
9 |
Đường tỉnh 920C |
Giao với quốc lộ 91 (quận Ô Môn) |
Giao với đường tỉnh 920 hiện hữu (quận Ô Môn) |
Đường trục chính đô thị, lộ giới 42 m |
10 |
Đường tỉnh 920D |
Giao với quốc lộ 91 và đường Đặng Thanh Sử (quận Ô Môn) |
Giao với quốc lộ 91 và đường dẫn vào cầu Tân Lộc (quận Thốt Nốt) |
Đường trục chính đô thị, lộ giới 42 m |
11 |
Đường tỉnh 921 |
Giao với quốc lộ 91 (quận Thốt Nốt) |
Ranh giới tỉnh Kiên Giang - thành phố Cần Thơ (huyện Cờ Đỏ) |
III, 2 - 4 làn xe; các đoạn qua đô thị lộ giới 42 m |
12 |
Đường tỉnh 921E |
Giao với tuyến tránh Thốt Nốt (quận Thốt Nốt) |
Giao với đường tỉnh 916 (huyện Cờ Đỏ) |
II, 4 - 6 làn xe; các đoạn qua đô thị lộ giới 42 m |
13 |
Đường tỉnh 922 |
Giao với quốc lộ 91 (quận Ô Môn) |
Huyện Thới Lai |
Đường trục chính đô thị, lộ giới 42 m |
14 |
Đường tỉnh 922C |
Giao với quốc lộ 91B (quận Bình Thủy) |
Huyện Cờ Đỏ |
II, 4 - 6 làn xe; các đoạn qua đô thị lộ giới 42 m |
15 |
Đường tỉnh 923 |
Giao với đường 3 tháng 2 (quận Ninh Kiều) |
Giao với quốc lộ 91 (quận Ô Môn) |
II, 4 - 6 làn xe; các đoạn qua đô thị lộ giới 42 m |
16 |
Đường tỉnh 926 |
Cầu Tây Đô (huyện Phong Điền) |
Ranh giới tỉnh Hậu Giang - thành phố Cần Thơ (huyện Phong Điền) |
II, 4 - 6 làn xe; các đoạn qua đô thị lộ giới 42 m |
17 |
Đường tỉnh 932 |
Giao với đường dẫn cầu Vàm Xáng, huyện Phong Điền |
Ranh giới tỉnh Hậu Giang - thành phố Cần Thơ (huyện Phong Điền) |
II, 4 - 6 làn xe; các đoạn qua đô thị lộ giới 42 m |
18 |
Đường tỉnh 916 |
Ranh giới tỉnh An Giang - thành phố Cần Thơ (huyện Vĩnh Thạnh) |
Giao với đường tỉnh 919 (huyện Cờ Đỏ) |
III, 2 - 4 làn xe; các đoạn qua đô thị lộ giới 42 m |
19 |
Đường tỉnh 919B |
Giao với quốc lộ 80 (huyện Vĩnh Thạnh) |
Giao đường tỉnh 926 (tỉnh Hậu Giang) |
III, 2 - 4 làn xe; các đoạn qua đô thị lộ giới 42 m |
20 |
Đường tỉnh 921B |
Giao với quốc lộ 91, (quận Thốt Nốt) |
Ranh giới tỉnh Kiên Giang - thành phố Cần Thơ (huyện Vĩnh Thạnh) |
III, 2 - 4 làn xe; các đoạn qua đô thị lộ giới 42 m |
21 |
Đường tỉnh 921C |
Huyện Vĩnh Thạnh |
Huyện Vĩnh Thạnh |
III, 2 - 4 làn xe; các đoạn qua đô thị lộ giới 42 m |
22 |
Đường tỉnh 921D |
Giao với quốc lộ 91 (quận Thốt Nốt) |
Giao với đường tỉnh 919B (huyện Cờ Đỏ) |
III, 2 - 4 làn xe; các đoạn qua đô thị lộ giới 42 m |
23 |
Đường tỉnh 922B |
Giao với quốc lộ 91, (quận Ô Môn) |
Ranh giới tỉnh Kiên Giang - thành phố Cần Thơ (huyện Thới Lai) |
III, 2 - 4 làn xe; các đoạn qua đô thị lộ giới 42 m |
24 |
Đường tỉnh 922D |
Giao đường tỉnh 922, (huyện Thới Lai) |
Ranh giới tỉnh Kiên Giang - thành phố Cần Thơ (huyện Thới Lai) |
III, 2 - 4 làn xe; các đoạn qua đô thị lộ giới 42 m |
25 |
Đường tỉnh 922E |
Giao với đường tỉnh 922 (huyện Thới Lai) |
Ranh giới tỉnh Kiên Giang - thành phố Cần Thơ (huyện Thới Lai) |
III, 2 - 4 làn xe; các đoạn qua đô thị lộ giới 42 m |
III |
Đường vành đai thành phố, đường trục chính đô thị |
|||
1 |
Đường vành đai phía Tây thành phố (Đường vành đai 1) |
Giao với đường Võ Nguyên Giáp (quận Cái Răng) |
|
Đường trục chính đô thị, lộ giới 80 m |
2 |
Đường Hẻm 91 |
Giao với quốc lộ 91 (quận Bình Thủy) |
|
Đường trục chính đô thị, lộ giới 40 m |
3 |
Trục đường đô thị 1A (trùng với hướng tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ) |
Khu công nghiệp Hưng Phú 1 (quận Cái Răng) |
|
Đường trục chính đô thị, lộ giới 105 m |
4 |
Đường nối đường Võ Nguyên Giáp - đường Vành đai phía Tây - Đường tỉnh 925 (tỉnh Hậu Giang) |
Giao với đường Võ Nguyên Giáp (quận Cái Răng) |
|
Đường trục chính đô thị, lộ giới 40 m |
5 |
Đường Trần Hoàng Na |
Giao với quốc lộ 91B (quận Bình Thủy) |
|
Đường trục chính đô thị, lộ giới từ 20 m - 28 m - 40 m |
6 |
Đường nối quốc lộ 80 đến đường tỉnh 923 (đường vành đai 2) |
Giao với quốc lộ 80 (huyện Vĩnh Thạnh) |
|
Đường trục chính đô thị, lộ giới 80 m |
7 |
Đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (đoạn Mỹ Khánh - Phong Điền - Tân Thới) |
Nối tiếp đường Nguyễn Văn Cừ hiện hữu (huyện Phong Điền) |
|
Đường trục chính đô thị, lộ giới 34 m |
8 |
Đường Phạm Hùng |
Cầu Cái Răng (quận Cái Răng) |
|
Đường trục chính đô thị, lộ giới 40 m |
B. CÔNG TRÌNH NÚT GIAO THÔNG, CẦU, HẦM QUY MÔ LỚN, TRỌNG ĐIỂM
STT |
Tên nút giao thông |
Quy mô dự kiến |
I |
Nút giao đường tỉnh với đường cao tốc |
|
1 |
Nút giao giữa Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và Tuyến quốc lộ 91 tránh Long Xuyên |
Khác mức liên thông |
2 |
Nút giao giữa Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và đường tỉnh 919 |
Khác mức liên thông |
3 |
Nút giao giữa Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và đường vành đai phía Tây (QL91 - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi - QL80) |
Khác mức liên thông |
4 |
Nút giao giữa Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và Đường nối quốc lộ 80 đến đường tỉnh 923 (đường vành đai 2) |
Khác mức liên thông |
5 |
Nút giao giữa Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng |
Khác mức liên thông |
6 |
Nút giao giữa Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cao tốc Lộ Tẻ Rạch Sỏi |
Khác mức liên thông |
7 |
Nút giao giữa Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và đường tỉnh 921E |
Khác mức liên thông |
8 |
Nút giao giữa Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Tuyến Sa Đéc (Đồng Tháp) - Ô Môn (Cần Thơ) - Giồng Riềng (Kiên Giang) |
Khác mức liên thông |
9 |
Nút giao giữa Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và đường tỉnh 917B |
Khác mức liên thông |
10 |
Nút giao giữa Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và đường vành đai phía Tây thành phố (đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến quốc lộ 61C) |
Khác mức liên thông |
II |
Kết nối liên thông với các quốc lộ, đường tỉnh, đường vành đai, đường trục chính đô thị |
|
1 |
Các nút giao trọng điểm trên địa bàn quận Ninh Kiều |
Khác mức liên thông |
2 |
Nút giao giữa quốc lộ 1 và đường Võ Nguyên Giáp IC3 |
Khác mức liên thông |
3 |
Nút giao IC4 của quốc lộ 1 |
Khác mức liên thông |
4 |
Nút giao giữa đường vành đai phía Tây và quốc lộ 61C |
Khác mức liên thông |
5 |
Nút giao giữa đường vành đai phía Tây và đường Nguyễn Văn Cừ nối dài |
Đồng mức hoặc khác mức liên thông |
6 |
Nút giao giữa đường vành đai phía Tây và đường tỉnh 918B |
Đồng mức hoặc khác mức liên thông |
7 |
Nút giao giữa đường vành đai phía Tây và đường tỉnh 917C |
Đồng mức hoặc khác mức liên thông |
8 |
Nút giao giữa đường vành đai phía Tây và đường tỉnh 917B |
Đồng mức hoặc khác mức liên thông |
9 |
Nút giao giữa đường vành đai phía Tây và Tuyến Sa Đéc (Đồng Tháp) - Ô Môn (Cần Thơ) - Giồng Riềng (Kiên Giang) |
Khác mức liên thông |
10 |
Nút giao giữa Tuyến Sa Đéc (Đồng Tháp) - Ô Môn (Cần Thơ) - Giồng Riềng (Kiên Giang) và đường tỉnh 920D |
Đồng mức hoặc khác mức liên thông |
11 |
Nút giao giữa đường Hẻm 91 và đường Võ Văn Kiệt |
Đồng mức hoặc khác mức liên thông |
12 |
Nút giao giữa đường Hẻm 91 và quốc lộ 91B |
Đồng mức hoặc khác mức liên thông |
13 |
Nút giao giữa đường Hẻm 91 và đường vành đai phía Tây |
Đồng mức hoặc khác mức liên thông |
14 |
Nút giao giữa đường tỉnh 918 mới và quốc lộ 91B |
Đồng mức hoặc khác mức liên thông |
15 |
Nút giao giữa đường tỉnh 918 mới và đường tỉnh 923 |
Đồng mức hoặc khác mức liên thông |
16 |
Nút giao giữa đường tỉnh 918 mới và đường nối quốc lộ 80 đến đường tỉnh 923 (đường vành đai 2) |
Đồng mức hoặc khác mức liên thông |
17 |
Nút giao giữa đường tỉnh 917B và quốc lộ 91B |
Đồng mức hoặc khác mức liên thông |
18 |
Nút giao giữa đường nối quốc lộ 80 đến đường tỉnh 923 (đường vành đai 2) và quốc lộ 61C |
Đồng mức hoặc khác mức liên thông |
19 |
Nút giao giữa đường vành đai 2 và đường tỉnh 917B |
Đồng mức hoặc khác mức liên thông |
20 |
Nút giao giữa đường vành đai 2 và tuyến Đồng Tháp - Cần Thơ - Kiên Giang |
Đồng mức hoặc khác mức liên thông |
III |
Công trình cầu, hầm quy mô lớn, trọng điểm |
|
1 |
Cầu Ô Môn (bắc qua sông Hậu kết nối Tuyến Sa Đéc (Đồng Tháp) - Ô Môn (Cần Thơ) - Giồng Riềng (Kiên Giang) |
4 - 6 làn xe |
2 |
Cầu Cần Thơ 2 (bắc qua sông Hậu kết nối đường bộ cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ và đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) |
4 - 6 làn xe |
3 |
Cầu đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ (bắc qua sông Hậu kết nối đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ) |
Đường đôi, khổ 1435 mm |
4 |
Cầu hoặc hầm Xóm Chài (bắc qua sông Cần Thơ, kết nối đến khu vực Xóm Chài quận Cái Răng) |
4 - 6 làn xe, hoặc theo mặt cắt đường đô thị |
5 |
Cầu kết nối cồn Cái Khế quận Ninh Kiều và cồn Ấu quận Cái Răng (bắc qua sông Cần Thơ kết nối đến Cồn Ấu) |
4 - 6 làn xe, hoặc theo mặt cắt đường đô thị |
6 |
Cầu kết nối đường Trần Phú và Cồn Khương, quận Ninh Kiều (bắc qua rạch Khai Luông, kết nối đến Cồn Khương) |
4 - 6 làn xe, hoặc theo mặt cắt đường đô thị |
7 |
Cầu hoặc hầm vượt sông kết nối từ đường Mậu Thân (cặp bên chợ Xuân Khánh) quận Ninh Kiều, bắc qua sông Cần Thơ |
4 - 6 làn xe, hoặc theo mặt cắt đường đô thị |
8 |
Cầu nối từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến Cồn Khương, quận Bình Thủy (bắc qua rạch Khai Luông kết nối đến khu đô thị mới Cồn Khương thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) |
4 - 6 làn xe, hoặc theo mặt cắt đường đô thị |
9 |
Cầu qua cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt (bắc qua sông Hậu kết nối đến cù lao Tân Lộc thuộc phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt) |
4 - 6 làn xe |
10 |
Cầu Cái Răng đơn nguyên 2 (bắc qua sông Cần Thơ kết nối đường Phạm Hùng với Đường 3/2 và Đường 30/4, phục vụ kết nối dải trung tâm đô thị mới, thương mại, dịch vụ Cái Răng với trung tâm đô thị hiện hữu quận Ninh Kiều) |
Đạt từ 02 - 04 đơn nguyên |
11 |
Cầu Hưng Lợi đơn nguyên 2 (bắc qua sông Cần Thơ, kết nối đường Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 91B) |
Đạt từ 02 - 04 đơn nguyên |
12 |
Cầu Trần Hoàng Na đơn nguyên 2 (bắc qua sông Cần Thơ, kết nối đường Trần Hoàng Na nối dài) |
Đạt từ 02 - 04 đơn nguyên |
13 |
Cầu Ba Láng đơn nguyên 2: bắc qua sông Cần Thơ, kết nối đường vành đai phía tây và quốc lộ 61C |
Đạt từ 02 - 04 đơn nguyên |
C. DANH MỤC CÔNG TRÌNH BẾN XE KHÁCH, BẾN, BÃI ĐỔ XE VÀ GIAO THÔNG THÔNG MINH
STT |
Tên công trình |
Quy mô, vị trí dự kiến |
|
I |
Bến xe khách |
||
1 |
Bến xe khách Cờ Đỏ |
Giai đoạn trước năm 2030 xây dựng Bến xe khách loại 4 diện tích khoảng 1 ha, sau năm 2030 mở rộng, nâng cấp thành Bến xe khách loại 1 kết hợp bãi đỗ xe hàng diện tích khoảng 10 ha tại huyện Cờ Đỏ |
|
2 |
Bến xe khách phía Tây thành phố Cần Thơ |
Bến xe khách loại 1 kết hợp bãi đỗ xe hàng diện tích khoảng 10 ha, tại huyện Vĩnh Thạnh |
|
II |
Bãi đỗ xe công cộng lớn |
||
1 |
Các bãi đỗ xe công cộng lớn theo hình thức cao tầng, ngầm hoặc trên mặt đất |
Quy mô diện tích khoảng từ 0,5 ha đến 5 ha tại quận Cái Răng, quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy, quận Ô Môn, quận Thốt Nốt, huyện Phong Điền, huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, huyện Vĩnh Thạnh |
|
2 |
Các bãi đỗ xe buýt |
Quy mô diện tích khoảng từ 0,5 ha đến 5 ha tại quận Cái Răng, quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy, quận Ô Môn, quận Thốt Nốt, huyện Phong Điền, huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, huyện Vĩnh Thạnh |
|
III |
Giao thông thông minh |
||
1 |
Trung tâm quản lý giao thông đô thị |
Quy mô diện tích khoảng từ 1 ha đến 2 ha. |
|
2 |
Hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh |
Quận Cái Răng, quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy, quận Ô Môn, quận Thốt Nốt, huyện Phong Điền, huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, huyện Vĩnh Thạnh |
|
|
|
|
|
Ghi chú:
- Việc đầu tư các tuyến đường bộ trên địa bàn thành phố Cần Thơ phải phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.
- Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và thực hiện các thủ tục đầu tư dự án theo quy định của pháp luật.
- Quy mô theo quy hoạch là quy mô được tính toán theo nhu cầu dự báo. Trong quá trình triển khai, tùy theo nhu cầu vận tải và khả năng nguồn lực đầu tư, cấp quyết định chủ trương đầu tư quyết định việc phân kỳ đầu tư bảo đảm hiệu quả dự án.
- Các đoạn đường qua đô thị quy mô thực hiện theo quy hoạch đô thị. Số làn xe đến năm 2030 có thể được mở rộng theo quy mô quy hoạch sau năm 2030 khi có nhu cầu thực tế.
DANH MỤC KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA
BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
A. MẠNG LƯỚI ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
STT |
Tên đường thủy nội địa |
Phạm vi trên địa phận thành phố Cần Thơ |
Chiều dài dự kiến (km) |
Cấp kỹ thuật quy hoạch dự kiến |
|
Các tuyến lớn, trọng điểm do cấp thành phố quản lý |
|||
1 |
Sông Ba Láng |
Điểm đầu tại sông Cần Thơ (Vàm Ba Láng), điểm cuối tại kênh Trầu Hôi (quận Cái Răng) |
3 |
IV |
2 |
Rạch Phong Điền (sông Cần Thơ) |
Điểm đầu từ ngã ba Vàm Xáng, điểm cuối tại rạch Cầu Nhiếm |
6 |
IV |
3 |
Rạch Cầu Nhiếm |
Điểm đầu tại ngã 3 rạch Cầu Nhiếm (huyện Phong Điền), điểm cuối tại thị trấn Thới Lai |
14 |
V |
4 |
Sông Trà Nóc |
Điểm đầu tại sông Hậu (quận Bình Thủy), điểm cuối tại sông Cần Thơ (quận Ô Môn) |
9 |
V |
5 |
Kênh Thốt Nốt |
Điểm đầu tại sông Hậu (quận Thốt Nốt), điểm cuối tại kênh ranh Hạt Kiên Giang |
28 |
III |
6 |
Kênh Xáng Ô Môn (kênh Bà Đầm) |
Điểm đầu tại sông Ô Môn (huyện Thới Lai), điểm cuối tại kênh ranh Hạt Kiên Giang |
14 |
V |
7 |
Kênh KH8 |
Điểm đầu tại sông Cần Thơ, điểm cuối tại ranh tỉnh Kiên Giang |
22 |
VI |
8 |
Kênh Bốn Tổng |
Điểm đầu tại kênh Cái Sắn, điểm cuối tại kênh Thốt Nốt |
15 |
VI |
9 |
Kênh Đứng |
Điểm đầu tại sông Ô Môn, điểm cuối tại kênh Thốt Nốt |
14 |
V |
10 |
Nâng cấp, cải tạo các tuyến đường thủy nội địa lớn quan trọng của thành phố và nạo vét, duy tu, mở rộng các tuyến đường thủy nội địa còn lại để tăng cường vai trò vận tải thủy trên địa bàn các quận, huyện |
Ghi chú: Các tuyến đường thủy nội địa do Trung ương quản lý thực hiện theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.
B. CẢNG THỦY NỘI ĐỊA
STT |
Tên công trình |
Vị trí dự kiến |
I |
Hệ thống cảng thủy nội địa hàng hóa lớn, trọng điểm |
|
1 |
Cụm cảng thủy nội địa hàng hóa trên sông Hậu |
Quận Cái Răng, quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy, quận Ô Môn, quận Thốt Nốt |
2 |
Cụm cảng thủy nội địa hàng hóa trên Kênh Xà No |
Huyện Phong Điền |
3 |
Cụm cảng thủy nội địa hàng hóa trên Kênh Cái Sắn (kênh Rạch Sỏi Hậu Giang) |
Quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh |
4 |
Cụm cảng thủy nội địa hàng hóa trên Sông Ô Môn (sông Ô Môn) |
Quận Ô Môn, huyện Thới Lai |
5 |
Cụm cảng thủy nội địa hàng hóa trên Kênh Thị Đội - Ô Môn |
Huyện Thới Lai |
6 |
Cụm cảng thủy nội địa hàng hóa trên Kênh Thốt Nốt |
Quận Thốt Nốt, huyện Cờ Đỏ |
II |
Cảng thủy nội địa hành khách lớn, trọng điểm |
|
|
Các cảng thủy nội địa hành khách trên sông Hậu, sông Cần Thơ và một số tuyến khác |
Quận Ninh Kiều, quận Cái Răng, quận Bình Thủy, quận Ô Môn, quận Thốt Nốt, huyện Phong Điền |
III |
Các tuyến buýt đường thủy |
|
|
Cụm cảng, bến, các điểm dừng đón trả khách của các tuyến buýt đường thủy trên sông Hậu, sông Cần Thơ và một số tuyến khác |
Quận Cái Răng, quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy, quận Ô Môn, quận Thốt Nốt, huyện Phong Điền, huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, huyện Vĩnh Thạnh |
Ghi chú:
- Việc đầu tư các dự án bến, cảng thủy nội địa trên địa bàn thành phố Cần Thơ phải phù hợp với Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.
- Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập và thực hiện các thủ tục đầu tư dự án theo quy định của pháp luật.
DANH MỤC KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG HÀNG HẢI THÀNH PHỐ CẦN
THƠ THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
A. LUỒNG TÀU BIỂN
STT |
Tên luồng |
Cấp kỹ thuật dự kiến |
1 |
Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu (kênh Quan Chánh Bố) |
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
2 |
Luồng hàng hải Định An - Cần Thơ |
Bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng biển trên địa bàn thành phố Cần Thơ |
B. CẢNG BIỂN CẦN THƠ
STT |
Tên Cảng biển |
Chức năng |
Cở tàu dự kiến |
1 |
Khu bến Cái Cui |
Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long kết hợp tiếp chuyển hàng cho Vương quốc Cam pu chia theo tuyến sông Hậu; có bến tổng hợp, container |
Trọng tải đến 20.000 tấn |
2 |
Khu bến Hoàng Diệu, Bình Thủy |
Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ và vùng phụ cận; có bến tổng hợp, container, hàng lỏng/khí |
Trọng tải đến 20.000 tấn |
3 |
Khu bến Trà Nóc, Ô Môn |
Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ; có các bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí |
Trọng tải đến 20.000 tấn |
4 |
Bến cảng Thốt Nốt |
Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ; có bến tổng hợp, container |
Trọng tải đến 20.000 tấn |
5 |
Bến cảng khách quốc tế Cần Thơ |
Phục vụ tuyến khách quốc tế, tuyến từ bờ ra đảo, tuyến du lịch nội địa, tuyến buýt đường thủy, du thuyền, nhà hàng nổi; kết hợp với khai thác các tàu chở hàng sạch bảo đảm vệ sinh môi trường |
Tàu khách đến 20.000 GT, tàu tổng hợp hàng hóa đến 10.000 tấn |
Ghi chú: Việc đầu tư các dự án cầu cảng, bến cảng biển trên địa bàn thành phố Cần Thơ phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.
C. TRUNG TÂM LOGISTICS TẠI CÁC CẢNG BIỂN
STT |
Trung tâm Logistics |
Quy mô, vị trí dự kiến |
1 |
Trung tâm logistics tại cảng Cái Cui |
Quy mô diện tích khoảng 100 ha tại quận Cái Răng |
2 |
Trung tâm logistics tại bến cảng Thốt Nốt |
Quy mô diện tích khoảng 40 ha, tại quận Thốt Nốt. Tùy theo tình hình xây dựng phát triển và nhu cầu thông quan hàng hóa, dự kiến mở rộng quy mô diện tích khoảng 100 ha trở lên, tại quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh |
Ghi chú: Quy mô, diện tích đất sử dụng các trung tâm logistics được xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư.
D. HỆ THỐNG CẢNG CẠN
STT |
Quy mô, vị trí dự kiến |
|
Quy hoạch cảng cạn tiềm năng tại các khu công nghiệp Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh, khu công nghiệp Cờ Đỏ - Thới Lai và các khu công nghiệp khác trên địa bàn thành phố, kết nối với các tuyến cao tốc, quốc lộ và cảng biển Cần Thơ, quy mô diện tích khoảng 15 ha trở lên |
Ghi chú: Việc đầu tư các dự án cảng cạn phải phù hợp với Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.
DANH MỤC KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG TRÊN ĐỊA BÀN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
I. CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ CẦN THƠ
STT |
Quy mô dự kiến |
1 |
Giai đoạn trước năm 2030: Xây dựng nâng cấp kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay và xây dựng các công trình thiết yếu của Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ hiện hữu diện tích khoảng 388,9 ha, công suất dự kiến 7 triệu hành khách/năm. |
2 |
Giai đoạn sau năm 2030: Xây dựng mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đạt tổng diện tích quy hoạch khoảng 728,9 ha, xây dựng mới thêm 01 khu hàng không dân dụng và 01 đường cất hạ cánh, công suất dự kiến 12 triệu hành khách/năm. |
II. TRUNG TÂM LOGISTICS CHUYÊN DỤNG HÀNG KHÔNG
STT |
Quy mô dự kiến |
|
Xây dựng Trung tâm logistics chuyên dụng hàng không kết nối với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, quy mô diện tích khoảng 50 ha - 100 ha tại quận Bình Thủy |
III. SÂN BAY VÀ VÙNG NƯỚC TIỀM NĂNG DÀNH CHO THỦY PHI CƠ
STT |
Vị trí dự kiến |
|
Phát triển các sân bay và vùng nước dành cho thủy phi cơ trên sông Hậu tại các khu vực có tiềm năng về du lịch trên địa bàn các quận: Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt. |
Ghi chú: Xây dựng nâng cấp kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
DANH MỤC KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH
PHỐ CẦN THƠ THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
I. ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA
STT |
Tên công trình |
Quy mô, vị trí dự kiến |
1 |
Tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ |
Đoạn tuyến qua địa bàn thành phố Cần Thơ dài khoảng 8 km, tại quận Cái Răng |
2 |
Nhà ga Cần Thơ |
Diện tích khoảng 60 ha trở lên, tại quận Cái Răng |
3 |
Quỹ đất dự kiến phát triển đô thị gắn với nhà ga, đường sắt Cần Thơ |
Diện tích khoảng 1.000 ha, tại quận Cái Răng |
4 |
Quỹ đất dự kiến phát triển logistics gắn với nhà ga Cần Thơ |
Diện tích khoảng 50 ha trở lên, tại quận Cái Răng |
II. ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ
STT |
Tên tuyến |
Điểm đầu |
Điểm cuối |
1 |
Tuyến đường sắt đô thị và hệ thống nhà ga có hướng tuyến cơ bản bám theo đường vành đai phía Tây thành phố |
Quận Cái Răng |
Huyện Vĩnh Thạnh |
2 |
Tuyến đường sắt đô thị và hệ thống nhà ga có hướng tuyến cơ bản bám theo quốc lộ 91 |
Quận Ninh Kiều |
Quận Thốt Nốt |
3 |
Tuyến đường sắt đô thị và hệ thống nhà ga có hướng tuyến cơ bản bám theo quốc lộ 91B và quốc lộ Nam Sông Hậu |
Quận Cái Răng |
Quận Ô Môn |
4 |
Phát triển các tuyến xe điện đi trên mặt đất trên các tuyến đường đô thị khi đủ điều kiện cho phép |
Các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt |
Các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt |
Ghi chú: Xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt trên địa bàn thành phố Cần Thơ phải phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CẤP ĐIỆN THÀNH PHỐ CẦN
THƠ THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
A. HỆ THỐNG NGUỒN ĐIỆN(1)
STT |
Tên nhà máy |
Vị trí dự kiến |
Công suất dự kiến |
I |
Các dự án trong quy hoạch Điện VIII |
|
|
1 |
Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I |
Quận Ô Môn |
660 MW |
2 |
Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II |
Quận Ô Môn |
1050 MW |
3 |
Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III |
Quận Ô Môn |
1050 MW |
4 |
Nhà máy nhiệt điện Ô Môn IV |
Quận Ô Môn |
1050 MW |
5 |
Đường ống dẫn khí đến các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố |
Các quận, huyện |
|
II |
Các khu vực có nguồn điện tiềm năng tái tạo và nguồn điện khác |
|
|
6 |
Điện mặt trời mái nhà |
Các quận, huyện |
793 MW |
7 |
Điện mặt trời mặt nước |
Các quận, huyện |
859 MW |
8 |
Điện mặt trời mặt đất |
Các quận, huyện |
150 MW |
9 |
Điện rác |
Các quận, huyện |
16,53 MW |
10 |
Điện khí sinh học |
Các quận, huyện |
6,95MW |
11 |
Dự án sản xuất hydrogen và kho cảng LNG (150ha) |
Quận Ô Môn |
|
12 |
Điện mặt trời mặt đất và điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp |
Huyện Vĩnh Thạnh |
399MWp |
B. XÂY MỚI, CẢI TẠO NÂNG CẤP CÁC TRẠM BIẾN ÁP 500KV, 220KV, THỜI KỲ 2021 - 2030
TT |
Loại |
Tên |
Công suất dự kiến |
1 |
500 kV |
Trạm biến áp Thốt Nốt, xây mới |
1800MVA |
2 |
500 kV |
Trạm biến áp Ô Môn, cải tạo, nâng công suất |
1800MVA |
3 |
220 kV |
Trạm biến áp Cần Thơ, cải tạo, nâng công suất |
500MVA |
4 |
220 kV |
Trạm biến áp Ô Môn, cải tạo, nâng công suất |
500MVA |
5 |
220 kV |
Trạm biến áp Thốt Nốt, cải tạo, nâng công suất |
375MVA |
6 |
220 kV |
Trạm biến áp Trà Nóc, cải tạo, nâng công suất |
500MVA |
7 |
220 kV |
Trạm biến áp Vĩnh Thạnh, xây mới và đường dây đấu nối |
500MVA |
C. XÂY MỚI, CẢI TẠO NÂNG CẤP CÁC TRẠM BIẾN ÁP 110KV, THỜI KỲ 2021 - 2030
STT |
Loại |
Tên |
Công suất dự kiến |
Nâng cấp |
|||
1 |
110 kV |
Trạm 110/22 kV Cần Thơ |
(3x63) MVA |
2 |
110 kV |
Trạm 110/22 kV Hưng Phú |
(2x63) MVA |
3 |
110 kV |
Trạm 110/22 kV Long Hòa |
(2x63) MVA |
4 |
110 kV |
Trạm 110/22 kV Bình Thủy |
(2x63) MVA |
5 |
110 kV |
Trạm 110/22 kV Khu CN Cần Thơ |
(3x63) MVA |
6 |
110 kV |
Trạm 110/22 kV Thốt Nốt |
(3x63) MVA |
7 |
110 kV |
Trạm 110/22 kV Thới Thuận |
(2x63) MVA |
8 |
110 kV |
Trạm 110/22 kV Vĩnh Thạnh |
(2x63) MVA |
9 |
110 kV |
Trạm 110/22 kV Thới Lai |
(2x63) MVA |
Xây mới |
|||
1 |
110 kV |
Trạm biến áp 110 kV Phong Điền và đường dây đấu nối |
40 MVA + 40 MVA |
2 |
110 kV |
Trạm biến áp 110 kV Cái Răng và đường dây đấu nối |
63 MVA+63 MVA |
3 |
110 kV |
Trạm biến áp 110 kV Cờ Đỏ và đường dây 110kV đấu nối |
40 MVA + 40 MVA |
4 |
110 kV |
Trạm biến áp 110 kV Long Hưng và đường dây 110kV đấu nối |
40 MVA + 40 MVA |
5 |
110 kV |
Trạm biến áp 110 kV Thuận An và đường dây 110kV đấu nối |
40 MVA + 40 MVA |
6 |
110 kV |
Trạm biến áp 110 kV Tân Phú và đường dây 110 kV đấu nối |
40 MVA + 40 MVA |
7 |
110 kV |
Trạm 110 kV Phước Thới và đường dây đấu nối |
40 MVA + 40 MVA |
8 |
110 kV |
Trạm 110 kV khu công nghiệp Vĩnh Thạnh T1 và đường dây đấu nối |
2x63 MVA |
9 |
110 kV |
Trạm 110 kV khu công nghiệp Vĩnh Thạnh T2 và đường dây đấu nối |
2x63 MVA |
10 |
110kV |
Trạm 110 kV khu công nghiệp Vĩnh Thạnh T3 và đường dây đấu nối |
2x63 MVA |
11 |
110 kV |
Trạm 110 kV khu công nghiệp Vĩnh Thạnh T4 và đường dây đấu nối |
2x63 MVA |
12 |
110 kV |
Trạm 110 kV khu công nghiệp Vĩnh Thạnh T5 và đường dây đấu nối |
2x63 MVA |
13 |
110 kV |
Trạm 110 kV khu công nghiệp Vĩnh Thạnh T6 và đường dây đấu nối |
2x63 MVA |
14 |
110 kV |
Trạm 110 kV Ô Môn và đường dây đấu nối |
(1+1)x63 MVA |
15 |
110 kV |
Trạm 110 kV Ninh Kiều |
1x63 MVA |
D. XÂY DỰNG MỚI ĐƯỜNG DÂY 500KV
STT |
Loại |
Tên |
Công suất dự kiến |
1 |
500 kV |
Đường dây 500 kV Thốt Nốt - Đức Hòa |
2x135 |
2 |
500 kV |
Đường dây 500 kV Ô Môn - Thốt Nốt |
2x35 |
E. DANH MỤC CÁC ĐƯỜNG DÂY 220 KV XÂY MỚI VÀ CẢI TẠO ĐƯA VÀO VẬN HÀNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
STT |
Loại |
Tên |
Số mạch x km |
1 |
220 kV |
500 kV Thốt Nốt - Lấp Vò, xây mới |
2x22 |
2 |
220 kV |
Sa Đéc - Rẽ Ô Môn - Vĩnh Long (mạch 2), đấu nối trạm 220 kV Sa Đéc chuyển tiếp thêm trên mạch còn lại của đường dây 220 kV Ô Môn - Vĩnh Long |
2x1 |
3 |
220 kV |
Châu Thành (Hậu Giang) - Rẽ Ô Môn - Sóc Trăng, xây mới |
4x2 |
4 |
220 kV |
Điện gió Long Mỹ 1 - Rẽ nhiệt điện Cà Mau - Ô Môn, xây mới, đồng bộ điện gió Long Mỹ 1 |
2x1 |
5 |
220 kV |
Long Xuyên - Rẽ nhiệt điện Cà Mau - Ô Môn, xây mới, đồng bộ điện gió Long Mỹ 1 chuyển tiếp thêm trên mạch còn lại của đường dây 220 kV Ô Môn - Vĩnh Long, Cái Răng, Ninh Kiều. |
2x1 |
G. XÂY DỰNG MỚI ĐƯỜNG DÂY 110KV
STT |
Loại |
Tên |
Công suất dự kiến |
|
110 kV |
Đường dây 110 kV Trà Nóc - Bình Thủy |
|
Ghi chú:
- Ngoài các nội dung về hạ tầng điện đã được cập nhật vào các biểu, bảng trong phương án phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong thời gian tới, thành phố Cần Thơ tiếp tục phát triển các nguồn điện tại Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, năng lượng hydrogen, điện mặt trời, điện sinh khối,… cập nhật vào Quy hoạch tích hợp của thành phố theo phương án phát triển điện quốc gia.
- Hạ tầng cấp điện thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và việc đầu tư, quy mô, số lượng các dự án phát triển nguồn điện, các trạm biến áp, các tuyến đường dây trên địa bàn phải phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII); Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, các quyết định, quy hoạch liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu thực tế phát triển của địa phương.
- Tên, vị trí, quy mô, công suất đầu tư của các dự án sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập các thủ tục đầu tư dự án.
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG TRÊN ĐỊA
BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên dự án dự kiến |
Quy mô dự kiến |
Vị trí dự kiến |
1 |
Trung tâm bưu chính vùng |
20 ha |
Quận Bình Thủy |
2 |
Trung tâm dữ liệu vùng |
50 ha |
Quận Cái Răng |
Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới các công trình thông tin truyền thông sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư.
DANH MỤC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN
THƠ THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
A. HỆ THỐNG ĐÊ BAO, BỜ BAO
STT |
Tên dự án |
Vị trí dự kiến |
1 |
Đầu tư dự án kè chống sạt lở |
Các quận, huyện |
2 |
Đầu tư dự án Kè sông Cần Thơ |
Quận Ninh Kiều |
3 |
Đầu tư dự án Kè rạch Cái Sơn - Mương Khai |
Quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy |
4 |
Đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh rạch: rạch Bà Bộ, rạch Đầu Sấu, rạch Hàng Bàng và rạch nhánh Hàng Bàng, rạch Mương Củi, Xẻo Nhum, Ngã Bát và Mương Lộ (91B), rạch Ông Tà, Xẻo Lá, Cây Me, Ông Đạo, Từ Hổ, Bà Lễ, Xẻo Dớn và Rạch Sao |
Quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy |
5 |
Đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh cấp 1 |
Các quận, huyện |
6 |
Đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh cấp 2 |
Các quận, huyện |
7 |
Đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh cấp 3 và thủy lợi nội đồng |
Các quận, huyện |
8 |
Đầu tư hệ thống cống, trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp |
Các quận, huyện |
9 |
Đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái - Tuyến Ông Hào, Trà Ếch xã Trường Long, huyện Phong Điền |
Huyện Phong Điền |
10 |
Đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái - Tuyến Xẻo Lá - Năm Tụ - Cây Cẩm ấp Trường Khương A, Trường Phú, Trường Phú B, xã Trường Long, huyện Phong Điền |
Huyện Phong Điền |
11 |
Kè phòng, chống biến đổi khí hậu dọc sông Hậu - thành phố ven sông |
Các quận, huyện |
12 |
Kè phòng, chống biến đổi khí hậu dọc sông Cái Sắn |
Các quận, huyện |
13 |
Kè phòng, chống biến đổi khí hậu dọc sông Cần Thơ |
Các quận, huyện |
B. HỆ THỐNG CỐNG, TRẠM BƠM CẦN NÂNG CẤP, BỔ SUNG
STT |
Tên cống |
Vị trí dự kiến |
1 |
Cống âu thuyền rạch Cái Khế |
Quận Ninh Kiều |
2 |
Cống ngăn triều rạch Đầu Sấu |
Quận Ninh Kiều |
3 |
Cống âu thuyền rạch Hàng Bàng |
Quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy |
4 |
Cống ngăn triều Rạch Sao |
Quận Bình Thủy |
5 |
Cống ngăn triều Rạch Ranh |
Quận Bình Thủy |
6 |
Cống ngăn triều Rạch Súc |
Quận Bình Thủy |
7 |
Cống ngăn triều Rạch Nước Lạnh |
Quận Bình Thủy |
8 |
Cống ngăn triều Rạch Phó Thọ |
Quận Bình Thủy |
9 |
Cống ngăn triều Rạch Cây Dừa |
Quận Bình Thủy |
10 |
Cống ngăn triều Rạch Bà Lễ |
Quận Ninh Kiều |
11 |
Cống ngăn triều Rạch Trần Ngọc Quế |
Quận Ninh Kiều |
12 |
Cống ngăn triều Rạch Tham Tướng |
Quận Ninh Kiều |
13 |
Rạch Cái Khế |
Quận Ninh Kiều |
14 |
Rạch Hàng Bàng |
Quận Ninh Kiều |
15 |
Trạm bơm Rạch Cái Khế |
Quận Ninh Kiều |
16 |
Trạm bơm Rạch Đầu Sấu |
Quận Ninh Kiều |
17 |
Trạm bơm cầu Ninh Kiều |
Quận Ninh Kiều |
18 |
Trạm bơm đường Châu Văn Liêm |
|
19 |
Trạm bơm Tham Tướng |
Quận Ninh Kiều |
Ghi chú:
- Việc đầu tư các công trình thủy lợi của thành phố Cần Thơ phải phù hợp với Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các quy hoạch liên quan và nhu cầu thực tế phát triển của địa phương.
- Về quy mô, diện tích đất sử dụng, cơ cấu tổng mức đầu tư của các công trình, dự án trong Danh mục nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH THÀNH PHỐ CẦN THƠ
THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
A. BIỂU 1
TT |
Nhà máy nước |
Nguồn nước thô |
Công suất hiện tại (m3/ngđ) |
Công suất dự kiến năm 2030 (m3/ngđ) |
Khu vực cấp nước |
1 |
Cần Thơ 1 |
Sông Cần Thơ |
55.000 |
80.000 |
Quận Ninh Kiều và bổ sung công suất khu đô thị Nam Cần Thơ |
2 |
Cần Thơ 2 |
Sông Hậu |
52.500 |
97.500 |
Quận Bình Thủy, bổ sung công suất cho khu đô thị Trà Nóc và trung tâm quận Ô Môn |
3 |
Long Hòa |
Sông Bình Thủy |
- |
Chuyển thành trạm bơm tăng áp |
Quận Bình Thủy |
4 |
Trà Nóc |
Sông Hậu |
20.000 |
40.000 |
Khu công nghiệp Trà Nóc và một phần khu đô thị Trà Nóc |
5 |
Ô Môn 1 |
Sông Ô Môn |
2.500 |
Chuyển thành trạm bơm tăng áp |
|
6 |
Ô Môn 2 |
Sông Hậu |
- |
100.000 |
Quận Ô Môn, thị trấn Thới Lai và các quận trung tâm thành phố |
7 |
Hưng Phú |
Sông Hậu |
10.000 |
40.000 |
Khu dân cư và khu công nghiệp Hưng Phú, quận Cái Răng |
8 |
Ba Láng |
Sông Ba Láng |
7.500 |
Chuyển thành trạm bơm tăng áp |
Quận Cái Răng |
9 |
Bông Vang |
Sông Cần Thơ |
10.000 |
15.000 |
Thị trấn Phong Điền và khu đô thị sinh thái vườn (huyện Phong Điền) |
10 |
Thốt Nốt 1 |
Sông Hậu |
10.000 |
20.000 |
Quận Thốt Nốt, thị trấn Vĩnh Thạnh, thị trấn Thạnh An của huyện Vĩnh Thạnh. |
11 |
Thốt Nốt 2 |
Sông Hậu |
- |
100.000 |
|
12 |
Vĩnh Thạnh |
Sông Cái Sắn |
3.200 |
Chuyển thành trạm bơm tăng áp |
Huyện Vĩnh Thạnh và Thị trấn Thạnh An |
13 |
Thạnh An |
Sông Cái Sắn |
720 |
Chuyển thành trạm bơm tăng áp |
|
14 |
Thới Lai |
Sông Ô Môn |
2.500 |
Chuyển thành trạm bơm tăng áp |
Thị trấn Thới Lai |
15 |
Cờ Đỏ |
Kênh Thốt Nốt |
3.000 |
5.000 |
Thị trấn Thới Lai |
16 |
Nhà máy nước Sài Gòn - Mê Công |
Sông Hậu |
50.000 |
50.000 |
Quận Bình Thủy |
17 |
Các trạm cấp nước nông thôn thuộc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn |
Nước dưới đất |
30.164 |
Tối đa 30.164 |
Các quận, huyện trên địa bàn thành phố |
TỔNG LƯU LƯỢNG CẤP NƯỚC |
204.584 |
507.500 |
|
B. BIỂU 2
STT |
Tên dự án dự kiến |
Mô tả dự án |
Vị trí dự kiến |
1 |
Xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp nước trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh |
Nâng cấp hệ thống công trình cấp nước tập trung. Nâng cấp, cải tạo và mở rộng đường ống cấp nước |
Huyện Vĩnh Thạnh |
2 |
Xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp nước trên địa bàn huyện Cờ Đỏ |
Đầu tư xây dựng công trình xử lý nước mặt. Nâng cấp, cải tạo và mở rộng đường ống cấp nước |
Huyện Cờ Đỏ |
3 |
Xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp nước trên địa bàn huyện Thới Lai |
Đầu tư xây dựng công trình xử lý nước mặt. Nâng cấp, cải tạo và mở rộng đường ống cấp nước |
Huyện Thới Lai |
4 |
Xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp nước trên địa bàn huyện Phong Điền |
Đầu tư xây dựng công trình xử lý nước mặt. Nâng cấp, cải tạo và mở rộng đường ống cấp nước |
Huyện Phong Điền |
5 |
Dự án đầu tư các hệ thống giám sát khai thác nước tại các hệ thống cấp nước nông thôn |
Triển khai thực hiện đầu tư, kết nối, truyền dữ liệu quan trắc về khai thác nước (lưu lượng, chất lượng nước) theo Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT |
Các quận, huyện |
6 |
Dự án xây dựng các công trình khai thác, xử lý nước mặt |
Công suất 20.000 m3/ngày đêm trở lên |
Các quận, huyện |
7 |
Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến ống cấp nước đường kính từ D90-D600 |
Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng tuyến ống đường kính từ D90 mm đến D600 mm |
Các quận, huyện |
8 |
Đầu tư các công trình cấp nước/xử lý nước quy mô hộ gia đình |
Cấp nước sạch cho các hộ dân sống phân tán, nhỏ lẻ, nơi mà các tuyến ống cấp nước tập trung không thể kéo mạng đường ống để cung cấp nước |
Các huyện |
Ghi chú:
- Các công trình cấp, thoát nước trên địa bàn thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030 phải phù hợp với Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.
- Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và thực hiện các thủ tục đầu tư dự án theo quy định của pháp luật; phù hợp định hướng quy hoạch, tính khả thi, thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội của từng dự án.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI THÀNH PHỐ CẦN
THƠ THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên dự án |
Quy mô dự kiến |
|
Khu xử lý Thới Lai, huyện Thới Lai |
60 ha (đã quy hoạch 120 ha) |
Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng, cơ cấu tổng mức đầu tư, công nghệ áp dụng của các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn của từng thời kỳ.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH
THÀNH PHỐ CẦN THƠ THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên dự án dự kiến |
Vị trí dự kiến |
A |
LĨNH VỰC VĂN HÓA |
|
1 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Khám Lớn Cần Thơ |
Quận Ninh Kiều |
2 |
Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Địa điểm khảo cổ học Nhơn Thành |
Huyện Phong Điền |
3 |
Mở rộng di tích lịch sử Cơ quan Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang (1929 - 1930) |
Quận Bình Thủy |
4 |
Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Địa điểm căn cứ Huyện Ủy Ô Môn (1971 - 1975) (Căn Cứ Lò Mo) |
Huyện Thới Lai |
5 |
Mở rộng Di tích lịch sử Mộ nhà thơ Phan Văn Trị |
Huyện Phong Điền |
6 |
Nhà hát thành phố |
Trung tâm Văn hóa Tây Đô, quận Cái Răng |
7 |
Bảo tàng văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long |
Trung tâm Văn hóa Tây Đô, quận Cái Răng |
8 |
Khu lưu niệm các danh nhân |
Trung tâm Văn hóa Tây Đô, quận Cái Răng |
9 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Vĩnh Trinh |
Huyện Vĩnh Thạnh |
10 |
Thảo cầm viên |
Quận Thốt Nốt/các huyện trên địa bàn thành phố |
11 |
Bảo tàng/Trung tâm triển lãm/Rạp chiếu phim/Nhà hát |
Các quận, huyện trên địa bàn thành phố |
12 |
Cải tạo, sửa chữa Nhà hát Tây Đô |
Quận Ninh Kiều |
13 |
Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Cái Răng |
Quận Cái Răng |
14 |
Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Bình Thủy |
Quận Bình Thủy |
15 |
Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Ô Môn |
Quận Ô Môn |
16 |
Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Thốt Nốt |
Quận Thốt Nốt |
17 |
Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Thới Lai |
Huyện Thới Lai |
18 |
Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Cờ Đỏ |
Huyện Cờ Đỏ |
19 |
Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Vĩnh Thạnh |
Huyện Vĩnh Thạnh |
20 |
Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Phong Điền |
Huyện Phong Điền |
21 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Bình Thủy |
Quận Bình Thủy |
22 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử Chùa Nam Nhã |
Quận Bình Thủy |
23 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích nghệ thuật Chùa Long Quang |
Quận Bình Thủy |
24 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử Chùa Hội Linh |
Quận Bình Thủy |
25 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử Mộ Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa |
Quận Bình Thủy |
26 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Thờ Họ Dương |
Quận Bình Thủy |
27 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử - văn hóa căn cứ Ban Chỉ huy Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Cần Thơ (căn cứ Vườn Mận) |
Quận Bình Thủy |
28 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử - văn hóa Nhà Lồng Chợ Cần Thơ |
Quận Ninh Kiều |
29 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử địa điểm thành lập Chi bộ An Hòa tại Đền thờ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác |
Quận Ninh Kiều |
30 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Thới Bình |
Quận Ninh Kiều |
31 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Ông (Quảng Triệu Hội Quán) |
Quận Ninh Kiều |
32 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích kiến trúc nghệ thuật Hiệp Thiên Cung |
Quận Cái Răng |
33 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử - văn hóa địa điểm chiến thắng của Đội cảm tử - Quốc gia tự vệ cuộc tỉnh Cần Thơ năm 1945 (Trận Lê Bình) |
Quận Cái Răng |
34 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử - văn hóa Đình Thường Thạnh |
Quận Cái Răng |
35 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng của Tiểu đoàn Tây Đô tại rạch Ông Cửu năm 1968 |
Quận Cái Răng |
36 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Thạnh Hòa |
Quận Thốt Nốt |
37 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử - văn hóa Đình Thuận Hưng |
Quận Thốt Nốt |
38 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử - văn hóa Đình Tân Lộc Đông |
Quận Thốt Nốt |
39 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Thới Thuận |
Quận Thốt Nốt |
40 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử Mộ Soạn Giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền |
Quận Thốt Nốt |
41 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích kiến trúc nghệ thuật Thất Phủ Võ Miếu |
Quận Thốt Nốt |
42 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử - văn hóa Đình Thới An |
Quận Ô Môn |
43 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử - văn hóa Chùa Pôthi Somrôn |
Quận Ô Môn |
44 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử - văn hóa Linh Sơn Cổ Miếu |
Quận Ô Môn |
45 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử - văn hóa Chùa Cảm Thiên Đại Đế |
Quận Ô Môn |
46 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Phú Luông |
Quận Ô Môn |
47 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử địa điểm chuyển quân, Trạm quân y tiền phương và nơi cất giấu vũ khí thuộc Lộ Vòng Cung Cần Thơ trong kháng chiến chống Mỹ |
Huyện Phong Điền |
48 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử - văn hóa chiến thắng Ông Hào |
Huyện Phong Điền |
49 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Lịch sử Giàn Gừa |
Huyện Phong Điền |
50 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử địa điểm đế quốc Mỹ thảm sát đồng bào vô tội tại Cầu Nhiếm năm 1966 |
Huyện Phong Điền |
51 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử - văn hóa địa điểm chiến thắng Ông Đưa năm 1960 |
Huyện Thới Lai |
52 |
Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử địa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng Sản Đảng Cờ Đỏ |
Huyện Cờ Đỏ |
53 |
Cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở |
Quận Ninh Kiều/ huyện Phong Điền |
B |
LĨNH VỰC THỂ THAO |
|
1 |
Nâng cấp, sửa chữa Nhà thi đấu đa năng thành phố Cần Thơ |
Khu liên hợp thể dục thể thao |
2 |
Nâng cấp, sửa chữa sân vận động Cần Thơ thành khu liên hợp dịch vụ, y tế - thể thao |
Phường Cái Khế, quận Ninh Kiều |
3 |
Nhà tập luyện thi đấu nhiều môn tại khu liên hợp thể dục thể thao thành phố Cần Thơ |
Phường Cái Khế, quận Ninh Kiều |
4 |
Cụm Sân thể thao ngoài trời và nhà phụ trợ tại khu liên hợp thể dục thể thao thành phố Cần Thơ |
Phường Cái Khế, quận Ninh Kiều |
5 |
Trung tâm Thể dục thể thao |
Trung tâm Văn hóa Tây Đô, quận Cái Răng |
6 |
Khu nhà nghỉ vận động viên - huấn luyện viên |
Phường Cái Khế, quận Ninh Kiều |
7 |
Xây dựng khu liên hợp thể dục thể thao thành phố Cần Thơ (khu B) tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, hạng mục Trường phổ thông năng khiếu thể dục thể thao, sân tập bóng đá, sân điền kinh, hồ bơi. |
Huyện Phong Điền |
8 |
Hồ bơi trung tâm thành phố Cần Thơ |
Phường Cái Khế, quận Ninh Kiều |
9 |
Sân golf |
Quận Cái Răng/ huyện Thới Lai |
10 |
Khu phức hợp thể thao, giải trí |
Quận Bình Thủy/ quận Ô Môn |
11 |
Trường đua ngựa |
Quận Bình Thủy/ quận Ô Môn/huyện Thới Lai |
12 |
Khu đua xe thể thao |
Quận Bình Thủy/quận Ô Môn |
C |
LĨNH VỰC DU LỊCH |
|
1 |
Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp Cù lao Tân Lộc |
Quận Thốt Nốt |
2 |
Khu du lịch sinh thái Phong Điền |
Huyện Phong Điền |
3 |
Khu du lịch cồn Sơn |
Quận Bình Thủy |
4 |
Khu du lịch Sông Hậu |
Quận Ninh Kiều/quận Ô Môn/ quận Thốt Nốt |
5 |
Khu công viên nước cồn Cái Khế |
Quận Ninh Kiều |
6 |
Khu phố đi bộ Hai Bà Trưng |
Quận Ninh Kiều |
7 |
Khu phố đi bộ rạch Khai Luông |
Quận Ninh Kiều |
8 |
Khu du lịch Hưng Phú (cồn nổi) |
Quận Cái Răng |
9 |
Bến tàu du lịch tổng hợp |
Quận Ninh Kiều/quận Cái Răng/ quận Bình Thủy |
10 |
Đầu tư xây dựng Tháp Du lịch Cồn Cái Khế |
Quận Ninh Kiều |
11 |
Tổ hợp khách sạn - Hội nghị Cần Thơ tiêu chuẩn cao cấp |
Quận Ninh Kiều/quận Bình Thủy/quận Cái Răng |
12 |
Trung tâm dịch vụ du lịch Tân Lộc |
Quận Thốt Nốt |
13 |
Khu du lịch sinh thái Tân Mỹ, phường Tân lộc |
Quận Thốt Nốt |
14 |
Xây dựng mô hình vườn du lịch nông nghiệp |
Các huyện: Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh |
15 |
Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, vui chơi, giải trí…. |
Các huyện: Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh |
16 |
Xây dựng các bến thuyền du lịch, bến du thuyền |
Quận Thốt Nốt |
17 |
Chợ nổi Cái Răng (đầu tư, phát triển) |
Quận Cái Răng |
Ghi chú: Về quy mô, diện tích đất sử dụng, cơ cấu tổng mức đầu tư của các công trình, dự án trong Danh mục nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.
DANH MỤC DỰ ÁN THUỘC LĨNH VỰC Y TẾ THÀNH PHỐ CẦN THƠ
THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên dự án dự kiến |
Vị trí dự kiến |
1 |
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ (CDC) |
Quận Ninh Kiều |
2 |
Nâng cấp, sửa chữa Bệnh viện Da liễu Cần thơ |
Quận Ninh Kiều |
3 |
Hệ thống chụp cộng hưởng từ 1,5 Tesla và máy giúp thở trẻ sơ sinh, trẻ em có chế độ HFO |
Quận Ninh Kiều |
4 |
Xây dựng khoa Khám bệnh - Thăm dò chức năng - Xét nghiệm và khoa Nội Tim mạch - Chẩn đoán hình ảnh và mua sắm Hệ thống chụp cắt lớp CT Scanner 128 lát cắt - Bệnh viện Tim mạch thành phố Cần Thơ |
Quận Ninh Kiều |
5 |
Nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Huyết học truyền máu Cần Thơ |
Quận Ninh Kiều |
6 |
Nâng cấp Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ |
Quận Ninh Kiều |
7 |
Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ |
Quận Ninh Kiều |
8 |
Nâng cấp, sửa chữa Bệnh viện Tâm Thần (cơ sở cũ) thành cơ sở 2 Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt thành phố Cần Thơ |
Quận Ninh Kiều |
9 |
Bệnh viện Quân dân y (Giai đoạn 2) |
Huyện Cờ Đỏ |
10 |
Xây dựng Trung tâm Ghép tủy tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu |
Quận Ninh Kiều |
11 |
Bệnh viện Tim mạch |
Quận Ninh Kiều, Quận Ô Môn |
12 |
Bệnh viện Mắt |
Quận Ninh Kiều, Quận Ô Môn |
13 |
Nâng cấp Bệnh viện Nhi đồng |
Quận Ninh Kiều, Quận Ô Môn |
14 |
Nâng cấp Bệnh viện đa khoa thành phố |
Quận Ninh Kiều, Quận Ô Môn |
15 |
Nâng cấp Bệnh viện Tâm thần |
Quận Ô Môn |
16 |
Bệnh viện đa khoa quận Ô Môn |
Quận Ô Môn |
17 |
Nâng cấp, cải tạo, mua sắm trang thiết bị Bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Thạnh |
Huyện Vĩnh Thạnh |
18 |
Bệnh viện Lão khoa - Nội Tiết |
Huyện Phong Điền, Quận Ô Môn |
19 |
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới |
Quận Ô Môn |
20 |
Trung tâm điều hành cấp cứu 115 và mạng lưới cấp cứu vệ tinh (thuộc Bệnh viện Đa khoa thành phố) |
Quận Ninh Kiều |
21 |
Khu điều trị Nội tổng hợp 2 tại Bệnh viện Đa khoa TP (dành cho đối tượng Ban Bảo vệ sức khỏe Thành ủy quản lý) |
Quận Ninh Kiều |
22 |
Nâng cấp Bệnh viện Ung bướu |
Quận Ninh Kiều, Quận Ô Môn |
23 |
Bệnh viện Tai Mũi Họng |
Quận Ô Môn |
24 |
Bệnh viện Da liễu |
Quận Ô Môn |
25 |
Nâng cấp Bệnh viện Y học Cổ truyền |
Quận Ninh Kiều |
26 |
Nâng cấp Bệnh viện Phụ sản |
Quận Ninh Kiều |
27 |
Bệnh viện Răng Hàm Mặt |
Quận Ô Môn |
28 |
Ngân hàng lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn |
Quận Ninh Kiều |
29 |
Bệnh viện chuyên khoa nội tiết |
Quận Bình Thủy, Quận Ô Môn |
30 |
Bệnh viện Phục hồi chức năng |
Quận Bình Thủy, Quận Ô Môn |
31 |
Nâng cấp mở rộng, mua sắm trang thiết bị y tế giai đoạn 2021 - 2025 Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ |
Quận Ninh Kiều |
32 |
Trung tâm chăm sóc sức khỏe |
Thành phố Cần Thơ |
Ghi chú: Về quy mô, diện tích đất sử dụng, cơ cấu tổng mức đầu tư của các công trình, dự án trong Danh mục nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN THUỘC LĨNH VỰC GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO,
THÀNH PHỐ CẦN THƠ THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên dự án dự kiến |
Vị trí dự kiến |
1 |
Nâng cấp Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ để thành lập Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ |
Quận Ninh Kiều |
2 |
Trường Chính trị thành phố Cần Thơ |
Quận Ninh Kiều |
3 |
Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ |
Quận Bình Thủy |
4 |
Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giai đoạn 1 (5,7 ha) thuộc Trường đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ |
Quận Bình Thủy |
5 |
Đầu tư ngành nghề trọng điểm trường Cao đẳng nghề Cần Thơ |
Quận Bình Thủy |
6 |
Đầu tư 3 nghề trọng điểm cấp độ Asean Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ |
Quận Bình Thủy |
7 |
Nâng cấp Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ trở thành trường dạy nghề chất lượng cao |
Quận Bình Thủy |
8 |
Trường trung học phổ thông chuyên Lý Tự Trọng |
Quận Cái Răng |
9 |
Trường trung học phổ thông Tân Lộc |
Quận Thốt Nốt |
10 |
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú |
Quận Ô Môn |
11 |
Trường Dạy trẻ khuyết tật |
Quận Bình Thủy |
12 |
Trường trung học phổ thông Thới Thuận |
Quận Thốt Nốt |
13 |
Cải tạo và mua sắm Trang thiết bị Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ cơ sở I |
Quận Ninh Kiều |
14 |
Khu giảng đường dãy D, E thuộc Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ |
Quận Ninh Kiều |
15 |
Cải tạo, sửa chữa Trường Cao đẳng y tế Cần Thơ |
Quận Ninh Kiều |
16 |
Xây mới, nâng cấp trường lớp trên địa bàn các quận, huyện theo các cấp học |
9 quận, huyện |
Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật. Các dự án, công trình giáo dục đào tạo khác ngoài danh mục trên căn cứ vào quy hoạch chuyên ngành của địa phương.
DANH MỤC DỰ ÁN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ THỜI
KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên dự án dự kiến |
Vị trí dự kiến |
1 |
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ |
|
1.1 |
Sàn giao dịch công nghệ |
Huyện Phong Điền |
1.2 |
Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của Trung tâm. |
Quận Ninh Kiều |
2 |
Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ |
|
2.1 |
Nâng cấp mở rộng và nâng cao năng lực hoạt động Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Cần Thơ |
Quận Ninh Kiều |
2.2 |
Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thành phố Cần Thơ |
Quận Ninh Kiều |
3 |
Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Dự án “Đầu tư mở rộng cơ sở 2 Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng” |
Quận Cái Răng |
4 |
Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn quốc: Dự án tăng cường nguồn lực cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị nghiên cứu phục vụ ươm tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. |
Quận Ô Môn |
5 |
Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng tại thành phố Cần Thơ |
Quận Ninh Kiều hoặc quận Cái Răng |
6 |
Khu Công nghệ cao Cần Thơ |
Quận Ô Môn |
7 |
Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp vùng |
Quận Cái Răng hoặc quận Thốt Nốt |
Ghi chú: Về quy mô, diện tích đất sử dụng, cơ cấu tổng mức đầu tư của các công trình, dự án trong Danh mục nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ CẦN THƠ
THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên khu công nghiệp |
Địa điểm |
Diện tích dự kiến (ha) |
I |
Các khu công nghiệp đã thành lập |
|
|
1 |
Khu công nghiệp Trà Nóc 1 |
Quận Bình Thủy |
135,00 |
2 |
Khu công nghiệp Trà Nóc 2 |
Quận Ô Môn |
155,00 |
3 |
Khu công nghiệp Hưng Phú 1 |
Quận Cái Răng |
262,00 |
5 |
Khu công nghiệp Hưng Phú 2 |
Quận Cái Răng |
67,00 |
6 |
Khu công nghiệp Thốt Nốt |
Quận Thốt Nốt |
74,87 |
7 |
Khu Công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1) |
Huyện Vĩnh Thạnh |
293,70 |
|
Tổng cộng: |
|
987,57 |
II |
Các khu công nghiệp thành lập mới khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp |
||
1 |
Khu Công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2) |
Huyện Vĩnh Thạnh |
606,30 |
2 |
Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 2 |
Huyện Vĩnh Thạnh |
519,00 |
3 |
Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 3 |
Huyện Vĩnh Thạnh |
675,45 |
4 |
Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 4 |
Huyện Vĩnh Thạnh |
815,00 |
5 |
Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 5 |
Huyện Vĩnh Thạnh, huyện Cờ Đỏ, quận Thốt Nốt |
2.550,00 |
6 |
Khu công nghiệp Cờ đỏ - Thới Lai |
Huyện Cờ Đỏ và huyện Thới Lai |
1.070,00 |
7 |
Khu công nghiệp công nghệ cao quận Ô Môn |
Quận Ô Môn |
250 |
|
Tổng cộng: |
|
6.485,75 |
|
Tộng diện tích (A+B) |
|
7.473,32 |
Ghi chú: Về quy mô, diện tích đất sử dụng, cơ cấu tổng mức đầu tư của các công trình, dự án trong Danh mục nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ THÀNH PHỐ
CẦN THƠ THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên |
Vị trí dự kiến |
Diện tích dự kiến (ha) |
1 |
Cụm công nghiệp Bình Thuỷ |
Quận Bình Thuỷ |
75 ha |
2 |
Cụm công nghiệp Cờ Đỏ |
Huyện Cờ Đỏ |
75 ha |
3 |
Cụm công nghiệp Vĩnh Thạnh |
Huyện Vĩnh Thạnh |
75 ha |
4 |
Cụm công nghiệp Thới Lai |
Huyện Thới Lai |
75 ha |
Ghi chú: Tên, quy mô và phạm vi ranh giới các cụm công nghiệp sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và lập dự án đầu tư.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG
NGHỆ CAO THÀNH PHỐ CẦN THƠ THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên khu |
Địa điểm dự kiến |
Diện tích dự kiến (ha) |
I |
Quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện hữu |
|
|
|
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ (theo Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030) |
Huyện Cờ Đỏ |
244 |
II |
Quy hoạch mới |
|
|
1 |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Thạnh Tiến |
Huyện Vĩnh Thạnh |
64 |
2 |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Thạnh Lợi |
Huyện Vĩnh Thạnh |
459 |
3 |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Thạnh Quới |
Huyện Vĩnh Thạnh |
285 |
4 |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Trường Xuân |
Huyện Thới Lai |
120 |
5 |
Khu nông nghiệp ứng công nghệ cao xã Đông Thuận |
Huyện Thới Lai |
120 |
6 |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Thới Đông |
Huyện Cờ Đỏ |
373 |
III |
Phát triển hạ tầng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao |
|
|
1 |
Phát triển hạ tầng nông nghiệp vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ |
Huyện Cờ Đỏ |
5.000 |
2 |
Phát triển hạ tầng nông nghiệp vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nông trường Sông Hậu |
Huyện Cờ Đỏ |
6.500 |
Ghi chú: Về quy mô, diện tích đất sử dụng, cơ cấu tổng mức đầu tư của các công trình, dự án trong Danh mục nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ CẦN THƠ THỜI KỲ
2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Đơn vị hành chính |
Tên đô thị |
Hiện trạng |
Đến năm 2030 |
Ghi chú |
1 |
Thành phố Cần Thơ |
Thành phố Cần Thơ |
Đô thị loại I Trung ương |
Đô thị loại I Trung ương |
Thành phố Cần Thơ là đô thị loại I Trung ương với mô hình định hướng như sau: - 05 quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt. - Thị xã Phong Điền. - Các huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. |
2 |
Thị xã Phong Điền |
Thị xã Phong Điền |
|
IV |
Trên cơ sở hiện trạng địa giới hành chính huyện Phong Điền và một phần diện tích tự nhiên của các khu vực lân cận khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, đảm bảo tiêu chuẩn thị xã. |
3 |
Huyện Thới Lai |
Thị trấn Thới Lai |
V |
IV |
|
4 |
Huyện Cờ Đỏ |
Thị trấn Cờ Đỏ |
V |
IV |
|
5 |
Đô thị mới Trung An |
|
V |
Xã Trung An, huyện Cờ Đỏ thực hiện đầu tư và đánh giá phân loại đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại V khi đủ điều kiện. |
|
6 |
Huyện Vĩnh Thạnh |
Thị trấn Vĩnh Thạnh |
V |
IV |
Có dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính lân cận để mở rộng thị trấn đảm bảo đủ tiêu chuẩn. |
7 |
Thị trấn Thạnh An |
V |
IV |
|
Ghi chú:
- Căn cứ nguồn lực đầu tư phát triển, sau khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, thực hiện công tác lập quy hoạch xây dựng để đầu tư phát triển đô thị đảm bảo hướng đến đô thị đạt tiêu chuẩn phân loại đô thị hiện hành. Việc thực hiện đánh giá, nâng loại đô thị theo quy định pháp luật về phân loại đô thị hiện hành đối với hệ thống đơn vị hành chính đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo từng giai đoạn.
- Trong trường hợp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện thực hiện sắp xếp và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tên và phạm vi các đô thị nêu trên sẽ thực hiện theo tên và phạm vi đơn vị hành chính được duyệt.
CHỈ TIÊU PHÂN BỔ VÀ KHOANH VÙNG SỬ DỤNG ĐẤT THÀNH PHỐ
CẦN THƠ THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Chỉ tiêu sử dụng đất |
Mã |
Hiện trạng sử dụng đất năm 2020 (ha) |
Định hướng đến năm 2030 |
||
Diện tích quốc gia phân bổ1 (ha) |
Nhu cầu bổ sung thêm theo đề nghị của thành phố (ha) |
Tổng diện tích (ha) |
||||
|
TỔNG DIỆN TÍCH TỰ NHIÊN |
|
144.040 |
144.040 |
|
144.040 |
I |
LOẠI ĐẤT |
|
|
|
|
|
1 |
Đất nông nghiệp |
NNP |
114.308 |
104.807 |
-20.267 |
84.540 |
|
Trong đó: |
|
|
|
|
|
1.1 |
Đất trồng lúa |
LUA |
78.755 |
74.319 |
-25.928 |
48.391 |
|
Trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước |
LUC |
78.755 |
74.319 |
-25.928 |
48.391 |
1.2 |
Đất trồng cây lâu năm |
CLN |
30.793 |
|
28.000 |
28.000 |
1.3 |
Đất rừng phòng hộ |
RPH |
|
|
|
|
1.4 |
Đất rừng đặc dụng |
RDD |
|
|
|
|
1.5 |
Đất rừng sản xuất |
RSX |
|
|
|
|
2 |
Đất phi nông nghiệp |
PNN |
29.712 |
39.233 |
20.267 |
59.500 |
2.1 |
Đất quốc phòng |
CQP |
845 |
844 |
0 |
844 |
2.2 |
Đất an ninh2 |
CAN |
65 |
76 |
103 |
179 |
2.3 |
Đất khu công nghiệp |
SKK |
475 |
2.350 |
5.123 |
7.473 |
2.4 |
Đất cụm công nghiệp |
SKN |
|
|
300 |
300 |
2.5 |
Đất thương mại, dịch vụ |
TMD |
412 |
|
1.636 |
1.636 |
2.6 |
Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp |
SKC |
659 |
|
1.411 |
1.411 |
2.7 |
Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản |
SKS |
|
|
413 |
413 |
2.8 |
Đất phát triển hạ tầng quốc gia, cấp tỉnh |
DHT |
9.707 |
12.517 |
983 |
13.500 |
- |
Đất giao thông |
DGT |
3.661 |
5.651 |
1.349 |
7.000 |
- |
Đất xây dựng cơ sở văn hóa |
DVH |
55 |
191 |
109 |
300 |
- |
Đất xây dựng cơ sở y tế |
DYT |
88 |
145 |
155 |
300 |
- |
Đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo |
DGD |
571 |
1.299 |
0 |
1.299 |
- |
Đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao |
DTT |
39 |
143 |
157 |
300 |
- |
Đất công trình năng lượng |
DNL |
210 |
244 |
100 |
344 |
- |
Đất công trình bưu chính viễn thông |
DBV |
37 |
57 |
8 |
65 |
2.9 |
Đất xây dựng kho dự trữ quốc gia |
DKG |
8 |
13 |
0 |
13 |
2.10 |
Đất có di tích lịch sử - văn hóa |
DDT |
18 |
41 |
19 |
60 |
2.11 |
Đất danh lam thắng cảnh |
DDL |
|
|
150 |
150 |
2.12 |
Đất bãi thải, xử lý chất thải |
DRA |
60 |
176 |
109 |
285 |
2.13 |
Đất ở tại nông thôn |
ONT |
|
|
3.974 |
3.974 |
2.14 |
Đất ở tại đô thị |
ODT |
|
|
12.523 |
12.523 |
2.15 |
Đất xây dựng trụ sở cơ quan |
TSC |
|
|
350 |
350 |
2.16 |
Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp |
DTS |
|
|
100 |
100 |
2.17 |
Đất xây dựng cơ sở ngoại giao |
DNG |
|
|
0 |
0 |
2.18 |
Đất cơ sở tôn giáo |
TON |
|
|
148 |
148 |
2.19 |
Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng |
NTD |
|
|
354 |
354 |
3 |
Đất chưa sử dụng |
CSD |
20 |
0 |
0 |
0 |
II |
Khu chức năng |
|
|
|
|
|
1 |
Đất khu công nghệ cao |
KCN |
|
|
200 |
200 |
2 |
Đất khu kinh tế |
KKT |
|
|
|
|
3 |
Đất đô thị |
KDT |
59.310 |
59.310 |
29.655 |
88.965 |
4 |
Khu sản xuất nông nghiệp |
KNN |
|
|
78.391 |
78.391 |
5 |
Khu lâm nghiệp |
KLN |
|
|
0 |
|
6 |
Khu du lịch |
KDL |
|
|
720 |
720 |
7 |
Khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học |
KBT |
|
|
0 |
|
8 |
Khu phát triển công nghiệp |
KPC |
|
|
9.311 |
9.311 |
9 |
Khu đô thị |
DTC |
|
|
17.043 |
17.043 |
10 |
Khu thương mại - dịch vụ |
KTM |
|
|
2.776 |
2.776 |
Ghi chú:
- Diện tích khu chức năng không tính vào diện tích tự nhiên; diện tích đất nông nghiệp còn bao gồm đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản và đất nông nghiệp khác; diện tích đất phi nông nghiệp còn lại bao gồm các loại đất như đất sông, ngòi, kênh, rạch; đất có mặt nước chuyên dùng,... Trong quá trình thực hiện Ủy ban nhân dân thành phố chủ động điều chỉnh các chỉ tiêu giữa các địa phương để phù hợp với nhu cầu sử dụng. Tên, quy mô diện tích và phạm vi ranh giới các hạng mục công trình dự án sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và lập dự án đầu tư.
- Đối với các công trình, dự án nằm trong chỉ tiêu sử dụng đất theo từng loại đất nhưng do quy mô diện tích nhỏ chưa được thể hiện cụ thể trong báo cáo thuyết minh tổng hợp và bản đồ phương án sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 thì được thể hiện chi tiết trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.
- Trong quá trình thực hiện quy hoạch, căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, việc điều chỉnh các chỉ tiêu sử dụng đất thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
PHÂN VÙNG MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ THỜI KỲ 2021 -
2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
TT |
Tên vùng |
Ký hiệu |
Tiểu vùng |
Ký hiệu |
Ranh giới |
I |
Vùng bảo vệ nghiêm ngặt |
A |
|
|
|
1 |
Toàn quận Ninh Kiều và các Khu dân cư tập trung ở đô thị bao gồm: nội thành, nội thị của các đô thị đặc biệt, loại I, loại II, loại III của quận Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị. |
|
|
|
|
2 |
Nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước |
|
Nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước |
A6 |
|
3 |
Khu vực bảo vệ I của di tích lịch sử văn hóa |
|
Khu vực bảo vệ của di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. |
A7 |
Toàn bộ diện tích Khu vực bảo vệ của di tích lịch sử văn hóa |
II |
Vùng hạn chế phát thải |
B |
|
|
|
1 |
Khu dân cư tập trung ở đô thị và các trung tâm huyện, xã |
|
Các thị trấn (Thạnh An, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai) và trung tâm hành chính huyện, trung tâm xã ở toàn bộ các huyện được quy hoạch |
B1 |
Các khu vực các thị trấn: Thạnh An, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai và các trung tâm hành chính 04 huyện, trung tâm xã |
2 |
Hành lang bảo vệ nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước |
|
Hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước |
B2 |
|
III |
Vùng khác |
C |
|
|
|
1 |
Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm cảng |
|
Các khu công nghiệp, cảng ven sông Cần Thơ và sông Hậu; và ở các quận, huyện |
C1 |
Toàn bộ diện tích các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm cảng trên địa bàn thành phố Cần Thơ |
2 |
Các vùng còn lại trên địa bàn thành phố không thuộc danh mục liệt kê tại các mục nêu trên. |
|
Các vùng còn lại |
C3 |
Diện tích còn lại |
Ghi chú:
- Vị trí, ranh giới cụ thể của các khu vực thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quyết định theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Vị trí chi tiết đến đơn vị hành chính cấp huyện.
- Các khu vực thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 22, khoản 2 Điều 23 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
DANH SÁCH CÁC KHU BẢO VỆ CẢNH QUAN ĐA DẠNG SINH HỌC
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
TT |
Tên khu bảo tồn |
Phân loại |
Vị trí dự kiến |
1 |
Khu vực đất dọc sông Hậu và sông Cần Thơ |
Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh |
Quận Ô Môn, quận Cái Răng, quận Ninh Kiều, huyện Phong Điền |
2 |
Khu vực Cồn Ấu, Cồn Khương, Cồn Cái Khế (quận Ninh Kiều), Cồn Sơn (quận Bình Thủy) |
Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh |
Quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy |
3 |
Khu vực Cù lao Tân Lộc |
Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh |
Quận Thốt Nốt |
4 |
Vườn Cò Bằng Lăng |
Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh |
Quận Thốt Nốt |
5 |
Khu vực đô thị sinh thái Cờ Đỏ |
Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh |
Huyện Cờ Đỏ |
6 |
Khu du lịch sinh thái tại Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) và các Khu du lịch sinh thái tại quận Cái Răng, Ninh Kiều, Thốt Nốt |
Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh |
Quận Cái Răng, huyện Phong Điền, quận Ninh Kiều, quận Thốt Nốt |
7 |
Toàn bộ khu vực các công viên trên địa bàn thành phố |
Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh |
09 quận, huyện của thành phố |
8 |
Mảng xanh tại khu dân cư đô thị, khu công nghiệp và các hành lang xanh gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, cảnh quan (nếu có) |
Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh |
09 quận, huyện của thành phố |
9 |
Các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học hiện hữu và hình thành tương lai |
Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh |
09 quận, huyện của thành phố |
Ghi chú:
- Các Khu bảo vệ cảnh quan cấp quốc gia thực hiện theo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(1) Phân loại các Khu bảo vệ cảnh quan theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 65/2010/NĐ- CP của Chính phủ, bao gồm: (i) Khu dự trữ thiên nhiên, Khu bảo vệ cảnh quan loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan cấp quốc gia; (ii) Khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh; (iii) Khu bảo vệ cảnh quan loài - sinh cảnh cấp tỉnh; (iv) Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh.
(2) Vị trí chi tiết đến đơn vị hành chính cấp huyện.
DANH MỤC CƠ SỞ HỎA TÁNG, NHÀ TANG LỄ THÀNH PHỐ CẦN THƠ
THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050.
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Đơn vị hành chính |
Nghĩa trang |
Nhà tang lễ |
Phạm vi phục vụ |
Ghi chú |
1 |
Huyện Thới Lai |
Công viên Nghĩa trang |
Loại hình nghĩa trang hỗn hợp gồm đài hỏa táng, khu lưu tro, nhà tang lễ, các công trình tâm linh, có phân khu nhiều khu vực riêng để phục vụ theo tôn giáo, dân tộc |
Phục vụ nhu cầu toàn thành phố |
Xây mới, Quy mô: tối thiểu là 150 ha, tối đa 300 ha |
2 |
Huyện Vĩnh Thạnh |
Công viên Nghĩa trang |
Loại hình nghĩa trang hỗn hợp phù hợp đặc điểm phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo |
|
Xây mới, Quy mô: tối thiểu là 30 ha, tối đa 50 ha |
Ghi chú: Về quy mô, diện tích đất sử dụng, cơ cấu tổng mức đầu tư của các công trình, dự án trong Danh mục nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ. Khoanh vùng, đóng cửa (hoặc không hung táng) tại các nghĩa trang hiện có; duy trì các nghĩa trang hiện trạng đến khi lấp đầy; các nghĩa trang nhỏ, phân tán, không đủ khoảng cách ly, hoặc nằm trong quy hoạch sử dụng đất phải có kế hoạch đóng cửa, trồng cây xanh cách ly, khi có nhu cầu sử dụng đất có thể di chuyển đến nghĩa trang tập trung; chỉnh trang và xây mới các nhà tang lễ theo các phân vùng để phục vụ nhu cầu sử dụng của nhân dân; nghĩa trang nông thôn thực hiện theo quy hoạch xây dựng.
PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ, THĂM DÒ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG
SẢN THÀNH PHỐ CẦN THƠ THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên mỏ |
Địa điểm |
Diện tích (ha) |
Tài nguyên dự báo (m3) |
Ghi chú |
Cát san lấp |
|||||
1 |
Trường Thọ |
Phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt |
40 |
504.000 |
Đang khai thác và hết hạn khai thác vào ngày 20/3/2026 |
2 |
Thới An |
Quận Ô Môn |
49 |
625.000 |
Đang khai thác và hết hạn khai thác vào ngày 31/12/2023 |
3 |
Phước Lộc |
Quận Thốt Nốt |
24 |
784.000 |
Đang thực hiện thủ tục cấp phép |
4 |
Tân Lộc |
Quận Thốt Nốt |
76 |
2.916.000 |
Đang thực hiện thủ tục cấp phép |
5 |
Phú Thứ - Tân Phú |
Phường Phú Thứ, Tân Phú, quận Cái Răng |
33,8 |
480.000 |
Đấu giá CSL.QH10_CR |
6 |
Tân Phú |
Phường Tân Phú, quận Cái Răng |
34,3 |
613.750 |
Đấu giá CSL.QH11_CR |
7 |
Phước Lộc 2 |
Phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt |
21 |
455.000 |
Đấu giá CSL.TN01_TN |
8 |
Trà Nóc |
Phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, phường Phước Thới, quận Ô Môn |
96 |
1.668.000 |
Đấu giá CSL.TN03_OM |
|
Cộng: |
|
8.045.750 |
|
Ghi chú: Trong quá trình thực hiện quy hoạch, đối với các điểm mỏ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố sẽ do Ủy ban nhân dân thành phố căn cứ phương án quy hoạch này và các phương án quy hoạch khác có liên quan, rà soát và tự điều chỉnh số lượng, ranh giới, công suất, lộ trình khai thác, mục tiêu sử dụng (nếu cần) để đảm bảo phù hợp với thực tiễn của địa phương và các quy định hiện hành. Đối với các điểm mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền của bộ, sẽ căn cứ các Quy hoạch do Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập và được cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai, thực hiện.
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH
PHỐ CẦN THƠ THỜI KỲ 2022 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT |
Tên dự án (dự kiến) |
I |
NĂNG LƯỢNG |
1 |
Trung tâm điện lực Ô Môn |
2 |
Đường ống dẫn khí Lô B |
3 |
Nhà máy điện sinh khối |
4 |
Điện rác |
5 |
Điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời mặt đất |
6 |
Sản xuất hydrogen và kho cảng LNG |
II |
THƯƠNG MẠI |
1 |
Khu thương mại dịch vụ du lịch vui chơi giải trí |
2 |
Trung tâm thương mại dịch vụ và Chợ đầu mối nông, thủy sản đồng bằng sông Cửu Long |
3 |
Chợ và Trung tâm thương mại dịch vụ Hưng Thạnh |
4 |
Xây dựng mới hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại |
5 |
Xây dựng trung tâm logistics hạng II gắn với cảng Cái Cui |
6 |
Trung tâm logistics hàng không gắn với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ |
7 |
Trung tâm Hội chợ triển lãm Cần Thơ |
III |
HẠ TẦNG CÔNG NGHIỆP |
1 |
Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh |
2 |
Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 2 |
3 |
Khu công nghiệp Cờ Đỏ - Thới Lai |
4 |
Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long |
5 |
Cụm Công nghiệp Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai. |
6 |
Khu công nghiệp công nghệ cao quận Ô Môn |
IV |
HẠ TẦNG NÔNG NGHIỆP |
1 |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ (theo Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030) |
2 |
Trung tâm phát triển thủy sản Cần Thơ (theo Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 11 tháng 03 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) |
3 |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Trường Xuân |
4 |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Thạnh Tiến |
5 |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Thạnh Lợi |
6 |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Thạnh Quới |
7 |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Đông Thuận |
8 |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Thới Đông |
9 |
Phát triển hạ tầng nông nghiệp vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ |
10 |
Phát triển hạ tầng nông nghiệp vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nông trường Sông Hậu |
11 |
Khu chăn nuôi tập trung xã Thới Hưng |
12 |
Khu chăn nuôi tập trung xã Đông Bình |
V |
HẠ TẦNG CẤP NƯỚC - NGHĨA TRANG - THOÁT NƯỚC |
1 |
Nâng công suất nhà máy cấp nước Thốt Nốt 1 |
2 |
Đầu tư xây dựng mới nhà máy cấp nước Thốt Nốt 2 |
3 |
Nâng công suất nhà máy cấp nước Hưng Phú |
4 |
Công viên nghĩa trang |
5 |
Nhà máy xử lý nước thải Cái Sâu 1, Cái Sâu 2 và hệ thống thu gom |
6 |
Nhà máy xử lý nước thải Long Tuyền và hệ thống thu gom |
7 |
Nhà máy xử lý nước thải Trà Nóc và hệ thống thu gom |
8 |
Nhà máy xử lý nước thải Thốt Nốt và hệ thống thu gom |
VI |
HẠ TẦNG GIAO THÔNG |
A |
Quốc lộ, cao tốc |
1 |
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau |
2 |
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng |
3 |
Quốc lộ 91 (đoạn Km0 - Km7) |
4 |
Tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên (đoạn từ giao với tuyến tránh Thốt Nốt đến ranh giới thành phố Cần Thơ và tỉnh An Giang) |
5 |
Quốc lộ 91B (đoạn từ nút giao IC3 đến ranh tỉnh Hậu Giang) |
6 |
Quốc lộ 61C (đoạn qua địa bàn thành phố Cần Thơ) |
7 |
Quốc lộ 80 (đoạn qua địa bàn thành phố Cần Thơ) |
8 |
Quốc lộ 91B (đoạn từ giao với QL 91 đến giao với đường 3 tháng 2) |
9 |
Đường kết nối quận Ô Môn với huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang |
10 |
Cầu Cần Thơ 2 (bắc qua sông Hậu kết nối đường bộ cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ và đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) |
11 |
Cầu Ô Môn (bắc qua sông Hậu kết nối với đường kết nối quận Ô Môn với huyện Thới Lai và huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) |
B |
Đường tỉnh, đường vành đai, đường trục chính đô thị |
1 |
Đường tỉnh 920 (từ cầu Rạch Chôm đến giao với quốc lộ 91 tại phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt) |
2 |
Đường tỉnh 920D |
3 |
Đường tỉnh 917C (từ giao với đường tỉnh 920 đến giao với quốc lộ 91 và nối dài đến giao với đường tỉnh 923) |
4 |
Đường tỉnh 917B (từ giao với đường tỉnh 917C nối dài đến giao với đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) |
5 |
Đường tỉnh 918B (từ giao với đường Võ Văn Kiệt đến giao với đường tỉnh 923 và nối dài đến điểm cuối tại ranh giới thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang) |
6 |
Đường tỉnh 921E |
7 |
Đường tỉnh 923 (từ thị trấn Phong Điền đến giao với quốc lộ 91) |
8 |
Đường tỉnh 926 |
9 |
Đường tỉnh 932 |
10 |
Đường vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ (nối quốc lộ 91 với quốc lộ 61C) |
11 |
Đường vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ (nối quốc lộ 61C đến đường Võ Nguyên Giáp) |
12 |
Đường vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ (đoạn đi trùng với quốc lộ 91) |
13 |
Đường vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ (nối quốc lộ 91 đến quốc lộ 80) |
14 |
Đường Trần Hoàng Na nối dài (từ đường Nguyễn Văn Cừ đến quốc lộ 91B) |
15 |
Đường Hẻm 91 (từ Long Tuyền đến giao với đường vành đai phía Tây thành phố và nối đến giao với đường tỉnh 923) |
16 |
Nguyễn Văn Cừ nối dài (đoạn Mỹ Khánh - Phong Điền - Tân Thới) |
17 |
Cải tạo mở rộng và xây dựng cầu vượt hoặc hầm chui 05 nút giao trọng điểm trên địa bàn quận Ninh Kiều |
18 |
Cầu hoặc hầm Xóm Chài (bắc qua sông Cần Thơ, kết nối đến khu vực Xóm Chài quận Cái Răng) |
19 |
Cầu hoặc hầm (bắc qua sông Cần Thơ, kết nối từ đường Mậu Thân đến Trung tâm hành chính mới của thành phố tại quận Cái Răng) |
20 |
Cầu qua cù lao Tân Lộc (bắc qua sông Hậu, kết nối từ quốc lộ 91 đến cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt) |
21 |
Cầu Cái Răng đơn nguyên 2 (bắc qua sông Cần Thơ, kết nối đường Phạm Hùng với Đường 3/2) |
22 |
Cầu Hưng Lợi đơn nguyên 2 (bắc qua sông Cần Thơ, kết nối đường Nguyễn Văn Linh với quốc lộ 91B) |
23 |
Cầu Trần Hoàng Na đơn nguyên 2 (bắc qua sông Cần Thơ, kết nối đường Trần Hoàng Na nối dài) |
24 |
Cầu nối từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến Cồn Khương, quận Bình Thủy (bắc qua rạch Khai Luông, kết nối đến khu đô thị mới Cồn Khương) |
25 |
Cầu Ba Láng đơn nguyên 2 (bắc qua sông Cần Thơ, kết nối đường vành đai phía tây và quốc lộ 61C) |
C |
Hàng không |
1 |
Xây dựng nâng cấp kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay và xây dựng các công trình thiết yếu của Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ |
2 |
Xây dựng các sân bay và vùng nước dành cho thủy phi cơ trên sông Hậu tại các khu vực có tiềm năng về du lịch trên địa bàn các quận: Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt |
3 |
Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay |
D |
Đường sắt |
1 |
Đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ đoạn thuộc địa bàn thành phố Cần Thơ |
2 |
Nhà ga Cần Thơ thuộc địa bàn thành phố Cần Thơ |
3 |
Quỹ đất dự kiến phát triển đô thị gắn với nhà ga, đường sắt Cần Thơ |
4 |
Quỹ đất dự kiến phát triển logistics gắn với nhà ga Cần Thơ |
Đ |
Cảng biển |
1 |
Bến cảng khách quốc tế Cần Thơ (tại khu vực Bến phà Cần Thơ cũ) |
2 |
Bến cảng và trung tâm logistic tại bến cảng Thốt Nốt |
E |
Cảng thủy nội địa |
1 |
Cảng thủy nội địa hành khách (tại vị trí cuối đường Mai Chí Thọ, khu đô thị 586, quận Cái Răng) |
2 |
Cụm cảng, bến của các tuyến buýt đường thủy trên sông Hậu, sông Cần Thơ và một số tuyến khác |
G |
Đường thủy nội địa |
1 |
Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia (cầu Ô Môn, cầu Thới Lai bắc qua sông Ô Môn; Cầu Đông Thuận, cầu Đông Bình bắc qua kênh Thị Đội Ô Môn) |
2 |
Các tuyến sông, kênh lớn trọng điểm do trung ương và địa phương quản lý |
H |
Bến xe khách |
1 |
Bến xe khách Cờ Đỏ |
2 |
Bến xe khách phía Tây thành phố Cần Thơ |
I |
Bãi đỗ xe công cộng |
|
Các bãi đỗ xe công cộng trên mặt đất, ngầm hoặc nhiều tầng |
K |
Bãi đỗ xe buýt, xe hàng |
1 |
Các bến, bãi đỗ xe buýt kết hợp điểm đầu - cuối xe buýt |
2 |
Các bến, bãi đỗ xe hàng |
L |
Giao thông thông minh |
1 |
Trung tâm quản lý giao thông đô thị |
2 |
Hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh |
M |
Tuyến thủy phi cơ |
|
Các tuyến thủy phi cơ gắn với các sân bay và vùng nước trên sông Hậu tại các khu vực có tiềm năng về du lịch trên địa bàn các quận: Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt |
N |
Tuyến buýt đường thủy |
|
Các tuyến buýt đường thủy gắn với các cảng, bến, điểm dừng đón trả khách trên sông Hậu, sông Cần Thơ và một số tuyến khác |
VII |
PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ |
1 |
Khu Đô thị mới, thương mại, dịch vụ, thể thao và vui chơi giải trí (trong đó có sân golf) (2 khu) |
2 |
Khu đô thị mới - thương mại dịch vụ |
3 |
Thương mại - dịch vụ nhà ở xã hội |
4 |
Khu đô thị mới - dịch vụ hỗn hợp |
5 |
Khu đô thị mới - dịch vụ logistics |
6 |
Khu đô thị mới 2 bên đường Võ Văn Kiệt (khu 1), quận Bình Thủy |
7 |
Khu đô thị mới 2 bên đường Võ Văn Kiệt (khu 2), quận Bình Thủy |
8 |
Khu đô thị mới 2 bên đường Võ Văn Kiệt (khu 3), quận Bình Thủy |
9 |
Khu đô thị mới số 1 |
10 |
Khu đô thị mới số 7 |
11 |
Khu đô thị mới - Khu 3 |
12 |
Khu đô thị mới số 6 |
13 |
Khu đô thị mới số 8 |
14 |
Khu đô thị mới phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn |
15 |
Khu đô thị mới phía Nam quốc lộ 91 (đoạn từ rạch Ông Tành đến rạch Tắc Ông Thục), phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn |
16 |
Khu đô thị mới phường Phú Thứ, quận Cái Răng |
17 |
Khu đô thị mới, cảng, logistic Thốt Nốt |
18 |
Khu đô thị mới Thốt Nốt |
19 |
Khu đô thị mới Trường Lạc |
20 |
Các khu đô thị mới hai bên trục đại lộ Đông Tây, thành phố Cần Thơ trở thành trục động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố |
21 |
Khu đô thị mới và Khu công nghệ thông tin tập trung |
22 |
Khu đô thị mới phường Phước Thới, quận Ô Môn |
23 |
Khu đô thị mới xã Đông Thuận, huyện Thới Lai |
VIII |
KHU ĐÔ THỊ - TÁI ĐỊNH CƯ |
1 |
Khu Tái định cư số 01 |
2 |
Khu Tái định cư số 02 |
3 |
Khu Đô thị - Tái định cư số 03 |
4 |
Khu Đô thị - Tái định cư số 04 |
5 |
Khu Tái định cư số 05 |
6 |
Khu Tái định cư số 06 |
7 |
Khu Tái định cư số 07 |
8 |
Khu Tái định cư số 08 |
9 |
Khu Tái định cư số 09 |
10 |
Khu Đô thị - Tái định cư số 10 |
11 |
Khu Đô thị - Tái định cư số 11 |
12 |
Khu Đô thị - Tái định cư số 12 |
13 |
Khu Đô thị - Tái định cư số 13 |
14 |
Khu Đô thị - Tái định cư số 14 |
15 |
Khu Đô thị - Tái định cư số 15 |
16 |
Khu Đô thị - Tái định cư số 16 |
IX |
KHU HÀNH CHÍNH TẬP TRUNG |
|
Khu hành chính thành phố Cần Thơ |
X |
LĨNH VỰC VĂN HÓA THỂ THAO |
1 |
Nhà hát thành phố |
2 |
Bảo tàng văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long |
3 |
Hồ bơi trung tâm thành phố Cần Thơ |
4 |
Bến tàu du lịch tổng hợp |
Ghi chú:
- Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cam kết không hợp thức hóa các sai phạm và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương và các quyết định đầu tư dự án tại Phụ lục này.
- Về quy mô, diện tích đất sử dụng, cơ cấu tổng mức đầu tư của các công trình, dự án trong Danh mục nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.
- Các dự án, công trình khác ngoài danh mục trên căn cứ vào các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kĩ thuật chuyên ngành của địa phương,... và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
DANH MỤC SƠ ĐỒ, BẢN ĐỒ QUY HOẠCH THÀNH PHỐ CẦN THƠ THỜI
KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ)
TT |
Tên sơ đồ, bản đồ |
Tỷ lệ |
1 |
Sơ đồ vị trí và các mối quan hệ của thành phố Cần Thơ |
1:250.000 |
|
Các bản đồ về hiện trạng phát triển |
|
2 |
Bản đồ hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội |
1:50.000 |
3 |
Bản đồ hiện trạng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn |
1:50.000 |
4 |
Bản đồ hiện trạng sử dụng đất |
1:50.000 |
5 |
Bản đồ hiện trạng phát triển kết cấu hạ tầng xã hội (mạng lưới cơ sở y tế; văn hóa thể thao; giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp) |
1:50.000 |
6 |
Bản đồ hiện trạng phát triển kết cấu hạ tầng xã hội (du lịch, thương mại - dịch vụ, khoa học công nghệ công lập, an sinh xã hội) |
1:50.000 |
7 |
Bản đồ hiện trạng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật (giao thông vận tải; cấp nước sạch; thoát nước mưa; thủy lợi) |
1:50.000 |
8 |
Bản đồ hiện trạng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật (cấp điện và năng lượng; thông tin truyền thông và hạ tầng viễn thông thụ động) |
1:50.000 |
9 |
Bản đồ hiện trạng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật (thoát nước thải; xử lý chất thải rắn và nghĩa trang) |
1:50.000 |
10 |
Bản đồ hiện trạng thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên |
1:50.000 |
11 |
Bản đồ hiện trạng môi trường, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu |
1:50.000 |
12 |
Bản đồ hiện trạng phát triển khu, cụm công nghiệp |
1:50.000 |
13 |
Bản đồ hiện trạng phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản |
1:50.000 |
14 |
Sơ đồ đánh giá tổng hợp đất đai theo các mục đích sử dụng |
1:50.000 |
15 |
Sơ đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn |
1:50.000 |
16 |
Sơ đồ phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng |
1:50.000 |
|
Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội |
|
17 |
Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội (mạng lưới cơ sở y tế; văn hóa và thể thao; giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp) |
1:50.000 |
18 |
Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội (du lịch, thương mại - dịch vụ; khoa học công nghệ; an sinh xã hội) |
1:50.000 |
|
Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật |
|
19 |
Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật (giao thông vận tải, cấp nước sạch; thoát nước mưa, thủy lợi) |
1:50.000 |
20 |
Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật (cấp điện và năng lượng; thông tin truyền thông và hạ tầng viễn thông thụ động) |
1:50.000 |
21 |
Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật (thoát nước thải; xử lý chất thải rắn và nghĩa trang) |
1:50.000 |
22 |
Sơ đồ phương án phân bổ và khoanh vùng các chỉ tiêu sử dụng đất |
1:50.000 |
23 |
Sơ đồ phương án thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên |
1:50.000 |
24 |
Sơ đồ phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu |
1:50.000 |
25 |
Sơ đồ phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện |
1:50.000 |
26 |
Sơ đồ vị trí các dự án dự kiến ưu tiên đầu tư trong thời kỳ quy hoạch |
1:50.000 |
|
Sơ đồ chuyên đề |
|
27 |
Sơ đồ phương án phát triển khu, cụm công nghiệp |
1:50.000 |
28 |
Sơ đồ phương án phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản |
1:50.000 |
1 Theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.
2 Theo Quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
THE PRIME MINISTER OF VIETNAM |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 1519/QD-TTg |
Hanoi, December 02, 2023 |
APPROVAL FOR CAN THO CITY PLANNING IN THE 2021-2030 PERIOD, WITH A VISION TOWARDS 2050
THE PRIME MINISTER
Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015; the Law on amendments to some Articles of Law on Government Organization and Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;
Pursuant to the Law on Planning dated November 24, 2017; the Law on amendments to some Articles concerning planning of 11 laws dated June 15, 2018; the Law on amendments to some Articles concerning planning of 37 laws dated November 20, 2018;
Pursuant to the Government’s Decree No. 37/2019/ND-CP dated May 07, 2019 on elaboration of some Articles of the Law on Planning; the Government’s Decree No. 58/2023/ND-CP dated August 12, 2023 on amendments to some Articles of the Government’s Decree No. 37/2019/ND-CP dated May 07, 2019 on elaboration of some Articles of the Law on Planning;
Pursuant to the Government’s Resolution No. 11-NQ/CP dated February 05, 2018 on implementation of the Law on Planning;
Pursuant to the Government’s Resolution No. 119/NQ-CP dated September 27, 2021 on tasks and measures for improvement of quality and acceleration in formulation of plannings in the 2021-2030 period;
...
...
...
Pursuant to Resolution No. 108/NQ-CP dated August 26, 2022 of the Government on implementation of the Resolution No. 61/2022/QH15 dated June 16, 2022 of the National Assembly on continuation in enhancement of efficiency and effectiveness of implementation of policies and laws on planning and some measures for removal of difficulties and obstacles, and acceleration in formulation and improvement of quality of planning for the period of 2021-2030;
Pursuant to Resolution No. 13-NQ/TW dated April 02, 2022 of the 13th Politburo on orientation to socio-economic development and assurance about national defense and security in the Mekong Delta;
Pursuant to the Government’s Resolution No. 78-NQ/TW dated June 18, 2022 on promulgation of the Government’s action program for implementation of the Resolution No. 13-NQ/TW dated April 02, 2022 of the 13th Politburo on orientation to socio-economic development and assurance about national defense and security in the Mekong Delta in the 2021-2030 period, with a vision towards 2050;
Pursuant to Resolution No. 59-NQ/TW dated August 05, 2020 of the Politburo on construction and development of Can Tho city by 2030, with a vision towards 2045;
Pursuant to Resolution No. 81/2023/QH15 dated January 09, 2023 of the National Assembly on national master plan for the 2021 – 2030 period with a vision towards 2050;
Pursuant to Decision No. 287/QD-TTg dated February 28, 2022 of the Prime Minister on approval for the planning for Mekong Delta for the period of 2021-2030, with a vision towards 2050;
Pursuant to Decision No. 1056/QD-TTg dated July 20, 2020 of the Prime Minister on approval for Can Tho city planning in the period of 2021-2030, with a vision towards 2050;
At the request of the People's Committee of Can Tho city at the Report No. 241/TTr-UBND dated November 13, 2023; Official Dispatch No. 4870/UBND-TH dated November 15, 2023 on approval for Can Tho city planning in the period of 2021-2030, with a vision towards 2050; Appraisal Report No. 1645/BC- HDTD dated March 09, 2023 and results of review of Can Tho city planning dossiers in Document No. 5188/CV-HDTD dated July 04, 2023 of the provincial planning appraisal council.
HEREBY DECIDES:
...
...
...
I. SCOPE AND BOUNDARIES OF PLANNING
The scope and boundaries of Can Tho city planning include the entire Can Tho city with total natural area of 1.440,40 km2 and 09 district-level administrative units (consisting of 05 urban districts: Ninh Kieu, Cai Rang, Binh Thuy, O Mon and Thot Not, and 04 rural districts: Phong Dien, Thoi Lai, Co Do and Vinh Thanh):
- The North borders An Giang province;
- The South borders Hau Giang province;
- The East borders Dong Thap province;
- The West borders Kien Giang province.
Can Tho city has geographical coordinates from 105°13’38’’ to 105°50’35’’ east longitude and from 9°55’08’’ to 10°19’38’’ north latitude.
II. DEVELOPMENT VIEWPOINTS AND OBJECTIVES, KEY TAKS AND BREAKTHROUGH IN DEVELOPMENT
1. Development viewpoints
...
...
...
b) Developing a synchronous and modern infrastructure to meet demands for socio-economic development in each planning period; focusing on provision of investment resources for works and projects that have large spillover effects to create the driving force for development of Can Tho city. Utilizing internal and external resources to the maximum, especially regional links and infrastructure connections in the Mekong Delta; focusing on market factors and cooperation among economic sectors; bringing modern technology into focus; carrying out economic restructuring in the direction of reduction in the proportion of agriculture and increase in the proportion of industry, and trade and services.
c) Developing 03 fields, including economy, social culture and environment, in a quick, sustainable, inclusive, balanced and comprehensive manner. Humans shall be the center, subjects, objectives and motivating force for development in association with training and improvement of the quality of human resources; promoting innovation and creation, implementing digital transformation and developing green economy, circular economy and digital economy; protecting the environment, preventing and controlling natural disasters and adapting to climate change. Distributing, exploiting and using natural resources and landscapes that are typical in a reasonable and effective manner.
d) Closely connecting socio-economic development with assurance about national defense and security; maintaining political stability and social order and safety; focusing on improvement of material and spiritual life of the people, thereby ensuring commonly social welfare; preserving and promoting cultural values, historical relics, and cultural heritage; expanding and improving the effectiveness of foreign affairs and international integration; building an orderly, disciplined, secure, safe and civilized society.
2. Development objectives by 2030:
a) General objectives
Can Tho city is the growth pole of the Mekong Delta; is an ecological, civilized and modern city imbued with the cultural identity of the Tay Do region; is an urban center and a center for commercial services, tourism, logistics, processing industry, high-tech agriculture, education and training, advanced healthcare, science and technology, culture and sports of the Mekong Delta; and has a synchronous infrastructure that adapts to climate change, thereby meeting requirements of intra-regional, inter-regional and international transport connectivity.
b) Specific objectives and quotas
- Regarding economy:
+ The average growth rate of gross regional domestic product (GRDP) will range from 7,5% to 8%; GRDP per capital (current price) will reach VND 220 million.
...
...
...
+ The average growth rate of labor productivity will be 11-15% per year.
+ Strongly develop digital infrastructure and data infrastructure in order to facilitate national digital transformation platform and develop digital government, digital economy, and digital society; the proportion of digital economy will reach about 30% of GRDP.
- Regarding society:
+ The average population growth rate will be about 0,67%/year.
+ The average life expectancy is expected to be about 75 years, including at least 68 years of healthy life. The percentage of agricultural workers in the society is expected to reduce to less than 20%.
+ The percentage of trained workers will be over 85%, of which the percentage of workers with degrees and certificates will reach over 40%.
+ The percentage of schools meeting national standards will be over 90% (for preschools), over 95% (for primary schools), over 95% (for lower secondary schools), and over 85% (for upper secondary schools).
+ The number of beds and doctors will be at least 55 and 20 per 10,000 people, respectively; the rate of private hospital beds will reach at least 15%.
+ All communes will meet advanced new rural standards and over 50% of those will meet model new rural standards.
...
...
...
- Regarding natural resources and environment:
+ The rate of urban domestic solid waste collected and treated will reach 100%, rural domestic solid waste collected and treated will reach 80%, ordinary industrial solid waste, hazardous waste, and infectious hazardous waste collected and treated will reach 100%.
+ The rate of industrial parks and clusters that are operating with centralized wastewater treatment systems meeting standards for discharge of waste into the environment will stand at 100%; all production and business establishments will meet environmental standards; 100% wastewater collected and treated will meet standards equivalent to those applicable to the quality of wastewater discharged into receiving sources for domestic purposes.
- Regarding infrastructure development: The urbanization rate will be about 80%; all category-IV urban areas and higher category will meet urban classification criteria applicable to urban infrastructure, especially infrastructure in terms of health, education and training and urban-level cultural works.
- Regarding national defense and security: Tasks of national defense, security and social order and safety shall be effectively performed.
3. Vision towards 2050
Can Tho city will be an ecological, civilized and modern city imbued with the identity of the river-based culture in the Mekong Delta; belong to the group of well-developed cities in Asia, and become a livable smart city in Vietnam.
4. Key tasks and breakthrough in development
a) Strongly change and develop leadership, management and administrative thinking of governments at all levels and the economic thinking of enterprises and people associated with digital transformation according to 03 main pillars (digital economy, digital society and digital government).
...
...
...
c) Attract and develop human resources, especially high-quality human resources and those in key fields; strengthen connection with domestic and international training institutions and research institutions to achieve development objectives.
d) Restructure urban space, especially in central districts in order to increase the efficiency in land use; create land fund to develop key regions in terms of health, education, training, culture, sports, tourism, trade and services.
III. ORIENTATION TO DEVELOPMENT OF KEY SECTORS; PLAN TO ORGANIZE SOCIO-ECONOMIC ACTIVITIES.
1. Orientation to development of key sectors
a) Industry
- Develop chemical industry, mechanical manufacturing industry, and energy industry, pharmaceutical industry, and electronics industry, agricultural and aquatic product processing industry, food industry and supporting industries that are fundamental, modern, sustainable and consistent with local conditions, nature and advantages.
- Accelerate the completion of Vinh Thanh and Thoi Lai - Co Do industrial parks; Thot Not urban area - industrial park - port - logistics center; O Mon Energy, Industry and High Technology Center; promote linkage and integration of the urban economic - industrial corridor from Can Tho to Long An. Orientate development of new gas pipeline system to serve industrial parks in the city.
- Gradually relocate industry and handicraft establishments along Hau River to create land fund for development of urban areas and high-quality services; relocate industry and handicraft establishments that are at risk of causing pollution into industrial parks and clusters.
b) Trade and services
...
...
...
- Promote the development of high quality service industries and products and services that satisfy requirements of domestic and international markets. Give priority to development of services, including logistics, tourism, healthcare, education, finance and banking, science and technology, information technology, transportation, entertainment, shopping, culture and sports.
- Connect with international establishments and enterprises in training specialized resources so as to fulfill the objective of developing Can Tho city into a trade and service center of the Mekong Delta.
c) Agriculture and fishery
- Develop the agriculture and fishery sector in a sustainable, safe and prosperous manner on the basis of multi-sectoral integration with coordination in regional connection and industry linkages.
- Take advantages of and improve effectiveness of resources, focus on development of regions for specialized farming agriculture and fishery production that meet standards according to each market group. Develop agricultural value chains associated with various types of agricultural tourism. Promote hi-tech agriculture production, smart agriculture and circular agriculture in such a way to be environmentally friendly and adapt to climate change.
- Establish high-tech agricultural zones in rural districts of Vinh Thanh, Co Do and Thoi Lai. Make effective development of and attract strategic enterprises to invest in the Center for connection in production, processing and consumption of agricultural products in the Mekong Delta.
- Develop urban agriculture for contribution to construction of an ecological environment and landscape, provision of green food, and establishment of sustainable urban areas. Maximize the advantages of the One Commune One Product (OCOP) program. The agricultural development shall be associated with the new rural construction program to connect resources and comprehensively develop all aspects of agricultural production and rural life.
d) National defense and security
Strengthen national defense and security potential, and maintain political stability and social order and safety. Build the City's armed forces that have combined strength and high combat readiness, and handle situations in a proactively, promptly and effectively. Continue to build and strengthen the all-people national defense and people's security posture, and solid defense areas.
...
...
...
a) 05 economic motivation axes
- 02 horizontal axes: (1) development route alongside Chau Doc - Can Tho - Soc Trang expressway with additional development of industry in the Eastern region and eco-tourism and urban centers in the Western region; (2) existing economic corridor in the West of Hau River, including National Highway 91, Western Ring Road, Provincial Road 920D with main development of trade, services, ecological urban centers and industrial urban centers.
- 03 vertical axes: (1) alongside the Lo Te - Rach Soi expressway; (2) O Mon - Giong Rieng inter-regional road; (3) National Highway 1A and Can Tho - Ca Mau Expressway. To be specific, in Lo Te - Rach Soi and O Mon - Giong Rieng routes, it is oriented to develop industry, thereby making regional connection in industrial corridor; in roads along National Highway 1A, it is oriented to connect main urban corridors of the Mekong Delta.
b) 03 development regions
- First region: Cai Rang urban district, Ninh Kieu urban district, Binh Thuy urban district, Phong Dien rural district (orientation to development of this rural district into a district-level town) and a part of O Mon urban district, Thoi Lai rural district. This is a developed urban area with high density. Enhance connection among aerodromes, railways, waterways and roads to develop Can Tho city into a development motivation center of the Mekong Delta.
- Second region: the rest of O Mon urban district, Thot Not urban district and a part of rural districts: Thoi Lai, Co Do, Vinh Thanh. This region is the driving force for economic development in the North with urban functions, high-class ecological urban areas, industrial urban areas, ports, and trade, service and logistics centers.
- Third region: a part of rural districts such as Thoi Lai, Co Do, Vinh Thanh. This is the Western region of Chau Doc - Can Tho - Soc Trang expressway with new forms of livelihood, including conversion from rice to crops and livestock and combination of solar energy, environmental technology, and river and farm eco-tourism.
c) Plan to arrange commune-level and district-level administrative units
Review and arrange commune-level and district-level administrative units in the 2021-2030 period according to the Resolution No. 37-NQ/TW dated December 24, 2018, Conclusion No. 48-KL/TW dated January 30, 2023 of the Politburo and Resolution No. 595/NQ-UBTVQH15 dated September 12, 2022 of the Standing Committee of the National Assembly on continuation in implementation of guidelines for arrangement of commune-level and district-level administrative units in the 2021-2030 period.
...
...
...
IV. PLANS FOR URBAN SYSTEM PLANNING AND SPATIAL ORGANIZATION OF RURAL AREAS
1. Urban system development plan
a) Organizing implementation of the planning for construction and investment in urban development according to results of arrangement of commune-level and district-level administrative units within Can Tho city with the competent authority’s approval.
(Details are provided in the attached Appendix XVIII).
b) Regarding scale and structure of urban system
- Can Tho city is a central-affiliated category-I city with synchronous infrastructure and has been gradually improved to meet the criteria under applicable standards and regulations. - The urban development model is oriented as follows:
+ Urban functions are mainly performed in administrative units of 05 urban districts, including Ninh Kieu, Binh Thuy, Cai Rang, O Mon, and Thot Not that have high population density. Phong Dien rural district will be developed into a district-level town that is a characteristically ecological urban area. Resources are prioritized to serve zoning planning and development of new urban areas along main routes of the city; new urban areas and high quality services will be developed and provided along Hau River after manufacturing facilities that cause environmental pollution and apply outdated technology are relocated.
+ Urban administrative units of districts are established under the project on arrangement of administrative units and the system of urban administrative units of wards and district-level towns affiliated to districts (in Thoi Lai, Co Do, Vinh Thanh); the agricultural land is converted into a non-agricultural land, means of non-agricultural livelihood are provided for people and the characteristically ecological urban structure is developed. To be specific:
. By 2030, in district-level towns affiliated to districts, it is expected to make investment in technical and social infrastructure, meeting standards applicable to category-IV urban areas.
...
...
...
c) Regarding characteristics of urban areas
- Can Tho city is a central city of the Mekong Delta, with focuses on 03 main strategies, (1) inter-regional infrastructure nodes and connections in terms of railways, airways, waterways and expressways; (2) layouts of concentrated zones with dedicated functions which provide services for the entire Mekong Delta; (3) Can Tho city development towards a leading city with urban development models that are typical of the Mekong Delta.
- Can Tho city will become the most advanced river-based ecological tourism city along Hau River, which is the front face of the city, and urban districts/rural districts along tributaries with their own identities.
- Can Tho city is built and developed into a modern, green and eco-friendly city. Multi-modal infrastructure along the East-West economic corridor and the elevated railway are constructed and developed to serve landscape and tourism along Hau River; the urban development is associated with that of railway stations and aerodromes.
- Can Tho city is expected to become a smart city. To be specific: The digital urban development is associated with the digital economic development and digital technical integration to improve the efficiency of hard infrastructure, especially transportation infrastructure.
2. Rural area development plan
a) Organizing arrangement of commune-level and district-level administrative units under decisions of competent authorities.
b) Developing rural settlements towards rural modernization in association with re-organization of economic model and industry structure. Developing new rural model according to national criteria applicable to advanced and model new rural areas.
c) Creating development spaces in rural residential areas according to 04 main models, including (1) residence in rice zones; (2) residence in rural and river areas; (3) modern farms; (4) central farms and garden spaces.
...
...
...
a) Organizing arrangement of district-level administrative units under decisions of competent authorities.
b) Effectively performing main functions of developed districts, including Vinh Thanh, Thoi Lai and Co Do according to their advantages and actual conditions. The remaining functions will be concretized in technical planning, specialized planning, construction planning and urban planning, etc. in conformity with the actual situation and land fund of each urban district and rural district.
V. PLAN TO DEVELOP FUNCTIONAL ZONES
1. Industrial parks
By 2030, establish 14 industrial parks in urban and rural districts, including Cai Rang, Binh Thuy, O Mon, Thot Not, Thoi Lai, Co Do and Vinh Thanh with an area of 7.473 ha.
(Details are provided in the attached Appendix XV)
2. Supporting industry clusters
Continue to conduct study of and call for investment in supporting industry clusters in urban and rural districts, including Binh Thuy, Thoi Lai, Co Do and Vinh Thanh with an area of about 300 ha.
(Details are provided in the attached Appendix XVI).
...
...
...
It is expected to expand and develop new tourism areas in urban and rural districts of Can Tho city with a focus on investment in effective operation of services in terms of culture, sports and entertainment in order to promote tourism products that have high quality, brands and competitiveness in domestic and international markets with total area of about 720 ha.
(Details are provided in the attached Appendix XI)
4. Historical and cultural relics and scenic spots
- Gather resources to invest in “Preservation and promotion of the value of historical and cultural relics, intangible cultural heritage, craft villages, and scenic spots” within Can Tho city in association with tourism development. Strongly promote and effectively operate historical and cultural relics and works that have been invested in association with education about tradition and cultural identity and tourism development.
- By 2030, the area of land for construction of historical and cultural relics and scenic spots will be about 210 ha.
5. Concentrated agricultural production areas
- Arrange development spaces in agricultural production areas in association with transport and irrigation infrastructure so as to increase efficiency in consolidation development and strengthen connection between production, circulation and sale of products.
- Establish centers for connection, production, processing and sale of agricultural products in the Mekong Delta with an area of about 250 ha in Binh Thuy urban district and Co Do rural district.
(Details are provided in the attached Appendix XVII).
...
...
...
It is expected to upgrade and develop network infrastructure of sports facilities in urban and rural districts of Can Tho city, thereby meeting demands and improving the quality of people’s life, with a total area of about 300 ha.
(Details are provided in the attached Appendix XI)
VI. PLAN TO DEVELOP TECHNICAL INFRASTRUCTURE
1. Plan to develop transport network
Develop transport network in conformity with planning and plan for development of the national transport sector in a synchronous and modern manner in order to facilitate integration and connection in promotion of regional linkage, thereby ensuring traffic safety and convenience, and environmental friendliness and adapting to climate change.
a) National transport infrastructure
Develop expressways, national highways, inland waterways, airports, seaports, and railways according to national specialized plannings approved by competent authorities.
b) Provincial transport infrastructure
- Regarding roads:
...
...
...
+ Build a new inter-provincial route (Sa Dec (Dong Thap) - O Mon (Can Tho) - Giong Rieng (Kien Giang)) and O Mon bridge across Hau River; upgrade and expand National Highway 91, (road section Km0 - Km7) in Ninh Kieu and Binh Thuy urban districts; upgrade and expand National Highway 61C (road section within Can Tho city).
+ Upgrade, expand and build new provincial roads; develop some important district roads into provincial roads; construct ring roads and urban roads and establish urban transport infrastructure in a complete and reasonable manner. The land is reserved for construction of urban road transport infrastructure (up to the regional axis) accounts for about 18% - 25% of the total construction land. Build a smart transport system to serve organization, management and operation of urban transport.
+ Build bus stations to serve inter-provincial passenger transport; construct stations and parking lots in combination with other land use functions in urban areas, residential areas, industrial parks, etc. within the city.
+ Give priority to construction and development of infrastructure and facilities for the mass public passenger transport system so that the public passenger transport rate will reach about 30% - 35%.
- Regarding waterways:
+ Upgrade and renovate important and major inland waterway routes of the city; dredge, maintain and expand the remaining inland waterway routes to fulfill roles of water transport in urban and rural districts.
+ Build large and key inland cargo ports on Hau River, Xa No canal, Cai San canal, O Mon river, Thi Doi - O Mon canal; construct large and key inland passenger ports on Hau River, Can Tho River and some other routes. Establish waterway bus routes associated with ports and wharves on Hau River, Can Tho River and some other routes.
- Regarding railways:
+ Construct urban railways and railway station systems with basic routes alongside Ring Roads in the West, National Highway 91, National Highway 91B, National Highway in the South of Hau River, etc.; develop ground tram routes in urban routes when certain conditions are met.
...
...
...
- Regarding airports:
+ Build a specialized aviation logistics center in association with Can Tho International Airport; and aircraft maintenance and repair centers.
+ Develop aerodromes and water areas for seaplanes on Hau River in areas that have tourism potential in urban districts, including Cai Rang, Ninh Kieu, Binh Thuy, O Mon and Thot Not.
- Regarding seaports: Construct logistics centers associated with Can Tho seaport; build dry ports at Thot Not - Vinh Thanh industrial park, Co Do - Thoi Lai industrial park and other industrial parks in the city, thereby making connection with expressways, national highways and Can Tho seaport.
(Details are provided in the attached Appendices I, II, III, IV, V and XXIV).
2. Plan to develop electricity supply network
Develop electricity supply network in conformity with viewpoints, objectives, orientations and plans for development of electricity sources, electricity grids, criteria and arguments according to the National Power Development Plan for the 2021 – 2030 period, with a vision towards 2050 (Power Plan VIII) approved by the Prime Minister and relevant decisions and regulations of competent authorities.
(Details are provided in the attached Appendix VI).
3. Plan to develop communications and information network
...
...
...
Make a roadmap for digitization of other essential infrastructure to serve smart cities, digital government, digital economy and digital society; develop key press and media agencies towards convergence, multimedia, and multiplatform in conformity with development.
(Details are provided in the attached Appendix VII).
4. Plan to develop irrigation, water supply and drainage networks
a) Plan to develop irrigation network
Build a multi-purpose irrigation system in conformity with zoning plan, natural disaster prevention and control and irrigation planning, regional planning and relevant irrigation planning. Consolidate the irrigation system, thereby controlling flood and preventing drought and saltwater intrusion; and flexibly operate this system to stabilize production, prevent and control natural disasters. There are 07 irrigation regions, including region I (the North of Cai San), region II (Cai San - Thot Not), region III (Thot Not - O Mon), region IV (O Mon - Xa No), region V (Binh Thuy - Ninh Kieu), region VI (the South of Cai Rang), region VII – eyots (Tan Loc, Son Islet).
(Details are provided in the attached Appendix VIII).
b) Plan to develop water supply network
Build and develop water supply network of the city, meeting demands for water supply for domestic use, services, industrial production and other services according to standards. It is expected to construct reservoirs in urban and rural districts to ensure water storage, distribution and drainage.
(Details are provided in the attached Appendix IX).
...
...
...
- Construct pits for wastewater separation and sluices for wastewater collection at outlets to Hau River, Can Tho River, and canals in the basin; renovate and supplement wastewater sluices; build collection sluices and booster pumping stations to transfer domestic wastewater to wastewater treatment plants. The production wastewater of an industrial park is collected by a completely separate system and treated in a centralized manner in the industrial park to meet standards before it is discharged into the environment.
- Build a synchronous anti-flooding and drainage system in conformity with natural conditions and each drainage basin. Use the system of rivers and canals to the maximum to drain rainwater, apply sustainable water drainage models, increase natural infiltration, and take advantage of public works to temporarily store water.
5. Plan to develop waste treatment areas and cemeteries
a) Waste treatment areas
Do not make planning for hazardous waste treatment areas in Can Tho city according to Decision No. 287/QD-TTg dated February 28, 2022 of the Prime Minister on approval for the Mekong Delta planning for the 2021 - 2030 period, with a vision towards 2050.
a) Domestic solid waste
- Make additional investment in new domestic solid waste treatment plants in Thoi Lai rural district with modern and eco-friendly technology.
- Invest in construction of transfer stations and aggregation points according to regulations and in accordance with local conditions of urban and rural districts and district-level towns.
- Thoroughly treat domestic solid waste landfills that no longer operate in hygienic manner and close these landfills according to regulations.
...
...
...
(Details are provided in the attached Appendix X)
6. Plan to develop fire safety and rescue
a) Make planning, arrange land, and construct head offices in order to provide enough area for working, living and training. Adequately equip fire safety forces with facilities, devices and equipment in the fire safety sector, with priority given to grassroots fire safety forces of 09 urban and rural districts and district-level towns, 04 fire safety teams in regions and 01 Rescue and Fire Safety Training Center.
b) Build a synchronous technical infrastructure (system of roads and water collectors, system for supplying water to firefighting, communications system and other relevant systems) in accordance with regulations, standards and norms in order for fire safety and rescue forces implement the plan.
VII. PLAN TO DEVELOP SOCIAL INFRASTRUCTURE
1. Plan to develop healthcare establishment network
a) Invest in addition and ugradation of facilities and equipment and development of human resources in health facilities in the city in the direction of increase in capacity of the health system, improvement of the quality of services and in-depth development of health majors. Develop health clusters into health centers of the Mekong Delta. Establish a 115 emergency operation center, a satellite emergency network, Tropical Disease Treatment Center, Hematopoietic Stem-Cell Transplantation Center, and develop Can Tho Stadium into a city-level service, health and sports complex; upgrade Centers for Disease Control and Prevention (CDC) in Can Tho city.
Attract private sector investment and create a private health system with high quality to serve domestic and foreign people’s demands for medical examination and treatment.
b) Develop a high quality health service supply network in association with residential clusters in order to facilitate protection, care and improvement of every person's health
...
...
...
2. Plan to develop education and training facility network
a) Call on private sector involvement in education in schools with various levels of education, and focus on development and expansion of international schools so that these schools meet high quality standards, satisfying learning demands of all people, including foreigners residing in Can Tho city.
b) Develop scale and network of preschools, primary schools, lower secondary schools and upper secondary schools, meeting criteria for education development of each educational level and satisfying learning demands of students in urban and rural districts.
c) With regard to vocational education – continuing education: enhance and improve the quality of colleges, professional intermediate schools and vocational schools. Develop and consolidate continuing education centers with vocational centers in urban and rural districts into centers for continuing education, vocational training and job placement, consolidate and complete community learning - culture centers
d) Regarding higher education: expand training scale, upgrade facilities and equipment and improve the quality of universities in Can Tho city to meet the demand for human resources, especially high-quality human resources, achieving socio-economic development objectives; strengthen connection in training and scientific research with domestic and international institutions and universities.
(Details are provided in the attached Appendix XIII)
3. Plan to develop network of vocational education institutions and social support facilities
a) Invest in facilities and equipment and raise the quality of education and training of colleges, intermediate schools and vocational education facilities at city level. Make private sector involvement in establishment of private vocational education institutions in urban and rural districts (if required). Build new vocational education institutions, thereby meeting requirements for training human resources for labor market inside and outside Can Tho city.
b) Promptly and fully implement policies and promote private sector involvement to protect and care people with meritorious services and social protection beneficiaries; protect children's rights and create a safe and healthy environment for comprehensive development; help and support children with special circumstances and lonely old people. Raise living standards of people and secure sustainable poverty reduction. Effectively carry out policies on promotion of gender equality for the advancement of women at all levels and fields.
...
...
...
4. Plan to develop network of sports and culture facilities
a) Culture
- Develop Can Tho city into a cultural, artistic and creative city with public spaces and community art and culture activities, thereby increasing the value of urban environment and quality of life.
- Develop cultural institution system, meeting requirements for socio-economic development in Can Tho city in each period in synchronization with the strategy for promoting tourism infrastructure.
- Preserve and promote the value of historical and cultural relics, intangible cultural heritage, craft villages, scenic spots and traditional festivals in association with tourism development and objectives of preservation and promotion of typical cultural identity of Tay Do people.
- Complete cultural institution systems at all levels with assurance about scale and quality, effectively conducting activities in conformity with functions; upgrade and perfect some cultural institutions of the city.
(Details are provided in the attached Appendix XI)
b) Sports
- Invest in infrastructure and equipment for training and competition and organize sports movements. Attract private sector investment in sports fields; diversify sports works, satisfying practice demands of people according to each development and investment phrase.
...
...
...
(Details are provided in the attached Appendix XI)
5. Plan to develop network of commercial service establishments, exhibitions and fairs
a) Focus on attraction for investment in development of commerce infrastructure and construct a system of shopping malls, supermarkets, markets and convenience stores; build agricultural and aquatic wholesale markets in the Mekong Delta, logistics centers and international exhibition and fair centers at regional level.
b) Build and promote inter-provincial tourism routes in association with production and development of typical tourism products imbued with river-based cultural identity of the Mekong Delta. Establish amusement and entertainment areas, thereby attracting investment in a system of high-quality, safe, civilized and modern service facilities.
6. Plan to develop network of scientific and technological organizations
a) Invest in upgradation of facilities and equipment in parallel with development of scientific and technological research units and organizations in the city in a synchronous and modern manner so as to carry out tasks in research and transfer of science and technology in conformity with the socio-economic development objectives, effectively making use of achievements of the Fourth Industrial Revolution. Promote science, technology and innovation activities in enterprises.
b) Develop human resources with high qualifications and capacity for creation and innovation; build an Innovation Center in Can Tho city connected with the National Innovation Center; establish a regional quality measurement and testing center in Can Tho city.
(Details are provided in the attached Appendix XIV)
VIII. DISTRIBUTING AND ZONING LAND
...
...
...
2. Calculate and determine quotas and areas for conversion from agricultural land to non-agricultural land, residential land, and infrastructure development land in accordance with national land use quotas, orientations to development of industries and sectors and local development demands in order to implement territory and space development plans and infrastructure works and projects and request competent authorities to make consideration and decision.
3. Carry out projects after the planning for Can Tho city for the 2021-2030 period, with a vision towards 2050 is approved, in conformity with quotas of land use planning for the 2021-2030 period and 5-year national land use plan (from 2021 to 2025) allocated to Can Tho city under the Decision No. 326/QD-TTg dated March 09, 2022 of the Prime Ministers and decisions on amendments (if any) of competent authorities.
4. The People's Committee of Can Tho city shall formulate provincial land use plan and district land use plan and planning in conformity with land distribution and zoning plan according to functional zones and types of land in Can Tho city planning to serve as the basis for land expropriation for national defense and security, socio-economic development, national interest and public purposes according to law regulations.
(Details are provided in the attached Appendix XIX)
1. Plan to protect environment and biodiversity
a) Zoning specific areas for environmental protection
Zone specific areas for environment protection in Can Tho City to serve as the basis for implementation of measures for environmental protection. There are 03 specific areas, including:
- Strictly protected areas: Ninh Kieu urban district and concentrated residential areas of urban districts, including Binh Thuy, Cai Rang, O Mon, and Thot Not; surface water sources used for supply of domestic water; protected areas of cultural and historical relics.
...
...
...
- Other protected areas: industrial parks, existing industrial clusters, port clusters and the remaining areas under management of the city's government.
(Details are provided in the attached Appendix XX)
b) Conservation of nature and biodiversity
- Conserve and promote special values of nature, biodiversity of genetic resources, species and ecosystems in the city to protect people's health, environment and biodiversity value.
- Prevent biodiversity loss, sustainably exploit and effectively use natural resources; develop scientific research so as to serve conservation, preservation, biodiversity, and restoration of degraded landscapes. Sustainably exploit and effectively use land, water, minerals and aquatic resources.
- Maintain and develop important natural ecosystems, and species and genetic resources that have been conserved. Develop ecotourism activities and environmental education for adaption to climate change and sustainable development.
(Details are provided in the attached Appendix XXI)
c) Environmental protection in waste treatment areas and cemeteries
- At waste treatment areas: make arrangement to ensure a safe distance for environmental hygiene according to applicable standards; develop a complete technical infrastructure with advanced and modern technology.
...
...
...
d) Monitoring network development
Complete environmental database, and invest in equipment and infrastructure for automatic and continuous environmental monitoring; develop infrastructure, equipment, and monitoring networks for each type of environment; build automatic environmental monitoring stations.
2. Plan to protect, exploit, and use natural resources
a) In Can Tho City, there is no any mineral eligible for exploration, exploitation and use at national level.
b) Regarding minerals under management of the city's government:
- Make planning for mineral exploration and exploitation according to viewpoints on sustainable development and in accordance with law regulations. On the basis of demand forecasting, continue to exploit two existing sand mines in Truong Tho area and Thoi An area, until the validity period of license expires, close these mines according to regulations. Carry out procedures for issuance of licenses to two sand mines Tan Loc and Phuoc Loc in Thot Not urban district (in accordance with law regulations) and launch an auction of mineral exploitation rights in mine areas, including Phuoc Loc 2, Tan Loc ward in Thot Not urban district; Tra Noc, Tra Noc ward, Binh Thuy urban district and Phuoc Thoi ward, O Mon urban district; Phu Thu - Tan Phu, Phu Thu ward and Tan Phu ward, Cai Rang urban district; Tan Phu, Tan Phu ward, Cai Rang urban district.
- In Can Tho City, delineate areas prohibited or temporarily prohibited from mineral activities scattered in urban and rural districts. During the implementation process, depending on practical requirements, areas where mineral activities are banned or temporarily banned can be adjusted and supplemented in accordance with socio-economic development and law regulations.
(Details are provided in the attached Appendix XXIII)
3. Plan to exploit, use, protect water resources, prevent and mitigate negative effects of water
...
...
...
- Region I (the North of Cai San): flood control area for rice production.
- Region II (Cai San - Thot Not): concentrated aquaculture area.
- Region III (Thot Not - O Mon): specialized farming area for fruit cultivation.
- Region IV (O Mon - Xa No): area where floodwater and silt are used for fields, thereby solving issues on land degradation and environmental pollution.
- Region V (Binh Thuy - Ninh Kieu) and Region VI (the South of Cai Rang): urban centers and residential clusters where inundation are controlled (inundation occurs due to high tides and rain) by polder system and land grading.
- Region VII: Eyot
b) Protection of water resources and restoration of polluted or degraded or depleted water sources.
- Proactively develop plans to exploit and use water resources in an effective and economic manner; appropriately operate irrigation systems and increase water storage capacity on the inland canal system, thereby providing water for agricultural production and people's life, protecting water sources during flood season, and effectively responding to flood and natural disasters related to water.
- Increase capacity to investigate and assess underground water resources, restrict exploitation of underground water resources, and prioritize exploitation of underground water resources for domestic purposes and in cases where climate change and natural disasters occur or epidemics break out. Conduct delineation and adopt measures for restricting exploitation of underground water; strictly control drilling, exploration and exploitation of underground water in the city.
...
...
...
c) Distribution of water resources
The priority order of distribution of water sources to users in the planning period is arranged in descending order.
- In normal conditions, distribute water sources in an adequate manner, meeting all water use demands; prioritize water supply for domestic purposes and production industries with high socio-economic effectiveness.
- In case of drought or water scarcity, distribute water sources in order to meet all household demands. Distribute the remaining water quantity to other purposes in an appropriate ratio and according to water supply zoning.
d) Plan to prevent and mitigate negative effects of water
Develop a plan to monitor, forecast, and promptly give warnings about high tides and sea level rise within the city; guarantee the safety of works, prevent and control river bank erosion and saltwater intrusion; consolidate the system of river dykes and sluices, thereby retaining and protecting fresh water; review areas that are likely to water scarcity to change crop structure in an appropriate manner.
4. Plan to prevent and control natural disasters and adapt to climate change
a) Zoning of risks of each type of natural disaster within the city
- Zoning of risks of inundation: areas at risk of inundation are scattered over a large area and across urban and rural districts. Most areas at risk of inundation are scattered in the South of the city, including Ninh Kieu, Cai Rang and Binh Thuy urban districts.
...
...
...
- Zoning of risks of landslides: areas along rivers and canals within the city are mainly at risk of landslides.
b) Plan to prevent and control natural disasters and adapt to climate change
- Invest in construction of new natural disaster prevention and control works, maintenance of and repair to existing natural disaster prevention and control works with priority given to the system of dykes, embankments, and key sluices; relocate people to safe places out of areas at risk of landslides; increase hydro meteorological monitoring capacity and establish automatic measuring stations in river basins.
- Strengthen provision of information about, propagation and education about prevention and control of natural disasters; promote application of science and technology with a view to improving the quality and promptly giving warnings; regularly organize drills for prevention, control and mitigation of natural disasters.
X. LIST OF PROJECTS EXPECTED TO BE GIVEN PRIORITY
Programs and projects and their execution in order of priority in each industry and field shall be consistent with viewpoints, and development breakthroughs and orientations of key industries according to demands and capacity for balancing and mobilizing investment capital in each period; the priority is given to inter-regional, inter-district, key, breakthrough and pervasive projects; promote socio-economic development to invest in and attract external investment in domestic and foreign resources.
(Details are provided in the attached Appendix XXIV)
XI. SOLUTIONS AND RESOUCES FOR PLANNING
1. Mobilization and use of investment capital
...
...
...
b) With regard to state budget: improve effectiveness in management and administration of revenues and expenditures of state budget and pubic investment. Accelerate implementation of public investment projects, focus on key and important projects, increase disbursement ratios, and meet requirements for progress and quality of works; give high priority to provision of resources from state budget to play a leading role in, and promote attraction of non-budget capital for investment in development of infrastructure of the city according to motto: “private investments follow public investments”
c) With regard to non-budget capital: Utilize and mobilize capital from domestic and international investors by formulating breakthrough mechanisms and policies to attract strategic investors capable of playing leading roles and creating an appropriate environment so as to form an ecosystem of key economic industries and promote development of other enterprises; improve business environment and provincial competitiveness of the city and enhance administrative reform, land clearance and investment promotion.
d) Appeal to non-governmental organizations for donation through strong connection with such organizations; make a list of programs and projects to call for foreign non-governmental aid; ensure progress and effectiveness of programs and projects using capital provided by non-governmental organizations; supervise and carry out projects and non-project aid within the city according to law regulations.
dd) Diversify capital mobilization forms. Encourage and attract social resources to invest in development of synchronous infrastructure; mobilize resources for private sector investment in industries and fields according to regulations; strengthen promotion of capital investment in the form of public-private partnership.
2. Development and supply of human resources and promotion of labor market
Improve quality of education and training at all educational levels and grades, especially high education and vocational training Establish appropriate and synchronous mechanisms and polices to attract and use high quality human resources. Promote connection with international training institutions. Strengthen relationship between working environment and economic and social reality of the city. Schools at all grades within the city shall meet training demands according to education development targets at all levels of the education industry.
3. Environmental protection
Effectively provide and propaganda information about environmental protection to raise awareness among people, organizations and enterprises of environmental protection, thereby considering environmental protection as a common responsibility of the entire society. Apply international standards of environment management; develop and apply models of circular economy, clean production, and economical use of energy and resources for all industries and fields within the city. Actively cooperate with domestic and international agencies in environmental protection. Focus on improvement of state’s environmental management capacity. Regularly inspect, monitor and strictly handle violations against laws on environmental protection. Complete the institutional system related to environmental protection.
4. Development of science, technology and innovation
...
...
...
5. Development connection policies and mechanisms
a) International connection: Can Tho city plays a key role as a bridge between the entire region and the world.
b) Regional connection: As the center of the Mekong Delta, Can Tho city closely connects with other provinces in the region in renovating development models into value chain-based production models, making connections to provide impetus and driving force for prosperous and sustainable development.
b) National connection: Promote cooperation with other central- affiliated cities. Strengthen connection with provinces in the North Central Region in infrastructure fields, proactively promote trade and investment, build inter-provincial tourism routes, and develop health and science-related activities in connection with leading hospitals.
6. Management of investment, and control of urban and rural development
Enhance quality of management of construction planning and order; effectively use land fund resources. Make plans for development of infrastructure, investment, and exploitation in a synchronous manner.
7. Improvement of efficiency and effectiveness of state administrative apparatus
a) Regarding planning formulation
- Organize and publicize planning according to regulations. Strengthen investment promotion, organize introduction and promotion of local potential and advantages to domestic and foreign investors; call for investment in key projects.
...
...
...
- Formulate, regularly update, adjust and supplement action plans to concretize contents of the planning for Can Tho city, and develop them into 5-year and annual plans with a view to unifying all levels of government; periodically assess and monitor the implementation of planning according to regulations.
b) Regarding propagation: Raise awareness among people, enterprises and authorities at all levels of the general plan, allow people to participate in giving opinions to seek appropriate solutions.
c) Regarding planning implementation: Mobilize participation of many different entities. Prepare and train resources with focus on mobilization of non-public resources in order to ensure that social security programs are implemented as planned.
8. Organization and supervision of planning implementation
a) Review, adjust, supplement and develop new urban planning, rural planning and other specialized plannings, thereby ensuring synchronization and consistency with Can Tho city planning.
b) Formulate implementation plans, regularly update and concretize contents of the planning, and develop them into 5-year and annual plans. Governments, regulatory bodies at all levels and district People's Committees shall review, adjust and supplement development programs and plans to conform to the approved planning. During the implementation, regularly monitor and periodically assess results of implementation of the planning according to regulations.
c) Innovate organization of implementation of the planning to meet practical requirements and international practices. Arrange dedicated leaders and capable staff with an effective and efficient management mechanism for successful implementation of the planning.
XII. PLANNING DIAGRAMS AND MAPS
The detailed list of diagrams and maps of Can Tho city planning for the 2021 - 2030 period, with vision towards 2050 is provided in the attached Appendix XXV.
...
...
...
1. The planning for Can Tho city for the 2021 - 2030 period, with a vision towards 2050 approved in this Decision is the basis for formulation and adjustment to urban planning, rural planning, and technical planning and specialized planning within Can Tho city according to relevant laws.
2. The People's Committee of Can Tho city shall:
a) Organize and publicize Can Tho city planning for the 2021 - 2030 period, with a vision towards 2050 according to regulations of the law on planning.
b) Be responsible for comprehensive management of Can Tho city planning; provide guidance, carry out assignment and decentralization, make cooperation, take control, follow all principles, processes and procedures and comply with regulations during the planning implementation; conduct study and apply information technology and geographic information system (GIS) to planning management and implementation.
c) Develop and submit the plan for implementation of Can Tho city planning for promulgation; organize implementation of the planning associated with guidelines for performance of socio-economic development tasks; periodically organize assessment of the implementation of the planning, and review and adjust the planning according to law regulations.
d) Research, develop and promulgate, within its jurisdiction, or request competent authorities to promulgate mechanisms, policies and solutions in accordance with the city's development requirements and law regulations to mobilize resources for planning implementation.
dd) Organize preparation and adjustment to urban planning, rural planning, technical planning and specialized planning in such a way to conform and synchronize with Can Tho city planning for the 2021 - 2030 period, with a vision towards 2050; strengthen inspection and supervision of implementation of the planning; strictly handle organizations and individuals that commit violations according to law regulations.
e) Organize review of Can Tho city planning for the 2021 - 2030 period, with a vision towards 2050 so as to ensure conformity with relevant plannings and plans approved by competent authorities and make adjustments to the planning in case of conflict over contents as prescribed in Point c, Clause 1, Article 2 of Resolution No. 61/2022/QH15 dated June 16, 2022 of the National Assembly, and then report to the Prime Minister for consideration and decision.
g) Regarding projects expected to be invested after 2030, in case it is required to make investment to serve socio-economic development and mobilize resources for implementation, conduct consolidation and report to competent authorities for approval for earlier investment.
...
...
...
During research and implementation of specific projects, the competent authority approving or deciding investment guidelines shall be entirely responsible to the law for determination of locations, areas, scale, capacity and phases of investment in works and projects in conformity with the ability to mobilize resources, practical development requirements and applicable regulations of relevant laws.
With regard to projects and works that are being reviewed and handled according to conclusions of inspection, examination, investigation, audit and enforcement of judgments (if any), these projects and works shall only be carried out after implementation of full contents according to conclusions of inspection, examination, investigation, audit, judgments (if any), and receipt of approval from competent authorities in accordance with applicable regulations.
4. The Chairperson of the People's Committee of Can Tho City shall be entirely responsible to the law for the accuracy of contents, information, data, documents, diagrams, maps, and databases in the dossier on Can Tho city planning for the 2021 - 2030 period with a vision towards 2050; opinions, explanations, and reservations regarding appraisal, review, and comments from relevant ministries, central and local authorities, organizations, and individuals; appendices issued with this Decision in order to achieve uniformity, conform, and synchronize with relevant plannings; shall strictly and fully implement commitments in Official Dispatch No. 4870/UBND-TH dated November 25, 2023 of the People's Committee of Can Tho City.
5. Relevant ministries, ministerial agencies, and Governmental agencies within their functions and tasks shall be responsible for providing guidance for the People's Committee of Can Tho city during implementation of the planning; cooperate with the People's Committee of Can Tho City in proposing mechanisms, policies, solutions, mobilizing and allocating resources to achieve objectives and orientations of the planning, ensuring unity and synchronization with the implementation of the 10-year socio-economic development strategy (2021 – 2030), strategies, plannings, plans for development of industries and fields and local socio-economic development plans.
Article 3. This Decision comes into force as of its date of signing.
Article 4. Ministers, Heads of ministerial agencies, Heads of Governmental agencies, and Chairperson of People's Committee of Can Tho City are responsible for implementing this Decision./.
PP. PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER
Tran Hong Ha
...
...
...
LIST OF ROAD INFRASTRUCTURE
WORKS WITHIN CAN THO CITY FOR THE 2021-2030 PERIOD, WITH A VISION TOWARDS 2050
(Enclosed with Decision No. 1519/QD-TTg dated December 02, 2023 of the Prime
Minister)
NO.
Name of work
Start point
End point
Expected scale (planning level, number of lanes, rights of way)
I
...
...
...
1
O Mon bridge
Dong Thap province
O Mon urban district, Can Tho city
4-6 lanes
2
...
...
...
Being connected with entrance path of O Mon bridge (O Mon urban district)
Borderline between Kien Giang province – Can Tho city (Thoi Lai rural district)
III - II, 4 – 6 lanes and construction of collector roads in two sides, right of way of 80m
II
Provincial roads
1
...
...
...
Intersecting with National Highway 91 (Binh Thuy urban district)
Intersecting with National Highway 91B (Binh Thuy urban district)
Urban arterial road, right of way of 34m
2
Provincial road 917B
Intersecting with provincial road 917C (O Mon urban district)
Intersection that connects and integrates with Chau Doc – Can Tho – Soc Trang expressway (Thoi Lai rural district)
Urban arterial road, right of way of 50m
3
...
...
...
Intersecting with provincial road 920 (O Mon urban district)
Intersecting with provincial road 923 (Phong Dien rural district)
Urban arterial road, right of way of 80m
4
Provincial road 918
Intersecting with National Highway 91 (Binh Thuy urban district)
Intersecting with provincial road 918B (Phong Dien rural district)
Urban arterial road, right of way of 42m
5
...
...
...
Intersecting with Vo Van Kiet road (Binh Thuy urban district)
Borderline between Hau Giang province – Can Tho city (Phong Dien rural district)
Urban arterial road, right of way of 50m
6
Provincial road 919
Intersecting with National Highway 80 (Vinh Thanh rural district)
Borderline between Hau Giang province – Can Tho city (Thoi Lai rural district)
III - II, 4 – 6 lanes; sections across urban centers, right of way of 42m
7
...
...
...
Rach Chom bridge (O Mon urban district)
Intersecting with National Highway 91 (Thot Not urban district)
Urban arterial road, right of way of 42m
8
Provincial road 920
Intersecting with National Highway 91 (Binh Thuy urban district) on a route with a section across Tra Noc industrial park
Intersecting with National Highway 91 (Thot Not urban district)
Urban arterial road, right of way of 42m (right of way of the section across the industrial park is a cross section of the industrial park according to the planning)
9
...
...
...
Intersecting with National Highway 91 (O Mon urban district)
Intersecting with existing provincial road 920 (O Mon urban district)
Urban arterial road, right of way of 42m
10
Provincial road 920D
Intersecting with National Highway 91 and Dang Thanh Su street
Intersecting with National Highway 91 and entrance path of Tan Loc bridge (Thot Not urban district)
Urban arterial road, right of way of 42m
11
...
...
...
Intersecting with National Highway 91 (Thot Not urban district)
Borderline between Kien Giang province – Can Tho city (Co Do rural district)
III, 2 – 4 lanes; sections across urban centers, right of way of 42m
12
Provincial road 921E
Intersecting with Thot Not bypass (Thot Not urban district)
Intersecting with provincial road 916 (Co Do rural district)
II, 4 – 6 lanes; sec