Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

Số: 108/2007/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 11 tháng 10 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐÁNH SỐ VÀ GẮN BIỂN SỐ NHÀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003; Căn cứ Quyết định số 05/2006/QĐ-BXD ngày 08/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chế đánh số nhà và gắn biển số nhà;

Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Công văn số 2022/SXD-QLN ngày 03 tháng 10 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.

Điều 2. Giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng các ngành chức năng, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai và hướng dẫn việc thực hiện việc đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan ban ngành chức năng và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Kim Vân

 

QUY ĐỊNH

ĐÁNH SỐ VÀ GẮN BIỂN SỐ NHÀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 108/2007/QĐ-UBND ngày 11/10/2007 của UBND tỉnh Bình Dương)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích của việc đánh số và gắn biển số nhà:

1. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, hộ gia đình cá nhân thực hiện yêu

cầu giao tiếp, tiếp nhận các thông tin, thư tín, liên lạc, giao dịch thương mại, giao dịch dân sự và các giao dịch khác.

2. Góp phần chỉnh trang diện mạo đô thị và các điểm dân cư nông thôn, quản lý nhà đất, thông tin liên lạc, hành chính, an ninh, trật tự, phòng cháy chữa cháy và quản lý dân cư theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Phạm vi và đối tượng áp dụng:

1. Quy định này phải được áp dụng tại tất cả các khu vực trong đô thị và các điểm dân cư nông thôn trong tỉnh Bình Dương.

2. Đối tượng được đánh số và gắn biển số nhà bao gồm:

a) Nhà ở, công trình xây dựng của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức (sau đây gọi tắt là nhà), trừ các loại nhà xây dựng không phép hoặc trái phép trong khu vực cấm xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

b) Nhóm nhà, ngôi nhà và tầng nhà, căn hộ, số cầu thang của chung cư.

Điều 3. Giải thích từ ngữ: Các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đô thị: Đô thị trên địa bàn tỉnh là thị xã và các thị trấn.

2. Điểm dân cư nông thôn: là nơi cư trú tập trung của nhiều hộ gia đình gắn kết với nhau trong sản xuất sinh hoạt và các hoạt động xã hội khác trong phạm vi một khu vực nhất định bao gồm trung tâm xã, khu, ấp do điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội, văn hóa, phong tục tập quán và các yếu tố khác.

3. Đánh số nhà: là việc xác định số nhà theo các nguyên tắc quy ước thống nhất.

4. Gắn biển số nhà: là việc xác định để gắn biển vào vị trí lắp đặt biển số nhà theo nguyên tắc thống nhất.

5. Ngôi nhà: là công trình xây dựng có mái và kết cấu bao che, dùng để ở hoặc dùng vào mục đích khác.

6. Nhóm nhà: là tập hợp nhiều ngôi nhà có vị trí gần nhau, được sắp xếp theo những nguyên tắc nhất định và cách biệt với những ngôi nhà khác bởi hàng rào, đường giao thông.

7. Hẽm: là lối đi lại trong cụm dân cư, có ít nhất một đầu thông ra đường (hay còn gọi là nhánh của đường).

8. Hẽm cấp 1: là lối đi lại trong cụm dân cư, trong khu chức năng đô thị có ít nhất một đầu thông ra hẽm, không trực tiếp thông ra đường (hay còn gọi là nhánh của hẽm).

9. Hẽm cấp 2: là lối đi trong cụm dân cư, trong khu chức năng đô thị có ít nhất một đầu thông ra hẽm cấp 1, không thông trực tiếp hẽm (hay còn gọi là nhánh của hẽm cấp 1).

10. Nhà mặt đường (hay còn gọi là nhà mặt tiền): là nhà có cửa ra vào chính hoặc có cổng chính được mở ra mặt tiền đường. Nhà trong hẽm hoặc nhà trong hẽm cấp 1 là nhà có cửa ra vào chính được mở ra hẽm hoặc hẽm cấp 1.

Chương II

NGUYÊN TẮC ĐÁNH SỐ NHÀ

Mục 1: NGUYÊN TẮC ĐÁNH SỐ NHÀ, SỐ CĂN HỘ

Điều 4. Nguyên tắc đánh số nhà mặt đường và nhà trong hẽm, trong hẽm cấp 1, 2 như sau:

1. Đánh số nhà mặt đường và nhà trong hẽm cấp 1 được sử dụng theo dãy số tự nhiên (1, 2, 3,…n) với thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo chiều quy định tại khoản 2 Điều này. Nhà bên trái đánh số lẻ (1, 3, 5, 7,…n), nhà bên phải đánh số chẵn (2, 4, 6, 8,…n). Bên trái hay bên phải là theo hướng của người đứng nhìn về chiều đánh số theo khoản 2 dưới đây.

2. Chiều đánh số nhà:

a) Chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây Bắc và được đánh từ đầu đường (hẽm, hẽm cấp 1, hẽm cấp 2) đến cuối đường theo chiều như trên (đối với đường và hẽm các loại có 2 đầu thông với đường khác). Trường hợp đường quá dài gồm: Quốc lộ, đường liên tỉnh, đường liên huyện thì việc phân đoạn để đánh số được thực hiện theo nguyên tắc sau:

- Đường đi qua thị xã thì phân thành 03 đoạn:

+ Đoạn 1: Từ ranh địa giới hành chính của thị xã đến ranh tiếp giáp giữa ngoại ô và nội ô thị xã.

+ Đoạn 2: Trong nội ô thị xã.

+ Đoạn 3: Từ ranh tiếp giáp giữa nội ô với ngoại ô thị xã đến ranh địa giới hành chính của thị xã.

- Đường đi qua thị trấn thì được đánh số từ đầu đường đến cuối đường nằm trong ranh địa giới hành chính của thị trấn đó.

- Đường đi ngoài đô thị (thị xã, thị trấn) thì được phân đoạn để đánh số nhà theo ranh địa giới hành chính của xã, thị trấn mà đường đó đi qua.

b) Trường hợp đường hoặc hẽm chỉ có một đầu thông ra đường khác, thì lấy chiều đánh số được thực hiện từ nhà đầu đường hoặc hẽm sát với đường, đến nhà cuối đường hoặc hẽm. Trường hợp hẽm đặt tên theo đường và hẽm thông ra đường cả hai phía, thì lấy chiều từ nhà đầu hẽm sát với đường mà hẽm đó mang tên đến cuối hẽm bên kia.

Trường hợp hẽm cấp 1 chỉ có một đầu thông ra hẽm thì chiều đánh số được thực hiện từ nhà đầu hẽm cấp 1 sát với hẽm đến nhà cuối hẽm cấp 1.

c) Đối với hẽm hoặc hẽm cấp 1 chưa có tên thì chiều đánh số được áp dụng theo nguyên tắc quy định tại điểm b khoản này và tên hẽm hoặc hẽm cấp 1 được lấy theo số nhà mặt đường nằm kề ngay trước đầu hẽm hoặc hẽm cấp 1 đó.

Điều 5. Nguyên tắc đánh số căn hộ của nhà chung cư:

1. Đánh số căn hộ của nhà chung cư được sử dụng dãy số tự nhiên với số thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo chiều quy định tại khoản 2 của Điều này. Hai chữ số hàng chục và hàng đơn vị ghi số căn hộ, hai chữ số hàng nghìn và hàng trăm chỉ số tầng nhà có căn hộ đó.

2. Chiều đánh số căn hộ:

a) Trường hợp ngôi nhà chung cư có một cầu thang ở giữa, bố trí hành lang ở giữa hoặc không có hành lang thì chiều đánh số căn hộ hoặc phòng được thực hiện theo chiều quay kim đồng hồ, bắt đầu từ căn hộ đầu tiên phía bên trái của người bước lên tầng nhà đó.

Trong trường hợp ngôi nhà chung cư có nhiều cầu thang, bố trí hành lang ở giữa thì chọn cầu thang có vị trí gần nhất tiếp giáp với lối đi vào, chiều đánh số thực hiện theo nguyên tắc trên.

b) Trường hợp ngôi nhà có hành lang bên thì chiều đánh số căn hộ theo chiều từ trái sang phải của người đứng quay mặt vào dãy căn hộ, bắt đầu từ căn hộ đầu tiên, phía bên trái.

Mục 2: NGUYÊN TẮC ĐÁNH TÊN ĐỐI VỚI NHÓM NHÀ, NGÔI NHÀ TRONG KHU NHÀ, ĐÁNH SỐ TẦNG NHÀ, CẦU THANG CỦA NHÀ CHUNG CƯ

Điều 6. Nguyên tắc đánh tên nhóm nhà:

Trong một khu có nhiều nhà tạo thành các nhóm nhà mà các lối đi giữa các nhóm nhà không được đặt tên (đường, hẽm, hẽm cấp 1) thì cần phải đánh tên nhóm nhà theo quy định sau:

1. Việc đánh tên nhóm nhà áp dụng chữ cái in hoa của tiếng Việt (A, B, C) sắp xếp theo thứ tự trong bảng chữ cái tiếng Việt, với chiều theo nguyên tắc sắp xếp của các nhóm nhà trong khu vực đó.

2. Trường hợp khu nhà chỉ có một biển số nhà, có nhiều nhóm nhà thì chiều đánh tên nhóm nhà được bắt đầu từ nhóm nhà nằm gần lối đi vào khu nhà đi dần vào phía cuối khu nhà. Trường hợp các nhóm nhà nằm 2 bên trục đường giao thông nội bộ, thì chiều đánh tên nhóm nhà cũng xác định theo nguyên tắc này, các nhóm nhà nằm phía bên trái đường nội bộ đánh tên A, C, Đ, G, I, các nhóm nhà nằm phía bên phải đường nội bộ đánh tên B, D, E, H, K.

Điều 7. Nguyên tắc đánh tên ngôi nhà trong một nhóm nhà:

Tên ngôi nhà trong nhóm nhà được viết bằng tên ghép của tên nhóm nhà và số thứ tự của ngôi nhà trong nhóm nhà đó (ví dụ: A10, B15, C4). Trong đó, tên nhóm nhà được xác định theo quy định tại Điều 6 của Quy định này, số thứ tự của ngôi nhà được dùng là các số tự nhiên (1, 2, 3,…n) chiều đánh số thứ tự của ngôi nhà trong mỗi nhóm nhà được xác định theo nguyên tắc sắp xếp các ngôi nhà trong nhóm nhà đó.

Điều 8. Nguyên tắc đánh số tầng nhà của nhà chung cư:

1. Đánh số tầng nhà theo nguyên tắc lấy chiều từ tầng dưới lên tầng trên, bắt đầu từ tầng một của ngôi nhà (không tính tầng hầm). Dùng các số tự nhiên (1, 2, 3,…n với n là tổng số tầng của ngôi nhà) để đánh số tầng và được lấy từ số nhỏ đến số lớn.

Có thể đặt tầng trệt thay cho tầng một, khi đó các tầng tiếp theo từ dưới lên được đánh là tầng 2, tầng 3.

2. Trường hợp nhà có tầng hầm thì việc đánh số tầng hầm theo nguyên tắc lấy chiều từ tầng hầm ở trên cùng xuống tầng hầm phía dưới, bắt đầu từ tầng hầm gần nhất với tầng một hoặc tầng trệt của ngôi nhà. Dùng các số tự nhiên (1, 2, 3,…n với n là tổng số tầng hầm của ngôi nhà) để đánh số tầng hầm lấy từ số nhỏ đến số lớn. Để phân biệt với tầng nhà thì viết thêm ký hiệu N vào trước số tầng hầm (N1, N2, N3).

Điều 9. Nguyên tắc đánh số cầu thang nhà chung cư:

Đánh số cầu thang nhà chung cư theo nguyên tắc lấy chiều từ lối đi chính vào nhà, cầu thang đầu tiên đánh số 1, những cầu thang tiếp theo được đánh số 2, 3…n (theo chiều kim đồng hồ từ trái sang phải của người đứng quay mặt vào nhà chung cư đó và chỉ áp dụng cho chung cư có 02 cầu thang chung trở lên).

Chương III

TRÌNH TỰ THỦ TỤC CẤP BIỂN SỐ NHÀ, CHỈNH SỬA SỐ NHÀ

Điều 10. Cấp số nhà theo hình thức đại trà (trên cùng một đường, trong hẽm, trong hẽm cấp 1): Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) có kế hoạch tổ chức thực hiện; giao cho Phòng Quản lý đô thị các huyện, thị phối hợp cùng Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) tổ chức khảo sát, lên sơ đồ tổng thể về số nhà, phát phiếu điều tra từng hộ, hướng dẫn cách ghi chép các số liệu cho đầy đủ.

Thành phần hồ sơ gồm:

- Phiếu điều tra.

- Bản sao các giấy tờ có liên quan: Chứng minh nhân dân (nếu là cá nhân), giấy đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập tổ chức.

Điều 11. Cấp số nhà theo hình thức đơn lẻ (trong những trường hợp nhà mới xây dựng xong, tách, nhập nhà quy định tại Điều 16, Điều 17 và khoản 1 Điều 19 của Quyết định 05/2006/QĐ-BXD ngày 08/3/2006 của Bộ Xây dựng).

Thành phần hồ sơ:

- Đơn đề nghị cấp số nhà (theo mẫu).

- Bản sao các giấy tờ có liên quan: Chứng minh nhân dân (nếu là cá nhân) giấy đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập tổ chức.

Điều 12. Trình tự giải quyết cấp biển số nhà.

1. Trường hợp cấp số nhà theo hình thức đại trà:

- Sau khi tổng hợp các số liệu điều tra và lên sơ đồ tổng thể về số nhà, Uỷ ban nhân dân cấp xã chuyển hồ sơ lên Phòng Quản lý đô thị các huyện, thị.

- Phòng Quản lý đô thị các huyện, thị tiếp nhận, xử lý trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện (đối với trường hợp Uỷ ban nhân dân ký quyết định) hoặc phòng Quản lý đô thị (đối với trường hợp Phòng Quản lý đô thị được uỷ quyền ký quyết định). Trong trường hợp nhà được xây dựng trong khu dân cư, khu tái định cư của khu, cụm công nghiệp, thì chủ đầu tư của các khu dân cư, khu tái định cư của khu, cụm công nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp hồ sơ và phối hợp cùng Uỷ ban nhân dân xã để thực hiện việc điều tra phục vụ cho công tác cấp biển số nhà. Thời gian giải quyết và cấp biển số nhà được thực hiện theo kế hoạch được duyệt.

2. Trường hợp cấp số nhà theo hình thức đơn lẻ (theo nhu cầu):

- Đơn được gửi đến Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận trong thời gian 02 ngày. Sau đó, Uỷ ban nhân dân cấp xã chuyển hồ sơ cho Phòng Quản lý đô thị tham mưu trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện (đối với trường hợp Uỷ ban nhân dân ký quyết định) hoặc Phòng Quản lý đô thị (đối với trường hợp Phòng Quản lý đô thị được uỷ quyền ký quyết định).

- Phòng Quản lý đô thị giao quyết định, biển số nhà cho Uỷ ban nhân dân cấp xã và thực hiện việc gắn biển số nhà thu lệ phí, đối với chủ hộ sử dụng. Thời gian không quá 04 ngày làm việc.

3. Nhà xây dựng không được cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trước khi cấp biển số nhà, cơ quan có chức năng phải xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng theo quy định hiện hành.

Điều 13. Trình tự cấp lại và chỉnh sửa số nhà:

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đề nghị cấp lại và chỉnh sửa số nhà, thay đổi chủ sở hữu nhà phải làm đơn theo mẫu có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã, gởi đến Phòng Quản lý đô thị tham mưu trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện cấp lại và chỉnh sửa số nhà trong những trường hợp bị mất biển số, hư hỏng, biển số bị mờ không nhìn rõ được số, chữ trên biển số đó, do thay đổi tên chủ sở hữu nhà hoặc do sai sót trong quá trình thực hiện đánh số.

1. Thành phần hồ sơ gồm:

- Có đơn đề nghị được Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận.

- Bản sao quyết định cấp số nhà.

2. Trình tự giải quyết:

- Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận đơn trong thời gian không quá 02 ngày làm việc.

- Đơn gởi đến Phòng Quản lý đô thị kiểm tra trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện (đối với trường hợp Uỷ ban nhân dân ký quyết định) hoặc Phòng Quản lý đô thị (đối với trường hợp Phòng Quản lý đô thị được uỷ quyền ký quyết định) và cấp lại biển số mới cho căn nhà đó (theo số đã cấp trước đây) trong thời gian không quá 03 ngày làm việc. Sau đó giao biển số cho chủ hộ, chủ sử dụng để gắn lại theo quy định.

- Quyết định cấp số nhà của các huyện, thị xã không thay thế các giấy tờ pháp lý khác theo quy định của pháp luật về xây dựng và về nhà ở.

Chương IV

QUY ĐỊNH VỀ GẮN BIỂN SỐ

Điều 14. Gắn biển số nhà tại đường hẽm, hẽm cấp 1.

1. Mỗi nhà mặt đường, nhà trong hẽm, trong hẽm cấp 1 được gắn một biển số nhà. Trường hợp một nhà có nhiều cửa ra vào từ nhiều đường, hẽm, hẽm cấp 1 khác nhau thì biển số nhà được gắn ở cửa chính. Nếu nhà có cửa chính tại góc hai đường, hẽm, hẽm cấp 1 thì nhà đó được đánh số và gắn biển số theo đường, hẽm, hẽm cấp 1 lớn hơn.

2. Biển số nhà được gắn tại cửa đi sát hè hoặc lòng đường, phía trên giữa cửa đi chính. Trường hợp nhà có hàng rào sát hè hoặc lòng đường thì biển số nhà được gắn tại cột trụ cổng chính, phía bên trái (theo chiều từ phía ngoài nhìn vào nhà) ở độ cao 2m. Trường hợp trụ cổng có độ cao dưới 2m thì được gắn biển số tại cửa đi chính đã quy định tại khoản 1 của Điều này.

Điều 15. Gắn biển số căn hộ chung cư:

Mỗi căn hộ được gắn một biển số để phân biệt căn hộ này với căn hộ khác. Biển số căn hộ được in bằng tên ghép của số tầng với số căn hộ được xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều 5 của Quy định này. Biển số căn hộ được gắn tại vị trí sát phía trên, chính giữa cửa đi chính của căn hộ.

Điều 16. Gắn biển tên nhóm nhà, ngôi nhà, số tầng nhà, cầu thang:

1. Biển tên nhóm nhà được đặt tại một góc của nhóm nhà đó, trên vỉa hè gần với đường phố lớn nhất.

2. Biển tên ngôi nhà được đặt tại mặt đứng và hai bức tường đầu hồi của ngôi nhà. Tại mặt đứng, biển được đặt tại vị trí tầng một trong trường hợp nhà một tầng, tại tầng hai trong trường hợp nhà nhiều tầng. Tại bức tường đầu hồi, biển được đặt tại vị trí có độ cao bằng hai phần ba chiều cao nhà trong trường hợp nhà cao từ 17m (mười bảy mét) trở xuống; được đặt vị trí có độ cao 9m (chín mét) trong trường hợp nhà cao trên 17m.

3. Biển số tầng nhà được đặt tại giữa mảng tường chân cầu thang hoặc giữa mảng tường của lồng cầu thang của mỗi tầng. Vị trí đặt biển có độ cao là 2m (hai mét) tính từ sàn của tầng nhà tương ứng.

4. Biển số cầu thang được đặt tại vị trí sát phía trên chính giữa cổng đơn nguyên có cầu thang đó.

Chương V

CẤU TẠO CÁC LOẠI BIỂN SỐ

Điều 17. Các loại biển được sử dụng bao gồm 7 loại sau đây:

1. Biển số nhà mặt đường;

2. Biển số nhà trong hẽm, nhà trong hẽm cấp 1;

3. Biển số căn hộ của nhà chung cư;

4. Biển tên nhóm nhà;

5. Biển tên ngôi nhà;

6. Biển số tầng nhà, tầng ngầm;

7. Biển số cầu thang.

Điều 18. Cấu tạo các loại biển.

1. Màu sắc và chất liệu của biển

a) Các loại biển nêu tại khoản 1, 2, 3, 6 và 7 Điều 17 của Quy định này có nền màu xanh lam sẫm, chữ và số màu trắng, đường chỉ viền màu trắng; được làm bằng sắt tráng men hoặc nhôm lá dập, dày 1mm;

b) Màu sắc và chất liệu các loại biển nêu tại khoản 4, 5 Điều 17 của Quy định này có nền màu xanh dương, chữ và số màu trắng, đường chỉ viền màu trắng được dập bằng nhôm lá mạ, dày 1mm.

2. Kích thước của từng loại biển:

a) Biển số nhà mặt đường:

- Biển có một hoặc hai chữ số (chiều rộng x chiều cao): 200mm x 150mm;

- Biển có ba chữ số: 230mm x 150mm;

- Biển có bốn chữ số: 260mm x 150mm.

b) Biển số nhà trong hẽm, hẽm cấp 1:

- Biển có một hoặc hai chữ số (chiều rộng x chiều cao) 200mm x 150mm;

- Biển có ba chữ số: 230mm x 150mm;

- Biển có bốn chữ số: 260mm x 150mm.

(trên dãy chữ số có ghi hẽm số, hẽm cấp 1 số)

c) Biển số căn hộ (hoặc phòng):

- Biển có ba chữ số (chiều rộng x chiều cao): 170mm x 100mm;

- Biển có bốn chữ số: 190mm x 100mm.

d) Biển tên nhóm nhà: (chiều rộng x chiều cao) 850mm x 650mm.

(trên dãy chữ số có ghi nhóm nhà)

e) Biển tên ngôi nhà (chiều rộng x chiều cao): 850mm x 650mm.

f) Biển số tầng (chiều rộng x chiều cao): 300mm x 300mm.

g) Biển số cầu thang (chiều rộng x chiều cao): 300mm x 300mm.

3. Cách ghi trên biển số:

a) Đối với các loại biển quy định tại điểm a, c, e, f, g khoản 2 Điều này thì ghi theo quy định tại Phụ lục 2 của Quy định này;

b) Đối với các loại biển quy định tại điểm b, d khoản 2 Điều này thì Sở Xây dựng quy định cách ghi bảo đảm nguyên tắc đơn giản, dễ tìm địa chỉ của nhà.

Chương VI

XỬ LÝ TỒN TẠI VỀ ĐÁNH SỐ VÀ GẮN BIỂN SỐ NHÀ

Điều 19. Việc đánh số và gắn biển số nhà theo Quy định này được áp dụng đối với những khu vực mới xây dựng.

Đối với những khu phố cổ, phố cũ, khu vực đã có số nhà trước đây thì được tiếp tục sử dụng số đó. Quy định này cũng được áp dụng đối với những ngôi nhà (căn hộ) trong thị xã Thủ Dầu Một đã được cấp và gắn biển số nhà theo Quyết định số 25/2002/QĐ-UB ngày 13/3/2002 của Uỷ ban nhân dân tỉnh thì được tiếp tục sử dụng số nhà đó. Trường hợp những số nhà ở các khu phố này trước đây đánh số không hợp lý (như số không liên tục theo thứ tự, số chẵn, số lẻ xen kẽ…) thì được thực hiện việc đánh số nhà lại theo hướng dẫn tại Chương II của Quy định này.

Điều 20. Đánh số nhà đối với trường hợp nhà mặt tiền hoặc nhà trong hẽm, trong hẽm cấp 1 được xây dựng mới, xây dựng lại trên đất khuôn viên nhà cũ:

1. Trường hợp nhà xây dựng mới xen trên khuôn viên nhà cũ thì việc đánh số nhà đó bằng tên ghép của số nhà cũ và một chữ cái in hoa của tiếng Việt (ví dụ A). Nếu có nhiều nhà xây dựng mới thì việc ghi chữ cái in hoa tiếng Việt được đánh theo thứ tự A, B, C. Việc xác định chiều đánh số nhà theo nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Quy định này. Trường hợp nhà xây dựng mới đối với khu phố cổ, phố cũ, khu vực đã có số nhà trước đây quy định tại Điều 19 của Quy định này thì chiều đánh số nhà theo hiện trạng.

2. Trường hợp nhà được xây dựng lại trên khuôn viên nhiều nhà cũ, thì nhà mới xây dựng lại được đánh số của nhà cuối cùng trong các căn nhà cũ đã phá dỡ của đường, ngõ, hẽm, hẽm cấp 1 đó.

3. Trường hợp nhà được cải tạo, xây dựng mới từ nhà thấp tầng thành nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở có nhiều chủ sở hữu, chủ sử dụng thì xử lý như sau:

a) Số nhà mặt đường hoặc trong hẽm, trong hẽm cấp 1 đó vẫn được giữ nguyên số nhà đã được cấp nhưng phải gắn biển mới theo kích thước quy định.

b) Các căn hộ khác (không thuộc phạm vi điều chỉnh tại điểm a, khoản 3 Điều này) của ngôi nhà được đánh số theo nguyên tắc tại Điều 5 của Quy định này.

Điều 21. Trường hợp một căn nhà được phân chia thành 02 căn nhà do phát sinh thêm chủ sở hữu mới thì một căn nhà được mang tên số nhà cũ và một căn nhà được đánh số nhà bằng tên ghép của số nhà cũ và một chữ cái in hoa tiếng Việt. Nếu ngôi nhà được phân chia thành nhiều căn nhà mặt đường hoặc trong hẽm, trong hẽm cấp 1 thì việc ghi chữ cái in hoa tiếng Việt theo thứ tự A, B, C và xác định chiều đánh số nhà theo nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Quy định này. Trường hợp nhà tại khu vực quy định tại Điều 19 của Quy định này, thì chiều đánh số theo hiện trạng.

Điều 22. Trường hợp một đường cũ phân thành nhiều tên đường mới hoặc nhiều đường cũ được nhập thành một đường phố mới thì các nhà mặt đường phải được đánh số và gắn biển số nhà theo quy định tại Điều 4, Điều 14 của Quy định này, nhưng biển số nhà cũ vẫn được giữ lại trong thời hạn 2 năm và được gắn phía dưới biển số nhà mới.

Điều 23. Đánh số nhà bổ sung tại đường đang xây dựng dở dang.

1. Trường hợp đường có ít nhà mới được xây dựng thêm thì nhà mới xây dựng được đánh số theo số nhà chính kèm chữ số bằng chữ cái tiếng Việt theo nguyên tắc quy định tại khoản 1, Điều 20 của Quy định này.

2. Trường hợp đường có nhiều nhà mới được xây dựng thêm và có nhiều nhà đánh số sai nguyên tắc thì được thực hiện việc đánh lại số nhà mới của cả đường đó.

Điều 24. Đối với nhà xây dựng trong khu quy hoạch đô thị, điểm dân cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có chủ đầu tư (các lô đã được phân chia theo quy hoạch được duyệt), khi đánh số nhà cho các căn nhà mới xây dựng xen kẽ một số lô quy hoạch chưa xây dựng thì việc đánh số nhà dựa theo thứ tự các lô đó để đánh số nhà (khi nhà xây dựng xong sẽ đánh số theo nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Quy định này).

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 25. Kinh phí và mức thu lệ phí.

1. Kinh phí để đánh số nhà, gắn biển tên hẽm, hẽm cấp 1 sử dụng kinh phí của ngân sách. Phòng Quản lý đô thị lập kế hoạch, dự trù kinh phí triển khai thực hiện trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt đảm bảo nguyên tắc các bộ phận tham gia vào việc điều tra khảo sát, vẽ sơ đồ tổng thể và số nhà có kinh phí để thực hiện.

Kinh phí gắn biển số (bao gồm biển số nhà; biển số căn hộ; biển số nhóm nhà, ngôi nhà, biển số tầng nhà, cầu thang) sử dụng từ nguồn thu lệ phí cấp biển số nhà.

2. Mức chi trực tiếp cho việc sản xuất và lắp đặt biển số nhà, căn hộ không vượt quá mức quy định về lệ phí cấp biển số nhà; trường hợp phải gắn lại biển số nhà do bị hư hỏng, mất thì mức chi trực tiếp không vượt quá 70% mức cấp mới, trường hợp phải gắn lại biển số nhà do sai sót của các cơ quan chức năng thì không được thu lệ phí cấp biển số nhà.

3. Việc quản lý, sử dụng kinh phí đánh số và gắn biển số nhà, mức thu lệ phí cấp biển số nhà thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 26. Chủ sở hữu nhà hoặc người đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm nộp lệ phí cấp biển số nhà. Trường hợp không xác định chủ sở hữu thì người đang sử dụng có trách nhiệm nộp lệ phí cấp biển số nhà.

Điều 27. Người sử dụng nhà có trách nhiệm giữ gìn bảo vệ biển số nhà đã được gắn. Khi biển số nhà bị hư hỏng, bị mất, chủ sở hữu (hoặc người sử dụng) phải làm đơn đề nghị gắn biển số nhà hoặc thay biển số mới gửi Uỷ ban nhân dân cấp xã. Không được dùng biển số nhà sai quy định, không được để nhà thiếu biển số. Trường hợp nhà có treo biển hiệu mà ghi địa chỉ khác với biển số nhà được gắn theo Quy định này thì phải sửa đổi biển hiệu cho phù hợp.

Điều 28. Người có hành vi vi phạm Quy định này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.

Điều 29. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp.

1. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

a) Xây dựng kế hoạch đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn theo sự hướng dẫn của Sở Xây dựng, lập dự trù kinh phí triển khai thực hiện.

b) Báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh sáu tháng một lần về kết quả thực hiện đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn do mình quản lý.

c) Cấp chứng nhận số nhà cho các hộ được gắn biển theo Quy định này để chủ sở hữu (hoặc người sử dụng) dùng khi cần thiết. Mẫu chứng nhận số nhà được quy định tại phụ lục 1 của Quy định này. Chứng nhận số nhà không thay thế cho việc công nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng, không thay thế cho việc nhập tách hộ khẩu.

d) Thanh tra xử lý các vi phạm về quản lý đánh số và gắn biển số nhà theo thẩm quyền.

2. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã.

a) Triển khai thực hiện đánh số, gắn biển số nhà và trao chứng nhận biển số nhà cho các hộ trên địa bàn.

b) Tuyên truyền phổ biến và đôn đốc tổ chức, hộ gia đình cá nhân trên địa bàn theo thẩm quyền. Báo cáo và kiến nghị xử lý với Uỷ ban nhân dân cấp huyện những trường hợp vượt quá thẩm quyền.

c) Chấp hành quy định về đánh số và gắn biển số nhà; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn theo thẩm quyền.

Điều 30. Trách nhiệm của Sở Xây dựng.

1. Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua để ban hành mức thu lệ phí cấp biển số nhà theo quy định hiện hành.

2. Lập và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn tỉnh.

Hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn.

Điều 31. Các ngành chức năng của tỉnh như Công an tỉnh, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm điều chỉnh việc thay đổi số nhà trong một số giấy tờ liên quan như:

Đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, hộ khẩu,…khi cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu.

Việc cấp biển số nhà không phải là căn cứ cho việc nhập hoặc tách hộ khẩu; căn cứ cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở khi có nhu cầu tách, nhập hộ khẩu, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về Luật Cư trú, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp,…

Điều 32. Điều khoản thi hành

Trong quá trình thực hiện Quy định này nếu gặp khó khăn, vướng mắc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có văn bản phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp tham mưu trình Uỷ ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung./.

 

Phụ lục 1

MẪU CHỨNG NHẬN SỐ NHÀ

TỈNH (THÀNH PHỐ)
………………………
UBND ………
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:     /UB-CN

 

 

CHỨNG NHẬN SỐ NHÀ

Căn cứ quyết định số 05/2006/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành Quy chế đánh số và gắn biển số nhà;

Căn cứ Quyết định số         /200   /QĐ-UB của Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố)... quy định về việc đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn,

Ủy ban nhân dân ........................................................................................................

Chứng nhận ngôi nhà (căn hộ) của ông/bà hoặc cơ quan, tổ chức …………………………… được mang số ………………………………… thay cho số cũ (…………………………………………….).

Toạ lạc tại đường: ............................................ khu ……………..phường (xã, thị trấn): ………….

…………………………………… Quận (huyện): ……………………………………………………….

Giấy chứng nhận này được sử dụng khi hộ gia đình, cơ quan, tổ chức làm các thủ tục liên quan đến địa chỉ./.

 

 

………, ngày .... tháng …năm 200
TUQ. Chủ tịch UBND Quận .........
Trưởng phòng ………

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 108/2007/QĐ-UBND ban hành Quy định đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn tỉnh Bình Dương do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu: 108/2007/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
Người ký: Trần Thị Kim Vân
Ngày ban hành: 11/10/2007
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 108/2007/QĐ-UBND ban hành Quy định đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn tỉnh Bình Dương do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [1]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…