Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 107/2007/QĐ-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 17 tháng 5 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HỆ THỐNG CÂY XANH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20 tháng 12 năm 2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị;

Căn cứ Quyết định số 01/2006/QĐ-BXD ngày 05/01/2006 của Bộ Xây dựng ban hành TCXDVN 362:2005 “Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - tiêu chuẩn thiết kế”;

Theo báo cáo kết quả thẩm định văn bản số 791/BC-STP ngày 06/12/2006 của Sở Tư pháp và đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại các Tờ trình số 1066/TTr-SXD ngày 18/12/2006, số 77/SXD-QLĐT ngày 22/01/2007 và số 384/TTr-SXD ngày 03/5/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là Quy định quản lý hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Quy định gồm 4 chương 14 điều.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Hữu Nghị

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ HỆ THỐNG CÂY XANH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 107/2007/QĐ-UBND ngày 17/5/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

Hệ thống cây xanh trên địa bàn tỉnh là một phần cảnh quan của đô thị, cải thiện môi trường, bao gồm các loại cây thân gỗ, cây phong cảnh, hoa, cỏ được trồng theo quy hoạch dọc trong hành lang bảo vệ đường bộ (vỉa hè, dải phân làn, đảo giao thông), ven biển (nhằm mục đích phòng hộ), tại quảng trường, các đài tưởng niệm, khu dân cư tập trung và các công trình công cộng khác.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia trồng cây xanh theo quy hoạch được duyệt, bảo vệ và quản lý cây xanh.

Nghiêm cấm mọi hành vi tự ý chặt phá, huỷ hoại cây xanh hoặc trồng mới cây xanh không đúng tiêu chuẩn, chủng loại theo quy hoạch được duyệt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với mọi tổ chức và cá nhân có liên quan tới các hoạt động về quản lý, tư vấn, đầu tư phát triển, sử dụng và khai thác cây xanh trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Việc trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh phải thực hiện theo quy hoạch được duyệt, bảo đảm các yêu cầu sau:

1. Tạo được bóng mát, thảm xanh cho công viên, vườn hoa, quảng trường, các đài tưởng niệm, khu dân cư tập trung, hè phố và phần đường xe chạy.

2. Không ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

3. Không làm hư hỏng, ảnh hưởng đến các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị lắp đặt ngầm, trên mặt đất cũng như trên không (giao thông, cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc và các công trình khác); bảo vệ công trình hai bên đường, các công trình công cộng khác.

4. Không trồng hoặc hạn chế trồng các loại cây dễ gãy, đổ gây nguy hiểm.

5. Không trồng các cây tiết ra chất độc hại, cây có mũ độc hoặc hấp dẫn côn trùng có hại làm ảnh hưởng vệ sinh môi trường.

6. Việc lựa chọn chủng loại và trồng cây xanh phải mang bản sắc địa phương, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, các yêu cầu về kiến trúc, cảnh quan đô thị.

(đính kèm Danh mục cây cấm trồng và cây hạn chế trồng)

Điều 4. Đối với những trục đường trong quá trình cải tạo nâng cấp, bị khống chế về mặt bằng và không gian thì tuỳ điều kiện cụ thể có thể giảm bớt cây xanh, chỉ trồng tại những vị trí phù hợp và không gây hư hại các công trình có sẵn. Chú trọng tận dụng những cây xanh hiện có, đặc biệt là những loại cây quý hiếm, lâu năm.

Điều 5. Thiết kế trồng cây xanh đường phố, cây xanh tại quảng trường phải phù hợp với quy hoạch cây xanh được duyệt. Tuỳ thuộc vào cấp, loại, quy mô mặt cắt đường và tính chất của công trình, cây xanh đô thị được trồng theo các dạng sau:

1. Trồng thành hàng trên vỉa hè.

2. Trồng thành hàng trên các dải được tách riêng (có bãi cỏ hoặc không có bãi cỏ).

3. Dải trồng cỏ, trồng hoa với những cây riêng lẻ hay khóm và bụi cây.

4. Bồn hoa trên đảo giao thông.

5. Vườn hoa.

Điều 6. Trước khi thiết kế công trình xây dựng ngầm, trên mặt đất, trên không phải thoả thuận với cơ quan trực tiếp quản lý cây xanh để có giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm sự phát triển của cây xanh hiện có.

Đơn vị thi công công trình có trách nhiệm bảo vệ cây xanh hiện có trong và xung quanh khu vực công trường. Việc chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, chặt rễ, tỉa cành cây xanh tại khu vực thi công phải tuân theo quy định tại Điều 7 Quy định này.

Điều 7.

1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu trồng, chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, chặt rễ, tỉa cành cây xanh do ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước hoặc theo yêu cầu chính đáng khác phải gửi đơn đề nghị đến đơn vị quản lý cây xanh đô thị.

2. Sau khi được cơ quan quản lý cây xanh chấp thuận bằng văn bản cho phép trồng, chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, chặt rễ, tỉa cành cây xanh, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ký hợp đồng với đơn vị quản lý để thực hiện việc trồng, chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, tỉa cành cây xanh theo đúng quy trình kỹ thuật về quản lý cây xanh.

Điều 8.

1. Các hoạt động dịch vụ cung cấp giống, cây trồng, trồng và chăm sóc, duy trì cây xanh đô thị được thực hiện theo hợp đồng với phương thức đặt hàng hoặc đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ.

2. Khuyến khích xã hội hoá công tác quản lý, trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị và phát triển vườn ươm cây theo quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch chuyên ngành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Khuyến khích trồng cây xanh trên các dải đất trống, hành lang an toàn giao thông, khu vực cách ly công trình xử lý rác, nghĩa trang; tận dụng các bãi rác đã ngừng hoạt động chuyển thành vườn ươm cây xanh.

4. Khuyến khích các hộ gia đình tự trồng cây xanh, đặc biệt trồng và chăm sóc cây trước nhà, trên các tuyến phố theo quy hoạch và các quy định về chuẩn loại cây được duyệt.

Điều 9. Hình thức, khoảng cách, đường kính cây trồng

Cây xanh đưa ra trồng phải đảm bảo tiêu chuẩn sau:

a) Cây bóng mát có chiều cao tối thiểu 3m và đường kính thân cây tại chiều cao tiêu chuẩn (là đường kính được tính bằng 1/3 chu vi thân cây tại chiều cao 1,3m) tối thiểu 6cm;

b) Tán cây cân đối, không sâu bệnh, thân cây thẳng.

2. Quy định cụ thể về khoảng cách cây trồng

a) Khoảng cách giữa các cây trồng được quy định tuỳ thuộc vào việc phân loại cây hoặc theo từng vị trí cụ thể của quy hoạch trên khu vực đoạn đường. Chú ý trồng cây ở khoảng trước tường ngăn giữa hai nhà phố, tránh trồng giữa cổng hoặc trước chính diện nhà dân đối với những nơi có chiều rộng hè phố dưới 5m;

b) Khoảng cách các cây được trồng tính từ mép lề đường từ 0,6m đến 1m;

c) Cây xanh đường phố và các dải cây phải hình thành một hệ thống cây xanh liên tục và hoàn chỉnh, không trồng quá nhiều loại cây trên một tuyến phố. Trồng từ một đến hai loại cây đối với các tuyến đường phố, phố có chiều dài từ 2 km trở lên hoặc theo từng cung, đoạn đường;

d) Đối với các dải phân cách có bề rộng dưới 2m chỉ trồng cỏ, các loại cây bụi thấp, cây cảnh. Các dải phân cách có bề rộng từ 2m trở lên có thể trồng các loại cây thân thẳng có chiều cao và bề rộng tán lá không gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, trồng cách điểm đầu dải phân cách, đoạn qua lại giữa hai dải phân cách khoảng từ 3m đến 5m để đảm bảo an toàn giao thông;

e) Cây xanh được trồng cách các góc phố từ 5m đến 8m tính từ điểm lề đường giao nhau gần nhất, không gây ảnh hưởng đến tầm nhìn giao thông;

f) Cây xanh được trồng cách các họng cứu hoả trên đường từ 2m đến 3m; cách cột đèn chiếu sáng và miệng hố ga từ 1m đến 2m;

g) Cây xanh được trồng cách hệ thống đường dây, đường ống kỹ thuật (cấp nước, thoát nước, cáp ngầm) từ 1m đến 2m.

Chương III

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Xây dựng

1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý Nhà nước về cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh.

2. Phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương thực hiện việc du nhập, di thực, lai tạo, gieo ươm, nhân giống các loại cây xanh, hoa cảnh có nguồn gốc từ các địa phương khác.

3. Chỉ đạo Thanh tra Xây dựng thường xuyên kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ cây xanh đô thị.

4. Tổ chức lập, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hoặc ban hành theo ủy quyền danh mục cây cổ thụ, cây cần bảo tồn, cây cấm trồng, cây trồng hạn chế.

5. Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ cây xanh đô thị, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với toàn bộ hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn.

Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

1. Bảo vệ, khai thác, tu bổ vườn ươm, công viên, vườn hoa, đài tưởng niệm, tượng đài, quảng trường và cây xanh trong phạm vi được giao nhiệm vụ quản lý.

2. Nghiên cứu, tổ chức sản xuất và thực hiện các dịch vụ liên quan đến việc ươm, trồng, chăm sóc các loại cây cảnh, hoa kiểng, cỏ trang trí phục vụ cho đơn vị và cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

3. Tổ chức lập kế hoạch duy tu, bảo dưỡng công viên, đài tưởng niệm, quảng trường, cây cảnh, vườn hoa, thảm cỏ và các trang thiết bị khác ở các khu vực do đơn vị quản lý.

4. Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án quy hoạch và phát triển cây xanh đô thị phù hợp với thổ nhưỡng và cảnh quan của tỉnh.

5. Xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn về phát triển, bảo dưỡng cây xanh trên cơ sở Đề án Quy hoạch và phát triển cây xanh đô thị, Quy hoạch tổng thể đô thị đã được duyệt.

6. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan quản lý cây xanh cấp huyện.

1. Lập kế hoạch phát triển cây xanh đường phố, cây xanh tại các khu dân cư, các cơ quan theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Nghiên cứu, tổ chức ươm, trồng các loại cây như: cây xanh đường phố, cây bóng mát, cây chắn gió, cây cách ly nhằm phục vụ các yêu cầu của tỉnh và thực hiện các dịch vụ liên quan đến việc ươm, trồng các loại cây.

3. Quản lý, bảo vệ, khai thác vườn ươm; trồng, quản lý, chăm sóc, bảo dưỡng hệ thống cây xanh đường phố.

4. Tham mưu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đề xuất về chủng loại cây xanh, cỏ, hoa phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu và cảnh quan chung của tỉnh; đồng thời thực hiện việc du nhập, di thực, lai tạo, gieo ươm, nhân giống các loại cây xanh, hoa cảnh có nguồn gốc từ các địa phương khác để áp dụng tại tỉnh.

5. Có trách nhiệm tiếp nhận đơn đề nghị trồng, chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, tỉa cành cây xanh của các tổ chức, cá nhân và kiểm tra, đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp giải quyết theo thẩm quyền.

6. Tổ chức thực hiện việc trồng, chặt hạ, chặt nhánh, dịch chuyển, tỉa cành cây xanh đô thị theo kế hoạch hàng năm được duyệt.

7. Phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, vận động thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng chăm sóc, bảo vệ, quản lý và phát triển cây xanh trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức hướng dẫn địa phương, cơ quan, đơn vị trồng, phát triển cây xanh theo quy hoạch.

8. Thường xuyên kiểm tra quản lý cây xanh, đề xuất chặt hạ những cây xanh do tổ chức, cá nhân tự trồng không đúng quy hoạch đã được duyệt; kiến nghị các địa phương, các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến cây xanh ở các khu vực do địa phương, đơn vị quản lý.

9. Tổ chức lập kế hoạch trồng dặm cây xanh bị chết khô, bị ngã đổ do mưa bão, bị sâu bệnh và bị rỗng ruột không còn khả năng phát triển trên địa bàn tỉnh.

10. Giải quyết việc trồng, chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, chặt rễ, tỉa cành cây xanh đô thị:

a) Giải quyết chặt hạ cây chết khô; cây do gió, mưa, bão làm gãy đổ; cây do sâu bệnh và cây rỗng ruột không còn khả năng phát triển, chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, tỉa cành cây xanh nhằm bảo vệ an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước;

b) Giải quyết trồng, chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, chặt rễ, tỉa cành cây xanh theo yêu cầu chính đáng của các tổ chức, cá nhân;

Riêng việc chặt hạ cây xanh đường phố có độ tuổi từ 15 năm trở lên phải được sự đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố.

11. Chịu trách nhiệm dân sự về hậu quả do cây xanh của đơn vị gây ra theo quy định của Luật Dân sự năm 2005.

12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố giao.

Điều 13. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

1. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn hiểu về vai trò, lợi ích của hệ thống cây xanh nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ và chăm sóc cây xanh đô thị.

2. Tổ chức bàn giao việc giữ gìn và bảo quản cây xanh cho từng cơ quan, hộ gia đình có cây xanh gần cơ quan, gần nhà.

3. Lập biên bản đình chỉ hành vi vi phạm; xử phạt theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử phạt và báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về các hành vi vi phạm trong quản lý, bảo vệ hệ thống cây xanh đô thị.

4. Phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát việc trồng, chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, tỉa cành cây xanh đường phố theo đúng quy định.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm triển khai và hướng dẫn thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện Quy định này nếu gặp khó khăn, vướng mắc, cá nhân và tổ chức có liên quan phản ánh kịp thời về Sở Xây dựng tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi và bổ sung./.

 

DANH MỤC

CÂY CẤM TRỒNG HOẶC HẠN CHẾ TRỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 107/2007/QĐ-UBND ngày 17/5/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

STT

TÊN CÂY

Đặc tính

1

Bã đậu

Có mủ độc, vỏ có gai, gây nguy hiểm

2

Trúc Đào

Có mủ độc, dễ gãy, đổ, gây nguy hiểm

3

Dâu da xoan

Cành nhánh mềm, dễ gãy, đổ, gây nguy hiểm

4

Thông Thiên

Có mủ độc, gây nguy hiểm

5

Cây Trứng cá

Rụng lá nhiều, có sâu bệnh

6

Hoa sữa

Có mùi thơm hắc

7

Cây Bàng

Rụng lá nhiều, có sâu bệnh

8

Xà cừ

Rễ ăn nổi, dễ gãy, đổ

9

Trôm mủ

Có mùi thơm hắc.

10

Bạch đàn

Có tán lá thưa và nhỏ

11

Cây Sấu, Giổi, Mỡ, Trám, Long não, Kim giao, Sau Sau, Thông

Không phù hợp với khí hậu khô và nóng

12

Vú sữa, Nhãn, Mận

Cây ăn quả

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 107/2007/QĐ-UBND về Quy định quản lý hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu: 107/2007/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
Người ký: Đỗ Hữu Nghị
Ngày ban hành: 17/05/2007
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 107/2007/QĐ-UBND về Quy định quản lý hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [2]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…