HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 97/NQ-HĐND |
Vĩnh Phúc, ngày 11 tháng 12 năm 2019 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHÓA XVI KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 90/BC-ĐGS ngày 03 tháng 12 năm 2019 của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát tình hình sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Trong những năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên nước, xây dựng công trình tạo nguồn nước đảm bảo vệ sinh cung cấp cho nhân dân vùng nông thôn; ban hành quy hoạch, quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện.
Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước, người dân vùng nông thôn đã chủ động tự xây dựng, khai thác nguồn nước nhỏ lẻ phục vụ cuộc sống sinh hoạt, mua sắm các thiết bị lọc nước để sử dụng hàng ngày. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 82% số hộ dân vùng nông thôn đang sử dụng nguồn nước từ các công trình khai thác nước nhỏ lẻ tại gia đình và có khoảng 18% số hộ gia đình vùng nông thôn được sử dụng nguồn nước từ các công trình cấp nước tập trung; tỷ lệ người dân vùng nông thôn dùng nước hợp vệ sinh đạt 98,12%, trong đó số hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt 55,46% theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt 02:2009/BYT.
Đến nay, UBND tỉnh đã bố trí 603,6 tỷ đồng đầu tư xây dựng và cải tạo 50 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho vùng nông thôn, nhiều công trình đã phát huy hiệu quả, góp phần cung cấp nguồn nước cho nhân dân vùng nông thôn.
Hàng năm giao cho Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn là đầu mối tổ chức điều tra Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong 3 năm (2016, 2017, 2018) đã bố trí 796.068.000 đồng để lấy và phân tích 622 mẫu nước kiểm tra đại diện chất lượng nguồn nước người dân vùng nông thôn đang sử dụng.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 8 năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 50.188 lượt hộ gia đình vùng nông thôn được vay vốn ưu đãi để tự xây dựng và cải tạo công trình nước nhỏ lẻ phục vụ sinh hoạt với số tiền 134.786 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, sử dụng nước hợp vệ sinh vùng nông thôn vẫn còn một số hạn chế, bất cập:
Ủy ban nhân dân tỉnh chưa kịp thời chỉ đạo việc tổ chức lập nội dung phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả, phát triển bền vững tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh; chưa kịp thời chỉ đạo việc rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch đã được phê duyệt và lập phương án, kế hoạch phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 và yêu cầu thực tiễn về hiệu quả việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt cho các vùng dân cư nông thôn.
Công tác khảo sát, thiết kế, lập dự án, bố trí địa điểm xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho nhân dân vùng nông thôn nhiều năm trước đây còn dàn trải, chưa sát thực tế, chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn, chất lượng xây dựng nhiều công trình cấp nước chưa đảm bảo.
Việc sử dụng ngân sách đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung nhiều năm trước đây chưa hiệu quả. Ban Dân tộc tỉnh được giao làm chủ đầu tư xây dựng 32 công trình, đến nay đã bàn giao được 27 công trình (còn 05 công trình chưa bàn giao); trong đó có 20/27 công trình đã bàn giao nhưng không hoạt động. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao làm chủ đầu tư xây dựng 15 công trình, trong đó có 01 công trình hoạt động chưa hiệu quả, còn 03/15 công trình hiện không hoạt động.
Công tác huy động, xã hội hóa và bố trí ngân sách trong đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung cho vùng nông thôn còn hạn chế; từ năm 2016 đến năm 2019 tỉnh mới thực hiện được 268 tỷ đồng (đạt 37,6%) trong khi tổng nguồn vốn nhu cầu theo quy hoạch giai đoạn 2016 - 2019 là 711,5 tỷ đồng.
Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung chưa thường xuyên, chặt chẽ.
Tỷ lệ người nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh còn thấp (69,72%), thấp hơn so với bình quân chung tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (98,12%). số hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đạt 55,46% thấp hơn so với tiêu chí số 17.1 tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định (Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 đối với khu vực Đồng Bằng Sông Hồng[1]). Trên địa bàn tỉnh còn 70/110 xã (chiếm 63,64% số xã) chưa được đầu tư công trình cấp nước tập trung. So với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng Bằng Sông Hồng tỷ lệ người dân vùng nông thôn Vĩnh Phúc đứng thấp nhất về sử dụng nước sạch, đứng thứ 7/11 về sử dụng nước hợp vệ sinh.
Đối với cấp tỉnh, số mẫu nước được lấy còn ít, phạm vi địa bàn thu hẹp chưa đáp ứng theo quy định (quy định từ 3% đến 5% tổng số hộ dân vùng nông thôn); cấp huyện chưa dành kinh phí để tiến hành kiểm nghiệm đánh giá chất lượng nguồn nước từ công trình nhỏ lẻ hộ gia đình, để công bố cho người dân biết tình trạng nguồn nước đang sử dụng.
Công tác tuyên truyền, vận động chưa hiệu quả, một bộ phận người dân chưa mặn mà sử dụng nguồn nước từ các công trình cấp nước tập trung, chưa đấu nối nguồn nước máy, duy trì thói quen sử dụng nước giếng đào, giếng khoan.
Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện sơ kết, tổng kết chưa được quan tâm để đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm về đầu tư, xây dựng công trình, cấp nước tập trung; dẫn đến không kịp thời điều chỉnh việc lập dự án, thiết kế, thi công, bố trí kinh phí xây dựng các công trình cấp nước tập trung, việc đầu tư xây dựng không hiệu quả kéo dài mà vẫn tiếp tục thực hiện trong nhiều năm.
Công tác thanh tra, kiểm tra về đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung chưa quan tâm, chưa thực hiện thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện những hạn chế bất cập; chưa xử lý được trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến việc nhiều công trình cấp nước tập trung không hoạt động và hoạt động không hiệu quả.
Những hạn chế, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là: Các ngành, các cấp, chính quyền nhiều địa phương chưa thực sự coi trọng việc tạo nguồn nước đảm bảo vệ sinh phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân vùng nông thôn, chưa coi đây là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách nên việc bố trí vốn còn hạn chế, đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung chưa kịp thời. Công tác quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, chưa quan tâm đúng mức đối với vấn đề nước hợp vệ sinh và nước sạch vùng nông thôn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa sát sao, thiếu quyết liệt, nhiều nơi có biểu hiện buông lỏng quản lý nên khó khăn trong việc quy trách nhiệm. Công tác phối hợp thực hiện giữa ngành và cấp, ngành với ngành chua chặt chẽ trước, trong và sau xây dựng, chưa có cơ chế vận hành hiệu quả công trình sau bàn giao, phân công người quản lý vận hành không có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực nước. Công tác đầu tư, lập dự án, bố trí vốn xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nhiều năm trước còn dàn trải, một số năm gần đây bố trí nguồn vốn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việc khảo sát, thiết kế, đặt vị trí xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nhiều năm về trước chưa sát thực và chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân; chất lượng xây dựng công trình chưa đảm bảo, nên hiệu quả đầu tư và sử dụng thấp. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, sâu rộng, do vậy nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận người dân chưa cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết chưa được chú trọng; việc phát hiện, xử lý giải quyết hạn chế bất cập, vướng mắc phát sinh chưa kịp thời. Không có sự điều chỉnh kịp thời trong lập dự án, thiết kế, đầu tư công trình cấp nước tập trung. Chưa ban hành được cơ chế chính sách đặc thù tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng công trình nước sạch phục vụ người dân.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ sau:
1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã làm tốt công tác quản lý về lĩnh vực nước hợp vệ sinh, tiến tới nước sạch đối với vùng nông thôn; phối hợp chặt chẽ giữa ngành với ngành và các cấp; chủ động tham mưu đề xuất cơ chế chính sách tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân được sử dụng nguồn nước đảm bảo hợp vệ sinh, hướng đến nước sạch, đưa tỷ lệ người dân vùng nông thôn được dùng nước sạch ngày càng tăng cao và bền vững.
2. Tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại từng công trình cấp nước tập trung hiện không hoạt động, hoạt động không hiệu quả, gắn với đánh giá nhu cầu sử dụng nước của nhân dân địa phương nơi có công trình song trước ngày 30 tháng 6 năm 2020; từ đó xem xét công trình nào có thể cải tạo điều chỉnh công năng thành công trình nước sạch và cấp nước đến từng hộ gia đình; công trình nào có thể sửa chữa, công trình nào phải thanh lý. Đồng thời, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý đối với cá nhân, tập thể có liên quan đến việc nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung không hoạt động, gây lãng phí.
3. Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung; quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước, bảo vệ công trình cấp nước, cũng như thu thập, điều tra đánh giá, phân tích, xét nghiệm nguồn nước nhất là đối với công trình tự khai thác nhỏ lẻ hộ gia đình, để khoanh vùng khu vực nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, nguy cơ bị ô nhiễm để cảnh báo cho người dân biết.
4. Trong năm 2020 tổ chức lập nội dung phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả, phát triển bền vững tài nguyên nước mặt của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục rà soát các quy hoạch liên quan đến quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn nước, xây dựng công trình cấp nước và đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện quy hoạch, những nội dung bất cập phải điều chỉnh, bổ sung bằng các phương án, kế hoạch cho phù hợp yêu cầu thực tiễn và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch tổng thể cấp nước sinh hoạt đã được phê duyệt. Trước mắt, ưu tiên đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch cho những vùng bị ô nhiễm nguồn nước ngầm, vùng khó khăn, vùng miền núi, vùng đồng bằng đông dân cư. Có chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách được sử dụng nguồn nước sạch.
5. Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung, với quy mô cung cấp nước cụm xã phục vụ nhân dân, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước; có cơ chế chính sách hỗ trợ người dân về giá nước sạch, để khuyến khích người dân sử dụng nước sạch, nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch lên cao.
6. Nghiên cứu giao một cơ quan, đơn vị làm đầu mối quản lý nhà nước về nước hợp vệ sinh và nước sạch trên địa bàn tỉnh; phải là cơ quan, đơn vị có chuyên môn sâu, có đủ năng lực xây dựng và quản lý, vận hành khai thác công trình làm chủ đầu tư xây dựng mới và cải tạo công trình cấp nước tập trung để đảm bảo chất lượng và hiệu quả đầu tư xây dựng công trình và phục vụ người dân tốt nhất.
7. Bố trí nguồn kinh phí đảm bảo để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện một số công trình, dự án cấp nước tập trung theo quy hoạch các giai đoạn 2016- 2020 và 2021 - 2030 theo hướng nước sạch. Bố trí nguồn kinh phí cải tạo, sửa chữa, điều chỉnh công nàng của một số công trình cấp nước tập trung hoạt động có hiệu quả đã và đang bị xuống cấp. Chỉ đạo khai thác sử dụng tối đa công suất các nhà máy nước, các công trình cấp nước tập trung mới được đầu tư xây dựng, tiến hành mở rộng mạng lưới địa bàn cung cấp nước sinh hoạt cho những vùng dân cư lân cận, hỗ trợ người dân chi phí đấu nối sử dụng nguồn nước sạch từ các công trình tập trung. Bố trí nguồn kinh phí theo quy định tại Thông tư số 50/2015/TT-BYT ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế Quy định việc kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt.
8. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời xử lý giải quyết các vướng mắc và định kỳ đánh giá sơ kết, tổng kết về công tác đầu tư, xây dựng công trình cấp nước tập trung vùng nông thôn.
1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Khoá XVI, Kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2019 và có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
CHỦ TỊCH |
[1] Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh trên hoặc bằng 98% và nước sạch theo quy định đạt trên hoặc bằng 65%
Nghị quyết 97/NQ-HĐND năm 2019 về tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng nước hợp vệ sinh vùng nông thôn và khai thác sử dụng các công trình cấp nước tập trung cho Nhân dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Số hiệu: | 97/NQ-HĐND |
---|---|
Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Vĩnh Phúc |
Người ký: | Trần Văn Vinh |
Ngày ban hành: | 11/12/2019 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Nghị quyết 97/NQ-HĐND năm 2019 về tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng nước hợp vệ sinh vùng nông thôn và khai thác sử dụng các công trình cấp nước tập trung cho Nhân dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Chưa có Video