Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 98/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 11 tháng 6 năm 202

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH TUYÊN QUANG, GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 357/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 54-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Kế hoạch số 410-KH/TU ngày 20/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 54-KL/TW của Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Căn cứ Kết luận số 170-KL/TU ngày 17/3/2021 của Tỉnh ủy về Kết luận Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy (kỳ họp thứ 7, nhiệm kỳ 2020-2025)

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là cơ sở để các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các xã xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và hàng năm.

- Phát huy vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội, phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động tham gia trực tiếp của người dân để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo nguyên tắc tập trung cho cơ sở.

- Công tác tuyên truyền vận động phải bám sát vào mục tiêu kế hoạch đề ra, huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện Chương trình, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ và nhân dân trong việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

- Quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì của các cấp, các ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các xã trong việc xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, đảm bảo hiệu quả, toàn diện, bền vững.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục, lâu dài theo hướng bền vững với sự tham gia của người dân là chủ yếu; lồng ghép có hiệu quả nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn nông thôn; nâng cao chất lượng Chương trình xây dựng nông thôn mới bằng xây dựng xã nông thôn nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, thôn nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới. Tăng cường quản lý, xây dựng và bảo vệ môi trường nông thôn, phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản hàng hóa. Triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; hướng mạnh việc sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, bảo đảm quy mô, tính chuyên nghiệp để khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Toàn tỉnh có trên 68% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (85/124 xã), trong đó: Duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí của 47 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu có thêm ít nhất 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trên 30% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu trong tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới; nâng số tiêu chí bình quân chung toàn tỉnh trên 17 tiêu chí/xã.

(Chi tiết kế hoạch và lộ trình thực hiện hàng năm có biểu số 02, 03 kèm theo).

2.2. Có thêm Huyện Hàm Yên đạt chuẩn huyện nông thôn mới; duy trì, giữ vững thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

2.3. Về hạ tầng kinh tế - xã hội: 100% số xã có cơ sở hạ tầng thuỷ lợi đạt chuẩn theo quy định (đảm bảo tỷ lệ tưới chắc cho lúa trên 80%); 100% số xã có cơ sở hạ tầng lưới điện đạt chuẩn theo quy định (100% số thôn và 99,5% số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh sử dụng điện lưới quốc gia); 100% số xã có cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, cơ sở hạ tầng thông tin - truyền thông, nhà ở dân cư đạt chuẩn theo quy định, đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; trên 68% số xã có cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa đạt chuẩn theo quy định.

2.4. Đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tăng trưởng từ 14% trở lên.

2.5. Thu nhập trên ha canh tác bình quân 120 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 44 triệu đồng/người/năm.

2.6. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2-2,5%/năm theo quy định hiện hành.

2.7. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học từ mức độ 2 trở lên, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: Mầm non trên 53%, tiểu học trên 70%, trung học cơ sở trên 70% và trung học phổ thông trên 35%.

2.8. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 72%, trong đó có bằng, chứng chỉ trên 30%.

2.9. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) dưới 20%; phấn đấu 100% người dân có thẻ Bảo hiểm Y tế.

2.10. Trên 90% hộ gia đình đạt gia đình văn hoá; trên 80% số thôn, tổ dân phố đạt thôn, tổ dân phố văn hoá.

2.11. 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn; trên 96% chất thải rắn thông thường được xử lý theo quy định.

2.12. Phấn đấu 100% số xã trên địa bàn tỉnh có ít nhất 01 thôn đạt chuẩn “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu” và 02 vườn hộ gia đình đạt chuẩn “Vườn mẫu nông thôn mới”.

III. NỘI DUNG VÀ KẾ HOẠCH KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nội dung thực hiện

Triển khai đồng bộ các tiêu chí huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới, thôn nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới gắn với các nội dung, nhiệm vụ cụ thể:

1.1. Quy hoạch: Hỗ trợ 73 xã (ưu tiên hỗ trợ xã đăng ký hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu) triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

1.2. Giao thông: Thực hiện chỉnh trang đường đô thị theo tiêu chí đô thị văn minh, xây dựng 50,1 km tuyến đường huyện (tuyến đường kết nối với các xã) và xây dựng 03 bến xe gắn với mục tiêu xây dựng huyện Hàm Yên đạt chuẩn nông thôn mới; 34,5 km đường trung tâm xã theo hướng đô thị; 1.640,1 km đường giao thông nông thôn (gồm: 230,5 km đường trục xã, liên xã; 628,2 km đường trục thôn, liên thôn; 321,4 km đường ngõ xóm; 460 km đường giao thông nội đồng) và 200 công trình cầu trên đường giao thông nông thôn.

1.3. Thủy lợi: Xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 114 công trình thủy lợi đầu mối, kè chống thiên tai; thực hiện kiên cố hóa 306,4 km kênh mương.

1.4. Điện: Xây dựng, sửa chữa 174 công trình hạ tầng lưới điện (trạm biến áp) và 728 km đường dây trung áp, hạ áp.

1.5. Trường học: Xây dựng 148 công trình trường học các cấp, gồm: 50 công trình trường Mầm non, mẫu giáo; 48 công trình trường Tiểu học; 49 công trình trường Trung học cơ sở và 01 công trình trường Trung học phổ thông thuộc huyện Hàm Yên.

1.6. Cơ sở vật chất văn hóa: Xây dựng sân vận động, trung tâm văn hóa - thể thao huyện gắn với mục tiêu xây dựng huyện Hàm Yên đạt chuẩn nông thôn mới; 33 nhà văn hóa và 39 sân thể thao xã; 172 nhà văn hóa và 43 sân thể thao thôn; thực hiện hỗ trợ trang thiết bị cho 562 nhà văn hóa thôn.

1.7. Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn: Hỗ trợ 24 xã có quy hoạch chợ nông thôn theo quy hoạch chung cấp huyện thực hiện nâng cấp, cải tạo chợ.

1.8. Thông tin và truyền thông: Nâng cấp Trung tâm Phát thanh huyện gắn với mục tiêu xây dựng huyện Hàm Yên đạt chuẩn nông thôn mới; nâng cấp, sửa chữa 15 điểm bưu điện văn hóa xã và nâng cấp 05 Đài Truyền thanh cơ sở của 05 xã.

1.9. Nhà ở dân cư: Huy động nguồn vốn tín dụng theo chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và đóng góp của nhân dân để thực hiện xóa 2.695 nhà tạm.

1.10. Kinh tế và tổ chức sản xuất: Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất và tiếp tục triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Trung ương, của tỉnh về khuyến khích phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, kết hợp lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, nguồn vốn tín dụng để tổ chức thực hiện. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, kết hợp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhất là các sản phẩm có lợi thế, giá trị gia tăng cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững.

1.11. Y tế: Xây dựng Trung tâm y tế huyện Hàm Yên gắn với mục tiêu xây dựng huyện Hàm Yên đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng, nâng cấp 41 trạm y tế xã và bổ sung trang thiết bị cho 10 trạm Y tế xã.

1.12. Môi trường: Xây dựng 02 bãi chôn lấp rác thải, 01 nhà máy xử lý rác thải, xử lý rác thải cụm công nghiệp và tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn huyện gắn với mục tiêu xây dựng huyện Hàm Yên đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng 73 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; 5.004 nhà tắm; 5.817 nhà tiêu; 3.990 chuồng trại chăn nuôi; 38 điểm thu gom rác, trang bị xe chở rác tại các thôn; 12 bãi tập kết và xử lý rác thải cụm xã và 68 nghĩa trang theo quy hoạch.

1.13. Xây dựng thôn mẫu: Lựa chọn 133 thôn thực hiện chỉ đạo xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

1.14. Xây dựng vườn mẫu: Lựa chọn 268 vườn hộ gia đình thực hiện chỉ đạo xây dựng vườn mẫu nông thôn mới.

2. Kế hoạch kinh phí thực hiện

Tổng kinh phí thực hiện: 11.296,6 tỷ đồng, trong đó:

2.1. Ngân sách nhà nước: 4.724,7 tỷ đồng, chiếm 41,8% tổng kế hoạch kinh phí thực hiện, gồm:

- Vốn đầu tư phát triển: 4.372,3 tỷ đồng, chiếm 92,5% nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.

- Vốn sự nghiệp: 352,4 tỷ đồng, chiếm 7,5% nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.

2.2. Vốn tín dụng: 5.006,1 tỷ đồng, chiếm 44,3% tổng kế hoạch kinh phí thực hiện (xây dựng nhà ở dân cư; vay vốn phát triển kinh tế theo chính sách của tỉnh).

2.3. Vốn doanh nghiệp: 573,2 tỷ đồng, chiếm 5,1% tổng kế hoạch kinh phí thực hiện (hỗ trợ đầu tư thực hiện tiêu chí điện, thông tin truyền thông; hỗ trợ phát triển sản xuất; thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới trên địa bàn huyện Hàm Yên).

2.4. Vốn nhân dân đóng góp: 992,6 tỷ đồng, chiếm 8,8% (xây dựng đường giao thông thôn; cơ sở vật chất văn hóa thôn; xóa nhà tạm dột nát; xây dựng công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi; phát triển kinh tế, xây dựng thôn mẫu, vườn mẫu; thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới trên địa bàn huyện Hàm Yên. …).

(Chi tiết nội dung, kế hoạch kinh phí và phân kỳ đầu tư thực hiện từ biểu số 04-09 kèm theo)

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và cơ quan tham mưu giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp; làm tốt công tác, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình xây dựng nông thôn mới

a) Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025. Tiếp tục triển khai kế hoạch duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn, kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu và huyện nông thôn mới theo Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025; rà soát lựa chọn thôn, vườn hộ gia đình đủ điều kiện để triển khai kế hoạch xây dựng: thôn nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới, làng văn hóa, mô hình kinh tế trang trại, gia trại,… gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển nông thôn với phát triển du lịch. Xây dựng kế hoạch triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025.

b) Rà soát, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo nông thôn mới các cấp; điều chỉnh, bổ sung quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo, gắn trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức tham gia thành viên Ban Chỉ đạo các cấp.

c) Rà soát, kiện toàn bộ máy giúp việc Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp và bố trí công chức cấp xã chuyên trách theo dõi Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bố trí đủ số lượng và nâng cao tính chuyên nghiệp, ổn định và hiệu quả hoạt động của cơ quan tham mưu giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp trong công tác tham mưu điều phối, quản lý Chương trình xây dựng nông thôn mới. Phân công nhiệm vụ cụ thể xây dựng nông thôn mới gắn với trách nhiệm của các sở, ngành cấp tỉnh và các phòng, ban, đơn vị cấp huyện, xã. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo các cấp. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng nông thôn mới.

d) Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới, coi trọng đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ trong thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức cho các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và cán bộ trực tiếp tham mưu thực hiện Chương trình của các sở, ngành đi thăm quan, học tập kinh nghiệm về thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các tỉnh, thành phố.

2. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân; tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng

- Tiếp tục đổi mới tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và người dân về quan điểm, chủ trương, mục tiêu, tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, cách làm hay, sáng tạo thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; thăm quan các mô hình điểm, các hình thức sinh hoạt cộng đồng... nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về xây dựng nông thôn mới; phát huy cao độ vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”; mỗi cơ quan, đoàn thể ở các cấp, các ngành đều phải có việc làm cụ thể, thiết thực về xây dựng nông thôn mới, coi đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở chủ trì cùng các tổ chức chính trị - xã hội đóng vai trò nòng cốt trong vận động, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, hội viên, đoàn viên tham gia xây dựng nông thôn mới nhằm thống nhất về nhận thức, đồng thuận về quan điểm để tuyên truyền, vận động và chỉ đạo xây dựng nông thôn mới từ nhà ra ngõ, từ thôn lên xã, lên huyện; xác định rõ hơn vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong việc bàn và quyết định các nội dung nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

- Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng các xã, thôn có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới; các tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến, có thành tích nổi bật trong thực hiện phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” để nhân ra diện rộng.

3. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới

- Triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, nhất là các cơ chế, chính sách có liên quan đến đất đai, thuế, tín dụng, điện năng, môi trường, thị trường, lao động, đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, thu hút đầu tư, phát triển liên kết giữa doanh nghiệp, Hợp tác xã với hộ nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và các chủ trương, chính sách hiện hành của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

- Rà soát, đánh giá cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh, kịp thời bổ sung, sửa đổi, ban hành chính sách: Đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, đúng phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, theo hướng tạo thuận lợi để người dân, các cấp ủy, chính quyền cơ sở chủ động triển khai thực hiện. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và vườn hộ gia đình đạt chuẩn vườn mẫu nông thôn mới.

4. Đa dạng các nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới

a) Tăng cường các giải pháp và đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực thực hiện Chương trình:

- Thực hiện theo cơ chế chính sách của Trung ương và của tỉnh liên quan đến phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn.

- Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn, bao gồm:

+ Vốn hỗ trợ trực tiếp của chương trình: Từ ngân sách Trung ương; vốn trái phiếu Chính phủ; vốn ngân sách tỉnh, huyện, xã.

+ Vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2020; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội đang triển khai trên địa bàn nông thôn.

- Huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi trực tiếp; doanh nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ sau đầu tư và được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật.

- Các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân cho từng dự án, công trình, cụ thể do nhân dân tự bàn, quyết định và báo cáo với cấp ủy, chính quyền xã.

- Các khoản viện trợ không hoàn lại của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các dự án đầu tư.

- Nguồn vốn tín dụng.

- Huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác.

b) Ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện dứt điểm từng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu (không bố trí nguồn lực dàn trải) và huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo lộ trình, kế hoạch thực hiện hàng năm; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thực hiện các tiêu chí theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới.

5. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thực hiện Chương trình

a) Tăng cường chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thực hiện Chương trình đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra: Các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch chi tiết và lộ trình cụ thể để thực hiện từng chỉ tiêu, tiêu chí đạt chuẩn thuộc lĩnh vực ngành quản lý và địa bàn được phân công phụ trách. Kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình và hướng dẫn cấp xã tổ chức thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Kịp thời phát hiện, đề xuất thu hồi Quyết định công nhận đạt chuẩn đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu mà không duy trì, giữ vững tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quy định.

b) Các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương chủ động tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai xây dựng nông thôn mới:

- Trọng tâm là kiểm tra kết quả thực hiện các mục tiêu hàng năm theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025; công tác phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cho xây dựng nông thôn mới; đảm bảo nguồn vốn phải được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân nông thôn.

- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới hàng năm gắn với kiểm tra xã thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu và thôn nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới; tổ chức hội nghị giao ban hàng quý đối với địa phương và các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.

6. Huy động nhân dân tập trung phát triển kinh tế; phát triển kinh tế hợp tác, Hợp tác xã, trang trại, gia trại,…; tham gia thực hiện các chính khuyến khích phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” gắn với xây dựng “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu” và “Vườn mẫu nông thôn mới”; chủ động thực hiện chỉnh trang khuôn viên nhà ở, xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch của hộ gia đình, tự nâng cấp cải tạo hệ thống điện gia đình đạt chuẩn; vệ sinh đường làng ngõ xóm, bảo vệ cảnh quan môi trường khu vực nông thôn.

7. Cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc tham gia tuyên truyền và chủ động thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới, đóng góp xây dựng các hạng mục công trình công cộng và cải tạo khuôn viên của gia đình, sắp xếp nơi ở gọn gàng, hợp vệ sinh; thực hiện nếp sống văn hoá...

8. Nâng cao chất lượng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn xã; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định; chú trọng làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp.

V. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các xã chủ động thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo biểu số 01 kèm theo Kế hoạch này.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, trường hợp cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể của Kế hoạch này, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

3. Chế độ báo cáo

- Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã cho Ban Chỉ đạo huyện trước ngày 05 của tháng đầu quý tiếp theo.

- Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện, thành phố, các sở, ban, ngành của tỉnh báo cáo kết quả thực hiện theo lĩnh vực phụ trách cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh trước ngày 10 của tháng đầu quý tiếp theo.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hàng quý, sáu tháng, cả năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện với Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.

 


Nơi nhận:
- BCĐTW CTMTQG XDNTM;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ, các đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND huyện, thành phố;
- Chánh VP, các PCVP UBND tỉnh;
- VPĐP Chương trình MTQGXDNTM;
- Lưu VT (Hòa).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Giang

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 98/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu: 98/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
Người ký: Nguyễn Thế Giang
Ngày ban hành: 11/06/2021
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 98/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [7]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…