ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 146/KH-UBND |
Lạng Sơn, ngày 23 tháng 06 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “LẠNG SƠN CÙNG CẢ NƯỚC CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI” GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 46-NQ/TU ngày 08/9/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025;
Thực hiện Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025;
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Phong trào thi đua) như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chủ động, trách nhiệm, tích cực tham gia thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
2. Yêu cầu
- Phong trào thi đua tiếp tục là một trong những phong trào trọng tâm của tỉnh và hoạt động của cụm, khối thi đua; hàng năm đánh giá kết quả phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và bình xét thi đua, khen thưởng của các cơ quan, đơn vị.
- Phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh với nội dung, hình thức phong phú, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn; gắn triển khai Phong trào xây dựng nông thôn mới với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tránh trùng lặp, chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện.
- Đến năm 2025 tiến hành tổng kết phong trào thi đua và biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay, các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025.
II. NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA
1. Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 115/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 63,5% (bình quân mỗi năm có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới). Bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh đạt 15 tiêu chí, không có xã dưới 10 tiêu chí; xây dựng và công nhận 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bình quân mỗi xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn đạt 9 tiêu chí; có 12 xã nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng và công nhận mới 30 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
2. Các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua; tập trung xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
3. UBND các huyện, thành phố tiếp tục phát động, hướng dẫn, đổi mới nội dung, hình thức triển khai thực hiện Phong trào thi đua trên địa bàn, trong đó chú trọng:
- Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, từng địa bàn làm mục tiêu để tổ chức, triển khai, đánh giá Phong trào thi đua.
- Phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh trong triển khai thực hiện Phong trào thi đua.
- Huy động các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh và nước ngoài tích cực tham gia, đóng góp trí tuệ, vật chất, công sức, phát huy nội lực và đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng nông thôn mới.
- Tuyên truyền, vận động củng cố, tăng cường sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân để chung sức xây dựng nông thôn mới.
- Từng cấp, từng ngành phấn đấu hoàn thành sớm hoặc đúng theo Kế hoạch, có chất lượng các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới.
4. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên các cấp tuyên truyền, vận động, tăng cường sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân để chung sức xây dựng nông thôn mới; vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực Phong trào thi đua gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tổ chức giám sát thực hiện xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của Phong trào thi đua.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các cụm, khối thi đua căn cứ đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ và đối tượng cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức “Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, thường xuyên, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc”, xây dựng nông thôn mới bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, bền vững, lấy người dân làm chủ thể tham gia và hưởng thụ thành quả của nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, qua đó tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện Phong trào thi đua giai đoạn 2021 - 2025.
2. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng cường thời lượng, bám sát cơ sở nhằm phát hiện, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay, các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện Phong trào thi đua.
3. Các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua trong giai đoạn mới với nội dung, tiêu chí, tiêu chuẩn, biện pháp cụ thể, tránh hình thức, lãng phí; chú trọng chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm để nhân rộng cách làm hay, mô hình mới, hiệu quả; tổ chức sơ kết, tổng kết Phong trào thi đua theo đúng tiến độ.
IV. ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHÍ THI ĐUA VÀ HÌNH THỨC, TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG
1. Đối tượng, tiêu chí thi đua
a) Đối với các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
- Hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ các nhiệm vụ của thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Lạng Sơn theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh.
- Nghiên cứu để kịp thời tham mưu UBND tỉnh các cơ chế, chính sách thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, người dân thực hiện Phong trào thi đua, tạo sự đồng thuận, lan tỏa trong xã hội về xây dựng nông thôn mới.
- Tiếp tục đăng ký và tham gia chỉ đạo, hỗ trợ (có địa chỉ và kết quả cụ thể) đối với địa phương trong xây dựng nông thôn mới.
b) Đối với UBND các huyện, thành phố
- Duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao.
- Có xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu hoặc xã có nỗ lực, phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
- Có nhiều mô hình trên các lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế nông nghiệp gắn với biến đổi khí hậu, phát triển du lịch nông thôn gắn với phát triển làng nghề và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả; ban hành, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có hiệu quả; triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương, của tỉnh và là đơn vị tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới so với các đơn vị khác khối thi đua.
- Các huyện, thành phố không nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
c) Đối với cấp xã
- Giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới toàn diện, nổi bật.
- Đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và là xã tiêu biểu trong Phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện; không nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
d) Đối với cấp thôn
Thôn có Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và được công nhận đạt chuẩn, là thôn tiêu biểu của xã, có nhiều thành tích trong xây dựng nông thôn mới, có mô hình phát triển sản xuất hiệu quả.
đ) Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã
- Có những đóng góp cụ thể, thiết thực trong xây dựng nông thôn mới và được cấp có thẩm quyền ghi nhận.
- Có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống trên địa bàn, có nhiều sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên; phối hợp tiêu thụ sản phẩm của nông nghiệp và giải quyết được nhiều việc làm cho người dân trên địa bàn nông thôn.
e) Đối với cá nhân
- Cán bộ, công chức, viên chức nỗ lực bám sát cơ sở, có sáng kiến, giải pháp hữu ích trong việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn hoặc tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong xây dựng nông thôn mới.
- Người lao động (nông dân, công nhân…), thành viên hợp tác xã tích cực hưởng ứng tham gia Phong trào thi đua với những việc làm thiết thực (đóng góp tiền của, công sức, đất đai…) hoặc có mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, có phát minh, sáng chế trong lao động, sản xuất góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới.
g) Đối tượng khác
Các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các hội, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, các gia đình, cá nhân trong và ngoài nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài… có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ, vật chất xây dựng nông thôn mới; sản xuất giỏi, có thu nhập cao và giúp đỡ cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
2. Hình thức và tiêu chuẩn khen thưởng
a) Hình thức khen thưởng
- Huân chương Lao động;
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
- Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh;
- Giấy khen của Thủ trưởng các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
b) Tiêu chuẩn khen thưởng
Căn cứ thành tích trong thực hiện Phong trào thi đua, việc xét khen thưởng cho các tập thể, gia đình và cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, Hướng dẫn khen thưởng của Ban Thi đua - khen thưởng Trung ương và Sở Nội vụ.
V. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
1. Các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào thi đua trong quý III năm 2022.
2. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm vào năm 2023 và tổng kết Phong trào thi đua vào năm 2025.
3. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh hàng năm tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình triển khai, thực hiện Phong trào thi đua và tiến hành tổng kết Phong trào thi đua vào năm 2025.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh thống nhất các nội dung và biện pháp triển khai có hiệu quả Phong trào thi đua.
2. Các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch và điều kiện cụ thể trên địa bàn xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm nội dung, chất lượng và tiến độ. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm tuyên truyền, mở chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng tuyên truyền Phong trào thi đua và các gương điển hình tiên tiến trong Phong trào thi đua.
3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phạm vi toàn quốc.
4. Hàng năm các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND các huyện, thành phố báo cáo tình hình tổ chức thực hiện Phong trào thi đua về Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng) để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
5. Cơ quan thường trực, cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 phối hợp với cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền kết hợp việc kiểm tra, giám sát kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua với các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát, thẩm định chương trình xây dựng nông thôn mới hàng năm, định kỳ, chuyên đề tại các cơ quan, đơn vị.
6. Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng) chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh triển khai, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này, hàng năm báo cáo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua, đề nghị các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng Phong trào thi đua, thể hiện ý chí, sức mạnh của tinh thần đoàn kết, thống nhất của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, quyết tâm thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc cần điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đề nghị các cơ quan phản ánh về Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Kế hoạch 146/KH-UBND năm 2022 tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025
Số hiệu: | 146/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tỉnh Lạng Sơn |
Người ký: | Hồ Tiến Thiệu |
Ngày ban hành: | 23/06/2022 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 146/KH-UBND năm 2022 tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025
Chưa có Video