ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UBND |
Quảng Ninh, ngày 04 tháng 10 năm 2021 |
CHỈ THỊ
VỀ CHẤN CHỈNH, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT VÀ QUẢN LÝ QUY HOẠCH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
Tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện với 13 đô thị hạt nhân1; 05 khu kinh tế2; là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước3 với tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh tăng từ 50,3% (năm 2011) đến nay đạt khoảng 66,56% (bình quân cả nước đạt khoảng 39,3%). Công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng có vai trò rất quan trọng và trong thời gian qua đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TV ngày 20/3/2012 “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chiến lược, lập, quản lý và thực hiện quy hoạch trên địa bàn tỉnh”, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh4.
Trên cơ sở định hướng Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1588/QĐ-UBND ngày 28/7/2014, các sở, ngành, địa phương đã triển khai lập các đồ án: quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết…Đến nay tỷ lệ phủ kín quy hoạch đã đạt được một số kết quả tích cực làm cơ sở để quản lý, triển khai các dự án thành phần như: Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị/quy hoạch xây dựng vùng huyện toàn tỉnh đạt 100% (trong đó có một số quy hoạch do đơn vị tư vấn nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu có chất lượng cao), tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt khoảng 60%, tỷ lệ phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 100%5; các đồ án quy hoạch xây dựng thường xuyên được rà soát, điều chỉnh định kỳ kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn Tỉnh còn có một số tồn tại, hạn chế như: Một số đồ án quy hoạch chung đô thị, quy hoạch vùng huyện được phê duyệt đến nay đã 05 năm nhưng chưa kịp thời ra soát, đánh giá kết quả thực hiện để đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; một số địa phương còn chậm hoàn thành các quy hoạch phân khu6; một số quy hoạch phân khu đã được phê duyệt trước đây nhưng chậm rà soát, điều chỉnh theo định hướng điều chỉnh quy hoạch chung đô thị/quy hoạch vùng huyện mới được phê duyệt7…; việc bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương và tiếp nhận sản phẩm hồ sơ quy hoạch do doanh nghiệp tài trợ còn có nhiều hạn chế, bất cập; một số quy hoạch xây dựng chất lượng và tầm nhìn còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được các yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và thiếu đồng bộ (đặc biệt về kết nối hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật), tính dự báo, tính đột phá chưa cao; chưa khai thác được hết tiềm năng, thế mạnh, trong quá trình triển khai vẫn phải điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với điều kiện thực tế phát triển, thu hút các nhà đầu tư; công tác công bố, công khai quy hoạch một số địa phương chưa thực hiện tốt.
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trên do: (1) Công tác quy hoạch xây dựng chưa được thực hiện bài bản, nề nếp, nhận thức về tầm quan trọng của công tác quy hoạch của người đứng đầu cấp huyện, cấp sở, ngành, đôi khi chưa cao, chưa sâu sắc, cả về tư duy, tầm nhìn quy hoạch, không gian quy hoạch, hiệu quả quy hoạch, định hướng tầm nhìn quy hoạch (trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương đôi khi chưa được chú trọng và quan tâm có chiều sâu về công tác quy hoạch, đôi lúc còn có hiện tượng ủy thác cho cấp phó và cơ quan chuyên môn hoặc đơn vị tư vấn lập quy hoạch); (2) Các cấp, các ngành và các địa phương thiếu sự chỉ đạo thống nhất, kiên quyết trong công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng; chưa xác định được thứ tự ưu tiên và mục tiêu tính chất của từng loại đồ án quy hoạch xây dựng nên chưa đảm bảo được tiến độ hoàn thành các đồ án quy hoạch xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền duyệt, làm cơ sở để tổ chức quản lý, thực hiện việc đầu tư xây dựng hiệu quả; (3) Đội ngũ cán bộ thẩm định và quản lý về quy hoạch xây dựng còn thiếu về số lượng, yếu chuyên môn, nhất là năng lực quản lý nhà nước ở cấp huyện, cấp phường, xã; (4) Công tác hậu kiểm các đồ án quy hoạch xây dựng sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quản lý xây dựng theo quy hoạch còn chưa được quan tâm, nhất là các đồ án do UBND cấp huyện phê duyệt theo phân cấp; công tác kiểm tra, giám sát sau quy hoạch được duyệt còn nhiều bất cập, hạn chế, xử lý chưa nghiêm; còn diễn ra tình trạng phạt hành chính cho tồn tại và hợp thức hóa trong hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch mà không thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ kịp thời; (5) Công tác quản lý quy hoạch còn đi theo lối mòn, nếp tư duy cũ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, thiếu sự chỉ đạo quản lý tập trung, chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong công tác lập, quản lý quy hoạch; (6) Công tác quy hoạch phát triển đô thị chưa bài bản, chưa dựa trên nền tảng vững chắc về xã hội, tự nhiên, nhu cầu thực tiễn và chưa theo kịp xu thế phát triển của thế giới; (7) Việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, xin ý kiến chủ trương điều chỉnh quy hoạch còn có trường hợp chưa đúng với quy định của pháp luật về thẩm quyền dẫn đến tình trạng ỷ lại, dồn việc cho cơ quan quản lý quy hoạch cấp tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; (8) Việc giao cho các Doanh nghiệp tham gia lập quy hoạch hoặc đồng ý nhận tài trợ của Doanh nghiệp để thuê tư vấn lập quy hoạch xây dựng, đặc biệt là quy hoạch chung, quy hoạch phân khu còn đơn giản, dễ dàng, không ràng buộc trách nhiệm của Doanh nghiệp dẫn đến nhiều trường hợp quy hoạch không đảm bảo chất lượng, tiến độ cũng như không bám sát được định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; (9) Việc lấy ý kiến tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan khi lập quy hoạch nhiều khi còn mang tính hình thức, chưa đúng đối tượng; (10) Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa thực sự hiệu quả; việc lưu trữ hồ sơ quy hoạch xây dựng chưa đồng bộ, bài bản và chưa số hóa được hồ sơ; (11) Hệ thống pháp luật liên quan đến quy hoạch xây dựng còn có những nội dung chưa được đồng bộ, chưa thống nhất.
Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực có hiệu quả về nhận thức và hành động, khắc phục những hạn chế trong công tác tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương triển khai thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ sau:
1. Mỗi cấp, ngành, địa phương phải nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quy hoạch xây dựng. Chủ tịch UBND các địa phương phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ, chất lượng lập, quản lý quy hoạch xây dựng theo đúng quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và từng địa phương nói riêng; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tạo sự đồng thuận trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị.
2. Tổ chức kiểm tra, rà soát các quy hoạch xây dựng8 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đến kỳ rà soát để tham mưu, đề xuất điều chỉnh cho phù hợp hoặc hủy bỏ nếu không còn phù hợp; đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch xây dựng đang triển khai lập để đáp ứng yêu cầu phát triển để quản lý, thu hút đầu tư thực hiện theo quy hoạch được duyệt.
Trong quá trình lập đồ án quy hoạch vùng (quy hoạch vùng liên huyện, quy hoạch vùng huyện), quy hoạch chung đô thị cần rà soát ranh giới, các tiêu chí còn thiếu theo quy định của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị để hoàn thiện tiêu chí nâng loại đô thị, triển khai lập đề án công nhận đô thị và Chương trình phát triển đô thị, kế hoạch phát triển nhà ở các địa phương trên nguyên tắc phải rà soát, đánh giá kỹ hiện trạng, quy hoạch phải có tính kế thừa, kiên quyết xóa bỏ việc hợp thức hóa những sai phạm, vi phạm; nghiên cứu phương án quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, tư duy sáng tạo, độc lập, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hiện đại và đồng bộ.
3. Nguyên tắc chung là sử dụng ngân sách Nhà nước để thực hiện lập quy hoạch vùng liên huyện, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung khu kinh tế và các quy hoạch phân khu (trừ các khu chức năng gắn với dự án cụ thể như: Khu công nghiệp, khu công nghệ cao; khu du lịch, khu dịch vụ...). Các sở, ngành, địa phương cần quan tâm bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước cho công tác lập các quy hoạch nêu trên; phấn đấu phủ kín 100% quy hoạch phân khu trên địa bàn các thị xã, thành phố trong năm 2021-2022; đồng thời đổi mới phương pháp nghiên cứu quy hoạch, đảm bảo ngoài việc tuân thủ các định hướng quy hoạch của Trung ương, các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các quy định pháp luật hiện hành thì các đồ án quy hoạch vùng (quy hoạch vùng liên huyện, quy hoạch vùng huyện), quy hoạch chung, quy hoạch phân khu cần mang tính linh hoạt và tính định hướng cao hơn, không cụ thể chi tiết hoặc cập nhật nguyên các đồ án quy hoạch chi tiết (lập đồng thời hoặc đã duyệt trước đó) vào quy hoạch lớp trên.
4. Việc nhận tài trợ của các Doanh nghiệp trong công tác lập quy hoạch xây dựng cần thận trọng, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Hạn chế việc nhận tài trợ trong trường hợp lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu không có các yêu cầu đặc thù và chỉ sử dụng các đơn vị tư vấn trong nước. Việc tiếp nhận tài trợ sản phẩm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu phải xin ý kiến UBND tỉnh và Doanh nghiệp tài trợ phải có cam kết đảm bảo tiến độ và chất lượng quy hoạch. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm ban hành hướng dẫn cụ thể về việc tiếp nhận tài trợ lập các đồ án quy hoạch xây dựng.
5. Chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng của các địa phương theo phân cấp, ủy quyền. Thẩm quyền lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt quy hoạch theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Tổ chức công bố công khai, cắm mốc quy hoạch đô thị theo quy định9; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị; quản lý và sử dụng đất đô thị theo quy hoạch; quản lý xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian ngầm và hạ tầng xã hội; quản lý phát triển khu đô thị mới, cải tạo khu đô thị cũ, bảo tồn di sản và cảnh quan đặc trưng; rà soát bổ sung quỹ đất ở 20% phát triển nhà ở xã hội tại các đồ án quy hoạch của các dự án phát triển nhà ở thương mại, phát triển đô thị theo quy định10. Xem xét định hướng quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở công nhân trong các đô án quy hoạch phân khu tại các địa phương có các đơn vị ngành Than sản xuất, kinh doanh (Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Uông Bí) để ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án Khu nhà ở công nhân ngành than (Làng công nhân ngành Than) đồng bộ về hệ thống hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa và hạ tầng kỹ thuật. Trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch cần quan tâm, coi trọng và tiếp thu ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư, ý kiến phản biện của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp để đảm bảo tính khả thi của quy hoạch xây dựng, phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu khách quan của xã hội, của thị trường.
6. Quản lý giám sát chặt chẽ các nguyên tắc phát triển, các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất; chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; chỉ tiêu về kiến trúc tại các khu đô thị, khu dịch vụ, khu du lịch..., đảm bảo việc xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, kết nối mạng lưới hạ tầng chung của địa phương và các vùng phụ cận. Trong quá trình triển khai lập và điều chỉnh quy hoạch xây dựng cần rà soát đánh giá kỳ các quy hoạch treo; phân tích kỹ từng dự án dự kiến cập nhật quy hoạch chi tiết vào quy hoạch phân khu, quy hoạch chung; đề xuất các giải pháp khắc phục các điểm sạt lở, ngập lụt gây nguy hiểm cho người và công trình; có biện pháp thu gom, xử lý bùn đất, nước thải, nước mưa nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân trong mùa mưa bão, đảm bảo môi trường.
7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quản lý quy hoạch quản lý đô thị đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm, triệt để, tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ các công trình vi phạm để răn đe, ngăn ngừa các hành vi tương tự có thể gây hậu quả cho xã hội. Thực hiện nghiêm, đúng thẩm quyền Quy chế phối hợp trong quản lý trật tự xây dựng đô thị. Quy định trách nhiệm cụ thể các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm quy hoạch được duyệt, trật tự đô thị mà không xử lý hoặc không xử lý kịp thời.
8. Quan tâm đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ những người tham gia vào công tác quy hoạch (nhất là những cán bộ không chuyên, kiêm nhiệm) bao gồm: cán bộ quản lý nhà nước về quy hoạch, đội ngũ tư vấn lập quy hoạch và cán bộ, chuyên gia thẩm định quy hoạch. Tập trung củng cố, tăng cường, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý quy hoạch tại các địa phương (phòng Quản lý đô thị, phòng Kinh tế hạ tầng...) nhằm nâng cao năng lực, trình độ, đảm bảo hoạt động hiệu quả, hiệu lực, chất lượng của bộ máy quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu thực tế quản lý.
9. Tăng cường việc lưu trữ, số hóa hồ sơ hệ thống các đồ quy hoạch xây dựng; công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch xây dựng được duyệt theo quy định của pháp luật để các tổ chức và người dân được biết và thực hiện quy hoạch.
10. Tiếp tục rà soát hệ thống văn bản pháp luật có liên quan còn chưa đồng bộ (hoặc cần điều chỉnh, bổ sung) để báo cáo UBND tỉnh đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
11. Nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương
11.1. Sở Xây dựng
- Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, tầm nhìn trong công tác tham mưu về lập quy hoạch, phương pháp quản lý quy hoạch xây dựng để đáp ứng các yêu cầu chung; rà soát, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch xây dựng đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo giữa các quy hoạch, đảm bảo các yêu cầu quản lý, thu hút đầu tư phát triển. Thực hiện nghiêm công tác lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy hoạch xây dựng (lập mới hoặc điều chỉnh) theo quy định pháp luật hiện hành.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện, đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về một số nội dung: (1) Sự phù hợp của các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết do UBND cấp huyện phê duyệt so với quy hoạch lớp trên11 và các tiêu chuẩn, quy phạm; đặc biệt là các công trình tiềm ẩn nguy cơ gây quá tải, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật chung khu vực để kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh UBND cấp huyện phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hoặc hủy bỏ quy hoạch đối với các đồ án quy hoạch không còn phù hợp; (2) Công tác quản lý theo quy hoạch, đảm bảo các công trình thực hiện tuân thủ quy hoạch được duyệt, thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng theo quy định của pháp luật, không để tình trạng xử phạt nhiều lần nhưng vẫn để công trình sai phạm tồn tại.
- Kiện toàn tổ chức, nhân sự, cơ chế hoạt động của Viện Quy hoạch và thiết kế xây dựng Quảng Ninh trực thuộc Sở Xây dựng trở thành một tổ chức có năng lực hỗ trợ tốt nhất cho Sở Xây dựng về công tác quy hoạch xây dựng.
- Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng trên địa bàn, xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm theo quy định của pháp luật kịp thời, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo xử lý các vi phạm nếu vượt thẩm quyền.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hiện và quản lý quy hoạch xây dựng để nâng cao ý thức cộng đồng về trật tự, kỷ cương trong công tác quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh; rà soát, cắt bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong công tác triển khai đồ án quy hoạch xây dựng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư thực hiện dự án.
- Tổng hợp kết quả triển khai lập quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền của các địa phương, Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn vào báo cáo hằng tháng của Sở Xây dựng, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh trước ngày 20 hàng tháng để tổng hợp đưa vào báo cáo phục vụ phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh.
- Rà soát tổng thể các đơn vị tư vấn, năng lực của từng đơn vị tư vấn; năng lực, kinh nghiệm của đôi ngũ cán bộ thẩm định quy hoạch xây dựng; kiên quyết không để các đơn vị tư vấn yếu năng lực chuyên môn về quy hoạch tham gia nghiên cứu lập quy hoạch; kiên quyết điều chỉnh, thay thế những cán bộ có biểu hiện suy thoái về phẩm chất, đạo đức, yếu năng lực chuyên môn làm nhiệm vụ thẩm định tại Sở Xây dựng và cơ quan quản lý quy hoạch đô thị cấp huyện.
- Nâng cao chất lượng thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng; trong đó lưu ý một số nội dung:
+ Đánh giá, làm rõ sự phù hợp với quy hoạch lớp trên và các nội dung có điều chỉnh so với quy hoạch lớp trên12, sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
+ Khi xem xét, thẩm định các đề nghị điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất phải làm rõ các nội dung theo ý kiến đã chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 2789/UBND-QH1 ngày 29/4/2020 “V/v chấn chỉnh, nâng cao công tác thỏa thuận, thẩm định, chấp thuận địa điểm, phê duyệt quy hoạch chi tiết trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.13
+ Xác định vị trí, diện tích quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội tại quy hoạch các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị, nhóm nhà ở trên địa bàn tỉnh theo hướng chỉ quy hoạch thành các lô đất để triển khai theo dự án riêng, không quy hoạch chia lô thành nhà ở liên kế; chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương ra soát, tham mưu, hướng dẫn UBND cấp huyện điều chỉnh quy hoạch các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị, nhóm nhà ở để bổ sung quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội (nếu quy hoạch được duyệt trước đây chưa bố trí) hoặc bố trí lại quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội cho phù hợp đảm bảo quy định của Chính phủ14 và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh15.
- Chủ trì, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, đơn vị tư vấn tham gia vào công tác quy hoạch.
- Chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối lưu trữ, số hóa các đồ án quy hoạch xây dựng trên Website và theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
- Chịu trách nhiệm khi đề xuất điều chỉnh quy hoạch không theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng đối với các quy hoạch do Sở Xây dựng thẩm định.
11.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Tham mưu, đề xuất cân đối, bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác lập các đồ án quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn UBND các địa phương trong công tác bố trí vốn để triển khai lập quy hoạch xây dựng theo trách nhiệm của UBND các địa phương.
11.3. Sở Tài nguyên và Môi trường
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo phù hợp với các quy định của: Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Quy hoạch Không gian biển, các quy định quản lý tài nguyên vùng bờ theo Luật Tài nguyên môi trường biển và Hải đảo, quy hoạch chung xây dựng; tham mưu việc quản lý sử dụng đất đô thị, nông thôn và khu chức năng đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định.
11.4. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong công tác cân đối, bố trí nguồn vốn thực hiện công tác lập các đồ án quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh.
11.5. Sở Giao thông Vận tải
Phối hợp với Sở Xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc lập, thẩm định các nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng đảm bảo phù hợp với các quy hoạch ngành quốc gia (đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy nội địa, hàng không), kết nối đồng bộ về hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh; đảm bảo quỹ đất về hạ tầng giao thông; trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất cho giao thông tĩnh (bãi đỗ xe) tại các khu vực đô thị và khu vực có mật độ giao thông lớn để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị tại các địa phương; phối hợp trong triển khai các nội dung về giao thông đảm bảo tuân thủ theo đúng quy hoạch xây dựng được phê duyệt.
11.6. Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh
- Thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng trong khu kinh tế, khu công nghiệp (trừ Khu kinh tế Vân Đồn); tổ chức quản lý quy hoạch xây dựng trong khu kinh tế, khu công nghiệp (trừ Khu kinh tế Vân Đồn), đặc biệt là Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái, khu kinh tế ven biển Quảng Yên; rà soát, bổ sung quy hoạch hạ tầng xã hội (khu nhà ở công nhân, trường học, trạm y tế, khu vui chơi giải trí, công viên cây xanh...) để đảm bảo an sinh ổn định cho người lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế (trừ Khu kinh tế Vân Đồn); đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại đảm bảo tiến độ theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý.
- Nghiêm túc thực hiện chấn chỉnh công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch chi tiết trong khu chức năng theo quy định; phối hợp với các địa phương có liên quan trong việc rà soát, đề xuất xử lý các quy hoạch xây dựng đến kỳ rà soát, không còn phù hợp.
- Thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
11.7. Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn
- Thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng trong Khu kinh tế Vân Đồn; tổ chức quản lý quy hoạch xây dựng trong Khu kinh tế Vân Đồn; phối hợp với UBND huyện Vân Đồn rà soát, bổ sung quy hoạch hạ tầng xã hội (khu nhà ở công nhân, trường học, trạm y tế, khu vui chơi giải trí, công viên cây xanh..) để đảm bảo an sinh ổn định cho người lao động tại Khu kinh tế Vân Đồn; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại đảm bảo tiến độ theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý.
- Nghiêm túc thực hiện chấn chỉnh công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch chi tiết trong khu chức năng theo quy định; phối hợp với các địa phương có liên quan trong việc rà soát, đề xuất xử lý các quy hoạch xây dựng đến kỳ rà soát, không còn phù hợp.
- Thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
11.8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh:
- Chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn theo phân cấp, ủy quyền và tổ chức lấy ý kiến thống nhất của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư và các sở, ngành liên quan trước khi phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng đảm bảo đúng các quy định pháp luật hiện hành.
- Thực hiện nghiêm túc công tác công bố, công khai các đồ án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, đặc biệt là các đồ án quy hoạch chi tiết; tổ chức cắm mốc giới tại thực địa theo quy định để tổ chức, cá nhân được biết, thực hiện và giám sát thực hiện theo quy hoạch; tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân các quy định pháp luật trong hoạt động xây dựng để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành trật tự xây dựng, tuân thủ quy hoạch được duyệt.
- Rà soát lại các công trình sai phạm quy hoạch xây dựng trên địa bàn để có biện pháp xử lý dứt điểm theo quy định nhằm khắc phục tình trạng công trình sai phạm vẫn tồn tại khi có quyết định cưỡng chế của cấp có thẩm quyền và hoàn thiện trong hồ sơ điều chỉnh quy hoạch. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước UBND tỉnh nếu để buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm về quy hoạch và trật tự xây dựng, xử lý không kịp thời hoặc không kiên quyết xử lý vi phạm; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương huyện, thị xã, thành phố và cấp phường, xã, thị trấn nếu để xảy ra vi phạm quy hoạch, xây dựng trái phép, không phép.
- Quan tâm bố trí vốn từ ngân sách địa phương, lựa chọn tư vấn có năng lực, kinh nghiệm và đẩy nhanh tiến độ triển khai lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu trên địa bàn, nhất các là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển, có một số nhà đầu tư lớn quan tâm nghiên cứu, đầu tư như: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, Vân Đồn, Quảng Yên, Đông Triều; trong đó ưu tiên lập Danh mục các đồ án quy hoạch phân khu cần triển khai lập (tên đồ án, diện tích, thời gian thực hiện, giá trị khái toán kinh phí lập, nguồn vốn yêu cầu xác định rõ các quy hoạch sử dụng nguồn vốn cấp huyện hoặc đề nghị Tỉnh hỗ trợ kinh phí...) gửi về Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trước ngày 20/11 hằng năm để tổng hợp, cân đối, bố trí nguồn lực để thực hiện việc lập quy hoạch.
- Tổ chức rà soát các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu được phê duyệt đã đến kỳ rà soát để tham mưu, đề xuất hủy bỏ hoặc điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch, quy định quản lý, quy chế quản lý kiến trúc đô thị theo quy định của Luật Kiến trúc làm cơ sở cho việc quản lý phát triển đô thị và trật tự xây dựng. Trong quá trình lập các đồ án quy hoạch vùng (huyện, liên huyện), quy hoạch chung, quy hoạch phân khu cần chú trọng rà soát quỹ đất dành cho hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; đặc biệt đối với nhà ở xã hội, khu tái định cư, thiết chế văn hóa, các công trình phúc lợi công cộng đô thị trong khu dân cư, không gian cây xanh để tạo cảnh quan, cải thiện môi trường sống cho nhân dân.
- Tổ chức rà soát các địa điểm đã được UBND tỉnh chấp thuận nghiên cứu quy hoạch và các quy hoạch đã được phê duyệt đã đến kỳ rà soát; báo cáo Sở Xây dựng thường xuyên, định kỳ hằng tháng, hàng quý để Sở Xây dựng tổng hợp; tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh thu hồi các địa điểm đã quá thời hạn nghiên cứu, hủy bỏ hoặc điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch không còn phù hợp.
- Sau khi phê duyệt các quy hoạch, thực hiện việc quản lý, lưu trữ hồ sơ, gửi hồ sơ quy hoạch về UBND tỉnh và Sở Xây dựng theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 2269/UBND-QH1 ngày 08/4/202016.
- Thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 69/TB-UBND ngày 26/5/2021 “V/v kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp nghe báo cáo tiến độ triển khai lập các đồ án quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh”.
- Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành về quản lý, thực hiện, kiểm tra, giám sát trong quản lý xây dựng theo quy hoạch đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; kiên quyết xử lý dứt điểm các công trình vi phạm quy hoạch xây dựng, xây dựng sai phép, xây dựng không phép trên địa bàn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý của chính quyền địa phương.
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này; định kỳ hàng quý, hằng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Xây dựng để Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo.
Trong quá trình thực hiện, có vướng mắc vượt thẩm quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Xây dựng tổng hợp chung) để kịp thời giải quyết./.
|
CHỦ TỊCH |
1 trong đó: 01 đô thị loại I (thành phố Hạ Long), 03 đô thị loại II (các thành phố: Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái) 02 đô thị loại III (Thị xã Đông Triều và thị xã Quảng Yên); 02 đô thị loại IV (thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn; thị trấn Tiên Yên mở rộng, huyện Tiên Yên) và 05 đô thị loại V (thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà; thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà: thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô; thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu; thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ).
2 trong đó: 02 KKT ven biển (KKT ven biển Vân Đồn, KKT ven biển Quảng Yên) và 03 KKT Cửa khẩu (KKT Của khẩu Móng Cái, KKT Cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh).
3 sau thành phố Đà Nẵng đạt 87,15%; tỉnh Bình Dương đạt 79,9%; thành phố Hồ Chí Minh đạt 79,2% và thành phố Cần Thơ đạt 69,7%.
4 Văn bản số 4742/UBND-QH1 ngày 08/7/2019 “V/v tăng cường, nâng cao cộng tác quản lý, lưu trữ hồ sơ đồ án quy hoạch được phê duyệt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, văn bản số 2789/UBND-QH1 ngày 29/4/2020 “V/v chấn chỉnh nâng cao công tác thỏa thuận, thẩm định, chấp thuận địa điểm, phê duyệt quy hoạch chi tiết trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 01/6/2020 “V/v chấn chỉnh công tác lập, thẩm định, phê duyệt quản lý quy hoạch đô thị; quản lý trật tự xây dựng đô thị theo quy hoạch được duyệt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.
5 111/111 xã thuộc 13 địa phương cấp huyện đã được phê duyệt quy hoạch.
6 QHC thành phố Hạ Long (bao gồm cả huyện Hoành Bồ cũ) được phê duyệt năm 2019, đến nay mới được phê duyệt QHPK của 05/15 khu; QHC thành phố Uông Bí được phê duyệt năm 2016, đến nay mới được phê duyệt QHPK của 06/12 khu; QHC thị xã Đông Triều được phê duyệt năm 2016, đến nay mới được phê duyệt QHPK của 07/15 khu; QHC thị xã Quảng Yên được phê duyệt năm 2016, đến nay còn 04 phân khu thuộc khu vực phát triển đô thị và khu vực ngoài phát triển đô thị đang lập QHPK.
7 Cẩm Phả có 14 QHPK được phê duyệt theo QHC TP Cẩm Phả được phê duyệt năm 2015 cần rà soát để hủy bỏ hoặc điều chỉnh, bổ sung theo định hướng điều chỉnh QHC thành phố Cẩm Phả được phê duyệt năm 2020.
8 quy hoạch vùng liên huyện, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung khu kinh tế, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực có lợi thế...
9 Điều 57 Luật Quy hoạch đô thị 2009 và Điều 9 Thông tư 10/2016/TTBXD ngày 15/3/2016 của Bộ Xây dựng
10 Nghị dinh số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội
11 quy hoạch chung đô thị và khu chức năng/quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu
12 quy hoạch vùng liên huyện, quy hoạch vùng huyện; quy hoạch chung; quy hoạch phân khu
13 đánh giá, làm rõ các nội dung: (1) Lý do, sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch, thiết kế kiến trúc công trình; (2) Sự phù hợp với các quy định tại Điều 47 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 (Điều kiện điều chỉnh quy hoạch đô thị); sự phù hợp với định hướng Quy hoạch chung/Quy hoạch vùng huyện, Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực; (3) Có phương án điều chỉnh quy hoạch, thiết kế kèm theo; (4) Đánh giá ưu, nhược điểm của phương án điều chỉnh quy hoạch, thiết kế đề xuất so với phương án quy hoạch đã được phê duyệt; đánh giá cụ thể, làm rõ khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của khu vực đối với dự án, công trình; (5) Làm rõ lợi ích Nhà nước và nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư khi điều chỉnh quy hoạch (Xác định tương đối kinh phí nhà đầu tư phải nộp ngân sách nhà nước nếu điều chỉnh quy hoạch); (6) Thẩm định kỹ năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư của nhà đầu tư và nhà đầu tư phải có văn bản cam kết các tiến độ triển khai thực hiện, nếu có vi phạm tiền độ đã cam kết sẽ chấm dứt hoạt động đầu tư, thu hồi đất theo quy định theo đúng quy định hiện hành.
14 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015, Nghị định số 49/2021/ND-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội
15 Thông báo số 1789-TB/TU ngày 12/6/2020 và Thông báo số 169-TB/TU ngày 08/4/2021 của Tỉnh ủy; các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh: Văn bản số 5876/UBND-QH1 ngày 15/8/2018, văn bản số 6325/UBND-QH1 ngày 30/8/2018, văn bản số 8042/UBND-QH1 ngày 30/10/2018 văn bản số 1790/UBND-QH1 ngày 22/3/2019, văn bản số 5164/UBND-QH1 ngày 23/7/2019, văn bản số 5713/UBND-QH1 ngày 09/8/2019, văn bản số 7540/UBND-QH1 ngày 18/10/2019, văn bản số 9161/UBND-QH1 ngày 06/12/2018, Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 01/6/2020, văn bản số 4103/UBND-QH1 ngày 18/6/2020, văn bản số 230/UBND-QH1-m ngày 02/7/2020, văn bản số 8952/UBND-QH1 ngày 31/12/2020, văn bản số 1902/UBND-QH1 ngày 31/3/2021, văn bản số 139/UBND-QH1-m ngày 22/4/2021...
16 Hình thức gửi: Gửi hồ sơ, văn bản điện tử trên hệ thống gửi, nhận văn bản. Hồ sơ gửi gồm: Toàn bộ các bản vẽ (file autocad hoặc file pdf scan màu), thuyết minh, Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch (Cả file pdf và file word). Toàn bộ các file được nén thành file zip hoặc rar.
Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2021 về chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Số hiệu: | 08/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Ninh |
Người ký: | Nguyễn Tường Văn |
Ngày ban hành: | 04/10/2021 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2021 về chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Chưa có Video