Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 17 tháng 4 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN PHƯƠNG ÁN ĐẢM BẢO NGUỒN VẬT LIỆU XÂY DỰNG  THÔNG THƯỜNG PHỤC VỤ THI CÔNG CÁC DỰ ÁN, CÔNG TRÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, có nhiều dự án công trình trọng điểm đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nên nhu cầu sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát) là rất lớn. Tại Nghị quyết số 360/NĐ-HĐND ngày 11/12/2022 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII đã chỉ đạo UBND tỉnh đảm bảo cung cầu thị trường vật liệu xây dựng; đồng thời, để chủ động trong việc sử dụng nguồn vật liệu phục vụ cho các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn từ 2023 -2025 và các năm tiếp theo, góp phần xây dựng và phát triển thị trường vật liệu xây dựng hoạt động ổn định, lành mạnh và minh bạch, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

1. Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, căn cứ quy định của pháp luật, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nội dung Kế hoạch số 71-KH/TU ngày 31/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 25/8/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh liên quan.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi phạm (nếu có) của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo quy định của pháp luật; trong đó yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa tài nguyên khoáng sản khai thác ra khỏi khu vực khai thác và lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật có liên quan.

- Khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh; kịp thời rà soát, bổ sung, cập nhật thông tin các mỏ khoáng sản được cấp phép còn hạn (bao gồm các thông tin về trữ lượng, công suất khai thác) trên Website của sở để các chủ đầu tư có cơ sở kiểm tra, rà soát, lựa chọn các mỏ có trữ lượng, chất lượng và đơn giá phù hợp nhất.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt các mỏ trong Quy hoạch tỉnh vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để cấp phép khai thác khi các chủ đầu tư/nhà thầu thi công dự án có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đề xuất (nếu đảm bảo tiêu chí, điều kiện) theo quy định.

3. Sở Xây dựng

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án công trình chuyên ngành, khu vực, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc các huyện, thị xã, thành phố để nắm bắt nhu cầu hiện tại cũng như nhu cầu trong thời gian tới để đề xuất bổ sung quy hoạch mỏ vật liệu theo hướng phân bổ hợp lý các vị trí mỏ đảm bảo nhu cầu xây dựng trong khu vực và tối ưu hóa cự ly vận chuyển, cũng như trữ lượng mỏ làm cơ sở đưa các mỏ vào khoanh định khu vực đấu giá hoặc không đấu giá (nếu đủ điều kiện) làm cơ sở thực hiện, đảm bảo theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan, thường xuyên kiểm tra, khảo sát giá, trữ lượng, khối lượng cung ứng vật liệu xây dựng tại các mỏ, điểm tập kết, nơi sản xuất, kinh doanh và cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh để nắm chắc diễn biến của thị trường vật liệu xây dựng; trên cơ sở đó, kịp thời cập nhật, công bố hàng tháng (hoặc sớm hơn) giá những loại vật liệu có biến động lớn để các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng biết, thực hiện.

- Tiếp tục kiểm tra, rà soát phát hiện các mỏ khoáng sản mới (đất, đá, cát), nếu đủ điều kiện thì tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung khi thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tỉnh, đảm bảo an ninh nguồn cung vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

- Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các Chủ đầu tư, các chủ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường thực hiện đầu tư bổ sung dây chuyền công nghệ sản xuất cát nghiền từ đá (đặc biệt là dây chuyền sản xuất cát hạt nhỏ dùng cho xây trát), tận thu tối đa nguồn khoáng sản tại mỏ, tăng nguồn cát nghiền thay thế cát tự nhiên cho công trình xây dựng.

4. Sở Tài chính

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá của tổ chức, cá nhân trên địa bàn; hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của UBND tỉnh theo quy định tại Khoản 3, Điều 13 Thông tư số 56/2014/TT-BTC ngày 28/4/2014 của Bộ Tài chính và các quy định của pháp luật có liên quan.

- Tổ chức kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với đất san lấp, cát xây dựng và các loại vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh khi có biến động giá lớn, bất thường xảy ra.

5. Cục Thuế tỉnh

- Chỉ đạo các Chi cục Thuế khu vực phối hợp cung cấp hóa đơn giá trị gia tăng vật liệu đất đắp nền, cát xây dựng phát sinh trong tháng (hoặc trong quý) trên địa bàn cho UBND các huyện, thị xã, thành phố tham khảo, tổng hợp, báo cáo kết quả khảo sát giá vật liệu xây dựng trên địa bàn. Phát hiện và xử lý kịp thời các đơn vị bán với giá khác với giá ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp theo quy định, đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống thất thu thuế đối với hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

6. Cục Quản lý thị trường tỉnh

- Tổ chức thực hiện công tác quản lý thị trường hàng hóa vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan tổ chức kiểm tra nhãn hàng hóa, việc chấp hành niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Phát hiện và xử phạt đơn vị không thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định và các đơn vị bán không đúng giá niêm yết (định kỳ kiểm tra hàng quý).

7. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Thường xuyên rà soát, phát hiện các mỏ khoáng sản mới làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát), gửi về Sở Xây dựng để kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt khi điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tỉnh theo quy định.

- Chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện và đơn vị liên quan thường xuyên rà soát, báo cáo nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng và khả năng cung cấp các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn, gửi Sở Xây dựng tổng hợp.

- Căn cứ các mỏ khoáng sản (đất, đá, cát) có trong quy hoạch tại địa phương, thực hiện bổ sung, cập nhật vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và hàng năm; đồng thời, căn cứ nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng cho công trình theo từng năm, báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để lập, phê duyệt Phương án, Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định hiện hành.

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác khảo sát, điều hành giá; đề nghị các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn niêm yết, công khai giá bán, cam kết bán đúng giá niêm yết và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi bán không đúng giá niêm yết được quy định tại Điều 18 Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá số 11/2012/QH13; đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh, giá và chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định pháp luật khi cơ quan quản lý Nhà nước có yêu cầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin đã cung cấp.

- Tiến hành khảo sát, điều tra giá vật liệu xây dựng trên địa bàn và báo cáo kết quả khảo sát giá gửi về Sở Xây dựng trước ngày 15 hàng tháng. Các loại cấp vật liệu khảo sát gồm: xi măng, thép, nhựa đường, cát, đá, đất đắp, dây điện, gạch xây và các loại vật liệu có biến động giá lớn. Khi tổng hợp báo cáo kết quả khảo sát giá, phải xác định rõ tên, địa chỉ mỏ khảo sát, báo giá của mỏ và một số hóa đơn GTGT xuất bán trong thời gian gần nhất, làm cơ sở để liên sở Xây dựng - Tài chính công bố giá vật liệu đến hiện trường xây lắp của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

8. Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN, các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, khu vực cấp tỉnh

- Chủ động làm việc với các nhà thầu để nắm bắt cụ thể những khó khăn, vướng mắc, những bất cập về nguồn cung và giá vật liệu xây dựng cho dự án, công trình; tổng hợp bằng văn bản báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh (hoặc gửi Sở Xây dựng) để xem xét, giải quyết (kèm theo các hồ sơ có liên quan).

- Căn cứ nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng cho công trình theo từng năm, báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để lập, phê duyệt Phương án, Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định hiện hành.

- Hàng tháng cung cấp các hợp đồng mua vật liệu xây dựng, hóa đơn mua vật liệu xây dựng (hóa đơn VAT) và các hồ sơ có liên quan về giá vật liệu xây dựng (cung cấp cho Sở Xây dựng và UBND các huyện, thị xã, thành phố có dự án do các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, khu vực cấp tỉnh làm chủ đầu tư trên địa bàn) làm cơ sở để UBND các huyện, thị xã, thành phố tham khảo, tổng hợp, báo cáo kết quả khảo sát giá vật liệu xây dựng trên địa bàn.

9. Đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh

- Thường xuyên tuyên truyền, yêu cầu các hội viên thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng đúng quy định của nhà nước, nhằm góp phần đảm bảo an ninh về nguồn cung vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

- Nắm bắt kịp thời các biến động bất thường về nguồn cung, biến động bất thường về giá vật liệu, tìm hiểu nguyên nhân, kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) xem xét, giải quyết các khó khăn vướng mắc tại các phiên họp tiếp doanh nghiệp hàng tháng.

10. Các đơn vị được cấp giấy phép khai thác mỏ vật liệu

- Hàng tháng cung cấp cho Sở Xây dựng, Sở Tài chính và UBND các huyện, thị xã, thành phố thông tin về báo giá vật liệu tại mỏ (giá bốc xếp lên phương tiện) khi có thay đổi về giá, Bảng tính giá thành kèm theo báo giá và các hợp đồng mua bán kèm theo các hóa đơn GTGT xuất bán trong thời gian gần nhất.

- Ưu tiên cung cấp nguồn vật liệu để phục vụ xây dựng các công trình trọng điểm trên địa bàn (giao thông, đê điều,…) khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và cấp thẩm quyền có liên quan.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản thông báo đến các chủ mỏ trên địa bàn tỉnh nội dung chỉ đạo nêu trên.

11. Các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo chí trên địa bàn tỉnh

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về sản xuất vật liệu xây dựng, hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu mở chuyên mục về thông tin nguồn cung, giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh (nếu phù hợp).

Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra các vi phạm thuộc trách nhiệm được giao quản lý. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để xem xét, giải quyết./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Mai Xuân Liêm

 

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2023 thực hiện phương án đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu: 07/CT-UBND
Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
Người ký: Mai Xuân Liêm
Ngày ban hành: 17/04/2023
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [4]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2023 thực hiện phương án đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…