ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 106/2003/QĐ-UB |
TP.Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 06 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ ÁP DỤNG MỘT SỐ BIỆN PHÁP XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Căn cứ Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 18 tháng 11 năm 2002 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ;
Thực hiện Nghị quyết số 40/2003/NQ-HĐ ngày 28 tháng 3 năm 2003 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa VI, kỳ họp lần thứ 11 (bất thường);
Xét đề nghị của Giám đốc Công an thành phố tại Tờ trình số 401/TTr-CATP (PV11) ngày 16 tháng 5 năm 2003 và của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 1178/STP-VB ngày 29 tháng 5 năm 2003;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Những quy định chung:
1. Quyết định này quy định biện pháp tịch thu xe, tạm giữ phương tiện vi phạm an toàn giao thông đường bộ và mức phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè xảy ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nhằm tăng cường trật tự kỷ cương, xây dựng nếp sống văn minh đô thị tại thành phố.
2. Những biện pháp và hành vi vi phạm hành chính không được qui định tại Quyết định này thì áp dụng theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
3. Đối tượng bị xử phạt, thẩm quyền xử phạt, các hình thức xử phạt được áp dụng theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, người vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ tại thành phố Hồ Chí Minh bị xử phạt theo Nghị định số 15/2003/ NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ và những quy định của Quyết định này.
Điều 2.- áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện dùng để vi phạm an toàn giao thông đường bộ đối với những vi phạm sau đây, không phân biệt nguồn gốc sở hữu xe:
1. Người có hành vi vi phạm hành chính sau đây đã bị xử lý hành chính nhưng tiếp tục tái phạm:
1.1- Điều khiển xe lạng lách, đánh võng hoặc đuổi nhau trên đường bộ;
1.2- Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, xe chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
1.3- Buông cả hai tay khi điều khiển xe, dùng chân điều khiển xe, ngồi về một bên điều khiển xe, nằm trên yên xe điều khiển xe, đứng trên yên xe điều khiển xe, thay người điều khiển khi xe đang chạy;
1.4- Điều khiển xe thành nhóm từ hai xe trở lên chạy quá tốc độ qui định;
1.5- Vi phạm các Điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, Khoản 1, Điều 2 mà không chấp hành lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống đối người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Người đua xe ôtô, xe mô tô, xe gắn máy trái phép.
3. Trong trường hợp phương tiện không phải do bản thân hoặc gia đình người vi phạm tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 2 đứng tên sở hữu và chủ sở hữu chứng minh được xe bị cướp, trộm cắp, chiếm đoạt trái phép thì trả lại xe cho chủ sở hữu.
Điều 3.- áp dụng biện pháp tạm giữ có thời hạn đối với phương tiện vi phạm an toàn giao thông:
1. Người điều khiển xe ôtô, xe mô tô, xe máy và các loại xe khác có kết cấu tương tự có các hành vi đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi ngược chiều của đường một chiều, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, điều khiển xe chạy hàng ngang từ ba xe trở lên, xe không có đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu hoặc có nhưng không có tác dụng, ngoài việc bị xử phạt theo quy định hiện hành còn bị tạm giữ xe 20 (hai mươi) ngày.
2. Người điều khiển xe ôtô, xe mô tô, xe máy và các loại xe khác có kết cấu tương tự có hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ bị áp dụng biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 30 (ba mươi) ngày, 60 (sáu mươi) ngày thì bị tạm giữ xe 40 (bốn mươi) ngày; bị áp dụng biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 90 (chín muơi) ngày, 180 (một trăm tám mươi) ngày và bị tước giấy phép lái xe không thời hạn thì bị tạm giữ xe 60 (sáu mươi) ngày.
3. Người vi phạm bị tạm giữ xe phải trả tiền lưu kho theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.
4. Trường hợp không đủ kho tạm giữ phương tiện vi phạm an toàn giao thông thì người có thẩm quyền có thể áp dụng hình thức tạm giữ biển đăng ký xe, giao phương tiện cho người vi phạm tự bảo quản. Trong thời gian bị tạm giữ biển đăng ký xe, chủ phương tiện không phải trả tiền lưu kho và không được dùng xe đó tham gia giao thông, nếu vi phạm thì bị xử lý theo điều luật tương ứng với tình tiết tăng nặng.
Điều 4.- áp dụng tối đa của khung tiền phạt để xử phạt tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ có tính chất lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè với mức tối đa của khung hình phạt được quy định tại Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ; cụ thể như sau:
1. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe có kết cấu tương tự vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
1.1- Không dừng xe, đỗ xe sát mép đường nơi có lề đường hẹp, phạt tiền 80.000 đồng;
1.2- Để xe ở lòng đường, hè phố trái quy định, phạt tiền 120.000 đồng;
1.3- Dừng xe, đỗ xe trái quy định gây ùn tắc giao thông, phạt tiền 1.000.000 đồng.
2. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe có kết cấu tương tự vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
2.1- Để xe ở lòng đường, hè phố trái quy định, phạt tiền 60.000 đồng;
2.2- Tụ tập từ ba xe trở lên ở lòng đường, trên cầu, phạt tiền 60.000 đồng;
2.3- Điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ ba xe trở lên, phạt tiền 100.000 đồng.
3. Xử phạt người điều khiển xe máy chuyên dùng vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, phạt tiền 60.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
3.1- Để xe ở lòng đường, hè phố trái quy định;
3.2- Không dừng xe, đỗ xe sát mép đường nơi có lề đường hẹp.
4. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
4.1- Phạt tiền 20.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Để xe ở lòng đường, hè phố trái quy định;
+ Xe đạp đi dàn hàng ngang từ ba xe trở lên, xe thô sơ khác đi dàn hàng ngang từ hai xe trở lên.
4.2- Phạt tiền 40.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Đỗ xe ở lòng đường đô thị, trên cầu, gây cản trở giao thông;
+ Người điều khiển hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác; mang vác, chở vật cồng kềnh;
+ Dùng xe đẩy làm quầy hàng lưu động trên đường trái quy định, gây cản trở giao thông.
5. Xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, phạt tiền 40.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
5.1- Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;
5.2- Trèo qua giải phân cách khi đi ngang qua đường;
5.3- Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
6. Xử phạt các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ:
6.1- Phạt tiền 40.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Xây, đặt bục bệ trái phép trên hè phố hoặc lòng đường;
+ Lấn chiếm vỉa hè, đường giao thông để họp chợ, bầy bán hàng;
+ Chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để đặt biển hiệu, buôn bán vặt, mời chào hàng, sửa chữa xe đạp, làm mái che, các hoạt động dịch vụ khác gây cản trở giao thông hoặc làm mất mỹ quan đường phố;
+ Tập trung đông người trái phép; nằm, ngồi trên đường gây cản trở giao thông;
+ Đá cầu, chơi cầu lông trên đường giao thông.
6.2- Phạt tiền 100.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Để vật liệu, phế thải, vật chướng ngại trên đường bộ gây cản trở giao thông;
+ Để vật che khuất biển báo, đèn tín hiệu giao thông.
6.3- Phạt tiền 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Sử dụng đường bộ trái quy định để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội;
+ Dựng cổng chào hoặc các vật che chắn khác trong phạm vi đất dành cho đường bộ;
+ Tự ý tháo, mở nắp cống trên đường giao thông;
+ Chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi sửa chữa ô tô, mô tô, xe gắn máy, sửa xe, làm nơi trông giữ xe trái phép;
+ Đá bóng trên đường giao thông;
+ Thả diều trên đường giao thông hoặc gần đường dây tải điện.
6.4- Xử lý hành vi rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, chăng dây qua đường, đổ dầu nhờn trên đường bộ.
Đây là những hành vi rất nguy hiểm, khi phát hiện, cơ quan Công an phải lập và củng cố hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định của pháp luật hiện hành, trong trường hợp không đủ yếu tố để truy tố thì xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 1.000.000 đồng đối với mỗi hành vi.
7. Xử phạt hành chính các hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ:
7.1- Phạt tiền 200.000 đồng đối với hành vi dừng, đậu xe ô tô và xe có kết cấu tương tự trên lề đường, vỉa hè, miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, các chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước.
7.2- Phạt tiền 2.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng bến xe, bãi đỗ xe không theo đúng quy mô thiết kế đã được duyệt.
7.3- Phạt tiền 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Để vật liệu, đất đá, phương tiện thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông;
+ Không thu dọn ngay các biển báo hiệu, rào chắn, phương tiện thi công, các vật liệu khác hoặc không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong.
7.4- Phạt tiền 5.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe không theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
7.5- Phạt tiền 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Khoan, đào, xẻ đường trái phép;
+ Tự ý phá dải phân cách nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
8. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm quy định tại Điều 4, của Quyết định này còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp xử lý khác theo quy định tại Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ.
Điều 5.- Điều khoản thi hành:
1. Quyết định này áp dụng trong thời gian Chính phủ chưa ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực trật tự, an toàn đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh và có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
2. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, phường-xã, thị trấn có trách nhiệm thi hành Quyết định này; trong quá trình thực hiện Quyết định, nếu phát sinh vướng mắc, Thủ trưởng các ngành, các cấp phải kịp thời phản ánh để Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Quyết định 106/2003/QĐ-UB áp dụng một số biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: | 106/2003/QĐ-UB |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký: | Lê Thanh Hải |
Ngày ban hành: | 27/06/2003 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 106/2003/QĐ-UB áp dụng một số biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Chưa có Video