Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

CHÍNH PHỦ
 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 25/2007/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 02 năm 2007

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC DỰ TRỮ QUỐC GIA

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Căn cứ Pháp lệnh Dự trữ quốc gia ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia.

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia bao gồm:

a) Vi phạm quy định về sử dụng quỹ dự trữ quốc gia là tiền;

b) Vi phạm quy định về sử dụng quỹ dự trữ quốc gia là hàng hoá;

c) Vi phạm quy trình, quy phạm về bảo quản hàng dự trữ quốc gia;

d) Vi phạm quy định về phương thức mua, bán hàng dự trữ quốc gia;

đ) Vi phạm quy định về nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia;

e) Vi phạm quy định về cấp phát, cứu trợ hàng dự trữ quốc gia;

g) Vi phạm quy định về tiếp nhận, phân phối hàng dự trữ quốc gia sau khi xuất kho dự trữ quốc gia (trừ hàng dự trữ quốc gia sử dụng một lần hay xuất bán);

h) Vi phạm quy định về thanh toán, sử dụng vốn, phí dùng để mua, bán, bảo quản hàng dự trữ quốc gia;

i) Vi phạm cơ sở vật chất - kỹ thuật, kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia;

k) Cản trở hoạt động dự trữ quốc gia;

l) Vi phạm quy định về kinh doanh, cầm cố, thế chấp, cho thuê, khai thác trái phép tài sản thuộc dự trữ quốc gia;

m) Vi phạm quy định về bí mật nhà nước trong lĩnh vực dự trữ quốc gia.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia mà không phải là tội phạm và theo quy định của   Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Đối với hành vi vi phạm chế độ công vụ của cán bộ, công chức trong khi thi hành nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực dự trữ quốc gia thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Điều 3. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia và các biện pháp khắc phục hậu quả

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

Mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực dự trữ quốc gia là 70.000.000 đồng. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi vi phạm đó. Trường hợp có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt được giảm xuống nhưng không thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt. Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể được tăng lên nhưng không vượt mức tối đa của khung tiền phạt.

2. Ngoài các hình thức xử phạt được quy định tại khoản 1 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc khôi phục lại nguyên trạng kho tàng, cơ sở vật chất - kỹ thuật dự trữ quốc gia;

b) Buộc bồi thường toàn bộ giá trị thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra;

c) Buộc chấm dứt tình trạng cản trở đến hoạt động dự trữ quốc gia;

d) Buộc phải thực hiện đúng các quy trình, quy phạm, thời hạn bảo quản hàng dự trữ quốc gia;

đ) Buộc phải bảo quản hàng dự trữ quốc gia đúng  các địa điểm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

3. Mức bồi thường thiệt hại đối với vật tư, hàng hoá dự trữ quốc gia được xác định theo giá thị trường của vật tư, hàng hoá cùng loại tại thời điểm bồi thường.

Điều 4. Trách nhiệm phối hợp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia

Để bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia được tiến hành nhanh chóng, công minh, đúng theo quy định của pháp luật, cá nhân, tổ chức liên quan có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin, tài liệu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Điều 5. Thời hiệu xử phạt

1. Thời hiệu xử phạt trong lĩnh vực dự trữ quốc gia là 02 năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu quá thời hạn trên thì không xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này.

2. Đối với cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, mà hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia thì bị xử phạt hành chính. Trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 03 tháng, kể từ ngày người có th��m quyền xử phạt vi phạm hành chính nhận được quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án và hồ sơ vụ vi phạm.

3. Trong thời hạn được quy định tại các khoản 1, 2 Điều này, nếu cá nhân, tổ chức lại có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2 Điều này. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Điều 6. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính

Không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 3 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Điều 4 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của  Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Chương 2:

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC DỰ TRỮ QUỐC GIA, HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT

Điều 7. Vi phạm quy định về sử dụng quỹ dự trữ quốc gia là tiền

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không thực hiện báo cáo việc sử dụng tiền xuất từ quỹ dự trữ quốc gia để mua hàng dự trữ quốc gia theo quy định.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc mua hàng dự trữ quốc gia khi đã có đủ các điều kiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng quỹ dự trữ quốc gia là tiền không đúng mục đích;      

b) Không nộp số tiền còn lại sau khi đã thực hiện xong việc mua hàng dự trữ quốc gia theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về quản lý tiền được xuất từ quỹ dự trữ quốc gia.

4. Ngoài hình thức phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc bồi thường toàn bộ giá trị thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Điều 8. Vi phạm quy định về sử dụng quỹ dự trữ quốc gia là hàng hoá

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hàng dự trữ quốc gia không đúng mục đích theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hàng dự trữ quốc gia không đúng mục đích theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi   sử dụng hàng dự trữ quốc gia không đúng mục đích theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giá trị từ trên 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hàng dự trữ quốc gia không đúng mục đích theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giá trị từ trên 150.000.000 đồng trở lên.

5. Ngoài hình thức phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc bồi thường toàn bộ giá trị thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Điều 9. Vi phạm quy trình, quy phạm về bảo quản hàng dự trữ quốc gia

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không làm thủ tục nhập kho hàng dự trữ quốc gia;

b) Không mở sổ sách theo dõi về chất lượng, số lượng, chủng loại hàng dự trữ quốc gia trong quá trình bảo quản;

c) Không thực hiện các báo cáo định kỳ và đột xuất liên quan đến bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy trình, quy phạm về bảo quản hàng dự trữ quốc gia do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;

b) Không chấp hành đúng quy định về thời hạn bảo quản hàng dự trữ quốc gia;

c) Bảo quản hàng dự trữ quốc gia không đúng về  các địa điểm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy trình, quy phạm về bảo quản hàng dự trữ quốc gia do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và gây ra thiệt hại về hàng dự trữ quốc gia có giá trị từ 40.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

b) Không chấp hành đúng quy định về thời hạn bảo quản hàng dự trữ quốc gia và gây ra thiệt hại về hàng dự trữ quốc gia có giá trị từ 40.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

c) Bảo quản hàng dự trữ quốc gia không đúng về các địa điểm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và gây ra thiệt hại về hàng dự trữ quốc gia có giá trị từ 40.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy trình, quy phạm về bảo quản hàng dự trữ quốc gia do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và gây thiệt hại về hàng dự trữ quốc gia có giá trị từ trên 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng;

b) Không chấp hành đúng quy định về thời hạn bảo quản hàng dự trữ quốc gia và gây ra thiệt hại về hàng dự trữ quốc gia có giá trị từ trên 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng;

c) Bảo quản hàng dự trữ quốc gia không đúng về  các địa điểm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và gây ra thiệt hại về hàng dự trữ quốc gia có giá trị từ trên 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này mà gây ra thiệt hại có giá trị từ trên 150.000.000 đồng trở lên.

6. Ngoài hình thức phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc thực hiện đúng các quy trình, quy phạm, thời hạn bảo quản hàng dự trữ quốc gia;

b) Buộc bảo quản hàng dự trữ quốc gia đúng các địa điểm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

c) Buộc bồi thường toàn bộ giá trị thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Điều 10. Vi phạm quy định về phương thức mua, bán hàng dự trữ quốc gia

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thông báo hoặc niêm yết công khai đối tượng tham gia mua, bán; phương thức mua, bán; giá mua, bán; thời hạn mua, bán; số lượng, chủng loại, quy cách, tiêu chuẩn, chất lượng hàng dự trữ quốc gia theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trừ trường hợp hàng dự trữ quốc gia không được phép công khai, niêm yết công khai);

b) Mua, bán hàng dự trữ quốc gia không đúng về số lượng, chủng loại, quy cách, tiêu chuẩn, chất lượng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành về phương thức mua, bán đối với từng loại hàng dự trữ quốc gia;

b) Mua, bán hàng dự trữ quốc gia khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Tiếp tục mua, bán hàng dự trữ quốc gia khi thời hạn về mua, bán hàng dự trữ quốc gia đã hết hiệu lực.

3. Ngoài hình thức phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy định tại khoản 1, 2 Điều này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc bồi thường toàn bộ giá trị thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Điều 11. Vi phạm quy định về nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thủ tục nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia theo quy định.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia không đúng về chủng loại, quy cách, số lượng,  chất lượng, thời gian,  các địa điểm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi  nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia khi chưa có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 12. Vi phạm quy định về cấp phát, cứu trợ hàng dự trữ quốc gia

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các thủ tục cấp phát, cứu trợ hàng dự trữ quốc gia trong thời gian quy định.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi  không tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia (hàng dự trữ quốc gia được xuất cho cứu trợ hay để thực thi một nhiệm vụ khác của cơ quan có thẩm quyền) khi hàng đã có đầy đủ các điều kiện theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi chậm trễ, trì hoãn trong việc cấp phát, cứu trợ hàng dự trữ quốc gia theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cấp phát, cứu trợ hàng dự trữ quốc gia không đúng đối tượng theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giá trị từ 40.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

b) Làm thất thoát hàng dự trữ quốc gia dùng để cấp phát, cứu trợ hoặc để thực thi một nhiệm vụ khác có giá trị từ 40.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

c) Cấp phát, cứu trợ hàng dự trữ quốc gia không đảm bảo về chất lượng, chủng loại, số lượng, tiêu chuẩn, quy cách có giá trị từ 40.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cấp phát, cứu trợ hàng dự trữ quốc gia không đúng đối tượng theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giá trị từ trên 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng;

b) Làm thất thoát hàng dự trữ quốc gia dùng để cấp phát, cứu trợ hoặc để thực thi một nhiệm vụ khác có giá trị từ trên 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng;

c) Cấp phát, cứu trợ hàng dự trữ quốc gia không đảm bảo về chất lượng, chủng loại, số lượng, tiêu chuẩn, quy cách có giá trị từ trên 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.

6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm tại các khoản 4 và 5 Điều này mà gây ra thiệt hại có giá trị từ trên 150.000.000 đồng trở lên.

7. Ngoài hình thức phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc bồi thường toàn bộ giá trị thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra.    

Điều 13. Vi phạm quy định về tiếp nhận, phân phối hàng dự trữ quốc gia sau khi xuất kho dự trữ quốc gia (trừ hàng dự trữ quốc gia sử dụng một lần hay xuất bán)

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia theo đúng thời gian, địa điểm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

b) Không tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia khi hàng đã có đầy đủ các thủ tục, điều kiện giao, nhận theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về thủ tục, trình tự tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia;

d) Giao hàng không đúng về số lượng, chủng loại, quy cách, tiêu chuẩn, chất lượng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Phân phối hàng dự trữ quốc gia không đúng đối tượng theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Phân phối hàng dự trữ quốc gia không đúng thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi chậm chễ, trì hoãn trong việc phân phối hàng dự trữ quốc gia theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 14. Vi phạm quy định về thanh toán, sử dụng vốn, phí dùng để mua, bán, bảo quản hàng dự trữ quốc gia

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thanh toán khi chưa có hợp đồng mua, bán hàng dự trữ quốc gia;

b) Thanh toán khi hàng không đảm bảo đúng về tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng; hàng không có đầy đủ hoá đơn, chứng từ;

c) Thanh toán khi chưa có biên bản thanh lý hợp đồng hoặc bảng kê chứng từ nhập kho có chữ ký của Thủ trưởng đơn vị đối với các trường hợp mua trực tiếp không qua đấu thầu;

d) Thanh toán khi chưa được Thủ trưởng đơn vị dự trữ quốc gia chuẩn chi.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng phí nhập, phí xuất, phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia vượt định mức quy định;

b) Sử dụng phí nhập, phí xuất, phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia không đúng nội dung, mục đích.

3. Ngoài hình thức phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy định tại khoản 2 Điều này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc bồi thường toàn bộ giá trị thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Điều 15. Vi phạm cơ sở vật chất - kỹ thuật, kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi xâm phạm trái phép vào cơ sở vật chất - kỹ thuật, kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi cố ý làm sai lệch độ chính xác của các thiết bị, dụng cụ đo lường, kiểm nghiệm chất lượng hàng dự trữ quốc gia.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đập, phá hoặc làm thiệt hại về cơ sở vật chất - kỹ thuật, kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

4. Ngoài hình thức phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này còn bị áp dụng một trong các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc khôi phục lại nguyên trạng kho tàng, cơ sở vật chất - kỹ thuật dự trữ quốc gia;

b) Buộc phải bồi thường toàn bộ giá trị thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Điều 16. Cản trở hoạt động dự trữ quốc gia

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm mà chưa gây ra thiệt hại gì về hàng dự trữ quốc gia sau đây:

a) Cản trở hoạt động nhập, xuất, vận chuyển hàng dự trữ quốc gia;

b) Cản trở hoạt động cất giữ, bảo quản, luân chuyển hàng dự trữ quốc gia;

c) Cản trở hoạt động cấp phát, cứu trợ hoặc để thực thi một nhiệm vụ khác về dự trữ quốc gia.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm mà đã gây ra thiệt hại về hàng dự trữ quốc gia sau đây:

a) Cản trở hoạt động nhập, xuất, vận chuyển hàng dự trữ quốc gia;

b) Cản trở hoạt động cất giữ, bảo quản, luân chuyển hàng dự trữ quốc gia;

c) Cản trở hoạt động cấp phát, cứu trợ hoặc để thực thi một nhiệm vụ khác về dự trữ quốc gia.

3. Ngoài hình thức phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy định tại khoản 2 Điều này còn bị áp dụng một trong các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc chấm dứt tình trạng cản trở đến hoạt động dự trữ quốc gia;

b) Buộc bồi thường toàn bộ giá trị thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Điều 17. Vi phạm quy định về kinh doanh, cầm cố, thế chấp, cho thuê, khai thác trái phép tài sản thuộc dự trữ quốc gia

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh, cầm cố, thế chấp, cho thuê, khai thác trái phép tài sản thuộc dự trữ quốc gia không phải là kho dự trữ quốc gia có giá trị đến 70.000.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh, cầm cố, thế chấp, cho thuê, khai thác trái phép kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia có giá trị đến 70.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này mà tài sản thuộc dự trữ quốc gia không phải là kho dự trữ quốc gia có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều này mà kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này mà tài sản thuộc dự trữ quốc gia không phải là kho dự trữ quốc gia có giá trị từ trên 150.000.000 đồng trở lên.

6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều này mà kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia có giá trị từ trên 150.000.000 đồng trở lên.

7. Ngoài hình thức phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc khôi phục lại nguyên trạng kho tàng, cơ sở vật chất - kỹ thuật dự trữ quốc gia;

b) Buộc bồi thường toàn bộ giá trị thiệt do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Điều 18. Vi phạm quy định về bí mật nhà nước trong lĩnh vực dự trữ quốc gia

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cung cấp, tiết lộ hệ thống mạng lưới kho dự trữ quốc gia;

b) Cung cấp, tiết lộ kế hoạch bảo vệ kho hàng dự trữ quốc gia;

c) Cung cấp, tiết lộ tình hình thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia và những số liệu liên quan đến việc đánh giá số lượng, chất lượng, giá trị vật tư, hàng hoá dự trữ quốc gia hàng năm;

d) Cung cấp, tiết lộ về kế hoạch hàng năm về dự trữ quốc gia;

đ) Cung cấp, tiết lộ về số liệu vật tư, hàng hoá nhập kho, xuất kho và số liệu quyết toán vốn, phí hàng năm về dự trữ quốc gia;

e) Cung cấp, tiết lộ tài liệu kiểm tra, thanh tra dự trữ quốc gia ở các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia chưa công bố;

g) Cung cấp, tiết lộ về các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, bí quyết nghề nghiệp quan trọng trong việc bảo quản vật tư, hàng hoá dự trữ quốc gia chưa công bố;

h) Làm mất, chiếm đoạt hoặc tiêu huỷ trái phép những tài liệu, số liệu trong lĩnh vực dự trữ quốc gia tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều này.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cung cấp, tiết lộ kế hoạch dài hạn về dự trữ quốc gia;

b) Cung cấp, tiết lộ số liệu tuyệt đối về tồn kho các loại vật tư, hàng hoá dự trữ quốc gia;

c) Làm mất, chiếm đoạt hoặc tiêu huỷ trái phép những tài liệu, số liệu tại các điểm a, b khoản 2 Điều này.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cung cấp, tiết lộ thông tin về dự trữ tài chính quốc gia (vàng, bạc, đá quý, kim loại quý hiếm, ngoại tệ) chưa công bố hoặc không công bố;

b) Cung cấp, tiết lộ tài liệu, số liệu trình cơ quan có thẩm quyền về chủ trương xây dựng dự toán ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực dự trữ quốc gia;

c) Làm mất, chiếm đoạt hoặc tiêu huỷ trái phép những tài liệu, số liệu tại các điểm a, b khoản 3 Điều này.

Chương 3;

THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC DỰ TRỮ QUỐC GIA

Điều 19. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia

1. Thanh tra viên thuộc Bộ Tài chính đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng;

c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 3 Nghị định này;

d) Thực hiện các quyền quy định tại khoản 2 Điều 46 và khoản 2 Điều 48 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Chánh Thanh tra Bộ Tài chính có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 70.000.000 đồng;

c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 3 Nghị định này;

d) Thực hiện các quyền quy định tại khoản 1 Điều 46 của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 70.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc được quy định tại các Điều 12, 13, 15, 16 và 18 Nghị định này;

c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 3 Nghị định này.

Điều 20. Thủ tục xử phạt

1. Thủ tục và trình tự xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia được thực hiện theo quy định tại các Điều 53, 54, 55, 56, 57, 58, 60 và 61 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Tiền phạt thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước. Chế độ quản lý biên lai thu tiền phạt và nộp tiền phạt thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 21. Chấp hành quyết định xử phạt hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật

Điều 22. Chuyển hồ sơ vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia để truy cứu trách nhiệm hình sự

Khi xét thấy hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

Chương 4:

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 23. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện; giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia có quyền khiếu nại và khởi kiện về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền. Trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại,    tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia vẫn phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và khởi kiện theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo và pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

2. Công dân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi vi phạm trong lĩnh vực dự trữ quốc gia và hành vi trái pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính theo các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.      

Điều 24. Xử lý vi phạm

1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia mà sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức, xử phạt vượt quá thẩm quyền quy định    thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của  pháp luật.

2. Người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia nếu có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ hoặc cố tình trì hoãn, trốn tránh thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 25. Khen thưởng

Cá nhân, tổ chức có thành tích trong đấu tranh, phòng, chống vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 26. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 27. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành và hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
  cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng,
   chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
  thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm,
  Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
  Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
  các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG



 

Nguyễn Tấn Dũng

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Nghị định 25/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia

Số hiệu: 25/2007/NĐ-CP
Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ
Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 15/02/2007
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [1]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Nghị định 25/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia

Văn bản liên quan cùng nội dung - [1]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [2]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…