Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/2018/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2018

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN LẤY Ý KIẾN CỦA TRẺ EM TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH, CHÍNH SÁCH, VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT, QUYẾT ĐỊNH, QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VỀ TRẺ EM HOẶC LIÊN QUAN ĐẾN TRẺ EM

Căn cứ Luật trẻ em ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trẻ em,

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em (sau đây gọi là văn bản về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em).

2. Thông tư này áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp (sau đây gọi là cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản) trong quá trình xây dựng văn bản về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em; Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và trẻ em tham gia lấy ý kiến.

Điều 2. Nguyên tắc lấy ý kiến của trẻ em

1. Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em) chủ động tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến của trẻ em trên cơ sở sự tham gia tự nguyện của trẻ em; cung cấp đầy đủ thông tin cho trẻ em; nội dung, hình thức lấy ý kiến phải phù hợp với độ tuổi, giới tính, dân tộc, hoàn cảnh, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em.

2. Tạo môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng, không phân biệt đối xử, không trù dập, kỳ thị khi trẻ em bày tỏ hoặc không bày tỏ ý kiến; bảo đảm bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em tham gia lấy ý kiến.

3. Ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, ý kiến của Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phải được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu, phản hồi đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực và sử dụng đúng mục đích.

4. Người thực hiện lấy ý kiến của trẻ em phải có kiến thức, thái độ thân thiện, kỹ năng phù hợp để làm việc với trẻ em.

5. Việc lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn tại Thông tư này.

Điều 3. Quy trình lấy ý kiến của trẻ em

Quy trình lấy ý kiến của trẻ em bao gồm các bước sau:

1. Bước 1. Chuẩn bị lấy ý kiến của trẻ em.

2. Bước 2. Tổ chức lấy ý kiến của trẻ em.

3. Bước 3. Tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của trẻ em.

4. Bước 4. Thông tin, phản hồi ý kiến của trẻ em.

Điều 4. Chuẩn bị lấy ý kiến của trẻ em

1. Xây dựng kế hoạch lấy ý kiến của trẻ em bao gồm:

a) Mục đích, yêu cầu;

b) Thời gian, địa điểm;

c) Đối tượng trẻ em tham gia lấy ý kiến;

d) Nội dung cần lấy ý kiến;

đ) Hình thức lấy ý kiến;

e) Kinh phí;

g) Phân công thực hiện.

2. Thuyết minh nội dung của văn bản đang soạn thảo; xây dựng bộ công cụ lấy ý kiến của trẻ em bảo đảm khoa học, ngắn gọn, đơn giản và phù hợp với hình thức lấy ý kiến của trẻ em.

3. Lựa chọn trẻ em tham gia lấy ý kiến bảo đảm đại diện vùng miền, dân tộc, độ tuổi, giới tính, tôn giáo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; phải lấy ý kiến của trẻ em hoặc đại diện nhóm trẻ em chịu sự tác động trực tiếp của văn bản phù hợp với mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em.

4. Tập huấn hoặc cung cấp thông tin cho người thực hiện lấy ý kiến của trẻ em về mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức lấy ý kiến.

5. Ban hành văn bản hướng dẫn hoặc đề nghị phối hợp thực hiện lấy ý kiến của trẻ em.

6. Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất phù hợp với hình thức lấy ý kiến của trẻ em.

Điều 5. Tổ chức lấy ý kiến của trẻ em

1. Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản trực tiếp tổ chức lấy ý kiến của trẻ em thông qua một hoặc các hình thức sau:

a) Phiếu lấy ý kiến của trẻ em;

b) Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm;

c) Thông qua điện thoại;

d) Thông qua môi trường mạng;

đ) Các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em; người thực hiện lấy ý kiến của trẻ em cung cấp cho trẻ em những thông tin cơ bản sau:

a) Mục đích, yêu cầu việc lấy ý kiến của trẻ em;

b) Nội dung cần lấy ý kiến của trẻ em;

c) Hướng dẫn, giải thích cho trẻ em những thông tin liên quan đến nội dung cần lấy ý kiến và những nội dung khác mà trẻ em quan tâm.

3. Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến của trẻ em phải bảo đảm việc kịp thời cung cấp, giải thích thông tin, hỗ trợ cho trẻ em.

4. Trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản không trực tiếp tổ chức việc lấy ý kiến của trẻ em thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP.

5. Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện lấy ý kiến của trẻ em thông qua một hoặc các hình thức quy định tại khoản 1 và quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

Điều 6. Tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của trẻ em

1. Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tổng hợp đầy đủ ý kiến của trẻ em vào nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hồ sơ trình thẩm định, thẩm tra văn bản; tiếp thu những ý kiến phù hợp, bổ sung, chỉnh sửa vào dự thảo văn bản trước khi ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; giải trình những ý kiến không tiếp thu.

2. Trường hợp Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện lấy ý kiến của trẻ em theo đề nghị của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản thì gửi văn bản tổng hợp kết quả lấy ý kiến của trẻ em đến cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản. Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tiếp nhận văn bản tổng hợp và thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 7. Thông tin, phản hồi ý kiến của trẻ em

1. Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản thông tin, phản hồi việc tiếp thu ý kiến của trẻ em thông qua một hoặc các hình thức sau:

a) Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp báo;

b) Thông qua điện thoại;

c) Thông qua môi trường mạng;

d) Các phương tiện thông tin đại chúng;

đ) Gửi văn bản đến trường học, cộng đồng, địa phương nơi tổ chức lấy ý kiến của trẻ em để niêm yết công khai;

e) Các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản lấy ý kiến của trẻ em thông qua Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em hoặc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thì gửi văn bản thông tin, phản hồi về việc tiếp thu ý kiến của trẻ em cho Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để thông tin, phản hồi cho trẻ em thông qua một hoặc các hình thức quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng văn bản theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 49, khoản 1 Điều 50 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP và thực hiện lấy ý kiến của trẻ em theo hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện lấy ý kiến của trẻ em theo hướng dẫn tại Thông tư này; tham gia giám sát việc lấy ý kiến của trẻ em, việc tiếp thu, thông tin, phản hồi ý kiến của trẻ em.

3. Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện, khuyến khích trẻ em được tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng các văn bản về trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2019.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Quốc gia về trẻ em;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam;
- HĐND, UBND, Sở LĐTBXH các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Bộ LĐTBXH: Lãnh đạo Bộ; các đơn vị có liên quan;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ LĐTBXH;
- Lưu: VT, Cục TE(10b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Hà

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông tư 36/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu: 36/2018/TT-BLĐTBXH
Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký: Nguyễn Thị Hà
Ngày ban hành: 26/12/2018
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông tư 36/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [8]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…