ỦY BAN DÂN TỘC |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2017/UBDT |
Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2017 |
Căn cứ Nghị định số 13/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;
Căn cứ Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về Cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ Quốc gia về việc làm;
Căn cứ Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 tháng 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 2020;
Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135;
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành Thông tư quy định chi tiết thực hiện Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và địa bàn thực hiện
1. Thông tư này quy định chi tiết thực hiện Dự án 2: Chương trình 135 (sau đây gọi là Chương trình) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Quyết định số 1722/QĐ-TTg).
2. Địa bàn thực hiện: Các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn (bản, buôn, làng, xóm, ấp) đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc diện đầu tư Chương trình theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền (sau đây gọi là các xã, thôn).
3. Nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thực hiện theo điểm b, khoản 6, Điều 1 Quyết định số 1722/QĐ-TTg và quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 2. Nguyên tắc thực hiện Chương trình
1. Công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở, phát huy tinh thần tự lực tự cường của người dân và cộng đồng; đảm bảo sự tham gia, giám sát của người dân trong toàn bộ quá trình triển khai thực hiện Chương trình.
2. Phát huy các giá trị văn hóa, tri thức truyền thống, thiết chế cộng đồng có ý nghĩa tích cực trong công tác giảm nghèo; đảm bảo các yếu tố thị trường, bình đẳng giới, giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.
3. Đa dạng hóa và lồng ghép các nguồn lực thực hiện Chương trình; tăng cường sự phối hợp, liên kết hợp tác giữa tổ chức, cá nhân có liên quan; đầu tư trước cho các xã, thôn khó khăn nhất, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, phụ nữ trên địa bàn.
4. Thực hiện phân cấp xã làm chủ đầu tư các dự án, trao quyền tự chủ cho cộng đồng, gắn với nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá, đảm bảo “xã có công trình, dân có việc làm và tăng thêm thu nhập”.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chương trình định kỳ, đột xuất (đúng theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg).
Mục 1. PHÂN BỔ VỐN VÀ LẬP KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
Điều 3. Phân bổ vốn từ nguồn ngân sách nhà nước
1. Ngân sách trung ương (NSTƯ) hỗ trợ tổng mức vốn hằng năm và cả giai đoạn cho từng tỉnh để thực hiện Chương trình theo Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn NSTƯ và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
2. Ban Dân tộc hoặc Văn phòng Ủy ban nhân dân (đối với nơi không thành lập Ban Dân tộc) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ban Dân tộc) chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình cho các xã, thôn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là UBND tỉnh), trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là HĐND tỉnh) quyết định.
3. Hằng năm, căn cứ kế hoạch vốn do NSTƯ hỗ trợ, vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ của tỉnh, Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp Chương trình cho các huyện, thị, ngành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
4. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện Chương trình bằng ngân sách địa phương, UBND tỉnh bố trí vốn để thực hiện đảm bảo tối thiểu bằng định mức vốn đầu tư của NSTƯ.
5. Ban Dân tộc và Phòng Dân tộc huyện hoặc đơn vị được phân công đối với các huyện không thành lập Phòng Dân tộc (sau đây gọi là Phòng Dân tộc) phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND cùng cấp lồng ghép việc thực hiện các chính sách dân tộc và chính sách hỗ trợ giảm nghèo với các hoạt động thuộc Chương trình; thúc đẩy giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (ưu tiên các dịch vụ gắn với tiêu chí nghèo đa chiều).
6. Sau khi được phân bổ và giao kế hoạch vốn chi tiết cho các hoạt động sự nghiệp, đầu tư công trình, dự án, Ban Dân tộc tổng hợp danh mục các hoạt động, công trình, dự án của Chương trình báo cáo Ủy ban Dân tộc.
Điều 4. Lập kế hoạch thực hiện Chương trình
1. Lập kế hoạch hằng năm và cả giai đoạn là một phần của lập kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.
Các hoạt động thuộc Chương trình phải phù hợp với các quy hoạch, đề án, kế hoạch của địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải có trong danh mục hoạt động của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2. Lập kế hoạch thực hiện Chương trình phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước hằng năm, theo giai đoạn và dự kiến khả năng huy động các nguồn lực khác.
a) Vào đầu kỳ lập kế hoạch, theo hướng dẫn của các cơ quan trung ương, Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan cung cấp thông tin định, hướng, dự kiến phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp thuộc Chương trình cho cấp huyện, Phòng Dân tộc chủ trì, phối hợp với các phòng, ban liên quan cung cấp thông tin định hướng, dự kiến phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp thuộc Chương trình cho các xã;
b) Việc phối hợp, lồng ghép các nguồn vốn, huy động nội lực cộng đồng và người dân phải được xác định cụ thể trong các hoạt động thuộc Chương trình;
c) Các hoạt động thuộc Chương trình được tổng hợp từ cấp xã lên cấp huyện, từ cấp huyện lên cấp tỉnh.
Phòng Dân tộc chủ trì, phối hợp với các phòng ban liên quan thẩm định các hoạt động thuộc Chương trình trong dự thảo kế hoạch cấp xã, cung cấp thông tin phản hồi cho các xã để hoàn thiện kế hoạch cấp xã. Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thẩm định các hoạt động thuộc Chương trình trong dự thảo kế hoạch cấp huyện, cung cấp thông tin phản hồi cho các huyện để hoàn thiện kế hoạch cấp huyện.
3. Lập kế hoạch thực hiện Chương trình ở cấp xã phải có sự tham gia của chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng và hộ dân hưởng lợi.
a) Ban phát triển thôn tổ chức họp tham vấn với đại diện nhóm hộ nghèo, có sự tham gia của người có uy tín, đại diện tất cả các nhóm dân tộc trong thôn trong quá trình lấy ý kiến của nhân dân về các hoạt động đề xuất thuộc Chương trình; tỷ lệ phụ nữ tham dự họp không thấp hơn 30%;
b) Khi tổ chức lấy ý kiến của nhân dân ở thôn phải xác định rõ cơ chế thực hiện của các hoạt động đề xuất thuộc Chương trình (lực lượng tham gia, đóng góp của người dân; cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng).
4. Quy trình, biểu mẫu lập kế hoạch thực hiện Chương trình áp dụng theo hướng dẫn chung của các bộ, ngành Trung ương, hướng dẫn cụ thể của UBND tỉnh và sở, ban, ngành về lập kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, phù hợp với các quy định tại Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
5. Kế hoạch, danh mục các hoạt động sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước của Chương trình phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Ban Dân tộc trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mục 2. HỖ TRỢ ĐẦU TƯ CƠ SỞ HẠ TẦNG
Điều 5. Nội dung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng
1. Các loại công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước của Chương trình là các công trình được quy định tại điểm b, khoản 6, Điều 1 Quyết định số 1722/QĐ-TTg.
2. UBND tỉnh được dành tối đa 30% nguồn vốn đầu tư phát triển hằng năm để tập trung đầu tư một số công trình khởi công mới mà người dân có nhu cầu cấp thiết tại một số xã, thôn thuộc Chương trình theo hình thức luân phiên. Nguồn vốn tập trung đầu tư cho mỗi công trình không vượt quá tổng vốn đầu tư phát triển dự kiến phân bổ cho xã, thôn theo giai đoạn; đảm bảo tất cả xã, thôn thuộc Chương trình được phân bố đủ vốn đầu tư phát triển dự kiến theo giai đoạn.
3. Các công trình được bố trí vốn ngân sách nhà nước của Chương trình phải hoàn thành dứt điểm, thời gian thực hiện tối đa không quá 02 năm, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
4. Các công trình có sử dụng trên 50% nguồn vốn ngân sách nhà nước của Chương trình phải gắn biển ghi tên công trình thuộc “Chương trình 135” và các thông tin cơ bản của đơn vị chủ đầu tư, đơn vị thi công, tổng vốn đầu tư, quy mô công trình, thời gian khởi công và hoàn thành.
Điều 6. Cơ chế hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng
1. Phân loại dự án:
a) Dự án áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng (sau đây gọi là cơ chế đặc thù): là dự án đáp ứng đủ các tiêu chí quy định tại Điều 2 Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ;
b) Dự án không áp dụng cơ chế đặc thù: là dự án không đáp ứng đủ các tiêu chí áp dụng cơ chế đặc thù.
2. Cơ chế thực hiện:
a) Đối với dự án áp dụng cơ chế đặc thù:
Quy trình triển khai thực hiện theo quy định tại Chương II, Nghị định số 161/2016-NĐ-CP và quy định cụ thể của UBND tỉnh.
b) Đối với dự án không áp dụng cơ chế đặc thù:
Dự án do một xã quản lý sử dụng và không yêu cầu kỹ thuật phức tạp, UBND huyện giao cho UBND xã làm chủ đầu tư;
Dự án có yêu cầu kỹ thuật phức tạp, phạm vi liên xã, UBND huyện giao cơ quan trực thuộc UBND huyện làm chủ đầu tư; UBND huyện là cấp quyết định đầu tư;
Quy trình triển khai thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng và các quy định có liên quan.
Điều 7. Duy tu, bảo dưỡng và quản lý, vận hành công trình
1. Những công trình phục vụ lợi ích chung trong phạm vi xã, thôn (bao gồm cả các công trình không được đầu tư bằng nguồn vốn của Chương trình) do UBND xã quản lý được sử dụng kinh phí hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng của Chương trình để thực hiện.
Không sử dụng kinh phí của Chương trình để duy tu, bảo dưỡng công trình đã bàn giao cho hộ, nhóm hộ quản lý sử dụng.
2. Kinh phí hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng chỉ sử dụng cho sửa chữa nhỏ, tu bổ, bảo trì thường xuyên nhằm duy trì hoạt động bình thường của công trình; không sử dụng cho xây mới, nâng cấp, sửa chữa lớn công trình.
3. UBND xã là chủ đầu tư đối với nguồn kinh phí hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng công trình.
a) Hằng năm, căn cứ quy trình duy tu, bảo dưỡng do UBND tỉnh ban hành và hiện trạng công trình trên địa bàn xã, UBND xã lập danh mục công trình, hạng mục công trình cần duy tu, bảo dưỡng; thông báo kế hoạch duy tu, bảo dưỡng đến người dân và cộng đồng; tổ chức thảo luận công khai trước khi hoàn thiện kế hoạch và dự toán duy tu, bảo dưỡng, trình HĐND xã thông qua, đồng thời gửi UBND huyện tổng hợp;
b) Căn cứ quyết định giao kế hoạch vốn duy tu, bảo dưỡng của UBND huyện và Nghị quyết của HĐND xã, UBND xã tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt kinh phí duy tu, bảo dưỡng từng công trình và giao cho tổ chức cộng đồng, tổ, nhóm thợ trên địa bàn xã nhận thầu thực hiện hoặc giao cho trưởng thôn tổ chức các hộ gia đình trong thôn thực hiện duy tu, bảo dưỡng đối với công trình do thôn quản lý;
Trường hợp tổ chức cộng đồng, tổ, nhóm thợ, các hộ gia đình trong thôn không đủ điều kiện và khả năng thực hiện, UBND xã ký hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân đủ năng lực thực hiện duy tu, bảo dưỡng.
4. Trên cơ sở các quy định hiện hành của Nhà nước và quy định của Thông tư này, Ban Dân tộc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng công trình sử dụng nguồn vốn của Chương trình.
Điều 8. Đóng góp của cộng đồng và người dân
1. Hình thức đóng góp: công lao động, vật liệu tại chỗ, hiến tặng đất và tài sản trên đất, tiền mặt và các hình thức đóng góp khác; mức đóng góp, phân bổ đóng góp để xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình do cộng đồng dân cư thống nhất, phù hợp với khả năng của cộng đồng và người dân hưởng lợi.
2. Không huy động đóng góp bằng tiền đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình. Cộng đồng tự thỏa thuận về chế độ miễn, giảm đóng góp đối với các trường hợp khó khăn.
1. Tạo việc làm công trong xây dựng, duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình thực hiện theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về Chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
2. Đối với dự án áp dụng cơ chế đặc thù:
a) Người dân được trả tiền công theo thỏa thuận sử dụng lao động với đại diện đơn vị thi công khi tham gia lao động vượt quá mức đóng góp đã thống nhất trong thôn và ghi trong hồ sơ xây dựng công trình được phê duyệt;
b) Đơn vị thi công trả tiền công trực tiếp cho người lao động khi huy động nhân công địa phương trong các công việc do mình phụ trách. Mức trả công cho người lao động không thấp hơn mức tiền công (sau khi đã trừ các khoản thuế) được xác định trong hồ sơ xây dựng công trình được phê duyệt.
3. Đối với dự án không áp dụng cơ chế đặc thù:
a) Trong dự toán công trình phải ghi rõ chi phí giành riêng cho việc sử dụng lao động địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Nhà thầu phải ký cam kết với UBND xã về việc sử dụng lao động địa phương cho những hạng mục công việc phù hợp, kèm theo cam kết về mức trả công, điều kiện lao động phù hợp quy định của pháp luật;
c) UBND xã công khai rộng rãi về các công trình, phần công việc và mức trả công để người dân đăng ký, tham gia theo cơ chế tạo việc làm công;
d) UBND xã giám sát việc thực hiện cơ chế tạo việc làm công trong các công trình trên địa bàn, xử lý kịp thời và báo cáo UBND huyện về những trường hợp nhà thầu không thực hiện đúng cam kết đã ký.
Mục 3. NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO CỘNG ĐỒNG VÀ CÁN BỘ CƠ SỞ
Điều 10. Đối tượng nâng cao năng lực
Đối tượng nâng cao năng lực bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước của Chương trình thực hiện theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg, bao gồm:
1. Cộng đồng: Ban giám sát cộng đồng xã, đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ, nhóm; cán bộ chi hội đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, các tổ duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng tại thôn, người có uy tín trong cộng đồng và người dân, ưu tiên người dân tộc thiểu số và phụ nữ trong các hoạt động nâng cao năng lực.
2. Cán bộ cơ sở: cán bộ xã và thôn (bao gồm cả cán bộ luân chuyển, cán bộ tăng cường), cán bộ khuyến nông, thú y cấp xã và thôn; ưu tiên cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ trong các hoạt động nâng cao năng lực.
Điều 11. Nội dung nâng cao năng lực
1. Nội dung nâng cao năng lực cho cộng đồng bao gồm:
a) Kỹ năng thực hiện gói thầu giao cho cộng đồng thi công theo cơ chế đặc thù; duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng;
b) Các kỹ năng về phát triển cộng đồng, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, người nghèo, phụ nữ trong lập kế hoạch, tổ chức thực hiện; giám sát cộng đồng với các hoạt động của Chương trình; xây dựng và vận hành tổ nhóm, tiếp cận thị trường, liên kết sản xuất và các nội dung liên quan khác trong giảm nghèo.
2. Nội dung nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở bao gồm:
a) Quy trình, kỹ năng làm chủ đầu tư, nghiệp vụ đấu thầu, quản lý tài chính và thanh quyết toán; quy trình lập kế hoạch; quy trình triển khai dự án cơ sở hạ tầng; quy trình triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và đa dạng hóa sinh kế; kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện;
b) Các kỹ năng về phát triển cộng đồng và các nội dung liên quan khác trong giảm nghèo.
Điều 12. Lập kế hoạch và thực hiện nâng cao năng lực
1. Ban Dân tộc, Phòng Dân tộc chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã, các cơ quan liên quan tiến hành rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, đánh giá thực trạng năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng, xác định các nhu cầu cụ thể về nâng cao năng lực phù hợp với từng nhóm đối tượng trên từng địa bàn.
2. Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Chương trình khung (danh mục chuyên đề, nội dung đào tạo, bồi dưỡng) nâng cao năng lực thực hiện Chương trình.
3. Căn cứ Chương trình khung và nhu cầu nâng cao năng lực cụ thể được tổng hợp từ cấp xã và cấp huyện, Ban Dân tộc xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực hằng năm và cả giai đoạn trình UBND tỉnh phê duyệt. Kế hoạch nâng cao năng lực bao gồm các hoạt động sau đây:
a) Biên soạn và in ấn tài liệu;
b) Tổ chức các lớp tập huấn cho cộng đồng và cán bộ cơ sở (bao gồm cả tập huấn lặp lại, tập huấn nâng cao đối với những nội dung thiết thực nhằm củng cố năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở);
c) Tổng kết, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thăm quan học tập mô hình.
4. Hình thức tập huấn:
a) Đối với cộng đồng: sử dụng hình thức học tập đi đôi với thực hành, hạn chế giảng lý thuyết thuần túy;
b) Đối với cán bộ cơ sở: sử dụng hình thức tập huấn ngắn hạn theo phương pháp lấy người học làm trung tâm, khuyến khích chia sẻ và thảo luận;
c) Các lớp tập huấn phải gắn với từng công trình, dự án, tổ, nhóm cụ thể, thời gian thực hiện phải phù hợp với thời gian xây dựng công trình, chu kỳ dự án, lịch hoạt động tổ, nhóm.
5. Thời gian tập huấn: Mỗi đợt tập huấn không quá 04 ngày với đối tượng là cộng đồng, không quá 05 ngày với đối tượng là cán bộ cơ sở.
6. Địa điểm tổ chức tập huấn: tại từng thôn, liên thôn, từng xã hoặc tập huấn tập trung tại huyện, tỉnh. Việc chọn địa điểm tổ chức tập huấn phải đảm bảo điều kiện đi lại thuận lợi và giảm tối đa chi phí.
7. Kinh phí chi cho các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh, thăm quan học tập mô hình tối đa 10% tổng kinh phí tiểu dự án nâng cao năng lực hằng năm, do UBND tỉnh xem xét quyết định theo đề nghị của Ban Dân tộc.
Điều 13. Cơ chế thực hiện nâng cao năng lực
1. Ban Dân tộc là chủ đầu tư tiểu dự án nâng cao năng lực thuộc Chương trình trên địa bàn tỉnh.
2. Ban Dân tộc phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và UBND tỉnh điều phối việc thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực của Chương trình với các hoạt động nâng cao năng lực trong các chương trình, dự án khác trên cùng địa bàn để tránh trùng lặp, lãng phí nguồn lực.
Mục 4. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ THANH QUYẾT TOÁN VỐN
Điều 14. Quản lý, sử dụng và thanh quyết toán vốn
1. Quản lý, sử dụng và thanh quyết toán vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình theo Luật Ngân sách Nhà nước; các quy định do Bộ Tài chính, UBND tỉnh ban hành và các quy định liên quan.
2. Kinh phí quản lý Chương trình ở địa phương.
Hằng năm, Ban Dân tộc xây dựng dự toán chi kinh phí quản lý, hỗ trợ các hoạt động kiểm tra giám sát, tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình, trình UBND tỉnh phê duyệt, đưa vào dự toán chi hằng năm của đơn vị. Ban Dân tộc hướng dẫn Phòng Dân tộc lập dự toán chi kinh phí quản lý Chương trình như đối với Ban Dân tộc trình UBND huyện phê duyệt.
UBND tỉnh, UBND huyện có trách nhiệm bố trí, phân bổ cụ thể cho cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, chỉ đạo thực hiện Chương trình.
3. Những địa phương có các công trình sử dụng nguồn vốn của Chương trình đang thi công dở dang trước khi Thông tư này có hiệu lực thì được sử dụng vốn của Chương trình giao theo kế hoạch hằng năm để tiếp tục thực hiện.
Điều 15. Kiểm tra, giám sát và đánh giá
1. Kiểm tra, giám sát và đánh giá thực hiện Chương trình áp dụng theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-LĐTBXH ngày 25 tháng 10 năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
2. Hệ thống biểu mẫu và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổng hợp số liệu, báo cáo về Chương trình thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc.
Báo cáo bằng văn bản gửi đến địa chỉ: Ủy ban Dân tộc, số 80 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội; bản mềm của Báo cáo gửi qua hòm thư điện tử theo địa chỉ: vanphongdieuphoi135@cema.gov.vn.
3. Việc rà soát điều chỉnh, bổ sung diện đầu tư, hỗ trợ hằng năm và cả giai đoạn của Chương trình thực hiện theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền.
Điều 16. Thông tin, tuyên truyền
1. Nội dung thông tin, tuyên truyền:
a) Phổ biến thông tin về Chương trình, chính sách pháp luật về công tác dân tộc; quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng và người nghèo trong thực hiện Chương trình;
b) Thông báo công khai và minh bạch về đối tượng thụ hưởng, nội dung và mức hỗ trợ, mức vốn được phân bổ, kế hoạch thực hiện, quyết toán kinh phí từng công trình, dự án của Chương trình trên địa bàn;
c) Phổ biến, chia sẻ những điển hình tiên tiến, kinh nghiệm hay, cách làm có hiệu quả (như các gương thoát nghèo, mô hình sinh kế, duy tu và bảo dưỡng công trình dựa vào cộng đồng, thực hiện cơ chế đặc thù) trong thực hiện Chương trình.
2. Hình thức, phương pháp thông tin, tuyên truyền:
a) Hình thức thông tin, tuyên truyền ngắn gọn, rõ ràng, thực tế, thực hiện bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số, phù hợp với tập quán, văn hóa của các nhóm dân tộc thiểu số trên địa bàn;
b) Phương pháp thông tin, tuyên truyền đa dạng, thông qua hệ thống các tổ chức đoàn thể, tổ nhóm hợp tác, những người có uy tín, già làng, trưởng thôn, nông dân sản xuất giỏi, gương thoát nghèo, các chức sắc tôn giáo trên địa bàn; họp thôn, phát thanh, gặp gỡ đối thoại, và các kênh thông tin, tuyên truyền khác đến cộng đồng và người dân.
3. Cơ chế thực hiện: UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền thường xuyên, liên tục, gắn với lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và đánh giá Chương trình trên địa bàn.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH
1. Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm quản lý toàn diện Chương trình, có nhiệm vụ:
a) Thực hiện các nhiệm vụ theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 quy định tại Quyết định số 317/QĐ-BCĐCTMTQG ngày 20 tháng 10 năm 2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia và theo các quy định tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg;
b) Tổ chức các hoạt động tập huấn, hướng dẫn về quản lý và thực hiện Chương trình;
c) Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên phạm vi cả nước.
2. Cấp tỉnh:
a) UBND tỉnh chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về tiến độ, chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh và thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg;
b) Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp các sở, ngành tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý Chương trình, có nhiệm vụ:
Thực hiện các nội dung quy định tại Thông tư này;
Trên cơ sở hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành hướng dẫn thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện ở địa phương;
Thống nhất với các sở, ngành hướng dẫn các huyện lập kế hoạch thực hiện Chương trình hằng năm và theo giai đoạn; xác định danh mục loại công trình áp dụng theo cơ chế đặc thù; tổng hợp và điều chỉnh kế hoạch vốn thực hiện hằng năm và theo giai đoạn trên địa bàn báo cáo UBND tỉnh;
Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định cụ thể về cơ chế xúc tiến, phối hợp, liên kết, hợp tác với các tổ chức tài trợ đa phương và song phương, tổ chức phi chính phủ (NGO), tổ chức cộng đồng (CBO), hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà hảo tâm, các chương trình, dự án trong thực hiện Chương trình tại địa phương;
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp số liệu và báo cáo theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc và các cơ quan có thẩm quyền;
Thực hiện các nhiệm vụ khác UBND tỉnh giao.
3. Cấp huyện: UBND huyện giao Phòng Dân tộc làm cơ quan chủ trì Chương trình ở huyện, có trách nhiệm tham mưu giúp UBND huyện quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và tổng hợp báo cáo theo các quy định tại Thông tư này và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.
4. Cấp xã: UBND xã làm chủ đầu tư đối với các hoạt động, dự án thuộc Chương trình được phân cấp cho xã. Ban quản lý xã có trách nhiệm tham mưu cho UBND xã quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và tổng hợp báo cáo theo các quy định tại Thông tư này và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 6 năm 2017.
2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Ủy ban Dân tộc để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM |
Thông tư 01/2017/TT-UBDT quy định chi tiết thực hiện Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành
Số hiệu: | 01/2017/TT-UBDT |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Uỷ ban Dân tộc |
Người ký: | Đỗ Văn Chiến |
Ngày ban hành: | 10/05/2017 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư 01/2017/TT-UBDT quy định chi tiết thực hiện Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành
Chưa có Video