Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 84/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2012

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS, MA TÚY, MẠI DÂM NĂM 2011 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2012

Ngày 02 và 03 tháng 3 năm 2012, tại Hải Phòng, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS, chống tệ nạn ma túy, mại dâm năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các thành viên Ủy ban Quốc gia; thành viên Tổ chuyên gia; đại diện các cơ quan Trung ương; lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, lãnh đạo: Ban Tuyên giáo, Công an, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế; đại diện lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng. Sau khi nghe báo cáo của các Bộ: Công an, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; báo cáo của các đoàn kiểm tra của Ủy ban Quốc gia; báo cáo tham luận của Tổ chuyên gia, các Bộ, ngành, địa phương; ý kiến phát biểu của các tổ chức quốc tế và của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC NĂM 2011

Trong năm 2011, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, với nòng cốt là 3 ngành: Công an, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, có sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, cùng với sự đồng thuận của nhân dân cả nước, công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã đạt được những kết quả nhất định, đóng góp thiết thực vào thành tựu kinh tế - xã hội chung của đất nước, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ gìn cuộc sống an lành, hạnh phúc của nhân dân.

Ủy ban Quốc gia, Ban chỉ đạo các cấp được củng cố kiện toàn từng bước; nhận thức về tác hại và các biện pháp phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm của toàn xã hội được nâng lên. Phương thức, cách làm có nhiều tiến độ, kết hợp hài hòa các kinh nghiệm của quốc tế với thực tiễn Việt Nam.

Kết quả đạt được rất quan trọng, nhưng chưa thật sự ổn định, bền vững. Tình hình dịch HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm vẫn đang diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tệ nạn ma túy vẫn là mối hiểm họa đối với từng gia đình, cộng đồng và xã hội, hậu quả do ma túy gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, làm tổn hại đến sức khỏe của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, đồng thời là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm khác. HIV/AIDS vẫn trong giai đoạn dịch tập trung, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Tệ nạn mại dâm vẫn diễn ra phức tạp, tinh vi dưới nhiều hình thức trá hình. Công tác quản lý cai nghiện, quản lý sau cai nghiện, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện còn bất cập, hiệu quả thấp. Sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, gái mại dâm hoàn lương, người nghiện tái hòa nhập cộng đồng vẫn còn khá phổ biến.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, bất cập là:

1. Nhận thức của nhiều cấp, nhiều ngành về công tác phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ này; việc thực hiện chưa quyết liệt, đồng bộ; sự phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ; chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

2. Việc ban hành và triển khai thực hiện các cơ chế chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác.

3. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu, chưa duy trì thường xuyên, liên tục, chưa thật sự phù hợp với điểm từng nhóm đối tượng, nhất là với thanh thiếu niên, nên hiệu quả chưa cao.

4. Việc huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực chưa tốt, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

5. Việc rà soát, tổng hợp, báo cáo số liệu, tình hình không đầy đủ, chưa chính xác.

6. Tổ chức, bộ máy còn thiếu và yếu, phân công thiếu cụ thể, phối hợp chưa thật chặt chẽ.

II. THỐNG NHẤT KẾT LUẬN MỘT SỐ VẤN ĐỀ

1. Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm là công tác quan trọng, có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và sự phát triển giống nòi và tồn vong của dân tộc. Do vậy cần thống nhất trong nhận thức và hành động, đánh giá đúng thực trạng để có giải pháp đúng đắn, quyết liệt trong công tác này.

2. Sau gần 4 năm triển khai thí điểm, Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đã được tổng kết, đánh giá, cơ bản đạt được kết quả tốt trong việc điều trị nghiện, có hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội. Thời gian tới cần phải tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng Chương trình này với mục tiêu đến cuối năm 2015 sẽ điều trị thay thế bằng Methadone cho khoảng 80.000 người nghiện ma túy tại 30 tỉnh, thành phố. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở điều trị Methadone.

3. Tội phạm và tệ nạn ma túy có xu hướng tăng, nhất là trong giới trẻ, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội. Các lực lượng chức năng cần phối hợp tăng cường điều tra, truy quét, trấn áp tội phạm sản xuất, mua bán, nghiện chích ma túy tổng hợp, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

4. Công tác quản lý cai nghiện và sau cai, giải quyết hỗ trợ việc làm cho người sau cai nghiện và gái mại dâm hoàn lương thời gian qua đã có nhiều cố gắng, kết quả nhất định. Tuy nhiên thời gian tới cần phải tập trung vào việc nâng cấp, chấn chỉnh để nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động của các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội theo hướng tự nguyện, thân thiện và hiệu quả. Không xây dựng mới các trung tâm cai nghiện tập trung cấp tỉnh, đẩy mạnh xã hội hóa công tác này. Đồng thời nghiên cứu đổi mới hoạt động quản lý cai nghiện và sau cai nghiện, hỗ trợ việc làm cho người sau cai nghiện và gái mại dâm hoàn lương phù hợp với điều kiện thực tiễn để đạt hiệu quả thiết thực.

5. Tệ nạn mại dâm có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp, tinh vi, xuất hiện hình thức mại dâm nam, mại dâm đồng giới, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường mại dâm mấy năm gần đây tăng cao, gây nhiều tác động xấu trong xã hội. Trước hết cần thực hiện nghiêm Pháp lệnh phòng, chống mại dâm ban hành ngày 17 tháng 3 năm 2003 và các quy định hiện hành về phòng, chống mại dâm. Tập trung kiểm tra, truy quét và xử lý nghiêm các đối tượng chủ chứa, buôn bán phụ nữ làm gái mại dâm. Đồng thời cần mạnh dạn và nghiêm túc nhìn nhận thực trạng và hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm thời gian qua, từ đó nghiên cứu đề xuất các nội dung cần thống nhất về nhận thức, cách làm để có thể phòng, chống mại dâm một cách cơ bản, lâu dài.

6. Nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm chưa đáp ứng được yêu cầu, nguồn tài trợ có xu hướng giảm mạnh trong thời gian tới, do vậy cần tăng cường huy động và quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2012

1. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch đã đề ra.

2. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân về công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Mở rộng thêm các chương trình tập huấn cho những người trực tiếp làm công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.

3. Tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp; đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành; thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định thông tin, báo cáo để xây dựng cơ sở dữ liệu và đánh giá đúng tình hình phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.

4. Tăng cường huy động các nguồn lực nhất là nguồn tài trợ, nguồn lực xã hội, nguồn lực tại các địa phương; quản lý sử dụng minh bạch, hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Lồng ghép các nội dung, kế hoạch phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm với các chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác, đặc biệt là gắn với chương trình xóa đói, giảm nghèo.

5. Nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị xem xét, ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong tình hình mới.

Chủ đề công tác của năm 2012 là "Củng cố kiện toàn - Nâng cao nhận thức - Huy động nguồn lực - Tích cực phòng chống".

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm năm 2012; chủ động lập kế hoạch, tổ chức phối hợp triển khai kịp thời việc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá các chương trình, đề án công tác để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành và có kiến nghị, đề xuất cụ thể.

Các cơ quan, địa phương chưa có báo cáo về việc củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2009/TTg-KGVX ngày 31 tháng 10 năm 2011) đề nghị gửi báo cáo trước ngày 31 tháng 5 năm 2012.

Các cơ quan, địa phương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình, thường xuyên kiểm tra, rà soát đầy đủ, đúng các số liệu cơ bản về số người nghiện ma túy, tỷ lệ tái nghiện, số người nhiễm HIV còn sống, số bệnh nhân AIDS, số người bán dâm và có báo cáo gửi các cơ quan thường trực lĩnh vực (Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đồng gửi Văn phòng Chính phủ theo quy định để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Giao các cơ quan thường trực lĩnh vực (Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát, đổi mới phương pháp thống kê, nắm chắc số liệu, tổng hợp chính xác để đề xuất biện pháp kịp thời, xác đáng, đặc biệt không được giấu số liệu về các tệ nạn này.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức thẩm định, tổng hợp kế hoạch và cân đối, bố trí vốn đầu tư phát triển cho Chương trình Mục tiêu Quốc phòng phòng, chống HIV/AIDS và Chương trình Mục tiêu quốc phòng phòng, chống ma túy theo quy định. Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an giám sát việc thực hiện các dự án, đề án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

- Tích cực huy động các nguồn vốn ODA cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đối với các dự án đầu tư phát triển trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong việc sử dụng các nguồn lực.

3. Bộ Tài chính bảo đảm đủ và kịp thời kinh phí chi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm; kiểm tra, giám sát việc sử dụng và quyết toán kinh phí theo quy định. Đề xuất phương án xã hội hóa huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, đặc biệt là từ năm 2013.

4. Bộ Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trong Quý II năm 2012; xây dựng, sửa đổi và ban hành các thông tư hướng dẫn triển khai ngay sau khi Nghị định nêu trên được ban hành. Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 trong tháng 3 năm 2012. Nghiên cứu xây dựng chương trình để khắc phục tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, áp dụng các bài thuốc cắt cơn, cai nghiện bằng phương pháp cổ truyền.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, địa phương liên quan thực hiện việc mở rộng Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, quản lý chặt chẽ nguồn thuốc Methadone, đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở điều trị Methadone; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Sản xuất và sử dụng thuốc Methadone tại Việt Nam giai đoạn 2010 - 2015" để chủ động và bảo đảm đủ nguồn thuốc điều trị. Tăng cường công tác chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn, thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc điều trị bằng thuốc Methadone phù hợp, có chất lượng, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm an toàn cao nhất cho những người tham gia điều trị bao gồm cả thầy thuốc và bệnh nhân. Sớm ban hành hướng dẫn chuẩn đoán và điều trị nghiện ma túy tổng hợp.

5. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển):

- Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất chuẩn bị tổng kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26 tháng 3 năm 2008 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới.

- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu trình Chính phủ trong Quý III năm 2012 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số chất ma túy mới, tiền chất chưa có trong danh mục vào danh mục ma túy cần quản lý.

- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy tăng cường phối hợp đấu tranh, điều tra, bắt giữ các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm trong nội địa và khu vực biên giới, cửa khẩu nhất là biên giới với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, nhất là trong các hoạt động xuất, nhập khẩu, mua bán, sử dụng các loại tiền chất, thuốc tân dược, thuốc hướng thần, kiên quyết không để lợi dụng để sản xuất ma túy tổng hợp.

- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng tập trung tổ chức mở các đợt tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm vào các đợt cao điểm nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế và ngày toàn dân phòng, chống ma túy, các ngày lễ trong năm …

6. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu, chế độ thống kê báo cáo và chỉ số giám sát về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm và xây dựng tiêu chí đánh giá tái nghiện.

- Nghiên cứu xây dựng Đề án đổi mới hoạt động cai nghiện ma túy, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong Quý II năm 2012.

- Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không xây dựng mới các trung tâm cai nghiện tập trung cấp tỉnh, khuyến khích tạo thuận lợi cho việc đầu tư, tổ chức cai nghiện ở cấp xã, gắn với trạm y tế xã. Rà soát, đánh giá và quy hoạch lại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội trên toàn quốc. Xây dựng kế hoạch sắp xếp, củng cố lại các Trung tâm theo hướng tự nguyện, thân thiện, nhân văn và đạt hiệu quả thiết thực. Tổng kết, xem xét nhân rộng các mô hình có hiệu quả về cai nghiện tại cộng đồng và gia đình.

7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan thường xuyên rà soát, báo cáo việc tái trồng cây có chứa chất ma túy theo quy định; chỉ đạo tuyên truyền, vận động việc xóa bỏ cây có chứa chất ma túy và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng thay thế.

8. Các thành viên Ủy ban Quốc gia, Ban Chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần nâng cao trách nhiệm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, lập kế hoạch công tác cụ thể, phân công nắm tình hình thực tế và tham gia đầy đủ các phiên họp có liên quan; chủ trì hoặc tham gia các đoàn công tác để kiểm tra công tác, nắm bắt tình hình, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền, giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các ngành, các cấp, các địa phương; chủ động đề xuất và phối hợp công tác để công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm đạt hiệu quả thiết thực.

9. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia và các địa phương trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm gắn với các phong trào "toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS", "toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc", cuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", hưởng ứng "tháng hành động", xây dựng các mô hình tự quản …, có các biện pháp giáo dục hội viên, đoàn viên của mình gương mẫu chấp hành và đấu tranh với những người có hành vi vi phạm pháp luật về công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm.

10. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương coi đây là công tác quan trọng, cần báo cáo Thường vụ cấp ủy và trực tiếp chỉ đạo cụ thể trên địa bàn về 3 mặt công tác này đạt hiệu quả, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm tại địa phương mình.

11. Đề nghị các tổ chức quốc tế tiếp tục hợp tác, tài trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Ủy ban Quốc gia hoan nghêng các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tham gia các hội nghị, cuộc họp có liên quan của Ủy ban Quốc gia, đi thăm, làm việc với địa phương để tìm hiểu thực tế và chủ động đề xuất, đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của Việt Nam.

12. Các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tập trung phổ biến tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân các quy định của pháp luật về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; tạo dư luận xã hội đồng thuận, ủng hộ các biện pháp phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm do Chính phủ, các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành. Kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt đi đôi với phê phán nghiêm khắc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, tạo khí thế quần chúng trong việc phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan, các thành viên Ủy ban Quốc gia, Ban Chỉ đạo các cấp biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc TW;
- Ban tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy;
- Thành viên UBQG PCAIDSMTMD;
- Thành viên Tổ chuyên gia;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban của QH;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Ban Dân vận Trung ương;
- Các Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN;
- Cơ quan Trung ương các đoàn thể;
- Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: TCCV, TH, NC, ĐP, PL, QHQT;
- Lưu: VT, KGVX (5b)

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hữu Vũ

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông báo 84/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 84/TB-VPCP
Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
Người ký: Nguyễn Hữu Vũ
Ngày ban hành: 09/03/2012
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông báo 84/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [5]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…