BỘ KẾ HOẠCH VÀ
ĐẦU TƯ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 71/TB-BKHĐT |
Hà Nội, ngày 16 tháng 07 năm 2015 |
Ngày 09 tháng 7 năm 2015, Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (sau đây viết tắt là Hội đồng) đã tổ chức phiên họp thứ nhất thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (sau đây viết tắt là Chương trình). Tham dự cuộc họp có các đồng chí thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước, thành viên Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành và đại diện các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động TBXH, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban Dân tộc.
Sau khi nghe báo cáo của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ý kiến thẩm định sơ bộ của Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành và các ý kiến tham gia tại cuộc họp, Hội đồng đã thống nhất các nội dung sau:
2.1. Về Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững:
- Hoàn thiện lại Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình.
- Chương trình xác định mục tiêu giảm số hộ nghèo bình quân cả nước từ 1-1,5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, nhưng hiện nay chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 chưa được ban hành. Đề nghị luận cứ làm rõ cơ sở xác định mục tiêu này.
- Các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2020 còn tập trung nhiều vào các chỉ số về xây dựng hạ tầng, thông tin, truyền thông, tuyên truyền. Tuy nhiên, mục tiêu chính của Chương trình là giảm nghèo bền vững. Vì vậy, đề nghị bổ sung các chỉ số về phát triển sản xuất, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
- Về phân chia các dự án thành phần: Đề nghị Bộ Lao động TBXH phối hợp với Ủy ban Dân tộc nghiên cứu bổ sung thêm phương án phân chia các dự án thành phần theo ý kiến của Ủy ban Dân tộc tại văn bản số 419/UBDT-VP135 ngày 08/5/2015, đồng thời bổ sung phân tích những thuận lợi và khó khăn của các phương án, làm cơ sở để Hội đồng xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định.
- Đề nghị giải trình bổ sung làm rõ việc khắc phục sự trùng lặp giữa Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững về các nội dung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất trên địa bàn các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu; sự trùng lặp của các nội dung đầu tư giữa các tiểu dự án 1 và 2 của Dự án 1; giữa Dự án 1 và dự án 2.
- Về nội dung “Đầu tư cơ sở dạy nghề tổng hợp huyện nghèo” của Tiểu dự án 1, Dự án 1, đề nghị bổ sung đánh giá làm rõ hiện trạng các cơ sở dạy nghề của các ngành, các cấp đã đầu tư, năng lực đào tạo, nhu cầu đào tạo... tại các huyện nghèo làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định sự cần thiết đầu tư nội dung này.
- Dự án 3 Hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo dựa vào cộng đồng, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững: Các nội dung đầu tư của dự án chủ yếu là hỗ trợ trực tiếp, dễ dẫn đến khi Chương trình kết thúc, nguồn kinh phí hỗ trợ không còn, hoạt động sản xuất của các đối tượng được hỗ trợ sẽ khó đảm bảo phát triển bền vững, các nguồn lực hỗ trợ khó góp phần tạo động lực phát triển, nhân rộng. Theo Báo cáo đánh giá Chương trình giai đoạn trước các chính sách hỗ trợ trực tiếp chưa tạo được ý thức chủ động của các cấp và người dân, làm phát sinh tư tưởng ỷ lại của các cấp và bản thân người nghèo, xuất hiện xu hướng nhiều địa phương huyện, xã và người dân muốn vào danh sách đối tượng nghèo để được trợ giúp khá phổ biến. Vì vậy, cần nghiên cứu, xem xét định hướng lại các nội dung hỗ trợ sản xuất, bổ sung các hoạt động đầu tư quy hoạch, xây dựng phát triển các ngành nghề sản xuất, đặc biệt là các ngành nghề sản xuất, chế biến, thương mại, tạo giá trị gia tăng, thu hút lao động, phát huy lợi thế về đất đai, tài nguyên phù hợp với từng địa phương cụ thể.
- Cơ cấu vốn đầu tư đã được thiết kế tương tự giai đoạn trước. Tuy nhiên, các nội dung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm tới 77,87% tổng vốn đầu tư của Chương trình, trong khi vốn đầu tư cho nội dung hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo, nhân rộng mô hình giảm nghèo chỉ chiếm 20,9%. Vì vậy, cần xem xét cân đối lại cơ cấu đầu tư theo hướng tập trung vốn đầu tư cho Dự án phát triển sản xuất, tăng thu nhập, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo, nhân rộng mô hình giảm nghèo.
- Cơ cấu nguồn vốn từ ngân sách địa phương chỉ chiếm 5,3% (2.361,883 tỷ đồng/44.556,804 tỷ đồng) là khá thấp, chưa hợp lý, để nâng cao sự bền vững của Chương trình đề nghị xem xét cân đối lại cơ cấu huy động vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương.
- Chuẩn xác lại số liệu về vốn đầu tư của các dự án thành phần và tổng vốn đầu tư của Chương trình cho phù hợp.
- Giải trình làm rõ hơn việc phân công, phân cấp trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình cho phù hợp.
2.2. Về Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới:
- Cần làm rõ mục tiêu Chương trình cho phù hợp với tình hình thực tế và làm rõ tính khả thi của việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình.
+ Mục tiêu “đến năm 2020, khoảng 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới”.
+ Mục tiêu “mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới”.
- Hiện tại, phạm vi thực hiện và nội dung, hoạt động đầu tư của Chương trình đang có sự trùng lặp với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: về địa bàn đầu tư (các xã 135 và các xã bãi ngang) và nội dung đầu tư (đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, thủy lợi, trường học các cấp, trạm y tế xã, nhà văn hóa, khu thể thao, hệ thống thông tin & truyền thông, nâng cao hiệu quả truyền thông, đào tạo đội ngũ cán bộ và tăng cường năng lực đánh giá, giám sát thực hiện Chương trình). Bộ Nông nghiệp & PTNT cần rà soát lại các nội dung trùng lặp giữa Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình mục tiêu khác; đề xuất phương án xử lý trùng lặp giữa các chương trình cho phù hợp với quy định tại Điều 18 Luật Đầu tư công.
- Dự kiến nhu cầu vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình khoảng 120.000 tỷ đồng là quá cao so với khả năng cân đối của ngân sách Trung ương cho Chương trình (dự kiến khoảng 40.152 tỷ đồng). Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT căn cứ nguồn vốn thực hiện giai đoạn trước, trong đó có ngân sách trung ương, rà soát, điều chỉnh mục tiêu và nội dung, nhiệm vụ cần triển khai thực hiện theo thứ tự ưu tiên trong giai đoạn 2016-2020 để phù hợp khả năng cân đối ngân sách Trung ương đồng thời tăng cường các biện pháp huy động các nguồn lực khác để thực hiện Chương trình cho phù hợp với quy định tại Điều 18 Luật Đầu tư công.
- Về vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho Chương trình thông qua lồng ghép từ các Chương trình hỗ trợ có mục tiêu, dự án khác: cần làm rõ, xác định khả năng cân đối nguồn vốn này dựa trên cơ sở đánh giá kết quả tình hình triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2011-2015 và bức tranh chung của 22 Chương trình mục tiêu.
- Về các chi phí liên quan trong quá trình thực hiện:
+ Về chi phí quản lý, chỉ đạo thực hiện Chương trình (kiến nghị khoảng 3% nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ hàng năm): cần rà soát lại cho phù hợp với quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011 về hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
+ Về chi phí duy tu, bảo dưỡng các công trình (mức khoán chung khoảng 10% vốn đầu tư xây dựng cơ bản của từng xã): cần rà soát lại cho phù hợp với quy định tại Điều 39, Điều 40 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Mặt khác, cần làm rõ nguồn vốn để bố trí cho việc duy tu, bảo dưỡng các công trình này.
Ngoài ra, cần đưa một số nguồn ra khỏi nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ lồng ghép (như nguồn vay vốn tín dụng ưu đãi hàng năm và nguồn vốn xổ số kiến thiết) và tổng hợp nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi hàng năm và nguồn vốn xổ số kiến thiết vào Ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
- Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình cần làm rõ thực chất nông thôn mới là gì, có đặc trưng gì, mô hình nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 như thế nào (lưu ý các bất ổn về đạo đức, văn hóa, tội phạm gia tăng...).
- Cần phân chia các dự án thành phần của Chương trình và phân bổ nguồn lực cho các dự án thành phần cho phù hợp với quy định tại Điều 34 Luật Đầu tư công.
- Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình cần đưa ra được giải pháp khắc phục tồn tại của giai đoạn trước. Các giải pháp thực hiện Chương trình cần dựa trên cơ sở tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước.
Cần làm rõ giải pháp huy động các nguồn vốn khác (ngoài vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình).
- Theo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, dự kiến 14 Bộ, ngành chủ trì thực hiện các dự án thuộc Chương trình; tuy nhiên, Báo cáo đưa ra cơ chế điều hành, quản lý Chương trình rất chung chung, cần làm rõ cơ chế điều hành, quản lý Chương trình trong quá trình thực hiện Chương trình.
- Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình cần bổ sung đánh giá cụ thể về hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực của Hội đồng xin thông báo để các ủy viên Hội đồng, cơ quan theo dõi, triển khai./.
Nơi nhận: |
TL. BỘ TRƯỞNG |
Thông báo 71/TB-BKHĐT năm 2015 kết luận phiên họp thứ nhất Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
Số hiệu: | 71/TB-BKHĐT |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Người ký: | Nguyễn Xuân Tự |
Ngày ban hành: | 16/07/2015 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 71/TB-BKHĐT năm 2015 kết luận phiên họp thứ nhất Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
Chưa có Video