VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 346/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2009 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH HẬU GIANG
Ngày 28 tháng 11 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc tại tỉnh Hậu Giang. Cùng dự làm việc với Thủ tướng có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sau khi nghe các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2009; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2010 và một số đề nghị của Tỉnh, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến kết luận như sau:
Đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tỉnh Hậu Giang sau gần 5 năm tái lập, đã đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh đã tập trung đấy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển các công trình cơ sở hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp; hệ thống giao thông thủy, bộ được xây dựng mới (Kè xáng Xà No, đường Tây sông Hậu, tuyến Bốn Tổng – Một Ngàn, đường nối thị xã Vị Thanh với thành phố Cần Thơ…).
Năm 2009 đã huy động hơn 7,1 nghìn tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2008; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 12,28%, đặc biệt năm 2009 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng 17 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch như GDP ước tăng 12,6%; kim ngạch xuất khẩu tăng 16,65%, thu nhập bình quân đầu người đạt 762 USD; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, sản xuất lúa hàng hóa trên 1 triệu tấn/năm, xuất khẩu thủy sản hàng năm đạt trên 20.000 tấn (khoảng 50 triệu USD).
Tuy nhiên, Hậu Giang vẫn là tỉnh nghèo, khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn cao so với bình quân chung của cả nước (hơn 12%); tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; hạ tầng cơ sở còn kém phát triển, nhất là lĩnh vực hạ tầng giao thông và giáo dục đào tạo; thu nhập và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Cùng với việc chuẩn bị tốt tổ chứ Đại hội Đảng bộ các cấp, Tỉnh cần tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 và năm 2010, trong đó:
1. Rà soát mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2010 để triển khai quyết liệt nhằm hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm (2006 – 2010), gắn với việc chuẩn bị kế hoạch 5 năm tới (2011 – 2015); đồng thời Tỉnh chủ động đề ra các biện pháp phấn đấu cụ thể, vượt qua khó khăn thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội
2. Tiếp tục phát huy lợi thế về sản xuất lúa gạo và phấn đấu để Hậu Giang là một trong những địa phương đi đầu trong việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của cả nước, yêu cầu lãnh đạo Tỉnh phải tính toán chương trình, kế hoạch sản xuất đồng bộ, đạt hiệu quả cao trong sản xuất lúa hàng hóa, nhất là khâu sau thu hoạch, tiêu thụ lúa, gạo của dân, bảo đảm ổn định và có lãi cho nông dân.
Tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các Công ty lương thực trong việc xử lý, giải quyết khâu vận tải, sân phơi, kho chứa, giảm tổn thất sau thu hoạch, cung cấp thông tin và định giá thu mua lúa gạo công khai, minh bạch, bảo đảm có lợi cho người sản xuất.
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tỉnh rà soát lại quy hoạch các diện tích trồng lúa, từ đó đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghiệp chế biến nhằm giải quyết việc tiêu thụ lúa gạo một cách bền vững, ổn định và hiệu quả.
3. Chú trọng công tác giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, giáo trình để nâng cao chất lượng dạy và học; đẩy mạnh phát triển các cơ sở dạy nghề nhằm tạo nguồn nhân lực có chất lượng, lao động có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao. Trước mắt, Tỉnh cần quan tâm đào tạo những ngành nghề ngắn hạn, thu hút nhiều lao động.
4. Tập trung đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, trước hết là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án hạ tầng giao thông, thủy lợi, kiên cố hóa trường lớp học, bệnh viện tuyến huyện; rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch các công trình cơ sở hạ tầng về giao thông, cầu, đường, thủy lợi, kè và các quy hoạch khác để tạo bước phát triển mới.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về chủ trương đầu tư các công trình, dự án: Bổ sung 03 tuyến đường vào dự án đường nối thị xã Vị Thanh với thành phố Cần thơ (bao gồm: Tuyến kéo dài của tuyến nối đường Vị Thanh – Cần Thơ với Đường 933; đường nối tuyến Vị Thanh – Cần Thơ dọc theo kênh Trầu Hôi ra Quốc lộ 61; tuyến dọc theo kênh 8000 ra Quốc lộ 61 tại trị trấn Kinh Cùng); đầu tư giai đoạn 2 đường nối Vị Thanh – Cần Thơ; xây dựng cầu qua kênh Quản Lộ, cầu qua kênh Xẻo Vẹt; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 61 đoạn từ thị trấn Nàng Mau đến nút giao đường nối Vị Thanh – Cần Thơ: Đồng ý, giao Bộ Giao thông vận tải làm việc với Tỉnh và các Bộ, ngành có liên quan xem xét, xử lý cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ.
2. Về việc bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án, công trình: Đường nối Vị Thanh – Cần Thơ (giai đoạn 1); đường ô tô về 28 xã (giai đoạn 1); đường đến trung tâm xã chưa có đường ô tô: Tỉnh chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan, thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Thông báo số 273/TB-VPCP ngày 25 tháng 9 năm 2008; số 16/TB-VPCP ngày 9 tháng 01 năm 2009; số 1404/VPCP-ĐP ngày 06 tháng 3 năm 2009; số 264/TB-VPCP ngày 26 tháng 8 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ.
3. Đối với các dự án, công trình đã nằm trong danh mục sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ: Tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân, bảo đảm chất lượng công trình và tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, cân đối bố trí đủ vốn theo tiến độ và khối lượng thực hiện.
4. Về đầu tư xây dựng đường đến trung tâm xã chưa có đường ô tô: Tỉnh lập dự án, thẩm định và phê duyệt theo quy định; làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp chung, bố trí kế hoạch năm 2010 – 2011 (trong đó có 6 xã mới chia tách), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
5. Về việc bổ sung vốn xây dựng trụ sở làm việc và hội trường Tỉnh ủy, hạ tầng kỹ thuật khu hành chính Tỉnh ủy, trụ sở Ủy ban nhân dân Tỉnh, trụ sở các Sở, ban, ngành và cơ sở hạ tầng Khu hành chính Ủy ban nhân dân Tỉnh: Tỉnh tập trung chỉ đạo giải ngân hết số vốn đã ứng trước năm 2009 và số vốn đã bố trí năm 2010; trường hợp giải ngân hết, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, ứng trước vốn năm 2011 và các năm tiếp theo để Tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
6. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, khẩn trương chỉ đạo việc xây dựng kho dự trữ lúa gạo cho nông dân trên cơ sở cân đối nhu cầu thực tế, hạn chế tối đa tình trạng “được mùa rớt giá”.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng nhà nước Việt Nam xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế cho vay ưu đãi để xây dựng kho dự trữ lúa gạo của Tỉnh.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân nhân tỉnh Hậu Giang, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Thông báo 346/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 346/TB-VPCP |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 09/12/2009 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 346/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chưa có Video