THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 581/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 2009 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020
tại Thông báo số 170-TB/TW ngày 02 tháng 8 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Phân công thực hiện Chiến lược:
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020; xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch văn hóa 5 năm và hàng năm phù hợp với Chiến lược phát triển văn hóa và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết việc thực hiện Chiến lược này vào năm 2015 và tổng kết vào đầu năm 2021.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo nhân lực đối với các trường văn hóa, nghệ thuật; cơ chế, chính sách đặc thù đào tạo tài năng nghệ thuật; đào tạo giáo viên dạy nhạc, họa các trường phổ thông; tổ chức các hình thức thích hợp để học sinh, sinh viên nâng cao kiến thức về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, di sản văn hóa dân tộc, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các ngành và các địa phương đưa kế hoạch phát triển văn hóa vào kế hoạch định kỳ của ngành, địa phương; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước cho phát triển văn hóa.
4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định tỷ lệ ngân sách hàng năm chi cho văn hóa, đảm bảo việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020; hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính và cơ chế quản lý tài chính trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật để sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính đầu tư cho văn hóa; xây dựng các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế - xã hội đầu tư cho văn hóa.
5. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện cải cách hành chính trong công tác quản lý văn hóa; xác định biên chế, xây dựng các chế độ, chính sách đối với cán bộ ngành văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ, đối với các tập thể, cá nhân tham gia xã hội hóa các hoạt động văn hóa.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý tốt xuất bản phẩm về văn hóa, văn học, nghệ thuật; văn hóa mạng; quản lý phim ảnh, chương trình ca nhạc nước ngoài đưa lên sóng truyền hình.
7. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng và nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 trong phạm vi thẩm quyền; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, cơ quan khác triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hóa trên phạm vi toàn quốc.
8. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm phát triển văn hóa trên địa bàn theo thẩm quyền; xây dựng và chỉ đạo thực hiện các kế hoạch văn hóa 5 năm và hàng năm phù hợp với Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong cùng thời kỳ.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Nơi nhận: |
KT.
THỦ TƯỚNG |
PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ
tướng Chính phủ)
Những năm vừa qua, Đảng ta đã có nhiều văn kiện định hướng cho việc xây dựng và phát triển văn hóa, quan trọng nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” [Sau đây gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)]; Kết luận Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) những năm sắp tới và Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng. Gần đây, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về việc triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong Đảng, trong xã hội; Nghị quyết về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Những chủ trương, đường lối của Đảng có tầm quan trọng đặc biệt, vừa giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, vừa có tính định hướng chiến lược lâu dài về xây dựng và phát triển văn hóa của nước ta.
Việc xây dựng “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” là nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, xác lập những mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu; là cơ sở hoạch định quy hoạch, kế hoạch để từng bước thực hiện việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Văn hóa là một phạm trù rất rộng. Xuất phát từ quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa của nước ta hiện nay, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) khi đề cập đến phạm vi của văn hóa đã cụ thể thành 8 lĩnh vực lớn, đó là: Tư tưởng, đạo đức, lối sống; di sản văn hóa; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; văn học, nghệ thuật; thông tin đại chúng; giao lưu văn hóa với thế giới; thể chế và thiết chế văn hóa.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành có liên quan, lĩnh vực phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ, thông tin, thể dục thể thao, du lịch và xây dựng gia đình Việt Nam được xây dựng thành các chiến lược riêng. Trong Chiến lược phát triển văn hóa, những lĩnh vực này được trình bày như là những thành tố quan trọng, có mối liên kết chặt chẽ với văn hóa, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển, tạo sức mạnh tổng hợp để văn hóa phát huy giữ vai trò là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Vì vậy, phạm vi của Chiến lược phát triển văn hóa bao gồm những lĩnh vực chủ yếu sau đây:
- Tư tưởng, đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa;
- Di sản văn hóa;
- Văn học, nghệ thuật;
- Giao lưu văn hóa với thế giới;
- Thể chế và thiết chế văn hóa.
1. Thực trạng văn hóa nước ta hiện nay
a) Những thành tựu
- Tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa là những lĩnh vực then chốt đã có những chuyển biến quan trọng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được đề cao và phát huy.
Phát triển Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ mới, tạo được sự nhất trí cao trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong toàn xã hội và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước qua 20 năm đổi mới. Tư tưởng tích cực là xu hướng chủ đạo, tạo nên sức mạnh tinh thần của dân tộc ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tính chủ động, sáng tạo, tính tích cực xã hội của nhân dân bước đầu được phát huy; dân chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được mở rộng. Sự tham gia tích cực, tự giác của nhân dân vào các hoạt động văn hóa đã tạo được chuyển biến bước đầu. Nhiều nét mới trong giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức từng bước được hình thành. Thế hệ trẻ tiếp thu những kiến thức mới và có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những việc làm thiết thực hướng về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo giúp đỡ người hoạn nạn, xóa đói giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài, phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Thanh niên lập nghiệp”… trở thành phong trào của quần chúng.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là cuộc vận động quần chúng tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đang được mở rộng và đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác xây dựng làng, bản, buôn văn hóa đã chú ý nâng cao chất lượng. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đề cao giá trị đạo đức, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Đời sống văn hóa cơ sở đã có bước phát triển, ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, đời sống văn hóa tuy còn thấp so với đô thị và đồng bằng, nhưng đã có những cải thiện rõ rệt.
- Nhận thức về giá trị di sản văn hóa và truyền thống văn hóa ngày càng được nâng cao, tạo được sự đồng thuận và nguồn lực xã hội trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là nền tảng để hun đúc nên bản sắc văn hóa và hệ giá trị của văn hóa dân tộc, là một nguồn lực cho phát triển. Đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức của lãnh đạo các cấp, của nhân dân đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Hàng ngàn di tích được chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo. Hệ thống bảo tàng nước ta, nơi lưu giữ và giới thiệu một khối lượng lớn di sản lịch sử - văn hóa quý giá, bước đầu có những đổi mới, thu hút ngày một nhiều khách tham quan, du lịch, góp phần giáo dục truyền thống dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội. Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa của các dân tộc thiểu số, có bước phát triển mới về quy mô cũng như chiều sâu. Nhiều dự án lớn về sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa được thực hiện.
- Lĩnh vực văn học, nghệ thuật có bước phát triển mới, có những biến đổi sâu sắc, đạt được nhiều thành tựu, đóng góp tích cực vào quá trình dân chủ hóa xã hội, làm phong phú, đa dạng đời sống văn hóa
Sáng tác văn học, nghệ thuật tiếp tục truyền thống tốt đẹp của văn học, nghệ thuật trong thời kỳ chiến tranh cách mạng; gắn bó, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống, làm phong phú và sâu sắc thêm tính nhân văn của văn học, nghệ thuật nước nhà; mạnh dạn phê phán cái xấu, các biểu hiện biến chất, thoái hóa về nhân cách, đạo đức, lối sống, góp phần cảnh tỉnh, ngăn chặn xu hướng tiêu cực trong đời sống xã hội. Có nhiều tìm tòi về nội dung phản ánh, thể nghiệm nhiều phương thức, hình thức diễn đạt mới làm phong phú các thể loại và các sản phẩm nghệ thuật. Nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống, trong cơ chế thị trường vẫn được giữ gìn và phát huy. Văn hóa truyền thống được phục hưng và phát huy giá trị. Nhiều tư liệu quý từ kho tàng văn hóa dân gian và văn hóa bác học Việt Nam được sưu tầm, tư liệu hóa và công bố. Bên cạnh những nỗ lực phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại cũng có bước tiến mới; một số tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, điện ảnh đã nhận được giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Diện mạo kiến trúc các đô thị và nông thôn đang trong quá trình thay đổi; chất lượng và thẩm mỹ của nhiều công trình đã được nâng cao hơn hẳn so với trước đây. Bước đầu nâng cao được nhận thức về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan theo quy định của pháp luật, hình thành tổ chức bảo hộ quyền tác giả, bảo vệ quyền lợi của người sáng tạo.
Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số có bước tiến đáng kể, đã có những đóng góp quan trọng vào hầu hết các lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển rộng rãi, phong phú, đa dạng và có chất lượng. Nhiều câu lạc bộ văn học, nghệ thuật ra đời, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, khai thác, truyền bá các giá trị nghệ thuật cổ truyền và thưởng thức văn học, nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Hoạt động lý luận, phê bình đã đạt được những kết quả tích cực, bước đầu đã có những đổi mới về quan niệm, về phương pháp nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; tính chủ thể của văn nghệ sĩ được coi trọng. Nhiều tác phẩm lý luận, trường phái nghiên cứu văn học, nghệ thuật nước ngoài được giới thiệu.
Đặc điểm nổi bật trong những năm vừa qua là sự phát triển mạnh mẽ, nhanh nhậy, cập nhật của các phương thức sử dụng và truyền bá các sản phẩm văn học, nghệ thuật đến công chúng thông qua truyền hình, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật với nhiều phương thức khác nhau, xuất bản và phát hành văn hóa phẩm… hình thành một thị trường văn hóa và dịch vụ các sản phẩm văn học, nghệ thuật ở trong nước; đưa các sản phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng ra nước ngoài, góp phần khẳng định nước ta là địa chỉ giao lưu văn hóa quốc tế trong thời kỳ mới.
Các hội văn học nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương tiếp tục giữ vững định hướng chính trị, cố gắng tập hợp đội ngũ, đẩy mạnh hoạt động sáng tạo. Nhiều văn nghệ sĩ cao tuổi nhưng vẫn tâm huyết tiếp tục sự nghiệp sáng tạo, cùng với lớp văn nghệ sĩ trẻ có nhiều bứt phá để tìm tòi cái mới, năng động, tự chủ, đem đến cho đời sống văn học, nghệ thuật một triển vọng phát triển mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
- Giao lưu văn hóa với nước ngoài từng bước được mở rộng cùng với quá trình đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế của Nhà nước ta
Trong những năm qua, chúng ta có nhiều cơ hội tiếp xúc rộng rãi hơn với văn hóa thế giới và chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời giới thiệu với nhân dân các nước những giá trị tốt đẹp, độc đáo của văn hóa Việt Nam. Nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa quốc tế trên quy mô lớn đã được tổ chức ở Việt Nam và nước ngoài gây được tiếng vang và tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng bè bạn về truyền thống văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Bước đầu đã có sự kết hợp các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của nước ta ở nước ngoài để quảng bá du lịch Việt Nam và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư.
Lực lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã có những công trình nghiên cứu, những tác phẩm văn học, nghệ thuật tốt hướng về Tổ quốc. Nhiều nghệ sỹ Việt kiều về nước biểu diễn, làm phim và hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau của văn hóa, góp phần mình vào đời sống văn hóa, nghệ thuật của đất nước.
- Việc xây dựng thể chế và thiết chế văn hóa đã chú ý đến những yêu cầu của thời kỳ mới, tuy chưa hoàn chỉnh nhưng về căn bản bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phát huy tiềm năng sáng tạo của trí thức, văn nghệ sĩ và của nhân dân tham gia xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa.
Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản luật nhằm điều chỉnh và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động văn hóa phù hợp với tình hình mới; nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển sự nghiệp văn hóa.
Các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến địa phương, sau một thời gian lúng túng trong hoạt động khi mới chuyển đổi cơ chế, nay cách tổ chức và hoạt động bước đầu đã có sự đổi mới, cơ sở vật chất được tăng cường; một số công trình văn hóa quy mô lớn, hình thức kiến trúc đẹp được xây dựng.
Công tác đào tạo đội ngũ những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật được chú trọng, có bước phát triển về quy mô, mạng lưới, loại hình, số lượng và trình độ, bao quát được hầu hết các ngành nghề cần thiết cho hoạt động văn hóa, sáng tạo, biểu diễn, lý luận và phê bình văn nghệ, hình thành hệ thống các trường văn hóa nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương; việc đào tạo sau đại học để tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, trong những năm gần đây được triển khai, bước đầu có kết quả khả quan.
b) Những yếu kém và nguyên nhân chủ yếu
- Những yếu kém
+ Những thành tựu và tiến bộ đạt được trong lĩnh vực văn hóa còn chưa tương xứng và chưa vững chắc, chưa đủ mạnh để tác động có hiệu quả đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống. Chất lượng xây dựng đời sống văn hóa còn nhiều mặt hạn chế.
Nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt.
Trước những biến động chính trị phức tạp trên thế giới, nhận thức tư tưởng có biểu hiện lúng túng, có phần lạc hậu so với sự phát triển của thực tiễn.
Sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần, môi trường văn hóa lành mạnh. Hiện tượng càn quấy, coi thường luật pháp, làm mất an toàn xã hội; bạo hành trong gia đình, trên sân cỏ; cách ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng; sử dụng ngôn từ thiếu chuẩn mực trong giao tiếp làm phương hại đến sự trong sáng của tiếng Việt; căn bệnh “vô cảm” đối với nỗi đau của con người; nạn tham nhũng, hối lộ, sách nhiễu dân, mất đoàn kết của một bộ phận cán bộ, đảng viên… đang làm nhức nhối dư luận xã hội.
Bên cạnh các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng khá sôi động và phức tạp; nạn mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh, ngoại cảm để trục lợi, các hủ tục cũ, mới tràn lan, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội… có chiều hướng gia tăng.
Nhiều cơ sở in, quảng cáo, quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường mở tràn lan, chạy theo lợi nhuận đơn thuần, hoạt động biến tướng, trá hình, có nhiều biểu hiện tiêu cực. Một số sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật chất lượng kém được phát hành, truyền bá; không ít sản phẩm không phù hợp với truyền thống đạo đức, văn hóa của dân tộc, thậm chí độc hại, phản động của nước ngoài xâm nhập vào nước ta, làm xói mòn đạo đức, lối sống, ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục dân tộc.
Việc phục hồi và phát huy văn hóa truyền thống, nhất là việc tổ chức lễ hội, còn mang tính tự phát, mang tính phong trào, thiếu chọn lọc; chưa khai thác, phát huy được đầy đủ nét độc đáo, bản sắc riêng và giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống; đồng thời cũng chưa chú ý phát huy tính chủ động của quần chúng, vai trò chủ thể văn hóa của cộng đồng chưa thật sự được coi trọng, ảnh hưởng tới chất lượng việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Bệnh hình thức, chạy theo thành tích còn khá phổ biến trong các hoạt động và báo cáo kết quả xây dựng đời sống văn hóa. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, khu phố văn hóa chưa được nhận thức sâu sắc và đồng đều ở các địa phương, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội tham gia; chất lượng phong trào chưa được chú trọng duy trì; việc tổ chức đăng ký, bình xét khen thưởng chưa thường xuyên và kịp thời.
Ở nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng, kháng chiến trước đây, vùng biên giới, hải đảo, hoạt động văn hóa còn nghèo nàn, sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa so với thành thị còn lớn.
+ Di sản văn hóa đang đứng trước nhiều thách thức, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
Việc bảo tồn di sản văn hóa chưa được triển khai theo một quy hoạch, kế hoạch dài hạn nên thường bị động. Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa quy hoạch bảo tồn di tích với quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các ngành khác trên cùng địa bàn, nên chưa tạo được cơ sở vật chất, môi trường văn hóa và sinh thái đồng bộ, có chất lượng ở di tích. Việc xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát triển còn lúng túng. Hiện tượng lấn chiếm đất đai di tích, thương mại hóa hoạt động và tổ chức lễ hội ở di tích, đào bới, mua bán trái phép cổ vật… diễn ra ngày càng phổ biến, nhưng chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Đội ngũ những người làm công tác bảo tồn trong cả nước còn thiếu về số lượng, tính chuyên nghiệp chưa cao, lúng túng trong việc xử lý những vấn đề phức tạp do thực tiễn đặt ra, làm ảnh hưởng đến chất lượng bảo tồn và tôn tạo di tích, thậm chí làm sai lệch, biến dạng tính nguyên gốc của di tích.
Các bảo tàng ở nước ta, nhìn chung còn khá lạc hậu trong công tác trưng bày, trang thiết bị kỹ thuật bảo quản tài liệu, hiện vật, trong phương pháp quản lý và vận hành của bảo tàng hiện đại, làm cho bảo tàng chưa phải là điểm đến hấp dẫn đối với công chúng.
+ Hoạt động văn học, nghệ thuật còn những mặt bất cập.
Trong sáng tác, biểu diễn, truyền bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật còn không ít tác phẩm và hoạt động chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và bản sắc dân tộc. Số lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất hiện ngày một nhiều, song còn ít tác phẩm đạt đỉnh cao, tương xứng với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc và thành tựu của công cuộc đổi mới. Trong một số tác phẩm, lý tưởng xã hội, thẩm mỹ không rõ nét. Một số tác phẩm có nội dung tư tưởng lệch lạc, thiên về khai thác những mặt tiêu cực, thậm chí phủ nhận quá khứ hào hùng của dân tộc, xuyên tạc sự thật lịch sử. Không ít tác phẩm còn thể hiện sự dễ dãi, chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng. Một bộ phận văn nghệ sĩ tỏ ra lúng túng trong tiếp cận và nhận thức về những biến đổi và những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống hiện đại, lệch lạc trong khuynh hướng sáng tác và biểu diễn; một số tác phẩm và sản phẩm có biểu hiện bắt chước, mô phỏng, chạy theo hình thức và các thủ pháp mới, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ chưa được quan tâm đúng mức; chưa chủ động hướng dẫn dư luận xã hội. Tình trạng nghiệp dư hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp có chiều hướng tăng lên. Sáng tác kiến trúc trong thời gian dài không rõ định hướng, lúng túng trong việc thể hiện bản sắc truyền thống trong công trình kiến trúc hiện đại Việt Nam, tạo nên tình trạng lai tạp, lộn xộn trong bộ mặt kiến trúc đô thị hiện nay.
Hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật những năm gần đây có phần chững lại, chưa đáp ứng được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác. Lý luận văn nghệ và mỹ học mác – xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị của nó. Hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm. Đội ngũ lý luận, phê bình vừa thiếu, vừa bị hụt hẫng thế hệ kế cận, phân bố không đều ở các ngành nghệ thuật. Thiếu định hướng và tiêu chí cụ thể cho việc chọn lọc, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cũng như chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Đội ngũ cán bộ quản lý văn học, nghệ thuật chưa theo kịp yêu cầu của hoạt động văn học, nghệ thuật ngày càng mới mẻ, phức tạp; hiệu quả lãnh đạo, quản lý còn thấp, có sự hẫng hụt đội ngũ này ở cả tầm vĩ mô và ở các đơn vị cơ sở.
Một số hội văn học, nghệ thuật chậm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, lúng túng trong việc tập hợp và phát huy tiềm năng của đội ngũ. Đáng chú ý là thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý văn học, nghệ thuật của Đảng, Nhà nước với các hội văn học, nghệ thuật trong việc thực hiện đường lối, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật của Đảng và Nhà nước.
+ Giao lưu văn hóa còn thiếu chủ động; chưa tạo được nhiều nguồn lực để mở rộng hợp tác, giao lưu.
Do quản lý thiếu chặt chẽ, phối hợp chưa đồng bộ và thường xuyên nên số sản phẩm độc hại xâm nhập vào nước ta khá lớn. Chưa chủ động giới thiệu được nhiều tinh hoa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Việc tuyên truyền, giới thiệu nền văn hóa Việt Nam và những thành tựu trong công cuộc đổi mới của đất nước trên lĩnh vực kinh tế - xã hội ra nước ngoài chưa tương ứng với nhu cầu phát triển. Trong khi đó, việc nhập khẩu và đưa lên sóng truyền hình quá nhiều, thiếu chọn lọc phim ảnh, chương trình ca nhạc nước ngoài làm ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của lớp trẻ.
Việc quản lý, giới thiệu văn hóa nước ngoài tại Việt Nam thiếu sự nhất quán giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành, giữa Trung ương và địa phương; thiếu các văn bản quy định mang tính pháp lý cao để quản lý, điều chỉnh các hoạt động giới thiệu văn hóa nước ngoài tại Việt Nam. Việc quản lý các nghệ sĩ ra nước ngoài biểu diễn và về nước biểu diễn, sáng tác thiếu chặt chẽ, phân cấp trách nhiệm không rõ ràng dẫn đến sơ hở trong một số hoạt động, gây dư luận bất bình.
+ Quan tâm chưa đúng mức, chậm đổi mới công tác xây dựng thể chế văn hóa.
Các văn bản pháp luật về văn hóa còn thiếu đồng bộ; việc thể chế hóa các nghị quyết, quan điểm của Đảng còn chậm, tổ chức thực hiện còn yếu nên nhiều quy phạm pháp luật về văn hóa chưa thực sự đi vào cuộc sống. Một số lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chưa có luật để quản lý. Nhiều chính sách đối với văn nghệ sĩ đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi.
Đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, nhất là ở các địa phương và cơ sở luôn biến động. Tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu cơ chế phối hợp trong quản lý hoạt động kinh doanh sản phẩm văn hóa, nhất là băng đĩa lậu, internet, karaoke, tổ chức biểu diễn, triển lãm… còn để kéo dài. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu, còn hẫng hụt cán bộ văn hóa ở các vị trí quan trọng.
Mạng lưới đào tạo phát triển nhanh, nhưng chất lượng chưa đồng đều. Đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo cơ bản ở nước ngoài trước đây đã lớn tuổi và nghỉ hưu nhiều, giáo viên có trình độ cao của các trường chiếm tỷ lệ rất thấp. Thiếu một chính sách lâu dài, cơ bản và cơ chế đặc thù trong việc đào tạo tài năng, năng khiếu văn nghệ.
Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa nhìn chung vẫn ở tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp. Chưa có nhiều công trình văn hóa và khu vui chơi giải trí lớn. Đầu tư của ngân sách nhà nước cho văn hóa còn thấp. Việc huy động các nguồn vốn khác đầu tư cho văn hóa rất hạn chế do chính sách khuyến khích chưa cụ thể và thiết thực.
- Những nguyên nhân chủ yếu
Về khách quan:
+ Những thành tựu to lớn và sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội vừa là nguồn cảm hứng sáng tạo, vừa là những vấn đề rất mới mẻ, luôn biến động và sự tác động nhiều chiều, dẫn tới sự bỡ ngỡ, lúng túng trong lực lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ.
+ Các thế lực thù địch ráo riết chống phá ta trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, lợi dụng ưu thế về công nghệ thông tin, toàn cầu hóa về kinh tế để áp đặt các giá trị văn hóa, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” về văn hóa; đồng thời, mặt trái của cơ chế thị trường và toàn cầu hóa ảnh hưởng tiêu cực đến ý thức tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận dân chúng, nhất là lớp trẻ, cũng như đối với đời sống văn hóa, văn nghệ.
+ Sự bùng nổ về thông tin, truyền thông đi kèm với làn sóng giao thoa, du nhập văn hóa với nhiều yếu tố văn hóa mới, có mặt tích cực nhưng cũng không ít những tiêu cực, trong khi trình độ cán bộ và phương tiện kỹ thuật để quản lý những vấn đề mới mẻ này còn hạn chế, dẫn đến sự lúng túng, bị động trong tổ chức thực hiện.
Về chủ quan:
+ Trong khi tập trung sức vào nhiệm vụ kinh tế, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa của nhiều cấp, nhiều ngành, trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo chưa đúng tầm; chưa nhận thấy rõ mối quan hệ gắn bó giữa kinh tế, văn hóa và chính trị; chưa quan tâm gắn phát triển kinh tế, phát triển các ngành, các lĩnh vực đi đôi với xây dựng và phát triển văn hóa; chưa coi phát triển văn hóa là trách nhiệm của toàn xã hội.
+ Trước những biến đổi nhanh chóng, đa dạng, phức tạp của đời sống văn hóa, văn nghệ trong nền kinh tế thị trường, sự chỉ đạo của các cấp từ Trung ương đến địa phương còn bộc lộ sự bất cập, hạn chế, phương thức lãnh đạo còn chậm được đổi mới; chưa lường hết tính phức tạp và những tác động của mặt trái kinh tế thị trường đối với đời sống văn hóa, văn nghệ. Chậm ban hành hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý. Các giải pháp thường bị động, mang tính tình thế; có biểu hiện buông lỏng, hữu khuynh, vừa áp đặt chủ quan; thiếu tầm nhìn xa… Nghiên cứu lý luận còn thiếu khả năng dự báo và định hướng; chưa làm rõ nhiều vấn đề có liên quan đến văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong việc xác định những giá trị truyền thống cũng như hệ giá trị mới cần xây dựng, trong việc xử lý các mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, bảo tồn và phát triển, văn hóa và kinh tế… Thị trường văn hóa đang trong quá trình hình thành, chưa có đủ điều kiện để phát huy hết năng lực sáng tạo của trí thức, văn nghệ sĩ.
+ Đầu tư cho lĩnh vực xã hội nói chung và văn hóa nói riêng, chưa tương xứng với yêu cầu mới. Chưa có nhiều cơ chế và chính sách cụ thể phát huy nội lực của nhân dân.
2. Bối cảnh, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển văn hóa nước ta
a) Bối cảnh quốc tế
- Xu hướng phát triển văn hóa.
+ Coi trọng văn hóa và gắn văn hóa với phát triển, coi văn hóa là nhân tố đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Quá trình toàn cầu hóa về kinh tế có nguy cơ dẫn đến xung đột với việc bảo tồn bản sắc và đa dạng văn hóa trên phạm vi toàn thế giới, đồng thời cũng xuất hiện khả năng gắn chặt quá trình kinh tế với quá trình văn hóa. Kinh tế không thể phát triển bền vững nếu không đặt rõ vấn đề văn hóa trong mỗi hoạt động kinh tế.
+ Các quốc gia ngày càng đề cao tính đặc thù, bản sắc văn hóa dân tộc, coi trọng việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đấu tranh chống khuynh hướng đồng hóa về văn hóa; đồng thời chọn lọc tiếp thu các giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Bản sắc văn hóa dân tộc là vấn đề trọng đại, sống còn của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn hóa là một lĩnh vực dễ bị tổn thương, trong đó bản sắc văn hóa, văn hóa truyền thống dễ bị tổn thương hơn cả. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại sẽ làm phong phú cho văn hóa đất nước, thúc đẩy văn hóa phát triển.
+ Phát triển văn hóa trong mối quan hệ với xây dựng con người.
Nguồn lực văn hóa được cấu thành bởi 3 yếu tố: Tài sản văn hóa, nguồn lực con người và cơ chế, chính sách tăng cường nguồn lực, trong đó nguồn lực trung tâm để phát triển văn hóa là con người. Văn hóa là sáng tạo, mà con người vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa là sản phẩm văn hóa. Văn hóa trở thành động lực và hệ điều tiết sự phát triển kinh tế - xã hội, lấy phát triển nguồn lực con người làm mục tiêu trung tâm. Vì vậy, phát triển văn hóa gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng con người đang là xu thế của thời đại.
+ Phát triển nhanh chóng “công nghiệp văn hóa”.
Ngày nay, người ta đã nói nhiều đến công nghiệp điện ảnh, nghe nhìn; công nghiệp phát thanh, truyền hình; công nghiệp vui chơi giải trí v.v…. Phát triển “Công nghiệp văn hóa” đang là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của các nước trên thế giới.
+ Sự bùng nổ thông tin (cả thông tin đại chúng, viễn thông, mạng internet) liên kết từng gia đình và cả xã hội vào một quá trình chung.
Sự hội tụ giữa thông tin, viễn thông và tin học là một xu hướng có tác động mạnh đến lĩnh vực văn hóa. Công nghệ thông tin phát triển tạo điều kiện cho mọi người tổ chức sự liên lạc với xã hội; internet, intranet giúp mọi người tiếp cận lượng thông tin đồ sộ của nhân loại và mỗi quốc gia; sự xuất hiện “văn học mạng”, việc trao đổi qua blog… hình thành phương thức mới liên kết xã hội trong môi trường mạng đang đặt ra những vấn đề mới trong công tác quản lý văn hóa, thông tin.
+ Sử dụng hữu ích thì giờ nhàn rỗi của cá nhân và cộng đồng.
Ngày nay, việc sử dụng hữu ích thời giờ nhàn rỗi là nhu cầu của xã hội. Xu hướng này đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quy hoạch, kế hoạch và xây dựng các dự án phát triển văn hóa, cũng như các phương thức tiếp cận và hoạt động văn hóa phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của xã hội.
+ Sự thay đổi mối quan hệ giữa cá nhân – cộng đồng và dân chủ xã hội, sự đa dạng của thị hiếu và cách tiếp cận.
Sự phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, thông tin viễn thông và tri thức trao cho mỗi cá nhân những sức mạnh mới, làm cho mỗi cá nhân và cộng đồng thay đổi theo hai xu hướng: hoặc tác động mạnh vào sự phát triển của cộng đồng, hoặc biệt lập với cộng đồng. Điều này đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới từ nền tảng văn hóa để gắn kết cá nhân và cộng đồng, dung hợp tính đa dạng trong cách tiếp cận văn hóa của từng cá nhân trong cộng đồng.
- Xu thế toàn cầu và hội nhập quốc tế.
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu, khách quan, vừa là quá trình hợp tác để phát triển, vừa là quá trình đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia. Các phương tiện truyền thông, mạng viễn thông, internet tạo thuận lợi cho giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời cũng diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Mặt khác, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nhằm tạo ra những diễn biến phức tạp trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống trong nội bộ ta.
b) Bối cảnh trong nước
- Những thành tựu của công cuộc đổi mới và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là cơ sở quan trọng thúc đẩy văn hóa phát triển, nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách.
Sau hơn 20 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Quá trình đổi mới đất nước tạo ra những tiền đề mới, rất quan trọng cho sự nghiệp phát triển văn hóa.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm cho xã hội nước ta biến đổi sâu sắc và toàn diện, diễn ra quá trình đấu tranh gian khổ và phức tạp giữa cái lạc hậu và tiến bộ, giữa cái tốt và cái xấu, giữa tư duy trì trệ, bảo thủ và đổi mới… Đó chính là mảnh đất tốt cho sự tìm tòi, sáng tạo văn hóa, văn nghệ. Đô thị hóa làm cho kết cấu dân cư có bước thay đổi lớn. Từ sự thay đổi này sẽ dẫn đến những thay đổi về nếp sống, lối sống, tập tục v.v…đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể nhằm giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp vốn có của quê hương và di sản văn hóa, đồng thời phát triển đời sống văn hóa thích ứng với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Phát triển văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cơ chế thị trường làm cho tính tích cực xã hội được phát huy, các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa trở nên năng động, đa dạng và phong phú hơn, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro, phức tạp. Mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến từng gia đình, các quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng đòi hỏi sự đổi mới về công tác quản lý và tổ chức hoạt động văn hóa; tạo hành lang pháp lý để đảm bảo phát triển văn hóa đúng định hướng trong cơ chế thị trường.
- Các tôn giáo vẫn ở xu thế điều chỉnh, thích nghi và mở rộng ảnh hưởng, diễn biến của các vấn đề tôn giáo còn nhiều phức tạp.
Tín ngưỡng, tôn giáo là một thành tố của văn hóa, là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân.
Các tôn giáo có xu hướng vận động thu hút thêm các tín đồ, một số tôn giáo lạ xâm nhập vào nước ta. Đa phần các hoạt động tôn giáo và tín đồ các tôn giáo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ chức sắc các tôn giáo có những hoạt động đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc (xóa lễ hội dân tộc, bỏ các sinh hoạt văn hóa cổ truyền…), truyền đạo trái pháp luật, lợi dụng tôn giáo tạo dựng các “điểm nóng”, đấu tranh đòi đất đai, đòi nơi thờ tự…đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ trong công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo; đấu tranh bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc, chống việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ tôn giáo, gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật.
c) Cơ hội và thách thức
Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, đã xác định vị trí và vai trò quan trọng của văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phấn đấu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, văn hóa nước nhà có nhiều thời cơ, vận hội lớn, đồng thời cũng đứng trước những thách thức mới gay gắt.
Việt Nam có một lịch sử lâu đời với những trang sử chói lọi trong cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước, giành độc lập dân tộc, tạo được sự ngưỡng mộ, khâm phục trong lòng nhân dân thế giới. Sự thành công trong công cuộc đổi mới và những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và sự ổn định chính trị của đất nước đang tạo lập được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam lại có nền văn hóa đa dạng, phong phú, nhân văn; mỗi loại tài sản văn hóa đều tiềm ẩn những giá trị cao, cả về mặt văn hóa và tiềm năng kinh tế, vẫn giữ được bản sắc độc đáo của văn hóa Việt Nam, có sức hấp dẫn lớn… Tất cả những yếu tố đó tạo nên tiềm năng và lợi thế to lớn trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Từ mấy chục năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đã hình thành một đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ quản lý đông đảo, luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, giàu năng lực sáng tạo, là một vốn quý. Nếu có một chiến lược phát triển nguồn nhân lực đúng đắn, có thể phát huy mạnh mẽ nguồn nhân lực quan trọng này đi vào nền “Kinh tế tri thức”, “tri thức phục vụ phát triển”, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế, với đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, văn hóa nước ta có cơ hội thuận lợi để tiếp thu tri thức, các nguồn lực và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và sáng tạo những giá trị văn hóa mới. Sự tác động mạnh mẽ của các xu hướng, các phong cách mới có khả năng tạo ra những biến đổi lớn về diện mạo, đặc điểm, loại hình văn hóa, văn nghệ nước nhà, nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách gay gắt.
Cơ chế thị trường, một mặt huy động được sự tham gia của các thành phần kinh tế vào sản xuất, phổ biến các sản phẩm văn hóa, kích thích một số ngành sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa xuất hiện, mở ra khả năng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, tạo tiền đề cho việc phát triển “công nghiệp văn hóa” ở nước ta; mặt khác, nảy sinh khuynh hướng thương mại hóa các hoạt động văn hóa. Sản phẩm văn hóa độc hại không những có chiều hướng gia tăng do nhập lậu từ nước ngoài, mà còn được sản xuất ngay trong nước; lối sống chạy theo đồng tiền… ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con người, đặc biệt là lớp trẻ, tác động xấu đến truyền thống văn hóa của dân tộc.
Do ý đồ của một số cường quốc muốn áp đặt những giá trị văn hóa cho các dân tộc khác dựa trên sức mạnh của công nghệ thông tin, nên nguy cơ về sự đồng nhất hóa các hệ giá trị văn hóa đang đe dọa, làm hạn chế khả năng sáng tạo, sự đa dạng của các nền văn hóa; việc truyền bá lối sống bạo lực, phi luân, vô Chính phủ, đề cao dục vọng và chủ nghĩa cá nhân… đặt chúng ta trước những thách thức không thể xem thường.
3. Quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển văn hóa đến năm 2020
a) Quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa
Từ trước đến nay, Đảng ta luôn luôn khẳng định vị trí và tầm quan trọng của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhất là trong thời kỳ đổi mới từ Đại hội VI đến nay. Đặc biệt, trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Đảng ta đã xác định năm quan điểm chỉ đạo cơ bản sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa của nước ta:
- Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
- Nền văn hóa chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
- Nến văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
- Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
- Văn hóa là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) không những chỉ ra những nhiệm vụ cấp bách, trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược về xây dựng và phát triển văn hóa của nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm quan điểm chỉ đạo cơ bản đó, cùng với những quan điểm về sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội của Kết luận Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX) và Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng là những quan điểm chỉ đạo và được quán triệt trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2010. Trong quá trình tổ chức thực hiện Chiến lược, cần tiếp tục nghiên cứu làm sâu sắc thêm, vận dụng, cụ thể hóa những quan điểm quan trọng này vào trong thực tiển xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.
b) Mục tiêu phát triển văn hóa đến năm 2020
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, mục tiêu trọng tâm của Chiến lược phát triển văn hóa cần phải đạt tới:
Một là, hướng mọi hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo; tuân thủ pháp luật; có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, lối sống văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; gắn kết mối quan hệ giữa văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa với vấn đề hình thành nhân cách.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, vừa phát huy mạnh mẽ tính đa dạng, bản sắc độc đáo của văn hóa các dân tộc anh em, vừa kiên trì củng cố và nâng cao tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam, tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới, đi đôi với việc mở rộng và chủ động trong giao lưu quốc tế, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc, bắt kịp sự phát triển của thời đại.
Ba là, giải phóng mạnh mẽ năng lực và tiềm năng sáng tạo của mọi người, phát huy cao độ tính sáng tạo của trí thức, văn nghệ sĩ; đào tạo tài năng văn hóa, nghệ thuật; tạo cơ chế, chính sách và cơ sở vật chất để có nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao xứng tầm với dân tộc và thời đại; nghiên cứu toàn diện và có hệ thống về lý luận và thực tiễn việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Bốn là, tạo mọi điều kiện nâng cao mức hưởng thụ và tham gia hoạt động, sáng tạo văn hóa của nhân dân; phấn đấu từng bước thu hẹp sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Năm là, đi đôi với việc tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa, coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, làm cho văn hóa tham gia tích cực vào việc thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” của đất nước.
c) Nhiệm vụ trọng tâm
- Xây dựng con người, lối sống văn hóa
Xây dựng con người toàn diện, có đủ phẩm chất (về tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhân cách văn hóa) đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng thường xuyên, vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài của sự nghiệp phát triển văn hóa nước ta.
Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới với những đức tính sau:
+ Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phát huy nội lực, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu và tụt hậu.
+ Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tuân thủ pháp luật, tôn trọng quy ước của cộng đồng, chăm lo xây dựng cộng đồng.
+ Không ngừng nâng cao tri thức, học tập suốt đời; biết suy nghĩ độc lập và tự chịu trách nhiệm, đồng thời có tinh thần hợp tác, làm việc hiệu quả trong tổ chức, theo nhóm chuyên môn; có tư duy cởi mở với cái mới, không ngại đương đầu với thách thức; năng động, sáng tạo; nỗ lực tiếp cận và vận dụng những kiến thức tiên tiến nhất của khoa học, công nghệ thế giới phục vụ phát triển đất nước; rèn luyện thể lực, nâng cao thể trạng; tu dưỡng, bồi bổ cả kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và đạo làm người.
+ Xây dựng gia đình đoàn kết, hòa thuận, bình đẳng, hạnh phúc, kỷ cương, nền nếp, đời sống kinh tế ổn định và phát triển; kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội. Phát huy tinh thần tương thân tương ái, tự nguyện, tính tự quản, dân chủ và năng lực làm chủ trong sinh hoạt cộng đồng, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, bảo vệ môi trường sinh thái.
- Xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa.
Xây dựng đời sống văn hóa và môi trường xã hội lành mạnh là một nhiệm vụ quan trọng, có quan hệ khăng khít với việc xây dựng con người phát triển toàn diện, xây dựng gia đình văn hóa; phát huy tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội, tạo thành “vốn xã hội” quyết định tiến bộ xã hội. Để xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa – xã hội lành mạnh, trước hết phải xác lập các thể chế dân chủ ở cơ sở, khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người dân được tổ chức và tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng; hình thành truyền thống xã hội học tập; giáo dục sức khỏe cộng đồng, lối sống thân thiện và bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sinh thái; thực hiện nghiêm pháp luật, phòng chống tham nhũng, ngăn chặn và trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội và những hành vi vi phạm pháp luật, gìn giữ kỷ cương và cuộc sống yên bình của nhân dân.
Gắn kết chặt chẽ những hoạt động xây dựng đời sống văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với từng khu vực (đô thị, nông thôn, khu công nghiệp…), từng vùng, từng dân tộc, tôn giáo. Chú trọng tính đặc thù trong xây dựng đời sống văn hóa vùng dân tộc thiểu số và ở vùng tôn giáo khác nhau. Hoạt động văn hóa phải góp phần thiết thực vào việc đảm bảo an ninh, trật tự xã hội; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; giáo dục nhân cách văn hóa; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số; nâng cao dân trí, cung cấp cho bà con những kinh nghiệm hay, những cách làm tốt về xây dựng đời sống văn hóa, về xóa đói giảm nghèo, thi đua làm giàu chính đáng, về chuyển đổi cơ cấu kinh tế..., góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình, làng (thôn, ấp, buôn, bản), khu tập thể, khu phố văn hóa; đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động xây dựng cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp… đạt tiêu chuẩn văn hóa, nếp sống văn minh.
Coi trọng, nâng cao văn hóa lãnh đạo và quản lý.
Tập trung thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược; đưa Phong trào đi vào chiều sâu, có kết quả thiết thực, trở thành phong trào của toàn xã hội.
- Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt của Chiến lược phát triển văn hóa. Tập trung điều tra toàn diện, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và văn hóa phi vật thể; các loại hình nghệ thuật cổ truyền đặc sắc, văn hóa dân gian của từng địa phương, từng vùng văn hóa, từng vùng dân tộc; nghề thủ công truyền thống, lễ hội tiêu biểu, kho tàng Hán Nôm. Kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững.
Điều tra, sưu tầm, xây dựng “ngân hàng dữ liệu” về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể tiêu biểu.
Đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để bảo quản, giữ gìn lâu dài tài liệu, hiện vật tại các bảo tàng, cơ quan lưu trữ tư liệu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ở Trung ương và địa phương.
Thực hiện các hình thức tôn vinh các nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu và cơ chế chính sách để các nghệ nhân phổ biến, truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ.
- Bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số.
Văn hóa các dân tộc thiểu số là tài sản quý giá góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng mà thống nhất của văn hóa Việt Nam. Giữ gìn bản sắc và sự đa dạng của văn hóa các dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn ở kỷ nguyên toàn cầu hóa. Có thể nói, thực chất của vấn đề dân tộc là vấn đề văn hóa.
Coi trọng và tổ chức thực hiện các chương trình về bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp và xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn học, nghệ thuật, đặc biệt là hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số. Có chính sách và giải pháp cụ thể xây dựng đội ngũ trí thức trong các dân tộc thiểu số; phát hiện, bồi dưỡng, tổ chức lực lượng sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn học, nghệ thuật dân tộc thiểu số. Ưu tiên tài trợ cho các tác giả dân tộc thiểu số có tài năng, sáng tạo các tác phẩm về đề tài dân tộc và miền núi.
Đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Thông qua hoạt động du lịch văn hóa được tổ chức, quản lý tốt, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng dân tộc, miền núi.
- Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật.
Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Nhiệm vụ trung tâm của văn học, nghệ thuật thời gian tới là phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người. Vừa coi trọng những đề tài về truyền thống dân tộc, về cách mạng và kháng chiến, vừa bám sát thực tiễn cuộc sống hiện nay để có được những tác phẩm lớn có giá trị cao về thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thực hiện việc lấy tác phẩm tốt để cổ vũ, giáo dục con người và xã hội, giải trí lành mạnh; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam; ngăn ngừa những tác phẩm văn học, nghệ thuật phi đạo lý, lạc hậu, xa rời bản sắc văn hóa dân tộc.
Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, phương thức và sự tìm tòi, thể nghiệm. Thực hiện chính sách hỗ trợ về vật chất, bảo trợ và đặt hàng các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Bảo hộ có kết quả về tác giả và quyền liên quan.
Bảo tồn, bảo vệ những tinh hoa nghệ thuật truyền thống, văn hóa dân gian và phát huy có hiệu quả trong đời sống xã hội hiện đại.
Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, phát triển lý luận văn học và mỹ học mác-xít, hiện đại; nâng cao tính khoa học, tính thuyết phục, góp phần hướng dẫn, điều chỉnh sáng tác, phê bình văn nghệ. Tổ chức nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc thành quả lý luận văn học, nghệ thuật của ông cha ta và của thế giới, vận dụng sáng tạo, làm phong phú lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại; làm rõ vấn đề bản sắc dân tộc trong kiến trúc. Xây dựng cơ chế tư vấn, phản biện xã hội và thẩm định giá trị của các tác phẩm văn học, nghệ thuật, kiến trúc giúp cho sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; coi trọng ý kiến của quần chúng góp ý, phê bình tác phẩm. Đề cao đạo đức phê bình, văn hóa tranh luận và ý thức trách nhiệm của người phê bình trước công chúng và trước lịch sử văn học, nghệ thuật; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động phê bình văn nghệ; phát huy vai trò quan trọng của công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, kiến trúc trong việc đánh giá, định hướng sáng tác, hướng dẫn dư luận xã hội và thị hiếu văn hóa, nghệ thuật cho quần chúng. Xây dựng cơ chế quản lý và chế tài ngăn chặn, xử lý các hoạt động sáng tác, truyền bá những sản phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung, tư tưởng nghệ thuật thấp, ảnh hưởng xấu tới xã hội. Chọn lọc và tạo điều kiện công bố những tác phẩm trong và ngoài nước có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc đưa các tác phẩm văn nghệ Việt Nam ra nước ngoài; xây dựng cơ chế thẩm định, lựa chọn tác phẩm của nước ngoài đưa vào nước ta.
Phát huy, khai thác và giải phóng mạnh mẽ năng lực và tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ để tạo ra được nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Thực hiện dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật đi đôi với phát huy trách nhiệm công dân của trí thức, văn nghệ sĩ. Trọng dụng trí thức, văn nghệ sĩ trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến; có chính sách đặc biệt với nhân tài của đất nước. Khuyến khích sự tìm tòi, khẳng định và bảo vệ những giá trị mới làm phong phú và đa dạng đời sống văn hóa, văn nghệ.
Rà soát, bổ sung và xây dựng mới các chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, như chế độ lương, nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, chế độ hưu đối với trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu.
Tăng cường các biện pháp xây dựng, phát triển văn nghệ quần chúng, hướng dẫn, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống dân tộc.
Củng cố, đổi mới hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và các địa phương nhằm nâng cao khả năng tập hợp, phát huy tiềm năng sáng tạo và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ của hội.
- Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, tín ngưỡng.
Quan điểm của Nhà nước ta là công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đoàn kết dân tộc.
Phát huy các nhân tố tích cực trong đạo đức, văn hóa tôn giáo; khuyến khích những giá trị lành mạnh, hướng thiện, nhân đạo, có ý nghĩa tiến bộ. Tạo điều kiện cho những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng phù hợp với văn hóa và lợi ích chung của dân tộc; xây dựng môi trường văn hóa, thực hiện tốt trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc; đấu tranh chống việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện ý đồ chính trị xấu.
Xếp hạng di tích và hỗ trợ việc bảo tồn đối với những công trình kiến trúc tôn giáo có giá trị tiêu biểu được xếp hạng.
- Tăng cường công tác thông tin đại chúng.
Hệ thống thông tin đại chúng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền văn hóa của đất nước. Thông tin đại chúng là phương tiện chuyển tải các giá trị văn hóa đến công chúng, đồng thời, bản thân thông tin cũng là một dạng thức văn hóa đặc thù, có tác động mạnh mẽ, sâu rộng đối với công chúng.
Sự phát triển có tính bùng nổ của các phương tiện truyền thông đại chúng (truyền hình, phát thanh, báo chí, xuất bản, mạng internet…) cần được quản lý vừa chặt chẽ về nguyên tắc, vừa cởi mở, thông thoáng về hình thức để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn thông tin của nhân dân.
Phát triển và hiện đại hóa mạng lưới thông tin đại chúng, nâng cao chất lượng các sản phẩm thông tin. Dùng tiếng nói các dân tộc và chữ viết của các dân tộc có chữ viết trên các phương tiện thông tin đại chúng ở vùng đồng bào dân tộc. Đổi mới mạnh mẽ công tác thông tin truyền miệng, coi đây là một trong những kênh thông tin rất quan trọng và có hiệu quả.
Tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin đối ngoại. Tiếp tục tăng thời lượng phát thanh, truyền hình, báo điện tử ra nước ngoài, đưa nhiều thông tin và sản phẩm văn hóa có nội dung tốt đến đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
- Tăng cường, chủ động hợp tác và giao lưu quốc tế về văn hóa.
Trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay, ngoại giao văn hóa giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của các quốc gia. Xu thế mở rộng và tăng cường giao lưu, hợp tác về văn hóa của nước ta với thế giới là tất yếu. Ngày nay, việc giao lưu, hợp tác văn hóa không chỉ thuần túy vì mục đích phát triển văn hóa, mà thông qua đó, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác. Cần chủ động đón nhận các cơ hội phát triển cũng như bản lĩnh vượt qua các thử thách để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần làm đa dạng, phong phú thêm nền văn hóa thế giới, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu thêm nền văn hóa Việt Nam, tiến kịp với thời đại. Chú trọng ngăn chặn, loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa đối với văn hóa nước ta.
Đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đã được thiết lập đi vào chiều sâu, chủ động, ổn định. Mở rộng quan hệ với các quốc gia, các vùng lãnh thổ và các tổ chức văn hóa quốc tế.
Xây dựng cơ chế phối hợp để triển khai hoạt động ngoại giao văn hóa.
Trao đổi, giới thiệu và phổ biến sâu rộng những tác phẩm văn học, nghệ thuật mang đậm bản sắc, tâm hồn, cốt cách của người Việt Nam với các nước. Phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư.
Hợp tác với các nước để đào tạo tài năng văn hóa, nghệ thuật; đào tạo cán bộ chuyên môn trình độ cao.
Phát huy tài năng, tâm huyết của lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật của đất nước. Quan tâm, tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được tiếp nhận thông tin và sản phẩm văn hóa lành mạnh từ trong nước; đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam trong gia đình, trong sinh hoạt cộng đồng người Việt Nam xa Tổ quốc.
Thành lập một số trung tâm văn hóa và các cơ sở văn hóa ở một số khu vực trọng điểm trên thế giới để mở rộng việc trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
- Hoàn thiện hệ thống thể chế và thiết chế văn hóa.
Hoàn chỉnh hệ thống các văn bản pháp luật và cơ chế, chính sách về văn hóa, nghệ thuật một cách toàn diện, đồng bộ trên mọi lĩnh vực của đời sống văn hóa phù hợp với đường lối của Đảng, Nhà nước và pháp luật Việt Nam; điều chỉnh, bổ sung những chính sách đã ban hành cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước và với những cam kết quốc tế; loại bỏ những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, cản trở sự phát triển.
Thực tiễn đồng bộ, tạo được bước chuyển biến rõ rệt trong công tác cải cách hành chính, chấn chỉnh lề lối và đổi mới phương thức làm việc; hiện đại hóa công sở và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; phân cấp cụ thể trách nhiệm quản lý về văn hóa cho các địa phương. Ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch viên chức thuộc Bộ và của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng. phấn đấu đến năm 2015, 100% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ các thiết chế văn hóa; đến năm 2015 và 2020, 90 – 100% số quận, huyện, thị xã có nhà văn hóa và thư viện; 80 – 90% số xã, thị trấn có nhà văn hóa; 60 -70% số làng, bản, ấp có nhà văn hóa. Xây dựng một số công trình văn hóa xứng tầm với thời đại tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn của cả nước.
Đầu tư chiều sâu trang thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Chuẩn hóa nghiệp vụ và áp dụng rộng rãi các chuẩn quốc gia và quốc tế nhằm đạt trình độ công nghệ ngày càng cao, chất lượng hoạt động và sản phẩm văn hóa chất lượng cao.
d) Định hướng phát triển các chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật
- Nghệ thuật biểu diễn
Phát triển nghệ thuật biểu diễn theo định hướng ưu tiên đầu tư cho việc giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống; sưu tầm, phục hồi và phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền. Đầu tư có trọng điểm xây dựng và phát triển một số loại hình nghệ thuật cổ điển thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam; đầu tư dàn dựng có chọn lọc một số tác phẩm kinh điển thế giới có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật để các nhà hát giới thiệu cho công chúng. Chú trọng định hướng trong sáng tác và trong biểu diễn đối với văn nghệ sĩ; giáo dục về thị hiếu cho lớp trẻ, tạo sự đam mê, yêu thích nghệ thuật truyền thống dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài.
Nâng cao chất lượng nghệ thuật, phấn đấu tạo được nhiều tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao; đầu tư để có nhiều kịch bản, vở diễn có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Xây dựng các chương trình nghệ thuật đi phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới, hải đảo.
Bên cạnh việc xây dựng các đơn vị nghệ thuật nhà nước đúng theo quy chuẩn về tổ chức, chất lượng nghệ thuật, phương hướng nghệ thuật, đội ngũ diễn viên, khuyến khích và tạo điều kiện thành lập các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập. Phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của các đội nghệ thuật quần chúng ở cơ sở.
Chú trọng và đầu tư thỏa đáng cho việc đào tạo tài năng nghệ thuật cả ở trong và ngoài nước. Xây dựng một số công trình biểu diễn nghệ thuật tiêu biểu, cơ sở luyện tập và trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cho các đoàn nghệ thuật theo Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn.
- Điện ảnh
Củng cố và phát triển nền điện ảnh Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc; hiện đại hóa công nghiệp điện ảnh. Phấn đấu nâng cao số lượng và chất lượng phim Việt Nam trên các loại sản phẩm: phim truyện (36 – 40 phim truyện nhựa được sản xuất hàng năm), phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình (mỗi loại sản xuất 2 – 3 phim một tháng), phim truyền hình. Giới thiệu được nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam với các nước trên thế giới. Quản lý đồng bộ các hoạt động điện ảnh trên cả 3 khâu: sản xuất phim, phát hành phim và phổ biến phim. Tăng cường quản lý phim trên truyền hình và trên mạng internet. Đầu tư phương tiện, trang thiết bị và có chế độ khuyến khích các đội chiếu bóng lưu động đi phục vụ ở khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo. Đầu tư thiết bị kỹ xảo, kỹ thuật đồng bộ chuyên dụng, đảm bảo đủ điều kiện để sản xuất phim theo công nghệ hiện đại, đạt chuẩn kỹ thuật quốc tế về hình ảnh và âm thanh.
Thực hiện cổ phần hóa các hãng phim nhà nước; khuyến khích, tạo điều kiện cho việc thành lập các hãng phim tư nhân, các hiệp hội sản xuất phim, phát hành phim… để hỗ trợ nhau trong các hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim.
Thực hiện chế độ đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước.
- Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm
Đưa mỹ thuật và nhiếp ảnh Việt Nam phát triển ngang tầm khu vực và từng bước theo kịp các nước phát triển.
Nghiên cứu các trường phái, trào lưu, phương thức thể hiện của mỹ thuật đương đại nhằm khẳng định và phát huy bản sắc dân tộc trong mỹ thuật Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu của mỹ thuật đương đại thế giới, làm phong phú cho nền mỹ thuật của nước nhà.
Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo các tác phẩm mỹ thuật để có được những tác phẩm lớn, chất lượng cao và tổ chức giới thiệu, phổ biến các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh thông qua các giải thưởng của Nhà nước theo định hướng sáng tác của Đảng. Tổ chức định kỳ các cuộc triển lãm quốc gia về hội họa, đồ họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng, nhiếp ảnh. Khuyến khích các tổ chức phi Chính phủ tổ chức các hoạt động mỹ thuật mang tính xã hội hóa.
Đẩy mạnh phong trào mỹ thuật cơ sở.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc dạy nhạc, dạy vẽ trong các trường tiểu học, trung học trong toàn quốc.
Chú trọng mảng mỹ thuật ứng dụng, đặc biệt trong công nghiệp, thủ công nghiệp, sản phẩm tiêu dùng, nội, ngoại thất, thời trang.
- Xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.
Nhà nước có chính sách, tạo điều kiện xây dựng ngành xuất bản trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật phát triển toàn diện; đặt hàng đối với xuất bản phẩm về lý luận, chính trị, xuất bản phẩm phục vụ thiếu nhi, đồng bào dân tộc thiểu số, người khiếm thị, xuất bản phẩm cần phổ biến rộng rãi nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội trọng yếu và thông tin đối ngoại. Thực hiện chính sách mua bản thảo, hỗ trợ mua bản quyền, trợ cước vận chuyển xuất bản phẩm.
Đầu tư xây dựng Chương trình sách quốc gia để xuất bản các tác phẩm tiêu biểu chọn lọc từ kho tàng tri thức nhân loại và của nước ta nhằm tạo nền tảng tri thức phục vụ sự phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tổ chức biên soạn và xuất bản các bộ sách bách khoa thư về các lĩnh vực chuyên ngành.
Hiện đại hóa công nghệ làm sách, gắn kết từ khâu xây dựng kế hoạch đề tài với các kênh phổ biến, lưu thông xuất bản phẩm. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản. Nâng cao chất lượng xuất bản phẩm cả về nội dung, hình thức, kỹ thuật ấn loát; từng bước xuất bản sách điện tử; xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý tốt việc phổ biến xuất bản phẩm trên internet; xây dựng, định hướng phát triển và quản lý văn hóa mạng.
Xây dựng một thị trường sách phong phú, đa dạng, hoàn chỉnh và đồng bộ cả ở vùng sâu, vùng xa, đô thị, các thành phố lớn và vươn ra thị trường ngoài nước. Thực hiện xã hội hóa công tác phát hành sách bên cạnh việc củng cố các công ty phát hành sách; từng bước hình thành các siêu thị sách ở các thành phố lớn, khu công nghiệp.
- Thư viện
Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của thư viện nước ta là kết hợp giữa thư viện truyền thống và thư viện điện tử/thư viện số, trong đó, việc sử dụng mạng máy tính để lưu giữ, khai thác thông tin và xây dựng thư viện số là xu hướng quan trọng nhất trong việc phát triển tự động hóa các thư viện. Phấn đấu đạt 0,8 đến 01 bản sách/mỗi người dân trong thư viện công cộng, 50 – 70% số tài liệu quý hiếm trong thư viện cấp tỉnh được tin học hóa vào năm 2015 và năm 2020.
Đầu tư đúng tầm cho thư viện, chú trọng những thư viện có tính khu vực: Hà Nội, Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng. Hình thành 03 trung tâm bảo quản vùng tại Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Tiến tới tổ chức một mạng lưới thư viện công cộng rộng khắp, linh hoạt, phù hợp trên địa bàn cả nước; củng cố và xây dựng thư viện ở các quận, huyện, thị xã; đẩy mạnh phát triển thư viện ở cấp xã và phòng đọc sách ở xã, phường, cụm văn hóa, bưu điện – văn hóa xã ở các xã vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng, củng cố và hiện đại hóa thư viện của các trung tâm nghiên cứu khoa học, các trường học, thư viện lực lượng vũ trang, của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp.
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thư viện, khuyến khích thư viện tư nhân hoạt động phục vụ cộng đồng theo quy định của pháp luật.
Đổi mới phương thức hoạt động phục vụ bạn đọc ở các thư viện theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tự động hóa, hiện đại hóa trong các khâu hoạt động của thư viện, tạo sự liên thông giữa các thư viện trong môi trường mạng nhằm khai thác vốn tài liệu phong phú, đa dạng ở các thư viện. Lấy nhiệm vụ phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước làm mục tiêu lựa chọn sách, xây dựng vốn tài liệu thư viện để cung cấp kịp thời cho bạn đọc. Xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai.
- Bảo tàng, di tích và văn hóa phi vật thể
+ Về lĩnh vực bảo tàng:
Tất cả các hoạt động bảo tàng đều phải dựa trên các bộ sưu tập hiện vật gốc có giá trị tiêu biểu về các mặt lịch sử, văn hóa và khoa học; thường xuyên bổ sung tài liệu, hiện vật mới cho bảo tàng bằng nhiều hình thức khác nhau, kể cả việc mua các hiện vật, tài liệu quý hiếm. Ứng dụng một cách hợp lý và có hiệu quả các thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới trong trưng bày và bảo quản tài liệu, hiện vật bảo tàng; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và thông tin tư liệu bảo tàng; nối mạng các bảo tàng từ Trung ương đến địa phương. Chú trọng tính khoa học, tính hệ thống trong việc xây dựng “ngân hàng dữ liệu” về tài liệu, hiện vật bảo tàng. Phấn đấu 50 – 70% số tài liệu, hiện vật quý hiếm trong bảo tàng tỉnh, 70 – 100% tài liệu, hiện vật quý hiếm trong bảo tàng quốc gia được tin học hóa đến năm 2015 và năm 2020.
Hình thành 02 trung tâm bảo quản tài liệu, hiện vật bảo tàng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia, xây dựng các bảo tàng chuyên ngành và bảo tàng thuộc loại hình lịch sử tự nhiên.
Khuyến khích thành lập bảo tàng, xây dựng các bộ sưu tập tư nhân.
Tổ chức trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa Việt Nam ra nước ngoài và hợp tác giới thiệu sưu tập hiện vật tiêu biểu của nước ngoài tại các bảo tàng Việt Nam.
Căn cứ vào công ước quốc tế về chống vận chuyển trái phép tài sản văn hóa, thông qua con đường ngoại giao và thỏa thuận song phương, tìm hiểu, nghiên cứu, xúc tiến việc tiếp nhận trở lại tài liệu, hiện vật lịch sử - văn hóa quý giá của Việt Nam bị đưa ra nước ngoài.
+ Về lĩnh vực di tích:
Đầu tư đồng bộ bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu trở thành những di sản có chất lượng cao về khoa học bảo tồn và môi trường văn hóa, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế du lịch.
Triển khai việc quy hoạch chi tiết đối với các di tích để giải quyết hợp lý, hài hòa, bền vững giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Nhà nước tập trung đầu tư cho việc bảo tồn di tích quốc gia đặc biệt (đến năm 2015, 100% di tích được tu bổ, tôn tạo), di tích quốc gia (70% đến năm 2015 và 80% đến năm 2020) và làng, bản có những đặc trưng văn hóa tiêu biểu. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích; tạo cơ chế huy động các nguồn lực cho việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
Ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, làm biến dạng môi trường cảnh quan, mất cắp cổ vật; tạo môi trường văn hóa lành mạnh tại các di tích.
Tiếp tục lựa chọn những di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam có giá trị nổi bật toàn cầu để làm hồ sơ trình UNESCO đưa vào Danh mục Di sản Thế giới.
+ Về lĩnh vực văn hóa phi vật thể:
Tiếp tục triển khai việc điều tra, sưu tầm toàn diện các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc. Lựa chọn những giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu để trình UNESCO xem xét đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phấn đấu đạt 50 – 70% số di sản văn hóa phi vật thể đại diện của quốc gia được kiểm kê khoa học. Thực hiện việc giáo dục, phổ biến rộng rãi về văn hóa phi vật thể.
Hoàn thành cơ bản việc khảo sát, điều tra, sưu tầm, lưu trữ, bảo quản, biên dịch, giới thiệu các tài liệu Hán – Nôm. Ứng dụng tin học vào lưu trữ tài liệu, đưa chữ Nôm vào bảng mã chuẩn quốc tế.
Xây dựng các chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công truyền dạy, phổ biến văn hóa phi vật thể.
- Văn hóa cơ sở
Triển khai rộng khắp Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, gắn với phong trào xây dựng chi bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Lấy mục tiêu xây dựng gia đình, thôn, xóm, ấp, bản, xã, phường văn hóa làm nòng cốt của phong trào. Đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 – 2010 và giai đoạn 2011 – 2020; tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu; làng, bản, ấp văn hóa tiêu biểu. Phấn đấu đạt 70 – 80% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 65 – 70% số làng, bản, khu phố đạt tiêu chuẩn làng, bản, khu phố văn hóa.
Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, chú trọng vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, vùng miền núi các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Chú ý đưa các sản phẩm văn học, nghệ thuật, các chương trình biểu diễn nghệ thuật… về cơ sở. Đảm bảo cho nhân dân được tham gia sáng tạo các giá trị văn hóa và tự tổ chức các hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng.
Xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa ở địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đồng thời chống mê tín, hủ tục và các tệ nạn xã hội khác.
Xây dựng, hoàn thiện, củng cố hệ thống thiết chế văn hóa từ Trung ương đến địa phương. Chú trọng đổi mới nội dung hoạt động của hệ thống nhà văn hóa, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tổ chức bộ máy quản lý và hoạt động theo nguyên tắc chuyên nghiệp hóa tất cả các bộ phận trong cơ cấu của một thiết chế văn hóa.
- Nghiên cứu khoa học về văn hóa, nghệ thuật
Nâng cao tính thiết thực của công tác nghiên cứu như là cơ sở khoa học cho việc giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn, dự báo xu thế phát triển về văn hóa; gắn các đề tài nghiên cứu phục vụ nhiệm vụ hoạch định chính sách văn hóa, tổng kết lý luận, thực tiễn, xây dựng mô hình văn hóa…sao cho kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng cao, gắn nghiên cứu với đào tạo. Xây dựng một hệ thống chương trình nghiên cứu mang tính lý luận, làm rõ quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về xây dựng con người Việt Nam và phát triển nền văn hóa như những định hướng về mặt lý luận. Tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa những quan điểm của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa. Đồng thời, nhiều vấn đề lý luận về văn hóa mà thực tiễn đang đặt ra cũng cần được nghiên cứu giải đáp.
Coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành để không bị hẫng hụt khi chuyển giao thế hệ. Huy động trí tuệ, kinh nghiệm của đội ngũ các nhà khoa học, các nhà văn hóa tài năng đã nghỉ hưu, hoặc đang làm công tác ở các đơn vị trong và ngoài ngành tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu, sáng tạo, tham gia đào tạo, hướng dẫn cán bộ trẻ.
Từng bước gắn thu nhập chính của cán bộ làm công tác nghiên cứu hưởng theo kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Khuyến khích cán bộ trẻ tham gia công tác nghiên cứu khoa học.
- Quyền tác giả và quyền liên quan
Nâng cao nhận thức, tri thức và ý thức chấp hành các quy định pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan trong cộng đồng, đặc biệt là đối với các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan. Xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về quyền tác giả trên các phương tiện xuất bản, báo chí, internet.
Củng cố và tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý và cơ quan thực thi quyền tác giả từ Trung ương đến địa phương. Kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan, đảm bảo việc bảo hộ đầy đủ, có hiệu quả phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Từng bước hình thành hệ thống quản lý tập thể quyền tác giả. Phấn đấu xác lập trật tự theo quy định pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan trên một số lĩnh vực có sự vi phạm nghiêm trọng.
Để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt được mục tiêu phát triển văn hóa đến năm 2020, cần tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:
a) Nâng nhận thức tư tưởng, xây dựng con người
- Học tập, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
+ Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa được thể hiện trên các mặt chủ yếu sau đây:
. Văn hóa thuộc kiến trúc thượng tầng, có quan hệ chặt chẽ với kinh tế và chính trị. Văn hóa “không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.
. Văn hóa vừa có tính nhân loại, vừa có tính dân tộc sâu sắc, “văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại”. Để văn hóa Việt Nam phát triển phải biết phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc, vừa hấp thụ tinh hoa văn hóa của nhân loại.
. “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”; văn hóa là sự nghiệp của quần chúng, phải đi vào đời sống xã hội, thể hiện cốt cách của dân tộc; bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại; khắc phục những tàn dư lạc hậu, lỗi thời, bổ sung các giá trị mới.
. Con người vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa là sản phẩm văn hóa, vì thế việc phát triển văn hóa phải gắn với vấn đề xây dựng con người, phải chăm lo đến sự nghiệp “trồng người”.
+ Quán triệt nhận thức về vai trò của việc giáo dục Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo nên bước chuyển biến thực sự trong hành động. Mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, khu dân cư cần xây dựng quy chế, quy ước, đặt ra các chỉ tiêu cụ thể, thiết thực, khả thi thực hiện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
+ Nghiên cứu biên soạn tài liệu, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa; giáo dục, cung cấp các kiến thức và kỹ năng ứng xử văn hóa trong gia đình, trong công sở, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, nơi công cộng, chốn tôn nghiêm… Huy động các phương tiện thông tin đại chúng, các đội thông tin lưu động, các hình thức tuyên truyền, giáo dục sinh động, đa dạng, thích hợp với từng đối tượng để thực hiện cuộc vận động này đạt hiệu quả thiết thực.
- Xây dựng con người
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã xác định con người là nguồn nội lực để phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển văn hóa chính là phát huy nguồn lực con người – nguồn lực lớn nhất và quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
+ Nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thông qua chức năng xây dựng con người, bồi dưỡng lòng yêu nước, năng lực, trí tuệ, tâm hồn, nhân cách, ý thức trách nhiệm xây dựng xã hội; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội, phát huy tính năng động, sáng tạo của mọi người dân. Giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, nhân cách văn hóa cho mọi người trên cơ sở các quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa; gắn chặt mục tiêu xây dựng con người với hoạt động thực tiễn và các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng của quần chúng.
+ Căn cứ vào 5 đức tính của con người Việt Nam cần xây dựng được xác định trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và những yêu cầu mới đối với việc xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nêu trong Chiến lược, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, khu dân cư ... xây dựng thành các tiêu chí cụ thể, sát hợp với từng đối tượng, với từng lĩnh vực và địa bàn hoạt động.
- Nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng, chính quyền các cấp đối với lĩnh vực văn hóa.
Xác định công tác văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa. Các tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước có kế hoạch, biện pháp đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa trong tổ chức đảng và cơ quan nhà nước để làm gương cho xã hội, nhân dân thực hiện nhiệm vụ này.
b) Đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà nước
Là giải pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
+ Hoàn thành cơ bản việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Do tính đặc thù và nhạy cảm của lĩnh vực này, trong công tác quản lý phải giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và dân chủ hóa công tác quản lý; quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo lãnh thổ và nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa. Quan điểm về quản lý là thực hiện hai chức năng “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản. Mục tiêu quan trọng của quản lý văn hóa là tạo điều kiện để bảo tồn, phát huy và phát triển nguồn lực văn hóa. Quản lý nhà nước về văn hóa phải thông qua việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch; xây dựng pháp luật và cơ chế, chính sách.
+ Triển khai thực hiện các biện pháp đồng bộ, chủ động đấu tranh phòng chống văn hóa độc hại, sự áp đặt về văn hóa của các cường quốc, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa đối với nước ta. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc quản lý thị trường văn hóa phẩm; quản lý việc sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet (website, blog, portal) tại Việt Nam. Chủ động đấu tranh với những biểu hiện lai căng, phi văn hóa, góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và tính đa dạng trong thống nhất của văn hóa Việt Nam.
+ Tăng cường hiệu lực của công tác thanh tra nhà nước về văn hóa.
- Đổi mới tổ chức, nội dung và cơ chế quản lý.
Sự phát triển như vũ bão của thông tin đại chúng (truyền hình, internet, bưu chính viễn thông…), sự xuất hiện và phát triển của các hình thức thể hiện mới về văn hóa, nghệ thuật (“game online”, “blog”, “văn học mạng”…), sự phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa, sự mở rộng và đa phương trong giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, nghệ thuật… đặt ra sự cần thiết phải đổi mới về tổ chức, nội dung và cơ chế quản lý văn hóa.
+ Trước hết là đổi mới, nâng cao năng lực hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra hoạt động văn hóa mang tính chuyên nghiệp của cán bộ quản lý và nghiệp vụ văn hóa; phân cấp rõ ràng và cụ thể trách nhiệm và thẩm quyền của các cấp; thực hiện có bước tiến rõ rệt về cải cách hành chính trên lĩnh vực văn hóa. Thực hiện cơ chế phản biện xã hội đối với hoạt động văn hóa.
+ Đổi mới quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công nhằm đề cao trách nhiệm, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy mọi nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng và hiệu quả cung ứng dịch vụ công về văn hóa, đảm bảo công bằng xã hội và đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Rà soát, sắp xếp lại các tổ chức, đơn vị sự nghiệp thuộc ngành theo hướng hoạt động của đơn vị dịch vụ sự nghiệp công phù hợp với đặc điểm, tính chất của mỗi loại dịch vụ công, mỗi loại đối tượng hưởng thụ, mỗi khu vực; xây dựng cơ chế hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận cho từng loại hình cung ứng dịch vụ công; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong toàn quốc – đơn vị sự nghiệp công lập – theo hướng mỗi tỉnh cần có một đơn vị nghệ thuật công lập, nòng cốt là nghệ thuật truyền thống, các đoàn nghệ thuật khác thành lập dưới hình thức ngoài công lập. Riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có thể thành lập một số đơn vị nghệ thuật công lập làm nòng cốt. Tập trung xây dụng một số đơn vị nghệ thuật truyền thống và hiện đại tiêu biểu của Trung ương, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
+ Khối các viện nghiên cứu, cần đầu tư nâng cấp Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam để xứng đáng là trung tâm nghiên cứu về những vấn đề chiến lược phát triển văn hóa. Mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học giữa các trường văn hóa, nghệ thuật và các viện nghiên cứu; thực hiện việc đào tạo theo chỉ tiêu và đào tạo theo nhu cầu xã hội.
- Củng cố, xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển văn hóa
Tổng kết việc xây dựng và kết quả triển khai các chính sách trong cụm giải pháp của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).
Các chính sách về văn hóa cần được nghiên cứu xây dựng theo hướng:
+ Chính sách đối với đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp văn hóa, nghệ thuật trong hoạt động kinh tế.
. Các đơn vị sự nghiệp văn hóa chuyển sang cơ chế thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo quy định của pháp luật. Ngoài nhiệm vụ Nhà nước giao, đơn vị được quyền tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phù hợp với khả năng của đơn vị và đúng với quy định của pháp luật.
Khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình ngoài công lập, hoạt động theo nguyên tắc tự đảm bảo kinh phí; được Nhà nước và xã hội đối xử bình đẳng đối với các sản phẩm và dịch vụ như cơ sở công lập.
. Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo hướng chuyển đổi một số doanh nghiệp sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, các doanh nghiệp còn lại tiến hành cổ phần hóa với bước đi thích hợp.
. Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách và môi trường kinh doanh để phát triển ngành “công nghiệp văn hóa”.
. Thực hiện chế độ đặt hàng có định hướng cho khâu sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, kịch bản phim điện ảnh và sản xuất phim, xuất bản, trợ giá cước phí vận chuyển sách, báo ra nước ngoài.
+ Chính sách gắn phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hóa.
. Việc xây dựng các mục tiêu, giải pháp kinh tế trong kế hoạch 5 năm, hàng năm của các cấp, các ngành và địa phương phải gắn với các mục tiêu, giải pháp về văn hóa.
. Thực hiện văn minh trong thương nghiệp, văn hóa trong kinh doanh.
. Việc quy hoạch xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp, các đô thị mới… phải dành quỹ đất phù hợp và thuận lợi để xây dựng các công trình văn hóa (nhà văn hóa, khu thể thao, khu vui chơi giải trí, rạp chiếu bóng, thư viện hoặc phòng đọc sách báo, công trình mỹ thuật, điêu khắc…).
. Xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội tham gia sáng tạo, sản xuất, phổ biến và kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Ban hành các quy định miễn, giảm thuế cho các khoản đầu tư, đóng góp của các doanh nghiệp vào việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, xây dựng các công trình văn hóa; bảo trợ các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, các hoạt động văn hóa ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa và các khoản đóng góp vào các hoạt động phát triển sự nghiệp văn hóa.
+ Chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa.
Chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thu hút toàn xã hội, các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động sáng tạo, cung cấp và phổ biến sản phẩm văn hóa, xây dựng cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội phát triển sự nghiệp văn hóa, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, nâng cao dần mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Do tính đặc thù, nhạy cảm về chính trị, tư tưởng, nên trong công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa cần có bước đi thích hợp cho từng loại hình, từng vùng, miền.
. Phân loại rõ chức năng các loại dịch vụ văn hóa, trong đó có các loại dịch vụ công, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước và các loại dịch vụ khác để có hướng đầu tư và khuyến khích chuyển đổi phù hợp. Trên cơ sở đó, xác định cụ thể lĩnh vực cần duy trì hình thức công lập, lĩnh vực cần đẩy mạnh chuyển đổi sang đơn vị ngoài công lập; xác định phạm vi và mức độ Nhà nước cần hỗ trợ đối với từng lĩnh vực hoạt động văn hóa.
. Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập các đoàn nghệ thuật, trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật…ngoài công lập; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và tổ chức kinh doanh dưới sự quản lý của Nhà nước trên các lĩnh vực: Xây dựng rạp chiếu bóng, nhà hát, bảo tàng, thư viện, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, đại lý băng hình, phát hành phim, sách báo, triển lãm mỹ thuật, dạy học múa, nhạc, họa; liên doanh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước một số khâu về in.
. Xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đóng góp kinh phí cho tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin và giữ gìn di sản văn hóa dân tộc, Nhà nước áp dụng các hình thức ghi công thích hợp.
+ Chính sách khuyến khích sáng tạo.
. Hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức, văn nghệ sĩ. Ban hành quy chế dân chủ trong hoạt động văn hóa và văn nghệ; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để trí thức, văn nghệ sĩ phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh.
. Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích sáng tạo. Hàng năm Nhà nước dành một khoản kinh phí thường xuyên cho việc hỗ trợ hoạt động sáng tạo và phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật, kiến trúc, báo chí, sưu tầm, phổ biến kho tàng văn hóa dân gian theo cơ chế Nhà nước tài trợ, đặt hàng. Khuyến khích các doanh nghiệp đóng góp tài chính để đầu tư cho xây dựng tác phẩm nghệ thuật.
. Tổ chức phát động các cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật để có được nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật phục vụ nhu cầu của xã hội.
. Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính (Nhà nước, tài trợ, hiến tặng…) trong việc thành lập và gây quỹ của các quỹ văn hóa để hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo.
. Thực hiện bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, chế độ nhuận bút, chế độ bản quyền gắn với doanh thu của tác phẩm. Tiếp tục thực hiện các hình thức khen thưởng, các giải thưởng đối với các tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu; cơ chế khuyến khích sáng tạo.
c) Tăng cường nguồn lực và cơ sở vật chất – kỹ thuật cho phát triển văn hóa
- Đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật
+ Xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu lĩnh vực văn hóa, văn nghệ có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đảm đương công việc.
+ Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật vững vàng về tư tưởng chính trị, tinh thông về nghề nghiệp; xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đạt chất lượng cao, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, ưu đãi văn nghệ sĩ có quá trình cống hiến, có nhiều tác phẩm tốt, ảnh hưởng tích cực trong xã hội.
+ Xây dựng quy hoạch đào tạo văn hóa, nghệ thuật trong toàn quốc nhằm gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo văn hóa, nghệ thuật với nhu cầu của người học và nhu cầu của xã hội. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống các trường văn hóa, nghệ thuật; củng cố, nâng cấp các trường cao đẳng văn hóa, nghệ thuật khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, trường trung cấp văn hóa, nghệ thuật ở các tỉnh, tạo điều kiện để các trường có đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật. Hình thành 3 trung tâm đào tạo văn hóa, nghệ thuật đạt tiêu chuẩn quốc gia ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên – Huế. Thành lập Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật ở khu vực Tây Nguyên, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. Xây dựng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và một số trường văn hóa, nghệ thuật khác ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.
+ Hoàn chỉnh hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo cho các ngành học, các cấp đào tạo văn hóa, nghệ thuật (sáng tác, nghiên cứu, lý luận, phê bình, biểu diễn, chỉ huy, đạo diễn…) tiếp cận nhanh trình độ quốc tế mà vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa, nghệ thuật dân tộc và những đặc trưng riêng về văn hóa, nghệ thuật của các vùng, miền để sử dụng thống nhất trong các trường trên phạm vi cả nước. Bổ sung một số môn học nghệ thuật truyền thống vào chương trình đào tạo. Mở một số ngành mới ở bậc đại học (gia đình học, chỉ đạo nghệ thuật; marketing văn hóa, nghệ thuật; âm thanh, ánh sáng nghệ thuật; thiết kế thời trang, đạo diễn lễ hội, diễn viên đóng thế, dẫn chương trình…). Mở rộng và phát triển đào tạo công nhân lành nghề trong một số lĩnh vực kỹ thuật.
+ Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có đủ năng lực chuyên môn, ngoại ngữ và phẩm chất đáp ứng nhiệm vụ đào tạo. Thực hiện chương trình nâng cao trình độ cho giáo viên thông qua các hình thức đào tạo sau đại học ở trong và ngoài nước, liên kết đào tạo, mời chuyên gia nước ngoài vào giảng dạy tại các trường văn hóa, nghệ thuật; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học. Đổi mới phương pháp dạy và học của giáo viên và học sinh, sinh viên.
Thực hiện việc đưa đi đào tạo ở các nước tiên tiến đối với học sinh, sinh viên có đạo đức và triển vọng về tài năng trên các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
+ Chú trọng đào tạo sư phạm nhạc, họa để đảm bảo nguồn giảng viên cho hệ thống các trường văn hóa, nghệ thuật, trường phổ thông từ Trung ương đến địa phương, góp phần vào việc nâng cao trình độ thẩm mỹ cho học sinh phổ thông.
+ Ưu tiên việc đào tạo đội ngũ trí thức văn hóa cho các dân tộc thiểu số, bảo đảm chế độ ưu đãi để họ có thể trở về công tác ở địa phương. Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh các bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc.
+ Xây dựng chế độ, chính sách phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của giáo viên, học sinh nghệ thuật để khuyến khích lao động sáng tạo nghệ thuật; khuyến khích nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia giảng dạy các ngành nghệ thuật đặc thù. Có cơ chế chính sách huy động trí thức văn hóa đầu ngành, văn nghệ sĩ tài năng trực tiếp chăm lo và thực hiện việc đào tạo đội ngũ kế cận.
+ Chú trọng đào tạo kiến thức về quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa cho cán bộ cơ sở; khắc phục tình trạng thiếu cán bộ hoạt động văn hóa được đào tạo cơ bản ở các tỉnh, áp dụng chính sách định kỳ và cơ chế bảo đảm chất lượng bồi dưỡng, đào tạo lại chuyên môn cho đội ngũ những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa.
+ Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để xã hội hóa hoạt động đào tạo; nâng cao chất lượng đào tạo đi đôi với việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo văn hóa, nghệ thuật, đảm bảo mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài của Đảng và Nhà nước.
- Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật
+ Tăng cường đầu tư cho văn hóa, văn học, nghệ thuật; đảm bảo kinh phí cho các chương trình mục tiêu lớn về văn hóa, cho hoạt động sáng tạo của các hội văn học, nghệ thuật. Nâng cấp, cải tạo và xây mới một số nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm triển lãm văn hóa – nghệ thuật, bảo tàng, thư viện… có chất lượng cao, tầm cỡ lớn, tính chất hiện đại ở các thành phố, trung tâm kinh tế, chính trị văn hóa của đất nước và các công trình văn hóa lớn để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
+ Nhà nước có chính sách ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật then chốt, có vai trò quan trọng trong việc định hướng chính trị, tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ và giá trị xã hội; đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa công cộng; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức kinh doanh dưới sự quản lý và hướng dẫn của Nhà nước đối với một số loại dịch vụ văn hóa, nghệ thuật.
+ Trong các cơ quan, công sở, trường học, khu công nghiệp, doanh nghiệp …đều phải quy hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa (thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ thể thao…) để phục vụ đời sống tinh thần của cán bộ, công nhân, viên chức.
+ Ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới vào sản xuất phim và lưu trữ phim, bảo quản tài liệu, hiện vật bảo tàng, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, lưu giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, xuất bản, thư viện…
- Phối hợp tạo sức mạnh tổng hợp của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội.
Văn hóa, thể thao và du lịch có mối liên hệ chặt chẽ, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển. Văn hóa là nền tảng và là điều kiện quan trọng để phát triển thể thao và du lịch; ngược lại, thể thao và du lịch phát triển tạo điều kiện để văn hóa phát huy, giữ vai trò làm động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Việc nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng và nhân cách văn hóa của các hoạt động thể thao và du lịch; phát triển du lịch văn hóa; sưu tầm, khai thác các trò chơi dân gian truyền thống và đưa các bộ môn thể thao dân tộc vào các hội thao và hệ thống giải hàng năm… làm phong phú thêm đời sống văn hóa, là cơ hội để giới thiệu, tôn vinh văn hóa Việt Nam. Việc quy hoạch tạo lập không gian văn hóa thư giãn và thoải mái cho mọi người; phát triển thể thao giải trí…mở ra những cơ hội và khả năng mới cho phát triển văn hóa du lịch. Sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa 3 lĩnh vực này tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển nhanh, toàn diện, hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới.
d) Phát huy sức mạnh tổng hợp, tính năng động sáng tạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các hội sáng tạo văn học, nghệ thuật, thông tin, báo chí và của toàn xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa.
- Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả thiết thực của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược phát triển văn hóa.
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Lý luận Văn học Nghệ thuật Trung ương, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trong công tác chỉ đạo và phối hợp hoạt động thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa.
- Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các Bộ, ngành liên quan trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa:
+ Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục gia đình vào trường học dưới nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn, thích hợp. Tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh, sinh viên tham quan các bảo tàng, di tích lịch sử, di tích cách mạng; xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống, lễ hội; tổ chức các cuộc liên hoan, các cuộc thi ca hát trong trường học, thi kiến thức về lịch sử, về văn hóa…
+ Phối hợp với Bộ Ngoại giao triển khai hoạt động ngoại giao văn hóa.
+ Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý tốt xuất bản phẩm văn hóa, văn nghệ; văn hóa mạng; quản lý phim ảnh, chương trình ca nhạc nước ngoài đưa lên sóng truyền hình.
+ Phối hợp với Ủy ban Dân tộc triển khai các hoạt động văn hóa dân tộc thiểu số.
+ Phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về việc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong thanh niên, thiếu nhi.
+ Phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng trong hoạt động văn hóa – thông tin trên các tuyến biên giới, bờ biển.
+ Phối hợp với các đài phát thanh, truyền hình để giới thiệu rộng rãi các hoạt động văn hóa, các chương trình nghệ thuật, các hình thức sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của cộng đồng.
- Tăng cường vai trò của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, nhất là các hội văn học, nghệ thuật trong việc vận động, tổ chức quần chúng, giới trí thức thực hiện nhiệm vụ về văn hóa, sáng tạo văn hóa, giáo dục và định hướng hưởng thụ văn hóa lành mạnh cho lớp trẻ; tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chính sách, chương trình phát triển văn hóa.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục văn hóa, thẩm mỹ, nếp sống và ứng xử văn hóa trong công sở, trường học, bệnh viện; văn hóa doanh nghiệp và kinh doanh; văn hóa trong giao thông; trong tổ chức và hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch; trong sinh hoạt cộng đồng… Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về văn hóa phải gắn với quản lý xã hội bằng pháp luật, phát huy sức mạnh dư luận xã hội gắn với các phong trào hành động của quần chúng. Phát huy tinh thần tự nguyện, tính tự quản, năng lực làm chủ của nhân dân trong việc tổ chức các hoạt động và sáng tạo văn hóa. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển của các tổ chức nghề nghiệp, các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật.
5. Tổ chức thực hiện chiến lược
Việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa được chia làm 2 giai đoạn:
a) Giai đoạn đến năm 2015:
Trọng tâm của giai đoạn này là:
- Hướng mọi hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
- Bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển văn hóa; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; phát huy mạnh mẽ năng lực và tiềm năng sáng tạo của trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân; chế độ đặc thù đối với văn nghệ sĩ và học sinh, sinh viên, giáo viên các trường đào tạo nghệ thuật; chính sách đối với đơn vị sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật, chính sách gắn phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hóa và xã hội hóa hoạt động văn hóa.
- Xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp nâng cao hưởng thụ và hoạt động văn hóa của nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
- Đào tạo nguồn nhân lực về văn hóa, nghệ thuật. Tăng cường nguồn lực và cơ sở vật chất – kỹ thuật cho phát triển văn hóa.
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đổi mới quản lý và tổ chức hoạt động văn hóa. Xây dựng cơ chế phối hợp với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị, đoàn thể và nghề nghiệp trong xây dựng và phát triển văn hóa.
- Chương trình xây dựng pháp luật:
+ Luật Quảng cáo;
+ Luật Thư viện;
+ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh;
+ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
+ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ;
+ Pháp lệnh Nghệ thuật biểu diễn;
+ Pháp lệnh Mỹ thuật – Nhiếp ảnh
- Về quy hoạch ngành;
+ Quy hoạch phát triển ngành Điện ảnh;
+ Quy hoạch phát triển ngành Mỹ thuật;
+ Quy hoạch phát triển ngành Triển lãm;
+ Quy hoạch xây dựng tượng đài;
+ Quy hoạch các khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em;
+ Quy hoạch hệ thống các trường đào tạo về văn hóa, nghệ thuật.
- Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, gồm 3 mục tiêu:
+ Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc;
+ Xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cơ sở;
+ Hỗ trợ phát triển điện ảnh
Nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình này là xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc chống xuống cấp và tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa làng, bản tiêu biểu; sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể và lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở, nâng cao năng lực và tạo điều kiện cho các gia đình phấn đấu trở thành gia đình văn hóa và nâng cao hưởng thụ tác phẩm điện ảnh cho nhân dân.
- Về các đề án, dự án lớn:
+ Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình học tập thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa;
+ Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát huy sáng tạo văn học, nghệ thuật;
+ Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tổng thể về việc đưa các chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
+ Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tôn vinh các nghệ nhân tiêu biểu của quốc gia;
+ Hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đối với nghệ sĩ, học sinh, sinh viên, giáo viên các trường đào tạo nghệ thuật;
+ Xây dựng cơ chế phối hợp chỉ đạo và hoạt động thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Lý luận Văn học Nghệ thuật Trung ương, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam;
+ Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phối hợp tạo sức mạnh tổng hợp của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội;
+ Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phát triển “công nghiệp văn hóa” Việt Nam;
+ Đưa vào hoạt động Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Cộng hòa Pháp và thiết lập một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài theo kế hoạch được duyệt;
+ Hoàn thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia;
+ Hoàn thành và đưa vào hoạt động Bảo tàng Lịch sử quốc gia;
+ Hoàn thành các dự án: Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam, Trung tâm Chiếu phim quốc gia.
b) Giai đoạn đến năm 2020:
Trọng tâm của giai đoạn này là:
+ Đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng việc xây dựng con người Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa.
+ Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển văn hóa một cách đồng bộ, tiên tiến.
+ Nâng cao trình độ và chất lượng đào tạo văn hóa, nghệ thuật ngang tầm khu vực.
+ Hoàn thành về cơ bản việc xây dựng các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến địa phương.
- Chương trình xây dựng pháp luật:
+ Luật Nghệ thuật biểu diễn;
+ Luật Mỹ thuật – Nhiếp ảnh.
- Về các dự án lớn:
+ Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam;
+ Bảo tàng Khoa học – Công nghệ;
+ Trường quay điện ảnh Cổ Loa;
+ Khu Lưu trữ hình ảnh động quốc gia;
+ Nhà hát đa năng quy mô lớn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác.
THE
PRIME MINISTER |
SOCIALIST
REPUBLIC OF VIET NAM |
No. 581/QD-TTg |
Hanoi, May 6, 2009 |
APPROVING THE STRATEGY FOR CULTURAL DEVELOPMENT TILL 2020
THE PRIME MINISTER
Pursuant to the December 25,
2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the Political Bureau's conclusions on the Strategy for cultural
development till 2020 in Communiqué No. 170-TB/TW of August 2,2008;
At the proposal of the Minister of Culture, Sports and Tourism,
DECIDES:
Article 2. Assignment of materialization of the Strategy:
1. The Ministry of Culture, Sports and Tourism shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, concerned ministries and branches, and the People's Committees of provinces and centrally run cities in, organizing the materialization of the Strategy for cultural development till 2020; formulating and organizing the implementation of five-year and annual cultural plans in conformity with the Strategy for cultural development and socioeconomic development plans; guiding, examining, supervising and summing up and periodically reporting on the implementation to the Prime Minister; organizing preliminary review of the implementation of the Strategy in 2015 and final review in early 2021.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3. The Ministry of Planning and Investment shall direct branches and localities to incorporate cultural development plans into their respective periodical plans; assume the prime responsibility for. and coordinate with the Ministry of Finance and the Ministry of Culture. Sports and Tourism in. mobilizing financial supports at home and abroad for cultural development.
4. The Ministry of Finance shall assume the prime responsibility for. and coordinate with the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Culture, Sports and Tourism in. determining the proportion of annual budget for culture, ensuring the materialization of the Strategy for cultural development till 2020; finalize financial mechanisms and policies and financial management mechanisms in the field of culture and arts for the efficient use of financial sources invested in culture: and formulate policies to encourage all economic sectors to invest in culture.
5. The Ministry of Home Affairs shall assume the prime responsibility for. and coordinate with the Ministry of Culture. Sports and Tourism in. carrying out administrative reform in cultural management; determining the state payroll of. and formulating regimes and policies towards, cultural officials, intellectuals, literalists and artists as well as towards collectives and individuals participating in the socialization of cultural activities.
6. The Ministry of Information and Communication shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Culture. Sports and Tourism and concerned ministries and branches in. formulating mechanisms and policies to properly develop and manage cultural, literary and artistic publications; net culture; and managing foreign films and musical performances broadcast on television.
7. Ministries, ministerial-level agencies and government-attached agencies shall, within the ambit of their respective functions and tasks, organize and direct the materialization of the Strategy for cultural development till 2020; and coordinate with the Ministry of Culture. Sports and Tourism and other ministries and agencies in performing the tasks of cultural development throughout the country.
8. Provincial-level Peoples Committees are responsible for cultural development in their respective localities according to their competence; elaborate, and direct the implementation of. five-year and annual plans in conformity to the Strategy for cultural development till 2020 and local socioeconomic development plans in the same period.
Article 3. This Decision takes effect on the date of its signing.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
FOR
THE PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER
Nguyen Thien Nhan
STRATEGY FOR CULTURAL DEVELOPMENT TILL 2020
(Promulgated together with the Prime Minister's Decision No. 581/QD-TTg
of May 6, 2009)
In recent years, our Party has promulgated man)' documents, setting the orientations for the building and development of culture, of which the most important were the Resolution of the 5th plenum of the Party Central Committee (the VIIIth Congress) on "building and developing an advanced Vietnamese culture deeply imbued with national identity" (the Resolution of the 5th plenum of the Party Central Committee (the VIIIth Congress); the Conclusions of the 10"' plenum of the Party Central Committee (the IXth Congress) on furtherance of the Resolution of the 5th plenum of the Party Central Committee (the VIIIth Congress) in the coming years, and the Resolution of the Xth National Party Congress. Of late, the Political Bureau issued the Directive on launching the campaign to "learn from and follow the moral examples of Ho Chi Minh" within the Party and the society; the Resolution on "further building and developing literature and arts in the new period" and "building the contingent of intellectuals in the period of accelerated national industrialization and modernization." The Party's guidelines and policies arc of special importance, which, on the one hand, address immediate urgent issues and. on the other hand, spell out long-term strategic orientations for the building and development of Vietnamese culture.
The formulation of the Strategy for cultural development till 2020 aims to concretize and institutionalize the Party's viewpoints and line on cultural development by setting major objectives, tasks and solutions, which will serve as a basis for formulating planning and plans in order to incrementally build an advanced Vietnamese culture deeply imbued with national identity in the period of national industrialization and modernization and international integration.
Culture is a very broad category. Stemming from Marxism-Leninism's viewpoints and Ho Chi Minh Thoughts on culture and based on the present requirements and tasks of building and developing our country's culture, the Resolution of the 5th plenum of the Party Central Committee (the VIII"1 Congress) has concretized the scope of culture into 8 major areas, namely: Ideology, morality and lifestyle; cultural heritage; education and training; science and technology: literature and arts; public information; cultural exchange with the world; and cultural regulations and institutions.
Based on the functions and tasks of concerned ministries and branches, separate strategies on education development, science and technology, information, physical training and sports, tourism and building of Vietnamese family will be formulated. In the Strategy for cultural development, these areas are presented as important components close!) associated with culture, create conditions for joint development and create an integrated strength for culture to play its role as a spiritual foundation and motive for sustainable socio-economic development. Hence, the scope of the Strategy for cultural development covers the following major areas:
- Ideology, morality, lifestyle and cultural life;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Literature and arts:
- Cultural exchange with the world.
- Cultural regulations and institutions.
1. The actual situation of Vietnamese culture at present
- Ideology, morality, lifestyle and cultural life arc key areas, which have witnessed important improvements. Many values of the nation's traditional culture have been heightened and promoted.
Having developed Marxism- Leninism and Ho Chi Minh Thoughts, our Party has set a platform for national construction in the new period, creating an unanimity within the Party and consensus in the entire society and recording great achievements of historic significance through 20 years of national renewal. Positive ideology constitutes a prevailing trend, creating the spiritual strength of the nation in the period of industrialization and modernization People's dynamism, creativeness and social activeness have been initially brought into play; democracy in various aspects of the social life has been broadened. People's active and voluntary participation in cultural activities has resulted in initial improvements. Progresses in cultural values and moral standards have incrementally taken shape. The young generations have accepted new knowledge and have the will to train themselves into persons of virtue and build up their careers, and build and defend the Fatherland.
Practical deeds of returning to the roots, showing gratitude towards people with meritorious services to the nation, charity and humanitarian activities to assist people in distress, hunger elimination and poverty reduction, study promotion, encouragement of talents, and the campaigns of "Young volunteers" and "Youth building their careers" have become mass movements.
The "All people unite to build a cultured life" campaign to canvass people to participate in building a healthy cultural environment is being extensively and intensively developed, bringing about practical results. Attention has been paid to raising the quality of building cultured villages and hamlets. The movement of building cultured families has contributed to boosting economic development, heightening ethical values and promoting the fine traditions of Vietnamese family.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Awareness of the values of cultural heritage and cultural traditions has been constantly raised, creating social consensus and resources in the protection and promotion of cultural heritage and the preservation of national cultural identities.
Tangible and intangible cultural heritages constitute a foundation to temper the cultural identities and value system of national culture and a resource for development. Positive change has been seen in the awareness of leading officials at all levels and of people about the conservation and promotion of values of the nation's cultural heritages. Thousands of relics have been renovated and embellished against degradation.Vietnames museums in which a great quantity of valuable historical and cultural heritages are kept and displayed have been initially renewed, attracting more and more visitors and contributing to the education of national traditions and socio-economic development. The preservation and conservation of the quintessence of national culture, especially the cultures of ethnic groups, has developed extensively and intensively. Many big projects on the search for and documentation of cultural heritages have been carried out.
- New developments have been seen in the fields of literature and arts, with profound changes and great achievements, positively contributing to the process of social democratization to enrich and diversify cultural life.
Literary and art creation has furthered the fine traditions of literature and arts in the period of revolutionary wars; has stuck to and tried to truthfully reflect the life, enriching and deepening the humanitarian nature of Vietnamese literature and arts; has boldly criticized the evils and manifestations of degeneration in personality, morality and lifestyle, contributing to warning against and preventing negative trends in social life. New contents of reflection have been searched for. modes and forms of expression have been experimented to diversify art genres and products. Many traditional arts have been preserved and promoted even under the market mechanism. Traditional culture has been restored and promoted. Numerous valuable documents from the treasure of Vietnamese folk culture and scholarly culture have been searched for, documented and publicized. In addition to the promotion of traditional arts of various forms, the development of modem arts of various types has been made; a number of fine-art, photographic, musical and cinematographic works have won high national and international prizes. Urban and rural architecture has seen a new face: the quality and aesthetical values of many works have been raised. The awareness about the protection of copyright and related rights under law has been initially heightened, with the emergence of an organization for protection of copyright and authors's benefits.
Literatures and arts of ethnic minority groups have witnessed a considerable development, making important contributions to most fields of literature and arts.
The mass literary and art movement has widely, diversely and qualitatively developed. Many literary and art clubs have emerged, mobilizing and encouraging people to create, exploit and popularize traditional art values and enjoy literature and arts, raising their spiritual life.
Theoretical studies and criticism have been crowned with positive results, creating initial renewal of perceptions and methods of theoretical studies, literary and art criticism; the subjectivity of literalists and artists has been treasured. Many foreign theoretical works and schools of literary and art studies have been introduced.
The most striking characteristics in the recent years include the vigorous, fast and updated development of the modes of using and popularizing literary and art products via television, exhibitions and art performances in various forms, the publication and distribution of cultural products.... forming a culture market and services on literary and art products in the country; and the introduction of quality literary and art works to foreign countries, contributing to the affirmation that Vietnam is an address for international cultural exchange in the new period.
Literary and art societies at central and local levels have continued to firmly maintain the political orientations, trying to rally their members and step up activities of creation. Many literalists and artists have, in spite of their old ages, wholeheartedly devoted to the cause of creation. Literalists and artists, both old and young, have made great endeavors in the search for novelties and self-motivated and independent work, bringing to the literature and arts a new prospect of development in the period of national industrialization and modernization and international integration.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
In recent years, we have had more opportunities to know about world cultures and to select and absorb the cultural quintessence of mankind while introducing to other peoples the fine and peculiar values of Vietnamese culture. Many activities of international cultural cooperation and exchange on a large scale have been organized in Vietnam and overseas, producing echoes and making good impressions in the hearts of foreign friends on the traditional culture and arts of Vietnam. Cultural and artistic activities have been initially organized overseas to advertise Vietnamese tourism and promote trade and investment cooperation.
Culturists and artists in the overseas Vietnamese community have had good researches and literary and art works turning to the Fatherland. Many overseas Vietnamese artists have returned home for performance, filming or activities in various cultural fields, contributing to the cultural and art life of the nation.
- The building of cultural institutions has attached importance to the requirements of the new period, basically ensuring Party leadership and state management, bringing into full play the creative potential of intellectuals, literalists and artists as well as the people for cultural development.
Since the country embarked on "doi moi" (renewal), shifting the economy to operate under a socialist-oriented market mechanism, the State has promulgated many legal documents to adjust and create a legal corridor for cultural activities to suit the new situation; and introduce many special mechanisms and policies for cultural development.
In spite of initial confusion upon the shift to the new mechanism, central and local cultural institutions have renewed their organization and operation and improved their material foundations; a number of large-sized cultural works with beautiful architecture have been built.
The training of a contingent of culturists and artists has developed in scale, networks, forms, quantity and qualification, covering almost all trades and crafts necessary for cultural, creation, performance, literary and art theoretical and criticism activities, forming a system of cultural and art schools from the central to local levels; in recent years, postgraduate training to create human resources of high qualifications has been carried out with initial encouraging results.
b/ Weaknesses and major causes
- Weaknesses
+ The achievements and progresses in the cultural domain remain incommensurate and unstable, not strong enough to exert effective impacts on various aspects of social life, especially ideology, morality and lifestyle. The quality of building a cultured life still sees numerous limitations.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
In face of complicated political evolutions in the world, confusion has been seen in ideological perception, which seems to lag behind the practical development.
Degradation in morality and lifestyle in a section of society has exerted negative impacts on the spiritual life and healthy cultural environment. Phenomena of causing social disorder, disrespecting law. causing social insecurity, domestic violence and violence in football stadiums: showing uncultured behaviors at public places; using substandard languages in daily communication which greatly harm the clarity of Vietnamese language; the disease of "indifference" to human sufferings; corruption, bribery, harassment, disunity among a section of cadres and Party members are triggering public condemnations.
Besides fairly stirring and complicated religious and belief activities, superstition, abuse of beliefs, spirits and telepathy for self-seeking purposes, widely spreading bad customs and practices, particularly in wedding parties, funerals and festivals, tend to rise.
Many printing and advertising establishments bars, karaoke parlors, restaurants and dance halls have been opened without planning, merely running after profits, conducting disguised operations with many negative practices. A number of cultural, literary and art products of poor quality have been published and disseminated; not a few foreign products contrary to the national morality and culture, or even harmful and reactionary, have been brought into the country, degrading the morality and lifestyle and adversely affecting the cultural traditions and fine customs of the nation.
The restoration and promotion of traditional culture, particularly the organization of festivals ami rituals, have been carried out in .1 spontaneous and unselective manner; the peculiarities, specific identities and fine values of traditional culture have not yet been fully tapped and brought into play while attention has not yet been paid to promoting the people's dynamism and importance not yet attached to the role of communities as cultural subjects, which has affected the quality of conservation and promotion of cultural identities of various ethnic groups.
Formalism and excessive pursuit of achievements remain very common in cultural activities, including reporting on results of building a cultural life. The movement on building cultured families, villages, hamlets and street quarters has not yet been deeply and fully understood in localities, hence the integrated strength of all social forces have not yet been promoted; the movement's quality has not yet been maintained; and the participation registration and commendation has not been earned out in a regular and timely manner.
In many rural areas, particularly deep-lying, far-flung and ethnic minority areas, former revolutionary and resistance bases and border and island areas, cultural activities remain poor and the cultural enjoyment gap between these areas and urban centers remains big.
+ Cultural heritages are facing numerous challenges, with the relationship between conservation and development not yet properly addressed.
The conservation of cultural heritages has been carried out in a passive manner without long-term planning. There is no synchronous coordination between relics conservation planning and socioeconomic development planning and projects of various branches in the same locality; hence, quality and comprehensive material foundations and cultural and ecological environments have not yet been created at relic sites. Confusion has been observed in the harmonious combination between conservation and development. The illegal occupation of relic land, commercialism in festival and ritual activities at relic sites, illegal search for and trading of antiques... remain rampant and have not yet been settled due to lack of resolute measures. The contingent of conservation workers nationwide remains inadequate and professionally incapable, who are perplexed in handling complicated matters in reality, which has affected the conservation and embellishment of relics or even distorted or deformed their origins.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ Literary and art activities still see mishaps.
In creation, performance and popularization activities, not a few literary and art works still fail to express the advancedness and identities of the nation. Literary and art works have appeared in greater and greater number, but few have reached the peak commensurate to the nation's great revolutionary cause and achievements of the renewal cause. In a number of works, the social ideal and aesthetics remain unclear. Some works contain biased ideological contents, inclined to exploit negative aspects or even negating the nation's magnanimous past and distorting the historical truths. Not a few works still run after the mediocre tastes of a section of the public. A section of literalists and artists are confused in approaching and perceiving the changes and new matters arising in modem life, thus being slanted in their creation or performance; a number of works and products are nothing but imitation or run after new forms and methods, failing to reflect the national cultural identities. The aesthetic education and orientations for young people have not yet received due attention. Amateurism in professional literary and art activities tends to rise. Architectural creation has not been clearly oriented for a long time and is unable to express the traditional traits in modem architectural works in Vietnam, thus forming a poorly mixed and disorderly architecture in present urban areas.
Literary and art theory activities are somehow underdeveloped in recent years, failing to tackle many questions in daily life and deflecting from the reality. Marxist theories on literature, arts and aesthetics have not yet been studied and promoted correspondingly to their role and values. Literary and art criticism seems to lag behind requirements, failing to fulfill its creation-guiding, -regulating and -accompanying functions. The scientific quality and professionalism of criticism has been slighted; criticism through feeling has appeared without a system of reliable criteria to evaluate authors and works. The contingent of theorists and critics is currently inadequate, lacking young ones, and unevenly distributed among art branches. There are no orientations and specific criteria for the selection, inheritance and promotion of the values of traditional culture, and the selection and absorption of the cultural quintessence of the mankind.
The contingent of literature and art managers, which remains inadequate at the macro- and grassroots level, fails to keep pace with the requirements of constantly diverse and complicated literary and art activities; their leading and managerial effectiveness remains low.
A number of literary and art societies are slow in renewing their operation both in content and mode and perplexed in rallying and promoting the potential of their members. Noteworthy is the lack of close coordination between literature and art management agencies of the Party and the State and literary and an societies in realizing the Party's guidelines and the State's policies on literary and art development.
+ Cultural exchange remains inactive and fails to create resources for expanded cooperation and exchange.
Due to lax management and incomprehensive and irregular coordination, the number of baneful products introduced into our country is fairly large, while not much cultural quintessence of Vietnam has been introduced overseas. The propagation and introduction of Vietnamese culture and socioeconomic achievements in the cause of national renewal fails to meet the development requirements. Meanwhile, the import and introduction of foreign films and musical programs on television is excessive and unselective, adversely affecting the young people's ideology, morality and lifestyle.
The management and introduction of foreign cultures in Vietnam remains inconsistent among specialized management agencies and between the central government and local administrations; there still lack regulations of high legal validity on management and regulation of the introduction of foreign cultures in Vietnam. The management of overseas and homebound performance and creation tours by artists is lax, without clear decentralization of responsibility, which has led to loopholes in the management of some activities causing public discontent.
+ The formulation of cultural institutions has not yet received due attention and is slow to renew.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
A number of cultural and art areas have not yet been governed by any law. Many policies towards literalists and artists are outmoded but late to be revised.
The contingent of culture managers, particularly in localities and establishments, has seen constant changes. The lax management and lack of mechanisms for coordination in the management of the business in cultural products, particularly pirated tapes and discs, internet, karaoke, show business, exhibition... have prolonged. The training of leading and managerial officials in the cultural field fails to meet the requirements, lacking cultural officials for key positions.
The training networks have developed fast but unevenly in quality. Highly qualified lecturers at various schools account for a small percentage as many of them, who were trained overseas, have retired. There still lack long-term and basic policies as well as peculiar mechanisms for the training of art talents.
Institutions and material foundations for cultural activities have become generally degraded and incomprehensive and been inefficiently used. There are not many big cultural works and entertainment areas. State budget investment in culture remains low. The mobilization of other capital sources for investment in culture is extremely limited due to the lack of specific and practical policies
- Major causes
Objectively:
+ Great achievements and fast and complicated developments in all aspects of socio-economic life are. on the one hand, the inspiring sources for creation, and raise, on the other land, quite new matters with multi-dimensional impacts, thus causing confusion to cultural and art activists.
+ Hostile forces have feverishly opposed Vietnam in the ideological and cultural battlefields, abusing the advantages in information technology and economic globalization to impose cultural values for realizing their "peaceful evolution" plot in culture. Meanwhile, the side effects of the market mechanism and globalization have exerted negative impacts on the ideological consciousness, morality and lifestyle of a section of population, particularly young people, and on the cultural and art life.
+ The information and communication boom accompanied by waves of cultural exchange and importation involving many new cultural elements brought in positive impacts and also not a few negative ones, while the qualifications of personnel and technical means for management of these new matters remain limited, leading to confusion and passiveness in the implementation.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ While concentrating efforts on economic tasks, many leading officials at various levels and in different branches are not fully aware of the position and role of culture: fail to clearly realize the close association between economy, culture and politics; fail to pay attention to associating economic development, branch and domain development with cultural development; and fail to consider cultural development a responsibility of the entire society.
+ In face of fast, diverse and complicated developments of the cultural and art life in the market economy, the direction by authorities at central and local levels shows weaknesses and limitations: the mode of leadership is slow to renew and the complexities and adverse impacts of the market economy have not yet been fully foreseen; relevant legal documents are slow to promulgate or revise; solutions are passive and circumstantial; there have appeared relaxation of management, rightist deviationalism, subjective imposition and the lack of far-sightedness. Theoretical studies fail to spell out forecasts and orientations; to clarify cultural matters in the socialist-oriented market economy, in determining the traditional as well as new values which need to be fostered, and in handling the relationship between tradition and modernity, the nation and the world, conservation and development, and culture and economy. In the process of formulation, the cultural market remains unable to bring into full play the creative capability of intellectuals, literalists and artists.
+ Investment in social affairs in general and culture in particular has not yet met the new requirements. There are not sufficient specific mechanisms and policies to bring into play the people's internal resources.
2. Context, opportunities for. and challenges to, the development of Vietnamese culture
- Cultural development trends:
+ To treasure culture and associate it with development, consider culture a factor to ensure sustainable socio-economic development.
The process of economic globalization threatens to lead to conflict with the conservation of cultural identities and diversity worldwide while appearing to closely tie the economic process with the cultural one. Economy cannot be developed in a sustainable manner unless (he question of culture is included in each economic activity.
- Nations have further and further heightened their respective cultural peculiarities and identities, treasure the preservation and promotion of values of cultural heritages, struggle against the trend of cultural homogenization while selectively absorbing the cultural quintessence of the mankind.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ Cultural development in relation to the building of people.
The cultural resource is composed of 3 elements: Cultural asset, human resources and mechanisms and policies to increase resources, of which the central resource for cultural development is human beings. Culture means creation while human beings are a subject of cultural creation and also a cultural product. Culture has become a motive and a regulator of socio-economic development, with the development of human resources being a central objective. Hence, close association between cultural development and human resource development has become a trend of the time.
+ Fast development of the "cultural industry".
Nowadays, people speak much about the cinematographic, audio and visual industry: radio and television industry: and entertainment and recreation industry, etc. Developing the "cultural industry" is currently a great and important trend in cultural policies of nations around the world.
+ Information explosion (including public information, telecommunications and internet) has aligned every family and the entire society to a common process.
The convergence of information, telecommuni-cations and informatics has become a trend, exerting strong impacts on the cultural domain. The development of information technology creates conditions for everyone to organize contact with the society; internet and intranet help people access a huge volume of information of the mankind and each nation; the appearance of" online literature” and blogs, which give rise to a new mode of social connection, are posing new questions in the management of culture and information.
+ Efficient use of idle time of individuals and communities
Nowadays, the efficient use of idle time becomes a social demand. This tendency poses new requirements on the formulation of planning, plans and cultural development projects as well as modes of approach and cultural activities suitable to the increasingly high social demand for cultural enjoyment.
+ Changes in the individual-community relationship and social democracy, diversification of tastes and methods of approach
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- The globalization and international integration
Globalization and international integration is an objective and inevitable trend, a process of cooperation for development and also a process of struggle to protect national interests. The means of communications, telecommunications networks and internet create conditions for exchange and absorption of the mankind's cultural quintessence while a fierce struggle to conserve national cultural identities also occurs. Besides, hostile forces continue intensifying their "peaceful evolution" schemes and ploy in order to foment complicated development in the fields of ideology, culture, morality and lifestyle within our country,
- The achievements recorded in the cause of renewal and national industrialization and modernization constitute an important basis for promoting cultural development in spite of many trials.
After more than 20 years of renewal, the country has recorded important achievements. The process of national renewal has created new and very important prerequisites for cultural development.
The process of industrialization and modernization makes the Vietnamese society deeply and comprehensively change, leading to a process of fierce and complicated struggle between the backward and the advanced, the good and the bad, and inert and conservative thinking and renewal. This is truly a fertile soil for cultural, literary and art creation. Urbanization has greatly changed the population structure, leading to changes in living habits, lifestyle and custom, etc. This requires specific solutions to preserving and promoting the nation's line traditions and cultural heritages while developing the cultural life suitable to the period of national industrialization and modernization.
- Cultural development in a socialist-oriented market economy.
The market mechanism spurs social activeness with cultural activities and cultural services becoming more dynamic, diverse and richer but latent with risks and complexities. The negative side of the market mechanism exerts impacts on every family, social relations and community relations, which requires renewal of the management and organization of cultural activities and creation of a legal framework for cultural development according to the set orientations in the market mechanism.
- Religions still swim with a tendency of adjustment, adaptation and influence expansion; religious developments remain complicated.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Religions tend to attract more followers while some exotic religions infiltrate into our country. Most religions activities and believers well observe the Party's and Suite's undertakings and policies. However, a small section ol religious dignitaries carried out activities contrary lu the nation'scultural traditions (doing away with national rituals, getting rid of traditional cultural activities...), illegally preaching, abusing religion to create "hot spots", reclaiming land or worshiping places... All these require a synchronous coordination of propagation about the Party's guidelines and the State's policies on religions and beliefs, struggling for the protection of the nation's cultural traditions and against the abuse of religions and beliefs to undermine the great national unity bloc, drive a wedge between religions, foment public disorder and break the law.
c/ Opportunities and challenges
Our Party and State always attach importance to cultural building and development, defining the role and importance of culture as the objective and also the motive of accelerated socio-economic development.
In the period of accelerated industrialization and modernization and active international integration, which require great efforts to take our country out of the status of underdevelopment and make it basically a modern industrial country by 2020, the Vietnamese culture is confronted with many great opportunities as well as fierce challenges.
Vietnam has a long history with glorious pages in the struggles for national construction and defense as well as national independence, which were greatly admired by the world. The success of the renewal cause and great a chievements of the socio-economic development and the political stability of the nation have heightened its profile on the international arena. Vietnam also has a diverse, rich and humane culture; each cultural asset, which is latent with high values in both culture and economic potential, is still preserved with peculiar identities of the Vietnamese culture and of great attraction. All these elements have created great potential and advantages in the building and development of an advanced Vietnamese culture deeply imbued with national identity in the period of industrialization, modernization and international integration.
Over the past several decades, thanks to the Party's and Stale's concern, a large contingent of intellectuals, writers, artists and administrators has been built up, in close attachment to the revolutionary cause of the Party and people and rich in their creation capability and are a valuable asset If a correct strategy for human resource development is worked our this human resource can be brought into full play for a "knowledge-based economy", "knowledge in the service of development," satisfying the requirements of cultural development in the new period.
In the context of economic globalization, with the policy of multilateralization and diversification of international relations. Vietnam's culture sees great opportunities for absorption of knowledge, resources and advanced managerial experience as well as cultural quintessence of the mankind, and for the creation of new cultural values. The strong impacts of various trends and new styles can give rise to big changes in all aspects, characteristics and types of Vietnamese culture, literature and arts but also pose fierce challenges.
The market mechanism has, on the one hand, mobilized the participation of all economic sectors in the production and dissemination of cultural products; stimulated the appearance of a number of production and business branches in the cultural field; opened up opportunities for employment and higher incomes, created prerequisites for the development of a "cultural industry" in Vietnam, and, on the other hand, given rise to commercialism in cultural activities. Baneful cultural products, which tend to increase due to smuggling and illegal production, and a pragmatic lifestyle in pursuit of money... have impacted the development of personality of individuals, especially young people, and adversely affected the cultural traditions of the nation.
Due to some powerhouses' attempts to impose their cultural values on other nations, based on the strength of information technology, the danger of homogenization of cultural values is threatening and restricting the creation capability and the diversity of various cultures; the propagation of violent, immoral and anarchic lifestyles, giving prominence to lust and individualism, has confronted us with big challenges-.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
a/ Viewpoints on cultural building and development
Now as in the past, our Party has always affirmed the position and importance of culture in the national liberation revolution and the socialist revolution, particularly in the period of renewal since the VI* National Party Congress. Especially in the Resolution of the 5Ul plenum of the Party Central Committee (the VIIrh Congress), the Party identified five basic guidelines for the cause of building and developing Vietnam's culture:
- Culture constitutes the spiritual foundation of the society, which is the objective and also the motive for accelerated socio-economic development.
- The culture we have been building is an advanced culture deeply imbued with national identity.
- The Vietnamese culture is a culture which is unified but diverse in the community of Vietnamese nationalities.
- Building and developing culture is the Party-led cause of the entire people, in which the contingent of intellectuals plays an important role.
- Culture constitutes a battle front; building and developing culture is a protracted revolutionary cause requiring revolutionary will and patience as well as caution.
The Resolution of the 5th plenum of the Party Central Committee (the VIIIth Congress) not only pointed out immediate urgent tasks but also bore strategic significance for building and developing our national culture in the period of industrialization and modernization. Those five basic guiding viewpoints, together with the viewpoints on the association between the task of economic development as the center and the task of Party building and consolidation as the key with the constant heightening of culture - the spiritual foundation of the society, which were stated in the Conclusions of the 10Ih plenum of the Party Central Committee (the IXth Congress) and the Resolution of the Xth National Party Congress constitutes the guiding viewpoints, which have been thoroughly dwelt on in the Strategy for cultural development till 2020. In the course of organizing the materialization of the Strategy, further studies should be carried out to profoundly understand, apply and concretize these important viewpoints in the practical building and development of culture in the new period.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Second, to further step up the conservation, inheritance and promotion of fine values of the national culture, strongly promoting the diversity and peculiarities of the cultures of fraternal nationalities while persistently consolidating and increasing the uniformity in diversity of the Vietnamese culture, concentrating on building new cultural values in parallel with the active expansion of international exchange, selectively absorbing the quintessence of world culture, further enriching the national culture and catching up with the development of the time.
Third, to vigorously liberate the creative capability and potential of everyone, promoting to the utmost the creativeness of intellectuals, literalists and artists; to train cultural and art talents; to formulate mechanisms and policies and create material foundations for more high-quality cultural and art products commensurate to the national and epochal magnitude; to carry out comprehensive and systematic theoretical and practical studies of the building and development of an advanced Vietnamese culture deeply imbued with national identity in a socialist-oriented market economy and in the period of industrialization, modernization and international integration
Fourth, to create all conditions for raising the people's cultural enjoyment and creation; striving to gradually narrow- the gap in cultural and art enjoyment between urban centers and the countryside and between the delta' and mountainous, ethnic minority, deep-lying, remote, border and island regions.
Fifth, in couple with increased investment by the State, to step up the socialization of cultural activities, mobilizing all resources for cultural development, considering investment in culture investment in human beings and investment in sustainable development, associating economic development with cultural development, thus making culture actively participate in the attainment of the national target of "prosperous people, strong country and equitable, democratic and civilized society."
- To build cultured people and lifestyle
Developing an all-sided man with full qualifications (in terms of ideology, morality, lifestyle and cultured personality) meeting the requirements of the national industrialization and modernization and international integration constitutes a primary, important, regular, basic, urgent and also long-term task of the cause of developing the Vietnamese culture.
Developing the Vietnamese man in the new revolutionary period with the following qualities:
+ Possessing the spirit of patriotism, national self-strengthening and promotion of internal resources and the will to take the country out of poverty, backwardness and lagging behind.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ Constantly raising his/her knowledge by lifetime learning; having independent thinking and taking self-responsibility, being cooperative and working effectively in organizations and professional groups; being open to novelties and bold to confront challenges: being dynamic and creative; trying to approach and apply the world's most advanced scientific and technological knowledge to national construction; doing physical exercise and raising his/her physical strength; striving for self-improvement and fostering in knowledge, job skills and morality.
+ Building his/her family of unity, harmony, equality, happiness, discipline and with stable economic life; inheriting and promoting the fine traditional values of Vietnamese families, selectively absorbing advanced values of families in a developed society so that each Vietnamese family will become a sweet home of every member and a healthy cell of society; promoting the spirit of mutual affection and assistance, voluntariness, self-management, democracy and mastery capability in communal activities, building a healthy social environment and protecting the ecological environment.
- To build a cultured life and cultural environment
Building a cultured life and a healthy social environment is an important task closely associated with the development of all-sided people and the building of cultured families; promoting personal dynamism and social dynamism, form a "social asset" decisive to social progress. To build a cultured life and healthy socio- cultural environment, it is a must to establish, first of all. grassroots democracy institutions, encouraging and creating conditions for every citizen to organize and participate in communal cultural activities, forming the tradition of a learning society; educating in community health and lifestyle friendly to the natural environment and ecological environment; strictly observing law, combating corruption, preventing and suppressing crimes, social evils and law offenses, and preserving discipline and peaceful life of people.
To closely link the building of a cultured life with socio-economic development suitable to different areas (urban centers, rural areas, industrial parks...), different regions, ethnic groups and religions. To attach importance to the peculiarity in building a cultured life in different ethnic minority areas and different religious areas. Cultural activities must practically contribute to the maintenance of social security and order; to consolidate the great national unity bloc; educating in cultured personality; raising the level of the people's cultural enjoyment, particularly in deep-lying and ethnic minority areas; to heighten people's intellectual level and provide them with interesting experience and good ways of building a cultured life, eliminating hunger and reducing poverty, emulating to get rich lawfully, restructuring the economy..., contributing to the attainment of the objective of "prosperous people, strong country and equitable, democratic and civilized society."
To raise the quality of the movement for building cultured families, villages (hamlets), living quarters and street wards; to step up the campaign for building agencies, public offices, schools, hospitals and enterprises up to set cultural standards with civilized ways of living.
To attach importance to and heighten the leading and managing culture.
To concentrate on properly carrying out the movement "All people unite to build a cultured life" as a central task of the Strategy: to intensively develop it into a social movement with practical results.
- To conserve and promote national cultural heritages.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
To investigate, collect and build a "data bank" on typical tangible and intangible cultures.
To invest in modem technical equipment for long-term preservation and archive of documents and exhibits at museums and central and local agencies archiving historical, cultural and art documents.
To honor typical artists and artisans in various forms and adopt mechanisms and policies for artisans to disseminate and pass traditional crafts down to young generations.
- To conserve and promote the cultures of ethnic minorities.
Cultures of ethnic minority groups are valuable assets that enrich and diversify but unify the Vietnamese culture. Preserving the traits and diversity of ethnic cultures is an issue of great sociopolitical significance in the era of globalization. It can be said that the ethnic question is, in essence, the question of culture.
To attach importance to, and organize the implementation of programs on conservation and promotion of fine traditional values and building and development of new values in culture, literature and arts, especially support for development of ethnic minority languages and scripts. To adopt specific policies and solutions for building a contingent of ethnic minority intellectuals; to detect, foster and organize forces for the creation of, search for, and research into, cultures, literatures and arts of ethnic minority groups. To prioritize financial assistance for talented ethnic minority authors to create works on ethnic issues and mountainous regions
To step up activities of conserving and promoting the cultural identities of ethnic minorities via well-organized and well-managed cultural and tourist activities, contributing to raise the spiritual life, creating jobs, eliminating hunger and reducing poverty for people in ethnic minority and mountainous regions.
- To develop literature and arts.
Literature and arts are very important and especially subtle domains of culture. The central task of literature and arts in the coming period is to create many literary and art works of high ideological and artistic values which are imbued with humanitarianism and democracy, having deep impacts on human development. On the one hand, importance will be attached to themes on national traditions, revolution and resistance wars and. on the other hand, the present practical life so as to have great works of high values reflecting the period of industrialization, modernization and international integration. To use good works to encourage and educate the people and society through healthy entertainment; to condemn and criticize uncompromisingly negative phenomena which are hindering the development of the Vietnamese nation and its people; to ward off immoral and outmoded literary and art works deviating from national cultural identities.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
To conserve and protect the quintessence of traditional arts and folk culture and effectively promote them in the modern social life.
To further study, renew and develop modem Marxist theories on literature and aesthetics; to raise scientism and persuasiveness therein, contributing to guiding and regulating literary and art creation and criticism. To research into and selectively accept the fruits of literary and art theories of our ancestors and the world, creatively applying them to further enrich modem Vietnamese literary and art theories; to clarify the question of national identity in architecture. To formulate mechanisms for consultancy, social counter-argument and evaluation of literary, art and architectural works in support of Party leadership and state management; to highly value public comments and criticisms on works. To heighten ethics of critics, debating culture and sense of responsibility of critics before the public as well as literary, art and architectural history; to create a favorable environment and conditions for literary and art criticism activities; to bring into play the important role of literary, art and architectural theories and criticism in evaluating and orienting creation, guiding social opinions and cultural and art tastes of the public. To formulate management mechanisms and measures to prevent and handle activities of creating and popularizing literary and art works of poor ideological and artistic values, badly affecting the society. To select Vietnamese and foreign works of high ideological and artistic values and create conditions for their publication. To raise the quality and effectiveness of the overseas introduction of Vietnamese literary and art works; to formulate mechanisms for appraisal and selection of foreign works for introduction into Vietnam.
To promote, tap and vigorously liberate the creative capability and potential of the contingent of literalists and artists with a view to creating more works of high ideological and artistic values. To practice democracy, respect and promote ideological freedom in cultural, literary and art research and creation while heightening the sense of civic responsibility of intellectuals, literalists and artists. To put intellectuals, literalists and artists in important positions based on the correct assessment of their qualities, capabilities and fruitful devotion; to adopt special policies towards national talents. To encourage innovations, affirm and protect new values enriching and diversifying the cultural, literary and art life.
To review, supplement and formulate regimes and policies on literary and art activities, such as those on wages, royalties, preferential treatment of talents, allowances for professional work, and retirement benefits for typical intellectuals, literalists and artists.
To intensify measures for building and developing mass literature and arts, guiding and encouraging people to participate in the creation, conservation, teaching and promotion of values of national traditional culture, literature and arts.
To consolidate and renew the operations of literary and art associations at the central and local levels, aiming to raise their capability to rally forces, promote the creativity and develop the contingent of their members.
- To promote the fine cultural and ethical values of religions and beliefs.
The State holds the view that citizens have the right to freedom of beliefs and religions, following or not following any religion. Religions are equal before law. Religious people constitute an important part of the great national unity bloc.
To bring into play positive factors in religious ethics and culture; to encourage healthy, kind-hearted, humanitarian and progressive values. To create conditions for religious and belief activities to be carried out in conformity with the national culture and common national interests; to build up a cultural environment for properly fulfilling the civic responsibility towards the Fatherland; to struggle against abuse of religions and beliefs for evil political attempts.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To intensify public information activities.
The public information system has played an increasingly important role in the national culture. Public information have become a vehicle for conveying cultural values to the public while constituting a peculiar cultural form, exerting strong and profound impacts on the public.
The boom of mass media (television, radio, press, publication, internet...) should be managed strictly in principle but openly in form so as to satisfy the people's increasingly demands for information.
To develop and modernize the mass media networks and raise the quality of information products; to use languages and scripts of ethnic groups having scripts on the mass media in areas inhabited by ethnic minority people; to vigorously renew verbal communication, considering it an important and effective channel of communication.
To intensify and raise the quality of external information activities; to further increase the time volume of radio, television and online news broadcasting overseas, bringing more information and cultural products of good content to overseas Vietnamese and foreign friends.
- To intensify proactive international cultural cooperation and exchange.
In the present context of international relations, cultural diplomacy occupies an important position in external policies of many nations. The trend for expansion and intensification of Vietnam's cultural exchange and cooperation with the rest of the world is inevitable. Nowadays, cultural exchange and cooperation are not merely for the purpose of cultural development but also for expansion of cooperation in other fields. It is necessary to take advantage of development opportunities and surmount all trials with our national stuffs in order to preserve the nation's cultural identities, contributing to diversifying and enriching the world culture while absorbing the cultural quintessence of mankind and further enriching the Vietnamese culture to catch up with the time. To actively prevent and get rid of negative impacts and side effects of globalization on Vietnamese culture.
To intensively, actively and stably develop Vietnam's already established cultural relations while expanding relations with other nations, territories and international cultural institutions.
To formulate mechanisms for coordinating the organization of cultural diplomacy activities.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
To cooperate with other countries on training of cultural and an talents and training of highly qualified professionals
To bring into play the talents and devotion of overseas Vietnamese intellectuals and artists for the development of the national culture, literature and arts. To create conditions for the overseas Vietnamese communities to receive information and healthy cultural products from Vietnam; to contribute to national construction and preservation and promotion of Vietnam's cultural traditions in families and activities of overseas Vietnamese communities.
To establish a number of cultural centers and establishments in some key regions in I he world for expansion of exchange and cooperation in the field of culture and arts.
- To improve the system of cultural regulations and institutions.
To comprehensively and synchronously improve the system of legal documents on mechanisms and policies on culture and arts in all aspect of cultural life in conformity with the Party's guidelines and the State's laws; to adjust and supplement existing policies to suit the practical national development and international commitments; to eliminate mechanisms and policies which are no longer appropriate and hinder development.
To synchronously carry out administrative reform in order to create marked improvements, adjust and renew working styles and methods; to modernize offices and apply information technology to activities of the Ministry of Culture, Spoils and Tourism; to specifically decentralize cultural management responsibility to localities. To promulgate professional criteria and standards of public employees of the Ministry and heads of professional bodies of branches or domains under provincial-level People's Committees.
To comprehensively build community-based cultural establishments and raise the quality and efficiency of their operations; to strive for the targets that by 2015.100% of provinces and centrally run cities will have adequate cultural establishments; and by 2015-2020. 90-100% of rural and urban districts and towns will have cultural houses and libraries; ISO-90% of communes and townships will have cultural houses; and 60-70%; of villages and hamlets will have cultural houses. To build a number of cultural works of epochal magnitude in Hanoi capital. Ho Chi Minh City and some big cities throughout the country.
To intensively invest in modem equipment and technologies in order to raise the quality of cultural products, satisfying domestic and export demands; to standardize and widely apply national and international standards via higher and higher technologies to cultural activities and products for increasing their quality.
d/ Orientations for development of specialized cultural and art branches
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
To develop performing arts in the direction of prioritizing investment in the preservation and promotion of traditional forms of performing arts; to search for, restore and develop some types of traditional arts being in danger of disappearance. To invest in building and developing some types of world classical arts suitable to Vietnamese conditions; to invest in selectively staging on Vietnamese theatres a number of world classics of high ideological and artistic value. To attach importance to the orientations in the creation and performance by literalists and artists; to educate young generations in taste and love for national traditional arts, which is a constant and permanent task.
To raise the quality of arts, trying to create more top-class works; to make investment for more scripts and plays of high ideological and artistic values. To formulate programs on art performances to serve people in deep-lying, remote, ethnic minority, border and island regions.
Alongside the building of state-run art units strictly under the standards on organization, artistic quality, artistic orientations and performers, the establishment of non-public art troupes will be encouraged and given favorable conditions. To quantitatively and qualitatively develop mass art troupes at grassroots level.
To attach importance to. and make satisfactory investment in. training art talents at home and abroad. To build a number of typical facilities for art performance, modem training establishments and equipment for art troupes according to the planning on development of performing arts.
- Cinematography
To consolidate and develop the Vietnamese cinematography into a modern one deeply imbued with national identity; to modernize the cinematographic industry. To strive for greater quantity and higher quality of Vietnamese films through assorted products: feature (36-40 celluloid feature films produced annually); documentary, scientific and cartoon films {2-3 films produced monthly for each type); and television series. To introduce many Vietnamese cinematographic works to other countries. To comprehensively manage cinematographic activities in all three aspects: film production, distribution and dissemination. To enhance the management of films screened on television and the internet. To invest in equipment and facilities and adopt incentive policies for mobile film projection teams in difficulty-hit areas, deep-lying, remote, ethnic minority, border areas and islands. To invest in special-use synchronous professional and technical equipment, ensuring conditions for film production by modern technologies up to international audiovisual standards.
To equitize state-run film firms; to encourage and facilitate the establishment of private film firms, film production and distribution associations for mutual support in film production, distribution and dissemination.
To apply the regimes of order placement and bidding for slate-funded film production.
- Fine-arts, photography and exhibition
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
To study schools, trends and ways of expression of contemporary fine arts, aiming to affirm and promote the national identity in Vietnamese fine arts and selectively absorb achievements of the contemporary world fine arts and further enrich the national fine arts.
The State will invest in and support the creation of fine-art works so as to have great and high-quality ones and organize the display and popularization of fine-art and photographic works through state awards under the creation orientations of the Party. To periodically organize national exhibitions on paintings, graphics, sculpture, applied fine-arts and photography. To encourage non-governmental organizations to organize fine-art activities of socialized nature.
To step up grassroots fine-arts movements
To closely coordinate with the Ministry of Education and Training in teaching music and painting in primary and secondary schools throughout the country.
To attach importance to applied fine-arts, especially in industry, handicraft, consumer products, interior and exterior decoration and fashion.
- Publishing, printing and distribution of publications
The State will adopt policies and create conditions for building the publishing industry into a comprehensively developed techno-economic branch; place orders for theoretical and political publications, publications for youngsters, ethnic minority people, visually handicapped persons and publications needed to be widely popularized in the service of important political and social tasks and external information, and implement policies on purchase of manuscripts and copyright purchase and publication freight subsidies.
To invest in the formulation of national programs on books for publishing typical works selected from the mankind's and the country's knowledge treasures, aiming to create knowledge bases for development in the period of national industrialization and modernization. To compile and publish encyclopedias on specialized fields.
To modernize the book- publishing technology from the stage of formulation of topical plans to the stage of dissemination and distribution of publications. To step up the application of information technology to publishing activities. To raise the quality of publications in terms of content, form and printing technique; to step by step publish electronic books; to formulate mechanisms and policies for developing and managing the dissemination of publications on internet; to build and direct the development of, and manage, internet culture.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Library
The combination between traditional libraries and electronic/digital libraries will become an organizational model and operation mode of Vietnamese libraries, in which the use of computers to store and exploit information and the building of digital libraries constitute the most important trend in the development of library automation. To strive for the targets of 0.8-1 book title/inhabitant in public libraries and 50-70% of valuable and rare documents in provincial libraries to be computerized by 2015 and 2020.
To make appropriate investment in libraries, attaching importance to regional ones: Hanoi. Thai Nguyen. Hue. Da Nang. Khanh Hoa, Ho Chi Minh City, Can Tho, Lam Dong. To form 3 regional preservation centers in Hanoi, Hue and Ho Chi Minh City; to proceed to organize a wide, flexible and suitable network of public libraries nationwide: to consolidate and build libraries in urban and rural districts and towns; to step up the development of communal-level libraries and reading rooms in communes and wards, cultural or postal-cultural centers in communes in highland, border, island, deep-lying, remote and ethnic minority regions. To build, consolidate and modernize libraries at scientific research centers, schools, armed forces units, socio-political organizations, socio-professional organizations, economic organizations and non-business units.
To step up the socialization of library activities, encouraging private libraries to operate in the service of communities under law.
To renew the mode of library operations to serve readers towards application of information technology in order to automate and modernize library operations, creating the transferability among libraries in the online environment in order to exploit the rich and diversified sources of library documents. To regard serving the cause of national industrialization and modernization as an objective for the selection of books and building of sources of library documents for timely supply to readers. To build up a book-reading movement in the society, contributing to effectively building future generations of readers.
- Museums, relics and intangible culture.
+ Museums:
All museum activities must be based on collections of original exhibits of typically historic, cultural and scientific values; new documents and exhibits shall be regularly added to museums by different methods, including purchase of exhibits, valuable and rare documents; to reasonably and efficiently apply scientific and technical achievements and new technologies to the display and preservation of museum documents and exhibits; to apply information technology to the management of museum documents and information; to connect online museums from central to local levels. To attach importance to the scientism and systematism in building a "data bank" on museum documents and exhibits. To strive for the targets that 50-70% of valuable and rare documents and exhibits in provincial museums and 70-100% of valuable and rare documents and exhibits in national museums will be computerized by 2015 and 2020.
To establish 2 museum document- and exhibit-preserving centers in Hanoi and Ho Chi Minh City.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
To encourage the establishment of private museums and building of private collections.
To organize the display and introduction of Vietnamese cultural heritages overseas and cooperate on introduction of collections of typical exhibits of foreign countries at Vietnamese museums.
Based on the international convention against illegal transportation of cultural assets, to inquire into, study and proceed to accept via diplomatic channels and bilateral agreements the return of valuable Vietnamese historical and cultural documents and exhibits which have been brought abroad.
+ Relics:
To synchronously invest in the conservation and embellishment of typical historical-cultural relics into heritages of high quality in conservation science and cultural environment in service of education in traditions and tourism development.
To realize the detailed planning on relics for reasonable, sustainable and harmonious combination between the cultural heritage conservation and promotion and the socioeconomic development requirements.
The State will prioritize investment in the conservation of special national relics (by 2015. 100% of these relics will be repaired and embellished), national relics (70% by 2015 and 80% by 2020) and villages and hamlets with typical cultural characteristics. To step up the socialization of relic conservation activities; and to formulate mechanisms for mobilizing resources for relic maintenance, embellishment and promotion.
To stop the illegal occupation of relic land, distortion of relic environment and landscape and stealing of antiques; to create a healthy cultural environment at relic sites.
To further select typical Vietnamese historical-cultural relics and scenic places of globally striking value for compilation of dossiers to be submitted to UNESCO for inclusion in the World Heritage List.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
To further comprehensive investigation and search for the values of the nation's typical intangible culture. To select typical intangible-culture values and submit them to UNESCO for consideration and inclusion in the List of Representative Intangible Cultural Heritages of Mankind. To strive for the target that 50-70% of the nation's representative intangible cultural heritages are scientifically inventoried. To educate in and widely popularize intangible culture.
To basically complete the survey, investigation, search, storage, preservation, translation and introduction of documents in Han-Nom (Chinese-transcribed Vietnamese script), to apply information to the archive of documents, introducing "chu Nom" (transcribed Vietnamese script) in the international standard code table.
To formulate policies to encourage research into, search for, archive, passage and introduction of intangible cultural heritages of the community of Vietnamese nationalities. To honor and adopt preferential policies towards artisans and artists who firmly grasp and have merits in teaching and disseminating intangible culture.
- Grassroots culture
To widely develop the movement "All people unite to build a cultured life", considering it a central and long-term task, linking it with the campaign to build clean, firm and strong Party cells and administrations and taking the target of building cultured families, villages, hamlets, communes and wards as its core. To step up the materialization of the Strategy for building Vietnamese families in the 2005-2010 period and the 2011-2020 period, honoring typical cultured families, villages and hamlets. To strive for the targets that 70-80% of families will reach the standards of cultured family and 65-70% of villages, hamlets and street quarters will reach the standards of cultured village, hamlet or street quarter.
To raise the standards of people's cultural enjoyment, attaching importance to highland, deep-lying and remote regions, the Central Highlands, southwestern Vietnam, northern mountainous region and Central Vietnam. To pay attention to introducing literary and art products and art performance programs to the grassroots; to ensure that people may participate in creating cultural values and organize by themselves cultural activities of community nature.
To build cultured lifestyles in residential quarters, offices and units; to follow civilized lifestyles in organizing weddings, funerals and rituals while combating superstition, backward customs and other social vices.
To build, complete and consolidate the system of cultural establishments from the central to local levels; to attach importance to renewing the operation of cultural houses to properly well satisfy people's demands for cultural enjoyment. To organize the managerial and operational apparatus of a cultural establishment on the principle of professionalization of all of its structural sections.
- Scientific research in culture and arts
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
To attach importance to training and fostering scientific workers and top specialists in order to avoid succession interruption upon generation transfer. To mobilize the intellect and experience of scientists and culturists who have retired or are working inside or outside the cultural sector, encouraging them to continue with their research or creation, and participate in training and instructing young cadres.
To incrementally link the principal incomes of researchers to the outcomes of their scientific research projects; to encourage young cadres to participate in scientific research.
- Copyright and related rights
To raise the awareness, knowledge and sense of observance of the law on copyright and related rights in communities, especially for organizations and individuals with related rights and obligations. To build a system of databases on copyright on publications, press and internet.
To consolidate and enhance the capability and operational efficiency of central and local agencies managing and enforcing copyright; to inspect and strictly handle infringements; to perfect the legal system on copyright and related rights, ensuring the full and effective protection in conformity with international standards. To incrementally form a system of collective management of copyright; to try to establish the law-prescribed order on copyright and related rights in a number of fields in which serious infringements are seen.
To build and develop an advanced Vietnamese culture deeply imbued with national identity in the period of industrialization and modernization and to attain the objectives of cultural development till 2020. efforts should be concentrated on the implementation of the following major solutions:
a/ Heightening the ideological consciousness and building men
- Studying and thoroughly understanding Ho Chi Minh Thoughts on culture; learning and following Ho Chi Minh morality examples.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
* Culture has a humanity nature, on the one hand, and a profound national nature, on the other hand, "the Vietnamese culture is created through the mixture of oriental culture and western culture. "To develop the Vietnamese culture, the quintessence of the national culture must be brought into play, on the one hand, and the quintessence of mankind's culture be absorbed, on the other hand.
* “Culture must shine the way for the nation": culture is the cause of the masses, which must enter social life and express the national characters; to protect and promote national cultural heritages, traditional culture and modem culture; to get rid of backward and outmoded vestiges and add new values.
* Humans are. on the one hand, subjects of cultural creation, and, on the other hand, cultural products; hence, cultural development must be associated with the development of humans, caring for the cause of "man planting."
+ To firmly grasp the perception of the role of education in Marxism- Leninism and Ho Chi Minh Thoughts as the ideological foundation of the building and development of Vietnamese culture into an advanced one deeply imbued with national identity. To link the tasks of culture building with the tasks of Party building and consolidation via the campaign: "Study and follow the exemplary morals of Ho Chi Minh," creating a step of actual improvement in action. Each organization, agency, unit and population quarter should formulate regulations and rules setting forth specific, practical and feasible norms for studying and following the exemplary morals of Ho Chi Minh.
+ To study the compilation of documents, to elaborate and implement plans for propagation and study of Ho Chi Minh Thoughts on culture; to educate in and supply knowledge and skills on cultured manners in families, offices, schools, hospitals, enterprises, public places and holy places.... To mobilize the mass media, mobile information teams, lively and diverse forms of propaganda and education suitable to different target groups for the implementation of this campaign to achieve practical results.
- Man building
The Resolution of the IXth National Party Congress affirmed that humans constitute an internal resource for socio-economic development. Development of culture means the promotion of human resources - the largest and most decisive resource for socio-economic development.
+ To raise the quality and effectiveness of the building of Vietnamese man, meeting the requirements of the period of national industrialization and modernization. Through man building, to foster patriotism, capability, intellect, sentiment, personality and sense of responsibility for society construction; to harmoniously combine personal activeness with social activeness, promoting the dynamism and creativeness of every citizen. To educate in. and raise the political stuff and cultural personality for everyone based on the Party's viewpoints on building and development of culture; to closely associate the objectives of man building with practical activities and widespread patriotic emulation movements of the masses.
+ Based on the five qualities of the Vietnamese man. which should be developed, as identified in the Resolution of the 5th plenum of the Party Central Committee (the VIIIth Congress), and the new requirements on development of Vietnamese man in the period of industrialization, modernization and international integration, as mentioned in the Strategy, organizations, agencies, units and residential quarters shall work out specific norms suitable to different target groups and different domains and areas of operation
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
To determine cultural work as an important and regular task of Party committees and administrations at all levels. To actively incorporate cultural development planning and plans into the socio-economic development plans of the nation, each level, branch, domain or locality; to institutionalize the Party's and State's guidelines and policies on culture. Party organizations and state agencies shall work out plans and measures to step up the building of culture in their organizations and agencies, setting examples for the society and people to perform this task.
b/ To renew and raise the capability of leadership and state management
This is a solution of especially important significance in the building and development of culture.
- To raise the state management effect and efficacy.
+ To basically complete the institutionalization of the Party's viewpoints, guidelines and orientations on culture, literature and arts in the period of accelerated industrialization, modernization and international integration. Due to the peculiarity and sensitiveness of this domain, the principle of Party leadership, state management and democratization of management must be firmly upheld in the management of this domain; to combine branch-based management with territory-based management and the principle of socialist legality. The viewpoint on management is to perform two functions of "building" and "combating" of which "building" is basic. The important objective of culture management is to create conditions for conservation, promotion and development of cultural resources. The state management of culture must be performed through elaboration of planning and plans and formulation of laws, mechanisms and policies.
+ To apply synchronous measures for actively preventing and combating baneful culture and cultural imposition by powerhouses and opposing "peaceful evolution" in the cultural domain in our country. To intensify interdisciplinary coordination in the management of the cultural product market; management of the use of internet and electronic information on internet (websites, blogs and portals) in Vietnam. To actively struggle against macaronic and anti-cultural manifestations, contributing to the protection of national cultural identities and diversity in uniformity of the Vietnamese culture.
+ To enhance the effect of state inspection of culture
- To renew the management organization, contents and mechanisms.
The stormy development of the mass media (television, internet, post and telecommunications...), the emergence and development of new forms of cultural and art expression (such as game online, blog, online literature...), the development of socialization of cultural activities, the expansion and multi-lateralization of cultural and art exchange as well as international cooperation require renewal of cultural management organization, contents and mechanisms.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ Renewal of the management and provision of public services, aiming to raise the state management responsibility and effectiveness, to bring into play all social resources for higher quality and efficiency of public cultural services, and to ensure social justice and better satisfy people's higher demands for cultural enjoyment; scrutinizing and reorganizing non-business organizations and units in the cultural sector into non-business public-service units suitable to the characteristics and nature of each type of public services, each category of cultural enjoyment subjects and each area; formulating mechanisms for non-profit operation of each type of public-service providers; applying the regime of autonomy and self-responsibility for task performance, apparatus organization, payroll and finance to public non-business units; reorganizing professional art units nationwide into public non-business units in the direction that each province will have one public art unit, with traditional arts as the core of its activities, while other art troupes will be established in the form of non-public units. Particularly, Hanoi and Ho Chi Minh City may each set up a number of public art units as the core. Concentrating on building a number of typical traditional and modem art units of the central administration. Hanoi and Ho Chi Minh City.
+ For research institutes, investment should be made to upgrade the Vietnam Institute of Culture and Arts to be worthy of a center for cultural development strategy research; to expand and raise the quality of post graduate training in culture and arts; to combine training with scientific research: cultural and art schools with research institutes; to conduct training under assigned quotas to meet the society's demands.
- To improve, formulate and finalize policies for cultural development
To review the formulation and implementation of policies in the groups of solutions set forth in the Resolution of the 5th plenum of the Party Central Committee (the VIIIth Congress).
Cultural policies should be formulated in the direction:
+ Policies applicable to non-business cultural and art units and enterprises in economic activities.
* Cultural non-business units will shift to operate under the autonomy and self-responsibility mechanism for task performance, apparatus organization, payroll and finance under law. Apart from the tasks assigned by the State, they will be entitled to organize service activities suitable to their own professionals: to align with organizations and individuals for service activities to meet the society's demands, which are suitable to their capability and compilable with law.
Public non-business units are encouraged to shift to form non-public units operating on the principle of self-financing and enjoying equal treatment by the State and society like public units in terms of products and services.
* To step up the reorganization of enterprises in the culture, sports and tourism sector, renewing their production and business activities for higher efficiency, toward converting a number of enterprises into one-member limited liability companies while equitizing the remainder through appropriate steps.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
* To apply the regime of order placement with orientations for creation of literary and art works, film scripts and film production, publication, freight support for books and papers transported overseas.
+ Policies to combine socio-economic development with cultural development
* The formulation of economic objectives and solutions in five-year and annual socio-economic development plans of various levels, branches and localities must be associated with cultural objectives and solutions.
* To practice civilization in trade and culture in business.
* The planning on construction of residential quarters, industrial parks, new urban centers... must set aside land funds suitable and convenient for the construction of cultural facilities (cultural houses, spoil facilities, entertainment and recreation zones, cinemas, libraries or reading rooms, fine-art and sculptural works...).
* To formulate and promulgate policies to encourage various economic sectors and social organizations to participate in creation, production, dissemination and business activities in the field of culture and arts. To promulgate regulations on tax exemption or reduction for investments and contributions of enterprises for the conservation of national cultural heritages and construction of cultural works, sponsoring of literary and art works of ideological and artistic values, cultural activities in highland, deep-lying and remote regions, and contributions to cultural development.
+ Policies on socialization of cultural activities.
Policies on socialization of cultural activities constitute an important solution to involve the entire society and various economic sectors in the creation, supply and dissemination of cultural products, establish the responsibility of the entire society for cultural development, create conditions for cultural activities to develop and gradually raise the standards of people's cultural enjoyment.
Due to its peculiarity and political as well as ideological sensitiveness, the socialization of cultural activities requires appropriate steps for each type of activities, each region or zone.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
* The State adopts mechanisms and policies to encourage the establishment of non-public art troupes and culture and art schools...; to encourage various economic sectors to invest in the construction of cultural establishments and organize business under the state management in the construction of cinemas, theaters, museums and libraries; organization of art performances and video tape agents; distribution of films and papers; fine art exhibitions; teaching of dancing, music and painting; joint ventures between domestic and foreign investors in a number of printing processes.
* To work out mechanisms to encourage enterprises, organizations and individuals to finance cultural and information activities and the preservation of national cultural heritages, for which the State will acknowledge their merits in appropriate forms.
+ Policies to encourage creation
* To create a favorable environment and conditions for activities of intellectuals, literalists and artists. To promulgate regulations on democracy in cultural and art activities; to supplement and improve mechanisms and policies to create conditions for intellectuals, literalists and artists to develop, devote and be honored by society.
* To further the policies of encouraging creation. Annually, the State shall earmark a regular funding amount in support of creation activities and dissemination of literary, art. architectural and press works; collection and dissemination of the folk culture treasure under the mechanism of state supports and order placement; to encourage enterprises to contribute funds to the making of art works.
* To launch contests for literary and art creation in order to have many works of high ideological and artistic values to meet the society's demands.
* To diversify financial sources (the State, aid. donations...) in the establishment and raising of cultural funds in support of creation activities.
* To protect copyright and related rights; to implement the regimes of royalties and copyright associated with revenues from works. To further apply various forms of commendation, awards presented to typical works and cultural and art projects; to apply mechanisms to encourage creation.
c/ To increase resources and material-technical foundations for cultural development
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ To formulate criteria and mechanisms for selection and arrangement of leading, managerial cadres and advisers in culture and arts, who are fully capable, professionally and qualitatively qualified for their jobs.
+ To build a contingent of cadres, civil servants and senior experts in culture and arts, who are ideologically and politically steady and professionally skilled; to build a contingent of highly qualified intellectuals, earmark and artists who incrementally advance to the level of advanced countries in the region and the world. To implement the policies of putting talents in important positions and granting preferential treatment to earmark and artists who have rendered a long process of service or have good works with positive influence in the society.
+ To formulate a national plan on cultural and an training, closely link cultural and art training with trainee needs and society's demands. To consolidate and raise the training quality of culture and art schools; to consolidate and upgrade culture and art colleges of northwestern, Viet Bac (Northern) and Central Highlands regions and provincial intermediate culture and art schools, creating conditions for them to be fully capable of training cultural and art personnel. To form three cultural and art training centers of national standards in Hanoi. Ho Chi Minh City and Thua Thien- Hue. To establish a culture and art university in the Central Highlands and a culture and arts university in Can Tho. To build Vietnam National Conservatoire, Vietnam Fine Arts University and a number of other culture and art schools up to the level of advanced countries in the region.
+ To complete the systems of curricula, syllabuses and reference documents for various disciplines and levels of cultural and art training (creation, research, theory, criticism, performance, conduction, direction....), quickly approaching the international standards while preserving the national cultural and art traits and cultural and art peculiarities of various areas and regions for uniform use in schools nationwide. To add a number of traditional art subjects to the training program. To open a number of new graduate training disciplines (familiology, art direction, cultural and art marketing; art audio and light; fashion designing, festival direction, stuntmen. master of ceremony...). To expand and develop the training of skilled workers in some technical domains.
+ To intensify the training and retraining of teachers who are fully qualified in profession, foreign language and qualities to fulfill their training tasks. To implement programs for raising teachers' qualifications via various forms of postgraduate training at home and abroad, joint training, invitation of foreign experts to lecture at culture and art schools; to combine training with scientific research; to renew leaching and learning methods.
To send pupils and students with good morals and prospective talents in culture and arts for training in developed countries.
+ To attach importance to the training of music and painting teachers in order to ensure sources of lecturers for culture and art schools as well as general education schools at central and local levels, contributing to raising the aesthetic level for general education pupils.
+ To prioritize the training of ethnic minority cultural intellectuals, ensuring preferential regimes for them to return to work in their localities, to implement the policies on tuition exemption and reduction for students of traditional arts.
+ To formulate regimes and policies suitable to the professional peculiarities of art teachers and students in order to encourage art creation and encourage artists and artisans to participate in teaching peculiar arts. To adopt mechanisms and policies to mobilize top cultural intellectuals and talented literalists and artists to directly care for and conduct the training of their successors.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ To encourage and facilitate the socialization of training activities; to couple the raising of the quality of cultural and art training with the diversification of its forms, ensuring the targets of raising people's intellectual levels, training human resources and fostering talents for the Party and the State.
- To build material and technical foundations
+ To increase investment in culture, literature and arts, ensuring funds for big cultural target programs and for creation activities of literary and art associations. To upgrade, renovate or build a number of high-quality, big and modem theaters, cinemas, cultural and art exhibition centers, museums and libraries in various economic, political and cultural centers of the country and big cultural works to mark Thang Long- Hanoi's millennium.
-Thee State adopts policies of prioritizing investment in key cultural and art fields which play an important role in political, ideological, ethical, aesthetic orientations and social values; invest in the construction of a synchronous system of public cultural establishments; encourage various economic sectors to invest in the construction of material and technical foundations and organize business under the state management and guidance in some types of cultural and art services.
+ Agencies, public offices, schools, industrial parks and enterprises shall all plan the construction of cultural establishments (libraries, cultural houses, sport clubs...) in service of the spiritual life of officials, workers and public employees.
+ To apply scientific achievements and new technologies to the production and archive of films, preservation of museum documents and exhibits, conservation of historical-cultural relics, preservation and promotion of intangible cultural heritages, publication, libraries....
- To coordinate for integrated strength of the culture, sports and tourism sector for economic, cultural and social development
Culture, sports and tourism are closely interrelated, creating conditions for mutual development. Culture constitutes a foundation and an important condition for the development of sports and tourism while sport and tourism development creates conditions for culture to develop and preserve its role as a motive force for sustainable socio-economic development. The increased professionalism, quality and cultural manner of sports and tourist activities, the development of cultural tourism, the collection and exploitation of traditional folk games and introduction of national spoils into annual sports festivals and tournaments... will further enrich the cultural life and be an opportunity to introduce and honor the Vietnamese culture. The establishment of a relaxed and easy cultural space for everyone, the development of entertainment sports... will open up new opportunities and possibilities for development of tourist culture The close and synchronous coordination among these activities will bring about integrated strength for fast, comprehensive and efficient development, contributing to the promotion of the image of the Vietnamese land and its people as well as cultural identity to the world.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To devise mechanisms for coordination between the Ministry of Culture. Sports and Tourism and the Party Central Committee's Propaganda and Education Commission, the Vietnam Fatherland Front Central Committee, the Central Council for Literary and Art Theories, the National Committee of the Union of Vietnam Literary and Art Associations in directing and coordinating the materialization of the Strategy for cultural development.
- To enhance the coordination between the Ministry of Culture, Sports and Tourism and concerned ministries and branches in organizing the materialization of the Strategy for cultural development:
+ Coordination with the Education and Training sector in introducing the education contents of history, culture, arts and family education into schools in lively, attractive and appropriate forms; organizing extracurricular activities for pupils and students to visit museums, historical relics, revolutionary relics, traditional-art performances and rituals: organizing singing festivals and contests in schools, quizzes on history and culture....
+ Coordination with the Ministry of Foreign Affairs in carrying out cultural diplomacy activities.
+ Coordination with the Ministry of Information and Communication in formulating mechanisms and policies for development and good management of cultural and art publications, online culture; for management of foreign films, photos and musical programs on television.
+ Coordination with the Nationalities Committee in carrying out activities related to ethnic minority cultures.
+ Coordination with the Ho Chi Minh Communist Youth Union Central Committee in stepping up cultural, sport and tourist activities among youths and young pioneers.
+ Coordination with the Border Guard Command in organizing cultural and information activities along the borderlines and coast.
+ Coordination with radio and television stations in widely introducing cultural activities, art programs and diverse cultural and art activities of communities.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
socio-professional organizations, particularly literary and an associations, in mobilizing and organizing the masses and intelligentsia to perform cultural tasks for cultural creation, educating in and orienting healthy cultural enjoyment for the youth; providing consultancy, social counter-arguments and examination of policies and programs for cultural development.
- To formulate and implement programs on education in culture, aesthetics, ways of living and cultured conducts in public offices, schools and hospitals; enterprise and business culture; culture in traffic, in cultural, art, sport and tourist activities, in community activities....
Culture-related propaganda and education activities must be associated with the management of society by law, the promotion of the strength of social opinion must be associated with mass movements for action. To bring into play people's voluntarism, self-management and mastery in organizing cultural activities and creation; to create favorable conditions for the formation and development of professional organizations, cultural and an clubs.
5. Organization of the implementation of the Strategy
The implementation of the Strategy for cultural development is divided into two periods:
a/From now till 2015: The central tasks of this period will be:
- To direct all cultural activities to the building of comprehensively developed Vietnamese man, meeting the requirements of the period of industrialization, modernization and international integration; and the building of a healthy cultural environment.
- To supplement and complete the system of cultural development policies: conservation and promotion of cultural heritage values; vigorous promotion of the creation capability and potential of intellectuals, literalists, artists and artisans; special regimes for artists as well as pupils, students and teachers of art schools; policies towards non-business cultural and art units, policies on association of socio-economic development with cultural development and socialization of cultural activities.
- To work out mechanisms, policies and solutions for higher cultural enjoyment and activities of people in deep-lying, remote, border, island and ethnic minority regions.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To heighten the state management capacity and renew the management and organization of cultural activities; to formulate mechanisms for coordination with various branches, levels, political organizations, professional and mass organizations in building and developing culture.
- Legislative program:
+ The Advertisement Law;
+ The Library Law;
+ The Law amending and supplementing a number of articles of the Cinematography Law;
+ The Law amending and supplementing a number of articles of the Cultural Heritage Law;
+ The Law amending and supplementing a number of articles of the Intellectual Property Law:
+ The Ordinance on Performing Arts; + The Fine Art-Photography Ordinance.
- Branch planning:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ Planning on development of the fine-art sector;
+ Planning on development of the exhibition industry;
+ Planning on construction of monuments;
+ Planning on entertainment and recreation areas for children;
+ Planning on the system of cultural and art training schools.
- To further the national target program on culture, with three targets:
+ Conservation and promotion of typical cultural heritages of the nation;
+ Building and development of grassroots cultural life;
+ Support for cinematographic development.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Major schemes and projects:
+ To formulate and implement a program on studying and thoroughly understanding of Ho Chi Minh Thoughts on building of culture;
+ To improve mechanisms and policies for promotion of literary and art creation;
+ To formulate and realize a master scheme on introduction of cultural and art programs and activities to deep-lying, remote, border, island and ethnic minority regions;
+ To formulate and realize a scheme to honor outstanding artisans of the nation;
+ To finalize special mechanisms and policies applicable to artists, pupils, students and teachers of art schools;
+ To work out mechanisms for coordination in the direction of the materialization of the Strategy for cultural development between the Ministry of Culture, Sports and Tourism and the Party Central Committee's Propaganda and Education Commission, the Vietnam Fatherland Front Central Committee; the Central Council for Literary and Art Theories, the National Committee of the Union of Vietnamese Literary and Art Associations;
+ To formulate and realize a scheme on coordination in the creation of the integrated strength of the culture, sport and tourism sector for economic, cultural and social development;
+ To formulate and realize a scheme on development of Vietnam's "cultural industry";
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ To complete and commission the National Center for Exhibitions and Trade Fairs;
+ To complete and commission the National History Museum;
+ The complete the projects on: Vietnam Singing, Dancing and Musical Theater, the Cultural-Tourism Village of Vietnamese Nationalities and the National Cinema Center.
b/ From 2015 to 2020:
The central tasks of this period will be:
+ To extensively and intensively develop the building of Vietnamese man, an advanced Vietnamese culture deeply imbued with national identity in the context that Vietnam has become an industrial country toward modernization.
+ To further adjust, supplement and complete the system of policies for cultural development in a synchronous and advanced manner.
+ To raise the level and quality of cultural and art training on par with the regional level.
+ To basically complete the construction of cultural establishments from central to local levels.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ The Law on Performing Arts;
+ The Fine Art- Photography Law.
- Major projects:
+ Vietnam Nature Museum;
+ Science-Technology Museum;
+ Co Loa film studio;
+ National Image Archive;
+ Large multi-function theaters in Hanoi, Ho Chi Minh City and a number of other localities.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
;
Quyết định 581/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 581/QĐ-TTg |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký: | Nguyễn Thiện Nhân |
Ngày ban hành: | 06/05/2009 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 581/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chưa có Video