Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 548/QĐ-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH TIÊU CHÍ NGÔI NHÀ AN TOÀN PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN, THƯƠNG TÍCH TRẺ EM

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Xét đề nghị Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành tiêu chí Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em

1. Quyết định này quy định tiêu chí về Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, sau đây gọi tắt là Ngôi nhà an toàn.

2. Ngôi nhà an toàn đảm bảo các tiêu chí sau:

2.1. Đảm bảo an toàn xung quanh ngôi nhà

a) Có cửa, cổng, hàng rào chắc chắn, độ cao phù hợp với lứa tuổi của trẻ em;

b) Đường đi vào nhà và sân quanh nhà phải phù hợp, không trơn trượt và an toàn cho trẻ em;

c) Nền nhà cao phải có bậc thềm cho trẻ lên, xuống phù hợp với lứa tuổi;

d) Xung quanh ao, hố chứa nước, hố vôi, cống thoát nước trong khu vực nhà ở phải có hàng rào chắc chắn đảm bảo an toàn cho trẻ em;

e) Giếng nước, bể nước hoặc các đồ dùng chứa nước khác phải có nắp đậy an toàn;

f) Xung quanh ngôi nhà phải được phát quang;

g) Vật nuôi trong nhà phải được nuôi giữ đảm bảo an toàn cho trẻ;

h) Những dụng cụ, đồ dùng nguy hiểm hoặc vật chứa chất độc hại nguy hiểm phải để trong kho chứa đồ an toàn.

2.2. Đảm bảo an toàn các phòng trong ngôi nhà

a) Cửa sổ phải có chấn song, các thanh dọc chắc chắn và khoảng cách đảm bảo trẻ không chui qua được;

b) Cửa sổ, cửa đi phải có móc áp sát vào tường để trẻ khi chạy nhảy không va quệt, vướng mắc;

c) Cánh cửa phòng phải có dụng cụ chặn khe cửa để trẻ em không bị kẹp tay khi đóng, mở cửa;

d) Sử dụng các loại kính lắp an toàn. Công trình cao tầng hoặc nơi có mật độ người qua lại lớn sử dụng kính chịu lực hoặc kính hai lớp và không có khe hở đề phòng trẻ em thò tay qua;

e) Sử dụng gạch chống trơn, chống trượt để lát nền phòng tắm. Sàn phòng tắm và khu vệ sinh phải đảm bảo không đọng nước;

f) Khu vực nhà tắm, đặc biệt là nhà tắm có thiết kế bồn tắm nằm và khu vệ sinh luôn được đóng cửa an toàn sau khi sử dụng;

g) Khu bếp phải riêng biệt, có cửa ngăn và có khóa để trẻ dưới 6 tuổi không tiếp xúc được với bếp lửa, bình ga;

h) Rào chắn an toàn xung quanh bếp nếu bếp trên sàn nhà.

2.3. Đảm bảo an toàn về điện

a) Dây dẫn điện phải được đi ngầm trong tường hoặc có vỏ bọc chắc chắn nếu đi bên ngoài;.

b) Các công tắc điều khiển, cầu chì, ổ cắm được lắp đặt ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi và phải có hộp hay lưới bảo vệ hoặc có nắp đậy an toàn;

c) Phải sử dụng các loại đèn có phần vỏ ngoài bằng vật liệu cách điện tại các phòng trong ngôi nhà;

d) Không đặt ổ cắm điện trong phòng vệ sinh, nhà tắm, nếu có phải đặt sau cầu chì/Ap-to-mat và ở vị trí an toàn ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi.

2.4. Đảm bảo an toàn cầu thang và lan can

a) Cầu thang phải có lan can, tay vịn chắc chắn. Bậc cầu thang có chiều cao, bề mặt rộng phù hợp đảm bảo an toàn cho trẻ em;

b) Khoảng cách giữa các thanh dọc của lan can cầu thang đảm bảo trẻ dưới 6 tuổi không chui lọt và không có các thanh ngang để trẻ em sử dụng trèo qua;

c) Đối với công trình thiết kế cầu thang hở, độ hở giữa các bậc thang phải đảm bảo an toàn trẻ không chui lọt. Mặt bậc có gờ chống trượt;

d) Có cửa chắn ở đầu hoặc cuối cầu thang nếu ngôi nhà có trẻ dưới 6 tuổi;

e) Tay vịn lan can đảm bảo chiều cao từ 900mm trở lên, tay vịn phải là chỗ tựa chắc chắn và cho phép nắm chặt được;

f) Lan can phải chắc chắn tại các cạnh của sàn, ban công, lô gia, mái (bao gồm cả giếng trời và các lỗ mở khác) và các nơi khác có người đi lại.

2.5. Đảm bảo an toàn các đồ dùng gia đình

a) Phích nước phải có hộp đựng hoặc dây đai giữ và để ở vị trí an toàn ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi;

b) Đèn, diêm và bật lửa, để ở nơi ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi;

c) Tủ treo đựng bát đĩa và đồ dùng luôn chắc chắn;

d) Các loại thuốc được để trong tủ đựng thuốc và để ở vị trí ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi;

e) Dao, kéo và các vật sắc nhọn dùng để cắt để ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi.

2.6. Một số quy định an toàn khác

a) Không cho trẻ nhỏ chơi các đồ chơi nhỏ hoặc các vật nhỏ dễ nuốt;

b) Có thiết kế đường đi nội bộ, nhà vệ sinh phù hợp đảm bảo an toàn cho trẻ em khuyết tật nếu có trẻ em khuyết tật sống trong ngôi nhà.

Điều 2. Phạm vi áp dụng

Ngôi nhà an toàn áp dụng đối với ngôi nhà thường xuyên có sự sinh sống, hoạt động của trẻ em (nhà ở riêng lẻ; nhà chung cư; nhà ở của các Cơ sở trợ giúp trẻ em; nhà ở các Trung tâm bảo trợ xã hội có nuôi dưỡng trẻ em).

Ngôi nhà an toàn là cơ sở để các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân hướng dẫn, vận động cộng đồng xây dựng Ngôi nhà an toàn và xác định các ngôi nhà đạt Ngôi nhà an toàn nhằm đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ em.

Điều 3. Xác định một Ngôi nhà an toàn

Ngôi nhà an toàn phải đảm bảo trong năm không có trẻ em bị tai nạn thương tích tại nhà và phải đạt 23/33 các tiêu chí quy định tại Điều 1 Quyết định này, trong đó có 15 tiêu chí bắt buộc phải đạt bao gồm: tiêu chí d, e, h của nhóm tiêu chí Đảm bảo an toàn xung quanh ngôi nhà; tiêu chí a, g của nhóm tiêu chí Đảm bảo an toàn các phòng trong ngôi nhà; tiêu chí a, b, c, d của nhóm tiêu chí Đảm bảo an toàn về điện; tiêu chí a, b của nhóm tiêu chí Đảm bảo an toàn cầu thang và lan can; tiêu chí a, d, e của nhóm tiêu chí Đảm bảo an toàn các đồ dùng gia đình; tiêu chí a của nhóm tiêu chí Một số quy định an toàn khác.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Ngôi nhà an toàn là căn cứ để Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan thực hiện.

2. Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Quyết định này.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện Quyết định tại địa phương; phối hợp với các ban, ngành tại địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện xây dựng Ngôi nhà an toàn; triển khai xây dựng các mô hình điểm về Ngôi nhà an toàn; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện xây dựng Ngôi nhà an toàn tại địa phương.

4. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) chịu trách nhiệm tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp huyện và phối hợp với các ban, ngành triển khai thực hiện Quyết định tại địa phương.

5. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện và hàng năm xét công nhận ngôi nhà đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

 

 

Nơi nhận:
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH;
- Website Bộ LĐTBXH;
- Lưu VT, Cục BVCSTE, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Doãn Mậu Diệp

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 548/QĐ-LĐTBXH năm 2011 Tiêu chí ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu: 548/QĐ-LĐTBXH
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký: Doãn Mậu Diệp
Ngày ban hành: 06/05/2011
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 548/QĐ-LĐTBXH năm 2011 Tiêu chí ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [2]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…