Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 419/QĐ.UB

Vũng Tàu, ngày 22 tháng 01 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “QUY ĐỊNH VỀ VIỆC HỖ TRỢ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG CẢI THIỆN NHÀ Ở”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21/6/1994;
Căn cứ Quyết định số 118-TTg ngày 27/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở;
Căn cứ Chỉ thị số 166-TTg ngày 19/3/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện Quyết định 118-TTg ngày 27/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng, Sở Tài chính - Vật giá, Sở Địa chính,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản “Quy định về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở”. Bản quy định gồm có 5 Chương và 18 điều.

Điều 2. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Xây dựng - Tài chính - Vật giá - Kế hoạch và Đầu tư - Địa chính, Thủ trưởng các ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo)
- Bộ Xây dựng (để báo cáo)
- Bộ Tài chính (để báo cáo)
- Bộ Lao động - TBXH (để báo cáo)
- Tổng cục địa chính (để báo cáo)
- TTr.Tỉnh ủy, TTr. HĐND (để báo cáo)
- Đ/C Chủ tịch, Phó Chủ tịch
- Lưu VP.

TM. UBND TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
CHỦ TỊCH




Nguyễn Trọng Minh

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC HỖ TRỢ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG CẢI THIỆN NHÀ Ở
(Ban hành kèm theo Quyết định số 419/QĐ.UB ngày 22 tháng 01 năm 1999 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Bản quy định này cụ thể hóa chế độ hỗ trợ để cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng hoặc thân nhân chủ yếu (bố, mẹ, vợ, chồng, con hoặc người nuôi dưỡng trực tiếp) của người có công với cách mạng đã mất, thực sự có khó khăn về nhà ở.

Điều 2. Đối tượng và nguyên tắc hỗ trợ cải thiện nhà ở:

1. Người có công với cách mạng được hỗ trợ nhà ở, bao gồm:

- Người hoạt động cách mạng trước cách mạng tháng 8/1945;

- Gia đình liệt sĩ (bao gồm: thân nhân của liệt sĩ đang hưởng tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng, thân nhân liệt sĩ đang hưởng tiền trợ cấp hàng tháng);

- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lao động;

- Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh;

- Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày;

- Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;

- Người có công giúp đỡ cách mạng.

2. Nguyên tắc hỗ trợ:

- Phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của địa phương.

- Căn cứ vào công lao và hoàn cảnh kinh tế của từng người.

- Không hỗ trợ đồng loạt hoặc bình quân cho tất cả các đối tượng.

- Không thực hiện chế độ hỗ trợ đối với những đối tượng đã được cấp đất, hóa giá nhà trước ngày ban hành Quyết định số 118-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Các hình thức hỗ trợ cải thiện nhà ở:

Tùy theo điều kiện và khả năng của địa phương, việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở áp dụng một trong các hình thức sau đây:

1. Tặng nhà tình nghĩa.

2. Hỗ trợ kinh phí để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở.

3. Hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần tiền sử dụng đất khi được giao đất làm nhà ở.

4. Hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần tiền sử dụng đất khi mua được nhà của Nhà nước bán.

Điều 4. Nguồn kinh phí hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở, bao gồm: Nguồn ngân sách Nhà nước, các khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác.

Chương 2.

ĐIỀU KIỆN VÀ MỨC HỖ TRỢ

Điều 5. Tặng nhà tình nghĩa

1. Người hoạt động cách mạng trước cách mạng tháng 8/1945, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên, bố mẹ liệt sĩ. Tất cả các đối tượng trên có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt không thể tạo lập được nhà ở hoặc nhà ở quá dột nát, hoặc hiện đang phải ở nhờ nhà người khác không phải là thân nhân chủ yếu của họ hoặc bị mất nhà ở do thiên tai, hỏa hoạn thì được xét tặng nhà tình nghĩa. Ngoài các đối tượng nêu trên các đối tượng khác có hoàn cảnh đặc biệt thì cũng được xem xét cụ thể từng trường hợp.

2. Nhà tình nghĩa được xây dựng theo điều kiện và khả năng của địa phương, nhưng tối thiểu phải đạt mức trung bình về nhà ở so với cộng đồng dân cư nơi người có công với cách mạng cư trú.

Cụ thể tình hình hiện nay: Diện tích sử dụng tối thiểu 32m2. Giá trị xây dựng trung bình là 20 triệu đồng (Hai mươi triệu đồng) đến 25 triệu đồng (Hai mươi lăm triệu đồng).

Diện tích đất để xây dựng nhà tình nghĩa được thực hiện theo quy định hiện hành tại từng thời điểm của UBND tỉnh và quy hoạch đất ở của địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Quyết định tặng nhà tình nghĩa UBND tỉnh ủy quyền cho UBND huyện, thị xã, thành phố quyết định trên cơ sở báo cáo đề nghị của huyện, thị, thành phố và danh sách đề nghị của Sở Lao động - TBXH sau khi đã thông qua và được Ban vận động tình nghĩa tỉnh, UBND Tỉnh phê duyệt.

4. Đối tượng được tặng nhà tình nghĩa được miễn đóng các khoản thuế và lệ phí. Được chính quyền cấp chủ quyền nhà, quyền sử dụng đất cùng lúc trao tặng nhà.

5. Những trường hợp đang hợp đồng thuê nhà do Nhà nước quản lý thì không thuộc diện xét chuyển tặng nhà tình nghĩa.

Điều 6. Hỗ trợ kinh phí để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở:

Người có công với cách mạng đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình (nhà được tạo lập do tự mua hoặc được thừa kế hương hỏa) không phải nhà tình nghĩa nhưng nhà ở quá chật chội, không đảm bảo điều kiện về nhà ở trung bình so với cộng đồng nơi họ cư trú, mất nhà do thiên tai, hỏa hoạn mà không có khả năng khắc phục.

Tùy theo hoàn cảnh, công lao đóng góp của từng người, khả năng ngân sách của tỉnh và các nguồn vốn khác để có phương án, kế hoạch hỗ trợ thích hợp (mức hỗ trợ xây dựng hoặc sửa chữa, hình thức hỗ trợ bằng hiện vật, bằng tiền…) theo quy định như sau:

1. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng lao động; Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động từ 81% trở lên; Thân nhân của liệt sĩ đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng được xét hỗ trợ tối đa 100% giá trị xây dựng một nhà tình nghĩa tại địa phương. Người hoạt động cách mạng trước cách mạng tháng 8/1945, Bà mẹ Việt Nam anh hùng không tặng nhà tình nghĩa vẫn được xét hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp nhà ở theo quy định tại điều này.

2. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị mất sức lao động từ 61% đến 80% được xét hỗ trợ tối đa 90% giá trị xây dựng một nhà tình nghĩa tại địa phương.

3. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động từ 41% đến 60% được xét hỗ trợ tối đa 80% giá trị xây dựng một nhà tình nghĩa tại địa phương.

4. Thân nhân liệt sĩ, người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng; Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động từ 21% đến 40% được xét hỗ trợ tối đa 70% giá trị xây dựng một nhà tình nghĩa tại địa phương.

5. Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng I hoặc Huân chương chiến thắng hạng nhất được hỗ trợ tối đa 65% giá trị xây dựng một nhà tình nghĩa tại địa phương.

6. Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì được hỗ trợ tối đa 55% giá trị xây dựng một nhà tình nghĩa tại địa phương.

7. Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng ba được hỗ trợ tối đa 45% giá trị xây dựng một nhà tình nghĩa tại địa phương.

8. Thân nhân của các đối tượng nêu tại điểm 1 điều 6 này gồm bố mẹ, vợ hoặc chồng, con hoặc người nuôi dưỡng trực tiếp (mà các đối tượng nêu tại điểm 1 điều này đã mất) thực sự khó khăn về nhà ở thì Sở Lao động - TBXH cùng địa phương xét đề xuất UBND tỉnh từng trường hợp cụ thể. Mức tối đa không quá 50% giá trị xây dựng một nhà tình nghĩa tại địa phương.

Điều 7. Hỗ trợ tiền sử dụng đất:

- Người có công với cách mạng được tặng nhà tình nghĩa được miễn nộp tiền sử dụng đất, các loại thuế và lệ phí có liên quan.

- Mức hỗ trợ người có công với cách mạng khi được mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hoặc được giao đất làm nhà ở cụ thể như sau:

a) Mức diện tích đất để tính hỗ trợ khi mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước hoặc khi được giao đất để tự xây nhà được áp dụng theo Quyết định số 730/QĐ-UBT ngày 30 tháng 3 năm 1998 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

+ Tối đa là 230 m2 đối với thành phố Vũng Tàu (trừ xã Long Sơn).

+ Tối đa là 300 m2 đối với khu vực thị xã, thị trấn bao gồm các phường thị xã Bà Rịa, thị trấn Long Hải, thị trấn Ngãi Giao, thị trấn Phước Bửu, thị trấn Long Điền, thị trấn Phú Mỹ (các thị trấn, thị xã), xã Long Sơn - thành phố Vũng Tàu và huyện Côn Đảo.

+ Tối đa là 400 m2 đối với các xã ở vùng nông thôn.

b) Mức tỷ lệ tiền được hỗ trợ:

1. Hỗ trợ toàn bộ tiền sử dụng đất theo diện tích đất được cấp nhưng không quá diện tích tối đa quy định tại điểm a đối với:

+ Người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng 8/1945.

+ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lao động.

+ Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ mất sức lao động do thương tật từ 81% trở lên.

+ Thân nhân liệt sỹ đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng.

+ Người có công với cách mạng ở nhà nhiều tầng nhiều hộ ở.

2. Hỗ trợ 90% tiền sử dụng đất theo diện tích đất được cấp nhưng không quá diện tích tối đa quy định tại điểm a đối với:

+ Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ mất sức lao động do thương tật, bệnh tật từ 61% đến 80%.

3. Hỗ trợ 80% tiền sử dụng đất theo diện tích đất được cấp nhưng không tính quá diện tích tối đa quy định tại điểm a đối với:

+ Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ mất sức lao động do thương tật, bệnh tật từ 41% đến 60%.

4. Hỗ trợ 70% tiền sử dụng đất theo diện tích tối đa quy định tại điểm a đối với:

+ Thân nhân liệt sỹ, người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

+ Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ mất sức lao động do thương tật từ 21% đến 40%.

5. Hỗ trợ 65% tiền sử dụng đất theo diện tích đất được cấp nhưng không quá diện tích tối đa quy định tại điểm a đối với:

+ Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày.

+ Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng I hoặc Huân chương chiến thắng hạng I.

6. Hỗ trợ 55% tiền sử dụng đất theo diện tích đất được cấp nhưng không quá diện tích tối đa quy định tại điểm a đối với:

+ Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì.

7. Hỗ trợ 45% tiền sử dụng đất theo diện tích đất được cấp nhưng không quá diện tích tối đa quy định tại điểm a đối với:

+ Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng ba.

8. Thân nhân của các đối tượng nêu tại điểm 1 điều 6 gồm bố mẹ, vợ hoặc chồng, con hoặc người nuôi dưỡng trực tiếp (mà các đối tượng nêu tại điểm 1 điều 6 đã mất) thực sự khó khăn về nhà ở, đất ở, khó khăn về kinh tế thì Sở Lao động - TBXH cùng địa phương xét đề xuất UBND tỉnh từng trường hợp cụ thể. Mức tối đa không quá 50% tiền sử dụng đất quy định tại điểm a.

Điều 8. Việc xem xét hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở phải tùy theo điều kiện và khả năng của địa phương, căn cứ vào công lao, chế độ ưu đãi của từng người và thực hiện đúng quy định như sau:

1. Trong trường hợp một người thuộc nhiều diện ưu đãi được xét hỗ trợ cải thiện nhà ở thì căn cứ vào chế độ ưu đãi cao nhất mà người đó được hưởng để hỗ trợ.

2. Trường hợp trong một hộ gia đình có nhiều thành viên thuộc diện được ưu đãi về nhà ở, nếu được xét hỗ trợ cải thiện nhà ở thì được cộng chế độ ưu đãi của từng người thành chế độ ưu đãi của cả hộ, nhưng mức hỗ trợ tối đa không vượt quá mức ưu đãi cao nhất so với mức quy định tại bản quy định này.

3. Các hình thức hỗ trợ tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ kinh phí để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng chỉ xét hỗ trợ một lần và chỉ áp dụng một trong các hình thức hỗ trợ cho một gia đình.

4. Trường hợp người có công với cách mạng thuộc đối tượng quy định tại điểm 8 Điều 6, điểm 8 - Điều 7 đã mất mà thân nhân chủ yếu của họ có nhiều người ở nhiều hộ khác nhau, có hoàn cảnh thực sự khó khăn về nhà ở thì việc xét hỗ trợ cải thiện nhà ở theo khả năng của địa phương nhưng nguyên tắc chỉ hỗ trợ một lần cho hộ khó khăn nhất. Mức hỗ trợ không vượt quá 50% theo quy định tại bản quy định này.

Chương 3.

TRÌNH TỰ THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN XÉT DUYỆT

Điều 9. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ cải thiện nhà ở của người có công với cách mạng gồm có:

a) Hồ sơ đề nghị sửa chữa nhà:

1. Đơn đề nghị hỗ trợ sửa chữa nhà ở của người có công với cách mạng có xác nhận tình trạng nhà ở và đề nghị của Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 118-TTg của phường, xã, thị trấn nơi người có công với cách mạng cư trú (Làm theo mẫu thống nhất do Sở Lao động - TBXH ban hành).

2. Các giấy tờ chứng nhận người có công với cách mạng (bản sao do Phòng LĐTBXH huyện, thành phố, thị xã sao y theo hồ sơ đang quản lý).

3. Bản chiết tính sửa chữa nhà.

4. Biên bản xác minh của Phòng LĐTBXH huyện, thành phố, thị xã.

5. Công văn đề nghị của UBND huyện, thành phố, thị xã.

b) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền sử dụng đất

1. Đơn đề nghị hỗ trợ của người có công với cách mạng có xác nhận tình trạng nhà ở, đất ở và ý kiến đề nghị của ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 118-TTg của phường, xã, thị trấn nơi người có công với cách mạng cư trú (Làm theo mẫu thống nhất do Sở Lao động - TBXH ban hành).

2. Các giấy tờ chứng nhận người có công với cách mạng (bản sao do Phòng LĐTBXH huyện, thành phố, thị xã sao y theo hồ sơ đang quản lý).

3. Quyết định cấp đất hoặc thông báo cấp đất, thông báo hóa giá nhà của Sở Địa chính hoặc Sở Xây dựng (bản photo có công chứng).

4. Công văn đề nghị của UBND huyện, thị xã, thành phố.

c) Hồ sơ đề nghị tặng nhà tình nghĩa:

UBND tỉnh ủy quyền cho UBND huyện, thị xã, thành phố quy định thủ tục cho các xã, phường, thị trấn hướng dẫn xét duyệt đề nghị. Lập danh sách báo cáo về UBND tỉnh - Ban vận động quỹ tình nghĩa (Thông qua Sở Lao động - TBXH).

Sở Lao động - TBXH kiểm tra, tổng hợp trình UBND tỉnh, Ban vận động quỹ tình nghĩa tỉnh xem xét duyệt danh sách toàn tỉnh.

Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, UBND tỉnh ủy quyền cho UBND huyện, thị xã, thành phố ra Quyết định như điểm 4 điều 5.

* Hồ sơ các loại được lập thành 3 bộ như nhau.

UBND huyện, thị xã, thành phố (Phòng lao động-TBXH) lưu 1 bộ, Sở Lao động - TBXH: 2 bộ (để trình UBND tỉnh phê duyệt).

Điều 10. Trình tự tiến hành xét duyệt:

a) Đề nghị hỗ trợ sửa chữa nhà:

1. Đối với đối tượng: có hoàn cảnh thực sự khó khăn về nhà ở (nhà xuống cấp, nhà hư hỏng nặng) thì làm đơn trình bày đề nghị hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà theo mẫu quy định. Lập bản chiết tính nhu cầu sửa chữa thực tế nộp tại UBND phường xã, thị trấn.

2. Đối với UBND phường xã, thị trấn: Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và từng đối tượng do địa phương quản lý, ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 118-TTg của phường xã tham mưu cho UBND xét duyệt hàng năm tổng hợp danh sách và kèm toàn bộ hồ sơ gửi về UBND huyện, thị xã, thành phố (Phòng Lao động-TBXH).

3. Đối với UBND huyện, thị xã, thành phố: Phòng LĐTBXH giúp UBND huyện, thị xã, thành phố kiểm tra danh sách hồ sơ do các xã phường, thị trấn đề nghị, lập biên bản xác minh từng trường hợp. Tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố ký văn bản đề nghị từng trường hợp cụ thể.

4. Đối với Sở Lao động-TBXH: Tiếp nhận hồ sơ, danh sách của các địa phương đề nghị. Kiểm tra hồ sơ, đối chiếu tiêu chuẩn đối tượng quy định tại Quyết định số 118-TTg của Chính phủ; Quy định của UBND tỉnh. Trình UBND tỉnh về mức hỗ trợ của từng trường hợp.

b) Đề nghị hỗ trợ tiền sử dụng đất:

1. Đối với đối tượng: Sau khi có Thông báo hoặc Phiếu chuyển và sơ đồ vị trí cấp đất, Thông báo hóa giá nhà, thì làm đơn theo mẫu thống nhất có xác nhận và đề nghị của xã phường, photo Thông báo hoặc Phiếu chuyển có công chứng Nhà nước, photo Giấy chứng nhận Người có công với cách mạng (như thẻ thương binh, giấy chứng nhận tình hình thân nhân liệt sĩ…) do Phòng LĐTBXH huyện, thị xã, thành phố sao y và nộp tại Phòng LĐTBXH huyện, thị xã, thành phố.

2. Đối với UBND huyện, thị xã, thành phố: Phòng LĐTBXH tiếp nhận hồ sơ. Kiểm tra và tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố đề nghị lên UBND tỉnh bằng công văn từng trường hợp (hồ sơ nộp tại Sở Lao động - TBXH).

3. Đối với Sở Lao động - TBXH: Tiếp nhận hồ sơ do các địa phương đề nghị. Kiểm tra xác định đối tượng và mức hỗ trợ, trình UBND tỉnh phê duyệt.

4. Đối với UBND tỉnh: Phê duyệt Quyết định hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở trên cơ sở đề nghị của UBND huyện, thị xã, thành phố có công văn đề xuất của Sở Lao động - TBXH.

5. Đối với Sở Xây dựng: Sau khi có Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt mức hỗ trợ tiền sử dụng đất mà đối tượng được hóa giá nhà thì tiến hành lập thủ tục thi hành Quyết định của UBND tỉnh.

6. Đối với Sở Tài chính Vật giá: Sau khi có Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt mức hỗ trợ tiền sử dụng đất mà đối tượng được giao đất làm nhà ở thì tiến hành làm thủ tục tính toán tiền được giảm, tiền phải nộp cho đối tượng chính sách theo Quyết định của UBND tỉnh.

7. Đối với Sở Địa chính: Sau khi có Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt mức hỗ trợ tiền sử dụng đất và đối tượng chính sách đã hoàn tất thủ tục nộp tiền ở Sở Tài chính Vật giá thì làm thủ tục cấp đất theo Quyết định của UBND tỉnh.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Hàng năm UBND xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra nắm chắc tình hình nhà ở của từng người có công với cách mạng. Thống kê, phân loại theo thực trạng nhà ở, hoàn cảnh kinh tế của từng người để có đề xuất các hình thức hỗ trợ thích hợp trình UBND huyện, thị xã, thành phố xem xét giải quyết.

Điều 12. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:

1. Căn cứ thực tế của địa phương, theo đề nghị của các xã phường, thị trấn kiểm tra và xét lập danh sách đề nghị UBND tỉnh (qua Sở Lao động - TBXH) theo từng hình thức hỗ trợ như quy định trên.

2. Phối hợp với các ngành chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các tổ chức kinh tế xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi người tham gia phong trào xây dựng “quỹ tình nghĩa” từ nguồn kinh phí đóng góp của các tổ chức cá nhân nhằm góp phần cùng Nhà nước hỗ trợ người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở có điều kiện cải thiện nhà ở ổn định.

3. Thường xuyên báo cáo tình hình tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở của địa phương cho Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 118-TTg của tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.

Điều 13. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 118-TTg ở các cấp:

1. Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 118-TTg các cấp do Phó Chủ tịch UBND làm trưởng ban; ngành Lao động - TBXH làm phó ban và các thành viên đại diện các ngành Xây dựng, Địa chính, Tài chính - Vật giá, Kế hoạch và Đầu tư. Mời đại diện Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ tham gia Ban chỉ đạo (có quyết định thành lập theo từng cấp).

2. Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 118-TTg chịu trách nhiệm trực tiếp giúp UBND cùng cấp tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở.

Điều 14. Trách nhiệm của các ngành:

1. Sở Lao động - TBXH là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 118-TTg phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Địa chính, Sở Tài chính - Vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư giúp Ban chỉ đạo theo dõi chặt chẽ việc tổ chức thực hiện Quyết định 118-TTg của Thủ tướng Chính phủ và bản quy định này tại các huyện, thị xã, thành phố. Phổ biến kịp thời những kinh nghiệm mới, phát hiện các phát sinh trong quá trình thực hiện cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, uốn nắn những sai sót lệch lạc, tổng hợp đề xuất với UBND tỉnh để bổ sung điều chỉnh.

2. Sở Xây dựng, Sở Địa chính và các ngành có liên quan trong phạm vi chức năng quản lý của mình giúp UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc lập, thẩm định và tổ chức thực hiện phương án hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở.

3. Sở Tài chính - Vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư hàng năm cân đối đưa vào kế hoạch ngân sách một khoản kinh phí để UBND tỉnh giải quyết hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở thông qua các phương án của các huyện, thị xã, thành phố và đề xuất của Liên Sở đã được UBND tỉnh phê duyệt.

4. Ban Tổ chức Chính quyền tham mưu giúp UBND các cấp ra Quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 118-TTg ở từng cấp.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Xử lý vi phạm

Người nào có hành vi vi phạm và gian dối trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở, lập hồ sơ sai sự thật để được hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định này thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hiện hành.

Điều 16. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký

Điều 17. Sở Lao động - TBXH, Sở Xây dựng, Sở Địa chính, Sở Tài chính - Vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định này.

Điều 18. Các văn bản quy định, hướng dẫn trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có những vấn đề không hợp lý, vướng mắc, Sở Lao động - TBXH trao đổi với các Sở liên quan tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương./.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 419/QĐ.UB năm 1999 quy định về hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành

Số hiệu: 419/QĐ.UB
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký: Nguyễn Trọng Minh
Ngày ban hành: 22/01/1999
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 419/QĐ.UB năm 1999 quy định về hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [2]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [2]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…