ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 405/QĐ-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 07 tháng 02 năm 2024 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ
DI SẢN NGHỆ THUẬT CA HUẾ ĐẾN NĂM 2030”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Di sản Văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Di sản văn hóa;
Căn cứ Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08 tháng 6 năm 2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đưa Ca Huế vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;
Căn cứ Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 14 tháng 4 năm 2015 của Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế về xây dựng, phát triển con người và văn hóa Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững;
Căn cứ Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 03 ngày 02 năm 2020 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Quyết định số 1226/QĐ-UBND ngày 29 tháng 5 năm 2023 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc Phê duyệt Đề cương Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế”.
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế đến năm 2030” (có Đề án kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN NGHỆ THUẬT CA HUẾ ĐẾN NĂM
2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 405/QĐ-UBND ngày 07 tháng 02 năm 2024 của
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)
1. Sự cần thiết xây dựng Đề án
Năm 2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL về việc đưa Ca Huế vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự kiện lớn đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời cũng là trách nhiệm không nhỏ của cán bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trước tình hình đó, tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế giai đoạn 2017 - 2022” (Quyết định số 1867/QĐ-UBND ngày 19 tháng 08 năm 2017), xác định di sản văn hóa là tài sản vô giá, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa, là phương tiện để quảng bá về hình ảnh địa phương, được khai thác để xây dựng và phát triển thành những sản phẩm du lịch đặc sắc góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Ca Huế đã thu được những kết quả quan trọng. Nghệ thuật Ca Huế đang từng bước được khẳng định giá trị trong đời sống văn hóa nghệ thuật và trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Ca Huế trong bối cảnh xã hội hiện nay vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Điều này đã đặt ra cho cơ quan quản lý và các đơn vị tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế, từ đó đề ra các giải pháp, định hướng để Ca Huế phát triển bền vững.
Từ thực trạng và yêu cầu của hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế, kế thừa những kết quả đạt được của Đề án giai đoạn 2017-2022; việc xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế đến năm 2030” là hết sức cần thiết, nhằm tôn vinh, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Ca Huế, thúc đẩy phát triển du lịch xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 54- NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
- Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
- Luật Di sản Văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
- Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
- Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
- Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Di sản văn hóa;
- Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 14 tháng 4 năm 2015 của Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế về xây dựng, phát triển con người và văn hóa Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững;
- Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08 tháng 6 năm 2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đưa Ca Huế vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;
- Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 03 ngày 02 năm 2020 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
- Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy về “xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”;
- Quyết định số 1226/QĐ-UBND ngày 29 tháng 5 năm 2023 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc Phê duyệt Đề cương Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế”.
1. Thực trạng và kết quả triển khai thực hiện Đề án
a) Công tác tuyên truyền, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa về di sản nghệ thuật Ca Huế.
Công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế được triển khai hiệu quả. Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng các chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền quảng bá về Ca Huế trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời, Sở cũng đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế thực hiện nhiều chương trình nghệ thuật Ca Huế để phát trên sóng truyền hình và phát thanh. UBND thành phố Huế đã xây dựng và duy trì phòng trưng bày tư liệu, hiện vật, hình ảnh về nghệ thuật Ca Huế tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế, được công chúng trong và ngoài nước đánh giá cao. Thông qua các chương trình tuyên truyền, quảng bá đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực, nhận thức của cán bộ làm công tác văn hóa, cán bộ ở các cấp chính quyền nói chung và cộng đồng xã hội về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế.
Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Học viện Âm nhạc Huế tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục hơn 30 bài bản Ca Huế cổ có nguy cơ mai một, thất truyền, theo hướng phục hồi nguyên bản, đảm bảo chất lượng để khẳng định giá trị độc đáo, tính đặc trưng, bản sắc của Ca Huế. Ngoài ra, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế cũng đã tập trung sưu tầm các bài bản Ca Huế; hệ thống hóa các làn điệu thu âm, ghi hình, ký âm lập tổng phổ âm nhạc các làn điệu đưa vào lưu trữ 10 làn điệu Ca Huế (tiêu biểu như: Nam ai, Nam bình, Tứ đại cảnh, Phú lục, Cổ bản, Nam xuân, Phẩm tiết, Cổ bản dựng, Phẩm tiết…) và hơn 15 làn điệu Dân Ca Huế.
b) Chương trình đưa di sản nghệ thuật Ca Huế vào trường học
Từ năm 2019 đến năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức 03 lớp tập huấn và cấp giấy chứng nhận hát Ca Huế cho 113 giáo viên bộ môn Âm nhạc của 100 trường THCS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng với nội dung dạy hát, biểu diễn Ca Huế, trong các đợt tập huấn, đều hướng dẫn kỹ năng và tổ chức thu âm các bài bản Ca Huế và làn điệu dân Ca Huế cho giáo viên để các giáo viên có thể sử dụng thay cho dàn nhạc đệm khi dạy các em học hát và biểu diễn Ca Huế. Bên cạnh đó, tại các buổi tập huấn đều phối hợp với Câu lạc bộ Ca Huế (CLB Ca Huế) thính phòng để tổ chức cho các học viên các buổi ngoại khóa, giao lưu với nghệ sĩ, nghệ nhân Ca Huế; hướng dẫn học viên xây dựng chương trình biểu diễn Ca Huế, phát triển CLB Ca Huế tại trường học.
c) Tổ chức các hoạt động Câu lạc bộ về di sản nghệ thuật Ca huế
Tiếp tục duy trì, củng cố hoạt động các CLB Ca Huế trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức và nội dung sinh hoạt phong phú, phù hợp với yêu cầu hiện nay về việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Ca Huế. Với mong muốn đưa nghệ thuật Ca Huế đến gần hơn với đông đảo khán thính giả, CLB Ca Huế thính phòng do nhà thơ Võ Quê sáng lập đã hoạt động tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế để phục vụ người dân và du khách miễn phí.
Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm một số CLB Ca Huế cho học sinh tại các Trường ở thành phố Huế như THCS Nguyễn Tri Phương, THCS Thống Nhất, THCS Trần Cao Vân thu hút nhiều học sinh tham gia. Các CLB đều có kế hoạch sinh hoạt định kì, có chủ đề, thời lượng sinh hoạt trong các tuần học. Ngoài ra, các trường học đều hình thành và tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ âm nhạc, trong đó đa phần đều lồng ghép đưa nghệ thuật Ca Huế vào trong những nội dung sinh hoạt của CLB, trong giờ Chào cờ đầu tuần.
d) Tổ chức và biểu diễn Ca Huế trên sông Hương
Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ trì phối hợp với UBND thành phố Huế và các ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động biểu diễn Ca Huế trên sông Hương.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh Ca Huế với tổng số 519 nhạc công và diễn viên. Trong đó, có 287 diễn viên và 232 nhạc công. Theo Nghị định của Chính phủ về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, các chương trình biểu diễn Ca Huế được các doanh nghiệp đăng ký thẩm định chương trình theo quy định. Tổ kiểm tra liên ngành thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại khu vực bến thuyền du lịch Tòa Khâm, tuyến đường đi bộ, đặc biệt là khu vực đỗ của các phương tiện; xử lý tình trạng buôn bán hàng rong, đeo bám du khách, ăn xin, bán vé dạo nghe Ca Huế; chấn chỉnh tình trạng thuyền viên mang trang phục không đúng quy định, bán hàng trên thuyền nghe Ca Huế gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến du khách thưởng thức Ca Huế.
e) Công tác biên soạn, xuất bản ấn phẩm giới thiệu, nghiên cứu về di sản nghệ thuật Ca Huế
Nhằm giới thiệu, nghiên cứu, khẳng định giá trị sâu sắc về văn hóa, lịch sử của nghệ thuật Ca Huế gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức biên soạn, xuất bản các ấn phẩm: Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Nxb Thuận Hóa, 2019), Nghệ thuật Ca Huế trong xã hội đương đại (Nxb Thuận Hóa, 2022), Khúc Hương Bình (Nxb Thuận Hóa, 2022), Miền Hương Ngự (Nxb Thuận Hóa, 2022). Đặc biệt, UBND tỉnh đã quyết định chọn ấn phẩm Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để tái bản có bổ sung, đưa vào Tủ Sách Huế. Các công trình này đã được các nhà khoa học cùng độc giả đánh giá cao về mặt học thuật cũng như chất lượng nội dung.
g) Công tác phát huy giá trị và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc
Sở Văn hóa và Thể thao đã triển khai xây dựng App Ca Huế nhằm mục đích tăng cường các biện pháp quản lý và quảng bá, giới thiệu về nghệ thuật Ca Huế. Tập trung công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ diễn viên, nhạc công Ca Huế phục vụ khách du lịch. Hằng năm, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo lại, bồi dưỡng kỹ năng biểu diễn cho các cho các diễn viên, nhạc công của các Doanh nghiệp tổ chức biểu diễn Ca Huế; trong đó tập trung bồi dưỡng kiến thức về văn hóa, lịch sử, nâng cao trình độ điều hành chương trình, kỹ năng trình diễn các bài bản Ca Huế.
Cùng với Ngành Văn hóa và Thể thao, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tích cực tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống và khai thác dịch vụ trong môi trường bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Huế, tiêu biểu là hoạt động biểu diễn quảng bá Ca Huế, tổ chức thành công liên hoan Ca Huế lần thứ nhất năm 2023.
h) Công tác triển khai Cuộc thi “Sáng tác lời mới dựa trên các bài bản Ca Huế” Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức Cuộc thi “Sáng tác lời mới dựa trên các bài bản Ca Huế năm 2021”, kêu gọi sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trên quy mô toàn quốc. Cuộc thi nhằm góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa nghệ thuật cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Cuộc thi cũng hướng đến việc sáng tác lời mới dựa trên các bài bản Ca Huế phù hợp với đời sống đương đại, phù hợp với tâm tư, cách nghĩ, thị hiếu thưởng thức của công chúng hôm nay và chương trình đưa Ca Huế vào trường học. Sau thời gian phát động, Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được 86 tác phẩm của các tác giả sinh sống ở nhiều địa phương trong cả nước. Điều đó cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các nghệ nhân, nghệ sĩ và cộng đồng xã hội đối với nghệ thuật Ca Huế.
i) Công tác triển khai xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ sĩ Ưu tú
Công tác xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ sĩ Ưu tú trong lĩnh vực di sản nghệ thuật Ca Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình và thủ tục được quy định. Qua đó, đã thực hiện xét chọn và tôn vinh những nghệ nhân có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, đang nắm giữ, truyền dạy và cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói chung và di sản Ca Huế nói riêng. Hiện nay có 3 Nghệ sĩ Nhân dân, 2 Nghệ nhân Nhân dân, 29 Nghệ sĩ Ưu tú, 10 Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản Ca Huế
a) Thuận lợi
Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế giai đoạn 2017 - 2022” luôn được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự triển khai thực hiện của ngành Văn hóa và Thể thao, sự phối hợp chặt chẽ của UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị sở, ngành đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai thực hiện Đề án. Kết quả 5 năm thực hiện về cơ bản đã đảm bảo được các nội dung công việc đã đề ra theo lộ trình của Đề án.
Công tác bảo vệ và phát huy giá trị Ca Huế nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo lực lượng nghệ nhân, nghệ sĩ Ca Huế, sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân đã góp phần bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế.
Sau 5 năm thực hiện Đề án, số lượng nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công tăng lên rõ rệt, đã đào tạo, bồi dưỡng cho 113 giáo viên và hàng ngàn học sinh các cấp được học và tham gia biểu diễn Ca Huế.
b) Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
Trong xu thế giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay, bên cạnh những tín hiệu mới, tích cực và luồng gió mới trong văn hóa, nghệ thuật, là những tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Các loại hình nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một, ngày càng ít người quan tâm, các đối tượng lựa chọn nghệ thuật truyền thống để học tập và lập nghiệp ngày càng ít; công tác giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho công chúng, nhất là giới trẻ gặp nhiều khó khăn; việc xây dựng đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên có chất lượng hoạt động trong lĩnh vực Ca Huế cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang vận hành theo cơ chế thị trường, hoạt động biểu diễn Ca Huế cũng bị cuốn theo, hoạt động dịch vụ biểu diễn Ca Huế đã xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh (hạ giá các xuất diễn, cắt xén nội dung chương trình, thay thế nghệ sĩ chưa được thẩm định...) dẫn đến chất lượng chương trình Ca Huế không cao, ảnh hưởng đến giá trị di sản Ca Huế, sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của vùng đất Cố đô.
Dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động văn hóa, thể thao, trong đó có việc triển khai Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế giai đoạn 2017 - 2022”.
1. Mục tiêu chung
a) Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế nhằm khơi dậy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế đóng góp vào sự phát triển của Thừa Thiên Huế theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 19 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị.
b) Xây dựng và phát triển Ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Đồng thời tạo cơ sở, tiền đề để đưa Ca Huế sớm trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Hình thành bộ Cơ sở dữ liệu về nghệ thuật Ca Huế để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị;
b) Hàng năm tổ chức từ 02 - 03 lớp truyền dạy Ca Huế trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ về kỹ năng đàn ca, sáng tác bài bản Ca Huế;
c) Hằng năm tổ chức từ 02 - 03 buổi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng hoạt động Ca Huế và tổ chức 02 - 03 đợt tuyên truyền, biểu diễn quảng bá Ca Huế ngoài tỉnh;
d) Triển khai Chương trình đưa di sản nghệ thuật Ca Huế vào trường học, xây dựng các câu lạc bộ “Em yêu Ca Huế”, phấn đấu 80% các trường Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh có câu lạc bộ Ca Huế vào năm 2028 và mở rộng ra các Trường Trung học phổ thông và Tiểu học.
đ) Phấn đấu trước năm 2026, trình ban hành Quy định chính sách hỗ trợ Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Ca Huế trên địa bàn tỉnh.
e) Phấn đấu trước năm 2025, trình ban hành Quy chế hoạt động biểu diễn Ca Huế và tổ chức dịch vụ biểu diễn Ca Huế trên địa bàn tỉnh;
g) Đến năm 2028, hình thành mới 02 - 03 cơ sở biểu diễn Ca Huế thính phòng, trong đó có Nhà hát biểu diễn nghệ thuật Ca Huế để nghệ nhân, ca sỹ, nhạc công thực hành, khai thác phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch bền vững.
h) Phấn đấu trước năm 2027, tổ chức từ 02-03 Hội thảo khoa để tiếp tục làm sáng tỏ giá trị Ca Huế trong đời sống đương đại gắn với phát triển du lịch và hoàn thiện hồ sơ khoa học về di sản Ca Huế.
i) Phấn đấu trước năm 2030, nghệ thuật Ca Huế được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
a) Tổ chức truyền dạy trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ về kỹ năng đàn, ca, sáng tác bài bản Ca Huế
- Tiếp tục củng cố và phát triển các chuyên ngành đào tạo Ca Huế phù hợp với tình hình thực tế. Thúc đẩy và tạo điều kiện tuyển sinh bậc Trung cấp và Sơ cấp các chuyên ngành: Nghệ thuật biểu diễn Ca Huế, Ca kịch Huế, Nhạc công truyền thống Huế.
- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để những câu lạc bộ, nghệ nhân, nghệ sĩ mở các lớp truyền dạy nghệ thuật Ca Huế trong cộng đồng.
- Triển khai tổ chức Cuộc thi “Sáng tác lời mới dựa trên các bài bản Ca Huế”.
b) Triển khai Chương trình đưa di sản Ca Huế vào trường học
- Tổ chức lớp tập huấn kỹ năng biểu diễn Ca Huế cho giáo viên bộ môn Âm nhạc của các Trường Tiểu học và Trung học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Tổ chức thu âm bổ sung các bài bản Ca Huế tiêu biểu và phổ biến để sử dụng thay cho dàn nhạc đệm khi dạy các em học hát và biểu diễn Ca Huế.
- Tổ chức chương trình ngoại khóa, Liên hoan Ca Huế cho các giáo viên, học sinh; Hỗ trợ nghệ sĩ, nghệ nhân Ca Huế trình diễn tại các trường học; hướng dẫn các giáo viên xây dựng chương trình biểu diễn Ca Huế.
- Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên Âm nhạc đưa nghệ thuật Ca Huế vào dạy trong chương trình môn Âm nhạc để giới thiệu; chương trình giáo dục địa phương cho các em học sinh.
c) Tạo điều kiện, môi trường cho các nghệ nhân, câu lạc bộ và cộng đồng thực hành di sản nghệ thuật Ca Huế
- Xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động biểu diễn Ca Huế và tổ chức dịch vụ biểu diễn Ca Huế trên địa bàn tỉnh;
- Xây dựng và ban hành Quy định chính sách hỗ trợ Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Ca Huế trên địa bàn tỉnh.
- Hỗ trợ xây dựng hồ sơ cho các nghệ nhân lão thành đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ sĩ ưu tú” liên quan đến lĩnh vực Ca Huế.
- Tạo môi trường thuận lợi cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật Ca Huế trong các gia đình, các nhà trường, câu lạc bộ và cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương.
- Tạo cơ hội thuận lợi cho đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công có điều kiện giao lưu, học hỏi, trau dồi kỹ năng biểu diễn nghệ thuật Ca Huế. Đồng thời chú trọng đến nghệ thuật hòa tấu biến hóa lòng bản của Ca Huế, thực hiện ở các bước truyền dạy, diễn tấu và thưởng thức.
- Hỗ trợ và tạo điều kiện để các nghệ nhân, nghệ sĩ thực hành tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến nghệ thuật Ca Huế; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị Ca Huế trong cuộc sống đương đại.
- Duy trì và phát triển các câu lạc bộ Ca Huế hiện đang sinh hoạt, đồng thời, vận động thành lập các câu lạc bộ tại các Trung tâm Văn hóa thể thao cấp huyện; trung tâm Văn hóa Điện Ảnh; câu lạc bộ Ca Huế tại trường học và địa phương nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
d) Xây dựng và hoàn thành Bộ hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh nghệ thuật Ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Xây dựng Bộ hồ sơ nghệ thuật Ca Huế dựa theo mẫu ICH-02 của UNESCO về hồ sơ đề cử di sản vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
2. Nhiệm vụ, giải pháp phát huy
a) Tiến hành khảo sát kiểm kê nhằm nhận diện thực trạng di sản nghệ thuật Ca Huế để phát huy giá trị
- Khảo sát kiểm kê các nghệ nhân, nghệ sĩ và câu lạc bộ hoạt động liên quan đến nghệ thuật Ca Huế.
- Tổ chức Hội thảo khoa học và tiến hành biên soạn, xuất bản ấn phẩm nghiên cứu về di sản nghệ thuật Ca Huế.
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản nghệ thuật Ca Huế.
b) Tổ chức khai thác di sản nghệ thuật Ca Huế phục vụ phát triển du lịch bền vững
- Xây dựng không gian Ca Huế thính phòng tại các di tích lịch sử văn hóa (Ưng Bình tại Châu Hương Viên, nhà thờ Cổ Nhạc từ, Thanh Bình từ đường....); các công trình có kiến trúc đẹp thuộc sở hữu nhà nước để tổ chức thường xuyên các chương trình biểu diễn nghệ thuật Ca Huế thính phòng có chất lượng cao phục vụ du khách trong nước và nước ngoài.
- Hình thành Nhà trưng bày nghệ thuật Ca Huế tại di tích Ưng Bình để giới thiệu về nghệ thuật Ca Huế nói chung và thân thế, sự nghiệp của danh nhân Ưng Bình nói riêng đến công chúng.
- Khai thác, phát huy hệ thống các thiết chế văn hóa hiện có như bảo tàng, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, nhà vườn, phủ đệ,... để hình thành các không gian trình diễn nghệ thuật Ca Huế phục vụ khách du lịch.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh hoạt động biểu diễn Ca Huế, đặc biệt Ca Huế trên Sông Hương.
- Tổ chức Liên hoan Ca Huế gắn với định hướng Festival Bốn mùa nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị, những nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật Ca Huế đến với du khách trong nước và quốc tế.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá di sản nghệ thuật Ca Huế.
- Biên tập, phát hành các ấn phẩm, băng đĩa, phim ảnh, phóng sự, các chương trình quảng bá giá trị nghệ thuật Ca Huế.
- Chú trọng công tác giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về giá trị độc đáo của di sản nghệ thuật Ca Huế thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và chương trình truyền thông, các hội chợ, triển lãm, hội nghị xúc tiến du lịch, đầu tư trong nước, quốc tế.
- Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế.
- Xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện truyền thông, các website, trang mạng xã hội... nhằm phổ biến tuyên truyền về các giá trị đặc trưng, độc đáo của di sản nghệ thuật Ca Huế.
1. Lộ trình thực hiện: Từ khi Đề án được ban hành đến 2030 (có bản phụ lục các nhiệm vụ cụ thể kèm theo).
2. Kinh phí thực hiện:
a) Ngân sách nhà nước (được giao trong dự toán ngân sách hằng năm của các sở, ngành, địa phương theo các nhiệm vụ được giao).
b) Nguồn kinh phí xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.
c) Trên cơ sở các nhiệm vụ, hàng năm các ngành, các cấp dự toán kinh phí cụ thể trình UBND tỉnh phê duyệt.
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các địa phương liên quan triển khai thực hiện đạt hiệu quả các nội dung Đề án đã được phê duyệt; xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án với lộ trình và nhiệm vụ cụ thể; hướng dẫn, đôn đốc, định kỳ kiểm tra, giám sát và đánh giá tình hình triển khai Đề án; rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch kinh phí; tổ chức đánh giá, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản Ca Huế.
c) Chủ trì tổ chức công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy nghệ thuật Ca Huế.
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể về bảo vệ và phát huy giá trị di sản Ca Huế trên cơ sở các khung chính sách đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Đề án này để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
đ) Chủ trì, phối hợp với Học viện Âm nhạc Huế và các đơn vị liên quan xây dựng và hoàn thành Bộ hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh nghệ thuật Ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
e) Vận động nghệ nhân, nghệ sĩ Ca Huế, tiếp tục thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế. Đồng thời tham gia vào các hoạt động biểu diễn, triển lãm, và các sự kiện khác liên quan đến nghệ thuật Ca Huế để giới thiệu và lan tỏa giá trị đến công chúng.
a) Chủ trì xây dựng kế hoạch đưa Ca Huế vào giảng dạy cho học sinh Trung học cơ sở; giới thiệu Ca Huế từ trường Mầm non đến trường THPT theo hình thức ngoại khóa. Xây dựng câu lạc bộ Em yêu Ca Huế tại các Trường Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Huế và mở rộng trên toàn tỉnh.
b) Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao triển khai có hiệu quả Chương trình đưa di sản nghệ thuật Ca Huế vào trường học.
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và các ngành liên quan xây dựng kinh phí thực hiện đề án, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo kinh phí thực hiện Đề án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn ngân sách, các nguồn kinh phí hợp pháp khác để triển khai thực hiện Đề án.
Chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc; lồng ghép phổ biến kiến thức về di sản Ca Huế trong các chương trình tập huấn cập nhật kiến thức văn hóa lịch sử Thừa Thiên Huế cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nội địa và nước ngoài.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản Ca Huế; thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá giá trị nghệ thuật Ca Huế trên các kênh thông tin, các phương tiện truyền thông; quản lý và khai thác ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền quảng bá giá trị nghệ thuật Ca Huế.
Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan cấp tỉnh, UBND thành phố Huế nghiên cứu mở rộng, phân luồng vị trí đậu đỗ tại Bến thuyền Tòa Khâm để đón trả khách, đảm bảo an toàn, thẩm mỹ. Nghiên cứu việc quản lý các thuyền trên sông Hương; hướng dẫn các công ty xây dựng đóng thuyền mới, thực hiện theo mẫu thuyền đã được phê duyệt.
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu UBND tỉnh đưa đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế vào danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm.
Chỉ đạo Ban Thi đua Khen thưởng chủ trì thẩm định và trình UBND tỉnh hồ sơ khen thưởng, biểu dương tập thể và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Ca Huế.
10. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế
Chủ trì xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, giới thiệu đến toàn thể cán bộ Đoàn và đoàn viên, thanh thiếu niên về ý nghĩa, giá trị độc đáo của nghệ thuật Ca Huế. Đồng thời huy động lực lượng đoàn viên, thanh thiếu niên tích cực tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế.
11. Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh
Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức các cuộc thi Sáng tác lời mới dựa trên các bài bản Ca Huế; vận động các hội viên, nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia tích cực các cuộc liên hoan, trình diễn Ca Huế.
12. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao triển khai hiệu quả các nội dung của Đề án, trong đó chú trọng đưa Ca Huế vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách tại các điểm tham quan thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế.
13. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (TRT), Báo Thừa Thiên Huế
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng và nâng chất lượng các chuyên mục, chương trình, phóng sự giới thiệu, quảng bá về di sản nghệ thuật Ca Huế.
Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng và hoàn thành Bộ hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh nghệ thuật Ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
15. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế
Chỉ đạo các phòng, ban và UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động sinh hoạt Ca Huế trong cộng đồng nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản Ca Huế. Đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Ca Huế tại địa phương.
16. Doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh Ca Huế
Các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh Ca Huế tích cực hợp tác, hỗ trợ các sở ngành liên quan trong các hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ biểu diễn Ca Huế.
Trong quá trình thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế đến năm 2030” nếu có khó khăn vướng mắc, các sở, ban, ngành, địa phương kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Văn hóa và Thể thao) để giải quyết, tháo gỡ./.
Quyết định 405/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế đến năm 2030” do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Số hiệu: | 405/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Người ký: | Nguyễn Thanh Bình |
Ngày ban hành: | 07/02/2024 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 405/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế đến năm 2030” do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Chưa có Video