Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3038/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 26 tháng 8 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG SẢN XUẤT BÁNH TRÁNG, BÚN SỐ 8 TAM QUAN NAM

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 29/8/2023 của UBND tỉnh về việc bảo tồn và phát triển làng nghề đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 298/TTr-SNN ngày 22/8/2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tam Quan Nam với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Duy trì và phát triển làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1; thúc đẩy phát triển sản xuất sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường, cảnh quan gắn với phát triển du lịch để quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm làng nghề, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

1.2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2024-2025

- Tập trung hình thành ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm của làng nghề bền vững, có đơn vị chủ trì liên kết là hợp tác xã/tổ hợp tác/doanh nghiệp/hộ kinh doanh có năng lực đứng ra làm đại diện đầu mối thu mua, tiêu thụ sản phẩm (sản phẩm phải có nhãn hiệu, bao bì nhãn mác quy cách đảm bảo quy định), đưa sản phẩm bún số 8 Tam Quan Nam tham gia sàn thương mại điện tử, mạng xã hội….

- Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng làng nghề khu trưng bày sản phẩm (bao gồm: cổng làng nghề, nhà trưng bày, bãi đậu xe, ...).

- Phát triển nhãn hiệu Bún số 8 được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể năm 2018; vận động các hộ sản xuất bánh tráng nước dừa trong làng nghề sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bánh tráng nước dừa Tam Quan.

- Hướng dẫn các cơ sở làng nghề đăng ký công nhận sản phẩm OCOP địa phương.

- Đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề đảm bảo theo quy định;

- Tập huấn đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng cho các hộ sản xuất, phát triển du lịch tại làng nghề.

- Xây dựng cảnh quan môi trường, trồng cây xanh, trồng hoa các tuyến đường phù hợp; trồng cây bản địa, đặc trưng của địa phương.

- Phối hợp thực hiện kế hoạch phát triển du lịch làng nghề theo kế hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh, thị xã; hàng năm thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch tham quan, trải nghiệm hoạt động du lịch tại làng nghề.

b) Giai đoạn 2026-2030

- Mở rộng sản xuất: Tăng từ 5% số hộ tham gia sản xuất trong làng nghề.

- Phát triển ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, đồng thời duy trì giữ gìn các dụng cụ, sản xuất thủ công ở các hộ sản xuất để tạo tiền đề phát triển du lịch.

- Tăng doanh thu bán hàng của làng nghề qua hoạt động thương mại điện tử.

- Hình thành vùng sản xuất tập trung, xây dựng kho đóng gói sản phẩm, nhà trưng bày sản phẩm của làng nghề phục vụ sản xuất kinh doanh của các hộ trong làng nghề.

- Hoàn chỉnh cảnh quan, không gian, môi trường làng nghề sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh.

- Phối hợp thực hiện kế hoạch phát triển du lịch làng nghề theo kế hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh, thị xã.

- Hỗ trợ gia hạn đối với nhãn hiệu tập thể “Bún số 8 Tam Quan Nam”.

- Hình thành 01 tổ hợp tác phát triển du lịch làng nghề.

c) Giai đoạn sau năm 2030: Phát triển du lịch làng nghề theo kế hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh, thị xã.

2. Các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

2.1. Phát triển hạ tầng khu vực làng nghề (đã hình thành từ trước).

2.2. Phát triển sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề.

2.3. Về giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

2.4. Về phát triển sản phẩm du lịch.

2.5. Về phát triển nguồn nhân lực có chất lượng.

2.6. Về cơ chế chính sách.

3. Nguồn vốn đầu tư

Căn cứ vào hạng mục đầu tư, UBND thị xã Hoài Nhơn lập các dự án đầu tư cụ thể trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định hiện hành.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thực hiện công tác quản lý nhà nước về làng nghề, phối hợp sở, ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ địa phương triển khai Đề án đảm bảo quy định, thực hiện có hiệu quả.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thị xã Hoài Nhơn và các cơ quan, đơn vị liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét bố trí vốn đầu tư công hoặc lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án khác để hỗ trợ thực hiện các hạng mục đầu tư thuộc Đề án theo quy định.

3. Sở Tài chính: Phối hợp với các cơ quan có liên quan cân đối, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét bố trí kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành và đảm bảo khả năng cân đối ngân sách trong giai đoạn hiện nay theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước.

4. Sở Du lịch

- Tổ chức các lớp truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân tại làng nghề về phát triển du lịch dựa vào cộng đồng; kiến thức cơ bản trong quá trình tiếp đón khách du lịch.

- Phối hợp với địa phương trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với việc giới thiệu làng nghề, sản phẩm thủ công làng nghề, đầu tư phát triển các tuyến, điểm du lịch hiện có.

5. Sở Công Thương: Phối hợp với địa phương xây dựng, tổng hợp kinh phí thực hiện Đề án có liên quan vào dự toán kinh phí thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh để tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của Sở Công Thương, gửi Sở Tài chính cân đối, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. UBND thị xã Hoài Nhơn

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp hỗ trợ UBND phường Tam Quan Nam triển khai thực hiện Đề án đảm bảo chất lượng. Trong quá trình thực hiện có phát sinh thay đổi, trên cơ sở đề xuất của UBND phường Tam Quan Nam, UBND thị xã Hoài Nhơn kiểm tra, rà soát đề xuất điều chỉnh nội dung Đề án phù hợp nhu cầu phát triển làng nghề của địa phương.

- Ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ phường Tam Quan Nam triển khai thực hiện các nội dung mục tiêu Đề án được phê duyệt.

- Phối hợp Mặt trận, các hội đoàn thể của thị xã chỉ đạo các cấp hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện Đề án phát triển làng nghề truyền thống được phê duyệt, góp phần bảo tồn phát huy bản sắc, giá trị văn hóa địa phương.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tự Công Hoàng

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG SẢN XUẤT BÁNH TRÁNG, BÚN SỐ 8 TAM QUAN NAM

 

MỤC LỤC

Phần I: MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

II. CĂN CỨ LẬP ĐỀ ÁN

III. QUY MÔ, PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU LẬP ĐỀ ÁN

1. Tên đề án:

2. Quy mô và phạm vi

3. Đối tượng, nội dung nghiên cứu

IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU LẬP ĐỀ ÁN

1. Phương pháp kế thừa

2. Phương pháp điều tra, thu thập thông tin, số liệu thống kê

3. Phương pháp khảo sát ngoài thực địa

4. Phương pháp chuyên gia

Phần II: KHAI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ THỰC TRẠNG SẢN XUẤT BÁNH TRÁNG, BÚN SỐ 8

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Đặc điểm tự nhiên

2. Điều kiện kinh tế - xã hội

3. Dân số, lao động và thu nhập

4. Tốc độ tăng trưởng, cơ cấu kinh tế và cơ cấu sản xuất

5. Kết cấu hạ tầng

II. THỰC TRẠNG SẢN XUẤT, PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ

1. Số lượng hộ sản xuất

2. Thực trạng sản xuất

2.1. Loại hình sản xuất chính

2.2. Nguồn nguyên liệu

2.3. Sản phẩm và doanh thu

3. Công tác bảo vệ môi trường

4. Nguồn cấp nước sinh hoạt và sản xuất

5. Thị trường tiêu thụ

6. Kết cấu hạ tầng Làng nghề

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những thuận lợi

2. Những khó khăn, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Phần III. NỘI DUNG ĐỀ ÁN DUY TRÌ, PHÁT TRIỂN “LÀNG NGHỀ SẢN XUẤT BÁNH TRÁNG, BÚN SỐ 8 TĂNG LONG 1”, PHƯỜNG TAM QUAN NAM, THỊ XÃ HOÀI NHƠN

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

2. Mục tiêu cụ thể

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ ÁN

1. Phát triển hạ tầng khu vực Làng nghề (đã hình thành từ trước)

2. Phát triển sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề

3. Về giảm thiểu ô nhiễm môi trường

4. Về phát triển sản phẩm du lịch

5. Về phát triển nguồn lực có chất lượng

6. Về cơ chế chính sách

III. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 2024-2025

2. Giai đoạn 2026-2030

3. Giai đoạn sau năm 2030

IV. NHU CẦU VỐN VÀ HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN

1. Khái toán nhu cầu vốn đầu tư:

2. Phân kỳ vốn đầu tư

3. Hiệu quả của Đề án

Phần IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Phần V. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

I. KẾT LUẬN

II. KIẾN NGHỊ

II. Phụ lục: Hình ảnh hiện trạng làng nghề

 

Phần I: MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Nghề sản xuất bánh tráng, bún số 8 truyền thống thôn Tăng Long 1 là nghề tiểu thủ công nghiệp, được ra đời những năm đầu thế kỷ XIX, thời kỳ kháng chiến chống Pháp; bánh tráng, bún số 8 là mặt hàng chủ lực của Làng, được các thế hệ người dân trong làng truyền nghề và duy trì sản xuất cho đến ngày hôm nay với khoảng 95 hộ sản xuất, cho doanh thu khoảng 42 tỷ đồng/năm. Làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 được công nhận làng nghề truyền thống tại Quyết định số 3140/QĐ-UBND ngày 03/8/2020 của UBND tỉnh Bình Định.

Hiện nay, hoạt động sản xuất của làng nghề có đóng góp vào ổn định nâng cao thu nhập cho người dân, giữ gìn giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống địa phương. Tuy nhiên làng nghề phát triển còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tương xứng tiềm năng, định hướng phát triển du lịch. Trong sản xuất, phát triển thương hiệu vẫn còn một số mặt hạn chế cần phải giải quyết đó là:

- Quảng bá thương hiệu: Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Bún số 8 Tam Quan Nam” cho Hội Nông dân xã Tam Quan Nam (nay là phường Tam Quan Nam). Tuy nhiên, chưa có đầu mối đứng ra tổ chức sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ bún số 8, chưa có điểm trưng bày, quảng bá thương hiệu. Nhãn hiệu chứng nhận "Bánh tráng nước dừa Tam Quan'' được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận năm 2016 (do UBND huyện Hoài Nhơn nay là UBND thị xã Hoài Nhơn làm chủ sở hữu nhãn hiệu, Phòng Kinh tế là cơ quan quản lý nhãn hiệu) chưa được các hộ sản xuất trong làng nghề sử dụng thương hiệu để quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ.

- Tổ chức sản xuất, tiêu thụ bánh tráng, bún số 8: Sản xuất theo quy mô hộ gia đình, chưa hình thành mối liên kết chuỗi,… nên thường bị tư thương ép giá, làm giảm thu nhập của người dân.

- Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật: Các cơ sở chủ yếu là những hộ dân nông nhàn, lớn tuổi việc áp dụng các tiến bộ khoa học về thiết bị máy móc còn hạn chế. Các cơ sở sản xuất bánh tráng còn sản xuất thô sơ truyền thống, các cơ sở bún số 8 có ứng dụng 50% thiết bị máy móc vào khâu sản xuất,…nên giá trị của sản phẩm đạt chưa cao.

- Nguyên liệu tinh bột mì phục vụ việc sản xuất bún số 8 rất tinh tế phải có sự phối trộn nguyên liệu đảm bảo chất lượng cho việc sản xuất, nguồn nguyên liệu khan hiếm, giá nhập nguyên liệu tăng, dẫn đến cơ sở sản xuất ít có lãi.

Từ những thực trạng nêu trên, để giữ gìn phát triển làng nghề truyền thống địa phương, nâng cao thu nhập, tạo nguồn thu ổn định cho người dân địa phương, đồng thời duy trì phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, củng cố tình hình sản xuất kinh doanh thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống của địa phương, việc xây dựng Đề án Phát triển làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn là rất cần thiết.

II. CĂN CỨ LẬP ĐỀ ÁN

- Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

- Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ngày 28/8/2018 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành Quy chế phối hợp về quản lý làng nghề, ngành nghề nông thôn và công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Định;

- Quyết định số 1538/QĐ-UBND ngày 09/5/2019 của UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt định hướng phát triển du lịch khu vực phía Bắc tỉnh Bình Định (4 huyện: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão) đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035;

- Quyết định số 3027/QĐ-UBND ngày 27/8/2019 của UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt Đề án thí điểm phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2025;

- Quyết định số 3140/QĐ-UBND ngày 03/8/2020 của UBND tỉnh Bình Định về việc công nhận “Làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1”, phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn;

- Quyết định số 3806/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 14/5/2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh giai đoạn 2020-2025";

- Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND ngày 19/7/2023 của của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2019-2025;

- Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 29/8/2023 của UBND tỉnh Bình Định về việc bảo tồn và phát triển làng nghề đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định;

- Kế hoạch số 24-KH/TU ngày 30/6/2021 của Thị uỷ thị xã Hoài Nhơn về việc thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh uỷ về "Tập trung thu hút đầu tư phát triển kinh tế công nghiệp - thương mại - làng nghề gắn với bảo vệ môi trường bền vững";

- Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 15/4/2022 của UBND thị xã Hoài Nhơn về việc phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2023;

- Văn bản số 3309/UBND-KT ngày 02/10/2023 của UBND thị xã Hoài Nhơn về việc triển khai thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

- Nghị Quyết số 98-NQ/ĐU ngày 30/8/2023 của Ban chấp hành Đảng bộ phường Tam Quan Nam về việc duy trì, phát triển làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 trên địa bàn phường Tam Quan Nam.

III. QUY MÔ, PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU LẬP ĐỀ ÁN

1. Tên đề án: Đề án phát triển làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tam Quan Nam.

2. Quy mô và phạm vi

- Quy mô: Xác định vùng sản xuất hợp lý để sản xuất bánh tráng, bún số 8 (vùng đã hình thành từ trước).

- Phạm vi: Tất cả các khu phố trên địa bàn phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

- Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2024 - 2025 và định hướng đến năm 2030 và sau năm 2030.

3. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

- Sản xuất bánh tráng các loại, bún số 8, bún tươi và bún gạo khô.

- Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất, tiêu thụ bánh tráng các loại, bún số 8, bún tươi và bún gạo khô.

- Môi trường (Thực trạng sử dụng các nguyên liệu như: tinh bột mì, nước, củi và việc xả thải nước thải khi sản xuất);

- Tổ chức sản xuất và tiêu thụ bánh tráng, bún số 8.

IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU LẬP ĐỀ ÁN

1. Phương pháp kế thừa: Kế thừa kết quả các phương án, báo cáo đã có về sản xuất bánh tráng, bún số 8.

2. Phương pháp điều tra, thu thập thông tin, số liệu thống kê

- Điều tra bằng phiếu khảo sát thông tin từ các hộ dân sản xuất bánh tráng và bún số 8 trên địa bàn phường;

- Thu thập thông tin, số liệu có liên quan đến việc sản xuất bánh tráng, bún số 8.

3. Phương pháp khảo sát ngoài thực địa: Xác định địa điểm, diện tích và đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển làng nghề.

4. Phương pháp chuyên gia: Tổ chức hội nghị để tham vấn ý kiến BCH đảng bộ, các ngành, Mặt trận, các Hội đoàn thể phường, Lãnh đạo khu phố Tăng Long 1 để bổ sung, hoàn thiện Đề án.

Phần II

KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ THỰC TRẠNG SẢN XUẤT BÁNH TRÁNG, BÚN SỐ 8

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Đặc điểm tự nhiên

1.1. Vị trí địa lý: Ranh giới theo địa giới hành chính: Phường Tam Quan Nam, có giới cận như sau: Phía Bắc: Giáp phường Tam Quan Bắc; Phía Nam: Giáp phường Hoài Thanh và Hoài Thanh Tây; Phía Đông: Giáp biển Đông; Phía Tây: Giáp phường Tam Quan và phường Hoài Hảo.

“Làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1” thuộc địa phận tại khu phố Tăng Long 1, phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng nghề có giới cận như sau: Phía Bắc giáp khu phố Cửu Lợi Nam; Phía Nam giáp phường Hoài Thanh; Phía Đông giáp khu phố Tăng Long 2; Phía Tây giáp khu phố Trung Hóa.

1.2. Diện tích tự nhiên: Quy mô diện tích tự nhiên toàn phường: 922,19 ha.

Trong đó:

- Đất nông nghiệp: 591,58 ha (Chiếm: 64,14%).

- Đất phi nông nghiệp: 266,36 ha (Chiếm: 28,88%).

- Đất ở nông thôn: 96,13 ha (Chiếm: 10,42%).

- Đất chưa sử dụng: 64,25 ha (Chiếm: 6,96%).

1.3. Địa điểm - địa hình: Tam Quan Nam là một phường ven biển của thị xã Hoài Nhơn, có vị trí địa lý thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế - xã hội, nhờ gần tuyến Quốc lộ 1A, tuyến đường ĐT 639 đi qua (dài 4,2 km) và có tuyến đường ĐT 638 nối dài đường tây tỉnh với ĐT 639, các tuyến ngang đông tây nối liền hai tuyến này rất thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ và du lịch.

 

1.4. Thời tiết khí hậu: Tam Quan Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, chia làm hai mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 7 (AL), còn lại là mùa mưa.

2. Điều kiện kinh tế - xã hội

2.1. Điều kiện về kinh tế:

• Sản xuất Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp-Thương mại dịch vụ:

- Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Toàn phường có 294 cơ sở, công ty, trong đó: 02 cơ sở sản xuất cước xơ dừa, 01 công ty sản xuất thảm xơ dừa, 84 Cơ sở nhôm, sắt, gỗ dân dụng, hàn tiện; 95 cơ sở sản xuất bánh tráng các loại, bún số 8, bún tươi và bún gạo khô; 04 cơ sở sản xuất bánh mì; 35 cơ sở và 01 công ty may công nghiệp; 08 cơ sở sản xuất nước đá; 04 cơ sở cưa xẻ gỗ; 04 cơ sở sản xuất nước tinh khiết; 10 lò giết mổ gia súc; 08 cơ sở sản xuất đá lạnh; 09 cơ sở sản xuất nước mắm; 29 cơ sở sản xuất gạch không nung, gạch lát vỉa hè, đá taplo, .... và thầu xây dựng. Tổng doanh thu sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 318 tỷ đồng.

- Thương mại, dịch vụ: Toàn phường có 799 cơ sở hoạt động kinh doanh thương mại. Tổng doanh thu trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ đạt 270,5 tỷ đồng.

• Sản xuất nông nghiệp - chăn nuôi, thú y - nuôi trồng thủy sản:

- Nông nghiệp: Cây lúa: Tổng diện tích gieo trồng trong năm 2022 là 359,4 ha, năng suất bình quân 64,4 tạ/ha, các cây trồng cạn như: Ngô 23,5 ha năng suất 60,6 tạ/ha, 1,0 ha, năng suất đạt 200 tạ/ha, rau đậu các loại 107,5 ha (Vụ Xuân: 42,4 ha; vụ Thu: 36,5 ha; vụ 3: 28,6 ha), nhìn chung cho năng suất và thu nhập khá. Cây dừa có 208 ha, năng suất bình quân 42 quả/cây/năm.

- Chăn nuôi: Đàn bò 1.460 con (trong đó đàn ổn định: 892 con con) tỷ lệ bò lai chiếm 85% tổng đàn; đàn heo 5.003con, đàn gia cầm có 98.500con. Hiện có 72 hộ với 74 nhà yến đang nuôi trong khu dân cư.

- Ngư nghiệp: Toàn phường có 273 phương tiện hoạt động đánh bắt hải sản, tổng công suất 143.380 CV; tổng sản lượng khai thác 6.510 tấn.

- Nuôi trồng thủy sản: Trong năm 2022 thả nuôi 2 vụ, với diện tích 88,9/106 ha (cao hơn so với năm 2021 là 0,4 ha), năng suất bình quân đạt 7,56 tấn/ha (thấp hơn so với năm 2021 là 0,01 tấn/ha).

2.2. Điều kiện xã hội:

- Giáo dục: Các trường đã hoàn thành tốt năm học 2021-2022, tổng số học sinh của 4 trường là 2.334 học sinh. Trong đó: học sinh mầm non có 516 cháu, tiểu học có 992 học sinh, Trung học cơ sở có 828 học sinh.

- Y tế, Dân số, KHHGĐ và trẻ em: Tổng số trẻ sinh ra trong năm 2022 là 123 trẻ, tỷ suất sinh 9,4 %, trẻ em con thứ 3 trở lên 19 trẻ. Số trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng 69 trẻ, 125 trẻ thấp còi.

- Văn hóa thông tin - Đài truyền thanh - Thể dục thể thao: Toàn phường có 3.384 gia đình đăng ký phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư; qua cuối năm 2022 bình xét có 3.282 gia đình đạt “Gia đình văn hóa”, chiếm tỷ lệ 96,99 %; 7/7 khu dân cư và giữ vững khu dân cư văn hóa.

- Chính sách xã hội: Toàn phường có 82 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,34%. Vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế có 12.416 người tham gia, đạt tỷ lệ 95,5%; bảo hiểm xã hội tự nguyện có 210 người tham gia, đạt 100%. Hướng dẫn, đề nghị cấp trên 50 hồ sơ giải quyết chế độ chính sách, 116 hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội,... nhận và cấp phát 2.959 suất quá cho gia đình chính sách và thân nhân liệt sĩ, cấp 29 tấn gạo và 283 suất quà cho hộ nghèo, cận nghèo, người già, trẻ em mồ côi, hộ đặc biệt khó khăn.

3. Dân số, lao động và thu nhập

Phường Tam Quan Nam có 3.455 hộ, với 13.001 người; số người trong độ tuổi lao động năm 2022 là 7.889 người, chiếm 60,7% dân số. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 6.148/7.889 người, đạt 77,9%; cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân/người/năm cũng tăng khá nhanh, cuối năm 2018 theo kết quả điều tra thu nhập bình quân đầu người của xã Tam Quan Nam (nay là phường Tam Quan Nam) đạt 36 triệu đồng/người/năm. Đến cuối năm 2022 đạt 72 triệu đồng/người/năm.

Đối với số hộ sản xuất bánh tráng, bún số 8: Hiện nay, Làng nghề bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 có 95 hộ sản xuất bánh tráng các loại, bún số 8, bún tươi và bún gạo khô (So với khu phố Tăng Long 1 có 95/439 hộ, chiếm tỷ lệ 21,6%; so với toàn phường có 95/3.455 hộ, chiếm tỷ lệ 2,7%). Nghề sản xuất bánh tráng, bún số 8 đem lại hiệu quả kinh tế cao, hằng năm sản phẩm làng nghề bán ra thị trường khoảng 2.500 tấn bánh tráng các loại và bún số 8, cho doanh thu khoảng 42,0 tỷ đồng/năm. Nghề sản xuất bánh tráng, bún số 8 đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

4. Tốc độ tăng trưởng, cơ cấu kinh tế và cơ cấu sản xuất

4.1. Tốc độ tăng trưởng: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trên lĩnh vực nông, ngư nghiệp; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; thương mại và dịch vụ, giai đoạn 2019-2022 tăng trưởng thể hiện qua bảng sau:

Bảng 1: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Thương mại - dịch vụ (theo giá hiện hành)

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

Hiện trạng qua các năm

Tốc độ tăng BQ (%/năm)

2019

2020

2021

2022

2019 - 2022

2019- 2022

I

Giá trị sản xuất trên lĩnh vực Công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp

Tỷ đồng

175

205

221,9

318

11%

181,7%

 

Trong đó: Giá trị sản xuất bánh tráng, bún số 8

Tỷ đồng

29

30,8

36

42

 

 

II

Thương mại, dịch vụ

Tỷ đồng

212

250

227

270,5

11%

127,6%

III

Nông nghiệp

 

 

 

 

 

 

 

 

Trồng trọt

Tỷ đồng

23

25

28

30

 

 

 

Chăn nuôi - thú y

Tỷ đồng

45

50

55

57,8

 

 

 

Thuỷ sản

Tỷ đồng

400

435

441

445

 

 

(Nguồn: Báo cáo kinh tế - xã hội từ năm 2019 đến năm 2022)

4.2. Cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản:

Từ năm 2019 - 2022, kinh tế địa phương ổn định và phát triển, tỷ trọng thương mại - dịch vụ, Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 55%; tỷ trọng nông, ngư nghiệp chiếm 45%.

Có thể thấy, nếu tính giá trị đóng góp của ngành sản xuất bánh tráng, bún số 8 vào giá trị sản xuất chung của ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp khoảng 13,4% (năm 2022).

Để phát huy được lợi thế, giá trị của ngành nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 một cách bền vững, trong thời gian tới cần nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển các cơ sở hiện có, mở rộng quy mô sản xuất; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp đáp ứng nhu cầu phát triển của làng nghề; phát triển thương hiệu sản phẩm bánh tráng, bún số 8 của làng nghề; hình thành kho thành phẩm, đầu mối phát triển thương mại điện tử, bao bì, đóng gói, giao hàng của làng nghề; khu trưng bày giới thiệu, quảng bá thương hiệu gắn với việc tổ chức sản xuất hợp lý phát triển du lịch.

5. Kết cấu hạ tầng

Trong những năm qua, từ sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới…, kết cấu hạ tầng trên địa bàn phường đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Kết cấu hạ tầng của phường Tam Quan Nam: Hệ thống giao thông: Toàn phường có 98 tuyến đường tỉnh, liên xã, liên khu phố, với chiều dài khoảng 28,1 km.

- Đường tỉnh lộ: Có 01 tuyến (ĐT.639) với chiều dài 4,2km đã được nhựa hóa (nằm dọc theo bờ biển) và nối giữa các tuyến đường huyện lộ đến tuyến Quốc lộ 1A khoảng 3,0 km về hướng tây. Các tuyến đường tỉnh này tạo thành trục giao thông chính, thu hút lưu lượng hàng hóa từ trung tâm thị xã với các xã, phường lân cận.

- Đường huyện lộ: có 02 tuyến với chiều dài 7,5 km, chiếm 26,7% so với tổng chiều dài hệ thống đường bộ trên địa bàn phường.

- Đường liên xã, phường, trục chính phường: Dài 16,4 km, đã được cứng hóa 100% (bê tông hoá).

Với hệ thống giao thông được đầu tư nhựa hoá, cứng hoá (bê tông hoá) đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, giao thương, sản xuất, mua bán sản phẩm của làng nghề truyền thống bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1.

II. THỰC TRẠNG SẢN XUẤT, PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ

1. Số lượng hộ sản xuất

Làng nghề hiện có 95 cơ sở sản xuất bánh tráng các các loại, bún số 8, bún tươi và bún gạo khô (Số hộ sản xuất trong làng nghề so với số hộ khu phố Tăng Long 1 có 95/439 hộ, chiếm tỷ lệ 21,6%; so với toàn phường có 95/3.455 hộ, chiếm tỷ lệ 2,7%), với 238 lao động (trong đó: Lao động thường xuyên: 192 người; lao động làm thời vụ: 46 người).

2. Thực trạng sản xuất

2.1. Loại hình sản xuất: Loại hình sản xuất chính: Bún số 8, bánh tráng khoai lang, bánh tráng nước dừa; Các loại hình sản xuất khác: Ngoài ra còn có bánh tráng gạo, bánh tráng mì, bún gạo khô và bún tươi.

2.2. Nguồn nguyên liệu: Nguồn nguyên liệu phục vụ đối với các sản phẩm bánh tráng, bún gạo khô, bánh khoai lang, .... luôn được đảm bảo từ nông sản sẵn có ở địa phương: gạo, khoai lang, mè, dừa…

Riêng nguyên liệu tinh bột mì các tiểu thương trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn mua và cung ứng cho các cơ sở sản xuất bún số 8 (nguồn gốc nguyên liệu tinh bột mì là huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định; thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai). Nguyên liệu tinh bột mì đã được các tiểu thương mua về đánh và lọc chua trước khi cung ứng cho cơ sở sản xuất bún số 8 tại làng nghề. Với 38 hộ sản xuất bún số 8, cần khoảng 3.800 kg tinh bột mì/ngày.

2.3. Sản phẩm và doanh thu: Mỗi năm cho ra khoảng 2.500 tấn, tổng doanh thu khoảng 42,0 tỷ đồng/năm (năm 2022), thu nhập bình quân mỗi lao động khoảng 3.000.000 đồng/người/tháng, cụ thể như sau:

TT

Loại hình SX

Số hộ

số ngày sản xuất/ năm

sản lượng/ ngày (cái)

Định mức (kg/cái)

sản lượng/ ngày (kg)

sản lượng/ năm (kg)

Đơn giá (đ/kg)

Thành tiền

1

Bún số 8

38

250

 

 

100

950.000

22.000

20.900.000.000

2

Bánh tráng củ lang

16

250

1.000

0,06

60

240.000

13.000

3.120.000.000

3

Bánh tráng nước dừa

10

250

1.500

0,2

300

750.000

14.000

10.500.000.000

4

Bánh tráng gạo

14

250

1.200

0,04

48

168.000

10.000

1.680.000.000

5

Bánh tráng mì

6

250

1.000

0,06

60

90.000

12.000

1.080.000.000

6

Bún gạo khô

4

250

 

 

200

200.000

17.500

3.500.000.000

7

Bún tươi

7

250

 

 

70

122.500

10.000

1.225.000.000

 

Tổng

95

 

 

 

 

2.520.500

 

42.005.000.000

2.4. Ứng dụng thiết bị máy móc: Nghề sản xuất bánh tráng chủ yếu sản xuất bằng thủ công; nghề sản xuất bún số 8, các hộ dân đầu tư thiết bị máy ép bún bằng thuỷ lực, nồi khuấy bột bằng điện, giảm bớt lao động trong khâu ép bún, khuấy bột.

2.5. Sử dụng bao bì, nhãn mác: Cục sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể Bún số 8 Tam Quan Nam. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất chưa sử dụng nhãn mác, bao bì vào khâu đóng gói, bảo quản và quảng bá sản phẩm.

Hình ảnh: Lô gô nhãn hiệu “Bún số 8 Tam Quan Nam”

Nhãn hiệu chứng nhận "bánh tráng nước dừa Tam Quan" do UBND huyện Hoài Nhơn (nay là UBND thị xã Hoài Nhơn) là chủ sở hữu nhãn hiệu, Phòng Kinh tế Hoài Nhơn là cơ quan quản lý nhãn hiệu. Hiện nay các hộ sản xuất bánh tráng nước dừa trong làng nghề chưa sử dụng và đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Bánh tráng nước dừa Tam Quan".

Hình ảnh: Lô gô nhãn hiệu "Bánh tráng nước dừa Tam Quan"

2.6. Quy trình và sơ đồ sản xuất bánh tráng, bún số 8 và một số sản phẩm trong làng nghề:

2.6.1. Quy trình và sơ đồ sản xuất bún số 8:

Thuyết minh quy trình sản xuất bún số 8: Bột mì sau khi mua về sẽ được khuấy, lọc bớt cặn để qua đêm, đến sáng thì chắt phần nước phía trên phần bột lắng nhằm giúp bún làm ra được ngon hơn và không bị chua; Khi bắt đầu làm, tinh bột mì sẽ được thêm nước cho vào nồi điện rồi khuấy đều đến khi bột chuyển sang dạng sệt màu gần trong suốt là được (gọi là trùng bột); Sau đó người thợ dùng vá múc trùng bột đổ vào khuôn và đặt lỏi ép lên trên tiến hành công đoạn ép bún (công đoạn nấu trùng bột được sử dụng bằng điện, công đoạn ép bún là ép bằng máy ép bún thuỷ lực có cảm ứng bằng mắt huỳnh quang). Khi bột được ép ra thành sợi bún, người thợ sẽ cầm vỉ di chuyển phía dưới khuôn để hứng và đem phơi. Làm tiếp tục công đoạn cho đến khi hết bột; Bún sau khi phơi khô sẽ được gỡ ra khỏi vỉ, cuốn thành hình số 8 rồi bó lại bằng sợi dây chuối đã được phơi khô. Đó là lý do của tên gọi bún số 8. Lúc trước đa số người dân làm bún số 8 theo cách thức thủ công, dựa vào sức người là chính. Hiện nay hầu hết đều dùng máy. Bình quân 100 kg bột mì sẽ cho ra 60 kg-70 kg bún.

2.6.2. Quy trình và sơ đồ sản xuất bánh tráng khoai lang:

Thuyết minh quy trình sản xuất bánh tráng khoai lang: Khoai gọt vỏ, đem luộc; Bột mì nấu thành trùng bột. Bột mì được sử dụng hầu hết là bột mì khô được lấy trên Tây Ninh. Thông thường 50kg khoai lang sẽ cần 6kg bột mì khô, 5kg đường, 30 trái dừa (mỗi trái hơn 1kg), 2kg gừng và nửa kg mè; Cho khoai lang và tất cả nguyên liệu vào máy xay, có thể thêm sữa rồi trộn đều với trùng bột. Thoa dầu vào khuôn, cho hỗn hợp trên vào in thành những chiếc bánh, đem phơi nắng và đóng gói.

2.6.3. Quy trình và sơ đồ sản xuất bánh tráng nước dừa:

Thuyết minh quy trình sản xuất bánh tráng nước dừa: Lấy một ít bột mì khuấy thành trùng bột; Cơm dừa được mài vụn trộn chung với bột mì, trùng bột, mè, hành, tiêu, ít muối, thêm nước để tạo hỗn hợp sệt nhưng không được đặc quá; Đun sôi một nồi nước rồi dùng gáo múc từng muỗng bột đổ vào khuôn được căng trên miệng nồi; Tráng bánh theo vòng tròn, thao tác phải nhanh tránh bột bị khô, sau đó đậy vung lại khoảng hai phút để hấp bánh; Bánh sau khi chín được vớt ra và mang đi phơi nắng.

2.6.4. Quy trình và sơ đồ sản xuất bánh tráng gạo

Thuyết minh quy trình sản xuất bánh tráng gạo: Gạo ngâm, xay nhuyễn; Bột mì nấu thành trùng bột rồi trộn đều với bột gạo, thêm mè, ít muối; Tráng bánh, vớt ra vỉ đem phơi khô.

2.6.5. Quy trình và sơ đồ sản xuất bún gạo khô:

Thuyết minh quy trình sản xuất bún gạo khô: Gạo được ngâm, xay, khuấy đều với trùng bột mì rồi đem tráng, phơi khô. Sau đó bánh được cắt sợi, phun sương cho sợi bún hơi mềm rồi cuốn lại.

2.6.6. Quy trình và sơ đồ sản xuất bún tươi:

Thuyết minh quy trình sản xuất bún tươi: Gạo ngâm, vo, sau khi được xay sẽ tiến hành tách nước (đăng) để qua đêm rồi đem luộc (thời gian luộc khoảng nửa tiếng); Sau đó cho vào máy đánh bột, tạo hình cho vào máy ép đùn thành sợi bún, phía dưới máy ép là nước sôi giúp bún vừa mới ép được luộc chín, vớt bún, làm nguội nhiều lần bằng nước sạch giúp bún được ngon và lâu bị thiu.

3. Công tác bảo vệ môi trường Làng nghề

3.1. Nguồn nước thải

3.1.1. Nước thải sản xuất:

Nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất tại các hộ trong làng nghề như nước vo gạo, nước rửa bún, làm nguội bún sau khi đùn, nước vệ sinh máy xay, máy đùn sợi, vệ sinh khu vực sản xuất,… lượng phát sinh 88 hộ sản xuất bún, bánh,... tương đối ít khoảng 20-30 lít/ngày/hộ, riêng hộ sản xuất bún tươi nước thải phát sinh từ 40-60 lít/ngày/hộ.

Tổng lượng nước thải sản xuất phát sinh tại làng nghề là: 30 lít/ngày x 76 hộ + 20 lít/ngày x 12 hộ + 60 lít/ngày x 02 hộ + 40 lít/ngày x 05 hộ = 2.840 lít/ngày = 2,84 m3/ngày/95 hộ. Nước thải sản xuất của làng nghề có chứa nhiều tinh bột, vitamin và khoáng lượng nên được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi.

Riêng 07 cơ sở sản xuất bún tươi nước thải phát sinh từ 40-60 lít/ngày (trong đó: nước thải từ các dụng cụ xay bột, ngâm, ủ khoảng từ 20-30 lít/ngày thì được các hộ chăn nuôi ngoài làng nghề thu gom để làm thức ăn cho nuôi gia súc (heo), lượng nước thải còn lại từ khâu rửa bún (làm nguội bún) được thu gom, xử lý qua bể tự hoại, hầm rút có chống thấm tách biệt với nhà ở, cơ sở hợp đồng với đơn vị có chức năng định kỳ hút chất thải cặn bã theo quy định, công tác vệ sinh mặt bằng nhà xưởng tại các cơ sở đảm bảo vệ sinh môi trường.

Công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi tại làng nghề: Trong làng nghề hiện có khoảng 19 hộ chăn nuôi heo, xây dựng chuồng trại nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có. Trung bình mỗi hộ nuôi khoảng 10 con heo, riêng có 3 hộ chăn nuôi với quy mô 30 con/hộ trở lên. Do đa số các hộ chăn nuôi trong làng nghề là chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình để tận dụng nguồn thức ăn nên các hộ này đã xây dựng công trình bể tự hoại để thu gom và xử lý toàn bộ chất thải chăn nuôi phát sinh trong từng hộ. Đối với 3 hộ trong làng nghề có quy mô chăn nuôi từ 30 con heo trở lên đã đầu tư xây dựng công trình biogas, toàn bộ chất thải sẽ theo nước rửa chuồng thu gom vào máng kín rồi vào bể biogas để xử lý chất thải và tận dụng khí sinh ra cho đun nấu gia đình. Lượng chất thải sau hầm biogas được ủ thành phân để trồng cây. Vì vậy, chất thải chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường trong làng nghề.

3.2. Nước thải sinh hoạt: Của công nhân làm việc trong các cơ sở sản xuất chủ yếu là thành viên của hộ gia đình không đáng kể, nếu tính trung bình mỗi hộ gia đình có 5 thành viên làm việc và sinh hoạt tại mỗi cơ sở thì lượng nước thải trung bình hàng ngày của mỗi hộ: 50 lít/người/ngày x 5 người/hộ = 250 lít/hộ. Hầu hết nước thải sinh hoạt ở mỗi hộ sản xuất được xử lý bằng bể tự hoại 3 ngăn sau đó tự thấm xuống đất trong khuôn viên đất của mỗi hộ.

3.2. Tình hình thu gom, xử lý chất thải:

- Đối với chất thải rắn sinh hoạt: Các hộ sản xuất trong làng nghề đã tham gia dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Toàn phường có 3.502/3.537 hộ tham gia dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác tải sinh hoạt, đạt 99%. Dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt do Ban Quản lý Cảng cá và Dịch vụ đô thị thị xã Hoài Nhơn thu gom, vận chuyển và xử lý tại bãi chôn lấp chất thải rắn thị xã Hoài Nhơn, với tần suất thu gom 03 lần/tuần (vào thứ 3, 5, 7). Đối với làng nghề (khu phố Tăng Long 1) có 444/448 hộ đã tham gia dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, đạt 99,1%.

- Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường: Không phát sinh đối với loại hình sản xuất bún số 8, bánh tráng, chỉ phát sinh đối với sinh hoạt gia đình là những chất thải phế liệu cũng được thu gom, xử lý.

- Đối với chất thải nguy hại: Không phát sinh.

Làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1, phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn đã được phê duyệt theo Quyết định số 5378/QĐ- UBND ngày 03/6/2019 của UBND huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn) về việc phê duyệt phương án bảo vệ môi trường Làng nghề.

Từ khi hình thành Làng nghề đến nay, việc sản xuất, kinh doanh của các hộ sản xuất bún số 8, bánh tráng trong làng nghề, chưa có phản ảnh của cử tri hoặc đơn thư yêu cầu gì liên quan đến công tác bảo vệ môi trường làng nghề.

4. Nguồn cấp nước sinh hoạt và sản xuất

- Đối với nước sinh hoạt: Hộ dân sử dụng nước sạch tập trung, nước giếng khoan.

- Đối với nước phục vụ sản xuất Làng nghề: Chủ yếu hộ dân sử dụng nước sạch tập trung do Công ty cấp thoát nước Bình Định và Công ty TNHH cấp thoát nước Miền Trung cung cấp.

5. Thị trường tiêu thụ

- Thực trạng tiêu thụ các sản phẩm bánh tráng, bún số 8: Theo kết quả thống kê các sản phẩm bánh tráng, bún số 8 được tiêu thụ tại các thị trường trong và ngoài tỉnh, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, ....

- Về hình thức tiêu thụ: Các thương lái thu mua vào cuối buổi chiều của mỗi ngày sản xuất.

- Về phương thức tiêu thụ: Chủ yếu là bán cho các thương lái, chưa có tổ chức đứng ra làm đầu mối để giới thiệu, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ dẫn đến tình trạng thương lái ép giá, tranh mua, tranh bán trong thời gian qua.

6. Kết cấu hạ tầng Làng nghề

- Giao thông: Giao thông khu vực các hộ dân sản xuất trong Làng nghề được thông suốt không tốn nhiều chi phí trong khâu vận chuyển. Các trục đường giao thông trong Làng nghề đảm bảo tiêu thoát nước trong mùa mưa.

- Điện: Sử dụng điện tại hộ gia đình hoặc kéo điện từ nhà ra cơ sở để sản xuất.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những thuận lợi

- Người dân có kinh nghiệm trong sản xuất bánh tráng và bún số 8, Làng nghề được UBND tỉnh công nhận lại vào năm 2020 theo Quyết định số 3140/QĐ-UBND ngày 03/8/2020.

- Nhãn hiệu tập thể Bún số 8 Tam Quan Nam được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể năm 2018, khẳng định được bản quyền đối với sản phẩm Bún số 8 nên dễ dàng quảng bá thương hiệu đến các tỉnh thành trong cả nước. Được thiết kế mẫu bao bì, nhãn mác, mã truy xuất nguồn gốc (mã QR).

- Sản xuất bánh tráng, bún số 8 phường Tam Quan Nam đã trở thành ngành sản xuất theo hướng chuyên canh hàng hóa, giải quyết lao động nông nhàn, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình góp phần thực hiện thành công mục tiêu kinh tế - xã hội ở địa phương.

- Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng và khang trang, thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển sản phẩm.

2. Những khó khăn, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

- Tại Làng nghề sản xuất bánh tráng, bún số 8 chủ yếu là những lao động lớn tuổi, nên việc đầu tư và vận dụng thiết bị, máy móc trong sản xuất bánh tráng, bún số 8 còn chưa mạnh dạn đầu tư.

- Mặc dù Nhãn hiệu Bún số 8 được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể năm 2018 nhưng việc giữ gìn và phát triển thương hiệu cũng như quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm, chưa có đơn vị chủ trì liên kết chuỗi sản xuất từ cung ứng nguyên liệu đầu vào và thu mua tiêu thụ sản phẩm,

- Các cơ sở sản xuất bánh tráng, bún số 8 phát triển tự phát, phân tán theo quy mô hộ gia đình; chưa định hướng để khuyến khích người dân mở rộng sản xuất hình thành vùng sản xuất bánh tráng, bún số 8 tập trung nhằm hỗ trợ phát triển du lịch làng nghề; chưa quy hoạch chi tiết đầu tư xây dựng làng nghề theo hướng phát triển du lịch.

Phần III

NỘI DUNG ĐỀ ÁN DUY TRÌ, PHÁT TRIỂN “LÀNG NGHỀ SẢN XUẤT BÁNH TRÁNG, BÚN SỐ 8 TĂNG LONG 1”, PHƯỜNG TAM QUAN NAM, THỊ XÃ HOÀI NHƠN

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Duy trì và phát triển làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1; thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường, cảnh quan gắn với phát triển du lịch để quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm làng nghề, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2024-2025

- Tập trung hình thành ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm của làng nghề bền vững, có đơn vị chủ trì liên kết là hợp tác xã/tổ hợp tác/doanh nghiệp/hộ kinh doanh có năng lực đứng ra làm đại diện đầu mối thu mua, tiêu thụ sản phẩm (sản phẩm phải có nhãn hiệu, bao bì nhãn mác quy cách đảm bảo quy định), đưa sản phẩm bún số 8 Tam Quan Nam tham gia sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…;

- Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng làng nghề khu trưng bày sản phẩm (bao gồm: cổng làng nghề, nhà trưng bày, bãi đậu xe,...);

- Phát triển nhãn hiệu Bún số 8 được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể năm 2018; vận động các hộ sản xuất bánh tráng nước dừa trong làng nghề sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bánh tráng nước dừa Tam Quan.

- Hướng dẫn các cơ sở làng nghề đăng ký công nhận sản phẩm OCOP địa phương;

- Đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề đảm bảo theo quy định;

- Tập huấn đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng cho các hộ sản xuất, phát triển du lịch tại làng nghề;

- Xây dựng cảnh quan môi trường, trồng cây xanh, trồng hoa các tuyến đường phù hợp; trồng cây bản địa, đặc trưng của địa phương;

- Phối hợp thực hiện kế hoạch phát triển du lịch làng nghề theo kế hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh, thị xã; hàng năm thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch tham quan, trải nghiệm hoạt động du lịch tại làng nghề.

b) Giai đoạn 2026-2030

- Mở rộng sản xuất: Tăng từ 5% số hộ tham gia sản xuất trong làng nghề;

- Phát triển ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, đồng thời duy trì giữ gìn các dụng cụ, sản xuất thủ công ở các hộ sản xuất để tạo tiền đề phát triển du lịch;

- Tăng doanh thu bán hàng của làng nghề qua hoạt động thương mại điện tử;

- Hình thành vùng sản xuất tập trung, xây dựng kho đóng gói sản phẩm, nhà trưng bày sản phẩm của làng nghề phục vụ sản xuất kinh doanh của các hộ trong làng nghề;

- Hoàn chỉnh cảnh quan, không gian, môi trường làng nghề sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh;

- Phối hợp thực hiện kế hoạch phát triển du lịch làng nghề theo kế hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh, thị xã;

- Hỗ trợ gia hạn đối với nhãn hiệu tập thể "Bún số 8 Tam Quan Nam".

- Hình thành 01 tổ hợp tác phát triển du lịch làng nghề.

c) Giai đoạn sau năm 2030: Phát triển du lịch làng nghề theo kế hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh, thị xã.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ ÁN

1. Phát triển hạ tầng khu vực Làng nghề (đã hình thành từ trước)

a) Mục tiêu: Nâng cấp hạ tầng làng nghề, phục vụ tốt nhất nhu cầu sản xuất kinh doanh của các hộ trong làng nghề; tạo cảnh quan đồng bộ, đặc trưng trong làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1, phường Tam Quan Nam, đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh.

b) Nội dung:

- Quy hoạch, xây dựng sân phơi sản phẩm đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Nâng cấp hạ tầng Làng nghề phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển du lịch.

- Xây dựng các công trình chỉnh trang lại bộ mặt làng nghề.

c) Giải pháp:

- Nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông của làng nghề;

- UBND phường tổ chức hướng dẫn cho cơ sở quy hoạch lại sân phơi sản phẩm bánh tráng, bún số 8 đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.

- Tuyên truyền, vận động nhân dân trong làng nghề chỉnh trang khuôn viên nhà ở, giữ gìn vệ sinh, trồng hoa, trồng cây xanh đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp.

- Vận động các hộ sản xuất trong làng nghề chỉnh trang lại sân phơi, nơi sản xuất bánh tráng, bún số 8 thuộc làng nghề đảm bảo an toàn thực phẩm. Thống nhất chọn cách trang trí, bố trí chung của làng nghề đảm bảo khoa học, thuận tiện cho sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh, an toàn lao động, tạo mỹ quan chung của làng nghề.

- Quy hoạch phát triển theo định hướng các khu chức năng và lắp đặt biển chỉ dẫn làng nghề các khu: khu sản xuất, khu trưng bày, khu trải nghiệm, vườn hoa cổng làng nghề để check in phục vụ khách du lịch...

- Quy hoạch, xây dựng khu trưng bày sản phẩm làm nơi giới thiệu sản phẩm và quảng bá thương hiệu “Bánh tráng, Bún số 8” kết hợp phát triển du lịch làng nghề. Hình thành điểm trưng bày với quy mô 4.900 m2, tại các thửa đất số: 1001, 1002, 1003, 1004, 1005, 1006, 1007, 1008, TBĐ: 14, trên diện tích đất trồng lúa tại khu phố Tăng Long 2, phường Tam Quan Nam.

2. Phát triển sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề

a) Mục tiêu: Nâng cao thu nhập, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các hộ gia đình, cá nhân sản xuất bánh tráng, bún số 8 làng nghề truyền thống Tăng Long 1, phường Tam Quan Nam; thu hút thêm các hộ gia đình tham gia sản xuất.

b) Nội dung:

- Hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.

- Sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; sản phẩm của Làng nghề đạt OCOP từ 03 sao trở lên theo quy định.

- Các hộ trong làng nghề sử dụng nhãn hiệu, bao bì, đóng gói đảm bảo yêu cầu, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

- Quảng bá hình ảnh làng nghề, sản phẩm của làng nghề thông qua các trang thông tin điện tử, fanpage du lịch

- Phát triển hình thức kinh doanh sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…

- Ứng dụng máy móc thiết bị, khoa học công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của làng nghề.

- Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm qua kênh truyền thống.

c) Giải pháp:

- Vận động, hỗ trợ 2-3 hộ sản xuất trong làng nghề năng động, sáng tạo, có tiềm năng phát triển, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, hoàn thiện bao bì, nhãn mác, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Hỗ trợ hộ quảng bá sản phẩm, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại. Vận động hộ tham gia bán hàng qua các kênh thương mại điện tử chủ động tìm kiếm thị trường mới, mở rộng quy mô sản xuất. Từ đó nhân rộng ra các hộ sản xuất trong và ngoài làng nghề, đảm bảo phục vụ nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân. Định hướng hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của làng nghề.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khuyến khích, hỗ trợ đưa sản phẩm bún số 8 của các hộ dân trong làng nghề mua bán thông qua các sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ.

- Kiểm tra, tuyên truyền các hộ dân sản xuất trong làng nghề thực hiện đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, an toàn lao động, bảo vệ môi trường.

- Phối hợp các hội đoàn thể, tuyên truyền về Đề án, định hướng phát triển làng nghề vận động nhân dân trong làng nghề, các hộ sản xuất kinh doanh làng nghề đoàn kết cùng phát triển làng nghề trước hết chú trọng chất lượng, nâng cao thu nhập, bảo vệ thương hiệu làng nghề, sau đó là phát triển du lịch từ đó thúc đẩy phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế địa phương.

- Phối hợp các sở ngành, đơn vị liên quan của thị xã quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm của Làng nghề trên các trang thông tin điện tử, fanpage của địa phương; tổ chức chương trình xúc tiến thương mại qua hình thức Hội chợ 01 lần/năm, giai đoạn 2026-2030.

3. Về giảm thiểu ô nhiễm môi trường

- Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao ý thức của người sản xuất Bánh tráng, Bún số 8 luôn giữ môi trường sạch sẽ.

- 100% hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề cam kết sử dụng dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt tại địa phương, chất thải công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại (nếu có) theo quy định.

- 100% hộ gia đình, cá nhân thu gom và xử lý nước thải, khí thải đảm bảo theo quy định.

- 100% hộ gia đình, cá nhân sản xuất bánh tráng, Bún số 8 đăng ký bảo vệ môi trường theo quy định.

- Xử lý nước thải làng nghề đảm bảo đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường và thực hiện các nội dung đã cam kết tại Phương án bảo vệ môi trường đã được cấp trên phê duyệt (Quyết định số 5378/QĐ-UBND ngày 03/6/2019 của UBND huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn) về việc phê duyệt phương án bảo vệ môi trường Làng nghề sản xuất bánh tráng và bún số 8 Tam Quan Nam).

4. Về phát triển sản phẩm du lịch

a) Mục tiêu

Phát triển du lịch cộng đồng, hoạt động trải nghiệm trên địa bàn phường Tam Quan Nam gắn với phát triển làng nghề, các điểm du lịch lân cận trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn, các tuyến du lịch chung của tỉnh.

b) Nội dung

- Phát triển ẩm thực đặc trưng liên quan đến bánh tráng và bún số 8 thành sản phẩm phục vụ khách du lịch.

- Bảo tồn các mô hình sản xuất các sản phẩm của làng nghề bánh tráng, bún số 8 phục vụ trải nghiệm của du khách.

- Xây dựng thêm một số các sản phẩm du lịch bổ trợ để gia tăng sức hấp dẫn du khách như: Sản xuất đồ lưu niệm sản phẩm từ dừa, các sản phẩm ẩm thực đặc trưng khác của địa phương,...

- Liên kết sản phẩm du lịch làng nghề bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 với các điểm du lịch lân cận trên địa bàn thị xã để hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch;

- Xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1, Tam Quan Nam.

c) Giải pháp

- Hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ, hạn chế tác động đến môi trường.

- Tuyên truyền về giá trị văn hóa ẩm thực địa phương, tổ chức các hội thi ẩm thực nhằm vận động, khuyến khích người dân duy trì, phát triển các món ăn từ bánh tráng, bún số 8 của làng nghề thu hút, giữ chân khách du lịch.

- Vận động hộ dân ở địa phương có kinh nghiệm sản xuất đồ lưu niệm từ dừa, các sản phẩm từ dừa trên địa bàn tận dụng cơ hội phát triển dần khôi phục làng nghề sản xuất thảm xơ dừa và các sản phẩm từ dừa của Tam Quan Nam. Hỗ trợ học tập kinh nghiệm, đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ.

- Quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch và phát triển nguồn nhân lực du lịch của địa phương.

5. Về phát triển nguồn nhân lực có chất lượng

- Phối hợp và đề nghị cấp trên tăng cường hỗ trợ tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn phát triển các kỹ năng, kiến thức về phát triển du lịch cộng đồng cho cán bộ, người dân địa phương. Tập huấn nâng cao năng lực sản xuất cho các hộ dân trên địa bàn đảm bảo an toàn thực phẩm, cập nhật ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm.

- Thành lập chủ thể phù hợp đủ năng lực tổ chức quản lý phát triển du lịch làng nghề đồng bộ, thống nhất đúng định hướng.

6. Về cơ chế chính sách

- Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, chính sách áp dụng trên địa bàn tỉnh, thị xã:

+ Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

+ Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND ngày 19/7/2019 của UBND tỉnh Bình Định về việc Ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2019-2025;

+ Các cơ chế, chính sách có liên quan đến bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Quyết định số 04/2021/QĐ-UBND ngày 10/3/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Định; Quyết định số 77/2016/QĐ-UBND ngày 19/12/2016 của UBND tỉnh ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Bình Định; Quyết định số 50/2020/QĐ-UBND ngày 03/8/2020 của UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Định; Hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Quyết định số 90/2023/QĐ-UBND ngày 30/12/2023 của UBND tỉnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Định ban hành kèm theo Quyết định số 50/2020/QĐ-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2020 của UBND tỉnh;

+ Các cơ chế, chính sách hỗ trợ về khuyến công, khoa học công nghệ...

III. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 2024 - 2025: chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh trong làng nghề

- Hạ tầng kỹ thuật: Nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông của làng nghề: Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cao Thành “Từ nhà bà Nhung đến Thanh Minh”, chiều dài 790m, loại đường: cấp IV, nền đường 7,5m, mặt đường bê tông 5,5m.

- Cảnh quang môi trường:

+ Bố trí 100 thùng thu gom rác thải sinh hoạt trên các tuyến đường làng nghề (Tuyến đường Võ Văn Kiệt, tuyến đường Nam Cao, tuyến đường Mai Xuân Thưởng; tuyến đường Cao Thành).

+ UBND phường tổ chức hướng dẫn cho cơ sở quy hoạch lại sân phơi sản phẩm bánh tráng, bún số 8 đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, thống nhất chọn cách trang trí, bố trí chung của làng nghề đảm bảo khoa học, thuận tiện cho sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh, an toàn lao động, tạo mỹ quan chung của làng nghề; Tuyên truyền, vận động nhân dân trong làng nghề chỉnh trang khuôn viên nhà ở, giữ gìn vệ sinh, trồng hoa, trồng cây xanh đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp.

+ Phối hợp các hội đoàn thể, ngành chức năng tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền các hộ dân sản xuất trong làng nghề thực hiện đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, an toàn lao động, bảo vệ môi trường.

- Phát triển sản xuất:

+ Phối hợp hội đoàn thể vận động, hỗ trợ 2-3 hộ sản xuất trong làng nghề năng động, sáng tạo, có tiềm năng phát triển, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, hoàn thiện bao bì, nhãn mác, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Hỗ trợ hộ quảng bá sản phẩm, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại. Vận động hộ tham gia bán hàng qua các kênh thương mại điện tử chủ động tìm kiếm thị trường mới, mở rộng quy mô sản xuất. Từ đó nhân rộng ra các hộ sản xuất trong và ngoài làng nghề, đảm bảo phục vụ nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân. Định hướng hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của làng nghề.

+ Kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn thị xã xây dựng nhà máy sơ chế, thu mua các sản phẩm từ nông nghiệp và sản phẩm bánh tráng, bún số 8 của Làng nghề, đồng thời ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản sản phẩm bún số 8.

+ UBND phường chủ trì phối hợp các hội đoàn thể tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thông qua các cuộc họp, đài truyền thanh, nâng cao nhận thức, khuyến khích, hỗ trợ đưa sản phẩm bún số 8 của các hộ dân trong làng nghề mua bán thông qua các sàn thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cường phát triển kinh tế số thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện không dùng tiền mặt.

+ Vận động, lập hồ sơ đề nghị phân hạng sản phẩm OCOP cho ít nhất 01 sản phẩm của Làng nghề đạt OCOP từ 03 sao trở lên theo quy định.

- Quy hoạch, định hướng phát triển:

+ Triển khai cắm mốc Quy hoạch, xây dựng các khu chức năng và lắp đặt biển chỉ dẫn làng nghề: khu sản xuất, khu trưng bày, vườn hoa cổng làng nghề để check in phục vụ khách du lịch.

+ Quy hoạch xây dựng khu trưng bày sản phẩm làm nơi giới thiệu sản phẩm và quảng bá thương hiệu “Bánh tráng, Bún số 8” kết hợp phát triển du lịch làng nghề. Hình thành khu trưng bày với quy mô 4.900 m2, tại các thửa đất số: 1001, 1002, 1003, 1004, 1005, 1006, 1007, 1008, TBĐ: 14, trên diện tích đất trồng lúa tại khu phố Tăng Long 2, phường Tam Quan Nam.

- Xây dựng hình ảnh, thương hiệu làng nghề:

+ Phối hợp các hội đoàn thể, tuyên truyền về Đề án, định hướng phát triển làng nghề vận động nhân dân trong làng nghề, các hộ sản xuất kinh doanh làng nghề đoàn kết cùng phát triển làng nghề trước hết chú trọng chất lượng, nâng cao thu nhập, bảo vệ thương hiệu làng nghề, sau đó là phát triển du lịch từ đó thúc đẩy phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế địa phương.

+ Phối hợp các sở ngành, đơn vị liên quan của thị xã quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm của Làng nghề trên các trang thông tin điện tử, fanpage của địa phương.

2. Giai đoạn 2026 - 2030:

- Tập trung phát triển sản xuất, bảo tồn giá trị văn hóa ẩm thực của làng nghề, từng bước phát triển làng nghề gắn với du lịch.

- Duy trì sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường làng nghề: Duy trì phối hợp các hội đoàn thể, ngành chức năng định kỳ tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền các hộ dân sản xuất trong làng nghề thực hiện đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, an toàn lao động, bảo vệ môi trường.

- Duy trì xây dựng cảnh quan làng nghề: Duy trì hoạt động tổ hướng dẫn cho cơ sở thống nhất cách thức trang trí, bố trí trong làng nghề đảm bảo khoa học, thuận tiện cho sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh, an toàn lao động, tạo mỹ quan chung của làng nghề; tuyên truyền, vận động Nhân dân trong làng nghề chỉnh trang khuôn viên nhà ở, giữ gìn vệ sinh, trồng hoa, trồng cây xanh đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp.

- Phát triển sản xuất:

+ Vận động, hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả trong làng nghề. Tiếp tục tăng cường các giải pháp phát triển kinh tế số, thương mại điện tử.

+ Tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn thị xã xây dựng nhà máy sơ chế, thu mua các sản phẩm từ nông nghiệp và sản phẩm bánh tráng, bún số 8 của Làng nghề, đồng thời ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản sản phẩm bún số 8.

+ Tiếp tục vận động các hộ sản xuất trong làng nghề sử dụng nhãn hiệu, bao bì đóng gói sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường; gia hạn bảo hộ nhãn hiệu tập thể bún số 8 Tam Quan Nam.

- Quảng bá hình ảnh làng nghề: Phối hợp các sở ngành, đơn vị liên quan của thị xã tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm của Làng nghề trên các trang thông tin điện tử, fanpage của địa phương; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm qua kênh truyền thống.

- Tuyên truyền phát huy các giá trị văn hóa, ẩm thực địa phương:

+ Tổ chức các hội thi ẩm thực nhằm vận động, khuyến khích người dân duy trì, phát triển các món ăn từ sản phẩm của làng nghề nhằm làm phong phú nền ẩm thực địa phương góp phần thu hút khách du lịch.

+ Phối hợp hội đoàn thể vận động hộ dân ở địa phương có kinh nghiệm sản xuất đồ lưu niệm từ dừa, các sản phẩm từ dừa trên địa bàn, tổ chức hội thi thủ công mỹ nghệ tận dụng cơ hội phát triển, dần khôi phục làng nghề sản xuất thảm xơ dừa và các sản phẩm từ dừa của Tam Quan Nam. Hỗ trợ đi học tập kinh nghiệm, đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ.

- Từng bước hình thành các tuyến du lịch đến làng nghề: Phối hợp thực hiện kế hoạch phát triển du lịch thị xã, tỉnh, tham gia, đề xuất liên kết hình thành các tuyến du lịch kết nối các điểm đến lân cận nhằm thu hút khách du lịch đến làng nghề trải nghiệm ẩm thực, nghề truyền thống và văn hóa của địa phương.

- Hỗ trợ xây dựng tài liệu và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1, Tam Quan Nam.

- Phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng:

+ Phối hợp và đề nghị cấp trên tăng cường hỗ trợ tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn phát triển các kỹ năng, kiến thức về phát triển du lịch cộng đồng cho cán bộ, người dân địa phương.

+ Thành lập Hợp tác xã hoặc đơn vị phù hợp đủ năng lực tổ chức quản lý phát triển du lịch làng nghề đồng bộ, thống nhất đúng định hướng.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng:

+ Xây dựng khu trưng bày sản phẩm làm nơi giới thiệu sản phẩm và quảng bá thương hiệu “Bánh tráng, Bún số 8” kết hợp phát triển du lịch làng nghề. Hình thành điểm trưng bày với quy mô 4.900 m2, tại các thửa đất số: 1001, 1002, 1003, 1004, 1005, 1006, 1007, 1008, TBĐ: 14, trên diện tích đất trồng lúa tại khu phố Tăng Long 2, phường Tam Quan Nam.

+ Xây dựng phương án tổ chức quản lý hoạt động của khu trưng bày sản phẩm làng nghề.

+ Hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ, hạn chế tác động đến môi trường.

+ Triển khai cắm mốc quy hoạch, xây dựng các khu chức năng và lắp đặt biển chỉ dẫn làng nghề: khu sản xuất, khu trưng bày, vườn hoa cổng làng nghề để check in phục vụ khách du lịch.

- Hình thành 01 tổ hợp tác phát triển du lịch làng nghề.

3. Giai đoạn sau 2030

- Duy trì sản xuất ổn định, phát triển, đảm bảo chất lượng, bảo vệ môi trường; Duy trì xây dựng cảnh quan môi trường làng nghề. Tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động hướng dẫn trong làng nghề, nâng cao vai trò của mặt trận và các hội đoàn thể trong vận động phát triển làng nghề. Trước hết đảm bảo chất lượng môi trường sống, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

- Tiếp tục hoàn thiện cách hạng mục cơ sở hạ tầng làng nghề.

- Phát triển du lịch làng nghề theo kế hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh, thị xã.

IV. NHU CẦU VỐN VÀ HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN

1. Khái toán nhu cầu vốn đầu tư: Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 7.795 triệu đồng, trong đó:

- Đầu tư thiết bị máy móc: 300 triệu đồng, chiếm 3,9% nhu cầu vốn đầu tư.

- Đầu tư Khu trưng bày sản phẩm (bao gồm xây dựng cổng làng nghề, nhà trưng bày sản phẩm, bãi đậu xe): 900 triệu đồng, chiếm 11,5%;

- Đền bù diện tích đất lúa bị thu hồi để xây dựng Khu trưng bày sản phẩm: 2.940 triệu đồng, chiếm 37,7%;

- Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cao Thành “Từ nhà bà Nhung đến Thanh Minh”, chiều dài 790m, loại đường cấp IV, mặt đường bê tông 5,5m, nền đường 7,5m: 3.400 triệu đồng, chiếm 43,6%;

- Bố trí 100 thùng thu gom rác thải sinh hoạt trên các tuyến đường làng nghề để thu gom, xử lý rác thải (Tuyến đường Võ Văn Kiệt, tuyến đường Nam Cao, tuyến đường Mai Xuân Thưởng; tuyến đường Cao Thành) (Thùng rác loại 60 lít): 50 triệu đồng, chiếm 0,6% nhu cầu vốn đầu tư.

- Đầu tư quảng bá thương hiệu “Sản xuất bánh tráng, bún số 8”: 200 triệu đồng, chiếm 2,6% nhu cầu vốn đầu tư;

- Gia hạn nhãn hiệu tập thể bún số 8 Tam Quan Nam: 5 triệu đồng, chiếm 0,1% nhu cầu vốn đầu tư.

2. Phân kỳ vốn đầu tư: Theo bảng sau:

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Danh mục đầu tư

Tổng vốn

Nguồn vốn

Ghi chú

Tỉnh

Thị xã

Phường

Hộ gia đình, cá nhân

 

Tổng nhu cầu vốn

7.795

1.042

235

6.368

150

 

 

Tỷ lệ (%)

100

13,4

3,0

81,7

1,9

 

I

Giai đoạn 2024- 2025

7.590

842

230

6.368

150

 

1

Đầu tư thiết bị máy móc

300

150

 

 

150

 

2

Đầu tư Khu trưng bày sản phẩm (bao gồm xây dựng cổng làng nghề, nhà trưng bày sản phẩm, bãi đậu xe)

900

360

180

360

 

Quy mô 4.900 m2, tại các thửa đất số: 1001, 1002, 1003, 1004, 1005, 1006, 1007, 1008, TBĐ: 14

3

Đền bù diện tích đất lúa bị thu hồi để xây dựng Khu trưng bày sản phẩm

2.940

 

 

2.940

 

 

4

Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cao Thành (Từ nhà bà Nhung đến Thanh Minh", chiều dài 790m, loại đường cấp IV, mặt đường bê tông 5,5m, nền đường 7,5m

3.400

332

 

3.068

 

Tỉnh hỗ trợ xi măng

5

Bố trí 100 thùng rác thải sinh hoạt trên các tuyến đường làng nghề (thùng loại 60 lít)

50

 

50

 

 

 

II

Giai đoạn 2026- 2030

205

200

5

 

 

 

1

Xúc tiến thương mại

200

200

 

 

 

 

2

Gia hạn nhãn hiệu tập thể bún số 8 Tam Quan Nam

5

 

5

 

 

 

Hàng năm địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan trình các sở ngành rà soát, thẩm định dự toán kinh phí thực hiện Đề án, gửi Sở Tài chính xem xét, tổng hợp vào dự toán ngân sách tỉnh hàng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Hiệu quả của Đề án

3.1. Về kinh tế

- Ứng dụng các thiết bị máy móc vào khâu sản xuất đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, đáp ứng đầu ra, giảm công lao động, giá trị sản phẩm sẽ cao hơn từ 10% - 20% so với sản xuất thủ công.

- Hình thành khu sản xuất tập trung, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ tránh được tình trạng thương lái ép giá làm giảm giá lợi nhuận đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất.

- Đầu tư, mở rộng các tuyến đường thuộc làng nghề giúp việc đi lại thuận lợi sản xuất, kinh doanh.

- Phát triển làng nghề gắn với du lịch góp phần phát triển đa dạng các ngành nghề, phát triển kinh tế địa phương.

3.2. Về xã hội

- Giải quyết việc làm cho khoảng 400 lao động.

- Thu nhập của người dân địa phương được tăng thêm, chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện, góp phần xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị;

- Góp phần quảng bá, phát triển du lịch làng nghề.

3.3. Về môi trường: Với mục tiêu thu gom và xử lý toàn bộ nước thải, chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất đảm bảo vệ sinh môi trường.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thực hiện công tác quản lý nhà nước về làng nghề, phối hợp sở ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ địa phương triển khai Đề án đảm bảo quy định, thực hiện có hiệu quả.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thị xã Hoài Nhơn và các cơ quan, đơn vị liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét bố trí vốn đầu tư công hoặc lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án khác để hỗ trợ thực hiện các hạng mục đầu tư thuộc Đề án theo quy định.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với các cơ quan có liên quan cân đối, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét bố trí kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành và đảm bảo khả năng cân đối ngân sách trong giai đoạn hiện nay theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước.

4. Sở Du lịch

- Tổ chức các lớp truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân tại làng nghề về phát triển du lịch dựa vào cộng đồng; kiến thức cơ bản trong quá trình tiếp đón khách du lịch.

- Phối hợp với địa phương trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với việc giới thiệu làng nghề, sản phẩm thủ công làng nghề, đầu tư phát triển các tuyến, điểm du lịch hiện có.

5. Sở Công thương

Phối hợp với địa phương xây dựng, tổng hợp kinh phí thực hiện Đề án có liên quan vào dự toán kinh phí thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh để tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của Sở Công Thương, gửi Sở Tài chính cân đối, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. UBND thị xã Hoài Nhơn

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp hỗ trợ UBND phường Tam Quan Nam triển khai thực hiện Đề án đảm bảo chất lượng. Trong quá trình thực hiện có phát sinh thay đổi, trên cơ sở đề xuất của UBND phường Tam Quan Nam, UBND thị xã Hoài Nhơn kiểm tra, rà soát đề xuất điều chỉnh nội dung Đề án phù hợp nhu cầu phát triển làng nghề của địa phương.

- Ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ phường Tam Quan Nam triển khai thực hiện các nội dung mục tiêu Đề án được phê duyệt.

- Phối hợp Mặt trận, các hội đoàn thể của thị xã chỉ đạo các cấp hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện Đề án phát triển làng nghề truyền thống được phê duyệt, góp phần bảo tồn phát huy bản sắc, giá trị văn hóa địa phương.

7. UBND phường Tam Quan Nam

- Chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án đảm bảo kế hoạch tiến độ, mục tiêu đề ra. Trong quá trình thực hiện có phát sinh thay đổi phải kịp thời đề xuất UBND thị xã đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh nội dung Đề án.

- Phối hợp các ngành cấp trên, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách áp dụng trên địa bàn, vận động nhân dân tham gia, sử dụng ngân sách xã để tổ chức thực hiện đầu tư các hạng cần thiết đảm bảo quy định.

8. Các Hội đoàn thể phường Tam Quan Nam

- Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hộ gia đình, cá nhân tham gia thực hiện Đề án, triển khai các nội dung Đề án.

- Hội Nông dân vận động hội viên sử dụng nhãn hiệu tập thể theo Quyết định ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Bún số 8 Tam Quan Nam” (nhãn hiệu tập thể “Bún số 8 Tam Quan Nam”do Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận năm 2018), vận động sản xuất đảm bản tiêu chuẩn và đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Bánh tráng nước dừa Tam Quan" nhằm quảng bá thương hiệu Bún số 8 Tam Quan Nam, Bánh tráng nước dừa Tam Quan mở rộng thị trường phát triển sản phẩm địa phương.

Phần V

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

I. KẾT LUẬN

- Đề án duy trì, phát triển làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số Tăng Long 1 được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, khoa học và hiệu quả kinh tế; căn cứ vào kết quả điều tra, khảo sát thực tế hiện trạng tại địa phương.

- Triển khai thành công các nội dung của Đề án, sẽ duy trì phát triển làng nghề truyền thống địa phương, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân.

- Đề án "Phát triển Làng nghề sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tam Quan Nam" góp phần phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, có hiệu quả cao gắn với bảo vệ môi trường. Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Phát triển sản phẩm Bánh tráng, Bún số 8 trở thành sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của địa phương.

II. KIẾN NGHỊ

- Kiến nghị cấp thẩm quyền ưu tiên nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án, chính sách để thực hiện các nội dung của Đề án.

- Kiến nghị Đảng uỷ phường chỉ đạo các hội đoàn thể phường tuyên truyền, vận động hộ gia đình, cá nhân đầu tư thiết bị máy móc trong khâu sản xuất, đóng gói, bảo quản sản phẩm, sử dụng nhãn mác; vận động hộ gia đình, cá nhân sản xuất sản phẩm bánh tráng, bún số 8 đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo Hội Nông dân vận động hội viên sử dụng nhãn hiệu tập thể theo Quyết định ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Bún số 8 Tam Quan Nam”.

Trên đây là nội dung Đề án phát triển làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tam Quan Nam./.

 

Phụ lục

HÌNH ẢNH HIỆN TRẠNG LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG SẢN XUẤT BÁNH TRÁNG, BÚN SỐ 8 TĂNG LONG 1, PHƯỜNG TAM QUAN NAM, THỊ XÃ HOÀI NHƠN

Hình ảnh: Sản xuất bánh tráng - Làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1, Tam Quan Nam, Hoài Nhơn, Bình Định

 

Hình ảnh: Sản xuất bún số 8 - Làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1, Tam Quan Nam, Hoài Nhơn, Bình Định

 

Hình ảnh: Sản xuất bún số 8 - Làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1, Tam Quan Nam, Hoài Nhơn, Bình Định

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 3038/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Đề án phát triển làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tam Quan Nam do tỉnh Bình Định ban hành

Số hiệu: 3038/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
Người ký: Nguyễn Tự Công Hoàng
Ngày ban hành: 26/08/2024
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [5]
Văn bản được căn cứ - [7]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 3038/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Đề án phát triển làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tam Quan Nam do tỉnh Bình Định ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [6]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…