Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2018/QĐ-UBND

Đồng Tháp, ngày 05 tháng 11 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN QUY ƯỚC KHÓM, ẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng thực hiện hương ước, quy ước;

Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thi hành các Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22 và Điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định xây dựng và thực hiện Quy ước khóm, ấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2018.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giám đốc Sở Tư pháp; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Vụ Pháp chế, Bộ VHTT&DL;
- Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp;
- TT/TU, TT/HĐND, UBMTTQ VN Tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT/UBND Tỉnh;
- LĐVP/UBND Tỉnh;
- Công báo Tỉnh;
- Lưu: VT, NC/KGVX.VD.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Đoàn Tấn Bửu

 

QUY ĐỊNH

XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN QUY ƯỚC KHÓM, ẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 30/2018/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định về nguyên tắc xây dựng, công nhận, sửa đổi, bổ sung, thay thế Quy ước; thẩm quyền, điều kiện, thủ tục công nhận Quy ước; xử lý Quy ước có nội dung trái pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc trái phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư trên địa bàn Tỉnh và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, thực hiện Quy ước.

2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với cộng đồng dân cư khóm, ấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xây dựng, thực hiện Quy ước.

Điều 2. Quy ước

Quy ước là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư khóm, ấp tự nguyện thỏa thuận, thống nhất và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận theo quy định tại Quyết định này .

Điều 3. Nguyên tắc xây dựng, thực hiện Quy ước

Thực hiện theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 4. Nội dung, hình thức của Quy ước

Thực hiện theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Chương II

XÂY DỰNG, CÔNG NHẬN, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, THAY THẾ QUY ƯỚC

Điều 5. Soạn thảo Quy ước

1. Trưởng Ban Vận động “Xây dựng đời sống văn hóa đô thị văn minh” (đối với khóm), Trưởng Ban Vận động “Xây dựng đời sống văn hóa - nông thôn mới” (đối với ấp) chủ trì tổ chức Hội nghị khóm, ấp để lấy ý kiến về chủ trương xây dựng Quy ước và những nội dung cơ bản mà cộng đồng dân cư quan tâm dự kiến quy định trong Quy ước.

2. Trường hợp có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong khóm, ấp tán thành chủ trương xây dựng Quy ước thì Trưởng Ban Vận động khóm, ấp chủ trì, phối hợp với Trưởng Ban Công tác Mặt tr ận lựa chọn thành viên tham gia Nhóm soạn thảo Quy ước.

Điều 6. Lấy ý kiến dự thảo Quy ước

1. Dự thảo Quy ước được niêm yết công khai tại trụ sở khóm, ấp, Nhà Văn hóa khóm, ấp, địa điểm sinh hoạt của Tổ Nhân dân tự quản, bảng tin công cộng, các điểm sinh hoạt cộng đồng hoặc các địa điểm khác thuận tiện để người dân tiếp cận, tìm hiểu và góp ý. Thời hạn niêm yết từ 30 ngày đến 40 ngày kể từ ngày niêm yết.

2. Trưởng khóm, ấp hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố tổ chức lấy ý kiến của hộ gia đình, cá nhân trong khóm, ấp hoặc Tổ dân phố về dự thảo Quy ước bằng một trong các hình thức: gửi dự thảo Quy ước đến từng hộ gia đình, cá nhân; mở hòm thư tiếp nhận ý kiến đóng góp; lồng ghép lấy ý kiến đóng góp trong cuộc họp, hội nghị của khóm, ấp, tổ dân phố hoặc hình thức phù hợp khác. Việc lựa chọn hình thức lấy ý kiến do Trưởng khóm, ấp hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố quyết định phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Điều 7. Thảo luận, thông qua Quy ước

1. Chậm nhất sau 07 ngày kể từ ngày hết niêm yết tại địa phương, tiến hành tổ chức Hội nghị đại diện hộ gia đình ở khóm, ấp để bàn bạc, thảo luận và thống nhất biểu quyết thông qua Quy ước bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín và Quy ước được thông qua khi có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tán thành. Trường hợp không đạt thì phải tổ chức lại Hội nghị hoặc Trưởng Ban Vận động tổ chức phát phiếu lấy ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý thông qua Quy ước tới cử tri hoặc hộ gia đình.

2. Sau khi tổng hợp ý kiến, Trưởng Ban Vận động khóm, ấp có trách nhiệm báo cáo ngay với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn về việc biểu quyết thông qua Quy ước.

Điều 8. Công nhận Quy ước

1. Uỷ ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền công nhận Quy ước.

2. Quy ước được công nhận khi đủ các điều kiện sau đây:

a) Nội dung và hình thức của Quy ước phù hợp với quy định tại Điều 4 Quyết định này;

b) Quy ước được xây dựng tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại Quyết định này.

3. Trình tự, thủ tục công nhận Quy ước

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Trưởng Ban Vận động khóm, ấp về việc thông qua Quy ước của cộng đồng dân cư, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải lập hồ sơ trình Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố công nhận. Thời gian Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố xem xét, ra quyết định công nhận Quy ước là 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị công nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

4. Hồ sơ đề nghị công nhận Quy ước được gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Hồ sơ bao gồm:

a) Dự thảo Quy ước đã được nhân dân ở khóm, ấp thông qua, có đủ chữ ký của Trưởng Ban Vận động khóm, ấp.

b) Biên bản xác nhận kết quả Hội nghị đại diện hộ gia đình khóm, ấp biểu quyết thông qua Quy ước.

c) Công văn đề nghị công nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

d) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

5. Quy ước có giá trị thi hành kể từ ngày Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra quyết định công nhận.

6. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố gửi Quy ước cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo dõi, quản lý và Ban Vân động khóm, ấp niêm yết, tuyên truyền, phổ biến đến từng hộ gia đình, cá nhân trong cộng đồng dân cư biết tổ chức thực hiện Quy ước.

Điều 9. Sửa đổi, bổ sung, thay thế Quy ước

Thực hiện theo quy định tại Điều 10 Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 10. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện Quy ước các cấp do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản quy định của pháp luật.

2. Kinh phí xây dựng, thực hiện Quy ước ở khóm, ấp do cộng đồng dân cư tự đảm bảo. Khuyến khích việc hỗ trợ, đóng góp kinh phí, điều kiện cần thiết khác trong việc xây dựng, thực hiện quy ước; đồng thời, sử dụng mức chi hỗ trợ đối với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư để thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Chương III

THỰC HIỆN QUY ƯỚC

Điều 11. Tuyên truyền, phổ biến nội dung của Quy ước

1. Quy ước đã được Uỷ ban nhân dân cấp huyện công nhận phải được thông tin, phổ biến kịp thời, rộng rãi đến các hộ gia đình, cá nhân trong khóm, ấp để biết, thực hiện bằng các hình thức sau đây:

a) Trong các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt tại khóm, ấp (có thể mở rộng hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin điện tử phù hợp như: Internet, Zalo, Facebook...);

b) Niêm yết công khai tại các thiết chế văn hóa cơ sở như Nhà Văn hóa, Nhà Văn hóa liên ấp, Trung tâm văn hóa – Học tập cộng đồng (nơi mà khóm, ấp sinh hoạt chung với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn) hoặc các điểm sinh hoạt cộng đồng;

c) Sao gửi Quy ước đến từng hộ gia đình;

d) Hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của khóm, ấp.

2. Trưởng Ban Vận động khóm, ấp phối hợp với Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung Quy ước đến các hộ gia đình, cá nhân trong khóm, ấp.

3. Uỷ ban nhân dân các cấp và các cơ quan, đơn vị hỗ trợ khóm, ấp tổ chức thông tin, phổ biến Quy ước và thực hiện Quy ước tại địa bàn cư trú.

Điều 12. Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân trong thực hiện Quy ước

Thực hiện theo quy định tại Điều 12 Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 13. Kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện Quy ước

1. Ban Vân động khóm, ấp có trách nhiệm theo dõi, báo cáo kết quả thực hiện Quy ước với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn đồng thời tập hợp, phản ánh các kiến nghị của cộng đồng dân cư theo định kỳ trước ngày 18/11 hàng năm, để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế Quy ước hoặc kiến nghị xử lý Quy ước vi phạm. Khuyến khích hòa giải viên ở cơ sở tham khảo, vận dụng Quy ước để hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong quá trình hòa giải tại cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

2. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chủ trì phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung quy định tại Quy ước và báo cáo việc thực hiện Quy ước về Uỷ ban nhân dân cấp huyện trước ngày 25/11 hàng năm.

Điều 14. Xử lý Quy ước vi phạm

Thực hiện theo quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” Tỉnh:

a) Tiếp nhận nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện Quy ước khóm, ấp do Sở Tư pháp bàn giao và quán triệt nội dung hướng dẫn theo Quyết định 22/2018/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ đến các cơ quan, đơn vị và địa phương.

b) Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định này. Tham mưu Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh bổ sung nhiệm vụ xây dựng, thực hiện Quy ước khóm, ấp cho Ban Chỉ đạo Phong trào các huyện, thị xã, thành phố và Ban công tác xã, phường, thị trấn.

c) Tổ chức chỉ đạo rà soát các Quy ước đã được công nhận hoặc phê duyệt trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Điều 4 và đúng thẩm quyền công nhận quy định tại Điều 9 của Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg; chỉ đạo, hướng dẫn sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc tiến hành thủ tục công nhận đối với các Quy ước có nội dung hoặc thẩm quyền chưa phù hợp.

2. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp: Hướng dẫn Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cấp huyện, cấp xã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Quy ước, vận động nhân dân nghiêm chỉnh thực hiện các nội quy đã được đề ra trong Quy ước khóm, ấp với tinh thần tự giác, tự nguyện, gắn với nội dung các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và nhất là các mô hình tự quản tại cộng đồng dân cư.

3. Các Sở, ban, ngành tỉnh

a) Sở Tư pháp tổ chức và hướng dẫn bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng thực hiện Quy ước từ cơ quan tư pháp, công chức Tư pháp – Hộ tịch sang ngành văn hóa, công chức Văn hóa – Xã hội cùng cấp; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý Quy ước vi phạm có nội dung trái pháp luật, xâm phạm các quyền con người, quyền công dân;

b) Sở Tài chính phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn địa phương bố trí và sử dụng kinh phí thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về xây dựng, triển khai thực hiện Quy ước tại khóm, ấp;

c) Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện Quy ước của khóm, ấp phù hợp với lĩnh vực được giao quản lý.

4. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin có trách nhiệm tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện bảo đảm các nội dung Quy ước phù hợp theo quy định của Quyết định này và phối hợp với Phòng Tư pháp, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện trong việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; thống kê, báo cáo, sơ kết, tổng kết về xây dựng Quy ước. Định kỳ trước ngày 30 tháng 11 hàng năm, Uỷ ban nhân dân cấp huyện báo cáo tình hình thực hiện Quy ước về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh;

b) Chỉ đạo Phòng Tư pháp có trách nhiệm tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong việc xem xét tính hợp pháp, loại bỏ những nội dung của Quy ước trái với quy định của pháp luật hiện hành và đảm bảo kỹ thuật xây dựng Quy ước. Thống kê, báo cáo nội dung thực hiện Quy ước theo lĩnh vực của ngành về Phòng Văn hóa và Thông tin để tổng hợp báo cáo theo quy định;

c) Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Tư Pháp tổ chức kiểm tra, hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện Quy ước đảm bảo dân chủ theo quy định;

d) Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức xây dựng và ban hành Quy ước của khóm, ấp trên cơ sở rà soát tất cả các Quy ước đã được phê duyệt hiện có (về nội dung và trình tự xây dựng) phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại cơ sở; qua đó, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những biểu hiện sai trái, lệch lạc, tiêu cực trong việc xây dựng và thực hiện Quy ước. Đồng thời, đảm bảo kinh phí hoạt động quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế Quy ước của khóm, ấp trên địa bàn; định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp huyện theo quy định./.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 30/2018/QĐ-UBND quy định về xây dựng và thực hiện Quy ước khóm, ấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu: 30/2018/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
Người ký: Đoàn Tấn Bửu
Ngày ban hành: 05/11/2018
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [4]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 30/2018/QĐ-UBND quy định về xây dựng và thực hiện Quy ước khóm, ấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Văn bản liên quan cùng nội dung - [5]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [1]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…