Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2569/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 29 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BỘ TIÊU CHÍ VỀ XÃ NÔNG THÔN MỚI VÀ CÁCH ĐÁNH GIÁ BỘ TIÊU CHÍ VỀ XÃ NÔNG THÔN MỚI; TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, HỒ SƠ XÉT, CÔNG NHẬN VÀ CÔNG BỐ ĐỊA PHƯƠNG ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI; ĐỊA PHƯƠNG HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2017 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 35/2016/TT-BNNPTNT ngày 26/12/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 69/QĐ-BNN-VPĐP ngày 09/01/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Chỉ thị 16/CT-UBND ngày 31/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả, bn vững chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Thái Bình;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 230/TTr-SNNPTNT ngày 27/9/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới và cách đánh giá Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới; trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới và cách đánh giá Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới; trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Bình là căn cứ để rà soát, đánh giá thực trạng, mức độ đạt các chỉ tiêu, tiêu chí và xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch thực hiện hằng năm, trung hạn 5 năm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; là cơ sở để chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và xét khen thưởng trong phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, các sở, ngành, địa phương công bố Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 - 2020; đôn đốc, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh kết quả thực hiện.

2. Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện; chủ trì, tổng hợp công tác đánh giá, chấm điểm các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 - 2020, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định.

3. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố hướng dẫn các xã đánh giá, tổng hợp và công bố mức độ đạt từng tiêu chí nông thôn mới của từng xã; tổ chức triển khai, thực hiện việc đánh giá, thẩm tra, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới hằng năm theo đúng quy định. Kết quả báo cáo gửi định kỳ theo quý, năm về Văn phòng Điều phi nông thôn mới cấp tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh.

4. Ủy ban nhân dân các xã căn cứ Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020 của tỉnh Thái Bình để đánh giá kết quả đạt được từng tiêu chí nông thôn mới của xã; báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố kết quả thực hiện theo quý, năm.

5. Các sở, ngành của tỉnh có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với các địa phương theo dõi, đánh giá các tiêu chí của xã trên địa bàn từng huyện, thành phố; gửi báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh theo quý, năm để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2309/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới tỉnh Thái Bình.

Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh; Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; các Giám đốc sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chánh Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới cấp tnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã trong tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- BC
Đ CTMTQG TW, VP ĐPNTM TW;
- Các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các PCT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Thường trực Huyện
y, Thành ủy;
- Thường trực HĐND huyện, thành phố;
- Cổng Thông tin Điện tử t
nh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Báo Thái Bình;
- Lưu: VT, NNTNMT

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Diên

 

QUY ĐỊNH

BỘ TIÊU CHÍ VỀ XÃ NÔNG THÔN MỚI VÀ CÁCH ĐÁNH GIÁ BỘ TIÊU CHÍ VỀ XÃ NÔNG THÔN MỚI; TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, HỒ SƠ XÉT, CÔNG NHẬN VÀ CÔNG BỐ ĐỊA PHƯƠNG ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI; ĐỊA PHƯƠNG HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2017 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2569/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình).

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới và cách đánh giá Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới; trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới (gọi tắt là địa phương đạt chuẩn nông thôn mới); thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới) giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

2. Đối tượng áp dụng: Quy định này áp dụng đối với các xã, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Bình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; các cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện

1. Việc xét, công nhận, công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới phải được thực hiện thường xuyên, liên tục hàng năm, đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch, đúng điều kiện, trình tự, thủ tục.

2. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình xét, công nhận, công b địa phương đạt chuẩn nông thôn mới. Các cơ quan, cá nhân được phân công chủ trì, tham gia các bước thực hiện việc đánh giá từng tiêu chí theo chuẩn xã, huyện, thành phố nông thôn mới chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả đánh giá.

3. Các xã, huyện, thành phố sau khi được công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thì tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí và tiến hành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

4. Nội dung Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới và cách đánh giá Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới; trình tự, thủ tục đánh giá, mức độ đạt chuẩn từng tiêu chí xây dựng nông thôn mới, công nhận xã, huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới được áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định căn cứ các quy định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương và điều kiện thực tế của tỉnh theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới.

5. Việc đánh giá kết quả các tiêu chí về nông thôn mới thực hiện hàng năm, lấy kết quả thực hiện đến thời điểm đánh giá; hoàn thiện hồ sơ và quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trước ngày 10 tháng 11 hàng năm.

6. Việc đánh giá, xét công nhận lại địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới được thực hiện sau 05 năm đối với các xã, huyện, thành phố đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kể từ ngày có quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của cấp có thẩm quyền.

Điều 3. Điều kiện công nhận

1. Xã đạt chuẩn nông thôn mới, phải đảm bảo các điều kiện:

1.1. Có đăng ký xã đạt chuẩn nông thôn mới và được Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đưa vào kế hoạch thực hiện;

1.2. Có 100% tiêu chí thực hiện trên địa bàn xã đạt chuẩn theo quy định;

1.3. Không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

2. Huyện đạt chuẩn nông thôn mới, phải đảm bảo các điều kiện:

2.1. Có đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới và được Ủy ban nhân dân tỉnh đưa vào kế hoạch thực hiện;

2.2. Có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định;

2.3. Có 100% tiêu chí huyện nông thôn mới đạt chuẩn theo quy định;

2.4. Không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

3. Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, phải đảm bảo các điều kiện:

3.1. Có đăng ký thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và được Ủy ban nhân dân tỉnh đưa vào kế hoạch thực hiện;

3.2. Có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định;

3.3. Không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Điều 4. Phương pháp xác định mức độ đạt chuẩn của từng tiêu chí để xét, công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

1. Mức độ đạt chuẩn của từng tiêu chí trên địa bàn xã để xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trên cơ sở quy định tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương.

2. Mức độ đạt chuẩn của từng tiêu chí trên địa bàn huyện để xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên cơ sở quy định tại Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chương II

BỘ TIÊU CHÍ VỀ XÃ NÔNG THÔN MỚI VÀ CÁCH ĐÁNH GIÁ BỘ TIÊU CHÍ VỀ XÃ NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2017 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH

Mục 1. BỘ TIÊU CHÍ VỀ XÃ NÔNG THÔN MỚI

Điều 5. Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới

1. Quy hoạch

TT

Tên tiêu chí

Nội dung tiêu chí

Mức đt

1

Quy hoạch

1.1. Lập quy hoạch: Có các đồ án Quy hoạch: Quy hoạch chung nông thôn mới và các quy hoạch chi tiết phù hợp với quy hoạch chung (Quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm xã; Quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn; Quy hoạch chi tiết hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng) được duyệt

Đạt

1.2. Công khai quy hoạch: Có Pano công khai các đồ án Quy hoạch theo mục 1 tại trung tâm xã và nơi công cộng, tuyên truyền về quy hoạch tại địa phương

Đạt

1.3. Quản lý, thực hiện quy hoạch: Tổ chức triển khai xác định mốc giới ngoài thực địa, xác định chỉ giới đường đỏ các tuyến đường theo quy hoạch đã được duyệt; kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch được duyệt

Đạt

2. Hạ tầng kinh tế - xã hội

TT

Tên tiêu chí

Nội dung tiêu chí

Mức đt

2

Giao thông

2.1. Đường giao thông trục xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm

100%

2.2. Đường trục thôn được cứng hóa, đảm bo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm

100%

2.3. Đường nhánh cấp I của đường giao thông trục thôn được cứng hóa, đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm

100%

2.4. Đường ngõ, xóm được cứng hóa, sạch và không lầy lội vào mùa mưa

100%

2.5. Đường trục chính nội đồng được cứng hóa đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm

100%

2.6. Đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên đường giao thông: Các tuyến đường không bị lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè; không bị che khuất tm nhìn; mặt đường không bị đọng nước, không có hư hỏng; thường xuyên giữ mặt đường sạch, cắt cỏ dại ở lề đường

Đạt

3

Thủy lợi

3.1. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80% trở lên

≥80%

3.2. Tỷ lệ kênh tưới cấp 1 loại 3, của các trạm bơm trong xã đã được kiên cố đạt tỷ lệ 100% so với tổng chiều dài kênh tưới cấp 1 loại 3 của các trạm bơm trong xã

Đạt

3.3. Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ

Đạt

4

Điện

4.1. Hệ thống điện đạt chuẩn

Đạt

4.2. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn

≥99%

5

Trường học

Tỷ lệ trường học các cấp: Mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia

100%

6

Cơ sở vật chất văn hóa

6.1. Xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã

Đạt

6.2. Xã có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định

Đạt

6.3. Tỷ lệ thôn có nhà văn hóa (hoặc nơi sinh hoạt văn hóa), sân thể thao phục vụ cộng đồng

100%

7

Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn

Xã có chợ nông thôn hoặc nơi mua bán, trao đổi hàng hóa

Đạt

8

Thông tin và Truyền thông

8.1. Xã có điểm phục vụ bưu chính

Đạt

8.2. Xã có dịch vụ viễn thông, internet

Đạt

8.3. Xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn

100%

8.4. Xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành

Đạt

9

Nhà ở dân cư

9.1. Trên địa bàn xã không còn hộ gia đình ở nhà tạm, nhà dột nát

Không

9.2. Tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định từ 90% trở nên

≥90%

3. Kinh tế và tổ chức sản xuất

TT

Tên tiêu chí

Nội dung tiêu chí

Mức đt

10

Thu nhập

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 (triệu đồng/người)

≥50

- Năm 2017 (triệu đồng/người)

≥37

- Năm 2018 (triệu đồng/người)

≥41

- Năm 2019 (triệu đồng/người)

>45,5

- Năm 2020 (triệu đồng/người)

≥50

11

Hộ nghèo

Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020

≤2%

12

Lao động có việc làm

Tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động

≥90%

13

Tổ chức sản xuất

13.1. Xã có hợp tác xã hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012

Đạt

13.2. Xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững

Đạt

13.3. Hệ thống thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã được kiểm soát

100%

4. Văn hóa - xã hội - môi trường

TT

Tên tiêu chí

Nội dung tiêu chí

Mức đt

14

Giáo dục và Đào tạo

14.1. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục trung học cơ sở

Đạt

14.2. Tỷ lệ học sinh tt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp)

≥90%

14.3. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo

≥45%

15

Y tế

15.1. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế

≥85%

15.2. Xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế

Đạt

15.3. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi)

≤13,9%

16

Văn hóa

Tỷ lệ thôn đạt tiêu chuẩn văn hóa theo quy định

≥70%

17

Môi trường và an toàn thực phẩm

17.1. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định

≥98% (≥70 % nước sạch)

17.2. Tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường

100%

17.3. Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn

Đạt

17.4. Mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch

Đạt

17.5. Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định

Đạt

17.6. Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch

≥90%

17.7. Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường

≥80%

17.8. Tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm

100%

5. Hệ thống chính trị

TT

Tên tiêu chí

Nội dung tiêu chí

Mức đt

18

Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật

18.1. Cán bộ, công chức xã đạt chuẩn

Đạt

18.2. Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định

Đạt

18.3. Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn "trong sạch, vững mạnh"

Đạt

18.4. Tổ chức chính trị - xã hội của xã đạt loại khá trở lên

100%

18.5. Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định

Đạt

18.6. Đảm bảo bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội

Đạt

19

Quốc phòng và An ninh

19.1. Xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng

Đạt

19.2. Xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên: Không có khiếu kiện đông người kéo dài; không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút) được kiềm chế, giảm liên tục so với các năm trước

Đạt

Mục 2. CÁCH ĐÁNH GIÁ BỘ TIÊU CHÍ VỀ XÃ NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2017 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH

Điều 6. Đánh giá Tiêu chí 1 về Quy hoạch

1. Phương pháp đánh giá

1.1. Tiểu mục 1.1 - Lập quy hoạch

Lập quy hoạch được đánh giá đạt khi có các đồ án Quy hoạch được duyệt, gồm: Quy hoạch chung nông thôn mới và các quy hoạch chi tiết phù hợp với quy hoạch chung (Quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm xã; Quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn; Quy hoạch chi tiết hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng).

1.2. Tiểu mục 1.2 - Công khai quy hoạch

Công khai quy hoạch được đánh giá đạt khi có Pano công khai các đồ án Quy hoạch theo mục 1 tại trung tâm xã và nơi công cộng, tuyên truyền về quy hoạch tại địa phương.

1.3. Tiểu mục 1.3 - Quản lý, thực hiện quy hoạch

Quản lý, thực hiện quy hoạch được đánh giá đạt khi xã đã tổ chức triển khai xác định mốc giới ngoài thực địa, xác định chỉ giới đường đỏ các tuyến đường theo quy hoạch đã được duyệt; kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch được duyệt.

2. Đánh giá Tiêu chí

Xã hoàn thành Tiêu chí 1 về Quy hoạch phải đạt yêu cầu nội dung theo tiểu mục đánh giá tại Tiểu mục 1.1, Tiểu mục 1.2, Tiểu mục 3 của Tiêu chí 1.

Điều 7. Đánh giá Tiêu chí 2 về giao thông

1. Phương pháp đánh giá

1.1. Tiểu mục 2.1 - Đường giao thông trục xã

Đường giao thông trục xã là đường giao thông nối trung tâm xã với các thôn hoặc các xã lân cận hoặc đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa (không thuộc đường huyện), đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm.

- Đường giao thông trục xã được đánh giá đạt khi xây dựng hoàn thành 100% chiều dài đường giao thông trục xã trong quy hoạch, phải có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cần đạt được: Mặt đường rộng 3,5 m, lề đường 1,5 m, nền đường 6,5 m; kết cấu mặt đường đá dăm dày 15 cm láng nhựa 4,5 kg/m2 hoặc bê tông bảo đảm tải trọng tương đương, móng được gia cố bằng vật liệu cứng.

- Đối với các tuyến đường khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng mà có dưới 15% chiều dài chưa đủ bề rộng nền, mặt đường theo quy định coi như đạt.

- Nếu chưa đạt theo yêu cầu trên thì đánh giá không đạt.

1.2. Tiểu mục 2.2 - Đường giao thông trục thôn

Đường giao thông trục thôn là đường giao thông nối giữa các thôn hoặc đường từ trung tâm của thôn nối với đường xã hoặc đường huyện (không thuộc đường xã, đường huyện).

- Đường giao thông trục thôn được đánh giá đạt khi xây dựng hoàn thành 100% chiều dài đường giao thông trục thôn trong quy hoạch được đánh giá đạt phải có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cần đạt được: Mặt đường rộng 3,5 m, nền đường 5,0 m; kết cấu mặt đường bê tông xi măng M200 dày 16 cm hoặc đá dăm láng nhựa, móng được gia cố bằng vật liệu cứng.

- Đối với các tuyến đường khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng mà có dưới 15% chiu dài chưa đủ b rộng nn, mặt đường theo quy định coi như đạt phải có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cần đạt được: Mặt đường rộng 3,0 m, nền đường 4,0 m; kết cấu mặt đường bê tông xi măng M200 dày 16 cm hoặc đá dăm láng nhựa.

- Nếu chưa đạt theo yêu cầu trên thì đánh giá không đạt.

1.3. Tiểu mục 2.3 - Đường nhánh cp I của đường giao thông trục thôn

Đường nhánh cp I của đường giao thông trục thôn là đường nhánh chính đấu nối trực tiếp với đường giao thông trục thôn.

- Đường nhánh cp I của đường giao thông trục thôn được đánh giá đạt khi xây dựng hoàn thành 100% chiều dài đường nhánh cp I của đường trục thôn trong quy hoạch được đánh giá đạt phải có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cần đạt được: Mặt đường rộng 3,0 m, nền đường 4,0 m; kết cấu mặt đường bê tông xi măng M200 dày 14 cm hoặc đá dăm láng nhựa, móng được gia cố bằng vật liệu cứng.

- Đối với các tuyến đường khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng mà có dưới 15% chiều dài chưa đủ bề rộng nền, mặt đường theo quy định coi như đạt phải có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cần đạt được: Mặt đường rộng 2,5 m, nền đường 3,5 m; kết cấu mặt đường bê tông xi măng M200 dày 14 cm hoặc đá dăm láng nhựa.

- Nếu chưa đạt theo yêu cầu trên thì đánh giá không đạt.

1.4. Tiểu mục 2.4 - Đường ngõ, xóm

- Đường ngõ, xóm được đánh giá đạt khi xây dựng cứng hoá hoàn thành 100% đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa quy định tại Quyết định s 4927/QD-BGTVT ngày 25/12/2014 của Bộ Giao thông Vận tải.

- Nếu chưa đạt theo yêu cầu trên thì đánh giá không đạt.

1.5. Tiểu mục 2.5 - Đường trục chính nội đồng

Đường trục chính nội đồng là đường chính phục vụ xe cơ giới đi lại nối từ đồng ruộng đến khu dân cư hoặc nối các cánh đồng.

- Đường trục chính nội đồng được đánh giá đạt khi xây dựng hoàn thành 100% chiều dài các tuyến đường trục chính nội đồng trong quy hoạch đã được phê duyệt được đánh giá đạt phải có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cần đạt được: B rộng nền đường 4,5 m; cao trình mặt đường cao hơn so với mặt ruộng 0,3 m; hai bên đường xây tường chắc chắn: Dưới mặt ruộng có móng rộng 0,22 m, cao 0,20 m và tường trên mặt ruộng dày 0,11 m, cao 0,14 m và đạt được một trong hai quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu sau:

+ Mặt đường đổ cát hoặc đất cát pha rộng 3,5 m;

+ Mặt đường bê tông xi măng M200, rộng 3,5 m dày 14 cm hoặc vật liệu khác bảo đảm tải trọng tương đương.

1.6. Tiểu mục 2.6 - Đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên đường giao thông

- Đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên đường giao thông được đánh giá đạt khi các tuyến đường không bị lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè; không bị che khuất tầm nhìn; mặt đường không bị đọng nước, không có “ổ gà”; thường xuyên giữ mặt đường sạch, cắt cỏ dại ở lề đường.

- Nếu chưa đạt theo yêu cầu trên thì đánh giá không đạt.

2. Đánh giá tiêu chí

- Xã đạt Tiêu chí 2 về giao thông phải đạt yêu cầu nội dung theo tiểu mục đánh giá tại Tiểu mục 2.1 đến Tiểu mục 2.6 của Tiêu chí 2.

- Xã chưa đạt Tiêu chí 2 về giao thông khi không đạt đủ các yêu cầu nội dung theo tiểu mục đánh giá tại các tiểu mục của Tiêu chí 2.

Điều 8. Đánh giá Tiêu chí 3 về thủy lợi

1. Phương pháp đánh giá

1.1. Tiểu mục 3.1 - Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80% trở lên

Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động được đánh giá đạt khi tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động ≥ 80% và tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp được tiêu chủ động đạt ≥ 80%, trong đó:

1.1.1. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động được xác định theo công thức sau:

Ttưới

Trong đó:

+ Ttưới: Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động (%).

+ S1: Diện tích gieo trồng cả năm thực tế được tưới (ha).

+ S: Diện tích gieo trồng cả năm cần tưới theo kế hoạch (ha).

S1, S: Được xác định theo số liệu của năm đánh giá tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.

1.1.2. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp được tiêu chủ động được xác định theo công thức sau:

Ttiêu  

Trong đó:

+ Ttiêu: Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp được tiêu chủ động (%).

+ F1: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp thực tế được tiêu (ha).

+ F: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp của xã (ha).

(F1, F: Được xác định theo số liệu của năm đánh giá tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới).

1.1.3. Đối với các xã có đất nuôi trồng thủy sản hoặc đất làm muối được đánh giá đạt chỉ tiêu tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động khi có diện tích nuôi trồng thủy sản hoặc làm muối đảm bảo cấp, thoát nước chủ động đạt ≥ 80%. Cách xác định như sau:

- Tỷ lệ diện tích đất nuôi trồng thủy sản hoặc đất làm muối được cấp, thoát nước chủ động xác định theo công thức:

Trong đó:

+ Tk: Tỷ lệ diện tích đất nuôi trồng thủy sản hoặc đất làm muối được cấp, thoát nước chủ động.

+ K1: Diện tích đất nuôi trồng thủy sản hoặc đất làm muối thực tế được cấp, tiêu thoát nước đảm bảo (ha).

+ K: Diện tích đất nuôi trồng thủy sản hoặc đất làm muối cần cấp, thoát nước theo kế hoạch (ha).

(K1, K: Được xác định theo số liệu của năm đánh giá tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới).

1.2. Tiểu mục 3.2 - Tỷ lệ kênh tưới cấp 1 loại 3, của các trạm bơm trong xã đã được kiên cố đạt tỷ lệ 100% so với tổng chiều dài kênh tưới cấp 1 loại 3 của các trạm bơm trong xã

Kênh cấp 1, loại 3 là hệ thống kênh tưới chính sau cửa chia nước các trạm bơm nội đồng do xã quản lý, được đánh giá đạt phải có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cần đạt được:

- Tường gạch xây M75 dày 22 cm, đáy bằng bê tông cốt thép M200 dày 10 cm hoặc sử dụng sản phẩm bê tông thành mỏng, theo loại kênh: Loại kênh có B ≥ 0,9 m, H≥ 1,1 m; loại kênh B < 0,9m, H< 1,1 m.

- Trường hợp tường gạch xây dày 16 cm, đáy bằng bê tông cốt thép M200 dày 10 cm, theo loại kênh: Loại kênh có B ≥ 0,9 m, H ≥ 1,1 m; loại kênh có B < 0,9 m, H<1,1 m.

1.3. Tiểu mục 3.3 - Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ

Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ được đánh giá đạt khi đạt được các chỉ tiêu sau:

1.3.1. Có tổ chức bộ máy thực hiện công tác phòng, chống thiên tai được thành lập và kiện toàn theo quy định của pháp luật, có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương.

- Tổ chức bộ máy

+ Có Ban Chỉ huy Phòng, chng thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn được thành lập theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, hàng năm được kiện toàn.

+ Có phân công cụ thể trách nhiệm của từng bộ phận và các thành viên Ban Chỉ huy phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

- Nguồn nhân lực:

+ Có 100% cán bộ cấp xã tham gia trực tiếp công tác phòng, chống thiên tai được tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ.

+ Thành lập, củng cố và duy trì hoạt động thường xuyên của các đội xung kích phòng, chống thiên tai nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng quản lý đê nhân dân (nếu có) được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ thường xuyên đáp ứng yêu cầu ứng phó giờ đầu khi có thiên tai xảy ra.

+ Có từ 70% trở lên người dân thuộc vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai được phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai.

1.3.2. Các hoạt động phòng, chống thiên tai được triển khai chủ động và có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu dân sinh.

- Có Kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp xã được phê duyệt và rà soát, cập nhật, bổ sung hàng năm theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu về phòng, chống thiên tai tại chỗ.

- Có phương án ứng phó đối với các loại hình thiên tai chủ yếu, thường xuyên xảy ra trên địa bàn được xây dựng cụ thể, chi tiết và phê duyệt phù hợp với quy định, tình hình đặc đim thiên tai ở địa phương.

- Thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống thiên tai được phê duyệt:

+ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã phải chuẩn bị, duy trì thường xuyên hoặc có phương án sẵn sàng huy động từ 70% trở lên số lượng của từng loại vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ cho hoạt động phòng, chống thiên tai theo kế hoạch được duyệt.

+ Có 100% tổ chức và từ 70% trở lên số hộ gia đình, cá nhân trong vùng thường xuyên bị thiên tai chủ động chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ hoạt động phòng, chống thiên tai đáp ứng yêu cầu dân sinh tại ch theo kế hoạch được duyệt và theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

1.3.3. Có cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu phòng, chng thiên tai

- Quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng:

+ Thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch: Sử dụng đất; phát triển dân sinh - kinh tế - xã hội - môi trường; phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch về đê điều (nếu có).

+ 100% cơ sở hạ tầng được xây dựng mới phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn trước thiên tai đã được ban hành hoặc được lồng ghép nội dung an toàn trước thiên tai.

- Thông tin, cảnh báo và ứng phó thiên tai:

+ Có hệ thống thu nhận, truyền tải và cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo và ứng phó thiên tai đảm bảo 100% người dân được tiếp nhận một cách kịp thời, đầy đủ.

+ 100% những điểm có nguy cơ cao về rủi ro thiên tai được lắp đặt hệ thống hướng dẫn, cảnh báo.

+ Tất cả các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai được kiểm tra, phát hiện và xử lý; không để phát sinh những vụ vi phạm mới hoặc phải kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

+ Thực thi pháp luật về bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai.

2. Đánh giá tiêu chí

Xã hoàn thành Tiêu chí 3 về thủy lợi phải đạt yêu cầu nội dung theo tiểu mục đánh giá tại Tiểu mục 3.1, Tiểu mục 3.2, Tiểu mục 3.3 của Tiêu chí 3.

Điều 9. Đánh giá Tiêu chí 4 về điện

1. Phương pháp đánh giá

1.1. Tiểu mục 4.1 - Hệ thống điện đạt chuẩn

Hệ thống điện đạt chuẩn được đánh giá đạt khi có hệ thống điện (bao gồm các nguồn từ lưới điện quốc gia hoặc ngoài lưới điện quốc gia; hệ thống các trạm biến áp phân phối, các đường dây trung áp, các đường dây hạ áp, công tơ đo đếm phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân) đảm bảo đạt yêu cầu kỹ thuật của ngành điện.

1.2. Tiểu mục 4.2 - Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn

Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn được đánh giá đạt khi đạt tỷ lệ ≥99% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn. Nếu ngừng, giảm mức cung cấp điện: Phải thông báo cho khách hàng biết trước thời điểm ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện ≥ 05 ngày và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong 3 ngày liên tiếp được đánh giá là đạt.

2. Đánh giá tiêu chí: Xã hoàn thành Tiêu chí 4 về điện phải đạt yêu cầu nội dung theo tiểu mục đánh giá tại Tiểu mục 4.1, Tiểu mục 4.2 của Tiêu chí 4 và phải hoàn thành thực hiện việc bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành điện.

Điều 10. Đánh giá Tiêu chí 5 về trường học

1. Phương pháp đánh giá

1.1. Trường học đạt chuẩn quốc gia (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học được đánh giá đạt chuẩn quốc gia khi:

- Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1.2. Nội dung cơ sở vật chất và thiết bị dạy học được đánh giá đạt chuẩn quốc gia khi đạt đủ 10 chỉ tiêu sau:

1.2.1. Khuôn viên nhà trường: Là một khu riêng biệt, có tường rào, cng trường, biển trường, tất cả các khu trong nhà trường được bố trí hợp lý, luôn sạch, đẹp. Đủ diện tích (theo Điều lệ trường học) sử dụng để đảm bảo tổ chức tốt các hoạt động quản lý, dạy học và sinh hoạt.

1.2.2. Khu phòng học: Có đủ số phòng học cho mỗi lớp học (không quá 2 ca mỗi ngày); diện tích phòng học (trường mầm non diện tích khu vực xây dựng ≥ 12 m2/trẻ, trường tiểu học và trường trung học cơ sở diện tích khu đất xây dựng ≥10 m2/học sinh), bàn ghế học sinh, bàn ghế giáo viên, bảng đúng quy cách hiện hành; phòng học thoáng mát, đủ ánh sáng, an toàn (khối phòng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo; khối phòng tổ chức ăn đối với mầm non).

1.2.3. Phòng chức năng: Có phòng y tế trường học đảm bảo theo quy định hiện hành về hoạt động y tế trong các trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông; có các phòng học bộ môn đảm bảo quy định về phòng học bộ môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1.2.4. Khu phục vụ học tập: Có thư viện đúng theo tiêu chuẩn quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện trường học; chú trọng phát triển nguồn tư liệu điện tử gồm: Tài liệu, sách giáo khoa, giáo án, câu hỏi, bài tập, đề kiểm tra, đề thi; cập nhật thông tin về giáo dục trong và ngoài nước,... đáp ứng yêu cu tham khảo của giáo viên và học sinh. Có phòng truyền thống, khu luyện tập thể dục thể thao, phòng làm việc của Công đoàn, phòng hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

1.2.5. Khu văn phòng: Có đủ phòng làm việc của Hiệu trưng, phòng làm việc của từng Phó Hiệu trưởng, văn phòng nhà trường, phòng họp từng tổ bộ môn, phòng thường trực, kho (phòng họp tổ bộ môn có thể ghép chung).

1.2.6. Khu sân chơi: Sạch, đảm bảo vệ sinh và có cây bóng mát

1.2.7. Khu vệ sinh: Được b trí hợp lý, riêng cho giáo viên, học sinh nam, học sinh nữ, không làm ô nhiễm môi trường ở trong và ngoài nhà trường

1.2.8. Khu để xe: Được bố trí hợp lý, có khu riêng cho giáo viên, khu riêng cho học sinh (nam, nữ) đảm bảo trật tự, an toàn, vệ sinh

1.2.9. Hệ thống cấp, thoát nước: Có đủ nước sạch cho các hoạt động giáo dục và nước sử dụng cho giáo viên, học sinh; có hệ thống thoát nước hợp vệ sinh

1.2.10. Có hệ thống công nghệ thông tin: Kết nối internet đáp ứng yêu cầu quản lý và dạy học; có Website thông tin trên mạng internet hoạt động thường xuyên, hỗ trợ có hiệu quả cho công tác dạy học và quản lý nhà trường

2. Cách tính điểm

2.1. Đối với nội dung tại Tiểu mục 1.2.2 - Khu phòng học

- Nếu đạt đủ yêu cầu theo tiểu mục đánh giá thì chấm điểm đạt;

- Nếu chưa đạt đủ yêu cầu theo tiểu mục đánh giá thì chấm 0 (không) điểm.

2.2. Đối với các nội dung còn lại nếu cơ bản đạt yêu cầu theo tiểu mục đánh giá thì chấm điểm đạt, sau đó tiếp tục hoàn thiện.

2.3. Các trường mầm non, Tiểu học có cơ sở vật chất nhà trường đạt chuẩn quốc gia. Trường trung học cơ sở tuy chưa đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, nhưng các điều kiện về cơ sở vật chất vẫn đảm bảo cho các hoạt động giáo dục của nhà trường diễn ra bình thường, nếu nằm trong kế hoạch liên trường của huyện thì vẫn được công nhận xã đạt Tiêu chí s 5 về cơ sở vật chất trường học.

3. Đánh giá tiêu chí

Xã đạt Tiêu chí số 5 về trường học phải có điểm đạt yêu cầu nội dung theo tiểu mục đánh giá tại 10 chỉ tiêu của nội dung cơ sở vật chất và thiết bị dạy học được đánh giá là đạt chuẩn quốc gia.

Điều 11. Đánh giá Tiêu chí 6 về cơ sở vật chất văn hóa

1. Phương pháp đánh giá

1.1. Tiểu mục 6.1 - Xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân th thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã

Xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã được đánh giá đạt khi đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu sau:

1.1.1. Nhà văn hóa xã: Diện tích đất quy hoạch khu Nhà văn hóa đa năng của xã từ 500 m2 trở lên; quy mô xây dựng đạt 200 chỗ ngồi trở lên, trang trí bên trong nhà văn hóa đảm bảo theo quy định; có các phòng chức năng (thông tin - truyền thanh, thư viện - đọc sách báo, câu lạc bộ), có trang thiết bị đáp ứng các hoạt động văn hóa của xã, có công trình phụ trợ (nhà để xe, vườn hoa, khu vệ sinh).

1.1.2. Khu thể thao xã: Diện tích đất quy hoạch từ 12.800 m2 trở lên (trong đó sân vận động tối thiểu đạt diện tích 90 m x 120 m = 10.800 m2); nền đất san phẳng, có đường chạy và xây rãnh thoát nước chung quanh; xây tường bao cao 1,2 m, có cổng bảo vệ; có nhà vệ sinh.

Trường hợp đã xây dựng xong nhà văn hóa xã, khu thể thao xã, tuy diện tích đất, quy mô xây dựng chưa đủ theo yêu cầu của tiểu mục đánh giá nhưng đáp ứng yêu cầu bình thường về hoạt động văn hóa, thể thao ở địa phương thì vẫn chấm điểm đạt.

Trường hợp xã đã có quy hoạch nhà văn hóa xã, sân thể thao xã và đang triển khai xây dựng hoàn thành khối lượng công việc từ 80% đến dưới 100% thì đánh giá cơ bản đạt, sau đó hoàn thành 100%, có cam kết thời gian hoàn thành cụ thể.

1.1.3. Ngoài ra khi đánh giá không tính điểm, xã có trụ sở Ủy ban nhân dân xã với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cần đạt được là nhà 02-03 tầng, diện tích sàn xây dựng 800-850 m2; nếu trụ sở xã chưa đáp ứng được yêu cầu và đã xuống cấp thì xã phải xây dựng kế hoạch xây mới trụ sở xã.

1.2. Tiểu mục 6.2 - Xã có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định

Xã có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định được đánh giá đạt khi đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu sau:

- Nhà văn hóa, khu thể thao xã dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em và người cao tuổi.

- Điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em, người cao tuổi phải đảm bảo an toàn; phòng, chống đuối nước cho trẻ em; các cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn phải đảm bảo các quy định tại Thông tư số 02/2011/TT-BVHTTDL ngày 10/01/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn và Thông tư số 14/2014/TT-BVHTTDL ngày 10/11/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 02/2011/TT-BVHTTDL.

1.3. Tiểu mục 6.3 - Tỷ lệ thôn có nhà văn hóa, sân thể thao phục vụ cộng đồng

Tỷ lệ thôn có nhà văn hóa (hoặc nơi sinh hoạt văn hóa), sân thể thao phục vụ cộng đồng được đánh giá đạt khi 100% thôn đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu sau:

1.3.1. Nhà văn hóa thôn: Diện tích đất quy hoạch nhà văn hóa thôn từ 300 m2 trở lên; quy mô xây dựng đạt 100 chỗ ngồi trở lên; có công trình phụ trợ khác (nơi để xe, khu vệ sinh, tường rào chung quanh); sân khấu trong hội trường 30 m2, có trang thiết bị và trang trí bên trong bảo đảm trang nghiêm, phù hợp với sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.

1.3.2. Khu thể thao thôn: Diện tích đất quy hoạch sân thể thao thôn từ 500 m2 trở lên (chưa tính sân bóng đá đơn giản); xây rãnh nước chung quanh, có một số dụng cụ thể dục thể thao phổ thông và truyền thống phù hợp với nhu cầu sử dụng và phong trào thể dục thể thao ở địa phương.

* Một số trường hợp thực tế khi đánh giá tính điểm đối với nhà văn hóa thôn, khu thể thao thôn như sau:

- Trường hợp thôn đã xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao của thôn, tuy chưa đủ diện tích quy hoạch và diện tích sàn xây dựng nhưng đáp ứng sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao của cộng đồng dân cư thôn thì vẫn chấm điểm đạt.

- Trường hợp thôn có đình làng nhưng chưa có nhà văn hóa, nếu được sự đồng ý của nhân dân và các đoàn thể địa phương (có biên bản họp nhân dân) có thể sử dụng đình làng tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp, đồng thời chấm điểm đạt; nếu đình làng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, quốc gia thì việc sử dụng, quản lý di tích phải thực hiện theo Luật Di sản Văn hóa và các quy định có liên quan.

- Trường hợp thôn trung tâm xã thì không nhất thiết phải xây dựng nhà văn hóa thôn và không phải xây dựng khu thể thao thôn, đồng thời chấm điểm đạt cho thôn ở trung tâm xã.

- Đối với các trường hợp thôn đã có nhà văn hóa, khu thể thao nhưng chưa đủ diện tích quy hoạch và diện tích sàn xây dựng; thôn sử dụng đình làng tổ chức một số hoạt động văn hóa, th thao; thôn sử dụng chung nhà văn hóa và khu th thao xã phải có cam kết, lộ trình cụ thể về việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao thôn theo quy hoạch đã được phê duyệt.

- Trường hợp thôn đã có quy hoạch sân thể thao thôn nhưng chưa xây dựng hoàn thành 100%, nếu đạt 80% đến dưới 100% số thôn có khu thể thao thì đánh giá cơ bản đạt tỷ lệ thôn có khu thể thao, sau đó hoàn thành 100%, có cam kết thời gian hoàn thành cụ thể.

* Cách tính tỷ lệ thôn có nhà văn hóa thôn, khu th thao thôn:

Trên cơ sở tính điểm nhà văn hóa thôn, khu th thao cho mi thôn, sau đó tính tỷ lệ thôn của xã có nhà văn hóa thôn, khu thể thao thôn theo công thức sau:

Tỷ lệ thôn có nhà văn hoá (%)

=

Số thôn có nhà văn hóa được chấm điểm đạt

x

100

Tổng số thôn của xã

 

Tỷ lệ thôn có sân thể thao (%)

=

Số thôn có sân thể thao được chấm điểm đạt

x

100

Tổng số thôn của xã

2. Đánh giá tiêu chí

Xã đạt Tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa phải đạt yêu cầu nội dung theo tiểu mục đánh giá tại Tiểu mục 6.1, Tiểu mục 6.2, Tiểu mục 6.3 của Tiêu chí 6.

Điều 12. Đánh giá Tiêu chí 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn

1. Phương pháp đánh giá

Cơ sở hạ tầng thương mại xã nông thôn mới là hạ tầng thương mại được thiết lập tại địa bàn xã, bao gồm chợ nông thôn hoặc cơ sở bán lẻ khác (siêu thị mini hoặc cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp).

1.1. Chợ nông thôn đạt tiêu chí khi đáp ứng các yêu cầu:

- Về diện tích, mặt bằng xây dựng chợ: Có mặt bằng chợ phù hp với quy mô hoạt động chợ; b trí đủ diện tích cho các hộ kinh doanh cố định, không cố định và các dịch vụ tối thiểu tại chợ (trông giữ xe, vệ sinh công cộng); diện tích tối thiểu cho một điểm kinh doanh trong chợ là 3 m2

- Về kết cấu nhà chợ chính: Nhà chợ chính phải bảo đảm kiên cố hoặc bán kiên cố. Chợ bán kiên cố là chợ được xây dựng bảo đảm có thời gian sử dụng từ 5 đến 10 năm theo quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.

- Về yêu cầu đối với các bộ phận phụ trợ và kỹ thuật công trình: Có bảng hiệu thể hiện tên chợ, địa chỉ và số điện thoại liên hệ với đại diện tổ chức quản lý chợ; nền chợ phải được bê tông hóa; có khu vệ sinh bố trí nam, nữ riêng; có bố trí địa điểm hoặc phương án trông giữ xe (ngoài trời hoặc mái che) phù hợp với lưu lượng người vào chợ, bảo đảm trật tự, an toàn cho khách; khu bán thực phẩm tươi sống, khu dịch vụ ăn uống được bố trí riêng, bảo đảm điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; có nước sạch, nước hợp vệ sinh bảo đảm cho hoạt động của chợ; có phương án và hệ thống cấp điện theo quy định bảo đảm cho hoạt động của chợ; có khu thu gom rác và xử lý rác trong ngày hoặc có khu thu gom rác và phương án vận chuyển rác trong ngày về khu xử lý tập trung của địa phương; có hệ thống rãnh thoát nước bảo đảm thông thoáng và dễ dàng thông tắc; có thiết bị và phương án bảo đảm phòng cháy, chữa cháy cho chợ theo quy định.

- Về điều hành quản lý chợ: Có tổ chức quản lý, việc tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 114/2009/NĐ-CP và Điều 7 Nghị định số 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ; có nội quy chợ được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt và được niêm yết công khai để điều hành hoạt động, xử lý vi phạm tại chợ; có sử dụng cân đối chứng, thiết bị đo lường để người tiêu dùng tự kiểm tra về số lượng, khối lượng hàng hóa; các hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại chợ không thuộc danh mục cm kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo đáp ứng theo quy định của pháp luật hiện hành.

1.2. Cơ sở bán lẻ khác (siêu thị mini hoặc cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp) ở nông thôn đạt tiêu chí khi đáp ứng các yêu cầu sau:

1.2.1. Siêu thị mini là loại hình siêu thị có diện tích nhỏ hơn và danh mục hàng hóa kinh doanh, đáp ứng yêu cầu:

- Có bảng hiệu thể hiện tên siêu thị, địa chỉ và s điện thoại liên hệ với đại diện tổ chức, cá nhân quản lý.

- Có thời gian mở cửa phù hợp cho việc mua sắm hàng ngày của người dân.

- Có diện tích kinh doanh từ 200 m2 và có bãi để xe với quy mô phù hợp.

- Danh mục hàng hóa kinh doanh từ 500 tên hàng trở lên.

- Công trình kiến trúc được xây dựng vững chắc, có thiết kế và trang bị k thuật đảm bảo các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn môi trường, an toàn, thuận tiện cho khách hàng; có bố trí điểm hoặc phương án trông giữ xe và khu vệ sinh phù hợp cho khách hàng.

- Có kho và các thiết bị k thuật cần thiết phục vụ cho bảo quản hàng hóa (tủ đông, tủ mát...); cho đóng gói, bán hàng (kệ, giá, giỏ, móc treo...); cho thanh toán và quản lý kinh doanh (thiết bị và phần mềm quản lý...).

- Tổ chức, b trí hàng hóa theo ngành hàng, nhóm hàng một cách văn minh, khoa học để phục vụ khách hàng lựa chọn, mua sắm, thanh toán thuận tiện, nhanh chóng; có nơi bảo quản hành lý cá nhân.

- Các hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại siêu thị mini không thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo đáp ứng theo quy định của pháp luật hiện hành.

1.2.2. Cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp là loại hình cơ sở bán lẻ quy mô nhỏ; kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân, đáp ứng yêu cầu:

- Có bảng hiệu thể hiện tên cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp, địa chỉ và số điện thoại liên hệ với đại diện tổ chức quản lý.

- Có thời gian mở cửa phù hợp cho việc mua sắm hàng ngày của người dân.

- Có diện tích kinh doanh tối thiểu từ 50 m2 trở lên và có nơi để xe với quy mô phù hợp.

- Danh mục hàng hóa kinh doanh từ 200 tên hàng trở lên.

- Có bố trí quầy hoặc khu vực phù hợp để trưng bầy hoặc bán hàng hóa nông sản của địa phương.

- Công trình kiến trúc được xây dựng vững chắc, đảm bảo các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn môi trường, an toàn, thuận tiện cho khách hàng.

- Có trang thiết bị cần thiết (tủ đông, tủ mát, kệ, giá...) để bảo quản hàng hóa và đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng.

- Tổ chức, bố trí hàng hóa một cách văn minh, khoa học thuận tiện cho khách hàng lựa chọn, mua sắm và thanh toán.

- Các hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp không thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo đáp ứng theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Đánh giá tiêu chí

2.1. Đối với xã có cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn

Xã được công nhận đạt Tiêu chí 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn khi đáp ứng một trong các nội dung sau:

2.1.1. Có chợ nông thôn trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đạt chuẩn theo quy định.

2.1.2. Có siêu thị mini hoặc cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp đạt chuẩn theo quy định.

2.2. Đối với xã chưa có hoặc không có cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn

Trường hợp xã có cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng do nhu cầu thực tế chưa cần đầu tư xây dựng hoặc xã không có cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong quy hoạch thì sẽ không xem xét tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.

Điều 13. Đánh giá Tiêu chí 8 về bưu điện

1. Phương pháp đánh giá

1.1. Tiểu mục 8.1 - Xã có điểm phục vụ bưu chính

Xã có điểm phục vụ bưu chính được đánh giá đạt khi xã có ít nhất 01 điểm phục vụ bưu chính đáp ứng được các điều kiện sau:

- Về cơ sở vật chất: Có mặt bằng, trang thiết bị để cung ứng dịch vụ; có treo biển tên điểm phục vụ; niêm yết giờ mở cửa phục vụ và các thông tin về dịch vụ bưu chính cung ứng tại điểm phục vụ; thời gian mờ cửa phục vụ phải đảm bảo tối thiểu 4 giờ/ngày làm việc.

- Về dịch vụ: Tại điểm phục vụ phải đảm bảo cung cấp các dịch vụ: Dịch vụ thư có địa chỉ nhận, khối lượng đơn chiếc đến 02 kg; dịch vụ gói, kiện hàng hóa có khối lượng đơn chiếc đến 05 kg.

1.2. Tiểu mục 8.2 - Xã có dịch vụ viễn thông, Internet

Xã có dịch vụ viễn thông, Internet được đánh giá đạt khi đáp ứng được các điều kiện sau:

- Tất cả các thôn trên địa bàn xã có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng ít nhất một trong hai loại dịch vụ: Điện thoại cố định mặt đất hoặc điện thoại di động mặt đất và ít nhất một trong hai loại dịch vụ truy nhập Internet băng rộng: cố định mặt đất (dịch vụ ADSL/FTTH) hoặc trên mạng viễn thông di động mặt đất (dịch vụ 3G/4G).

- Trường hợp chưa đáp ứng được điều kiện ở trên thì trên địa bàn xã phải có ít nhất 01 điểm phục vụ dịch vụ viễn thông công cộng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ điện thoại và dịch vụ truy nhập Internet.

- Dịch vụ viễn thông, Internet trên địa bàn xã phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

1.3. Tiểu mục 8.3 - Xã có Đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn

Xã có Đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn được đánh giá đạt khi đáp ứng được các điều kiện sau:

- Có Đài truyền thanh hữu tuyến hoặc vô tuyến được thiết lập đáp ứng các quy định về thiết bị truyền thanh, phát xạ vô tuyến điện, tương thích điện từ và sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền ban hành.

- Có ít nhất 2/3 số thôn trong xã có hệ thống loa hoạt động.

1.4. Tiểu mục 8.4 - Xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành

Xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành được đánh giá đạt đáp ứng được các điều kiện sau:

- Về cơ sở vật chất: Xã có máy vi tính phục vụ công tác của cán bộ, công chức, với hệ số máy vi tính/số cán bộ, công chức của xã đạt tối thiểu là 0,5; cơ quan Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã có máy vi tính kết nối Internet băng rộng.

- Về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành: Xã sử dụng thường xuyên tối thiểu 02 trong các phần mềm sau:

+ Mạng Văn phòng điện tử liên thông;

+ Hệ thống thư điện tử của tỉnh;

+ Hệ thống hành chính công điện tử;

+ Cổng/Trang thông tin điện tử có chức năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 2 của xã.

2. Đánh giá tiêu chí

Xã hoàn thành Tiêu chí 8 về bưu điện phải đạt yêu cầu nội dung theo tiểu mục đánh giá tại Tiểu mục 8.1 đến Tiểu mục 8.4 của Tiêu chí 8.

Điều 14. Đánh giá Tiêu chí 9 về nhà ở dân cư

1. Phương pháp đánh giá

1.1. Tiu mục 9.1 - Trên địa bàn xã không còn hộ gia đình ở nhà tạm, nhà dột nát

Nhà tạm, nhà dột nát là loại nhà xây dựng bằng các vật liệu tạm thời, dễ cháy, dễ sập, có niên hạn sử dụng dưới 5 năm hoặc không đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng), thiếu diện tích ở, bếp, nhà vệ sinh theo quy định, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

1.2. Tiểu mục 9.2 - Tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định

Nhà ở nông thôn đạt chuẩn Bộ Xây dựng được đánh giá đạt khi tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định từ 90% trở nên, phải đảm bảo các yêu cầu sau:

1.2.1. Nhà ở nông thôn phải đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng). Các bộ phận nền, khung, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy; cụ thể:

- “Nền cứng” là nền nhà làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: Vữa xi màng - cát, bê tông, gạch lát, gỗ.

- “Khung cứng” bao gồm hệ thống khung, cột, tường kể cả móng đỡ. Tùy điều kiện cụ thể, khung, cột được làm từ các loại vật liệu: Bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; tường xây gạch/đá hoặc làm từ gỗ bền chắc; móng làm từ bê tông cốt thép hoặc xây gạch/đá.

- “Mái cứng” gồm hệ thống đỡ mái và mái lp. Tùy điều kiện cụ thể, hệ thống đỡ mái có thể làm từ các loại vật liệu: Bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói hoặc lợp bằng các tấm lp có chất lượng tốt như tôn, fibro xi măng.

- Căn cứ vào điều kiện thực tế, các bộ phận nhà ở (bao gồm: nền, khung, mái) có thể làm bằng các loại vật liệu địa phương có chất lượng tương đương (như: tranh, cói, dừa nước...), đảm bảo thời hạn sử dụng theo quy định tại điểm 1.2.3, khoản 1.2 của tiểu mục này. Các địa phương quy định chủng loại vật liệu địa phương cụ thể.

1.2.2. Diện tích ở tối thiểu đạt từ 14m2/người trở lên; diện tích tối thiểu một căn nhà từ 24m2 trở lên; đối với hộ đơn thân, diện tích tối thiểu một căn nhà từ 18m2 trở lên.

1.2.3. Niên hạn sử dụng công trình nhà ở từ 20 năm trở lên; đối với nhà ở đã, đang thực hiện hỗ trợ theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì niên hạn sử dụng lấy theo quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đó.

1.2.4. Các công trình phụ trợ (bếp, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi...) phải được bố trí đảm bảo vệ sinh, thuận tiện cho sinh hoạt; kiến trúc, mẫu nhà ở phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống của từng địa phương.

2. Đánh giá tiêu chí

Xã hoàn thành Tiêu chí 9 về nhà ở nông thôn phải đạt yêu cầu nội dung theo tiểu mục đánh giá tại Tiểu mục 9.1 và Tiểu mục 9.2 của Tiêu chí 9.

Điều 15. Đánh giá Tiêu chí 10 về thu nhập

1. Phương pháp đánh giá

1.1. Mức thu nhập bình quân đầu người/năm của từng năm trong giai đoạn 2017 - 2020 cụ thể như sau:

Nội dung

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn (triệu đồng/người)

≥37

≥41

≥45,5

≥50

1.2. Phương pháp tính thu nhập bình quân đu người/năm

1.2.1. Khái niệm, phương pháp tính

Thu nhập bình quân đầu người/năm của xã được tính bng cách chia tổng thu nhập của nhân khẩu thực tế thường trú (NKTTTT) của xã trong năm cho số NKTTTT của xã trong năm, theo công thức sau đây:

Thu nhập bình quân đầu người/năm của xã

=

Tổng thu nhập của NKTTTT của xã trong năm

NKTTTT của xã trong năm

* Thu nhập của nhân khẩu thực tế thường trú của xã

Thu nhập của NKTTTT của xã là toàn bộ số tiền và giá trị hiện vật sau khi trừ chi phí sản xuất mà NKTTTT của xã nhận được trong 1 năm, bao gồm:

- Thu nhập từ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản;

- Thu nhập từ sản xuất phi nông, lâm nghiệp, thủy sản;

- Thu từ tiền công, tiền lương;

- Thu khác được tính vào thu nhập (được cho, biếu, mừng, giúp từ người không phải là NKTTTT của xã; lãi tiết kiệm; các khoản cứu trợ, hỗ trợ mà hộ trực tiếp nhận được bằng tiền hoặc hiện vật, ...).

Thu nhập của NKTTTT của xã không bao gồm các khoản thu khác không được tính vào thu nhập, như tiền rút tiết kiệm, thu nợ cho vay, bán tài sản, vay nợ, tạm ứng và các khoản chuyển nhượng vốn nhận được do liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh,...

* Nhân khẩu thực tế thường trú

NKTTTT của xã trong năm (tính đến 31/12): Là những người thực tế thường xuyên cư trú tại hộ tính đến thời điểm 31/12 đã được 6 tháng trở lên và những người mới chuyển đến n đnh tại hộ, không phân biệt họ đã được đăng ký hộ khu thường trú tại xã đang ở hay chưa; cụ thể NKTTTT tại hộ bao gồm:

- Người vẫn thường xuyên ăn tại hộ tính đến thời điểm 31/12 đã được 6 tháng trở lên.

- Người mới chuyển đến ở ổn định tại hộ và những trẻ em mới sinh trước thời điểm 31/12; không phân biệt họ đã có hay không có giy tờ pháp lý chứng nhận sự di chuyển đó.

- Người “tạm vng” bao gồm:

+ Người đi nghỉ hè, nghỉ lễ, đi công tác, đi du lịch, dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn, đi chữa bệnh, v.v...;

+ Người đang bị tạm giữ;

+ Người ri gia đình đi làm ăn ở nơi khác tính đến thời đim 31/12 chưa đủ 6 tháng (nếu đủ 6 tháng trở lên thì được tính tại nơi đang ở).

1.2.2. Phạm vi tính toán

- Chỉ tính thu nhập do NKTTTT của xã tạo ra, bất kể những người này làm việc và sản xuất kinh doanh trong hay ngoài địa bàn xã, không tính thu nhập của người ngoài xã đến làm việc và sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã.

- Không tính vào thu nhập cho NKTTTT của xã:

Các khoản tiền hoặc hiện vật được chuyển nhượng, chi trả trong nội bộ dân cư của xã, trừ các khoản đã được tính vào chi phí sản xuất.

Các khoản thu vào để chi chung của xã như: Thu để đầu tư xây dựng các công trình, thực hiện các chương trình chung; thu vào ngân sách của xã... mà hộ không trực tiếp được nhận.

1.2.3. Thời điểm, thời kỳ thu thập số liệu

- Thời điểm thu thập số liệu: Số liệu về thu nhập được thu thập và báo cáo trong quý I năm sau năm báo cáo.

- Thời kỳ thu thập số liệu: Số liệu về thu nhập được thu thập trong thời kỳ 1 năm tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo.

Ghi chú: Nếu thời kỳ thu thập s liệu không trùng với năm dương lịch thì thu thập số liệu trong 12 tháng qua tính từ thời điểm thu thập trở về trước.

1.3. Tính thu nhập của toàn xã theo công thức sau:

1.3.1. Thu nhập của toàn xã = Tổng thu toàn xã - Tổng chi phí sản xuất kinh doanh trong xã. Thu nhập toàn xã là chỉ tiêu phản ảnh toàn bộ giá trị bằng tiền và bằng hiện vật của các thành viên trong toàn xã là NKTTTT thu được trong 01 năm, bao gồm:

a) Thu từ tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương: Thu nhập từ tiền lương, phụ cấp theo lương và các khoản thu nhập khác ngoài lương của cán bộ, công nhân, viên chức là NKTTTT của xã đang làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp trong và ngoài xã.

b) Giá trị tiền công của những người đi làm thuê cho người khác: Thu nhập từ tiền công của những người lao động là NKTTTT của xã làm thuê các công việc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,... cho các đơn vị, cá nhân ngoài xã được họ trả công bằng tiền hoặc hiện vật.

c) Thu từ không sản xuất:

- Các loại trợ cấp xã hội cho các đối tượng chính sách (người già cả cô đơn, gia đình liệt s, thương, bệnh binh,...), trợ cấp mất sức, trợ cấp mất việc làm;

- Tiền và hiện vật cho, biếu, mừng, giúp của người thân từ ngoài xã gửi cho các thành viên trong xã;

- Tiền thu từ cho người ngoài xã thuê (đất, nhà, tài sản, máy móc); tiền thu được từ lãi tiết kiệm ngân hàng, tiền cổ tức của tập thể và cá nhân trong xã;

- Tiền ủng hộ nhân đạo, từ thiện hoặc đóng góp tự nguyện từ ngoài xã cho tập thể và cá nhân trong xã.

d) Các khoản thu khác được tính vào thu nhập gồm:

- Lương hưu của cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội, công an đang nghỉ chế độ hưởng bảo hiểm xã hội tại xã;

- Các khoản trợ cấp xã hội cho các đối tượng chính sách (người già cả, cô đơn, gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh, chất độc da cam), trợ cấp mất sức, trợ cấp mất việc làm;

- Tiền, hiện vật từ trong nước và nước ngoài gửi về cho các thành viên trong xã; tiền và hiện vật do người từ ngoài xã đóng góp tự nguyện cho các công trình phúc lợi công cộng của xã; lãi tiền gửi tiết kiệm; lợi tức thu được từ góp vốn; tiền cho thuê tài sản, nhà ở, đất đai....

đ) Thu từ sản xuất kinh doanh (trừ đi: chi phí vật chất; chi công lao động thuê ngoài xã; chi khấu hao tài sản cố định; chi thuê máy móc và phương tiện làm việc của người ngoài xã; chi thuế sản xuất kinh doanh nếu có; các khoản chi khác liên quan đến sản xuất kinh doanh).

e) Thu từ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản:

- Trồng trọt gồm: Rau màu vụ Đông Xuân, lúa chiêm, rau màu hè thu và lúa mùa, các loại cây khác tính phần sản lượng thu hoạch được trong 12 tháng (không tính sản phẩm dở dang chưa thu hoạch). Chi phí trồng trọt chỉ tính chi phí trên sản phẩm đã thu hoạch, không tính chi phí cho sản phẩm chưa được thu hoạch (Các khoản chi phí gồm: Chi về giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...).

- Chăn nuôi tính theo năm dương lịch, bao gồm: Trọng lượng thịt hơi xuất chuồng của gia súc, gia cầm, chăn nuôi khác đã bán, giết và trứng gia cầm, mật ong thu được trong 12 tháng (không tính sn phẩm dở dang còn đang nuôi). Chi phí sản xuất chăn nuôi chỉ tính chi cho những sản phẩm đã bán giết (không tính chi cho sản phẩm d dang); chi phí về chăn nuôi gồm (giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...).

- Thủy sản tính theo năm dương lịch, bao gồm: Sản lượng nuôi trồng và đánh bắt được trong 12 tháng. Chi phí cũng chỉ được tính chi cho những sản phẩm đã thu hoạch (không tính cho sản phẩm còn đang nuôi);

- Dịch vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản tính theo năm dương lịch, bao gồm: Giá trị tiền thu từ dịch vụ làm đất, gieo cấy, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch, thụ tinh gia súc,... cho ngoài xã trong 12 tháng (không tính các dịch vụ làm trên địa bàn xã). Chi phí chỉ tính cho phần đi làm ngoài xã.

Lưu ý: Tất cả giá trị thu nhập được tính theo giá thực tế tại địa phương bình quân 12 tháng. Nếu địa phương không có giá thực tế bình quân 12 tháng thì tính theo giá thực tế bình quân của địa phương tại thời đim, do Cục Thng kê tỉnh cung cấp từ cuộc điều tra giá hàng tháng.

g) Thu từ sản xuất kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và thủy sản được tính theo năm dương lịch (từ 01/01 đến hết ngày 31/12 năm báo cáo) bao gồm:

- Thu từ sản xuất công nghiệp chỉ tính doanh thu cho cơ sở hạch toán độc lập trên địa bàn xã; các cơ sở gia công cho các cơ sở khác ngoài xã chỉ tính giá trị tiền công, không tính giá trị nguyên vật liệu; cá nhân làm thuê trong các đơn vị sản xuất công nghiệp ngoài xã đưa vào mục thu từ tiền công, tiền lương; các cơ sở gia công cho các đơn vị khác trong xã không phải tính;

- Thu từ xây dựng chỉ tính doanh thu cho các chủ cai thầu hoặc người đứng nhận công trình xây dựng hoặc sửa chữa có hạch toán chi phí sản xuất; doanh thu và chi phí xây dựng được hạch toán theo hạng mục công trình hoàn thành. Tiền công của những người đi làm thuê cho chủ thầu hoặc người đứng nhận công trình được ghi vào mục tiền công;

- Doanh thu từ Thương mại (bán hàng) không được tính giá trị vốn hàng hóa; chi phí thương mại gồm: Phí lưu thông, khấu hao tài sản cố định hoặc tiền thuê cửa hàng, các khoản thuế và lệ phí, trả lãi tiền vay, chi khác;

- Thu từ vận tải và dịch vụ khác (Y tế, giáo dục, tài chính tín dụng, hoạt động văn hóa, kinh doanh bất động sản,...) được hạch toán như ngành công nghiệp. Nếu xã không có các khoản chi phí thực tế thì tính theo hệ số chung của tỉnh từ điều tra IO của ngành thống kê.

1.3.2. Chi phí sản xuất kinh doanh:

- Chi phí vật chất: Chỉ tính những loại phải mua từ ngoài xã (không tính những loại tự sản xuất ra từ trong phạm vi của xã, ví dụ: Phân gia súc, gia cầm từ chăn nuôi dùng để trồng trọt; thóc gạo từ trồng trọt dùng để gieo mạ, chăn nuôi hoặc làm bún, bánh,...;

- Chi công lao động thuê ngoài: Chỉ tính trả công lao động thuê người từ ngoài xã (không tính công thuê người trong xã);

- Chi khấu hao tài sản cố định: Khấu hao các loại máy móc thiết bị, nhà xưởng, kho tàng, phương tiện vận tải,... có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đang phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành viên trong xã;

- Chi thuê máy móc và phương tiện làm việc của các đơn vị cá nhân đang hoạt động sản xuất kinh doanh, do không có đủ máy móc và phương tiện phải đi thuê từ ngoài xã (không tính thuê trong phạm vi xã);

- Chi thuế, các khoản lệ phí và bảo hiểm sản xuất (nếu có) phải nộp cho nhà nước, hợp tác xã do sản xuất kinh doanh của cá nhân, đơn vị trong xã.

1.4. Dân số trung bình của xã được tính theo công thức sau:

NKTTTT trung bình của xã (người)

=

Số dân đầu năm (01/01) + số dân cuối năm (31/12)

2

Ghi chú: Nguồn số liệu để tính dân số trung bình lấy từ Niên giám thống kê hàng năm cấp tỉnh, cấp huyện.

1.5. Tính thu nhập bình quân đầu người (TNBQ) 01 năm của xã theo công thức:

Thu nhập bình quân đầu người/năm của xã

=

Thu nhp của NKTTTT của toàn xã trong năm

NKTTTT của xã trong năm

2. Đánh giá tiêu chí

- Xã đạt Tiêu chí 10 về thu nhập khi có thu nhập bình quân đầu người đạt mức quy định theo năm cụ thể trong giai đoạn 2017 - 2020 tại Quy định này.

- Xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn hàng năm căn cứ kết quả tính thu nhập bình quân đầu người của xã trong 12 tháng tính từ thời điểm thu thập thông tin trở về trước.

- Xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đợt tháng 6 hàng năm, lấy mức thu nhập bình quân đầu người quy định cho năm trước đó liền kề để đánh giá cho 6 tháng đầu năm của năm đánh giá.

Điều 16. Đánh giá Tiêu chí 11 về tỷ lệ hộ nghèo

1. Phương pháp đánh giá

- Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí “Hộ nghèo” khi có tỷ lệ hộ nghèo của xã theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 (tại thời điểm xét duyệt) qua điều tra, rà soát định kỳ hằng năm bằng hoặc dưới mức 2% trả xuống.

- Tỷ lệ hộ nghèo của xã được tính bằng cách chia tổng số hộ nghèo của xã (không bao gồm các hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách bảo trợ xã hội) được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận sau các cuộc điều tra, rà soát định kỳ hằng năm trên địa bàn xã cho tổng số hộ dân cư trên địa bàn xã (không bao gồm các hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách bảo trợ xã hội) theo công thức sau đây:

Tỷ lệ hộ nghèo của xã

=

Tổng số hộ nghèo của xã
(đã trừ số hộ nghèo bảo trợ xã hội)

x

100%

Tổng số hộ dân cư của xã
(đã trừ số hộ nghèo bảo trợ xã hội)

Trong đó: Hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là hộ có ít nhất một thành viên trong hộ là đối tượng đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật và các thành viên khác trong hộ không có khả năng lao động, qua điều tra, rà soát hằng năm ở cơ sở đáp ứng các tiêu chí về xác định hộ nghèo và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận, phân loại là hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội.

Trường hợp hộ nghèo phát sinh và hộ thoát nghèo của xã trong năm sẽ do xã rà soát, quyết định công nhận theo các nội dung hướng dẫn quy định tại Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 (hoặc các Thông tư, văn bản sửa đổi, bổ sung khác nếu có) làm căn cứ để xác định mức độ đạt tiêu chí “Hộ nghèo” của xã.

- Danh sách hộ nghèo của xã do ngành Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát danh sách hàng năm và công bố.

- Trên cơ sở danh sách, tổng số hộ nghèo của xã kỳ trước trừ đi số hộ thoát nghèo và cộng với số hộ nghèo phát sinh mới (nếu có) để tỉnh tỷ lệ hộ nghèo ở kỳ báo cáo theo quy định.

2. Đánh giá tiêu chí: Xã đạt chuẩn về Tiêu chí 11 về hộ nghèo khi có tỷ lệ hộ nghèo của xã theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2017 - 2020 (tại thời điểm xét duyệt) qua điều tra, rà soát bằng hoặc dưới 2% trở xuống.

Điều 17. Đánh giá Tiêu chí 12 về lao động có việc làm

1. Phương pháp đánh giá

1.1. Tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động

Lao động có việc làm trong độ tuổi lao động của xã là số người trong độ tuổi lao động có tên trong sổ hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú của xã, trong thời gian tham chiếu có làm bất cứ việc gì (không bị pháp luật cấm) từ 01 giờ trở lên để tạo ra các sản phẩm hàng hóa hoặc cung cấp các dịch vụ nhằm mục đích tạo thu nhập cho bản thân và gia đình.

Người có việc làm bao gồm cả những người không làm việc trong tuần nghiên cứu nhưng đang có một công việc và vẫn gắn bó chặt chẽ với công việc đó (vẫn được trả lương/công trong thời gian không làm việc hoặc chắc chắn sẽ quay trở lại làm sau thời gian không quá 01 tháng).

Ngoài ra, những trường hợp cụ thể sau đây cũng được coi là người có việc làm:

- Người làm việc để nhận tiền lương, tiền công hay lợi nhuận nhưng đang tham gia các hoạt động tập huấn, đào tạo hoặc các hoạt động nâng cao kỹ năng do yêu cầu của công việc trong đơn vị;

- Người học việc, tập sự (kể cả bác sĩ thực tập) làm việc và có nhận được tiền lương, tiền công;

- Người làm việc trong các hộ/cơ sở kinh tế của chính họ để sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa và cung cấp dịch vụ;

- Sinh viên/học sinh/người nghỉ hưu trong thời gian tham chiếu có làm một công việc từ 01 giờ trở lên để tạo thu nhập;

- Người đang tìm kiếm việc làm nhưng trong thời kỳ tham chiếu có làm một công việc từ 01 giờ trở lên để tạo thu nhập;

- Người đăng ký hoặc người nhận bảo hiểm thất nghiệp nhưng trong thời kỳ tham chiếu có làm một công việc từ 01 giờ trở lên để tạo thu nhập;

- Người làm việc vì mục đích tiền công, tiền lương hoặc lợi nhuận nhưng các khoản tiền lương, tiền công và lợi nhuận đó có thể không trả trực tiếp cho họ mà được tích lũy vào thu nhập chung của gia đình họ, bao gồm:

+ Người làm việc trong các đơn vị kinh doanh được tổ chức bởi một thành viên gia đình đang sống cùng hộ hoặc khác hộ;

+ Người thực hiện các phần việc, nhiệm vụ của một công việc làm công ăn lương được tổ chức bi một thành viên gia đình đang sống cùng hộ hoặc khác hộ.

1.2. Cách đánh giá

Tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động là t lệ phần trăm giữa tổng số người có việc làm trong độ tuổi lao động so với tổng dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động, tỷ lệ lao động có việc làm theo công thức sau đây:

Tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động (%)

=

 

Số người có việc làm trong độ tuổi lao động

x

 

100%

 

Dân s trong độ tui lao động có khả năng tham gia lao động

2. Đánh giá tiêu chí

Xã đạt chuẩn về Tiêu chí 12 lao động có việc làm khi có tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động đạt từ 90% trở lên.

Điều 18. Đánh giá Tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất

1. Phương pháp đánh giá

1.1. Tiểu mục 13.1 - Xã có hợp tác xã hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012

Xã có hợp tác xã hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 được đánh giá đạt khi có ít nhất 01 hợp tác xã trên địa bàn xã đạt các yêu cầu sau:

- Tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012;

- Có ít nhất 01 loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu phục vụ thành viên hợp tác xã;

- Kinh doanh có lãi liên tục trong 02 năm tài chính gần nhất hoặc 01 năm tài chính đối với hợp tác xã mới thành lập dưới 02 năm;

- Tham gia vào chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực và có hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

1.2. Tiểu mục 13.2 - Xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững

Xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững được đánh giá đạt khi:

- Trên địa bàn xã có mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực dựa trên hợp đồng liên kết ổn định tối thiểu là một (01) chu kỳ sản xuất đối với cây lâm nghiệp, hai (02) chu kỳ thu hoạch đối với các sản phẩm khác và được sản xuất theo quy trình và chất lượng thống nhất giữa các bên tham gia liên kết.

- Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã là sản phẩm phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, người dân có kinh nghiệm sản xuất, gần thị trường lớn... để cho ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, có diện tích sản xuất (đối với trồng trọt, lâm nghiệp), quy mô đàn, sản lượng (đối với chăn nuôi, thủy sản) lớn và gắn với hoạt động sinh kế của đa số người dân trong xã; hoặc có hiệu quả kinh tế cao (gấp tối thiểu 1,5 lần sản phẩm đại trà khác của xã) và có tiềm năng mở rộng.

- Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã phải phù hợp với quy hoạch hoặc định hướng tái cơ cấu nông nghiệp của xã.

- Báo cáo về mô hình liên kết phải xác định rõ: Tên mô hình, chủ thể tổ chức thực hiện mô hình (hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác ....), sản phẩm chủ lực của mô hình, phương thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản của mô hình, diện tích sản xuất (đối với trồng trọt), quy mô đàn, sản lượng (đối với chăn nuôi, thủy sản), số hộ nông dân tham gia mô hình; đánh giá hiệu quả kinh tế so sánh với sản phẩm đại trà khác, đánh giá tiềm năng mở rộng và sự phù hợp với quy hoạch hoặc định hướng tái cơ cấu nông nghiệp của xã.

1.3. Tiểu mục 13.3 - Hệ thng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã được kiểm soát

Hệ thống thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã được kiểm soát được đánh giá đạt khi chính quyền cấp xã thực hiện thường xuyên công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở cung ứng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.

2. Đánh giá tiêu chí

Xã đạt Tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất phải đạt yêu cầu nội dung theo tiu mục đánh giá tại Tiểu mục 13.1, Tiểu mục 13.2 và Tiểu mục 13.3 của Tiêu chí 13.

Điều 19. Đánh giá Tiêu chí 14 về giáo dục và đào tạo

1. Phương pháp đánh giá

1.1. Tiểu mục 14.1 - Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở được đánh giá đạt khi xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiu học mức độ 2, đạt chuẩn ph cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1.2. Tiểu mục 14.2 - Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp)

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp) được đánh giá đạt khi tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học đạt ≥ 90%.

Đạt tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề theo quy định. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) giữa số học sinh tiếp tục học trên tổng số học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở.

1.3. Tiểu mục 14.3 - Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo

Tỷ lệ lao động qua đào tạo được đánh giá đạt khi có tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo bằng hoặc cao hơn 45%.

Trong đó:

- Lao động có việc làm qua đào tạo là người từ đủ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã tham gia các chương trình giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, sau đại học và được cấp văn bằng, chứng chỉ.

- Những loại văn bằng, chứng chỉ mà người học đã đạt được, như sau:

+ Bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học, gồm: Bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bng tiến sĩ.

+ Bằng tốt nghiệp cao đẳng, gồm: Bằng tốt nghiệp cao đẳng (theo Luật Giáo dục năm 1998), bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề (theo Luật Dạy nghề năm 2006), bằng tốt nghiệp cao đẳng (theo Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014).

+ Bằng tốt nghiệp trung cấp, gồm: Bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp (theo Luật Giáo dục năm 1998), bằng tốt nghiệp trung cấp nghề (theo Luật Dạy nghề năm 2006), bằng tt nghiệp trung cấp (theo Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014).

+ Các loại văn bằng khác được cấp cho người học, gồm: Bằng tốt nghiệp công nhân kỹ thuật dài hạn, bằng tốt nghiệp công nhân kỹ thuật ngắn hạn, bằng nghề, bng trung học nghề.

+ Chứng chỉ, gồm: Chứng chỉ, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ nghề, chứng chỉ sơ cấp nghề, chứng chỉ sơ cấp.

- Đối tượng, phạm vi thống kê: Thống kê số người từ đủ 15 tuổi trở lên có hộ khẩu thường trú, đang có việc làm trên địa bàn xã; thống kê trong số người từ đủ 15 tuổi trở lên có hộ khẩu thường trú, đang có việc làm trên địa bàn xã, đã được cấp văn bằng, chứng chỉ. Đối với người được cấp nhiều văn bng, chứng chỉ ở các trình độ khác nhau thì chỉ thống kê theo một văn bằng, chứng chỉ ở trình độ cao nht.

- Phương pháp tính toán: Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo được tính toán theo công thức sau:

số người từ đủ 15 tuổi trở lên có hộ khẩu thường trú, đang có việc làm trên địa bàn xã và đã được cấp văn bằng, chứng chỉ

x 100%

s người từ đủ 15 tui trở lên có hộ khu thường trú, đang có việc làm trên địa bàn xã

2. Cách tính điểm

- Nếu đạt yêu cầu từng nội dung theo tiểu mục đánh giá thì chấm điểm đạt;

- Nếu chưa đạt yêu cầu từng nội dung theo tiểu mục đánh giá thì chấm 0 (không) điểm.

3. Đánh giá tiêu chí

Xã đạt Tiêu chí 14 về giáo dục và đào tạo phải đạt yêu cầu nội dung theo tiểu mục đánh giá tại Tiểu mục 14.1, Tiểu mục 14.2 và Tiểu mục 14.3 của Tiêu chí 14.

Điều 20. Đánh giá Tiêu chí 15 về y tế

1. Phương pháp đánh giá

1.1. Tiểu mục 15.1 - Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế là tỷ lệ người dân thường trú trên địa bàn xã tham gia tất cả loại hình bảo hiểm y tế. Tỷ lệ này được tính theo quy định tại điểm 2, mục II hệ thống các biểu mẫu thống kê hoạt động của Bảo hiểm y tế được ban hành kèm theo Quyết định số 3781/QĐ-BYT ngày 12/10/2009 của Bộ Y tế. Tỷ lệ này được tính theo công thức:

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT)

=

Tổng số người tham gia bảo hiểm y tế

x

100%

Tng s dân trong xã

Số liệu của Ủy ban nhân dân xã cần phải cung cấp đầy đủ báo cáo số liệu điều tra của từng thôn, có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã; tỷ lệ người dân tham gia BHYT được đánh giá đạt khi tỷ lệ người dân tham gia BHYT ≥ 85% mới đạt nội dung này.

1.2. Tiểu mục 15.2 - Xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế

Xã được đánh giá đạt khi Trạm Y tế được xây mới có quy mô 10 phòng chức năng đạt chuẩn quốc gia đảm bảo các tiêu chí theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ Y tế về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia y tế xã giai đoạn đến năm 2020; trường hợp khó khăn thì đầu tư xây mới giai đoạn 1 là 06 phòng, còn lại tận dụng một số phòng chức năng đã có để đạt tổng số 10 phòng

Xã được đánh giá đạt nội dung này là xã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đạt chuẩn quốc gia y tế xã giai đoạn đến năm 2020.

1.3. Tiểu mục 15.3 - Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi)

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) là số trẻ em dưới 5 tuổi có chiều cao thấp hơn chiều cao trung bình của trẻ cùng nhóm tui tính bình quân trên 100 trẻ cùng nhóm tui trong thời đim điều tra, được đánh giá theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2006. Tỷ lệ này được tính theo công thức:

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều theo tuổi)

=

Tổng số trẻ em <5 tuổi trong xã có chiều cao thấp hơn chiều cao trung bình của trẻ trong thời điểm đánh giá

x

100%

Tng s trẻ cùng nhóm tui của xã trong cùng thời điểm

Xã phải có đầy đủ sổ sách, kế hoạch tổng thể về cân trẻ, kết quả cân trẻ tại từng thôn và báo cáo kết quả của cả đợt. Xã được đánh giá đạt nội dung này là xã có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tui) ≤ 13,9%.

2. Đánh giá tiêu chí

Xã đạt Tiêu chí 15 về y tế phải đạt yêu cầu nội dung theo tiểu mục đánh giá tại Tiểu mục 15.1, Tiểu mục 15.2 và Tiểu mục 15.3 của Tiêu chí 15.

Điều 21. Đánh giá Tiêu chí 16 về văn hóa

1. Phương pháp đánh giá

1.1. Thôn văn hóa được đánh giá đạt khi xã có từ 70% trở lên số thôn đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa.

1.2. Phương pháp tính điểm theo công thức sau:

Tỷ lệ thôn, làng đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa (%)

=

Số thôn đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa

x

100

Tng s thôn của xã

2. Đánh giá tiêu chí

Xã được công nhận đạt Tiêu chí 16 về văn hóa phải đạt yêu cầu khi xã có từ 70% trở lên số thôn đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa.

Điều 22. Đánh giá Tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm

1. Phương pháp đánh giá

1.1. Tiểu mục 17.1 - Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hp vệ sinh và nước sạch theo quy định

Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định, được đánh giá đạt khi tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh ≥98% nước hợp vệ sinh (≥70% nước sạch) trở lên tỷ lệ hộ gia đình trong xã được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch, bao gồm các nội dung sau:

1.1.1. Nước hợp vệ sinh: Là nước sử dụng trực tiếp hoặc sau lọc thoả mãn các điều kiện: Trong, không màu, không mùi, không vị. Ngoài ra cần kết hợp với những quan sát theo hướng dẫn dưới đây:

- Nước máy hp vệ sinh là nước từ các công trình cấp nước tập trung (tự chảy, bơm dẫn) có hệ thống đường ống cung cấp nước cho nhiều hộ gia đình thỏa mãn điều kiện: Trong, không màu, không mùi, không vị.

- Giếng đào hợp vệ sinh: Giếng đào phải nằm cách nhà tiêu, chuồng gia súc hoặc nguồn gây ô nhiễm khác ít nhất 10 m. Thành giếng cao tối thiểu 0,6 m được xây bằng gạch, đá và thả ống buy sâu ít nhất 3 m kể từ mặt đất. Sân giếng phải làm bằng bê tông hoặc lát gạch, đá, không bị nứt nẻ.

- Giếng khoan hợp vệ sinh: Giếng khoan phải nằm cách nhà tiêu, chuồng gia súc hoặc nguồn gây ô nhiễm khác. Sân giếng phải làm bằng bê tông hoặc lát gạch, đá, không bị nứt nẻ.

- Các nguồn nước hợp vệ sinh khác: Nước mặt, nước mưa và nước mạch lộ hợp vệ sinh.

Khuyến cáo: Nước mưa thu hứng từ mái fibro xi măng có chất amiăng, khi sử dụng có nguy cơ gây bệnh ung thư, do đó khuyến cáo không được dùng cho ăn uống và không được xếp vào loại nước hợp vệ sinh.

1.1.2. Nước sạch (cũng là nước hợp vệ sinh): Là nước đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định tại QCVN 07-1:2016/BXD Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật Công trình cấp nước.

1.1.3. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) giữa s hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định trên tổng số hộ dân của xã tại cùng thời điểm đánh giá.

1.2. Tiểu mục 17.2 - Tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường

Tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường được đánh giá đạt khi 100% các cơ sở sản xuất - kinh doanh, cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn (bao gồm cả các cơ sở trong làng nghề) được hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, bao gồm các nội dung sau:

1.2.1. Có đầy đủ hồ sơ, thủ tục về môi trường, bao gồm:

- Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc Đề án bảo vệ môi trường đơn giản hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc hồ sơ tương đương (trừ cơ sở thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục IV Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường) hoặc Báo cáo về các biện pháp bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục I Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

- Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, Giấy phép khai thác, xả thải nước thải vào nguồn nước và các giấy phép có liên quan trong trường hợp thuộc các đối tượng quy định tại các văn bản pháp luật;

- Phương án bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định tại Chương V Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

1.2.2. Thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải (nước thải, khí thải và chất thải rắn) và các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động đến môi trường; nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đã cam kết tại các hồ sơ nêu trên và theo quy định của pháp luật.

1.2.3. Ngoài các nội dung nêu trên, đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản cần phải tuân thủ:

- Nằm trong quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Không sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép trong nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, cấm sử dụng ở Việt Nam, công bố mã HS đối với thuốc thú y nhập khu được phép lưu hành tại Việt Nam;

- Không xây dựng khu nuôi trồng thủy sản tập trung trên bãi bồi đang hình thành vùng cửa sông, ven biển;

- Không phá rừng ngập mặn đ nuôi trng thủy sản.

1.2.4. Làng nghề trên địa bàn quản lý (nếu có) phải thực hiện các nội dung sau:

- Ủy ban nhân dân cấp xã lập phương án bảo vệ môi trường cho từng làng nghề hoặc các làng nghề trên địa bàn trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và bố trí nguồn lực thực hiện theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT;

- Xây dựng kế hoạch, lộ trình và từng bước đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng bảo đảm thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải theo quy định bao gồm:

+ Hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề, không để xảy ra hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng nước thải và ngập úng;

+ Hệ thống xử lý nước thải tập trung (nếu có) bảo đảm: Công suất xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường tương ứng đối với tổng lượng nước thải phát sinh từ làng nghề trước khi thải ra nguồn tiếp nhận; nếu làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề phải có biện pháp tự xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi thi ra nguồn tiếp nhận;

+ Điểm tập kết chất thải rắn hợp vệ sinh; khu xử lý chất thải rắn bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn;

- Thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường với các điều kiện sau: Có quyết định thành lập và quy chế hoạt động do Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành; được trang bị phương tiện và bảo hộ lao động đầy đủ.

1.3. Tiểu mục 17.1 - Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn

Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn được đánh giá đạt khi các xã lập phương án và tổ chức thực hiện việc xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn phù hợp với đặc điểm kinh tế, sinh thái, văn hóa của địa phương mình, bao gồm:

1.3.1. Đối với hệ thống cây xanh

- Đầu tư, hoàn thiện hệ thống cây xanh (gồm cả cây bóng mát, cây cảnh, hoa và thảm cỏ... ) trong các xã nông thôn mới đảm bảo các yêu cầu chủ yếu sau:

+ Phù hợp với quy hoạch được phê duyệt;

+ Không gian xanh trong nông thôn mới được gắn kết với nhau bằng dải cây xanh liên tục trên các đường liên xã, liên thôn và nội đồng.

Việc trồng cây không được để ảnh hưởng đến hoạt động an toàn giao thông, không làm hư hại đến các công trình của nhân dân và các công trình công cộng; không gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường; không trồng các loại cây thuộc danh mục loài ngoại lai xâm hại theo quy định;

+ Diện tích trồng cây xanh phải đảm bảo tối thiểu bằng hoặc lớn hơn 2 m2/người, ưu tiên trồng cây xanh ở các địa điểm công cộng như: Trụ sở xã, nhà trẻ, trường học, trạm y tế xã, trung tâm văn hóa thể thao, các chợ, cửa hàng dịch vụ.

1.3.2. Đối với hệ thống ao, hồ sinh thái

Hệ thống ao hồ sinh thái trong khu dân cư đảm bảo các yêu cầu sau:

- Phù hợp với quy hoạch được phê duyệt;

- Tạo mặt bằng thoáng, điều tiết khí hậu, tạo cảnh quan đẹp;

- Có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn lợi kinh tế;

- Nạo vét, tu bổ ao, hồ thường xuyên nhằm tạo không gian, cảnh quan sinh thái và điều hòa môi trường; có rào chắn, biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ mất an toàn với người dân.

1.3.3. Đối với đường làng ngõ xóm

- Các tuyến đường đã được bê tông hóa hoặc rải cấp phối, đảm bảo không lầy lội khi có mưa;

- Đã xây dựng hương ước về giữ gìn vệ sinh chung trong xã và các hộ gia đình; tổ chức thu dọn vệ sinh, rác thải định kỳ.

1.3.4. Đối với khu vực công cộng

- Các khu vực công cộng (chợ, đường giao thông,... ) không có hiện tượng xả nước thải, chất thải rắn không đúng quy định, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường;

- Tăng cường cải tạo ao, hồ, khu vực công cộng,... thành các khu vui chơi giải trí, khu vực tập thể dục, khu sinh hoạt cộng đồng, khu vực học bơi cho trẻ em.

1.4. Tiểu mục 17.4 - Mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch

Mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch được đánh giá đạt khi thực hiện việc quản lý, sử dụng nghĩa trang theo quy định tại Đề án quy hoạch, xây dựng và quản lý sử dụng nghĩa trang nhân dân theo mô hình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3005/QĐ-UBND ngày 20/12/2012 đáp ứng các yêu cầu sau:

- Xã có nghĩa trang được quy hoạch sử dụng lâu dài, quy hoạch và xây dựng nghĩa trang phải đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Mỗi xã quy hoạch tối đa không quá 3 nghĩa trang với bán kính phục vụ 2-3 km, trong đó giữ nguyên và mở rộng các nghĩa trang hiện có phù hợp với quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình.

+ Quy hoạch xây dựng nghĩa trang nhân dân mới tại vị trí yên tĩnh, cao ráo, không sạt lở.

+ Khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường tối thiểu từ nghĩa trang hung táng tới khu dân cư và các công trình công cộng là 500 m khi chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải và 300 m đối với nghĩa trang có hệ thống thu gom xử lý nước thải từ mộ hung táng.

+ Khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường tối thiểu đối với nghĩa trang cát táng tới khu dân cư và công trình công cộng là 100 m.

+ Khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường tối thiểu đối với nghĩa trang hung táng đến khu khai thác nước sinh hoạt tập trung là 2 km.

+ Khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường tối thiểu từ nghĩa trang đến mép nước gần nhất của mặt nước (sông, hồ, biển) không dùng cho mục đích nước sinh hoạt: Đối với nghĩa trang hung táng là 200 m; đối với nghĩa trang cát táng là 100 m.

+ Khoảng cách tối thiểu về an toàn giao thông và vệ sinh môi trường từ nghĩa trang tới đường giao thông đối với quốc lộ, tỉnh lộ là 200 m, đối với đường huyện, đường trục xã là 100 m và phải có cây xanh cách ly.

+ Xung quanh nghĩa trang phải xây dựng hệ thống thoát nước, không để nghĩa trang bị úng ngập cũng như tránh rò rỉ nước của nghĩa trang ra khu vực xung quanh.

+ Khu vực xử lý nước thấm ra từ nghĩa trang phải bố trí phía hạ lưu (nơi có địa hình thấp nhất của nghĩa trang).

- Nghĩa trang mới phải được quy hoạch chi tiết, phân khu rõ ràng (phải có khu hung táng, cát táng, tâm linh), đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, mộ phải đặt theo hàng, xây dựng đúng diện tích và chiu cao quy định, có li đi thuận lợi cho việc thăm viếng, tạo sự ngăn cách với đất nông nghiệp, có trng cây xanh cách ly; trước mt có điểm thu gom và xử lý (đốt tại nghĩa trang) chất thải rn như g quan tài, các vật dụng của người quá c và tiến tới có hệ thống thu gom xử lý nước thải.

- Việc an táng người qua đời phải phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, nếp sng văn minh hiện đại và được thực hiện trong các nghĩa trang, trường hợp an táng trong khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh tht tôn giáo, phải đảm bảo vệ sinh môi trường và được sự chp thuận của chính quyền đĩa phương theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Có kế hoạch sớm di chuyển các mộ lẻ nằm rải rác giữa cánh đồng và gần khu dân về nghĩa trang tập trung.

- Khuyến khích quy hoạch các nghĩa trang tập trung phục vụ cho nhiu địa phương khác nhau và các nghĩa trang có sử dụng hình thức an táng mới văn minh, hiện đại nhằm tiết kiệm đất, kinh phí xây dựng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Có quy chế về quản lý nghĩa trang quy định cụ thể với các nội dung: Sử dụng đất trong nghĩa trang nhân dân; lưu trữ hồ sơ quản lý nghĩa trang nhân dân; phương pháp xác định vị trí các phần mộ; chính sách xã hội đối với các đối tượng đặc biệt; các hành vi bị cấm; các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

1.5. Tiểu mục 17.5 - Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định

Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định được đánh giá đạt khi đáp ứng các yêu cầu sau:

1.5.1. Về chất thải rắn

- Tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng phát sinh trên địa bàn theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Không để xảy ra tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường nông nghiệp hết hạn hoặc các vỏ bao bì, dụng cụ đựng các sản phẩm này sau khi sử dụng hoặc phụ phẩm nông nghiệp bị vứt, đổ bừa bãi ra môi trường, đặc biệt là các khu vực trồng trọt, các nguồn nước kênh mương, ao hồ, sông.

- Tổ chức thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp:

+ Các hộ gia đình, cơ sở sản xuất phải thu gom, sử dụng lại phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón, chất đốt, thức ăn gia súc, sản xuất nấm,... hoặc ký hợp đồng với tổ chức dịch vụ để thu gom, xử lý theo quy định;

+ Không có hiện tượng đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng hoặc vứt bừa bãi nơi công cộng, cản trở giao thông.

- Phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của B Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế. Ưu tiên xử lý tập trung đối với các loại chất thải y tế phát sinh trên địa bàn.

- Phân loại, phân định, thu gom riêng, cách ly phù hợp toàn bộ chất thải nguy hại phát sinh (đặc biệt là chất thải nguy hại phát sinh từ làng nghề gia công cơ, kim khí, tái chế phế liệu,... ) trên địa bàn theo Thông tư s 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

- Đối với chất thải rắn sinh hoạt:

+ Xây dựng phương án phù hợp để thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến khu xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh, trong đó nêu rõ: Đơn vị phụ trách thu gom, vận chuyển; chủng loại, số lượng phương tiện vận chuyển; tần suất, lịch trình thu gom đối với từng cụm dân cư; vị trí các điểm trung chuyển (nếu có).

+ Chất thải rắn từ hộ gia đình cần được phân loại, thu gom và vận chuyển đến khu xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh để xử lý.

1.5.2. Về nước thải

- Yêu cầu về hệ thống tiêu thoát nước: Các điểm dân cư tập trung của thôn, xã phải có hệ thống tiêu thoát nước mưa và nước thải (sau đây gọi là hệ thống thoát nước). Hệ thống thoát nước phải đảm bảo quy định tại QCVN 14:2009/BXD-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng nông thôn với các nội dung sau:

+ Mỗi khu dân cư tập trung của thôn, xã phải có hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của khu vực, không có hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng nước thải và ngập úng;

+ Thu gom được lượng nước thải phát sinh từ 80% các hộ, cơ sở trên địa bàn.

- Về xử lý nước thải:

+ Đối với nước thải khu dân cư tập trung: Có điểm thu gom và xử lý nước thải phù hợp trước khi thoát ra kênh, mương, sông, ao, hồ.

+ Đối với nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện theo quy định tại chỉ tiêu 17.2 và chỉ tiêu 17.7.

1.5.3. Có hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường hoặc hương ước, quy ước có nội dung về bảo vệ môi trường đối với từng khu dân cư, trong đó có sự tham gia của tất cả các hộ gia đình, cơ sở trên địa bàn cam kết thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường và quy định của địa phương về quản lý chất thải rắn, nước thải.

1.6. Tiểu mục 17.6 - Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch

Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch được đánh giá đạt khi tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt ≥ 90%.

Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước thải sinh hoạt hợp vệ sinh phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Nhà tiêu hợp vệ sinh phải đảm bảo quy định về kỹ thuật theo QCVN 01:2011/BYT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà tiêu - Điều kiện đảm bảo hp vệ sinh) với các nội dung sau:

+ Được xây dựng khép kín;

+ Chất thải nhà vệ sinh không thải trực tiếp ra môi trường;

+ Có biện pháp cô lập được phân người, làm cho phân tươi hoặc chưa an toàn không th tiếp xúc vi người và động vật, tiêu diệt được các tác nhân gây bệnh có trong phân (virus, vi khuẩn);

+ Không tạo môi trường cho ruồi, muỗi và các côn trùng khác sinh nở;

+ Không gây mùi hôi, khó chịu.

- Nhà tắm hợp vệ sinh đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Nhà tắm kín đáo có sàn cứng, tường bao, có mái che;

+ Có hệ thống thoát nước, thu gom và biện pháp xử lý nước thải phù hợp, không để chảy tràn ra môi trường.

- B chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Có dung tích đủ lớn, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các thành viên trong gia đình tối thiểu trong 3 ngày trở lên;

+ Được làm từ vật liệu không có thành phần độc hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng và phù hợp với đặc đim của từng địa phương, khuyến khích các phương án: B chứa nước được xây dựng bng gạch hoặc bê tông; hoặc lu sành, khạp, chum, vại; hoặc dụng cụ trữ nước sinh hoạt bằng innox, nhựa.

+ Có nắp đậy kín để ngăn ngừa các chất bẩn xâm nhập hoặc mui vào đẻ trứng; đối với lu, bể lớn cần có van lấy nước, van xả cặn và van xả tràn.

- Vệ sinh thiết bị, khu vực chứa nước trước khi chứa nước và định kỳ 1 lần/3 tháng; nếu dụng cụ chứa nước bị nhiễm bẩn, cần thau rửa ngay sau khi nước rút bằng Cloramin B, hoặc clorua vôi.

- Các hộ gia đình thực hiện 3 sạch: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ theo nội dung cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động.

1.7. Tiểu mục 17.7 - Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường

Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường được đánh giá đạt khi tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt ≥80%.

Chuồng trại chăn nuôi phải đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường với các nội dung sau:

- Nằm cách biệt với nhà ở, nguồn nước, cụ thể:

+ Phải cách nhà ở và đường đi chung ít nhất 5 m; cuối hướng gió và phải bố trí khu vực chứa phân, rác, thoát nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường;

+ Đối với chăn nuôi lợn: Khoảng cách từ trang trại đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt ti thiểu 100 m; cách nhà máy chế biến, giết mổ tối thiểu 01 km (QCVN 01-14:2010/BNNPTNT);

+ Đối với chăn nuôi gia súc lớn (trâu, bò, ngựa, dê): Khoảng cách từ trang trại đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 200 m; cách nhà máy chế biến, giết mổ tối thiểu 500 m (TCVN 9121:2012);

+ Đối với chăn nuôi gia cầm: Cơ sở chăn nuôi gia cầm phải xây dựng cách biệt, cách xa bệnh viện, trường học, chợ, công sở, khu dân cư đông người và đường giao thông liên tỉnh, liên huyện ít nhất 100 m (QCVN 01-15:2010/BNNPTNT).

- Được vệ sinh định kỳ bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh;

- Không phát sinh mùi khó chịu gây ảnh hưởng đến dân cư xung quanh;

- Có đủ hồ sơ, thủ tục về bảo vệ môi trường như đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh quy định tại chỉ tiêu 17.2;

- Chất thải chăn nuôi phải được thu gom và xử lý đạt QCVN 62-MT:2016/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi; không đ chất thải chăn nuôi chưa xử lý xả, chảy tràn ra khu vực xung quanh.

1.8. Tiểu mục 17.8 - Tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm

Tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm được đánh giá đạt khi tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm đạt 100%.

- Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm do tỉnh, huyện, thành phố quản lý phải được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

- Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm do xã, phường, thị trn quản lý (Cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố), tùy theo từng loại hình mà phải đảm bảo các điều kiện, cụ thể như sau:

+ Bố trí kinh doanh ở khu vực công cộng (bến xe, bến tầu, nhà ga, khu du lịch, khu lễ hội, khu triển lãm), hè đường phố; nơi bày bán thực phẩm cách biệt các nguồn ô nhiễm; bảo đảm sạch sẽ, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh.

+ Trường hợp kinh doanh trên các phương tiện để bán rong phải thiết kế khoang chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, đồ uống bảo đảm vệ sinh, phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng gây hại.

+ Nước để chế biến đơn giản đối với thức ăn ngay, pha chế đồ uống phải đủ số lượng và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01: 2009/BYT; nước để sơ chế nguyên liệu, vệ sinh dụng cụ, rửa tay phải đủ và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) s 02: 2009/BYT; có đủ nước đá để pha chế đồ uống được sản xuất từ nguồn nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT.

+ Có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay; có đủ dụng cụ ăn uống, bao gói chứa đựng thức ăn bảo đảm vệ sinh; có đủ trang bị che đậy, bảo quản thức ăn trong quá trình vận chuyn, kinh doanh và bảo đảm luôn sạch sẽ; bàn ghế, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60 cm.

+ Thức ăn ngay, đ ung phải đ trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh và phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng xâm nhập.

+ Người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay sử dụng 1 lần.

+ Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định.

+ Trang bị đầy đủ, sử dụng thường xuyên thùng rác có nắp, túi đựng để thu gom, chứa đựng rác thải và phải chuyển đến địa điểm thu gom rác thải công cộng trong ngày; nước thải phải được thu gom và bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường nơi kinh doanh.

+ Người kinh doanh thức ăn đường phố phải tập huấn và được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định.

+ Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được khám sức khoẻ và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định. Việc khám sức khoẻ và cấp giy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ do các cơ quan y tế từ cấp huyện và tương đương trở lên thực hiện.

+ Người đang mắc các bệnh hoặc chứng bệnh thuộc danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm đã được Bộ Y tế quy định thì không được tham gia kinh doanh thức ăn đường ph.

2. Cách tính điểm

- Nếu đạt yêu cầu từng nội dung theo tiểu mục đánh giá thì chấm điểm đạt;

- Nếu chưa đạt yêu cầu từng nội dung theo tiểu mục đánh giá thì chấm 0 (không) điểm.

3. Đánh giá tiêu chí

Xã được công nhận đạt Tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm phải đạt yêu cầu nội dung theo tiểu mục đánh giá tại Tiểu mục 17.1 đến Tiểu mục 17.8 của Tiêu chí 17.

Điều 23. Đánh giá Tiêu chí 18 về Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật

1. Phương pháp đánh giá

1.1. Tiểu mục 18.1- Cán bộ, công chức xã đạt chuẩn theo quy định: 30 điểm.

1.1.1. Cán bộ xã: 17 điểm.

* Trình độ chuyên môn: 10 điểm.

- Từ 80% đến 100% cán bộ xã có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên, trong đó trên 50% cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học: 10 điểm.

- Từ 60% đến dưới 80% cán bộ xã có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên, trong đó trên 40% cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học: 07 điểm.

- Từ 50% đến dưới 60% cán bộ xã có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên, trong đó trên 30% cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học: 05 điểm.

- Dưới 50% cán bộ xã có trình độ trung cấp chuyên môn hoặc dưới 30% có trình độ cao đẳng, đại học: 0 điểm.

* Trình độ lý luận chính trị: 07 điểm.

- Từ 80% đến 100% cán bộ xã có trình độ Trung cấp lý luận chính trị trở lên: 07 điểm.

- Từ 60% đến dưới 80% cán bộ xã có trình độ Trung cấp lý luận chính trị trở lên: 05 điểm.

- Từ 50% đến dưới 60% cán bộ xã có trình độ Trung cấp lý luận chính trị trở lên: 03 điểm.

- Dưới 50% cán bộ xã có trình độ Trung cấp lý luận chính trị: 0 điểm.

1.1.2. Công chức xã: 13 điểm.

* Trình độ chuyên môn: 09 điểm.

- 100% công chức xã có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên phù hợp với vị trí công tác, trong đó trên 50% có trình độ cao đẳng, đại học: 09 điểm.

- Từ 90% đến dưới 100% công chức xã có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên phù hợp với vị trí công tác, trong đó trên 45% có trình độ cao đẳng, đại học: 07 điểm.

- Từ 80% đến dưới 90% công chức xã có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên phù hợp với vị trí công tác, trong đó trên 35% có trình độ cao đẳng, đại học: 05 điểm.

- Từ 70% đến dưới 80% công chức xã có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên phù hợp với vị trí công tác, trong đó trên 30% có trình độ cao đẳng, đại học: 03 đim.

- Dưới 70% công chức xã có trình độ trung cấp phù hợp với vị trí công tác hoặc dưới 30% công chức có trình độ cao đẳng, đại học: 0 điểm.

* Trình độ lý luận chính trị: 04 điểm.

- Từ 60% công chức xã có trình độ Trung cấp lý luận chính trị trở lên: 04 điểm.

- Từ 50% đến dưới 60% công chức xã có trình độ Trung cấp lý luận chính trị trở lên: 03 điểm.

- Từ 40% đến dưới 50% công chức xã có trình độ Trung cấp lý luận chính trị trở lên: 02 điểm.

- Dưới 30% công chức xã có trình độ Trung cấp lý luận chính trị: 0 điểm.

1.2. Tiểu mục 18.2 - Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở theo quy định: không tính điểm.

Có đủ các tổ chức trong hệ thống tổ chức chính trị ở xã (gồm: Tổ chức Đảng, chính quyền; tổ chức chính trị - xã hội: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xã) được thành lập theo quy định của cấp có thẩm quyền: Không tính điểm.

1.3. Tiểu mục 18.3 - Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”: 30 điểm.

- Đảng bộ xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”: Khi đáp ứng yêu cầu theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương hiện hành tại thời điểm xét công nhận đạt chun nông thôn mới và văn bản hướng dẫn của Tỉnh ủy v kim điểm tập th, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm.

- Chính quyền xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch vững mạnh” là chính quyền xã đạt mức 01 trong 04 mức đánh giá, phân loại chính quyền hằng năm theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Cách tính điểm: Đảng bộ, chính quyền xã trong năm đánh giá hoặc năm liền kề trước năm đánh giá đều đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh” được 30 điểm; nếu có 01 tổ chức trở lên không đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh” thì không có điểm.

1.4. Tiểu mục 18.4 - Các tổ chức chính trị - xã hội của xã đạt loại khá trở lên: 20 điểm.

- Các tổ chức chính trị - xã hội đạt loại khá trở lên khi đáp ứng các yêu cầu và được tổ chức chính trị - xã hội cấp trên trực tiếp đánh giá, công nhận đạt danh hiệu.

- Cách tính điểm: Có 100% tổ chức chính trị - xã hội (gồm: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh) của xã đạt loại khá trở lên được 20 điểm; cứ mỗi một tổ chức được đánh giá dưới loại khá thì trừ 04 điểm/tổ chức.

1.5. Tiểu mục 18.5 - Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định: 10 điểm.

Xã được đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có đủ các điều kiện theo quy định tại Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

1.5.1. Các tiêu chí tiếp cận pháp luật gồm 5 tiêu chí thành phần:

a) Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật: 1,5 điểm.

- Chỉ tiêu 1: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch triển khai nhiệm vụ được giao để thi hành Hiến pháp, pháp luật, chỉ đạo của cấp trên tại địa phương và triển khai, thực hiện đúng yêu cầu, tiến độ;

- Chỉ tiêu 2: An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không đ xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút) trên địa bàn cấp xã được kim chế, có giảm so với năm trước;

- Chỉ tiêu 3: Giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn; không có hoặc giảm khiếu nại, tố cáo kéo dài trên địa bàn cấp xã so với năm trước.

b) Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã: 03 điểm.

- Chỉ tiêu 1: Công khai đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính;

- Chỉ tiêu 2: Bố trí địa điểm, công chức tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định;

- Chỉ tiêu 3: Giải quyết các thủ tục hành chính đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định;

- Chỉ tiêu 4: Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về giải quyết các thủ tục hành chính đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định;

- Chỉ tiêu 5: Bảo đảm sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính.

c) Phổ biến, giáo dục pháp luật: 2,5 điểm.

- Chỉ tiêu 1: Công khai văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung liên quan trực tiếp đến tổ chức, cá nhân trên địa bàn (trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước) thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Chỉ tiêu 2: Cung cấp đầy đủ thông tin pháp luật thuộc trách nhiệm phải cung cấp của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định;

- Chỉ tiêu 3: Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định và chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan, tổ chức cấp trên;

- Chỉ tiêu 4: Tổ chức quán triệt, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật mới ban hành cho cán bộ, công chức cấp xã;

- Chỉ tiêu 5: Triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn cấp xã bằng hình thức thích hợp;

- Chỉ tiêu 6: Triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật;

- Chỉ tiêu 7: Các thiết chế thông tin, văn hóa, pháp luật tại cơ sở hoạt động có hiệu quả, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, phổ biến pháp luật của nhân dân trên địa bàn cấp xã;

- Chỉ tiêu 8: Tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương;

- Chỉ tiêu 9: Bố trí đủ kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định.

d) Hòa giải ở cơ sở: 01 điểm.

- Chỉ tiêu 1: Thành lập, kiện toàn tổ hòa giải và công nhận tổ trưởng tổ hòa giải; hòa giải viên; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở;

- Chỉ tiêu 2: Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải được hòa giải kịp thời theo yêu cầu của các bên;

- Chỉ tiêu 3: Bố trí đủ kinh phí hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định.

đ) Thực hiện dân chủ ở cơ sở: 02 điểm.

- Chỉ tiêu 1: Công khai, minh bạch các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở trừ các thông tin quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 5 Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (ban hành kèm theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ).

- Chỉ tiêu 2: Cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình được bàn, quyết định trực tiếp về các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở;

- Chỉ tiêu 3: Cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình được bàn, biểu quyết để cơ quan có thẩm quyền quyết định các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở;

- Chỉ tiêu 4: Nhân dân được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở;

- Chỉ tiêu 5: Nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở.

1.5.2. Cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa;

- Tổng số điểm của các tiêu chí tiếp cận pháp luật phải đạt từ 90% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại I, từ 80% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại II và từ 70% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại III;

- Kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 5 Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (ban hành kèm theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ) đạt từ 80% tổng số điểm tối đa trở lên;

- Trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra.

1.6. Tiểu mục 18.6 - Đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sng xã hội: 10 điểm.

Xã được đánh giá đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau:

- Có ít nhất một (01) nữ lãnh đạo ở xã (bao gồm các chức danh: Bí thư Đảng ủy xã; Phó Bí thư Đảng ủy xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã;...).

- 100% phụ nữ thuộc hộ nghèo, phụ nữ khuyết tật... có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức.

- Không có trường hợp tảo hôn, cưỡng ép kết hôn.

- Mỗi tháng có ít nhất 02 chuyên mục tuyên truyền về bình đẳng giới trên hệ thống truyền thanh của xã.

- Có ít nhất 01 mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh cho các nạn nhân bị bạo lực giới và bạo lực gia đình tại cộng đồng đạt chuẩn.

2. Các yêu cầu phải đạt khi đánh giá

- Có 100% cán bộ, công chức xã đạt chuẩn theo quy định.

- Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định.

- Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”.

- Có 100% tổ chức chính trị - xã hội của xã đạt loại khá trở lên.

- Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định.

- Đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội.

3. Đánh giá tiêu chí

Xã đạt Tiêu chí 18 là xã có tổng điểm đạt từ 80 điểm trở lên; đồng thời Đảng bộ, chính quyền xã phải đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh” và phải có đủ (100%) các tổ chức trong hệ thống tổ chức chính trị ở xã.

Điều 24. Đánh giá Tiêu chí 19 về quốc phòng và an ninh

1. Phương pháp đánh giá

1.1. Tiểu mục 19.1 - Xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng

Xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng được đánh giá đạt khi đáp ứng đủ các yêu cầu:

1.1.1. Xây dựng Ban chỉ huy quân sự và dân quân xã:

- Số lượng cán bộ: Theo quy định của pháp luật:

+ Chỉ huy trường là thành viên Ủy ban nhân dân xã; Chỉ huy phó, Chính trị viên, Chính trị viên phó là cán bộ kiêm nhiệm, số lượng Chỉ huy phó ở các xã trọng điểm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật.

+ Trình độ chuyên môn: Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó được đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở; đến năm 2020 có 100% cán bộ quân sự xã được đào tạo trình độ trung cấp ngành quân sự cơ sở đối với các xã vùng sâu, vùng xa,... trình độ cao đẳng hoặc đại học chuyên ngành quân sự cơ sở đi với các xã còn lại. Hằng năm phải được tham gia tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, quân sự, pháp luật và nghiệp vụ chuyên môn.

- Nơi làm việc của Ban Chỉ huy quân sự xã: Ban Chỉ huy quân sự có nơi làm việc và trang thiết bị theo quy định của pháp luật; cán bộ Ban Chỉ huy quân sự được hưởng phụ cấp thâm niên, phụ cấp quản lý đơn vị; Trưng, Phó Ban Chỉ huy quân sự được hưởng chế độ, chính sách và các chế độ đãi ngộ khác theo quy định của pháp luật.

- Chất lượng chính trị: Tỷ lệ đảng viên trong dân quân nòng cốt đạt từ 18% trở lên; hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên mới trong dân quân theo quy định.

- Thôn đội trưởng, tiểu đội trưởng dân quân thường trực, trung đội trưng dân quân cơ động là đảng viên.

1.1.2. Xây dựng lực lượng dân quân “Vững mạnh, rộng khắp”:

- Tổ chức xây dựng lực lượng, biên chế, trang bị:

+ T chức biên chế đơn vị dân quân tự vệ theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 33/2016/TT-BQP ngày 29/3/2016 hướng dẫn một số điều của Luật Dân quân tự vệ và Nghị định số 03/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ.

+ Hằng năm, Ban Chỉ huy quân sự tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã tổ chức lễ kết nạp dân quân mới và trao quyết định công nhận dân quân nòng ct đã hoàn thành nhiệm vụ.

+ Trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ theo Thông tư số 65/TT-BQP ngày 16/5/2016 của Bộ Quốc phòng quy định và hướng dẫn về trang bị, quản lý sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của dân quân tự vệ.

- Huấn luyện: Hàng năm các đối tượng dân quân được giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự theo nội dung, thời gian, chương trình quy định tại Thông tư số 02/2016/TT-BQP ngày 08/01/2016 của Bộ Quốc phòng.

- Hoạt động: Thực hiện theo Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015 của Chính phủ ban hành quy định việc phối hợp của dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng.

1.1.3. Hoàn thành các chỉ tiêu về quốc phòng:

- Có đầy đủ các kế hoạch theo quy định tại Thông tư số 108/2016/TT-BQP ngày 16/7/2016 của Bộ Quốc phòng.

- Tuyên truyền vận động và triển khai, thực hiện tốt công tác tuyển sinh quân sự, hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ hằng năm theo chỉ tiêu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao, đảm bảo chất lượng.

- 100% quân nhân hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị thường trực về địa phương được đăng ký quân dự bị và được quản lý chặt chẽ.

- 100% quân nhân dự bị động viên và phương tiện kỹ thuật được đăng ký, quản lý chặt chẽ theo chỉ tiêu cấp trên giao, sẵn sàng động viên khi có lệnh.

- Hằng năm tổ chức tt trình tự, thủ tục công tác đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, công dân nam trong độ tui sẵn sàng nhập ngũ, đăng ký nghĩa vụ quân sự và lập danh sách báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của pháp luật.

- Lập danh sách lực lượng dân quân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác được giao.

- Chủ trì phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác quốc phòng, quân sự theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cùng cp và chỉ thị, mệnh lệnh, hướng dẫn của cơ quan quân sự cấp trên.

- Phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục quốc phòng, an ninh cho lực lượng vũ trang và nhân dân, công tác vận động quần chúng, công tác chính sách hậu phương quân đội; tổ chức cho dân quân tự vệ, dự bị động viên tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện.

- Hoàn thành các chỉ tiêu huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật chất đảm bảo cho động viên quốc phòng.

- Đăng ký, quản lý chặt chẽ công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ (Thanh niên độ tuổi 17, độ tuổi 18 đến 25 và đến hết 27 tuổi đối với thanh niên có trình độ Cao đng, Đại học); hoàn thành chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ.

- Hoàn thành nội dung, chương trình bồi dưng kiến thức quốc phòng - an ninh hàng năm cho các đối tượng bảo đảm quân số, thời gian.

- Hoàn thành tổ chức diễn tập chiến đấu phòng thủ cho 100% số xã, phường, thị trấn.

- Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn phải có trình độ Trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở.

- Phối hợp hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; bảo vệ an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; bảo vệ và phòng chống cháy, nổ theo Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015 của Chính phủ.

- Hoàn thành việc thực hiện tốt chỉ tiêu giao quân về huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên dân quân dự bị; đơn vị dự bị động viên và các chỉ tiêu huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật đảm bảo cho động viên quốc phòng.

- Đăng ký, quản lý chặt chẽ quân dự bị hạng 1, hạng 2; công dân nữ có ngành nghề chuyên môn cần cho quân đội và phương tiện kỹ thuật thuộc diện huy động bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội để sẵn sàng thực hiện công tác động viên quân đội.

1.2. Tiểu mục 19.2 - Xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên: Không có khiếu kiện đông người kéo dài; không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút) được kiềm chế, giảm liên tục so với các năm trước

Xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên: Không có khiếu kiện đông người kéo dài; không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút) được kiềm chế, giảm liên tục so với các năm trước được đánh giá đạt khi có 80 điểm trở lên ở 3 nội dung sau:

1.2.1. Chỉ tiêu 1 “ba có”: 25 điểm

- Hằng năm, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã có nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, biện pháp công tác bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) ở địa phương: 05 điểm.

- Có phong trào phát triển đồng đều, thực hiện có hiệu quả các đợt phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTT; có mô hình quần chúng tự quản về ANTT duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả, hàng năm sơ, tổng kết và phân loại phong trào khá; có 70% số thôn trở lên được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT: 10 điểm.

- Ban Công an xã đạt danh hiệu ''tiên tiến" trở lên; thường xuyên được củng cố, kiện toàn đủ về số lượng; được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật, được trang bị phương tiện, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở; giải quyết được 75% vụ việc về ANTT trở lên ở cơ sở đảm bảo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật: 10 điểm.

1.2.2. Chỉ tiêu 2 “năm không”: 30 điểm.

- Không xảy ra mất đoàn kết nội bộ trong cấp ủy đảng, chính quyền, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương: 06 điểm.

- Không để xảy ra các hoạt động chống Đảng, chống chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; phá hoại các mục tiêu, công trình kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng trên địa bàn xã: 05 điểm.

- Không để xảy ra các hoạt động liên quan đến an ninh tôn giáo (làm lấn, làm trái, xin, đòi lại, hiến nhượng, tranh chấp đất đai...) tuyên truyền phát triển đạo trái phép gây phức tạp về ANTT: 06 điểm.

- Không xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp phức tạp trong nội bộ nhân dân, khiếu kiện đông người, vượt cấp kéo dài gây phức tạp về ANTT: 06 điểm.

- Không có tập thể, cá nhân sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự: 07 điểm.

1.2.3. Chỉ tiêu 3 “bốn giảm”: 35 điểm

- Giảm tội phạm hình sự; không để hình thành các ổ nhóm tội phạm, tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội (TTXH); nếu phát sinh phải tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả và tổ chức lực lượng duy trì không đ tái phức tạp trở lại; không xảy ra trọng án giết người và các vụ án đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn xã do công dân của xã gây ra: 10 điểm.

- Giảm tội phạm về ma túy và các tệ nạn xã hội; không để hình thành các tụ điểm phức tạp, đường dây mua bán trái phép chất ma túy; không đ phát sinh người nghiện ma tuý mới: 10 điểm.

- Giảm các vi phạm về trật tự an toàn giao thông và tai nạn giao thông (cả 3 chỉ số); không để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng do công dân của xã gây ra trên địa bàn xã: 07 điểm.

- Giảm các vi phạm Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; không có công dân của xã vi phạm Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo: 08 điểm.

2. Cách tính điểm:

Thời điểm so sánh tăng giảm để chấm điểm: So sánh với cùng kỳ năm trước. Điểm chấm cho các chỉ tiêu từ 0 điểm đến tối đa tùy theo mức độ thực hiện các tiêu chí.

* Không chấm điểm đối với những xã để xảy ra một trong các nội dung sau:

- Mâu thuẫn mất đoàn kết nội bộ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể.

- Hoạt động chống đảng, chính quyền, phá hoại các mục tiêu công tnh kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng.

- Khiếu kiện tập th cố chấp kéo dài, vượt cấp, trái pháp luật, gây rối ANTT, chính quyền địa phương không tập trung giải quyết.

- Các vụ án giết người do nguyên nhân xã hội, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn xã do công dân của xã gây ra.

- Có tụ điểm phức tạp về hình sự, ma tuý và tệ nạn xã hội, chính quyền địa phương không giải quyết gây ảnh hưởng, tạo dư luận xấu trong quần chúng nhân dân.

- Đ xảy ra cháy nổ, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn xã do công dân của xã gây ra (trong phạm vi xã được phân công, phân cấp quản lý).

- Tập thể Công an xã vi phạm bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, hoặc cá nhân vi phạm pháp luật bị khởi tố.

* Cộng điểm đối với các trường hợp sau:

- Xã xếp loại phong trào khá, được Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bng khen trở lên, được cộng 05 đim.

- Ban Công an xã đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” được cộng 05 điểm.

(Xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên (Xã đạt Tiểu mục 19.2), phải đạt tổng số điểm từ 80 điểm trở lên).

3. Đánh giá tiêu chí

Xã được công nhận đạt Tiêu chí 19 về quốc phòng và an ninh phải đạt đủ các yêu cầu nội dung theo tiểu mục đánh giá tại Tiểu mục 19.1 và Tiu mục 19.2 của Tiêu chí 19.

Chương III

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, HỒ SƠ XÉT, CÔNG NHẬN VÀ CÔNG BỐ ĐỊA PHƯƠNG ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI; ĐỊA PHƯƠNG HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Mục 1. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, HỒ SƠ XÉT, CÔNG NHẬN VÀ CÔNG BỐ XÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI

Điều 25. Đăng ký xã đạt chuẩn nông thôn mới

1. Ủy ban nhân dân xã đăng ký công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trước ngày 10 tháng 10 của năm liền kề trước năm đánh giá. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đưa vào kế hoạch thực hiện đối với xã đã đạt chuẩn 14 tiêu chí trở lên tính đến thời điểm đăng ký và có đủ điều kiện phấn đấu đạt chuẩn trong năm đánh giá. Trường hợp xã chưa đăng ký công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới theo thi gian quy định trên, nếu thấy đủ điều kiện thì được đăng ký công nhận bổ sung trước ngày 15 tháng 6 của năm đánh giá.

2. Ủy ban nhân dân xã nộp trực tiếp hoặc gửi theo đường bưu điện văn bản đăng ký xã đạt chuẩn nông thôn mới (01 bản, theo Mu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này) đến Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được đăng ký của Ủy ban nhân dân xã), Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trả lời bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân xã về kết quả đưa vào kế hoạch thực hiện xã đạt chuẩn nông thôn mới; nêu rõ lý do đối với xã chưa được đưa vào kế hoạch thực hiện xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Điều 26. Thẩm quyền đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn

Trình tự, thủ tục công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm các bước:

1. Ủy ban nhân dân xã tổ chức tự đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định.

2. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức thẩm tra, đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trường hợp xã có đủ các tiêu chí đạt chuẩn thì chỉ đạo lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thẩm định đối với các xã đạt nhiều tiêu chí (theo quy định hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh) đã được đăng ký theo quy định và tổ chức thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và tổ chức công bố quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, công khai trên báo, đài phát thanh, truyền hình và trang thông tin điện tử của tỉnh.

Điều 27. Cấp xã tự đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới

Ủy ban nhân dân xã tổ chức tự đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới (Đợt 1 trước ngày 30 tháng 6; đợt 2 trước ngày 01 tháng 9 hàng năm), như sau:

1. T chức t đánh giá: Ủy ban nhân dân xã thành lập Đoàn đánh giá (gồm các thành viên là đại diện Ban Chỉ đạo xã, Ban Quản lý xã, các Ban Phát triển thôn) để đánh giá cụ thể thực tế mức độ đạt từng tiêu chí; Ban Quản lý xã xây dựng báo cáo đánh giá mức độ đạt từng tiêu chí, báo cáo Ủy ban nhân dân xã.

2. Tổ chức lấy ý kiến:

2.1. Ủy ban nhân dân xã gửi báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí của xã đ lấy ý kiến tham gia của Mặt trận Tổ quốc xã và các tổ chức chính trị - xã hội của xã;

2.2. Báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí của xã được thông báo, công b công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, nhà văn hóa các thôn và trên hệ thống truyền thanh của xã trong thời gian 20 ngày để lấy ý kiến tham gia của nhân dân; trong thời gian thông báo, công bố công khai, Ủy ban nhân dân xã giao Ban Quản lý xã phối hợp với các Ban Phát triển thôn tổ chức họp các thôn để lấy ý kiến, yêu cầu cuộc họp thôn phải có từ 70% trở lên đại diện số hộ dân trong thôn tham dự và lập biên bản cuộc họp ghi rõ kết quả đại diện số hộ dân đồng ý hoặc không đồng ý (bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu) với kết quả thực hiện các tiêu chí của xã, gửi Ủy ban nhân dân xã;

2.3. Ủy ban nhân dân xã bổ sung hoàn thiện báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí của xã sau khi nhận được ý kiến tham gia của Mặt trận Tổ quốc xã, các tổ chức chính trị - xã hội của xã, của nhân dân trên địa bàn và có từ 80% trở lên đại diện số hộ dân trong xã đã tham dự các cuộc họp thôn biểu quyết hoặc bỏ phiếu đồng ý với kết quả thực hiện các tiêu chí của xã.

3. Hoàn thiện hồ sơ:

3.1. Ủy ban nhân dân xã tổ chức họp (gồm các thành viên Ban Chỉ đạo xã, Ban Quản lý xã, các Ban Phát triển thôn) thảo luận, bỏ phiếu đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới khi kết quả ý kiến nhất trí của các đại biểu tại cuộc họp phải đạt từ 90% trở lên, trình Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (Đợt 1 trong tháng 6 hàng năm; đợt 2 từ tháng 10 đến tháng 11 hàng năm);

3.2. Hồ sơ đề nghị xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, Ủy ban nhân dân xã nộp trực tiếp hoặc theo đường bưu điện để thẩm tra (01 bộ hồ sơ) gồm:

- Tờ trình của Ủy ban nhân dân xã về việc thẩm tra, đề nghị xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (bản chính, theo Mu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này);

- Báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã (bản chính, kèm theo biểu chi tiết kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới theo Mu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này);

- Báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội của xã và nhân dân trong xã về kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của xã (bản chính, theo Mu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này);

- Biên bản cuộc họp (gồm các thành viên Ban Chỉ đạo xã, Ban Quản lý xã, các Ban Phát triển thôn) đề nghị xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (bản chính, theo Mu số 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này);

- Báo cáo tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã (bản chính);

- Hình ảnh minh họa về kết quả xây dựng nông thôn mới của xã.

3.3. Đơn vị tiếp nhận hồ sơ: Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới huyện, thành phố hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phòng Kinh tế thành phố.

Điều 28. Cấp huyện tổ chức thẩm tra, đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới

1. Tổ chức thẩm tra:

1.1. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thành lập Đoàn thẩm tra (gồm các thành viên là đại diện lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn cấp huyện được giao phụ trách các tiêu chí nông thôn mới) để thẩm tra, đánh giá cụ thể thực tế mức độ đạt từng tiêu chí của từng xã; Văn phòng Điều phi Xây dựng nông thôn mới huyện, thành phố hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phòng Kinh tế thành phố xây dựng báo cáo kết quả thẩm tra hồ sơ và mức độ đạt từng tiêu chí cho từng xã, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố;

1.2. Trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới của y ban nhân dân xã), Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trả lời bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân xã về kết quả thẩm tra, đánh giá cụ thể thực tế mức độ đạt từng tiêu chí của từng xã; nêu rõ lý do xã chưa được đề nghị xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

2. Tổ chức lấy ý kiến:

2.1. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổng hợp danh sách các xã đủ điều kiện đề nghị xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và công b ít nhất 03 lần trên các phương tiện phát thanh, truyền hình (nếu có) của huyện để lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn huyện;

2.2. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố gửi báo cáo kết quả thẩm tra hồ sơ và mức độ đạt từng tiêu chí cho từng xã để lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, Ủy ban nhân dân các xã trên địa bàn huyện, thành phố để hoàn thiện báo cáo kết quả thẩm tra hồ sơ và mức độ đạt từng tiêu chí cho từng xã đủ điều kiện đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

2.3. Mặt trận Tổ quốc cấp huyện chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc xã và các tổ chức chính trị - xã hội của xã tiến hành lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trên địa bàn xã đối với việc đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

3. Hoàn thiện hồ sơ:

3.1. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức họp (gồm các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện, thành phố và đại diện lãnh đạo các xã trên địa bàn huyện, thành phố) thảo luận, bỏ phiếu đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cho từng xã đã đủ điều kiện; hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới khi kết quả ý kiến nhất trí của các đại biểu tại cuộc họp phải đạt từ 90% trở lên và có từ 90% trở lên số hộ gia đình (trong tổng s hộ gia đình của xã được chọn khảo sát, lấy ý kiến) hài lòng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh từ ngày 15 tháng 7 đến trước 20 tháng 10 hàng năm;

3.2. Hồ sơ đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới Ủy ban nhân dân huyện, thành phố nộp trực tiếp hoặc theo đường bưu điện để thẩm định (01 bộ hồ sơ) gồm:

- Tờ trình của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đề nghị thẩm định, xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (bản chính, theo Mu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này);

- Báo cáo về việc thẩm tra hồ sơ đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho từng xã (bản chính, kèm theo biểu chi tiết thẩm tra mức độ đạt từng tiêu chí nông thôn mới cho từng xã theo Mu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này);

- Báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức và nhân dân trên địa bàn huyện, thành phố tham gia vào kết quả thẩm tra hồ sơ đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho từng xã (bản chính, theo Mu số 20 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này);

- Biên bản cuộc họp (gồm các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện, thành phố) đề nghị xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (bản chính, theo Mu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này);

- Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc huyện, thành phố về kết quả lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trên địa bàn xã đối với việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (bản chính);

(Kèm theo hồ sơ Ủy ban nhân dân xã nộp để thẩm tra được quy định tại điểm 3.2 khoản 3 Điều 27 Quy định này).

3.3. Đơn vị tiếp nhận hồ sơ: Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh.

Điều 29. Công tác tổ chức thẩm định, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới

1. Tổ chức thẩm định:

1.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Đoàn thẩm định, gồm các thành viên là: Đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh được giao phụ trách các tiêu chí nông thôn mới để thẩm định mức độ đạt từng tiêu chí của từng xã thuộc các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh xây dựng báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ và mức độ đạt từng tiêu chí nông thôn mới cho từng xã của từng huyện, thành phố (trên cơ sở văn bản của các sở, ban, ngành cấp tỉnh đánh giá, xác nhận mức độ đạt các tiêu chí được giao phụ trách), báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;

1.2. Trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị xét công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố), Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân xã về kết quả thẩm định mức độ đạt từng tiêu chí nông thôn mới của từng xã trên địa bàn từng huyện, thành phố; nêu rõ lý do xã chưa được xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

2. Tổ chức xét công nhận:

2.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (gọi tắt Hội đồng thẩm định) gồm đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan. Chủ tịch Hội đồng thẩm định là một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;

2.2. Hội đồng thẩm định tổ chức họp, thảo luận, bỏ phiếu xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cho từng xã (cuộc họp chỉ được tiến hành khi có từ 70% trở lên số thành viên Hội đồng có mặt); căn cứ Nghị quyết của Hội đồng xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 2569/QĐ-UBND năm 2017 quy định về Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Số hiệu: 2569/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
Người ký: Nguyễn Hồng Diên
Ngày ban hành: 29/09/2017
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [21]
Văn bản được căn cứ - [7]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 2569/QĐ-UBND năm 2017 quy định về Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Văn bản liên quan cùng nội dung - [13]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [1]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…