Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1731/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 25 tháng 5 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TRỢ GIÚP XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2018 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 98/2017/TT-BTC ngày 29/9/2017 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020.

Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tuấn Thanh

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TRỢ GIÚP XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1731/QĐ-UBND ngày 25/5/2018 của UBND tỉnh)

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRỢ GIÚP XÃ HỘI CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH

I. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH ĐỐI TƯỢNG BẢO TRỢ XÃ HỘI, HỘ GIA ĐÌNH CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, hiện nay toàn tỉnh có hơn 78.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, hơn 37.000 hộ nghèo, hơn 26.000 hộ cận nghèo, 1.007 người cao tuổi nghèo, không có người có nghĩa vụ phụng dưỡng, hơn 4.000 người khuyết tật thuộc dạng thần kinh, trí tuệ và hơn 3.900 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Đối tượng bảo trợ xã hội và hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện sinh sống đều khắp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, các xã nghèo, vùng khó khăn thường xảy ra thiên tai lũ lụt cao hơn so với các xã ở vùng đồng bằng và thành thị.

II. KẾT QUẢ TRỢ GIÚP XÃ HỘI NĂM 2017

Mặc dù, điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nổ lực phấn đấu của các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương, nên các chính sách, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chính sách bảo trợ xã hội, trẻ em, bình đẳng giới, ma túy, mại dâm, mua bán người… đã được quan tâm tổ chức triển khai kịp thời, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, góp phần phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng, ổn định đời sống. Kết quả thực hiện cụ thể như sau:

- Vận động từ nhiều nguồn khác nhau đã hỗ trợ xây dựng 608 nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách và hộ có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí hơn 44 tỷ đồng; thực hiện cấp 381.642 thẻ BHYT (người nghèo 107.081 thẻ, đồng bào DTTS 9.339 thẻ, người dân xã ĐBKK vùng bãi ngang 144.086 thẻ, đối tượng BTXH 56.891 thẻ, người cận nghèo 42.071 thẻ, Cựu chiến binh (NĐ 150) 4.588 thẻ, Trẻ em dưới 6 tuổi 17.586 thẻ), kinh phí thực hiện hơn 250 tỷ đồng; hỗ trợ miễn giảm học phí cho 99.612 lượt trẻ em, học sinh, sinh viên, kinh phí 33.193 triệu đồng; hỗ trợ tiền điện cho 44.637 hộ nghèo, 4.666 hộ chính sách xã hội có lượng điện tiêu thụ dưới 50Kwh/tháng, 86 hộ chính sách xã hội ở vùng chưa có điện lưới, mức hỗ trợ 49.000 đồng/hộ/tháng, nhu cầu kinh phí thực hiện là 29.040.732.000 đồng; hỗ trợ cho 29.160 lượt hộ vay vốn ưu đãi, kinh phí thực hiện 943.702 triệu đồng, trong đó: Cho vay hộ nghèo 9.302 hộ, kinh phí 323.643 triệu đồng; cho vay hộ cận nghèo 4.269 hộ, kinh phí 185.591 triệu đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo 1.860 hộ, kinh phí 82.965 triệu đồng; cho vay giải quyết việc làm 1.311 hộ, kinh phí 36.093 triệu đồng; cho vay xuất khẩu lao động 119 hộ, kinh phí 6.720 triệu đồng.

- Giải quyết trợ cấp xã hội từ nguồn ngân sách nhà nước cho 78.018 đối tượng sống tại cộng đồng, tổng kinh phí là 349.337.439.000 đồng; hỗ trợ mai táng phí cho 4.223 người, kinh phí 22.260.225.000 đồng; mua thẻ BHYT cho 58.737 người, kinh phí 38.448.507.000 đồng. Giải quyết cứu đói cho hơn 45.622 lượt hộ, 105.209 lượt người với hơn 2.578.135 kg gạo; đồng thời nhân các dịp lễ, tết nhất là Tết Nguyên đán, các tổ chức, cá nhân có tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp đã trao tặng hàng chục ngàn suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng; hỗ trợ phẫu thuật cho hơn 32 trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng; khám phân loại cho 42 em bị khuyết tật vận động, trong đó hỗ trợ phẫu thuật cho 16 em, cấp dụng cụ chỉnh hình cho 4 em; có 159 xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em (đạt 100%); có 108/159 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy trong năm 2017, còn lại 51 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy, mại dâm tiếp tục đăng ký duy trì và xây dựng lành mạnh không để phát sinh tệ nạn mại dâm, ma túy, phấn đấu từ năm 2018 trở đi mỗi năm giảm ít nhất 02 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy.

- Đã nâng cấp Trung tâm Bảo trợ xã hội thành Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội, Chuyển đổi Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội thành Cơ sở Cai nghiện ma túy, nâng tổng số Trung tâm trợ giúp xã hội trên toàn tỉnh là 05 Trung tâm (Trong đó: 03 Trung tâm công lập và 02 Trung tâm ngoài công lập). Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội, đến nay toàn tỉnh đã có 159/159 xã phường thị trấn có cộng tác viên công tác xã hội cấp xã.

- Phối hợp với các ban ngành và địa phương tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho hàng ngàn lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, người trong lực lượng vũ trang và sinh viên, học sinh các cấp; nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Kết quả nữ đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội chiếm tỷ lệ 12,5 %, đại biểu HĐND cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 20%, cấp huyện chiếm tỷ lệ 15,74%, cấp xã chiếm tỷ lệ 22,20%.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Được sự chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và sự hỗ trợ thường xuyên của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dành cho các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh mang lại nhiều kết quả rất tích cực. Hầu hết các hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,... đã được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản như: vay vốn tín dụng, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí, nhà ở, đào tạo nghề, trợ cấp xã hội thường xuyên, trợ cấp đột xuất… Các chính sách, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chính sách bảo trợ xã hội; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới đã được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức triển khai tốt, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực đời sống của đối tượng yếu thế trong xã hội, giúp phát triển kinh tế, sớm hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế:

- Ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường, sự phân hoá giàu nghèo, tình trạng thất nghiệp, trình độ dân trí còn thấp dẫn đến việc bảo vệ, chăm sóc các đối tượng yếu thế, các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn hạn chế; các giá trị đạo đức, lối sống thay đổi cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nguồn nuôi dưỡng, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về chính sách an sinh xã hội, trẻ em, bình đẳng giới, ma túy, mại dâm, mua bán người, công tác giảm nghèo ở một số địa phương còn hạn chế, chưa thường xuyên.

- Người bị bệnh tâm thần mãn tính ngày càng nhiều, nhất là người tâm thần ở các tỉnh khác đi lang thang đến địa bàn của tỉnh Bình Định, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn xã hội, trong khi đó cơ sở vật chất tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần của tỉnh còn chật hẹp, chưa được mở rộng nên luôn trong tình trạng quá tải không thể tiếp nhận đối tượng vào quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng.

- Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh xuống cấp nghiêm trọng không thể quản lý được học viên vào cai nghiện, nhiều đối tượng vào cai nghiện trong thời gian ngắn đã đục tường, vượt rào trốn trại, những đối tượng cai nghiện tự nguyện không chấp hành quy định bỏ về… Trong khi đối tượng nghiện ma túy hiện nay ở ngoài xã hội rất nhiều, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên hư hỏng, đua đòi.

- Các hình thức chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại cộng đồng chưa phát triển mạnh. Số trẻ em, cao tuổi, khuyết tật được chăm sóc thay thế tại gia đình, cộng đồng còn ít.

- Vẫn còn một vài địa phương chưa thực sự chú trọng và dành nhiều nguồn lực tương xứng cho các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực tuy không nhiều nhưng vẫn còn xuất hiện.

- Tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn diễn ra ở một số nơi, phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn bị bạo hành, xâm hại và không được nhìn nhận một cách đúng đắn về vị trí và vai trò vốn có trong đời sống gia đình và xã hội; kinh phí đầu tư cho các hoạt động bình đẳng giới ở các địa phương còn quá thấp.

Phần thứ hai

MỤC TIÊU, NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP CỦA CÁC DỰ ÁN

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tăng cường công tác phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh. Tạo môi trường an toàn cho trẻ em và giảm khoảng cách về bất bình đẳng giới, đồng thời giúp cho các đối tượng nghiện ma túy, mại dâm, nạn nhân mua bán người… được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn hoặc được hỗ trợ thông qua các chế độ, chính sách của Nhà nước.

2. Yêu cầu

Đảm bảo sự chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc xây dựng kế hoạch triển khai chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội của tỉnh. Huy động sự tham gia của các cá nhân và cộng đồng trong việc tăng cường nguồn lực, tạo điều kiện thực hiện tốt các nội dung Chương trình.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Từng bước phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội cho đối tượng yếu thế theo hướng hội nhập quốc tế; tạo môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ em; giảm khoảng cách giới trong những lĩnh vực, ngành, địa phương có nguy cơ bất bình đẳng giới; nâng cao chất lượng, hiệu quả cai nghiện ma túy, tuyên truyền phòng, chống mại dâm; hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội, hướng tới mục tiêu công bằng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- Duy trì tỷ lệ cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập ở mức 80 %; tăng tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ và quản lý ca từ các cơ sở trợ giúp xã hội trên 50%; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 80% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội.

- 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; giảm tỷ lệ gia tăng số trẻ em bị xâm hại; có kế hoạch hỗ trợ, can thiệp 90% trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại, trẻ em bị xâm hại; 90% trở lên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quản lý, theo dõi.

- 100% nữ đại biểu dân cử nhiệm kỳ 2016 - 2021, nữ cán bộ quản lý, lãnh đạo và nữ cán bộ trong diện quy hoạch được trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng quản lý, lãnh đạo và các kỹ năng mềm; 50% nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, hỗ trợ và can thiệp kịp thời; 50% số người gây bạo lực hoặc có nguy cơ gây bạo lực được phát hiện, tư vấn.

- 100% người nghiện ma túy có quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; 100% xã, phường, thị trấn được tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn mại dâm; 100% số nạn nhân bị mua bán được phát hiện, được tư vấn, hỗ trợ và chăm sóc.

III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Đối tượng

Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức, cá nhân và các nhóm đối tượng yếu thế thuộc diện bảo trợ xã hội đang được nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vấn đề bình đẳng giới; người cai nghiện ma túy, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán.

2. Phạm vi

Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

3. Thời gian thực hiện

- Năm 2018: Trên cơ sở Kế hoạch chung của UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể có liên quan, các địa phương xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện.

- Năm 2019: Tổ chức sơ kết đánh giá 01 năm thực hiện Kế hoạch.

- Quý IV, năm 2020: Tổ chức đánh giá, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch.

IV. NỘI DUNG THỰC HIỆN CỦA TỪNG DỰ ÁN

1. Dự án 1: Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với đối tượng yếu thế

1.1. Mục tiêu

a. Mục tiêu chung

Duy trì, xây dựng và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đáp ứng nhu cầu trợ giúp của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

b. Mục tiêu cụ thể

- Quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập giữ ở mức 80% trở lên vào năm 2020; tăng tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ và quản lý ca từ các cơ sở trợ giúp xã hội tăng trên 50% vào năm 2020.

- Xây dựng thí điểm các mô hình cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội, phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí, mô hình gia đình cá nhân nhận nuôi có thời hạn và mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

- Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho trên 80% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên đang làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội; Công chức thuộc phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố; cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các xã, phường, thị trấn; cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn.

- Sử dụng giáo trình đào tạo và giáo trình giáo dục nghề nghiệp về công tác xã hội được cấp có thẩm quyền ban hành để giảng dạy, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ nhân viên công tác xã hội.

- Tăng cường công tác truyền thông để phổ biến quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội, vận động xã hội nhằm thay đổi cách thức trợ giúp xã hội, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội.

1.2. Phạm vi thực hiện

- Dự án được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, ưu tiên các cơ sở trợ giúp xã hội có chức năng chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp, cơ sở bảo trợ xã hội chuyên biệt, trung tâm công tác xã hội và bảo trợ xã hội, công chức, viên chức và cộng tác viên công tác xã hội.

- Vốn đầu tư: Các cơ sở trợ giúp xã hội cấp tỉnh, cấp huyện nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Vốn sự nghiệp: Do Trung ương và địa phương hỗ trợ.

1.3. Nội dung chủ yếu

a. Phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội

- Thực hiện quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập. Trong đó, chú trọng nâng cấp, mở rộng và phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội gồm: Cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí, cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp, cơ sở bảo trợ xã hội chuyên biệt và trung tâm công tác xã hội; công chức, viên chức và cộng tác viên công tác xã hội.

- Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị cho cơ sở trợ giúp xã hội công lập đạt tiêu chuẩn chăm sóc theo chuẩn do Nhà nước quy định, bảo đảm có các phân khu chức năng, các hạng mục công trình đáp ứng hoạt động chăm sóc, phục hồi chức năng, trị liệu và cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Ưu tiên hỗ trợ mua sắm trang thiết bị vận chuyển đối tượng, sơ cấp cứu, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho đối tượng.

b. Hỗ trợ xây dựng, vận hành các mô hình cơ sở trợ giúp xã hội, gồm mô hình trung tâm công tác xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp, cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí, mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn và mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

c. Nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên

- Xây dựng kế hoạch đào tạo về công tác xã hội phù hợp với nhu cầu thực tế, đạt yêu cầu chuẩn đào tạo của cả nước nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về công tác xã hội.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo các kỹ năng công tác xã hội, chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nghề công tác xã hội bảo đảm liên thông đào tạo đại học nghề công tác xã hội.

d. Đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ trợ giúp xã hội:

- Đào tạo, đào tạo lại cho 105 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học (bình quân 35 người/năm).

- Đào tạo kỹ năng chuyên sâu chăm sóc, phục hồi chức năng cho đối tượng, tối thiểu 10 chỉ tiêu/năm.

- Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho 1.500 lượt cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội và tình nguyện viên trợ giúp xã hội (bình quân 500 người/năm).

- Nghiên cứu, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện phát triển nghề công tác xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí, chăm sóc trẻ em có HCĐBKK dựa vào cộng đồng, củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội. Trên cơ sở đó, khuyến nghị giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển hệ thống trợ giúp xã hội.

e. Truyền thông, nâng cao nhận thức:

- Truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí hệ thống trợ giúp xã hội, công tác xã hội, cơ sở trợ giúp xã hội, kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần và đối tượng khác.

- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu và phổ biến pháp luật về lĩnh vực trợ giúp xã hội cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên.

- Trên cơ sở hướng dẫn của trung ương, tổ chức khảo sát học hỏi kinh nghiệm các địa phương xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ năng trợ giúp xã hội cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên trợ giúp xã hội phù hợp với các yếu tố đặc thù của tỉnh.

f. Giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch:

- Triển khai hệ thống tiêu chí giám sát, đánh giá theo các nội dung và mục tiêu của Kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện Kế hoạch hàng năm, giữa kỳ và tổng kết giai đoạn 2017 - 2020, trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển hệ thống trợ giúp xã hội trong thời gian tới.

2. Dự án 2: Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em

2.1. Mục tiêu

a. Mục tiêu chung: Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm số trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại; kịp thời can thiệp, trợ giúp trẻ em có nguy cơ cao, trẻ em bị xâm hại góp phần tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em.

b. Mục tiêu cụ thể:

- 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.

- Giảm tỷ lệ gia tăng số trẻ em bị xâm hại.

- 90% trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại, trẻ em bị xâm hại có kế hoạch hỗ trợ, can thiệp.

- 90% trở lên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quản lý, theo dõi.

2.2. Phạm vi thực hiện

Dự án được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

2.3. Nội dung chủ yếu

a. Hoàn thiện và duy trì hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt

- Hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất, duy trì hoạt động cung cấp và kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em cho Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội của tỉnh.

- Hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất, hoạt động mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại cơ sở.

- Nâng cấp và duy trì hoạt động đường dây nóng Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội của tỉnh.

- Thiết lập mạng lưới kết nối với tổng đài quốc gia thực hiện quy trình tiếp nhận và xử lý liên cấp, liên ngành thông tin, thông báo tố giác hành vi xâm hại trẻ em.

b. Xây dựng, triển khai kế hoạch hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

- Hỗ trợ thực hiện mô hình kết nối, chuyển gửi, tìm gia đình chăm sóc thay thế cho các đối tượng trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

- Hỗ trợ thực hiện mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

- Xây dựng, triển khai, duy trì mô hình thí điểm chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

- Tổ chức giám sát và hỗ trợ kỹ thuật về thực hiện quy trình, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

c. Nâng cao năng lực quản lý, cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; năng lực của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về bảo vệ trẻ em

- Rà soát, xây dựng chương trình, tài liệu nâng cao năng lực, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cán bộ quản lý, cán bộ cung cấp dịch vụ, cha mẹ và trẻ em.

- Tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp; nhân viên và cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công lập, ngoài công lập, tập huấn giảng viên nguồn cho địa phương.

- Tập huấn, truyền thông chuyển đổi hành vi, cung cấp kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em.

- Tập huấn, truyền thông về kỹ năng phòng ngừa nguy cơ, tự bảo vệ cho trẻ em.

d. Hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em

- Duy trì, vận hành, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, thu thập và cập nhật thông tin về trẻ em.

- Đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em các cấp. Khảo sát, đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ, chuyên đề về trẻ em.

3. Dự án 3: Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới

3.1. Mục tiêu

a. Mục tiêu chung

Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, lao động việc làm, giảm dần số vụ bạo lực trên cơ sở giới.

b. Mục tiêu cụ thể

- 80% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang và sinh viên, học sinh các cấp, 50% người dân được tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.

- 100% nữ đại biểu dân cử nhiệm kỳ 2016 - 2021, nữ cán bộ quản lý, lãnh đạo và nữ cán bộ trong diện quy hoạch được trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng quản lý, lãnh đạo và các kỹ năng mềm.

- Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội của tỉnh được hỗ trợ thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới.

- Triển khai ít nhất một trong các mô hình trên địa bàn tỉnh: Hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, khởi sự và phát triển doanh nghiệp; “Câu lạc bộ nữ công nhân nhà trọ” tại khu công nghiệp, khu chế xuất; mô hình “vận dụng các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ trong thực hiện bình đẳng giới” tại doanh nghiệp.

- Tối thiểu 01 Cơ sở trợ giúp nạn nhân bị bạo lực giới được xây dựng, vận hành; 11 địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng được thí điểm cung cấp dịch vụ đạt chuẩn.

- 50% nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ hỗ trợ; 50 % số người gây bạo lực hoặc có nguy cơ gây bạo lực được phát hiện, tư vấn.

- 100% cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, cán bộ tham mưu hoạch định chính sách và cán bộ làm công tác pháp chế ở các sở, ngành, cơ quan cấp tỉnh, các địa phương; cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp và đội ngũ cộng tác viên về bình đẳng giới được tập huấn bổ sung kiến thức, kỹ năng hoạt động về bình đẳng giới.

3.2. Phạm vi thực hiện

Dự án được thực hiện tại địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ cao bất bình đẳng giới. Các hoạt động truyền thông và nâng cao năng lực được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

3.3. Nội dung chủ yếu

a. Truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

- Nâng cao năng lực truyền thông về bình đẳng giới cho các cơ quan truyền thông, đội ngũ báo cáo viên, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở.

- Xây dựng, duy trì và phát triển đa dạng các chương trình, sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó chú trọng chương trình thông tin cơ sở; phù hợp với từng nhóm dân tộc, phong tục, tập quán.

- Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng, vùng, miền, đẩy mạnh các hoạt động thu hút nam giới và trẻ em trai tham gia thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, chia sẻ trách nhiệm gia đình, xóa bỏ bất bình đẳng giới trong cộng đồng và xã hội, xây dựng mạng lưới người có ảnh hưởng trong xã hội để truyền tải thông điệp về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, thực hiện tuyên truyền, giáo dục về phòng ngừa bạo lực trên môi trường mạng, ép phụ nữ kết hôn với người nước ngoài vì lý do kinh tế và phân biệt đối xử vì lý do giới tính.

- Tuyên truyền về các tấm gương điển hình, cá nhân, tập thể có sáng kiến, hoạt động tích cực trong công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

- Thí điểm lồng ghép nội dung về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới vào nội dung sinh hoạt của các câu lạc bộ tại cộng đồng và trong trường học, các doanh nghiệp, các khu công nghiệp tại một số địa phương.

b. Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo và cơ quan dân cử

- Triển khai các hoạt động truyền thông cho cơ quan, tổ chức, cá nhân làm công tác tổ chức, xây dựng và thực hiện công tác quy hoạch cán bộ nữ; tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ cán bộ dân cử, nữ cán bộ quản lý lãnh đạo các cấp, nữ cán bộ trong diện quy hoạch kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng quản lý lãnh đạo và các kỹ năng mềm khác nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ nữ tham gia chính trị, lãnh đạo quản lý tại các địa phương có tỷ lệ phụ nữ tham gia thấp.

- Tổ chức các diễn đàn và mạng lưới kết nối lãnh đạo nữ nhằm trao đổi kinh nghiệm giữa các nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và lãnh đạo nữ các cấp.

c. Hỗ trợ thực hiện cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về bình đẳng giới tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội của tỉnh

- Xây dựng, áp dụng thí điểm tiêu chuẩn, điều kiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ về bình đẳng giới.

- Nâng cấp, mua sắm trang thiết bị, kỹ thuật để thực hiện cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về bình đẳng giới.

- Hỗ trợ xây dựng và phát triển tài liệu tập huấn cho đội ngũ cán bộ của Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh về lĩnh vực bình đẳng giới và kỹ năng tư vấn, làm việc với các đối tượng liên quan.

d. Cung cấp dịch vụ phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới

- Nghiên cứu, xây dựng, áp dụng thí điểm làm cơ sở ban hành tiêu chuẩn về:

+ Mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ ban đầu như: Nơi trú ẩn tạm thời khẩn cấp và an toàn, tư vấn tâm lý và pháp lý cơ bản, chăm sóc sức khỏe ban đầu, liên hệ chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết.

+ Cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cung cấp gói dịch vụ hỗ trợ tối thiểu: Dịch vụ cho nạn nhân gồm bảo vệ an toàn, dịch vụ y tế, chăm sóc, nuôi dưỡng, tư vấn hỗ trợ tâm lý và trợ giúp pháp lý, cung cấp kỹ năng cơ bản để phòng, tránh bạo lực tái diễn, liên kết hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm, dịch vụ cho người gây bạo lực gồm tư vấn tâm lý kiềm chế hành vi bạo lực, hỗ trợ pháp lý, liên kết tư vấn hỗ trợ cai nghiện rượu và các chất kích thích, dịch vụ tại cộng đồng nhằm kết nối với các mô hình tại cộng đồng hình thành mô hình hỗ trợ khép kín.

+ Thành phố an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái: Khảo sát, đánh giá mức độ an toàn tại thành phố, xây dựng kế hoạch ứng phó.

+ Trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực: Nâng cao kỹ năng cho giáo viên, người học và cung cấp thông tin cho phụ huynh về biện pháp phòng ngừa và ứng phó với bạo lực tại trường học, thiết lập các dịch vụ hỗ trợ, can thiệp ngay tại trường học, đề xuất biện pháp xử lý phù hợp đối với người có hành vi bạo lực, lồng ghép nội dung về phòng, chống bạo lực trong các câu lạc bộ thể thao, hoạt động ngoại khóa.

- Hỗ trợ xây dựng và thí điểm các mô hình:

+ Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng.

+ Mô hình câu lạc bộ giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới tại vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

- Hỗ trợ dịch vụ đường dây nóng về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: Hỗ trợ nâng cấp, mua sắm trang thiết bị, kỹ thuật và vận hành đường dây nóng nhằm kịp thời tư vấn, can thiệp hỗ trợ nạn nhân, xây dựng và phát triển tài liệu nâng cao kỹ năng tham vấn, tư vấn cho cán bộ phụ trách đường dây nóng, thí điểm cơ chế phối hợp liên ngành trong giải quyết bạo lực trên cơ sở giới thông qua sử dụng đường dây nóng kết nối với các đơn vị liên quan, kết nối với các mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng và cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn.

e. Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm

- Thí điểm các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất và kinh doanh: Nâng cao năng lực, kỹ năng khởi sự và quản trị doanh nghiệp, phát triển kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng câu lạc bộ nữ doanh nhân.

- Thí điểm mô hình “Câu lạc bộ nữ công nhân nhà trọ” tại khu công nghiệp, tạo điều kiện giúp nữ công nhân tham gia và tiếp cận với các dịch vụ xã hội.

f. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới

- Phát triển chương trình và tài liệu tập huấn nâng cao kiến thức nghiệp vụ về hoạt động bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng định kỳ, tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm.

- Thí điểm xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu, thu thập và cập nhật thông tin về bình đẳng giới trong một số lĩnh vực, phát triển tài liệu, tập huấn và đào tạo kỹ năng phân tích sử dụng số liệu tách biệt giới trong một số lĩnh vực.

- Tổ chức thực hiện việc hướng dẫn, đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Dự án 4: Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán

4.1. Mục tiêu

a. Mục tiêu chung

Nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy, thực hiện quy hoạch, chuyển đổi, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ, nhân lực phục vụ công tác cai nghiện, phục hồi cho người nghiện ma túy. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống mại dâm, giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội, giảm tội phạm liên quan đến mại dâm. Bảo đảm quyền bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội đối với người bán dâm, giúp họ chuyển đổi công việc có thu nhập chính đáng ổn định cuộc sống. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, tạo các điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, hòa nhập với cộng đồng.

b. Mục tiêu cụ thể

- Về cai nghiện ma túy:

+ Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 100% cán bộ chính quyền các cấp và 80% trở lên người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về vấn đề tác hại của nghiện ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị nghiện ma túy.

+ Nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 100% cán bộ tham gia công tác dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện; 100% cán bộ làm công tác tư vấn về dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo và cấp chứng chỉ; 100% cán bộ y tế công tác tại các cơ sở điều trị nghiện có đầy đủ văn bằng, chứng chỉ theo quy định về điều trị nghiện.

+ 100% người nghiện ma túy khi có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thi hành kịp thời.

+ Tỷ lệ số người nghiện có hồ sơ quản lý được điều trị từ 60% trở lên. 100% số người nghiện cai nghiện ma túy có nhu cầu được tư vấn học nghề và dạy nghề.

+ 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ sở cai nghiện ma túy, trung tâm bảo trợ xã hội chuyên về lĩnh vực cai nghiện, cán bộ quản lý được đào tạo ngắn hạn về chuyên môn, nghiệp vụ cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật.

+ Xây dựng và duy trì hoạt động 03 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy ở cộng đồng tại các xã, phường thị trấn có từ 20 người nghiện trở lên.

- Về phòng, chống mại dâm:

+ 100% xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền bằng hình thức phù hợp về phòng, chống mại dâm để nâng cao nhận thức, nhận biết được tác hại và ảnh hưởng của tệ nạn mại dâm đến đời sống xã hội, tạo được sự đồng thuận trong phòng, chống mại dâm và có thái độ, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.

+ 50% các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai các mô hình hỗ trợ, can thiệp giảm tác hại trong phòng, chống mại dâm.

+ 100% cán bộ làm công tác phòng, chống mại dâm được tập huấn nâng cao năng lực về công tác phối hợp, giám sát và đánh giá công tác phòng, chống mại dâm.

+ Phấn đấu 90% xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm.

+ Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng, duy trì từ 01 đến 03 mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm.

- Về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán:

+ 100% các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân và được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

+ 100% nạn nhân có nhu cầu được hỗ trợ chế độ theo quy định của pháp luật.

+ 100 % nạn nhân và người thân của họ có nhu cầu được bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật.

+ Đến năm 2020, 90% các địa bàn trọng điểm xây dựng, duy trì các mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán.

4.2. Phạm vi thực hiện

Dự án thực hiện trên phạm vi cả tỉnh, ưu tiên những địa bàn tập trung nhiều đối tượng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

4.3. Nội dung chủ yếu

a. Hỗ trợ cai nghiện ma túy

- Nâng cấp, hoàn thiện Cơ sở cai nghiện ma tuý của tỉnh, đáp ứng các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự phục vụ công tác cai nghiện, phục hồi cho người nghiện ma tuý và các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị cai nghiện theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma tuý.

- Rà soát, đầu tư hoàn thiện, sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng cơ sở cai nghiện ma tuý; bổ sung cơ sở vật chất để thực hiện điều trị Methadone tại cơ sở cai nghiện theo Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 02/7/2015 của Chính phủ.

- Đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện và điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị cai nghiện theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma tuý.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện thí điểm các mô hình cai nghiện phục hồi phù hợp với các địa phương, sơ kết, tổng kết và nhân rộng mô hình cai nghiện có hiệu quả. Xây dựng chương trình học nghề đặc thù cho người nghiện ma túy, tổ chức triển khai thí điểm dạy nghề và đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình.

- Xây dựng các kỹ năng lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, hướng dẫn người nghiện ma túy tìm việc làm, xây dựng các chương trình kết nối giới thiệu việc làm cho người nghiện ma túy, cho vay vốn tạo việc làm cho người sau cai nghiện.

- Thực hiện các bước thu thập dữ liệu, xây hệ thống thông tin quản lý, dịch vụ đào tạo về tư vấn, điều trị, cai nghiện trực tuyến...

- Tổ chức tuyên truyền các mô hình xã, phường làm tốt công tác cai nghiện, các điển hình cai nghiện thành công, tình nguyện viên, các cá nhân, tổ chức xã hội giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng.

b. Về phòng, chống mại dâm

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức phòng, chống mại dâm:

+ Tăng cường công tác phòng ngừa thông qua các hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng, tập trung ở các khu vực miền núi, các địa phương nghèo để hạn chế phát sinh mới số người tham gia mại dâm, thực hiện chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng trên phạm vi tỉnh, ưu tiên triển khai tại các địa bàn trọng điểm. Tập huấn nâng cao năng lực cho mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, tình nguyện viên, cộng tác viên tại địa phương để thực hiện tốt công tác tuyên truyền và hướng dẫn cộng đồng về phòng ngừa mại dâm; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền tại cộng đồng thông qua các buổi thảo luận nhóm, tư vấn hỗ trợ cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp, các hoạt động tuyên truyền mang tính tương tác cao tại các khu công nghiệp, trường học..., chú trọng các nhóm có nguy cơ cao.

+ Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông phòng, chống mại dâm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Thực hiện các hoạt động truyền thông về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống mại dâm; giảm kì thị, phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người bán dâm; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các tiểu phẩm, ký sự, bài viết và tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về tình hình tệ nạn mại dâm, công tác phòng, chống mại dâm trên các phương tiện truyền thông, báo chí của địa phương; Biên soạn, in ấn các sản phẩm truyền thông.

- Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội tại địa bàn cơ sở:

+ Tổ chức rà soát, đánh giá về nhóm người có nguy cơ cao và các chương trình an sinh xã hội, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương để hướng mục tiêu của các chương trình đến các nhóm đối tượng này.

+ Xây dựng các kế hoạch lồng ghép việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội tại địa phương với nhiệm vụ phòng, chống mại dâm.

- Xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm: Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về hỗ trợ giảm hại, hòa nhập cộng đồng cho cán bộ trực tiếp tham gia làm công tác phòng, chống mại dâm và đội ngũ cộng tác viên truyền thông để thực hiện tốt công tác tuyên truyền và hướng dẫn cộng đồng về phòng ngừa mại dâm. Xây dựng, thử nghiệm quy trình hỗ trợ và gói dịch vụ hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm tại cộng đồng. Xây dựng cơ chế huy động sự tham gia của các câu lạc bộ, nhóm tự lực, nhóm đồng đẳng tham gia các hoạt động phòng ngừa, giảm hại, giảm phân biệt đối xử, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.

- Xây dựng thử nghiệm các mô hình: (1) Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; (2) Mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; (3) Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

c. Về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

- Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, từng từng bước hình thành mạng lưới hỗ trợ nạn nhân; thực hiện quy trình chuẩn về hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở bảo trợ, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và tại cộng đồng theo quy định pháp luật, đảm bảo theo hướng bình đẳng giới, chú ý nhu cầu và đặc điểm của các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là trẻ em.

- Tổ chức tập huấn, đào tạo, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm,... nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan ban ngành liên quan để thực hiện tốt quy trình hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng.

- Đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân thành công tại cộng đồng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào công tác hỗ trợ nạn nhân.

- Tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân: Điều tra khảo sát, rà soát, thống kê nạn nhân bị mua bán trở về. Đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân. Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch và xây dựng các hoạt động cho giai đoạn tiếp theo.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về công tác chỉ đạo, lãnh đạo

a. Tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự tham gia tích cực của các đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội.

b. Chỉ đạo việc đưa mục tiêu, nội dung của các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2018-2020, hàng năm của các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các cấp.

2. Về nhân lực, quản lý

a. Nguồn nhân lực thực hiện Kế hoạch là cán bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội ở các sở, ban, ngành, đoàn thể; các địa phương; các cơ sở trợ giúp xã hội và cung cấp dịch vụ công tác xã hội; cộng tác viên công tác xã hội, cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em, cộng tác viên làm công tác giảm nghèo và các tình nguyện viên ở cộng đồng.

b. Cơ quan quản lý nhà nước ở cấp tỉnh (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) củng cố bộ phận chuyên trách quản lý các dự án thành phần thuộc Kế hoạch này với mục tiêu nhằm hoàn thành các hoạt động, công việc theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong phạm vi ngân sách được duyệt.

3. Về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục

a. Đẩy mạnh và đổi mới hiệu quả các hình thức truyền thông, phổ biến, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức, hành động và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về thực hiện bình đẳng giới, bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và vai trò, vị trí của hệ thống trợ giúp xã hội.

b. Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội; góp phần giảm khoảng cách về giới; phòng, chống mại dâm, ma tuý và mua bán người, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

4. Về cơ chế, chính sách

a. Triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực bảo trợ xã hội; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội.

b. Ban hành một số văn bản của địa phương theo thẩm quyền để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch, trong đó ưu tiên cho các đơn vị, địa phương khó khăn; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện. Phân cấp cho chính quyền địa phương, các đơn vị trực tiếp thụ hưởng lợi ích của dự án, hoạt động.

c. Nâng cao năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước các cấp về bảo trợ xã hội; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển hệ thống trợ giúp xã hội.

5. Về huy động vốn

Xây dựng cơ chế, chính sách tham mưu UBND tỉnh ban hành để khuyến khích huy động vốn thực hiện các dự án thành phần của Kế hoạch từ các đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và các nguồn tài trợ hợp pháp, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, kêu gọi xã hội hóa trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2018-2020.

6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nội dung của kế hoạch giai đoạn 2018 - 2020, hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ của các cấp, các ngành và phối hợp liên ngành.

7. Đẩy mạnh hợp tác

Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trên cả 3 khía cạnh: kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính để phát triển các lĩnh vực bảo trợ xã hội; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành và huy động từ sự đóng góp hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; chú trọng kết hợp hiệu quả giữa kinh phí thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu của từng ngành, từng địa phương.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

- Hướng dẫn, tổ chức, triển khai, điều phối, kiểm tra, giám sát thực hiện các hoạt động của kế hoạch và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khảo sát, rà soát, thống kê, phân nhóm những nội dung liên quan thuộc các hoạt động của 4 dự án thành phần, làm cơ sở đánh giá tình hình để thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

- Chủ trì và phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản chỉ đạo thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh để bảo đảm cho việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch.

- Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực hiện các mục tiêu của năm trước, xây dựng kế hoạch trung hạn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (vốn đầu tư phát triển); dự toán hàng năm gửi Sở Tài chính (vốn sự nghiệp), dự kiến mục tiêu, nhiệm vụ và phương án phân bổ nguồn ngân sách Trung ương chi tiết theo từng dự án, phù hợp với mục tiêu, nội dung trong kế hoạch được phê duyệt.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cân đối và bố trí vốn đầu tư phát triển (nguồn vốn Trung ương) để thực hiện các dự án thuộc kế hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho các dự án thuộc Kế hoạch sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định phương án phân bổ vốn sự nghiệp, trình UBND tỉnh phê duyệt và giao dự toán theo quy định.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch.

3. Sở Tài chính

- Trên cơ sở đề xuất dự toán trung hạn và hàng năm của các đơn vị được giao nhiệm vụ tại Kế hoạch, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cân đối nguồn và bố trí kinh phí cho các đơn vị thực hiện.

- Chủ trì hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện kế hoạch.

4. Sở Thông Tin và Truyền Thông; Sở Tư pháp; Báo Bình Định; Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến quan điểm chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về: Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với các đối tượng yếu thế; Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em; Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán.

5. Các sở, ban, ngành, đơn vị được giao nhiệm vụ tại Kế hoạch có trách nhiệm xây dựng kinh phí thực hiện theo nội dung được giao tại Kế hoạch vào thời điểm xây dựng dự toán hàng năm.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, các tổ chức liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:

- Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phù hợp với chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch với các chương trình khác có liên quan trên địa bàn.

- Lập dự toán và bố trí ngân sách hàng năm, nhân lực để thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật.

- Theo dõi, tổ chức kiểm tra, giám sát và báo cáo việc thực hiện Kế hoạch.

- Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp).

VIII. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, căn cứ chức năng nhiệm vụ, tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương chủ động triển khai thực hiện kế hoạch; định kỳ hàng năm (trước ngày 15/12) báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp chung.

2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện Kế hoạch.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tổng hợp để trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tuấn Thanh

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 1731/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2018-2020

Số hiệu: 1731/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
Người ký: Nguyễn Tuấn Thanh
Ngày ban hành: 25/05/2018
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 1731/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2018-2020

Văn bản liên quan cùng nội dung - [8]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…