THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 151/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2025 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT ĐỀN THỜ NGUYỄN BỈNH KHIÊM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Căn cứ Nghị định số 67/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 ngày 12 tháng 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 364/TTr-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2024,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm với những nội dung sau:
I. PHẠM VI, QUY MÔ VÀ MỤC TIÊU QUY HOẠCH
1. Quy mô và ranh giới quy hoạch
a) Cụm trung tâm Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm với 03 điểm di tích chính, gồm:
- Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, có diện tích là 9,992 ha (trong đó, diện tích Khu vực bảo vệ I là 0,317 ha và Khu vực bảo vệ II là 9,675 ha); có ranh giới được xác định như sau: Phía Bắc giáp cánh đồng Cây Bàng; phía Nam giáp khu dân cư thôn 5 Trung Am; phía Đông cánh đồng Mả Dứa và phía Tây giáp cánh đồng Gốc Móc.
- Quán Trung Tân, có diện tích là 0,258 ha (trong đó, diện tích Khu vực bảo vệ I là 0,017 ha và Khu vực bảo vệ II là 0,241 ha); có ranh giới được xác định như sau: Phía Bắc giáp sông Thái Bình; phía Nam và phía Đông giáp đường đê sông Thái Bình; phía Tây giáp khu đồng ngoài đê sông Thái Bình.
- Tháp bút Kình Thiên có diện tích 0,471 ha (trong đó, diện tích Khu vực bảo vệ I là 0,038 ha và Khu vực bảo vệ II là 0,433 ha); có ranh giới được xác định như sau: Phía Bắc giáp trường Trung học cơ sở xã Lý Học; phía Nam và phía Đông giáp khu cánh đồng thuốc lào Vĩnh Bảo; phía Tây giáp đường vào thôn Trung Am và Nghĩa trang liệt sỹ xã Lý Học.
b) Khu vực phát huy giá trị di tích: Khu vực nghiên cứu, đề xuất bổ sung nhằm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan và trung tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội là 9,089 ha. Bao gồm: Nghiên Thiên Tạo (diện tích 0,116 ha); Ao làng Nguyễn Bỉnh Khiêm (diện tích 0,082 ha); Nhà thờ họ và vườn hoa Nguyễn Bỉnh Khiêm (diện tích 0,092 ha); Sân lễ hội (diện tích: 2,447 ha); Nhà đón tiếp (diện tích 0,609 ha); Nhà dịch vụ (diện tích 0,324 ha); Vườn hoa cảnh quan (diện tích 1,238 ha); Bãi xe điện (diện tích 0,394 ha), Bãi đỗ xe (diện tích 3,787 ha, bao gồm: Bãi xe chính, diện tích 3,427 ha bố trí cạnh khu vực tiếp đón và dịch vụ và bãi xe phụ, diện tích 0,360 ha).
Ranh giới cụ thể các điểm thuộc Khu vực phát huy giá trị di tích, khu hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan và trung tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội được xác định cụ thể trong giai đoạn cắm mốc mới, khoanh vùng bảo vệ trên thực địa khi triển khai lập quy hoạch chi tiết.
2. Mục tiêu quy hoạch
a) Mục tiêu dài hạn
- Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm và giá trị các di sản văn hóa phi vật thể gắn với cụm di tích, góp phần giáo dục truyền thống hiếu học và hình thành điểm du lịch lịch sử - văn hóa đặc sắc của huyện Vĩnh Bảo và thành phố Hải Phòng.
- Cụ thể hóa các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2023; Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2023.
b) Mục tiêu ngắn hạn
- Tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhằm tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của Trạng Trình; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của di tích và các giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích.
- Xác định ranh giới, khoanh vùng bảo vệ di tích làm cơ sở quản lý và cắm mốc giới bảo vệ di tích; xác định chức năng và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu vực bảo vệ môi trường, cảnh quan, sinh thái. Tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
- Đề xuất định hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình và nhóm giải pháp tổng thể quản lý và thực hiện đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
- Làm căn cứ pháp lý để lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích gốc và các hạng mục công trình xây dựng mới tại Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm; xây dựng các công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khuôn viên di tích, các công trình phục vụ du khách.
1. Quy hoạch điều chỉnh quy mô khu di tích
Điều chỉnh khu vực bảo vệ và khu vực phát huy giá trị di tích cho cụm điểm di tích thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm:
a) Khu Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm: Điều chỉnh quy hoạch mở rộng diện tích là 9,992 ha; các khu vực bảo vệ được xác định cụ thể như sau:
- Giữ nguyên diện tích của Khu vực bảo vệ I là 0,317 ha (theo hồ sơ khoa học di tích). Thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ nguyên trạng các hạng mục công trình hiện hữu.
- Điều chỉnh tăng khoảng 0,842 ha phần diện tích của Khu vực bảo vệ II lên thành 9,675 ha (so với diện tích trong hồ sơ xếp hạng di tích); cụ thể:
+ Bổ sung phần diện tích 0,495 ha của khu vực đền, chùa Song Mai (nơi thờ bà Minh Nguyệt - Phu nhân Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm), nằm tiếp giáp với Khu vực bảo vệ I vào khu vực quy hoạch để hình thành chỉnh thể không gian cảnh quan và kết nối đồng bộ với Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm;
+ Bổ sung diện tích 1,655 ha của khu vực sản xuất nông nghiệp phía sau mộ phần cụ Nguyễn Văn Định vào khu vực bảo vệ II để hình thành không gian cảnh quan xanh bảo vệ công trình di tích và đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật;
+ Bổ sung khu vực đất ở và sân vườn phía nhà làm việc Ban Quản lý di tích hiện nay (diện tích 0,248 ha) nhằm hoàn chỉnh ranh giới khoanh vùng bảo vệ điểm di tích, tạo không gian cảnh quan vuông vắn.
+ Thu hẹp diện tích Khu vực bảo vệ II (khoảng 1,556 ha) thuộc một phần diện tích đường đôi Trung Tân và bãi đỗ xe ô tô (theo hồ sơ khoa học xếp hạng di tích); chuyển sang khu vực phát huy giá trị cho khu di tích, bảo đảm phù hợp với quy hoạch giao thông đô thị và thực tiễn quản lý di tích.
b) Quán Trung Tân: Quy hoạch điều chỉnh diện tích là 0,258 ha; các khu vực bảo vệ được xác định cụ thể như sau:
- Giữ nguyên diện tích của Khu vực bảo vệ I là 0,017 ha (theo hồ sơ khoa học di tích). Thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ nguyên trạng các hạng mục công trình hiện hữu.
- Điều chỉnh tăng khoảng 0,168 ha phần diện tích của Khu vực bảo vệ II lên thành 0,241 ha (so với diện tích trong hồ sơ xếp hạng di tích); cụ thể:
+ Bổ sung phần diện tích 0,177 ha của khu vực cảnh quan và khuôn viên chùa Tăng Thịnh nằm bên cạnh điểm di tích Quán Trung Tân vào khu vực bảo vệ II để hoàn thiện chỉnh thể không gian cảnh quan, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật; phát huy giá trị di tích cho cả Quán Trung Tân và Chùa Tăng Thịnh.
+ Thu hẹp diện tích Khu vực bảo vệ II (khoảng 0,009 ha) thuộc một phần diện tích đoạn đường nối từ Quán Trung Tân tới bờ sông (được xác định trong hồ sơ khoa học xếp hạng di tích); điều chỉnh sang khu vực cảnh quan, phát huy giá trị cho điểm di tích; nhằm hoàn thiện tổng thể điểm di tích và tạo hành lang an toàn cho khách tham quan; bảo đảm phù hợp với quy hoạch giao thông đô thị và thực tiễn quản lý di tích.
c) Tháp bút Kình Thiên: Quy hoạch điều chỉnh diện tích là 0,471 ha; các khu vực bảo vệ được xác định cụ thể như sau:
- Giữ nguyên diện tích Khu vực bảo vệ I là 0,038 ha (theo hồ sơ khoa học di tích). Thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ nguyên trạng các hạng mục công trình hiện hữu.
- Bổ sung diện tích khu vực khuôn viên cảnh quan xung quanh để tăng phần diện tích Khu vực bảo vệ II lên thành 0,433 ha (bổ sung khoảng 0,368 ha so với diện tích trong hồ sơ xếp hạng di tích).
d) Quy hoạch điều chỉnh phần diện tích Khu vực phát huy giá trị di tích là 9,089 ha; các khu vực bảo vệ được xác định cụ thể như sau:
- Nghiên Thiên Tạo: Địa điểm có mối liên hệ chặt chẽ với Lễ hội Đền Trạng Trình hàng năm; được Nhân dân trong vùng tôn vinh như “nghiên bút của tạo hóa”. Quy hoạch phần diện tích bổ sung vào khu di tích là 0,116 ha; trong đó: Khu vực trung tâm gồm nghiên đất với cây đa có diện tích 0,039 ha và khu vực bảo vệ cảnh quan có diện tích 0,077 ha;
- Ao làng Nguyễn Bỉnh Khiêm: Địa điểm gắn với chương trình Lễ hội Đền Trạng Trình, nơi người dân xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đánh bắt cá dâng lên cúng Thánh, cúng Trạng Trình vào các kỳ lễ hội hằng năm. Quy hoạch phần diện tích bổ sung vào khu di tích là 0,082 ha; trong đó: Khu vực trung tâm là Ao làng có diện tích 0,049 ha và khu vực bảo vệ cảnh quan có diện tích 0,033 ha;
- Nhà thờ họ và vườn hoa Nguyễn Bỉnh Khiêm: Địa điểm, theo sử sách, là vườn hoa mà thủa nhỏ Trạng Trình hay chơi đùa. Quy hoạch phần diện tích bổ sung vào khu di tích là 0,092 ha; Khu vực trung tâm là nhà thờ họ và cây đa có diện tích 0,013 ha và khu vực cảnh quan có diện tích 0,079 ha;
- Sân lễ hội, diện tích là 2,447 ha: Khu vực phát huy giá trị, phục vụ các sự kiện văn hóa, lễ hội lớn và sinh hoạt chung của toàn khu di tích;
- Nhà đón tiếp, diện tích là 0,609 ha: Khu vực nơi tiếp đón các đoàn khách tham quan; được bố trí phía gần bãi đỗ xe chính, xe điện để phục vụ du khách ngay tại điểm xuất phát của chương trình tham quan;
- Nhà dịch vụ, diện tích là 0,324 ha: Là khu vực để du khách chuẩn bị và mua sắm các sản vật địa phương; quy hoạch nằm cạnh nhà tiếp đón để thuận tiện cho việc soạn sắm đồ lễ trước khi vào đền cũng như bán sản vật địa phương làm quà lưu niệm, quảng bá giá trị của khu di tích;
- Vườn hoa cảnh quan, diện tích là 1,238 ha; bao gồm 03 khu vực vườn hoa đối diện với khu vực sân lễ hội, được bố trí dọc theo tuyến đường chính phục vụ du khách và nhân dân địa phương; là không gian cho du khách nghỉ ngơi, dừng chân trước khi tham gia các hoạt động chung;
- Bãi xe điện, diện tích là 0,394 ha: Là điểm bắt đầu và cũng là kết thúc hành trình tham quan khu di tích;
- Bãi đỗ xe ô tô khách, diện tích là 3,787 ha, bao gồm: Bãi xe chính bố trí cạnh khu vực tiếp đón và dịch vụ (diện tích là 3,427 ha) và bãi xe phụ được hình thành trên cơ sở tôn tạo, nâng cấp từ bãi xe hiện có, là điểm phục vụ cho du khách đến tham quan vào mùa thấp điểm (diện tích là 0,360 ha).
2. Quy hoạch phân khu chức năng
a) Vùng bảo vệ di tích
- Khu vực bảo vệ I: Là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc của các điểm di tích: Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm; Quán Trung Tân và Tháp bút Kình Thiên. Loại bỏ các yếu tố sai lệch, khôi phục các hạng mục công trình gốc trên cơ sở tư liệu khoa học và kết quả khai quật khảo cổ học (nếu có); kết hợp chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan, đáp ứng tốt nhất nhu cầu quản lý, sử dụng và phục vụ cộng đồng.
- Khu vực bảo vệ II: Là khu vực bảo vệ cảnh quan và phát huy giá trị di tích trên cơ sở tổ chức các công trình phụ trợ trực tiếp bảo vệ. Tôn tạo cảnh quan sinh thái, hình thành không gian bổ trợ phục vụ du khách, không gian văn hóa gắn kết cộng đồng và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống.
Khu vực bảo vệ II của Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm được hình thành trên cơ sở bổ sung diện tích của khu vực đền, chùa Song Mai (trong khuôn viên hàng rào hiện hữu), không gian tượng đài Nguyễn Bỉnh Khiêm, quảng trường và hồ bán nguyệt trở thành quần thể liên kết đồng bộ về cảnh quan không gian giữa Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm với nơi thờ song thân phụ mẫu và thờ phu nhân Trạng Trình; góp phần hoàn thiện chỉnh thể không gian trung tâm.
b) Vùng phát huy giá trị di tích
- Khu vực phát huy giá trị bao gồm các điểm di tích mới được phát hiện liên quan đến thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và các không gian dịch vụ phụ trợ cho khu di tích, bao gồm: Nghiên Thiên Tạo, Ao làng Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nhà thờ họ và vườn hoa Nguyễn Bỉnh Khiêm, khu vực sân lễ hội, nhà đón tiếp, nhà dịch vụ, vườn hoa cảnh quan, bãi đỗ xe điện, bãi đỗ xe ô tô chính phục vụ du khách và người dân địa phương.
- Khu vực phát huy giá trị di tích được hình thành nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của du khách khi đến tham quan, tìm hiểu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bên cạnh đó còn có những trải nghiệm với không gian lễ hội, các sản phẩm du lịch, đặc sản địa phương...; bảo đảm phù hợp đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
3. Quy hoạch tổ chức không gian bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích
a) Nguyên tắc
- Bảo đảm bảo vệ tối đa các điểm di tích, vật thể gốc. Giữ gìn cảnh quan tự nhiên, cảnh quan văn hóa, môi trường - sinh thái của di tích gắn với thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
- Tu bổ, tôn tạo và phục hồi trên cơ sở căn cứ, hồ sơ khoa học của di tích, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của Nhân dân. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích.
- Các công trình xây dựng mới nhằm phát huy giá trị di tích phải bảo đảm có quy mô phù hợp với tổng thể không gian của di tích, không ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan chung, không tác động xấu đến di tích và các hoạt động, sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng tại di tích.
b) Tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan.
- Vùng bảo vệ di tích được tổ chức thành 02 không gian chính: Khu vực trung tâm bao gồm Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quán Trung Tân và Tháp bút Kình Thiên; khu vực bảo vệ cảnh quan bao quanh khu vực trung tâm. Hướng tiếp cận vùng bảo vệ di tích từ tuyến đường đôi Trung Tân, đường tỉnh đê sông và đường chính trục xã. Cụ thể:
+ Khu vực Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm: Giữ nguyên hiện trạng các công trình hiện có của Đền, đề xuất các giải pháp ngăn ngừa các yếu tố ảnh hưởng xấu đến công trình;
+ Khu vực bảo vệ cảnh quan và phát huy giá trị di tích: Sắp xếp, tổ chức lại không gian tập trung, tạo trục kết nối từ phía trước Nghi môn nội liên kết qua đền chùa Song Mai lên thẳng đê, tôn tạo cảnh quan môi trường sinh thái, tôn tạo khu vực Tượng đài Nguyễn Bỉnh Khiêm (nghiên cứu thay đổi vật liệu bền vững) và hậu trẩm. Bổ sung các tuyến đường dạo, không gian cây xanh, vườn hoa để tạo điểm nhấn, tăng tính thẩm mỹ cho khu vực.
- Vùng phát huy giá trị di tích: Hình thành không gian tiếp đón, hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, góp phần phát huy giá trị di tích gắn với phát triển đô thị. Tổ chức các công trình phụ trợ cho di tích (bãi đỗ xe, nhà dịch vụ của Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm); quảng trường lễ hội, vườn hoa nghỉ ngơi, tổ chức sự kiện văn hóa, bãi đỗ xe ô tô, xe máy, xe điện...
- Các điểm đề xuất bổ sung: Bảo vệ các đối tượng hiện trạng gắn với di tích, bảo vệ cảnh quan hình thành điểm tham quan thu hút du khách, kết hợp các hoạt động lễ hội Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
c) Giải pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Đối với Khu vực bảo vệ I:
+ Khu vực đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm:
. Bảo tồn nguyên trạng các công trình di tích: Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, khu thờ song thân phụ mẫu (bao gồm đền thờ, tả vu, hữu vu), Nam môn, Bắc môn, hồ Nguyệt, Nghi môn nội. Bảo quản các đồ vật thờ tự trong các công trình;
. Đầu tư đồng bộ hệ thống phòng cháy chữa cháy, điện chiếu sáng, thiết bị an ninh, bảng nội quy và tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư và du khách trong việc bảo vệ hiện vật di tích.
+ Quán Trung Tân: Thực hiện tu bổ công trình Quán, tôn tạo khuôn viên đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung;
+ Tháp bút Kình Thiên: Thực hiện tu bổ, phục hồi công trình tháp và tôn tạo khuôn viên cảnh quan đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung.
- Đối với Khu vực bảo vệ II:
+ Tu bổ và tôn tạo các hạng mục công trình trong khuôn viên Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, gồm:
. Tu bổ, nâng cấp các công trình: Am Bạch Vân, Mộ phần cụ Nguyễn Văn Định, Khu vực đền, chùa Song Mai;
. Tôn tạo không gian tượng đài Nguyễn Bỉnh Khiêm, hồ bán nguyệt: Nghiên cứu thay đổi chất liệu của tượng đài, giữ nguyên hình dáng tượng; bổ sung hậu trẩm phía sau tượng đài và thay thế hai bức phù điêu lớn phía sau; tổ chức lại không gian cảnh quan khu vực xung quanh tượng đài và phía trước hồ bán nguyệt;
. Tôn tạo không gian xung quanh mộ phần cụ Nguyễn Văn Định, khuôn viên đền, chùa Song Mai;
. Các công trình bổ sung, phụ trợ: Giữ nguyên hiện trạng nhà sắp lễ; bổ sung không gian nhà trưng bày di tích nhằm bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa liên quan đến Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm và để phục vụ du khách tham quan;
. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
+ Tôn tạo không gian Quán Trung Tân:
. Khu vực gốc đa lớn: Tôn tạo khuôn viên, xây bệ đặt bàn thờ cao ráo, thay hình tượng hổ phù hợp;
. Khu chùa Tăng Thịnh: Giữ nguyên các công trình của chùa kết hợp thành chính thể thống nhất trong khuôn viên Quán Trung Tân;
. Khu phụ trợ, kỹ thuật: các công trình của các hộ dân nằm ngoài đê sau khi di dời sẽ trở thành các công trình phụ trợ phục vụ cho Quán Trung Tân;
. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
+ Tôn tạo không gian Tháp bút Kình Thiên:
. Khu vực xung quanh tháp và nền tháp: Tôn tạo khuôn viên, tạo hai đường vào và ra cho du khách, thay vật liệu bề mặt lát và lan can;
. Bổ sung hệ thống biến báo thông tin, sơ đồ về di tích. Bổ sung điểm đỗ xe điện, phương tiện của khách đến tham quan. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
- Khu vực phát huy giá trị di tích: Xây dựng không gian tiếp đón khách du lịch, công trình dịch vụ, quảng trường lễ hội, vườn hoa cảnh quan và điểm dừng chân nghỉ ngơi; bổ sung hạng mục bãi đỗ xe ô tô, xe máy, xe điện...
4. Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch
a) Về thị trường khách du lịch:
Tập trung thu hút thị trường khách nội tỉnh, đặc biệt từ các trường học các cấp, khách từ thủ đô Hà Nội và khách từ các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Chú trọng khách du lịch lễ hội, tín ngưỡng, tham quan học tập, về nguồn.
b) Về sản phẩm du lịch
- Sản phẩm du lịch chính: Du lịch lễ hội, tham quan, tìm hiểu giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật; du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên gắn với những địa danh gắn liền với danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm như Quán Trung Tân, Am Bạch Vân...; du lịch sự kiện văn hóa.
- Hình thành các khu dịch vụ bổ trợ cung cấp các sản phẩm lưu niệm là các con giống của loại hình nghệ thuật truyền thống múa rối nước, múa rối cạn, sản phẩm trạm khắc gỗ Bảo Hà, các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, như: cá Hội Am, gạo thơm Vĩnh Bảo, bánh dày Dũng Tiến, bánh trôi Liên Am, nem chân giò và chuối nấu Vĩnh Phong, cà ra sông Hóa, thuốc lào Triền Am, các món ăn chế biến từ sản vật rươi Vĩnh Bảo (rươi kho, chả rươi, mắm rươi, xôi rươi...).
c) Chương trình tham quan du lịch: Hình thành tuyến du lịch văn hóa (tham quan các điểm di tích lịch sử - văn hóa có giá trị gắn với lễ hội truyền thống; phong tục tập quán, làng nghề truyền thống, trò chơi dân gian...) và du lịch trải nghiệm nông thôn (du khảo đồng quê...).
5. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật:
Việc quy hoạch, bố trí hạ tầng kỹ thuật khu vực di tích bảo đảm phù hợp các định hướng phát triển xác định trong Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.
a) Quy hoạch giao thông
- Giao thông đối ngoại kết nối đến di tích: Các tuyến đường kết nối đến khu di tích bao gồm đường Trung Tân, đường trục xã và đường đê sông. Quy mô các tuyến đường tuân thủ theo quy hoạch chung thành phố Hải Phòng và các quy hoạch của huyện, xã có liên quan.
- Giao thông nội bộ:
+ Đối với những tuyến đường kết nối giữa các điểm di tích; gồm: các tuyến đường nối từ điểm tiếp đón đến Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường kết nối từ Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đến các điểm Quán Trung Tân, Tháp bút Kình Thiên và tới các điểm bổ sung như Nghiên Thiên Tạo, Nhà thờ họ và vườn hoa Nguyễn Bỉnh Khiêm, ao làng Nguyễn Bỉnh Khiêm: Định hướng nâng cấp, cải tạo bề rộng mặt đường, bảo đảm không nhỏ hơn 6m; bố trí đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh và các trang thiết bị đi kèm phục vụ tốt nhất cho sự kết nối không gian giữa các điểm di tích...;
+ Khu vực Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm:
. Tuyến đường trục chính phía trước tam quan nội kết nối qua quảng trường sang đền, chùa Song Mai được tôn tạo hài hòa với không gian quảng trường, tượng đài Nguyễn Bỉnh Khiêm và hồ bán nguyệt. Vật liệu hoàn thiện đề xuất rải nhựa hoặc lát đá tự nhiên;
. Hệ thống giao thông trong khu di tích gồm các tuyến đường đi bộ, đường dạo, độ rộng 1,5m - 3,5m, tùy theo từng khu vực. Chất liệu: lát đá phiến, rải sỏi hoặc gia cường đất bằng phụ gia hoá cứng.
+ Quán Trung Tân:
. Khu vực Quán Trung Tân kết nối với tuyến giao thông phía Đông có mặt cắt 4 - 4 bề rộng 7,0m;
. Hệ thống giao thông trong khu di tích gồm các tuyến đường đi bộ, đường dạo cảnh quan, độ rộng 1,5. Hệ thống giao thông nội bộ được thiết kế để phối hợp hài hoà với khuôn viên chùa Tăng Thịnh và cảnh quan xung quanh.
+ Tháp bút Kình Thiên:
. Hệ thống giao thông trong khu di tích gồm sân đường đi bộ, đường dạo, độ rộng 1,2-3,0. Hệ thống giao thông nội bộ được thiết kế để phối hợp hài hoà với cảnh quan xung quanh;
. Do khu vực là đồng ruộng, thực hiện các biện pháp gia cố nền đường đồng bộ, bền vững, bảo đảm không sụt lún.
- Bãi đỗ xe: Xây dựng mới bãi đỗ xe tại khu vực hiện nay (tôn tạo, chỉnh trang), khu vực đỗ xe tập trung, xe điện và các khu vực để xe điện phục vụ du khách tại các điểm di tích.
- Giải pháp tổ chức phân luồng giao thông: Đề xuất giải pháp phân luồng giao thông trong mùa lễ hội bảo đảm khắc phục ùn tắc cục bộ và giảm thiểu xung đột giữa các luồng phương tiện giao thông.
b) San nền và thoát nước mưa:
- San nền: Dựa trên cốt nền tự nhiên, định hướng quy hoạch tuân thủ theo hệ thống cốt hiện trạng của từng điểm di tích. Các không gian khi triển khai bảo đảm không phá vỡ hệ thống cốt nền chung.
- Thoát nước mưa: Tuân thủ đấu nối thoát nước với quy hoạch cấp trên, bảo đảm việc thoát nước tự nhiên; trong khuôn viên đền, định hướng xây dựng những khu vực thu gom nước mặt phục vụ cho công tác tưới cây, rửa đường cho toàn khu di tích.
c) Quy hoạch cấp nước
- Nguồn nước: Nguồn nước cấp cho khu vực di tích nói riêng và thôn Trung Am nói chung được lấy từ nhà máy cấp nước Thành An.
- Mạng lưới đường ống cấp nước phân phối cho khu vực dạng mạng vòng kết hợp với mạng nhánh; bảo đảm cung cấp cho khu di tích và dân cư.
d) Quy hoạch cấp năng lượng và chiếu sáng
- Cấp điện sinh hoạt: Sử dụng trạm biến áp hiện tại cấp riêng cho khu vực Đền và các trạm gần với từng điểm di tích. Vị trí đấu nối cấp vào khu di tích được đặt tại khu vực phía Đông khu vực quy hoạch; lưới điện và các trạm hạ thế sẽ được tính toán và xây dựng theo từng giai đoạn và đấu nối đồng bộ với nguồn điện chung. Lưới điện hạ thế, chiếu sáng được bố trí đi ngầm.
- Quy mô chiếm đất các trạm phù hợp theo quy định. Trạm biến áp bố trí tại trung tâm phụ tải sao cho bán kính hoạt động tối đa 300 m nhằm giảm thiểu tổn thất điện áp cuối đường dây.
đ) Quy hoạch hệ thống thoát nước thải và vệ sinh môi trường
- Nước thải được thu gom sau đó đưa về khu xử lý nước thải tập trung (tổng quy mô công suất 1.150 m3/ngày đêm). Vị trí đặt bể xử lý ở khu đất hạ tầng kỹ thuật của khu vực quy hoạch. Nước thải sau xử lý bảo đảm đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra hệ thống thoát nước chung và mương.
- Chất thải rắn phát sinh được thu gom hàng ngày và chuyển đến khu xử lý chất thải tập trung của huyện Vĩnh Bảo theo quy hoạch.
- Có lộ trình đóng cửa nghĩa trang gần đền, khoanh vùng các khu vực mộ bằng cách trồng cây xanh cách ly; bảo đảm cảnh quan và vệ sinh môi trường.
e) Quy hoạch hệ thống thông tin liên lạc
Nguồn cấp lấy từ trạm trung tâm huyện Vĩnh Bảo đến khu di tích thông qua hệ thống đường ống trên đường Trung Tân. Bố trí tủ trung tâm tại bãi đỗ xe để phân phối mạng cáp thông tin trong khu di tích. Hệ thống hào cáp được ngầm hóa trên vỉa hè.
6. Nhóm dự án thành phần và phân kỳ đầu tư
a) Các nhóm dự án thành phần
- Nhóm dự án số 1 (DA -01): Nhóm dự án đền bù, giải tỏa mặt bằng; Khoanh vùng và cắm mốc bảo vệ di tích đối với các khu vực bảo vệ sau điều chỉnh. Bảo quản, tu bổ, phục hồi các công trình, hạng mục công trình.
+ Khu vực Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm: Các công trình trong khu vực bảo vệ I (Nghi môn nội, giếng ngọc, bình phong, Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nam môn, Bắc môn, đền thờ song thân phụ mẫu, tả vu, hữu vu); các công trình trong khu vực bảo vệ II (Am Bạch Vân, mộ phần cụ Nguyễn Văn Định); các công trình mở rộng và khu vực bảo vệ II (Tam quan đền, đền Song Mai, chùa Song Mai, nhà tổ, bia, tượng Phật);
+ Tu bổ công trình Quán Trung Tân và Tháp bút Kình Thiên;
+ Tôn tạo, nâng cấp các điểm di tích được đề xuất bổ sung trong phạm vi quy hoạch, gồm: Nghiên thiên tạo, Nhà thờ họ và Ao làng.
- Nhóm dự án số 2 (DA- 02): Nhóm dự án phát huy giá trị di tích
+ Khu vực Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm: Tu bổ, tôn tạo các công trình trong khu vực bảo vệ II và khu vực mở rộng (Nghi môn ngoại, nhà trưng bày làm việc của Ban quản lý, nhà đón tiếp, hồ bán nguyệt, núi Sấm, cây xanh cảnh quan, cổng đá phía Bắc và Nam, khu vệ sinh và nhà phụ trợ; tượng đài Nguyễn Bỉnh Khiêm thay thế bằng vật liệu bền vững, nghiên cứu phương án bổ sung hai bức phù điêu và hậu trẩm cho tượng đài);
+ Quán Trung Tân: Tôn tạo các công trình trong khu vực bảo vệ II (chùa Tăng Thịnh, khu phụ trợ, khu vực cây đa);
+ Tháp bút Kình Thiên: Tôn tạo các công trình trong khu vực bảo vệ II (biển giới thiệu di tích, đường dẫn, lan can và sân);
+ Các điểm đề xuất bổ sung: Các dự án thuộc khu vực bảo vệ II của Nghiên Thiên tạo, nhà thờ họ và ao làng (biển giới thiệu, sân đường, cây xanh, cây đa 100 tuổi).
- Nhóm dự án số 3 (DA-03): Nhóm dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, gồm các dự án thành phần: Nâng cấp, cải tạo kết hợp xây dựng mới hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường; thông tin liên lạc; cải tạo cảnh quan của các khu vực bảo vệ I và II của các điểm di tích, khu vệ sinh, khu vực vườn hoa nghỉ ngơi, bãi xe trung tâm, bãi xe điện và điểm dừng xe điện) trong khu vực quy hoạch; triển khai các dự án thương mại dịch vụ, nhà tiếp đón và sân lễ hội (tại Khu vực phát huy giá trị).
- Nhóm dự án số 4 (DA -04): Nhóm dự án nghiên cứu di tích và các giá trị lịch sử, văn hóa gắn với di tích, gồm các dự án thành phần: Tiếp tục nghiên cứu các giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, khảo cổ của di tích, các di vật, cổ vật, bảo vật thuộc di tích; Nghiên cứu các giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích và cộng đồng xung quanh di tích; số hóa di tích.
Trên cơ sở các nhóm dự án thành phần, xác định các dự án có tính chất động lực để ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư. Kinh phí thực hiện được xác định cụ thể theo tổng mức đầu tư của từng dự án, tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng cân đối và huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ; bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về di sản văn hóa, đầu tư, xây dựng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, đất đai và pháp luật có liên quan.
Việc triển khai thực hiện đầu tư theo các nhóm dự án thành phần thuộc quy hoạch được thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định (từ việc trình phê duyệt chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư và tổ chức, triển khai thực hiện dự án).
b) Phân kỳ đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư:
- Thời kỳ thực hiện quy hoạch: Từ năm 2026 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó:
+ Giai đoạn từ 2026 đến năm 2030: Triển khai các nhóm dự án DA-01, DA-02, DA-03 và DA-04;
+ Giai đoạn 2031 - 2045: Hoàn thiện DA-01 và DA-04; tiếp tục thực hiện các nhóm dự án DA-02, DA-03. Hoàn thành các dự án còn lại.
- Thứ tự, mức độ ưu tiên đầu tư hằng năm được điều chỉnh, bổ sung căn cứ yêu cầu thực tế, khả năng huy động vốn, khả năng cân đối vốn và nguồn vốn cấp theo kế hoạch của Trung ương, địa phương.
Người chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về quyết định của mình, trong đó có việc xác định cụ thể vị trí, diện tích, quy mô, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, tiến độ, tình hình thực tiễn và thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và các quy định pháp luật có liên quan.
c) Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch: Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch bao gồm vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước, trong đó:
- Vốn từ ngân sách Trung ương: Thành phố Hải Phòng sẽ cân đối nguồn vốn đảm bảo không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương.
- Vốn ngân sách địa phương (ngân sách thành phố, huyện, xã).
- Vốn sự nghiệp dành cho công tác nghiệp vụ như tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy hoạch; sưu tầm, bổ sung tài liệu, hiện vật; bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống...
- Các nguồn vốn khác: Thu từ các hoạt động dịch vụ tại di tích; huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước, của Nhân dân và các nguồn vốn hợp pháp khác.
7. Các giải pháp thực hiện quy hoạch
a) Giải pháp quản lý quy hoạch
- Quản lý theo phân vùng quy hoạch (chi tiết trong hồ sơ quy hoạch). Nâng cao công tác giám sát triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khu vực quy hoạch.
- Quản lý xây dựng, sử dụng công trình theo đúng phân vùng quy hoạch và Quy hoạch được duyệt (chi tiết trong hồ sơ quy hoạch). Các quy hoạch khác liên quan được lập sau khi Quy hoạch này được phê duyệt cần phù hợp với Quy hoạch này.
- Tăng cường phối hợp liên ngành để khai thác có hiệu quả giá trị của di tích gắn với phát triển công nghiệp văn hóa ở địa phương. Tăng cường giám sát, quản lý, bảo vệ ngăn chặn các hành vi xâm hại đối với khu vực di tích.
b) Giải pháp về đầu tư
- Huy động các nguồn vốn xã hội hóa theo mô hình “hợp tác công - tư” để bảo tồn, tôn tạo và phát triển du lịch tại khu di tích. Nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế đầu tư, cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ, du lịch ở khu vực di tích.
- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư tôn tạo công trình, hạng mục công trình thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
c) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực quản lý và bảo vệ di tích
- Xây dựng chương trình và tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho Nhân dân trong việc bảo vệ môi trường, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Bổ sung, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên tại di tích; hướng dẫn cộng đồng tham gia bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
- Xây dựng chương trình đào tạo về dịch vụ cho cộng đồng và doanh nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác với cơ sở giáo dục về bảo tồn di tích.
d) Giải pháp về bộ máy quản lý và cơ chế, chính sách
- Nâng cao năng lực hoạt động của Ban quản lý di tích Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có giải pháp bổ sung nguồn nhân lực và phương tiện kỹ thuật cho khu di tích để đảm nhiệm tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Xây dựng cơ chế chính sách phối hợp chặt chẽ liên ngành trong công tác quản lý di tích.
- Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền, các tổ chức xã hội tại địa phương và cộng đồng dân cư làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái khu vực di tích.
- Xây dựng cơ chế chính sách về kinh tế, tài chính để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho công tác bảo tồn và đầu tư xây dựng.
đ) Giải pháp huy động sự tham gia của cộng đồng
- Kết nối, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư trong khu vực di tích và vùng lân cận phát huy, nâng cao vai trò và trực tiếp tham gia vào hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của địa phương.
- Tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác lập kế hoạch, quản lý và bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch.
- Nâng cao nhận thức, vận động nhân dân địa phương tham gia vào thông tin tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể của di tích. Tăng cường truyền thông, giáo dục về việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích cho người dân địa phương.
e) Giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ
- Ứng dụng một số vật liệu mới trong các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, kết hợp bố trí hệ thống âm thanh, ánh sáng phù hợp trong trưng bày và giới thiệu di tích.
- Quản lý hiện trạng công trình di tích và các hoạt động tại di tích trên nền tảng kỹ thuật số và hệ thống mạng internet. Thiết lập hệ thống camera giám sát tại các khu vực bảo vệ và phát huy giá trị di tích, các điểm di tích thành phần. Thực hiện “số hóa” di tích để tạo lập cơ sở dữ liệu phục vụ việc lưu trữ, nghiên cứu, quản lý và cung cấp thông tin trên môi trường mạng.
- Ứng dụng các giải pháp tuyên truyền trên môi trường mạng nhằm truyền tải giá trị di tích, thu hút sự quan tâm của khách du lịch và thu hút nguồn lực đầu tư di tích.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng
a) Rà soát, hoàn thiện hồ sơ đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Hải Phòng (thuyết minh, bản đồ, quy định quản lý...) bảo đảm đúng quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; lưu giữ và lưu trữ hồ sơ đồ án quy hoạch được duyệt theo quy định của pháp luật.
b) Công bố công khai Quy hoạch; tiến hành rà soát, cắm mốc ranh giới khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích theo mốc giới xác định trong quy hoạch. Cập nhật ranh giới diện tích Quy hoạch vào Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và Quy hoạch thành phố Hải Phòng, Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng và Kế hoạch sử dụng đất của thành phố Hải Phòng phù hợp với từng thời kỳ.
c) Phê duyệt các nhóm dự án thành phần trên cơ sở Quy hoạch được duyệt. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức thẩm định, quyết định đầu tư các nhóm dự án thành phần theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với nguồn kinh phí đầu tư trên cơ sở đồ án quy hoạch được phê duyệt. Thực hiện quản lý hoạt động bảo tồn, đầu tư, xây dựng theo Quy hoạch và Điều lệ quản lý quy hoạch được duyệt.
d) Chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương; tổ chức tuyên truyền, vận động và huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện Quy hoạch.
đ) Chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường di tích và các khu vực phụ cận bên ngoài di tích; giáo dục tinh thần tự giác chấp hành tốt các quy định về quy hoạch và quản lý quy hoạch, về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa, về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên.
e) Thực hiện đầu tư xây dựng trong phạm vi bảo vệ của di tích trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của Quy hoạch được phê duyệt tại quyết định này và các quy hoạch có liên quan được lập theo quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng.
g) Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chịu trách nhiệm toàn diện đối với phạm vi, quy mô, ranh giới quy hoạch; về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu, các ý kiến tiếp thu, giải trình, bảo lưu đối với ý kiến rà soát, góp ý của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan; về hệ thống bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Hải Phòng theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa, quy định của pháp luật liên quan; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch thành phố Hải Phòng và các quy hoạch có liên quan, không hợp pháp hóa các sai phạm (nếu có).
2. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
a) Lưu giữ và lưu trữ hồ sơ đồ án quy hoạch được duyệt theo quy định của pháp luật.
b) Tổ chức thẩm định nội dung chuyên môn đối với các dự án thành phần liên quan đến bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và các dự án thành phần thuộc di tích Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc nội dung quy hoạch được duyệt.
c) Theo dõi, giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện quy hoạch, bảo đảm đúng mục tiêu, đúng nội dung và đúng kế hoạch được phê duyệt; tuân thủ theo trình tự, quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật liên quan.
3. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc cân đối, bố trí nguồn vốn để thực hiện các nội dung Quy hoạch phù hợp với kế hoạch thực hiện được duyệt và khả năng huy động nguồn lực, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan; kiểm tra việc thực hiện theo thẩm quyền.
4. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Kiểm tra việc thực hiện quản lý và sử dụng đất theo quy hoạch, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đất đai; hướng dẫn Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cập nhật ranh giới diện tích quy hoạch vào Kế hoạch sử dụng đất của Thành phố Hải Phòng, phù hợp với thời kỳ quy hoạch.
5. Các Bộ, ngành liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, giám sát, tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng triển khai thực hiện Quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. THỦ TƯỚNG |
Quyết định 151/QĐ-TTg năm 2025 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 151/QĐ-TTg |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký: | Lê Thành Long |
Ngày ban hành: | 17/01/2025 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 151/QĐ-TTg năm 2025 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chưa có Video