ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1450/QĐ-UBND |
Quảng Trị, ngày 05 tháng 6 năm 2020 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Di sản Văn hóa ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa ngày 18/6/2009;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;
Cặn cứ Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 27/TTr-SVHTTDL, ngày 31/3/2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2030”.
Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện; hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Đề án này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
BẢO
TỒN, PHỤC DỰNG VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRUYỀN THỐNG TỈNH
QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2020-2030
(Kèm theo Quyết định số: 1450/QĐ-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2020 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Quảng Trị)
SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Di sản văn hoá phi vật thể là sản phẩm văn hoá tinh thần vô cùng quý báu, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học do con người sáng tạo và xây dựng nên; được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức y dược học cổ truyền, văn hoá ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian... Đây chính là những sản phẩm kết tinh từ tâm hồn, trí tuệ, tài năng, cốt cách và đạo lý của cả dân tộc trong quá trình sống, lao động xây dựng và bảo vệ tổ quốc; nó luôn có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống con người cũng như trong bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc. Là tài sản vô cùng quý giá của đất nước, là chất keo gắn kết cộng đồng, là cơ sở để sáng tạo những giá trị tinh thần mới và giao lưu với văn hóa quốc tế.
Gia tài di sản văn hóa phi vật thể của Quảng Trị được xây dựng bởi các tộc người Chăm, Kinh/Việt, Bru - Vân Kiều và Tà Ôi/Pa Cô... trải suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Bằng cách chuyển tải liên tục trên sự kế thừa các yếu tố nội lực với tất cả sự năng động, sáng tạo, sự hội nhập, giao thoa, kết tinh và lan tỏa với văn hóa các cộng đồng tộc người ở các vùng, miền để hòa nhập vào dòng chảy chung của đất nước. Kết hợp với sự kết tinh của giá trị nhân bản, sáng tạo, chịu thương, chịu khó, anh dũng, kiên cường và lạc quan cách mạng của các thế hệ người dân Quảng Trị trong quá trình sống, lao động, xây dựng và chiến đấu bảo vệ quê hương. Từ đó hình thành nên những phong cách văn hóa đặc trưng, tạo nên nhiều loại hình nghệ thuật, sản sinh ra nhiều tài năng, hội tụ nhiều danh nhân để làm nên một Quảng Trị vừa mang trong mình tính đậm đà bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam, lại vừa có sắc thái riêng biệt của một vùng đất kiên cường, bất khuất.
Thực hiện Luật Di sản Văn hóa và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, từ năm 2011 đán nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị đã tiến hành tổ chức nhiều đợt tổng điều tra, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại địa bàn các huyện thị xã, thành phố. Qua hoạt động điều tra, nhận diện, xác định giá trị di sản và kiểm kê tại địa bàn các làng xã Quảng Trị; kết quả bước đầu đã kiểm kê được 368 di sản văn hóa phi vật thể chia theo 7 loại hình chính, bao gồm:
(i) Những di sản thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết của ba dân tộc Việt, Bru- Vân Kiều và Tà Ôi, đã đưa vào danh mục kiểm kê 2 di sản: Ngữ âm dân gian xã Vĩnh Tú, ngữ âm làng Phú Hải xã Hải Ba.
(ii) Những di sản thuộc loại hình ngữ văn dân gian, bao gồm sử thi, dân ca, ca dao tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện ngụ ngôn, truyện cười, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc chữ viết của người Việt, người Bru - Vân Kiều; người Tà Ôi, đã kiểm kê được 19 di sản như: Truyện trạng Vĩnh Hoàng, Hò Như Lệ, Sự tích Thân Đá làng Phương Sơn, Sự tích các vị thần làng An Lợi, Sự tích Ông Dài Ông Cụt làng Nhan Biều... Các điệu hò giã gạo, Hò Như Lệ, Hát ru con, Hát Cà lơi cha chấp, Oát xà nớt; hát Sim...
(iii) Những di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, âm nhạc, múa, hát, sân khấu... đã đưa vào danh mục kiểm kê 65 di sản như: Hội Trống quân làng Điếu Ngao, Tuồng Chợ Cạn, Múa Đồng Náp, Chèo cạn Tùng Luật, Múa Đăng hèo làng Hà Trung, Hát Bả trạo làng Phú Hải, Đội nhạc cô làng Điếu Ngao...
(iv) Những di sản thuộc loại hình tập quán xã hội, luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục, luật tục... có 87 di sản: Lễ kỳ phước của các làng cổ Quảng Trị, Lễ giổ Tổ Khai sơn Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang, Hội rước thành hoàng làng, lễ cúng tổ nghề truyền thống, Luật tục trong tang ma, cưới xin của người Việt và người Bru vân kiều và Tà Ôi...
(v) Những di sản thuộc loại hình lễ hội truyền thống và lễ hội lịch sử cách mạng có 27 di sản như: Đua thuyền, bơi chải, Hội cù làng Cô Lũy, Hội đu Lan Đình, Lễ hội chợ đình Bích La, Lễ hội cầu ngư làng Phú Hội, Hội bài chòi làng Ngô Xá Tây, Hội cờ chòi xã Hải Hòa, Hội vật làng Xuân Viên, Lễ hội đâm trâu, Lễ hội A Riêu Ping của người Pa Kô, Lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hân, Lễ hội thống nhất non sông tại đôi bờ Hiền Lương ...
(vi) Những di sản thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống đã kiểm kê 86 di sản như: Nghề dệt chiếu làng Lâm Xuân, Nghề làm giấy Phổ Lại, Nghề làm bún Thượng Trạch, Nghề làm muối Tường Vân, Nghề dệt lưới Thâm Khê, Nghề đan lát Lan Đình, Nghề cào hến làng Mai Xá, Nghề làm bánh ướt làng Phương Lang, Nghề làm hàng mã làng Phú Hải, Nghề chàm nón làng Trà Lộc, làng Phú Liêu, Nghề nấu rượu làng Kim Long, Nghề làm nước mắm Mỹ Thủy...
(vii) Những di sản thuộc loại hình tri thức dân gian, bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và tri thức dân gian của người Việt và đồng bào thiểu số Quảng Trị có 30 di sản: Canh ám làng Lam Thủy, Cháo bột làng Diên Sanh, Bánh dầy làng Đạo Đầu, Bài thuốc gia truyền chữa bệnh chó dại cắn, Bài thuốc chữa rắn cắn, Bài thuốc chữa đau răng, các loại lá cây chữa bệnh, thuật thổi chữa gãy tay, bong gân...
Các di sản văn hóa phi vật thể đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng địa phương, nhiều di sản đã trở thành nguồn lực quan trọng tạo ra các địa chỉ du lịch văn hóa độc đáo trở thành thương hiệu nổi tiếng của Quảng Trị như: Lễ hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn, Đại hội hành hương Đức mẹ La Vang, Lễ hội Chợ đình Bích La, Lễ hội A Riêu Ping của người PaCô/Tà Ôi, Hội Bài chòi, Nghề nấu cao lá vằng làng Định Sơn, nghe nấu rượu làng Kim Long, nghề đan lát Lan Đình, Nghề làm bánh ướt Phương Lang...
Tuy nhiên, việc bảo tồn, khai thác giá trị các di sản văn hóa phi vật thể ở Quảng Trị chưa tương xứng với các giá trị của di sản, nhiều di sản sau khi được kiểm kê chưa được chính quyền địa phương, các cấp, các ngành quan tâm, tuyên truyền, quảng bá, đầu tư để bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống cộng đồng. Bên cạnh đó, công tác sưu tầm, biên soạn, số hóa các tư liệu về các di sản văn hóa phi vật thể chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về kỹ thuật trong giai đoạn hiện nay, dẫn đến việc khai thác và phát huy giá trị còn hạn chế; Nhiều yếu tố gốc trong các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một hoặc bị ảnh hưởng trong nền kinh tế thị trường; Công tác truyền dạy về các di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là ở trong hệ thống các trường học chưa được chú trọng, số nghệ nhân am hiểu sâu sắc và đang nắm giữ linh hồn của các di sản đang giảm dần và đang đứng trước nguy cơ bị thất truyền nếu không có các biện pháp bảo tồn. Cùng với sự phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc cũng đang tác động mạnh mẽ đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, nhiều hoạt động liên quan đến di sản đã bị thay đổi, cắt xén và cùng với nó các các yếu tố văn hóa mới bên ngoài du nhập vào đã làm mất đi giá trị của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể truyền thống, nhất là lễ hội. Trong khi đó, từ trước đến nay, tỉnh Quảng Trị chưa có một Đề án nào dành riêng cho lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.
Do vậy, việc xây dựng và triển khai Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá tri di sản văn hóa phi vật thể truyền thống tỉnh Quàng Trị” là nhiệm vụ cấp thiết mang tính khoa học và thực tiễn cao trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh ta hiện nay.
- Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”;
- Luật Di sản Văn hóa ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa ngày 18/6/2009;
- Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;
- Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể;
- Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia.
1. Mục tiêu
- Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trong tỉnh, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
- Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế, trước mắt cần đặc biệt chú trọng các di sản văn hóa phi vật thể truyền thống có nguy cơ mai một, nguy cơ bị biến dạng văn hóa cao. Phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc.
- Tôn vinh các giá tri văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu sổ, giảm dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các dân tộc, gắn kết giữa phát triển kinh tế du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống các dân tộc Quảng Trị.
- Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy các giả trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống các dân tộc gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế và phát triển văn hóa.
2. Nhiệm vụ
2.1. Hoàn thành công tác sưu tầm, kiểm kê, phân loại, tư liệu hóa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên toàn tỉnh.
2.2. Thực hiện công tác bảo tồn, phát triển các loại hình di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc trở thành sản phẩm du lịch như: du lịch ẩm thực, du lịch làng nghề, du lịch lễ hội...
2.3. Hỗ trợ phục dựng bảo tồn và phát triển một số lễ hội trọng điểm của tỉnh và các địa phương.
2.4. Triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Quảng Trị.
2.5. Lập hồ sơ khoa học 02 di sản văn hóa phi vật thể truyền thống các dân tộc trong tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia giai đoạn 2020-2030.
2.6. Tổ chức thực hiện một số chương trình, dự án truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể như: Hội Bài chòi, các điệu hò truyền thống, các nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực ở cộng đồng ...
2.7. Biên soạn xuất bản, phát hành các ấn phẩm giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc tỉnh Quảng Trị.
2.8. Thành lập các câu lạc bộ di sản văn hóa văn hóa phi vật thể ở các cộng đồng dân cư trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
2.9. Gắn công tác bảo tồn, phục dựng và tổ chức hoạt động các loại hình di sản văn hóa phi vật thể với phát triển kinh tế du lịch.
2.10. Tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Quảng Trị nhằm nâng cao nhận thức tinh thần trách nhiệm và năng lực của cán bộ làm công tác văn hóa ở các cấp chính quyền và đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
3. Giải pháp thực hiện
3.1. Giải pháp về công tác chỉ đạo, điều hành
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của tỉnh Quảng Trị. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch nhà nước ở các cấp.
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giả trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu.
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân về văn hóa và nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống tỉnh Quảng Trị.
3.2. Giải pháp về cơ chế chính sách
- Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của tỉnh.
- Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân là những người gìn giữ, bảo tồn được các giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống tỉnh Quảng Trị.
- Xây dựng cơ chế chính sách đào tạo nguồn nhân lực, thu hút học sinh, sinh viên là con em các dân tộc thiểu số học chính quy tại các trường văn hóa, nghệ thuật về công tác tại địa phương.
- Tổng kết, Khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
- Ứng dụng vào công tác thực tìển các đề tài đã nghiên cứu trong lĩnh vực di sản văn hoá, đồng thời triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị.
3.3. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
- Xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu lĩnh vực văn hóa có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ưu tiên việc đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ văn hóa là người dân tộc thiểu số của địa phương.
- Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho công chức văn hóa xã hội cấp xã, chủ nhiệm nhà văn hóa, chủ nhiệm các câu lạc bộ văn hóa, đội trưởng các đội văn nghệ quần chúng.
- Đẩy mạnh phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, giáo dục văn hóa truyền thống trong các trường học.
- Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
- Xã hội hóa: Thông qua nguồn tài trợ, viện trợ các dự án, chương trình hợp tác với các tổ chức chính trị - xã hội; cá nhân và các nguồn huy động hợp pháp khác.
- Dự kiến tổng số nhu cầu nguồn kinh phí đầu tư thực hiện Đề án là 7.400.000.000 đồng (Bảy tỷ, bốn trăm triệu đồng), trong đó:
+ Ngân sách TW, ngân sách tỉnh: 4.600.000.000 đồng.
+ Ngân sách cấp huyện: 2.200.000.000 đồng.
+ Xã hội hóa: 600.000.000 đồng.
1. Về kinh tế
- Góp phần khai thác phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Trị, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ngành nghề sản xuất ở nông thôn và vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững.
- Góp phần giải phóng sức lao động, tạo nguồn lực trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra các sản phẩm cụ thể phục vụ chiến lược phát triển du lịch của tỉnh.
2. Về xã hội
- Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện đoàn kết dân tộc và đổi mới bộ mặt xã hội, góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
- Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống các dân tộc tỉnh Quảng Trị gắn với thực hiện những nhiệm vụ chính trị của Tỉnh, góp phần ngăn chặn sự mai một các giá trị văn hóa phi vật thể của tỉnh Quảng Trị. Phát huy các giá trị văn hóa, nhân văn truyền thống của từng gia đình, dòng tộc và địa phương trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh giàu đẹp.
- Khơi dậy niềm tự hào dân tộc, lòng tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân các dân tộc, tạo dựng cơ sở vững chắc xây dựng nên văn hóa và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước làm nền tảng tinh thần, là động lực, nhân tố thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Là cơ quan thường trực có nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện đề án. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của đề án. Đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Căn cứ nội dung đề án được duyệt hàng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng kế hoạch đưa di sản văn hóa phi vật thể trở thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, phối hợp với các cơ quan liên quan lập dự toán cụ thể, báo cáo UBND tỉnh dể xem xét bố trí nguồn lực để thực hiện.
Định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các ngành liên quan về kết quả thực hiện Đề án.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Hàng năm có kế hoạch phân bổ nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính:
- Hàng năm cân đối, đề xuất UBND tỉnh bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng của ngân sách tỉnh; ban hành văn bản hướng dẫn về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng cơ chế quản lý tài chính trong thực hiện Đề án.
- Căn cứ nội dung Đề án được phê duyệt, hàng năm các cơ quan cấp tỉnh lập dự toán thực hiện Đề án, gửi Sở Tài chính thẩm định. Sở Tài chính tùy theo khả năng ngân sách, thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
4. Sở Khoa học và Công nghệ:
Tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức triển khai thực hiện công tác giáo dục di sản văn hóa phi vật thể truyền thống đặc trưng, tiêu biểu của địa phương trong các trường học.
- Tăng cường tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thong trong hệ thống trường học.
6. Sở Nội vụ:
- Thẩm định và trình UBND tỉnh hồ sơ khen thưởng, biểu dương tập thể và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể.
7. Ban Dân tộc:
Phối hợp thực hiện nội dung bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số của Đề án.
8. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PTTH tỉnh, Báo Quảng Trị:
- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể và Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống Quảng Trị giai đoạn 2020-2030” nhằm giúp nhân dân có ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị dành thời lượng, chuyên mục, chuyên trang hợp lý phản ánh về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.
9. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh:
- Tổ chức tuyên truyền đến đoàn viên, thanh thiếu niên về ý nghĩa, giá trị độc đáo của di sản văn hóa phi vật thể.
- Chỉ đạo các cấp Đoàn trong tỉnh huy động lực lượng đoàn viên, thanh thiếu niên tích cực tham gia cổ vũ các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
10. Hội Di sản Văn hóa tỉnh Quảng Trị:
Phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch triển khai các hoạt động liên quan đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh.
11. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Đưa nội dung thực hiện nhiệm vụ Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh vào chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện.
- Bố trí kinh phí thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thê trên địa bàn. Lựa chọn xác định những loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu để ưu tiên triển khai thực hiện theo tiến độ thời gian.
- Đôn đốc, kiểm tra trong quá trình thực hiện đề án và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Định kỳ hàng năm, các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thành phố tiến hành sơ kết, tổng kết và báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về kết quả thực hiện đề án và các vấn đề liên quan theo quy định./.
DANH MỤC NỘI DUNG, TỔ CHỨC, PHÂN KỲ THỰC HIỆN
Đơn vị tính: 1.000 đồng
TT |
Nội dung |
Phân công thực hiện |
Thời gian thực hiện |
Dự kiến kinh phí |
||||
Cơ quan chủ trì |
Cơ quan phối hợp |
Ngân Sách trung ương, ngân sách tỉnh |
Ngân sách huyện, thị xã, thành phố |
Xã hội hóa |
Tổng số |
|||
(1) |
(2) |
(3) |
(4) |
(5) |
(6) |
(7) |
(8) |
(9) |
1 |
Hoàn thành phân loại, tư liệu hóa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên toàn tỉnh. |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
UBND các huyện, thị xã và thành phố. |
2021-2025 |
500.000 |
0 |
0 |
500.000 |
2 |
Bảo tồn, phục dựng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu (30 di sản) |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
UBND các huyện, thị xã và thành phố |
2021-2030 |
400.000 |
400.000 |
100.000 |
900.000 |
3 |
Lập hồ sơ khoa học 02 di sản văn hóa phi vật thể truyền thống đề nghị xếp hạng VHPVT Quốc gia |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
UBND các huyện, thị xã và thành phố. |
2021-2030 |
700,000 |
0 |
0 |
700.000 |
4 |
Tổ chức truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể (mỗi huyện, thị xã, thành phố một lớp/ năm *10 năm * 20tr/lớp) |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
UBND các huyện, thị xã và thành phố. |
2021-2030 |
1.000.000 |
600.000 |
200.000 |
1.800.000 |
5 |
Hỗ trợ kinh phí hoạt động cho 09 câu lạc bộ di sản văn hóa phi vật thể của các huyện, thị xã, thành phố (9 câu lọc bộ * 10 năm *10tr/câu lạc bộ) |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
UBND các huyện, thị xã và thành phố. |
2021-2030 |
600.000 |
300.000 |
0 |
900.000 |
6 |
Tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
Sở Thông tin-Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Quảng Trị, Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM tỉnh Quảng Trị, Hội Di sản văn hoá Quảng Trị, UBND huyện thị thành phố. |
2021-2030 |
500.000 |
500.000 |
100.000 |
1.100.000 |
7 |
Giới thiệu di sản văn hoá phi vật thể vào các trường học theo chương trình đào tạo chính quy và ngoại khoá |
Sở Giáo dục và Đào tạo |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn Thanh niên cộng sản HCM tỉnh Quảng Trị. |
2021-2030 |
500.000 |
300.000 |
200.000 |
1.000.000 |
8 |
Biên soạn xuất bản, phát hành các ấn phẩm VHPVT |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
UBND các huyện, thị xã và thành phố |
2030 |
100.000 |
100.000 |
0 |
200.000 |
9 |
Tổng kết, khen thưởng tập thể cá nhân |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh; Hội Di sản Quảng Trị, UBND các huyện, thị xã và thành phố |
2025 và 2030 |
300.000 |
0 |
0 |
300.000 |
|
Tổng cộng |
|
|
|
4.600.000 |
2.200.000 |
600.000 |
7.400.000 |
Tổng cộng: 7.400.000.000 đồng (Bảy tỷ bốn trăm triệu đồng chẵn)
Quyết định 1450/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2030
Số hiệu: | 1450/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Trị |
Người ký: | Hoàng Nam |
Ngày ban hành: | 05/06/2020 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 1450/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2030
Chưa có Video