Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 74/2007/NQ-HĐND

Hải Dương, ngày 06 tháng 12 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH NĂM 2007 VÀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2008.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
KHOÁ XIV, KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân năm 2003;

Căn cứ Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp năm 2005;

Sau khi xem xét báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2007 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí với Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2007 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung cơ bản sau:

A. Về kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2007

1.m 2007, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; giá cả thị trường biến động phức tạp, nhưng với tinh thần nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh ta tiếp tục phát triển ổn định.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng11,5% so với năm 2006 ( KH: 11,5%). Giá trị sản xuất Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 3,2% ( KH: 3,5%), công nghiệp tăng 14,6% (KH:18%), các ngành dịch vụ tăng 14% (KH: 13%), giá trị hàng hoá xuất khẩu tăng 44,6% so với cùng kỳ năm trước (KH:20%); thu ngân sách nhà nước vượt 8,8% dự toán TW giao (KH: 5%). Lĩnh vực văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ; cải cách hành chính đạt kết quả nhất định; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững.

2. Bên cạnh những thành tích đạt được, còn một số hạn chế, yếu kém, đó là:

Chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như từng ngành, từng doanh nghiệp và sản phẩm còn thấp. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch chậm và chưa rõ nét. Năng lực, quy mô sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng chậm. Các ngành dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Khả năng huy động vào ngân sách còn thấp. Tiến độ thực hiện đầu tư một số dự án còn chậm, nợ xây dựng cơ bản lớn. Một số vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết có hiệu quả. Chỉ số gía tiêu dùng tăng cao hơn so với mức bình quân cả nước. Ô nhiễm môi trường gia tăng. Tai nạn giao thông chưa được kiềm chế.

Quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực còn lúng túng, thậm chí bị buông lỏng. Việc xử lý sai phạm ở một số lĩnh vực chưa nghiêm. Cải cách hành chính còn chậm, chưa thực sự hiệu quả.

B. Chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu và các nhóm giải pháp trọng tâm năm 2008

I. Các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu

+ Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 11%- 11,5%;

+ Giá trị sản xuất Nông - Lâm - Thuỷ sản tăng 3% trở lên;;

+ Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 16% trở lên;

+ Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 13% trở lên ( không kể thuế nhập khẩu);

+ Cơ cấu kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp- công nghiệp, xây dựng- dịch vụ: 25% -45% -30%;

+ Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 25% trở lên;

+ Tổng đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 13.500 tỷ đồng trở lên

+ Tổng thu ngân sách nội địa (không kể thu xổ số) tăng tối thiểu 10%;

+ Giảm tỷ lệ sinh 0,2%0;

+ Tạo thêm việc làm cho 3,2 vạn lao động;

+ Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 12%;

+ Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống còn 21%;

+ Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh 84%.

II. Các nhiệm vụ trọng tâm

1. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững hơn năm 2007. Nâng cao sức cạnh tranh của từng sản phẩm, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và quốc tế.

2. Tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính. Khắc phục những yếu kém trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện của các cơ quan nhà nước. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ.

3. Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc như: xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông.

4. Cải thiện môi trường thu hút đầu tư. Nâng cao hiệu quả đầu tư từ các nguồn vốn.

5. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung và cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện tốt công tác phòng chống lụt, bão, úng; phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn.

6. Khẩn trương hoàn thành hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt. Phát triển sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có nguồn thu lớn, có khả năng xuất khẩu và công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn.

7. Tiếp tục phát triển các loại thị trường: tài chính, tiền tệ, lao động, bất động sản. Phát triển nhanh các dịch vụ hỗ trợ sản xuất. Thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát.

8. Phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách, tăng 10% so với dự toán Trung ương giao. Thực hiện tốt Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước.

9. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, đào tạo, văn hoá, y tế, thể dục thể thao.

10. Củng cố quốc phòng quân sự địa phương; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế.

III. Các giải pháp chính

1. Đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh

Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nhất là tiến bộ về giống cây, con vào sản xuất nông nghiệp. Đưa nhanh các giống lúa chất lượng cao đã qua khảo nghiệm vào sản xuất, phấn đấu tỷ lệ giống lúa lai và lúa chất lượng cao vụ chiêm xuân đạt 19.200 ha (bằng 30% diện tích gieo cấy). Trợ giá 30% giá giống cho các hộ sản xuất lúa chất lượng cao ở các vùng sản xuất tập trung có quy mô từ 5 ha trở lên. Hỗ trợ vốn xây dựng công trình hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung có quy mô lớn. Phát triển nhanh đàn lợn, đàn gia cầm. Làm tốt công tác thú y, bảo vệ thực vật, chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đang hoạt động duy trì và phát triển sản xuất. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đưa nhanh các dự án đã được chấp thuận vào hoạt động. Khẩn trương triển khai thực hiện hướng dẫn của Bộ Công thương tại Công văn số 2885/CV-BCT về xây dựng Nhà máy nhiệt điện công suất 1.200 MW tại Hải Dương.

Tiếp tục đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, phát triển các dịch vụ có khả năng tạo giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế.

2. Tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả đầu tư từ các nguồn vốn

Chuyển dịch mạnh cơ cấu đầu tư theo hướng ưu tiên cho những lĩnh vực, dự án trọng điểm, cấp bách. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư. Xây dựng danh mục dự án để kêu gọi đầu tư. Thu hút mạnh vốn xã hội cho đầu tư phát triển.

Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể các ngành, vùng; quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp và làng nghề làm cơ sở cho công tác xây dựng kế hoạch và thu hút, bố trí dự án đầu tư. Hoàn chỉnh quy hoạch 3 khu công nghiệp: Phú Thái (Kim Thành), Lai Cách (Cẩm Giàng), An Bình - Quốc Tuấn (Nam Sách). Tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện theo quy hoạch.

Tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án quan trọng. Tăng cường quản lý tiến độ và chất lượng thi công, hạn chế phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

3. Đổi mới và phát triển doanh nghiệp

Thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục sắp xếp doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt.

Hỗ trợ đào tạo các kỹ năng, kiến thức quản lý sản xuất kinh doanh và hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ doanh nghiệp và hợp tác xã.

Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện các văn bản pháp luật của nhà nước về: kế toán, thống kê, lao động, thuế, đất đai, môi trường, ...

4. Khai thác, quản lý có hiệu quả các nguồn thu; chấp hành tốt dự toán chi ngân sách

Thực hiện nghiêm chỉnh Luật Quản lý thuế. Tiếp tục cải tiến phương pháp thu, triệt để chống thất thu, xử lý nghiêm các trường hợp trốn lậu, dây dưa thuế. Quản lý, khai thác tốt các nguồn thu. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế, đi đôi với việc hướng dẫn, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành kê khai thuế.

Rà soát hoạt động của Cảng ICD Hải Dương, tăng cường thu thuế xuất, nhập khẩu, hoàn thành chỉ tiêu Trung ương giao.

Rà soát diện tích đất và tài sản trên đất của các đơn vị cơ quan, doanh nghiệp không dùng đến, tài sản nhà nước chưa cần dùng đang giao cho doanh nghiệp đã cổ phần hoá quản lý để đấu giá, tăng nguồn thu cho ngân sách. Làm dứt điểm việc tính giá cho thuê đất và thu tiền thuê đất theo giá mới.

Bố trí cơ cấu chi hợp lý giữa chi đầu tư phát triển với chi thường xuyên; cơ cấu chi từng lĩnh vực phù hợp với khả năng ngân sách. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các đơn vị sử dụng ngân sách. Kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm. Thực hiện nghiêm túc cơ chế khoán kinh phí và biên chế đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo các phương án đã trình kỳ họp, UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh khung giá các loại đất theo Nghị định 123/2007/NĐ-CP ngày 27/7/2007 và quy định phân cấp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo Nghị định số 137/2006/NĐ-CP của Chính phủ để thống nhất áp dụng từ ngày 01/01/2008.

5. Lĩnh vực văn hoá, xã hội

Tiếp tục đa dạng hoá các loại hình đào tạo; đổi mới phương pháp dạy và học. Đẩy nhanh việc xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học. Nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động giáo dục- đào tạo.

Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh áp dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống. Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

Sử dụng có hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Tập trung giải quyết vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Xử lý ô nhiễm do nước thải, chất thải rắn tại các khu công nghiệp, khu đô thị, bệnh viện, khu chăn nuôi tập trung.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Tăng cường quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP và đối với các hoạt động hành nghề y, dược tư nhân.

Đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, xây dựng làng, khu dân cư và cơ quan, đơn vị văn hoá. Phát triển phong trào TDTT quần chúng, đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động TDTT. Năm 2008 phấn đấu 12/12 huyện, TP có Trung tâm TDTT.

Đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, tiếp tục thực hiện Đề án dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho nông dân. Có chính sách hỗ trợ giúp người nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công và các đối tượng chính sách. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động, bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động. Thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm kiềm chế, giảm dần tai nạn giao thông; thực hiện nghiêm chỉnh việc cấm xe công nông, xe tự chế hoạt động từ 01/01/2008 và bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường đối với người đi xe máy.

6. Thực hiện tốt công tác thanh tra tư pháp, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng quân sự địa phương

Làm tốt công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo thực hiện kết luận sau thanh tra.

Chủ động nắm tình hình, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân. Tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm; kiên quyết giảm thiểu và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn về ma tuý.

Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa công an và quân đội trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Duy trì nghiêm túc chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch huấn luyện, diễn tập quốc phòng và làm tốt công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.

7. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác phòng chống tham nhũng

Thực hiện nghiêm chỉnh quy chế làm việc mẫu của UBND các cấp mà Chính phủ đã quy định. Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải tiến quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình “ một cửa” và “một cửa liên thông”. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cấp trên đối với cấp dưới. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị. Tăng cường kỷ luật công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Xử lý công khai, kịp thời các vi phạm.

Sắp xếp và quy định rõ chức năng nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn của tỉnh và các huyện, thành phố theo chỉ đạo của Chính phủ, khẩn trương hoạt động theo mô hình mới, không làm ảnh hưởng đến thực hiện các nhiệm vụ.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm qui định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí.

Điều 2. Giao UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết này.

Nghị quyết được Hội đồng Nhân dân tỉnh khoá XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Uỷ ban TV Quốc hội (để b/c);
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Cục kiểm tra VB- Bộ Tư pháp (để b/c);
- Thường trực Tỉnh uỷ (để b/c);
- TT HĐND, UBND, UB MTTQ tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- VP tỉnh uỷ, VP UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành của tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, TP;
- Báo Hải Dương, Công báo tỉnh;
- Lưu VP HĐND tỉnh.

CHỦ TỊCH




Bùi Thanh Quyến

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Nghị quyết 74/2007/NQ-HĐND về kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2007 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 do tỉnh Hải Dương ban hành

Số hiệu: 74/2007/NQ-HĐND
Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
Người ký: Bùi Thanh Quyến
Ngày ban hành: 06/12/2007
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [4]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Nghị quyết 74/2007/NQ-HĐND về kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2007 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 do tỉnh Hải Dương ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [5]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…