Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 68/2012/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 12 tháng 12 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC QUẢN LÝ, BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI VỊNH HẠ LONG GIAI ĐOẠN 2013 - 2015, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XII - KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Di sản Văn hóa ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa ngày 18/6/2009;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 14/6/2005;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005;

Căn cứ Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 21/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long đến năm 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 5934/TTr-UBND ngày 23/11/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long giai đoạn 2013 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra số 117/BC-HĐND ngày 03/12/2012 của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua một số mục tiêu, giải pháp cơ bản về việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (sau đây gọi tắt là Vịnh Hạ Long) giai đoạn 2013 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020 như sau:

I. Quan điểm, mục tiêu về công tác quản lý, bảo tồn phát huy giá trị Vịnh Hạ Long giai đoạn 2013 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020

1. Quan điểm

- Vịnh Hạ Long là Di tích Quốc gia đặc biệt, hai lần được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và được bầu chọn là 1 trong 7 Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới phải được quản lý, bảo tồn, khai thác bền vững. Đây là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh với đất nước và cộng đồng Quốc tế.

- Vừa bảo tồn, vừa khai thác, phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long. Bảo tồn để khai thác, phát huy giá trị Di sản. Đồng thời khai thác, phát huy giá trị, tạo điều kiện bảo tồn, quản lý Di sản hiệu quả hơn để Vịnh Hạ Long mãi xứng đáng là Di sản - Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

- Việc khai thác và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long phải đảm bảo mục tiêu bảo tồn toàn vẹn giá trị Di sản và phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh.

- Việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long phải coi trọng cơ chế phối hợp liên ngành, cơ chế hợp tác quốc tế kết hợp với phát huy cao nhất thẩm quyền trách nhiệm của tỉnh Quảng Ninh.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của cộng đồng dân cư đối với việc giữ gìn, bảo vệ Di sản.

Bảo tồn toàn vẹn các giá trị Di sản, trong đó ưu tiên tăng cường công tác bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm khai thác, phát huy các giá trị để Vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ Quốc tế, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo Quốc phòng - An ninh của tỉnh và khu vực.

2.2. Một số mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể

2.2.1. Về công tác quản lý, bảo tồn

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long.

- Đẩy nhanh việc triển khai quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long đến năm 2020.

- Đổi mới phương thức tổ chức quản lý Vịnh Hạ Long.

- Bảo vệ môi trường sinh thái của Vịnh Hạ Long, trong đó chú trọng công tác bảo tồn giá trị đa dạng sinh học.

- Hoàn thành việc sắp xếp, di dời dân cư nhà bè sinh sống trên Vịnh Hạ Long.

- Trên 90% rác thải trên Vịnh Hạ Long được thu gom và đưa về bờ xử lý.

- 100% nhà bè, các công trình nổi được phép hoạt động trên Vịnh Hạ Long phải được sử dụng vật liệu nổi bền vững, không gây ô nhiễm môi trường.

- Chất lượng môi trường nước biển ven bờ và môi trường nước Vịnh Hạ Long đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

2.2.2. Về hoạt động khai thác, phát huy giá trị

- Quy hoạch hệ thống cảng, bến, điểm lưu trú nghỉ đêm, tuyến, điểm tham quan du lịch Vịnh Hạ Long.

- Đảm bảo công tác an toàn, an ninh - trật tự cho các hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long.

- Quản lý chặt chẽ môi trường kinh doanh du lịch; giải quyết triệt để tình trạng đeo bám, bán hàng rong, ăn xin, cò mồi, ép giá đối với khách du lịch.

- Đổi mới công tác quản lý, tổ chức lại hoạt động tham quan du lịch trên Vịnh Hạ Long đảm bảo khoa học, hiện đại và hiệu quả.

- Phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch một cách bền vững, thân thiện với môi trường.

- Khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Vịnh Hạ Long trong các lĩnh vực: Du lịch, giao thông, cảng biển, thủy sản... trên cơ sở bảo vệ vững chắc, lâu dài các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Di sản.

II. Các nhóm giải pháp và nhiệm vụ cụ thể

1. Về công tác quản lý, bảo tồn

1.1. Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước:

- Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; kiện toàn, đổi mới tổ chức bộ máy cơ quan quản lý Vịnh Hạ Long; nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Vịnh Hạ Long.

- Rà soát, đánh giá kết quả triển khai quy hoạch tổng thể và Kế hoạch quản lý di sản Vịnh Hạ Long giai đoạn 2011 - 2015. Xây dựng và triển khai quy hoạch chi tiết về bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long.

- Đẩy mạnh phối hợp giữa các ngành, địa phương với cơ quan quản lý Vịnh Hạ Long trong công tác quản lý, giám sát các hoạt động kinh tế - xã hội và kiểm tra, xử lý vi phạm trên Vịnh Hạ Long, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.

- Tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực, trình độ, kỹ thuật, quản lý Di sản thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn trong và ngoài nước...

- Xây dựng hệ thống sơ, cấp cứu y tế trên Vịnh Hạ Long phục vụ du lịch.

- Ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ phục vụ quản lý Di sản.

1.2. Tuyên truyền, quảng bá, giáo dục cộng đồng:

- Xây dựng các chương trình, kế hoạch tổng thể nhằm tuyên truyền, giáo dục cộng đồng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long. Nghiên cứu, lồng ghép chương trình giáo dục về bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long vào các cấp học phổ thông phù hợp với chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền, quảng bá Vịnh Hạ Long trong và ngoài nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống đường hàng không, cửa khẩu quốc tế và các hội nghị, hội thảo, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.

1.3. Bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn giá trị đa dạng sinh học:

- Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có giải pháp khắc phục các hoạt động gây tác động tiêu cực đối với môi trường Vịnh Hạ Long như than, điện, xi măng, vật liệu xây dựng, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, phát triển đô thị... xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Kiểm tra tổng thể và nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các khu đô thị, khu công nghiệp... trên địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả và các địa phương liên quan; có giải pháp khoa học, hiệu quả để xử lý nước thải sinh hoạt, nước la canh đối với tàu du lịch.

- Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể và ứng dụng các loại vật liệu bền vững trong xây dựng nhà bè, hệ thống phao nổi của nhà bè để hạn chế ô nhiễm môi trường.

- Tiếp tục điều tra, nghiên cứu khoa học các giá trị Vịnh Hạ Long, nhất là giá trị đa dạng sinh học làm cơ sở xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận giá trị về đa dạng sinh học; thường xuyên đánh giá, dự báo các nguy cơ tác động đến Di sản làm cơ sở phục vụ công tác quản lý, bảo tồn Vịnh Hạ Long.

- Khoanh vùng các khu bảo tồn giá trị đa dạng sinh học; có biện pháp bảo tồn các hệ sinh thái, nguồn gien, đặc biệt đối với các loài động, thực vật đặc hữu Vịnh Hạ Long; triển khai tốt các dự án trồng rừng ngập mặn; phối hợp chặt chẽ trong quản lý, khai thác sử dụng bền vững nguồn lợi đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long.

2. Về công tác khai thác, phát huy giá trị

- Quy hoạch hệ thống cảng, bến, điểm lưu trú nghỉ đêm đồng bộ với quy mô phát triển đội tàu du lịch.

- Xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh - trật tự, an toàn trên Vịnh Hạ Long, đặc biệt đối với khách du lịch.

- Quản lý chặt chẽ môi trường kinh doanh du lịch; giải quyết triệt để tình trạng đeo bám, bán hàng rong, ăn xin, cò mồi, ép giá đối với khách du lịch.

- Đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ khách du lịch.

- Tổ chức thiết lập các tuyến, điểm du lịch mới nhằm thu hút và điều hòa lượng du khách tham quan Vịnh Hạ Long đến Vịnh Bái Tử Long. Nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch kết hợp truyền thống với hiện đại, mang tính đặc thù, hấp dẫn; đa dạng hóa và cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch gắn với việc bảo vệ môi trường nhằm nâng cao thương hiệu du lịch Vịnh Hạ Long.

- Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách nhằm khai thác, phát huy một cách hiệu quả, bền vững các tiềm năng, thế mạnh của Vịnh Hạ Long phục vụ sự phát triển các ngành: Du lịch, giao thông đường biển, cảng biển, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy, hải sản trên cơ sở đảm bảo môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Di sản.

- Có chính sách khuyến khích, thu hút cộng đồng tham gia phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đảm bảo Quốc phòng - An ninh trên vùng Vịnh Hạ Long.

III. Nguồn lực để thực hiện

- Quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nguồn thu từ phí tham quan Vịnh Hạ Long; nghiên cứu đề xuất phương án thu các loại phí trên Vịnh Hạ Long.

- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vốn đầu tư, tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, khoa học - công nghệ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long.

- Đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long.

- Ưu tiên nguồn lực giải quyết tốt các vấn đề môi trường trên vịnh và ven bờ Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

- Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

- Thường trực, các Ban và các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khoá XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 12/12/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Long

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Nghị quyết 68/2012/NQ-HĐND về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long giai đoạn 2013 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu: 68/2012/NQ-HĐND
Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
Người ký: Nguyễn Đức Long
Ngày ban hành: 12/12/2012
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [6]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Nghị quyết 68/2012/NQ-HĐND về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long giai đoạn 2013 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [5]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…