Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/2016/NQ-HĐND

Sóc Trăng, ngày 26 tháng 7 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY ƯỚC MẪU KHÓM, ẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT/BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN ngày 31 tháng 3 năm 2000 của liên Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa Thông tin và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 04/2001/TTLT/BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN-UBQGDS-KHHGĐ ngày 09 tháng 7 năm 2001 của liên Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa Thông tin, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Quốc gia Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình hướng dẫn bổ sung Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT/BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư về việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình;

Xét Tờ trình số 38/TTr-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành định hướng Quy ước khóm, ấp trên địa bàn tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban pháp chế; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy ước mẫu khóm, ấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Điều 2. Kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến hết năm 2017, tất cả các khóm, ấp trên địa bàn tỉnh phải xây dựng Quy ước và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.

Điều 3.

1. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 10/1999/NQ-HĐNDT.5 ngày 10 tháng 9 năm 1999 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng khóa IX, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 14 tháng 7 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 26 tháng 7 năm 2016./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu;
- Văn phòng Quốc hội (bộ phận phía Nam);
- Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư;
- TT. TU, TT. HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Sóc Trăng;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- TT. HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Lâm Văn Mẫn

 

QUY ƯỚC (MẪU)

KHÓM, ẤP TỈNH SÓC TRĂNG
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 63/2016/NQ-HĐND ngày 26 tháng 7 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng)

LỜI NÓI ĐẦU

(Nội dung phần này nêu khái quát đặc điểm về địa lý, dân số, lịch sử, truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp, đặc điểm kinh tế - xã hội thực tế của khóm, ấp).

Để giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục, chuẩn mực đạo đức và tập quán tốt đẹp của dân tộc; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; xây dựng đời sống văn hóa, văn minh và tiến bộ xã hội; phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Nay, khóm (ấp)………………… xây dựng Quy ước để toàn thể nhân dân thực hiện như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy ước này quy định về những chuẩn mực ứng xử của các hộ gia đình, cá nhân trong sinh hoạt, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và trong mối quan hệ giữa cá nhân với nhau để xây dựng nếp sống văn hóa; quy định về việc cưới, việc tang, việc lễ, hội; quy định về an ninh, trật tự; quy định về bảo vệ các công trình công cộng, vệ sinh môi trường trên địa bàn khóm, ấp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các hộ gia đình, cá nhân sinh sống trên địa bàn khóm, ấp không phân biệt giới tính, dân tộc, độ tuổi, trình độ, văn hóa, tôn giáo, hộ khẩu thường trú hay tạm trú đều được hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ như nhau; đồng thời phải chấp hành tốt các điều khoản quy định trong bản Quy ước này.

Chương II

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN

Điều 3. Phát triển kinh tế

1. Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống là quyền và trách nhiệm của mỗi người. Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, giúp nhau vay vốn giải quyết việc làm, truyền đạt kinh nghiệm tăng năng suất và chất lượng trong sản xuất và kinh doanh.

2. Mọi gia đình, cá nhân trong khóm, ấp quyết tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, quản lý và sử dụng đất đai có hiệu quả theo hướng dẫn của địa phương. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình, cá nhân phải gắn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật với việc bảo vệ sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả lao động.

3. Khuyến khích mọi người, mọi nhà làm giàu chính đáng, mở mang ngành nghề hoặc các hình thức làm kinh tế khác nhưng phải chấp hành đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và chịu sự quản lý của chính quyền địa phương.

4. Nghiêm cấm việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng các loại hàng cấm, hàng lậu, hàng giả theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Xây dựng nông thôn mới

1. Mọi gia đình, cá nhân có trách nhiệm tích cực tham gia, tuyên truyền vận động mọi người cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Tham gia ý kiến vào đề án xây dựng nông thôn mới và bản quy hoạch nông thôn mới cấp xã.

2. Đầu tư công sức, kinh phí để chỉnh trang nơi ở của gia đình như: Xây dựng, nâng cấp nhà ở, xây dựng đủ 3 công trình vệ sinh; cải tạo, bố trí lại các công trình phục vụ khu chăn nuôi hợp vệ sinh theo chuẩn nông thôn mới; sửa sang ngõ, hàng rào đẹp đẽ, khang trang.

3. Đầu tư cho sản xuất ngoài đồng ruộng hoặc cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ để có thu nhập cao góp phần xây dựng nông thôn mới.

4. Đóng góp, xây dựng các công trình công cộng của khóm, ấp như: Đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương; nhà sinh hoạt văn hóa, điểm vui chơi.

Điều 5. Xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ công trình công cộng

1. Khi xây dựng cơ sở hạ tầng của khóm, ấp phải tiến hành các bước theo đúng quy hoạch, trình tự của quy chế dân chủ ở cơ sở. Khi xây dựng các công trình là nhà ở, hàng rào không được lấn chiếm đất láng giềng, đất công, phải bảo đảm khoảng cách không gian, bảo đảm an toàn cho công trình tập thể, nhân dân.

2. Các công trình công cộng, xây dựng cơ sở vật chất chung của khóm, ấp phải được bàn bạc thống nhất thông qua cuộc họp của toàn thể nhân dân và được đa số các hộ gia đình, cá nhân nhất trí. Các hộ gia đình, cá nhân phải nghiêm túc tuân thủ, đóng góp kịp thời, không làm ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng công trình hoặc chương trình chung.

3. Tất cả nhân dân trong khóm, ấp phải có trách nhiệm giữ gìn bảo vệ các công trình công cộng như: Trường học, nhà văn hóa, sân vận động, đường giao thông, di tích lịch sử, văn hóa, đường dây tải điện, hệ thống truyền thanh, hệ thống tiêu thoát nước và các công trình khác; đồng thời ngăn chặn, tố giác kịp thời các hành vi phá hoại các công trình văn hóa và công cộng tại địa phương.

4. Không để các loại vật liệu trên đường làm cản trở giao thông đi lại và ảnh hưởng đến tuổi thọ của đường xá, kênh, mương.

Điều 6. Giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội

1. Phát triển sự nghiệp giáo dục:

a) Các hộ gia đình có con, em đến tuổi đi học, trong độ tuổi đi học phải tạo điều kiện để con, em đến trường học tập. Ông, bà, cha, mẹ phải có trách nhiệm cùng nhà trường theo dõi, dạy dỗ con cháu học tập, rèn luyện đạt kết quả cao. Nếu con, em có khuyết điểm gia đình phải chịu trách nhiệm dạy bảo để sửa chữa ngay.

b) Vận động phong trào khuyến học, khuyến tài, động viên những em học giỏi, giúp đỡ các em nghèo đến trường và học lên các bậc cao hơn.

2. Tổ chức thực hiện các chương trình y tế:

a) Các hộ trong cộng đồng dân cư vận động nhau xây dựng hố xí hợp vệ sinh, xử lý rác đúng quy định, không chăn thả gia súc, gia cầm trong khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm.

b) 100% phụ nữ và trẻ em trong diện được tiêm chủng đúng quy định của cơ quan y tế, thực hiện phòng chống các dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế trên địa bàn.

c) Giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng; xác động vật chết phải được chôn cất, không được vứt xuống sông, kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường.

d) Không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn và tác nhân khác vượt quá tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của cộng đồng dân cư, xung quanh.

3. Phát triển hoạt động văn hóa:

a) Phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa, dân tộc.

b) Tự nguyện tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

c) Giữ gìn và bảo vệ công trình văn hóa, di tích lịch sử, đình chùa.

d) Thực hiện việc treo ảnh Bác Hồ trong mọi gia đình.

4. Trong việc cưới, hỏi:

a) Việc cưới, hỏi thực hiện theo đúng Luật Hôn nhân và gia đình, phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc, của địa phương. Không vi phạm các điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình.

b) Không tổ chức cưới, hỏi linh đình gây lãng phí tốn kém.

c) Trong đám cưới không nên uống rượu say; không được sử dụng các thiết bị âm thanh gây tiếng ồn vượt quá mức quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến xung quanh và trật tự công cộng. Không được mở loa, băng đĩa nhạc sau 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng.

5. Trong việc giỗ, việc tang:

a) Khi có người qua đời, người thân trong gia đình phải tiến hành khai tử theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện nghi thức tang lễ trang nghiêm, văn minh, tiết kiệm.

b) Cộng đồng dân cư phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể giúp đỡ gia đình có người qua đời tổ chức đám tang chu đáo, trang nghiêm.

Người chết vì nguyên nhân thông thường thì sau khi tắt thở không quá 12 giờ phải khâm liệm và thời gian quàn xác tại nhà không quá 48 giờ kể từ khi chết (trường hợp đặc biệt phải chờ người thân ở xa về thì được kéo dài hơn nhưng không quá thời gian quy định và phải đảm bảo vệ sinh môi trường).

Trường hợp chết vì bệnh dịch (dịch tả, dịch hạch, các bệnh truyền nhiễm) khuyến khích khâm liệm trong vòng 6 giờ, phải đúng theo hướng dẫn của cơ quan y tế và khuyến khích thời gian quàn xác tại nhà không quá 24 giờ kể từ khi chết.

c) Việc giỗ chạp là ngày họp mặt gia đình để tưởng nhớ đến người đã khuất, không nên tổ chức cúng lễ linh đình, gây lãng phí, tốn kém.

6. Xây dựng gia đình văn hóa:

Tất cả các hộ gia đình đều đăng ký xây dựng gia đình văn hóa theo các tiêu chí quy định. Mọi thành viên trong gia đình phải biết quan tâm, thương yêu, chăm sóc và giúp đỡ lẫn nhau.

7. Đền ơn, đáp nghĩa:

a) Giúp đỡ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.

b) Cùng nhau xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa.

c) Khuyến khích gia đình có điều kiện giúp đỡ, nuôi dưỡng người già neo đơn, trẻ mồ côi.

8. Đoàn kết dân tộc, thực hiện chính sách tôn giáo:

a) Mỗi cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm củng cố, phát triển khối đại đoàn kết dân tộc.

b) Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh theo quy định của pháp luật.

c) Đấu tranh không khoan nhượng đối với các hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, kích động chống phá chính quyền, gây mâu thuẫn, mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Điều 7. Quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội

1. Về quốc phòng, an ninh:

a) Gia đình và cộng đồng dân cư có trách nhiệm động viên con em mình đúng tuổi phải tham gia nghĩa vụ quân sự và chấp hành tốt quy định của pháp luật.

b) Cùng nhau xây dựng, củng cố tổ an ninh nhân dân và các mô hình quần chúng tự quản bảo vệ an ninh tổ quốc.

2. Về đăng ký, quản lý hộ tịch:

a) Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về đăng ký hộ tịch, hộ khẩu theo quy định của pháp luật.

b) Khai báo kịp thời các thay đổi về nhân khẩu khi có sự kiện sinh, tử, kết hôn, nuôi con nuôi.

3. Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội:

a) Tất cả mọi người có trách nhiệm xây dựng và giữ gìn an ninh trật tự trong khóm, ấp. Không phát ngôn trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước.

b) Mọi cá nhân không được kích động, gây rối trật tự, làm mất đoàn kết, gây gổ hằn thù, đánh chửi nhau. Nghiêm cấm tàng trữ, mua bán, sử dụng vũ khí, hung khí, chất nổ. Không dùng chất nổ, xung điện, kích điện để đánh cá. Nghiêm cấm đánh bạc, chứa bạc dưới mọi hình thức.

c) Có ý thức đấu tranh phòng, chống các tệ nạn trộm cắp, rượu chè bê tha, sử dụng ma túy, mại dâm, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Cam kết bài trừ các tệ nạn xã hội, làm lành mạnh các sinh hoạt văn hóa tinh thần trong nhân dân. Kiên quyết đấu tranh với nạn trộm cắp tài sản của nhà nước, của tập thể và của nhân dân.

d) Không tổ chức các hoạt động gây ồn ảnh hưởng đến người xung quanh như: hát karaoke trong gia đình, mở loa to trong việc cưới, việc tang ở các khu dân cư và nơi công cộng. Không uống bia, rượu say xỉn, gây rối làm mất trật tự an ninh, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật khi tham gia giao thông.

đ) Khi phát hiện kẻ gian, kẻ gây rối, những người có hành vi vi phạm pháp luật phải báo ngay cho Trưởng ban nhân dân khóm, ấp hoặc Tổ trưởng tổ an ninh.

e) Mọi hoạt động từ sau 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng đều không được gây tiếng ồn ảnh hưởng đến người khác.

g) Những người vi phạm pháp luật dưới 16 tuổi nếu gây thiệt hại thì cha mẹ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu người đủ 16 tuổi trở lên thì phải xử lý theo pháp luật.

4. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hòa giải ở cơ sở:

a) Hàng quý, Trưởng ban nhân dân khóm, ấp tổ chức họp dân để phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước để nhân dân biết và thực hiện. Coi công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên trong sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

b) Khuyến khích các bên mâu thuẫn, tranh chấp tự hòa giải với nhau hoặc đề nghị tổ hòa giải ở cơ sở hòa giải. Đơn thư khiếu kiện của công dân phải gửi đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; không lôi kéo, xúi giục để khiếu kiện vượt cấp, đông người.

Điều 8. Quản lý trật tự xây dựng, đô thị

1. Xây dựng, sửa chữa công trình nhà ở phải xin cấp giấy phép xây dựng; không lấn chiếm đất công và đất của người khác; không đổ phế thải xây dựng, tập kết vật liệu, trộn vữa trên lòng đường, vỉa hè.

2. Đối với các gia đình sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường vào việc hiếu, hỷ: Phải xin phép chính quyền địa phương; phải dành phần lòng đường còn lại tối thiểu đảm bảo một làn xe lưu thông (>= 3,5m); đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, thời gian chiếm dụng không quá 48 giờ.

3. Việc viết, đặt biển hiệu nơi kinh doanh phải thực hiện đúng quy định, đảm bảo mỹ quan đô thị, biển hiệu chỉ được viết, đặt sát mặt trước của trụ sở, không được vượt ra đường, hè phố.

Điều 9. An toàn giao thông

1. Chấp hành và tích cực tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường thủy nội địa.

2. Phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy; không uống rượu, bia khi tham gia giao thông; không phóng nhanh vượt ẩu, đua xe, lạng lách đánh võng; không chở quá số người quy định.

3. Không dựng rạp đám cưới, đám tang vi phạm hành lang giao thông, an toàn giao thông.

Điều 10. Phòng chống hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong sinh hoạt văn hóa tâm linh

1. Các sinh hoạt văn hóa tâm linh, tổ chức hiếu, hỷ, thờ cúng phải phù hợp với phong tục tập quán, bảo đảm phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. Trường hợp gia đình có người ốm đau phải đưa đi chữa trị tại các cơ sở y tế, không nên dùng các biện pháp cúng bái thay thế việc chữa trị y học.

2. Cấm việc lợi dụng các sinh hoạt văn hóa tâm linh để hoạt động mê tín dị đoan.

3. Quy định về lễ hội, tết:

a) Những ngày lễ, tết của đất nước mỗi nhà phải treo cờ; các cổng chính ở ấp, khóm phải treo băng rôn, pa nô; tham gia mít tinh hoặc văn nghệ do địa phương tổ chức.

b) Lễ hội trên địa bàn tổ chức phải đúng qui định của pháp luật hiện hành, đúng truyền thống văn hóa và đảm bảo an ninh trật tự.

c) Không được lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan.

Điều 11. Phòng ngừa cháy, nổ, chập điện

1. Mọi người, mọi nhà đều phải có ý thức phòng cháy, chữa cháy. Không để cho trẻ em chơi, nghịch lửa. Khi xảy ra hỏa hoạn, các gia đình, cá nhân phải cùng nhau chống hỏa.

2. Các hộ dùng điện phải sử dụng thiết bị điện bảo đảm an toàn. Chấp hành nghiêm các quy định của ngành điện về an toàn sử dụng điện. Không được buộc trâu, bò vào cột điện. Không thả diều, đá bóng gần hoặc dưới đường dây điện.

3. Cột mắc dây điện phải cao từ 4m đến 5m, chôn vững chắc, không được dùng dây trần.

Điều 12. Thực hiện bình đẳng giới

1. Cha mẹ và các thành viên trong gia đình phải đảm bảo sự bình đẳng giới, con trai, con gái đều được chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển; đều được phân chia tài sản thừa kế theo qui định.

2. Gia đình, dòng họ, cộng đồng, người vợ, người chồng cần tích cực tìm hiểu, nâng cao nhận thức, kiến thức khoa học về dân số, sức khỏe sinh sản. Không tuyên truyền hay ủng hộ hành vi lựa chọn giới tính khi sinh.

3. Các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng có cách ứng xử phù hợp, tiến bộ, không phân biệt đối với các gia đình sinh con gái hoặc sinh con một bề là trẻ em gái.

Chương III

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 13. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Hộ gia đình, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và thực hiện Quy ước của khóm, ấp thì được ghi nhận công lao, thành tích vào sổ vàng truyền thống; được nêu gương người tốt, việc tốt trên hệ thống loa truyền thanh; được bình xét công nhận gia đình văn hóa; được công nhận các hình thức khen thưởng khác do cộng đồng tự thỏa thuận; được đề nghị các cấp chính quyền khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

2. Hộ gia đình, cá nhân nào vi phạm các điều khoản trong Quy ước của khóm, ấp thì tùy theo mức độ mà xử lý bằng các hình thức sau đây:

a) Vi phạm lần đầu và lỗi nhẹ thì bị phê bình, nhắc nhở trước cuộc họp toàn thể nhân dân.

b) Nếu vi phạm với lỗi nặng hoặc vi phạm với lỗi nhẹ từ lần thứ hai trở lên thì tổ chức kiểm điểm tại tổ chức, đoàn thể mà người đó đang sinh hoạt, kiểm điểm trước hội nghị nhân dân; không xét tặng gia đình văn hóa hàng năm. Tùy mức độ vi phạm có thể bị đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Quy ước này thể hiện ý chí của toàn thể nhân dân trong khóm, ấp được hội nghị toàn thể nhân dân trong khóm, ấp nhất trí thông qua và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trong quá trình thực hiện, Quy ước sẽ được sửa đổi, bổ sung khi có những nội dung không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của khóm, ấp hoặc theo nguyện vọng của nhân dân; việc sửa đổi, bổ sung Quy ước do hội nghị toàn thể nhân dân trong khóm, ấp quyết định, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được tổ chức thi hành.

3. Toàn thể nhân dân trong khóm, ấp có trách nhiệm thực hiện nghiêm Quy ước này./.

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Nghị quyết 63/2016/NQ-HĐND Quy ước mẫu khóm, ấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Số hiệu: 63/2016/NQ-HĐND
Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
Người ký: Lâm Văn Mẫn
Ngày ban hành: 26/07/2016
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [5]
Văn bản được căn cứ - [4]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Nghị quyết 63/2016/NQ-HĐND Quy ước mẫu khóm, ấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Văn bản liên quan cùng nội dung - [5]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [2]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…