Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 152/2010/NQ-HĐND

Đà Lạt, ngày 08 tháng 12 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 – 2015.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 19

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;

Thực hiện Nghị quyết Đại Hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX nhiệm kỳ 2011-2015;

Sau khi xem xét Báo cáo của UBND tỉnh về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 và nhiệm vụ phát triển kinh tế 5 năm 2011-2015; Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí tán thành Báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 và nhiệm vụ phát triển kinh tế 5 năm 2011-2015; thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, cụ thể như sau:

I. Mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015.

Mục tiêu tổng quát:

Nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của tỉnh; ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất và quản lý; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục thể thao; đến năm 2020 Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên, có kinh tế phát triển ổn định và bền vững, có hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân được nâng cao, quốc phòng - an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, GDP bình quân đầu người bằng mức bình quân cả nước.

1. Các mục tiêu cụ thể:

a) Về phát triển kinh tế:

- Tốc độ tăng GDP (theo giá so sánh 1994) bình quân thời kỳ 2011 - 2015 đạt 15 - 16%/năm; trong đó ngành nông nghiệp tăng 7,8 - 8,3%, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 22,5 - 24,1%, ngành dịch vụ tăng 19 - 20%.

- GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 44,5 - 46,2 triệu đồng (khoảng 2.200 - 2.300 USD), gấp hơn 2 lần so với năm 2010.

- Cơ cấu kinh tế đến năm 2015: tỷ trọng nông lâm nghiệp 36,8 - 37%, công nghiệp - xây dựng 26,8 - 28%, dịch vụ 35,2 - 35,8%.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 18,1%/năm, đến năm 2015 đạt 783 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 2.860 triệu USD.

- Tổng vốn đầu tư xã hội 5 năm đạt 94.000 - 95.000 tỷ đồng, tăng bình quân 18 - 18,6%/năm, bằng 40% so với GDP, tăng gấp 2,5 lần so với thời kỳ 2006 - 2010.

- Tổng thu ngân trong thời kỳ 2011 - 2015 là 29.800 - 30.500 tỷ đồng, tăng bình quân 22,5%/năm. Đến năm 2015 đạt 8.662 tỷ đồng. Tỷ trọng huy động GDP vào ngân sách đạt 13,8% - 14,3%; trong đó thuế, phí 19.200 - 19.700 tỷ đồng, tỷ lệ huy động 8,7% - 9,3%.

- Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp: năm 2011 đạt 79 triệu đồng; năm 2012 đạt 84 triệu đồng; năm 2013 đạt 91 triệu đồng; năm 2014 đạt 96 triệu đồng; năm 2015 đạt 100 triệu đồng.

b) Về phát triển xã hội:

- Giảm tỷ lệ sinh bình quân hàng năm 0,03 - 0,04%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1,3% vào năm 2015. Quy mô dân số đến năm 2015 đạt khoảng 1,30 triệu dân.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 2 - 3%, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3 - 4%/ (Riêng trong năm 2011 giảm 3 - 4%, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 7 - 8%); có ít nhất 30% số xã đạt cơ bản các tiêu chí về nông thôn mới. Giảm tỉ lệ thất nghiệp thành thị còn dưới 2,5%, tỉ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn trên 90%. Tạo việc làm mới hàng năm 28 - 30 nghìn lao động.

- Đến năm 2015 có 100% xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, đạt bình quân 29 giường bệnh/vạn dân, có 6,0 bác sĩ/vạn dân, nâng cấp một số bệnh viện huyện thành bệnh viện hạng II. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2015 còn dưới 15%.

- Đến năm 2015 có 30% xã, phường, thị trấn; 75% thôn, tổ dân phố; 85% gia đình và 95% cơ quan đạt tiêu chuẩn văn hóa.

- Đến năm 2015, huy động 80% số cháu trong độ tuổi đi học mẫu giáo; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 35 - 40%; có 36 - 40% trường học đạt chuẩn quốc gia.

c) Về bảo vệ môi trường:

- Đến năm 2015: có 85% dân số sử dụng nước hợp vệ sinh và phấn đấu có trên 90% dân số đô thị được sử dụng nước sạch.

- Đến năm 2015 thu gom và xử lý 100% chất thải độc hại, 85 - 90% rác thải sinh hoạt.

- Duy trì độ che phủ của rừng 61 - 62%.

2. Đầu tư phát triển.

Để đạt các mục tiêu chủ yếu trên, dự kiến vốn đầu tư phát triển thời kỳ 2011- 2015 là 94.894 tỷ đồng, tốc độ tăng 13,5%/năm. Trong đó vốn ngân sách nhà nước là 12.343 tỷ, chiếm 13%; Vốn trái phiếu Chính phủ: 3.002 tỷ, chiếm 3,16%; Vốn tín dụng đầu tư nhà nước: 2.510 tỷ, chiếm 2,65%; Vốn doanh nghiệp nhà nước: 3.020 tỷ, chiếm 3,18%; Vốn FDI: 3.990 tỷ chiếm 4,2%; Vốn dân doanh 70.029 tỷ, chiếm 73,8%.

II. Các giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch.

1. Khai thác và phát huy lợi thế so sánh của các ngành, lĩnh vực, các huyện, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của tỉnh; áp dụng công nghệ cao để giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh của sản phẩm. Phát triển công nghiệp trên cơ sở đổi mới công nghệ; tạo bước tiến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của một số ngành và sản phẩm công nghiệp. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ: du lịch, nghỉ dưỡng, giáo dục chất lượng cao, vận tải công cộng, vận tải phục vụ du lịch ...

2. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh hàm lượng công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng và vật tư nguyên liệu trong sản phẩm.

3. Khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước (vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý); xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Khuyến khích đầu tư mạnh mẽ vào các địa bàn kinh tế trọng điểm; hỗ trợ đầu tư nhiều hơn cho các vùng chịu nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân và thể dục thể thao. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động sự nghiệp và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công.

4. Xây dựng đề án nhằm tăng cường quản lý và khai thác nguồn thu của NSNN; nuôi dưỡng nguồn thu đi đôi với các biện pháp chống thất thu thuế, triệt để khai thác các nguồn thu, chú trọng các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh để tăng nhanh nguồn thu.

Tranh thủ các nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho tỉnh thông qua các chương trình mục tiêu. Điều hành chi ngân sách đảm bảo đúng dự toán, đúng chế độ, thực hiện tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả, dành tỷ trọng thoả đáng trong chi cho đầu tư phát triển.

Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nhằm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng sâu vùng xa, khắc phục sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng và giữa các dân tộc. Tiếp tục thực hiện các chương trình đầu tư vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định dân di cư tự do, sắp xếp bố trí quy hoạch dân cư nông thôn ...

5. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn và đầy đủ hơn với khu vực và thế giới để tận dụng tối đa các cơ hội để phát triển. Đẩy mạnh hợp tác với Thành phố Hồ chí Minh và các tỉnh. Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc nhằm phát triển tốt về công nghệ, thị trường; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư để phát triển các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Tạo điều kiện thu hút nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào xây dựng kinh tế địa phương.

6. Bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thân thiện, minh bạch, thông thoáng và ổn định để thu hút các nguồn vốn bên ngoài; đồng thời thực hiện các giải pháp bảo đảm đầu tư, giúp cho các doanh nghiệp trong tỉnh duy trì và phát triển sản xuất. Tiếp tục rà soát các dự án đầu tư để có giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đồng thời phải kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai có ý định chiếm chỗ chờ thời cơ để sang nhượng.

7. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức. Đặc biệt, chú trọng đào tạo nhân lực có trình độ cao, cán bộ quản lý giỏi và công nhân kỹ thuật lành nghề; đào tạo nghề cho lao động nông thôn để thực hiện việc phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

8. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, đầu tư và lồng ghép các chương trình đầu tư, tích cực vận động, khuyến khích người dân để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng mô hình nông thôn mới.

9. Đẩy mạnh giải quyết việc làm, khuyến khích tạo động lực vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững, phát triển hệ thống an sinh xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe của nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội; ưu tiên hỗ trợ phát triển các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Thực hiện đề án phát triển nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững cho huyện Đam Rông; đề án phát triển kinh tế nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững cho 16 xã nghèo và 94 thôn buôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

10. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc, giữ gìn sự thống nhất trong đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam, đi đôi với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc và sáng tạo những giá trị mới. Bảo tồn, tôn tạo, phát huy các di tích lịch sử cách mạng, các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh; phát triển hệ thống bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, các khu vui chơi giải trí.

11. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường. Sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Khắc phục và ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường.

Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy tối đa tiềm năng nguồn lực về đất đai để phát triển kinh tế xã hội. Tăng cường công tác quản lý đất đai, kiên quyết lập lại trật tự trong quản lý và sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch đã được duyệt. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống bản đồ, hồ sơ địa chính, hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, các doanh nghiệp và các tổ chức khác trên địa bàn. Rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị và phân bố dân cư nông thôn, đồng thời quy hoạch và ổn định đất sản xuất nông nghiệp để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất; thẩm tra rà soát thận trọng các dự án đầu tư phải thu hồi đất rừng nhất là rừng phòng hộ và đất sản xuất nông nghiệp trước khi cấp phép đầu tư.

12. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tạo bước chuyển mới về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng và hoạt động của các cơ quan tư pháp; đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, lãng phí. Tăng cường đội ngũ và nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ cơ sở.

13. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, và trật tự an toàn xã hội; gắn phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an ninh quốc phòng.

Điều 2. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, điều hành các sở, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện Nghị quyết này.

HĐND tỉnh giao Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hiện Nghị quyết; xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung những biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện Nghị quyết theo đề nghị của UBND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đồng thời gương mẫu chấp hành và vận động cán bộ, nhân dân thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Nghị quyết này đã được đại biểu HĐND tỉnh Lâm Đồng khoá VII kỳ họp thứ 19 thông qua ngày 8 tháng 12 năm 2010./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Tiến

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Nghị quyết 152/2010/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu: 152/2010/NQ-HĐND
Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
Người ký: Nguyễn Xuân Tiến
Ngày ban hành: 08/12/2010
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Nghị quyết 152/2010/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [7]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [2]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…