ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 99/KH-UBND |
Lạng Sơn, ngày 12 tháng 9 năm 2016 |
Thực hiện Quyết định số 1464/QĐ-TTg ngày 22/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xây dựng kế hoạch thực hiện “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, với những nội dung sau:
Thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Người có nguy cơ bị bạo lực và nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, can thiệp và hỗ trợ kịp thời nhằm ngăn ngừa bạo lực xảy ra và có cơ hội cải thiện nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc. Phấn đấu đến năm 2020 đạt các mục tiêu sau:
1. Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan và cộng đồng trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, chú trọng nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực, đối tượng dễ bị tổn thương do bạo lực trên cơ sở giới;
2. 100% nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, hỗ trợ và can thiệp kịp thời;
3. 50% người gây bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, tư vấn hoặc có hình thức xử lý phù hợp.
4. Tầm nhìn đến năm 2030: Trên cơ sở các cơ chế, chính sách về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tăng cường thực thi pháp luật và đảm bảo hệ thống dịch vụ về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh nhằm hướng tới môi trường an toàn, bình đẳng, không bạo lực.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong phạm vi toàn tỉnh, ưu tiên các huyện, thành phố có tình trạng bạo lực cơ sở giới xảy ra nhiều hoặc có nguy cơ cao.
1. Nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức và người dân về chính sách pháp luật có liên quan đến phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phân biệt đối xử về giới và ảnh hưởng của bạo lực trên cơ sở giới tới sự phát triển bền vững của xã hội.
- Tập trung triển khai chiến dịch truyền thông trong các đợt cao điểm như “Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”; hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình” với các hình thức đa dạng, phong phú nhằm thay đổi nhận thức, hành động và trách nhiệm về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
- Triển khai các hình thức truyền thông về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới phù hợp với từng nhóm đối tượng theo từng địa bàn, đơn vị; xây dựng mạng lưới người có ảnh hưởng, người có uy tín trong xã hội để truyền tải thông điệp về phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; thực hiện tuyên truyền, giáo dục trên các thông tin đại chúng về phòng ngừa bạo lực, ép phụ nữ kết hôn với người nước ngoài vì lý do kinh tế và phân biệt đối xử vì lý do giới tính.
2. Nâng cao năng lực và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
- Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước kiêm nhiệm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, người cung cấp dịch vụ và đội ngũ cộng tác viên tại cộng đồng về công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
- Xây dựng và ban hành hướng dẫn, tiêu chí về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới sau khi có hướng dẫn, tiêu chí của cấp trên về: phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; thành phố an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái; trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực; mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở cộng đồng; cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; kết nối dịch vụ hỗ trợ nạn nhân; chăm sóc, tư vấn và hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở y tế.
- Tổng hợp và thu thập số liệu về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
- Tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện hoạt động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại các cơ quan, đơn vị và địa phương.
3. Triển khai các hoạt động phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới
- Tăng cường công tác truyền thông bằng các sản phẩm, pano, áp phích, tờ rơi, băng zôn... về phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới.
- Triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn kỹ năng tự kiểm soát bản thân với nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực; kỹ năng phòng tránh bạo lực đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do bạo lực trên cơ sở giới gây ra.
4. Triển khai các dịch vụ, mô hình hỗ trợ, can thiệp để phòng ngừa và giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới
- Cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới: Hỗ trợ bảo đảm an toàn, tạm lánh khẩn cấp, dịch vụ hỗ trợ ban đầu tại các Trung tâm công tác xã hội, nhà tạm lánh, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; cung cấp dịch vụ chăm sóc tối thiểu cho nạn nhân và tư vấn cho người gây bạo lực tại cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ chăm sóc, tư vấn cho nạn nhân tại cơ sở y tế; thành lập và sử dụng đường dây nóng để tư vấn, hỗ trợ nạn nhân; có cơ chế phối hợp với các ngành có liên quan trong giải quyết bạo lực trên cơ sở giới để kết nối dịch vụ, bảo vệ nạn nhân và can thiệp, xử lý phù hợp người gây bạo lực.
- Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình ngăn ngừa giảm thiểu tác hại trên cơ sở giới, câu lạc bộ bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình... tại cộng đồng nhằm hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài và giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới tại vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
- Triển khai lồng ghép tuyên truyền nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, tổ chức Hội tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; xây dựng cơ chế và địa điểm tiếp nhận thông tin và thực hiện tư vấn đối với các trường hợp bị quấy rối tình dục và xử lý người có hành vi quấy rối tình dục; tổ chức các hoạt động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
- Triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình thành phố an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái nhằm đảm bảo an toàn tại nơi công cộng, thực hiện rà soát các dịch vụ công để có khuyến nghị phù hợp và tạo cơ chế thu nhận ý kiến phản hồi của người dân về các trường hợp bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn toàn tỉnh.
- Triển khai mô hình trường học an toàn, thân thiện, nói không với bạo lực và bất bình đẳng giới thông qua các hoạt động thiết thực gắn với học tập, thực hành kỹ năng sống, kỹ năng phòng tránh bạo lực đối với học sinh; tập huấn kỹ năng cho giáo viên, người học và cung cấp thông tin cho phụ huynh về biện pháp phòng ngừa và ứng phó với bạo lực tại trường học; thiết lập các dịch vụ hỗ trợ, can thiệp ngay tại trường học, đề xuất biện pháp xử lý phù hợp đối với người có hành vi bạo lực; lồng ghép nội dung về phòng, chống bạo lực trong các câu lạc bộ trong nhà trường và các hoạt động ngoại khóa của học sinh và giáo viên.
Kinh phí thực hiện chương trình được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước của các Sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai Kế hoạch trên phạm vi toàn tỉnh, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các kế hoạch liên quan do các sở, ngành khác chủ trì thực hiện.
- Tăng cường trách nhiệm phối hợp liên ngành của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh trong triển khai thực hiện các hoạt động của Kế hoạch; hướng dẫn, tổ chức, triển khai các hoạt động của Kế hoạch và định kỳ báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.
- Căn cứ các văn bản hướng dẫn, tiêu chí của cấp trên, xây dựng và ban hành hướng dẫn về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; tiêu chuẩn về: thành phố an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái; cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh; mô hình kết nối dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hằng năm về “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020” phù hợp với kế hoạch này; rà soát để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, chính sách cho phù hợp với Luật Bình đẳng giới; hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch này và tổ chức sơ kết vào cuối năm 2018 và tổng kết việc thực hiện kế hoạch vào cuối năm 2020.
2. Sở Y tế
Chủ trì hướng dẫn về chăm sóc, tư vấn tâm lý và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh truyền thông về bình đẳng giới trong triển khai Kế hoạch kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì xây dựng Kế hoạch, hướng dẫn các tiêu chuẩn về trường học an toàn, thân thiện, không có bạo lực; thực hiện lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong thực hiện phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
4. Công an tỉnh
Chỉ đạo công an các cấp phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc phát hiện sớm, can thiệp và xử lý các vụ bạo lực trên cơ sở giới, môi giới hôn nhân bất hợp pháp và bảo vệ nạn nhân.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan vận động các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức để thực hiện Kế hoạch; bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Tài chính
Chủ trì thẩm định dự toán do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng; tham mưu cân đối ngân sách để thực hiện Kế hoạch. Phối hợp kiểm tra, giám sát việc chi cho các hoạt động đảm bảo theo đúng quy định của Nhà nước.
7. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch
Xây dựng và triển khai các hoạt động can thiệp, phòng chống bạo lực gia đình trong đó chú trọng đến bạo lực trên cơ sở giới; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về tổ chức thực hiện “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”.
8. Các Sở, Ban, Ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch, lồng ghép các hoạt động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong các Chương trình, Kế hoạch có liên quan.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và các tổ chức chính trị trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia tổ chức triển khai các hoạt động của Kế hoạch; lồng ghép các hoạt động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong các Chương trình, Kế hoạch liên quan.
10. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; khuyến khích Công đoàn cơ sở phối hợp cùng chuyên môn triển khai, hướng dẫn về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; bố trí ngân sách địa phương đảm bảo cho việc thực hiện các hoạt động của Kế hoạch đề ra; tổ chức thực hiện Kế hoạch theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, Ban, Ngành có liên quan. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch tại địa phương.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh trước ngày 20 tháng 12 hàng năm để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội./.
|
KT. CHỦ
TỊCH |
Kế hoạch 99/KH-UBND năm 2016 thực hiện Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Số hiệu: | 99/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tỉnh Lạng Sơn |
Người ký: | Lý Vinh Quang |
Ngày ban hành: | 12/09/2016 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 99/KH-UBND năm 2016 thực hiện Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Chưa có Video