Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 449/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 30 tháng 7 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 23/CT-TTG NGÀY 26/5/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN CÁC QUYỀN TRẺ EM VÀ BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em (gọi tắt là Chỉ thị 23/CT-TTg), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg trên địa bàn tỉnh với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em, nhất là bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích, lạm dụng sức lao động trẻ em ở một số ngành nghề, lĩnh vực.

- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thực hiện các quyền của trẻ em và bảo vệ trẻ em.

- Nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, cộng đồng và mỗi gia đình cùng chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; qua đó kịp thời phát hiện và ngăn chặn, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; kịp thời xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại do bạo lực, xâm hại gây ra cho trẻ em.

2. Yêu cầu

- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về trẻ em, thường xuyên rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em.

- Đổi mới công tác tuyên truyền, ưu tiên thời điểm, thời lượng phát sóng các chương trình về chính sách, pháp luật và bảo vệ trẻ em với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với các nhóm đối tượng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

- Xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài vụ việc vi phạm quyền trẻ em với phương châm “đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm”.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về trẻ em.

II. NỘI DUNG

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, thực hiện các Quyền của trẻ em

- Đa dạng hóa các loại hình, phương tiện, hình thức tuyên truyền phù hợp từng nhóm đối tượng, từng địa bàn, với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ: Tổ chức chiến dịch truyền thông theo chủ đề, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, dân cư, sinh hoạt câu lạc bộ trong các trường học về kiến thức kỹ năng tự bảo vệ cho bản thân trẻ em và kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em cho các bậc phụ huynh; thông qua sản phẩm, ấn phẩm truyền thông: Tờ rơi, sổ tay, băng rôn, pa nô trên các phương tiện thông tin đại chúng....

- Nâng cao năng lực, cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em, dịch vụ công tác xã hội cho trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục.

- Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt chú trọng hướng dẫn kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em cho cha mẹ để làm tiền đề hình thành nhân cách sống tốt cho mọi trẻ em.

- Trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng, ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em cũng như trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em cho các bậc phụ huynh theo từng thôn, bản, tổ dân phố.

2. Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ trẻ em

- Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng y tế trong các cơ sở y tế từ tỉnh đến cơ sở trong việc tiếp nhận, tư vấn và chăm sóc cho trẻ.

- Duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ trẻ em ở xã, phường, thị trấn, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh để trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Tổ chức các hình thức phù hợp để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em trong quá trình thực hiện chương trình, chính sách, pháp luật về trẻ em bảo đảm thực chất, hiệu quả; tổ chức các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước.

- Chỉ đạo hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hoạt động hiệu quả, bảo đảm an toàn, thân thiện và phòng, chống xâm hại trẻ em.

- Thường xuyên kiểm tra về trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em, chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Y tế

- Triển khai giải pháp phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh.

- Đánh giá mức độ tổn hại sức khỏe tâm thần đối với trẻ em bị xâm hại theo quy định của Bộ Y tế; triển khai quy trình giám định đặc thù đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em; xác định mức độ khuyết tật đối với trẻ em mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh phải điều trị dài ngày.

- Xây dựng quy trình tiếp nhận khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.

- Chỉ đạo cơ quan giám định pháp y ưu tiên giám định đối với trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại trẻ em.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Triển khai chính sách, giải pháp giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học, đặc biệt là các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh.

- Hướng dẫn việc thực hiện phương pháp giáo dục tích cực, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của cơ sở giáo dục.

- Triển khai có hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục lối sống văn hóa, rèn luyện đạo đức cho học sinh và phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em trong trường học.

- Phổ biến, tuyên truyền về tác hại của ma túy, rượu bia, thuốc lá; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc học sinh sử dụng trái phép chất gây nghiện.

- Thực hiện quyết liệt, cải thiện căn bản điều kiện vệ sinh, nước sạch, an toàn thực phẩm trong trường học.

- Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, phòng ngừa và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục, tai nạn, thương tích trẻ em trong trường học.

4. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

- Tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách cư xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn; giáo dục trẻ em gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

- Hướng dẫn gia đình các biện pháp khắc phục, phòng, chống tình trạng cha mẹ, người thân xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng thực hiện trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.

- Phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.

- Ưu tiên xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em cấp xã, nhất là các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

5. Công an tỉnh

- Thường xuyên triển khai các biện pháp phòng, chống hành vi bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em, đặc biệt là mua bán trẻ sơ sinh. Đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em.

- Chỉ đạo công an các huyện, thành phố, nhất là lực lượng công an cơ sở tăng cường rà soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, bóc lột trẻ em; quản lý, giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

- Tuyên truyền phòng, chống ma túy trong thiếu niên, học sinh; xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo, mua bán, dụ dỗ, lôi kéo người chưa thành niên sử dụng trái phép ma túy, hoạt động tội phạm về ma túy.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo các cơ quan báo trí và truyền thông của tỉnh thực hiện đúng quy định tại Thông tư 09/TT-BTTTT quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm; đổi mới công tác tuyên truyền, ưu tiên thời điểm, thời lượng phát sóng các chương trình về chính sách, pháp luật về trẻ em với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với các nhóm đối tượng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

- Xử lý nghiêm cơ quan báo chí, xuất bản, tổ chức, cá nhân hoạt động trên môi trường mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ hình ảnh, thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em.

7. Sở Tư pháp

- Tham mưu thực hiện các biện pháp để tăng cường bảo vệ trẻ em trong quá trình xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

- Chủ động thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.

8. Ban Dân tộc

Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện công tác truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, thay đổi hành vi, từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.

9. Sở Tài chính

Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các chương trình, đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt cho công tác phòng, chống xâm hại trẻ em theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

10. Sở Xây dựng

Thường xuyên tranh tra, kiểm tra việc chấp hành tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em ở các công trình xây dựng, nhà cao tầng.

11. Sở Giao thông vận tải

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành tiêu chuẩn an toàn cho trẻ em đối với các công trình, phương tiện giao thông, phương tiện đưa đón học sinh.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn

- Tăng cường giám sát, phản biện việc thực hiện quyền trẻ em, giải quyết những vi phạm quyền trẻ em.

- Tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội tham gia thực hiện chính sách, pháp luật của trẻ em; tích cực tham gia phòng ngừa và hỗ trợ trẻ em, gia đình trẻ em là nạn nhân của các vụ việc bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích.

13. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tham mưu cho Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành Nghị quyết để thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em trên địa bàn.

- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

- Bố trí ngân sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, nhất là việc triển khai các hoạt động, chương trình, kế hoạch, đề án về trẻ em đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Chỉ đạo, thường xuyên kiện toàn Ban bảo vệ chăm sóc trẻ em cấp xã, bố trí đảm bảo người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số cán bộ, công chức và có chính sách hỗ trợ hoạt động.

- Kiểm tra, rà soát việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, thân thiện với trẻ em, đặc biệt đối với các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, các thiết chế văn hóa, thể thao thuộc địa bàn quản lý.

14. Các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về quyền trẻ em, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, ủng hộ đóng góp Quỹ Bảo trợ trẻ em.

IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện và có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch, định kỳ 6 tháng, một năm, gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh xã hội theo định kỳ./.

 


Nơi nhận:

Gửi bản điện tử:
- Bộ LĐTBXH (báo cáo);
- CT, PCT UBND tỉnh (ông Hưng);
- UBMTTQ VN tỉnh và các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VXNV (Huyền).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Duy Hưng

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 449/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Số hiệu: 449/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
Người ký: Phạm Duy Hưng
Ngày ban hành: 30/07/2020
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 449/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…