ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 385/KH-UBND |
Đắk Nông, ngày 17 tháng 7 năm 2019 |
Triển khai Quyết định số 1685/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, cụ thể như sau:
- Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo bước chuyển biến, thay đổi mạnh mẽ về diện mạo, hình ảnh du lịch Đắk Nông, là động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
- Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng phát triển bền vững, đồng bộ, chú trọng phát triển du lịch có chất lượng, đẩy mạnh kết nối với các ngành, các lĩnh vực để hình thành chuỗi giá trị, đảm bảo cho du khách và người dân được hưởng lợi từ hoạt động du lịch.
- Phát huy các nguồn lực, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để du lịch phát triển, xây dựng môi trường du lịch tỉnh Đắk Nông văn minh, lịch sự, hiếu khách, thân thiện.
1. Mục tiêu tổng quát
Cơ cấu lại ngành du lịch nhằm khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm, thị trường, các nguồn lực để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường, quảng bá hình ảnh Đắk Nông đến du khách trong và ngoài nước. Phấn đấu đến năm 2025, Đắk Nông trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
- Phấn đấu đến năm 2025, doanh thu và lượt khách du lịch tăng ít nhất 20% so với giai đoạn 2015-2020, số lượng lao động qua đào tạo tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ du lịch đạt 50%/lao động trực tiếp trong ngành du lịch.
- Hình thành sản phẩm du lịch đồng bộ, đặc biệt là đẩy mạnh việc hoàn thiện các khu, điểm du lịch và khu vui chơi giải trí, lấy sản phẩm du lịch Công viên địa chất Đắk Nông là sản phẩm du lịch trọng tâm của tỉnh. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, từng bước áp dụng công nghệ thông tin vào vận hành du lịch và cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch Đắk Nông.
1. Cơ cấu lại thị trường khách du lịch
- Về thị trường khách du lịch quốc tế: Tập trung khai thác các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao, lưu lại dài ngày, trải nghiệm văn hóa bản địa và thiên nhiên. Chú trọng phân khúc thị trường khách du lịch trải nghiệm khám phá Công viên địa chất Đắk Nông, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển du lịch sinh thái.
- Về thị trường khách du lịch nội địa: Đẩy mạnh khai thác thị trường khách đến từ các thị trường Tp. Hồ Chí Minh, đồng bằng Nam bộ, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và nước bạn Campuchia. Chú trọng khách du lịch khám phá, sinh thái nông nghiệp kết hợp du lịch văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng.
2. Phát triển sản phẩm và điểm đến du lịch
Đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch gắn với Công viên địa chất Đắk Nông, trong đó đặc biệt chú trọng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch khám phá và du lịch văn hóa để hình thành sản phẩm và tạo điểm đến du lịch tại Đắk Nông. Trong thời gian tới cần tập trung ưu tiên:
a) Hoàn thiện, đa dạng hóa các dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch sinh thái, vui chơi giải trí:
- Công viên vui chơi giải trí Liêng Nung (xã Đắk Nia, Tx Gia Nghĩa).
- Khu du lịch sinh thái văn hóa cụm thác Đray Sáp - Gia Long (xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô).
- Điểm du lịch sinh thái thác Trinh Nữ (thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút).
- Khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung (xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song).
- Điểm du lịch sinh thái Đắk G’Lun (xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức).
- Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong).
- Khu du lịch sinh thái dọc sông Sêrêpốk (huyện Cư Jút).
- Điểm hóa thạch (tổ dân phố 8, phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa).
b) Tập trung đầu tư sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng:
- Đầu tư phục dựng, hình thành các dịch vụ du lịch tại các khu di tích văn hóa lịch sử:
+ Di tích lịch sử các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do anh hùng dân tộc N’Trang Lơng lãnh đạo, huyện Tuy Đức.
+ Di tích lịch sử căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV (1959-1975) tại Nâm Nung, Krông Nô giai đoạn II.
+ Bảo tàng tỉnh Đắk Nông gắn với Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912 - 1936, Nhà Triển lãm âm thanh tỉnh Đắk Nông.
+ Di tích lịch sử N’Trang Gưh.
+ Di tích lịch sử Địa điểm bắt liên lạc khai thông hành lang chiến lược Bắc - Nam đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ thuộc địa bàn thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk Song.
- Hình thành các Bon văn hóa truyền thống gắn với hình thành các mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng phục vụ tham quan du lịch, thưởng thức sản phẩm văn hóa địa phương: Bon N'riêng, xã Đắk Nia, Tx Gia Nghĩa; Bon Bu Kon, P. Nghĩa Tân, Tx Gia Nghĩa; Bon Đắk R’Moan, xã Đắk R’Moan, Tx Gia Nghĩa; Bon Pinao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp; Buôn Buôr, Buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jut; Bon Bu Prâng, xã Đắk Ru, huyện Đắk Song, Thôn Nam Tân, xã Nam Đà, huyện Krông Nô; Buôn Kon Hao, bon Ting Wel Đăng, xã Đắk Ha, huyện Đăk G’Long.
- Định kỳ hằng năm tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch; lựa chọn các lễ hội đúng bản sắc văn hóa có quy mô lớn, mang tính chất cộng đồng cao gắn kết với các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh, chủ đầu tư các khu, điểm du lịch; các công ty lữ hành để quảng bá, tuyên truyền các sự kiện nhằm quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương thu hút du khách.
c) Du lịch kết hợp tham quan làng nghề gắn với văn hóa cộng đồng, các công trình kinh tế, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, du lịch địa chất:
- Xây dựng, phục hồi các làng nghề truyền thống, buôn cổ để phục vụ du lịch: Buôn cổ Buôn Buôr, Buôn Nui; nghề dệt thổ cẩm, đan lát, rượu cần, ẩm thực tại bon N’riêng, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa; đánh cồng chiêng, văn hóa dân gian, sử thi Ot N’rông tại bon Bu Prâng, xã Đắk Rung, huyện Đắk Song; Dệt, cồng chiêng, văn hóa dân gian tại bon Pinao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp; bon Kon Hao và bon Ting Wei Đăng (xã Đăk Ha, huyện Đăk Glong). Đồng thời tăng cường công tác bảo vệ môi trường, an ninh trật tự.
- Du lịch kết hợp với tham quan các công trình kinh tế: thủy điện Đắk R’Tih (Tx Gia Nghĩa, Đắk R’Lấp, Đắk Song), thủy điện Đồng Nai 3 (huyện Đắk G’Long), thủy điện Buôn Tua Sah (huyện Krông Nô), Khu công nghiệp Tâm Thắng (huyện Cư Jut), Khu công nghiệp Nhân Cơ phục vụ điện phân nhôm, (huyện Đắk R'Lấp), Nhà máy Alumin Nhân Cơ (huyện Đắk R'Lấp),...
- Du lịch kết hợp tham quan các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Khu chuyên canh trồng tiêu, vườn sinh thái kết hợp chăn nuôi, trồng trọt (huyện Đắk Song); khu trồng ổi, dâu tây, hoa, vườn cam (huyện Đắk Glong); khu trồng xoài, sầu riêng, bơ (huyện Đắk Mil); khu trồng khoai lang Nhật Bản (huyện Đắk Song, huyện Tuy Đức); khu trồng cam, quýt, hoa, sầu riêng và khu đồi chè (Gia Nghĩa), vườn cây macca (huyện Tuy Đức), vườn vải thiều, cam (huyện Krông Nô).
- Phát triển các sản phẩm du lịch về chuyên đề Công viên địa chất Đắk Nông gắn hệ thống hang động và các núi lửa cũng như quá trình hình thành địa chất tại Đăk Nông với các điểm đến: Núi lửa Nâm Kar (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô), núi lửa Buôn Choáh (huyện Krông Nô), núi lửa Nâm Gle (xã Thuận An, huyện Đắk Mil), núi lửa Băng Mo (thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút), núi lửa Nam Dong (huyện Cư Jút), hệ thống hang động núi lửa và các điểm địa chất tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
- Khuyến khích cộng đồng tham gia phát triển du lịch, phối hợp với các Công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch kết hợp với tham quan các làng nghề, công trình kinh tế, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
3. Phát triển nguồn nhân lực du lịch
- Từng bước tăng về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch, trong đó chú trọng đào tạo nghề mang tính chuyên nghiệp cao.
- Tăng dần tỷ trọng lao động du lịch qua đào tạo, trong đó:
+ Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về quản lý du lịch gắn với ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch các cấp, nhân lực quản trị của doanh nghiệp, nhân lực điều hành các nhóm nghề, nhân lực quản lý điểm đến.
+ Tập trung đào tạo kỹ năng nghề và các kỹ năng mềm đối với lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, tăng tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng và nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ.
+ Từng bước vận động, hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư, người dân bản địa tham gia vào lực lượng lao động, trở thành đội ngũ tuyên truyền, quảng bá du lịch, đại diện cho hình ảnh và nét đẹp của địa phương.
4. Cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch
- Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu và kinh nghiệm trong kinh doanh du lịch là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch.
- Tập trung phát triển các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, hộ gia đình làm du lịch, tăng cường tính kết nối trong chuỗi giá trị du lịch. Khuyến khích các mô hình kinh doanh khởi nghiệp về du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch văn hóa, nông nghiệp.
- Xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, hệ thống doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, có năng lực cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
5. Cơ cấu lại nguồn lực phát triển du lịch
- Về nguồn lực đầu tư:
+ Khuyến khích các hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư cho phát triển hạ tầng du lịch.
+ Ưu tiên vốn đầu tư từ ngân sách để đầu tư cho các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh đã được quy hoạch và sẽ triển khai lập quy hoạch như: Công viên vui chơi giải trí Liêng Nung, Khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung, Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng, Công viên địa chất Đắk Nông; đồng thời tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch, xúc tiến quảng bá thương hiệu, ứng dụng công nghệ thông tin và hỗ trợ đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng.
+ Huy động nguồn xã hội hóa - nguồn lực chủ yếu trong việc đầu tư phát triển hệ thống sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch, xúc tiến quảng bá quy hoạch, bảo tồn, khai thác và phát triển tài nguyên; phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch chất lượng cao; phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh doanh; xúc tiến, quảng bá du lịch.
+ Huy động hiệu quả nguồn lực, tăng cường vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch.
- Về nguồn lực tài nguyên: Khai thác hiệu quả các nguồn lực tài nguyên tự nhiên và nhân văn tại các địa phương, trong đó chú trọng tài nguyên du lịch gắn với các thác, hồ có cảnh quan đẹp, văn hóa lễ hội và Công viên địa chất Đắk Nông.
- Về nguồn lực khoa học công nghệ: Tăng cường việc phát huy và vận dụng các sản phẩm đề tài khoa học công nghệ liên quan đến du lịch đã được nghiệm thu, đồng thời áp dụng có hiệu quả các ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến, quản lý doanh nghiệp.
- Về phát huy nguồn lực tổng hợp, liên ngành: Tận dụng các nguồn lực của các đề án, dự án từ các ngành khác có nguồn vốn Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để phát huy hiệu quả các nguồn lực giúp ích cho du lịch phát triển.
6. Sắp xếp, kiện toàn hệ thống quản lý du lịch
- Hình thành hệ thống quản lý các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh mang tính đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả để phát triển du lịch bền vững.
- Tăng cường năng lực quản lý du lịch từ tỉnh đến cơ sở, tập trung vào vai trò, trách nhiệm của địa phương trong quản lý môi trường du lịch, an toàn, an ninh trật tự, nhất là tại các cụm du lịch trọng điểm của tỉnh.
1. Về đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ phát triển du lịch
- Đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội: Tập trung nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa hoàn thiện các tuyến đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và du khách tiếp cận các khu, điểm du lịch của tỉnh, hình thành tuyến du lịch nội vùng và liên tỉnh. Trong đó ưu tiên đầu tư, hoàn thiện các tuyến đường đến các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh và tuyến du lịch vùng Công viên địa chất Đắk Nông.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch: Tập trung vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và địa phương theo hướng ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch trên địa bàn toàn tỉnh; trước mắt ưu tiên đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các cụm du lịch trọng điểm, các trung tâm du lịch, các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như: Công viên vui chơi giải trí Liêng Nung, Khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung, Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng; đầu tư cơ sở hạ tầng Công viên địa chất Đắk Nông.
- Đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ du lịch: Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các khu, điểm du lịch, các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ lữ hành, vận chuyển khách du lịch, trong đó, tập trung hoàn thiện, nâng cấp các dự án đã có nhà đầu tư như Điểm du lịch sinh thái thác Trinh Nữ, Khu du lịch sinh thái cụm thác Đray Sáp - Gia Long, Khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung, Điểm du lịch sinh thái thác Đắk G'Lun. Kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư các dự án du lịch được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 09/2012/NQ-HĐND ngày 31/5/2012. Khuyến khích các dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các cơ sở lưu trú, ẩm thực, vui chơi giải trí có quy mô tương đối lớn, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu lưu trú, ẩm thực, vui chơi giải trí ngày càng cao của du khách, trong đó ưu tiên tập trung tại các trung tâm hành chính của các địa phương (thị xã Gia Nghĩa, thị trấn Đắk Mil, thị trấn Kiến Đức, thị trấn Đức An, thị trấn EaT’Ling, thị trấn Đắk Mâm) và gần các khu, điểm du lịch đang được đầu tư hoặc đã đi vào hoạt động. Huy động các tổ chức, cá nhân tham gia dịch vụ kinh doanh lữ hành du lịch, vận chuyển khách du lịch tại tỉnh, đặc biệt là kinh doanh lữ hành quốc tế. Xã hội hóa, khuyến khích sự tham gia của người dân phát triển hệ thống các dịch vụ du lịch theo các tuyến, điểm du lịch Công viên địa chất Đắk Nông, đặc biệt là tại các điểm đã có sự đầu tư cơ sở hạ tầng bước đầu của nhà nước như các điểm dừng chân, điểm đỗ xe của Công viên địa chất Đắk Nông.
Triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển các sản phẩm du lịch, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (homestay) gắn với Công viên địa chất núi lửa Krông Nô - Đắk Nông (nay đổi tên thành Công viên địa chất Đắk Nông) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1014/QĐ-UBND ngày 02/7/2018 theo hướng hình thành các sản phẩm đặc thù, mang tính cạnh tranh cao. Đầu tư sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch khám phá, vui chơi giải trí. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu, điểm du lịch đã có chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, không ngừng khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án triển khai theo hướng đa dạng hóa, chú trọng đến các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mang tính đặc thù địa phương, trong đó ưu tiên tập trung hoàn thiện các khu, điểm du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch kết hợp tham quan làng nghề, các công trình kinh tế, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 mục III của Kế hoạch này.
3. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch
- Triển khai có hiệu quả các chương trình hợp tác phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia), gắn du lịch Đắk Nông với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, đồng bằng Nam Bộ và duyên hải miền Trung để kết hợp quảng bá xúc tiến du lịch ra các thị trường. Tổ chức các đoàn Farmtrip để các hãng lữ hành, báo chí, các đơn vị kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh có dịp tiếp cận du lịch Đắk Nông xây dựng sản phẩm, liên kết tour, tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại và trở về chiến trường xưa”, 03 tuyến du lịch Công viên địa chất Đắk Nông.
- Thường xuyên xuất bản các ấn phẩm quảng bá du lịch dưới nhiều hình thức như: Cẩm nang du lịch, mạng xã hội, bản đồ, bưu ảnh, tập gấp, poster, bản tin, sách chuyên đề giới thiệu các điểm tham quan. Lắp dựng các panô, các bảng chỉ dẫn tại các tuyến đường chính của tỉnh, huyện, thị xã và các khu, điểm du lịch trọng điểm. Thường xuyên nâng cấp, cập nhật các thông tin du lịch tại các chuyên trang, chuyên mục về du lịch tại các website của tỉnh để du khách, các nhà đầu tư cập nhật những thông tin mới nhất về du lịch Đắk Nông.
- Thường xuyên cung cấp thông tin du lịch cho các tạp chí chuyên ngành, trung tâm xúc tiến du lịch, các cơ quan thông tấn, báo chí, website Trung ương và địa phương để quảng bá du lịch Đắk Nông ra các thị trường.
- Tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch, kinh tế quảng bá tiềm năng, thế mạnh văn hóa du lịch, kinh tế địa phương. Tích cực tham gia các sự kiện, hội chợ, hội thảo về du lịch tại địa phương và các tỉnh trong khu vực, trong đó ưu tiên tham gia các sự kiện du lịch tại các tỉnh đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch.
- Lồng ghép và phối hợp chặt chẽ các hoạt động xúc tiến du lịch của tỉnh với xúc tiến du lịch Công viên địa chất Đắk Nông tại các sự kiện du lịch trong và ngoài nước.
- Tăng cường xúc tiến kêu gọi đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch. Hoàn thiện bộ hồ sơ thông tin một số dự án du lịch trọng điểm để kêu gọi đầu tư.
- Tổ chức các chương trình khảo sát, học tập trao đổi kinh nghiệm xây dựng các mô hình du lịch, hoạt động quản lý nhà nước tại các địa phương có ngành du lịch phát triển cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh, cấp huyện.
4. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức về du lịch
- Triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 324/KH-UBND ngày 27/6/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2018-2022. Sử dụng các nguồn kinh phí ngân sách Trung ương và địa phương, nguồn xã hội hóa để tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và quản lý cho nguồn nhân lực du lịch. Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động tham gia mở các lớp đào tạo về du lịch với các trình độ thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và thường xuyên dưới 3 tháng phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương. Tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và đào tạo viên du lịch; tạo điều kiện để các thành phần trong xã hội có thể tham gia phát triển nhân lực ngành du lịch, đặc biệt là thu hút các doanh nhân, nghệ nhân, lao động nghề bậc cao tham gia đào tạo để hướng đến chuẩn hóa nhân lực nghề du lịch; triển khai thực hiện các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Thúc đẩy hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực du lịch.
- Cử cán bộ, chuyên viên tham gia các lớp tập huấn do các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, do các dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hoặc phát triển vùng, khu vực và ngoài nước tổ chức. Khuyến khích doanh nghiệp tự đào tạo đội ngũ nhân viên, trong đó chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp về kỹ năng giao tiếp, ứng xử phục vụ du khách.
- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch cộng đồng, nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ ứng xử văn minh. Tăng cường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cộng đồng tham gia phục vụ du lịch.
- Đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch
+ Tăng cường trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành, chính quyền địa phương trong hoạt động du lịch; phát triển các mô hình hợp tác công - tư trong quản lý, khai thác các khu, điểm du lịch.
+ Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định về chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông; Quyết định số 1815/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hướng dẫn thực hiện quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông. Thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh, trong đó đẩy mạnh việc đầu tư vào các dự án trọng điểm nhà nước đã lập quy hoạch: Công viên vui chơi giải trí Liêng Nung, Khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung, Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng, Khu du lịch sinh thái văn hóa dọc sông Sêrêpốk; các dự án có tiềm năng phát triển du lịch đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 09/2012/NQ-HĐND ngày 31/5/2012, các khu, điểm di sản trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông, mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa, nông nghiệp công nghệ cao. Lập quy hoạch xây dựng Công viên địa chất Đắk Nông và tham mưu bổ sung Công viên địa chất Đắk Nông vào danh mục các địa điểm có tiềm năng phát triển khu du lịch cấp quốc gia. Đối với các dự án đã có nhà đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các ngành cần tăng cường giám sát, theo dõi tiến độ triển khai dự án, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch, nâng cao chất lượng và hình ảnh của du lịch địa phương.
+ Triển khai thực hiện tốt Quyết định số 19/2018/QĐ-UBND ngày 29/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông để tăng hiệu quả liên kết giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch.
+ Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin du lịch trong quản lý Nhà nước và doanh nghiệp như: Xây dựng hệ thống quản lý, khai báo tạm trú, đặt chỗ và thanh toán, xây dựng hình ảnh quảng bá du lịch qua mạng Internet, thống kê chuyên ngành...
- Tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch
+ Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng và giá trị cao.
+ Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh trong phát triển du lịch.
+ Hỗ trợ hoàn thiện mô hình du lịch cộng đồng, tạo môi trường thuận lợi cho người dân tham gia kinh doanh du lịch.
+ Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại trong kinh doanh du lịch. Theo dõi sự phát triển của các loại hình kinh doanh du lịch dựa trên nền tảng công nghệ để kịp thời có các biện pháp quản lý phù hợp.
+ Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong hoạt động du lịch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng.
6. Về xây dựng môi trường du lịch
- Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức của cộng đồng và toàn hệ thống chính trị để xây dựng phong cách văn minh, lịch sự, hiếu khách, thân thiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông theo Kế hoạch số 292/KH-UBND ngày 18/6/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của phát triển du lịch, đặc biệt tại các khu, điểm du lịch đã được quy hoạch thông qua vận động của chính quyền địa phương, phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong các cuộc họp dân. Thanh tra, kiểm tra và xử lý triệt để các trường hợp xâm hại đến môi trường du lịch, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch để đảm bảo sự phát triển du lịch bền vững tại Đắk Nông.
- Thực hiện tốt Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.
- Sử dụng nguồn kinh phí các Nghị quyết, đề án, kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh và lồng ghép các nguồn kinh phí khác của các Sở, Ban, ngành và địa phương, trong đó:
- Nguồn kinh phí ngân sách Trung ương và địa phương chủ yếu là vốn triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh phí xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực du lịch chung của tỉnh. Tỷ lệ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương được cân đối hằng năm dựa trên từng hạng mục, công trình, từng dự án.
- Vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn huy động khác, chủ yếu là vốn đầu tư các hạng mục dịch vụ và 01 phần đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài đầu tư kinh phí ngân sách hỗ trợ.
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này.
- Tổ chức các sự kiện văn hóa, các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông nhằm quảng bá du lịch, văn hóa của tỉnh.
- Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch tại địa phương; Cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về du lịch do Trung ương hoặc các tỉnh, thành phố tổ chức.
- Tổ chức các đoàn khảo sát, mời các tỉnh bạn đến hợp tác phát triển du lịch tại Đắk Nông; các đoàn học tập, trao đổi kinh nghiệm, tham quan các mô hình du lịch tại các địa phương.
- Phối hợp với các cấp, các ngành quản lý hoạt động kinh doanh tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch, bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch, đảm bảo phát triển bền vững.
- Triển khai có hiệu quả chương trình hợp tác phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia) và các tỉnh trong khu vực.
- Phối hợp với các cấp, các ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện các chức năng quản lý nhà nước khác về du lịch trên địa bàn và sự phân công của cấp trên. Thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Kế hoạch ở các địa phương, đơn vị. Kịp thời tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
2. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức bình chọn, tôn vinh và công nhận các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh (02 năm/lần) bằng nguồn kinh phí khuyến công địa phương nhằm quảng bá, giới thiệu và phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hội chợ triển lãm, quảng bá văn hóa, du lịch kết hợp giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của địa phương đến với du khách và các nhà đầu tư.
3. Sở Giao thông vận tải
Phối hợp tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Trung ương đầu tư hoàn thiện đường cao tốc, quốc lộ 14C, quốc lộ 28; tham mưu đầu tư hoàn thiện hệ thống đường tỉnh lộ.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Hỗ trợ việc bố trí quỹ đất dành cho du lịch, hỗ trợ việc thu hồi, cho thuê đất của các dự án đầu tư du lịch.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra, rà soát các khu, điểm du lịch có nhu cầu sử dụng đất để xem xét cập nhật vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh.
- Thẩm định đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; hỗ trợ, tập huấn các quy định về bảo vệ môi trường cho cán bộ quản lý nhà nước và các đơn vị kinh doanh du lịch.
- Hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, thủ tục pháp lý về đất đai.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường, trong đó có môi trường du lịch; thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường, đất đai.
5. Sở Xây dựng
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận địa điểm các dự án đầu tư xây dựng khu du lịch, điểm du lịch.
- Hướng dẫn lập, thẩm định phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng, các dự án đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng... của khu du lịch, điểm du lịch; lập quy hoạch xây dựng Công viên địa chất Đắk Nông.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xúc tiến kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án du lịch; thẩm định các dự án đầu tư; biên soạn, phát hành các tài liệu quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch Đắk Nông theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, chủ đầu tư các dự án tranh thủ các nguồn vốn Trung ương để đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa.
7. Sở Tài chính
Căn cứ khả năng ngân sách tham mưu phân bổ kinh phí triển khai theo các hoạt động được phê duyệt.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương, các đơn vị đầu tư du lịch, các chủ rừng bảo vệ và giữ gìn các diện tích rừng, độ đa dạng sinh học tại các khu, điểm du lịch đã được quy hoạch và vùng lân cận, tạo điều kiện du lịch phát triển bền vững, hấp dẫn du khách và các nhà đầu tư. Phối hợp xử lý triệt để các trường hợp xâm hại tài nguyên rừng.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan chuyển giao, ứng dụng các công nghệ hiện đại xây dựng các mô hình nông nghiệp chất lượng cao để phát triển kinh tế, phục vụ tham quan du lịch. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp các thông tin về các mô hình nông nghiệp, trang trại để tạo điều kiện cho việc phối hợp cung cấp thông tin cho các hãng lữ hành tổ chức, kết nối các tour du lịch trong và ngoài tỉnh.
9. Sở Thông tin và Truyền thông
Phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin tại các địa phương có các khu, điểm du lịch trọng điểm phục vụ khách du lịch.
10. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có mở các lớp tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh. Mở chuyên ngành đào tạo nghề du lịch tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để bồi dưỡng, bổ sung nhân lực du lịch địa phương.
11. Công an tỉnh
Chủ trì, phối hợp thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Điều 7 của Quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 19/2018/QĐ-UBND ngày 29/8/2018 và Điều 7, Điều 8, Điều 9 của Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BVHTTDL-BCA ngày 04/5/2016 của liên Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, về việc hướng dẫn phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch.
12. Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch xây dựng và phát triển Công viên địa chất Đắk Nông trở thành Công viên địa chất toàn cầu.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các Sở, Ban, ngành liên quan phát huy 44 điểm theo 3 tuyến đã hình thành của Công viên địa chất Đắk Nông và kết nối với các điểm lân cận tạo sự đa dạng phục vụ nhu cầu tham quan của du khách đến với Công viên địa chất Đắk Nông nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung.
13. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Nông, Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Nông
Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tăng cường các tin, bài tuyên truyền về các chủ trương phát triển du lịch của tỉnh, các sự kiện, chương trình, đề án... du lịch của tỉnh; các hoạt động tuyên truyền quảng bá tiềm năng phát triển du lịch của địa phương; phản ánh kịp thời thuận lợi, những việc làm tốt, cách làm hay, đồng thời phê phán những nội dung còn hạn chế trong quá trình thực hiện công tác phát triển du lịch của tỉnh.
14. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã
- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn. Quan tâm đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đến các khu vực đã được quy hoạch phát triển du lịch, đặc biệt tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, các trung tâm du lịch của tỉnh và các khu, điểm di sản của Công viên địa chất Đắk Nông.
- Tăng cường, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch, phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương; bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa dân gian tại địa phương phục vụ phát triển du lịch.
- Hỗ trợ trong công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư; xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm cho các danh mục công trình phát triển du lịch để làm cơ sở cho việc thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất.
- Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông: Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông và các Sở, Ban, ngành liên quan phát huy các điểm đã hình và kết nối với các điểm lân cận tạo sự đa dạng phục vụ nhu cầu tham quan của du khách đến với địa phương nói riêng và Công viên địa chất Đắk Nông nói chung. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị liên quan theo dõi tiến độ triển khai các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của địa phương.
- Ủy ban nhân dân thị xã Gia Nghĩa: Chủ trì đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư dự án Công viên vui chơi giải trí Liêng Nung. Phối hợp theo dõi, nắm bắt thông tin đầu tư, kêu gọi đầu tư các dự án: Điểm du lịch sinh thái thác Cột Đá, Điểm du lịch sinh thái thác Cô Tiên, Khu du lịch sinh thái hồ thủy điện Đắk R’Tih. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Bon văn hóa điển hình kết hợp với các mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại xã Đắk Nia; Bon Bu Kon, phường Nghĩa Tân; Bon Đắk R’Moan, xã Đắk R’Moan, di tích lịch sử cấp quốc gia Địa điểm bắt liên lạc khai thông hành lang chiến lược Bắc - Nam đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ thuộc địa bàn thị xã Gia Nghĩa đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch. Chủ động xây dựng sản phẩm du lịch tại địa phương.
- Ủy ban nhân dân huyện Đắk Mil: Phối hợp với các đơn vị liên quan kêu gọi đầu tư dự án Điểm du lịch sinh thái Hồ Tây. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các đơn vị liên quan tôn tạo Di tích lịch sử Đồi 722 (xã Đắk Sắk). Chủ động xây dựng sản phẩm du lịch tại địa phương.
- Ủy ban nhân dân huyện Cư Jút: Phối hợp với các đơn vị liên quan kêu gọi đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái dọc sông Sêrêpôk. Phối hợp với các Sở, ngành đơn vị liên quan đưa vào khai thác dự án Điểm du lịch sinh thái Hồ Trúc, Điểm du lịch sinh thái thác Trinh Nữ; phục dựng Buôn Buôr, Buôn Nui trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Chủ động xây dựng sản phẩm du lịch tại địa phương.
- Ủy ban nhân dân huyện Krông Nô: Phối hợp với các các đơn vị liên quan kêu gọi đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn: Dự án thủy điện Buôn Tua Srah, điểm du lịch sinh thái hồ Ea Snô. Kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư dự án quy hoạch khu du lịch hệ thống hang động vùng Krông Nô. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan quản lý tốt hoạt động kinh doanh du lịch tại khu du lịch sinh thái cụm thác Đray Sáp - Gia Long. Chủ động xây dựng sản phẩm du lịch tại địa phương.
- Ủy ban nhân dân huyện Đắk Song: Phối hợp với các các đơn vị liên quan kêu gọi đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn: Dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung, điểm du lịch sinh thái suối khoáng Đắk Mol, làng văn hóa đồng bào M’Nông tại bon Bu Prâng. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan quản lý tốt hoạt động kinh doanh du lịch tại điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly, Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên. Chủ động xây dựng sản phẩm du lịch tại địa phương.
- Ủy ban nhân dân huyện Đắk R’Lấp: Phối hợp với các đơn vị liên quan kêu gọi đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn: Dự án khu du lịch sinh thái hồ thủy điện Đắk R’Tih, thác 5 tầng. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Bon Pinao, xã Nhân Đạo trở thành bon văn hóa du lịch. Chủ động xây dựng sản phẩm du lịch tại địa phương.
- Ủy ban nhân dân huyện Tuy Đức: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan quản lý tốt hoạt động kinh doanh du lịch tại Điểm du lịch sinh thái Đắk G’Lun. Kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư: Điểm du lịch sinh thái thác Đắk Buk So, điểm du lịch sinh thái hồ Doãn Văn. Chủ động xây dựng sản phẩm du lịch tại địa phương.
- Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong: Phối hợp với các đơn vị liên quan kêu gọi đầu tư các dự án khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng; phối hợp, hướng dẫn, quản lý các tổ chức cá nhân kinh doanh du lịch tại địa phương.
VII. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO
Trước ngày 15/12 hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu, các Sở, Ban, ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã gửi báo cáo kết quả thực hiện về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Kế hoạch 385/KH-UBND năm 2019 thực hiện Quyết định 1685/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025
Số hiệu: | 385/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tỉnh Đắk Nông |
Người ký: | Tôn Thị Ngọc Hạnh |
Ngày ban hành: | 17/07/2019 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 385/KH-UBND năm 2019 thực hiện Quyết định 1685/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025
Chưa có Video