ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 368/KH-UBND |
Bắc Kạn, ngày 31 tháng 10 năm 2016 |
XÂY DỰNG, NHÂN RỘNG MÔ HÌNH, GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Trong những năm qua, công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, gương điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã được quan tâm đúng mức và đạt kết quả tốt. Nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua yêu nước và phong trào “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được biểu dương, nhân rộng và được giới thiệu qua các phương tiện thông tin, truyền thông. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, gương điển hình tiên tiến trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:
1. Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, địa phương về vị trí, vai trò, ý nghĩa, hiệu quả thiết thực của việc xây dựng, nhân rộng mô hình, gương điển hình tiên tiên tiến (sau đây gọi chung là điển hình tiên tiến) trong các phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện đạt hiệu quả thiết thực; chủ động phát hiện, xây dựng, lựa chọn những điển hình tiêu biểu để tuyên dương, động viên, khen thưởng kịp thời; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến những sáng kiến, kinh nghiệm, mô hình mới, cách làm hay…để góp phần nhân rộng điển hình tiên tiến. Xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các phong trào thi đua.
a) Trong quá trình tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, kịp thời phát hiện, lựa chọn những mô hình, gương điển hình tiên tiến là những tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong lao động sản xuất, học tập, công tác và chiến đấu; là nhân tố tích cực, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương mẫu chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
b) Trong quá trình xây dựng điển hình tiên tiến, các đơn vị, địa phương cần quan tâm giúp các điển hình xác định đúng đắn động cơ phấn đấu, nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, sản xuất, kinh doanh, tạo các điều kiện cụ thể về tinh thần, vật chất, cơ chế chính sách và môi trường thuận lợi để các điển hình phát huy vai trò của mình.
c) Quan tâm việc đánh giá tác dụng, hiệu quả, xác định khả năng phát triển của từng mô hình, ảnh hưởng của các điển hình trong mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có điển hình tiên tiến là người trực tiếp lao động sản xuất được tặng các hình thức khen thưởng cấp nhà nước.
d) Thực hiện sơ kết, đánh giá kết quả của các mô hình, điển hình tiên tiến hàng năm hoặc giữa giai đoạn, để kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo xây dựng, đồng thời lựa chọn những mô hình, gương điển hình thật sự xuất sắc tiêu biểu, có sức lan tỏa rộng giới thiệu, biểu dương trên các phương tiện thông tin, truyền thông.
đ) Các địa phương quan tâm tổ chức tham quan mô hình kinh tế hoạt động hiệu quả để trao đổi học tập kinh nghiệm, phương pháp, cách làm hay của các điển hình tiên tiến tiêu biểu.
2. Tiêu chí mô hình, gương điển hình tiên tiến
a) Tiêu chí chung: Mô hình, gương điển hình tiên tiến là những tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong lao động sản xuất, học tập và công tác; có nhiều cách làm hay, đạt hiệu quả cao; là nhân tố nổi trội, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương mẫu chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ các đối tượng khác cùng phát triển; tích cực tham gia các cuộc vận động, các hoạt động nhân đạo, từ thiện do tỉnh, địa phương, đơn vị phát động, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
b) Một số tiêu chí điển hình tiên tiến cụ thể trong các lĩnh vực:
- Điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới”: Các xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới hoặc các xã, thôn, bản có nhiều nỗ lực, có phương pháp, cách làm hay phù hợp với điều kiện thực tế để tổ chức thực hiện các tiêu chí nông thôn mới; tổ chức được các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới với nội dung thiết thực, góp phần hoàn thành từng tiêu chí; hộ gia đình, cá nhân có nhiều đóng góp trong tuyên truyền, vận động, tham gia hiến đất, đóng góp tiền của vật chất, ngày công lao động… để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
- Mô hình điển hình về phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo bền vững: Những gia đình tích cực lao động, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất đạt hiệu quả cao; đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường; thu nhập hàng năm của gia đình cao hơn so với các hộ gia đình tại địa phương và giúp hộ gia đình khác thoát nghèo; hàng năm gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; tích cực tham gia các hoạt động xã hội; chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
- Mô hình, gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh: Những doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động sản xuất kinh doanh; có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao; các chỉ tiêu về doanh thu, nộp ngân sách nhà nước, lợi nhuận hằng năm tăng trưởng; thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế và chính sách đối với người lao động; đạt tiêu chuẩn an toàn lao động, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do tỉnh, địa phương tổ chức phát động; tích cực tham gia, đóng góp cho công tác xã hội, từ thiện.
- Mô hình, gương điển hình về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư: Thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới; giữ gìn an ninh trật tự; không có người mắc các tệ nạn xã hội; duy trì tốt các thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa tốt đẹp trong nhân dân; thực hiện có hiệu quả các quy định trong việc cưới, việc tang; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày được nâng lên rõ rệt, tạo được bầu không khí đoàn kết, dân chủ thực sự trong cộng đồng.
- Mô hình, gương điển hình trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo: Các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong quản lý, giảng dạy, học tập góp phần làm cho chất lượng giáo dục và đào tạo không ngừng được nâng lên; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý có năng lực, tận tâm với nghề, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của xã hội và yêu cầu của công cuộc CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; trường học thực sự là trường học thân thiện, học sinh tích cực, sáng tạo trong học tập, giành nhiều giải cao trong các kỳ thi quốc gia, khu vực; tập thể đoàn kết, duy trì thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua.
- Mô hình, gương điển hình trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân: Các tập thể, cá nhân thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu quốc gia về lĩnh vực y tế; tích cực nghiên cứu khoa học, ứng dụng những thành tựu kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; có phương pháp, giải pháp mới, sáng tạo nâng cao hiệu quả công tác; tích cực hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua của ngành và địa phương, đặc biệt là y đức của người thầy thuốc.
- Mô hình, gương điển hình trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh: Các tập thể, cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang, lực lượng dân quân tự vệ, công an xã có nhiều phương pháp, giải pháp mới, sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong thực hiện phong trào thi đua Quyết thắng, phong trào Vì an ninh Tổ quốc, luôn sẵn sàng chiến đấu cao, chủ động trong mọi tình huống, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, không để xảy ra các “điểm nóng” phức tạp trên địa bàn.
- Mô hình, gương điển hình trong thực hiện cải cách hành chính: Các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác cải cách hành chính, có sáng kiến, giải pháp, mô hình mới nâng cao hiệu quả công tác, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; đối với tập thể cơ quan hành chính các cấp, hàng năm có kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính đạt từ loại tốt trở lên.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ nội dung các phong trào thi đua và nhiệm vụ được giao, xây dựng các tiêu chí cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn để làm cơ sở cho việc xây dựng điển hình trong những năm tới.
a) Xây dựng kế hoạch phát hiện, lựa chọn, đăng ký mô hình, gương điển hình tiên tiến.
Trong năm 2016, các đơn vị, địa phương ban hành kế hoạch xây dựng điển hình tiên tiến cho cả giai đoạn và có dự kiến công việc từng năm. Trong công tác chỉ đạo phải quan tâm thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân điển hình tiên tiến và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình tổ chức phong trào thi đua. Trong kế hoạch cần xác định cụ thể chỉ tiêu xây dựng điển hình tiên tiến của đơn vị, địa phương (những điển hình đã được xây dựng trước đây nay vẫn được duy trì, phát huy; những điển hình mới được phát hiện cần được bồi dưỡng, nhân rộng).
b) Công tác bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến.
Hàng năm, các địa phương, đơn vị khi tổ chức tổng kết công tác thi đua, khen thưởng phải có nội dung đánh giá kết quả xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Đồng thời, luôn chủ động phát hiện những điển hình tiên tiến tiêu biểu toàn diện hoặc trên từng mặt, từng lĩnh vực công tác, gương người tốt, việc tốt để nêu gương, biểu dương, khen thưởng. Căn cứ tình hình thực tế, các cấp chính quyền phối hợp với các đoàn thể cùng cấp tổ chức hội nghị giao lưu giữa các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh nhằm trao đổi, phổ biến những kinh nghiệm, những sáng kiến, những cách làm hoặc mô hình kinh tế mới hiệu quả để nhân rộng tại địa phương.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị lập và gửi danh sách những điển hình tiên tiến tiêu biểu (toàn diện hoặc trên từng mặt, từng lĩnh vực công tác), gương người tốt, việc tốt (kèm tóm tắt thành tích) về Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh để giới thiệu, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông của tỉnh và trung ương, cụ thể như sau:
- Số lượng:
+ Các huyện, thành phố: ít nhất 04 điển hình/đơn vị/năm;
+ Các ngành Giáo dục và đào tạo, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn: ít nhất 02 điển hình/ngành/năm;
+ Các tổ chức, cơ quan, đơn vị còn lại: ít nhất 01 điển hình/tổ chức, đơn vị/năm.
- Thời gian gửi danh sách: 02 lần/năm (cuối tháng 5, cuối tháng 11 hàng năm).
c) Sơ kết công tác xây dựng điển hình tiên tiến
Các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức sơ kết công tác xây dựng điển hình tiên tiến trong quý I năm 2018; Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến cấp tỉnh tổ chức trong quý II năm 2018, nhân dịp chào mừng 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi thi đua ái quốc, để đánh giá rút kinh nghiệm cho việc thực hiện trong những năm còn lại.
d) Tổng kết công tác xây dựng điển hình tiên tiến
Quý II năm 2020, tiến hành tổng kết 5 năm công tác xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến ở cơ sở và lựa chọn những điển hình tiên tiến tiêu biểu để biểu dương, khen thưởng tại Hội nghị điển hình tiên tiến tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Sau hội nghị tiến hành giới thiệu những điển hình tiêu biểu xuất sắc về Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh để phục vụ cho việc lựa chọn đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Bắc Kạn lần thứ V.
1. Giao Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng, cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh) theo dõi, đôn đốc các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai, tổ chức thực hiện; chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh các biện pháp chỉ đạo thực hiện kế hoạch; phối hợp tổ chức các hội nghị giao lưu trao đổi kinh nghiệm, tham quan học tập các mô hình điển hình để nhân rộng trên địa bàn tỉnh; Báo cáo kết quả, đề xuất việc biểu dương, khen thưởng đối với các mô hình, điển hình tiên tiến.
2. Các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố; các tổ chức kinh tế tham gia các khối thi đua của tỉnh, căn cứ kế hoạch này xây dựng kế hoạch (chương trình) cụ thể, phù hợp thực tiễn và tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương, đơn vị mình.
3. Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận chỉ đạo các tổ chức trực thuộc phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong việc tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên tham gia các phong trào thi đua, phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến thuộc tổ chức mình.
4. Các cơ quan thông tin truyền thông mở chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền, giới thiệu gương người tốt việc tốt; phổ biến kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả của các mô hình, gương điển hình tiên tiến.
5. Các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh có trách nhiệm theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện công tác này tại khối thi đua được giao phụ trách.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các nội dung trên, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện (một nội dung trong Báo cáo tổng kết công tác thi đua, khen thưởng)./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Kế hoạch 368/KH-UBND năm 2016 xây dựng, nhân rộng mô hình, gương điển hình tiên tiến trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn
Số hiệu: | 368/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bắc Kạn |
Người ký: | Lý Thái Hải |
Ngày ban hành: | 31/10/2016 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 368/KH-UBND năm 2016 xây dựng, nhân rộng mô hình, gương điển hình tiên tiến trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn
Chưa có Video