ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 335/KH-UBND |
Hà Tĩnh, ngày 03 tháng 09 năm 2013 |
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRỢ GIÚP NGƯỜI KHUYẾT TẬT GIAI ĐOẠN 2013 – 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT GIAI ĐOẠN 2006 - 2012
I. Tình hình người khuyết tật trên địa bàn tỉnh
Theo số liệu điều Ira, số người khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh có 67.733 người, chiếm 5,21% dân số, (trong đó: Nguyên nhân do chiến tranh 40.707 người, chiếm 60%; do bẩm sinh và các nguyên nhân khác 27.026 người, chiếm 40%). Người khuyết tật thuộc hộ gia đình nghèo 17.013 người, chiếm 25,1%.
II. Kết quả thực hiện trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2006 - 2012
1. Công tác chỉ đạo
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương về chính sách trợ giúp đối với người khuyết tật; UBND tỉnh đã ban hành các văn bản: Quyết định số 52/2007/QĐ-UBND ngày 28/12/2007 về việc phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn Hà Tĩnh; Quyết định số 03/2008/QĐ-UBND ngày 11/01/2008 về việc quy định chế độ trợ cấp, trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND ngày 19/4/2010, Quyết định số 16/2011/QĐ-UBND ngày 01/7/2011 quy định đối tượng và mức trợ cấp thường xuyên, trợ cấp đột xuất cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định số 39/2007/QĐ-UBND ngày 04/10/2007 ban hành quy định lập, sử dụng và quản lý Quỹ việc làm cho người tàn tật trên địa bàn Hà Tĩnh. Đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp đối với người khuyết tật.
2. Kết quả thực hiện
2.1. Thực hiện chính sách trợ cấp, trợ giúp
- Toàn tỉnh có 32.574 người khuyết tật là thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học DIOXIN đang hưởng chính sách ưu đãi người có công; 19.237 người khuyết tật đang hưởng trợ cấp thường xuyên hàng tháng do xã, phường, thị trấn quản lý; 5.735 người khuyết tật đang hưởng chính sách trợ cấp bảo hiểm xã hội;
- Hàng năm các tổ chức đoàn thể và các tổ chức xã hội như: Quỹ bảo trợ trẻ em, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Người mù, Hội Chữ thập đỏ đã huy động, quyên góp, ủng hộ, trợ giúp cho người khuyết tật hàng ngàn suất quà nhân các ngày lễ, tết... cung cấp hàng trăm thiết bị hỗ trợ sinh hoạt như xe lăn, xe lắc, gậy, nạng, máy trợ thính,...
2.2 Công tác chăm sóc sức khỏe
- 100% số người khuyết tật đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh miễn phí;
- 100% trẻ em khuyết tật được tiêm chủng mở rộng hàng năm; hàng ngàn trẻ em khuyết tật được khám sàng lọc và chữa các bệnh như: tim, xơ hóa cơ Delta, phẫu thuật môi hở hàm ếch., .theo các chương trình của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với ngành Y tế;
- Hệ thống y tế các cấp luôn quan tâm đến việc điều trị, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật sống tại cộng đồng;
2.3. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ ưu đãi giáo dục, đào tạo cho người khuyết tật
- Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở đạo tạo nghề, giới thiệu việc làm đã quan tâm, chỉ đạo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho ngươi khuyết tật, đầu tư một số cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học cho người khuyết tật, Đã có hàng trăm người khuyết tật được đào tạo nghề và giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định;
- Ngành Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm, tạo điều kiện và giúp đỡ cho người khuyết tật được học văn hóa trong hệ thống giáo dục đào tạo; thực hiện các chế độ chính sách ưu đãi trang giáo dục cho người khuyết tật tham gia các chương trình học nghề, học trung học, cao đẳng, đại học,..
2.4. Về văn hóa, thể dục, thể thao: Các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí của người khuyết tật ngày càng được quan tâm, nhiều cuộc thi đấu thể thao được tổ chức để người khuyết tật được tham gia hoạt động góp phần tăng cường sức khỏe, cải thiện đời sống tinh thần, xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng. Nhiều người khuyết tật của tỉnh tham gia thi đấu tại các kỳ đại hội thể dục, thể thao tổ chức trong và ngoài nước.
2.5. Tiếp cận và sử dụng các công trình công cộng: Hầu hết các công trình hạ tầng cơ sở chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật nhất là việc tiếp cận các công trình giao thông, bệnh viện, trường học và ngay cả các cơ quan hành chính nhà nước.
2.6. Về tiếp cận dịch vụ viễn thông: Hàng năm có khoảng trên 15,000 người khuyết tật (chiếm 22%) được tiếp cận sử dụng dịch vụ thông tin, viễn thông như báo, đài phát thanh, truyền hình, điện thoại và dịch vụ Internet,...
- Công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đối với người khuyết tật chưa thường xuyên sâu rộng, nên nhận thức, trách nhiệm của một số ngành, địa phương, nhất là ở cơ sở chưa đầy đủ, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm đối với người khuyết tật, gia đình có người khuyết tật;
- Chưa có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế và các ngành chức năng liên quan về công tác trợ giúp chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người khuyết tật;
- Thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn rủi ro xảy ra thường xuyên và hậu quả của chiến tranh để lại cho nên số người khuyết tật có chiều hướng tăng;
- Mạng lưới đào tạo nghề cho người khuyết tật chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật;
- Nguồn kinh phí dành cho an sinh xã hội, bảo đảm xã hội còn hạn hẹp, do đó một số người khuyết tật có nguyện vọng được học nghề, phục hồi chức năng, trang cấp phương tiện, thiết bị,...nhưng chưa đáp ứng được theo nhu cầu;
- Hệ thống các văn bản chưa thật sự đồng bộ, tính khả thi của một số chính sách chưa cao, công tác kiểm tra, giám sát đánh giá chưa thường xuyên; nguồn lực về tài chính và nhân lực cũng chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống cho người khuyết tật,
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRỢ GIÚP NGƯỜI KHUYẾT TẬT GIAI ĐOẠN 2013-2020
Luật Người khuyết tật số 51/210/QH12 ngày 17/6/2010; Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật; Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020; Thông tư liên tịch số 48/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 26/4/2013 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - TBXH quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020; Công văn số 2722/LĐTBXH - BTXH ngày 08/8/2012 của Bộ Lao động - TBXH về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 1019/QĐ-TTg.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2011- 2020.
Nhu cầu về trợ giúp, chăm sóc của người khuyết tật và gia đình đối tượng trên địa bàn tỉnh,
II. Phạm vi, đối tượng, thời gian thực hiện
1. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Đối tượng: Người khuyết tật quy định tại Luật Người khuyết tật.
3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2013-2020 (8 năm).
Chia thành 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn: 2013-2015;
+ Giai đoạn: 2016-2020.
1 .Mục tiêu chung
Hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, tạo điều kiện cho người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2013 -2015:
- Hàng năm 70% người khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được khám sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật, khoảng 800 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dịch vụ trợ giúp phù hợp;
- 60% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục;
- 2.000 người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp;
- 30% công trình như trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư đảm bảo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận được;
- 30% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương;
- 30% người khuyết tật được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông;
- 20% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật; 25% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động và luyện tập thể dục, thể thao;
- 90% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý miễn phí khi có nhu cầu;
- 60% cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật được tập huấn nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc hỗ trợ người khuyết tật; 40% gia đình có người khuyết tật được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho người khuyết tật; 30% người khuyết tật được tập huấn các kỹ năng sống.
b) Giai đoạn 2016-2020:
- Hàng năm 90% người khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được khám sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật, khoảng 1.200 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dịch vụ trợ giúp phù hợp;
- 70% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục;
- 4.500 người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp;
- 100% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư đảm bảo điều kiện để người khuyết tật tiếp cận dễ dàng;
- 80% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương.
Trong đó chia thành 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn 2015-2017: 60% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương;
+ Giai đoạn 2018 - 2020: 80% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương;
- 50% người khuyết tật được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông;
- 30% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật; 40% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động và luyện tập thể dục, thể thao;
- 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu;
- 80% cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc hỗ trợ người khuyết tật; 60% gia đình có người khuyết tật được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho người khuyết tật; 50% người khuyết tật được tập huấn các kỹ năng sống,
1. Phát hiện, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật
a) Nội dung hoạt động:
- Thực hiện các dịch vụ phát hiện sớm những khiếm khuyết ở trẻ trước khi sinh và trẻ sơ sinh; tuyên truyền, tư vấn và cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản;
- Triển khai chương trình can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình phẫu thuật đục thủy tinh thể, cung cấp dịch vụ trợ giúp người khuyết tật, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở;
- Triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng;
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị phục hồi chức năng cho các cơ sở phục hồi chức năng; tham gia tư vấn với các cơ sở sản xuất, cung cấp dịch vụ cho người khuyết tật trong việc sử dụng các dụng cụ trợ giúp phù hợp với các tiêu chuẩn quy định;
- Vận động các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
b) Cơ quan thực hiện: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã.
c) Kinh phí thực hiện: 500 triệu đồng/năm (trong đó: Ngân sách địa phương 100 triệu đồng; nguồn vận động 200 triệu đồng; vốn lồng ghép 200 triệu đồng).
2. Trợ giúp tiếp cận giáo dục
a) Nội dung hoạt động:
- Tổ chức triển khai giáo dục hòa nhập ở các cấp học phù hợp với khả năng nhận biết của người khuyết tật, huy động tối đa số trẻ trong độ tuổi vào học hòa nhập ở các trường phổ thông, quan tâm tạo điều kiện để trẻ học hòa nhập đạt hiệu quả cao; đồng thời bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý tham gia giáo dục trẻ khuyết tật; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trực tiếp dạy trẻ khuyết tật trí tuệ, khuyết tật nghe, nói, khuyết tật nhìn, khuyết tật ngôn ngữ, tự kỷ,...Hỗ trợ cung ứng tài liệu thiết bị giảng dạy cho giáo viên và học sinh là người khuyết tật;
- Triển khai thực hiện tốt các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cho vay tiền đối với sinh viên, học sinh là người khuyết tật theo quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP và Quyết định số 257/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quy định hiện hành.
b) Cơ quan thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã.
c) Kinh phí thực hiện: 300 triệu đồng/ năm (trong đó: Ngân sách địa phương 100 triệu đồng; nguồn vận động 200 triệu đồng).
3. Dạy nghề, tạo việc làm
a) Nội dung hoạt động:
- Tư vấn học nghề, việc làm theo khả năng của người khuyết tật;
- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề và tư vấn việc làm cho người khuyết tật;
- Xây dựng và nhân rộng mô hình dạy, học nghề gắn với tạo việc làm cho người khuyết tật;
- Dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho người khuyết tật theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về dạy nghề và việc làm.
b) Cơ quan thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các trung tâm và cơ sở dạy nghề.
c) Kinh phí thực hiện: 2.000 triệu đồng/năm (trong đó: Ngân sách địa phương 200 triệu đồng; nguồn vận động 300 triệu đồng; vốn lồng ghép 1.500 triệu đồng).
4. Trợ giúp tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng
a) Nội dung hoạt động:
Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng các công trình để người khuyết tật tiếp cận thuận lợi.
b) Cơ quan thực hiện: Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã.
c) Kinh phí thực hiện: 400 triệu đồng/năm (trong đó: Ngân sách địa phương 100 triệu đồng; nguồn vận động 100 triệu đồng; vốn lồng ghép 200 triệu đồng).
5. Trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông
a) Nội dung hoạt động:
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về giao thông để người khuyết tật có thể tiếp cận và sử dụng;
- Xây dựng các tuyến mẫu và nhân rộng các xe vận tải hành khách công cộng để người khuyết tật sử dụng phương tiện giao thông;
- Tập huấn cho lái xe phục vụ hành khách là người khuyết tật sử dụng phương tiện giao thông theo quy định
b) Cơ quan thực hiện: Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã.
c) Kinh phí thực hiện: 300 triệu đồng/năm (trong đó; Ngân sách địa phương 100 triệu đồng; nguồn vận động 100 triệu đồng; vốn lồng ghép 100 triệu đồng).
6. Trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông
a) Nội dung hoạt động:
- Đẩy mạnh phát triển mạng lưới thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh, nhất là hệ thống thông tin công cộng để mọi người khuyết tật có thể tiếp cận được một cách thuận tiện và nhanh nhất;
- Duy trì, phát triển, nâng cấp các cổng/trang tin điện tử hỗ trợ người khuyết tật.
b) Cơ quan thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã.
c) Kinh phí thực hiện: 200 triệu đồng/năm (trong đó; Ngân sách Trung ương 100 triệu đồng; ngân sách địa phương 100 triệu đồng).
7. Trợ giúp pháp lý
a) Nội dung hoạt động:
- Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thông qua các hoạt động thích hợp;
- Tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ những người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật
b) Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã.
c) Kinh phí thực hiện: 100 triệu đồng/năm (trong đó: Ngân sách Trung ương 50 triệu đồng; ngân sách địa phương 50 triệu đồng).
8. Hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch
a) Nội dung hoạt động:
- Khuyến khích người khuyết tật phát huy khả năng vốn có của mình như ca hát, thể thao, hội họa…;
- Tổ chức liên hoan văn hóa, văn nghệ cho người khuyết tật;
- Hỗ trợ, tạo điều kiện để người khuyết tật được tham gia thi đấu thể thao trong nước và nước ngoài;
- Hàng năm tổ chức gặp mặt biểu dương người khuyết tật tiêu biểu có thành tích trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao.
b) Cơ quan thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Lao đông - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã.
c) Kinh phí thực hiện: 200 triệu đồng/năm (trong đó: Ngân sách địa phương 100 triệu đồng; nguồn vận động 100 triệu đồng).
9. Hỗ trợ người khuyết tật trong việc tiếp cận, thực hiện chính sách và an sinh xã hội
a) Nội dung hoạt động:
- Triển khai thực hiện trợ cấp xã hội cho người khuyết tật theo quy định tại Nghị định số 28/2012/NĐ- CP của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện Luật Người khuyết tật và các văn bản liên quan khác cho tất cả các đối tượng khuyết tật nặng và đặc biệt nặng;
- Quan tâm hỗ trợ, trợ cấp đột xuất đối với những trường hợp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổ chức tặng quà, thăm hỏi động viên người khuyết tật trong những dịp tết, ngày lễ, ngày Quốc tế người khuyết tật 03/12 và ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4 hàng năm;
- Ngoài những chính sách trên, các địa phương và các tổ chức xã hội như Hội Chữ thập đỏ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi, Hội Người mù,... tích cực vận động, kêu gọi sự quan tâm giúp đỡ của các tập thể, cá nhân trong nước và nước ngoài để tổ chức tặng quà, trao tặng xe lăn, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng; trợ cấp đột xuất cho đối tượng khuyết tật gặp rủi ro, hoạn nạn, khó khăn trong cuộc sống.
b) Cơ quan thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ngành, các hội, đoàn thể, các đơn vị liên quan UBND các huyện, thành phố, thị xã.
c) Kinh phí thực hiện: 500 triệu đồng/năm (trong đó: Ngân sách địa phương 100 triệu đồng; nguồn vận động 400 triệu đồng).
10. Nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc hỗ trợ người khuyết tật và kiểm tra, giám sát
a) Nội dung hoạt động:
- Đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên trợ giúp người khuyết tật;
- Tổ chức tập huấn cho gia đình người khuyết tật về kỹ năng phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khuyết tật; tập huấn các kỹ năng sống cho người khuyết tật;
- Tổ chức điều tra, thiết lập hệ thống dữ liệu về người khuyết tật trên địa bàn tỉnh;
- Kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện các chế độ chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật nói chung và tình hình thực hiện Kế hoạch này;
- Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch,
b) Cơ quan thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã.
c) Kinh phí thực hiện: 500 triệu đồng/năm (trong đó: Ngân sách Trung ương 300 triệu đồng; ngân sách địa phương: 200 triệu đồng).
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Kế hoạch: |
40.000 triệu đồng |
|
Trong đó: |
- Ngân sách Trung ương: |
3.600 triệu đồng; |
|
- Ngân sách địa phương: |
9.200 triệu đồng; |
|
- Nguồn vận động: |
11.200 triệu đồng; |
|
- Vốn lồng ghép: |
16.000 triệu đồng. |
(Có phụ lục kèm theo)
Kinh phí thực hiện kế hoạch được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của tỉnh, trong đó có phân bổ cụ thể cho các Sở, ngành, đơn vị liên quan theo nhiệm vụ được giao. Nguồn vốn phân bổ cho từng năm sẽ được bố trí trên cơ sở kế hoạch ngân sách và khả năng huy động. Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao các đơn vị chức năng lập dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch vào ngân sách chi thường xuyên hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản liên quan đến người khuyết tật cho các cấp, các ngành, đoàn thể, hội và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, đồng cảm, trách nhiệm đối với người khuyết tật.
2. Đẩy mạnh áp dụng khoa học trên các lĩnh vực phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng cho người khuyết tật,
3. Xây dựng Đề án Dạy nghề - tạo việc làm cho người khuyết tật trong tổng thể Chương trình mục tiêu Quốc gia về Dạy nghề - tạo việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.
4. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhân các ngày lễ, tết, ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 và ngày Quốc tế Người khuyết tật 03/12 hàng năm.
5. Xây dựng các mô hình hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận giáo dục, học nghề, tạo việc làm, tiếp cận giao thông, công trình xây dựng, phương tiện thông tin truyền thông và các mô hình sinh kế, mô hình tự lực,
6. Nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội, cán bộ y tế làm công tác trợ giúp, chăm sóc người khuyết tật, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, gia đình người khuyết tật; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật.
7. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp người khuyết tật, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp người khuyết tật.
8. Tranh thủ sự hợp tác của các tổ chức trong và ngoài tỉnh, các tổ chức Quốc tế để nhận sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để trợ giúp cho người khuyết tật.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành và các địa phương tổ chức triển khai kế hoạch. Điều phối các hoạt động trên toàn tỉnh; tổ chức thực hiện việc dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách trợ cấp, trợ giúp cho người khuyết tật; tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật; khảo sát, điều tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp tình hình và định kỳ hàng năm báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện Kế hoạch cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh cân đối, bố trí lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án có liên quan về trợ giúp người khuyết tật.
3. Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh bố trí ngân sách hàng năm cho các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch theo quy định. Đồng thời hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phòng ngừa, điều trị bệnh cho người khuyết tật; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở y tế chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng cho người khuyết tật; tổ chức thực hiện hoạt động phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc phân dạng và mức độ khuyết tật
5. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện hoạt động trợ giúp người khuyết tật tiếp cận với các loại hình giáo dục; tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên công tác quản lý, dạy học, trợ giúp học sinh khuyết tật. Thực hiện miễn, giảm học phí cho đối tượng khuyết tật theo quy định.
6. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thẩm định các công trình xây dựng; trong đó cần chú ý đảm bảo điều kiện cho người khuyết tật có khả năng tiếp cận sử dụng các công trình xây dựng.
7. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện hoạt động trợ giúp người khuyết tật tiếp cận và tham gia giao thông thuận tiện, an toàn nhất.
8. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về công tác chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Đồng thời tạo điều kiện trợ giúp người khuyết tật tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
9. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan phổ biến giáo dục pháp luật về Người khuyết tật; tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.
10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Liên Minh hợp tác xã, Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi, Hội Người mù, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và các tổ chức đoàn thể trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình tích cực tham gia các hoạt động của Kế hoạch; nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục; quản lý, chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật; vận động sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho người khuyết tật.
12. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
Căn cứ Kế hoạch chung của tỉnh và tình hình kinh tế của địa phương để xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị mình. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch đạt mục tiêu đề ra; chủ động bố trí ngân sách, nhân lực, lồng ghép kinh phí các chương trình, các đề án có liên quan trên địa bàn để đảm bảo thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ của Kế hoạch. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, điều chỉnh, bổ sung, đề nghị các đơn vị, địa phương phản ảnh bằng Văn bản về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, xử lý./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRỢ GIÚP NGƯỜI KHUYẾT TẬT GIAI ĐOẠN
2013-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
(Kèm theo Kế hoạch số 335/KH-UBND ngày 03/9/2013 của UBND tỉnh)
TT |
Nội dung |
Đơn vị chủ trì |
Đơn vị phối hợp |
Tổng kinh phí |
Chia ra theo nguồn |
|||
Ngân sách TW |
Ngân sách địa phương |
Các nguồn vận động khác |
Vốn lồng ghép |
|||||
1 |
Hỗ trợ về y tế |
Sở Y tế |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
4.000 |
|
800 |
1.600 |
1.600 |
2 |
Hỗ trợ và giáo dục |
Sở GD- ĐT |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
2.400 |
|
800 |
1.600 |
|
3 |
Hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm |
Sở LĐ- TB&XH |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan, các cơ sở đào tạo |
16.000 |
|
1.600 |
2.400 |
12.000 |
4 |
Hỗ trợ tiếp cận công trình xây dựng |
Sở Xây dựng |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
3.200 |
|
800 |
800 |
1.600 |
5 |
Hỗ trợ tiếp cận giao thông |
Sở GTVT |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
2.400 |
|
800 |
800 |
800 |
6 |
Hỗ trợ hoạt động thông tin-tuyên truyền |
Sở TT-TT |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
1.600 |
800 |
800 |
|
|
7 |
Hỗ trợ tiếp cận trợ giúp pháp lý |
Sở Tư Pháp |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
800 |
400 |
400 |
|
- |
8 |
Hỗ trợ hoạt động văn hóa thể thao |
Sở VHTTDL |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
1.600 |
|
800 |
800 |
|
9 |
Hỗ trợ an sinh xã hội |
Sở Lao động TB &XH |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
4.000 |
|
800 |
3.200 |
|
10 |
Nâng cao nhận thức, tổ chức điều tra, rà soát, kiểm tra giám sát, sơ kết tổng kết đánh giá hoạt động đề án. |
Sở Lao động TB&XH |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
4.000 |
2.400 |
1.600 |
|
|
|
Tổng cộng |
|
|
40.000 |
3.600 |
9.200 |
11.200 |
16.000 |
(Bằng chữ: Bốn mươi tỷ đồng)
Kế hoạch 335/KH-UBND năm 2013 thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2013 – 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Số hiệu: | 335/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hà Tĩnh |
Người ký: | Nguyễn Thiện |
Ngày ban hành: | 03/09/2013 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 335/KH-UBND năm 2013 thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2013 – 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Chưa có Video