Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 23 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2024

Căn cứ Quyết định số 3671/QĐ-BNN-KTHT ngày 28/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 350/KH-UBND ngày 19/10/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2030.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng kế hoạch năm 2024 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2023

1. Công tác tổ chức thực hiện

Triển khai thực Quyết định số 3671/QĐ-BNN-KTHT ngày 28/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch số 350/KH-UBND ngày 19/10/2022 về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2030.

Trong năm 2023, nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống của các làng nghề Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 21/3/2023 về thực hiện bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh năm 2023; trong đó, giao các Sở, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội Tỉnh và Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, lồng ghép các chương trình, dự án theo từng lĩnh vực phụ trách nhằm phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; đồng thời, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Kết quả bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề

2.1. Đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu

Tổng số có 03/08 chỉ tiêu đạt, 04/08 chỉ tiêu đạt từ 50% - 95%, 01/08 chỉ tiêu chưa đạt. Cụ thể:

- Tiếp tục bảo tồn 16 làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền[1]: Các địa phương đã ban hành kết hoạch duy trì, bảo tồn, tiếp tục triển thực hiện, trên cơ sở lồng ghép các Chương trình, Dự án theo từng lĩnh vực phụ trách nhằm duy trì hoạt động các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đánh giá: đạt chỉ tiêu.

- Công nhận ít nhất 02 làng nghề, 01 nghề truyền thống[2]: Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã công nhận 01 nghề truyền thống, đạt 100% Kế hoạch; 01 làng nghề theo đề nghị của địa phương, đạt 50% so kế hoạch[3]. Đánh giá: đạt 50% chỉ tiêu.

- Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP: có 03/09 đơn vị huyện có làng nghề được công nhận có sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ làng nghề tham gia dự thi OCOP đạt từ 3 - 4 sao[4]. Luỹ kế hiện có 09/41 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề có sản phẩm OCOP. Đánh giá: đạt 56% so kế hoạch.

- Phát triển 02 làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch[5]: huyện Lai Vung tiếp tục triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu; phát triển làng nghề Hoa giấy gắn với Kế hoạch phát triển du lịch huyện Lai Vung năm 2023, góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương trong những năm qua. Công tác quảng bá hình ảnh 02 làng nghề, làng nghề truyền thống được thực hiện thường xuyên trên Trang thông tin điện tử; đồng thời, gắn kết với các tour du lịch giữa làng hoa Sa Đéc và làng nghề hoa giấy xã Tân Dương. Bên cạnh đó, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu được đưa vào bản đồ số Du lịch Lai Vung tại địa chỉ tên miền: http://laivung.travel. Hiện có 03 cơ sở thủ công mỹ nghệ sản xuất xuồng ghe thu nhỏ làm quà tặng cung cấp cho khách tham quan làng nghề và theo đơn đặt hàng của khách hàng trong và ngoài nước. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có làng nghề truyền thống hoa kiểng, thành phố Sa Đéc đang phát triển du lịch theo tiêu chí Chương trình OCOP[6]. Đánh giá: đạt chỉ tiêu.

- Phấn đấu có ít nhất 03 sản phẩm làng nghề nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ: năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ 03 cơ sở có sản phẩm làng nghề (hoa kiểng, khô, bột) về kinh phí thiết kế nhãn hiệu và tiến hành nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ[7], tuy nhiên các cơ sở này không thuộc làng nghề được công nhận.

- Có 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản theo Kế hoạch số 350/KH-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp: đã tổ chức 35 lớp dạy nghề với 1.037 học viên để đào tạo nhân lực trực tiếp cho các làng nghề Tạo sản phẩm từ lục bình bẹ chuối, Đan thảm lau chân, Sửa kiểng bon sai, theo nhu cầu lao động tại làng nghề. Đánh giá: đạt chỉ tiêu.

- 100% các làng nghề được Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp công nhận đã xây dựng phương án bảo vệ môi trường, đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới: năm 2023 có 38/40 làng nghề, làng nghề truyền thống xây dựng phương án bảo vệ môi trường[8], Đánh giá: đạt 95% so kế hoạch.

- 100% các địa phương có làng nghề được công nhận xây dựng kế hoạch và thực hiện Kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề, đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Đánh giá: đạt 90% so kế hoạch (17/19 xã).

2.2. Hiện trạng hoạt động của các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống

- Làng nghề, làng nghề truyền thống:

+ Toàn tỉnh hiện có 41 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận theo quy định (tăng 01 nghề truyền thống, 01 làng nghề so năm 2022); trong đó, có 01 nghề truyền thống, 22 làng nghề và 18 làng nghề truyền thống với các sản phẩm khá đa dạng tập trung chủ yếu vào 5 nhóm: chế biến và bảo quản nông, lâm thuỷ sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thuỷ tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; có trên 4.623 cơ sở sản xuất kinh doanh trong các nghề, làng nghề, với 14.914 lao động (trong đó 12.285 lao động thường xuyên, chiếm 82,37%).

+ Tổng doanh thu của làng nghề khoảng 91.747,61 tỷ đồng, thu nhập bình quân khoảng 3,43 triệu đồng/lao động/tháng. Nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có thu nhập cao nhất khoảng 8 triệu đồng/lao động/tháng, nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thu nhập thấp nhất khoảng 1,9 triệu đồng/người/tháng. Số nghệ nhân trong làng nghề được công nhận là 33 người hoạt động trong lĩnh vực hoa kiểng. Hiện nay, các địa phương đang tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất việc đăng ký bảo hộ, chứng nhận nhãn hiệu gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại để gắn kết trong chuỗi sản phẩm OCOP.

(Chi tiết Phụ lục I, II kèm theo)

2.3. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ

a) Công tác tuyên truyền, vận động

Công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát triển làng nghề, về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công tác khuyến khích phát triển công nghiệp, sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tiết kiệm; đặc biệt những cách làm hay, những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao thông qua nhiều hình thức trên báo, đài, họp định kỳ, phổ biến chính sách tại cơ sở[9].

b) Công tác truyền nghề, dạy nghề

- Phát triển đội ngũ nhà giáo, thợ dạy nghề, truyền nghề: từ nguồn kinh phí ngân sách Tỉnh hỗ trợ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long mở 02 lớp bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho 77 người với kinh phí 104,4 triệu đồng; đối tượng là người lao động tại doanh nghiệp, các nghệ nhân, thợ lành nghề, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, truyền nghề phục vụ cho việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn Tỉnh. Qua đó, người dạy nghề được đào tạo đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng nhu cầu truyền nghề cho người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, các tổ sản xuất, hợp tác xã, trên địa bàn Tỉnh.

- Kết quả tuyển sinh, đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển làng nghề: các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo được 16.459/15.000 học viên, đạt 109,7% kế hoạch năm. Trong đó có 35 lớp dạy nghề với 1.037 học viên để đào tạo nhân lực trực tiếp cho các làng nghề: Tạo sản phẩm từ lục bình bẹ chuối, Đan thảm lau chân, Sửa kiểng bon sai. Ngoài ra, các trường cao đẳng, trung cấp của tỉnh rất chú trọng đào tạo nhân lực trình độ trung cấp, cao đẳng để phục vụ gián tiếp cho sự phát triển của chương trình như: Quản trị kinh doanh, Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, Kế toán doanh nghiệp.

c) Tình hình đầu tư cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường sản xuất làng nghề

- Có 38/40 làng nghề, làng nghề truyền thống xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định Thông tư số 31/2016/TT-TNMT ngày 14/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; chiếm 95% tổng số làng nghề.

- Phần lớn làng nghề đã thành lập và duy trì các tổ tự quản về môi trường, hoạt động có hiệu quả. Các tổ tự quản này hoạt động theo cơ chế tự nguyện và được hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước; địa phương đã tổ chức vận động các hộ dân đăng ký tờ cam kết về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh không gây ô nhiễm môi trường. Tại các xã trong công tác thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã văn hóa đã xây dựng những uy ước trong đó có các nội dung về bảo vệ môi trường; thông tin về cơ sở, làng nghề gây ô nhiễm môi trường được các ngành chức năng và các địa phương cập nhật thường xuyên và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó hướng dẫn, nhắc nhở cơ sở chú trọng công tác giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường và nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, ngành Tài nguyên và Môi trường thường xuyên tổ chức nhiều lượt thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở trong các làng nghề trên địa bàn tỉnh; thông qua công tác thanh, kiểm tra đã tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến làng nghề và hướng dẫn các hộ sản xuất trong làng nghề thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

d) Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ

- Hỗ trợ 29 đơn vị đầu tư máy móc, thiết bị mới vào sản xuất từ chương trình Khuyến công với tổng kinh phí 4.700 triệu đồng cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn. Trong đó, có 02 hộ kinh doanh thuộc làng nghề truyền thống sản xuất bột Sa Đéc được hỗ trợ với kinh phí 237,050 triệu đồng. Hỗ trợ 17 sản phẩm đạt danh hiệu công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Cấp quốc gia năm 2023.

- Về thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ: tiếp tục triển khai thực hiện 04 nhiệm vụ góp phần phát triển ngành nghề nông thôn và công tác bảo tồn phát triển nghề của tỉnh[10].

đ) Phát triển sản phẩm tiêu biểu gắn với phát triển sản phẩm OCOP, du lịch trong xây dựng nông thôn mới, mẫu mã, nhãn hiệu, bao bì, kiểu dáng sản phẩm

- Tiếp nhận hồ sơ của 65 sản phẩm, bộ sản phẩm (trong đó có 10 sản phẩm từ làng nghề truyền thống bột Sa Đéc) tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Kết quả có 37 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; trong đó có 01 bộ sản phẩm và 03 sản phẩm thuộc làng nghề truyền thống bột Sa Đéc.

- Có 03/09 đơn vị huyện có làng nghề được công nhận có sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ làng nghề tham gia dự thi OCOP đạt từ 3 - 4 sao[11]. Luỹ kế hiện có 09/41 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP.

- Đã tiếp nhận và hỗ trợ cho 43 lượt hồ sơ đề nghị hỗ trợ về thiết kế nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và áp dụng hệ thống quản lý ISO với tổng kinh phí khoảng 497,373 triệu đồng.

e) Công tác đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại

- Công tác đào tạo nguồn nhân lực: lồng ghép, tổ chức các lớp tập huấn và tạo điều kiện để cán bộ, công chức, doanh nghiệp, người dân có điều kiện tham gia nhằm nâng cao năng lực quản lý hoạt động kinh doanh, khởi nghiệp mô hình kinh doanh mới[12].

- Công tác xúc tiến thương mại: các ngành đã hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử, giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất thuộc các làng nghề, làng nghề truyền thống tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm quản bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa sản phẩm của các đơn vị sản xuất trong làng nghề.

Phát động, tuyên truyền cuộc thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện cho các đơn vị cơ sở hoạt động làng nghề, ngành nghề nông thôn tham gia các kỳ Hội chợ trong và ngoài tỉnh, nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm, mở rộng kết nối thị trường tiêu thụ, tạo điều kiện khuyến khích các đơn vị tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh[13]; đặc biệt, tham gia chương trình Hội chợ làng nghề Việt Nam lần thứ 19 trong khuôn khổ Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023, tổ chức trưng bày, trình diễn làng nghề truyền thống dệt chiếu tại sự kiện, thu hút đông đảo khách tham quan, cả du khách nước ngoài.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức học tập kinh nghiệm thực tế về phát triển ngành nghề, bảo tồn làng nghề tại thành phố Hà Nội, tạo cơ hội cho các nghệ nhân, đại diện làng nghề học tập kinh nghiệm phát triển hoạt động, phát triển sản phẩm OCOP cho làng nghề, hợp tác xã (xây dựng vùng nguyên liệu, bao bì, nhãn hiệu, câu chuyện sản phẩm; xúc tiến thương mại; chính sách hỗ trợ;…).

g) Công nhận làng nghề, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân lĩnh vực thủ công mỹ nghệ

- Tổ chức xét công nhận 01 nghề truyền thống (nghề làm nem Lai Vung) của huyện Lai Vung, 01 làng nghề (đan các sản phẩm mỹ nghệ từ lục bình) của huyện Cao Lãnh.

- Trên địa bàn Tỉnh không có đối tượng đủ tiêu chuẩn để đề nghị Bộ Công Thương xét phong tặng danh hiệu theo Điều 5, Điều 6 của Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 của Chính phủ.

h) Thực hiện kế hoạch bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề truyền thống, kết hợp làng nghề truyền thống với du lịch

- Các địa phương đã tổ chức trưng bày sản phẩm, triển lãm hình ảnh, trình diễn thực hành nghề, không gian làng nghề truyền thống phục vụ du khách tham quan, trãi nghiệm tại các điểm du lịch[14].

- Tổ chức kiểm kê các nghề truyền thống đề nghị đưa vào Danh mục kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể của tỉnh; phi vật thể quốc gia: trong năm 2023 có nghề dệt choàng xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự và nghề làm nem Lai Vung, huyện Lai Vung đã được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; ngoài ra tỉnh đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đối với nghề làm bột Sa Đéc[15].

- Thực hiện tổ chức sưu tầm, tư liệu hoá, truyền dạy, trình diễn thực hành di sản văn hoá phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống để phục vụ du khách tìm hiểu, nghiên cứu.

3. Đánh giá tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

1. Qua đánh giá kết quả thực hiện năm 2023, còn một số chỉ tiêu chưa đạt theo kế hoạch, cụ thể như:

- Chỉ tiêu về công nhận làng nghề, đạt 50% so kế hoạch: qua rà soát hiện trạng các làng nghề chưa đáp ứng đủ điều kiện đề nghị công nhận, như: chưa đủ tỷ lệ 20% số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn, chưa được phê duyệt phương án bảo vệ môi trường, hoạt động chưa ổn định,...

- Chỉ tiêu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, đạt 55,56% so Kế hoạch. Do hiện nay các làng nghề nhóm ngành thủ công mỹ nghệ (đan thúng rỗ, đan lờ, lợp, cần xé, mê bồ, chổi lông gà, đan lụt bình, đan lưới, đan giỏ xách, dệt chiếu, đóng xuồng ghe,...) hoạt động nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất hộ gia đình, chưa có đăng ký kinh doanh, không có bao bì, nhãn mác; từ đó chưa đạt đủ các điều kiện, tiêu chuẩn tham gia chương trình OCOP. Tuy nhiên, các Sở, ngành Tỉnh đang tích cực hỗ trợ Hợp tác xã Bình Thành, hợp tác xã dệt choàng Long Khánh chuẩn hoá sản phẩm làng nghề dệt chiếu, làng nghề dệt choàng tham gia thi sản phẩm OCOP vào năm 2024.

2. Đối với làng nghề về thủ công mỹ nghệ từ lục bình, mây, tre thị trường không ổn định do phụ thuộc vào các công ty xuất khẩu nên công việc của người làm nghề đôi lúc chưa ổn định; sản phẩm hàng hoá của làng nghề chưa đa dạng, chất lượng hạn chế, nên khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường không cao.

3. Một số làng nghề chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ phát triển nghề, do chưa có tổ chức pháp nhân, đăng ký sản xuất kinh doanh để đại diện làng nghề tiếp nhận chính sách hỗ trợ, kết nối tiêu thụ; thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, chủ yếu qua thương lái, bán lẻ tại chợ nên rất bấp bênh (các sản phẩm đan thúng rỗ, lờ, lọp,...).

II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NĂM 2024

1. Mục tiêu chung

Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống của các làng nghề. Khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề tích cực tham gia Chương trình OCOP, từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tiếp tục bảo tồn 16 làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền[16];

- Công nhận ít nhất 01 làng nghề (Làng nghề Khô trâu huyện Tân Hồng); phát triển 02 làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch (Làng nghề đóng xuồng ghe và làng nghề hoa giấy huyện Lai Vung).

- Duy trì, nâng chất các sản phẩm OCOP của các làng nghề đã được công nhận; phấn đấu mỗi huyện, thành phố có nghề truyền thống/làng nghề/làng nghề truyền thống đều có ít nhất 01 sản phẩm làng nghề (hoặc sản phẩm có nguồn nguyên liệu từ làng nghề) tham gia dự thi sản phẩm OCOP.

- Duy trì tỷ lệ 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản theo Kế hoạch số 350/KH-UBND ngày 19/10/2022 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh.

- 100% các làng nghề được Uỷ ban nhân dân Tỉnh công nhận xây dựng phương án bảo vệ môi trường, đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

- 100% các địa phương có làng nghề được công nhận xây dựng kế hoạch và thực hiện Kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề, đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

3. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

3.1. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống

- Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh các làng nghề, làng nghề truyền thống thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, giá trị văn hóa và sự cần thiết bảo tồn, gìn giữ các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống của địa phương; giới thiệu, phổ biến các cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp làng nghề điển hình hoạt động có hiệu quả, phát triển mạnh và phổ biến kịp thời các cơ chế, chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Trung ương và của địa phương về kinh tế tập thể, HTX; tiếp tục vận động thành lập mới HTX từ các làng nghề hoạt động hiệu quả và từ mô hình hội quán.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp.

- Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế từ các mô hình bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống ở tỉnh khác nhằm trao đổi, chia sẻ những giải pháp để xây dựng, phát triển làng nghề mới ở địa phương.

3.2. Đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực

- Tổ chức bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm cho các nghệ nhân, thợ giỏi đạt chuẩn để tham gia giảng dạy, truyền nghề, cấy nghề nhằm duy trì, phát triển làng nghề, làng nghề truyển thống trên địa bàn tỉnh; tập huấn nâng cao kỹ năng tay nghề cho làng nghề đan các sản phẩm từ từ mây, tre, nứa, lục bình (đan mê bồ, thúng, rổ, cần xé, bội, lờ, lọp, lục bình,...).

- Chú trọng công tác tuyển sinh đào tạo đào tạo nghề; cung ứng nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống; rà soát nhu cầu đào tạo nhân lực tại các làng nghề, làng nghề truyền thống để hướng dẫn các địa phương bổ sung chỉ tiêu, thực hiện quy trình tổ chức, đào tạo đúng quy định.

- Vận động, khuyến khích làng nghề, cơ sở nghề truyền thống đăng ký mở lớp đào tạo nghề cho lao động của địa phương và vùng lân cận nhằm củng cố, duy trì hoạt động làng nghề, nhất là các nghề có nguy cơ mai một.

3.3. Thành lập, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh tại các làng nghề

- Hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ, khuyến khích sinh viên, thanh niên khởi nghiệp phát huy các ý tưởng về bảo tồn và phát triển làng nghề của tỉnh; thúc đẩy phát triển sản phẩm làng nghề trên địa bàn tỉnh gắn với Chương trình Khởi nghiệp, cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo hàng năm của tỉnh.

- Hỗ trợ xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng cho các sản phẩm của làng nghề, trong đó chú trọng, ưu tiên sự tham gia của các chủ thể sản xuất là các cơ sở làm nghề tại các làng nghề; hỗ trợ phát triển thương hiệu cho cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề.

- Thí điểm mở rộng dịch vụ kinh doanh sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch làng nghề nông thôn tại các hợp tác xã nông nghiệp, hội quán hiện có.

- Vận động, khuyến khích thành lập hợp tác xã/tổ hợp tác/cơ sở sản xuất kinh doanh cho các làng nghề, làng nghề truyền thống chưa có tổ chức pháp nhân đại diện nhằm tăng khả năng tiếp cận chính sách, kết nối tiêu thụ.

3.4. Phát triển sản phẩm tiêu biểu gắn với phát triển sản phẩm OCOP, du lịch trong xây dựng nông thôn mới

- Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề rà soát, củng cố và hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí sản phẩm OCOP để lập hồ sơ, tham gia dự thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP hàng năm; hỗ trợ nâng chất sản phẩm OCOP đã được công nhận.

- Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cho các làng nghề, làng nghề truyền thống tham gia.

- Rà soát, hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch nông thôn, du lịch làng nghề nhằm khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế nông thôn gắn với bảo tồn làng nghề. Lồng ghép trưng bày sản phẩm, triển lãm hình ảnh, trình diễn thực hành nghề, không gian làng nghề truyền thống phục vụ du khách tham quan trải nghiệm nhân dịp lễ, lễ hội lớn của Tỉnh.

3.5. Hỗ trợ xúc tiến thương mại

- Khuyến khích các cơ sở sản xuất làng nghề tham gia hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ thường niên để quảng bá, xúc tiến thương mại và tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi; tham gia trưng bày, đưa sản phẩm làng nghề vào các sự kiện lễ, lễ hội lớn, quan trọng của địa phương; khuyến khích sử dụng sản phẩm của làng nghề làm quà tặng lưu niệm để góp phần quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài iỉnh.

- Tổ chức tập huấn kiến thức về thương mại điện tử, kinh doanh sản phẩm làng nghề trên sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử; sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm; kết nối tham gia kinh doanh qua sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

3.6. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ

- Khuyến khích doanh nghiêp, cơ sở sản xuất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã số mã vạch cho các sản phẩm, hàng hoá sản xuất trên địa bàn Tỉnh.

- Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn và khai thác các quyền sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ; tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích về KHCN theo Nghị quyết 44/2021/NQ- HĐND ngày 17/8/2021 của Hội đồng nhân dân Tỉnh.

3.7. Bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm

- Tuyên truyền giáo dục, nâng cao trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường của các ngành, các cấp và các chủ cơ sở, doanh nghiệp ở các làng nghề.

- Quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề, thực hiện kiểm kê nguồn thải, áp dụng công cụ kinh tế như thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải, chất thải rắn.

- Theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất trong làng nghề; kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, không để phát sinh ô nhiễm.

- Nghiên cứu lựa chọn công nghệ xử lý chất thải làng nghề phù hợp, ưu tiên công nghệ có khả năng tận thu, tái sử dụng chất thải để đầu tư áp dụng vào xử lý môi trường cho làng nghề.

3.8. Tăng cường quản lý nhà nước đối với làng nghề

- Rà soát, hỗ trợ, chuẩn hóa các sản phẩm làng nghề đủ điều kiện lập hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; đề xuất xây dựng mô hình du lịch nông thôn, du lịch làng nghề có tiềm năng. Tiếp tục hỗ trợ các ngành nghề nông thôn trên địa bàn phấn đấu đạt các tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

- Tổ chức khảo sát, điều tra, thống kê, đánh giá, phân loại danh mục làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh; rà soát, đề xuất các dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ.

- Xây dựng tiêu chí xét công nhận nghệ nhân, thợ giỏi cấp tỉnh về lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp nhằm ghi nhận, vinh danh kịp thời các nghệ nhân, thợ giỏi là những người đang giữ nghề, giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc; làm cơ sở đề nghị trung ương công nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân theo quy định. Hướng dẫn thực hiện hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền tôn vinh, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.

- Lồng ghép, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống giai đoạn 2021 - 2025 gắn với bảo tồn, phát triển làng nghề.

- Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tại địa phương; rà soát hiện trạng các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận đáp ứng tiêu chí nông thôn mới theo quy định; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh của làng nghề lập hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP theo quy định.

4. Kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí thực hiện lồng ghép từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình khuyến công, khuyến nông và các chương trình mục tiêu của Trung ương hỗ trợ; nguồn đầu tư từ ngân sách Tỉnh, ngân sách cấp huyện và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác.

5. Tổ chức thực hiện

- Giao các sở, ban, ngành Tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, căn cứ vào Kế hoạch này lồng ghép vào kế hoạch của ngành, đơn vị và tổ chức triển khai thực hiện (nhiệm vụ cụ thể tại Phụ lục 5 kèm theo). Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao 06 tháng đầu năm (trước ngày 15/6), cuối năm 2024 (trước ngày 15/11), gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tổng hợp, dự thảo báo cáo kết quả thực hiện, trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh trước ngày 30/6 đối với báo cáo 6 tháng và trước ngày 31/12/2024 đối với báo cáo năm.

Yêu cầu các sở, ban, ngành Tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, phối hợp thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung nêu trên. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh giải quyết kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN và PTNT (báo cáo);
- Cục KTHT và PTNT (báo cáo);
- MTTQVN Tỉnh;
- CT và PCT/UBND Tỉnh;
- Các Sở: NNPTNT, KHĐT, TC, CT, LĐTBXH, TNMT, KHCN, VHTTDL;
- LĐVP/UBND Tỉnh;
- Hội ND Tỉnh; HLHPN Tỉnh; HCCB Tỉnh; LMHTX Tỉnh;
- Đoàn TNCSHCM Tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Lưu VT, NC/KT (NTB).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Phước Thiện

 



[1] Gồm 07 làng nghề (03 làng nghề đan lờ, lợp; làng nghề đan cần xé; làng nghề đan bội huyện Lai Vung; Làng nghề đan lưới, đan thúng rổ huyện Lấp Vò); 09 làng nghề truyền thống (01 làng nghề đóng xuồng ghe huyện Lai Vung; 04 làng nghề đan mê bồ thành phố Cao Lãnh; 04 làng nghề sản xuất bột thành phố Sa Đéc).

[2] Theo đăng ký của các địa phương: có 02 làng nghề đan thảm lục bình tại xã Nhị Mỹ và Xã Mỹ Thọ huyện Cao Lãnh; 01 làng nghề sản xuất bột ấp Tân Thuận, xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành; Nghề làm nem tại các xã Tân thành, Long Hậu và thị trấn Lai Vung.

[3] Gồm nghề truyền thống làm Nem Lai Vung, huyện Lai Vung; làng nghề đan các sản phẩm mỹ nghệ từ lục bình xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh (Quyết định số 1266/QĐ-UBND-HC ngày 07/12/2023 UBDN Tỉnh về ban hành Quyết định về việc công nhận Làng nghề đan các sản phẩm mỹ nghệ từ lục bình ấp Mỹ Đông Bốn, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; Quyết định số 1267/QĐ-UBND-HC ngày 07/12/2023 UBDN Tỉnh về ban hành Quyết định về việc công nhận nghề truyền thống làm Nem Lai Vung, huyện Lai Vung).

[4] Huyện Cao Lãnh (09 sản phẩm từ lục bình của Công ty CP Artex), TP Sa Đéc (06 sản phẩm từ làng nghề truyền thống sản xuất bột), Huyện Châu Thành (01 sản phẩm từ làng nghề sản xuất bột).

[5] Làng nghề đóng xuồng ghe và làng nghề hoa giấy huyện Lai Vung theo Kế hoạch số 350/KH-UBND ngày 19/10/2022 của UBND Tỉnh.

[6] Có 05 sản phẩm được đánh giá từ 3-4 sao.

[7] + CÔNG TY TNHH ĐẶC SẢN KHÔ BẢO QUYÊN (địa chỉ: xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp); bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm (hàng hoá) khô cá các loại. + HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TÂN TÂY (địa chỉ: số 80 đường Nguyễn Chí Thanh, ấp Tân Thành, xã Tân Quy Tây, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp); bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm (hàng hoá) hoa, kiểng. + CÔNG TY TNHH MTV LƯƠNG THỰC KHÁNH VY (địa chỉ: khóm Tân Hòa, phường An Hòa, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp); bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm làng nghề bột

[8] Còn 02 làng nghề truyền thống đan mê bồ, thành phố Cao Lãnh; không tính nghề truyền thống.

[9] Phát sóng 20 số Chương trình Lửa làng nghề trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp; Thực hiện 06 chuyên đề phổ biến đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, HTX, THT, hội quán ở các ngành nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống; Phát sóng 10 câu chuyện truyền thanh về truy xuất nguồn gốc.

Tổ chức 05 lớp tuyên truyền vận động thành lập mới HTX, có 250 người dân tham dự; Tuyên truyền 1.215 cuộc với hơn 22.397 người dự về ý nghĩa văn hóa của sản phẩm, thương hiệu sản phẩm làng nghề, vận động phụ nữ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tập trung khai thác các sản phẩm lưu niệm từ làng nghề, duy trì phát triển các làng nghề.

[10] - Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh: “Cải thiện giống hoa Hồng Lửa và hoa Cúc Tiger phù hợp với Làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp” do Viện Cây ăn Quả miền Nam chủ trì và ThS. Lê Nguyễn Lan Thanh làm chủ nhiệm. Hiện đề tài đang triển khai thực hiện giai đoạn II; đề tài góp phần cải thiện một số giống hoa chủ lực cho nghề trồng hoa ở làng hoa Sa Đéc

- Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh: “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng và hoàn thiện mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” do Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn làm chủ trì và TS. Trần Minh Hải làm chủ nhiệm. Hiện đề tài đang giai đoạn triển khai thực hiện và dự kiến sẽ nghiệm thu trong quý 4/2023; đề tài góp phần phát triển nghề trồng hoa tại TP. Sa Đéc

- Dự án sản xuất thử nghiệm cấp tỉnh: “Nghiên cứu sản xuất nguyên liệu và giá thể trồng hoa kiểng quy mô công nghiệp cho Làng hoa Sa Đéc” do Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh chủ trì và TS. Trần Văn Thịnh làm chủ nhiệm. Hiện dự án đang giai đoạn triển khai thực hiện; dự án góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề trồng hoa kiểng tại TP. Sa Đéc.

- Đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các làng nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” do Trường Chính trị chủ trì và ThS. Lê Minh Sơn làm chủ nhiệm. Đề tài đã được Hội đồng tư vấn đánh gia nghiệm thu thông qua và hiện đang hoàn thiện các sản phẩm theo kết luận của Hội đồng, dự kiến bàn giao ứng dụng trong quý 1/2024.

[11] Huyện Cao Lãnh (09 sản phẩm từ lục bình của Công ty CP Artex), TP Sa Đéc (06 sản phẩm từ làng nghề truyền thống sản xuất bột), Huyện Châu Thành (01 sản phẩm từ làng nghề sản xuất bột).

[12] - Triển khai các đề tài, dự án phục vụ công tác bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, mở các lớp tập huấn kiến thức về sản xuất sạch hơn, tuyên truyền đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp trên Đài Truyền hình và Phát thanh Đồng Tháp; Tập huấn về phát triển sản phẩm tiêu biểu, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng và hình thức.

- Tập huấn “Nâng cao nhận thức về áp dụng, quản lỹ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa” với 70 đại biểu tham dự; Tập huấn nghiệp vụ cho 3 chức danh HTX; Tổ chức lớp sơ cấp Kiểm soát HTX, có 27 người tham dự; tổ chức lớp Sơ cấp Giám đốc cho các HTX NN, có 34 người tham dự; Tổ chức 03 lớp tập huấn chuyên đề “Định hướng phát triển sản phẩm OCOP cho các HTX”, có 117 người dự; Tổ chức 02 cuộc Hội thảo: “Ứng dụng công nghệ nhãn max hàng hoá cho các Hợp tác xã”; “Giải pháp thúc đẩy phát triển tiêu thụ sản phẩm OCOP”, có 91 người tham dự.

- Tổ chức 02 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý cho 120 phụ nữ khởi nghiệp, phụ nữ có sản phẩm tham gia OCOP, thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã; 06 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng chụp ảnh, đưa hình ảnh sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, zalo, facebook... cho phụ nữ khởi nghiệp, phụ nữ có sản phẩm tham gia OCOP, thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã; Tập huấn hướng dẫn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh cho phụ nữ nông dân và thành viên tổ hợp tác… với kinh phí 580 triệu đồng.

- Tổ chức 97 lớp đào tạo nghề cho 2.103 chị, giới thiệu học nghề cho 417 chị, có 2.031 chị được cấp chứng nhận đã hoàn thành khóa học, có 1.813 chị có việc làm sau dạy nghề. Tư vấn nghề cho 5.187 chị, phối hợp truyền nghề cho 5.657 chị, có 4.794 chị có việc làm sau truyền nghề. Các nghề được đào tạo như: sửa kiểng bonsai, tạo sản phẩm từ lục bình, đan thảm lau chân… tổ chức 19 lớp và 01 cuộc tọa đàm có 1.158 đại biểu tham dự về nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý cho phụ nữ khởi nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực phát triển ngành nghề nông thôn, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cho phụ nữ; 01 cuộc Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệp cho phụ nữ khởi nghiệp, phụ nữ có sản phẩm tham gia OCOP, thành viên THT, HTX cho 158 đại biểu tham dự.

- Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức 12 lớp tập huấn về phát triển ngành nghề nông thôn cho cán bộ, công chức cấp huyện, xã.

[13] Hỗ trợ các làng nghề, sản phẩm OCOP của các làng nghề tham gia các Hội chợ triển lãm, trưng bày các sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP của các làng nghề trong và ngoài tỉnh:

- Hội chợ triển lãm ngành Rau - Hoa - Quả HORTEX VIETNAM 2023 tại TP.HCM; Tham gia chuỗi sự kiện “ Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế ”; Hội chợ Xúc tiến thương mại cho khu vực KTTT, HTX khu vực Miền Nam năm 2023; Hội chợ triển lãm sản phẩm kinh tế quốc phòng Việt Nam - Campuchia 2023.

- Trưng bày tại “Khu giới thiệu và thương mại sản phẩm từ Xoài, sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản, đặc trưng của Đồng Tháp”; Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, có tiềm năng xuất khẩu tại chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các tỉnh thanh phía Nam với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức XTTM”.

- Tổ chức Chương trình gặp gỡ “Kết nối cung - cầu nông sản” và hỗ trợ thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của tỉnh Đồng Tháp; Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình “Tuần lễ triển lãm sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của các tỉnh, thành” năm 2023, Chương trình “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2023” và Chương trình Kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2023 tại TP.HCM; tham gia Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) lần thứ 23; Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2023 tại Đắk Nông.

- Tham gia trưng bày tại Hội chợ xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể, HTX khu vực Miền Nam, tỉnh Đồng Nai 03 HTX; Tổ tham gia trưng bày tại Hội chợ xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể, HTX khu vực Miền Bắc, tại thành phố Hà Nội 04 HTX; Tổ chức học tập kinh nghiệm về cách làm hay, phát triển sản phẩm tiêu biểu, truyền thống tham gia chương trình OCOP tại Kiên Giang và Cà Mau.

[14] Trình diễn nghề Dệt chiếu, Đan đát và đan lục bình tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp nhân dịp Lễ hội vía bà Chúa xứ năm 2023.

[15] Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 nghề thủ công truyền thống được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể của tỉnh, gồm: nghề đan mê bồ, nghề rèn, nghề dệt choàng, nghề đan đát, nghề làm bột Sa Đéc, nghề làm chổi lông gà, nghề làm thướt gỗ, nghề hoa kiểng Sa Đéc.

[16] Gồm 07 làng nghề (03 làng nghề đan lờ, lợp; làng nghề đan cần xé; làng nghề đan bội huyện Lai Vung; Làng nghề đan lưới, đan thúng rổ huyện Lấp Vò); 09 làng nghề truyền thống (01 làng nghề đóng xuồng ghe huyện Lai Vung; 04 làng nghề đan mê bồ thành phố Cao Lãnh; 04 làng nghề sản xuất bột thành phố Sa Đéc).

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 26/KH-UBND bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2024

Số hiệu: 26/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
Người ký: Nguyễn Phước Thiện
Ngày ban hành: 23/01/2024
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [5]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 26/KH-UBND bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2024

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…