ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số 254/ KH-UBND |
Lào Cai, ngày 28 tháng 9 năm 2020 |
PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Giai đoạn 2016 - 2020, du lịch Lào Cai đã đạt được kết quả ấn tượng, nhiều dự án du lịch quy mô lớn triển khai đi vào hoạt động có hiệu quả, thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch tại Lào Cai, ngành du lịch từng bước khẳng định là khâu “đột phá” trong phát triển kinh tế của tỉnh, đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV đề ra, tốc độ tăng trưởng khách du lịch tăng gấp đôi so với giai đoạn đoạn trước, đạt mức tăng trưởng bình quân (TTBQ): 22,6%/năm; tổng thu du lịch đạt mức TTBQ: 44,2%/năm. Tổng lượt khách du lịch đến Lào Cai năm 2019 đạt: 5,1 triệu lượt khách[1], vượt 13,5% so với mục tiêu Đề án; tổng thu từ khách du lịch đạt: 19.200 tỷ đồng. Số lượng đơn vị kinh doanh du lịch phát triển cả về chất và lượng, nhiều khách sạn, khu, điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế[2],... Năm 2020 trước ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, Lào Cai là một trong những địa phương đã sớm đề ra nhiều giải pháp phòng, chống dịch và kích cầu, khôi phục tăng trưởng du lịch. Tính đến hết tháng 7, tổng lượt khách đến Lào Cai đạt trên 1.262.000 lượt, doanh thu từ du lịch đạt 4.327 tỷ đồng. Dự kiến năm 2020 đạt trên 2 triệu lượt; doanh thu 9.000 tỷ đồng. Nhìn chung công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, đảm bảo đồng bộ và hiệu quả, môi trường du lịch được cải thiện, nhận thức về du lịch được đổi mới, có chuyển biến tích cực. Kết quả đã hình thành các sản phẩm du lịch nổi bật. Cụ thể như sau:
1. Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng
Nhiều dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái đã đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần nâng số lượng các cơ sở lưu trú du lịch nghỉ dưỡng với hơn 1.300 cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh, tăng gấp đôi so với năm 2015. Hệ thống các khách sạn, khu nghỉ dưỡng (resort) đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao được đầu tư, các thương hiệu hàng đầu về kinh doanh lưu trú đã có mặt tại Lào Cai như Victoria, Acord,... nhiều tiêu chuẩn của chuỗi tập đoàn kinh doanh khách sạn quốc tế được áp dụng tại Lào Cai. Do đó, chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch, nguồn nhân lực du lịch đã được nâng lên và thay đổi tích cực trong thời gian vừa qua: Khu vui chơi giải trí cáp treo Fansipan legend; Khu du lịch sinh thái Topas Ecologe, Hàm Rồng, Cát Cát (Sa Pa); các khách sạn tiêu chuẩn 5 sao (Hotel de la coupole - Mgallery by sofite, Silk Path, Pao’s Sa Pa,...), đem lại nhiều trải nghiệm mới, hấp dẫn cho du khách.
2. Sản phẩm du lịch văn hóa - cộng đồng
- Các di sản văn hóa được xây dựng và khai thác phát triển thành sản phẩm du lịch mang đặc sắc của du lịch Lào Cai, như: Chương trình "Hành trình khám phá cung đường di sản Văn hóa Ruộng bậc thang - Tây Bắc”: Xây dựng và triển khai Chương trình du lịch chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Di sản văn hóa Ruộng bậc thang Lào Cai tại thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát; Chương trình du lịch khám phá nét văn hóa của Chợ phiên vùng cao phục vụ khách du lịch: Chợ Văn hóa Bắc Hà, Chợ Cán Cấu (Si Ma Cai), Chợ Pha Long (Mường Khương), các Chợ Mường Hum, Y Tý (Bát Xát),...; Chương trình du lịch tâm linh dọc sông Hồng thông qua các hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh phục vụ du khách tại Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Đôi Cô, Đền Cô Tân An, Đền Bảo Hà (tỉnh Lào Cai) - kết nối với các Đền: Đông Cuông, Nhược Sơn và Tuần Quán (tỉnh Yên Bái) - Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Tam Giang, Đền Du Yến (tỉnh Phú Thọ),...; các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống được duy trì và phát triển bền vững như: Lễ Tết nhảy người Dao Đỏ, Lễ hội Gầu tào người Hmong, Lễ hội Xuống đồng (lồng tồng) người Tày (Tà Chải, Bắc Hà), Lễ hội Roóng poọc người Giáy (Tả Van, Sa Pa), Lễ Cúng rừng “Gạ ma do”, Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì (Y Tý, Bát Xát).
- Chương trình du lịch "Sắc hoa Tây Bắc" thông qua các Lễ hội Hoa phục vụ du khách tại các địa điểm: Lễ hội Hoa Xuân tại đường An Dương Vương, thành phố Lào Cai; Lễ hội Hoa Sa Pa tại khu vực Ga đi của cáp treo Fansipan, thị trấn Sa Pa, nhằm giới thiệu trưng bày các loài hoa Lan, hoa Anh Đào và hoa Đỗ Quyên của tỉnh Lào Cai; Chương trình du lịch chuyên đề "Mùa hoa Đỗ Quyên" tại Vườn Quốc Gia Hoàng Liên (Sa Pa), rừng già Y Tý (Bát Xát); điểm tham quan Thung lũng hoa Bắc Hà, Công viên hồ Na Cồ (Bắc Hà); Chương trình ngắm hoa Tam giác mạch vào tháng 3 - 4 và tháng 9 -10 tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai kết nối với Hà Giang.
- Du lịch cộng đồng: Được quan tâm phát triển đúng định hướng, gắn với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Lào Cai, với trên 20 điểm du lịch cộng đồng tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên,... hơn 350 hộ gia đình dân tộc thiểu số kinh doanh lưu trú tại gia (homestay) trên địa bàn toàn tỉnh.
- Văn hóa ẩm thực Lào Cai tiếp tục được khai thác, quảng bá hiệu quả đến khách du lịch trong nước và quốc tế: Đã phối hợp với Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Liên hoan Ẩm thực Lào Cai năm 2017, giới thiệu quảng bá các món ăn độc đáo như: Thắng cố Bắc Hà, cá Hồi Sa Pa, thịt lợn muối người Hmong, rượu Pa Dí Mường Khương, xôi màu Nùng Dín,...
3. Sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp - làng nghề
- Hình thành 51 sản phẩm được công nhận OCOP hỗ trợ du lịch phát triển. Nhiều sản phẩm du lịch sinh thái gắn với thăm quan các vườn mận, bưởi, quýt, Thung lũng hoa Bắc Hà, vườn Hồng Mộng Mơ ở Sa Pa,... Các điểm du lịch sinh thái (Thác Bạc, Suối Vàng, Thác Tình Yêu,...) đã được quan tâm xây dựng bước đầu đáp ứng nhu cầu của du khách.
- Sản phẩm du lịch gắn với các nghề thủ công truyền thống: Nghề chạm khắc dân tộc Hmong; nghề thêu thùa thổ cẩm người Dao, Hmong; nghề đan lát mây, tre đan người Hà Nhì,... cũng được quan tâm phát triển.
Nhiều sự kiện quy mô cấp quốc gia và quốc tế được tổ chức thành công tạo được tiếng vang trong nước. Năm Du lịch Quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc do tỉnh Lào Cai đăng cai được tổ chức thành công, quy mô và ấn tượng, thu hút sự tham gia vào cuộc của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, đặc biệt đã hình thành các sự kiện văn hóa, thể thao nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, như: Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, Giải Marathone leo núi quốc tế (VMM), Giải đua xe đạp quốc tế một đường đua hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc, Giải đua xe đạp vượt núi quốc tế theo cung đường thành phố Lào Cai - Bát Xát - Y Tý - Bản Khoang - Sa Pa, Lễ hội 4 mùa, Lễ hội trên mây Sa Pa.
5. Sản phẩm du lịch gắn với thể thao mạo hiểm
Chương trình du lịch "Chinh phục đỉnh cao" như: Đỉnh Fansipan (Sa Pa) và đỉnh Ky Quan San, Nhìu Cồ San (Bát Xát), cùng các giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, “Vó ngựa trên mây” Sa Pa, giải VMM (Marathone quốc tế) được tổ chức thường niên.
6. Sản phẩm du lịch thông minh
Ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo bộ công cụ sản phẩm du lịch thông minh gồm: Cổng du lịch thông minh (www.laocaitourism.vn), kho dữ liệu du lịch thông minh (các app trên di động, Ipad - máy tính bảng) và phần mềm quản lý lưu trú thông minh giúp tuyên truyền quảng bá, tư vấn thông tin rộng rãi cho nhân dân và du khách, tăng cường công tác quản lý du lịch.
7. Liên kết hợp tác phát triển sản phẩm du lịch
Tổ chức nhiều chương trình khảo sát nghiên cứu xây dựng các chương trình (tour) du lịch liên kết phát triển, cụ thể như: Chương trình phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, Tour Du lịch Lào Cai - Điện Biên - Lào - Thái Lan, Chương trình du lịch 2 Quốc gia, 6 điểm đến Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc), liên kết với thành phố Hồ Chí Minh phát triển sản phẩm du lịch mới.
II. Khó khăn, hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát triển sản phẩm du lịch Lào Cai vẫn còn những khó khăn, hạn chế sau:
- Việc xây dựng, khai thác các sản phẩm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Số lượng, chất lượng các sản phẩm du lịch thiếu đặc sắc, còn trùng lặp, nhiều sản phẩm đã khai thác lâu năm chưa được đổi mới; giá trị gia tăng hàm chứa trong sản phẩm thấp, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm.
- Hạ tầng giao thông, điện, nước, bãi đỗ xe, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí cao cấp, du lịch văn hóa, cộng đồng, tâm linh, danh thắng, mua sắm sản vật của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu tăng cao của du khách.
- Còn thiếu nhiều cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng, sinh thái chất lượng cao (Khách sạn từ 3-5 sao có 24 cơ sở, chỉ chiếm gần 2% tổng cơ sở lưu trú trên địa bàn), nên vào các dịp cuối tuần, dịp cao điểm (lễ, tết,…) tại Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa thường có hiện tượng khan hiếm phòng nghỉ (nhất là tại các cơ sở nghỉ dưỡng cao cấp). Đặc biệt, những cơ sở nghỉ dưỡng về lưu trú, resort chủ yếu tập trung tại đô thị (chủ yếu tại khu trung tâm thị xã Sa Pa), ít có những cơ sở nghỉ dưỡng cao cấp ở các vùng du lịch cộng đồng hoặc xa trung tâm đô thị.
- Sản phẩm du lịch văn hóa - cộng đồng còn hạn chế. Còn nhiều di tích (các đền, chùa, dinh Hoàng A Tưởng, bãi Đá cổ, Bảo tàng tỉnh, di tích danh thắng Hàm Rồng, ruộng bậc thang,…), các lễ hội truyền thống, kiến trúc nhà sàn, văn nghệ dân tộc,… chưa được khai thác hiệu quả cho phát triển du lịch. Một số điểm du lịch cộng đồng phát triển tự phát, chưa được định hướng quản lý bài bản; thiếu các homestay chất lượng, một số cơ sở chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện về nhà vệ sinh, buồng phòng và sự trải nghiệm không gian văn hóa vùng cao.
- Sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp - làng nghề, gắn với các tour du lịch chưa được tổ chức nhiều. Các đơn vị lữ hành chưa quan tâm xây dựng chương trình du lịch gắn với trải nghiệm các làng thủ công truyền thống và trải nghiệm các sản phẩm tại các xã có sản phẩm OCOP được công nhận, vì vậy đầu ra cho các sản phẩm OCOP chưa xác định được thị trường thông qua hoạt động du lịch.
- Sản phẩm du lịch sự kiện đã bước đầu phát triển nhưng tập trung chủ yếu tại Sa Pa, thành phố Lào Cai. Hầu hết các địa phương còn lại trong tỉnh chưa đáp ứng đủ điều kiện, khả năng tổ chức các sự kiện quy mô lớn, đông người. Các sự kiện văn hóa, du lịch tại nhiều địa phương chậm đổi mới, thiếu sáng tạo về nội dung,…
- Sản phẩm du lịch gắn với thể thao mạo hiểm còn thiếu đầu tư, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn du khách và những người tham gia (nhất là các hoạt động đua xe đạp, chinh phục các đỉnh núi bằng đường bộ,…). Một số sản phẩm du lịch thể thao mới (vượt thác, dù lượn, chèo thuyền Kayak,…) chậm được đầu tư, hoàn thiện, mới ở bước đầu thăm dò thị hiếu, thị trường.
- Những khó khăn, hạn chế nêu trên chủ yếu do một số địa phương, doanh nghiệp, người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của du lịch nói chung và sản phẩm du lịch nói riêng. Công tác đào tạo nguồn nhân lực có tính chuyên sâu về quản trị và phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho phát triển du lịch còn hạn chế; thiếu cơ chế, chính sách phù hợp để tạo đột phá trong phát triển du lịch. Ngân sách, nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới còn hạn hẹp; chưa thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân vào phát triển sản phẩm du lịch.
- Tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về du lịch chưa được kiện toàn kịp thời và đồng bộ; Chính phủ chưa ban hành được mô hình quản lý Khu Du lịch Quốc gia theo Luật Du lịch năm 2017; cấp huyện thiếu biên chế chuyên trách quản lý lĩnh vực du lịch.
- Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của tỉnh quy mô nhỏ, là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và năng lực đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới.
- Nguồn lực đầu tư, trùng tu tôn tạo các di tích, danh thắng, bảo tồn các lễ hội, các di sản văn hóa, tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch còn khó khăn. Thiếu cơ chế, chính sách phát triển du lịch cộng đồng, chưa ban hành Quy chế quản lý loại hình du lịch cộng đồng thống nhất trên toàn tỉnh.
- Chưa có nhiều các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, Resort, các trung tâm tổ chức sự kiện cao cấp tại Lào Cai. Một số dự án triển khai chậm.
- Các sản phẩm du lịch nông nghiệp OCOP và làng nghề truyền thống còn nhỏ lẻ, chưa phát huy được hiệu quả.
- Sản phẩm du lịch mạo hiểm như du thuyền trên sông Hồng, sông Chảy, leo núi chinh phục đường bộ chưa được quan tâm khai thác chuyên nghiệp.
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
Phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; giải quyết tốt vấn đề môi trường, lao động, việc làm; phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh cao, trong đó ưu tiên xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng thiên nhiên, văn hóa của Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, đảm bảo tính bền vững, có khả năng thu hút khách chi tiêu cao và khách trở lại nhiều lần.
Tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, các đơn vị lữ hành có uy tín trong nước, quốc tế; huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội trong phát triển du lịch.
Xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chuyên nghiệp, mang thương hiệu riêng của Lào Cai, thu hút mạnh mẽ du khách có khả năng chi tiêu cao. Trở thành địa phương có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn nhất so với các tỉnh miền núi trong cả nước.
2.1. Mục tiêu đến năm 2025
- Phấn đấu đón từ 10 triệu lượt khách du lịch trở lên.
- Tổng thu từ khách du lịch: Ước đạt 44.750 tỷ đồng; đóng góp vào GRDP, ước đạt từ 22 - 23%.
- Thu hút 40.000 - 42.000 lao động trong lĩnh vực du lịch (trong đó 18.000 lao động trực tiếp, 24.000 lao động gián tiếp).
- Phát triển 8 nhóm sản phẩm du lịch đặc thù (nghỉ dưỡng cao cấp; văn hóa, cộng đồng; sinh thái, nông nghiệp, làng nghề; thể thao mạo hiểm; hội thảo, sự kiện; mua sắm; du lịch thực tế ảo - du lịch thông minh; du lịch biên giới).
- Tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh: 1.400 cơ sở; số buồng khách sạn tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao: 10.000 buồng.
2.2. Mục tiêu đến năm 2030
Xây dựng Lào Cai trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, với các sản phẩm du lịch đặc sắc nhất khu vực Tây Bắc.
- Phấn đấu đón từ 12 triệu lượt khách du lịch trở lên.
- Tổng thu từ khách du lịch ước đạt: 64.760 tỷ đồng.
- Tạo việc làm cho 50.000 - 55.000 lao động trong lĩnh vực du lịch.
- Dự kiến tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đạt: 1.700 cơ sở; số buồng khách sạn tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao: 15.000 buồng.
1. Duy trì, nâng cấp các sản phẩm du lịch đã có
1.1. Sản phẩm du lịch lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp
- Tập trung nâng cấp Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa trở thành “Kinh đô Du lịch mùa Hè của Việt Nam”.
- Duy trì, nâng cấp giữ vững chất lượng các khách sạn cao cấp, cụ thể các khách sạn 03 sao, gồm 09 cơ sở (Mường Thanh Sa Pa; Suny Mountain; Châu Long; Sa Pa Relux Hotel and Spa; Sao Phương Bắc; BB; Charm; Air Boutique Sa Pa; Green Sa Pa); các khách sạn 4 sao, gồm 05 cơ sở (Amazing Sa Pa; Bamboo; Sa Pa Lodge; Victoria Sa Pa; Pistachio); các khách sạn 5 sao, gồm 02 cơ sở (M Gallerry; Silk Path). Hướng tới duy trì chất lượng về các trang thiết bị, cải tạo vệ sinh môi trường, nguồn nhân lực chuyên nghiệp và cải tạo không gian xanh theo quy chuẩn quốc gia 4391- TCVN 2015 quy định về xếp hạng khách sạn.
- Khu nghỉ dưỡng Topas: Đầu tư thêm các hạng mục (nhà hàng, chòi ngắm cảnh) trở thành Resort độc đáo của Sa Pa và duy trì được bình chọn là một trong các Khu nghỉ dưỡng độc đáo nhất thế giới.
- Khu biệt thự nghỉ dưỡng Jade Hill (Sa pa): Tiếp tục tạo không gian xanh, đầu tư thành các biệt thự nghỉ dưỡng đẳng cấp tại Sa Pa.
1.2. Sản phẩm du lịch văn hóa - cộng đồng
- Quần thể du lịch văn hóa tâm linh Cáp treo Sa Pa: Mở thêm các dịch vụ trải nghiệm văn hóa, các sự kiện văn hóa tiêu biểu của các tỉnh Tây Bắc, đăng cai tổ chức các sự kiện Phật giáo quy mô quốc tế như Đại lễ Phật Đản Vesak thu hút du khách theo Đạo Phật.
- Chương trình du lịch tâm linh dọc sông Hồng: Tiếp tục quy hoạch, mở rộng không gian, trùng tu hệ thống các di tích trên toàn tỉnh, danh lam thắng cảnh phục vụ du khách, trọng tâm là các Đền: Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Đôi Cô, Đền Cô Tân An, Đền Bảo Hà (tỉnh Lào Cai); Đền Mẫu (Bát Xát); Đền Mẫu Sơn (Sa Pa). Duy trì chuỗi du lịch tâm linh kết hợp với các Đền: Đông Cuông, Nhược Sơn và Tuần Quán (tỉnh Yên Bái); Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Tam Giang, Đền Du Yến (tỉnh Phú Thọ),...
- Các sản phẩm Chương trình du lịch gắn với Lễ hội văn hóa truyền thống: Duy trì các Lễ hội theo nguyên tắc tôn trọng bản sắc riêng có của cộng đồng như: Lễ Tết nhảy người Dao Đỏ, Lễ hội Gầu Tào người Hmong, Lễ hội Xuống đồng (lồng tồng) người Tày (Tà Chải, Bắc Hà), Lễ hội Roóng poọc người Giáy (Tả Van, Sa Pa), Lễ Cúng rừng “Gạ ma do”, Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì (Y Tý, Bát Xát). Các sự kiện và Lễ hội khác được bảo tồn, nâng cấp tạo thương hiệu bền vững: Lễ hội Tuyết Sa Pa; Lễ hội Mùa Thu Y Tý đại ngàn; Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà (nâng cấp thành Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà),...
- Chương trình "Hành trình khám phá cung đường Di sản văn hóa Ruộng bậc thang - Tây Bắc”: Xây dựng các điểm dừng chân ngắm cảnh, các công trình vệ sinh, bãi đỗ xe trên các cung đường trải nghiệm và triển khai chương trình du lịch chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Di sản văn hóa Ruộng bậc thang Lào Cai tại thị xã Sa Pa (Tả Van) và huyện Bát Xát (Y Tý). Tôn tạo, đầu tư, bảo tồn khu Bãi Đá cổ Sa Pa, Dinh Hoàng A Tưởng Bắc Hà trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn.
- Chương trình du lịch khám phá nét văn hóa của Chợ phiên vùng cao phục vụ khách du lịch: Quy hoạch, sắp xếp lại không gian Chợ Văn hóa Bắc Hà, Chợ Cán Cấu (Si Ma Cai), Chợ Pha Long (Mường Khương), các Chợ Mường Hum, Y Tý (Bát Xát),...
- Du lịch cộng đồng: Duy trì 10 mô hình du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn Asean tại Sa Pa và Bắc Hà; đầu tư nâng cấp các điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) đang khai thác gồm: Điểm DLCĐ thôn Sín Chải, xã Hoàng Liên; Tả Phìn; điểm du lịch thung lũng Mường Hoa - Cầu Mây, Tả Van, Mường Hoa, Liên Minh, Mường Bo, Thanh Bình; Má Tra (phường Hàm Rồng) thuộc thị xã Sa Pa. Nâng cấp xếp hạng các điểm du lịch cộng đồng: Thôn Bản Phố 2, xã Bản Phố, thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, thôn Na Lo (huyện Bắc Hà); thôn Choàn Thẻn, xã Y Tý (Bát Xát); thôn Văng Leng, xã Tung Chung Phố (huyện Mường Khương); xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên).
1.3. Sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
- Phát triển du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp tại thành phố Lào Cai: Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, công nghệ cao gắn với khai thác du lịch như: Khai thác hiệu quả vùng sản xuất chè Linh Dương (Bắc Cường) với các dịch vụ ẩm thực, khám phá,… bổ trợ; vùng trồng hoa, trồng rau chất lượng cao (xã Thống Nhất, Cốc San ) tiếp tục mở rộng hoặc liên kết các cơ sở, đầu tư để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao đặc trưng, thu hút nhân dân và du khách.
- Công viên Nhạc Sơn (TP. Lào Cai): Nâng cấp, tôn tạo cảnh quan (hoa và cây xanh, ánh sáng, điêu khắc nghệ thuật), biểu diễn múa rối nước,... trở thành điểm tham quan du lịch cấp tỉnh.
- Điểm du lịch sinh thái Thảo Nguyên Xanh (TP. Lào Cai): Bổ sung đầu tư nâng cấp các dịch vụ thành mô hình du lịch sinh thái của thành phố, hoàn thiện các điều kiện để công nhận điểm du lịch cấp tỉnh.
- Nâng cấp khu vực nuôi cá hồi, cá tầm thành khu ẩm thực phục vụ du khách tham quan thôn Phìn Hồ, Phìn Hồ Thầu, Ú Sì Sung (Tả Phời), đồng thời phát triển du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm các bản làng dân tộc ít người; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư khai thác hệ thống hang động, thác nước thôn Pèng (Tả Phời) thành điểm du lịch.
- Nâng cấp đầu tư điểm du lịch sinh thái Vườn đá (Sa Pa) trải nghiệm dược liệu bản địa, nghề thủ công truyền thống địa phương.
- Đầu tư nâng cấp Khu du lịch Hàm Rồng (Sa Pa) thành khu du lịch sinh thái trải nghiệm hoa, phong cảnh đặc trưng Sa Pa.
- Khu du lịch Cát Cát (Sa Pa): Đầu tư, nâng cấp trở thành mô hình điểm du lịch khám phá thiên nhiên và văn hóa dân tộc Mông (Sa Pa).
- Điểm du lịch Thác Bạc (Sa Pa): Khắc phục hạ tầng đang xuống cấp, làm mới các địa điểm dừng chân, đảm bảo nguồn nước trên hồ.
- Các điểm du lịch Vườn Hồng Cổ Sa Pa, Vườn Hồng Mộng Mơ (Sa Pa) đầu tư và duy trì là điểm du lịch cấp tỉnh.
- Khu du lịch sinh thái Suối Vàng, Thác Tình Yêu: Đầu tư thêm các thảm hoa đặc hữu, dịch vụ phục vụ du khách (nhà hàng ẩm thực, lưu niệm, dịch vụ chụp ảnh,...).
- Điểm du lịch sinh thái rừng già Sín Chải (Sa Pa) đầu tư các dịch vụ đảm bảo điều kiện xếp hạng điểm du lịch cấp tỉnh.
- Điểm du lịch Thung lũng hoa Bắc Hà: Tiếp tục đầu tư thêm các loài hoa, dịch vụ ẩm thực, nghĩ dưỡng.
- Trang trại Hoa Hồng Km7 (huyện Bắc Hà): Đầu tư nâng cấp thành điểm thăm quan du lịch cấp tỉnh.
- Điểm sinh thái quế xã Xuân Hòa (Bảo Yên): Phát triển nâng cấp thành điểm du lịch sinh thái quế.
- Nâng cấp các điểm du lịch sinh thái của Bảo Thắng: Làng sinh thái Quang Minh; Khu sinh thái Anh Anh thôn Mỏ, xã Xuân Giao.
- Khôi phục và đầu tư xây dựng các nghề làm trống, nghề làm thuốc tắm của người Dao (Sa Pa); nghề trạm khắc bạc của người Mông (San Sả Hồ - Sa Pa), người Dao (Bát Xát); nghề rèn đúc của người Mông, đan lát của người Hà Nhì (Bát Xát); nghề dệt thổ cẩm của người Xa Phó (Sa Pa; xã Hợp Thành - TP. Lào Cai); nghề làm tranh cắt giấy của người Nùng Dín (Mường Khương).
1.4. Sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm
- Nâng cấp Chương trình chạy Marathone kết hợp leo núi chinh phục đỉnh Fansipan (bằng đường bộ - FMM) từ Sín Chải - Cát cát - Trạm Tôn - lên đỉnh Fansipan (Vường Quốc gia Hoàng Liên Sa Pa): Tổ chức thường xuyên hàng năm trở thành 01 sự kiện mang thương hiệu riêng có (Fansipan Mountain Marathone) .
- Nâng cấp giải Marathone vượt núi quốc tế VMM (Công ty Topas) trở thành sự kiện Marathone quốc tế tiêu biểu thu hút cả khách trong và ngoài nước.
- Nâng cấp Giải đua xe đạp 1 đường đua 2 quốc gia trở thành sự kiện thể thao quốc tế hữu nghị, tổ chức luân phiên giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.
- Nâng cấp và duy trì các Chương trình chinh phục đỉnh cao: Chinh phục đỉnh Ky Quan San, Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San (Bát Xát); núi Ba Mẹ Con (Bắc Hà) thông qua đầu tư an toàn hơn các tuyến đường leo núi, hệ thống biễn chỉ dẫn, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh,...
1.5. Du lịch hội thảo, sự kiện
Mời chuyên gia xây dựng kịch bản, tập huấn, hướng dẫn tính chuyên nghiệp trong tổ chức, quảng bá các sự kiện, Hội nghị, Hội thảo mang tầm quốc gia và quốc tế. Trong đó ưu tiên nâng cấp các sản phẩm du lịch sự kiện độc đáo, mang thương hiệu riêng của tỉnh Lào Cai như: “Chợ tình Sa Pa”, "Vó ngựa Cao nguyên trắng" Bắc Hà, "Y Tý Đại ngàn" Bát Xát; các Lễ hội "Khèn và Hoa", Lễ hội Tuyết, Lễ hội Trên mây Sa Pa, Lễ hội Ẩm thực vùng cao,…; Chương trình du lịch kiểu mẫu 02 quốc gia 06 điểm đến trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
1.6. Du lịch mua sắm
- Chợ Cốc Lếu (TP. Lào Cai): Nâng cấp, sửa chữa khu B đạt tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm; bố trí khu vực dừng đỗ xe ô tô đảm bảo nhu cầu của nhân dân và du khách.
- Chợ du lịch Lào Cai (TP. Lào Cai): Triển khai đồng bộ cả khu tầng 2, duy trì các Kiot thương mại bán sản phẩm phục vụ du khách.
- Trung tâm thương mại Bitis: Đa dạng hóa các mặt hàng phục vụ cho cả khách du lịch nước ngoài.
- Siêu thị Đức Huy: Mở thêm quầy bán mặt hàng đặc sản địa phương phục vụ du khách.
- Chợ đêm thành phố Lào Cai: Đa dạng hàng hóa bán, tạo các quầy bán hàng không giống nhau và các chương trình văn hóa thu hút du khách.
- Chợ văn hóa Sa Pa (thị xã Sa Pa): Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, du khách, bố trí ngân sách đầu tư xây dựng mô hình chợ văn hóa (sắc màu thổ cẩm) và phố chợ đêm gắn với ẩm thực và âm nhạc.
- Chợ Bảo Hà (huyện Bảo Yên): Kêu gọi xã hội hóa đầu tư lại chợ đáp ứng các hạng mục trao đổi mua sắm hàng hóa của nhân dân và khách du lịch hành hương, tâm linh.
- Nâng cấp dịch vụ thương mại ở khu vực của khẩu theo mô hình trung tâm thương mại với hệ thống cửa hàng miễn thuế và trung tâm giới thiệu sản phẩm địa phương phục vụ khách du lịch.
(Danh mục các sản phẩm du lịch đã có đính kèm theo Phụ biểu 1)
2. Phát triển các sản phẩm du lịch mới
2.1. Sản phẩm du lịch lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp
- Phát triển sản phẩm du lịch "Thiên đường nghỉ dưỡng núi tại Sa Pa”. Tập trung thu hút nhóm các nhà đầu tư lớn, uy tín trong nước và nước ngoài đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng có quy mô trên 400 phòng nhằm xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa thành trung tâm nghỉ dưỡng núi và tổ chức hội nghị, hội thảo cấp quốc gia, quốc tế hiện đại, có dấu ấn bản sắc văn hóa độc đáo của vùng Tây Bắc và đạt Tiêu chuẩn điểm du lịch MICE ASEAN.
- Sản phẩm du lịch "Nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe" (xã Tả Phìn - Sa Pa): Khai thác tri thức dân gian về thảo dược của dân tộc Dao và nguồn dược liệu Sa Pa với các sản phẩm thảo dược, thuốc tắm, thuốc ngâm chân, tinh dầu và khu nghỉ dưỡng, tắm thuốc trong nhà và ngoài trời; Khu nghỉ dưỡng Lếch Dao (xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa).
- Du lịch nghỉ dưỡng (xã Y Tý - huyện Bát Xát): Đầu tư mới Khu nghỉ dưỡng cao cấp với nhiều dịch vụ, với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp đáp ứng thị trường khách có thu nhập cao.
- Xây dựng Công viên vui chơi giải trí huyện Bát Xát gắn với sân Golf và các biệt thự nghỉ dưỡng, tắm nước khoáng nóng; sân Golf Bắc Cường (thành phố Lào Cai).
- Xây dựng sản phẩm với các phân khu chức năng theo quy hoạch chi tiết đô thị du lịch Y Tý: Đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng (218,4 ha); đầu tư xây dựng Khu du lịch trải nghiệm (33,6 ha); xây dựng Công viên chuyên đề (150 ha); xây dựng Công viên thể dục thể thao (62,2 ha); xây dựng trại ngựa (22,2 ha); xây dựng các Khu dịch vụ hỗn hợp phục vụ du lịch (75,2 ha).
- Đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trải nghiệm văn hóa bản địa với sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao tại thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, hướng tới khai thác thị trường khách du lịch trong tỉnh và khách du lịch Trung Quốc đi du lịch trong ngày. Đầu tư, khai thác suối khoáng nước nóng (phường Pom Hán, thành phố Lào Cai) phục nhu cầu du khách nghỉ dưỡng, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Khu du lịch sinh thái Thác Mơ (Ngọc Hoa) xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng.
2.2. Sản phẩm du lịch văn hóa - cộng đồng
2.2.1. Sản phẩm du lịch văn hóa
- Quy hoạch, xây dựng hạ tầng đô thị, cảnh quan để đưa vào khai thác tour du lịch Lào Cai City (Đền Thượng, Chùa Tam Bảo, Cầu Kiều, Cột mốc biên giới; Đền Thượng, Thành cổ Lưu Vĩnh Phúc, Công viên Hồ Chí Minh, Đền Cấm, Đền Quan, Đền Vạn Hòa, Chùa Đôi Cô, Chùa Cam Lộ,...).
- Xây dựng Bảo tàng Lào Cai thành điểm thăm quan, trải nghiệm độc đáo nhất vùng Tây Bắc và trở thành Trung tâm nghiên cứu khoa học về di chỉ khảo cổ, văn hóa, lịch sử.
- Hình thành các không gian văn hóa nghệ thuật như: Không gian điêu khắc ngoài trời, không gian bích họa, kiến trúc nghệ thuật, ảnh viện ngoài trời,... để Sa Pa trở thành điểm giới thiệu nghệ thuật trong nước và khu vực "Trung tâm giao lưu văn hóa quốc tế".
- Xây dựng đường dạo bờ kè sông Hồng chạy dọc theo đường An Dương Vương (nền đá, lan can đá trạm khắc, trưng bày hệ thống phù điêu về văn hóa các dân tộc Lào Cai, tạo các điểm dừng chân chụp ảnh,...), tổ chức Hội Hoa Xuân tạo thành tuyến, tour thăm quan du lịch.
- Xây dựng bức tường tranh gốm sứ kết hợp trình diễn ánh sáng dọc bờ ta luy (từ cầu Cốc Lếu đến Cầu Phố Mới) tạo điểm nhấn về đêm thu hút du khách lưu trú tại thành phố Lào Cai.
- Đầu tư chống xuống cấp và tổ chức tour du lịch riêng về trải nghiệm di tích lịch sử Khu chạm khắc bãi đá cổ Sa Pa, di tích danh thắng Ruộng bậc thang Sa Pa (xã Tả Van + xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa).
- Ruộng bậc thang Thung lũng Thề Pả - Di tích danh thắng Quốc gia (xã Y Tý, A Lù): Khai thác chủ yếu vào mùa nước đổ và mùa lúa chín, gắn với các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu tập quán canh tác, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc vùng cao.
- Khai thác sản phẩm du lịch tâm linh tại Bát Xát: Xây dựng kết nối Đền Mẫu, xã Trịnh Tường làm điểm du lịch tâm linh kết nỗi với vòng cung: Đền Thượng (Lào Cai) - Đền Mẫu (Trịnh Tường) - Cột Cờ Lũng Pô (A Mú Sung).
- Xây dựng Đền Cô Ba (thôn Khe Đền, xã Phú Nhuận), Đền Đồng Ân (thôn Quyết Tâm, xã Thái Niên) - Huyện Bảo Thắng theo quy hoạch mới, gắn kết với cảnh quan và văn hóa cộng đồng dân tộc tại địa phương. Kết nối Chùa Liên hoa (xã Phong Niên - Huyện Bảo Thắng) với các điểm du lịch tâm linh của tỉnh.
- Xây dựng quần thể tâm linh Chùa Ba Mẹ Con (xã Thải Giàng Phố - huyện Bắc Hà).
- Bảo tồn, tôn tạo hang động Na Măng (Thôn Pao Pao Chải, xã Pha Long, huyện Mường Khương), động Hàm Rồng (Tổ dân phố Hàm Rồng, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương) khai thác hành điểm thăm quan mới; hang động Mường Vi (xã Mường Vi, huyện Bát Xát): Cải tạo, nâng cấp hệ thống đường và hệ thống biển chỉ dẫn vào hang; tại huyện Văn Bàn: Đầu tư các Hang Thẳm Póng (xã Hòa Mạc), hang Thẳm Hiêm (xã Thẳm Dương), hang Dơi, hang Ba Cửa (xã Khánh Yên Thượng) khai thác thành điểm tham quan, trải nghiệm và kết hợp với du lịch văn hóa cộng đồng người Tày, Thái.
- Bảo tồn, khai thác các di sản văn hóa phi vật thể thành sản phẩm du lịch: Nghi lễ Cúng Thổ công bản; Tết tháng Bảy người Mông Xanh (xã Nậm Xé - huyện Văn Bàn); Nghi lễ Xuống đồng (Lễ hội lồng tồng) người Tày; Nghi lễ Cấp sắc Dao; Nghi lễ Cầu làng (áy lay) Dao Họ (xã Tân An); Lễ hội Đền Cô, xã Tân An; Lễ hội Đền Bảo Hà (xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên) nhằm phát huy hiệu quả quần thể di tích Đền Bảo Hà, Đền Cô - xã Tân An, Đền thờ Hai Cô - xã Kim Sơn, phế tích thành cổ Trấn Hà - xã Tân An.
2.2.2. Sản phẩm du lịch cộng đồng
- Du lịch văn hóa gắn với du lịch cộng đồng xã Tả Phời, Hợp Thành (TP. Lào Cai): Khai thác giá trị văn hóa của các lễ hội, làng nghề truyền thống, đặc trưng văn hóa dân tộc Phù Lá (nhóm người Xá Phó) là dân tộc ít người, mang đậm bản sắc riêng gắn với chợ phiên Hợp Thành.
- Phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa gắn với du lịch cộng đồng các dân tộc Sa Pa với chủ đề “Sa Pa - Xứ sở trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa truyền thống”. Hình thành 5 điểm du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN gắn với đặc trưng 05 dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã gồm: Mường Hoa gắn với văn hóa dân tộc Mông, Bản Hồ gắn với văn hóa dân tộc Tày, Tả Phìn gắn với văn hóa dân tộc Dao, Liên Minh gắn với văn hóa dân tộc Phù Lá (nhóm ngành Xá Phó), Tả Van gắn với văn hóa dân tộc Giáy.
- Khai thác Du lịch cộng đồng của Bát Xát tại: Thôn Choản Thèn (Y Tý) - Văn hóa dân tộc Hà Nhì; thôn Nhìu Cồ San (Sàng Ma Sáo) - Văn hóa dân tộc Mông; thôn Ngải Chồ (Dền Sáng) - Văn hóa dân tộc Dao, xã Y Tý, Sàng Ma Sáo, Dền Sáng, hình thành các Làng Du lịch cộng đồng gắn với đặc trưng các dân tộc. Khai thác tiềm năng khí hậu, cảnh quan, liên kết với các điểm du lịch lân cận (Cầu Thiên Sinh; Rừng già; Ruộng bậc thang; các tuyến du lịch leo núi, trải nghiệm,...).
- Xây dựng Du lịch cộng đồng xã Bản Liền (huyện Bắc Hà) gắn với văn hóa người Tày.
- Xây dựng Làng Văn hóa phía Nam hồ Na Cồ (thị trấn Bắc Hà) gắn với trải nghiệm du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng.
- Tham quan và giới thiệu về Khu du kích Gia Lan (khu căn cứ cách mạng của huyện Văn Bàn); tham quan và tìm hiểu về lịch sử của địa điểm chiến thắng Đồn Khau Co, phế tích Trấn Hà,…. Kết hợp du lịch văn hóa cộng đồng người Tày Văn Bàn, trải nghiệm tuyến đi bộ leo núi chinh phục đỉnh Gia Lan,…
- Du lịch văn hóa, trải nghiệm; Kết hợp du lịch văn hóa cộng đồng (xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn) gắn với dân tộc Tày.
- Xây dựng Làng du lịch cộng đồng xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) hình thành tour du lịch thông qua hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh và thưởng thức các món ăn ẩm thực của đồng bào dân tộc, xây dựng các mô hình homestay.
- Xây dựng Làng du lịch văn hóa cộng đồng xã Lùng Thẩn (huyện Si Ma Cai): Khảo sát, lập hồ sơ xếp hạng phế tích thành cổ gắn với nghĩa quân của Giàng Chẩn Hùng, Giàng Chẩn Mìn, lễ hội cúng rừng người Mông là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; du lịch bản làng, trải nghiệm hái lê mậm tại vườn, ngắm hoa tam giác mạch, thăm thành cổ hang động, rừng nguyên sinh, lưu trú trải nghiệm trong rừng nguyên sinh xã Lùng Thẩn.
- Xây dựng Làng du lịch văn hóa cộng đồng xã Cán Cấu (huyện Si Ma Cai) thành điểm du lịch thăm quan, trải nghiệm làng nghề dệt thổ cẩm thôn Cán Chư Sử, làng nghề nấu rượu thôn Cán Cấu, trình diễn quy trình dệt thổ cẩm và trưng cất rượu gắn với chợ phiên Cán Cấu, tham quan mô hình trồng dược liệu.
- Xây dựng Làng văn hóa cộng đồng xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai); du lịch bản làng, trải nghiệm thăm nhà cổ người Mông, thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng gắn với chợ phiên Sín Chéng, thăm quan trải nghiệm Lễ hội Gầu tào.
- Xây dựng Làng văn hóa cộng đồng xã Bản Mế (huyện Si Ma Cai); du lịch bản làng, trải nghiệm thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm du lịch sông Chảy.
- Khai thác Chợ phiên Võ Lao - Huyện Văn Bàn (họp vào thứ 7 hàng tuần) trở thành điểm thăm quan, trải nghiệm văn hóa chợ phiên.
- Xây dựng mô hình chợ phiên Chợ Tân An - Huyện Văn Bàn: Quy mô chợ hạng 3 kết hợp với khu kiot thương mại với các sản phẩm tâm linh và nông sản, ẩm thực đặc hữu của địa phương.
2.3. Sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm
- Xây dựng sản phẩm du lịch thể thao vượt thác nước (thác Tình yêu) và thác nước giáp huyện Tam Đường - Lai Châu.
- Xây dựng sản phẩm du lịch thể thao: Dù lượn, lưu trú trên cây, trượt cáp,... tại điểm du lịch Suối Vàng - Thác Tình yêu - Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Sa Pa.
- Xây dựng sản phẩm du lịch “Chinh phục đỉnh cao” Vườn Quốc gia Hoàng Liên, xã Tả Van, Ngũ Chỉ Sơn - Sa Pa, gồm: Khôi phục lại Chương trình leo núi chinh phục đỉnh Fansipan (Sa Pa) theo hướng mới từ bản Séo Mý Tỷ, xã Tả Van (phía Nam) lên đỉnh Fansipan, đi qua rừng hoa Đỗ Quyên, rừng Tùng, rừng Trúc; đầu tư xây dựng mới tuyến leo núi chinh phục đỉnh Ngũ Chỉ Sơn khám phá hệ sinh thái,...
- Xây dựng sản phẩm “Sa Pa - xứ sở của các chương trình du lịch đi bộ dã ngoại và thể thao mạo hiểm hấp dẫn”. Thị xã Sa Pa đầu tư xây dựng 04 tour trekking: Tuor Sín Chải - Ý Lình Hồ - Tả Van - Liên Minh; Tour Hang Đá - Thào Hồng Dến - Hòa Sử Pán - Lếch Dao; Tour Tả Phìn - Móng Sến - Trung Chải; Tour Tả Phìn - Ngũ Chỉ Sơn.
- Phát triển sản phẩm Thể thao cao cấp tại Bát Xát (Sân Golf Y Tý và Sân golf Bản Qua) và thành phố Lào Cai (Sân Golf Bắc Cường).
- Hình thành du lịch mạo hiểm trên sông Chảy (Bắc Hà); đua thuyền Kayak, du lịch trên sông Hồng; chèo SUP, Kayak (xã Mường Hum, huyện Bát Xát).
- Khai thác sản phẩm du lịch mới: Du lịch thể thao mạo hiểm, kết hợp du lịch văn hóa cộng đồng xã Dần Thàng - Dương Quỳ - Thẳm Dương (huyện Văn Bàn). Hình thành điểm du lịch dù bay gắn với du lịch văn hóa cộng đồng tại xã Dần Thàng, ngắm cảnh ruộng bậc thang, tham gia lễ hội và thưởng thức văn hóa ẩm thực của người Tày, xã Dương Quỳ, người Thái, xã Thẳm Dương và phát triển thể thao Dù lượn tại khu vực Mường Hum, Sàng Ma Sáo, Dền Sáng (huyện Bát Xát); hình thành các tuyến chạy marathone chủ đề (tập trung khu vực Y Tý và các xã lân cận).
- Hình thành sản phẩm du lịch mới: Trải nghiệm văn hóa, kết hợp môn thể thao đua xe đạp địa hình tại xã Khánh Yên Trung - xã Làng Giàng (huyện Văn Bàn): Giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của người Tày, Dáy, Dao đỏ, tắm suối Ít Nộc, tham quan đồi chè Tuyết San cổ thụ và thưởng thức chè ống người Dao tại thôn Ít Nộc, xã Làng Giàng; Du lịch thể thao xe đạp tại Bát Xát với các chủ đề: Tuyến Tâm linh Trịnh Tường - Lũng Pô; Tuyến mùa nước đổ, mùa vàng Mường Hum - Sàng Ma Sáo - Dền Sáng - Dền Thàng; Tuyến Y Tý - A Lù; Tuyến đi giữa biển mây Y Tý - Ngải Thầu Thượng - Phan Cán Sử; Tuyến Đi giữa mùa hoa Đỗ Quyên Dền Sáng - Y Tý,...
2.4. Sản phẩm Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp - làng nghề
2.4.1. Sản phẩm du lịch sinh thái
- Xây dựng các trạm dừng chân ngắm cảnh săn mây từ Sa Pa kết nối sang Y Tý (Bát Xát): Trạm dừng chân săn mây Nậm Cang - Nậm Sài; trạm dừng chân ngắm cảnh tại Tả Van; trạm dừng chân ngắm cảnh tải Ngũ Chỉ Sơn, trạm dừng chân ngắm cảnh tại Bản Xèo (Bát Xát), trạm ngắm cảnh săn mây tại trung tâm Y Tý.
- Hình thành các chương trình trải nghiệm Hoa (Đỗ Quyên, Hoa Lan, Hoa Cải, Hồng cổ, Anh Đào,...); trải nghiệm vườn cây ăn trái (đào, mậm, lê, dâu tây,...); tham quan các trang trại nông nghiệp gắn với các sản phẩm OCOP tại Tả Phìn, Ô Quý Hồ, Hàm Rồng, Sa Pả, Mường Hoa,...(thị xã Sa Pa).
- Du lịch sinh thái nghiên cứu, tìm hiểu các loài chim, côn trùng, lưỡng cư trên tuyến leo núi Fansipan, Suối vàng (Sa Pa).
- Du lịch sinh thái diễn giải môi trường khu vực Trạm kiểm lâm Núi Xẻ, khu rừng thôn Tả Van Dáy, xã Tả Van (Sa Pa).
- Khám phá rừng gỗ Nghiến cổ thụ 1000 năm tuổi xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà). Xây dựng khu vui chơi đảo hồ Na Cồ - Thị trấn Bắc Hà thành điểm du lịch sinh thái, giải trí.
- Du lịch sinh thái tại rừng già Y Tý (xã Y Tý, huyện Bát Xát), khai thác các thác nước thành điểm tham quan du lịch sinh thái; Thác Ong chúa, Thác Đỏ Dền Sáng, Thác Y Tý, Thác Rồng.
- Hình thành du lịch trải nghiệm nông nghiệp (Farmstay) kết hợp với văn hóa xã Mường Hum, Y Tý, Trịnh Tường (huyện Bát Xát). Du lịch thăm quan đồi, vườn chè kết hợp trải nghiệm, nghỉ dưỡng gắn với các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề OCOP. Du lịch gắn với các sản phẩm OCOP (chợ Pha Long, Cao Sơn, Thác Tà Lâm) tại các xã Pha Long, Cao Sơn (huyện Mường Khương).
- Du lịch sinh thái, kết hợp du lịch văn hóa cộng đồng xã Liêm Phú - Nậm Tha - Khánh Yên Hạ (huyện Văn Bàn): Xây dựng điểm du lịch sinh thái, lưu trú tham quan Thác bay, khu rừng bách tán, rừng nguyên sinh dải núi Hoàng Liên Sơn, sinh thái thượng nguồn suối Nhù,.... thưởng thức văn hóa ẩm thực dân tộc Tày Liêm Phú, dân tộc Dao Nậm Tha; văn hóa cộng đồng và tắm lá thuốc người Dao đỏ, thôn Lâm Sinh, xã Liêm Phú; văn hóa cộng đồng người Mông, bản Nà Nheo, xã Khánh Yên Hạ,....
- Du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm hệ sinh thái rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên Văn Bàn (xã Liêm Phú, Nậm Xây, Nậm Xé).
- Du lịch sinh thái kết hợp với dịch vụ ăn uống nghỉ dưỡng và nuôi cá nước lạnh ở đỉnh đèo Khau Co, xã Nậm Xé (huyện Văn Bàn).
- Sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng tại xã Bản Xen (huyện Mường Khương): Hỗ trợ các hộ gia đình tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú nhà dân (Homestay) tại xã Bản Xen để tạo ra sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái tại vùng chuyên canh chè tại xã Bản Xen, hỗ trợ khôi phục đội văn nghệ. Hoạt động thăm hồ sinh thái, trải nghiệm hái chè cùng với nhân dân, ăn, nghỉ lưu trú tại các hộ gia đình, giao lưu văn hóa, văn nghệ tại các nhà văn hóa thôn.
- Sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng tại xã Lùng Vai (huyện Mường Khương): Hỗ trợ vay vốn lãi xuất thấp cho 10 hộ gia đình tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú nhà dân (Homestay) tại xã Lùng Vai để tạo ra sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái tại vùng chuyên canh chè tại xã Lùng Vai, hỗ trợ khôi phục đội văn nghệ. Hoạt động thăm hồ sinh thái, trải nghiệm hái chè cùng với nhân dân, ăn, nghỉ lưu trú tại các hộ gia đình, giao lưu văn hóa, văn nghệ tại các nhà văn hóa thôn.
- Sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng tại xã Bản Lầu (huyện Mường Khương): Tạo ra sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái tại vùng chuyên canh chè, chuối, dứa tại xã,....
- Du lịch sinh thái trải nghiệm hang động, thăm viếng miếu thờ anh hùng dân tộc thôn (Giàng Lao Pà) thôn Hòa Bình, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai,...
- Tham quan Rừng Quế xã Nậm Đét, Cốc Lầu, Nậm Lúc (huyện Bắc Hà); Du lịch sinh thái quế xã Xuân Hòa (huyện Bảo Yên).
- Du lịch trải nghiệm Khu nông nghiệp ứng dụng trên cao xã Tà Chải, thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà).
- Trải nghiệm vườn cây ăn quả Lê, Mận, Đào,… xã Thải Giàng Phố, Bản Phố, Tà Chải, Na Hối, Tả Van Chư, Lùng Cải (huyện Bắc Hà).
- Trải nghiệm các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao (dược liệu, hoa, cây ăn quả) tại xã Lùng Phình, Tả Van Chư, Thải Giàng Phố, Nậm Mòn, Tà Chải (huyện Bắc Hà).
- Trải nghiệm vùng trồng Dâu nuôi tằm - xã Bảo Hà, Cam Cọn, Lương Sơn, Xuân Thượng (huyện Bảo Yên).
- Trải nghiệm vùng sản xuất chè đặc sản Mường Khương, xã Thanh Bình, Tả Thàng (huyện Mường Khương).
2.4.2 Sản phẩm du lịch gắn với làng nghề
- Phát triển thương hiệu sản phẩm thổ cẩm Sa Pa tại xã Tả Van, Mường Bo, Tả Phìn, Bản Hồ, Liên Minh thành quà tặng lưu niệm thay thế cho các sản phẩm thổ cẩm công nghiệp không có nguồn gốc xuất xứ tại Sa Pa, nhằm vinh danh sản phẩm truyền thống, tạo việc làm và thu nhập bền vững.
- Trải nghiệm văn hóa, thổ cẩm người Dao trên tuyến Tòng Sành - Phìn Ngan (huyện Bát Xát).
- Hình thành Làng nghề Mây, Tre đan xã Minh Lương, Làng Giàng, Nậm Tha (huyện Văn Bàn) tạo điểm thăm quan, trải nghiệm và tìm hiểu về quy trình sản xuất ra các sản phẩm từ mây, tre đan; sản xuất các sản phẩm mây, tre đan phục vụ nhu cầu của du khách.
- Xây dựng Làng nghề Thổ cẩm (xã Liêm Phú, Khánh Yên Trung, Dương Quỳ, Dần Thàn, Nậm Tha, Sơn Thủy - Huyện Văn Bàn) tạo điểm thăm quan, trải nghiệm và tìm hiểu về quy trình sản xuất ra các sản phẩm thổ cẩm; sản xuất các sản phẩm thổ cẩm phục vụ nhu cầu của du khách.
- Hình thành các trung tâm thảo dược: Làng thảo dược dân tộc (Linh Dương - TP. Lào Cai); trung tâm thảo dược Dao đỏ, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa; trung tâm văn hóa Thảo dược Sa Pa, thị xã Sa Pa; vùng trồng cây dược liệu Chùa Dù (xã Bản Khoang, Tả Giành Phình - Sa Pa); vùng trồng dược liệu Mường Vi (xã Mường Vi, huyện Bát Xát); trung tâm văn hóa Thảo dược Hà Nhì (xã Y Tý - huyện Bát Xát); tắm dược liệu vùng cao xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát; Du lịch sinh thái dược liệu dưới tán rừng (xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà).
2.5. Sản phẩm du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện
- Tổ chức sự kiện xúc tiến thương mại du lịch Lào Cai tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.
- Đăng cai tổ chức Festival: Tinh hoa Tây Bắc tại thành phố Lào Cai.
- Tổ chức các sự kiện hội nghị, hội thảo tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa.
- Tổ chức sự kiện mới: Lễ hội Hoa Hồng và Rượu Vang Sa Pa.
- Giải marathone Nậm Sài - Nậm Cang (Topas).
- Giải chạy Marathone ba môn phối hợp (chạy bộ, đua xe đạp, đua thuyền) tại Bắc Hà.
2.6. Sản phẩm du lịch mua sắm
Xây dựng Trung tâm Xúc tiến Thương Mại và chợ biên giới (Khu vực Thương mại Kim Thành - TP. Lào Cai) đa chức năng như: Tổ chức hội chợ triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, mua bán trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, giao dịch thương mại điện tử, chợ nông thủy hải sản. Đây sẽ là khu hạt nhân của Khu Kinh tế cửa khẩu trong mua sắm hàng cho nhân dân và du khách.
2.7. Sản phẩm du lịch thực tế ảo - du lịch thông minh
- Xây dựng sản phẩm du lịch thực tế ảo tại Bảo tàng Lào Cai, Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Nhà Bãi đá cổ, Dinh Hoàng A Tưởng, Nhà Du lịch Sa Pa, Trung tâm giao lưu văn hóa Lào Cai.
2.8. Sản phẩm du lịch biên giới
- Xây dựng những sản phẩm hợp tác quốc tế giữa các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc.
- Xây dựng các chương trình (tour) tham quan trong ngày tham quan, trải nghiệm các dịch vụ vui chơi giải trí tại thành phố Lào Cai và ngược lại.
- Khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của khách du lịch Trung quốc như: Casino, vũ trường, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giải trí cao cấp.
2.9. Sản phẩm du lịch khác (thăm quan các khu công nghiệp, thủy điện)
- Thăm quan: Tổ hợp khai thác và tuyển quặng Apatit Bắc Nhạc Sơn (xã Đồng Tuyển - TP. Lào Cai) tham quan cảnh quan và các công đoạn của quá trình tuyển Apatit.
- Thăm quan: Nhà máy tổ hợp khai thác tuyển đồng Sin Quyền (xã Bản Vược, Cốc Mỳ - huyện Bát Xát) tham quan khai trường mỏ và nhà máy tuyển của mỏ đồng lớn nhất ở Việt Nam.
- Thăm quan nhà máy luyện đồng tại Bản Qua (xã Bản Qua - huyện Bát Xát): Tham quan các công đoạn của quá trình tuyển đồng.
- Thăm quan: Nhà máy thủy điện Bắc Hà (xã Cốc Ly - huyện Bắc Hà): tham quan nhà máy và tổ chức các dịch vụ trên lòng hồ.
- Du lịch lòng hồ thủy điện Cốc Ly (xã Cốc Ly - huyện Bắc Hà): Du lịch trải nghiệm, khám phá.
- Thăm quan: Tổ hợp hóa chất Đức Giang (thị trấn Tằng Lỏng - huyện Bảo Thắng) tham quan các công đoạn của quá trình sản xuất hóa chất của nhà máy.
- Thăm quan Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 (thị trấn Tằng Lỏng - Bảo Thắng ) tham quan công trình đường hầm giao thông, nhà máy nằm trong núi Hoàng Liên Sơn.
- Du lịch hồ thủy điện trên sông Chảy (huyện Bắc Hà).
(Danh mục các sản phẩm du lịch mới tại Phụ biểu 2)
3. Thu hút các dự án đầu tư về dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh
Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp (FDI), kêu gọi nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); huy động các nguồn đầu tư trong nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, các dự án kinh doanh du lịch.
Huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và của cộng đồng: Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư toàn bộ hay tham gia đầu tư, thu hút sự tham gia của cộng đồng bằng các nguồn lực khác nhau. Cụ thể:
- Thành phố Lào Cai: Dự án Khu vui chơi giải trí, sân golf,... tại các phường Bắc Cường, Nam Cường; Công viên văn hóa, nghệ thuật (Công viên Nhạc Sơn, Kim Tân); Dự án Khu nghỉ dưỡng suối nước nóng phường Pom Hán; Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí.
- Thị xã Sa Pa: Đầu tư phát huy giá trị Bãi đá cổ Sa Pa phục vụ khai thác du lịch; Khu Du lịch thể thao núi Ngũ Chỉ Sơn (xã Tả Giàng Phình); đầu tư nâng cấp di tích động Tả Phìn; đầu tư nâng cấp Tu viện cổ Tả Phìn; đầu tư nâng cấp điểm du lịch Thác Bạc.
- Huyện Bát Xát: Dự án thu hút đầu tư Khu resort cao cấp Cao nguyên Phìn Hồ.
- Huyện Bắc Hà: Khai thác lòng hồ thủy điện Cốc Ly; làng du lịch cộng đồng thôn Phương Mị gắn với bảo tồn văn hóa; Khu du lịch phức hợp núi Ba Mẹ Con - Dự án đảo hồ Na Cồ; đầu tư khai thác điểm du lịch Thác Bản Phố - Hoàng Thu Phố; Làng du lịch cộng đồng Cố Sâm, xã Cốc Ly; điểm du lịch thác Sông Lẫm (xã Tả Củ Tỷ); đầu tư động Thiên Long.
- Huyện Si Ma Cai: Làng du lịch văn hóa cộng đồng xã Lùng Thẩn; Làng du lịch văn hóa cộng đồng xã Cán Cấu; Làng du lịch văn hóa cộng đồng xã Sín Chéng; Làng du lịch văn hóa cộng đồng xã Bản Mế.
- Huyện Bảo Thắng: Dự án du lịch sinh thái Thác Đầu Nhuần, Khu du lịch sinh thái Thác Mơ (Ngọc Hoa), xã Bản Cầm.
- Huyện Mường Khương: Bảo tồn, tôn tạo hang động Hàm Rồng; bảo tồn, tôn tạo hang động Na Măng (xã Pha Long).
- Huyện Bảo Yên: Du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô.
(Danh mục các dự án thu hút đầu tư tại Phụ biểu 3)
(Danh mục Chương trình (tour) du lịch tại Phụ biểu 4)
1. Công tác quy hoạch, đầu tư và chính sách phát triển sản phẩm du lịch
Thực hiện tốt công tác quy hoạch gắn với chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch đảm bảo chất lượng và tính khả thi cao; đặc biệt quan tâm làm tốt công tác quản lý quy hoạch du lịch gắn với quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch các ngành và lĩnh vực. Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Lào Cai. Triển khai thực hiện Quyết định số 1845/QĐ-TTg ngày 26/9/2016 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030; Chương trình hành động số 148-CTr/TU ngày 28/7/2017 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng Đề án phát triển khu du lịch quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế.
Quan tâm đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng mạng lưới giao thông nông thôn, giao thông đô thị kết nối các địa bàn trọng điểm du lịch của tỉnh: Tuyến đường thành phố Lào Cai - Sa Pa; Bảo Thắng - Sa Pa; Sa Pa - Bát Xát; Lào Cai - Y Tý; Lào Cai - Bắc Hà; Lào Cai - Mường Khương; Bắc Hà - Mường Khương; Tuyến du lịch dọc Sông Hồng (Bát Xát - Thành phố Lào Cai - Bảo Yên - Yên Bái),...
Đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ khách du lịch: Hệ thống điện, nước phục vụ kinh doanh du lịch, bãi đỗ xe, khu vệ sinh công cộng, điểm dừng chân ngắm cảnh,... tại các khu trọng điểm du lịch. Ưu tiên thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư chiến lược đẩy nhanh tiến độ thi công sớm đưa vào khai thác sử dụng các dự án, công trình hạ tầng quan trọng: Cảng hàng không Sa Pa; Công viên văn hóa Sa Pa, Khu nghỉ dưỡng Đồi Con Gái, Khu vui chơi giải trí Núi Hàm Rồng Sa Pa, các sân golf (Bản Qua, Y tý - Bát Xát, Bắc Cường - Thành phố Lào Cai), các dự án khách sạn nghỉ dưỡng núi cao cấp tại phân khu Y Tý, Bát Xát; dự án đường đường nối cao tốc Lào Cai - Sa Pa, nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống giao thông, công nghệ thông tin - truyền thông, kết nối các điểm du lịch và hệ thống các dự án dịch vụ cao cấp khác trên địa bàn tỉnh.
2. Công tác đào tạo, phát triển nhân lực ngành dịch vụ du lịch
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và chuyên nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch (startup); ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở thực hành nghiệp vụ du lịch tại Trường Cao đẳng Lào Cai, rà soát đào tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch. Tập huấn tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch. Thực hiện chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch, xây dựng đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu về ngành nghề đào tạo. Tăng cường liên kết với các trường trong nước hoặc quốc tế về công tác đào tạo nguồn nhân lực. Mở các lớp tập huấn cho cộng đồng, hướng dẫn viên tại điểm, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề du lịch.
Thu hút nguồn nhân lực du lịch có trình độ cao từ các địa phương khác về làm việc tại tỉnh Lào Cai. Tiếp tục tuyên truyền, vận động, tập huấn để nâng cao nhận thức, ứng xử văn hóa cho lực lượng lao động phục vụ trong lĩnh vực dịch vụ du lịch.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đặc biệt là người dân ở các khu du lịch, các điểm dịch vụ, du lịch; tăng cường đào tạo nghiệp vụ, ngoại ngữ và kỹ năng phục vụ cho đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp cao. Đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp, khuyến khích đào tạo nghề để chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang dịch vụ du lịch. Tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống cho các cán bộ làm công tác tại cửa khẩu quốc tế bảo đảm ứng xử tạo văn minh trong đón tiếp khách du lịch.
3. Đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch và phát triển thị trường
Tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhằm vào thị trường mục tiêu, lấy sản phẩm và thương hiệu du lịch làm trọng tâm. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện ngoại giao, các hãng truyền thông, các hãng hàng không và các hãng lữ hành lớn ở trong và ngoài nước để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Lào Cai phù hợp với các mục tiêu đã xác định. Biên soạn tài liệu và ấn phẩm hướng dẫn du lịch Lào Cai và các tài liệu liên quan đến các sản phẩm du lịch, hình ảnh để giới thiệu nâng tầm sản phẩm du lịch. Triển khai thực hiện có hiệu quả quyết định số 44/QĐ-TTg ngày 09/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tăng cường hoạt động truyền thông về du lịch. Ứng dụng hiệu quả bộ 3 phần mềm du lịch thông minh “Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Lào Cai”; “Ứng dụng du lịch thông minh trên smartphone” và “Hệ thống khai báo lưu trú trực tuyến”.
Lựa chọn các sản phẩm du lịch đặc trưng giới thiệu hàng năm tại các hội nghị xúc tiến du lịch tại các trung tâm du lịch lớn của cả nước, tổ chức các đoàn khảo sát sản phẩm du lịch cho các hãng lữ hành, báo chí trải nghiệm các sản phẩm du lịch mới tại Lào Cai. Ngoài các thị trường khách trong nước, khu vực Đông Nam Á, cần tăng cường xúc tiến các thị trường du lịch tại Châu Âu, Châu Á.
4. Bảo vệ tài nguyên du lịch, vệ sinh môi trường điểm đến du lịch
Bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch: Chú trọng việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các dự án du lịch, tăng cường kiểm tra hoạt động xử lý nước thải, chất thải ở các khu, điểm du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng (điện, nước) kinh doanh. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn xanh cho các cơ sở dịch vụ lưu trú của Lào Cai. Tăng cường chiến dịch thu gom, xử lý rác thải tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Triển khai chương trình giáo dục toàn dân và giáo dục trong các trường học về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường; giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch cho khách du lịch, cộng đồng dân cư thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua bộ quy tắc ứng xử du lịch của Lào Cai. Triển khai xây dựng các nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các khu, điểm du lịch đã được xếp hạng. Xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về tài nguyên du lịch bao gồm: Tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức, biên chế quản lý nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh đến các huyện, thành phố theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả; thành lập lại Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thành lập Ban Quản lý Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa (sau khi có quy định của Chính Phủ). Trước mắt cần xem xét, nghiên cứu, đề xuất thành lập Ban Quản lý Dịch vụ du lịch theo mô hình đơn vị sự nghiệp tự chủ ngoài công lập. Tăng cường hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai, Hiệp hội Du lịch thị xã Sa Pa để làm vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các cơ quan quản lý nhà nước.
Bổ sung hoàn thiện các quy định, quy chế phối hợp về quản lý hoạt động du lịch, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động du lịch, quản lý tốt các hoạt động kinh doanh của các khu, điểm du lịch về các dịch vụ du lịch, kịp thời kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gian lận trong kinh doanh dịch vụ du lịch, quảng cáo sản phẩm, dịch vụ, không chấp hành niêm yết giá sản phẩm, xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
6. Phát triển du lịch dịch vụ bền vững gắn với bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội
Xây dựng tỉnh Lào Cai trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội, phát triển dịch vụ với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Tăng cường hợp tác trong, ngoài tỉnh, hợp tác quốc tế trong xây dựng các sản phẩm du lịch. Ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa, minh bạch, các thủ tục du lịch tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai, khu vực du lịch vùng biên giới.
Tuyên truyền bộ quy tắc ứng xử du lịch nâng cao nhận thức trong văn minh thương mại, du lịch, hạn chế việc cộng đồng tham gia bán hàng rong, đeo bám khách du lịch, không để phát sinh người lang thang, ăn xin tại các khu, điểm du lịch.
1. Tổng kinh phí cần thực hiện (dự kiến): 24.771,83 tỷ đồng;
Trong đó:
- Củng cố các sản phẩm du lịch hiện có: 4.597,35 tỷ đồng;
- Xây dựng các sản phẩm mới: 17.234,98 tỷ đồng;
- Dự kiến nguồn vốn từ các dự án thu hút đầu tư: 2.989,5 tỷ đồng.
2. Dự kiến nguồn vốn
- Đầu tư ngân sách: 4.943,56 tỷ đồng;
- Vốn đầu tư của Doanh nghiệp: 19.828,27 tỷ đồng.
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chủ trì thực hiện các nội dung phát triển sản phẩm du lịch, phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch.
Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung Kế hoạch, định kỳ báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện
- Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính: Cân đối nguồn vốn, bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch; phối hợp tham mưu xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển sản phẩm du lịch, đề xuất các các giải pháp, dự án thu hút đầu tư du lịch.
- Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng: Tăng cường công tác quản lý phương tiện vận tải hành khách, bảo đảm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn; hướng dẫn triển khai quy hoạch, tổ chức giới thiệu địa điểm đất phù hợp với quy hoạch các dự án phát triển du lịch nói chung và phát triển sản phẩm du lịch nói riêng.
- Sở Công thương: Triển khai thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh các ngành nghề tiểu - thủ công nghiệp đối với đồng bào dân tộc tại các điểm phát triển du lịch cộng đồng. Chủ trì xây dựng và thực hiện dự án thành phần về phát triển Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn với sản xuất đồ lưu niệm phục vụ du lịch. Đề xuất các giải pháp phát triển các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chợ vùng cao đáp ứng nhu cầu du lịch mua sắm.
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp hướng dẫn xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các dự án phát triển du lịch nói chung và phát triển sản phẩm du lịch nói riêng. Chủ trì việc đánh giá tác động môi trường cho các dự án phát triển du lịch. Triển khai, giám sát các chương trình và hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch tự nhiên tại địa phương. Đề xuất quỹ đất dành cho các dự án du lịch dịch vụ.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy hoạch, phát triển, triển khai các dự án về sản phẩm du lịch nông nghiệp. Tham mưu triển khai chương trình OCOP - mỗi xã một sản phẩm gắn phát triển du lịch với nông nghiệp.
- Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu, đề xuất việc thành lập Ban Quản lý Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa; thành lập Ban Quản lý Dịch vụ du lịch; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế sắp xếp bộ máy, biên chế theo hướng ưu tiên, tăng cường cán bộ quản lý nhà nước về du lịch cấp huyện, thị xã, thành phố.
- Sở Khoa học và Công nghệ: Tham mưu triển khai các đề tài nghiên cứu liên quan đến du lịch.
- Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình phản ánh, tuyên truyền, quảng bá về du lịch tỉnh Lào Cai (trong đó tập trung xây dựng những chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc của tỉnh Lào Cai nhằm thu hút khách du lịch). Tham mưu triển khai đề án đô thị thông minh và du lịch thông minh.
- Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: Tăng cường tuyên truyền, thông tin quảng bá các sản phẩm du lịch của tỉnh Lào Cai. Tuyên truyền nêu gương các mô hình doanh nghiệp điển hình, sáng tạo phát triển du lịch tại địa phương.
3. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Căn cứ Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh, chỉ đạo xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; phối hợp với cơ quan chủ trì triển khai các nhiệm vụ trên địa bàn.
- Nghiên cứu, xây dựng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với các tour, tuyến, điểm du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và phát huy vai trò cầu nối du lịch Lào Cai tới các doanh nghiệp, các tổ chức du lịch trong và ngoài nước.
- Liên kết hợp tác với các Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch mới./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
[1]Khách quốc tế đạt: 806.000 lượt khách, khách nội địa đạt: 4,3 triệu lượt khách
[2] Toàn tỉnh Lào Cai có 32 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 02 doanh nghiệp nội địa; 1.310 cơ sở lưu trú (tăng gấp 2 lần so với 2015) 24 khách sạn 3-5 sao; 32 điểm du lịch cấp tỉnh và 01 Khu du lịch quốc gia Sa Pa, Khu du lịch Cáptreo Fansipan Legend, 02 khu du lịch cấp tỉnh...
Kế hoạch 254/KH-UBND năm 2020 về phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030
Số hiệu: | 254/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tỉnh Lào Cai |
Người ký: | Hoàng Quốc Khánh |
Ngày ban hành: | 28/09/2020 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 254/KH-UBND năm 2020 về phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030
Chưa có Video